Liên quan đến bài viết “Phổ Đà Chí Kí” của tiên sinh Trung Sơn, có người cho rằng đó là do Trần Khứ Bệnh viết thay; có người không tin đó là bài viết thay. Nhưng bất luận giả hay thật, mà ở Phổ Đà sơn, xác thật thấy kì tích, đây là điều không thể phủ nhận. Tôi muốn dùng chuyện mình chính mắt thấy tai nghe, để làm chỗ tham khảo tìm hiểu chuyện này.
Cuối tháng 5 năm Dân Quốc 35 (1946), tôi từ Võ Viện trở về Phổ Đà, lên Duyệt Tạng lầu trên núi Đỉnh Phật nghiên cứu đại tạng kinh. Thầy tri khách Nguyệt Tĩnh, Tụng Lai đến nói cho tôi biết, mới vừa rồi Phổ Đà sơn phát hiện được chữ viết và tranh vẽ của quốc phụ. Các thầy còn lấy tấm hình ra cho tôi xem, tôi liền hỏi tỉ mỉ phát hiện như thế nào, sau khi nghe họ trình bày, tôi cảm thấy rất hợp tình hợp lí. Do đó, tôi viết bài đăng trên Nhật Báo Phật Giáo.
Sự việc như thế này: Vị tri khách Vạn Tùng trước kia của chùa, tuy không phải xuất thân từ núi này, song thầy ở đây rất lâu và quen biết nhiều. Mùa hạ năm đó, thầy tiếp nhận chức trú trì am Tịnh Độ. Am Tịnh Độ là am nhỏ, hiu quạnh, lúc bàn giao, kèm thêm văn kiện đó. Trú trì trước kia của am Tịnh Độ, tôi đã quên tên, làm sao thầy ấy có được đoạn văn này? Nghe người ta nói lại: Lúc tiên sinh Trung Sơn chiêm bái Phổ Đà sơn, hòa thượng Liễu Dư phương trượng trước kia, hầu như đưa ông đi tham quan chiêm bái khắp nơi. Sau khi trở về, dùng cơm tối trong thất của hòa thượng phương trượng. Lúc đàm luận đến chỗ ông thấy pháp tướng trang nghiêm của Bồ-tát, hòa thượng Liễu Dư liền bảo ông hãy viết lại để làm kỉ niệm. Nghe nói, bài “Chí Kí”, được viết trong thất của hòa thượng phương trượng đêm đó. Tiên sinh Trung Sơn đợi đến tối mới xuống núi, đích thân hòa thượng Liễu Dư tiễn khách ra về, nhất thời quên bặt bài viết đó, đến sáng hôm sau hỏi lại, không biết bài viết đã đi đâu rồi. Thì ra, vị trú trì am Tịnh Độ sau này, lúc đó đang làm thị giả cho hòa thượng. Thầy còn nhỏ, không hiểu chuyện, mà lại hết sức ngưỡng mộ tiên sinh Trung Sơn, do đó giấu bài viết đó đi. Trải qua 20 năm sau, thầy đã già yếu, am Tịnh Độ lại hiu quạnh, hoang tàn không thể duy trì; tự biết mình đã già suy, không còn đủ tư cách cũng như khả năng để bảo tồn bài viết đó, do vậy giao lại cho đời sau bảo quản.
Nguồn gốc của bài viết này, theo cách trình bày như trên, rất hợp tình hợp lí. Nếu cho đây là ngụy tạo, không đúng, bởi trú trì am Tịnh Độ trước kia, văn chương và thư pháp, không đủ khả năng viết nỗi bài này!