Theo Phật giáo, con người chủ yếu bao gồm hai phần Tâm và Sắc (Nāma và Rūpa) hay còn gọi là tinh thần và vật chất. Đối tượng của Tâm là pháp, còn Sắc thì được cấu tạo bởi các nguyên tố vật chất.
Tâm đề cập ở đây đồng nghĩa với Thức (citta) bao gồm bốn loại: Tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả hay tâm dị thục và tâm hành hay tâm duy tác(1). Những loại tâm nào sinh khởi với vô tham, vô sân và vô si gọi là tâm thiện. Những loại tâm nào tùy thuộc vào nơi tham, sân và si để sinh khởi gọi là tâm bất thiện.
Các tư tưởng thiện và bất thiện này được gọi chung là Nghiệp; các hành động có tác ý tùy thuộc vào chính bản chất của hành động đó mà sinh khởi.
Tương tợ như bóng với hình, như vang theo tiếng, mỗi tư duy có tác ý đi liền với sáu điều kiện sinh khởi (vô tham, vô sân, vô si; tham, sân, si) mà sinh ra kết quả.
Những loại tâm nào mà chúng ta chắc chắn phải lãnh thọ từ các ý nghĩ thiện và bất thiện gọi là tâm quả hay tâm dị thục. Những loại tâm mà chư Phật và các vị A-la-hán, những bậc chân nhân đã đạt đến giác ngộ, do đoạn tận năng lực tái tạo của nghiệp, được gọi là tâm hành hay tâm duy tác(2).
Theo Phật giáo, hội nhập xã hội có nghĩa là nỗ lực thay đổi những hành vi có cội rễ bất thiện trở thành những hành vi thiện. Mục đích tối hậu của tiến trình này là đạt tới niết bàn hay giải thoát tối hậu; còn mục đích trước mắt là tạo dựng cuộc sống hiện tại an lạc hạnh phúc, cũng như đảm bảo một cuộc sống an lành như thế trong tương lai của đời này và đời sau.
Như thế, khái niệm về hội nhập xã hội phải được hiểu ở cả hai phương diện: Hội nhập xã hội tối hậu và hội nhập xã hội ở ngay đời sống hiện tại. Vì vô minh che lấp, nên lòng tham của con người ngày càng tăng trưởng, vì thế, đã che lấp khả năng nhận thức của chính mình. Kết quả là ta mất khả năng thích nghi với nội tại và ngoại tại, thất bại trong việc hợp nhất những nhân cách riêng trong mỗi chúng ta.
Theo quan điểm Phật giáo, rất ít người trong số chúng ta nỗ lực để đạt đến mục tiêu cuối cùng của một xã hội lý tưởng (được ví như Niết Bàn) “Chỉ có một số ít chúng sanh có thể đến bờ bên kia (giải thoát), số còn lại chỉ loanh quanh bờ bên này”(3). Dẫu cho bản chất cuộc sống là như vậy, nhưng để sống trong một xã hội và để thích nghi với nhau cũng như thiết lập một sự hài hòa trong mỗi tự thân thì sự hội nhập xã hội hiện tại trở nên hết sức thiết yếu.
Theo quan điểm về thời gian, quá trình hội nhập xã hội xuyên suốt qua nhiều đời nhiều kiếp. Quá trình hội nhập xã hội mà chúng ta đang kinh qua được xem như nền tảng để chúng ta hội nhập xã hội trong cuộc sống hiện tại, tương lai cũng như ở kiếp sau. Điều đó, không chỉ thích nghi với xã hội mà còn phù hợp với mưu cầu an lạc cho chính mình và người khác. Điều này chỉ có thể thực hiện một khi chúng ta nỗ lực thay đổi những tâm hành bất thiện thành thiện tâm.
Phật giáo không chấp nhận cái ‘ngã’ thường hằng, vĩnh viễn. Ngã là một khái niệm được tạo ra bởi chính vô minh của chúng ta. “Ta” (một cá nhân) và “chúng ta” (xã hội) tạo ra cái ngã (“Tôi”) này. Và sau khi tạo ra một cái Ngã như vậy rồi, chính cái Ngã này trở thành một vòng tròn khiến chúng ta chạy theo nó. Sự nhận thức bản chất của khái niệm về Ngã giúp chúng ta thăng tiến trên con đường hội nhập xã hội tối hậu (đạt được Niết bàn).
Vì quan niệm về luân hồi cho nên Phật giáo xem hội nhập xã hội cũng có tính luân hồi. Con người tái sinh từ kiếp sống này đến kiếp sống khác và quá trình hội nhập xã hội cũng mang theo mọi tác động của đời sống này sang đời sống kế tiếp. Kết quả do nghiệp mà chúng ta thực hiện trong đời này sẽ phát khởi trong đời kế tiếp. Vì thế, hội nhập xã hội là một quá trình liên kết đời sống của một con người từ kiếp này đến kiếp khác.
Tự nguyện: Không gây tổn thương sinh linh; không lấy của không cho; không tà dâm; không nói dối và không uống rượu hay các chất làm say tạo thành năm giới cấm.
“…Những quy tắc sau đây rất cơ bản trong cuộc sống: Quyền sống bao gồm việc tôn trọng cuộc sống của người khác. Quyền sở hữu vật chất gồm cả việc tôn trọng tài sản của người khác. Quyền hưởng thụ cuộc sống cũng chứa đựng việc thừa nhận người khác cũng có quyền tương tự; quyền được thụ hưởng thú vui cuộc sống liên quan đến trách nhiệm chấp nhận mọi người có quyền tương tự như vậy (ngụ ý không nên cưỡng đoạt niềm vui của người khác làm niềm vui cho mình) - người dịch chú thích thêm - và trong trường hợp hưởng thụ thái quá phải nên ngoài các quyền tư hữu (kể cả niềm vui) của người khác, không nên cướp đoạt niềm vui kẻ khác. Quyền tìm kiếm lẽ phải bao gồm phận sự sống chân thật bởi sự giao hảo không thể thực hiện với người bất tín. Nếu một người say bởi rượu hay các chất khác thì chính người đó đánh mất sự tự trọng bản thân cũng như mất khả năng tự chủ, người đó sẽ trở thành kẻ quấy rầy”(4).
Năm giới này “Tạo thành nền tảng các quyền lợi và nghĩa vụ qua lại giữa con người với nhau, giữa cá nhân và xã hội, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Chúng dựa trên nền tảng của sự hiểu biết, địa vị hay mối quan hệ xã hội của một cá nhân. Chúng thừa nhận sự hiện hữu của mỗi cá nhân, nhưng là những thực thể không tách biệt. Chúng thừa nhận mỗi cá nhân chính là một phần thiết yếu và không thể tách rời trong một tiến trình mà nếu không có sự nỗ lực cá nhân thì tiến trình đó sẽ không chuyển động hay phát triển. Chính mỗi cá nhân tạo nên thế giới và làm cho thế giới quay xung quanh mình. Và cũng chính cá nhân ấy hòa mình vào quá trình này và không thể tách rời khỏi tiến trình này”(5).
Trong quá trình chuyển đổi những căn hành bất thiện sang những căn hành thiện nơi tâm, một cá nhân phải tu tập mười đức hạnh sau để chuyển mình hội nhập hoàn toàn vào xã hội. Mỗi đức hạnh đều có liên quan đến hai thực thể có trong xã hội đó chính là cá nhân đang chuyển đổi và những người khác trong xã hội. Đức hạnh thứ nhất là bố thí, còn tham lam là bất thiện. Trong một gia đình, đây là nguyên tắc cơ bản nhất, chia sẻ vật chất và tinh thần cho mọi thành viên. Sự chia sẻ có trong xã hội dưới những mức độ khác nhau. Nhưng với một người thực tập công hạnh bố thí thì người đó phát triển công hạnh này ở cấp độ cao nhất. Tùy thuộc vào công hạnh bố thí mà người đó đang thực tập sẽ cho biết anh ta đang ở cấp độ nào trong quá trình hội nhập xã hội này.
Đức hạnh thứ hai là kỷ luật (trì giới). Ở cấp độ thấp nhất, chúng ta chịu tác động bởi những kỷ luật từ bên ngoài. Cha mẹ đề ra kỷ luật đối với con cái. Thầy cô tại trường đề ra kỷ luật đối với học sinh. Xã hội hay cộng đồng yêu cầu chúng ta phục tùng không những luật pháp mà còn những tập tục truyền thống hay các tục lệ đã có sẵn. Ngoài ra, có những nhóm riêng biệt hay cộng đồng nào đó có thể đề ra những quy tắc để ràng buộc các thành viên trong cộng đồng với nhau. Việc thực hiện các quy tắc hay kỷ luật sẽ tốt hơn nếu chúng xuất phát từ chính bản thân của chúng ta. Trong Phật giáo, từ Sīla có nghĩa là giới mà một người tự nguyện noi theo. Ở đây, lại nhắc đến mức độ hội nhập xã hội của một người tùy thuộc vào sự tiến tu của người đó trong việc tuân thủ kỷ luật hay giữ giới. Việc không giữ giới hay không tuân thủ kỷ luật được xem như là hành động bất thiện.
Đức hạnh thứ ba là thực tập hạnh viễn ly, nghĩa là từ bỏ những thứ thuộc vật chất và tinh thần không một chút vướng bận. Bạn có thể hi sinh những thứ yêu thích của mình để đem lại lợi lạc cho người khác hay là bạn muốn thâu tóm tất cả về mình? Tư tưởng bất thiện trong trường hợp này là sống ích kỷ; chấp thủ với người, vật và những tình huống xảy ra trong đời sống.
Thứ tư là trí tuệ. Trí tuệ là tri thức cộng với sự tự chứng tự nội. Chúng ta thu thập kiến thức từ trường học, từ xã hội và từ sách vở v.v.. Kinh nghiệm làm cho kiến thức có được hoàn thiện hơn. Sự phân tích nội tâm làm cho kiến thức và kinh nghiệm trở thành trí tuệ. Đối với Phật giáo, sự hội nhập xã hội nhấn mạnh đến yếu tố trí tuệ bởi khi có trí tuệ, nhân loại sống tốt hơn và đạt được niết bàn tối hậu. Nếu tiến trình hội nhập xã hội này đi theo một hướng khác, thì nó là kết quả của việc không có trí tuệ.
Tinh tấn là đức hạnh thứ năm. Ở điểm này, một cá nhân tinh cần, không phóng dật trong các hoạt động cả về thân lẫn tâm sẽ đem lại kết quả tốt đẹp nhất. Đối nghịch với tinh tấn là biếng nhác. Một khi thực hành hạnh tinh tấn thì lười nhác sẽ biến mất, lúc đó ta sẽ đạt tới một trạng thái đầy nghị lực.
Tiếp theo là nhẫn nhục. Hiềm thù hay báo thù là mặt trái của đức tính nhẫn nhục, nó thuộc về tâm bất thiện. Nhẫn nhục có nghĩa là sẵn sàng tha thứ, không oán giận, không ganh ghét, không thù hận và không tìm cách để trả thù.
Không nói dối là một khía cạnh thiết yếu của hội nhập xã hội. Nói láo một khi đã thốt ra bởi tâm hành bất thiện sẽ khiến cho xã hội bị rối ren. Sự hội nhập xã hội nếu dựa sự không chân thật thì hậu quả sẽ không bao giờ tốt đẹp.
Với đức hạnh kiên trì, sẽ tăng sức mạnh nội tâm và thúc đẩy con người hành động. Kiên trì để đạt được những gì mà chúng ta muốn cả thiện tâm lẫn ác tâm. Nhưng để hội nhập xã hội thì chúng ta nên kiên trì giữ tâm thiện nơi chính mình.
Thân thiện hay tâm từ với mọi người được xem là rất hữu ích cho xã hội. Trước hết, nên thực hiện tâm từ với chính mình, sau đó mở rộng từ tâm với mọi người trong gia đình, họ hàng bà con, làng xóm bạn bè và cuối cùng thậm chí đem tâm từ đến với kẻ thù của mình. Biểu lộ từ tâm của mình đến với người khác trước tiên nên thể hiện bằng hành động bên ngoài, sau đó là lời nói và cuối cùng là tư tưởng. Muốn phát triển nhân cách hoàn hảo thì cá nhân đó phải thẩm tra trong tư tưởng thâm sâu của mình xem liệu rằng còn tồn tại những tiềm thức hay cảm thọ giả dối, bất thiện hay không?
Cuối cùng là hạnh xả. Chúng ta nên cố gắng không bị vướng bận bởi những thất tình lục dục của thế gian. Lợi lộc và mất của, danh vọng và tai tiếng, khen ngợi và chê bai, hạnh phúc và đau khổ là bốn cặp phạm trù tác động đến cuộc sống của nhân sinh. Hội nhập xã hội cho phép chúng ta hiểu những phạm trù này và rèn luyện mình để không bị chúng ảnh hưởng.
Theo giáo lý Phật giáo, hội nhập xã hội được thiết lập dựa trên nền tảng đạo đức. Một quy tắc đơn giản của hội nhập xã hội là những gì mình không muốn, không thích thì đừng làm điều đó cho người khác. Quy tắc đạo đức này phải được thể hiện trong: Hành động (thân hành), lời nói (khẩu hành) và tư tưởng (ý hành).
Hội nhập xã hội có thể gồm hai loại là công khai và khép kín. Sự hội nhập công khai được xã hội thành lập và tuân theo các quy tắc và giá trị của xã hội. Còn hội nhập xã hội khép kín thì hoàn toàn ngược lại. Ví dụ, một người nào đó tỏ vẻ yêu mến và quan tâm đến bạn nhưng lại khuyến khích bạn tham gia vào các hoạt động gây tổn hại đến tài sản, tiền bạc. Hay người đó tập cho bạn chơi bài, uống rượu, ăn cắp v.v.. đó chính là hội nhập xã hội khép kín.
Mặc dù hội nhập xã hội khép kín có những khía cạnh tiêu cực như trên, nhưng đôi khi chúng cũng có những vai trò tích cực. Ví dụ, như một ông thương gia hứa cho đứa con một số tiền nếu anh chàng đó đến gặp đức Phật và nghe đức Phật thuyết pháp. Việc này nhằm dụ dỗ (đút lót) cho người con nhưng kết quả cuối cùng là đem lại lợi ích cho chính chàng thanh niên này. Sử dụng phương pháp hội nhập xã hội khép kín như trong trường hợp này rất phổ biến trong phương pháp giáo dục của Phật giáo.
Trong quá trình hội nhập xã hội, Phật giáo đồng nhất các tổ chức như gia đình, dòng họ, cộng đồng và bạn bè thành những thể chế chính cấp. Còn quá trình hội nhập xã hội ở thể chế thứ cấp diễn ra khi chúng ta tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp, tham gia vào một cộng đồng mang tính tôn giáo, như cộng đồng tu sĩ Phật giáo chẳng hạn. Ngoài ra, còn một quá trình hội nhập xã hội khác được gọi là tái hội nhập xã hội. Quá trình này cần thiết vì hai lý do chính sau:
+ Thứ nhất là để phục hồi các mối quan hệ bị mất trong thể chế chính cấp của một cá nhân hay một nhóm nào đó. Ví dụ, trường hợp ông lão Bà-la-môn bị con cái ruồng bỏ(6). Đức Phật đã giáo dục các người con của ông lão để họ thực hiện bổn phận làm con của mình.
+ Thứ hai là củng cố các giá trị xã hội đã tồn tại. Ví dụ, khi những cô gái chuẩn bị lấy chồng, cha mẹ họ đã thỉnh đức Phật tới để ban lời giáo huấn(7). Hay nàng Visākhā được cha răn dạy trước khi về nhà chồng. Hay như nhà vua nước Kosala, trước khi bị con mình xử trảm, ông đã đưa ra những lời khuyên để con mình trở thành một vị vua tốt(8).
Theo Phật giáo, hội nhập xã hội nên bắt đầu từ gia đình. Trong gia đình, chúng ta có thể thấy vai trò cặp đôi của các thành viên trong một gia đình thể hiện như thế nào trong mối quan hệ song phương này. Bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ và con cái, của chồng và vợ, của chủ và tớ, là những cặp vai trò thể hiện sự tương tác lẫn nhau. Chúng ta không thể mường tượng được nếu chỉ thiết lập vai trò của một bên trong mối quan hệ song phương này mà không có sự bổ sung từ phía còn lại. Ví dụ, chúng ta không thể chỉ bàn về vai trò của cha mẹ mà không nói tới vai trò của con cái. Mối quan hệ song phương này không chỉ nói đến trách nhiệm mà còn đề cập tới các quyền lợi. Không có các vai trò mang tính song phương này thì hội nhập xã hội trở nên vô nghĩa.
Thậm chí, trong thể chế chính cấp và thứ cấp của hội nhập xã hội, thì mọi vai trò đều được thành lập dựa trên khái niệm song phương này. Ở trường học, thầy giáo thể hiện vai trò của mình như là một người ‘cha’, còn học sinh là ‘con’. Bổn phận và trách nhiệm của đôi vai trò này thể hiện như sau.
Học trò phải thực thi năm quy tắc đạo đức sau đối với người thầy:
1. Đứng dạy chào hỏi.
2. Hầu hạ thầy.
3. Lắng nghe lời thầy dạy bảo.
4. Giúp đỡ việc cho thầy.
5. Kính trọng lời dạy bảo.
Trách nhiệm và bổn phận của người thầy đối với học trò:
1. Dạy học trò cách đối nhân xử thế.
2. Trao truyền kiến thức rõ ràng, phù hợp với khả năng nắm bắt của học viên.
3. Những gì mà người thầy biết phải truyền đạt cho trò, không hề giấu diếm.
4. Ca ngợi học lực và đạo đức của học trò trước người khác.
5. Quan tâm và bảo vệ học trò(9).
Bạn bè đồng trang lứa tạo thành một tác nhân quan trọng trong quá trình hội nhập xã hội. Chính những người bạn đó góp phần hình thành tính cách của một con người. Những người bạn tốt đem lại lợi ích lớn cho việc hội nhập xã hội, còn những nhóm bạn xấu sẽ khiến ta sa sút. Vì thế, chúng ta nên tránh xa bạn xấu, gần gũi bạn lành.
Có bốn loại người không nên kết bạn, họ luôn tỏ ra là người bạn tốt nhưng thật sự không phải như vậy. Thứ nhất là người đến từ hai bàn tay trắng nhưng luôn tìm cách lấy đồ của người khác. Loại thứ hai luôn nói lời ngon ngọt dụ người. Loại thứ ba miệng nói lời hòa nhã nhưng tâm địa thì độc ác. Và loại cuối cùng trước mặt giả vờ thân thiện nhưng sau lưng tìm cách đánh phá.
Phật giáo phân tích bốn loại bạn đó như sau: Loại bạn thứ nhất luôn đến với bạn với ý muốn chiếm đoạt, xin xỏ vật chất. Nhưng ngược lại, người đó cho bạn rất ít, anh ta chỉ giúp bạn khi ngại bị ảnh hưởng đến mình, chứ không vì tình cảm. Động cơ để thúc đẩy loại người này kết bạn là tính ích kỷ.
Loại bạn thứ hai sở hữu những đặc điểm sau: Tình cảm của anh chàng này chỉ giới hạn trong phạm vi lời nói, thường tán gẫu về những chuyện quá khứ, tương lai, không có căn cứ hay vô bổ. Dễ dàng nhận ra bộ mặt của anh chàng này khi bạn bè nhờ giúp đỡ, anh ta sẽ tìm lý do để xin lỗi và khước từ.
Bản chất của loại bạn thứ ba là luôn khuyến khích bạn tham gia vào các hoạt động phạm pháp, không bao giờ khuyên bạn làm bất cứ điều hay lẽ phải nào. Anh ta luôn nói xấu sau lưng và khen bạn khi đứng trước mặt.
Loại thứ tư luôn mong bạn bước chân vào con đường tự hủy hoại mình. Anh ta khuyến khích bạn uống rượu; thường rủ bạn đi chơi vào những giờ không thích hợp (thường là đêm khuya, giờ của giới giang hồ hoạt động, bị chính quyền liệt vào danh sách đen); hay dẫn bạn tới những quán bar, sàn nhảy, chơi bài bạc v.v.. Đó chính là hội nhập xã hội khép kín. Vì biết những người bạn như thế, biết những kiến thức như thế, sẽ giúp chúng ta thận trọng trong quá trình hội nhập xã hội khép kín.
Cũng có bốn hạng người nên kết thân, chọn làm bạn:
1. Luôn giúp đỡ bạn bè.
2. Hỗ trợ khi bạn bè gặp khó khăn; xem khó khăn của bạn như thể của chính mình.
3. Góp phần gia tăng sản nghiệp của bạn bè.
4. Luôn đối xử tốt với bạn bè.
Loại bạn tốt đầu tiên thể hiện vai trò tích cực trong việc ngăn chặn những thói hư tật xấu khiến mình nghiện ngập, sa ngã như nhậu nhẹt, xì ke ma túy. Hay khi có người nào đó rắp tâm lừa gạt tài sản của mình thì người bạn tốt sẽ cản trở âm mưu này. Khi gặp phải những trường hợp lo lắng hay sợ hãi, người bạn tốt sẽ sát cánh bên mình động viên và an ủi. Nếu cần sự giúp đỡ, người bạn tốt sẽ ra tay giúp nhiều hơn những gì được yêu cầu.
Loại bạn thứ hai đáng để kết thân là những người đồng cam cộng khổ, luôn sát cánh bên mình dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Người bạn đó sẽ giãi bày tâm sự sâu kín của mình cũng như biết lắng nghe tâm sự của người. Người đó không bao giờ khai thác hay đem những câu chuyện riêng tư gây tổn thương đến cho bạn bè. Khi tai họa ập đến, người bạn tốt sát cánh và không bao giờ bỏ rơi bạn bè. Thậm chí, người đó có thể hi sinh cuộc đời mình cho bạn.
Người bạn tốt sẽ tạo điều kiện cho tài sản của mình gia tăng. Người đó không những ngăn cản mình tham gia vào các hoạt động phi pháp, mà còn khuyến khích mình làm điều lành. Người đó sẽ luôn động viên và tạo điều kiện để bạn tiếp thu với những lời dạy hữu ích mà bạn chưa từng được nghe trước đây.
Loại bạn thứ tư với lòng từ của mình, sẽ đồng cảm khi bạn bè gặp khó khăn và hạnh phúc khi bạn bè gặp điều may mắn; ngăn chặn kẻ khác nói xấu bạn mình. Thay vào đó, luôn khen ngợi và tán dương phẩm chất tốt đẹp của bạn bè(10).
Trong kinh mô tả bốn loại bạn nên tránh xa và bốn hạng người nên gần gũi đó để chúng ta có thể lựa chọn một khi hội nhập vào xã hội. Khi con còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn con mình chọn bạn lành để kết thân. Vì khi khôn lớn, chính nhân tố này trở nên rất quan trọng trong việc hội nhập xã hội. Khi con thơ chưa trưởng thành, nếu không đặt vào một môi trường xã hội lành mạnh, đặc biệt là ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa có thể dẫn tới vô số vấn đề nan giải trong tương lai.
Khi chọn bạn bè nên kết thân với những người sẵn sàng giúp đỡ nhau, những người đồng cảm và gắn bó bạn bè trong mọi hoàn cảnh, những người chỉ cho mình con đường tiến bộ và những người lo lắng quan tâm đến mình.
Bạn bè có vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định loại hội nhập xã hội. Trong chuyện tiền Thân của đức Phật(11) có kể câu chuyện về hai anh em con két được chăm sóc và nuôi dưỡng bởi hai nhóm người khác nhau. Một con két rơi vào tay những tên cướp, còn con kia thì được vị ẩn sĩ tu hành nuôi dưỡng. Con két thứ nhất hấp thu những lối nói cộc cằn, thô lỗ của những tên cướp. Trong khi đó, con két được vị ẩn sĩ tu hành nuôi lớn thì nói năng điềm đạm, lời lẽ ôn hòa không giống như người anh em song sinh của mình.
Câu chuyện về con voi của nhà vua là một trong những ví dụ điển hình trong trường hợp này(12). Ngày nào con voi cũng phải nghe những cuộc tranh luận của băng nhóm tội phạm với những lời lẽ cộc cằn, thô lỗ gần nơi nó ở. Vì nghe những lời như thế, tâm tánh của con voi bắt đầu thay đổi. Thay vì như trước đây, nó phục tùng mệnh lệnh của người nài voi, là một con voi hoàng gia có kỷ luật, thì nay nó trở nên cứng đầu, không nghe lệnh chủ. Hay như chú ngựa(13) được huấn luyện bởi một anh què, dáng đi khập khiễng. Thế là chú ngựa ấy cũng bắt chước chủ của mình chạy như què chân. Hay trong câu chuyện Tiền thân(14) khác một người giao du với những kẻ không ra gì dẫn đến suy sụp đời mình.
Nền tảng hội nhập xã hội, cả trong gia đình, trường học và xã hội, đều tuân theo năm quy tắc đạo đức sau: Không nên “Phá hoại mạng sống, lấy của không cho, tà dâm, nói dối và uống rượu”(15). Nền tảng hội nhập xã hội có trong giáo lý Phật giáo chính là việc duy trì năm nguyên tắc đạo đức này. Nhân đây cũng nói thêm rằng, năm nguyên tắc trên luôn được các vị Chuyển Luân Vương áp dụng như là điều luật để cai trị thế giới.
Trong gia đình, quá trình hội nhập xã hội bắt đầu thậm chí trước khi đứa trẻ ra đời (hội nhập xã hội từ trứng nước). Những tập tục và lễ nghi để thích nghi với xã hội phải được định hướng từ khi trẻ còn chưa ra đời. Người cha và người mẹ nên tránh những hành động như cư xử thô lỗ với nhau, chửi mắng nhau và thậm chí giận hờn hay sân si vì chúng sẽ ảnh hưởng đến đứa con trong bụng.
Tình cảm hay tình yêu thương là nền tảng giúp gia đình hội nhập vào xã hội. Những vai trò cặp đôi như vai trò giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng luôn nhấn mạnh đến giá trị tình cảm. Thậm chí, trong quá trình giáo dục, tình cảm là đức tính chính yếu góp phần thành công trong việc trao truyền kiến thức.
Lễ nghi và hội hè hiện diện khắp nơi trong đời sống và những lễ hội nào đó nếu có liên quan tới những tình huống khó khăn trong đời sống thì sẽ góp phần quan trọng đối với việc hội nhập xã hội. Những tình huống khó khăn xảy ra trong khi một nghi thức nào đó đang diễn ra (ví dụ như sanh nở, mừng tuổi, hôn nhân, tử vong) hay khi đương đầu với một sự kiện hết sức nghiêm trọng như trường hợp của hoàng tử Dīgathi Kosala chứng kiến cha mẹ mình bị tử hình. Nhìn đứa con bất lực khi thấy mình bị xử tử, người cha trước khi chết đã có những lời khuyên để con mình có thể tự hội nhập xã hội, và tự mình đối diện với những khó khăn trong tương lai(16). Sự kiện cha mẹ bị xử tử là tình huống kịch tính kết hợp với một nghi thức, còn cảnh ngộ của hoàng tử là tình huống khó khăn bất ngờ ập đến mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Hoàng tử được vua cha dặn dò làm sao để có thể đối diện với những khó khăn không mong muốn, làm sao có thể kiểm soát cơn nóng giận và lòng căm thù của mình để đem lại lợi ích cho chính mình và xã hội.
Trong quá trình hội nhập xã hội, vai trò của tôn giáo cũng quan trọng không kém. Giới tu sĩ dù là tu sĩ Phật giáo, Bà-la-môn hay bất cứ vị tu sĩ của tôn giáo nào cũng đều thể hiện vai trò của mình trong mối quan hệ với giới cư sĩ tại gia. Bổn phận của người tu sĩ đối với giới cư sĩ như sau:
1. Ngăn người cư sĩ phạm tội.
2. Khuyến khích họ khởi lòng từ đến người khác, cầu chúc an lành đến với tất cả.
3. Khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động được mọi người khen ngợi.
4. Nên thuyết giảng những gì mà họ chưa từng được nghe.
5. Giảng giải giáo lý để họ thực sự hiểu, để họ thực sự không còn nghi ngờ.
6. Nên chỉ cho họ con đường chánh đạo dẫn tới giải thoát khổ đau.
Ngược lại, bổn phận của hàng cư sĩ đối với các bậc tu hành như sau:
1. Người cư sĩ nên thể hiện sự quý kính đối với các bậc tu hành.
2. Nên nói với họ bằng những lời quý kính.
3. Luôn cầu an lành đến họ.
4. Nên cúng dường vật dụng thích hợp với nhu cầu của họ.
5. Cúng dường thực phẩm hàng ngày cho họ(17).
Vai trò có tính song phương này nhấn mạnh đến việc thực hiện bổn phận và trách nhiệm của cả hai bên. Trong gia đình, con cái phải biết vâng lời cha mẹ, nhưng khi họ trưởng thành, cha mẹ phải cưới vợ - gã chồng cho họ và còn tin tưởng giao phó việc quản lý tài sản của gia đình. Người con, ngược lại, phải chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ khi về già.
Nếu một bên trong cặp vai trò không hoàn thành bổn phận và trách nhiệm thì sẽ mất đi những quyền lợi của mình. Quyền lợi này được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật. Sự mất đi đặc quyền này được thể chế hóa bởi một số quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật. Việc công nhận mất quyền lợi nếu một khi không hoàn thành trách nhiệm và bổn phận này góp phần rất nhiều đến sự phát triển của tiến trình hội nhập xã hội, khuyến khích việc thay đổi những tư tưởng bất thiện sang tư tưởng thiện của con người.
Các thể chế xã hội thứ cấp cũng có vai trò quan trọng trong việc tác động đến quá trình hội nhập xã hội. Nếu thấy sự hội nhập xã hội thứ cấp cần thiết cho cộng đồng thì những thể chế mới sẽ được thành lập để góp phần thuận tiện cho quá trình tái hội nhập xã hội. Ví dụ, như cộng đồng tu sĩ chẳng hạn một khi được thành lập sẽ đem lại những giá trị đạo đức mới giúp cho việc tái hội nhập cộng đồng của những người đi lầm đường lạc lối.
Những thể chế mới một khi thành lập ở bất kỳ đâu thì đều phải hội nhập với xã hội. Khi nàng Visākhā lấy chồng, một nhóm các bô lão là hàng xóm của cặp vợ chồng trẻ được thành lập, có nhiệm vụ tư vấn những khó khăn mà họ sẽ gặp phải. Sáng kiến về việc thành lập nhóm tư vấn như thế là nét nổi bật của Phật giáo trong quá trình tái hội nhập xã hội.
Khi một người Bà-la-môn thỉnh đức Phật ban lời dạy cho con gái mình trước khi lấy chồng, thì đó chính là cơ hội tuyệt vời để củng cố quá trình hội nhập xã hội. Gia chủ Bà-la-môn thỉnh đức Phật tới nhà, cúng dường bữa cơm như là một lễ nghi và sau đó đức Phật ban lời giáo huấn cho cô con gái sắp về nhà chồng. Việc ban lời giáo huấn chính là việc củng cố việc hội nhập xã hội của cô gái, giúp cho cô gái hội nhập với một cuộc sống mới: “…Này tín nữ, cha mẹ vì thương con cái nên dựng vợ gả chồng, tìm kiếm hạnh phúc cho con, mong con được tốt lành. Vì chồng, ta nên dậy sớm lo việc nhà cửa, nghỉ ngơi sau mọi người, thương kẻ làm công, sắp đặt việc nhà chu đáo, gọn gàng, nói năng hòa nhã”.
“Lại nữa, là người vợ nên tôn trọng, quý kính những ai mà chồng kính trọng, dù người đó là cha hay mẹ, các bậc tu hành, khi họ đến nhà đều phải mời ngồi và dâng trà nước”.
“Lại nữa, là người vợ, phải khéo tay, nhanh nhẹn trong việc gia đình. Khi được giao hay làm việc gì, phải siêng năng để hoàn thành công việc đó”.
“Lại nữa, là người vợ, bất cứ những người làm công cho chồng như người phục dịch, người đưa thư, người làm thuê v.v.. thì ta phải quán xuyến xem công việc giao cho họ đã hoàn thành hay chưa hoàn thành vì lý do gì. Ta phải biết người nào bệnh, người nào khoẻ để quan tâm kịp thời, cũng như phân phát thức ăn cho mỗi người theo khẩu phần thích hợp”.
“Lại nữa, là người vợ, ta phải bảo quản, trông coi tài sản như vàng bạc v.v.. mà chồng đem về, đề phòng trộm cướp chờ thời cướp giật”(18).
Giới trẻ là nhóm tuổi mà xã hội cần đặc biệt quan tâm trong quá trình hội nhập xã hội. Lớp trẻ luôn hãnh diện về tuổi tác của mình chính vì “Ngạo khí đó nên họ không khỏi dấn thân vào chuyện ác, miệng nói lời ác khẩu, ý nghĩ điều bất thiện”. Nên nhìn tuổi trẻ với cái nhìn hiểu biết và cảm thông, giao cho họ trách nhiệm, tạo cơ hội cho họ phát triển kỹ năng, kiến thức và trí tuệ, và nhiều thứ khác nữa. Tấm gương cao quý của các bậc cha anh trong xã hội (những người không bao giờ đi ngược lại những gì họ tuyên bố) luôn là tấm gương quý giá để họ noi gương theo.
(1). Đọc thêm nơi sách Vi Diệu Pháp Toát Yếu, chương I, phần Bốn loại Tâm Vương, bản dịch của Phạm Kim Khánh- người dịch ghi chú.
(2). Ven. Narada, Sambhāsā, 1991
(3). DhP.32
(4). Malalasekera, G.P., ‘Philosophical Implications of the Pañcasīla’ Sambhāsā, 1991;266-273
(5). ibid
(6). S I, 175-177
(7). A III, 26-28
(8). VIN I, 342
(9). DIII, 189
(10). D III, 185-186
(11). J 495
(12). J 26
(13). J 186
(14). J 397
(15). Cf.DhP. 246-247
(16). J. Tr. III. 211
(17). D II,III,80-86
(18). A III, 37-38; IV, 256