Phần III: HT.ThS. Thích Giác Toàn - Sáng Ngời Đức Vô Úy
Ngày đăng: 10/31/2015 - 14:55Tưởng niệm 50 năm Bồ-tát QUẢNG ĐỨC vị pháp thiêu thân
(1963 – 2013)
1. SÁNG NGỜI NGỌN LỬA VÔ ÚY
Tưởng niệm 50 năm Bồ-tát QUẢNG ĐỨC vị pháp thiêu thân
(1963 – 2013)
1. SÁNG NGỜI NGỌN LỬA VÔ ÚY
Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam đã hơn 2.000 năm. Từ khi vào nước ta đến nay, Phật giáo luôn song hành cùng dân tộc và có những đóng góp lớn lao. Sức mạnh truyền thống của Phật giáo đã góp phần đưa dân tộc ta vượt qua nhiều thử thách nghiệt ngã, có lúc như ngọn sóng trào quét sạch những nguy cơ làm tổn thương tinh thần dân tộc, đem lại sự yên bình cho đất nước.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi phong trào tranh đấu của giới Phật giáo Việt Nam nổi lên chống lại ách thống trị độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm. Phong trào ấy đã ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng Tăng Ni, Phật tử, cũng để lại tiếng vang trên trường quốc tế, về một lực lượng Phật giáo Việt Nam tham gia góp phần lớn vào việc lật đổ một chế độ độc tài, gia đình trị.
Trong bài viết này, tôi sẽ không nhắc lại lịch sử pháp nạn 1963. Tôi hạn chế vấn đề và chỉ nói đến phương pháp tranh đấu. Phương pháp đó là bất bạo động. Thế giới chứng kiến một cuộc tranh đấu bất bạo động thứ hai trong lịch sử cận đại, sau tranh đấu bất bạo động của thánh Gandhi. Ngay từ đầu, khi phát khởi phong trào, trong đầu của người lãnh đạo lúc đó - tôi muốn nói HT. Trí Quang - đã sáng rực tấm gương của Gandhi.
Có thể không sai khi phát biểu rằng Phật giáo là một trong những tôn giáo yêu chuộng hòa bình nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại; vì suốt gần 3.000 năm tồn tại và phát triển, đạo Phật chưa từng gây ra cảnh chiến tranh, giết chóc, đổ máu vì mục đích truyền đạo hay tranh giành tín đồ. Du nhập đến Việt Nam từ những năm đầu Tây lịch, giáo lý Phật giáo sớm trở thành lý tưởng sống cho đại đa số người Việt vì tính chất nhân bản, nhân văn và thiết thực của nó.
Mọi người đều công nhận xem như là đương nhiên, không cần phải chứng minh, đó là Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc ngày từ những ngày đầu lập quốc. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo”. Tinh thần dân tộc Việt thấm đậm trong tủy, trong máu người dân Việt.
I. PHẬT GIÁO TRONG PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP
Để tìm hiểu về phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, cần điểm lại những nét chính trong phong trào đấu tranh của Phật giáo từ khi Pháp mới xâm lược để thấy được những thành quả mà Phật giáo miền Nam đã kế thừa từ tinh thần đấu tranh chống xâm lược của giai đoạn trước đó.
Trong suốt gần hai nghìn năm hiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện với những đe dọa và thách thức trầm trọng như trong gần bốn mươi năm giữa thế kỷ thứ XX. Đó là giai đoạn mà Phật giáo phải chịu tác động của 3 cuộc khủng hoảng lớn.
Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đi qua với thời gian đã tròn 50 năm. Trong khoảng thời gian đó, phong trào đã là nguồn hứng cảm, thu hút sự chú ý nghiên cứu của các ngành sử học, văn học, tôn giáo học, chính trị học, v.v... kể cả trong nước và ngoài nước.
Trong lịch sử cận đại, Hòa thượng Thích Quảng Đức là một nhân vật lịch sử, một vị tăng Việt Nam của thế kỷ XX được xưng tụng và ca ngợi là một vị Bồ Tát xả bỏ thân mạng để cứu nguy dân tộc và đạo pháp cũng như làm rạng rỡ cho Phật Giáo Việt Nam.