Giảng tại chùa Giác Ngộ, ngày 24-02-2005
NHẬN DIỆN HẠT GIỐNG XUẤT GIA
Các nghịch duyên có thể trở thành động lực giúp ta vượt khó, trở thành người có chí nguyện lớn, hoặc tâm hạnh tu tập đúng theo tinh thần đức Phật đã dạy. Về sau, chúng ta sẽ có cơ hội giúp cho rất nhiều người đang bị trở ngại, vượt qua những thử thách mà bản thân họ không thể tháo gỡ được.
Nhà Phật thường dạy về tinh thần tưới tẩm những hạt giống xuất gia. Nó được quan niệm như một năng lực tiềm ẩn, có thể nẩy mầm, tạo sức sống cho một cây mới. Nếu hạt giống đó không được đặt trong một hoàn cảnh thích hợp, không khí, nước, ánh sáng, phân bón, chăm sóc đúng phương pháp, sẽ bị úng và chết đi. Hạt giống xuất gia của nhiều người cũng được hoạch định một cách tương tự như vậy. Có người có tâm nguyện xuất gia, nhưng vì nghịch cảnh của gia đình, tình cảm hoặc bị ràng buộc bởi địa vị, quyền lợi và đời sống vật dục nên không thực hiện được. Tất cả những yếu tố vừa nêu như là một trở ngại, nếu đặt chung với hạt giống xuất gia sẽ làm cho hạt giống đó úng và chết đi.
Nhận diện và tưới tẩm hạt giống xuất gia là một nhu cầu, đòi hỏi phải có nghệ thuật. Đừng nên nghĩ rằng lúc nào ta cũng thương nó, tưới phân cho nó, nó sẽ trưởng thành. Chúng ta cần phải biết chăm bón, vun bồi có phương pháp, đúng mức mới có tác dụng. Ngược lại, nếu chăm bón quá mức cũng sẽ bị phản tác dụng. Do đó, nghệ thuật chăm sóc hạt giống đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức sáng suốt.
CĂN TU NẨY MẦM
Người thế gian thường quan niệm rằng, ai xuất gia đều có căn tu. Khái niệm “căn tu” là một từ rất hay. Vì trong quá khứ có thể là một đời gần nhất, họ từng là người học tu, nên tái sanh trở lại vào một gia đình Phật tử thuần thành, dù tái sanh vào một gia đình khác tôn giáo, nhưng các hạt giống đó vẫn lớn mạnh, đến độ khi có cơ duyên gặp được chùa, nhà sư, hoặc những người bạn đạo, bỗng dưng chí nguyện xuất gia của họ bắt đầu trổi dậy, và họ trở thành những người tu.
Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, sau khi qua đời, các vị Lạt Ma được xem là chứng đạo. Thường để lại di chúc, nói về sự tái sanh vào nơi nào. Dựa vào di chúc đó, các vị cao đệ sẽ đi tìm thầy của mình. Cách thức để nhận dạng những tái sanh thường dựa vào việc chọn lựa các vật thường dùng trên quán tính của thói quen.
Trường hợp vị Lạt Ma Osell là một điển hình. Cách đây hơn mười năm, ngài đã sanh ra tại đất nước Tây Ban Nha, trong một gia đình Thiên chúa giáo. Các nhà sư Tây Tạng dựa vào di chúc của thầy mình để lại, đã lên đường đi tìm ngài. Đúng vào ngôi nhà đó, có một chú bé sáu tuổi, rất khôi ngô tuấn tú. Chú bé này rất khác những chú bé bình thường. Khi gặp các nhà sư, chú không hề có thái độ xa lạ. Sau đó, chú dám đưa tay lên sờ vào đầu các nhà sư, không một chút sợ hãi.
Trước hình ảnh đó, nếu ta không hiểu được dòng chảy của căn tu truyền từ kiếp này sang kiếp khác, ta cho chú bé này tinh nghịch, vô lễ. Các nhà sư khi được sờ đầu, rất vui mừng. Vì họ đã phát hiện ra đây chính là hạt giống tiếp nối của thầy mình. Hầu hết các nhà sư Tây Tạng đều tìm lại được các bậc thầy chứng đạo, các vị cao tăng để đưa về tu viện, rút ngắn được thời gian đào tạo. Cách đào tạo những người có sẵn hạt giống Phật pháp sẽ khác với những người chưa có gì cả.
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao các nhà sư Tây Tạng dám khẳng định chính xác như vậy? Câu trả lời là họ dựa vào phương pháp thói quen để nhận diện những hạt giống. Tiền thân của Osell là một vị cao tăng, và những đồ đệ của ngài lớn tuổi hơn ngài, nhưng tất cả đều kính lễ ngài như một bậc thầy, một người cha. Kinh Pháp Hoa gọi đó là: “Cha trẻ mà con già”. Người tái sanh trẻ về tuổi tác, nhưng lại vững chãi về nhận thức, tu tập và sự hành trì.
Khi một người có quá trình gần gũi với ta, qua đời trong thời gian dài, khi gặp lại, ở kiếp này tuy hai bên đã thay hình đổi dạng, nhưng bằng nhãn quan, ta vẫn có thể nhận diện được đây là người thân thuộc của mình. Bằng kinh nghiệm thực tế, ta có thể nhận diện được các dòng chảy của tình thân trong quá trình sanh tử luân hồi.
Khái niệm căn tu chỉ cho những tiềm năng hạt giống của một người xuất gia khi qua đời, tâm thức và nguyện vọng của họ vẫn tiếp tục được tiếp nối. Điều này lý giải được tại sao khi sanh ra, một số người trở thành nhà sư. Chúng ta không nên nhận định căn tu là một cái gì được định sẵn, chỉ những ai có căn tu mới có thể tu được. Hiểu căn tu như thế, đánh giá và nhận định đi ngược lại với tinh thần nhà Phật, đánh mất cơ hội giúp cho bản thân trở thành người tu. Quan niệm về căn tu chỉ có giá trị khi chúng ta phát hiện ra tiềm năng, nuôi dưỡng và phát triển tiềm năng thành tài năng trong cuộc sống.
TẬP SỰ ĐỂ XÁC LẬP LÝ TƯỞNG
Thông thường, những ai muốn xuất gia phải tập sự trong thời gian từ ba tháng cho đến sáu tháng. Tùy theo mỗi người tập sự, thầy bổn sư có thể quan sát người đó từ lời nói, việc làm, xem họ có thật sự muốn vào chùa trở thành người tu bằng lý tưởng, chí nguyện lớn hay không. Đây là sự thử thách cần thiết. Với người có chí nguyện xuất gia mãnh liệt, thời gian tập sự càng nhiều, động cơ và thao thức muốn xuất gia của họ càng mãnh liệt chừng đó.
Thông thường, khi ta có một chí nguyện lớn, muốn làm một đại sự thường gặp phải những nghịch cảnh, trở duyên. Ta cần phải nhận diện và giải quyết nó một cách rốt ráo bằng ý chí, nghị lực. Không khéo những nghịch cảnh, trở duyên đưa ta đi lệch hướng hoặc bỏ cuộc nửa chừng.
Một số trường hợp các vị tập sự ở chùa được một thời gian dài có thể là một năm, hai năm hoặc thậm chí ba năm, vẫn chưa được thầy mình đồng ý cho xuất gia. Trên thực tế, nhiều người có khuynh hướng muốn được xuất gia ngay sau khi vào chùa. Một số nhà sư cao tay ấn, thường kéo dài thời gian không cho những tập sự của mình xuất gia, là để cho những hạt giống kia từ từ được chín muồi. Ngược lại, nếu điều kiện xuất gia quá dễ dàng, ta thường ỷ lại, không biết trân quý và phát huy. Cho nên, khi thầy của mình kéo dài thời gian, ta lại càng phải nỗ lực, phấn đấu, làm điều gì đặc biệt để chứng tỏ với thầy, ta có đủ điều kiện, có lý tưởng, sớm muộn gì ta cũng đạt được ước nguyện. Ngày xưa đi tu rất khó, tầm sư học đạo là cả một quá trình thử thách. Nếu muốn tu và có chí nguyện lớn, chắc chắn ta sẽ không bỏ cuộc.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có một ẩn dụ: Khi cơn mưa xuống làm cho tất cả những loài cây thảo mộc sinh sôi, nẩy nở. Cây lớn và cây nhỏ đều hứng được nước mưa và trưởng thành theo cách thức riêng của nó. Đến một thời điểm nào đó, các loại cây đơm hoa và kết trái. Cũng có một số loài cây, khi những cơn mưa xuất hiện ào ạt và nhiều lần liên tục, sẽ bị úng và chết. Vậy, những ai là hạt giống nhỏ và yếu, chỉ cần vài lần thử thách dễ bị úng và chết ngay.
CHÍ NGUYỆN XUẤT GIA CỦA NGÀI THÂN LOAN
Hòa thượng Thân Loan là một vị cao tăng trong thời hiện đại. Ngài xiển dương tông Pháp Hoa rất thành công, tạo ra sinh khí mới cho phong trào thể nhập Phật giáo trong xã hội. Cuộc đời của ngài rất bất hạnh. Khi mới lên chín tuổi, cha mẹ của ngài đều qua đời. Ngài không có anh em, và trở thành mồ côi. Ngài có sẵn căn tu. Sau khi làm lễ an táng cha mẹ xong, ngài xin gặp Hòa thượng Từ Trấn, xin đi tu. Vào thời điểm đó, Hòa thượng Từ Trấn đã trên tám mươi tuổi. Hòa thượng nói với Thân Loan như sau: “Con còn nhỏ quá, ăn cơm còn chưa xong, sao đi tu được. Con hãy xuống núi mà về, kẻo trời tối nguy hiểm”. Ngài Thân Loan trả lời Hòa thượng như sau: “Bạch Hòa thượng, con đến đây để tham kiến ngài hai việc. Trước hết con xin hỏi ngài, con người tại sao chết? Thứ hai, thông qua cái chết, tại sao tình thâm giữa cha mẹ và con cái lại chia lìa nhau? Vì muốn tìm hiểu được hai nguyên lý này, con đến đây xin được tu học. Nếu ngài có yêu cầu hay ra điều kiện gì, con đều làm cả”.
Nghe xong, Hòa thượng Từ Trấn rất đỗi vui mừng, biết rằng đây là một hạt giống tốt cho Phật giáo. Thế nhưng, Hòa thượng vẫn giả vờ từ chối và nói tiếp: “Con còn nhỏ quá, hỷ mũi chưa sạch. Thôi hãy về đi, muốn gì thì ngày mai lên đây bạch với thầy”. Ngài Thân Loan khẩn cầu như sau: “Ngay ngày tang lễ cha mẹ con, Hòa thượng đã đến và dạy chúng con một điều: vô thường không chờ đời ai. Con rất tâm đắc câu nói đó. Vì vậy, nếu hôm nay Hòa thượng bảo con trở về thì không biết ngày mai con có giữ được tâm xuất gia nữa không? Hơn nữa, tuổi ngài cũng đã cao. Hôm nay ngài còn sống, nhưng ngày mai cũng có thể ngài về cõi Phật. Cho nên, hôm nay con sẽ không về nhà! Nếu ngài không cho con vào chùa, con sẽ ngủ ngoài hành lang. Nếu ngài không cho con ngủ ngoài hành lang, con sẽ ngủ bên vệ đường. Con sẽ ở đây cho đến khi nào ngài đồng ý mới thôi!”.
Lúc ấy Hòa thượng Từ Trấn không còn cách nào khác, cho tập họp tăng chúng trên chánh điện và làm lễ xuống tóc cho Thân Loan xuất gia.
Đây là câu chuyện có thật, nói về một người có nhận thức sáng suốt, biết tìm kiếm những cơ hội tốt và làm cho hạt giống xuất gia được chín muồi. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao một đứa bé mới chín tuổi, lại biết cách lý luận và thuyết phục một vị cao tăng cho phép mình đi tu.
Theo học thuyết hạt giống của nhà Phật, trải qua quá trình sanh tử nhiều đời kiếp, con người có khuynh hướng thông minh hơn so với những thế hệ trước. Ngày xưa, ông bà tổ tiên mất mấy mươi năm mới có được một kiến thức. Thế hệ của chúng ta ngày nay chỉ cần học trong một thời gian ngắn là thông thạo nhiều thứ. Trải qua quá trình phát triển của nền văn minh hiện đại, con người lại tiếp tục gieo trồng những hạt giống kiến thức đó trong não và khi tái sanh, những đứa trẻ này sẽ thông thái và nhanh nhẹn hơn tổ tiên, ông bà của chúng ngày xưa. Người xuất gia có căn tu trải qua nhiều kiếp cũng tương tự như vậy.
Ngài Thân Loan có thể kiếp trước là một người tu, hạt giống xuất gia của ngài đã nảy mầm trong tình huống đau buồn do cha mẹ qua đời. Trong nỗi khổ đau quá lớn đó, ngài đã đến với nhà Phật và trở thành một vị cao tăng. Điều cần học hỏi ở đây, là ngài đã biết cách biến nỗi mất mát, khổ đau thành hành động, tìm ra con đường giải thoát cho chính mình. Đó là con đường xuất gia có lý tưởng lớn.
Có những đau buồn dẫn đến những hành động, chí nguyện lớn, nhưng cũng có những đau buồn làm cho con người hoàn toàn bị suy sụp tinh thần. Cho nên, nhà Phật không bao giờ tô hồng khổ đau, như một số người từng gán cho đạo Phật là bi quan và yếm thế. Nguyên lý mà đức Phật đã khám phá bắt đầu bằng hiện thực của khổ đau. Khi thấy khổ đau không phải để chán chường mà cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao nó có mặt, tiếp theo đó, khi đã tìm được nguyên nhân của khổ đau rồi, ta phải tìm kiếm hạnh phúc bằng cách đi trên đường đúng.
Qui trình chân lý này gồm bốn mệnh đề: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là hạnh phúc và đây là con đường của hạnh phúc. Sở dĩ nhà Phật không nhấn mạnh khổ đau, vì không muốn làm cho con người bị chán chường, thất vọng. Nhà Phật dạy chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự khổ đau để tìm phương cách giải quyết nó, biến khổ đau thành hành động, tìm ra con đường hạnh phúc cho chính mình.
CHĂM SÓC HẠT GIỐNG XUẤT GIA
Tưới tẩm hạt giống xuất gia là một yêu cầu và đôi khi là một thách thức. Không để cho những hạt giống đó chết đi, hay bị thay đổi, biến dạng. Ngay từ đầu, tôi đã nói đến khái niệm tưới tẩm hạt giống là một nghệ thuật. Ta phải tưới tẩm như thế nào để người thân của mình đồng ý, tưới như thế nào để nguyện lực của mình được lớn mạnh. Bằng không, ta sẽ bị thất vọng, chán chường và xa rời con đường xuất gia.
Nhiều người đã không có may mắn nuôi nấng hạt giống xuất gia được chín muồi, nên họ bỏ cuộc nửa chừng. Cũng có nhiều người tuy hạt giống không có, nhưng biết cách gieo trồng, hạt giống xuất gia sẽ dần được phát sinh. Dù kiếp trước có thể họ không là người tu, kiếp này họ vẫn tu rất tốt.
Gợi lại câu chuyện lịch sử thời đức Phật. Sau khi hoàng hậu Ma-da qua đời, đức vua Tịnh Phạn tái giá, cưới Ma-ha- ba-xà-ba-đề, tức em ruột của hoàng hậu Ma-da, làm vợ. Tình yêu đó đã khai hoa nở nhụy bằng một đứa con tên là Nan-đà.
Về phương diện dòng tộc, Nan-đà là người em cùng cha khác mẹ với đức Phật Thích Ca.
Khi đức Phật trở về thành Ca-tỳ La-vệ thăm vua cha, để thuyết phục và giáo hóa ông, ngày hôm đó cũng chính là một ngày rất long trọng đối với tất cả thần dân Sakya. Đó là ngày cử hành hôn lễ của thái tử Nan-đà. Chính sự kiện này cũng ảnh hưởng đến việc kế vị ngôi vua. Thái tử Tất-đạt-đa đã là một vị Phật, nên không thể kế vị ngai vàng theo luật định, người em kế của Ngài phải là người lên kế vị ngôi vua. Đức Phật muốn nhân cơ hội này, giúp cho người em của mình không trở thành ông vua, mà là một nhà tâm linh. Ngày hôm đó, hôn lễ được diễn ra trong sự đón tiếp nồng nhiệt của nhiều người, đức Phật cũng đến dự. Sau khi dự lễ xong, Ngài dùng ngọ trai. Thông thường, sau khi ngọ trai, đức Phật có một buổi thuyết pháp giúp cho quần chúng hiểu được đạo lý, để tu tập và chuyển hóa. Hôm đó, đức Phật không thuyết pháp, không nói một lời nào, tay cầm một cái bát và bước đến tặng cho Nan-đà. Sau đó, Ngài đứng dậy đi trở về vườn ngự uyển. Nan-đà vì rất kính người anh cùng cha khác mẹ của mình, cũng cầm cái bát đi theo, nghĩ rằng, đây là cơ hội gieo trồng phước báu cho ngày cưới của mình. Trong khi đó, vị tân nương của ông lại than khóc nức nở, vì biết rằng đây là việc chẳng lành. Khi đến vườn ngự uyển, Phật ngồi xuống. Lúc ấy, Nan-đà mới cầm bát đưa cho đức Phật, và đức Phật đã hỏi ông như sau: “Hôm nay là ngày cưới của em, ta muốn em là người kế vị con đường giải thoát và giác ngộ, chứ không phải là con đường kế vị vua cha, cai trị bằng luật pháp và quân sự. Em nghĩ điều này như thế nào?” Nan-Đà bất giác run lên cầm cập, chỉ muốn lấy vợ mà thôi. Đức Phật khuyên ông hãy suy nghĩ lại, giữa hai con đường: một con đường với cuộc sống thong dong và hạnh phúc lâu dài để giúp đỡ cho mọi người không phân biệt màu da, giai cấp, và một con đường mang tính chất hệ lụy với trách nhiệm của một người chồng, người cha, người kế ngôi vua. Vì kính nể đức Phật, cuối cùng Nan-đà đã chấp nhận đi tu.
Trong câu chuyện này, ta thấy hạt giống xuất gia ở Nan- đà không hề có. Đức Phật đã biết cách tưới tẩm hạt giống đó và cuối cùng hạt giống đó đã được trưởng thành.
Sau khi xuất gia xong, Nan-đà ngày đêm khổ sở vì thân mặc đồ tu, nhưng tâm luôn nghĩ về người bạn đời mới cưới. Đức Phật biết việc này, đã gọi Nan-đà lên và hỏi: “Có phải mấy ngày qua, Nan-đà không nhiếp tâm theo con đường mà mình đã chọn, có đúng vậy không?”, ông đã thừa nhận việc này. Sau đó, đức Phật dùng phương pháp thần thông đưa Nan-đà tới một hành tinh khác. Nơi đó, có rất nhiều tiên nữ xinh đẹp và họ đẹp hơn cô tân nương của ông. Khi nhìn thấy các cô tiên nữ xinh đẹp này, ông bắt đầu say đắm và quên ngay vị tân nương yêu kiều, diễm lệ của mình. Đức Phật không để cho Nan-đà bị say đắm. Ngài đã đưa ông trở về hành tinh này và hỏi: “Nan-Đà có muốn lấy các cô tiên nữ xinh đẹp đó làm vợ không?”, ông trả lời: “Bạch Thế Tôn, con rất muốn, xin Thế Tôn tạo điều kiện cho con”.
Đức Phật dạy, chỉ cần cố gắng tu tập tốt. Kể từ đó, Nan- đà ngày đêm nỗ lực công phu tu tập. Trong khi đó, các vị tu sĩ khác lại bàn tán về ông rất nhiều. Họ cho rằng ông tu có điều kiện, vì muốn lấy tiên nữ đẹp làm vợ nên mới chịu khó tu tập. Chính vì điều này mà Nan-đà cảm thấy rất xấu hổ. Sự tương tác qua lại làm cho ông phải suy nghĩ. Bỗng dưng, ông cảm thấy sáng suốt nhận ra rằng, tất cả những giá trị mà thế gian gọi là đẹp đều có thể tan biến theo thời gian, không có gì để cho ông phải quyến luyến lâu dài. Chỉ có con đường xuất gia mới giúp ông gặt hái được hoa trái của hạnh phúc. Kể từ đó, Nan-đà đã thay đổi cách nhìn, tưới tẩm và vun bồi con đường xuất gia. Cuối cùng, trong một thời gian ngắn, ông trở thành bậc giác ngộ.
Đức Phật rất có nghệ thuật khi ứng dụng phương pháp dụ dỗ Nan-đà. Ngài biết rất rõ trong tâm tư của Nan-đà lúc nào cũng bị khống chế bởi tình yêu, đức Phật đã sử dụng phương pháp “Gậy ông đập lưng ông” để hóa độ cho hạt giống này được nẩy mầm và sinh sôi tốt đẹp.
Sự kiện của Nan-đà cho ta một bài học, đừng bao giờ mặc cảm rằng ta chưa có hạt giống của người tu, chưa có căn tu hoặc chưa có điều kiện để tu. Chỉ cần điều chỉnh lại nhận thức đúng đắn ta sẽ đạt được ước nguyện.
Đạo Phật không chấp nhận định mệnh, và cũng không chấp nhận những điều thường hằng bất biến. Tất cả đều trôi chảy như một dòng sông. Nếu ta biết cách đầu tư, tạo điều kiện cho những hạt giống tốt được chín muồi, mọi việc sẽ trôi chảy theo khuynh hướng tốt đẹp.
THỰC HIỆN CHÍ NGUYỆN LỚN
Tôi kể thêm câu chuyện có thật về ni sư Diệu Liên. Bà đã có vai trò rất lớn trong Phật giáo của hệ phái khất sĩ. Năm ba mươi hai tuổi bà đã đem lòng yêu một nhà giáo này đã có một đời vợ và tám người con. Vợ ông không may qua đời trong lần sinh nở cuối cùng. Với tình yêu nồng thắm dành cho chồng, ni sư đã xem tất cả tám người con trước của chồng như con ruột, và bà cũng thật hạnh phúc khi những người con đó hiếu thảo với bà. Sau khi lập gia thất một thời gian, bà có nguyện vọng đi tu. Chồng bà một mực không đồng ý về vấn đề này.
Một hôm nọ, bà lén chồng xuống ngôi chùa ở Hà Tiên để xuống tóc. Chồng bà hay tin bà đã bỏ đi, vô cùng buồn khổ. Ông đi rất nhiều chùa, tìm bà khắp nơi nhưng vô vọng. Chợt nhớ lại thời gian trước, hai vợ chồng ông từng viếng thăm một số ngôi chùa. Nay ông quay trở lại những ngôi chùa đó, và may mắn thay, khi ông tìm đến ngôi chùa thứ tám thì gặp được vợ mình đang ở đó, chuẩn bị xuất gia. Ông nài nỉ, khóc lóc và cầm một con dao đứng trước mặt bà dọa rằng, nếu bà không về nhà thì ông sẽ tự tử. Bà đứng trước một tình huống vô cùng khó xử, muốn đi tu cũng không đành lòng. Nếu để xảy ra án mạng tại chùa thì không hay. Vị sư trụ trì đã khuyên bà nên trở về nhà vì duyên chưa đủ.
Theo giới luật của nhà Phật, những người đã lập gia đình nếu muốn đi tu phải được sự đồng ý của người còn lại và phải ly dị theo luật định. Khi khế ước hôn nhân không còn giá trị pháp lý, lúc đó họ mới được quyền tự quyết định cuộc đời của mình. Vì vậy, bà đành phải quay về nhà.
Hai người tiếp tục chung sống với nhau thêm một vài năm. Sau đó, bà lại trốn nhà đi tu lần thứ hai với tổ sư Minh Đăng Quang, và lần này cũng không thành công. Ông cũng tìm được bà và thực hiện cách thức tương tự như lần trước. Hai người đã sống với nhau được mười sáu năm nhưng không có con. Đến năm thứ mười sáu, bà tiếp tục nhận thấy cuộc sống hôn nhân không còn thỏa mãn nữa. Năm đó bà bốn mươi bảy tuổi, một lần nữa đòi đi tu nhưng chồng vẫn một mực không cho, vì quá thương bà. Kể từ đó, bà đã quyết định tịnh khẩu trong suốt một năm dài. Bà muốn tạo áp lực để chồng đồng ý, nhưng ông vẫn cương quyết không cho. Thân bằng quyến thuộc của bà đều là những Phật tử cũng ra sức khuyên ngăn ông. Thực ra, tuy hai vợ chồng ông còn ở chung với nhau nhưng đã ly thân. Bà đã tịnh khẩu không nói với ông lời nào làm sao còn hạnh phúc nữa. Ông chồng vẫn lý giải rằng, thà như thế ông còn được gặp bà mỗi ngày, được nhìn thấy gương mặt bà là ông đủ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi.
Cuối cùng, không còn cách nào khác, bà đành phải gây áp lực với ông bằng cách dọa tự tử. Ông đành chấp nhận, cho phép bà được xuất gia và lần này bà đã thành công. Sau khi bà đi tu, hàng tuần người chồng vẫn đến chùa thăm bà. Về sau, ông cũng đã tái giá với người vợ thứ ba và họ đã có thêm mấy người con nữa. Thỉnh thoảng có dịp, ông vẫn dẫn các con đến thăm bà.
Chỉ sau hai năm xuất gia, bà đã có khả năng vận động được ngân quỹ từ các nhà hảo tâm, để xây cất chùa. Khi qua đời, vào năm tám mươi ba tuổi, bà đã xây cất được ba mươi hai ngôi tịnh xá cho hệ phái Phật giáo khất Sĩ.
Trong câu chuyện này, chúng ta thấy hạt giống xuất gia của ni sư Diệu Liên rất lớn, đến độ nó đã bị khỏa lấp đến mười bảy năm của đời sống hôn nhân mà hạt giống này vẫn không bị chết. Ngược lại, thời gian mười bảy năm lại là cơ hội quí báu để cho hạt giống này được tiềm ẩn, thôi thúc và tạo nên áp suất lớn. Đến khi áp suất này bùng nổ, nó làm cho người đó trở thành bậc xuất gia chân chính và lỗi lạc, có nhiều đóng góp.
QUYẾT CHÍ TU SẼ ĐƯỢC
Cho dù hoàn cảnh, điều kiện xã hội không cho phép, nhưng nếu biết cách ta vẫn có thể thực hiện nó một cách thành công. Nói về việc tưới tẩm hạt giống xuất gia chín muồi, có một nguyên tắc để chúng ta có thể xác định. Nguyên tắc đó được dựa trên yếu tố thời gian.
Kể lại câu chuyện của tôi, khi mới mười hai tuổi, chỉ đi chùa có một ngày duy nhất, hôm sau tôi đã xin xuất gia. Khi ra về, tôi đã tự động may áo tu và xin vào chùa ở. Ba tôi không đồng ý với lý do ngôi chùa đó ở xa quá. Thế là tôi gợi ý xin vào một chùa gần nhà, ông cũng không đồng ý vì cho rằng chùa gần nhà khó tu. Do vậy, tôi phải tự đi xin gần ba chục ngôi chùa khác nhau, không có chùa nào đồng ý nhận. Ngày xưa, có lẽ do nhìn thấy tướng tôi, xấu xí, nhỏ bé, không làm nên tích sự gì nên chẳng có chùa nào dám nhận. Tôi không thể lý giải được tại sao mình lại xin đi tu. Vì mới mười ba tuổi đầu, tôi làm sao có đủ sáng suốt để nhận biết được những giá trị, lý tưởng của con đường xuất gia. Thế nhưng mãnh lực xuất gia đó cứ trỗi dậy trong tôi như một lời kêu gọi, một thao thức mà mình không thể lý giải được.
Khi ấy, tôi nhìn thấy hình ảnh của chú tiểu để mái tóc qua bên phải rất lạ, mà tôi đã nảy sinh ước muốn đi tu. Lý do chỉ đơn giản như thế. Có một số người, động cơ xuất gia của họ rất kỳ quặc. Họ ước muốn đi tu chỉ vì để được ăn những cái bánh trên bàn Phật vào các ngày rằm tháng bảy, tháng tư, hoặc tháng mười. Nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng, động cơ tốt sẽ được trưởng thành theo thời gian.
Sau đó, tôi được nhận vào tu ở chùa Đại Giác. Thời gian tu học ở chùa này, Hòa thượng Thích Thiện Huê không cho tôi cạo đầu. Công việc của tôi mỗi ngày là gõ mõ trên chánh điện. Khi làm công việc này, đầu tôi cứ liên tưởng, hình dung như mình đang tu trên núi. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện tu. Một thời gian sau, tôi ngỏ ý xin Hòa thượng cho tôi cạo đầu, nhưng một lần nữa, ngài vẫn không đồng ý.
Đến năm 1984, có đủ cơ duyên tôi đã đến chùa Giác Ngộ tu học. Tại đây, chỉ trong vòng ba tháng, tôi được Hòa thượng
Thích Thiện Huệ cho phép thế phát. Niềm hạnh phúc của tôi lúc bấy giờ dâng trào, không sao diễn tả được.
Trong những tình huống như vậy, ta có thể nhận biết rằng hạt giống đó đã đến lúc chín muồi. Giống như hình ảnh một cái cây được trồng trong nhà có mái che. Khi cây trưởng thành, nó hướng về ánh sáng. Tự thân nó sẽ chọc thủng ngôi nhà để vươn lên. Như hình ảnh của một con gà, khi đã được gà mẹ ấp đủ số ngày, nó sẽ chọc thủng cái vỏ trứng để chui ra theo quy luật sinh tồn.
Xuất gia cũng thế, càng bị ngăn cản, ta càng tìm mọi cách để đi. Đây là khuynh hướng của những hạt giống xuất gia mãnh liệt. Còn những ai nếu thấy hạt giống của mình chưa đủ mạnh, nên bắt chước như trường hợp của ngài Nan-đà. Lúc đầu ta chỉ tu lấy lệ, nhưng sau đó bằng tuệ giác đức Phật đã dạy trong kinh, và qua cách thức hành trì dưới sự hướng dẫn của người thầy, ta dần dần nhận ra con đường cần phải đi. Khi ấy, ta làm mới lại hạt giống và hạt giống đó có kết quả tốt trong tương lai.
ĐI VỀ PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG
Trước khi xuất gia, chúng ta phải chuẩn bị cho mình một phương trời mới rộng. Phương trời đó, nói theo tổ Quy Sơn là: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”. Người xuất gia được định nghĩa là người đang từng bước hướng về một phương trời cao rộng. Nơi đó tâm hành, khẩu hành, ý hành hoàn toàn vượt lên trên người thế gian bình thường. Đây là một định nghĩa về bản chất của người xuất gia, đơn giản nhưng chuẩn xác. Hình thức của một người xuất gia cần phải có chất liệu tâm hình dị tục. Hình thức đó không chỉ được thể hiện qua chiếc áo mà còn thể hiện qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, lời nói và việc làm. Nó cần có chất liệu của sự đỉnh đạc, trang nghiêm, nhẹ nhàng, an lạc và thảnh thơi. Đó là kết quả của một quá trình tu tập, được gọi là sự chuyển hóa đời sống nội tại. Khi tâm ta thay đổi thì hình dạng cũng sẽ thay đổi theo.
Tổ Quy Sơn đã dạy chúng ta phải làm thế nào để chuyển hóa tâm, chuyển hóa các ứng xử và những cử chỉ hàng ngày, phải vượt lên trên những người phàm tục về phương diện nội dung, đạo đức và tuệ giác nhận thức. Do đó, chuẩn bị cho ta một phương trời mới là một điều kiện rất cần thiết. Vì có nhiều người có hạt giống, có tâm nguyện và ý thức nhưng lại không có quá trình chuẩn bị, nên gặp rất nhiều ngỡ ngàng sau khi xuất gia. Có một số người biết đến chùa thông qua các khóa kinh hoặc qua một vài giờ vào chùa sinh hoạt. Họ cảm thấy tâm mình lắng yên, và nghĩ rằng tất cả mọi thứ cũng diễn ra như vậy sau khi mình xuất gia. Nhưng khi vào chùa tu rồi, họ bị thất vọng, ngỡ ngàng do thiếu sự chuẩn bị. Ở đây, sự chuẩn bị theo nhà Phật không phải là tính thời gian dài hay ngắn, mà là cách thức để ta nhìn lại vấn đề với tất cả sự sáng suốt, giúp cho tâm của ta ngày càng thăng tiến.
QUYẾT CHÍ XUẤT GIA ĐỪNG DO DỰ
Trong dân gian có câu ngạn ngữ: “Trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lần” nhằm để nhắc nhở ta sự thận trọng, tránh những sơ suất dẫn đến những đổ vỡ, gây khổ đau cho những người khác. Theo quan điểm nhà Phật, nếu ta ứng dụng câu nói này sẽ tạo ra một tình huống do dự. Khi ta thận trọng, đắn đo, do dự sẽ dẫn đến tình trạng không quyết đoán được. Thái độ do dự được nhà Phật định nghĩa như một nguồn năng lượng, mà chức năng của nó là đánh phá, làm tiêu hủy hết tất cả những năng lực của sự phán đoán và nhận định chân chính trong cuộc đời. Những ai sống với thái độ do dự sẽ nhận lấy những phiền não và khổ đau. Nhà thơ Tố Hữu đã từng lưu ý:
Đây là sự so sánh giúp ta có thái độ quyết đoán, không hối hận. Nhà Phật dạy, chính sự hối hận là một nguồn năng lượng thứ hai có thể thiêu hủy hết tất cả những việc làm tốt mà ta có được trong quá khứ. Ý thức được điều này, người Phật tử đừng bao giờ hối hận trước những việc làm tốt, được trả ơn bằng những lời oán trách, phê bình, chỉ trích và thậm chí hãm hại. Ta cần làm hết mình bằng tâm hoan hỷ, không chấp trước, phiền não hay cầu mong một sự trả ơn, có như thế, phước lực của ta ngày một thêm tăng trưởng.
Vào thời đức Phật có một vị phạm chí, tức là Bà La Môn tên Hắc Thị, ông có khả năng thuyết pháp rất tuyệt vời. Mỗi khi ông thuyết pháp, cả trời Đế Thích cũng xuống nghe, vì cách thức ông hùng biện, dẫn dụ và lý giải rất sâu sắc thuyết phục. Ai nghe ông suốt cả ngày, dù không ăn nhưng họ vẫn cảm thấy no. Điều này được nhà Phật gọi là pháp hỷ thực. Có nghĩa là ăn với các giáo pháp, hay con đường đạo đức. Niềm vui Phật pháp đó làm cho họ quên đi cái đói thông thường. Sau buổi pháp thoại ấy, ngài Đế Thích đã nói với Hắc Thị rằng, thông qua gương mặt của ông, cho thấy ông qua đời rất sớm. Lúc đó, thái độ của Hắc Thị hoảng hốt. Tuy giảng kinh, thuyết pháp hay nhưng khi đối diện cái chết, nỗi sợ hãi trong ông vẫn xuất hiện.
Ông đã ngỏ lời với Đế Thích hãy chỉ cho ông con đường, để ông có thể sống thọ hơn nhằm làm được nhiều việc thiện. Đế Thích khuyên ông hãy đến gặp đức Phật, vì đức Phật là bậc đạo sư có khả năng, chuyển hóa và làm thay đổi cuộc đời. Trước khi đến gặp đức Phật, Đế Thích cũng khuyên Hắc
Thị nên chọn con đường xuất gia, vì con đường này tạo ra nhiều phước báu có thể giúp cho ông tăng trưởng tuổi thọ. Trên đường đi, Hắc Thị nhìn thấy hai cây ngô đồng đang trổ hoa rất đẹp, và ông đã nhổ hai cây này đem đến cúng dường cho đức Phật.
Khi thấy Hắc Thị đến, trên tay ông đang cầm hai cây ngô đồng. Phật liền bảo ông hãy buông cây ngô xuống. Ông làm theo lời đức Phật, buông một cây ngô xuống, nhưng tay kia vẫn đang cầm cây còn lại. Đức Phật lại bảo ông hãy buông cây ngô còn lại và ông cũng làm theo. Đức Phật bảo ông hãy buông tiếp nữa. Trong lúc ông đang ngơ ngác chưa hiểu thế nào, Ngài lại bảo ông hãy buông tiếp, buông tiếp nữa, hãy buông cho đến lúc không còn gì để buông. Ông hỏi đức Phật: “Bạch Thế Tôn, hai bàn tay con chỉ cầm hai cây ngô đồng. Thế Tôn vừa bảo con hãy bỏ cây ngô đồng bên tay trái xuống, rồi đến tay phải và giờ đây hai bàn tay con đã hoàn toàn trống rỗng, sao Thế Tôn cứ bảo con hãy buông nữa, con biết làm cách nào đây?” Đức Phật dạy: “Cái mà Như Lai bảo ông buông, không thuộc về vật chất, không phải cây ngô đồng, là ông hãy buông bỏ sự chấp vào sáu giác quan, sáu nhận thức xuất phát từ sáu giác quan đó trong sự tiếp xúc với các đối tượng của chúng”. Nghe vậy, Hắc Thị một lần nữa ngơ ngác không hiểu.
Đức Phật đã giải thích cho ông rõ thêm. Con người có các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng ta không nên để các giác quan này chi phối, tác động dẫn dắt ta đi theo hướng nó muốn. Sự buông bỏ các giác quan như vậy không có nghĩa là ta buông bỏ hết tất cả những khả năng nhận thức, đánh giá về mọi sự vật hiện tượng xung quanh, ở đây chúng ta nhận nó theo cách thức không để cho nó làm ta khổ đau.
Chúng ta có sống thọ hay không, vấn đề này không quan trọng. Giá trị của sự sống không phụ thuộc vào yếu tố thời gian ta có mặt trên cuộc đời này, nó phụ thuộc vào cách thức chúng ta sống trên cuộc đời như thế nào. Chúng ta có được chất liệu, hạnh phúc hay không. Nếu có thì chúng ta là con người hạnh phúc, bằng không chúng ta là con người khổ đau.
XUẤT GIA LÀ ĐI NGƯỢC DÒNG ĐỜI
Qui trình nhận thức dẫn đến sự tu tập của nhà Phật được diễn đạt rất đơn giản. Đó là trong quá trình tiếp xúc của con mắt, chúng ta chỉ xem đơn giản nó là sự thấy. Trong quá trình nghe, đơn giản là sự nghe. Trong quá trình của ngửi, đơn giản là ngửi và trong quá trình của biết đơn giản chỉ là biết. Không có mặt của nhận định, đánh giá, phân tích theo cách thức tiêu cực, mặc dù ta vẫn sử dụng các giác quan, tiếp xúc với các đối tượng của chúng nhưng ta không bị trói buộc. Như thế là chúng ta đang đi ngược lại dòng đời.
Những người không có quá trình tu tập, luôn tìm mọi cách để được thỏa mãn. Như trường hợp những người nghiện xì ke, ma túy. Đến giờ lên cơn nghiện họ không có thuốc thì bải oải, bần thần, rã rượi, thậm chí đau đớn vô cùng. Họ phải thỏa mãn bằng mọi giá. Nếu không có tiền, họ phải trộm cắp, cướp giựt v.v… Điều này cho thấy họ bị phụ thuộc vào các giác quan, bị khống chế và làm nô lệ cho chúng.
Nhà Phật dạy chúng ta hãy buông bỏ sáu căn, sáu thức và sáu trần. Người tu phải là người làm chủ các giác quan, biến các giác quan này thành những kẻ nô lệ, thành những công cụ phục vụ, bấy giờ chúng ta sẽ trở thành những người xuất gia đúng nghĩa, lúc đó con đường giải thoát sẽ có mặt.
Như vậy, để chuẩn bị cho con đường xuất gia, ta phải tập buông bỏ những gì thuộc về khuynh hướng hưởng thụ, để hướng đến các giá trị thanh cao. Từ đó, ta tìm kiếm các giá trị liên hệ đến đời sống nội tâm hơn là những biểu đạt hào nhoáng bên ngoài. Hai cách thức sống này hoàn toàn đối lập nhau, dẫn đến hai khuynh hướng, hạnh phúc tạm thời và hạnh phúc lâu dài.
Để hỗ trợ cho việc thực hành buông xả, dấn thân trên con đường tu học của người xuất gia, nhà Phật dạy chúng ta cần phải có thời gian để làm quen với đời sống của người tu. Sự làm quen chính là để gieo trồng hạt giống tâm linh từ từ. Có nhiều người không chấp nhận hoặc không thích ứng ngay với sự thay đổi đột ngột của đời sống xuất gia. Chẳng hạn sau khi xuống tóc xuất gia trong vòng vài hôm, một vài người có cảm giác choáng váng, lo toan, sợ hãi, và trong sự sợ hãi đó, đã thay đổi quyết định không đi tu nữa.
Năm 2004, tôi có dịp đi thuyết giảng một số chùa ở Úc, tôi có gặp một sư cô tuổi đã ngũ tuần. Khi gặp sư cô này, tôi cảm thấy thật khó chịu, bởi vì trên gương mặt của cô có kẽ chân mày và dùng son phấn. Môi thì cắt và tạo lúm đồng tiền mỗi khi cười. Tôi rất lấy làm lạ, nhưng không dám nói. Đức Phật đã dạy tất cả những người xuất gia hướng về đời sống nội tại, lấy cái đẹp của đạo đức làm trang sức cho chính mình. Đạo đức mới chính là trang sức đẹp nhất, là hương thơm quí giá nhất trong cuộc đời, chứ không phải là son phấn.
Trước khi trở về Việt Nam, tôi lại có dịp tiếp xúc với sư cô thêm một lần nữa. Lúc đó, tôi mới đem thắc mắc ra hỏi sư cô và được cô cho biết, cô đã đã xăm nó trước khi đi tu. Cô cho biết thêm một chi tiết, cô đã xăm nó một tuần trước khi đi xuất gia. Vì cô cho rằng sau khi xuất gia rồi sẽ không có điều kiện để cô trang điểm, xăm trước không ai có thể nói mình được.
Bản chất của sự trang điểm, làm đẹp là để tạo ra sự thu hút giới tính, được người khác chú ý, khen ngợi hay quyến luyến. Nhưng nếu đi tu mà làm như thế khác nào ta rước họa vào thân. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng sư cô có thể rất hối hận khi đã quyết định làm việc này. Song điều này không vì thế mà làm trở ngại đến việc tu tập và hành trì của cô, nếu như cô biết tận dụng cơ hội tốt như ngài Nan-đà. Khi bị người khác nguyền rủa, phê bình, chỉ trích ta nên lấy làm động lực để chứng minh và phấn đấu vươn lên. Nếu phát xuất từ động cơ trên, sự trở ngại sẽ trở thành điều kiện tốt, nghịch duyên trở thành thuận duyên.
CON NGƯỜI THANH BẦN LẠC ĐẠO
Kinh điển Đại thừa thường dạy “phiền não tức bồ đề”, biến hoàn cảnh éo le làm cơ hội để phấn đấu vươn lên, không có bùn thì hoa sen không bao giờ nở xanh tươi, đừng bao giờ nguyền rủa bóng tối, khổ đau, hay chỉ trích, phê bình những những gì chưa hoàn thiện. Nếu không có nó tâm nguyện của ta không lớn mạnh. Quy luật tương tác của mọi sự vật hiện tượng là cái này có tạo ra cái kia. Trong sự tu tập cũng thế, ta nên làm quen cách sống của người tu để không bị ngỡ ngàng trước những khuynh hướng sống khác thường mà trong kinh gọi là: “Tam thường bất túc”. Ba yếu phẩm: ăn, mặc và ngủ thường không nên quá đầy đủ.
Thời đức Phật, mỗi ngày các tu sĩ chỉ được ăn duy nhất một bữa trưa. Bữa sáng và bữa chiều nhịn đói để dành hết thời gian cho việc tu tập, chuyển hóa, đem chất liệu an lạc và hạnh phúc đến cho mình và những người khác. Thời nay, do hoàn cảnh xã hội thay đổi, người tu sĩ phải lao động, làm việc, nên năng lượng bị tiêu hao khá nhiều. Do đó, các Tổ cho phép người xuât gia được ăn một ngày ba cử: cử trưa là chính, cử sáng và chiều chỉ ăn nhẹ. Nhà Phật dạy người tu phải ăn đơn giản, không nên đắm nhiễm vào khẩu vị: Cái này ngon hay cái kia béo. Trong khi ăn phải nhai kỹ và luôn có sự hiện diện của chánh niệm, tỉnh thức. Người tu nên xem việc ăn chỉ là một điều kiện để nuôi thân, giúp cho sức khỏe thân thể được đảm bảo và nhờ đó con đường tu tập được lâu dài, bền bỉ.
Khi đi xuất gia, mỗi tu sĩ chỉ được mặc ba chiếc y mặc trong suốt một năm, người xuất gia chỉ được ngủ năm tiếng mỗi ngày, riêng một số người chỉ ngủ bốn tiếng. Nếu trạng thái tâm của ta được đặt trong chánh niệm tỉnh thức thì năng lượng tiêu hao của nó sẽ không bị mất nhiều. Đời sống người tu luôn giữ được trạng thái tâm thanh thản. Ai tu đúng phương pháp, giấc ngủ của họ rất sâu, chỉ cần một ngày ngủ hai hoặc ba tiếng không có giấc mơ, ít gặp ác mộng ta vẫn đảm bảo được sức khỏe làm việc cả ngày. Ngày xưa, đức Phật chỉ ngủ hai giờ mỗi ngày, và hai mươi giờ còn lại Ngài làm việc, giảng kinh thuyết pháp cho thính chúng. Tuy ngủ rất ít nhưng sức khỏe của Ngài vẫn được đảm bảo.
Do vậy, “Tam thường bất túc” dạy người xuất gia cũng như người chuẩn bị xuất gia phải giảm chế độ ăn, mặc và ngủ. Vì nếp sống của người tu là sự thanh bần, lạc đạo. Có thực tập như thế, mỗi bước chân, lời nói, việc làm của chúng ta mới có thể tạo ra một phương trời mới.
SO SÁNH HƯỚNG THƯỢNG
Có những phương pháp hỗ trợ, giúp cho người xuất gia đạt được chí nguyện lớn. Đó là phương pháp so sánh. Sự so sánh như một con dao hai lưỡi. Nếu không biết cách sẽ làm cho ta phiền não, khổ đau. Chẳng hạn như ta nghèo hoặc xấu xí, lại so sánh với một người giàu sang hoặc xinh đẹp. Sự so sánh như vậy làm cho nỗi khổ niềm đau bắt đầu có mặt, đồng
thời làm cho tâm mình không phấn chấn, vươn lên. Ngược lại, nếu ta biết cách so sánh mình với những bậc thánh, cao tăng hay những người vĩ đại, tại sao những vị này làm được việc lớn, còn mình thì không thì ta sẽ tiến bộ hơn. Hoặc so sánh tại sao những vị này xuất gia thành công, có kết quả và mang lại lợi ích cho nhiều người còn mình thì không? Đây là những câu hỏi giúp ta bồi đắp những chí nguyện lớn, tâm của ta sẽ trưởng thành. Tổ Quy Sơn dạy rất sâu sắc:
Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ
Bất ưng tự khinh nhi thối khuất.
Dịch nghĩa:
Ai là trượng phu, tôi cũng được
Không nên khinh mình mà thối nát.
Khái niệm “Trượng phu” chỉ cho những bậc vĩ nhân, anh hùng, những người có lòng vị tha, vô ngã, dấn thân phục vụ không mệt mỏi. Nếu có những con người vĩ đại trong cuộc đời thì tại sao ta không được như họ? So sánh này, không phải để cho ta cống cao ngã mạn, mà ngược lại giúp ta phấn đấu vươn lên để đạt được. So sánh với người bậc thượng để ta gần họ, có được những chất liệu vị tha, cao quý. Bằng không chúng ta chỉ mang hình thức của người xuất gia với tâm nhỏ bé, ích kỷ, dễ hờn giận, buồn khổ v.v…. Người tu phải biết chuyển hóa cảm xúc không kềm chế nó, kềm chế càng làm cho nó dâng trào và bị nổ tung. Lúc đó, mức độ tàn phá về phương diện tiêu cực càng gia tăng.
Nhờ phương pháp so sánh dẫn tới giá trị của sự chuyển hóa, ta trở thành người tu đúng nghĩa, có giá trị phục vụ cho nhân quần và xã hội.
Tưới tẩm hạt giống xuất gia cho chín muồi thông qua các bài học của những bậc thánh nhân trong quá khứ, hay những người vĩ đại trong thời hiện đại giúp ta có dịp phản chiếu lại chính mình, xem mình có thể làm được điều đó hay chưa. Sự mặc cảm và tự ti được xem là hai loại tâm lý làm cho con người mất hết khả năng tự tin, phấn đấu và đóng góp. Chính thái độ này làm cho ta không thể thành tựu được mọi việc như mong đợi. Nhà Phật liệt sự mặc cảm và tự ti vào loại phiền não như là kẻ thù của sự tiến bộ. Ta cần có niềm tin vào khả năng của bản thân, mới có thể thành công trong cuộc đời.
Để tưới tẩm hạt giống xuất gia đúng phương pháp và hiệu quả, ta cần có giai đoạn chuẩn bị cho một phương trời cao rộng. Phương trời đó, làm thay đổi lòng vị kỷ trở thành vị tha, nhận thức tiêu cực trở thành tích cực và những tâm lý ứng xử cá nhân trở thành lợi ích cộng đồng và xã hội.
Đạo Phật rất cần những người tu trẻ, có tài đức để làm mới đạo Phật. Ngược lại, những người có hoàn cảnh éo le trong đời, thất bại trong sự nghiệp hoặc tình duyên đi tu, theo Phật họ là những người ẩn dương nương Phật. Đang là những người thành công, lại quyết chí gạt bỏ hết tất cả, mới chính là người xuất gia có mục đích và lý tưởng cao đẹp.