Nên Có Nhận Thức Về Phật Hóa Âm Nhạc

(nói chuyện với đoàn âm nhạc Tinh Tấn của Mân Ni Lạp)

    Các bạn trẻ thân mến! Hôm nay quí đoàn mời tôi đến đây, trước để mọi người gặp mặt, sau giảng nói vài câu Phật pháp, thú thật trong lòng cảm thấy hoan hỉ vô cùng! Bởi vì trước kia tôi đã từng đến nơi này, ba năm sau có dịp trở lại, vừa đặt chân đến tôi phát hiện ngay luồng sinh khí mới khác hẳn trước kia, biết có tổ chức thanh niên thành lập đoàn âm nhạc Phật giáo mang tên “Tinh Tấn”. Mọi người dựa vào trợ duyên âm nhạc để học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, rồi dùng tinh thần Phật pháp lãnh đạo hoạt động âm nhạc. Vả lại có rất nhiều thanh niên kiền thành học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà như thế này, cùng quay quần bên nhau, sách tấn, khuyến khích lẫn nhau, truy cầu mục đích tối cao chân, thiện và mĩ, có thể nói việc này làm tôi thấy sung sướng hết sức!

    Tên gọi của quí đoàn là Tinh Tấn, mượn âm nhạc làm nền tảng phương tiện để học tập Phật pháp, do đó tôi cũng muốn đưa ra một chút đạo lí về Phật giáo và âm nhạc, cống hiến cho các vị làm đề tài thảo luận nghiên cứu. Nếu nhớ không lầm, mới đây ở nơi này xuất bản đặc san “Thích-ca Thánh Đản”, trong đó có bài viết của cư sĩ Tô Chí Tường “Ý Nghĩa Trình Diễn Phật Đản Của Đoàn Âm Nhạc Tinh Tấn”, tác giả nói rõ quan hệ giữa âm nhạc và Phật giáo, viết rất tường tận và hay. Bây giờ tôi chỉ điểm lại và bổ sung thêm, hoặc giả nói rộng ra mà thôi.

    Âm nhạc có năng lượng cảm động nhân loại chúng ta rất lớn. Trong Phật giáo Đại thừa, đối với nghệ thuật, đặc biệt âm nhạc, ca hát, hết sức xem trọng. Chúng ta thấy có rất nhiều tín chúng, ai cũng từ trong lời ca tụng, tán ngưỡng ba ngôi báu, sinh khởi được tinh thần tôn giáo, dần dần phát sinh quan hệ tốt với Phật giáo, sau đó phát tâm quay về nương tựa ba ngôi báu. Sau khi đức Như Lai thị hiện nhập Niết-bàn khoảng bốn, năm trăm năm, mọi người đều biết ở Ấn Độ có vị Bồ-tát Mã Minh rất nổi tiếng, tương truyền thầy dùng âm nhạc để hóa độ chúng sinh. Thầy viết một ca khúc hết sức tuyệt diệu làm rung động không biết bao nhiêu con tim khi nghe đến nó (“Lại-tra-hòa-la”), vả lại do chính thầy biểu diễn. Lúc đó, rất nhiều người tín ngưỡng ba ngôi báu vì bài nhạc quá cảm động, thậm chí có người vứt bỏ vương vị, giàu sang phú quí để đi xuất gia. Không chỉ dừng lại chỗ âm nhạc, hơn thế nữa nó là tiếng chuông đồng vang lên mỗi độ trời hừng sáng, làm chấn động và xua tan màn đêm khắp đại địa, cũng sẽ khơi dậy tinh thần tín ngưỡng tôn giáo, ham muốn đến thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà trong mọi người. Cho nên, chúng ta phải khéo léo sử dụng công cụ âm nhạc, làm người hướng dẫn để hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh.

    Ý nghĩa của hoằng pháp, có thể hiểu một cách sơ lượt là tuyên dương, truyền bá Phật pháp. Ở đây có thể phân làm hai loại: 1. Truyền thọ tri thức; 2. Cảm hóa âm nhạc (nghệ thuật). Đem lí luận và phương pháp thực tập giáo nghĩa giải thoát của Phật giáo, phân tích rõ ràng cặn kẽ từng li từng tí, làm cho mọi người có nhận thức chân chính đối với giáo lí và phương pháp tu tập giải thoát của Phật giáo, từ đó tăng thêm lòng tin, chân thật tu hành. Phương thức thuyết giáo dùng lí trí này, đương nhiên rất quan trọng, nhưng có lúc sức cảm hóa của ca hát, ngâm vịnh, lại nhanh hơn, mạnh hơn. Vì nghệ thuật là tình cảm, trực tiếp khêu gợi cảm tình, ý chí, dẫn đến sinh ra sự đồng tình, tình cảm tốt. Trong tăng đoàn âm thanh tán thán Đức Phật được xuất phát từ tâm kiền thành cung kính, hoặc trong âm điệu niệm Phật hết sức hài hòa, khẩn thiết, rất dễ khêu gợi tinh thần tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên trước kia trong tất cả các chùa lớn, đối với vấn đề âm nhạc cũng hết sức xem trọng. Các vị dùng âm nhạc làm điểm chính để thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, nhất định thành quả sau này rất lớn.

    Âm nhạc dễ cảm động lòng người nhất, nhưng không thể thiếu tính chân thật. Nói vậy là ý gì? Bởi âm nhạc phải hát bằng miệng, hoặc dùng nhạc cụ để biểu diễn; thời xưa có tì bà, ống tiêu, ống sáo; hiện đại có kèn acmônica, pianô; trong Phật giáo có trống bằng đồng, cáp. Muốn xướng tấu những loại âm nhạc này, phải dùng tay, miệng để biểu đạt, mà miệng và tay đương nhiên phải được phát khởi từ tâm. Nếu trong tâm không có cảm xúc chân thật, âm nhạc này chắc chắn sẽ không có khả năng cảm động lòng người. Ngược lại, có được cảm xúc phong phú, chân thành khẩn thiết, thế thì bất luận đánh hoặc ca hát đều được, nhất định sẽ cảm động lòng người. Cho nên, âm nhạc, thật tế chính là biểu đạt tiếng nói của cõi lòng. Ví dụ có ca khúc nào đó rất yên tĩnh, ý nghĩa sâu xa, hài hòa dễ chịu, nhưng tâm trạng người biểu diễn, lại đang hết sức buồn rầu, khổ não, thế thì nhất định người nghe sẽ không có cảm giác vui vẻ, thỏa mái. Còn ca khúc bi ai, giả sử trong lòng người nhạc sĩ đang vui vẻ vô cùng, vậy có thể sinh ra đồng cảm bi ai với người khác không? Biểu diễn nhạc cụ, cũng cần phải phối hợp với cảm tình của nội tâm. Tôi muốn lúc các vị ca hát, biểu diễn, nhất định phải thể hội được đạo lí này. Cho nên trước khi biểu diễn, cần phải nhận thức rõ giai điệu của bài hát và chủ đề của giai điệu, sau đó thể hội tâm cảnh này, khêu gợi chân tình của mình, rồi sẽ biểu diễn, ca hát, như thế mới có thể biểu đạt nội dung của âm nhạc, khêu gợi sự đồng cảm của thính chúng.

    Đoàn âm nhạc Tinh Tấn, là đoàn thể âm nhạc Phật giáo hóa, cho nên tất cả bài hát, nhạc khúc, nên lấy Phật giáo làm chính, làm trung tâm. Cho nên tôi hi vọng mọi người trước phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật của nội dung. Thí như ca ngợi công đức của Như Lai, thì cần phải biết một cách rõ ràng sự vĩ đại, tôn quí, từ bi của Đức Phật như thế nào, sau đó mới có thể biểu đạt một cách hoàn chỉnh cảnh giới của Phật. Như nói nhân sinh vô thường, có rất nhiều bi ai, thế thì đối với khổ biến dịch(1) của sinh, lão, bệnh, tử, cho đến các cảnh tượng trước mắt, hư huyễn ra sao? Đều phải có sự thể hội thâm thiết, mới có thể làm cho những người xung quanh sinh khởi cảm giác vô thường như vậy. Lại như tán thán cảnh giới Tịnh độ, đương nhiên đối với thế giới Cực Lạc, vi diệu ra sao, vui vẻ như thế nào, nhất định mình phải đi, giống như không đi không được. Ca hát cần phải có đầy đủ tâm cảnh này, làm cho thính chúng sinh khởi đồng cảm, đồng tình. Bất luận các vị làm gì, học tập, nghiên cứu, hoặc làm công tác giáo hóa mọi người, hi vọng dùng tinh thần này để nỗ lực, tôi muốn các vị thành công càng nhiều, càng lớn.

    Âm nhạc thông thường, âm nhạc Phật hóa, đương nhiên cũng không thể ngoại lệ, có hai tác dụng lớn: (1) Đầy đủ giác quan, (2) Cảm động nội tâm. Có giai điệu, phát ra thanh vận cảm động người nghe, làm cho nhĩ căn nhĩ thức của họ tràn đầy vừa lòng, thoải mái, yên tĩnh. Bất luận vui vẻ, bi ai, nhẹ nhàng, nghiêm túc, đều có thể làm tràn đầy giác quan người ta. Đây chỉ mới cảm giác thấy hay của nhĩ căn nhĩ thức. Song, tất cả âm nhạc đều có khả năng làm cảm động lòng người, ảnh hưởng đến nội tâm người nghe, chuyển hóa tâm thức thính chúng. Bất luận tính chất âm nhạc như thế nào, có ích hoặc tổn hại tâm người, tóm lại đều làm cảm động lòng người, dẫn đến biến đổi tính tình của họ. Cho nên nếu lợi dụng năng lượng cảm hóa lòng người, để tán dương công đức ba ngôi báu, ca tụng sự thanh khiết của Tịnh độ, biểu đạt chân lí giải thoát của Phật-đà, làm cho thính chúng có sự chuyển biến, ảnh hưởng lớn trong cõi lòng, hướng đến phát tâm quay về nương tựa ba ngôi báu, tịnh hóa nội tâm. Hoàn thành nhiệm vụ dùng âm nhạc để hoằng dương Phật pháp, thực hiện mục đích tối cao dùng các loại âm thanh làm Phật sự, như vậy tốt đẹp không gì hơn!

    Kính thưa các vị! Tôi có lời rất khẩn thiết muốn nói với quí vị: Các vị phải xác định rõ không phải tất cả các loại âm nhạc đều tốt. Bởi vì, nếu nội dung ca khúc, hàm chứa ý nghĩa sắc tình, tư tưởng sai lệch, cám dỗ, tuy lúc biểu diễn nghe rất hay, song đưa con người truy cầu dục vọng vật chất, đẩy người ta chìm đắm vào trong vọng tưởng yểu điệu hoang tưởng. Hoặc ca ngợi chiến tranh, khích động hành vi tàn nhẫn, điên cuồng của con người, làm cho lòng người điên cuồng tàn nhẫn. Sở dĩ Phật hóa âm nhạc, không chỉ điển khúc tiết tấu làm cảm động lòng người, mà còn muốn đưa nhân sinh hướng về hòa bình, từ bi, hòa thuận, hợp tác, nhiệt tâm, hướng thượng, quang minh. Tóm lại, âm nhạc có loại tốt cũng có loại xấu, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng, biết lựa chọn.

    Trong truyền thống Trung Quốc chúng ta, mọi người đều hết sức sùng bái Khổng Tử, mà ông ta có trình độ am tường về âm nhạc rất sâu sắc. Trong chương trình giảng dạy cho học trò, có môn học âm nhạc. Song, đối với loại âm nhạc đồi trụy, đưa nhân loại xuống hầm hố đó, lại phản đối cực lực, ông từng nói “trịnh thanh dâm”, dâm chính là bất chính, loại âm nhạc này, sẽ làm cho tâm người nghe nghiêng về khuynh hướng xấu, tư tưởng điên rồ, chạy theo dục lạc. Tôi nghĩ, đoàn âm nhạc Tinh Tấn là đoàn của tôn giáo, là Phật hóa, lúc biểu diễn, ca hát, không nghiêng về êm dịu, nghe thích thú, mà càng phải chú ý đến nội dung.

    Âm nhạc Phật giáo, có một số nguyên tắc cơ bản: Như tán thán công đức của Như Lai, lúc biểu diễn phát huy giáo lí giải thoát của Phật-đà; những nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh thoát đó cần phải làm rõ: Tinh thần khoan dung, hòa bình, trang nghiêm, long trọng, nghiêm túc kính trọng, thành khẩn…, mới có khả năng tương đồng với tinh thần từ bi, giải thoát của Phật giáo. Ngược lại, ca khúc hay, nếu biểu diễn kiểu phù phiếm, lông bông, giống như “mưa lất phất”, đương nhiên sẽ không khêu gợi được tinh thần tôn giáo trong thính giả. Đoàn âm nhạc Tinh Tấn cần chú ý đến tố chất âm nhạc, biểu diễn chỗ tốt đẹp của âm nhạc, không nên bắt chước theo thói xấu ngoài đời.

    Theo như chỗ tôi biết, tín đồ Cơ Đốc giáo ở phương Tây, họ có nhiều lời ca, bài hát rất hay, nghe giáo đồ của họ thành kính, chí thành ca hát, kêu gọi rất nhiều người tin theo tôn giáo của họ. Tôi hi vọng quí đoàn, nỗ lực, tiến bộ không dừng, tương lai cũng có thể sáng tác ra nhiều lời ca, bài hát hoàn thiện, tốt đẹp, để cảm hóa, dẫn dắt càng nhiều người tín ngưỡng Phật pháp, giúp họ đạt được lợi ích chân thật trong giáo pháp giải thoát của đức Như Lai.

    Pháp môn thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà rất nhiều, phương tiện cũng lắm, trong đó có pháp môn phương tiện “nhân lạc đắc lạc”; dùng vui vẻ ở đời hiện tại, thực hiện vui vẻ ở đời sau! Các vị dùng phương tiện âm nhạc để học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, hiện đời luôn ca hát, biểu diễn không thôi, trong lòng sẽ cảm thấy an ninh, vui vẻ, yên tĩnh. Các vị có khả năng chân thành tin Phật, học Phật, nung đúc ở trong âm nhạc Phật hóa, lúc nào thân tâm của các vị cũng thấy vui vẻ, hoan hỉ, tự tại! Như vậy càng có khả năng thực hiện tâm an vui của chúng ta đời sau, cho đến giải thoát, an lạc cứu cánh thành Phật!

    Kính chúc các vị học tập trong âm nhạc, thân tâm nhẹ nhàng, vui vẻ, luôn hướng thẳng đến con đường lớn đầy ánh sáng phía trước!

 


       (1). Biến dịch (變易): Sự thay đổi từ nhân đến quả, theo thứ lớp trước sau.       

 
00:00