Chương 2: Bỏ kiếp giang hồ

THOÁT BẪY CHÚA SƠN LÂM

Hôm nay, chúng tôi cảm thấy hoan hỷ và chắc rằng tất cả quí vị cũng sung sướng vì mái nhà sinh hoạt tập thể cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được hoàn thành. Ngôi nhà giúp chúng ta tránh được mưa nắng trong những lần sinh hoạt tập thể như thế này, mang lại niềm vui, sảng khoái tinh thần, tạo cơ hội để ta thay đổi tâm tánh, làm mới cuộc đời.

Muốn vào khu vực dân cư gần trại giam, chúng ta phải qua “Cầu Bình An,” tên gọi như nhịp cầu kết nối giữa đôi bờ, mỗi bên đều có chứa đựng sự bình an, nhưng để kết nối được bờ bên này với bờ bên kia phải thông qua các nhịp cầu của trí tuệ, của tuệ giác hay sự cảm thông. Tuy nhiên, bên cạnh sự bình an luôn ẩn chứa các hiểm nguy, nếu nhịp cầu kết nối không đúng cách. Để có được an vui, hạnh phúc, đôi lúc ta phải trả một giá đắt, mới có thể nối kết được các giá trị với nhau bằng cả khối óc và con tim hay sự chung sức, đồng lòng của nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội.

Với cảnh trời quang, mây tạnh thế này, chúng tôi tin chắc rằng quí anh chị em ở đây sẽ có cơ hội thưởng thức đêm Trung thu đầy hạnh phúc dưới trời trong, trăng sáng, có gió thoảng, mây trôi, trăng tròn vành vạnh lung linh toả sáng. Có gì hạnh phúc hơn khi chúng ta được ăn bánh Trung thu bên tách trà nóng hổi mà lòng miên man nghĩ về các cháu thiếu nhi đang vui chơi nô đùa, hay tưởng nhớ về những người thân đang ngày đêm ngóng đợi mình về đoàn tụ trong vòng tay yêu thương, thân thiện.

Câu chuyện ngụ ngôn về chúa sơn lâm cũng mang ý nghĩa tương tự như thế. Sau những tháng năm lặn lội rừng sâu núi thẳm, chúa sơn lâm đã mỏi mệt mà kế sinh nhai vẫn còn bế tắc, việc kiếm sống ngày càng khó khăn. Suy đi nghĩ lại nát óc, vẫn không tìm được kế nuôi thân, chúa sơn lâm nghĩ ra kế giả bệnh, nằm nghỉ dưỡng trong hang sâu, để các loài trong rừng nghe tin chúa bị bịnh, nể sợ uy danh mà lũ lượt đến thăm. Đây là cơ hội tốt để chúa sơn lâm thị uy và thừa cơ bắt chúng làm mồi.

Hay tin chúa bị bịnh phải nằm trong hang, các loài trong rừng bàn nhau chia phiên đến thăm hỏi. Thế là nhiều con trong số chúng đã trở thành mồi ngon cho hổ dữ. Hôm ấy, đến lượt thăm của chó hoang. Họ hàng nhà chó vốn tinh đời, thính mũi, cẩn trọng nên chúng vừa đến cửa hang thì dừng lại thám thính, lũ chó sinh nghi, không vào hang, mà chỉ đứng bên ngoài ngỏ lời thăm hỏi. Thấy vậy, bên trong chúa sơn lâm giả bộ gào khóc bi thương: “Này các bạn chó của ta ơi! Còn chần chừ gì nữa, hãy vào đây. Hôm nay là Tết Trung thu, ta có sẵn rượu, thịt, các bạn vào đây cùng ta nhậu một chầu cho đã…”

Tuy chúa sơn lâm có lời tha thiết, nhưng chó vẫn chưa cảm thấy yên lòng, mà lại cẩn thận hơn. Với bản năng của loài thính mũi, chúng dò xét, nghe có mùi máu tươi lẩn quất đâu đây, và quanh hang còn vung vãi đó đây đôi ba mảnh xương vụn. Chúng có cảm giác đây không phải là nơi bình an để vào, nên chó đứng ngoài cửa hang nói vọng vào: “Thôi, xin chào ông! Lũ chó chúng tôi có lời chúc ông mau lành bệnh, sớm được bình an, sống hạnh phúc với người thân của mình.” Dứt lời, đàn chó cong đuôi bỏ chạy.

Câu chuyện ngụ ngôn này tuy đơn giản, nhưng nó gợi lên cho ta biết bao suy nghĩ. Trên cõi đời này, không hiếm chi người có tính cách, lời nói và việc làm không khác gì chúa sơn lâm trong câu chuyện. Khi bế tắc trong công ăn việc làm hay gặp điều bất trắc, khó khăn trong kế sinh nhai, người ta bắt đầu bày mưu lập kế làm thế nào chỉ cốt có lợi cho mình, mặc cho việc ấy gây hại cho người khác. Cũng có người tuy cuộc sống không đến nỗi nào, nhưng do lòng tham quá lớn mà hành động lừa gạt, dối trá, khiến cho người nhẹ dạ, cả tin, hám danh, cầu lợi… dễ dàng rơi vào cạm bẫy trở thành nạn nhân đáng thương từ quyết đoán sai lầm của mình. Động cơ của họ không gì khác hơn là lợi dụng tình thân, sự cả nể, sự quen biết cả tin, không muốn mất lòng nhau nên mới vướng vào sự cám dỗ có lối vào trơn tru hấp dẫn, mà đường ra lại bế tắc, khó khăn.

Đàn chó trong câu chuyện này đã may mắn nhờ cái mũi tinh đời, phát hiện được mùi tanh hôi của máu còn lẩn quất nơi hang, chúng mới cảm giác được nơi đây không phải là chốn bình an. Nếu không, sẽ có một vài con làm mồi cho chúa Sơn lâm.

Trong cuộc sống thế tục cũng không thiếu chi cảnh oái ăm như vậy. Mỗi sự phiêu lưu trong cuộc đời đều mở ra cho ta một phương hướng đến mà tiến trình riêng như dòng chảy của dòng sông vô định, chỉ trôi xuôi mà không có quay về. Nói như thế không có nghĩa là ta hoàn toàn bất lực, mà sự quay đầu làm mới cuộc đời như nước trở về nguồn phải trải qua bao lần biến đổi: bốc hơi thành khí, thành mây, gặp lạnh, làm mưa rồi mới trở về nơi đầu nguồn của nó được. Bởi vậy, ngay trong tình huống quay về mấy ai đã thành công, bởi thói quen như là quán tính xô đẩy, buộc ta buông xuôi theo những hành động, việc làm không tốt đẹp của mình.

“Bỏ kiếp giang hồ” là đề tài chúng tôi chia sẻ với quý vị. “Kiếp giang hồ” là danh xưng của thế giới ngầm với nhiều cạm bẫy, hành trình của nó như “bát quái trận đồ” đường vào tám ngõ, và lối ra thoạt nhìn ta thấy dễ dàng, nhưng tìm hoài vẫn cứ lẩn quẩn, loanh quanh không dễ gì tỏ được.

Chúng ta thường thấy, cuộc sống trong thế giới ngầm xã hội đen, chuyện thịt rơi, máu đổ trong các trận thư hùng xảy ra như cơm bữa. Do tính cách chứng tỏ mình hơn người làm cho ta từ bỏ sai lầm không phải dễ. Tuy vậy, không ít người trong thế giới ấy đã nhận thấy sai lầm, tội lỗi, có ý thức hồi đầu làm mới cuộc đời. Đó là cách thức tốt nhất để triệt tiêu nỗi đau, sự bất hạnh mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Còn những ai không bản lĩnh, thiếu ý thức buông xuôi lối sống theo kiếp giang hồ thì nỗi đau và bất hạnh cũng theo đà ấy gia tăng, dẫn đến bế tắc không tìm ra lối thoát để quay về.

VÀO TÙ NHƯ CÔNG TỬ VÀO CUNG

Hơn hai tháng qua, chúng tôi đã nhận được nhiều thư gửi bằng đường bưu điện và một số điện thư (tức e-mail trên inter- net). Hầu hết là thư nặc danh, không ghi rõ danh tánh, địa chỉ gia đình. Qua thư, chúng tôi bắt gặp nhiều tâm sự, chia sẻ rất chân tình, sâu sắc của những người đã trải qua những năm tháng như quí vị. Có thư tỏ bày ý nguyện, mong muốn mọi người bỏ định kiến, nhìn mình với con người, gương mặt, tư cách, tính cách mới... Những tâm sự đó, chắc sẽ rất ý nghĩa khi chúng tôi chia sẻ tại đây. Đặc biệt là những thư gửi đến chúng tôi viết bằng thơ, ý tứ rất tinh tế, cô đọng, gây xúc cảm cho người đọc.

Đêm nay, ngồi ăn bánh Trung thu, dùng chung trà nóng, mà thưởng thức các bài thơ này chắc là rất thú vị, gợi lên trong ta nhiều suy nghĩ tích cực cho cuộc sống. Mỗi bước đi trong suy nghĩ đó giúp ta có được những đổi thay tích cực đầy ý nghĩa trong cuộc đời.

Đầu tiên là bài thơ đầy mơ mộng, sâu sắc, thú vị:

Vào tù như công tử vào cung

Tay đeo xiềng xích như đeo lắc vàng Sáng thể dục như Quan Công múa võ Chiều nhổ cỏ như công chúa hái hoa

Hút thuốc rê như hút thuốc 555

Uống nước suối như uống coca cola Đêm đập muỗi như Hằng Nga bắt bướm Chuột gián ơi! phá phách làm chi

Hút máu tù làm sao sướng nhỉ!

Bài thơ đầy hấp dẫn, lãng mạn trong đoạn đầu, nhưng lại ê chề, chua xót ở hai câu cuối. Có lẽ tác giả cũng đã từng sống nơi miền sông nước như K20, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre này mới đêm đêm làm bạn với muỗi, mòng, mặc cho chúng chích hút, khó chịu, tác giả vẫn hòa mình vào hoàn cảnh “Hút máu tù làm sao sướng nhỉ!

Thường khi một cái gì bị đánh mất, ta mới thấy được sự quý giá, và ta mới suy nghĩ có chiều sâu, “tất cả mọi thứ trên đời đều đáng quý trọng”. Như máu thịt là dưỡng chất cần thiết duy trì sự sống của mình. Thiếu nó thì sự sống và hạnh phúc của ta không thể nào được đảm bảo.

Tác giả bài thơ đã tư duy như tiến trình tạo ra không gian tự do nội tại. Nếu cứ nghĩ mình đang ở tù vì bị sự trừng phạt thì ngày đêm ta luôn cảm thấy bức bách, khổ đau. Ngược lại, nếu ta cho thời gian trong trại này là điều kiện cần thiết, nhờ môi trường cách ly mà những thói quen cũ trong thế giới giang hồ có cơ hội lãng quên và thay đổi.

Nhà Phật gọi đó là phương pháp quán chiếu. Tức là ta hình dung hóa từ sự kiện cụ thể hướng về nội dung có chất liệu sâu sắc hơn như đang trong tù mà nghĩ đang ở trong cung. Không phải ta mơ về cung điện nguy nga của bậc đế vương để ăn, để ngủ, vui chơi thỏa sức, mà cung ở đây là môi trường tốt để ta thay đổi tâm ý. Tay bị xiềng xích mà cứ nghĩ như đang đeo lắc vàng trang sức, một thói quen suy nghĩ như khi mình còn sống đầy đủ, tự do bên ngoài.

Khi tâm của ta chứa đầy những hình dung như vậy thì nỗi khổ, niềm đau sẽ vắng mặt, thay vào đó là những an vui, hạnh phúc như lúc ta ở nhà. Ta phải biết cách tận dụng thời gian ở đây để đổi thay, làm mới cuộc sống bằng nhận thức mới. Việc lao động công ích hàng ngày nơi trại giam là sự hỗ trợ cần thiết cho sức khỏe anh chị em được đảm bảo. Nhờ lao động mà ý nghĩa cuộc đời được khai quang, mở rộng, còn nếu ta ngồi không, không lao động thì bệnh tật sẽ tấn công, bệnh tiểu đường, đau khớp rất dễ phát sinh, hoặc không bịnh mà béo phì thì cũng làm ta nặng nhọc, mất duyên, xấu dáng, chẳng ích lợi gì. Trong khi tuổi trẻ đầy năng lực này, ta có thể làm được nhiều việc cho mình, cho gia đình và xã hội. Vì vậy, ta phải nuôi dưỡng sức khỏe mình thông qua lao động công ích hằng ngày bằng tất cả nguồn vui.

Trong Phật giáo có một từ rất hay dành cho việc làm hoan hỷ, không vụ lợi, không hẹp hòi vị kỷ là làm “công quả”. Những việc làm công ích, đôi lúc ta hiểu là mình làm cho người khác, tại đây là làm việc cho trại giam, theo quan điểm nhà Phật thì ta đang làm việc cho mình, bởi nhờ làm việc tốt với tấm lòng dấn thân, vui vẻ, hết mình ta sẽ có được quả phước đức. Thực tế hơn, việc lao động hàng ngày giúp ta giải tỏa các nỗi buồn, đau nhớ nhà, nhớ cha, mẹ, vợ, chồng, người thân, người thương làm cho lòng ta ray rứt, thắt quặn tâm can rồi hội tụ vào dòng cảm xúc tạo bịnh cho cơ thể, thương tổn tinh thần, ảnh hưởng không tốt đến trí óc, tâm tư tình cảm giữa mình với những người xung quanh.

Sống trong môi trường này, chúng ta nên quý trọng sức sống và sức khỏe của mình, ta không muốn ai lạm dụng, bóc lột những gì của ta, như con muỗi, sống bằng hai phương cách: một là hút sương ngoài trời, hai là hút máu con người, chúng không có sự lựa chọn thứ ba. Cho nên, tác giả bài thơ mới có tâm trạng: “Hút máu tù làm sao sướng nhỉ!

Sống và làm việc trong môi trường mà bản chất việc làm không mang lại giá trị đạo đức thì việc làm đó không khác nào cách thức con muỗi chích vào trong thân thể, làm da thịt sưng lên, nếu không may gặp loài muỗi độc có thể bị nhiễm bệnh thì nguy hiểm vô cùng. Những hành động của ta trong hiện tại cũng giống như cái chích của con muỗi, có hành động để lại vết đau lâu dài, không phải vài ngày mà đến vài tháng, vài năm, hoặc có khi vết đau theo mình cho đến lúc ta nhắm mắt lìa đời. Từ một vết chích nhỏ tạo nên cái sưng nhức dẫn đến bệnh nặng. Do đó, ta cần hết sức thận trọng, đừng để hành động của ta chích vào cuộc đời, chích vào tha nhân, chích vào cộng đồng gây nên những vết đau. Nếu ta không muốn bị muỗi chích thì cũng không nên làm việc ấy đối với tha nhân. Đó là tư duy của người sáng suốt, có được những giá trị mà mọi người trong xã hội đều phải tán dương, khen tặng.

QUEN RỒI KHÓ BỎ

Những bài thơ chúng tôi nhận được, có bài do các em tuổi đời còn rất trẻ chỉ từ 16 đến 20, nhưng mỗi bài phản ánh một bối cảnh khác nhau dẫn tới đời sống giang hồ. Tuy thời gian giang hồ ngắn ngủi, nhưng đau thương, tội lỗi đã chất chồng, các em cũng đã thấy được con đường quay về đang rộng mở và sẵn sàng đón nhận những ai có tấm lòng và sự quyết tâm.

Tuổi 16 tôi ngây thơ khôn tả,

Hút chích vào cứ tưởng thuốc bổ ngon Đến khi biết thì hóa ra thuốc đắng Quen nhựa rồi muốn bỏ khó vô cùng”.

Qua bài thơ chúng ta thấy rõ sự ngây ngô của một chàng thanh niên mới bước vào đời, thấy chúng bạn thưởng thức “bột trắng” tưởng rằng thuốc bổ cho ta cảm giác lâng lâng như bay vào Tiên bồng Lạc cảnh, nhưng đã lao vào rồi, ta sẽ bị lệ thuộc vào nó, trước nhất là lệ thuộc về thân thể, thứ hai là lệ thuộc về tâm lý. Lệ thuộc vào thân thể tạo ra những cơn dã dượi, bần thần khi thiếu nó, nếu không nạp vào kịp thời ta sẽ bị vật vả, cắn rứt trong xương tủy khó chịu vô cùng.

Đến lúc ta nhận ra sự nguy hại thì thói quen đã tạo cho ta sự lệ thuộc rồi. Mỗi ngày trôi qua, nếu không chu cấp đầy đủ dung lượng cần thiết cho cơ thể thì nỗi khổ, niềm đau về dòng cảm xúc làm cho mình đau nhức, ray rứt khó chịu, ta như người mất hồn, sống dở chết dở.

Ở tuổi thanh xuân mà ta không làm được những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, thật là hoang phí cuộc đời. Do đó khi quyết định làm một việc gì, chúng ta cần phải suy tính cho kỹ càng, chọn lựa cho chín chắn, bởi một quyết định sai lầm có thể làm cho ta khổ đau và nuối tiếc lâu dài về sau.

Trong truyền thống đạo đức Phật giáo, người mới vào học hỏi phải thực tập năm điều đạo đức. Trong đó điều thứ năm có ý nghĩa quan trọng gắn liền với ý bài thơ vừa nêu: “Không sử dụng các chất gây say, gây nghiện như rượu, ma túy và các chất kích thích khác”. Có lẽ đạo Phật là tôn giáo duy nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại và các tôn giáo, thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực của những độc tố này khi đưa vào cơ thể.

Những người ở tuổi vị thành niên thường có thói quen chứng tỏ mình là người khôn lớn, trưởng thành, cho nên thường hành động theo những gì của người đi trước như: Ông, bà, cha mẹ, anh chị… đã từng trải qua.

Trong thế giới giang hồ có biết bao điều hiểm ác khó suy lường, mà kiến thức và kinh nghiệm của người mới lớn còn non nớt, chưa đủ nghị lực để đối phó với những cám dỗ cuộc đời. Đôi lúc vướng vào bẫy rồi, lúc đầu ta cứ tưởng đó là một hạnh phúc được ban tặng, đến khi biết mình là người suy đồi, hư hỏng thì đã lệ thuộc vào các thói quen, khó lòng thoát khỏi.

Để thỏa mãn cho những thói quen sa đoạ ta phải trả bằng nhiều giá rất đắt, khi đã dây dính vào các hoạt động của thế giới ngầm, xã hội đen hay những tệ nạn như thế thì dù trực tiếp hay gián tiếp đều để lại cho ta những nỗi đau sâu lắng.

Không riêng gì ở Việt Nam, các hệ thống pháp luật hầu hết các nước trên thế giới đều quy định khung hình phạt đối với việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng các chất ma tuý là rất nặng. Đặc biệt, ở những nước vùng Trung Đông, những người vi phạm điều luật này ở mức độ nghiêm trọng có thể bị tuyên án tử hình.

Do đó nếu ai lỡ dính dáng đến việc buôn bán, tàng trữ hay sử dụng chất ma tuý thì cả một tương lai, sự nghiệp của họ trở thành một cái gì đó rất mong manh, cuộc đời như đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm tối tăm.

Chúng ta phải ý thức rõ được rằng, những loại độc tố như rượu, ma túy và những chất gây nghiện khác, dù lúc đầu mình có thể làm chủ được và cảm giác rằng mình sẽ không bao giờ lệ thuộc vào nó, những ai mà nghĩ như thế thật là một sai lầm lớn.

Thói quen của con người là một cơ chế diễn ra một cách tự động, nó như một cái mạng nhện được nối kết từng giây, từng phút, từng ngày và dai dẳng theo năm tháng trôi qua. Đối với nó lúc ban đầu, ta chỉ cần dùng một que nhỏ như chân nhang hay một cây tăm xỉa răng chọc vào cũng có thể làm cho nó bị đứt rách một cách dễ dàng.

Vì thế ta nghĩ rằng, đối với việc ấy, muốn ngưng lúc nào thì ngưng, nên khi muốn thỏa mãn thì sử dụng không một chút ngần ngại. Nghĩ đơn giản như thế thì thật là ngớ ngẩn. Thực ra, điều đó ta chỉ có thể thực hiện được trong thời kỳ sơ khởi mà thôi, chứ còn khi đã trở thành thói quen rồi, nghiện ngập rồi thì nó như một sợi dây xích sắt cột chặt chúng ta. Lúc đó dù ta có

dùng cưa sắc, đục nhọn để phá vỡ từng mắt cũng không phải là chuyện dễ dàng, mà chúng ta phải có ý chí cao, quyết tâm lớn và phải mất một thời gian dài mới có thể thoát ra được.

Cho nên, ai muốn mình có nhiều phát minh, nhiều đóng góp và được sống trong niềm vui và hạnh phúc với sự bình an giữa cuộc đời này thì hãy xa lánh những thứ mà xã hội đang lên án, bài trừ và cảnh báo.

NGÂY THƠ NÊN KHỔ

Bài thơ của một em trai 17 tuổi mô tả về sự ngây thơ tước thế giới bia ôm:

Tuổi mười bảy ngây thơ khôn tả

Thấy bạn bè rủ uống bia ôm

Tôi  nghĩ mình không nên khiêm tốn

Uống bia ôm cũng chẳng hại gì.

Nội dung bài thơ nói lên lối suy nghĩ bình thường của tuổi mới lớn, muốn chứng tỏ mình là một trang nam nhi đầy sức mạnh. Thanh niên tuổi 17 dân gian thường nói “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” với ý cho rằng, sức trai trẻ của thanh niên tuổi này có thể làm được việc lớn từ sức lực của mình, thậm chí là sống với duy lý và duy trí. Vì thế, khi chúng bạn rủ rê vào bia ôm, chàng trai trẻ này đâu có biết đằng sau cái “bia ôm” đó là thế giới tối tăm, khổ lụy.

Anh nghĩ rằng, nếu mình khiêm tốn không dám vào thì mình là kẻ hèn nhát, thế là anh bắt đầu dây dính vào cái tệ nạn này, ranh giới từ những cốc bia ôm đến các tội danh vi phạm pháp luật là rất mong manh, những sa ngã từ tình, tiền mà thực tế năng lực bản thân không đủ tự tạo ra cho nó có một tuổi thọ lâu dài với ta, từ đó, phải làm những việc phi pháp để có tiền phục vụ thói quen, dù lúc ấy biết mình đang đối mặt với những tội danh và khổ đau.

Do đó, những ai dấn thân trong cuộc đời mà thiếu định hướng cho một tương lai lâu dài với những nỗ lực chân chính, tuy có vất vả nhưng có giá trị xứng đáng thì ta sẽ không có được hạnh phúc thật sự.

Chàng trai đã tự sự, con đường tội lỗi của anh bắt đầu từ những cốc bia ôm, rồi vũ trường, ăn chơi, bon chen, đua đòi với những bạn bè cùng trang lứa giàu sang của tiền dư dả, có hưởng thụ mà mình lại trắng tay. Từ đó, nỗi niềm mặc cảm, buồn tủi bắt đầu trỗi dậy. Vì thế anh đã tham gia vào những việc bất chánh mà lương tâm không cho phép.  Sống trong thế giới giang hồ, chàng trai 17 tuổi này cũng biết cái đích cuối cùng mà mình phải đến:

Vũ trường là chốn ăn chơi,

Chí Hòa là chốn nghỉ ngơi giang hồ

Những niềm vui được kích hoạt từ những quán bia ôm, vũ trường lộng lẫy, nhạc ca inh ỏi thâu đêm, suốt sáng ấy chỉ là những phản ứng hóa chất từ bộ não mà các nhà khoa học ngày nay phân tích cho ta thấy rõ, nó không phải là niềm vui thật sự.

Vì sự kích thích của âm thanh đa dạng, trong ánh đèn mờ huyền ảo, lung linh, với những tràng pháo tay, sự ôm ấp kích thích niềm vui rồi mình bị cuốn xoay trong cơn lốc điên loạn, dù biết rằng nơi đây lắm chuyện không nên, nhưng bước ra thì tiếc nuối, còn dấn thân vào thì vui một vài phút, khổ đau muôn lần.

Những niềm vui tột độ, hứng khởi nhất thời diễn ra như một phản ứng hóa học, chỉ tồn tại trong chốc lát, mà hậu quả của nó rất lâu dài, có khi vài năm, vài chục năm v.v.. có người chỉ vui thú vài giờ mà phải chịu khổ đau đến cả một đời.

Do đó, chúng ta buộc phải cân, đo, đong, đếm bằng nhận thức sáng suốt, để thấy rõ đâu là niềm vui thật sự và đâu là niềm vui do bị kích hoạt trong phút chốc để rồi một ngày nào đó mình phải nghỉ ngơi trong khám Chí Hòa suốt đời ân hận.

ĐI BỤI RỒI NGỒI TÙ

Bài thơ của một thiếu nữ 18 tuổi nói lên sự rủi ro của đi bụi mà hậu quả là lối sống buông thả nên phải ngồi tù.

Mười tám tuổi em bỏ nhà đi bụi

Giật dây chuyền để tặng người yêu

Cướp xe Dream chở anh dạo phố

Vì nghiệp duyên bị tóm cổ ngồi tù.

Tác giả bài thơ là một nữ đàn chị trong giới giang hồ, hoàn toàn ngược lại với phong cách “giang hồ hảo hán” của những đấng mày râu. Những chàng trai “galăng” người thương, người tình bằng cách chứng tỏ mình là người giàu có để chinh phục trái tim của nàng mà hành động không cần đong, đo, tính, đếm bằng lương tâm và nhận thức. Ngược lại, trong bài thơ tự sự của cô thiếu nữ đang xuân này cũng khá đặc biệt.

Có lẽ sức khỏe của cô cũng không thua kém gì đàn ông, không kém gì cô Phúc Bồ vang bóng một thời xứ thành đô trong thập niên 90 của thế kỷ 20 này. Năm nay, Phúc Bồ đã trải qua tuổi 50 và cũng được mãn hạn tù rồi. Cô nổi danh, khét tiếng một thời là bởi dưới trướng cô có nhiều chàng trai hảo hán lực lưỡng, điển trai như những tài tử xinê làm hộ vệ.

Trong thế giới ngầm, Phúc Bồ cũng “nhất hô bá ứng” có đủ quyền lực để thỏa mãn các nhu cầu về rượu, tình và các món ăn chơi. Để có tiền thỏa mãn những thứ đó, nếu không làm bằng bàn tay, sức lao động chân chính của mình thì rõ ràng phải vận dụng sự xảo trá, lòng bạo dạn, liều lĩnh để làm việc phi pháp, như cô đã thuật lại những phi vụ cướp giật dây chuyền, tài sản trên xa lộ hay của khách bộ hành v.v... Người nam làm việc này dễ bị hồ nghi, phát hiện, nhất là khi khách bộ hành thấy người lạ mặt đến gần, họ cảm giác lo sợ mà đề phòng, còn khi thấy một phụ nữ đẹp, duyên dáng đến gần, họ chẳng đề phòng gì, nên cơ hội thực hiện hành vi cướp giật dễ dàng thành công hơn.

Thực hiện thành công một vụ cướp giật chỉ trong vài phút lại có thể có được một số tiền lớn để chứng tỏ rằng mình là người nữ giàu có, biết “galăng,” biết ăn chơi sành điệu không thua kém gì ai. Chúng ta thường nghe những vụ cướp xe trên đường phố, đối tượng thực hiện là những thanh niên trai tráng, nhưng ở đây lại là một thiếu nữ mà lại dám làm.

Có lẽ đây là một tình huống hiếm có, mục đích cướp xe Dream của thiếu nữ này là để có phương tiện chở người yêu dạo phố. Chắc người yêu của cô là một chàng trai bạc nhược, yếu đuối, không bản lĩnh, không năng lực tự tồn tại bằng sức lao động của mình, mới phải nương nhờ vào đồng tiền của người yêu, mà nguồn gốc của nó không minh bạch, không chân chính như vậy. Nhưng cho dù có khôn ngoan, lanh lẹ, liều lĩnh đến bao nhiêu, cuối cùng cũng phải về nơi đã định: “Vì nghiệp duyên bị tóm cổ đi tù”.

Ngồi trong tù, suy tư về những việc làm sai trái, tội lỗi của mình, thiếu nữ này mới nhận chân được hai chữ “nghiệp duyên” rất thực tiễn trong đạo lý nhà Phật. Mỗi một nghiệp là một chướng. Nghiệp theo Phật giáo là một hành động, hành động đó trước nhất phát xuất từ một quyết đoán mà động cơ của nó có thể liên hệ đến lòng tham, lòng sân và sự mê muội. Đối với lòng tham ta có thể nghĩ rằng cái “tôi” của mình là trên hết.

Để thỏa mãn cái “tôi” có ăn, có mặc, nhu cầu cái “tôi” là  phải giàu, nhiều tài sản, của cải… cái tôi này không cho phép một người nào trong xã hội được quyền khinh thường, chê bai, cho nên cái “tôi” đó đã làm cho lương tâm của mình bị nghẹt thở. Giữa cái “tôi” với lương tâm chỉ có một không gian để cho cái này hoặc là cái kia tồn tại chứ không tồn tại cả hai cùng một lúc.

Cái “tôi” trên nền tảng của những suy nghĩ sai lầm, nếu phát triển lớn chừng nào thì cái không gian cho lương tâm và hạnh phúc nó teo lại chừng đó. Do đó muốn duy trì hạnh phúc thì phải làm cho cái “tôi” của mình đi vào quỹ đạo của đời sống đạo đức, biết tôn trọng những giá trị trân quí từ sức lực, mồ hôi nước mắt của mình và người khác làm ra.

Điều đạo đức thứ ba nhà Phật khuyến tấn ta làm là trân trọng sở hữu tài sản, những giá trị do người khác tạo ra. Phải ý thức rằng, khi đánh mất một cái gì đó, dù tình cờ, mình cũng cảm thấy nuối tiếc. Một tháng lương đôi lúc không đủ nuôi một gia đình, mà phải tiết kiệm, không uống rượu, không hút thuốc, bớt trang điểm v.v… thì mới đủ chi phí cho những việc cần thiết.

Nếu gia đình may mắn có đứa con là niềm vui, là hoa trái của tình yêu, như là một khế ước hôn nhân của xã hội thì lại càng chắt chiu hơn nữa mới đủ. Bản chất cuộc sống ở đâu cũng vậy, ta đừng nghĩ rằng Hoa Kỳ là thiên đường kinh tế, mọi người đều có đủ mọi thứ mà không cần làm việc, hoặc làm việc mà không cần phải tiết kiệm, chắt chiu.

Ở đó, họ có thể đầy đủ về vật chất, nhưng họ phải làm việc rất nhiều, có khi phải làm tăng ca, thêm căng thẳng, thậm chí có người làm việc không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí v.v... Cái gì cũng có giá của nó, có khi là một giá đắt là khác. Nếu ta để lương tâm tự tồn tại thì sức lao động của bất cứ ai cũng được trân quí vô cùng. Phật giáo dạy, mỗi khi có tài sản, phải thấy rõ rằng, bên cạnh ta còn có nhiều người bất hạnh. Cho nên, người Việt Nam dùng cấu trúc tình thương theo cách thiết thực “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Ý muốn nói rằng, trong cuộc đời này rách và thiếu thì ai cũng có, nhiều hay ít mà thôi, nếu ai cũng nghĩ rằng mình nghèo khó, không chia sẻ cho tha nhân và cộng đồng thì trong cuộc sống chúng ta làm sao nương tựa lẫn nhau. Vấn đề là ở chỗ tấm lòng. Có tấm lòng, ta sẽ có hành động chia sẻ với nhau tùy theo điều kiện khả năng của mình.

Do đó, biết trân quí sức lao động của mình, thì ta không được phép cướp đi sức lao động người khác, để rồi khi vào tù lại cho đó là “nghiệp duyên” như thiếu nữ cướp xe Dream kia. Nghiệp giống như cuộn chỉ quăng xuống đường dốc, cuộn chỉ lăn xuống và bung ra, nó bung mãi cho đến khi rối bời. Cho nên, hành động của ta đều mang theo tính chất trách nhiệm mà hậu quả của nó ta phải gánh lấy, ta không nên để đến lúc rối bời, gỡ ra không nổi.

Khi ta làm việc gì sai trái, gieo trồng nghiệp xấu rồi, thì dù có phép thần thông bay lên trời xanh, ẩn sâu trong núi, độn thổ như các võ lâm Trung Hoa, hay lặn sâu xuống biển như tàu ngầm, đến khi hành động sai trái ấy chín muồi, nghiệp quả trổ ra, ta phải tiếp nhận, không tránh vào đâu cho được, cho dù ta không có ý thức nào. Tính trách nhiệm và đạo đức ấy được nữ tác giả bài thơ này gọi là “nghiệp duyên”.

Biểu hiện không chạy trốn được “nghiệp” chín muồi ở đây là cô bị tóm cổ vào tù. Nỗi đau trong tù của cô được khởi đầu từ cái “tôi” muốn thỏa mãn rằng mình giàu có, mình “galăng”, hạnh phúc. Tiếp đến là muốn người thương được chia sẻ hạnh phúc từ việc làm sai trái thiếu đạo đức của mình, nên cô ta phải chịu hậu quả đau buồn lẽ ra không đáng có và không nên có.

TÌNH TIỀN TÙ TỘI

Một bạn khác ở tuổi 19 đã viết về kiếp giang hồ đáng sợ.

Mười chín tuổi sống kiếp giang hồ

Tay dao, tay súng cướp ô tô

Tiền tình tù tội mang đủ cả

Chết hụt hai lần sợ đứng tim.

Trong dân gian thường nói: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Thế mà có người thấy quan tài vẫn dửng dưng, đến khi cái quan tài ấy dành cho mình mới thấy khổ đau. Bốn câu thơ trên của chàng trai 19 tuổi nằm trong tình huống này, bởi khi nhìn thấy cảnh người khác chịu hình phạt, khổ đau như thế nào rồi mới thấy mình may mắn thoát khỏi nanh vuốt của luật giang hồ, thoát khỏi sự phán xét công minh của luật pháp và thoát khỏi sự trả thù của những nạn nhân.

Tuy biết mình may mắn như thế, nhưng vẫn chưa biết sợ. Anh chàng đã lâm vào tình huống “chết hụt hai lần sợ đứng tim”. Cũng may không chết, mà chỉ mới “sợ đứng tim” mà thôi, chứ anh này bị bệnh tim thì chắc không có cơ hội làm thơ nữa rồi. Trong kiếp sống giang hồ chúng ta thấy rất là phức tạp, các anh chị có thể chỉ là nạn nhân của bạn, của người thân, người cưu mang mình, hoặc bị người khác dùng sức mạnh đe dọa, ép buộc trong lúc mình đang gặp khó khăn về phương diện xã hội, kinh tế và gia đình v.v...

Tất cả điều đó gia đình, bè bạn và xã hội cũng như chúng tôi đều thông cảm. Vì một hoàn cảnh nào đó mà các anh chị phải đi vào một thế giới, bây giờ nghĩ lại trong lòng mỗi người đều cảm thấy xót xa ớn lạnh cả người. Mỗi một hồi ức về quá khứ là nỗi đau bắt đầu trỗi dậy. Khi ta hình dung về nỗi đau, bế tắc của người khác và những bất hạnh do ta tạo ra, thực sự giờ đây ta mới thấy rằng, mình là người bất nhẫn, thật đáng hổ thẹn.

Thế giới giang hồ là như thế, chỉ biết chứng tỏ mình có sức mạnh, dũng cảm gây tội ác. Ai chinh phục được người khác bằng vũ lực thì người đó được xem là đàn anh, đàn chị, là thủ lĩnh. Lúc ấy, các bạn đâu có nghĩ rằng “vỏ quít dày có móng tay nhọn” mà cứ tưởng mình hơn người khác về sức mạnh, sự khôn ngoan và mưu trí…

Nay ngồi đây rồi, các bạn mới nhận ra được rằng, những người hiền hậu, lương thiện kia, họ đã chiến thắng mình một cách ngoạn mục, không ngờ họ phanh phui ra manh mối tội lỗi của mình một cách dễ dàng như vậy. Bây giờ thì mình mới bắt đầu, còn những người lương thiện, hiền thục kia đã có một tương lai rạng rỡ lắm rồi.

Bốn thứ trên đời này thường gắn liền với nhau đều được bắt đầu bằng chữ T: Tình, tiền, tù, tội, bốn thứ này gắn kết với nhau mật thiết, nếu không cẩn thận, ta sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của nó và phải trả cho nó bằng một giá rất đắt.

Thí dụ, ta có một mối tình đẹp, không xây đắp bằng lòng yêu thương thật sự, mà được xây dựng trên những nét hào nhoáng của ngoại hình, sắc tướng, vai trò vị trí xã hội, rồi ta chạy theo nó bằng cách phải có tiền để thỏa mãn các nhu cầu. Đến khi không còn đủ điều kiện để thỏa mãn nữa thì lớp hào nhoáng ngoại hình, sắc tướng đẹp đẽ ngày nào hay vị trí xã hội không còn thì cuộc tình ấy sẽ sụp đổ, hai bên đối xử với nhau thậm tệ, bây giờ mọi thứ chỉ là con số 0.

Dân gian Việt Nam hay nói: “Của thiên hoàn địa”, hay “không lại hoàn không” là vậy. Nghĩa là sau một thời gian cố công, gắng sức chăm sóc, vun bồi, nhưng rốt cuộc chẳng còn gì, vẫn “tay trắng lại hoàn trắng tay”. Chúng ta thấy những trường hợp như vậy xảy ra nhan nhản trong xóm này làng kia trên cuộc đời này, đâu mà chẳng có. Đó là những trường hợp bình thường, chứ không khéo chỉ vì chạy theo phục vụ mối tình không nền tảng ấy mà phải sa vào tù tội thì thật phi lý và oan uổng.

NHÂN QUẢ CÔNG BẰNG

Thế giới giang hồ được dàn dựng trong những bộ phim kiếm hiệp Trung Hoa thường gọi bằng một từ rất ghê rợn “giang hồ bạc ác”. Sự bạc ác của giới giang hồ Trung Hoa thâm sâu không thể biết hết được. Người hoạt động trong giới giang hồ 30 năm thì kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ cũng chỉ giới hạn trong 30 năm đó thôi, còn thế giới giang hồ của họ được hình thành từ rất lâu xa, có thể nói nó xuất hiện cùng thời với con người.

Vì thế các mánh lới, bẫy giăng của nó rất tinh vi với nhiều hứa hẹn ngọt ngào, hấp dẫn. Một người mới gia nhập giang hồ, chưa kinh nghiệm, chín chắn thường cảm thấy mình được ân huệ, hạnh phúc, đến khi thấy được hiểm nguy thì tội lỗi đã dày, hận thù chồng chất, mắc trước, vướng sau, không dễ gì gác kiếm để hoàn lương.

Khi ta làm điều không tốt cho người khác, nỗi hận thù của họ bắt đầu trỗi dậy. Họ không trả thù được ở lúc này thì lúc khác ta cũng phải nhận lãnh hậu quả ấy. Ân oán giang hồ là vậy, nợ gì trả nấy, máu trả máu, đầu trả đầu là luật giang hồ tuy bất thành văn nhưng khắt khe và quyết đoán khó mà thay đổi.

Cuộc sống của thế giới giang hồ là mạnh được, yếu thua, nhưng trên đời này đâu có ai mạnh hoài và yếu mãi, rồi ai cũng phải chịu hậu quả đen tối, khổ đau của quy luật. Bởi vấn đề nhân quả là một cán cân rất công bằng, không có ai đứng ở khoảng giữa để phán xét, định đoạt. Đối với luật pháp xã hội, ta cũng không thấy người nào ngoài đại diện luật pháp có quyền xét xử bị can. Người đứng ra xét xử cũng không thể làm ngơ hoàn toàn cho người phạm tội. Họ chỉ có thể căn cứ theo một lý do nào đó để giảm nhẹ hình phạt đôi chút, còn với luật “nhân quả” thì tuyệt đối công bằng không thiên lệch một ly nào. Hễ gieo nhân nào thì phải gặt quả ấy, có điều không sớm thì muộn, không chóng thì chầy mà thôi.

Chúng ta phải trân trọng những người làm việc chân chánh bằng chính bàn tay, khối óc của mình, nhất là những

người nghèo khó, nhưng vẫn sinh sống với nghề chân chánh, không làm điều bất chánh, phi pháp, hổ thẹn lương tâm.

Mỗi lần có dịp về Bình Dương thăm khu vườn ông nội để lại, chúng tôi được người thân ở đó tặng cho nải chuối, mớ chôm chôm, quả sầu riêng v.v… Tuy món quà không nhiều, không ngon ngọt như loại bày bán ở trung tâm thành phố, nhưng tình cảm người biếu tặng quá chân tình, chúng tôi cảm thấy trân quí hơn nhiều.

Bởi chúng tôi biết đây là món quà chứa đựng nhiều công sức khó nhọc, sự tri ân và tấm lòng thương mến của người thân. Nếu ai có thửa ruộng, mà tự tay mình chăm sóc, cày sâu, cuốc bẫm, chân lấm, tay bùn, bón phân, nhổ cỏ, đến khi thu hoạch kết quả mang thóc về nhà mới thấu hiểu cái công sức lao động tạo ra hạt gạo là nhọc nhằn, gian khổ đến chừng nào. Bởi vậy, trong kho tàng ca dao Việt Nam có câu:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Do đó, nếu tạo ra những thứ tài sản không thuộc về những gì chân chính thì ta đang mang một món nợ. Món nợ đó đang đẻ lãi ở hiện tại và sẽ tính lời trong tương lai theo cách “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Bây giờ anh chị em vào trong các trại như thế này, tuy gọi là trại tù, nhưng chính nơi đây là môi trường trong sạch hơn xã hội bên ngoài nhiều lắm. Chúng tôi mong rằng, quí anh chị hãy nghĩ đây là cơ hội quí báu để thay đổi đời mình.

Có vài lần chúng tôi tâm sự với một số anh chị tại đây, có người nói rằng: “Thưa thầy, tụi tôi bị xui quá nên mới bị tóm cổ vào đây, nếu không, bây giờ tụi tôi cũng giàu có, nhà lầu xe hơi, kém gì ai”. Quý vị nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Quý vị vào đây chưa hẳn bất hạnh đâu, có khi là một may

mắn là khác, bởi môi trường này, quý vị có cơ hội làm mới lại nhận thức, làm mới lại cuộc đời.

Chính trong môi trường cách ly với xã hội bên ngoài này, quý vị dễ quên những hành động và việc làm tội lỗi của mình trong quá khứ. Những việc công ích hàng ngày, những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập những điều hay, theo dõi những chương trình tốt giúp quý vị làm mới nhận thức, thay đổi những hành động sai lầm trước kia của mình. Chính đây là cơ hội tốt để chúng ta ý thức được điều hay lẽ phải ở đời, nhận biết về những sai lầm của mình trong thời gian qua.

CHÌA KHÓA VẠN NĂNG

Trong tâm lý học Phật giáo có đề cập đến ba trạng thái tâm lý được dùng bằng ba từ rất ấn tượng: Vị đắng, vị ngọt, vị xuất ly. Phần lớn con người chúng ta thích vị ngọt, vì nó mang đến cho ta sự bình an, hạnh phúc, thích thú, đê mê, vì vậy, đôi lúc ta bất chấp tất cả  để đạt được cái vị ngọt ấy.

Ai cũng có một thời vàng son để hạnh phúc, hãnh diện, tự hào, và sống có ý nghĩa với quãng đời của vị ngọt đó, nó không mất, mặc dầu đã thuộc về quá khứ. Còn đối diện với vị đắng cuộc đời, ta cảm thấy khó chịu xót xa… bởi vị đắng là điều mình không mong muốn, nhưng nó xuất hiện và đeo bám theo ta, nó như phản ứng sử dụng sai phương tiện tạo ra vị ngọt. Ai không biết cách tạo ra vị ngọt đúng phương pháp thì phải chịu hậu quả của vị đắng và chính trong vị đắng ấy là cơ hội quí báu để ta vượt ra bên ngoài.

Quý vị nào sống ở vùng sông nước chắc biết điều này, khi ta đổ một lượng dầu hôi xuống nước, nơi có nhiều cá, tôm đang tung tăng bơi lội rất hạnh phúc và bình an, ta sẽ thấy cá bắt đầu vẫy vùng, giãy giụa tìm sự sống, có con nhảy lên khỏi mặt nước để hớp không khí, giải phóng sự ngột ngạt do ảnh hưởng tiêu cực của dầu, những con thông minh hơn, có niềm tin quyết liệt hơn và có phương pháp hơn, chúng không cần giãy giụa, vẫy vùng, mà bình tĩnh thoát thân bằng cách bơi thật nhanh ra khỏi khu vực có dầu. Nhờ thế nó được an toàn, có cơ hội sống và hạnh phúc.

Vùng nước bị dầu phủ trùm ta ví như môi trường của thế giới giang hồ, cái thế giới của muôn ngàn ân oán, hận thù, nợ nần và bất trắc, mà nay, mỗi khi nhắc lại ta cảm thấy ớn người, đứng tim, thót dạ nhiều lần. Cho nên, ta phải tìm hướng thoát ra khỏi môi trường ấy càng sớm, càng tốt, giống như con cá muốn được sống bình an, hạnh phúc, đầy đủ chất liệu của khí oxy, nó phải bơi nhanh đến nơi không bị dầu bao phủ. Nơi bình an cho cuộc sống của chúng ta là sự đổi mới phát xuất từ cái tâm và sự quyết tâm.

Năm 2005, khi sang Hoa Kỳ công tác Phật sự lần thứ hai, chúng tôi có dịp đến thăm ngôi Thiền viện mới được cất lên tại khu vực chuồng ngựa thuộc San Diego. Nhiều năm về trước, nơi này là một sân đua ngựa có nhiều tay đua phải vào bệnh viện vì đất ở đây lồi lõm, ngựa ngã trong lúc đang đua.

Vì thế, chủ sân bị mất uy tín, không còn ai đến chơi đua ngựa nữa. Thất bại, ông chủ rao bán hơn mười năm, không có người mua, cuối cùng một nhà sư Phật giáo đến mua, thầy xây dựng nơi này một ngôi chùa. Bây giờ, chủ nhật hàng tuần, trung bình có khoảng 400 đến 600 người đến sinh hoạt tu học.

Một mảnh đất trước đây chỉ làm niềm vui cho những tay đam mê trò chơi đua ngựa, dù thỉnh thoảng có xảy ra tai nạn nguy hiểm, nhưng với tầm nhìn của nhà sư, nó hoàn toàn được thay đổi. Thay vì ba, bốn chục phòng nhốt ngựa, nó trở thành ba, bốn chục phòng có chất liệu tâm linh, đạo đức và hạnh phúc.

Do đó, không có cái gì là bỏ đi hay vô nghĩa trong cuộc đời này, chúng ta có thể hình dung rằng, quãng đời trôi qua trong thế giới giang hồ của mình là quãng đời bỏ đi, không mặc cảm tự ti, bởi đời sống của ta và các giá trị cùng có mặt ở hiện tại, phải tin tưởng rằng, trong ta còn có tiềm năng làm mới mãnh liệt, không khác gì ý thức nhà sư biến các chuồng ngựa kia thành nơi sinh hoạt tâm linh, mang lợi lạc và hạnh phúc đến với nhiều người.

Mảnh đất của thế giới giang hồ cũng phát xuất từ cái tâm ý và sự quyết đoán sai lầm. Ta có quyền thay đổi nó, bằng cách bắt đầu từ nhận thức, khi tâm thay đổi, hành vi thay đổi thì cuộc sống cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Ta không có gì phải mặc cảm tự ti hay tin vào số phận mà buông xuôi cuộc sống, bởi số phận không có đối với con người, mà chính ta là nhà kiến trúc thiết kế nên cái lâu đài hạnh phúc hay khổ đau cho cuộc đời mình. Ta là người trực tiếp tiếp nhận hệ quả tính cách trách nhiệm về đạo đức tốt và xấu của mình, không ai mang đổ, giúp hay bắt ta phải chịu cả.

Do đó, nếu đã làm những điều không hay, không vui, không hạnh phúc trong cuộc đời thì đừng trốn chạy, mà hãy mạnh dạn đối diện với nó bằng nỗi niềm sám hối để làm mới thì ta sẽ vượt qua, tạo nên cuộc đời mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, không thua kém những người bình thường khác.

THÀNH KẺ TIÊU TAN

Và đây là bài thơ của chàng trai 20 tuổi mang nỗi niềm tâm sự khi nhìn lại cuộc đời:

Hai mươi tuổi ta làm du đãng

Dám xâm mình hễ ghét là phang

Chốn giang hồ mong làm hảo hán

Rốt cuộc rồi thành kẻ tiêu tan.

Tâm trạng diễn tả trong bài thơ rất phổ biến trong thế giới giang hồ, bởi khi ghét người nào, họ thường nói với nhau bằng tiếng nói của gươm, đao, mã tấu, vũ lực và hung khí. Họ ứng xử với nhau như vậy là bởi vì họ sống quen trong môi trường như thế, không làm như vậy mình cũng khó tồn tại. Vì do bối cảnh xã hội, ta bị rơi vào cạm bẫy cuộc đời, hay hoàn cảnh xui khiến ta trở thành con người phải sống và hành động thế này hay thế khác.

Câu thơ thứ ba mang một nỗi niềm tâm sự mới thật đáng thương: “Chốn giang hồ mong làm hảo hán”. Trong chữ Hán chữ “hảo” nghĩa là tốt, chữ “hán” là gã đàn ông. Muốn làm giang hồ hảo hán thì phải trở thành người tốt trong thế giới này. Trong võ lâm Trung Hoa có câu: “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”, nghĩa là thấy việc nghĩa mà không ra tay thì không phải là anh hùng, không phải là hảo hán, không phải người tốt, không phải là quân tử và không phải là người đáng trân trọng.

Nghĩa khí của “hảo hán” là như thế, nhưng do chúng ta hiểu lầm cái nghĩa “hảo hán” là trở thành dân anh chị trong giới giang hồ xã hội đen thì thật oan cho văn từ này. Cũng vì do hiểu sai lệch như vậy mà nhiều người rốt cuộc trở thành kẻ tiêu tan, bởi trong ân oán giang hồ, cái vòng vay trả, trả vay nghiệt ngã cứ lòng vòng hoài khiến mình không thoát ra được, bên cạnh đó mạng lưới của pháp luật bủa vây khắp chốn, khắp nơi làm cho mình sợ hãi tránh né hồi đầu, nhưng dù có trốn tránh cách nào, sớm muộn gì cũng sa lưới pháp luật. Cho dù ta trách né được sự trừng phạt của luật pháp, nhưng với luật nhân quả, làm sao tránh khỏi. Không sớm thì muộn, không chóng thì chầy ta cũng phải gánh chịu quả xấu.

Theo thống kê xã hội học của tạp chí về trại giam ở Hoa Kỳ, chúng tôi được biết, phần lớn những người hoạt động trong giới giang hồ có tuổi thọ trung bình là 40. Có người có mặt trong giới giang hồ mới ở tuổi 12 hay 13, hai mươi mấy năm đã tạo ra biết bao ân oán rồi. Đối với những người này, việc cướp của, giết người là một việc làm không cần suy nghĩ, bởi họ cho rằng, đến lúc nào đó rồi mình cũng bị người khác giết lại.

Quan niệm của thế giới giang hồ là ai hạ thủ được nhiều đối thủ, người ấy là oai lực, là kẻ mạnh. Đó không phải là một điều hay, mà là nỗi đau và sự sai lầm. Việc truy cứu trách nhiệm về nhân quả, trước nhất được thể hiện qua sự trừng phạt của đạo đức làm cho ta ray rứt khó chịu, bần thần. Trong khi ai muốn trở thành “hảo hán” điều tiên quyết là người ấy phải thực sự tốt, có đời sống đạo đức tiêu biểu, tạo được niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho nhiều người.

Chúng tôi cũng có dịp đến thăm một số anh chị em mãn hạn tù, nhìn vợ con của họ mà lòng tôi cảm thấy nhói đau, bởi dù họ có vùng vẫy, oanh liệt mội thời để kiếm tiền bằng bất cứ hành động nào, nhưng rốt cuộc vợ con họ là người phải chịu đựng tất cả, nghèo túng, tai tiếng thị phi. Nhiều người rơi vào mặc cảm tư ti, khi chồng mình trong giang hồ là người rất “xộp” với các đàn em, “nói một là một, nói hai là hai”. Trong những phi vụ kiếm được nhiều tiền, họ không dành riêng cho mình một xu nào, tất cả tài sản phi pháp đó đều dành hết cho đàn em, để chúng trung thành, mình mới trở thành “hảo hán” theo cách sai lầm như vậy.

Trong khía cạnh khác, “hảo hán” còn phải là người mang lại hạnh phúc cho gia đình, người thân, thương trước nhất. Người có gia đình phải lo cho vợ con, cha mẹ đầy đủ vật chất và tinh thần. Trong khi đó chúng tôi thấy vợ con của một số anh chị “hảo hán” này vẫn thiếu áo, đói cơm, con cái nhóc nheo, tật bệnh, không tiền cắp sách đến trường, cha mẹ già sống cảnh bần hàn, khó khăn, mang nặng lòng mặc cảm với mọi người, trong lúc mình trở thành “hảo hán” giữa đám người bất lương, bất hảo thì cái “hảo hán” đó phỏng có giá trị gì?

Chúng tôi mong rằng, với sự cảm thông sâu sắc của gia đình và xã hội, bây giờ các anh chị hãy nghĩ đến ý nghĩa đích thực của “hảo hán” để mỗi hành động, mỗi việc làm của mình, khi nghe người khác nhắc đến, mình cảm thấy hãnh diện, tự hào không một nuối tiếc nào. Có như thế, “hảo hán” mới có ý nghĩa chiều sâu thật sự và đúng nghĩa đích thực của văn từ này.

Đừng nghĩ rằng phải giàu ta mới làm được chuyện “hảo hán,” ở đây ta chỉ cần có tấm lòng là đã có cánh cửa, có phương pháp làm “hảo hán” rồi. Khi đã có tấm lòng, trước sau gì ta cũng thành công, vấn đề ở chỗ là phải trải qua những gian khó. Không có thành công nào mà chẳng có gian lao. Đường chông gai gập ghềnh khó đi chừng nào thì giá trị sự thành công tương thích nhiều chừng ấy.

Do đó, chúng ta muốn có kết quả nhanh mà đầu tư không nhiều thì kết quả không vững chắc, không dài lâu. Cũng vì lẽ ấy, ta lầm nhận “hảo hán” trong chốn giang hồ để rồi cuối cùng ta trở thành kẻ “thân bại danh liệt” tiêu tan không ý nghĩa gì. Chúng tôi mong quý vị cố gắng, quyết tâm làm lại cuộc đời từ đây, dù cho có gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại cũng không nản lòng.

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,

Nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông.

Trong nhà Phật lại có câu sâu sắc hơn: “Không có gì là thân bại danh liệt”, nếu ta biết hồi đầu, có thể làm mới lại, việc ta làm đều chánh đáng, có ích lợi cho mình và người thì thân ta thanh thản và danh phận cũng sẽ sáng lên.

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, với chủ đề Quay đầu là bờ chúng tôi nói về cuộc đời của tên sát nhân trong thời đức

Phật tên là Angulimala. Về sau ông trở thành một “hảo hán” thật sự. Ông cũng trở thành một nhà thơ, một nhà tâm linh được mọi người yêu chuộng và kính trọng. Ông có nhiều tác phẩm giá trị lưu lại cho hậu thế. Và đây là một bài thơ sâu sắc, một kinh nghiệm tu hành của Angulimala còn lưu lại trong kinh sử cho đến ngày nay:

Ai dùng các hạnh lành,

Để xóa mờ nghiệp ác,

Sẽ chói rực đời này,

Như trăng thoát mây che.

Đối với ông thế giới giang hồ là áng mây mù phủ kín cả hạnh phúc và tương lai cuộc đời, như đêm rằm không ánh trăng soi, chỉ những hành động thiện ích với giá trị “hảo hán” thật sự, phù hợp với đạo đức, lương tâm và những nghĩa cử cao đẹp mới xóa mờ được những nghiệp xấu ác, bất hạnh mà ta đã gieo vào cuộc đời. Cũng do vì hiểu lầm hay hiểu chưa đến nơi đến chốn hoặc bị dụ dỗ rơi vào cạm bẫy, hoặc do hoàn cảnh xúi giục, bị ức chế, thù hận v.v… Nay ta vẫn có thể làm mới như vầng trăng thoát khỏi mây mù mang ánh sáng cho bầu trời và khắp cõi nhân gian.

Trong lịch sử Phật giáo, đã từng có người buông dao, gác kiếm, quay đầu, chí tâm chí thiết tu hành thành Phật. Chúng tôi tin rằng, quý vị ở đây, với tiềm năng sẵn có, như đức Phật nói: “Tiềm năng giác ngộ hiện đang tồn tại ở mỗi con người trong những giây phút mình đang sống với vị đắng là những ông Phật đang nằm ngủ”. Bây giờ, nhiệm vụ của mỗi người chúng ta là phải đánh thức ông Phật nằm ngủ ấy, để cho tâm mình trở nên tỉnh táo, sáng suốt, làm lại cuộc đời.

Chúng ta đừng nghĩ, Phật tánh là cái gì quá cao siêu, mà nó là sự tỉnh thức, giống như động tác ngủ dậy mở mắt ra.

Giác ngộ là mở mắt ra. Việc mở mắt, trong một ngày, mỗi người ít nhất cũng có vài lần. Sau một đêm ngon giấc, sáng ra ta mở mắt đón chào một ngày mới. Ngày nào chả vậy. Có người còn ngủ thêm buổi trưa, hay có thói quen ngủ hai, ba giấc trong ngày.

Không ai tồn tại và sống hạnh phúc với sức khỏe đầy đủ mà chỉ có ngủ, ăn, mặc, hưởng thụ, thỏa mãn các thú vui mà không làm việc, nhưng làm việc cho có hạnh phúc thì hai con mắt phải tỉnh táo. Phật là người tỉnh táo, tỉnh táo trong nhận thức, hành động, việc làm, phán đoán, các việc nghĩa, sự dấn thân và trong những gì có giá trị, có lợi cho mình và người. Do đó, mong rằng quý vị sẽ đánh thức được ông Phật đang nằm ngủ bên trong, để thay đổi thế giới giang hồ tồn tại trong lòng và ý nghĩ của ta.

Bỏ kiếp giang hồ gồm hai nội dung: Thứ nhất là nhân cách giang hồ. Thứ hai là các hành động giang hồ. Danh từ “giang hồ” được hiểu theo nghĩa không tốt đẹp trong các thư của các em tuổi từ 16 đến 20 tâm sự với chúng tôi. Đối với các em hình như không có lối về, không có lối thoát hiểm, mà các em cảm thấy đường đi, tuổi thọ của thế giới ấy là hẩm hiu, ngắn ngủi. Trong dân gian thường nói “sai một ly đi một dặm,” trên thực tế, sự quyết định sai lầm của ta với hành động đạo đức thì “sai một ly đi cả cuộc đời”.

Không phải “chết hụt hai lần sợ đứng tim” như chàng trai 20 tuổi ở trên, mà nhiều người “đụng chuyện” là chết thiệt luôn. Theo thống kê xã hội học đưa ra thì tuổi thọ của người trong thế giới giang hồ trung bình là 40. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người bình thường trong xã hội là 70. Những quốc gia tiên tiến có nhiều hỗ trợ cho đời sống người dân như Hoa Kỳ, Nhật Bản… tuổi thọ của họ được nâng cao hơn, những quốc gia đó có nhiều người trên tuổi 80, có người trên 112 tuổi. Do đó, muốn có tuổi thọ cao, ta phải có suy nghĩ và hành động tốt, chứ theo lối sống và hành động giang hồ thì phải chịu yểu mạng thôi.

Đạo Phật không cho rằng con người có số phận, vận mệnh hay định mệnh mà con người sống có hạnh phúc hay không, có đạt tuổi thọ cao hay không đều do tư tưởng và hành động hỗ trợ, chi phối. Muốn thay đổi cuộc đời, ta phải thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực thì mới có khả năng biến những khổ đau, bất hạnh trở thành niềm vui, hạnh phúc được.

Ta cần phải mạnh dạn, quyết tâm vượt qua những phong ba, bão táp cuộc đời để cho tiến trình quay đầu đến được bến bờ. Trên thực tế, khoảng cách giữa động tác quay đầu và bến bờ không nhất định. Khoảng cách này ngắn hay dài, nhiều hay ít, nhanh hay chậm, lâu hay mau hoàn toàn lệ thuộc vào thiện chí và sự quyết tâm của mỗi người. Giống như người vượt sông, với sức nước cuốn mạnh, đôi lúc ta phải mất đến ba, bốn tiếng đồng hồ, nếu người bơi không giỏi, không tốt chưa chắc đến được bờ bên kia, mà có thể bị đuối, bị chìm, bị cuốn trôi giữa dòng sông.

Do đó, người trong thế giới của giang hồ biết quay đầu chưa phải là đủ, không chỉ có quay đầu là có thể tiến lên, tiến xa đến nơi tốt đẹp. Trong kinh Phật có câu: “Người không làm điều xấu, chưa vi phạm luật pháp chưa hẳn là người tốt”. Người không phạm pháp, không bị luật pháp trừng trị, nhưng muốn có hạnh phúc còn phải làm nhiều việc tốt nữa.

Việc thay đổi nghiệp không phải do cầu nguyện hay ân sủng của thần linh, thượng đế nào cả, vì theo đức Phật, không có sự can thiệp của các vị ấy, mà hành động của con người mới quyết đoán được tương lai. Tốt hay xấu là do ta tạo nên, không ai đem đến cho ta cả. Vậy khi gặp điều xấu, không nên than trời, trách đất, đổ thừa cho số mệnh vì mọi việc đều do ta làm chủ và phải có trách nhiệm.

Thí dụ, cầm trái banh ném vào tường, ta thấy có phản xạ, nếu lực ném mạnh bao nhiêu thì lực dội ngược của quả bóng sẽ tương tự như thế. Bất cứ hành động nào của ta đều có phản ứng tốt và xấu, tích cực và tiêu cực mỗi khi nhớ về nó. Hãnh diện hay ray rứt lương tâm là do hành động, việc làm của ta. Là người quay đầu, ta luôn mong sớm đến bờ bình an bằng những hành vi dội ngược sự day dứt, ân hận và khổ đau. Vì vậy, hồi đầu là làm mới cuộc đời được thể hiện bằng các hành động cụ thể.

SÁM HỐI MỘT ĐỜI CHƯA HẾT NỢ

Như vừa nêu, thống kê xã hội học về cuộc sống của giới giang hồ có tuổi thọ khoảng chừng 40 là một nỗi đau chung cho toàn xã hội, chứ không riêng gì giới giang hồ. Trong đó, không ít người phải chịu các bệnh yếu mạch máu não, bại liệt không đi đứng được.

Các anh chị ở đây, chắc cũng có nghe về cô Phúc Bồ nổi danh một thời ở miền Bắc. Tên tuổi và thành tích giang hồ của cô được nhiều báo chí lúc bấy giờ đưa tin. Gần đây, chúng tôi có dịp gặp tại Hà Nội, cô không nói được bình thường như trước đây nữa, chân đi khập khiễng, khó nhọc. Hỏi ra, mới biết cô đang bị những nỗi đau giằng xé nội tâm, bởi bây giờ hai đứa con trai của cô cũng trở thành hai tên giang hồ cộm cán không kém gì cô ngày xưa.

Trong lúc cô đang bị bịnh, đi đứng khập khiễng không như ngày xưa, lẽ ra nó phải hiếu thảo, chăm sóc, đằng này nó lại cuỗm đồ nhà đi bán để hút chích. Phúc Bồ ngày nào hét lên thì đám nam nhi thuộc hạ phải im phăng phắc tuân lệnh. Thế mà bây giờ cô phải năn nỉ từng câu ngọt ngào với hai đứa con trai của mình. Chúng ta có thể cứng rắn với người khác, nhưng đối với người thân, người thương hay những đức con của mình thì lại mềm nhũn, thậm chí cảm thấy bất lực. Thật là nhân quả nhãn tiền.

Ngày xưa, Phúc Bồ hùng hổ bao nhiêu thì giờ đây, hai đứa con mà Phúc Bồ sinh ra, lại hành hạ, chửi mắng Phúc Bồ một cách thậm tệ. Nhiều lần cô đến chùa Quán Sứ, tâm sự với các Thầy rằng “Tôi mong những năm tháng cuối cuộc đời làm được việc gì đó để nghiệp chướng đã gây trong quá khứ được nhẹ bớt phần nào, dù bây giờ đi đứng không còn vững, trí không còn sáng suốt do bịnh nhũn não, dòng cảm xúc dễ dâng trào khi khóc, cười, buồn, vui, không làm chủ được mình”.

Chúng tôi khuyên cô không nên bi lụy về quá khứ, vì bi lụy quá nhiều không ích lợi gì, nó chỉ làm cho mình đau khổ hơn mà thôi. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải biết làm mới chính mình, trước nhất cô phải thay đổi nhận thức, đồng thời thực hiện bằng những hành động cụ thể. Cô có thể viết thuật lại câu chuyện đời mình, đưa ra lời ăn năn, hối lỗi, khuyên can người khác không nên làm những việc xấu ác như mình trước đây, lấy đau khổ của mình làm gương, đó là cách thức hồi đầu cô có thể làm.

Nhiều người trong giới giang hồ không phải chỉ hư một nửa, mà hỏng cả cuộc đời, có khi đã nhắm mắt xuôi tay nằm yên trong lòng đất hay chỉ là tro bụi, mà miệng thế gian vẫn còn nguyền rủa, lên án.

Theo quan điểm tái sanh của nhà Phật, những tình huống như vậy, trong tiến trình tái sanh, ta không thể nào trốn tránh trách nhiệm nhân quả, dù người đó có niềm tin tôn giáo hay không. Nếu các anh chị nghĩ rằng, không có nhân quả, không có kiếp sau, kẻ tốt, người xấu gì đến khi nhắm mắt xuôi tay ai cũng phải nằm yên dưới vài thước đất, người may mắn có

con cháu thắp nhang, cúng bái, người không may mắn làm ma cô hồn cũng thế thôi. Chính nhận thức sai lầm như vậy làm cho ta không có tinh thần trách nhiệm với những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm.

Vấn đề này, giống như động tác ném bóng vào tường vừa nêu trên, khi chạm tường, quả bóng không đứng yên hay rơi xuống mà nó bung ngược lại phía mình. Nếu ta đứng đối diện bức tường, quả bóng có thể dội trúng vào gây đau đớn hay thương tích và nó có thể ảnh hưởng đến người xung quanh.

Từ ảnh hưởng trực tiếp ấy, có thể kéo theo ảnh hưởng về kinh tế, hạnh phúc, xã hội và các vấn đề khác ta không lường hết được. Không đơn thuần một hành động dẫn đến một kết quả duy nhất, đó cũng là lý do tại sao chúng tôi đề nghị cô Phúc Bồ viết lại câu chuyện đời mình với những lời hối hận, khuyên can người khác. Kết thúc cuộc chuyện trò, theo ý cô, chúng tôi cho cô tựa đề là “Sám hối một đời chưa hết nợ”. Nói vậy chứ không biết cô có thực hiện được hay không.

Chuyện của Phúc Bồ là một sự thật, chúng tôi mong các anh chị không nên chán nản hay thất vọng nhìn cuộc hồi đầu của mình quá dài, không biết có đến được bến bờ hay không? Có đi tất có đến, con đường thiên lý cũng bắt đầu từ một bước chân.

Các anh chị em đừng sợ lâu dài, đừng sợ khó khăn, tôi tin rằng quý anh chị em ở đây sẽ thành công. Việc quay về có thể diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, vài ngày, vài tháng vài năm… miễn là ta có quyết tâm, có nỗ lực chắc chắn sẽ thành công. Cũng như cái tựa đề chúng tôi cho cô Phúc Bồ có chữ “chưa hết nợ” là vì những việc ta làm vẫn còn đó, nay ta chấm dứt hành đông tội lỗi là chỉ mới giảm bớt hành động chịu trách nhiệm về mặt đạo đức và luật pháp mà thôi, chứ ta chưa chuyển hóa được.

Do đó chúng ta cần phải làm hàng loạt việc tốt nữa, quan trọng là những việc làm trong giai đoạn cuối đời. Nếu không mạnh dạn viết trình bày ra những chuỗi ngày tội lỗi và những nỗi khổ đau đời mình thì lấy gì cho lớp người trẻ tuổi, non dạ cả tin ở trong thế giới giang hồ hiểm ác này lường, đo và né tránh.

Tác phẩm thơ sau là của một người thành công bước đầu trong việc quay đầu bằng nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn cuộc đời:

Ở nhà tù như ở khách sạn?!

Bốn bức tường chôn lấp tuổi thanh xuân

Cha mẹ nào ai không thương xót

Lỡ bước vào xin ba mẹ thứ tha

Con đây lỗi đạo con từ dạo ấy

Bôn ba hoài không có một ngày mai

Huy hoàng phút chốc bỗng tan biến hết

Nhớ ánh nắng trong buổi xế chiều tà

Lòng con hối tiếc sầu khôn tả

Ước chi cha mẹ thứ tha những lỗi lầm

Con nhỏ dại chưa biết hiểu hết tình cha

Con ngu khờ mãi không nhận ra được tình nghĩa mẹ

Để bây giờ con không thấy được ánh ban mai ló dạng

Để bây giờ con không nghe được những tiếng ầu ơ

Trong ngục tối, lòng con đầy hối hận

Chôn tuổi thanh xuân trong nỗi dại khờ

Ở nơi đó chỉ có lòng cha mẹ

An ủi con trong những nỗi niềm bất hạnh khôn nguôi

Hai chữ giang hồ, giang hồ ơi con xin từ bỏ

Pháp luật nào xin hãy tha thứ cho những kẻ như con.

Những vần thơ mang một nội dung ý nghĩa rất sâu sắc của người có con đường đi không tương lai, không tuổi thọ, không hạnh phúc, nhưng tia sáng mới bắt đầu hé lộ: “giang hồ ơi con xin từ bỏ” và rất hy vọng với những lời hối lỗi trong thơ, khác với một người mang tâm trạng ê chề, mỏi mệt nơi chốn giang hồ:

Ròng ròng máu chảy về tim,

Nỗi đau mệt mỏi bước chân giang hồ.

Khi cảm thấy mệt mỏi bước chân giang hồ, quý vị có biết bao điều ăn năn, hối hận muốn gửi đến cha mẹ, vợ con, anh chị em ruột thịt, những người đang từng giây, từng phút trông đợi mình trở về đoàn tụ. Điều tốt nhất lúc này là quý vị hãy phát tâm dừng lại bước chân giang hồ từ trong ý nghĩ của mình, mạnh dạn dừng bước giang hồ bằng nhận thức sáng suốt và chân thực.

Kể từ đây, cuộc đời quý vị chắc chắn không còn ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh như xưa nữa, mà trước mặt, đã mở ra chân trời của những nỗi niềm hạnh phúc đầy ánh trăng, sao tỏ rạng không khác gì ánh trăng rằm vằng vặc soi sáng bầu trời đêm. Khi quý vị thực sự ngưng nghỉ kiếp giang hồ từ trong tâm của mình, quý vị sẽ thưởng thức được cái đẹp của cuộc đời như vầng trăng đêm buông tỏa ánh vàng diệu vợi xuống thế gian với biết bao nỗi niềm hạnh phúc.