Chương XIII: NHỚ NGHĨ CHÂN CHÁNH

(Chánh Niệm: Sammà-Sati)

    Không phải nói quá đáng khi cho rằng đối với chúng ta điều quan trọng nhất trong vũ trụ này chính là chúng ta. Mặt khác, nếu chúng ta cho rằng một sự vật nào khác, hoặc là hữu tình hay vô tình là điều kỳ diệu thì chính tâm phải có liên đới đến ý kiến này. Nơi chúng ta điều kỳ diệu nhất và quan trọng nhất là tâm thức của chúng ta. Nếu đem so sánh cái gọi là con người với miếng nam châm thì cái tâm sẽ đại diện cho năng lực từ tính của nam châm, dù không thể nhận ra hay sờ thấy, vẫn có thể tạo ra được những điều kỳ diệu. Tâm người cũng giống như vậy tuy nó biểu lộ trong những cách khác. Nó có ưu thế, vượt trội và phế bỏ mọi năng lực hiện hữu vì nó nằm ngoài các quy luật hoá học và vật lý.

    Bây giờ nếu chúng ta xem mình là cái quan trọng nhất trong thế giới này, chúng ta cần phải bảo vệ chúng ta và đồng thời những người khác.

    “Nếu bạn quý mến chính bạn

    Bạn ơi, hãy gìn giữ bạn cho tốt.” (Pháp Cú.157)

    Bài pháp sau đây của Đức Phật minh hoạ cho điều này.

    Này các thầy Tỳ-kheo, ngày xưa có một người xiếc đu bay leo lên cây sào và nói với học trò: “Này, bạn trẻ, hãy leo lên sào và đứng trên vai ta.” Khi người học trò làm theo như thế, người thầy nói: “Bây giờ, này cậu bé, hãy bảo vệ ta và ta sẽ bảo vệ bạn; bằng cách coi ngó lẫn nhau như thế, chúng ta sẽ trình diễn các trò xiếc của mình, nhận được tiền và xuống khỏi cây sào một cách an toàn.

   Tuy nhiên, người học trò nói: “Thưa thầy, không ạ, điều đó sẽ không làm được đâu. Thầy bảo vệ thầy, và con bảo vệ con. Tự bảo vệ và tự giữ gìn mình như thế chúng ta sẽ trình diễn các trò xiếc của mình, nhận tiền và leo xuống cây sào một cách an toàn. Đó là phương pháp!”

    Đức Thế Tôn dạy tiếp:

     Này các thầy Tỳ-kheo, bây giờ cũng giống như người học trò nói với người thầy: “Con sẽ bảo vệ chính con,” cứ như thế chúng ta sẽ tu tập sự sinh khởi Chánh niệm (nghĩa là chánh niệm nên được tu tập để tự bảo vệ.) “Tôi sẽ bảo vệ những người khác”, như thế sự sinh khởi của Chánh niệm sẽ được tu tập (nghĩa là Chánh niệm được tu tập để bảo vệ kẻ khác). Bằng cách bảo vệ mình người ta bảo vệ được kẻ khác; bằng cách bảo vệ những kẻ khác người ta bảo vệ được mình. Này các thầy Tỳ-kheo, và làm thế nào mà bằng cách bảo vệ mình người ta bảo vệ những người khác? Bằng cách lặp đi lặp lại sự tu tập, bằng cách phát triển, bằng cách thường chú tâm với nó.

    “Này các Tỳ-kheo, và làm thế nào mà khi bảo vệ người khác, người ta bảo vệ được mình? Đó là bằng sự nhẫn nhục, bằng sự bất hại, bằng sự thương yêu, bằng lòng từ bi... Này các thầy Tỳ-kheo, các ông phải tu tập sự sinh khởi của Chánh niệm bằng cách nói: “Tôi sẽ bảo vệ chính tôi,.” “Tôi sẽ bảo vệ người khác.

    Đối với người đọc có tư duy, điều mà bài pháp này chỉ ra đã rõ ràng; sự nhấn mạnh là ở chỗ Nhớ Nghĩ Chân Chánh (NNCC). Đức Phật khích lệ chúng ta tu tập sự sinh khởi sự NNCC để bảo vệ mình và kẻ khác.

    Nhẫn nhục, bất hại, lòng thương yêu và từ bi là những đức tính nhờ đó người ta mang đến sự bảo vệ và an lạc cho kẻ khác. Chúng không thể được tu tập mà không có NNCC. Người có NNCC là người ý thức được tư tưởng, lời nói và hành động của họ.

    NNCC phòng hộ cho con người không lệch khỏi con đường chân chánh, và khuyến khích họ làm điều lành. Như vậy qua việc sinh khởi NNCC bằng sự tu tập lặp đi lặp lại, bằng sự thường chú tâm với nó, người ta bảo vệ được mình và bảo vệ kẻ khác.

    Bảo vệ mình không phải là sự vị kỷ, sự an lạc một cách ích kỷ, nhưng là tự có kỷ luật, tự luyện tập, luyện tập cả về đạo đức và tâm thức. Cho đến lúc nào mà chúng ta có sự mạnh mẽ về tinh thần và niềm tin thì chúng ta có thể giúp ích cho kẻ khác. Nếu chúng ta yếu ớt và thiếu tự tin chúng ta không thể giúp mình cũng không giúp được ai. Lòng vị tha, như một nguyên tắc hành động, được đặt căn bản trên tính cách và sự phát triển tâm của ta.

    Câu nói: “Bằng sự bảo vệ mình, người ta bảo vệ kẻ khác, bằng cách bảo vệ kẻ khác, người ta tự bảo vệ mình” xoá tan hai quan niệm sai lầm cho rằng những người theo Phật giáo nguyên thuỷ (Theravàda), là ích kỷ và bi quan. Nhiều người trong nhiệt tình của họ, nghĩ rằng hành giả chân chính cố gắng tự luyện tập, hay người cố gắng phòng hộ mình khỏi điều xấu ác, là đặt trọng tâm nơi mình, nhưng điều này không đúng. Người ta phải luyện tập, phải phòng hộ mình để phục vụ kẻ khác. Người im lặng thường là người hay giúp đỡ không trông thấy. Một người có thể là có trái tim rộng lớn, nhưng nếu đời sống riêng tư của họ có vấn đề và đưa đến điều không tốt theo quan điểm của Đức Phật, thì người này đã lơ là bản thân một cách tồi tệ, và thật sự không thể phục vụ kẻ khác, anh ta thật sự không thể là kẻ có ích cho xã hội.

    Chúng ta cũng nên cảnh giác tránh quá thiên về phần sau của câu nói này và quá nhấn mạnh vào nhiệt tình phục vụ kẻ khác. Hai phần của câu nói này cùng được chấp nhận nếu chúng ta là người quân bình. Như trong kinh cho biết, Bậc Bồ-tát trước tiên là luyện tập chính mình, tu tập ba-la-mật (pàrami) tức sự hoàn hảo, trước khi Ngài đạt đến Giác Ngộ tối thượng. Rồi sau đó bằng sự thực hành trí tuệ và từ bi, hai đạo đức chủ yếu trong giáo lý của Ngài, Ngài hướng dẫn người khác đi trên chánh đạo và trở thành bậc cứu độ thật sự của loài người. Với tư cách là một vị Bồ-tát, trong khi độ tha, Ngài đã thành tựu việc tự độ. Chúng ta nên luôn luôn phụng sự tha nhân, đồng thời không bao giờ quên bản thân và tu tập trong chánh niệm. Đó là phương pháp đúng đắn đưa đến an lạc và hạnh phúc cho mình cho người.

    Trong một bản kinh khác Đức Phật dạy: “Trước tiên con người nên đặt mình vào chỗ chân chánh rồi mới dạy cho người. Một hiền giả như vậy mới tránh được điều lầm lỗi.” (Pháp Cú.158)

    Trong kinh điển Phật giáo chúng ta thường bắt gặp những từ ngữ appamàda, tức chuyên niệm (không lơi lỏng), rất gần với từ Sati, tức là Chánh niệm hay Nhớ Nghĩ Chân Chánh. Thật khó dịch từ này một cách thích hợp. Theo nghĩa đen nó có nghĩa là sự không thất niệm. Ngược lại, Pamàda có nghĩa là lơi lỏng, dễ dãi, trong kinh văn nó có nghĩa là để cho tâm đi dong ruổi giữa những đối tượng của dục lạc. Cho nên Appadàma hàm nghĩa là sự tỉnh giác hay nhớ nghĩ chân chánh ngay trong giây phút hiện tại để tránh điều ác và làm điều lành. Từ ngữ này được dùng một cách chính xác để chỉ Chánh niệm.

    Sự nhấn mạnh của Đức Phật vào tầm quan trọng của Nhớ Nghĩ Chân Chánh trong lời di giáo của Ngài cho các đệ tử có ý nghĩa: “Hãy tinh tấn lên, đừng lơi lỏng.” Trong lời cuối cùng của Trưởng lão Xá-lợi-phất, đại đệ tử của Đức Phật, viên tịch trước Ngài, đã tán thành giá trị của Nhớ Nghĩ Chân Chánh: “Hãy tinh tấn lên, chớ lơi lỏng; đây là lời khuyên của tôi với các vị.

    Nhớ Nghĩ Chân Chánh hay Chánh niệm, sự tỉnh thức hoàn toàn và sự hiểu biết rõ ràng - là những đường lối giúp cho hành giả thành tựu được thiền định. Người luôn luôn nhớ nghĩ chân chánh và tỉnh thức chính mình là người đang sẵn sàng đến trước cánh cổng Bất tử.

    Thiền định chính là huyết mạch của đạo Phật, cũng như sự phóng dật là nguồn gốc của sự hoại diệt. Đức Phật dạy:

    “Nhớ Nghĩ Chân Chánh là con đường đưa đến bất tử (Amata: Niết-bàn) Thất niệm (nhớ nghĩ không chân chánh) là con đường dẫn đến diệt vong - Chánh niệm thì không diệt vong(1), còn thất niệm thì giống người chết rồi.” (Pháp Cú. 21)

    “Hiểu rõ sự khác biệt này(2), người trí sống trong Chánh niệm, vui thú trong sự sinh khởi Chánh niệm của các Bậc Thánh (Ariya), và hoan hỷ trong Chánh niệm của họ.” (Pháp Cú. 22)

    “Mãi mãi thiền định, mãi mãi nỗ lực không ngừng, những bậc hiền trí đó chứng ngộ được Niết-bàn, hạnh phúc tối thượng ra khỏi sự ràng buộc.” (Pháp Cú. 23) 

    Sự quan trọng của NNCC được nhấn mạnh trong những lời dạy sau đây của bậc Đạo Sư:

    “Như dấu chân của mọi sinh vật đi trên đất có thể được đặt trong dấu chân voi là dấu chân lớn hơn hết. Cũng vậy, Chánh niệm là một phẩm chất nhờ đó con người đạt được hạnh phúc ngay đời này và đời sau.” (Tương Ưng Bộ Kinh.i.86)

    “Chánh niệm làm phát sinh những tư tưởng thiện chưa sinh; nó cũng làm cho mất đi những tư tưởng bất thiện đã sanh. Nơi người nào có Chánh niệm, những tư tưởng thiện chưa sinh sẽ sinh và những tư tưởng bất thiện nếu sanh rồi sẽ mất đi.”(Tăng Chi Bộ Kinh.i.11)

    Người nào có tâm hiện diện, người đó tự bao bọc mình bằng sự cảnh giác của tâm, người nào can đảm và nhiệt tâm sẽ vượt qua được sự hôn trầm (thuỳ miên) và sự phóng dật thì giống như một con ngựa đua vượt qua được một con ngựa yếu hèn.

    “Người tinh tấn giữa người biếng nhác

    Người tỉnh thức giữa người mê

   Người khôn ngoan bỏ xa tất cả

   Giống như con ngựa đua bỏ xa con ngựa yếu hèn.” (Pháp Cú.29)          

    Nhớ Nghĩ Chân Chánh và sự tỉnh giác miên mật cần thiết để tránh ác tật và làm việc lành. Tư tưởng và cảm giác của chúng ta cần cẩn thận và tỉnh giác liên tục để dẫn chúng ta đến con đường Tịnh hoá. Chính nhờ sự gìn giữ kiên trì như thế mà người ta đạt được sự tiến bộ tâm linh.

    Học nhiều chẳng lợi ích gì cho người thiếu NNCC, vì không có NNCC người ta không thể áp dụng tốt điều đã học. Ngay những người có học cũng không nhìn ra được một vật trong cái nhìn đúng đắn khi họ thiếu cái tính chất vô cùng quan trọng là NNCC. Những người có địa vị tốt có những lời nói thiếu suy nghĩ và không suy lường những hậu quả của nó, thường phải gánh chịu lời phê bình chỉ trích nghiêm khắc và đích đáng. Có một câu nói: “Lời đã nói ra không có cơ hội lấy lại, mũi tên độc lao ra không thể nào quay lại được.” Theo một nghĩa nào đó, NNCC là đặc điểm chính yếu của tất cả những hành động thiện lành nhằm làm lợi mình lợi người.

    Hãy nghe lời dạy sau đây của Đức Phật: “Này các thầy Tỳ-kheo, ta biết không có một điều gì mang đến sự mất mát lớn lao như sự phóng dật. Ta biết không có một điều gì mang đến sự lợi lạc lớn lao như Chánh niệm. Chính Chánh niệm và sự bất phóng dật mang đến lợi lạc lớn lao đó.” (Tăng Chi Bộ Kinh. 3)

    Bậc Đạo Sư cảnh tỉnh hàng môn đồ của Ngài đối với sự phóng dật vì nó rất tổn hại đối với sự tiến bộ của con người cả nơi đời sống thế tục lẫn tôn giáo. “Hãy tỉnh giác, hãy Chánh niệm” là một lời cảnh tỉnh của bậc Đạo Sư đưa ra cho hàng đệ tử bất cứ khi nào Ngài khám phá ra là họ thiếu sự quyết tâm. Nhiều người dù chỉ được khuyến khích bởi những câu nói như vậy cũng đã thay đổi toàn bộ đời sống của họ. Những kinh sách ghi chép những thí dụ về lời nhắc nhở vắn gọn nói trên như sau:

                   “Hãy tỉnh thức Chánh niệm,

                   Các thầy khéo giữ giới,

                   Khéo tập trung tư tưởng

                   Hãy phòng hộ tâm mình.” (Trường Bộ Kinh.16)

    Đức Thế Tôn còn dạy rằng:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, ta không nói đối với mọi Tỳ- kheo rằng người nên tinh tấn, bất phóng dật; ta cũng không nói rằng các thầy đừng tinh tấn với chánh niệm.. Các thầy là A-la-hán, đã dập tắt ô nhiễm, người đã sống đời thánh thiện, đã làm những việc phải làm, đã buông xuống mọi gánh lo, đã đạt được từng phần và đã hoàn toàn đoạn diệt những ràng buộc dẫn đến hữu, đã giải thoát với trí tuệ hoàn hảo. Đối với những Tỳ-kheo đó, ta không nói “Hãy tinh tấn chánh niệm.” Vì sao? Vì nhờ vào chánh niệm họ đã được sự hoàn hảo, họ không thể trở lại lơi lỏng. Nhưng, những Tỳ-kheo đang tu tập và không đạt được sự hoàn hảo tâm thức mà sống khát khao mong mỏi ở sự an lạc tối thượng ra khỏi ràng buộc – với những Tỳ-kheo như thế ta nói “hãy tinh tấn, chánh niệm” Vì sao? Thật là tốt nếu những Tỳ-kheo này sống trong những khu vực thích hợp, kết hợp với các bạn tốt, chế ngự các căn, ngay tại đây và bây giờ và bằng trí tuệ cao cả sẽ chứng ngộ và vui sống đời cao thượng. Vì đó mà những người con trai trong các gia đình rời bỏ nhà cửa để sống đời không nhà. Này các thầy Tỳ-kheo, thấy kết quả của sự nhớ nghĩ chân chánh đối với các đệ tử này, ta nói “hãy tinh tấn lên với chánh niệm.” (Trung Bộ Kinh. 70)

    Như chúng ta đã thảo luận trong chương trước, thiền định được hoàn tất bởi sự liên kết của ba yếu tố sau cùng: Nỗ Lực Chân Chánh, Nhớ Nghĩ Chân Chánh và Định Chân Chánh. Những điều này tạo nên ba tao của sợi dây thừng; chúng được bện vào nhau và liên hệ với nhau. Tuy nhiên, Niệm được xem như cái tao mạnh nhất, vì nó đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được định và tuệ. Niệm, là sự tỉnh thức, là một cái dụng chắc chắn của tâm, cho nên cũng là một trạng thái tâm (tâm sở); không có cái yếu tố quan trọng của Niệm, người ta không thể nhận thức được đối tượng của cảm giác (trần cảnh), người ta không thể hoàn toàn ý thức được thái độ cư xử của mình. Được gọi là Nhớ Nghĩ Chân Chánh (Chánh niệm) bởi vì người ta sẽ tránh được sự tác ý sai lệch, và ngăn ngừa không cho tâm hướng sự tác ý tới các pháp một cách lầm lẫn (bất như lý tác ý). Nhớ Nghĩ Chân Chánh đưa con người đi trong chánh đạo để Tịnh Hóa và Giải Thoát.

    Cho nên Nhớ Nghĩ Chân Chánh phải được áp dụng cho mỗi người và vào mọi việc làm. Trong mọi cử chỉ chúng ta đều phải có chánh niệm, đi đứng nằm ngồi, nói năng, im lặng, ăn uống, hay đáp ứng những gọi mời của bản năng- trong tất cả những việc đó và trong mọi hành động khác chúng ta nên có chánh niệm và tỉnh giác cao. “Này các thầy Tỳ-kheo, ta tuyên bố Chánh niệm là điều cần thiết trong tất cả các pháp ở mọi nơi.”(Tương Ưng Bộ Kinh. v.115)

    Trong câu nói này chúng ta phải để ý thấy rằng trong các kinh điển Phật giáo, từ ngữ Nhớ Nghĩ Chân Chánh (Chánh Niệm, Sati) thường được dùng với một từ khác có nghĩa tương đương là “trí tuệ sáng suốt” hay tỉnh giác. Từ kép Sati-sampajanna (Tuệ giác Chánh niệm) thường xuất hiện trong các bài pháp.  Chánh niệm và tuệ giác cùng hỗ trợ cho nhau. Giống như khi một người đi từ căn phòng mở rộng cửa vào căn phòng tối dần phân biệt được những đồ vật trong phòng, một người khi hoàn toàn tỉnh giác và có nhớ nghĩ chân chánh sẽ thấy hiểu các pháp tốt hơn và soi sáng cái thật tánh của các pháp. Thực tánh của các pháp bị che đậy bởi vô minh, được nguỵ trang bởi thuyết bất-khả-tri; nhưng loại Chánh niệm mà chúng ta sẽ thảo luận nơi chương này giúp cho con người đạt được Chánh kiến và tâm giải thoát.

    “Này các thầy Tỳ-kheo, giống như một căn nhà có nóc nhọn, bất kỳ cái rui nào cũng đều tụ lại trên cái nóc nhọn, cũng đều cần đến cái  nóc nhọn, được gắn vào đó và nối liền với nhau tại đó. Cũng vậy, bất kỳ trạng thái sai lầm nào, tất cả đều có gốc rễ trong vô minh, bám chặt vào vô minh và kết nối với nhau tại đó. Cho nên này các thầy Tỳ-kheo, các ông phải tự tu tập: “Chúng tôi sẽ cùng chung sống với nhau một cách chánh niệm.” (Tương Ưng Bộ Kinh. ii.263)

    Vô minh phải cảm thọ cái không đáng để cảm thọ, có nghĩa là những điều xấu ác. Hơn nữa vô minh là sự không nhận thức được tính chất kết hợp của các uẩn (các hợp thể); không nhận thức được căn và trần theo cái bản chất thật sự của chúng; không nhận thức được sự rỗng không hay tính tương đối của những đại chủng; không nhận thức được tính chất thống trị của những khả năng kiểm soát và của cái như-thị, cái không thể sai lầm được của Bốn Chân Lý Cao Cả.

    Và năm sự ngăn che (năm triền cái) nuôi dưỡng vô minh; chúng ngăn che sự hiểu biết về con đường thoát khổ. Và cái gì nuôi dưỡng năm triền cái này? Đó là ba hành xấu ác về thân, khẩu, ý. Tới phiên nó, ba cái chất dinh dưỡng độc hại này (tham sân si) lại được nuôi dưỡng bởi sự không tiết chế các căn. Không tiết chế các căn chứng tỏ là thiếu Chánh Niệm và Tuệ giác. Trong bài này không tiết chế được gây ra do sự buông trôi các pháp, do cái tâm sa đoạ và quên những tính chất đặc biệt của sự sống (vô thường, khổ và vô ngã), và thực tánh các pháp.

    Chính khi người ta không nhớ sự vô thường và những đặc tính khác của các pháp, người ta tự cho phép mình tự do trong lời nói và hành động và để cho một loại tư tưởng bất thiện chế ngự. Thiếu trí tuệ sáng suốt có nghĩa là không có tuệ giác về cứu cánh, về sự khế hợp, về cảnh giới và bất si (Sàttha sampajanna, sappàya-s, gocara-s, asammoha-s) Khi người ta làm một điều gì đó không có mục đích chánh đáng, khi người ta suy nghĩ hay làm những điều không ích lợi hay cản trở sự cải thiện, khi người ta quên Phật pháp là cái thật sự cần đến của những kẻ có nỗ lực, khi người ta bám víu vào những điều tin tưởng hay trong sự si mê của họ rằng chúng là vui thú, là thường hằng và có giá trị, lúc đó người ta không tiết chế được.

    Và đằng sau sự thiếu chánh niệm và tuệ giác có sự chú tâm không đúng, không có phương pháp mà kinh sách gọi đó là sự tác ý không đúng như thật (bất như lý tác ý), vì cho rằng cái vô thường là thường, cái đau khổ là vui, cái vô ngã là ngã, cái bất tịnh cho là tịnh và cái xấu xa là đẹp.

    Khi sự tác ý không đúng như thật tăng lên, nó gây tạo ra hai việc: vô minh và khát vọng thân sau (hữu). Vì vô minh có mặt nên có sự sinh khởi của toàn bộ khối đau khổ. Như vậy một người có sự tác ý không đúng như thật đưa đến luân hồi không bao giờ dứt; giống như một con tàu trôi dạt theo gió cuốn, giống như một đàn gia súc trong một xoáy nước hay giống như một con bò bị ách vào một chiếc xe.

    Từ ngữ Sati cũng có nghĩa là “trí nhớ” hay “sự hồi tưởng”; chẳng hạn những thuật ngữ như “anussati,” là gợi nhớ, “patissati” là sự hồi tưởng, chỉ ra trí nhớ, nhưng trong giáo pháp thì từ Niệm (nhớ nghĩ) theo nghĩa “chú tâm” hay “tỉnh giác” là đúng ý nghĩa nhất. Cũng như với bất cứ yếu tố nào trong Tám Con Đường Chân Chánh, đều có hai loại, Niệm cũng có tà niệm và chánh niệm. Tà niệm là niệm đưa đến những điều xấu ác và bất thiện, trong khi chánh niệm đưa đến điều tốt đẹp và thiện lành. Bây giờ Chánh niệm trong Tám Con Đường Chân Chánh được cắt nghĩa là bốn thứ “sinh khởi của niệm.” Từ ngữ “patthàna” là hình thức rút ngắn của từ upatthàna, có nghĩa đen là “đặt gần (tâm một người),” nghĩa là duy trì sự tỉnh thức, thiết lập hay sinh khởi, như trong thành ngữ “satim upatthapetvà,” nghĩa đen là “giữ cho tâm hiện diện.”

    “Nâng một người lên đến  chỗ ý thức tỉnh giác nhạy bén về một đối tượng và mang lại hoạt động, làm phát huy và thúc đẩy khả năng kiểm soát, năng lực, yếu tố chứng ngộ, và yếu tố chánh niệm là thiết lập được sự khởi niệm.”

    “Mỗi sự khởi niệm về thân, thọ, tâm hay pháp có thể được xem như là sự bắt đầu của con đường tuệ giác. Và như thế những cái “khởi” này theo một nghĩa nào đó, là “những điểm khởi đầu”. Hơn thế nữa, với sự khởi niệm ta đánh thức chánh niệm, tính kiên quyết và sự cẩn thận, và đó là một trạng thái tâm luôn luôn sẵn sàng về bất cứ công việc nào có trong tay.

    “Những sự khởi niệm thì có nhiều tùy theo đối tượng, nhưng tựu trung chúng chỉ là một theo nghĩa diễn ra trong tĩnh lặng đơn độc đầy tuệ giác dẫn đến Niết- bàn.”

    Bài pháp về Sự Sinh Khởi Của Niệm, có thể được gọi là bài pháp quan trọng nhất do Đức Phật thuyết về sự tu tập tâm hay thiền định, xuất hiện hai lần trong kinh điển Phật giáo, như bài pháp thứ mười của Trung Bộ kinh (Majjahima Nikàya) và bài thứ hai mươi hai của Trường Bộ kinh (Digha Nikàya). Bài pháp sau, được gọi là Kinh Đại Niệm Xứ (Maha-satipatthàna- sutta), tức là bài Đại Pháp đề cập rất chi tiết đến Bốn Chân Lý Cao Cả và chỉ có trong khía cạnh này nó khác với bài pháp trước. Bài pháp được lặp lại ở cuối chương này là bài dịch ngắn hơn.

    Không có bài pháp nào khác trong toàn bộ kinh điển Phật giáo được những người theo giáo lý nguyên thuỷ của đạo Phật xem xét với nhiều khảo cứu và đánh giá cao. Ở Ceylon, kinh này được những cư sĩ mộ đạo đọc tụng khi họ lãnh thọ Tám giới (Bát quan trai giới) vào một ngày trăng tròn và trải qua thời gian đó tại tu viện. Nếu như họ không hiểu ý nghĩa đầy đủ của bài pháp, họ lắng nghe một cách chú tâm với lòng thành kính sâu xa, tập trung tâm như thế vào lời Phật. Chúng ta thường chứng kiến cảnh một tu sĩ tụng kinh này bên cạnh giường của người hấp hối để tâm người này có thể được hướng về và tập trung vào lời Phật và để cho những tư tưởng sau cùng của người chết có thể được tịnh hoá.

   Nếu chúng ta đọc và cố gắng hiểu bài pháp này thì rõ ràng là nó bao trùm cái giáo lý chính yếu của đạo Phật, và hiểu rằng Niệm phải được áp dụng cho tất cả – thế giới nội tâm lẫn thế giới bên ngoài, luôn luôn và mọi nơi trong suốt cuộc sống tỉnh thức của chúng ta.

    Người ta có thể nghĩ rằng những nội dung của bài pháp này hơi lỗi thời và không thực tiễn. Đó là vì con người đã tự mình thích nghi với môi trường xung quanh và sống phụ thuộc vào thói quen không thay đổi được. Cá tính của chúng ta tuỳ thuộc vào thói quen, với hầu hết mong ước và khuynh hướng của chúng ta nó không dẫn đến chánh tư duy và chánh kiến, mà lại dẫn đến chỗ ghét bỏ bất kỳ cái gì có thể lôi kéo tâm thức ra khỏi những con đường của thói quen đó.

    Người bình thường sống giữa sự hỗn độn xô bồ của đời sống có thể tự hỏi làm thế nào mà một người bận rộn có thể thực hành được satipatthàna, tức sự sinh khởi của niệm như đã mô tả trong bài pháp. Sự thật là sự tu tập vài phương pháp về niệm được lưu ý trong kinh cần thời gian và một bầu không khí của tu viện, nhưng dĩ nhiên là nó có thể được tu tập trong công việc hàng ngày của chúng ta. Thí dụ như không nhất thiết phải đi vào chỗ yên tịnh để kềm chế những sự chướng ngại (triền cái), chính trong lúc sống trong xã hội chúng ta thường đương đầu với những cảnh và những âm thanh gây khó chịu, có khuynh hướng kích động những tư tưởng tai hại và không lành mạnh, và chính lúc đó chúng ta cần niệm để tự kềm chế khỏi việc nuôi dưỡng ấp ủ chúng. Trong khi chúng ta đang làm việc, nhục dục, sân hận, ghen tuông, kiêu mạn và những tư tưởng bất thiện khác chắc chắn khởi lên và làm xáo trộn sự thăng bằng tâm trí. Chính lúc đó chúng ta cần thiền định để kiểm soát lại những yếu tố có hại đó. Nếu chúng ta không phải là nô lệ cho dục vọng, nếu chúng ta có ý chí mạnh mẽ, chúng ta có thể tự kềm chế và đè nén những mối xung đột nội tâm đó.

    Hơn nữa, thời gian bỏ ra trong sự quán tưởng ở nơi yên tịnh không phải là bỏ đi: nó đi một con đường dài để làm vững mạnh cá tính con người. Một vốn quý đối với công việc hàng ngày và sự tiến bộ của chúng ta nếu chúng ta có thể tìm ra thời gian để tách mình ra khỏi thói quen hàng ngày và bỏ ra một hay hai ngày trong việc quán tưởng tĩnh lặng. Đây chắc chắn không phải là chạy trốn hay sự sống biếng nhác, nhưng chính là con đường tốt nhất để làm mạnh tâm và những phẩm chất tâm. Đó là sự phản tỉnh đầy phúc lạc; chính bằng cách khảo sát tư tưởng và cảm giác của mình, người ta có thể thăm dò vào ý nghĩa bên trong của vạn pháp, và tìm ra năng lực nội tại.

    “Một sự tách rời, một sự rút lui thỉnh thoảng của tâm ra khỏi sự bận rộn của đời sống là một điều cần thiết đối với vệ sinh tinh thần.”

    Nhớ Nghĩ Chân Chánh là một trạng thái tâm làm sắc bén khả năng quán sát và hỗ trợ cho Suy Nghĩ Chân Chánh và Quan Điểm Chân Chánh. Theo thứ tự suy nghĩ và quán chiếu được tạo ra bởi sự chánh niệm hay tỉnh thức của con người. Ngũ căn được dùng bởi tâm có ý thức giống như những dụng cụ cung cấp tư lương cho tư tưởng. Sự thích hợp hay không của thực phẩm chúng ta dùng tuỳ thuộc vào niệm. Chẳng hạn, nếu cái mà chúng ta ăn do thất niệm và tác ý không đúng như thật gây nên, thì nó sẽ làm tâm ta bệnh và thường đánh lừa chúng ta.

    Bài pháp nói rõ cách mà một người có chánh niệm trong tư tưởng của họ, phòng hộ chánh niệm và gìn giữ mỗi một tư tưởng dù tốt hay xấu, bổ ích hay không. Toàn bộ bài pháp cảnh giác chúng ta không được lơ là, mơ mộng và thúc giục chúng ta phải có tinh thần cảnh giác, phòng hộ. Thật vậy, một người nghiên cứu nhiệt thành sẽ nhận ra rằng chính sự đọc bài pháp này đôi khi làm cho họ phòng hộ, sốt sắng và có tâm trí nghiêm túc. Người ta nói rằng nhớ nghĩ chân chánh là một tính chất mà không một người có trí nào coi khinh được. Thật vậy, điều trọng yếu là tu tập niệm trong những thời gian quẫn bách này khi mà quá nhiều người không còn được quân bình.

    Nhớ Nghĩ Chân Chánh là một khí cụ không phải chỉ để mang lại sự định tĩnh mà còn làm tăng tiến Quan Điểm Chân Chánh và Đời Sống Chân Chánh. Đó là một yếu tố cần thiết trong tất cả những hoạt động thế tục lẫn tôn giáo. “Niệm giống như muối cho vào món cà-ri.”

    Những tư tưởng bất thiện hay xen vào thiền định và như chúng ta đã thấy ở trên, cái nhiệm vụ của Nỗ Lực Chân Chánh là loại bỏ những tư tưởng như thế và làm tăng tiến, phòng hộ những tư tưởng lành mạnh; nhưng đây không phải là điều dễ làm nếu chúng ta thiếu Nhớ Nghĩ Chân Chánh và sự phòng hộ miên mật. Nỗ Lực Chân Chánh và Nhớ Nghĩ Chân Chánh đi liền nhau để kiểm soát sự sinh khởi của những tư tưởng xấu ác và làm phát triển, tăng tiến những tư tưởng thiện. Như bậc Đạo Sư đã chỉ ra ở đầu bản kinh, Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ) là một con đường duy nhất mà các bậc giải thoát đã đi qua một cách an toàn. Do đó có câu nói:

    “Luôn giữ giới và khôn ngoan, với tâm tập trung,

    Phản tỉnh và chánh niệm,

    Người ta vượt qua được dòng nước lũ khó vượt.

                                        (Tương Ưng Bộ Kinh.n.174)

    Bây giờ chúng ta hãy quay lại với con đường duy nhất đó.

                                                    

    CÁC LÃNH VỰC QUÁN NIỆM

    Bài pháp về Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.(3)

    Tôi nghe như vầy: một thuở nọ Đức Thế Tôn đang sống giữa những người dân Kurus, ở Kiềm-ma-sắc-đàm (Kammasadhamma), một thị trấn buôn bán của dân Kuru. Lúc đó Đức Thế Tôn nói với chư Tỳ-kheo:

    - Này các thầy Tỳ-kheo.

   - Bạch Thế Tôn – Họ đáp lại.

   Đức Thế Tôn dạy như sau:

   - Này các thầy Tỳ-kheo, đây là con đường duy nhất để tịnh hoá chúng sinh, vượt qua đau đớn khóc than, đoạn diệt thống khổ sầu bi, đạt được chánh đạo và chứng được Niết-bàn, đó là con đường của Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ). Cái gì là bốn? Ở đây, một Tỳ-kheo(4) sống tu tập quán chiếu thân trên thân, nhiệt thành thấu hiểu rõ ràng và nhớ nghĩ chân chánh, vượt qua sự tham lam và sầu bi về thế giới (của thân); vị ấy sống tu tập quán thọ trên thọ, nhiệt thành thấu hiểu rõ ràng và nhớ nghĩ chân chánh, vượt qua sự tham lam và sầu bi về thế giới (của thọ); vị ấy sống tu tập quán tâm trên tâm, vượt qua sự tham lam và sầu bi về thế giới (của tâm); vị ấy sống tu tập quán pháp trên pháp, nhiệt thành thấu hiểu rõ ràng và chánh niệm, vượt qua được sự tham lam và sầu bi về thế giới (của pháp).

    I. QUÁN THÂN

    1) Nhớ Nghĩ (Niệm) hơi thở

    Này các thầy Tỳ-kheo, làm thế nào mà một Tỳ-kheo sống tu tập thân trên thân? Ở đây một Tỳ-kheo đi vào khu rừng, đến dưới gốc cây hay một nơi vắng vẻ,(5) ngồi kiết già,(6) giữ thân thẳng và giữ niệm tỉnh thức, chánh niệm, vị ấy thở vào; chánh niệm, vị ấy thở ra. Khi hít vào một hơi dài, vị ấy biết: “Tôi hít vào một hơi dài”; khi thở ra một hơi dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra một hơi dài”; khi hít vào một hơi ngắn, vị ấy biết: “Tôi hít vào một hơi ngắn”; khi thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra một hơi ngắn.” “Ý thức được toàn bộ tiến trình hơi thở tôi sẽ hít vào,” vị ấy tu tập như vậy.“Ý thức được toàn thân tôi sẽ thở ra,” vị ấy tu tập như vậy.

    Như thế vị ấy sống tu tập quán thân trên thân, bên trong và bên ngoài hoặc cả hai (nghĩa là quán hơi thở của chính mình và hơi thở của người khác, và quán xen kẽ thay đổi giữa hai điều đó)... Như thế vị ấy sống không bám víu vào cái gì nơi thế giới này.

    Như thế một Tỳ-kheo sống tu tập quán thân trên thân.

    2. Các tư thế của thân (các oai nghi)

    Lại nữa khi đi vị ấy biết: “Tôi đang đi”; khi đứng, nằm, ngồi vị ấy biết... (nghĩa là biết về động tác của thân), vị ấy biết bất kỳ tư thế nào của thân. Đó là tu tập thân trên thân... Vị ấy sống độc lập, không bám víu gì nơi thế giới này.

    3. Bốn sự hiểu biết sáng suốt (tỉnh giác)

    Lại nữa, khi đi tới đi lui, vị ấy áp dụng sự hiểu biết sáng suốt; khi nhìn tới trước và nhìn nơi nào khác, vị ấy áp dụng sự hiểu biết sáng suốt; khi co duỗi, khi mặc áo, mang bình bát, khi ăn uống, nhai, cạo râu tóc, khi có nhu cầu tiểu tiện, khi đi đứng nằm ngồi, khi ngủ,(7) khi nói và khi giữ im lặng vị ấy áp dụng sự hiểu biết sáng suốt. Như thế, vị ấy sống tu tập quán thân trên thân...

    Vị ấy sống độc lập, không bám víu vào cái gì nơi thế gian này.

    4. Quán chiếu về sự uế trược của thân

    Lại nữa, vị ấy suy nghĩ về chính cái thân bọc bằng da và đầy những thứ bất tịnh từ lòng bàn chân trở lên và từ tóc trên đầu trở xuống, suy nghĩ như vầy: “Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân, xương,...”

    Như vậy vị ấy sống tu tập thân trên thân...

    Vị ấy sống độc lập không bám víu vào cái gì nơi thế gian này.

    5. Quán chiếu về các Đại (những yếu tố vật chất của thân)

    Lại nữa, vị ấy tư duy về chính cái thân này… và nghĩ như sau: “Trong thân này có các yếu tố rắn, yếu tố lỏng, nóng và sự chuyển động...”

    Như vậy vị ấy sống tu tập quán thân trên thân...

    Vị ấy sống độc lập không bám víu vào điều gì nơi thế gian này.

   6. Chín cách quán nơi nghĩa địa (Cửu Tưởng Quán)

    Lại nữa, nếu vị ấy trông thấy một thây chết... vị ấy quán chiếu trên thân mình như sau: “Quả vậy, cái thân này của tôi cũng cùng một tính chất như vậy, nó sẽ giống như thế và sẽ không thoát khỏi điều đó.”

   Như thế vị ấy sống tu tập quán thân trên thân...

   Vị ấy sống độc lập không bám víu vào điều gì nơi thế gian này.

   Bài pháp giải thích chín giai đoạn khác nhau của tử thi. Trong mỗi trường hợp, hành giả quán chiếu trên chính thân mình như sau: “Quả vậy, thân ta cũng cùng một tính chất như tử thi kia, nó sẽ trở nên giống như thế và sẽ không thoát khỏi điều đó.”

   II. QUÁN THỌ

   Và làm cách nào mà một Tỳ-kheo sống tu tập quán Thọ trên Thọ? Ở đây khi một Tỳ-kheo cảm nhận một cảm giác vui, biết: “Tôi cảm nhận một cảm giác vui;” khi có một khổ thọ, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một cảm giác khổ”; khi cảm nhận một thọ trung tính (vô ký), không khổ không vui, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một thọ không khổ không vui”. Khi cảm nhận một cảm thọ vui về thế gian, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một thọ lạc thế gian;” khi cảm nhận một thọ lạc xuất thế gian, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một thọ lạc xuất thế gian;” khi cảm nhận một khổ thọ thế gian, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một khổ thọ thế gian”; khi cảm nhận một khổ thọ xuất thế gian, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một khổ thọ xuất thế gian”; khi cảm nhận một thọ thế gian không khổ không vui, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một thọ thế gian không khổ không vui;” khi cảm nhận một thọ xuất thế gian không khổ không vui, vị ấy biết: “Tôi cảm nhận một thọ xuất thế gian không khổ không vui”(8)

    Như thế vị ấy sống tu tập quán thọ trên thọ, bên trong bên ngoài...(giống như trên)... Vị ấy sống độc lập không bám víu vào cái gì nơi thế gian này.

   III. QUÁN TÂM

    Làm thế nào một Tỳ-kheo sống tu tập quán tâm trên tâm? Nơi đây một Tỳ-kheo biết tâm có tham dục là tâm tham dục, tâm không tham dục là tâm không tham dục, tâm có sân là tâm sân, tâm không sân là tâm không sân, tâm có si là tâm si, tâm không có si là tâm không si; trạng thái tâm co lại là tâm co lại (đó là trạng thái tâm buồn ngủ hay hôn trầm); trạng thái tâm cuồng quẫn là tâm cuồng quẫn (đó là trạng thái tâm lo lắng hay trạo cử); trạng thái tâm được phát triển là tâm phát triển (sự thiền định miên mật của cõi trời sắc và vô sắc); trạng thái tâm không phát triển là tâm không phát triển (cái thức thông thường về cảm giác đang hiện hữu); tâm vượt qua được là tâm vượt qua được; tâm không vượt qua là tâm không vượt qua được (ý thức về cõi trời sắc và vô sắc); tâm có tập trung là tâm tập trung; tâm không tập trung là tâm không tập trung; tâm giải thoát là tâm giải thoát; tâm không giải thoát là tâm không giải thoát. Như thế vị ấy sống tu tập quán tâm trên tâm bên trong hay bên ngoài... (như trên)... Vị ấy sống độc lập không bám vào điều gì thuộc thế gian này.

    IV.  QUÁN PHÁP

    Và bằng cách nào một Tỳ-kheo sống tu tập quán pháp trên pháp?

   1. Năm sự ngăn che (năm triền cái)

    Một Tỳ-kheo sống tu tập quán pháp trên pháp của năm triền cái, và bằng cách nào vị ấy quán pháp trên pháp của năm sự ngăn che đó?

    Ở đây, khi tham dục hiện diện trong tâm, hành giả biết: “có tham dục trong ta,” hay khi không có tham dục, vị ấy biết: “không có tham dục trong ta.” Vị ấy biết cách xa lìa tham dục đã khởi và biết cách không sinh khởi tham dục trong tương lai khi đã xa lìa được tham dục. (Cũng vậy với sân, thuỵ miên (hôn trầm dã dượi), trạo cử (lo lắng) và nghi.)

    Như thế vị ấy sống tu tập quán pháp trên pháp bên trong hay bên ngoài...

    Vị ấy sống độc lập không bám víu vào điều gì nơi thế gian này.

    2.  Năm Hợp Thể Chấp Thủ (năm thủ uẩn)

    Ở đây một hành giả nghĩ: “Đây là sắc, đây là sự sinh khởi của sắc. Đây là sự đoạn diệt của sắc (cũng như vậy đối với thọ, tưởng, hành và thức.) Như thế vị ấy sống tu tập quán pháp trên pháp bên trong hay bên ngoài... Vị ấy sống độc lập không bám víu vào điều gì nơi thế gian này.

    3. Lục căn và lục trần

    Ở đây một hành giả biết mắt, biết sắc và sự ràng buộc sinh khởi tuỳ thuộc cả hai (mắt và sắc); vị ấy biết cách xuất hiện của sự ràng buộc không sinh khởi; vị ấy biết cách xả bỏ sự ràng buộc đã sinh khởi; và biết cách làm cho không sinh khởi trong tương lai sự ràng buộc đã bị xả bỏ.

    Vị ấy biết tai và âm thanh, biết mũi và hương..., biết lưỡi và mùi vị..., biết thân và sự xúc chạm…, biết tâm và pháp, và biết sự ràng buộc sinh khởi tuỳ thuộc cả hai; vị ấy biết cách xuất hiện của sự ràng buộc đã sinh khởi; vị ấy biết xả bỏ sự ràng buộc đã sinh khởi; và biết cách không cho sinh khởi trong tương lai sự ràng buộc đã bị xả bỏ.

    Như vậy vị ấy sống tu tập quán pháp trên pháp bên trong và bên ngoài...

    Vị ấy sống độc lập không bám thủ vào điều gì nơi thế gian này.

   4. Bảy yếu tố chứng ngộ (thất bồ đề phần)

    Ở đây, khi yếu tố chứng ngộ thuộc Niệm hiện diện trong tâm, hành giả biết: “yếu tố chứng ngộ thuộc Niệm ở trong tâm ta,” hoặc khi vắng mặt yếu tố chứng ngộ thuộc Niệm trong tâm, vị ấy biết: “yếu tố chứng ngộ thuộc Niệm không có trong tâm ta.” Vị ấy biết làm sinh khởi cái yếu tố chứng ngộ thuộc Niệm chưa sinh khởi, và biết cách tiêu diệt sự phát triển của yếu tố chứng ngộ thuộc Niệm (cũng vậy đối với sáu yếu tố khác của sự chứng ngộ: trạch pháp(9), tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả).

    Như vậy, vị ấy sống tu tập quán pháp bên trong bên ngoài,...

    Vị ấy sống độc lập không bám thủ vào điều gì nơi thế gian này.

    5.  Bốn Chân Lý Cao Cả (Tứ Thánh Đế)

    Ở đây, một Tỳ-kheo biết như thật: “Đây là khổ; đây là nguyên nhân của khổ; đây là sự diệt khổ; đây là con đường đưa đến sự diệt khổ.” Như thế vị ấy sống tu tập quán pháp trên pháp bên trong hay bên ngoài hoặc cả hai...

    Vị ấy sống quán chiếu những yếu tố phát sinh của các pháp, hay vị ấy sống quán chiếu những yếu tố hoại diệt trong các pháp, hay sống quán chiếu cả hai yếu tố phát sinh và hoại diệt của các pháp. Hoặc Niệm của vị ấy được  an lập với tư tưởng “các pháp hiện hữu,” đến một mức độ cần thiết cho Quan Điểm Chân Chánh và Nhớ Nghĩ Chân Chánh, và vị ấy sống độc lập không bám víu vào điều gì nơi thế gian này.

    Này các thầy Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo sống tu tập quán pháp trên pháp của Tứ Thánh Đế như vậy,

    Này các thầy Tỳ-kheo, quả thực, nếu bất cứ người nào tu tập Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ) theo cách này trong bảy năm, thì người đó sẽ hy vọng có được một trong hai kết quả: Tri kiến của sự Giải thoát tối hậu, tức A-la-hán hay quả vị thánh, ngay đây và bây giờ, hoặc nếu còn một sự bám thủ thì đạt được quả vị Bất lai (A-na-hàm, giai đoạn gần cuối của quả vị thánh).

    Đừng nói chi bảy năm, nếu một người tu tập Tứ Niệm Xứ theo cách này trong bảy tháng... sáu tháng... năm tháng... ba tháng... hai tháng... một tháng... nửa tháng – thì người ấy sẽ hy vọng đạt được một trong hai kết quả: Tri kiến ngay đây và bây giờ, hoặc nếu vẫn còn một sự bám thủ thì được quả vị Bất lai.

    Đừng nói gì nửa tháng, nếu bất kỳ người nào tu tập Bốn Lãnh Vực Quán Niệm theo cách này trong bảy ngày, người đó hy vọng đạt được một trong hai kết quả: Tri kiến ngay đây và bây giờ, hoặc nếu vẫn còn một chấp thủ thì được quả vị Bất lai.

    Vì vậy nên Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, đây là con đường duy nhất để tịnh hoá chúng sinh, để vượt qua buồn phiền thống khổ, than van, để đoạn diệt đau khổ, để đạt đến chánh đạo, để chứng được Niết- bàn, tức chứng được Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.”

   Nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, các thầy Tỳ-kheo tâm hoan hỷ tin nhận làm theo lời Ngài.

*

    Một độc giả cẩn thận sẽ nhận ra rằng trong bài pháp này, Niệm đặc biệt liên quan đến bốn điều: thân, thọ, tâm, pháp; tất cả liên quan đến loài người. Quán thân làm cho chúng ta chứng ngộ được thực tánh của nó, không có chút dối gạt, bằng cách phân tích mổ xẻ nó đến tận cùng, đến từng yếu tố cơ bản. Dùng tâm khảo sát kỹ lưỡng thân sẽ giúp chúng ta ngộ được thân người thuộc hiện tượng gì, chứng ngộ rằng đó là một tiến trình không có một thực thể nằm bên dưới hay một cái lõi có thể được xem như là trường tồn vĩnh cửu.

    Chúng ta biết hơi thở ra vô đã thảo luận ở trên đây là tự nhiên. Thông thường không ai cố ý thở một cách có ý thức, nhưng khi tu tập Niệm về hơi thở, chúng ta cố gắng thở một cách có ý thức và tỉnh giác về hơi thở. Cái để đạt đến chính là tu tập và làm tăng trưởng khả năng tập trung, và đạt được sự tĩnh lặng của thân tâm. Thật là thú vị khi chúng ta nhận ra rằng các nhà tâm lý học hiện đại nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của hơi thở có ý thức là làm hạ huyết áp và giảm được sự dao động của tâm.

    Lại nữa, thực tập sự hiểu biết sáng suốt có liên quan tới cử chỉ của thân và những hành động như đi, đứng, v.v... giúp chúng ta xoá bỏ được những tư tưởng lan man, cải thiện định lực và phát triển sự tỉnh giác và Nhớ Nghĩ Chân Chánh.

    Như vậy quán thọ, loại niệm thứ hai được lưu ý trong bài pháp hoàn toàn thuộc chủ quan, là một việc “xảy ra trong tâm.” Chúng ta phân tích những cảm thọ hay cảm giác của chúng ta và quyết định chúng là lạc thọ, khổ thọ hay không khổ không lạc. Thông thường, người ta buồn nản khi phải nuôi dưỡng những cảm giác buồn phiền và ghét những cảm giác như thế, nhưng lại phấn chấn đối với những cảm giác vui thích. Tuy nhiên, sự thực tập Nhớ Nghĩ Chân Chánh của tâm giúp người ta thực nghiệm được mọi cảm thọ với quan điểm buông xả và tránh trở thành nô lệ cho cảm giác. Người ta cũng học dần dần để ngộ ra rằng đó chỉ là một cảm giác và cũng là một hiện tượng thoáng qua; không có cái “Ngã” nào cảm giác cả.

    Quán tâm là Niệm thứ ba, nó nói lên sự quan trọng của việc nghiên cứu tâm, việc ý thức được những tư tưởng khác nhau, trong trường hợp này đó là những tư tưởng về tham sân si, căn nguyên của mọi việc làm sai trái và những đối nghịch lại với những tư tưởng bất thiện. Loại nhận thức sáng suốt của tâm vô tư này và những tư tưởng của nó làm cho con người hiểu được cái dụng thật sự của tâm, cái thực tánh và tác động của nó, cách nó có thể được sử dụng cho cả những hành động có lợi và bất lợi. Người tu tập quán tâm học cách kiểm soát nó và không bị nó thống trị.

    Kinh sách kể cho chúng ta nghe câu chuyện thú vị về Trưởng lão Mahà Phussa. Vì tu tập Niệm nên ngài luôn luôn phòng hộ tư tưởng. Nếu đang khi đi có một tư tưởng xấu ác xâm chiếm tâm, ngài liền dừng lại và không đi tiếp cho đến khi nào tư tưởng xấu ác đó bị xoá tan. Người quan tâm đến câu chuyện này thường tự hỏi như thế thì ngài có đi lạc đường không hay bị mất cái gì đó trên đường đi không. Về sau qua sự luyện tập miên mật về Niệm, ngài trở thành bậc A-la-hán, một người không có ô nhiễm. Điều này cho thấy người xưa luôn luôn tỉnh giác đối với tư tưởng chứ không phải chỉ những khi ngồi trong tư thế thiền định vào một giờ giấc riêng biệt nào.

    Sự quán tâm này cũng cho chúng ta nhận thức rằng cái mà chúng ta gọi là tâm chỉ là một tiến trình thay đổi mãi bao gồm những yếu tố tâm cũng thay đổi, và không có một thực thể vĩnh cửu được gọi là cái Tôi, Ngã hay Linh hồn.

    Còn loại Niệm thứ tư và cuối cùng bao gồm tất cả Giáo pháp thiết yếu, những lời dạy của bậc Đạo Sư, hầu hết đều được thảo luận chi tiết trong tác phẩm này.

    Sự mô tả mỗi loại Niệm trong kinh được chấm dứt với những lời sau đây: “Vị ấy sống độc lập không bám víu vào điều gì nơi thế gian này.” Đây là kết quả mà hành giả nhắm đến, một sự thành tựu có được do sự luôn luôn nhiệt tình tha thiết. Quả thật khó khăn cho con người khi sống trong thế giới này mà không bám víu vào một cái gì, và sự chiến thắng từ các nỗ lực của chúng ta để đạt đến mức độ cao trong đời sống tinh thần như thế có thể là không được tưởng thưởng; thế nhưng, nó đáng để chúng ta mãi mãi cố gắng nỗ lực đạt đến. Một ngày nào đó, nếu không phải trong kiếp này thì cũng một kiếp khác, chúng ta có thể đạt đến điểm đích mà tất cả những người nào thật sự cố gắng đều đạt được. Một người nào đó đã nói: “Gieo một tư tưởng bạn sẽ gặt một hành động. Gieo một hành động bạn sẽ gặt được một thói quen. Gieo một thói quen bạn sẽ gặt một tính cách. Gieo một tính cách bạn sẽ gặt một số phận – vì tính cách một người là số phận của người đó.”

***

 


(1). Điều này không phải nói người không thất niệm là không chết, vì mọi chúng sinh đều phải chết. Ngụ ý ở đây là người có chánh niệm chứng được Niết-bàn bất tử, vượt ra ngoài sống chết, còn người thất niệm, lơi lỏng phải chịu sanh tử luân hồi mãi.   

(2). Ở đây sự khác nhau là người chánh niệm thì vượt thoát được luân hồi, còn người thất niệm lơi lỏng thì không thoát được.           

(3). Tôi đã làm cô đọng bớt phần nào bài pháp này mà không bỏ mất phần chính yếu, chỉ bỏ đi những so sánh. (Tác giả) 

(4). Bất cứ người nào tu tập giáo pháp này đều gọi là tỳ-kheo.             

(5). Phòng ngủ của bạn, hay phòng thờ nếu có, có thể là một nơi vắng vẻ và riêng biệt cho bạn.         

(6). Tư thế này giống như một tam giác cân và được hầu hết những người Đông phương thực tập, nó có thể khó đối với một số người nhất là người Tây phương, nhưng họ có thể chấp nhận một tư thế không làm cho họ khó chịu. Họ có thể ngồi trên ghế, nhưng đặc biệt để thiền, không như những người khác, thân họ phải thẳng mà không cần phải cứng nhắc, hai tay có thể đặt thoải mái trên đùi, hoặc tay mặt trên tay trái. Mắt có thể nhắm hay có thể nhìn vào chóp mũi mà không căng thẳng; môi ngậm lại, lưỡi chạm vào vòm miệng trên. Tất cả những điều này chỉ rõ rằng một người chú tâm vào việc thiền cũng nên cố giữ cho thân được “tự chủ”, đó là một vốn quý báu đối với việc định tâm.         

(7). “Người nào, sau khi ngủ, thức dậy, nghĩ rằng: “các pháp thuộc thân và tâm, hiện hữu trong suốt thời gian của giấc ngủ,đã chấm dứt ngay khi đang ngủ,” người đó được gọi là người có sự tỉnh giác khi ngủ và khi thức.

“Những tiến trình tạo nghiệp hay từ nghiệp tạo ra, không xuất hiện là khi ngủ; và những tiến trình tâm đó xuất hiện là khi tỉnh giác.” Theo The Way of Mindfulness của Tỳ-kheo Soma (Colombo, 1949) tr.95.   

(8). Thọ thuộc thế gian (sàmisa) là thọ bị ràng buộc trong đời sống gia đình; thọ xuất thế gian (nisamisa) là thọ liên quan đến sự xuất ly. Thọ lạc xuất thế gian là hạnh phúc do thiền quán mang lại trong khi thọ khổ xuất thế gian là do sự tỉnh thức về cái bất toàn của con người và sự tiến bộ chậm chạp của Con Đường Giải Thoát. Thọ bất khổ bất lạc xuất thế gian là trạng thái thảnh thơi (xả) nhờ kết quả quán chiếu.      

(9). Pháp (Dhamma) ở đây là danh và sắc.          

 
00:00