Chương V: PHÂN TẦNG XÃ HỘI

    Hệ thống phân tầng xã hội do chính con người tạo ra. Sự phân tầng này như địa vị cao hay thấp, quyền lực mạnh hay yếu đều do ảnh hưởng của những yếu tố sinh lý, vật lý, tâm lý và nghiệp lực, vốn gắn liền với những hành vi có tính cách luân lý và hệ quả của những hành vi đó, cũng như những quy luật thuộc về các hiện tượng tinh thần.

    Tư tưởng Phật giáo nhắm đến việc tìm hiểu những nguyên nhân cùng đưa đến sự hình thành của một hệ thống phân tầng riêng biệt. Chính vô minh của con người đã tạo ra sự phân chia xã hội thành nhiều cấp độ khác nhau, bằng cách gán ghép hay là dựa trên sự hình thành (của xã hội đó). Đường hướng của Phật giáo là phải thấu hiểu căn cơ của sự vô minh này và nhận ra sự vô ích của việc phân tầng như thế trong xã hội loài người.

    Đôi khi Phật giáo cũng cố gắng tìm hiểu con người trong một xã hội bằng cách dựa vào những phẩm chất bên trong vốn có của họ để phân loại họ thành nhiều thành phần khác nhau. Theo Phật giáo, nếu phải cần đến một hệ thống giai tầng như thế thì trạng thái phát triển nội tâm sẽ cung ứng một cách thức tốt hơn để phân loại con người thành những tầng lớp khác nhau. Cách thức phân chia này vừa được lý giải thỏa đáng mà cũng có cơ sở luân lý, đạo đức; khác với sự phân chia những giai tầng xã hội vốn dựa trên giai cấp, tầng lớp hay chủng tộc mà ở đó người ta không thể tìm ra yếu tính đạo đức hay một sự minh giải hợp lý nào cả.

    Để giải thích vai trò và địa vị của mỗi cá nhân trong xã hội, đức Phật đưa ra đề nghị nên dựa vào phẩm chất nội tâm. Khi một số vị tỷ kheo trong Tăng đoàn bắt đầu sử dụng sự ảnh hưởng từ huyết thống và dòng dõi của mình để dành đặc quyền và cho rằng nơi ở tốt nhất, thực phẩm tốt nhất nên dành cho các vị tăng xuất thân từ giai cấp quý tộc như Bà-la-môn, Sát-đế-lợi v.v.. Trước thái độ này, đức Phật đã chỉ trích và dạy rằng: “Trong giáo pháp của ta không có tiêu chuẩn phân định sự ưu tiên trong việc phân bố nơi ăn, chốn ở dựa trên chủng tộc hay trên danh phận Bà-la-môn hay phú thương mà các vị ấy có được trước khi gia nhập Tăng đoàn”(1).

    Hệ thống đẳng cấp rất thịnh hành và là một nguyên tắc chính yếu trong xã hội Ấn Độ thời đức Phật. Hệ thống này quy định tình trạng hay vị trí của một người tùy thuộc vào dòng dõi mà người đó sinh ra và không bao giờ thay đổi. Đức Phật, Ngài tuyên bố rằng, có thể thay đổi giai cấp của mình, vì thế Ngài đã không do dự khi chấp nhận mọi người từ tầng lớp cao đến tầng lớp thấp kém trong xã hội xuất gia trong Tăng đoàn của mình.

     Tôn giả Upāli - đệ nhất về giới luật - là một trong những ví dụ điển hình. Tôn giả là người thợ hớt tóc của hoàng gia, thuộc về tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Hay Tôn giả Sunīta, làm nghề hốt phân, xuất thân từ tầng lớp cùng đinh (không nằm trong bốn giai cấp) cũng được đức Phật chấp nhận vào Tăng đoàn. Sau đây là lời tự bạch của Tôn giả sau khi chứng đắc Thánh quả:

    “Ta sanh nhà hà tiện, nghèo khổ không đủ ăn, nghề ta rất hèn hạ, ta kẻ quét hoa rơi… Rồi ta thấy đức Phật, thượng thủ chúng tỷ kheo, bậc Đại Hùng vào thành, Maghdha tối thượng. Ta quăng bỏ đòn gánh, đến gần để đảnh lễ, với lòng thương xót ta, bậc Thượng nhân đứng lại… Bậc Đạo sư từ bi, từ mẫn khắp thế giới, nói: “Hãy đến tỷ kheo”, Đại giới ta thọ vậy… Rồi ta sống trong rừng, một mình không biếng nhác, ta theo lời Đại sư, như bậc chiến thắng dạy. Trong đêm canh thứ nhất, ta nhớ các đời trước; trong đêm canh chặng giữa, thiên nhãn ta thanh tịnh; trong đêm canh cuối cùng, ta phá khối si ám. Khi đêm vừa mở rộng, rạng đông trời ló dạng, Đế Thích Phạm Thiên đến, chấp tay đảnh lễ ta. Đảnh lễ bậc thượng nhân, đảnh lễ bậc thượng nhân, Ngài xứng đáng cúng dường. Bậc Đạo sư thấy ta, đứng đầu chúng chư thiên, nở ra một nụ cười, nói với ta nghĩa này: Nhờ khổ hạnh, phạm hạnh; nhờ tự chế, điều phục; nhờ vậy là Phạm chí; đây, Phạm chí tối thượng”(2).

    Hai nữ tì Puṇṇā và Puṇṇikā xuất thân thấp kém là một trong những ví dụ về người phụ nữ xuất gia trong giáo đoàn của đức Phật. Theo Rhys Davids, tám trên mười phần trăm phụ nữ xuất gia trong giáo đoàn Ni đều thuộc giai cấp thấp kém. Xa hơn nữa, ông trình bày rằng: “Rất có thể đây là một tỷ lệ gần bằng với số người cùng đinh được sinh ra so với tỷ lệ của số người còn lại trong xã hội”.

    Theo luật Manu, một người cùng đinh không thể nào phạm vào một tội nào đó dù tội ấy là căn nguyên làm mất đi giai cấp của mình(3); cũng vậy thân phận hèn hạ theo anh ta suốt đời - nghĩa là anh ta không thể nào từ bỏ giai cấp của mình dầu cho anh ta cố phạm một trọng tội nào đó - người dịch giải thích thêm. Không có một cơ hội kinh tế nào dành cho người sinh ra thuộc tầng lớp này, ngay cả quyền đến gần các giếng nước bên đường để lấy nước cũng không có. Sự tự do về tôn giáo hay công bằng về luật pháp không vươn tới với giai cấp này.

    Tăng đoàn, do đức Phật thành lập, luôn thực hành những lời đức Phật truyền dạy. Có vài người thuộc tầng lớp Bà-la-môn hỏi về giai cấp của đức Phật, thì Ngài nói rằng: “Đừng hỏi về giai cấp của Ta”. Hay một lần nọ, Tôn giả Ānanda, thị giả của đức Phật vào thành để khất thực. Trên đường đi, Tôn giả đến lấy nước từ cái giếng ven đường để uống. Đúng lúc đó, có một cô gái thuộc tầng lớp thấp cũng lấy nước từ cái giếng đó. Khi Tôn giả Ānanda nhờ cô ta múc cho ít nước để uống thì cô gái ấy thưa rằng: “Thưa Tôn giả, con thuộc tầng lớp Mātanga”. Tôn giả đáp rằng: “Ta không hỏi thí chủ thuộc tầng lớp nào trong xã hội, ta chỉ xin nước để uống”. Và cô gái đã dâng nước lên cho Tôn giả(4).

    Trong một kinh khác ghi lại cuộc đối thoại giữa đức Phật và chàng thanh niên dòng dõi Bà-la-môn tên là Assalāyana. Trong cuộc đối thoại này, đức Phật đưa ra những lý lẽ rõ ràng để chứng minh lý thuyết sai lầm về giai cấp của Bà-la-môn. Ngài dạy rằng, một người Bà-la-môn được sinh ra từ người mẹ như trăm ngàn người mẹ khác. Họ cũng mang thai, sinh con và chăm sóc bú mớn. Vậy những người mẹ giai cấp Bà-la-môn có gì hơn những người mẹ tầm thường khác? Trong khi đó, tại các biên địa, quốc độ khác, thay vì một hệ thống bốn giai cấp, họ có hai ‘giai cấp’ mà thôi đó là chủ và tớ. Và một thành viên của giai cấp chủ có thể trở thành thành viên của giai cấp tớ và ngược lại. Vậy tại sao chúng ta lại chấp nhận một hệ thống bốn giai cấp mà không thể thay đổi vị trí như các quốc độ đó?

    Giai cấp Bà-la-môn không bị khổ đau khi sanh vào các cõi ác thú, địa ngục vì gây ra các ác nghiệp như là sát sanh, tà hạnh, trộm cướp, nói dối v.v.. hay là chỉ có những người thuộc tầng lớp khác mới phải chịu khổ đau vì gây ác nghiệp như thế? Kết quả của ác nghiệp thì luôn bình đẳng cho tất cả mọi người và không có sự phân biệt giai cấp.

    Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là có từ tâm, lương thiện, biết từ bỏ ác nghiệp, sau khi mạng chung được sanh lên thiên giới, còn các giai cấp khác thì không? Không có sự phân biệt giai cấp trong việc phát triển lòng từ, từ bỏ ác nghiệp. Cũng không có một tấm lòng lương thiện ưu việt hơn hay cao hơn mà giai cấp Bà-la-môn sở hữu.

    Có phải chỉ có ngọn lửa của người thuộc giai cấp Bà-la-môn sáng hơn, nóng hơn ngọn lửa của người thuộc giai cấp khác? Cả hai người đó cùng kiếm lửa, tạo ra lửa bằng một loại cây giống nhau, vậy thì hai ngọn lửa đó có khác nhau về màu sắc, sức nóng v.v.. không?

    Ngay cả trong cùng một giai cấp Bà-la-môn, nếu một người đọc tụng, thông hiểu thánh điển thì sẽ được mọi người tôn kính và cúng dường hơn những người không đọc tụng và thông hiểu thánh điển. Và hơn thế nữa, một Bà-la-môn không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển nhưng có trì giới, hành thiện pháp thì được tôn kính, cúng dường hơn người thông hiểu thánh điển nhưng không trì giới và hành thiện pháp. Điều này nói lên rằng, giá trị của một người không nằm ở giai cấp mà đến từ khả năng, kiến thức và đạo đức mà người đó sở hữu(5).

    Trong kinh Trường bộ có ghi lại câu chuyện về chàng thanh niên Ambaṭṭha tự hào rằng mình thuộc giai cấp Bà-la-môn nên đã không tỏ ra lịch sự tối thiểu trong khi hầu chuyện cùng đức Phật (Ngài thuộc giai cấp Sát-đế-lợi, đứng sau giai cấp Bà-la-môn trong hệ thống bốn giai cấp). Và trong câu chuyện này, đức Phật một lần nữa vạch trần chuyện hoang đường về một thứ giai cấp tối thượng, một dòng dõi tinh khiết hơn các dòng dõi khác.

    “Này Ambaṭṭha, ngươi thuộc dòng dõi nào?” đức Phật hỏi.

    Và khi chàng thanh niên trẻ tuổi ấy trả lời, đức Phật dạy rằng: “Này Ambaṭṭha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích-ca (Sakya) là thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích-ca. Tổ tiên của dòng họ Thích-ca là vua Okkhāla, vì muốn trao vương vị cho hoàng tử con bà hoàng hậu chính mà vua thương yêu nên đã đuổi những người con lớn của mình ra khỏi nước. Bị tẩn xuất nên họ đến sống tại một khu rừng bên sườn núi Hy-mã-lạp-sơn. Vì sợ huyết thống của mình bị lẫn lộn với huyết thống khác nên các vị hoàng tử này ăn nằm với những người chị của mình. Khi đức vua biết những hoàng tử này vì sợ lẫn lộn huyết thống, đang sống ở sườn núi tuyết đã thốt lên rằng: “Những hoàng tử này thật là Sakya (cứng như lổi cây sồi), thật đúng là Sakya”. Vì thế, vua Okkhāla chính là tổ phụ của dòng họ Thích-ca.

    Vị vua ấy có một nữ tỳ tên là Disā, nữ tỳ này hạ sinh một đứa con da đen, đặt tên là Kanha, vừa mới sinh đã biết nói, khiến cho mọi người sợ hãi. Kanda chính là tổ phụ của dòng họ Khahāyana, chính là dòng họ của ngươi. Vì thế, dòng họ Thích-ca là thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích-ca(6).

    Đức Phật lấy bằng chứng lịch sử để dạy bảo chàng thanh niên Ambaṭṭha, người đang hãnh diện về dòng dõi Bà-la-môn của mình. Bằng chứng lịch sử đó không chỉ có đức Phật và Ambaṭṭha biết rõ mà những người cùng tham dự buổi tranh luận đó cũng biết. Nếu những chứng cứ lịch sử đó sai, thì chắc chắn rằng, chàng thanh niên học vấn cao siêu ấy sẽ có cớ để vạch trần. Sự im lặng của anh ta đủ chứng tỏ rằng lịch sử về dòng dõi mà đức Phật nêu ra là đúng, không thể chối cãi. Niềm kiêu hãnh về dòng dõi Bà-la-môn của Ambaṭṭha sụp đổ trước minh chứng lịch sử ấy. Và cuộc tranh luận để ca ngợi giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, là con cháu của Phạm Thiên, là dòng dõi tinh khiết cũng theo đó mà thất bại. Đức Phật dạy rằng, không có một giai cấp tối thượng, và nếu cần thiết, Ngài cũng sẽ sử dụng những cuộc tranh luận tương tự để bác bỏ một giai cấp thống trị tối cao Sát-đế-lợi.

    Tư tưởng Phật giáo đưa ra năm luận cứ chính để chống lại hệ thống giai cấp trong xã hội. Là những luận cứ về sinh vật học, về tiến hóa, về xã hội học, về đạo đức và về tinh thần. Những luận cứ này cũng xác đáng ngay cả trong cùng một chủng tộc. Về mặt sinh học, loài người chỉ là một loại sinh vật giống nhau. “Nếu như kinh Vệ-đà của Bà-la-môn khẳng định rằng, tất cả loài người đều từ Phạm Thiên sinh ra, thì làm sao có thể phân chia xã hội thành bốn giai cấp khác nhau được?”

    Trong loài vật, có những đặc điểm để phân biệt những loài này và loài kia. Chân của con voi khác với chân của con ngựa, khác với chân của con hổ, không giống chân của loài nai hay thỏ. Còn loài người không thấy có sự khác nhau như thế giữa những người giai cấp này hay giai cấp khác. Ở loài vật có màu sắc, hình dáng, mùi v.v.. khác nhau để có thể phân loại chúng theo loại hay loài động vật. Trong khi đó, chúng ta không thấy những điểm như trên để tách loài người ra thành nhiều giai cấp. Cũng thế, trong thế giới thực vật, chúng ta có thể xếp chúng thành nhiều loài khác nhau dựa vào đặc điểm và hình dáng của lá, hoa, trái, thân, vỏ cây v.v.. Loài người trái lại giống nhau về máu, xương, thịt, hình dáng.

    Hai thanh niên Bà-la-môn tranh luận về huyết thống thọ sanh. Một người thì nói, chính do sự thọ sanh mới thành Bà-la-môn; còn người kia thì nói, do hành động mà thành Bà-la-môn. Họ tranh luận thắng thua, không thuyết phục được nhau và đến gặp đức Phật nhờ Ngài chỉ dạy.

    Đức Phật dạy như sau:

    “Này Vāseṭṭha, ta nói cho ông rõ,

    Thuận thứ và như thật,

    Sự phân loại do sanh,

    Của các loài hữu tình,

    Chính do sự sanh đẻ,

    Do sanh, có dị loại”.

    “Hãy xem cỏ và cây,

    Dầu chúng không nhận thức,

    Chúng có tướng thọ sanh,

    Do sanh, có dị loại”.

    “Hãy xem các loài cá,

    Loại sinh sống trong nước,

    Chúng có tướng thọ sanh,

    Do sanh, có dị loại”.

    “Tùy theo sự thọ sanh,

    Chúng có tướng tùy sanh.

    Trong thế giới loài người,

    Tướng sanh không có nhiều”.

    “Không tướng, do tùy sanh,

    Tùy sanh, loại sai khác.

    Trên tự thân con người,

    Không có gì đặc biệt,

    Chỉ tùy theo danh xưng,

    Loài người được kêu gọi”.

    “Chính do sự hành động,

    Được gọi Bà-la-môn,

    Chính do sự hành động,

    Được gọi Sát-đế-lợi”.

    “Hành động làm nông phu,

    Hành động làm công thợ,

    Hành động làm lái buôn,

    Hành động làm nô bộc”.

    “Kẻ trí thấy hành động,

    Như thật là như vậy,

    Thấy rõ lý duyên khởi,

    Biết rõ nghiệp dị thục”.

    “Do nghiệp, đời luân chuyển,

    Do nghiệp, người luân hồi.

    Nghiệp trói buộc chúng sanh,

    Như trục xe quay bánh”(7).

    Những cảm thọ về hạnh phúc và khổ đau không có sự khác nhau nào giữa những người thuộc giai cấp Bà-la-môn với các tầng lớp khác. Người đàn ông, đàn bà giai cấp Bà-la-môn kiếm sống cũng giống cách mà các giai cấp khác đã làm. Cả bốn giai cấp đều chết từ những chứng bệnh tương tự. Trong khi đó, cây cối và các loài động vật, có những đặc điểm khác nhau giữa loài này với loài khác. Loài người không tìm thấy có sự dị biệt nào.

    Sự khác nhau về màu da, tóc, hình dạng mũi và đầu của loài người không đáng kể khi so sánh với sự khác biệt lớn giữa các loài động và thực vật. Về mặt sinh học, loài người chỉ là một loài sinh vật không có sự khác biệt nào.

    Luận cứ về thuyết tiến hóa thì nói rằng những tên gọi giai cấp xuất hiện là do quy ước xã hội. Với việc phân chia tên gọi theo nghề nghiệp trong xã hội như thế là điều cần thiết. Theo ngài Asvaghosa: “Sự phân biệt giữa các giai cấp Bà-la-môn, Sát-đế-lợi v.v.. đơn thuần chỉ để thực hiện các nghi thức tế lễ và hoạt động nghề nghiệp”. “Một người tham gia vào buôn bán thì nghề của họ là thương buôn; một người vào quân đội thì được gọi là quân lính; người đứng đầu nhà nước thì gọi là vua. Không phải vì sinh ra mà người đó trở thành thương gia, lính tráng, vua chúa, mà chính bởi những hành động, công việc của họ mà được gọi như thế”(8).

    Tư tưởng Bà-la-môn cho rằng, bốn giai cấp được sáng tạo bởi Thượng Đế. Vì thế, nếu sinh ra trong giai cấp nào thì phải thực hiện những công việc đã được đấng Tạo Hóa giao phó. Giáo lý Phật giáo bác bỏ tư tưởng về đấng Tạo Hóa, hay Thượng Đế, chấp nhận một sự thật rằng xã hội tiến triển từ sự khởi đầu đơn giản. Khuynh hướng và những chức năng riêng biệt của mỗi giai cấp xuất phát từ quy ước xã hội mà một người tham gia vào một lĩnh vực nào đó; không ai mang trên mình một giai cấp chỉ vì sinh ra từ giai cấp đó.

    Theo quan điểm của thuyết tiến hóa, không có giai cấp thuần chủng, tối thượng. Không ai có thể nói rằng ít nhất là cha mẹ tôi, ông bà tôi thậm chí bảy đời tổ tiên mình đã có quan hệ trong huyết thống để giữ sự tinh khiết của dòng họ(9). “Chúng ta thật sự không biết chúng ta là ai” và như vậy nếu nói rằng dòng họ mình tinh khiết, thuần chủng, là tối thượng, điều đó có hoang đường không?

    Nhà tư tưởng Phật học lừng danh Asvaghosa nêu ra những nghi vấn về vấn đề thuần chủng của một giai cấp. Ngài hỏi rằng: “Bạn cho rằng mình thuộc giai cấp Bà-la-môn vì có cha mẹ thuộc dòng dõi Bà-la-môn? Tôi phản đối điều đó, trừ khi tổ tiên bạn thật sự thuần chủng, nghĩa là phải quan hệ trong huyết thống. Còn trong các trường hợp khác thì dòng dõi Bà-la-môn phải chấm dứt như cha là Bà-la-môn, quan hệ với một phụ nữ giai cấp Thủ-đà-la; hoặc mẹ thuộc giai cấp Bà-la-môn, còn cha là giai cấp Thủ-đà-la thì đứa con sinh ra không phải là dòng dõi Bà-la-môn”(10).

    Không có sự ngăn cấm việc quan hệ cùng huyết thống trong hệ thống giai cấp. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận vô số trường hợp quan hệ cùng huyết thống như thế. Những “Lý luận về sự thuần chủng” này ảnh hưởng đến mức dù biết sẽ gây ra những khuyết tật bẩm sinh hay tai họa nhưng vẫn không chấm dứt kiểu duy trì dòng dõi này.

    Kinh điển Phật giáo đã mô tả chi tiết quá trình hình thành một xã hội giai cấp. “Khi đã định cư trong nhà, quyền tư hữu về tài sản được công nhận, loài người vì lòng tham bắt đầu xâm hại đến quyền tư hữu của người khác. Vì thế, họ chọn ra một người thông minh hơn hẳn mọi người khác, ngoại trừ đức hạnh, để ngăn chặn hay kiểm soát những người có hành vi trộm cướp bằng các biện pháp như khiển trách, phạt tù hoặc lưu đày. Những người này chính là giai cấp Sát-đế-lợi đầu tiên. Còn những người khác chọn biện pháp ngăn ngừa những ý định tội ác sẽ dẫn tới hành động, họ chính là giai cấp Bà-la-môn. Giống như giai cấp thống trị, cũng am hiểu kinh sách, chú thuật, nhưng họ ít chú tâm tới việc trau dồi giới đức. Những cá nhân khác chọn theo con đường buôn bán, lập nghiệp, họ là giai cấp thương gia”(11).

    Luận cứ thứ ba xét về khía cạnh xã hội. Nếu nghiên cứu về hệ thống xã hội, chúng ta thấy có xã hội hai giai cấp, xã hội bốn giai cấp hay xã hội không có giai cấp nào. Vì vậy, khi lập luận rằng, Thượng Đế Toàn Năng sinh ra bốn giai cấp trong xã hội thì hệ thống bốn giai cấp sẽ có mặt hầu hết trong tất cả xã hội loài người. Vì thế, không có tính lo-gic khi nói rằng, bốn giai cấp là một sự sáng tạo thiêng liêng của đấng Tạo Hóa.

    Dựa vào lý thuyết phân chia giai cấp thiêng liêng này, giai cấp Bà-la-môn tự xem mình là giai cấp tối thượng sinh từ miệng của Phạm Thiên, nhưng khi chúng ta so sánh giai cấp Bà-la-môn với các giai cấp khác thì không có gì đặc biệt, xuất sắc để kết luận họ là giai cấp tối thượng. Các định kiến về giai cấp, phân biệt đối xử giai cấp có nguồn gốc từ xã hội chứ không phải do một đấng Tối cao nào tạo ra. Tuy nhiên, giai cấp Bà-la-môn đã cố ý lợi dụng các định kiến và quan điểm đó để mang lại lợi ích cho họ. Với mục đích kín đáo không thể nói ra này, họ đã duy trì sự phân cấp xã hội hết sức nghiêm ngặt.

    Những đặc điểm này tồn tại trong xã hội đã cho phép cái gọi là giai cấp thượng đẳng là Bà-la-môn và Sát-đế-lợi chiếm hữu nhiều tài sản của cải trong xã hội để mua sự phục dịch của kẻ khác. Chính vì của cải và quyền lực, hai giai cấp trên này có thể sử dụng sức lao động của giai cấp Thủ-đà-la. Không có giai cấp thượng đẳng nào làm việc (hành động) mà không vì quyền lực kinh tế.

    Hai giai cấp trên tin một cách mù quáng vào sự nhiễm ô thân thể sẽ xảy ra nếu tiếp xúc với giai cấp thấp hơn. Ví dụ, một người Bà-la-môn cho rằng mình bị ô nhiễm vì đã tiếp xúc với giai cấp Thủ-đà-la. Trong một câu chuyện Tiền thân đã chỉ ra sự vô ích của đức tin này. Vì quá đói nên một người Bà-la-môn đã giật lấy nửa phần ăn của một người thuộc giai cấp Chiên-đà-la (giai cấp cùng đinh nhất trong xã hội lúc bấy giờ)(12). Hay một câu chuyện khác, phần thừa sau bữa ăn của một người Chiên-đà-la đã được dùng để chữa bệnh cho người giai cấp cao Bà-la-môn, được họ xem như thuốc tiên(13).

    Sự ô uế về thân thể của một người thuộc dòng dõi Bà-la-môn hay một người thuộc giai cấp cùng đinh có thể gội sạch bằng cách dùng nước tắm rửa. Không có sự khác nhau nào về việc này giữa các giai cấp. Tuy nhiên, giáo lý Phật giáo không xét tới quan niệm về “ô nhiễm” này mà đề cập tới việc làm sạch cấu nhiễm về tâm bằng việc loại trừ tham, sân, si. Ở đây chúng ta bàn về sự nhiễm ô và thanh tịnh nằm ở nơi tâm. Đức Phật đã định nghĩa lại vai trò của một người được gọi là Bà-la-môn theo một quan niệm mới, không dựa vào định nghĩa về “Sự tinh khiết về giai cấp” mà Bà-la-môn sử dụng. Quan niệm mới về một người Bà-la-môn đúng nghĩa đóng góp nhiều cho việc làm suy yếu về quan niệm Phạm Thiên:

“Được gọi Bà-la-môn,

Không vì đầu bện tóc,

Không chủng tộc, thọ sanh,

Ai thật chân, chánh tịnh,

Mới gọi Bà-la-môn”(14).      

“Tu thiền, trú ly trần,

Phận sự xong, vô lậu,

Đạt được đích tối thượng,

Ta gọi, Bà-la-môn”(15).

“Ta không gọi Phạm-chí,

Vì chỗ sanh, mẹ sanh,

Chỉ được gọi tên suông,

Nếu tâm còn phiền não,

Không phiền não, chấp trước,

Ta gọi Bà-la-môn”.

“Không hận, hết bổn phận,

Trì giới, không tham ái,

Nhiếp phục, thân cuối cùng,

Ta gọi Bà-la-môn”(16).

    Luận cứ về đạo đức tấn công vào vị trí đặc quyền mà giai cấp Bà-la-môn muốn duy trì trong phạm vi tôn giáo. Phật giáo cho rằng, bất kỳ ai cũng có thể phát triển khả năng tâm linh của mình và có thể đạt được sự chứng ngộ cao nhất. Tương phản với tư tưởng Bà-la-môn giáo, đức Phật tuyên bố rằng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” chứ không một ai khác, không phân biệt họ là đàn ông, đàn bà hay giai cấp nào.

    Hơn nữa, luật nhân-quả ảnh hưởng cùng một cách đối với mọi người mà không có sự phân biệt giai cấp. Theo luật nhân-quả, công và tội hoàn toàn tỷ lệ với các hành động thiện hay ác, không có một chút liên quan nào đến việc phân định giai cấp hay chủng tộc. “Sự phát triển về tinh thần và đạo đức không phải là đặc quyền cho một nhóm người hay một giai cấp nào chỉ vì dòng dõi của họ mà nó mở ra cho tất cả mọi người, trong tầm tay của mọi người”(17). Không ai có thể làm sạch nội tâm mình bằng những hành động bên ngoài như là dùng nước để gội rửa. Vậy cái gì là cần thiết trong việc phát triển nội tâm? Chính là lĩnh vực đạo đức, là thước đo của nhân loại, được thừa nhận trong tư tưởng Phật giáo.

    Cuối cùng là luận cứ về “Tính đồng nhất về tinh thần của loài người”. Điều này ta có thể hiểu được khi quan sát loài người đang tồn tại trên hành tinh này. Con người bị chế ngự bởi sanh, già, bệnh, chết. Sự khác nhau về giai cấp, chủng tộc cũng không thể tránh được tiến trình sinh diệt này. Vì vậy, mọi người đều “Khao khát một sự tự tưởng thưởng về một bất diệt cá nhân và một thống trị cuối cùng vượt qua cái chết”.

    Trong cuộc chiến để mưu cầu thỏa mãn ước muốn cá nhân và hạnh phúc, loài người cùng đứng trên một nền tảng giống nhau. Trong mỗi người đều có năng lực để đạt giải thoát cứu cánh, bất luận họ thuộc giai cấp nào, dòng dõi nào. Vì thế, tuy cùng đứng trên nền tảng giống nhau, nhưng năng lực của mỗi người sẽ khiến họ tự thân tốt hơn và có thể đạt tới vị trí cao nhất về tinh thần.

    Tư tưởng Phật giáo nghiên cứu khái niệm và thông lệ của giai cấp để cố gắng tìm hiểu nó. Sự hình thành giai cấp không phải do tục lệ mà có, chính bởi giai đoạn tiến triển của xã hội, các nhóm người nào đó đã được ủng hộ bởi số đông dân chúng và lợi dụng điều đó để mang lại nhiều lợi ích cho họ. Nguồn gốc thiêng liêng về giai cấp cùng với lý thuyết về sự ô uế mà giai cấp Bà-la-môn đưa ra nằm trong mưu đồ này. Lý thuyết đó đã thành công vì sự ngờ nghệch của quần chúng, những người không bao giờ hiểu nguồn gốc thật sự của sự phân chia giai cấp.

    Ý thức hệ về giai cấp đã dẫn tới hình thức phân biệt đối xử trong xã hội. Không có sự bình đẳng về cơ hội chính trị đối với giai cấp thấp kém. Cơ hội về kinh tế, việc làm tốt, vị trí có thể sinh lợi đều nằm trong tay hai giai cấp cao. Ngay cả giáo dục và tín ngưỡng cũng chỉ là ước mơ đối với giai cấp thấp kém, họ không được phép có tín ngưỡng, không có quyền lui tới các nơi thờ tự, không được học hành. Trong xã hội đó, tôn giáo và giáo dục chỉ dành cho tầng lớp trên. Và cuối cùng, sự phân biệt đối xử về giai cấp dẫn tới không có sự công bằng về mặt luật pháp đối với giai cấp thấp. Trong xã hội ấy tồn tại một hệ thống pháp luật dành cho giai cấp cao và một hệ thống pháp luật dành cho giai cấp thấp. Do đó, một hành vi phạm pháp giống nhau đã dẫn tới hai kết quả trừng phạt khác nhau dựa trên địa vị xã hội, chủng tộc và giai cấp.

    Theo cách hiểu thông thường, giai cấp ở đây không có nét riêng để nhận dạng ngoại trừ những nét chung chung như là một nhân tố trong việc phân tầng xã hội. Giai cấp vua chúa nắm trong tay quyền lực bởi vì quyền lực chính trị được trao cho họ. Họ có nhiều của cải, nhưng tầng lớp giàu có lại thuộc về tầng lớp thương gia mà trong kinh sách có ghi lại. Những thương gia này là nam và nữ đại thí chủ của Phật giáo, công việc của họ bao gồm các việc như nghề nông, buôn bán v.v..

    Mặc dù sự phân chia giai cấp mang tính chung chung này được đề cập trong các kinh điển Phật giáo nhưng sự phát triển quan trọng nhất đối với tư tưởng Phật giáo trong nghĩa này là sự bố thí (dāna). Chúng ta có thể sở hữu nhiều tài sản vật chất nhưng ít người sở hữu về tài sản tinh thần, bởi nó chắn chắn là không thể lợi dụng và chiếm đoạt như tài sản về vật chất. Tài sản về tinh thần bao gồm trí tuệ (prajnā) và đức hạnh (sīla). Đức hạnh bao gồm sự chia sẻ, kỷ luật, hy sinh v.v.. Của cải vật chất sẽ không có giá trị nếu dùng những phương tiện như bạo lực và bất công để chiếm đoạt. Nó chỉ có giá trị khi chính mình làm ra và chia sẻ cho những người khác. Giá trị tài sản được nâng lên khi đem phân phát và chia sẻ cho mọi người; không nên khư khư giữ lấy cho riêng mình.

    Lý thuyết về tài sản này cộng thêm một vài yếu tố đạo đức thiết yếu khác tạo nên một triết lý độc đáo về tài sản của Phật giáo trong sự phát triển tư tưởng nhân loại. Chúng ta có thể trở nên giàu có bằng nhiều phương tiện khác nhau như sinh ra trong một gia đình giàu có, hoặc có được một gia tài lớn vì nghiệp thiện đã làm trong quá khứ. Những người khác có thể kiếm tiền bằng cách lao động cật lực và tận tâm. Ngược lại, có những người kiếm sống bằng những cách bất chính.

    Tiền của không phải dùng cho mục đích phô trương hay khoe khoang mà chúng ta phải sử dụng chúng để trang trải cuộc sống hàng ngày cho chính mình và cho những người khác. Tiền của sẽ có giá trị nếu nó được dùng để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và người khác. Xưa kia, có một gã keo kiệt chết đi để lại vô số của cải vật chất, mà khi sống ông tằn tiện không dám tiêu xài cho bản thân cũng như giúp đỡ người khác. Vì nhân duyên đó, đức Phật đã dạy rằng, tiền của vật chất nếu sử dụng chính đáng có lẽ đã đem đến cuộc sống sung túc cho gã keo kiệt và những người thân của mình. Nhưng đối với gã keo này, tiền của bị lãng phí. Của cải vật chất chỉ hữu ích và có giá trị khi nó không được tích trữ theo kiểu hà tiện hoặc phung phí xa hoa mà sử dụng để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính bản thân mình cũng như mọi người khác(18).

    Đức Phật đã vạch ra một con đường để dễ dàng biến đổi những quan niệm mang tính xã hội ở một đất nước mà sự vận động thay đổi đó hầu như không thể, chủ yếu là do quan niệm về chế độ đẳng cấp và giai cấp. Cộng đồng tu sĩ Phật giáo lúc bấy giờ không có sự phân biệt đẳng cấp hay giai cấp. Bất cứ ai đến từ vùng nông thôn hay xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội đều được đối xử trong một nền tảng công bằng. Một tên mới được đặt thay thế tên củ, và như thế, sự biến đổi được thực hiện một cách dễ dàng.

    Sự phân phối tài sản vật chất trong xã hội không công bằng vì nhiều nguyên nhân. Trong số nguyên nhân đó chính là do ngu si hay thiếu kiến thức. Thiếu vắng kiến thức hay trí tuệ đã cho phép tầng lớp quyền lực và những cá nhân xảo trá bóc lột tầng lớp yếu hơn trong xã hội để làm lợi cho bản thân. Chính sự ngu dốt này đã khiến họ trở nên lười biếng và vì thế họ đã mất đi những khả năng cần thiết để tiến bộ. Bóc lột sẽ không bao giờ xảy ra nếu kiến thức và lương tri có mặt.

    Một dịp nọ, có chàng thanh niên Bà-la-môn hỏi đức Phật như sau: “Bạch Ngài, lý do và nguyên nhân nào tạo ra sự không bình đẳng trong loài người”. Đức Phật trả lời rằng: “Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp lực”. Chính nghiệp lực gây ra sự không bình đẳng này.

    Khi đức Phật nói rằng sự bất công trong cuộc sống là do nghiệp lực của chúng sanh tạo ra, thì ta phải hiểu rằng, nghiệp lực ở đây bao gồm cả những hành động ý thức trong quá khứ, hiện tại của một cá nhân đã làm. Nghiệp quá khứ đã khiến chúng ta sinh ra trong một gia đình giàu có hay cùng khổ ở hiện tại. Nhưng một khi sinh ra, chúng ta tự do để quyết định những hành động của chính mình, và chúng trở thành nghiệp mới của chúng ta mặc dù nghiệp quá khứ đã tạo đang ảnh hưởng đến tình trạng hiện tại của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa đó là định mệnh và không thể thay đổi. Vì tạo ra thiện nghiệp trong hiện tại, ta có thể thay đổi hiện tại và tương lai. Các quy luật nghiệp này không phải là những yếu tố bất di bất dịch, mà chúng có thể thay đổi.

    Do bởi vô minh trói buộc, dẫn dắt chúng ta hành nghiệp xấu. Nhưng một khi vô minh rụng đổ, hành động đoan quyết sẽ đem đến những nghiệp quả tốt đẹp hơn. Cùng lúc, cộng chung với nghiệp có những quy luật như sinh học, xã hội, vật lý và tinh thần hiện hữu trong cuộc sống và có thể một hay vài quy luật này có tác động, ảnh hưởng trong sự cộng sinh của nghiệp tạo nên sự bất bình đẳng. Tất cả các quy luật này là nguyên nhân nhưng không phải là nhân tố quyết định.

    Trọng tâm của giáo lý Phật giáo chính là phấn đấu để chuyển nghiệp và kiểm soát sự ảnh hưởng của nghiệp. Vì thế, phát triển về tinh thần là cần thiết. Nhưng trong thế giới này, nếu nghiệp lành được thực hiện thì bất công trong xã hội sẽ giảm đi. Việc nâng cao kiến thức bằng giáo dục sẽ giúp chúng ta hạn chế đến mức thấp nhất bất công xã hội, sau đó là làm vô hiệu ảnh hưởng không chỉ của nghiệp mà còn bốn hậu quả của nghiệp. Phá tan vô minh với sự tự chứng nội tại là cách tốt nhất để giải phóng con người thoát khỏi tệ phân biệt giai cấp.

 


(1). J.Tr, vol I; 92-93      

(2). In Psalm of the brethren XXIX; theo bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu  

(3). Ghurye, 1932,84      

(4). Quoted by E.J. Thomas, Life of the Buddha, 242            

(5). M.II. 148-154          

(6). D.I. 114-115             

(7). Sn.VV, 3600-3611 Tr.E.M.Hare in Woven Cadences; theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu           

(8). Quoted by Jayatilleke, 1992, 42           

(9). D I, 92-99  

(10). Quoted in jayatilleke, 1992, 44           

(11). SBB. Part I. Vol II, 106         

(12). J.179         

(13). J.497         

(14). DhP.393, theo bản việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

(15). DhP.386, theo bản việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

(16). DhP.400, theo bản việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

(17). Jayatilleke K.N., Dharma, man and law, Singapore 1992, 50       

(18). S.I.98        

 
00:00