Khi sắp nhập diệt, Đức Phật dạy hàng đệ tử “Giáo pháp và giới luật (Dhamma-vinaya) mà ta đặt ra và để lại cho các ông, sau khi ta nhập diệt, hãy xem nó là người thầy dẫn đường của các ông.”
(Kinh Đại Bát Niết-bàn. Trường Bộ Kinh.16)
Điều này cho thấy rõ là đường lối sống tu hành của Đức Phật, hệ thống tôn giáo của Ngài bao gồm giáo pháp và giới luật. Giới luật bao hàm ý nghĩa sự hoàn hảo về đạo đức, sự điều phục thân và khẩu, toàn bộ nguyên tắc cư xử trong đạo Phật; được hiểu một cách tổng quát là Sìla, tức giới luật hay sự trau dồi đạo đức. Giáo pháp đề cập đến sự tu tập tinh thần, điều phục tâm. Đó là thiền định hay tu tập sự định tâm (Samàdhi, định) và Trí Tuệ (pannà). Ba điều này - Giới, Định và Tuệ - là những giáo pháp chính yếu, khi được tu tập nghiêm mật và đầy đủ sẽ nâng cao đời sống tinh thần của con người, dắt dẫn con người từ bóng tối ra ánh sáng, từ phiền não đến chỗ đoạn lìa phiền não, từ não loạn đến chỗ an định.
Ba điều này không phải là những phản ứng đơn lập mà là những phần tổng hợp của Đạo. Đây là tư tưởng được kết tinh trong lời cảnh tỉnh rõ ràng của các Đấng Giác Ngộ trong ba đời - “Không làm các việc ác, hãy tu tập các việc lành, gột rửa tâm chính mình.”(Pháp Cú.183)
Những lời này thường được trích dẫn nhưng mãi mãi vẫn còn là những điều mới mẻ chứa đựng một cách ngắn gọn Thông Điệp của bậc đạo Sư, chỉ ra con đường Tịnh Hoá và giải thoát cho chúng sinh. Tuy nhiên, Đạo đế nói chung đề cập đến Tám Con Đường Chân Chánh (Bát Thánh Đạo). Dù một số người thích gọi nó là Tám Con Đường Cao Cả, nhưng chúng ta có thể lưu ý là từ ngữ “Àriyan” không phải thay thế cho một chủng tộc nào, tầng lớp giai cấp hay thành phần nào, mà nó chỉ có nghĩa là cao cả, hoàn hảo.
Tám Con Đường Chân Chánh được xếp thành ba nhóm: Giới, Định, Tuệ. Con đường này là độc nhất của đạo Phật, và làm cho đạo Phật nổi bật đối với mọi tôn giáo và triết học khác.
Tám Con Đường Chân Chánh gồm có tám yếu tố:
1. Quan điểm chân chánh (Chánh Kiến)
2. Suy nghĩ chân chánh (Chánh Tư Duy)
3. Lời nói chân chánh (Chánh Ngữ)
4. Hành động chân chánh (Chánh Nghiệp)
5. Đời sống chân chánh (Chánh Mạng)
6. Nỗ lực chân chánh (Chánh Tinh Tấn)
7. Nhớ nghĩ chân chánh (Chánh Niệm)
8. Định chân chánh (Chánh Định)
Trong bài pháp đầu tiên Đức Phật gọi con đường này là Trung Đạo (majjhimà patipadà), bởi vì nó tránh hai cực đoan: một đằng là sự buông lung dễ dãi trong dục lạc thế tục thấp kém và dẫn đến tai họa và một đằng là sự tự hành xác trong hình thức khổ hạnh khắc nghiệt, làm cho đau đớn, thấp kém và cũng dẫn đến tai họa. Sống trong đền đài cung điện, giữa lời ca điệu múa, xa hoa và lạc thú, qua sự chứng nghiệm Bồ-tát biết rằng dục lạc không đưa con người đến hạnh phúc chân thật và giải thoát. Sáu năm khổ hạnh khốc liệt trong đời sống một đạo sĩ ẩn dật để nỗ lực thực hiện tìm kiếm sự tịnh hóa và giải thoát tối hậu đã không mang đến cho Ngài một phần thưởng nào. Đó là một sự cố gắng hão huyền vô ích. Tránh hai cực đoan này Ngài đã đi theo con đường tu tập đạo đức và tinh thần, và qua thân chứng Ngài đã khám phá ra con đường Trung Đạo gồm ba nhóm này.
Trong chương này chúng ta sẽ thảo luận về ba nhóm của Bát Thánh Đạo và mục tiêu mà chúng nhắm đến để làm tăng tiến và hoàn thiện đạo Phật. Các yếu tố này sẽ được đề cập toàn bộ trong những chương kế tiếp.
Phải luôn luôn nhớ rằng thuật ngữ “con đường” chỉ là một sự diễn đạt theo nghĩa bóng. Dù theo thói thường, chúng ta nói là bước theo một con đường, nhưng theo nghĩa tuyệt đối thì tám bước có nghĩa là tám tâm sở. Chúng phụ thuộc lẫn nhau và liên hệ với nhau, và ở mức độ cao nhất chúng sẽ vận hành đồng bộ. Chúng ta không phải đi theo hay thực hành từng bước một cách thứ tự. Ngay cả ở mức độ thấp hơn mỗi một yếu tố nên được thực hành cùng với một mức độ nào đó của Chánh kiến bởi vì Chánh kiến là trọng tâm của đạo Phật.
Trước hết chúng ta hãy nghe những lời Phật dạy sau: “Này các thầy Tỳ-kheo, chính vì không hiểu biết, không thấm nhuần bốn Giáo pháp nên chúng ta đã trôi lăn thật xa, đã lang thang thật lâu trong luân hồi sinh tử. Bốn Giáo pháp đó là gì? Đó là Giới, Định, Tuệ và Giải thoát. Nhưng này các Tỳ-kheo, khi bốn Giáo pháp này được hiểu biết, được thấm nhuần, khi tham ái sinh tử đã bị đoạn diệt tận gốc, khi cái dẫn đến đời sống mới (Hữu) bị tiêu diệt, lúc đó sẽ không còn có sanh nữa”.
(Trường Bộ Kinh. 16)
Bậc Đạo Sư còn dạy rằng:
“Này các Tỳ-kheo, Định được hỗ trợ bởi giới luật sẽ mang đến nhiều thành tựu, nhiều lợi lạc. Tâm thức được hỗ trợ bởi Tuệ sẽ được giải thoát hoàn toàn trọn vẹn khỏi các độc hại của dục lạc, tức các lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. (Trường Bộ Kinh.16)
Những lời dạy của Đức Phật giải thích cái dụng và cứu cánh của việc tu tập Giới, Định, Tuệ. Sự giải thoát có nghĩa là sống chứng nghiệm sự dừng tắt của ba nguyên nhân xấu ác căn bản (tam độc) Tham, sân, si hay Vô minh (Lobha, Dosa, Moha) tấn công vào tâm thức con người. Những phiền não gốc này bị dập tắt nhờ sự tu tập Giới, Định và Tuệ.
Như vậy rõ ràng là giáo pháp Đức Phật nhắm vào sự tịnh hoá cao cả nhất, tinh thần lành mạnh hoàn hảo, giải thoát khỏi mọi uế trược.
Vậy sự giải thoát khỏi tâm ô nhiễm, sự tự tại ngoài bệnh khổ, hoàn toàn do chính con người, chứ không do ai khác dù là loài người hay chư thiên. Ngay cả một vị Phật tối tôn cũng không thể cứu thoát một người ra khỏi sự trói buộc của luân hồi sinh tử ngoại trừ việc chỉ ra con đường cho họ.
Con đường này là: Giới, Định và Tuệ được đề cập đến trong các kinh sách tu tập Tam học (Tividhàsikkhà), và trong số đó không có cái nào tự thân nó là cứu cánh; mỗi cái đều là một phương tiện dẫn đến cứu cánh. Cái này không thể vận hành một cách độc lập đối với những cái kia. Cũng như một cái ghế ba chân sẽ ngã nếu có một chân bị gãy, cho nên ở đây một yếu tố không thể vận hành nếu không có sự hỗ trợ của những yếu tố kia.
Tam học cùng đi với nhau và hỗ trợ cho nhau. Giới hay hành vi cử chỉ được điều hoà làm mạnh cho định và định tới phiên nó làm tăng tiến cho tuệ. Trí tuệ giúp cho người ta gạt bỏ được kiến giải bị che đậy về sự vật-để nhìn ra được thực tánh của cuộc sống-đó là cái nhìn đời sống và mọi cái thuộc đời sống theo sự sinh diệt.
Như thế rõ ràng là trong sự tác động lẫn nhau của Giáo pháp và Giới luật hay tri thức (Minh) và đạo đức (Hạnh), cả hai đóng góp vào tiến trình duy nhất của sự phát triển. “Cũng như bàn tay rửa bàn tay, và bàn chân rửa bàn chân, giới làm tịnh hóa tuệ và tuệ làm tịnh hoá giới.” Sự kiện này có thể được giới học Phật ghi nhớ vì có một khuynh hướng, đặc biệt là trong học thuật, xem giáo lý Đức Phật chỉ là sự suy đoán, là học thuyết thuần tuý về những vấn đề siêu hình, không có giá trị thực tế, không quan trọng.
Tuy nhiên, phương thức sống và tu tập của đạo Phật là một tiến trình mạnh mẽ trong việc tịnh hoá thân khẩu ý. Đó là sự tự tu tập và tự tịnh hóa. Điều cần nhấn mạnh là những kết quả thực tiễn chứ không phải chỉ là những suy đoán có tính triết học, luận lý trừu tượng hoặc chỉ là sự tạo ra khái niệm.
Bằng ngôn ngữ mạnh mẽ, Đức Phật đã cảnh tỉnh hàng môn đồ về việc chỉ chú trọng việc đọc tụng suông như sau:
“Dù tụng nhiều kinh nhưng hành động không khế hợp, người buông lung như thế giống như kẻ chăn bò đếm bò của những người khác (không hưởng được các sản phẩm của bò). Người ấy không hưởng được quả của Sa-môn.”
“Dù chỉ tụng ít kinh nhưng hành động khế hợp với giáo lý, rời bỏ tham, sân, si, đạt được Chánh kiến, tâm hoàn toàn giải thoát và không bám vào kiếp này hay kiếp sau, người ấy hưởng được quả của Sa-môn.”
(Pháp Cú 19, 20)
Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nếp sống tu hành của đạo Phật, phương pháp thâm nhập chân lý tối cao của đạo Phật, tỉnh thức khỏi vô minh đạt đến sự toàn tri, không dựa vào sự phát triển trí lực có tính chất kinh viện mà dựa vào một giáo lý thực tiễn dẫn tín đồ đến chỗ giác ngộ và giải thoát cuối cùng.
Đức Phật quan tâm đến loài hữu tình hơn là loài vô tình. Đối tượng duy nhất của Ngài là khai mở sự bí ẩn của cuộc sống, là giải quyết những vấn đề về kiếp sau. Ngài thực hiện điều này bằng cách thấu triệt đầy đủ toàn bộ Tứ Thánh Đế, những sự thật vĩnh cửu của cuộc sống.
Ngài cố gắng truyền đạt tri thức về các chân lý cho những người nào tìm kiếm nó và không bao giờ áp đặt nó lên những kẻ khác. Ngài không bao giờ bắt buộc hay thuyết phục người khác theo Ngài vì sự cưỡng bách và ép buộc là hoàn toàn xa lạ đối với phương pháp truyền dạy của Ngài. Ngài không hề khuyến khích hàng đệ tử tin Ngài một cách mù quáng, mà chỉ muốn họ nghiên cứu tìm hiểu giáo lý của Ngài, cái giáo lý khích lệ người đi tìm chân lý “hãy đến để thấy” (Ehipassika). Thấy và hiểu biết chứ không phải sự tin tưởng mù quáng là điều mà bậc Đạo Sư tán thán.
Để hiểu biết thế giới nội tâm, người ta phải phát triển các khả năng bên trong, đó là tâm thức con người. Đức Phật nói: “Hãy chú ý đến tâm của mình.” (Trường Bộ Kinh.16) Hoặc “Bậc Trí giả điều phục các căn của mình.”
(Pháp Cú.80)
Ngày nay công cuộc cải thiện thế giới không ngừng tiến triển về mọi mặt. Các nhà khoa học đang theo đuổi những phương pháp và thí nghiệm với sức mạnh và sự quyết tâm không chút suy giảm. Nhiều khám phá tân tiến và những phương tiện truyền thông đã đưa lại những kết quả làm thế giới kinh ngạc; song tất cả những sự cải thiện này dù có lợi ích và được sự tưởng thưởng, chúng vẫn hoàn toàn thuộc về vật chất và có tính cách bên ngoài.
Tuy nhiên, trong chỗ kết hợp của dòng tâm thức và thân (danh sắc) có những điều kỳ diệu chưa khám phá đã làm các nhà khoa học bận tâm trong rất nhiều năm.
Thật vậy, theo tư tưởng Phật giáo, cái thế giới phải chịu thay đổi nhiều về mọi mặt trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu đến nỗi nó không thể thoát ra khỏi sự đau khổ dù các nhà khoa học đang cố gắng cải thiện nó.
Đời sống chúng ta rất tăm tối vì sự già nua tuổi tác, rất ngột ngạt vì cái chết, rất ràng buộc vào sự thay đổi; những tính chất này vốn có trong nó, cũng như sự xanh tươi của cỏ và vị đắng của thuốc trị bệnh-đến nỗi mà mọi thứ ảo thuật hay trò phù thủy của khoa học đều không thể làm nó thay đổi. Sự lộng lẫy bất tử của ánh mặt trời vĩnh cửu chỉ chờ đợi những người nào có thể dùng ánh sáng hiểu biết và văn hoá đạo đức để thắp sáng và canh giữ con đường của họ qua suốt đường hầm đen tối và đáng sợ của cuộc đời.
Con người của thế giới hôm nay biểu lộ bản chất thay đổi của cuộc sống. Mặc dù họ thấy điều đó, họ vẫn không ghi nhớ và hành động với sự phân biệt minh bạch. Dù họ biết chắc chắn cuộc sống là vô thường và đem đau khổ đến cho họ, nhưng họ vẫn theo đuổi công việc điên rồ là trôi lăn trong luân hồi sanh tử, bị trói buộc vào đó và trầm luân trong thống khổ.
Trước hết, một nhà khoa học hay một người bình thường, nếu không hiểu được tầm quan trọng của giới luật, sự khẩn thiết của một nỗ lực tốt đẹp, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, thì theo giáo pháp của Đức Phật, đó là một người chưa trưởng thành, một người còn phải vượt qua nhiều chướng ngại hơn nữa trước khi chiến thắng cuộc chạy đua trong đời sống và phần thưởng bất tử của Niết-bàn.
Về sự hiểu biết thế giới nội tâm, khoa học có thể không giúp gì nhiều cho chúng ta. Chân lý tối thượng không thể được tìm thấy trong khoa học. Đối với nhà khoa học, kiến thức là cái gì đó ràng buộc họ càng ngày càng nhiều vào sự sống của loài hữu tình. Thế nhưng cái tri kiến đó không phải là tri kiến giải thoát. Đối với người quán sát thế giới và mọi điều thuộc thế giới trong cái nhìn đúng đắn thì mối liên hệ đầu tiên của cuộc sống không phải chỉ là suy đoán hay một cuộc hành trình vô ích vào những vùng tưởng tượng của cái huyễn hoặc cao siêu, mà chính là đạt cho được cái hạnh phúc chân thật giải thoát khỏi bệnh khổ. Đối với vị ấy cái tri kiến chân thật tùy thuộc vào câu hỏi trọng tâm này: sự hiểu biết này có phù hợp với thực tại không? Nó có thể ích lợi gì cho chúng ta trong việc đạt sự an lạc nơi tâm hồn và sự định tĩnh, hay chinh phục được cái hạnh phúc chơn thật không?
Để hiểu được thế giới nội tâm, chúng ta cần sự hướng dẫn, sự giáo dục của một người có thắng trí, có trình độ và chân chánh, người sáng suốt trong kiến giải và sâu sắc trong nội tâm, thẩm sâu vào những nơi sâu kín nhất của cuộc sống và hiểu biết cái thực tánh nằm bên dưới mọi sắc tướng. Quả vậy, vị ấy là bậc minh triết thật sự, nhà khoa học thật sự, nắm được sự thay đổi trong ý nghĩa đầy đủ nhất và đã chuyển hóa sự hiểu biết này thành sự chứng ngộ những chân lý sâu thẳm nhất mà con người có thể đạt đến. Đó là các chân lý về ba đặc tính (hay Tam pháp ấn): vô thường, khổ, vô ngã. Vị ấy không thể bị xáo trộn bởi sự khủng bố hay bị áp chế vì sự quyến rũ của các pháp huyễn hoá. Vị ấy có thể không còn bị chi phối bởi tri kiến mê mờ về mọi hiện tượng vì vị ấy đã chuyển hoá được mọi khả năng sai lầm nhờ vào sự vô nhiễm hoàn toàn mà chỉ có thiền quán (Vipassanà nàna) mới có thể đem đến.
Đức Phật chính là bậc toàn tri đó, và con đường của Đức Phật dẫn đến giải thoát mở ra cho tất cả những ai có tầm nhìn và trí tuệ để hiểu biết; nó khác với những con đường “cứu rỗi” khác vì Đức Phật dạy rằng mỗi cá nhân dù là cư sĩ tại gia hay xuất gia đều có trách nhiệm đối với sự giải thoát của chính mình.
Loài người bị triền phược nơi nội tâm cũng như bên ngoài, và nói một cách vắn tắt, phương thuốc không thể sai lầm được của Đức Phật là: người trí với đầy đủ sự tinh tấn đã có nền tảng tốt đẹp trong giới luật sẽ phát triển được tuệ và thành công trong việc giải thoát khỏi triền phược.
(Tương Ưng Bộ Kinh.i.13)
Lời dạy đầu tiên Đức Phật truyền trao cho sáu mươi đệ tử chứng thánh quả A-la-hán ngay lúc đó là: Giáo pháp phải được công bố vì sự an lạc và hạnh phúc của nhiều người, vì lòng thương tưởng đối với thế gian. (Luật Tạng.i.21)
Toàn bộ Thánh giáo của bậc Đạo sư đều thấm đượm cái phẩm chất nổi bật của lòng từ ái bao dung đó.
Sìla tức là Giới, nấc thang đầu tiên của đường đạo, đặt nền tảng trên lòng từ ái này. Tại sao người ta phải tránh làm tổn hại và cướp giật người khác? Đó không phải là vì lòng thương yêu chính mình và người khác sao? Tại sao người ta cứu giúp người nghèo khó, thiếu thốn và những kẻ đau khổ? Đó không phải vì tâm từ đối với người khác sao?
Ngăn chừa việc ác, làm việc thiện là cái chức năng của Giới, tức những nguyên tắc cư xử của Phật giáo. Chức năng này không bao giờ tách rời khỏi lòng từ ái. Sìla, tức Giới, bao gồm trong đó những phẩm chất của trái tim, như là tình yêu thương, sự khiêm nhường, lòng khoan dung, sự thương hại, việc từ thiện và tâm hoan hỷ trước sự thành công của người khác, v.v... Samàdhi và Panna, tức là định và tuệ liên quan đến giới.
Như đã nói trên, ba yếu tố của Bát thánh đạo (ở hàng thứ 3, 4 và 5) tạo thành những giới luật của đạo Phật. Đó là: Lời nói chân chánh, hành động chân chánh và đời sống chân chánh (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng).
Lời nói chân chánh (Chánh ngữ) là tránh: a) không được nói lời dối trá và luôn luôn nói lời chân thật, b) không được đem chuyện nơi này đến nơi khác nói, gây ra sự bất hoà và chia rẽ, và phải nói những lời làm cho người hoà hợp và đoàn kết, c) không được nói lời thô ác và lăng nhục, phải nói lời tử tế và nhã nhặn, d) không được nói chuyện phiếm, nói chuyện vô ích hay tán gẫu mà phải nói những lời có ý nghĩa và không xúc phạm.
Hành động chân chánh (Chánh nghiệp) là tránh a) sát sinh, b) trộm cắp và c) tà dâm; phải tu tập từ bi, vật người ta không cho không được lấy, và sống đời trong sạch giản dị.
Đời sống chân chánh (Chánh mạng) là rời bỏ những lối sống sai lầm mang đến sự thiệt hại và đau khổ cho người khác: a) buôn bán vũ khí và khí giới gây chết người, b) buôn bán súc vật để làm thịt, c) buôn người (buôn bán nô lệ, một hình thức thịnh hành trong thời kỳ Đức Phật), d) buôn bán những chất làm say sưa và e) buôn bán thuốc độc; và phải sống bằng những nghề nghiệp không tạo lỗi và tránh làm thiệt hại cho mình cho người (những yếu tố này sẽ được thảo luận trong những chương kế tiếp).
Qua những nét phác họa về đạo đức Phật giáo, chúng ta thấy rõ ràng giới luật do Đức Phật đặt ra không phải là một sự cấm đoán tiêu cực mà chính là sự khẳng định phải làm việc lành - một việc làm đặt nền tảng trên những thiện chí đối với sự an lạc và hạnh phúc của toàn thể loài người. Những giới luật này nhằm làm cho xã hội được an lạc bằng cách gia tăng sự đoàn kết, hoà hợp và những mối liên hệ chính đáng giữa mọi người.
Giới luật là viên đá đặt nền tảng đầu tiên cho triết lý sống Phật giáo. Đó là nền tảng cho sự phát triển tinh thần. Người nào có ý muốn thiền hay tập trung tinh thần thì phải phát triển lòng yêu thích giới luật, vì chính giới luật nuôi dưỡng đời sống tâm linh và làm cho con người điều hoà và định tĩnh.
Giai đoạn kế tiếp trong con đường giải thoát là sự tu tâm, tức thiền định, gồm ba yếu tố của Bát thánh đạo, đó là: Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Chánh tinh tấn là sự nỗ lực kiên trì: a) ngăn ngừa sự sinh khởi của cái ác và những tư tưởng bất thiện chưa sinh trong tâm, b) tránh xa những tư tưởng xấu ác đó khi nó đã sinh, c) làm cho phát sinh và phát triển những tư tưởng lành chưa sinh, và d) phát huy và duy trì những tư tưởng tốt đẹp đã sinh.
Cho nên, cái công dụng của yếu tố thứ sáu (chánh tinh tấn) là tỉnh thức và kiểm soát mọi tư tưởng nguy hại cho đời sống và tu tập, thúc đẩy duy trì những tư tưởng trong sạch hiền thiện sinh khởi trong tâm con người.
Người trí làm chủ lời nói và hành vi cử chỉ nhờ giới, họ cố gắng làm mọi cách để kiểm soát tư tưởng, những tâm sở và tránh những tư tưởng chao đảo.
Nhớ nghĩ chân chánh (Chánh niệm) là sự ứng dụng hay tỉnh giác với a) những hành động của thân, b) những cảm thọ hay cảm giác, c) những hoạt động của tâm và d) đối tượng của tâm thức (tâm pháp).
Vì những yếu tố của đạo có tính cách tùy thuộc lẫn nhau và cùng vận hành nên Chánh niệm trợ giúp cho Chánh tinh tấn và cùng nhau kiểm soát sự sinh khởi của những tư tưởng bất thiện, phát triển những tư tưởng tốt và hiền thiện đã được nuôi dưỡng. Người có tỉnh giác đối với các nghiệp thuộc thân khẩu ý tránh được tất cả những gì có tính chất tổn hại đối với sự tiến bộ tinh thần của họ. Một người như thế không thể nào lười biếng hay bạc nhược tinh thần. Bài thuyết pháp nổi tiếng Bốn Nền Tảng Của Chánh Niệm (Tứ Niệm Xứ) đề cập một cách thấu đáo về bốn phương diện để khởi niệm.
Định chân chánh (Chánh định) là sự ổn định vững vàng mạnh mẽ của Tâm có thể so sánh với ngọn đèn bất động ở nơi lặng gió. Thiền Định giữ cho tâm thức được đúng đắn, chân chánh và giữ cho tâm bất động, không bị nhiễu loạn. Sự tu tập Định đúng đắn giữ cho tâm và các trạng thái tâm (tâm sở) trong trạng thái quân bình. Có nhiều chướng ngại tinh thần mà một hành giả hay một thiền sinh phải đương đầu, nhưng với sự hỗ trợ của chánh tinh tấn và chánh niệm, tâm thức tập trung toàn diện có khả năng xua tan những chướng ngại, những phiền não quấy nhiễu con người. Khi tâm thức có sự tập trung hoàn hảo, nó sẽ không bị lung lạc bởi những đối tượng cảm giác (các trần) vì thấy được thực tánh của mọi vật bằng cái nhìn chuẩn xác.
Như vậy, hành giả làm chủ tâm thức và không để cho tâm chế ngự mình, vị ấy tu tập trí tuệ chơn thật bao gồm hai yếu tố đầu tiên và giai đoạn chót của Đạo, đó là Chánh kiến và Chánh tư duy.
Suy nghĩ chân chánh (Chánh Tư duy) gồm những ý tưởng về xả ly (Nekkhamma-samkappa), vô sân và lòng từ bi hay sự vô hại. Những tư duy này sẽ được tu tập và mở rộng đến khắp chúng sinh không phân biệt chủng tộc, tầng lớp, giai cấp hay tín ngưỡng. Vì chúng bao dung khắp những loài có hơi thở nên không có giới hạn nào. Những người chấp ngã hay vị kỷ không thể nào có sức toả sáng của những tư duy cao cả như thế.
Theo lời Phật dạy, một người có thể là thông minh, uyên bác và có học thức, nhưng nếu thiếu những tư duy chân chánh thì họ là một người điên rồ, chứ không phải là một người có hiểu biết và sống nội tâm. Nếu chúng ta nhìn sự vật một cách sáng suốt, không có phiền não, chúng ta sẽ hiểu rằng tham muốn, sân hận và sự bạo hành không thể nào đi đôi cùng với trí tuệ chân thực được. Quan điểm chân chánh (Chánh kiến) hay chân trí tuệ luôn luôn tràn đầy những tư duy chân chánh và không bao giờ đánh mất chúng.
Quan điểm chân chánh (Chánh kiến), theo nghĩa tuyệt đối là nhìn ra được bản chất thật sự của cuộc sống. Vì vậy, người ta cần một sự hiểu biết thấu đáo rõ ràng về Tứ Thánh Đế, đó là Chân lý về a) Khổ Đế (khổ hay sự bất xứng ý), b) Tập Đế (nguyên nhân của khổ), c) Diệt Đế (sự diệt khổ) và d) Đạo Đế (con đường dẫn đến sự diệt khổ).
Quan điểm chân chánh (Chánh kiến) hay Trí tuệ sâu sắc là kết quả của sự thực tập thiền định liên tục và đều đặn hoặc sự tu tâm nghiêm mật. Đối với người có Chánh kiến, thì không bị tà kiến che lấp cái nhìn như thật về các hiện tượng vì vị ấy không bị ô nhiễm bởi những uế trược và đã đạt được sự giải thoát tâm thức một cách vững chắc.
Một độc giả kỹ lưỡng đến lúc này sẽ có thể hiểu được là làm thế nào mà Tam học, tức Giới Định Tuệ, cùng vận hành cho một cứu cánh chung, đó là sự giải thoát của tâm thức, và làm thế nào mà sự tu tập chân chánh của tâm thức con người và qua sự kiểm soát của các nghiệp thân và khẩu, người ta sẽ đạt được sự thanh tịnh. Chính nhờ sự cố gắng và tự phát triển mà những người mong cầu giải thoát đạt được sự tự tại chứ không phải do cầu nguyện và van xin một tha lực nào. Thật vậy, đây là giáo pháp được Đức Phật khám phá, được Ngài sử dụng để đạt giác ngộ hoàn toàn và mở ra cho mọi người:
“Giới, thiền định, trí tuệ,
Với giải thoát vô thượng
Bậc Cồ-đàm danh xưng,
Giác ngộ những pháp này
Đức Phật thắng tri chúng,
Thuyết pháp cho Tỳ-kheo,
Đạo sư đoạn tận khổ,
Bậc tuệ nhãn tịch tịnh”.
(Tăng Chi Bộ Kinh. ii.2; TCBK iv.106)
Mặc dù kiến thức khoa học đang phát triển không ngừng, con người của thế giới này vẫn thao thức và đau đớn quằn quại với sự sợ hãi, bất mãn. Họ say sưa với ước mơ đạt được danh vọng, của cải, quyền lực và thỏa mãn những cảm giác. Đối với cái thế giới đầy xáo trộn vẫn còn đang sôi sục sự thù hận, nghi ngờ, ham muốn ích kỷ và bạo lực này, thì Tám Con Đường Chân Chánh, bức Thông điệp về tình yêu thương và sự hiểu biết của Đức Phật là đúng lúc nhất. Về điều này Đức Phật đã dạy:
“Chính là con đường này,
Chứ không đường nào khác,
Dẫn đến sự Tịnh hóa
Tri kiến của chúng sinh:
Nếu ta đi theo nó
Và đánh bại Ma vương
Tất cả những khổ đau
Sẽ phải bị cáo chung.
Vì ta đã học cách
Vất bỏ những gai góc
Của dục lạc não phiền
Nên đã chứng được đạo.
Các người nên nỗ lực
Như Lai chỉ dẫn đường
Người đi trong Thiền định
Tự thoát được lưới ma.”
(Pháp Cú. 274,275)
***