Luận “Tây Phương Không Phải Nơi Bồ Tát Nên Đi”

    Trong nguyệt san Giác Sinh mục “Đại Tỉnh Pháp Sư Kỉ Niệm Đặc Tập”, Lã Quân ghi lại di ngôn của pháp sư Tỉnh: “Tây phương không phải là nơi Bồ-tát nên đi”. Điều này đối với hành giả đang thực tập pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sinh Cực Lạc, đương nhiên sẽ phát sinh sự bất đồng kịch liệt. Cư sĩ Đường Tương Thanh gửi thư đến, muốn tôi nói mấy lời. Tôi biết, quả thật nên nói mấy lời. Nhưng Tỉnh pháp sư đã trở về (viên tịch, tạ thế), thầy ấy thật sự có nói không, tôi chẳng biết.

    Phật pháp, vốn chẳng như nhất Phật, nhất kinh, nhất chú mà người ta tưởng tượng. Phật pháp có vô biên phương tiện, thích hợp mọi hoàn cảnh, nơi chốn, thời gian, căn tính, mà lại đầy đủ các đức để quay về nương tựa. Chỉ đơn cử căn tính bất đồng của Bồ-tát, trong Bồ-tát hạnh, có hạng tiến lên từ người, có hạng tiến lên từ trời, có hạng tiến lên từ Thanh văn. Có vị trội về tín nguyện, có vị trội về từ bi, có vị trội về trí tuệ. Bồ-tát Long Thọ nói: “Có Bồ-tát dùng tín (nguyện) tinh tấn nhập vào Phật pháp, vui mừng với công đức của Phật, sinh về Tịnh độ”. Cho nên tu hạnh Phổ Hiền, phát tâm hồi hướng vãng sinh Tây phương tịnh độ, tức là vị Bồ-tát trội về tín nguyện, cũng chính là đạo dễ thực hành đã nói phần trước. Cầu vãng sinh Tịnh Độ mà có khả năng phát tâm Bồ-đề, sao có thể nói vị ấy không phải đang tu Bồ-tát hạnh? Trên lập trường toàn bộ Phật pháp, nếu pháp sư Tỉnh có nói như vậy, nên đính chính lại. Bởi vì Bồ-tát nhất định phải sinh tịnh độ, ngược lại mình cần phải trở thành Bồ-tát của tịnh độ.

    Nhưng, dù pháp sư Tỉnh có nói như vậy đi chăng nữa, cũng không biết bổn ý của thầy là gì, vốn tôi chẳng tiện dựa vào kiến giải của mình để nhận định thầy. Theo tôi suy đoán, có khả năng xảy ra hai trường hợp:

    1. Pháp sư Tỉnh nghiêng về từ bi. Những gì thầy biểu hiện bên ngoài, quả thật như vậy. Thầy là người nhiệt tâm hộ trì giáo pháp; hết sức hi vọng Phật giáo làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Thầy không đặt nặng tín nguyện, không nghiêng về trí chứng. Câu nói này, khả năng được lưu xuất từ trong tâm cảnh của mình; cũng có khả năng đem những gì mình cho quan trọng nhất, triệt để nhất, nói ra dạy mọi người. Đây cũng như thiền giả thời xưa đặt nặng trí chứng, khuyên mọi người không nên hướng ngoại truy cầu, ít nhất trong khoảng chu vi 18.000 dặm ở bốn hướng. Cũng như một bộ phận hành giả Tịnh Độ đặt nặng tín nguyện, cho câu “Nam mô A-di-đà Phật”, là vị thuốc A-già-đà(1), người học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, chỉ cần hết lòng hết dạ với một câu này là đủ rồi! Đương nhiên, theo toàn bộ Phật pháp mà nói, điều này cũng có ưu cũng có khuyết, chưa được xem là viên mãn.

    2. Nghe nói (trong thư Đường cư sĩ có ghi): Tỉnh pháp sư cũng thường xuyên khuyên người niệm Phật. Thế thì thầy nói câu này, có lẽ để đối trị tất-đàn(2) cũng nên! Quả thật như vậy, nhưng nghe nói có một số người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, mà đối với khổ nạn của chúng sinh ở thế giới dơ bẩn trước mắt, đặc biệt khổ nạn nhân loại đang gánh chịu, lại cố tình bịt tai không nghe, che mắt để không thấy. Từ bi, giống như không thể không trở lại thế giới Ta-bà này. Lấy từ bi làm gốc rễ để Phật pháp trụ thế, lợi ích cho nhân gian, Bồ-tát trong mọi lúc mọi nơi, đối với khổ nạn của thế giới này, khổ nạn của chúng sinh, phải nên phát tâm rộng lớn, nghĩ cách giải cứu! Lấy từ bi làm gốc, mà nhằm vào đặt nặng tín nguyện, là chưa rốt ráo, ngược lại có tác dụng đối trị!

    Đứng trên góc độ viên mãn của Phật giáo mà nói, thì câu nói này, chỉ có ý nghĩa đối trị, chứ không triệt để. Tôi nghĩ, hành giả Tịnh Độ nếu có khả năng thực hiện được mục đích của mình, mà không bỏ trách nhiệm trước mắt, ra sức từ bi cứu giúp chúng sinh, tích chứa tư lương tịnh độ, thế thì lời nói của Tỉnh pháp sư, sẽ bị mất ý nghĩa đối trị.

 


     (1). A-già-đà (阿伽陀, tiếng Phạn Agada): Vị thuốc có giá trị vô cùng, uống vào có thể trừ hết các thứ bệnh tật.              

     (2). Đối trị tất-đàn (對治悉檀): Phương pháp tùy bệnh cho thuốc mà đức Như Lai dùng để đối trị phiền não ác nghiệp của mỗi chúng sinh. Một trong 4 Tất-đàn.

Như đức Như Lai nói pháp quán Bất tịnh để phá tham dục, pháp quán Từ bi để phá sân khuể, Không giáo để phá thường kiến, Hữu môn để phá đoạn kiến, đó đều là vì để đối trị các vọng chấp và phiền não của chúng sinh, để thành tựu lợi ích phá chấp diệt ác.                  

 
00:00