Chương 3: Làm mới cuộc đời

HƯƠNG VỊ CUỘC ĐỜI

Chúng tôi rất lấy làm vui mừng khi được biết năm 2007 vừa qua, số lượng trại viên tại đây được ân xá nhiều hơn. Điều đó cho thấy rằng, các nỗ lực tự thân của quý vị đã có chiều hướng tích cực, từ đó mở ra hướng đi mới trong cuộc đời. Hôm nay, nhân dịp tết Mậu Tý sắp về, chúng tôi xin chia sẻ cùng quý vị đề tài Làm Mới Cuộc Đời.

Làm lại cuộc đời là nhu cầu rất lớn đối với đời sống con người. Tại đây, năm 2007 có nhiều trại viên được ân xá trước thời hạn, điều đó cho thấy sự nỗ lực quay đầu là bờ của các anh chị em đã gặt hái được kết quả tích cực đáng kể.

Ngày hôm nay, ngoài những phần quà như thường kỳ: mì gói, mứt, đường và một số vật dụng cá nhân cần thiết… Món quà gửi đến quý anh chị em tuy rất nhỏ, nhưng nó đã chứa đựng và mang theo rất nhiều tấm chân tình của các vị Mạnh thường quân.

Để góp vào không khí chuẩn bị mừng tết, đón xuân, anh chị em văn nghệ sĩ TP.Hồ Chí Minh cũng đến đây phục vụ. Hy vọng rằng, chương trình văn nghệ sẽ mang lại cho chúng ta một bầu không khí mới tràn đầy âm hưởng mùa xuân của đất trời và lòng người. Với những giai điệu, những tiết tấu, âm thanh của lời ca, tiếng hát sẽ xua tan phần nào nỗi buồn đau nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con và người thân đang hiện hữu sâu lắng trong lòng mỗi người.

Bên cạnh chung trà, bánh mứt là những hương vị quê hương của ngày lễ Tết Việt Nam, chương trình văn nghệ có khả năng đổi mới dòng cảm xúc: biến buồn đau thành vui vẻ, biến chán nản thành hân hoan, phấn khởi, giúp chúng ta sống lạc quan, yêu đời hơn.

Chúng tôi rất vui khi biết rằng, sau những buổi sinh hoạt thế này, quý vị tiếp tục ăn chay một ngày, thực tập các phương pháp thiền để điều hòa tâm và làm cho thân được thảnh thơi, nhẹ nhàng, thư thái. Đó chính là một trong những nghệ thuật làm mới cuộc đời và sự làm mới luôn có mặt trong đời sống hằng ngày với ta. Chỉ cần lưu tâm một chút, quý vị sẽ nhận dạng ra được sự làm mới ấy, nó đang hiện hữu và cung cấp cho ta những chất liệu hạnh phúc rất thực tiễn.

Vì quý vị không để ý tới nên không nhận ra, làm mới cuộc đời không có nghĩa là ta chết đi sống lại hay là phải thay đổi cái gì lớn lao, to tát. Cũng với thân thể, hình thù, vóc dáng con người như vậy, cũng tánh danh, vai trò vị trí xã hội, các mối quan hệ, nhưng nhân cách, thói quen, hành động, tư duy, sự hướng nghiệp của ta được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, đó là sự làm mới.

Thí dụ, ở đây các anh chị em phải lao động công ích hàng ngày, nếu ta mặc một bộ quần áo làm việc suốt cả tuần không thay đổi, anh chị em sẽ thấy như thế nào? Chắc là chúng ta không dám đến gần nhau, vì mỗi người phát ra một thứ mùi rất riêng làm cho người khác bị dị ứng, không chịu được. Do đó cho dù mỏi mệt đến mấy, mỗi khi lao động về, anh chị em cũng phải tắm gội, thay quần áo thì tâm lý của mình mới cảm thấy thoải mái. Đó là ta làm mới về trang sức.

Vượt lên trên các nhu cầu về vật lý như cơm ăn, áo mặc, các sinh hoạt thường ngày, nhu cầu làm mới về tinh thần, quan niệm, cảm xúc là rất quan trọng cho cuộc sống. Ở đây, khi anh chị em bắt đầu có đời sống tạo ra niềm vui với những nỗ lực tích cực thì việc ân xá, đặc xá, giảm án, ngày đoàn tụ gia đình của anh chị em sẽ tự đến gần. Nếu mình không mong đợi, không lo lắng hay buồn phiền, mà xem nơi đây như là nguồn sống thì ngày đoàn tụ gia đình ta thấy còn gần hơn.

Trong kinh điển nhà Phật có nói đến ba diễn tiến tâm lý xuất hiện trong cuộc đời như ba bước ngoặt đời sống: vị ngọt, vị đắng và vị xuất ly.

Vị ngọt tượng trưng cho quãng đời hay phương thức sống hạnh phúc, đầy đủ vật chất, an vui, ngọt ngào trong tình thương gia đình và xã hội. Những điều tốt đẹp trong đời ta đều đạt được, nhưng phần lớn các vị ngọt ấy, nó không tồn tại lâu dài với ta. Dân gian thường nói “Ngọt mật chết ruồi,” đôi khi mải mê lao theo những thứ “mật ngọt” thế gian, mà ta bị hư hỏng, đánh mất tương lai.

Do vậy, bản chất của sự làm mới, hay nhu cầu thiết thực của nó không phải ở những hương vị ngọt ngào ấy, mà làm mới thông qua các trải nghiệm đắng cay, gian khó của vị đắng cuộc đời. Vị đắng thường diễn ra khi giá trị vị ngọt không còn đủ sức “áp phê” mình nữa.

Việc tiêu thụ đời sống vị ngọt là sự cám dỗ đời thường, rất dễ dẫn dắt ta vào những thói quen đam mê sai lầm. Mỗi một phút sai lầm, sơ suất hay bất cẩn nào đó đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, làm cho ta khổ đau cả cuộc đời. Nếu vị đắng là kết quả tất yếu của việc thưởng thức vị ngọt không đúng phương pháp thì theo tính thời gian trải nghiệm, vị đắng ấy tồn tại với mình rất lâu.

Kinh điển nhà Phật thường nói, không hiểu được khái niệm “ham vui khổ vô cùng”, cái khổ là vị đắng tồn tại với ta rất lâu, có khi suốt cả cuộc đời. Trong giai đoạn trải qua vị đắng, ta không nên thoái chí, nản lòng hay buồn tủi. Bởi vì những trạng thái tâm lý đó, không giải quyết được vấn đề, mà trong vị đắng ta có nhu cầu lớn khác, đó là vị xuất ly, thoát khỏi hoàn cảnh của vị đắng hoặc là nỗ lực để kết thúc thời gian trải qua vị đắng mà mình chấp nhận nó như một quy luật tất yếu của nhân và quả trong cuộc đời.

Khi thấy rõ được ba diễn tiến của vị ngọt, đắng và vị xuất ly, muốn thoát khỏi vị đắng cuộc đời như hoàn cảnh của các anh chị em tại đây đang sai phạm, mình phải ý thức, nghiền ngẫm thấu đáo về bản chất cuộc đời, về nhân tình, về các mối quan hệ đời sống xã hội.

Chúng tôi được biết, ở đây có khoảng 180 anh chị em không có người thân, bù lại, anh chị em có nhiều người thân trong khu vực này. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng được tiếp xúc với các đoàn từ thiện Phật giáo, mặc dù không quan hệ họ hàng huyết thống, dòng tộc nhưng mọi người xem như người thân ruột rà của nhau. Điều đó, cũng làm cho nỗi cô đơn trong lòng mỗi người giảm đi một phần đáng kể.

Khái niệm thứ ba là vị xuất ly, ta cần hiểu rõ khái niệm thứ ba này để kết thúc vị đắng. Nếu quý vị ở đây làm thật tốt, học thật tốt, sống thật tốt thì vị đắng sẽ kết thúc sớm hơn. Như vậy, tiêu chí của mỗi người đặt ra làm mới cuộc đời hay là chịu khổ đau vĩnh viễn. Tiêu chí này rất ấn tượng ở chỗ ta đặt trước một sự lựa chọn. Nếu không thay đổi các thói quen, hoàn thiện đời sống, làm mới nhận thức, lạc quan, tích cực, yêu đời, có tinh thần năng động để tìm niềm an vui, hạnh phúc có giá trị thật sự lâu dài thì sự sống của ta xem như đánh đồng với sự chết, chết trong khổ đau, chết trong bế tắc, chết trong những trở ngại v.v…

Khi đặt ra những tiêu chí như vậy, ta nên đối diện thực tại với những vị đắng hơn là trốn chạy, đào tẩu vị đắng như con rùa thụt đầu vào trong mai. Khi co thân vào trong mai, rùa có cảm giác được an toàn, không bị các con vật lớn hơn làm thương tổn, nhưng khi ló đầu ra, bốn chân bước đi thì những khó khăn trở ngại, nguy hiểm vẫn chực chờ phía trước. Bởi vì một hoàn cảnh của nhân có mặt, nếu ta không đối diện để vượt qua, mà tránh né, trốn chạy không phải là giải pháp tốt.

Nói cách khác, tránh né, trốn chạy chỉ là giải pháp tạm thời không tháo gỡ được bế tắc, mà cần phải bình tĩnh trực diện với vị đắng cuộc đời để vượt qua. Bản chất của cuộc đời nằm ở hai nội dung:

Thứ nhất, mọi người cần hướng về chất lượng của cuộc sống. Một đời sống có chất lượng tốt không nhất thiết phải có nhà cao, cửa rộng, có các phương tiện vật chất đầy đủ, mà nó nằm ở chỗ ta sống có bình an, phù hợp với đạo đức, thanh thản trong lòng hay không? Nếu ta sống làm được việc tốt, được mọi người tin yêu, có niềm vui trong sự đoàn tụ gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái thương yêu tôn trọng nhau, biết làm việc lành, nghĩ điều thiện… đó là cuộc sống có hạnh phúc, có chất lượng cao.

Như vậy, để tạo dựng một đời sống tốt có hạnh phúc với những chất liệu như trên, ta không cần phải giàu có mới thực hiện được, mà ngay nơi đây, quý anh chị em cũng thực hiện được. Nếu quý anh chị em thay đổi khuynh hướng, thay đổi quan niệm, suy tư và làm việc bằng tinh thần tự giác, thoải mái và vui vẻ thì đời sống vẫn có chất lượng và chất liệu sống tốt. Quý vị không nên có bất kỳ một mặc cảm nào, mà thay thế vào đó bằng những nỗ lực thì niềm an vui hạnh phúc sẽ có mặt ngay bây giờ.

TƯỚNG CƯỚP THÀNH NHÀ SƯ

Thời đức Phật còn tại thế, có tên khủng bố nổi tiếng An- gulimala đã sát hại đến 99 mạng người, gây ra nỗi khổ niềm đau cho nhiều gia đình, quyến thuộc. Đức Phật đã quán chiếu thấy được nghiệp duyên của Angulimala có thể chuyển đổi, đức Phật đã giáo hóa từ một tên cướp buông đao trở thành vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn của đức Phật. Khi vào Tăng đoàn tu hành là cả một chuỗi dài những tháng năm nỗ lực làm mới rất ấn tượng và đáng khâm phục.

Angulimala vào Tăng đoàn dưới sự hướng dẫn của đức Phật, ông đã thay đổi một cách lạ thường, gương mặt sát nhân, bản tánh khủng bố, tàn bạo mang lại khổ đau cho người tuyệt nhiên không còn nữa, ông trở nên rất hiền từ, đạo đức, cách cư xử hiền hòa vui vẻ thể hiện ra trên gương mặt, trong mỗi bước chân. Từ đây ông có đời sống hoàn toàn mới.

Vua Ba-tư-nặc hay tin tên khủng bố Angulimala ẩn náu trong Tịnh xá của đức Phật, ông lập tức cử các viên tướng tài và đoàn kỵ binh tinh nhuệ tháp tùng nhà vua đến yêu cầu đức Phật giao nạp Angulimala cho luật pháp trừng trị. Khi đoàn quân vào chùa, nhà vua gặp rất nhiều tu sĩ, trong đó có một nhà sư đang quét sân, tướng trạng đạo mạo, uy nghi, khả kính, nhà vua chắp tay xá chào.

Giờ tiếp khách, tại một sảnh rộng, đức Phật sắp xếp rất đông Tỳ-kheo cùng ngồi để đón tiếp nhà vua và các tướng lĩnh thật long trọng. Angulimala được ngồi kế bên đức Phật. Sau khi thăm hỏi xã giao, nhà vua thưa với đức Phật rằng:

- Xin Ngài hãy giao Angulimala cho trẫm để trẫm xử theo luật pháp.

- Trước khi vào đây, lúc đi qua vườn, nhà vua đã gặp nhà sư đang quét sân, nhà sư ấy chính là Angulimala đấy, thưa Ngài. Đức Phật ôn tồn hỏi.

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, tại sao chỉ mới hơn nửa tháng, một tên khủng bố khét tiếng tàn bạo ai cũng khiếp sợ, mà nay trở thành một người có phong cách uy nghi đức độ như thế? Mặc dù trong lòng còn nghi ngờ đó là sự thật, nhưng nhà vua không bỏ lỡ cơ hội để tin sự nhiệm mầu đó xảy ra, ông thưa với đức Phật:

- Xin thưa Thế Tôn, nếu đó là sự thật thì trẫm đây rất mong gặp lại Angulimala dưới tư cách một vị Tỳ-kheo.

Đức Phật liền đưa bàn tay chỉ vào vị ngồi bên cạnh và giới thiệu về Angulimala. Lúc này, nhà vua sững sờ, ngạc nhiên có cảm giác không tin vào tai, mắt của mình, ông lấy tay dụi vào mắt, vào tai vài cái, để trấn tĩnh xem mình có nghe lộn, thấy lộn và con người đó chính là tên khủng bố khét tiếng ư! Không! Không! Đây là một vị Tỷ-kheo rất nhân từ hiền hậu mà!

Theo luật pháp vương triều hiện thời, ai phạm tội giết người thì phải bị xử tội chết. Angulimala đã phạm tội giết người đến 99 người. Tội ác như thế làm sao luật pháp triều đình có thể tha thứ, nhưng khi nhà vua nhìn thấy con người đó nay đã được làm mới hoàn toàn, ông liền bỏ ý định truy cứu, đứng dậy chắp tay xá chào đức Phật và Tăng đoàn, rồi ra hiệu cho các tướng lĩnh cùng đoàn tùy tùng lặng lẽ rút lui.

Các văn bản Phật giáo mô tả việc nhà vua, các tướng lĩnh và đoàn quân tùy tùng ra về khá ấn tượng: lúc ấy nhà vua và đoàn tùy tùng không đi cửa chính mà âm thầm, lặng lẽ rút lui bằng đường cửa sau. Bởi khi hay tin tên cướp Angulimala trú ngụ nơi tịnh xá của đức Phật, không chỉ nhà vua, mà dân chúng, thân nhân các gia đình nạn nhân có người bị chết dưới thanh gươm của Angulimala rất phẫn nộ và bức xúc. Họ tập trung rất đông bên ngoài mong được chứng kiến nhà vua lôi cổ Angulimala về xử trảm. Do sợ dân chúng phản ứng, làm mất an ninh, nhà vua phải lén rút êm theo lối đi tắt bằng cửa sau.

Theo truyền thống nhà Phật, mỗi buổi sáng, Angulimala cũng đi khất thực cùng Tăng đoàn với tên mới Tỳ kheo Vô- não. Thế mà có người đã nhận ra được Angulimala, họ cầm đá, trứng thối hay cà chua chọi vào người, có người cầm gậy đánh sưng mặt, mắng chửi thô tục, thậm tệ… Khi Anguli- mala vào chùa, đức Phật đặt tên cho ông là Vô-não, có nghĩa là không não hại ai, và đó là tính quan trọng của lòng từ bi.

Angulimala đã vô cùng hoan hỷ với cái tên mới này, bởi vì nó như là kết quả đầu tiên của ông từ sau những hành động sát nhân ông đã gieo trước đó.

Angulimala đón nhận pháp danh Vô-não để cho sự ân oán, nhân quả được thay đổi. Trong nhân gian có câu: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” là để nói về sự chuẩn xác của mối liên hệ nhân quả trong đời sống thực tế. Trồng dưa không thể được đậu, trồng đậu không thể được lúa, trồng lúa không thể được thứ khác… Muốn có được thứ khác, ta phải trao đổi những giá trị tương đương ta mới có được. Dưa được dưa, đậu được đậu cũng không phải là ta gieo một hạt dưa thì ta được một trái dưa. Như thế chỉ là nhân quả mặt phẳng mà thôi.

Đạo Phật chủ trương, tất cả hành động của mình tạo ra không mất đi, nhưng nếu ta biết cách làm mới đời sống của mình thì nó sẽ thay đổi. Sự thay đổi ấn tượng ở chỗ nhà vua đã ân xá cho tên cướp Angulimala sau khi nhìn thấy ông thay đổi phong cách dưới sự hướng dẫn tâm linh của đức Phật.

Lệnh ân xá của nhà vua làm thay đổi cấu trúc nhân quả về nghiệp của tên cướp Angulimala. Bởi theo luật pháp hiện thời thì Angulimala phải chịu án tử hình, hoặc có thể bị 99 gia đình nạn nhân ứng xử trả thù theo kiểu giang hồ. Điều đó không ai cấm họ được, vì khi quá căm tức, họ có thể hành động.

Khi thấy nhà vua ra lệnh xá tội, đồng thời thấy Anguli- mala thay đổi, lòng căm giận của họ giảm xuống rất nhiều, nên họ chỉ chửi bới, mắng nhiếc, ném đá, trứng thối, cà chua vào người hay đập cho vài gậy mà thôi. Trong kinh mô tả, có lần Tỳ kheo Vô-não đi khất thực về mặt mày sưng ù, bầm tím, y áo rách toe toét, dính đầy máu me… Thế nhưng cả Tăng đoàn cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi ai cũng biết Vô-não bị như vậy là nhân quả hiện tiền cũng đã được thay đổi nhẹ đi rất nhiều rồi..

Như vậy, nếu ta nỗ lực làm mới thì những hành động lỡ lầm tội lỗi tạo ra nghiệp xấu ác trước đây sẽ được tháo gỡ tối đa. Vì vậy, trọng tâm làm mới cuộc đời là làm mới nhận thức, làm mới hành động, làm mới thói quen và làm mới chất lượng cuộc sống. Ở đây, nếu anh chị em nào nỗ lực làm mới thì lệnh ân xá, đặc xá cũng sẽ đến với mình trong dịp những ngày lễ quan trọng của đất nước. Trong hệ thống luật pháp của các quốc gia, nếu để ý đến, chúng ta thấy nó cũng không đến nỗi cứng ngắc, mà các hình phạt có thể được thay đổi với điều kiện là người đó có tấm lòng ăn năn, hối cải và nỗ lực, quyết tâm phục thiện bằng các hành động cụ thể.

Ta thấy, trở ngại của Angulimala là khi ông hồi đầu, cái bờ vẫn còn xa lắc phía trước. Không phải quay đầu là ta có thể thấy được bờ ngay, bởi giữa động tác quay đầu và cái bờ còn khoảng cách không đo đếm được, nó tùy thuộc vào bản lĩnh, sự mạnh dạn và sự quyết tâm vượt qua của mình.

Dòng sông cuộc đời cũng đâu có trôi xuôi êm ả, nó cũng nhiều thác ghềnh chảy xiết. Nếu không đủ bản lĩnh, niềm tin, ta có thể bị chúng nhấn chìm giữa dòng, và ta có thể bị chết ngay trong động tác hồi đầu. Bởi vậy, ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là nỗ lực hồi đầu, vượt qua quả xấu của những hành động sơ suất, lỗi lầm mình đã tạo ra vô tình hay cố ý. Chỉ khi nào ta nỗ lực hết mình thì mới đến bờ. Tiến trình làm mới cuộc đời ở đây chỉ có vậy, không có con đường nào khác hơn để ta lựa chọn.

Nói cách khác, thay vì than thân trách phận, ta tuân theo đạo lý giải pháp hơn là bị vướng mắc ở ngay vấn đề. Người bị vướng mắc ở ngay vấn đề thường rơi vào trạng thái mặc cảm tội lỗi, ray rứt lương tâm, nghĩ rằng mình không có cơ hội làm mới, còn nếu ta làm mới thì ai thừa nhận mình. Những người đã bị ta tạo ra khổ đau liệu có tha thứ, có vui vẻ với ta không? Xin thưa với quý vị là được. Giả sử trong tình huống sự hận thù của họ cao quá không thể tha thứ cho ta thì sự nỗ lực của ta cũng gỡ cái gút oan kết ấy được phần nào, một thời gian nữa sẽ đến phần kết thúc.

Quý vị hãy tin tưởng chuyện ta làm hiện nay sẽ như chuyện Angulimala đã làm thành công. Biết rằng, có nhiều trở ngại đang rình rập phía trước sự nỗ lực của ta, nhưng ta cứ nỗ lực, làm mới, tương lai xán lạn đang đón chờ ta ở phía trước. Nơi gia đình, cha mẹ, vợ con, anh chị em đang ngày và đêm trông ngóng ta về, đôi lúc họ phải khóc thầm vì thương nhớ. Có anh chị em không có người thân thăm nuôi, không có tiền nộp án phí. Cho nên thời gian mình ở đây có thể lâu hơn. Do đó các anh chị em phải nỗ lực tốt,  phải có sự hồi đầu, để sớm được hòa nhập cộng đồng. Trong Truyện Kiều Nguyễn Du cũng khuyên rằng:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách vẫn trời gần trời xa

Hai câu thơ này mang tư tưởng triết lý của đạo lý nhà Phật rất nhiều. Đã mang cái nghiệp vào thân ấy có thể do một phút nông nổi, sai lầm, thiếu kiểm soát hành động, hay do lòng tham, sân khởi lên mà ta vi phạm pháp luật, làm điều trái đạo lý hoặc do người khác gây ra mà ta phải chịu trách nhiệm... Do đó, không phải ai ở đây cũng đều có tội. Vì vậy, ta không sợ hãi hay than thân, trách phận, mà phải nỗ lực làm mới để tìm ra giải pháp lâu dài.

HẠNH LẮNG NGHE

Lần trước, các thầy cô trẻ đến đây có tập cho anh chị em một bài ca, chắc nhiều người ở đây thuộc lòng. Lời bài ca tôi thấy rất có ý nghĩa với các anh chị em ở đây:

Ai nói gì thì mình cứ nghe, nghe sâu hiểu thấu thương nhiều, buồn chi mà năm bảy bữa, để cho tâm tư héo sầu, ta về ta thở thật sâu, nỗi buồn tan biến thật mau”.

Quý vị thấy rất triết lý và cũng rất thực tiễn “Lời qua tiếng lại giải quyết chi đâu, sao không nhìn lại, thở nhẹ và sâu”. Trong môi trường có hàng trăm người khác gia đình, không bà con họ hàng với nhau, cùng chung sống như thế này thì chuyện va chạm nhau không thể không xảy ra.

Thí dụ, có người nào đó va chạm đến cảm xúc của mình, rồi mỗi người nói một chút, lời qua tiếng lại, không thỏa lòng nhau dẫn đến cả hai bị kỷ luật làm trở ngại cho việc xét đặc xá hay ân xá. Vì vậy, việc tốt nhất ở đây là dù người khác nói lời không hay, không đúng, ta cũng phải bình tĩnh, nhẹ nhàng mà ứng xử với nhau sao cho êm đẹp. Mỗi người nhẫn nhịn nhau một chút, vậy là hay, không ảnh hưởng đến việc nỗ lực của nhau mới tốt, chứ mỗi một động tác nóng giận nào cũng tạo cho mình một trở ngại. Vì vậy, trong kinh đức Phật nói rằng: “Một ngọn lửa sân hận có thể thiêu đốt cả rừng công đức”. Nghĩa là một hành động thiếu kiểm soát, có thể làm cho ta phải hối hận suốt đời.

Trong nhà Phật, có một hạnh gọi là Hạnh lắng nghe gồm 3 nội dung: nghe sâu, hiểu thấu và thương nhiều. Thế nào là nghe sâu? Nghe không quở trách, tức tối, sân hận hay trả đũa, mà nghe bằng với tâm vô tư, với lòng từ bi và thông cảm, dù biết rằng người đối thoại với mình đang sân hận, giận dỗi không kiềm chế được cảm xúc. Thay vì giận họ, mình giúp họ vượt qua cơn giận này. Nói cách khác, con người không phải là kẻ thù của nhau, mà sân hận, sự giận dữ, hành động thiếu khôn ngoan mới là kẻ thù của con người.

Vì vậy, cùng trong hoàn cảnh, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực hết mình để chuyển hóa các tiêu cực, đó là sự hiểu thấu và thông cảm. Từ đó, ta phát sinh thái độ thương nhiều.

Ba nội dung: nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều là diễn trình tất yếu của người hiểu biết mà không cần đến một văn bằng hay học vị nào cả. Dù người không biết chữ, nhưng biết quan sát theo kiểu nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều thì người đó giống như Bồ tát Quan Thế Âm của đạo Phật. (Quan là quan sát, Thế là cuộc đời, Âm là âm thanh, tiếng nói.) Bồ tát Quan Âm, nghĩa là quan sát âm thanh, nghe không giận dỗi, nghe để thấu hiểu và thương yêu.

Trong nhân gian có câu khuyên người rất chí lý: “i đâu mà giận người dưng nước lã”. Có người cho rằng, người dưng nước lã nói, mình không giận, nhưng người thân thì mình giận: “Ông ấy là chồng, sống với tôi bao năm, ấy thế mà còn nói những lời như thế, ứng xử như thế hay bà ấy là vợ mà bà ấy không biết điều, hoặc nó là con mà như thế là bất hiếu…”

Trong các mối quan hệ tình cảm rất dễ làm cho ta hờn giận, sân si hơn người ngoài, đó là lẽ thường tình. Bây giờ. ở đây chúng ta đang nỗ lực làm mới cuộc đời, ta không nên chấp mắc người thân hay người dưng, người trong thế giới giang hồ hay người trong thế giới bình thường, mà ta xem họ là con người như ta đang có nhu cầu ứng xử tốt với nhau.

Đức Phật dạy những người xuất gia như chúng tôi câu: “Tăng hận bất quá nhật”. Người tu, nếu lỡ để cho nỗi sân hận của mình trỗi dậy, đừng nuôi nó quá một ngày. Vì điều này rất có hại cho tinh thần và thể chất của con người. Y học tiến bộ ngày nay cho biết, sự tức tối, nóng giận có thể gây tai biến mạch máu não, dẫn đến liệt tay chân hoặc đột tử, nhẹ hơn là cũng bệnh gan, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, tiêu hóa, sức khỏe, giảm tuổi thọ. Các anh chị em ở đây nên thực tập không giận dai, phải nhớ câu: “Ai giận dai giận dài là giận dở”. Không ai dại gì giận dở, bởi tất cả các cơn giận đều là dở cả, nó làm cho tâm tư ta héo sầu.

Tôi thấy chị em phụ nữ tthường hay soi gương, các anh thanh niên cũng nên soi gương khi giận dữ, để xem mặt mình có méo, có buồn không. Bởi vì khi giận dữ mặt mình mất đẹp. Ta phải tập làm sao để luôn có nụ cười trên gương mặt thì cuộc sống mới có chất bình an và hạnh phúc.

Dù cho người giàu có tiền rừng, bạc biển hay người có địa vị cao trong xã hội, mà không luôn có nụ cười, không hít thở thật sâu, không vơi đi nỗi buồn, không giảm đi nỗi đau thì người đó sống không có hạnh phúc.

Như vậy, việc làm mới là nhu cầu chung cho tất cả mọi người. Hằng ngày chúng tôi cũng phải thực hành làm mới, các anh chị em ở đây cũng phải làm mới, nói chung ai cũng cần phải làm mới cho cuộc sống ngày càng tốt, tích cực, an vui và hạnh phúc hơn.

BỎ NGHIỆP TRƯ BÁT GIỚI

Năm 2008 đã qua một tháng rồi, và 8 ngày nữa là chúng ta đón Tết Mậu Tý, như vậy chúng ta đang sống trong thời điểm giao mùa của năm con heo và năm con chuột. Chắc rằng, anh chị em ở đây đều biết nhân vật Trư Bát Giới trong truyện Tây Du Ký. Trư Bát Giới là nhân vật tượng trưng cho heo. Tiền thân của Trư Bát Giới làm tướng Nguyên Soái trên Thiên đình, rất mê uống rượu. Mỗi khi có rượu vào, kích thích cơ thể, tay chân ngứa ngáy, ông không chịu về ngủ, giả vờ lạc vào cung Hằng Nga, giở trò sàm sỡ bị lính Thiên đình bắt quả tang tâu lên Thượng đế.

Thượng đế nổi giận, muốn đưa Trư ra xử trảm vì tội dám sàm sỡ Hằng Nga cưng của Thượng đế. May cho Trư, Thái Thượng Lão Quân biết được việc này, đến gặp Thượng đế van xin: “Xin Thượng đế hãy tha thứ cho đệ tử của tôi, nếu ngài xử trảm Trư thì không ai làm việc cho tôi”. Thượng đế nói rằng, luật Thiên đình phải được thi hành nghiêm minh, nay ta nể công lớn của ông với Thiên đình, ta chỉ có thể tha cho Trư Bát Giới tội chết, nhưng cũng phải trị rất nặng, chứ không thể tha tội để làm việc cho ông.

Nghe Thượng đế nói vậy, triều thần bày mưu với Thượng đế cho Nguyên Soái họ Trư đầu thai xuống nhân gian mang hình tướng giống heo. Thượng đế đồng ý. Thế là Trư bị đẩy xuống trần gian, sinh ra có cái mõm, tai, đầu và bụng của heo.

Chữ Trư trong Hán tự có bộ thỉ. Thỉ là con heo, ráp hai chữ này lại là heo bình phương (heo 2 lần). Trư Bát Giới có: mõm heo, đầu heo, lỗ tai heo, mình người, ăn mặc theo kiểu người, sống theo tính cách nửa thú nửa người.

Điều chúng tôi muốn nói ở đây là vấn đề nhân quả của họ Trư như sợi dây xuyên suốt từ lúc ông làm Nguyên Soái ở Thiên đình cho đến lúc bị đày xuống nhân gian, Trư gieo nhân và gặt quả rất tương thích.

Ở Thiên đình Trư mang cái bệnh sàm sỡ phụ nữ làm mất đi sự trang nghiêm văn hóa của người cõi trên. Người phương Tây bây giờ cũng rất kị bệnh này, ai mang tiếng vì bệnh này, đi đến đâu người ta cũng sợ, bởi nó làm mất đi sự tốt đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Mãi cho đến khi Trư Bát Giới làm học trò của Đường Tăng đi thỉnh kinh, ông mới có cơ hội thay đổi cá tính này. Chúng ta thấy, trong 81 nạn của Đường Tăng có rất nhiều nạn là do Trư Bát Giới gây ra. Bởi thói quen ham ăn, ham mặc, ham ngủ, ham tình… ham không tiết chế, không điều độ, không biết kiêng dè, chuyển hóa, nhưng với sự chịu đựng kiên nhẫn, Đường Tăng đã giáo dục ông thành công.

Như vậy, tính chất của một hạt giống mà ta đã gieo thông qua hành động, lời nói, suy nghĩ nó không bao giờ bị mất, nó bám theo tạo thành cá tính rất riêng của mình.

Sự khác biệt giữa quan niệm Phật giáo và các tôn giáo khác là đạo Phật không chấp nhận định mệnh, định nghiệp. Tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi, Trư Bát Giới cũng đã được thay đổi.

Cuối cùng Trư Bát Giới làm gì? Kết cuộc, Tôn Ngộ Không trở thành Đấu Chiến Thắng Phật và Trư Bát Giới thành Tịnh Đàn Sứ Giả. Tịnh Đàn Sứ Giả là ngang hàng với A-la-hán, chuyên việc hóa độ ở những lễ chay Tăng.

Người nào muốn gieo trồng phước đức thì đến chùa cúng một lễ, số lượng vật phẩm cúng nhiều ít không quan trọng, mà chủ yếu là ở tấm lòng. Trong kinh có chuyện một bà già nghèo đi mót lúa ngoài đồng cả ngày được chỉ một nắm, bà đem vào chùa cúng dường vẫn được quý Ngài tôn xưng là “Đại thí chủ”. Hoặc người hái hoa trái trong rừng đem dâng cúng người đạo đức vẫn được tôn xưng là “Đại thí chủ”. Danh xưng “Đại thí chủ” không phải là người cúng nhiều của cải vật chất, mà danh xưng này dành cho người cúng dường với tấm lòng vĩ đại, mà phải cúng chay Tăng, cúng thực phẩm chay, không cúng đồ mặn, cho dù trái me, trái ổi, trái quýt cũng được tiếp nhận một cách trân trọng.

Tịnh Đàn Sứ Giả là người làm công việc giúp cho người khác gieo trồng công đức bằng tình thương của mình với cuộc đời, giúp cho người khác bớt khổ đau, bất hạnh như là những người đang bị thiên tai lũ lụt, hạn hán, sóng thần, mất mùa dẫn đến kiệt quệ về kinh tế, khó khăn trong đời sống rất cần đến sự trợ giúp của mọi người.

Chúng tôi nghĩ rằng, quý anh chị em ở đây cũng có thể làm từ thiện được, quý vị có thể dành dụm những đồng tiền lẻ 200 đồng 500 đồng, đến cuối năm dồn lại rồi nhờ chuyển đến giúp nơi khác khó khăn hơn mình. Như vậy, ta đang thực hành một nghĩa cử tốt đẹp bằng tất cả tấm lòng, bởi mình đang trong hoàn cảnh khó khăn mà vẫn làm từ thiện giúp người khác là điều rất đáng quý, rất đáng trân trọng, xứng đáng là “Đại thí chủ” trong đạo Phật.

Chúng ta thấy Trư Bát Giới, từ một con người thích hưởng thụ tính dục, ham ăn, thích ngủ mà trở thành Tịnh Đàn Sứ Giả giúp người khác gieo trồng hạt giống nhân từ, đạo đức trang trải tình thương đến với nhau. Như vậy, làm mới cuộc đời là chuyển thói quen hưởng thụ thấp hèn thành thói quen thanh cao.

Sau khi chúng tôi đề nghị, được ban giám thị ở đây cho phép và tổ chức cho các anh chị em ăn chay mỗi tháng một ngày. Chúng tôi biết ơn Ban giám thị và quý anh chị em, bởi vì ăn chay giúp chúng ta được phần thanh cao do giảm bớt nghiệp sát sanh.

Trong lúc quý vị ăn chay đừng nghĩ là mình ăn để có phước, mà nên nghĩ là mình đang bảo tồn và tôn trọng sự sống các loài. Từ đó, chất liệu tình thương trong ta sẽ xuất hiện. Và khi ta có tình thương với các loài động vật thì không có lý do gì ta có thể làm điều không tốt với con người.

Trong đời sống, có người rất vô cảm. Tức là họ không thấy thương ai ngoài bản thân mình, họ dửng dưng cả với người thân, người thương như cha, mẹ, anh, em, thậm chí cả vợ con… Nhưng nếu họ thực tập ăn chay và liên tưởng đến việc không sát sanh thì hạt giống đó gieo rắc vào tâm khảm, sẽ được chuyển hóa từ từ. Cho nên mỗi ngày ăn chay như thế, quý vị nên liên tưởng đến hạt giống tình thương, mong cho mọi người sống biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thì phước báu đó sẽ hỗ trợ cho mình giải đi các nghiệp xấu.

Thuyết nhân quả của nhà Phật chủ yếu dạy con người làm mới đời sống đạo đức thông qua các cách gieo trồng hạt giống tích cực ngược với xấu ác mà ta đã gieo trước kia để giải trừ nghiệp chướng. Cho nên, không có gì làm cho ta thất vọng hay mặc cảm, nhất là mặc cảm tội lỗi.

Chúng ta phải khép nỗi đau quá khứ lại, nỗ lực phấn đấu thực hành những việc tốt ngay bây giờ thì sẽ có hiện tại và tương lai xán lạn, tươi đẹp. Chúng ta phải hướng mắt mình về phía mặt trời, mặt trăng thì mới có cơ hội đón nhận ánh sáng. Nếu ta nghĩ đến ban ngày thì sẽ không còn sợ hãi ban đêm. Người nào vững tin vào hạnh phúc thì sẽ không rơi vào khổ đau trong hiện tại và mai sau.

Thời gian ở đây chưa kết thúc, quý vị phải sống lạc quan và nỗ lực để chuyển hóa các hạt giống những thói quen. Nhất là vấn đề ăn uống, quý vị hình dung thử xem, dạ dày của mình không khác gì nghĩa địa chôn súc vật. Một năm 365 ngày mình chôn biết bao nhiêu là mạng chết vào trong đó, nào là cá, tôm, gà vịt, bò, trâu v.v.. thôi thì đủ thứ ngổn ngang trong đó.

Cho nên, lâu lâu nên có một ngày ăn chay để cho cái nghĩa địa dạ dày sạch nhẹ bớt một chút, tâm thức giảm bớt nghiệp sát sanh là rất tốt. Đó là ngày cơ hội để mình mở rộng tình thương, tạo ra tiến trình chuyển hóa các nghiệp xấu của mình.

CON CHUỘT VÀ CÂU CHUYỆN NGHIỆP BÁO

Chúng ta chuẩn bị đón năm con chuột. Xuân Mậu Tý sắp về, chúng tôi xin kể một điển tích rất ấn tượng trong đạo Phật có liên quan đến con chuột.

Phần đầu khóa lễ hàng ngày tại các chùa, trong bài cử tán có câu: “Da Du tử mẫu lưỡng vô ương…” Nghĩa đen đơn giản của câu này là “Mẹ con công chúa Da Du Đà La đều bình an vô sự”. Câu kinh đó phát xuất từ một điển tích liên hệ đến nghiệp sát sanh, mà đối tượng bị giết là những con chuột.

Trong thời gian Thái tử Tất-đạt-đa đi tu khổ hạnh trong rừng sáu năm, ở nhà công chúa Da-du-đà-la được rất nhiều công tôn vương tử đến cầu hôn, nhưng bà không đồng ý, mặc dù điều này được luật pháp lúc bấy giờ cho phép. Bà tiếp tục sống ở hoàng cung và có thai.

Theo dữ liệu của dã sử, khi Thái tử Tất-đạt-đa ra đi thì Công chúa Da-du-đà-la đã mang thai, nhưng trong sáu năm Thái tử Tất-đạt-đa tu khổ hạnh ở rừng thì bào thai của bà không phát triển, đây là sự việc hiếm có. Đến ngày Ngài thành đạo thì bào thai mới bắt đầu lớn dần và sinh hạ một bé trai đặt tên La-hầu-la. Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa lý giải rằng, con của Thái tử Tất-đạt-đa và công chúa Da-du- đà-la là “phú chướng,” còn kinh Đà La Ni thì gọi là trói buộc. Phú là cái bụng, chướng là sự trở ngại. Tức là bào thai bị trở ngại trong bụng.

Theo tài liệu nghiên cứu của khoa học hiện đại đáng tin cậy, khi người mẹ mang thai mà uống rượu vào thì đứa con trong bụng cũng bị say xỉn, còn nếu người mẹ sử dụng thuốc phiện hay các chất gây nghiện thì đứa con sinh ra dễ bị bệnh đần độn hoặc tâm thần. Còn trong thời gian mang thai, người mẹ sử dụng những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe thì đứa con bị thương tổn về vật lý. Và những thái độ của người mẹ như giận dỗi, tham lam, sân si hoặc thể hiện các tính xấu khác đều ảnh hưởng trực tiếp đến cá tính của đứa con sau này.

Phật giáo đã nhìn thấy điều này từ rất lâu trước khoa học. Cho nên đạo Phật chủ trương thai giáo, tức là giáo dục con em của mình ngay khi còn trong bào thai. Trong thời gian mang thai, hai vợ chồng phải làm những việc nhân từ đạo đức để đứa con trong bụng được ảnh hưởng trực tiếp các tư tưởng và hành vi tốt của cha mẹ. Đây là điều mà sự tiến bộ cao khoa học ngày nay mới khám phá ra.

Trong thời gian Thái tử Tất-đạt-đa đắc quả đi hành đạo, công chúa Da-du-đà-la ở nhà mang thai. Thời ấy không có phương pháp xác định như thử ADN bây giờ, nên triều đình hoài nghi rằng Da-du-đà-la đã làm điều bất chánh, thông dâm với người khác mang thai, làm tổn thất thanh danh của Hoàng gia, vì vậy triều thần đã đề nghị nhà vua xử trảm bà. Một số khác đề nghị là đưa bà lên giàn hỏa thiêu. Một bản án tương đối là nhẹ hơn hình phạt “Tứ mã phân thây” (dùng bốn con ngựa để xé xác ra làm bốn mảnh).

Trước tình cảnh như vậy, Da-du-đà-la đã minh oan rất nhiều, nhưng không được ai tin. Bà đã trình bày nỗi hàm oan của mình rằng: “i một lòng chung thủy với Thái tử, không hề làm chuyện đó. Những tỳ nữ thân cận bên tôi là những nhân chứng sống, tôi chưa hề bước ra khỏi căn phòng đã có những kỷ niệm đẹp và rất hạnh phúc với Thái tử Tất-đạt-đa”. Mặc dù có nhiều nhân chứng nhưng triều thần vẫn không tin, nên bà phát nguyện cho mọi người nghe rằng “Trong chuyện này tôi đã bị hàm oan, xin trời đất cho tôi được thoát khỏi ách nạn”.

Hôm ra pháp trường, khi giàn hỏa thiêu bắt đầu châm lửa, bỗng nhiên trời đổ mưa dập tắt. Nhà vua ra lệnh đốt lần thứ hai cho mạnh hơn, trời lại mưa lớn hơn, rồi tiếp đến lần thứ ba cũng vậy. Thấy hiện tượng lạ, mọi người mới tin công chúa bị oan, nên lời nguyện của bà đã linh ứng. Nhà vua liền ra lệnh tha không xử tội bà nữa.

Sư kiện đó được đức Phật lý giải trong kinh: “Trong đời quá khứ, La-hầu-la là một chú bé mục đồng thích chơi trò bắt chuột nhốt cho đến chết, và cậu ta lấy làm thích thú với trò chơi này.

Một hôm, cậu bẫy bắt được nhiều chuột, cậu cho chúng vào một cái hang rồi lấy tảng đá chấn miệng hang lại, và trong sáu ngày đói khát, lũ chuột bị chết sạch. Cậu bé tỏ ra

thích chí và cảm thấy hạnh phúc nhìn lũ chuột quằn quại, giãy chết trong cơn đói khát mà không một chút tâm niệm hối hận. Từ nhân không tốt đó, đời nay thai nhi La-hầu-la bị nhốt trong bụng mẹ sáu năm. Từ cái nhân nhốt chuột sáu ngày cho chết mà dẫn đến cái quả lúc tái sanh bị nhốt trong bào thai đến sáu năm, bởi do khởi lòng thích thú với hành động xấu ác của mình.

Vấn đề “nhân quả” nó mang cùng tính chất giữa cái gì được gieo và kết quả gặt hái, nhưng nó không đồng nhất về khối lượng, mà nó đồng nhất về cái tâm. Thí dụ, một người cầm dao giết người khác, khi chết rồi mà còn đâm thêm mấy chục nhát nữa với tâm sân hận trút đổ lên người đó hay lấy làm thích thú khi giết được họ thì người ấy phải mang nghiệp sát sanh nặng lên gấp mấy chục lần tương ứng với số nhát dao, mặc dù đơn vị sự sống bị kết liễu chỉ có một.

Cho nên việc chuyển hóa tâm thức rất là quan trọng. Muốn chuyển hóa cuộc đời mình từ bất hạnh, khổ đau trở thành an vui, hạnh phúc, ta phải chuyển hóa trọng yếu từ cái tâm thì hành động sẽ được diễn ra một cách tất yếu và tự nhiên. Ai ăn năn, hối lỗi nhiều chừng nào thì nghiệp của mình được tiêu nhiều chừng đó.

Bởi do kiếp trước của La-hầu-la không biết hối hận, cho nên nghiệp sát sanh tăng lớn như vậy. Câu chuyện lấp miệng hang cho chuột bị chết đói dẫn đến hậu quả phải bị nhốt trong bào thai sáu năm trời là một tất yếu. Rất may, La-hầu-la được sanh ra làm con của Thái tử Tất-đạt-đa sau này thành Phật và công chúa Da-du-đà-la là một người đạo đức, nhân từ, cho nên trong sáu năm nằm trong bào thai những chất liệu tốt đẹp của hai người được truyền vào nuôi dưỡng tâm thức của La-hầu-la.

Một người bị ở trong bào thai lâu như thế, sinh ra dễ bị bệnh đần độn hay tâm thần, ấy thế mà La-hầu-la ra đời mạnh khỏe bình thường, càng lớn càng cực kỳ thông minh, có nhân cách vĩ đại. Đây là niềm tin xác đáng, chúng ta cần phải tin tưởng để hướng về. Có thể trong cộng đồng xã hội, nhiều người phân biệt về đời quá khứ của con người. Nhưng người hiểu đạo không bận tâm, dù người khác không hài lòng cho quá khứ, cũng không vì thế mà lấy làm buồn.

Hãy nhớ câu “Buồn chi năm bảy bữa,” hay buồn chi năm ba tiếng, năm ba phút, buồn chút tan liền, ta phải tập dần dần cho đến không còn buồn nữa. Ta biết rõ tôi không phải là tôi trong quá khứ, tôi là một con người mới, và tôi cảm thấy bình an, hạnh phúc trong sự nỗ lực thay đổi, làm mới cuộc đời. Đó là niềm tin mà mọi người chúng ta cần phải có.

Chúng tôi rất vui nhìn thấy các anh chị em đã có nhiều thay đổi sau mấy lần sinh hoạt, ít nhất là về phương diện ăn chay, tập ngồi thiền, niệm Phật. Những hoạt động đó không mang nặng tính chất tôn giáo, mà đó là nghệ thuật sống và văn hóa sinh hoạt giúp con người sống tốt hơn. Đó là phương pháp tâm lý học để thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tích cực.

Khi thực hành niệm Phật, không khởi tâm mong cầu Phật giúp mình điều gì như tai qua, nạn khỏi hay phát tài, hết bệnh v.v… Bởi cầu như thế là khởi tâm tham lam, ích kỷ, không tốt. Ai cầu như thế là không hiểu nhân quả, vì nhân nào quả đó, Bồ-tát không thể gia hộ nếu ta không gieo trồng công đức và phước đức.

Muốn cứu cuộc đời, đức Phật chỉ dạy cho ta phương pháp và chính ta là tác nhân để làm mới mình bằng những hành động tích cực. Khi niệm Phật ta lưu ý để tâm mình tập trung vào câu danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” không khởi ý mong cầu một điều gì cả, mà chỉ hít thở thật sâu, nhẹ nhàng, thư thái, không nhớ đến nỗi đau, sân hận, kẻ thù, sự bất hạnh…

Hãy nhớ rằng, trong tích tắc của thời gian trôi qua, với sự hít thở đang được làm mới về sức khỏe, về bản tâm. Vì không khí trong lành làm cho quá trình trao đổi chất được mới, các nơron thần kinh được làm mới, ta trở thành con người mới sáng suốt, mạnh khỏe, ít bệnh tật. Và khi chú tâm vào câu niệm Phật, mình không còn cơ hội nghĩ đến những điều không hay, không tốt trên cuộc đời.

Nghệ thuật thay thế này giống như một vòng tròn, nếu quý vị trải và lăn nó trên mặt phẳng thì trong mỗi đơn vị tích tắc của thời gian trôi qua, vòng tròn chỉ giao nhau ở 90 độ duy nhất, và chỉ có một chứ không thể có hai. Tương tự, khi tâm mình tập trung vào điều tốt thì sẽ không có cơ hội nghĩ tới cái xấu.

Đó cũng là nghệ thuật chuyển hóa, nếu người theo đạo Chúa hay bất kỳ tôn giáo nào khác thì mỗi cái hít thở ra vào, ta niệm câu của tôn giáo mình đang theo, niệm không mong cầu cứu giúp, ta sẽ làm mới được cảm xúc, tạo ra sự bình an là ta đang làm mới cuộc đời mình.

Lần trước chúng tôi có hướng dẫn quý vị phương pháp thiền, ở đây rất dễ thực tập vì có không gian rộng, môi trường thoáng mát, nhiều cây xanh, hàng ngày quý vị lại được lao động. Trong các chùa ở Sài Gòn, dù không gian chật hẹp, chúng tôi cũng phải lao động. Dù trong phạm vi ngôi nhà hay căn phòng, chúng tôi cũng phải làm lụng để có sức khỏe. Điều quan trọng là khi làm việc, ta cần liên tưởng đến hơi thở ra, hơi thở vào để cho tâm mình sâu lắng, bình an.

Khi ta làm việc đủ các yếu tố như vậy, bảo đảm rằng, quý vị làm việc 8 giờ liền vẫn không thấy mệt. Còn nếu trong lúc làm việc, mà ta nhớ đến nỗi bất hạnh, sự bế tắc, khủng hoảng thì ta cảm thấy chân tay mỏi mệt, rã rời, làm việc không hiệu quả lại còn có hại cho sức khỏe.

Phương pháp thiền của đạo Phật hoàn toàn không mang tính chất tôn giáo, mà là chức năng hỗ trợ cho sức khỏe và tinh thần con người, giúp ta làm mới từng ngày, từng giờ thông qua các động tác hít thở sâu, nhẹ nhàng, tâm liên tưởng đến điều tốt đẹp.

Trong khi làm việc, quý vị nên liên tưởng đến những người thân thương, các hành vi, nghĩa cử tốt đẹp của họ, và muốn làm được như họ. Rồi chọn một nhân cách ấn tượng nhất để liên tưởng đến thì ta trở thành người đó ngay trong hiện tại chứ không phải chờ sau khi chết.

HẠNH PHÚC VỚI NĂM ĐIỀU ĐẠO ĐỨC

Theo đạo Phật, nếu mình làm tốt và sống hạnh phúc ở đời này thì sau khi chết ta sẽ được tái sanh làm người có những giá trị tích cực hơn, tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Điểm tựa tâm linh cần thiết bây giờ là quý vị hãy lắng tâm với sự yên lặng tuyệt đối nhất, nghe theo lời hướng dẫn. Bởi vì lặp lại sự trở về con đường đạo đức này rất là cần thiết. Điều này không phải tôn giáo mà nó là nhu cầu làm mới được lặp lại bằng nhận thức, niềm vui, ta được bình an từ đây.

Chúng tôi tin rằng, nếu tiếp tục thực tập như vậy, quý vị sẽ được giảm án như một phép mầu. Bởi ta làm tốt thì được ân xá, còn nếu tốt hơn thì sẽ có những đặc ân hơn. Quý vị cứ làm rồi sẽ thấy, vì cái nghiệp của ta được chuyển thì nỗi đau sẽ được giảm đi.

Bây giờ xin quý vị nói lớn theo chúng tôi điều đạo đức thứ nhất:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin giữ điều đạo đức không giết người. Ý thức được những đau khổ do sự giết hại gây ra, tôi xin nguyện bảo hộ sự sống, góp phần thiết lập hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái. Tôi xin nguyện làm trọn điều này”.

Quý vị cứ yên tâm mà nguyện, bởi đây không phải là lời nguyện vì tôn giáo mà chỉ là điều đạo đức, là nền tảng hạnh phúc của cuộc sống. Chúng ta tiếp tục điều đạo đức thứ hai:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin giữ điều đạo đức không được nói láo. Ý thức được những đau khổ do lừa đảo gây ra, tôi xin nói sự thật, nói những lời tình thương, lời xây dựng, lời hiểu biết, lời lịch sự. Tôi nguyện không chửi tục, không nguyền rủa. Tôi xin nguyện làm trọn vẹn điều này”.

Điều đạo đức thứ ba:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin giữ điều đạo đức không ngoại tình. Ý thức được những đau khổ do ngoại tình gây ra, tôi nguyện sống tiết hạnh, thủy chung, tuân thủ nguyên tắc một vợ một chồng, vì hạnh phúc gia đình của người cũng chính là hạnh phúc của mình. Tôi xin nguyện làm trọn vẹn điều này”.

Điều đạo đức thứ tư:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin giữ điều đạo đức không trộm cắp, cướp giật tài sản của người, luôn tôn trọng tài sản vật chất do người khác làm ra. Ý thức được những đau khổ do bị trộm cắp gây ra, tôi xin nguyện làm trọn vẹn điều này”.

Điều đạo đức thứ năm:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin giữ điều đạo đức không tiêu thụ những loại có độc tố, có chất gây nghiện. Ý thức được rằng, rượu, xì ke, ma túy, thuốc lắc là những loại tạo ra đau khổ, tôi không buôn bán, chứa chấp hay sử dụng nó. Tôi nguyện luôn ý thức được yếu tố quan trọng nhất trên đời này chính là sức khỏe của mình”.

Điều thứ nhất kêu gọi mọi người tôn trọng, biết yêu quý sự sống của nhau. Có khi chỉ vì nóng giận nhất thời trong ân oán giang hồ, ta có thể giết chết mạng sống người khác. Trên đời này, dù thiên tai lũ lụt, động đất làm mất đi rất nhiều tài sản, con người có thể làm lại được, chứ mất đi mạng sống thì không lấy gì bù lại được. Do đó mạng sống con người là quý hơn tất cả. Vì vậy chúng ta phải biết bảo vệ sự sống cho nhau, bảo hộ nền hòa bình. Ta không giết, không bảo người khác giết, không đánh, không bảo đánh, không hành hung, không tán đồng với người hành hung.

Điều đạo đức thứ hai kêu gọi mọi người tôn trọng sự thật, những gì mình không biết rõ thì không nên tuyên truyền gây tổn hại cho người. Trong giao lưu đối tác thì lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau thì uy tín và giá trị tư cách của mình ngày càng lớn hơn. Một câu nói mà kèm theo một lời chửi tục thì người khác mất cảm tình. Lời nói thiếu văn hóa sẽ làm cho người khác có ấn tượng không đẹp về mình. Nói lời hay lẽ phải thì ai cũng quý mến. Nói lời đoàn kết xây dựng thì được người yêu mến, biết ơn. Nơi nào đang bị xung đột, hận thù thì ta khuyên nhắc làm cho người kia xây dựng nối kết lại với nhau. Ta phải thường xuyên thực tập thói quen đó.

Điều đạo đức thứ ba là kêu gọi mọi người tôn trọng hạnh phúc gia đình, bảo vệ an ninh xã hội, đồng thời tránh được nguy hiểm của các chứng bệnh xã hội như HIV, AIDS đã cướp đi hạnh phúc của biết bao nhiêu người và để lại sự khủng hoảng kinh tế cho xã hội và cho cả gia đình. Cho nên, các quan hệ giới tính trái quy luật đạo đức một vợ, một chồng làm cho cuộc sống trong không được an vui.

Điều đạo đức thứ tư kêu gọi mọi người tôn trọng sở hữu của người khác, chẳng những mình không lấy của người mà còn thực tập giúp người, làm từ thiện v.v… Bởi khi đem tình thương cho người thì không nỡ nào lấy đi của người để cho họ đau khổ. Thực tập như thế để thấy rằng hạnh phúc rất dễ kiếm tìm, không ở đâu xa, không phải là Thiên đường hay Cực lạc, mà nó có từ những việc làm rất đơn giản của ta với trái tim và tấm lòng.

Điều đạo đức thứ năm kêu gọi mọi người không nên sử dụng những chất có độc tố, gây nghiện, bởi vì những thứ này là kẻ thù của sức khỏe và mạng sống. Rất nhiều gia đình tán gia, bại sản vì có người nghiện những thứ này. Cho nên việc làm mới, chuyển hóa thói quen này giúp cho người thân, người thương của mình được hạnh phúc. Hơn nữa những thứ này làm con người mất kiểm soát hành vi. Có một số anh chị tại đây tâm tánh rất tốt, nhưng do rượu tác động, không kiểm soát được hành vi mà dẫn đến án phạm tội. Khi hối hận thì đã kêu án vài năm hay vài chục năm rồi.

Người nào giữ trọn vẹn năm điều đạo đức trên thì đời sống sẽ bình an, hạnh phúc, được mọi người yêu quý và kính trọng. Vì vậy, chúng ta phải giữ năm điều này bằng nhận thức, niềm tin chứ không phải qua loa, lấy lệ.

Chúng tôi rất vui khi yêu cầu quý vị tuyên đọc các điều đạo đức, lúc đầu quý vị nói hơi nhỏ, hoặc có người nói trong bụng, nhẩm trong đầu, nhưng từ điều thứ hai trở đi quý vị nói rất lớn và rất nhiệt thành. Điều đó chứng tỏ mọi người chúng ta ở đây quyết tâm làm mới.

Tuy quý vị theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng ai cũng có thể giữ năm điều đạo đức này để cho cuộc sống được bình an. Năm điều này là nền tảng cho người đệ tử Phật thực tập. Vì vậy, trong cuộc sống, ai làm được năm điều này là đã có giá trị của người cao thượng trong cuộc đời. Do đó ta cần phải quyết tâm làm cho kỳ được.

NƯƠNG TỰA BA NGÔI TÂM LINH

Ngoài năm điều trên, chúng ta cũng cần phát nguyện thêm một điều rất quan trọng nữa, được xem như điểm tựa tâm linh. Trước khi phát nguyện điều này, tôi xin nói về hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử, người chết vì bệnh cùi và đau khổ vì lụy tình:

Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.

Hàn Mặc Tử quan niệm hạnh phúc của ông như một bầu trời, hay một cái gì đó rất tròn. Khi hai người yêu nhau mà bị trắc trở như cá tính hai bên không hợp, gia đình không đồng ý hay không đồng chí hướng, tôn giáo… hai người phải xa nhau và bầu trời hạnh phúc tròn trịa ấy bị vỡ làm đôi. Một nửa bị tan biến vào đâu không biết vì không để lại một dấu tích gì, và một nửa còn lại có cũng như không, bởi nó trở nên “bỗng dại khờ”.

Theo quy luật tự nhiên, khi con người lớn lên, ai cũng có nhu cầu về tình yêu, biết xúc động trước người khác phái, biết yêu thương và quý trọng tình yêu. Ai cũng có nhu cầu tìm một nửa kia của mình cho tâm đầu ý hợp để chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt nhau trong cuộc sống, đó là điều hạnh phúc rất lớn trong cuộc đời. Vậy mà bây giờ ta phải chia tay với người ấy, ai mà không cảm thấy buồn bã, khổ đau.

Trong cuộc sống, con người thường chọn một điểm tựa theo nguyện vọng của mình. Có người lấy điểm tựa là tiền, tài, danh, vọng, địa vị chức tước. Có người lấy điểm tựa là cha mẹ, anh em, bà con thân tộc hay lòng yêu nước thương dân. Có người lấy điểm tựa là sự dấn thân phục vụ với tinh thần vô ngã vị tha. Nói chung, mỗi người đều có một đối tượng để làm điểm tựa. Các điểm tựa đó được gọi là điểm tựa vật chất, vật lý và tình cảm. Còn nhà thơ Hàn Mặc Tử đã lấy điểm tựa của mình là tình yêu giới tính lứa đôi. Mỗi người ai cũng cần phải có một điểm tựa tinh thần, không nhất thiết phải là tôn giáo.

Năm điều đạo đức chúng ta vừa thề nguyện chính là điểm tựa tinh thần rất vững chắc cho mỗi người bất kỳ người ấy theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo. Nó là những người bạn thân thiết, chân thành trong cuộc sống. Trong kinh, đức Phật có dạy, người nam nên có hai vợ và người nữ cũng nên có hai chồng. Mới nghe qua, ta thấy điều đó có vẻ như mâu thuẫn với điều đạo đức thứ ba, nhưng thật ra đức Phật dạy ý này với ngụ ý khác.

Người chồng, người vợ thứ nhất là chồng vợ trên pháp luật, còn người chồng, người vợ thứ hai là trên đời sống đạo đức. Bên cạnh người vợ, người chồng trên pháp luật, ta cần phải đính hôn với đời sống đạo đức. Trong vấn đề này, đức Phật dùng từ “Pháp” để cho nó có ý nghĩa bao gồm đủ cả hai lĩnh vực đạo đức và chân lý.

Khi đã lập gia đình có vợ chồng, con cái mà ta kết hôn với đời sống đạo đức thì ta sống được hạnh phúc, không sợ bị đánh ghen, không sợ bị truy cứu trước pháp luật, không sợ bị những rắc rối gì và không bị tai tiếng thị phi trong cuộc đời.

Bây giờ quý vị lặp lại theo tôi lời nguyện ước nương tựa vào đời sống tâm linh.

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin nhận trí tuệ và lòng từ bi làm thầy đưa đường chỉ lối cho tôi trong cuộc đời”.

Khi nhận trí tuệ làm người thầy bên cạnh thì ta sống đứng đắn, bởi trí tuệ vượt lên trên kiến thức. Kiến thức lệ thuộc vào sách vở, giáo dục, kinh nghiệm, còn trí tuệ là lối sống và nhận thức phù hợp với đạo đức. Chỉ cần sống như vậy là ta có trí tuệ. Còn từ bi và tình thương làm cho ta sống có ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời hơn. Khi ta phát nguyện nhận trí tuệ và đạo đức làm thầy thì cuộc đời của ta sẽ được thay đổi. Đó là điểm tựa tâm linh thứ nhất.

Bây giờ ta nương vào điểm tựa tâm linh thứ hai:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin nhận bậc Giác Ngộ làm thầy, làm người đưa đường, chỉ lối cho tôi trong cuộc đời”.

Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, bậc Giác Ngộ không phải chỉ có đức Phật Thích Ca mà rất nhiều. Ta có thể làm học trò của bất cứ người đã giác ngộ nào, bởi vì làm học trò của người đã giác ngộ thì ta sẽ trở thành người giác ngộ. Có giác ngộ là có hạnh phúc và bình an. Điều ấy chẳng lẽ ta không muốn sao?

Khi nhận đức Giác Ngộ làm thầy, không phải ta cầu nguyện Ngài ban phước cho mình, bởi có phước hay không là phải do chính mình tạo nên bằng hành động chứ không ai có thể ban điều ấy cho ta được. Đây là hai điểm tựa rất quan trọng về tâm linh. Bây giờ ta phát nguyện điểm tựa thứ ba:

Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin nhận những người đạo đức làm thầy”.

Những người đạo đức ở đây có ý nghĩa rất rộng. Thứ nhất, là những người tu hành chân chánh. Mình nhận những người tu chân chánh làm thầy để học hỏi và noi theo những điều tốt. Thí dụ, Trư Bát Giới theo Đường Tăng đi thỉnh kinh, nhờ đó mà ông chừa bỏ được những hành động xấu, trở thành người thanh cao “Tịnh Đàn sứ giả”.

Còn nếu mình làm đệ tử của giới giang hồ thì “sanh nghề, tử nghiệp” cuộc đời luôn bị khổ đau, lo lắng, không có hạnh phúc, không được bình an. Ngược lại, ta làm đệ tử của những người hiền lương, đạo đức thì ta sẽ trở thành đạo đức và hiền lương, sống an vui, tự tại, không có gì phải sợ hãi hay lo lắng.

CHÂN HẠNH PHÚC CHÀO ĐÓN MỌI NGƯỜI

Tôi tin chắc rằng với sự phát nguyện của quý vị, từ đây về sau sẽ sống tốt, và đời sống trở nên bình an, hạnh phúc.

Chủ đề m mới cuộc đời chúng tôi chia sẻ cùng quý vị chỉ với mục đích duy nhất là mong các anh chị em sống có hạnh phúc giống như ta đang hít thở không khí trong lành, mát mẻ hàng ngày tại đây. Bởi vì hạnh phúc không phải là cái gì cao siêu, phải tìm kiếm khó khăn, mà nó là những gì đang gần gũi bên cạnh ta, chỉ cần lưu tâm, mở mắt ra là ta nhìn thấy.

Khi ta biết làm mới cuộc đời như thế thì những mặc cảm tội lỗi và những nỗi đau sẽ không còn nữa. Từ nay trở đi, cuộc sống của ta được hoàn toàn đổi mới.

Trong đạo Phật, để đánh dấu ngày ta trở thành một người mới, người thầy mà ta chọn để nương tựa, học hỏi đặt cho ta một cái tên mới gọi là “Pháp danh”.

Thí dụ, tên tôi ngoài đời là Trần Ngọc Thảo, nhưng khi tôi chọn thầy học đạo, phát nguyện làm mới thì thầy đặt cho tôi cái tên mới (pháp danh) Nhật Từ. “Nhật” là mặt trời, “Từ” là tình thương. Thông qua ý nghĩa cái tên này, mình cố gắng rèn luyện, tu tập làm sao cho xứng đáng với ý nghĩa của nó là có được tình thương trải rộng giống như ánh sáng mặt trời. Nơi nào không có chướng ngại, không bị phủ che thì ánh sáng mặt trời chiếu đến, nhưng cũng có khi dù bị chướng ngại, phủ che, nó vẫn phủ trùm.

Hôm nay, tôi xin tặng chung cho quý vị một tên mới là “Chân Hạnh Phúc” để đánh dấu ngày chúng ta thề nguyện làm mới cuộc đời. Quý vị nên sử dụng nó bên cạnh cái tên khai sinh của mình để nói lên rằng, kể từ giờ phút này tôi là một người mới, không còn vướng bận gì đến những việc làm lầm lỗi ngày trước. Tôi sẽ sống có ích cho mình, cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Rất mong quý vị sống an vui, hạnh phúc xứng đáng với ý nghĩa của cái tên mới “Chân Hạnh Phúc” này. Đây không chỉ là niềm mơ ước của chúng tôi, của các anh chị em tại đây, mà những người thân thương của quý vị ở nhà: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh em, hàng xóm đều mong mỏi như vậy.