Chương 13 : ĐIỀU KIỆN CHỨNG TÚC MẠNG MINH (THỂ NHẬP CHÍ ĐẠO)

I. DỊCH NGHĨA

Một vị sa môn hỏi Đức Phật:

- Nhờ nhân duyên gì biết được túc mạng và thể nhập chí đạo?

Đức Phật dạy:

- Thanh tịnh hóa tâm, giữ vững ý chí tu tập sẽ đạt ngộ Chí đạo, cũng như lau kính, bụi sạch, ánh sáng hiện. Đoạn trừ tham dục và không cầu sẽ biết túc mạng.

II. LƯỢC GIẢI

Trong pháp thoại tuy ngắn nhưng súc tích này có hai vấn đề cần được nêu ra để bàn thảo. Một là vấn đề túc mạng minh và điều kiện cần và đủ để đạt được. Hai là chí đạo và điều kiện cần và đủ để thể nhập. Vấn đề thứ nhất phổ thông cả Nam truyền lẫn Bắc truyền. Vấn đề thứ hai là quan điểm khai phóng của Phật giáo Bắc truyền thuộc phần nội dung, nhưng thuật ngữ là vay mượn (Chí đạo). Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát từng vấn đề. Trước hết là vấn đề túc mạng.

Trong pháp thoại Đức Phật dạy: “Đoạn trừ tham dục, không tham cầu, sẽ biết được túc mạng”. Ở đây, vấn đề tham dục được đưa ra mổ xẻ đến hai lần. Phải dứt trừ tham dục và thân tâm không còn tham cầu. Đây là điều kiện cần và đủ để biết được túc mạng. Ở các chương 2, 3 và một số chương khác, chúng ta đã tìm hiểu về tham dục. Tham dục được Đức Phật định nghĩa như động cơ tái sinh trong vòng luân chuyển miên viễn. Dứt trừ tham dục là dứt trừ sự tái sinh:

“Người tham dục làm bạn

Sẽ luân chuyển dài dài

Khi hiện hữu chỗ này

Khi hiện hữu chỗ khác

Người ấy không dừng được

Sự luân chuyển tái sinh

Rõ biết nguy hại này

Chính tham dục sinh khổ

Tỳ kheo dứt tham dục

Không nắm, không thất niệm

Vị ấy thật xuất gia.”[1]

Chính ngay bài kệ này lại xuất hiện một định lý mới là: “Người không nắm giữ, không chấp thủ, không hệ lụy tham dục sẽ an trú không thất niệm và thật là vị xuất gia với nghĩa xuất ly tam giới hay xuất tam giới gia”, và ta còn biết, an trú không thất niệm là yếu tố cơ bản cấu thành túc mạng minh. Chúng ta có thể rút ra đẳng thức chung:

Dứt tham dục = an tĩnh, an trú = túc mạng minh

Trong một cuộc đàm đạo với tôn giả Upavana, tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) cho biết rằng túc mạng minh là cội nguồn của sự đoạn tận khổ uẩn: “Thưa hiền giả, người phàm phu do không tu tập (không có hành) không có túc mạng minh. Do không có minh, nên không như thật thấy biết nên không chấm dứt đau khổ.”[2]

Ngoài ra, những tạp chất làm mờ nhạt trí tuệ, làm giảm sút ký ức quá khứ được đề cập ở các kinh cũng lại là tham dục dẫn đầu. Các tạp chất này có tên gọi là “Ngũ triền cái tâm”, năm tạp chất trói buộc tâm, phá hủy túc mạng minh: “Sắt, đồng, thiếc, chì, bạc là năm uế nhiễm của vàng. Cũng vậy, tham dục, sân hận, trạo hối, hôn thùy, nghi ngờ, là năm uế nhiễm của tâm, làm tâm không được chói sáng, không định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.”[3]

Cũng ở kinh trên, Đức Phật còn cho biết đoạn trừ năm tạp chất này, hành giả đã hiểu biết rõ đời sống của mình và người, chứng đạt pháp thân, thể đạt chánh tri kiến giải thoát: “Tham dục, sân hận, trạo hối, hôn thùy, nghi ngờ, là các pháp chướng ngại sự minh mẫn của tâm, bao phủ hào quang của tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Nếu đoạn tận chúng, ta sẽ biết được quá khứ của mình, của người, lợi ích mình và người, chứng đắc pháp thân, tri kiến thù thắng, xứng đáng là bậc thánh.”[4]

Ý nghĩa của các đoạn kinh trên hoàn toàn phù hợp với kinh văn của chương này: “Dứt trừ tham dục, không tham cầu sẽ biết được túc mạng”. Biết được túc mạng ở đây là chứng đắc túc mạng minh, một trong tam minh của Phật giáo, là minh đầu tiên sau khi đã chứng đắc bốn cấp bậc thiền.

Khi diễn tả quá trình tu chứng, Đức Phật cũng tự sự rằng: Đầu tiên do ly tham dục chứng sơ thiền, nhưng còn tầm tứ. Dứt sạch luôn tầm tứ, chứng nhị thiền, hoàn toàn an định, định trụ. Do xả niệm lạc trú, chính tâm tỉnh giác, chứng đắc tam thiền. Cuối cùng, xả tất cả mọi cảm thọ: lạc, ưu, khổ, chứng đắc tứ thiền. Từ quả vị tứ thiền, Đức Phật tiếp tục an trú định tĩnh, không lay chuyển mà chứng túc mạng minh. Như vậy, túc mạng minh là quá trình tu chứng đầu tiên của tam minh, nhưng sau tứ thiền. Chứng túc mạng minh ta sẽ có một ký ức xuyên suốt quá khứ vô cực của mình và muôn loài:

“Sau khi chứng tứ thiền, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, nhu nhuyến, dễ sử dụng, không dao động, ta dẫn tâm, hướng tâm đến “túc mạng minh”. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ 1 đời, 2 đời, 3 đời, 4 đời, 5 đời, 10 đời, 20 đời, 30 đời, 40 đời, 50 đời, 100 đời, 1000 đời, 100.000 đời,… nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp… Ta nhớ rõ ràng: tại chỗ kia, ta có tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, thọ khổ lạc thế này, tuổi thọ thế này. Sau khi chết, ta sinh ở chỗ khác. Tại chỗ ấy, thân cũng nhớ rõ như trên… Như vậy, ta nhớ đến nhiều đời, nhiều kiếp sống quá khứ với nét đại cương và các chi tiết.”[5]

Cần lưu ý rằng túc mạng minh trong Phật giáo là kết quả của đoạn trừ tham dục. Chứng tứ thiền, tâm an trú định tĩnh. Đó là giải thoát. Khác với các quan điểm túc mạng của các cô đồng bà cốt, ông lên bà xuống.

Vấn đề chí đạo và điều kiện thể nhập, kinh văn Đức Phật dạy: “Thanh tịnh hóa tâm, giữ vững ý chí tu tập”. Nguyên văn câu nói này là “Tịnh tâm, thủ chí khả hội chí đạo”. Tịnh tâm, thủ chí cũng là điều kiện cần và đủ của chí đạo. Hay ta cũng có thể dịch: Thanh tịnh hóa nguồn tâm, giữ vững lập trường tu tập nhất định sẽ tỏ ngộ (hội: hiểu) Chí đạo.

Chí Đạo là thuật ngữ của Đạo giáo, với ý nghĩa chỗ cứu cánh của Đạo giáo là vô vi, cũng như các thuật ngữ: ấnhi trí (hoặc trí tri) cứu cánh của hiểu biết; Chí nhân, cứu cánh của đức nhân. Chí Đạo được mượn dùng ở đây không mang ý nghĩa của Đạo giáo mà ý muốn nói là chỗ cao tột của đạo Phật, đạo giải thoát. Cao tột của Đạo, hiểu theo quan điểm của Phật giáo Nam truyền là quả A la hán, là Niết bàn vô dư của một vị A la hán mạng chung. Nếu hiểu theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền cụ thể là Kinh Pháp Hoa, thì chỗ cao tột của đạo không gì khác hơn là Nhất Phật thừa hay là Niết bàn diệu tâm, là thực tướng vô tướng, là bản thể Như Lai tàng, là chân tâm diệu hữu v.v… của các kinh hệ Bắc truyền khác quan niệm nhưng đồng nội dung. Kinh Pháp Hoa nói:

“Trong mười phương cõi Phật

Chỉ có một Phật thừa

Không hai cũng không ba

Trừ Phật vì phương tiện

Mới tạm lập tam thừa

Để dẫn dắt chúng sinh

Nhưng sự thật chân lý

Chỉ có “một Phật thừa”

Ngoài ra, đều không thật.”[6]

 “Chư  Phật đời vị lai

Dầu nói trăm muôn ức

Vô số các pháp môn

Kỳ thật vì Nhất thừa.”[7]

Như vậy, trên cơ bản cũng như trong chiều kích cứu cánh, khái niệm Chí đạo kinh văn mượn dùng để vượt xa ý nghĩa ban đầu của Đạo giáo: sâu sắc hơn, mới mẻ hơn, viên mãn hơn.

Trong các kinh, Đức Phật luôn huấn thị chúng đệ tử tinh tấn hành trì thiền định để gạn lọc các tạp chất tâm lý uế nhiễm, bất thiện, hoặc trau dồi giới đức để thanh tịnh tam nghiệp, trong đó thanh lọc ý nghiệp là quan trọng. Vì ý nghĩa thanh tịnh thì thân nghiệp, khẩu nghiệp được biểu hiện cũng trở nên thanh tịnh. Tam nghiệp thanh tịnh thì con đường độc lộ hướng đến giải thoát sẽ khai mở (Tam nghiệp hằng thanh tịnh. Đồng Phật tuệ viên mãn). Nhưng để đạt đến “chỗ cao tột của Đạo” như đã nói, chúng ta phải kiên định trong lập trường (thủ chí) hướng đến giải thoát cứu cánh, không ngừng lại ở Hoá thành” (nhị thừa, tam thừa) mà thẳng tiến Bảo sở (Phật quả) như Kinh Pháp Hoa nói:

“Nhưng dù nói Niết bàn

Nhưng chưa phải là Chân diệt

Các pháp tự xưa nay

Vốn là tướng Tịch diệt.”[8]

Tịch diệt là Niết bàn cứu cánh, Niết bàn ở Phật quả, chứ không phải A la hán. Tịch diệt đó, Niết bàn đó cũng chính là “chỗ cao tột của Đạo” trong kinh này. Và chỗ cao tột của Đạo cũng là giáo nghĩa “vô niệm, vô tác, phi tu, phi chứng” ở chương thứ 2 vậy.

Ngay pháp thoại này, tuy chỉ là một câu vấn đáp ngắn gọn, đơn sơ, nhưng lại hàm tàng cả một giáo nghĩa của quá trình tu chứng và toát lên được những áo lý rất Đại thừa. Căn cứ vào nội dung của lời đối thoại, chúng ta cũng có thể hoạch định cho chính mình con đường tu tập mẫn tiệp, chính xác và hướng đến mục đích phạm hạnh rốt ráo của Phật quả. Đúng thật là lời gọn nhưng ý sâu, giản dị nhưng nan hành, không thể xem thường được.

 


[1] Tăng Chi I, tr. 358.

[2] Tăng Chi I, tr. 554.

[3] Tăng Chi II, tr. 22.

[4] Tăng Chi II, tr. 69.

[5] Tăng Chi III, tr. 33.

[6] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, tr. 75.

[7] Kinh đã dẫn.

[8] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, tr. 77.

 
00:00