Giảng tại Đại giới đàn Chánh Tâm, Long An năm 2005
HỌC GIỚI SAU KHI THỌ GIỚI
Ngày xưa, tại Trung Hoa và một số nước ảnh hưởng bởi Phật giáo đại thừa, các giới tử sau khi lãnh thọ giới pháp xong, thường ở lại học và thực tập giới từ mười ngày đến một tháng. Thời gian học giới như vậy rất cần thiết. Người mới thọ giới giống như một cái bầu đựng nước vừa được rửa sạch, nhờ đó, nước đưa vào trong mới được trong sạch. Mảnh đất tâm của những người mới thọ giới rất thanh tịnh, chứa nhiều chí nguyện, lý tưởng và thao thức. Học giới sau khi lãnh thọ giới là cách thức vun trồng các hạt giống của đời sống đạo đức và thanh cao, vốn là nền tảng của sự thanh tịnh và giải thoát.
Rất tiếc truyền thống này đã không còn được truyền thừa ở nhiều nước Phật giáo trên thế giới và Việt Nam. Có thể nói Đại giới đàn Chánh Tâm là một trong các giới đàn hiếm hoi tổ chức học tập và giảng dạy giới pháp sau khi thọ giới cho tất cả các vị giới tử.
Tôi thích dùng cụm từ “người mới thọ giới” khi chia sẻ với các thầy và các sư cô mới thọ giới. Khi được người khác gọi bằng “thầy”, dĩ nhiên người được tôn xưng có động lực tu tập và làm đạo như thế nào để xứng đáng là một bậc thầy đúng nghĩa. Thầy trong Phật giáo không phải là người giảng dạy, truyền trao kinh nghiệm và kiến thức cho thế hệ đi sau mà là người thầy tâm linh hướng dẫn con đường chuyển hóa. Do đó tôi sử dụng cụm từ “người mới thọ giới” để ngụ ý rằng quý thầy và quý sư cô mới tiếp nhận giới pháp đầy đủ (giới cụ túc) là những con người có nhiều thao thức tiếp nhận cái mới, hướng đến sự chuyển hóa và thao thức dấn thân làm Phật sự v.v…
Động cơ tiếp nhận giới pháp của Phật dĩ nhiên cũng rất đa dạng. Do đó cũng có nhiều cách thức để nói với người mới thọ giới. Tôi xin chia sẻ về các phương diện sau đây: a) Kết hôn với Phật pháp, b) Động cơ thọ giới, c) Giá trị của sự thừa kế gia tài tâm linh của Phật, d) Người xuất gia tu trí tuệ và tu từ bi và e) hiện tượng đổ nghiệp và cách chuyển hóa nghiệp.
KẾT HÔN VỚI PHẬT PHÁP
Chí nguyện của người mới thọ giới thường được thiết lập vào thời điểm người đó thế pháp xuất gia, giữ gìn giới và tu trí tuệ. Tôi thường nói đùa, ngày ta cạo tóc trở thành một vị sa-di (người học theo hạnh sa-môn) được xem như ngày đám hỏi (làm quen Phật pháp), còn ngày thọ giới được xem như ngày đám cưới (đính hôn với Phật pháp). Ngày cưới trở nên quan trọng với cô dâu và chú rể, thường để lại ấn tượng sâu đậm suốt cuộc đời họ. Chính ấn tượng này giúp họ có động cơ vượt qua khó khăn thử thách có thể xuất hiện trong đời sống hôn nhân.
Người xuất gia, theo định nghĩa của đức Phật, là những “người ngược đời”, vì đang đi ngược lại dòng thế tục. Chẳng hạn, nam nữ lớn lên phải dựng vợ gả chồng. Người tu sĩ Phật giáo hiểu được giá trị đời sống độc thân nhưng không cô đơn, trải nghiệm sự an lạc, thảnh thơi, và dành hết tâm sức cho sự nghiệp tâm linh nên đã tình nguyện chặt đứt đời sống ái dục và hôn nhân của kiếp người. “Chặt đứt” ở đây không có nghĩa là cắt đứt tất cả mối liên hệ với thế gian. Người xuất gia vẫn “kết hôn” với chánh pháp và lấy chánh pháp làm người bạn đời.
Dĩ nhiên, trước khi “đính hôn” với chánh pháp, chúng ta phải “trạch pháp” tức “coi mắt”, “xem tính tình”, “làm quen” với pháp môn nói riêng và Phật pháp nói chung. Đây là một quá trình lựa chọn pháp môn, con đường dấn thân, sự nghiệp chuyển hóa và ảnh hưởng đến quá trình nhập thế và độ sanh về sau. Ta cần chọn pháp môn phù hợp với sở trường để việc tu học sớm có kết quả. Pháp môn quan trọng nhất và toàn diện nhất bao giờ cũng là Bát chánh đạo, hay còn gọi là con đường trung đạo, xa lánh hai cực đoan: Hưởng thụ các khoái lạc giác quan và khổ hạnh ép xác.
Tiếp nhận giới là đang dự phần vào một đám cưới. Vào hai thời điểm đám hỏi và đám cưới với chánh pháp, nếu tâm giới tử nào không rung cảm mạnh đến độ không bao giờ quên trong đời tu của mình thì khó tinh tấn tu học, dễ sa ngã hoặc bỏ cuộc giữa chừng, trên con đường tâm linh đầy cam go và nghịch cảnh. Rung động tâm linh trong ngày thọ giới khác với rung động giới tính của những người đang yêu, bởi vì ở đó, chất liệu tình cảm, ái luyến, chấp thủ làm cho người đang yêu lẫn quẫn trong khổ đau. Sự rung động tâm linh của người thọ giới là sự truyền cảm từ Tam bảo, chứa đựng tâm huyết xuất trần, bao gồm cảm giác hạnh phúc như vừa được tái sanh lần thứ hai, nhờ đó, từ đấy về sau, người tiếp nhận giới tu tập tinh tấn, thanh tịnh hóa thân tâm, làm chủ các giác quan, hướng đến phương trời cao rộng (phát túc siêu phương). Khi ta được thanh tịnh sẽ tác động và ảnh hưởng tích cực đến các đồng tu, và dĩ nhiên, nhờ đó, ta có thể mang chất liệu an lạc đến với những người có duyên với Phật pháp.
Kết hôn với chánh pháp phải có phương pháp. Tránh tình trạng đến với đạo Phật chỉ đơn thuần qua truyền thống gia đình, hay vì bạn bè theo đạo Phật, hoặc vì lý do kinh tế, chán nản cuộc đời… Những động cơ xuất gia tiêu cực không thể giúp người tu có được các ta sự chấn động trong nội tâm trong ngày tiếp nhận giới pháp.
ĐỘNG CƠ TIẾP NHẬN GIỚI PHÁP
Nhiều người khi được hỏi “thọ giới để làm gì?” sẽ trả lời rằng “Bởi vì các trường Phật học đang tuyển sinh, mà theo nguyên tắc, phải thọ giới sa-di mới được học Trung cấp Phật học, và phải thọ giới Tỳ-kheo mới được học các lớp cao hơn gồm Cao đẳng và Cử nhân Phật học”. Do đó, một số giới tử thọ giới chỉ vì mục đích học Phật chứ không có chí nguyện nào lớn cả. Dù cũng tốt nhưng chưa trọn vẹn.
Một số người khác nghĩ rằng có Chùa đang cần người làm Phật sự, mà với vai trò của người tập sự tu (sa-di, sa-di-ni hay thức-xoa-ma-na-ni), họ chưa đủ tư cách tham dự vào các vấn đề quan trọng cần đến sự tham gia biểu quyết của tăng đoàn (yết-ma, một hệ thống biểu quyết dân chủ, chỉ có người thọ giới cụ túc mới được tham dự, phát biểu). Thọ giới nhằm phụ giúp việc chùa là một động cơ tốt, dù được gán bằng hai chữ “Phật sự”, nhưng nó vẫn không phải là mục đích của người thọ giới.
Cũng có giới tử phát xuất từ động cơ muốn trở thành người làm trụ trì một ngôi chùa, hoặc có vai trò trong giáo hội địa phương, giáo hội tỉnh thành hay giáo hội trung ương, mà phát tâm thọ giới. Một số người từ lúc mới vào chùa đi tu cho đến ngày thọ giới không hề được học hỏi về mục đích xuất gia là gì, nghiên tầm kinh điển, thực tập chuyển hóa. Tiếp nhận giới pháp chỉ để mong về sau được làm lớn trong chùa và giáo hội là một điều uổng ích. Tiếp nhận giới pháp để tu tập được an vui và giải thoát là điều cần thiết nhất mà người xuất gia và người mới thọ giới nên nhớ.
Trên đây có thể được xem là vài động cơ thọ giới gắn liền với khuynh hướng thế tục, không thể là động cơ chính đáng mà tất cả những người muốn thọ giới hoặc mới thọ giới cần phải có.
Tại một giới đàn lớn vào năm 1994, tôi được giao chấm điểm khoảng một trăm năm mươi bài của các giới tử Tỳ-kheo. Đợt đó có vài bài hầu như không làm được. Có một bài, giới tử ghi dòng chữ: “Kính bạch Thượng tọa giám khảo. Chúng con thường làm Phật sự nên không đủ thời giờ học tập, mong Thượng tọa cho con đậu giới đàn này để tinh tấn tu hành”. Lời viết dù chân thành nhưng đã phạm nội quy thi của đại giới đàn. Thọ giới mà yếu kém về Phật pháp không chỉ là một tổn thất lớn cho bản thân mà còn có thể góp phần gây tổn thất cho Phật pháp về sau. Làm thầy tu mà mù chữ Phật pháp là một bất hạnh lớn cho mình và cho người.
Chúng ta vẫn còn nhớ sự kiện hai ngài Xá-lợi-Phất và Mục-kiền-liên vốn là hai tri thức trẻ của đạo Bà-la-môn thời đức Phật. Hai tôn giả có cùng tâm huyết, ai tìm được chánh đạo sớm hơn thì có trách nhiệm giúp đỡ người còn lại cùng đi trên đường đạo. Ngài Xá-lợi-Phất may mắn gặp được A-la-hán Mã Thắng (một trong năm anh em Kiều Trần Như) với oai nghi thong dong, thoát tục, tự tại, thảnh thơi, đã tìm đến đạo Phật và giác ngộ được nguyên lý duyên khởi, vô ngã ở mỗi sự vật hiện tượng. Sự gặp gỡ A-la-hán Mã Thắng đã giúp ngài Xá-lợi-phất chứng được đạo quả. Sau đó ngài Xá-lợi-phất giúp ngài Mục-kiền-liên cũng chứng đắc đạo quả.
Trước khi theo đạo Phật, ngài Xá-lợi-Phất và Mục-kiền-liên tu học với một đạo sĩ Bà-la-môn uy tín và tầm vóc. Nghe nói hai đệ tử của mình tiếp xúc tôn giả Mã Thắng, vị thầy trở nên lo sợ. Sự lo sợ đã trở thành hiện thực khi hai vị tôn giả đến tạ từ để đến tu học với đức Phật, bậc đại giác ngộ với chiều kích tâm linh vĩ đại. Nghe xong, vị thầy tiếc nuối vô cùng vì ông biết Xá-lợi-Phất và Mục-kiền-liên là hai tiềm năng phi thường. Chính ông cũng từng nghĩ sẽ trao vai trò quan trọng cho hai vị trong tăng đoàn Bà-la-môn về sau.
Vị thầy đã dùng lời lẽ thuyết phục hai đệ tử ở lại và hứa sẽ trao quyền lãnh đạo cho hai vị. Ngài Xá-lợi-Phất thưa: “Bạch thầy, những ngày đầu tiên chúng con đến thầy học đạo không phải tìm chức vụ cũng không phải để có vai trò lãnh đạo giáo hội Bà-la-môn. Con xem việc học đạo không phải là một ân sủng được ăn trên ngồi trước, nhận sự tôn kính, cúng dường từ người khác. Mục đích chúng con đến với thầy là tìm kiếm con đường giải thoát. Chúng con rất kính thầy vì thầy là người có tư cách, phẩm hạnh, có tâm huyết nhưng chúng con không thể tiếp tục ở với thầy. Chúng con đã tìm được con đường chuyển hóa. Chúng con vẫn tôn kính thầy như hôm nào. Xin thầy cho phép chúng con đi, để được tu học với sa-môn Gotama, tức đức Phật Thích-ca”.
Về sau hai ngài Xá-lợi-Phất và Mục-kiền-liên trở thành hai vị đệ tử lỗi lạc của đức Phật Thích Ca. Ngài Xá-lợi-phất được đức Phật gọi là tướng quân của chánh pháp, một khái niệm rất ấn tượng. Tướng quân có nghĩa là vạch chiến thuật trên con đường hoằng hóa của đức Phật. Còn ngài Mục-kiền-liên được xem là bàn tay trái của đức Phật. Nếu trong lịch sử hoằng pháp của đức Phật không có sự đóng góp đắc lực của hai vị này, có lẽ đạo Phật không được mở rộng nhanh chóng đến thế. Trong vòng sáu năm đầu sau khi thành đạo, đức Phật đã có gần ba ngàn tăng sĩ tâm huyết làm vô số Phật sự, nhập thế độ sanh. Nhờ các Phật sự thành công mà nước Ấn Độ bị chấn động bởi con đường tâm linh của đức Phật và trở về quy ngưỡng đức Phật.
Do đó, động cơ tiếp nhận giới pháp rất quan trọng, có khả năng quyết định vận mệnh của ta ở hiện tại và tương lai và còn tác động trực tiếp đến nhiều người khác. Là người mới thọ giới, các vị hãy liên tưởng đến hình ảnh của ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, không màng đến danh vị, chức tước, quyền bính trong giáo hội, mà nghĩ đến con đường an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi thật sự.
CẠO ĐẦU VÀ CẠO TÂM
Để có động cơ vĩ tích cực này, ta cần xác định sự khác biệt căn bản giữa cạo đầu và cạo tâm, thọ y và thọ giới. Cạo đầu là công việc đơn giản, chỉ tốn ba phút, còn việc cạo tâm đòi hỏi đến ba mươi năm, thậm chí đến ba kiếp, ba mươi kiếp vẫn chưa chắc đã cạo sạch được các bợn nhơ của tâm vốn bị nhiễm đắm bởi các hạt giống dục vọng, sân hận và si mê. Thọ y chỉ trong vào vài chục giây nhưng thọ giới phải là công việc trọn đời, lúc nào cũng tôn thờ giới đức, sống với giới đức và hướng đến an lạc.
Ngày đầu tiên vào chùa, mỗi người có động cơ khác nhau. Có người nhập đạo ở tuổi ấu niên bằng căn lành đời trước. Có người xuất gia với lý tưởng cao thượng. Có người trung niên hoặc lão niên mới đi tu. Có người ở tuổi trưởng thành có nhận thức sáng suốt, biết rằng tại sao mình bỏ gia tài, sự nghiệp, danh dự vào chùa để trở thành một vị tu sĩ. Dù nhập đạo muộn nhưng nếu có lý tưởng việc làm đạo vẫn thành công. Trong Phật giáo thời hiện đại có hai vị cao tăng xuất gia trung niên là HT. Thích Thiện Hòa và HT. Thích Minh Châu.
Phần lớn tu sĩ Phật giáo vào chùa ở tuổi ấu niên (đồng chơn nhập đạo). Các hạt giống đời có rất ít trong kho tàng tâm. Xuất gia tuổi đồng ấu là một căn lành từ những hạt giống đã tu tập trong quá khứ nên vào chùa ngày đầu tiên, liền có cảm giác chùa là môi trường thích hợp nhất, lý tưởng nhất dù chưa thể lý giải tại sao. Biết bao trường hợp cha mẹ không cho phép, chùa không chấp nhận, nhiều cậu bé vẫn kiên trì ở lại Chùa để trở thành người xuất gia. Động cơ xuất gia trong trường hợp này chỉ là quán tính của hạt giống đã có sẵn, chứ chưa phải là nhận thức đặt trên nền tảng lý tưởng. Quá trình cạo tóc diễn ra với tuổi ấu niên rất dễ và cạo tâm cũng dễ, vì tâm chứa nhiều hạt giống tốt.
Nếu trong quá trình sống tại thiền môn, ta gặp được thầy lành bạn tốt truyền trao kinh nghiệm tu học thì những hạt giống lý tưởng về Phật pháp sẽ được tăng trưởng rất nhanh, không phải tốn công đào tạo nhiều, như cách thức các vị Lạt Ma tái sinh ở Tây Tạng. Họ đã được nhận diện, đưa về tu viện phục hồi chức tước, quá trình đào tạo cho họ phải khác biệt hơn những phàm tăng mới xuất gia. Vì các hạt giống của sự tu tập, chuyển hóa, làm Phật sự đã có quá nhiều trong mảnh đất tâm của những người tu nhờ căn lành đời trước, cho nên chỉ cần có yếu tố xúc tác như chìa khóa vạn năng mở cửa tiềm năng tu tập vốn có ở họ. Quá trình đào tạo những vị ấu niên có căn tu có thể ngắn hơn mà thành quả lại đạt cao hơn các chú tiểu thông thường khác.
Rất nhiều người trong chúng ta không có được may mắn đó. Phật giáo Việt Nam không có truyền thống nhận dạng các vị hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư lỗi lạc đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo để rút ngắn hơn và hiệu quả hơn trong con đường đào tạo Phật pháp cho họ. Nhiều hạt giống sau khi vào chùa, do thiếu kinh nghiệm đào tạo, căn lành tu của họ đã không được phát huy, và do vậy quá trình cạo tâm ở họ diễn ra chậm hơn, so với truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Dĩ nhiên theo học thuyết hạt giống trong Phật giáo, cái gì đã được cấy và gieo trồng trong mảnh đất tâm thì không mất. Có thể một giai đoạn nào đó, nó bị ức chế, khỏa lấp, do bị tác động bởi những điều kiện môi trường xung quanh, nhưng rồi chúng sẽ trỗi dậy khi có thuận duyên. Ta phải có trách nhiệm với bản thân mình, phải xem mình thuộc hạt giống loại gì để tiếp tục cấy, vun trồng, tưới tẩm và cạo tâm một cách thành công.
GIỚI CỤ TÚC LÀ MỘT SỰ BẮT ĐẦU
Sự thọ giới thường được một số người đánh đồng với sự tiếp nhận ba y và một bình bát. Đó là một ngộ nhận. Tiếp nhận giới thuộc về nội tâm và sự hành trì, trong khi tiếp nhận y và bát là một phần hình thức có liên hệ trực tiếp đến sự hành trì, chứ chưa phải là bản thân của sự hành trị. Chiếc áo thường được cho rằng không phải là yếu tố quan trọng hình thành nên người tu, nhưng nếu bỏ chiếc áo thì tính chất của người tu dễ bị lạm dụng và phá vỡ.
Tại sao tu sĩ Phật giáo phải đắp y vàng? Ngày nay Phật giáo Nam tông vẫn giữ được truyền thống đắp y thời Phật. Cách đắp y này làm cho hai tay và hai chân ta được giữ trong thế trang nghiêm, không táy máy tay chân như cách thức ăn mặc của người thế gian.
Y hậu là phương tiện, bảo hộ phạm hạnh của người tu. Khoác chiếc y truyền thống vào, chúng ta cảm nhận được biểu tượng của ruộng công đức, do đó không cho phép mình có những lời ăn tiếng nói hay việc làm trái với phẩm hạnh của người xuất gia, ảnh hưởng chung đến cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Đừng nghĩ rằng ngày thọ giới, tiếp nhận ba chiếc y và một bình bát, ta đã đầy đủ giới đức (cụ túc giới), vì dễ phát sinh tâm lý tự hào, hãnh diện và chựng lại trên đường tu. Tiếp nhận giới cụ túc chỉ là sự bắt đầu của con đường thanh tịnh và giải thoát, chứ không phải là cứu cánh.
Ngày xưa tại Ấn Độ, phụ nữ mười ba tuổi có thể tảo hôn. Cho nên tục tảo hôn ở Ấn Độ làm cho con người già dặn hơn so với tuổi. Giới tử thức-xoa-ma-na-ni thường phải trải qua hai năm tu tập cần thiết để tránh tình trạng mang thai sau khi xuất gia, do trước đó đã lập gia đình rồi đi tu trong thời gian một năm sau ly dị. Việc có thai có thể diễn ra trước thời gian xuất gia, nhưng do không biết, sau khi xuất gia, thai nhi ngày càng lớn trong bụng làm cho người đời hiểu lầm và dị nghị. Đối với các giới tử Thức-xoa, kể từ ngày thọ giới Sa-di-ni, hai năm tu tập giáo pháp để trở thành Tỳ-kheo-ni là rất cần thiết, một mặt giúp cho giới tử trưởng thành hơn, mặt khác giúp cho vị nữ tu Phật giáo có thể có đủ kinh nghiệm tâm linh để chuyển hóa thân tâm cho mình và giúp người về sau.
Giới phẩm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được thiết lập trên tuổi hai mươi. Hai mươi tuổi đối với truyền thống Châu Á là tuổi đã trưởng thành, có quyền quyết định tương lai, lựa chọn sự tự do cho mình. Nhưng về nhận thức, đạo đức và trình độ tâm linh, ta có thể xác định rằng tuổi này vẫn còn non nớt. Để thọ nhận giới pháp, tức đạo đức của bậc thánh, ta cần phải trưởng thành nhiều hơn nữa về phương diện tư cách và phẩm hạnh. Do đó, xuất gia sớm và học Phật sớm là tốt và thọ giới cụ túc muộn đôi lúc lại tốt hơn cho đường tu.
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng người phát nguyện thọ giới muộn mặc dù xuất gia sớm sẽ dễ dàng thành công trong tu tập và làm Phật sự hơn hơn những người xuất gia muộn mà thọ giới sớm. Khi thọ giới sớm có giới phẩm lớn nhưng hạt giống đời thì chưa hết nên dễ ỷ lại. Còn là sa-di, sa-di-ni và thức-xoa-ma-na-ni, ta không có cơ hội nhận phẩm vật cúng dường, không có cơ hội làm các Phật sự nên tất cả thời gian dành vào việc dụng công tu tập, chuyển hóa khổ đau. Nhờ đó, ta có cơ hội làm rất nhiều công đức, sống khiêm hạ, kính trên nhường dưới; có cơ hội quán sát theo dõi học tập và đúc kết kinh nghiệm từ những bậc tri thức thượng, đàn chị và đàn anh. Nhờ biết giữ mình, trong suốt thời gian còn lại, người thọ giới muộn trở nên vững chãi và thảnh thơi. Thọ giới sớm mà không có kinh nghiệm, phương pháp tu tập và chuyển hóa tốt, ta sẽ dễ sa ngã trước những cạm bẫy. Nhiều vị tăng thọ giới sớm sau khi thọ giới Tỳ-kheo vài năm, có nhiều Phật tử nữ tiếp xúc, đã khó giữ được giới hạnh, đã bỏ đường tu. Thật là uổng ích cho lý tưởng xuất gia.
Phật tử Việt Nam xưng hô trong tiếng Việt thường gọi các vị tu sĩ bằng “thầy” và tự xưng mình là “con”. Được gọi bằng “thầy”, nhiều người mới thọ giới nghĩ rằng mình cao quý, đang khi mình mới đang trên đường hướng đến sự cụ túc về giới đức. Từ đó, có vị không làm chủ các giác quan, không trang nghiêm đi đứng nằm ngồi, rơi vào hưởng thụ, chạy theo danh vọng (mặc dù nhà Phật dạy ta không nên màng đến, vì con đường xuất gia là từ bỏ những thế lạc), rốt cuộc đã trở về đời sống thế tục.
Ngày lãnh thọ giới pháp cụ túc, các giới tử đừng nghĩ đây là giới pháp cuối cùng mà chỉ là bước đi ban đầu vững chãi đưa ta tiến xa trên đời sống thánh hạnh. Hiểu đúng được điều này sẽ giúp ta thoát khỏi các cám dỗ trên đường tu, để tu tốt, tu bền và tu có kết quả.
HÃY THỪA KẾ GIA TÀI TÂM LINH
Như đã nói ở trên, ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên từ bỏ vai vị giáo đoàn trưởng của giáo hội Bà-la-môn vì thấy rõ chỉ có con đường thực tập chuyển hóa dẫn đến sự an vui và giải thoát mới là con đường quan trọng, cần hướng đến và đầu tu, nên hai ngài đã từ bỏ Bà-la-môn giáo. Trong kinh Thừa Tự Pháp thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật phân tích về hai gia tài. Thứ nhất là gia tài thế gian mà phần lớn người đời có khuyh hướng và có quyền thường kế thừa từ cha mẹ và người thân. Gia tài thế gian có thể là tài sản, bất động sản và sự nghiệp. Gia tài tâm linh chính là Phật pháp mà người xuất gia chân chính, có lý tưởng cần phát nguyện tiếp nhận để nối thạnh dòng Phật ở đời, nhờ đó, mình và người được an lạc.
Trong bài kinh nêu trên có sự kiện như sau. Đức Phật cho thầy thị giả mời hai vị Tỳ-kheo mới thọ giới đến. Phật dùng bữa cơm nhưng cố tình ăn không hết, chừa lại vài thực phẩm rất ngon, lần lượt mời hai vị mới thọ giới này dùng.
Vị thứ nhất thưa: “Bạch đức Thế tôn, con đã được ngài dạy rằng người xuất gia cần tu tập ba phương diện gồm ít ăn, ít mặc, ít ngủ nghỉ để dành thời gian cho tu học và chuyển hóa tâm linh. Dù đang đói khát, con xin không nhận phần thực phẩm ngon này”.
Đức Phật mời vị mới thọ giới thứ hai đến. Vị này thưa: “Bạch Thế Tôn, lẽ ra con không dùng phần ăn này. Nhưng nếu con không dùng thì thực phẩm này sẽ bị vứt bỏ, điều đó là tổn phước. Vả lại, đường xa đến đây khiến con cũng mỏi mệt nên con xin dùng để có thêm sức khỏe, tu tập tốt”.
Sau sự kiện, đức Phật tập hợp chúng, dạy về hạnh nguyện của người xuất gia. Ngài phân tích rằng: “Trong hai trường hợp vừa nêu, Như Lai tán thán vị tỳ-kheo thứ nhất. Đó là người thấy được giá trị của đời sống tu tập và nhận thức rõ hạnh phúc của người tu không phải do ăn uống, danh vọng, mà ở cách tiếp nhận chánh pháp như tài sản. Thừa kế chánh pháp của Phật là một lý tưởng cao thượng có thể giúp mình an vui và người khác cũng được an vui”.
Đức Phật khuyên, khi có tín chủ nào phát tâm cúng dường nhiều tài sản, ta chỉ nhận một phần, đừng làm cạn kiệt lòng tốt của người. Hãy khuyến khích tín chủ cúng cho những người khác. Thực tập biết đủ trong thọ nhận sẽ giúp ta chuyển hóa được tâm tham chấp, nhờ đó, tu tập một cách thành công.
Đức Phật nói, gia tài tâm linh do ngài để lại có hai giá trị cho người xuất gia. Giá trị thứ nhất là danh dự cao thượng, dù người tu không màng đến. Người xuất gia tiếp nhận gia tài tâm linh sẽ giúp cho người tại gia thấy rằng xuất gia là những con người đã vượt lên trên danh vọng, lợi dưỡng thường tình mà họ đang vướng phải. Sẽ không bao giờ có những lời đàm tiếu rằng, những người xuất gia theo Thế Tôn là những người chạy theo danh vọng, lợi dưỡng, hoặc vì ngoài đời nghèo khổ nên vào chùa để được sung sướng. Tu như vậy sẽ không bao giờ nhận được giá trị thực sự của hạnh phúc.
Giá trị thứ hai, nhờ nhận thức được giá trị của gia tài tâm linh vĩ đại, người xuất gia dũng mãnh đi trên con đường đó, tu tập, phát triển giới hạnh để có được đời sống thiền định, nhờ vậy, tuệ giác phát sanh. Tuệ giác là loại kiến thức đỉnh cao, vượt lên trên chủ nghĩa kinh nghiệm, không lệ thuộc sách vở, có khả năng giúp ta sống hợp với đạo đức và giải quyết các vấn nạn của mình và người.
Người có trí dù không có kiến thức khoa học, không học về lãnh vực xã hội nhân văn, ấy thế mà, khi được đề cập đến, vẫn có thể hiểu tận tường. Khi phán đoán, quyết định, hành động, hay giao tiếp trong tất cả cử chỉ lời nói, việc làm, người có trí không rơi vào thế chấp mắc. Trong khi người có kiến thức, học vị, nếu không có trí tuệ vẫn có thể bị tham sân si chi phối, ảnh hưởng và khổ đau.
Giá trị trí tuệ từ việc thừa kế gia tài tâm linh từ Phật mới là thực sự quan trọng đối với người tu. Nhờ như lý tác ý, nhờ chuyên tu trí tuệ, người tu thành tựu mọi Phật sự, mang lại lợi lạc cho tha nhân. Trí tuệ là gia tài sự nghiệp lớn nhất mà người tu cần phát huy. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy: “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là sự nghiệp của người xuất gia chính là trí tuệ, chứ không phải gia tài vật chất.
Muốn có gia tài tâm linh, đức Phật khuyên người mới thọ giới làm bốn việc. Thứ nhất, lấy đức Phật làm gương hạnh tiêu biểu. Xa lìa hoàn cảnh không tốt, xa lìa người phàm tục, xa lìa cơ hội hưởng thụ của thất tình lục dục, sẽ giúp người tu có phát huy tuệ giác. Thông thường, ta thích có bạn bè, gặp nhau trao đổi tâm sự, bàn luận người khác. Đức Phật khuyên hãy viễn ly tất cả thói quen phàm tục, gieo trồng thói quen tích cực, ít nói, nói những gì cần nói, nói những gì có ích cho mình và người.
Thứ hai, quyết tâm từ bỏ. Tại sao ta phải quyết tâm? Vì thiếu nó, sự từ bỏ trở nên vô nghĩa. Người tu nào không màng đến lợi dưỡng, danh vọng mới có thể tiến xa trên đường tâm linh. Từ bỏ những thói quen đời, lối sống đời, hành xử đời… ta có cơ hội tiến bộ tâm linh. Một lần đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ-kheo đang ngồi tĩnh tọa, có một nông phu hớt hải chạy đến hỏi đức Phật: “Ngài có nhìn thấy con bò sữa đi ngang qua không? Tôi đang chăn nó, nếu mất nó, gia đình tôi sẽ chết đói”. Đức Phật trả lời: “Ta không nhìn thấy con bò nào đi qua đây”. Người nông phu vội vã bỏ đi, chưa kịp nghe đức Phật nói về các giá trị của đời sống an vui hạnh phúc và đời sống của thế gian. Sau đó, đức Phật gọi chúng Tỳ-kheo: “Này các vị mới thọ giới, các ông có thấy mình hạnh phúc không? Người xuất gia không hề có bò để sợ bị mất. Các ông cũng không có căn nhà để sợ bị cướp đột nhập. Những nỗi sợ gần như tan biến với người xuất gia. Như Lai dạy phương pháp buông bỏ những con bò”.
Cứ mỗi điều gì làm tâm mình lưu luyến được xem là một con bò. Con bò đó có thể là một chiếc y, một quyển sách, kiến thức, danh vị, hay bất cứ cái gì buộc tâm con người trong tham, sân, si. Con bò đó có thể phá hoại hết lúa mạ tâm linh của người tu. Người tu phải dùng móc cột của thiền định để giữ con bò đi hoang lại.
Thứ ba, sống tri túc để không bỏ rơi đời sống thánh hạnh. Tri túc là thái độ nhìn bằng tuệ giác, thấy hạnh phúc trong đời sống giản đơn mà thanh cao. Ít muốn và biết đủ là lối sống của người tu. Người tu cần tươm tất nhưng không cần ủi áo quần quá phẳng phiu, màu sắc sáng láng. Phật dạy y phục của người xuất gia có màu hoại sắc, một hỗn hợp giữa màu nâu, màu vàng và màu đất. Theo quan niệm văn hóa Ấn Độ, màu hoại sắc là màu xấu nhất đối với người đời. Đức Phật khuyên người xuất gia mặc y màu hoặc sắc với mục đích, cái gì cuộc đời từ bỏ, người tu sử dụng lại mà vẫn đạt niềm an vui hạnh phúc. Giá trị con người không nằm ở ngoại hình mà nằm ở giá trị đạo đức người đó có.
Sống tri túc bằng trí tuệ, ta không phải so đo rằng tại sao pháp hữu được nhiều cúng dường còn mình chẳng có gì cả. Phải nhận thức rằng, càng ít tiếp nhận thì càng khỏi phải mắc nợ tín chủ. Người gieo trồng dễ được công đức, còn người tiếp nhận là cục đá mài bị mòn dần. Là người xuất gia, đặc biệt người mới thọ giới phải biết điều này. Sống tri túc nhằm hạn chế cơ hội nhiễm đắm và chấp thủ. Nhờ thế, phước lực càng gia tăng.
Thứ tư, sống trung đạo với con đường Bát chánh. Đức Phật nói có hai khuynh hướng tiêu cực, một là hưởng thụ khoái lạc giác quan đến độ sa đọa, tạo nhiều tệ nạn xã hội; hai là khổ hạnh ép xác, đì đọt các giác quan, thân thể không còn sức khỏe để tạo ra một tinh thần minh mẫn. Hai khuynh hướng sống này làm cho con người xa lìa bản chất đời sống thanh cao.
Đức Phật dạy hãy sống con đường trung đạo. Trung đạo không có nghĩa hàng đôi, hưởng thụ bên này một chút và chịu đựng bên kia một chút, nửa đời nửa đạo. Trung đạo là con đường tâm linh vượt lên trên hai thái độ thái cực đó.
TU TRÍ TUỆ VÀ TU TỪ BI
Thông thường trong truyền thống Phật giáo đại thừa, Bồ-tát giới là giới lớn nhất mà người xuất gia cần phải phát tâm tiếp nhận. Giới Bồ-tát dạy lòng từ bi cần được nâng lên vai trò hàng đầu. Trong mười giới trọng của Bồ-tát giới, bất sát được xem là nền tảng thiết lập cái nhìn bình đẳng về sự sống và thông qua đó phát huy các giá trị từ bi đối với con người lẫn loài vật. Con đường dấn thân đó rất hay.
Khuynh hướng truyền thống giới Thanh Văn qua hai loại hình giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni dựa trên cơ sở giới hạnh. Con đường thánh hạnh bắt nguồn từ việc giữ giới, thực tập thiền định và nuôi lớn trí tuệ. Lối sống đạo đức không phải là hàng rào bó buộc mà chính là những điều kiện bảo hộ hạnh phúc cho mọi người.
Tôi thường sánh ví đời sống thánh hạnh như dây an toàn hay cái nón bảo hiểm. Nếu không có thói quen cài dây an toàn khi ngồi trên xe hơi thì thoạt đầu ta sẽ cảm thấy rất khó chịu. Một khi tai nạn giao thông xảy đến, ta sẽ thấy nó không chỉ là người bạn mà còn là người hộ vệ trung thành cho sự an toàn cho sức khỏe và mạng sống. Giới hạnh thanh cao cũng có tác dụng bảo hộ như dây an toàn và nón bảo hiểm vậy.
Tỳ-kheo có 250 giới. Tỳ-kheo-ni có 348 giới. Nghe qua thì cảm thấy nhiều đến ngán ngẩm nhưng nếu biết cách hệ thống, các giới này không ngoài mười giới chính của sa-di hay sa-di-ni. Cho nên không có gì là khó. Giới được phân càng nhiều chi tiết thì càng tốt, bởi vì nhờ đó người tu được sự chăm sóc và có đời sống thánh hạnh hơn.
Có một câu chuyện dân gian Trung Quốc rất hay. Một người họ Lỗ tuổi trên bốn mươi, giàu có và sống độc thân. Cạnh nhà anh ta là một bà góa phụ. Hôm đó trời mưa bão, khiến căn nhà của bà dột nước. Lũ tràn vào ngập nhà. Bà đành chạy sang nhà anh họ Lỗ xin tá túc. Nhưng anh họ Lỗ không mở lòng mời bà vào nhà trú ẩn. Bà buồn giận trách móc anh là kẻ bất nhân, thấy khó mà không giúp. Anh họ Lỗ nói: “Tục ngữ Trung Hoa đã dạy rằng, nếu chưa qua tuổi sáu mươi thì nam và nữ không nên ở chung một mái nhà, để đảm bảo an toàn cho cả hai”. Người phụ nữ liền trả lời: “Ông là một nhà tri thức. Có lẽ ông cũng biết nhà Nho học nổi tiếng Liễu Hạ Huệ đã từng ôm một thiếu nữ đẹp của người khác vào lòng mà không hề có tâm nhiễm đắm. Trong cuộc đời này chưa ai từng phê phán việc đó. Tại sao ông không thể noi theo?” Người họ Lỗ nói: “Liễu Hạ Huệ là bậc có đức và tài mới làm được việc đó. Đức tôi mỏng, tài tôi kém nên tôi không dám làm theo”. Quan trọng hơn, người họ Lỗ còn lý luận rằng: “Để giữ phẩm hạnh và uy tín cho cả chị và tôi thì giá trị đó cũng không thua kém gì sự việc Liễu Hạ Huệ ôm con gái vào lòng mà không bị mang tiếng xấu”.
Cách lý luận của anh họ Lỗ đáng để chúng ta lưu tâm suy nghĩ. Anh ta muốn nói, vấn đề chính mà Liễu Hạ Huệ đã giúp cô thiếu nữ thoát chết là nhằm tạo danh tiếng cho gia đình cô. Cô gái sẽ thoát khỏi lời đàm tiếu rằng: “Tại sao con nhà lành mà phải đi tự tử?” Danh tiếng con người thông qua phẩm hạnh của người đó mới quan trọng. Anh họ Lỗ bày tỏ quan điểm không ở chung nhà để phẩm hạnh hai bên được thiết lập, uy tín cũng được đảm bảo. Giá trị đó đâu thua kém gì giá trị của Liễu Hạ Huệ không mang tiếng xấu.
Trong câu chuyện trên, ta thấy sự an toàn được đặt lên trên lòng từ bi, mà an toàn là một sự bảo hộ phải bắt nguồn từ nhận thức đúng. Lúc mới thọ giới, ta phát lòng từ bi lớn. Nào là muốn dấn thân phục vụ, làm việc này việc nọ cho cộng đồng. Nếu không có đủ trí tuệ, người mới thọ giới dễ lẫn lộn giữa yếu tố tình cảm núp dưới danh nghĩa của lòng từ bi. Từ bi và tình cảm chỉ cách nhau một sợi tơ tóc của tuệ giác. Thiếu tuệ giác thì lòng từ bi sẽ trở thành tình cảm. Tình cảm đó có thể dẫn đến tình ái, tình chấp thủ, tình sa đọa. Sợi tơ tóc của tuệ giác đặt vào chỗ này thì lòng từ bi mới được thiết lập vững chãi trong các Phật sự. Nói cách khác, trí tuệ là năng lực bảo hộ an toàn và vững chãi nhất.
Có những trường hợp, ta tưởng là lòng từ bi, nhưng khi dấn thân vào, nó là tình cảm trá hình. Là người mới thọ giới, ta cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tình cảm và từ bi. Tình cảm thường hay mủi lòng, vướng dính. Từ bi là dấn thân phụng sự vô tư, không tham ái. Người xuất gia nên phát huy tuệ giác bởi vì nơi nào có trí tuệ thì nơi đó có từ bi. Có như thế, con đường dấn thân làm Phật sự của người xuất gia mới lâu bền theo công thức: “Tùy duyên nhưng không mất gốc”.
THIẾT LẬP TÌNH HUYNH ĐỆ
Tình huynh đệ là nhịp cầu giúp ta vượt khó khi phải đối đầu với vô vàn gian nan, thử thách. Người mới thọ giới sẽ có thể gặp nhiều trở ngại và nghịch duyên. Nếu không sự hỗ trợ của các pháp lữ trong tu tập thì sự hy sinh từ bỏ gia đình, sự nghiệp ở cuộc đời sẽ để lại các ức chế trong tâm, và đó là điều không tốt. Ức chế tâm lý đó được hình thành dưới dạng thức nội kết, tức là các phiền não rút chặt bên trong, mà biểu đạt bên ngoài của nó không thể nhận diện. Ta cứ tưởng thông qua nụ cười, niềm vui, dáng đi nhẹ nhàng là ta đã có an lạc đích thực. Phải chuyển hóa được phiền não trong tâm, ta mới thật sự được hạnh phúc.
Cần phải thiết lập tình huynh đệ trong cộng đồng. Xem người đi trước một thế hệ như là bậc thầy, người nhỏ tuổi hơn là em út. Có niềm vui hỗ trợ lẫn nhau trên con đường tu tập đầy cạm bẫy cuộc đời sẽ giúp ta sống có giá trị đồng hành hơn.
Trong giới luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni, đức Phật đề cập bảy phương pháp thiết lập tình huynh đệ, xóa bỏ mọi gút mắc trong cuộc sống. Có một phương pháp chúng tôi khá tâm đắc đó là “trải cỏ trên đất”, được áp dụng trong tình huống khi mà sự rầy rà bất hòa giữa hai bên không đủ chứng cớ để buộc tội bên kia vi phạm một điều khoản nào đó của giới luật, thì cả hai bên nên bỏ qua việc này. Việc bỏ qua này vì lợi ích cả hai và tập thể, giống như để lấp ổ gà, tạo mặt phẳng, ta trải cỏ lên, không còn lồi lỏm nữa. Phương pháp trải cỏ trên đất không phải là cách giải quyết vấn đề “ba phải”, nghĩ rằng bên nào cũng đúng, cũng đáng được bảo vệ, rồi bênh vực hai bên để không xảy ra tình trạng bất hòa trong tương lai, mà là cách thức giải quyết vấn đề nội kết từ gốc rễ bằng sự nhận thức rằng đó là điều mang lại an lạc cho các bên.
Chẳng hạn, cùng ở chung phòng, một người mất một quyển kinh, thường nghĩ ngay đến kẻ mà mình thiếu thiện cảm là thủ phạm. Mặc dù không có chứng cứ buộc tội nhưng lời nói hay tâm tưởng chỉ trích cũng sẽ tạo ra mối hiềm khích lớn trong đời sống cộng đồng. Tình huống này, ta phải vận dụng phương pháp trải cỏ trên đất. Không nên để cho mọi người phải quá bận tận vào chuyện chẳng quan trọng gì. Hãy buông bỏ hết những chuyện cỏn con. Những “ổ gà” giữa mình và người, hãy tự lấy đất lấp lại. Giúp an vui cho người khác thì chính bản thân mình cũng hạnh phúc và an vui.
Có một vị thiền sư lỗi lạc, gắn liền với truyền thống Thiếu Lâm Tự. Đời sống ông ta mẫu mực đến độ khi ông qua đời để lại sự nuối tiếc khôn nguôi cho các thế hệ đi sau. Nhiều học trò muốn vẽ hình ảnh của ông để tưởng niệm. Ông không còn nữa thì lấy đâu để hình dung. Các môn đệ bèn tổ chức trưng cầu ý kiến. Một số đi gặp họa sĩ danh tiếng và mô tả rằng: “Thầy chúng tôi có râu giống như Bồ đề Đạt Ma”. Hôm sau, một nhóm đệ tử khác đến và mô tả: “Thầy chúng tôi có gương mặt đạo mạo của bậc đại phu, râu tóc cạo trọc đúng hình dáng của nhà Phật”. Người họa sĩ rối trí không biết vẽ thế nào nhưng rồi cũng tìm ra giải pháp. Ngày khánh thành bức tranh chân dung thiền sư diễn ra, mọi người chen chúc đến chờ chiêm ngưỡng. Hai nhóm học trò hồi hộp xem bức tranh có vẽ đúng như sự mô tả của mình không. Đến khi bức màn hạ xuống, tất cả trố mắt ngạc nhiên vì đây không phải là bức chân dung, mà là một bức ảnh đang nằm trong tư thế nhập Niết bàn. Thân thể được một chiếc y phủ trùm từ chân đến mũi. Hai nhóm đệ tử ban đầu cảm thấy không hài lòng nhưng rồi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Nếu bức chân dung có râu thì nhóm đệ tử kia sẽ khổ đau, còn nếu không có râu thì bên này sẽ khổ đau. Sự tranh chấp, phân hóa trong nội bộ sẽ vì thế mà phát sinh. Cho nên anh họa sĩ nghĩ cách vẽ bức tranh được phủ trùm y đến mũi để việc thiền sư có râu hay không không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ, nhìn vào phong thái Niết bàn vô dư như vậy để cảm nhận sự an nhàn, thảnh thơi là đủ rồi.
Cách thức giải quyết vấn đề trong trường hợp này là một bài học đáng cho ta lưu tâm. Giải quyết vấn đề làm sao để người khác không bị đẩy vào thế chân tường. Từ thế chân tường, mặc cảm của họ nuôi lớn nội kết, mong muốn trả đũa công khai hay thầm lặng. Còn chúng ta, biết người kia có lỗi, nhưng làm thế nào để người kia hiểu và không bao giờ bị mặc cảm lỗi lầm đối với ta.
Dĩ nhiên trong đời sống tình huynh đệ có nhiều trở ngại khác. Chẳng hạn, đôi khi ta thấy người khác thành công hơn mình, được thầy thương hơn, giao công việc hơn, còn mình xuất gia trước nhưng không được quan tâm, không được cúng dường nhiều như họ. Tâm lý thông thường đó có thể trỗi dậy với các quán tính, thói quen đời vẫn tồn tại trong mảnh đất tâm của người xuất gia hiện tại trong từng người. Những suy nghĩ phàm tình như thế vẫn xuất hiện khi tâm mất sự kiểm soát. Đối với tình huống này, nhà Phật vẫn có cách dạy, đó là hạnh tùy hỷ với sự thành công của người, và mừng cho thành công ấy.
Trung Hoa là đất nước thường xuyên diễn ra cảnh tranh giành lãnh thổ. Trên biên giới giữa nước Lương và nước Sở, có hai căn nhà sát cạnh nhau. Một căn bên địa phận nước Lương và một căn thuộc địa phận nước Sở. Cả hai nhà đều trồng rau sinh sống. Anh nước Lương vốn siêng năng, thường chăm bón phân kỹ lưỡng, nên rau lúa nhà anh đều tươi tốt. Còn anh nước Sở lại rất lười biếng, không chăm sóc nên thất thu. Mỗi lần nhìn bên kia thấy sản lượng cao hơn mình thì lòng anh căm tức. Ban đêm, anh bèn sai người cào hất đất và phân bón của anh nước Lương. Anh nước Lương phát hiện nhưng vì không bằng chứng nên có kiện quan huyện cũng không thể phân xử được. Quan huyện khuyên anh không nên kết oán thù, hãy tìm cách giao hòa với anh nước Sở. Anh nước Lương về nhà, âm thầm mỗi đêm sang ruộng của anh nước Sở chăm sóc, bón phân, tưới tẩm. Thời gian sau, ruộng xanh tươi tốt, anh nước Sở ngạc nhiên không hiểu lý do tại sao ruộng lại như thế trong khi mình chẳng chăm sóc gì. Một đêm anh lặng lẽ núp sau nhà quan sát và thấy anh nước Lương chăm sóc hoa màu nhà mình. Anh vô cùng ăn năn hối hận. Từ đó họ trở thành bạn thân, ngay cả khi nước Sở và nước Lương giao chiến, trở thành kẻ thù của nhau.
Câu chuyện dân gian trên gợi lên phương pháp giải quyết vấn đề dựa trên sự tùy hỷ, tức vui với thành công của người. Ngoài tùy hỷ, chúng ta còn phải có lòng quan tâm đến người khác. Hãy đóng vai trò tích cực trong các thành công mà không kể lể công sức của mình. Giá trị nhân quả của quá trình đóng góp đem đến thành công cho người trong trường hợp này rất lớn, dù người khác có thể không biết đến ta. Càng không biết đến thì ta càng có cơ hội ẩn tích mai danh nhiều hơn. Nhà Phật dạy “công thành, thành thoái”, có nghĩa là, khi nỗ lực làm Phật sự thì ta dấn thân đầu tiên, nhưng khi đã thành tựu, quá trình hưởng công trạng, ta nhường lại cho người khác. Như thế, công đức sẽ được gia tăng gấp đôi, phước báu của sự dấn thân và phước báu của việc nhường.
Thái độ thiết lập nhịp cầu tình huynh đệ giúp cho ta thương yêu nhau hơn. Anh em ruột đôi khi vẫn tranh giành tài sản và trở thành kẻ thù không đội trời chung, còn người tu không thể tranh giành gia tài tâm linh được. Gia tài tâm linh là của chung, là gia tài vô tận không bao giờ hết nên không cần phải tranh giành. Chỉ cần mở rộng tâm mình, mở tuệ giác thật lớn, chúng ta sẽ thấy gia tài đó có đầy trong mảnh đất tâm của mỗi người. Không cần tranh giành mà hỗ trợ nhau để cùng hưởng chung gia tài vô tận này.
ĐỔ NGHIỆP VÀ CHUYỂN NGHIỆP
Trong quá trình tu tập, ta thường gặp cản lực mà dân gian gọi bằng khái niệm “hiện tượng đổ nghiệp”. Sau khi thọ giới, nhất là thọ giới lớn (chính thức làm thầy hoặc sư cô), nghiệp chướng có thể sẽ đổ như bệnh tật xuất hiện, lời thị phi có mặt, khuynh hướng hưởng thụ khoái lạc giác quan trỗi dậy, hay những cơn giận đã được ức chế trong khoảng thời gian trước đây ló mặt, hoặc nhận thức đặt trên nền tảng của bản ngã, những quan niệm sai lầm ngấm ngầm theo đuổi chúng ta từ kiếp này sang kiếp nọ, sẽ tìm cảm có mặt. Chúng hoạt động tiềm ẩn trong vô thức. Chúng ta tưởng, cứ vài năm vào chùa cạo tóc, mỗi ngày bốn thời kinh là tất cả những hoạt dụng của nghiệp đời đã chết hẳn, nhưng thực chất nó giống như cỏ khô nằm ngoài đồng cháy. Trông thì thấy chúng khô cằn nhưng chỉ cần vài cơn mưa, nó sẽ lại trỗi dậy sự sống. Việc trỗi dậy đó được thuật ngữ nhà Phật gọi là tùy miên, hay còn gọi là tập khí, những thói quen mang tính chất quán tính. Chúng ta gieo nghiệp nhưng không hiểu tại sao mình làm, bởi vì có cái gì đó thôi thúc bên trong. Chúng ta làm theo thói quen phàm tình thay vì làm theo thói quen mới của sự chuyển hóa.
Sự chuyển nghiệp phàm còn sót lại phải được thực hiện theo hướng đối nghịch hoàn toàn với nghiệp cũ đã gieo. Nhiều người sau khi thọ giới cảm thấy mình đã trưởng thành, được thầy giao phó một số vai trò và tiếp xúc với nhiều Phật tử. Sự tôn kính cúng dường của quần chúng cũng gia tăng, do đó tâm dễ dàng xuôi theo hướng đời như kẹt về danh vị, quyền thế thay vì ta phải nỗ lực buông xả, để tâm thong dong.
Sự đổ nghiệp nguy hại nhất không thuộc về bệnh tật mà là thái độ sống nghiêng về khuynh hướng thế gian. Các vị tu sĩ nam thường bị vướng nghiệp đời nhiều hơn ni giới. Trong quá trình được giao và làm Phật sự, nếu không trưởng dưỡng giới đức, lấy thánh hạnh làm cương để giữ đời sống tu thì ta dễ dàng làm để cho các hạt giống tham ái trỗi dậy, dẫn đến hậu quả phải bỏ cuộc giữa chừng.
Thời đức Phật cũng có rất nhiều Tỳ-kheo ra đời. Người tu ra đời có thể chiếm tỉ lệ từ 20-40% đối với tăng, và khoảng 10% đối với ni. Chúng ta cần quan tâm đúng mức về cách chuyển hóa tham dục, bằng không sẽ trở ngại quá trình phát huy đời sống đạo đức của người tu sau khi nhận lãnh giới lớn.
Có người xuất gia bị sụp đổ lý tưởng hoàn toàn khi thấy sư anh, sư chị tu trước mình ra đời; hoặc thấy ai đó giải đãi vì đi tu thiếu không do lý tưởng, không có con đường chuyển hóa. Từ đó, có người tiêu cực, không cảm thấy tha thiết với đời sống thánh hạnh, vì chứng kiến vài người xung quanh bị thoái lui trong tu học. Nếu bất mãn tiêu cực làm ta bỏ cuộc trong tu tập, thì nhận thức sáng suốt về các bất toàn của con người sẽ giúp ta có cái nhìn đứng đắng hơn, vững chãi hơn và tu tập tốt hơn. Nhờ hông hài lòng trước các Phật sự thiếu hiệu quả của những người tu trước, ta nêu chí nguyện lớn, phát triển Phật giáo ở hiện tại và tương lai. Có thể tự tin nếu vào vai trò đó, mình sẽ không đi vào vết xe đổ của những người đi trước mà sẽ phải tinh tấn làm thành công hơn. Đừng lấy thất bại của người đi trước để phê bình chỉ trích họ. Phải tôn kính họ vì giá trị lịch sử, hoàn cảnh điều kiện xã hội không cho phép thế hệ đi trước làm được nhiều việc Phật sự hơn hoặc làm tốt hơn điều mình mong đợi. Cách suy nghĩ này sẽ giúp ta khắc phục được phiền não ngầm trong tâm, nhờ đó, tâm đại hùng, đại lực và đại từ bi bắt đầu được nuôi lớn trong ta. Khi dấn thân vào Phật sự đúng cách, bản ngã sẽ trôi tuột và không còn chỗ đứng. Làm Phật sự trong tinh thần vô ngã và vô cầu mới dễ thành công.
Thực ra, không có cái gọi là đổ nghiệp, khi ta đang nỗ lực làm lành. Nghiệp trổ quả là một tiến trình rất tự nhiên và tương thích về tính chất. Đổ nghiệp được hiểu trọng dân gian thường là những chuyện ta không làm nhưng xuất hiện như ma lực khiến ta không thể tiến xa, trên con đường và lý tưởng cao quý. Việc làm tốt và chí thiện nào cũng có các nghịch cảnh. Nên xem đó là hiện tượng bình thường, để khỏi phải bận tâm quá nhiều và sợ hãi nhờ đó kết thúc.
Nếu có đổ nghiệp thì nó bắt nguồn từ cái tâm do không giữ được theo hướng tuệ giác, để cho các khuynh hướng (tùy miên) tham dục, sân hận, mạn và kiến trỗi dậy. Có hai phương pháp chuyển hóa hiện tượng đổ nghiệp này. Thứ nhất là phương pháp so sánh kém để phấn đấu. Đặt ra hai đối tượng để quan sát. Trước nhất là đối tượng kém hơn mình về phương diện đạo đức, hành trì, dấn thân phục vụ, vô ngã vị tha. Hạng người như thế có rất nhiều trong các cộng đồng. Những người phàm phu tục tử có thể tranh danh đoạt lợi và rồi rước họa vào thân. Quan sát họ không phải để ta chán nản, thất vọng, bất mãn mà để cho phép mình rơi vào tình huống tương tự. Chúng ta có ý thức mà rơi vào tình trạng như họ nghĩa là chúng ta kém hơn. Áp dụng phương pháp so sánh kém để thấy rằng mình cần nỗ lực nhiều hơn để đoạn giảm phiền não một cách vững chắc.
Phương pháp so sánh kém tích cực tạo ra hai luồng tâm lý, thông cảm và quyết tâm vuợt qua. Thông cảm với sự không thành công của người khác. Không nên trách móc, đổ lỗi hay quy trách nhiệm mà bằng sự thông cảm đó, ta nuôi thái độ vững chãi vượt qua hoàn cảnh bế tắc hiện tại. Cộng nghiệp trong một giai đoạn lịch sử dù của đạo Phật hay Việt Nam cũng chính là giai đoạn chúng ta cần tìm giải pháp trí tuệ tập thể để tháo gỡ ở tương lai.
Bồ-tát Vô Trước dạy ta phương pháp so sánh cao, tức là lấy Phật, Bồ-tát làm đối tượng để tham chiếu. Khi thấy người khác thua mình, ta dễ thoái thất tâm. Cứ nghĩ rằng người tu phải là người vĩ đại nhưng trong họ vẫn còn chất liệu phàm tình. Họ mới cạo tâm chỉ mấy mươi phần trăm, cái tóc về hình thức đã cạo trọn vẹn; họ nhận lãnh giới phẩm đạo đức cũng mới vài năm. Cho nên cần cảm thông. Từ cảm thông, ta nêu quyết tâm lớn. Muốn vậy, phải học hỏi gương hạnh của đức Phật và Bồ-tát ể vươn lên. Nếu trong cuộc đời có những con người giải đãi dẫn đến sự sa ngã, gãy đổ trên đường tu thì nên biết cũng có những bậc vĩ đại dấn thân phục vụ. Quán chiếu Phật để ta không tủi phận, không quên đi lý tưởng cao thượng mà mình đã phát tâm từ ngày mới xuất gia.
So sánh cao là phương pháp hay. Theo nguyên tắc nếu ai muốn vươn lên hạng nhất thì phải biết nương vào các cựu vô địch mà phấn đấu. Thỉnh thoảng cũng cần nhón chân vói tay. Trên con đường tâm linh, muốn thăng tiến cũng cần phải nhón, tức nỗ lực vượt bậc. Có những việc Phật sự lẽ ra do sư anh, sư chị làm nhưng ta tình nguyện dấn thân để có cơ hội nhón. Đến khi quen thì ta làm việc hiệu quả hơn. Tinh tấn phấn đấu tạo ra sự kiên trì bền bỉ, theo đuổi mục đích tốt, có lý tưởng phục vụ vô ngã và vị tha. Tổ Quy Sơn dạy rất hay: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất”. Nếu trong cuộc đời đã từng có những người trượng phu thì tôi cũng có thể trở thành một người trong số đó. Đừng tự ti mặc cảm về bản thân để rồi không bao giờ muốn phấn đấu vươn lên. Trượng phu theo đạo Phật không phải là các bậc quân tử mà là những bậc thánh hạnh, những bậc tổ sư, cao tăng, A-la-hán, Bồ-tát, Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai .
Thối khuất là thái độ lùi bước, nhụt chí. Đức Phật nói, tâm lý mặc cảm tự ti khiến tiềm năng Phật tính vốn có của con người bị phủ trùm bởi mây mờ vô minh. Ta phải tin tưởng nhưng đừng để sự chấp ngã trỗi dậy. Hãy tin tưởng nếu người khác đã làm được thì theo luật nhân quả, mình cũng làm được.
Phương pháp đối trị cũng có khả năng chuyển hóa tâm. Cần phân tích đâu là tâm lý tiêu cực, cố chấp, bảo thủ, để từ bỏ. Đâu là giáo pháp như duyên khởi, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, vô ngã, vô thường và tứ diệu đế, cần tu tập để hết khổ. Cần nhận diện đâu là tâm lý tiêu cực khiến mình buồn chán, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, ghen tỵ, và nỗ lực thay thế bằng tâm lý tích cực đối lập.
Tu là quá trình chuyển nghiệp. Người mới thọ giới cần chuyển nghiệp ở mức độ mãnh liệt hơn. Những năm tháng mới thọ giới, tâm của ta rất dũng mãnh và tinh tấn. Nếu phải trèo đèo lội suối để được thọ giới của Phật, ta vẫn sẵn sàng làm. Hãy tận dụng cơ hội mới thọ giới này để tinh tấn trau dồi giới hạnh, phát chí nguyện lớm, làm nhiều việc Phật sự, hướng đến an vui. Một vị tổ Trung Hoa từng nói: “Xuất gia như sơ, thành Phật hữu dư”. Nghĩa là thành Phật không phải là chuyện khó với điều kiện ta duy trì tâm huyết xuất gia như từ thuở ban đầu. Đó là tâm huyết muốn làm Phật, muốn giác ngộ, muốn giải thoát, chứ không nhuốm mầu lợi dưỡng và hưởng thụ. Ta có thể sửa câu danh ngôn trên cầu: “Thọ giới như sơ, thành Phật hữu dư”. Tức là “Tiếp nhận giới pháp như ngày đầu tiên thì việc thành Phật dễ dàng, không khó”. Người xuất gia nên hướng đến phương trời cao rộng, kế thừa chánh pháp của Phật để tu tập chuyển hóa, cứu mình và giúp đời. Đừng để cho danh vọng, lợi dưỡng, lục tình chi phối. Ai làm được như thế thì không uổng làm người tu có lý tưởng.
***