Phần 1 : BẢN CHẤT CẢM XÚC

Giảng tại Đạo tràng An Hạnh, San Jose, Hoa Kỳ, 20-6-05

Phiên tả: Huỳnh Ngọc Hạnh

Hiệu chỉnh: Quảng Tâm & Diệu Thông

CẢM XÚC TIỀM TÀNG

Cảm xúc, trong tâm lý nhà Phật gọi là Vedana. Theo chữ Hán, chúng ta có thể dịch Vedana theo nghĩa như chữ “thọ”, có bản dịch là chữ “giác”, tức cảm giác. Còn trong tiếng Việt, Vedana, có ba nghĩa để dùng là cảm thọ, cảm giác và cảm xúc.

Khi dùng từ “cảm giác”, chúng ta dễ hình dung hơn, tức là cảm giác này đều được bắt nguồn từ sự xúc chạm nào đó. Sự tiếp xúc ở đây là tiếp xúc của các giác quan. Ví dụ, khi cặp mắt nhìn thấy hình thái, màu sắc, vóc dáng v.v... các sự vật. Sự tiếp xúc của cặp mắt có thể mang lại hai cảm giác hoàn toàn đối nghịch nhau, cảm giác thích và không thích.

Phản ứng kéo theo của cảm giác mới quan trọng. Thông qua cặp mắt, chúng ta thích một đối tượng nào đó, bỗng nhiên tất cả những gì liên quan đến đối tượng đó ta đều có cảm tình. Sự cảm tình này còn được gọi là hiện tượng lay lan tâm lý, lây từ sự kiện A, con người A kéo theo sự kiện B, con người B. Hiện tượng lay lan cảm xúc là một quy trình duyên khởi, quy trình này rất quan trọng trong đời sống con người.

Khi phân tích cảm xúc, chúng ta không thể bỏ qua bản chất của nó. Cảm xúc là gì? Theo nhà Phật, cảm xúc không phải là dòng chảy thường hằng bất biến. Trên thế giới, có một số nền văn hoá tôn giáo đã nhồi sọ con người, làm cho con người nghĩ rằng dòng chảy cảm xúc này là cố định, không thay đổi, nhưng trong thực tế, cảm xúc của mình hôm nay hoàn toàn khác với con người của mình vào ngày hôm sau, đó là chưa nói đến hoàn cảnh, môi trường, điều kiện v.v... cái mà có thể làm gia tăng sự thay đổi gấp bội trong mỗi con người. Tác động của môi trường là một trong những yếu tố quan trọng và mang tính quyết định, làm thay đổi dòng cảm xúc.

Trước nhất, cảm xúc mang tính tương đối. Nó lệ thuộc vào phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, màu da, sắc tộc, gắn liền với con người từ lúc mới sinh ra. Do đó, con người được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong môi trường văn hoá đối lập thì đặc tính, sở trường của họ hoàn toàn khác nhau.

Cảm xúc, có những loại để lại rất nhiều nỗi khó chịu. Khi nghe một loại âm thanh du dương trầm bổng, cảm xúc trong ta dâng trào lên tột độ. Khi thưởng thức một bản nhạc tình, nhất là loại nhạc mang nội dung thất tình, nội dung nhiều lâm ly bi đát, chúng ta đê mê và có thể nghe rồi không thèm ngủ cũng được; trái lại, bản nhạc nào chứa tình cảm đẹp chúng ta lại không thèm nhớ. Nghe câu: “Đường vào tình yêu, có trăm lần vui, có vạn lần sầu...” chúng ta thích, thậm chí lấy lời ca đó làm niềm an ủi: tôi biết rất rõ, tôi tình nguyện vào, mặc dù tôi biết rằng mình chỉ đạt được một phần rất nhỏ của cảm xúc hạnh phúc đó thôi nhưng tôi vẫn chấp nhận, vì sự lựa chọn của tôi chính là cái đó.

Giống như con thiêu thân lao vào ánh sáng của bóng đèn (thấy ánh sáng là chúng lao tới và lủi vào bóng đèn) để cuối cùng phải nhận lấy cái chết. Ngày xưa không có đèn nê-on, chỉ có đèn dầu, cho nên chúng lao vào thì bị đốt cả thân thể rồi chết, do vậy được gọi là con thiêu thân.

Bây giờ lủi vào bóng đèn tròn mới chết, còn ánh sáng của đèn tuýp thì không sao, lớ mớ chỉ u đầu sứt trán. Nhưng khi tắt đèn, chúng rớt xuống đất, hai cánh sẽ bị gãy;  có thể hoá thành loại bò sát như kiến, nhưng phần lớn chúng đều chết cả.

Theo đạo Phật, tình trạng bám víu, chạy theo thứ ánh sáng đó chúng ta lại cho rằng nó mang lại hạnh phúc và giá trị của cuộc đời, thì chỉ là hạnh phúc mang tính điều kiện; hễ điều kiện đầy đủ, nó có thể làm thất điên bát đảo con người; khi điều kiện không còn, cảm xúc ngon lành kia liền tan biến, khổ đau kéo theo sau.

Cho nên, cảm xúc lúc đầu hoạt dụng như chiếc bóng không rời hình, nhưng về lâu nó trở thành sợi dây ràng buộc rất lớn, đến độ ta biến chúng thành quán tính của thói quen, cứ lao theo quán tính đó để sống, sinh tồn, cưng chiều và nuôi dưỡng. Nếu biết phát triển cảm xúc đúng phương pháp, chúng ta sẽ có an vui; ngược lại, sai lầm ngay căn bản, thì an vui trở thành khổ đau.

Nếu quan niệm như vậy, mỗi lần buồn, chúng ta lại mở nhạc tình lâm ly bi đát để nghe, thì rất nguy. Lúc nghe, dòng cảm xúc lại một lần nữa bị chìm vào nỗi buồn man mác, sâu thẳm và ghê gớm.

Khi nỗi buồn xuất hiện, chúng ta đừng bao giờ nuôi lớn nó. Khi buồn, có khuynh hướng thích nghe nhạc tình, thường mở những bộ phim có nội dung buồn, hoặc tự giam mình trong căn phòng mà không cần giao tiếp với bất cứ ai. Làm như vậy, vô tình chúng ta trưởng dưỡng cơn buồn trong tình huống ngày càng cường điệu và tăng dần đều.

Thông qua tiếp xúc các giác quan, dòng cảm xúc bắt đầu có mặt, đức Phật phân tích có tất cả ba loại cảm xúc khác nhau.

Thứ nhất, dòng cảm xúc của hạnh phúc bao gồm sự thoải mái, lâng lâng, nhẹ nhàng, hoặc những niềm vui thoả mãn do các giác quan mang lại.

Chúng ta có thể nhận diện sự biểu thị cảm xúc, hạnh phúc qua những thái độ như: nở nụ cười hớn hở, ánh mắt hân hoan tích cực, tay chân tung tăng. Tất cả những thứ đó đều được liệt vào phạm trù lạc thọ, tức cảm giác sung sướng.

Trong dòng cảm xúc sung sướng này, đức Phật lại chia thành hai loại nhỏ: loại lạc thọ sinh vật lý liên hệ đến cơ thể con người và loại lạc thọ thuần tuý về tâm lý, tức lệ thuộc vào các giác quan. Chẳng hạn, chúng ta có căn nhà mới, rất hạnh phúc khi được sống trong căn nhà đó.

Lạc thọ sinh vật lý có thể hiểu: Vào mùa hè, cái nóng đã làm cho ngôi nhà bị oi bức. Trước đây, vì khó khăn chưa sắm được máy điều hoà, nay chúng ta có đủ điều kiện lắp đặt được máy trong căn nhà, lúc này nhiệt độ được thay đổi, thay vì nóng bức thì lại mát mẻ, lúc này chúng ta cảm thấy thoải mái. Đó là loại cảm giác về sinh vật lý.

Thỉnh thoảng ra chợ mua vài lẵng hoa cúc vàng về cúng Phật. Khi nhìn thấy màu vàng, chúng ta cảm giác có cái gì đó nhẹ nhàng, thư thả và thanh thoát. Như vậy, mỗi lần tiếp cận Phật, thông qua những đoá hoa cúc vàng, chúng ta cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng, cảm giác hạnh phúc đó thuộc về sinh vật lý.

Chúng ta sắm một bộ đồ mới, hoặc được cha mẹ tặng vào dịp Tết, mình mặc vào cảm thấy sung sướng vô cùng. Khi được ăn tô hủ tíu Nam Vang chẳng hạn v.v... cảm thấy rất sung sướng. Tất cả những cảm giác đó thuộc về dòng cảm xúc liên hệ đến vật lý của thân.

Cảm xúc tâm lý là dòng cảm xúc chỉ thuộc lĩnh vực tinh thần. Ví dụ sau mùa thi, các học sinh, sinh viên rất vui sướng, bởi vì nghĩ rằng mình đã đỗ với mức điểm cao để có thể được vào giảng đường đại học hoặc được tuyển vào những lớp có chất lượng đào tạo tốt và có nhiều điều kiện thuận tiện về mặt đi lại. Niềm hạnh phúc đó thuộc về lĩnh vực tinh thần, vì nó làm cho mình có cảm giác hân hoan, dễ chịu.

Chúng ta đọc được trang sách hay, nghe được lời kinh vi diệu của Phật, tiếp xúc với lời khuyến tấn, nâng niu, an ủi và vỗ về, từ tinh thần sa sút bỗng dưng mình có được điều gì đó để vươn lên. Tất cả trạng thái an lạc thoải mái này đều thuộc về tinh thần.

Ngoài mức độ niềm vui của cảm xúc thông thường còn có niềm vui tâm linh. Tâm linh và tinh thần, trong tiếng Anh chỉ dùng một từ Spirituality, nhưng trong nhà Phật từ này lại mang hai nghĩa với góc độ khác nhau: Góc độ tinh thần, thuộc về cảm giác thông thường, niềm vui nhỏ hay lớn do mình có từ hoàn cảnh thuận lợi. Niềm vui tinh thần thuộc về giác quan. Niềm vui cao hơn là niềm vui tĩnh tại thuộc về tâm linh.

Về bản thân, biết quán chiếu, tư duy đời sống sẽ trở nên sâu sắc hơn. Khi biết quán chiếu, chúng ta không còn bám víu hay bận tâm vào bất kỳ điều gì. Có thể chúng ta đang sở hữu một sản nghiệp lớn, hoặc không có tấc đất nào, tất cả đều không liên hệ gì đến đời sống tĩnh tại nội tâm. Lúc này chúng ta rất dễ dàng tiếp cận với dòng chảy cảm xúc của thiền quán.

Ngoài phương pháp thiền quán, để có đời sống tĩnh tại nội tâm, chúng ta có thể vận dụng các pháp môn khác, như tụng kinh, niệm Phật đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn. Lúc bấy giờ tâm sẽ được an nhiên tĩnh tại. Chúng ta có thể vay mượn câu chú để tập trung tư tưởng, tạo ra trạng thái an chỉ, nhẹ nhàng, thảnh thơi; lúc bấy giờ chúng ta đạt được phần nào về trạng thái tĩnh tại đó.

Cảm giác tĩnh tại chỉ có mặt khi tâm được vắng lặng, thoải mái, thảnh thơi. Khi cảm giác tĩnh tại có mặt, con người  đạt được niềm hạnh phúc và an lạc. Chỉ với các tầng thiền, như đức Phật đã dạy con người mới có khả năng phóng thích các tình huống ách tắc, nỗi khổ niềm đau thông qua dòng cảm xúc.

Đức Phật còn đề cập đến dòng cảm xúc khó chịu, khổ đau, hay còn được Ngài gọi là khổ thọ. Khổ thọ này, cũng có ba tình huống diễn ra.

Khổ thọ thứ nhất liên hệ đến sinh vật lý, ví dụ thể trạng con người không được khoẻ, nhất là những người bắt đầu có mái tóc hoa râm, tuổi ngũ tuần trở lên, các giác quan bắt đầu suy giảm làm giới hạn những điều chúng ta muốn làm nhưng không còn làm được nữa. Hoặc làm không đạt hiệu quả như trước đây, nếu có đạt thì chỉ hai ba chục phần trăm là cùng, hoặc cơ thể phát sinh những căn bệnh mới và chúng ta có thể chết vì căn bệnh này bất cứ lúc nào. Tất cả những thể trạng không như ý đó làm cho cảm giác khổ đau trong người gia tăng, tăng rất nhanh. Nếu không biết chuyển hoá thì nỗi khổ đau này sẽ đưa mình vào sự bế tắc.

Ví dụ đêm qua mất ngủ, sáng ra sẽ cau có. Chỉ cần chất xúc tác nhỏ không hài lòng, chúng ta có thể xổ một tràng đại liên của lòng sân hận và bực tức đó lên bất cứ người nào tiếp xúc với ta ngày hôm đó. Người tiếp xúc với ta sáng hôm đó có thể là vợ, chồng, con. Ta sẵn sàng nói những lời gắt gỏng khó nghe, thậm chí họ cũng không thể nào hiểu được nguyên nhân tại sao: tối qua, anh/chị ta tươi vui thì sáng nay lại trở chứng gắt gỏng? Họ đâu biết rằng lý do chính là chứng mất ngủ vì suy tư nhiều hoặc vì bị khúc mắc vấn đề gì đó.

Khổ thọ về thân, tức sinh vật lý, rất quan trọng. Phần lớn con người trên cuộc đời, ít bị thất điên bát đảo về cảm xúc, nhưng về thân vật lý thì lại nhiều.

Ví dụ khi mình bị tai biến hoặc tai nạn giao thông, phỏng, đứt tay v.v... tất cả những tình trạng đó đều làm cho nét đẹp biến dạng. Về phương diện nội tâm, điều tiếc nuối về sự tàn tạ dung nhan có thể làm mình phát sinh những cảm xúc khó chịu. Chính vì phản ứng cảm thọ của nội tâm này làm ảnh hưởng rất lớn đến tình huống khác nhau, như lòng tham, sân, si, buồn giận, bực tức, thái độ ích kỷ, cách thức đố kỵ, tôn vinh, hận thù v.v... Tất cả đều được diễn ra ngay lúc chúng ta hành động. Thậm chí hành động này chỉ ở dạng thức tư tưởng, chưa biểu đạt cụ thể, nhưng khi được thể hiện cụ thể bằng tay, chân, chữ viết và lời nói ... lúc bấy giờ cảm xúc gia tăng rất nhanh.

Khi nói một lời, đặt bút viết một câu để chửi bới người khác, chúng ta tưởng mình đã trả thù được người kia, làm cho họ đau đớn. Nhưng trên thực tế, lúc tư duy viết ra chữ đó, não chúng ta bị rối loạn, lòng ta đau nhói, tim đập mạnh, trạng thái tâm lý bất bình thường, nỗi khổ đau của tâm lý dâng cao, mặc dù mình không để ý nhưng chính nó đã khống chế gần tám mươi phần trăm giá trị cuộc sống.

Chỉ cần quan sát tình huống tự tử của những người sống ở các nước tiên tiến như phương Tây. Chúng ta thấy, phần lớn thảm cảnh này đều rơi vào người giàu sang nhưng họ lại bị bế tắc, suy sụp quá mức về tinh thần, như bị ruồng bỏ trong tình yêu, người bạn đời, người thân nỗi đau này rất lớn, lớn đến độ không chịu nỗi nên tìm cách đào tẩu bằng cách quyên sinh.

Nỗi khổ đau về cảm xúc thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại khống chế cuộc đời con người thật lâu dài. Nếu không biết cách tháo gỡ, chúng ta có thể tạo ra những tình huống trái ngang cho mình và người khác.

Trong kinh, đức Phật kể câu chuyện người chăn bò mất bò.  Sáng hôm nọ, đức Phật đang ngồi thiền dưới cội Bồ-đề cùng các vị Tỳ kheo. Có ông lão hốt hoảng chạy qua, nhìn trước sau không thấy ai, ông hỏi đức Phật:

- Thưa Bác! Sáng giờ Bác có thấy con bò của tôi chạy ngang qua đây không?

- Chúng tôi không thấy con bò nào chạy ngang qua đây cả, đức Phật trả lời.

Ông ta nghe nói vậy bèn khóc sướt mướt.

- Vì sao ông khóc? Đức Phật hỏi.

- Thưa Bác, tôi phải chăn tất cả một trăm con bò cho chủ. Bây giờ một con lạc đàn đi mất, nếu hôm nay không tìm được thì chủ sẽ cho tôi nghỉ việc. Gia đình tôi rất khổ, vợ không còn sức lao động, các cháu còn nhỏ, nên khổ đau này kéo theo khổ đau khác, không biết làm thế nào để tháo gỡ.

- Thôi! Ông hãy an tâm, việc đâu cũng còn ở đó. Nỗi lo đâu giải quyết được vấn đề, hãy bình tĩnh.

Đức Phật mới nói chừng đó thì ông ta chạy mất tiêu, có lẽ ông ta chạy để tiếp tục tìm bò.

Ngồi tĩnh lặng khoảng nửa giờ, đức Phật gọi tất cả các thầy Tỳ-kheo lại và nói: “Các thầy! Các thầy có biết rằng các thầy là những người rất hạnh phúc không?” Có vị ngạc nhiên, tự hỏi: “Mình mới vào chùa tu chưa được bao lâu, nỗi khổ niềm đau của kiếp người vẫn chưa tháo gỡ được, vậy mà đức Phật nói là mình rất hạnh phúc?” Một vị đứng dậy hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Con hạnh phúc thế nào?

- Ít nhất các thầy không có những con bò để mất, đức Phật trả lời.

Một câu chuyện rất ngắn. Nếu chúng ta tư duy về mặt ý nghĩa triết lý, không phải lớp nghĩa đen, sẽ nhận ra một lời dạy rất thâm sâu của đức Phật.

Người xuất gia không có những con bò của địa vị, quyền lợi, chức tước, sĩ diện, tài sản, không bị dòng cảm xúc của cuộc đời trói buộc nên sẽ trở nên thảnh thơi và thoát tục. Còn những con bò của địa vị, chức tước nói chung những gì thuộc về quyền thế có thể tạo ra các ảo giác, viễn cảnh của cuộc đời mà đôi lúc sống trên đó, tưởng rằng mình đã đạt đến đỉnh cao giá trị cuộc sống rồi chạy theo những thứ đó.

Theo đức Phật, khi chúng ta không có những con bò mang lại cảm xúc trói buộc, chúng ta sẽ không bao giờ sợ chúng bị mất. Khi có một ngôi nhà, chúng ta sợ ngôi nhà này bị hoả hoạn, hư hao hoặc bị trộm cắp những vật liệu trang trí, trưng bày ở trong ngôi nhà. Khi có xe hơi, trị giá khoảng ba trăm ngàn đô, ta cưng còn hơn con của mình, nếu bị quẹt chút xíu, mặc dù có bảo hiểm nhưng chúng ta vẫn cảm thấy buồn và tiếc nuối.

Trong tình huống ông lão mất bò, lúc này dòng cảm xúc của ông ta có thể là nỗi khổ đau rất lớn. Đó là sự mất mát, sau đó kéo theo nhiều sự lo sợ khác: mất việc, ai sẽ lo vợ con v.v... Như vậy, cảnh đó là cả một bầu trời ảm đạm đang phủ trùm trước mắt ông. Nỗi lo đó chính là cảm giác của khổ đau.

Để chuyển hoá cảm xúc, chúng ta phải dựa vào đâu để biết cảm xúc của mình đang bị vướng vào là âm tính, tiêu cực cần phải loại trừ; hoặc cảm xúc hạnh phúc dương tính, tích cực để duy trì. Để làm được điều này, chúng ta chỉ cần lưu tâm chút xíu là có thể biết được.

TÙY TÂM HIỆN TƯỚNG

Chủ nghĩa kinh nghiệm của nền triết học phương Tây và một số tôn giáo trên thế giới, hầu như họ không đồng tình về chuyện đó. Họ nói: khi nào lâm vào cảnh huống, mình mới biết được mặt mũi của hạnh phúc và khổ đau. Tất cả những biểu đạt ngôn ngữ và văn chương không giúp chúng ta thấy rõ được điều này.

Dĩ nhiên, đôi lúc chúng ta cũng bắt gặp những nội dung thuộc về tư tưởng trên. Có câu: “Như nhơn ẩm thủy, lãnh noãn tự tri”, nghĩa là như người uống nước nóng, lạnh, ngọt, đắng, cay v.v... thì chỉ tự mình biết, người khác không thể biết được.

Câu nói trên thuộc chủ nghĩa kinh nghiệm, liên hệ đến chủ nghĩa hành trì của tâm, nghĩa là trạng thái giác ngộ an lạc, đôi lúc vượt lên giới hạn của ngôn ngữ. Sử dụng ngôn ngữ để mô tả dễ hiểu lầm, dẫn đến hiểu sai, bởi vì nó giống nhưng không phải là một.

Ở đời có rất nhiều điều giống nhưng không phải là một. Khi vay mượn những điều gì đó để mô tả thực trạng, hoặc nạp vào một dữ liệu tương tự và cho là nó, thì điều đó dễ dàng làm cho người khác bị nhận diện lầm.

Những dòng cảm xúc thuộc về thế gian, khổ đau hay hạnh phúc con người đều có thể nắm bắt được dễ dàng, chỉ cần quan sát ta có thể nhận diện được chúng.

Có vị vua hỏi đức Phật về cách thức làm thế nào để biết được an lạc và hạnh phúc của người xuất gia khi Ngài nói rằng an lạc đó được thể hiện ở cuộc sống nội tâm chứ không phải chủ nghĩa hình thức bên ngoài.

Khi đặt câu hỏi đó, nhà vua đã nhận xét: có một số người xuất gia, tuy họ có cách thức đi, đứng, điệu bộ, cử chỉ, lời nói, việc làm v.v... rất nhẹ nhàng và thảnh thơi, nhưng liệu trong tâm họ có được chất liệu an lạc và thảnh thơi hay không?

 Nghe đức Phật phân tích như trên nhà vua vẫn chưa hiểu. Ông thỉnh cầu Thế Tôn giải thích cụ thể để hiểu rõ hơn.

Đức Phật dạy: “Đại vương, ngài là vua của một quốc gia, sống và chết đều nằm trong tay ngài; luật pháp do ngài chế định, đúng, sai cũng do ngài định đoạt. Nếu phạm nhân nào bị ngài kết án tử hình bằng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ cho tứ mã phanh thây, bỏ vào chảo dầu sôi, dùng dao bén chặt đứt cổ, hoặc dùng các dụng cụ châm chích vào cơ thể để máu rỉ đến một lúc nào đó nạn nhân tắt thở và qua đời. Tất cả những cuộc hành xử đó chắc đại vương đã từng chứng kiến ở trên pháp đình, và nhất là những người mà đại vương cho rằng họ mắc tội hình sự nguy hiểm, nếu không giết có thể dẫn đến mất an ninh của xã hội. Trong lúc quan sát, đại vương thấy chuyện gì xảy ra?”

“Bạch Thế Tôn, khi người kia bị bắn hoặc bị đâm, đầu tiên con thấy là tiếng la thất thanh phát ra, và có thể người đó bị khủng hoảng không còn bình tĩnh được nữa”, nhà vua trả lời.

“Kế đến, con nhìn thấy phản ứng co rút chân tay, giãy giụa rồi ngã xuống v.v... Khi quan sát như vậy, con biết người đó khổ đau ghê gớm lắm. Biết vậy, nhưng vì là người cầm cân nẩy mực, luật pháp phải nghiêm minh, nên con phải làm những thứ mà đôi lúc con không muốn, nếu không làm thế thì cuộc đời này sẽ không yên ổn”.

Đức Phật dạy tiếp: “Đại vương! Sự chi phối khổ đau về cơ chế sinh vật lý của nạn nhân, như ngài đã biết, qua sự giãy giụa, co rút, la thất thanh, chạy trốn v.v... được biểu hiện, thì tương tự, người đạt được đời sống an lạc và tĩnh tại, đại vương chỉ cần quan sát từ xa, sự quan sát này đừng để người kia biết, ngài có thể nắm rõ được dòng chảy tâm lý đang vận hành trong tâm của người được quan sát.

Cũng có người giả dạng nhà sư, như trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, vì trốn lính nên họ vào chùa để tu; hoặc đi tu trong tình huống bị thất bại nhiều quá, đâm ra chán nản. Cho nên, dựa vào hình tướng của con người để nhận định đánh giá thì rất khó, nhà vua đã suy nghĩ như vậy.

Để nhận diện dòng cảm xúc an lạc nội tại, đức Phật đưa ra nhiều cách để nhận biết. Thứ nhất là đừng chú trọng vào chủ nghĩa hình thức mà người đó có.

Hành giả phải chuyển hoá lòng tham-sân-si ít nhất năm mươi phần trăm. Tiếp đến là chấm dứt hoàn toàn lòng nghi hoặc và ganh tỵ, tức trạng thái không sáng suốt. Chấm dứt luôn trạng thái nhận thức sai lầm về thế giới quan, nhân sinh quan rằng cuộc đời này là thường còn và bất biến, hay thế giới này chết rồi là hết, không có đời sau; hay thân thể này không phải vô ngã mà là hữu ngã. Tất cả những quan niệm sai lầm đó, khi hành giả chứng sơ quả thì không bao giờ vướng phải.

Dĩ nhiên, không chỉ đơn thuần ở dạng thức của nhận thức, bởi vì bằng nhận thức, chúng ta chỉ cần nghe giảng chừng mười phút, có thể thừa biết thân này là vô thường, vô ngã. Nhưng, làm thế nào để sống với cái vô thường và vô ngã của nhận thức mới là quan trọng. Điều này đòi hỏi đến cuộc sống hành trì rất cao.

Ví dụ đi ra đường, sơ ý làm rớt cái đãy, trong đó có khoảng năm bảy ngàn đô. Nếu người đánh rơi mếu mặt thì biết người này chưa nhận được chân thực thể của vô ngã và vô thường, người đó chỉ có kiến thức chứ chưa thực chứng. Tương tự, có trường hợp bên ngoài cười nhưng bên trong méo xẹo, chúng ta biết người đó thật sự chưa chứng đắc sơ quả.

Nếu chúng ta rơi vào trường hợp tương tự, thì nên dựa vào tiêu chí thực tế cuộc sống và nghĩ: trời ơi may quá, lẽ ra hôm nay tôi phải đến cô nhi viện, hay chùa để tự tay cúng dường số tiền ba bốn ngàn đô trong đãy, hoặc tận tay trao cho quỹ từ thiện cô nhi viện thì bỗng dưng có ai đã làm điều đó thay mình, thật sung sướng gì bằng! Như vậy, trong trạng thái đánh rơi này, thay vì mang tâm trạng nuối tiếc, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái. Nhờ động cơ này, chúng ta có quyền tin tưởng số tiền đó không rơi vào tay những người vô dụng; và người nhận, nhờ chất liệu hồi hướng của chúng ta, có thể sung vào công quỹ xã hội.

Hiểu được đạo Phật và giá trị hành trì, thì chúng ta thấy cuộc đời khác đi nhiều. Chỉ cần chứng được sơ quả, sẽ biết được giá trị an lạc tĩnh tại.

Có thể thử vài chiêu là biết được dòng cảm xúc thật của họ. Chỉ cần một lời khen, mặc dù biết người đó ở mức độ A, mình lại khen là: Ô! Ông đã làm được việc Phật sự lớn lắm, nhờ Phật sự đó ông có ba A, bốn A, hay vô số A. Đúng rồi, nhờ tôi chứ không thì tất cả bị đau khổ hết trơn rồi.

Mới mở vài lời mà ông ta đã kể hoài không hết. Trong tình huống đó, biết chắc ông này chưa đạt quả vị gì. Lúc đó bản ngã được kích thích, trương phồng, tạo điều kiện thổ lộ, những cái đó mình biết lòng hãnh diện vẫn còn hiện hữu dưới dạng tiềm ẩn. Người ta kích thích để mình nói, và nên nói để người khác học những kinh nghiệm, phương pháp, cách thức vượt qua những trở ngại trong lúc dấn thân làm việc lành. Quan trọng là, cách thể hiện để người nghe biết rằng họ đang ở trạng huống tâm lý nào.

Trước khi đức Thế Tôn xuất gia, quan sát một vị tu sĩ theo đạo Bà La Môn, Ngài cảm nhận được dáng vẻ thong dong, tĩnh  tại, thoát tục về chất liệu đời sống nội tâm của vị tu sĩ. Đối chiếu đời sống nội tâm với ba cảnh tượng già, bệnh và chết đức Thế Tôn đã đạt được niềm hy vọng mới, Ngài tìm ra được trạng thái hạnh phúc, khinh an và tĩnh tại trong cuộc sống.

Hạnh phúc, trạng thái này đâu chỉ ở nhà vua mới có, mà những người, thậm chí tài sản duy nhất là chiếc áo, mà họ vẫn đạt được trạng thái hạnh phúc tĩnh tại của tâm. Nó thể hiện qua ánh mắt, tướng đi, lời nói, cử chỉ, nụ cười v.v... Dĩ nhiên, chúng luôn hiện hữu thường trực chứ không phải lâu lâu mới có.

Nếu chúng ta đóng kịch để người khác biết mình có hạnh phúc, thì chỉ được vài ngày là hết. Mình chỉ đóng tuồng thành công trước mặt quần chúng, nhưng khi đối diện với chính mình thì nỗi đau liền xuất hiện, não chúng ta đang đạo diễn vở kịch, sáng tác những bộ tiểu thuyết đồ sộ, chỉ có điều là mình không quen ghi lại dòng cảm xúc đó thôi; còn các nhà văn, họ có thể làm được chuyện đó bởi họ có năng khiếu diễn đạt bằng chữ nghĩa.

Trên thực tế, tư duy của con người vẫn có tính logic, vẫn có trình tự trước sau, nhưng rất tiếc chúng ta không thể diễn tả toàn vẹn lại được. Cho nên chỉ cần quan sát khách quan, chúng ta biết được dòng cảm xúc của người khác và tương tự cũng nhận biết được nơi chính mình. Đó là cách thức mà đức Phật phân tích, mổ xẻ về chủ nghĩa kinh nghiệm liên hệ đến cảm xúc.

CẢM XÚC MƠ TƯỞNG

Ở đời, nhiều người đặt nặng về khứ quá. Họ đã từng bỏ lỡ cơ hội vì quyết định trễ, và sau đó nhớ lại cảm thấy luyến tiếc. Chẳng hạn lời than thở: phải chi tôi mua tấm vé số đó thì bây giờ tôi thành triệu phú rồi. Tờ vé số tôi mua tặng lại cho người bạn, anh ta trúng nhưng không nhớ ơn tôi, không chia phần trăm nào cho tôi cả. Nhớ đến chuyện đó hoài, đi đâu cũng kể: phải chi lúc đó tôi đừng bỏ lỡ cơ hội, đừng tặng cho người bạn ấy thì giờ này tôi đã cất được ba bốn ngôi chùa, năm bảy cơ sở từ thiện rồi. Những người có quan niệm như vậy sẽ không bao giờ làm được việc phước, bởi vì làm việc phước mà dựa trên điều kiện “nếu . . . thì” khó làm được. Các mệnh đề bắt đầu bằng từ “nếu” nếu không thuộc về quá khứ thì cũng thuộc về tương lai, nên sự kiện được mô tả nó không có thực ở hiện tại. Dựa vào các phán đoán “nếu...thì” đó, con người khó có thể làm được những chuyện cần phải làm.

Ví dụ, thay vì mình đợi trúng số rồi mới làm việc phước, như muốn cúng dường ngôi chùa, hoặc xây dựng cơ sở từ thiện nào đó chẳng hạn, thì mỗi ngày chỉ cần để dành vài ba đô vào ống heo. Sau vài năm, khui ra,  sẽ có được một số tiền lớn. Với số tiền này ta sẽ làm được việc chúng ta muốn. Ai có thói quen nghĩ và nói: khi nào tôi được đầy đủ rồi tôi mới làm phước, thì khó có thể, nếu không nói là không bao giờ làm được.

Không ít người có điều kiện làm việc phước nhưng họ lại không chịu làm. Vì lòng tham, mỗi ngày, mua bảy, tám chục tờ vé số, tốn cả trăm ngàn đồng: Phật gia hộ cho con đi, nếu con trúng con sẽ dành năm mươi phần trăm số tiền để làm Phật sự.

Mỗi ngày tốn năm bảy đô về việc mua vé số như vậy, sau vài năm, tiền mất quá nhiều vì vé số không trúng được một tờ. Trách Phật: trời ơi tại sao Phật không gia hộ, con phát tâm mãnh liệt lắm mà, con muốn phát tâm làm Phật sự, nguyện ước của con chân thành, lợi ích cho tha nhân rất lớn mà sao Ngài không độ con gì hết. Vé số, mấy chục ngàn người mới trúng được một, nhà tổ chức ngày càng giàu hơn.

Làm việc phước trên nền tảng của lòng tham chắc chắn sẽ chẳng có phước báo gì. Trong xổ số kiến thiết, người ta chủ trương đưa ra những trò chơi nhằm kích thích lòng tham, để người tham gia nuôi hy vọng, do vậy, cảm xúc bị trào dâng đến độ tối về ngủ không yên, chỉ thấy toàn mơ ước về việc trúng số.

Ly đầy nước, chúng ta bỏ một vật vào rồi khuấy lên, càng khuấy nước trong ly càng đục. Tương tự, đặt hy vọng và mơ tưởng quá nhiều vào tương lai, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa duy lý, thường liên hệ đến ảo giác chứ không có thực. Đừng mơ tưởng nhiều, cứ hành động, dấn thân, thì chắc chắn kết quả sẽ đến. Một vị thiền sư Việt Nam đã từng dạy thật sâu sắc: “Thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt/ Vạn lý vô vân vạn lý thiên. Tạm dịch: “Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện/ Muôn dặm không mây trời trong xanh”.

Nơi nào có trời trong, chỗ ấy có mây bay. Vấn đề ở đây là mơ ước mình có được bầu trời trong với gió thoảng mây bay. Hình ảnh đẹp trên bầu trời xanh, con sông ẩn hiện hình ảnh mặt trời, mặt trăng, bóng cây và hình ảnh của người chèo đò v.v... chúng ta không cần mơ ước, chỉ cần tạo duyên cho các yếu tố cần thiết đó có mặt thì cảnh đẹp sẽ có. Chỗ nào có nước, chỗ ấy có ánh trăng xuất hiện, đó là sự kéo theo tất yếu của nhân quả. Do đó, nên dấn thân chứ không nên mơ ước nhiều.

Khi dấn thân, ta làm việc một cách chuyên cần và có phương pháp, nghệ thuật, trí tuệ thì sẽ đạt được kết quả tốt. Bao nhiêu đó mới là yếu tố cần, nhưng vẫn chưa đủ, ta phải kiên trì và nhẫn nại để đẩy con đường dấn thân của mình trở thành con đường hạnh phúc bền lâu. Cảm xúc được đặt trong khuynh hướng như vậy sẽ có giá trị rất nhiều, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.

Ở Ấn Độ, phần lớn năm nào người dân cũng tổ chức đi hành hương, đa số tín đồ ưa chuộng đời sống nội tâm. Nhiều người không có phương tiện thì họ đi bộ; gần một ngàn cây số, trải qua nhiều tháng mà vẫn không nản chí.

Trong chuyến đi, đơn giản chỉ có gánh nhỏ với số hành lý cần thiết như ba bộ đồ, bản kinh và dăm ba đồng bạc. Khi hết tiền, họ sẽ đi ăn xin độ nhật qua ngày. Đi đến nơi mà họ cho là linh thiêng, nơi có cuộc sống nhẹ nhàng và thảnh thơi. Còn những người khá giả, họ thuê chiếc xe truck, dĩ nhiên xe đó không có ghế ngồi và họ cứ ngồi chen chúc nhau chật cả xe để đến nơi được sớm hơn. Người giàu thì đi bằng xe buýt, máy bay hoặc các phương tiện khác mà họ có.

Theo báo chí đưa tin, trên tuyến đường từ nhà đến thánh địa, năm nào cũng có khoảng hai đến ba trăm người chết. Thánh địa, nơi được gọi là linh thiêng, nằm ở vùng Ma-kiệt-đà, xung quanh vùng Linh Thứu và trường đại học Na-lan-đà. Thánh địa của Ấn Độ giáo cũng nằm tại đây.

Đối với các thân nhân những người quá cố, người ta phỏng vấn và phần lớn được họ trả lời rằng: người thân của chúng tôi rất may mắn, vì họ sẽ được vãng sanh về cõi Phạm thiên.

Theo nhà Phật, nếu người gần chết đang thao thức hướng về tâm linh, về tình cảm đẹp, thì chắc chắn lúc qua đời họ sẽ được sanh trong cảnh giới tốt. Ấn Độ giáo, mặc dù không hề có thuyết cận tử nghiệp (nghiệp lúc gần qua đời) như trong đạo Phật, chỉ có thuyết Tái sinh. Thuyết này gắn liền niềm tin với thượng đế và thần linh, họ hoàn toàn tin tưởng vào thuyết đó với niềm hy vọng có được cuộc sống an lành sau khi chết.

Trong khi đó, những người Thiên Chúa giáo nghe cái chết như vậy thì rất sợ. Họ nói: đi theo Ấn Độ giáo, ông Phạm thiên có độ gì đâu, một lần lọt xuống vực thẳm chết đến ba bốn trăm người, thế mà người ta vẫn tin.

Như vậy, trong cùng tình huống giống nhau, cách nhận định đánh giá lại rất khác. Tín đồ Ấn Độ giáo hiểu được đạo lý vô thường, quy luật sự sống và chết, nên xem chuyện đó bằng thái độ bình thường, đôi lúc dửng dưng. Dù báo chí đưa tin hàng ngày hàng giờ vẫn có người chết thế mà họ vẫn rủ nhau đi, bởi vì họ hiểu được giá trị cuộc sống tâm linh.

Những người không chấp nhận truyền thống văn hoá đó, cảm xúc trào dâng nơi họ rất khác biệt. Đôi lúc, họ cũng phê bình về chủ nghĩa tôn giáo đối lập này, và xa lánh không muốn tiếp xúc với truyền thống văn hoá đó.

Ở đây, chúng ta không phân tích chuyện đó tốt hay xấu, mà chỉ đề cập đến tính tương đối của cảm xúc, vốn lệ thuộc rất nhiều vào truyền thống văn hoá và tôn giáo, nơi họ được sinh ra và trưởng thành. Hiểu được tính cách tương đối của dòng cảm xúc, chúng ta không tuyệt đối hoá hạnh phúc và nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời của mình.

Có nhiều người, họ chỉ khổ chút xíu mà họ cứ tưởng trong cuộc đời này không có ai đau khổ bằng họ, nên đã cố tình nhân rộng và cường điệu nỗi khổ niềm đau, cho nên nỗi khổ niềm đau được trương sình theo cách thức của ảo giác chứ không phải có thực. Đó là điều đáng tiếc.

Cảm xúc về hạnh phúc không liên hệ đến sở hữu vật chất mà chúng ta đang có, chỉ tương thuộc vào dòng tĩnh tại của tâm. Cho nên đức Phật dạy: khi có đầy đủ cha mẹ, anh chị em, chúng ta không thấy có cảm giác trân quý. Khi họ qua đời, nhất là lúc đang khao khát muốn có người thân bên cạnh, bấy giờ chúng ta mới nếm được đủ mùi vị của sự cô đơn và tiếc nuối.

Có những người cha rất hy sinh, những người mẹ lý tưởng, sự tận tình chăm sóc của ông bà đôi lúc làm chúng ta khó chịu, nhất là người có tự ái, cứ nghĩ: tôi lớn rồi ông bà ơi, đừng giảng đạo dạy kinh nữa, tôi tự làm được mà! Nhưng đến lúc cha mẹ qua đời, có người thèm những lời nhắc nhở, lúc đó mới biết quý trọng cái đã mất.

Con người, khi có đầy đủ đôi mắt sáng, ít ai biết trân quý. Họ sử dụng và hành hạ cặp mắt, buộc cặp mắt mệt mỏi phai xem những bộ phim mang nội dung thấp kém để rồi lãnh thọ các hệ quả suy đồi nhận thức và đạo đức. Thưởng thức những thứ không có giá trị, lúc nào đó, đôi mắt không còn sáng tỏ, khi ấy mới tỉnh ngộ, nhận ra đôi mắt của mình thật quý báu.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, không có nó cảm giác mất đi hết tám mươi phần trăm ý nghĩa cuộc đời. Do vậy, khi các giác quan đang còn khoẻ mạnh, chúng ta phải biết trân quý và gìn giữ chúng, biết sử dụng chúng vào mục đích lợi ích. Đó là cách sống hạnh phúc, do biết trân quý những gì cần giữ gìn, mà không cần phải trở thành người giàu có.

Để biết rõ hạnh phúc khi còn đôi mắt khoẻ mạnh, chúng ta thử hỏi những người mù, họ sẽ nói trạng thái khổ đau khi mắt không còn nhìn thấy được ánh sáng cho chúng ta nghe. Tương tự, đối với các giác quan còn lại, chúng cũng có vai trò và chức năng quan trọng góp phần vào đời sống hạnh phúc của chúng ta.

Chỉ cần nhìn thấy được sự hiện diện những cái chúng ta có, theo tinh thần tri túc và tuệ giác, con người sẽ thấy và có trách nhiệm trân quý cái đó; còn bằng không, chúng ta có thể rơi vào tình huống đứng trong núi cảm xúc này để trọng vọng, mong mỏi đến núi cảm xúc khác. Nếu vậy, chúng ta sẽ mãi mãi rơi vào tình huống của những người cùng tử, luôn tìm kiếm những cái không có. Càng tìm chúng thì càng đánh mất tất cả những cái đang trong tầm tay.

Do vì chúng ta tìm kiếm quá nhiều những cái không thật bên ngoài nên không thể cảm nhận được nguồn hạnh phúc thật ở nội tâm. Sự tìm kiếm là nguồn năng lượng phủ trùm, làm chúng ta không còn nhìn thấy những thực tại đang có.

TINH THẦN TRUNG ĐẠO

Vọng ngoại, mong cầu là tâm lý rất phổ biến, nhất là đối với phần lớn những ai được sanh ra và lớn lên trong bối cảnh nghèo khổ. Nhiều người thường quan niệm hàng ngoại là hàng xịn, hàng nội là hàng dỏm. Phần lớn quan niệm như vậy đều sai lầm.

Tại Nhật Bản, hàng lô-can tức hàng nội địa phải là hàng tốt, còn hàng xuất cảng ra bên ngoài là loại hàng bị hư trong khoảng thời gian nhất định. Những ly tách, máy móc điện tử của Nhật Bản đều có tuổi thọ nhất định, đến lúc nào đó chúng sẽ bị hư. Có vậy người ta mới bán được; còn sử dụng trong nước, người ta bắt buộc phải là hàng chất lượng cao.

Nhật là dân tộc không có tinh thần vọng ngoại. Nhưng, nếu chúng ta bám vào tinh thần không vọng ngoại đó, và lấy nó làm tính quốc hùng tự hào của mình thì mình lại rơi vào căn bệnh khác, đó là bệnh cố chấp, bệnh bản ngã về quốc gia.

Theo nhà Phật, chúng ta phải trung dung, đừng vọng ngoại tìm cầu nhưng cũng đừng quá đề cao cái mình có. Chẳng hạn như học thuyết “Phật tại tâm” có thể là học thuyết rất hay, nhưng chỉ hay đối với những người đã từng tìm kiếm chân lý bên ngoài quá nhiều nhưng thành quả không đạt, thì lúc trở về với bản tâm, họ có thể tìm được nguồn hạnh phúc thực sự.

Học thuyết “Phật tại tâm”, nếu đem áp dụng cho quảng đại quần chúng thì chắc chắn về sau không còn ai đến chùa, vì Phật tại tâm chứ Phật đâu có ở chùa nên đến chùa để làm gì.

Nhiều người sau vài chục năm hạ thủ công phu tu tập, cuối cùng hết muốn đến chùa, vì họ nghĩ rằng đã tu nhiều lắm rồi. Nếu ai có tâm niệm tương tự như vậy thì phải biết mình đang trên đà thối chuyển.

Chỉ cần quan sát trong pháp hội của đức Phật thì sẽ rõ. Thời xưa, pháp hội của đức Phật, như Bồ-tát Đại Trí Văn Thù, bậc được mệnh danh là đại trí vẫn có mặt trong các thời kinh để nghe đức Phật thuyết, mặc dù nội dung bài kinh rất đơn giản.

Trong giáo đoàn đức Phật, không ít người vẫn còn bị nỗi khổ niềm đau chi phối, nhưng vì rụt rè hay lý do nào đó họ không dám mạnh dạn đứng lên trước pháp hội để hỏi đức Phật. Để tháo gỡ những bế tắc đó, các vị Bồ tát vừa đóng vai thính chúng, vừa đóng kịch rằng mình đang mắc vào trạng thái đó để đứng lên hỏi đức Phật. Tâm lượng và mục đích việc làm của các vị Bồ tát là vậy. Các ngài muốn đức Phật trình bày cho đại chúng cùng nghe, để cùng nhau tháo gỡ và chia sẻ.

Cho nên chúng ta cứ mạnh dạn hỏi, đừng sợ người khác cho là mình hỏi những câu vô vị: Ồ! ông bà này đi chùa mấy chục năm, chuyện đơn giản như thế mà cũng không hiểu. Đừng sợ, các vị nghĩ như vậy là sai, không đúng với tinh thần của Bồ tát.

Đôi lúc, trong cuộc sống, có những việc bình thường nhất lại là điều vĩ đại. Người có kiến thức cao, hiểu biết rộng, ấy vậy mà họ chỉ hỏi những câu rất bình thường. Như vậy, chúng ta mới tạo thiện duyên giúp người khác có cơ hội đối chiếu, so sánh và hiểu biết thêm, để họ tự vực dậy. Đó là lý do tại sao Bồ-tát và A-la-hán có đầy đủ khả năng giảng kinh, thuyết pháp như đức Phật, vẫn luôn có mặt trong pháp hội của Phật.

Đúng với những gì đức Phật đã dạy, chúng ta phải biết cách trân quý những cảm xúc sáng suốt, đừng nghĩ Phật chỉ có trong tâm mình, mà phải nghĩ Phật ở trong sự nhận thức sáng suốt của mình..

Bất cứ hoàn cảnh nào khi đối diện với chính mình, phải lấy chất liệu của nhận thức sáng suốt, sự tĩnh tại làm chủ đạo. Khi chất liệu ánh sáng tĩnh tại có mặt, bóng đêm của bản ngã không còn, lúc đó ta dấn thân làm Phật sự, tham gia công tác từ thiện xã hội thì mới thành tựu. Nếu không Phật sự trở thành ma sự.

Đức Phật dạy rất rõ, bản ngã càng lớn thì nỗi khổ niềm đau càng gia tăng. Ví dụ, ai không chiều theo ý thì mình giận dỗi, chối từ; hoặc nơi nào ngon ngọt, chiều theo ý, có nhu cầu thì mình lại đến. Như vậy, việc mình đến với chùa, cơ sở từ thiện chỉ để kích thích bản ngã, chứ không phải vì lòng nhiệt huyết, từ bi, vô ngã và vị tha.

Chính vì sự ham muốn kích thích bản ngã, đôi lúc mình đẩy quý thầy vào con đường của phương tiện “Dĩ huyễn độ chân”. Để chiều theo Phật tử, quý thầy phải phương tiện, nhưng càng phương tiện thì lại càng mất, mất ở đây là mất chất liệu giác ngộ và giải thoát.

Về sau mình nhớ lại: Trời ơi! Ở chỗ này tu hành thuận tiện, sao mình có những ước mơ sai lầm. Ước mơ của mình không chính đáng, vậy mà các thầy cũng chiều theo. Trên thực tế, mình đã đẩy quý thầy vào sự lựa chọn phương tiện đó. Cho nên, việc quan trọng là chúng ta phải nắm được phương pháp làm Phật, phải nhận thức sáng suốt khi mình dấn thân làm lợi ích cho cuộc đời, lúc đó việc làm của chúng ta sẽ đạt kết quả, mới có giá trị đóng góp về chất liệu từ bi, vô ngã và vị tha.

Trong kinh, đức Phật mô tả bản chất cảm xúc giống như con bò bị thuộc da. Bị bỏng, con người cảm thấy nhức nhối và khó chịu, bởi vì bỏng liên hệ đến da, đến các tế bào, mạch máu, gân cốt. Bỏng càng nặng, nỗi khổ niềm đau trong ta gia tăng lên gấp bội. Nếu sử dụng thuốc tê, loại thuốc này có thể khống chế nỗi đau thời gian nhất định. Nhưng, ngược lại, tác dụng phụ của thuốc có thể làm trí nhớ suy giảm, não trạng bị bấn loạn, tim, gan, thận, v.v... hoạt dụng của cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Chỉ nên sử dụng thuốc ở mức độ cho phép, và đừng lệ thuộc vào trị liệu y học, thay vì phải tự giữ gìn sức khoẻ để khỏi nhờ đến bác sĩ.

Ví dụ người bị mất ngủ, uống thuốc ngủ vào liền ngủ ngon thì sanh tâm vui mừng rồi cho rằng loại thuốc đó là Phật, Bồ tát, vị cứu tinh của mình, cho nên mỗi ngày đều uống vào một viên. Sự ngủ ngon lệ thuộc vào tính điều kiện của thuốc. Người sử dụng thuốc ngủ về lâu sẽ không ngủ được nếu thiếu thuốc. Cứ tập hít thở, điều hoà, nhẹ nhàng, buông xả, thảnh thơi, đừng buồn giận về quá khứ, đừng mơ tưởng về tương lai, thì chúng ta sẽ có đời sống rất an lành trong hiện tại.

Để có được hạnh phúc và ngủ ngon thì sự thành bại, hơn thua, lo toan phải trái của cuộc đời phải gạt bỏ. Giấc ngủ an lành nhờ thiền quán, nhiều người giàu thèm một giấc ngủ ngon vẫn không có được.

Nuôi dưỡng cảm xúc dễ chịu cũng giống như tình trạng uống thuốc ngủ, dần dà sẽ tự đẩy mình vào đường bế tắc. Bản chất của dòng cảm xúc khổ đau, nó như con bò bị lột da, nỗi đau nhức rất lớn, lớn đến độ nó chùi đầu xuống mặt nước hay chạy hung hăng trên đất liền, toàn thân bị cơn đau giằng xé. Dòng cảm xúc khổ đau của con người cũng không ngoại lệ.

Dĩ nhiên chúng ta sống không thể thiếu được cảm xúc. Nhưng làm thế nào để vượt lên trên nỗi khổ niềm đau của cảm xúc? Đức Phật dạy chỉ có ba tình huống làm dòng cảm xúc tạm thời vắng mặt, nhưng trên thực tế, nó vẫn tồn tại.

Khi bị hôn mê, lúc bấy giờ dòng cảm xúc của chúng ta mới tạm thời vắng mặt vì lúc đó ý thức của thần kinh trung khu không hoạt động, nên cảm giác hạnh phúc, khổ đau hay trung tính mặc nhiên vô hiệu hoá. Tình huống thứ hai là bị bất tỉnh, một hình thức của hôn mê, nên cũng tương tự như thứ nhất. Trong tình huống thứ ba, đức Phật nói, khi chứng được đạo quả A-la-hán, thì dòng cảm xúc không còn chi phối chúng ta nữa. Lúc đó, con người sống một cách thong dong tự tại, và hiểu được đặc tính duyên khởi của vạn pháp, cuộc đời.

CÁNH CHIM VÔ HÌNH

Sau khi chứng A-la-hán, việc làm của các vị ấy không để lại dấu vết nào. Công hạnh đó, đức Phật thường ví, giống như chim bay trên bầu trời, nhưng không có dụng ý để các nhà thơ, hoạ sĩ phác họa bức tranh về nó. Nếu như bên dưới có một con sông, thì hình ảnh chim được hiện lên mặt nước. Khi chim bay thì bóng dáng sẽ không còn lưu lại trong làn nước. Lúc đó nếu chim muốn giữ lại hình ảnh cũng không được, vì sự tương phản hình ảnh trên mặt nước không còn nữa.

Nếu chịu khó quan sát dòng cảm xúc, con người có khả năng tách rời dòng cảm xúc khổ đau ra khỏi cơ thể vật lý. Đây là nghệ thuật khơi dậy dòng cảm xúc hạnh phúc, làm cho nó có mặt lâu với ta trong cuộc đời.

Một tình huống khác, khi hành giả đang nằm trong tiến trình đạt được trạng thái của A-la-hán, hướng về Tam minh và Tứ trí hoặc rơi vào trạng thái diệt thọ tưởng định, thì hành giả sẽ đạt được trạng thái an tịnh vô biên.

Diệt thọ tưởng định là loại thiền định nơi đó các hoạt dụng của cảm xúc và ý niệm hoá không còn, vì thế, người đạt được loại định này thì tất cả dòng chảy của khổ đau, hạnh phúc và trung tính đã không có mặt nữa; thậm chí, các ý niệm, tư duy tổng hợp, quy nạp, loại suy, tất cả các nguyên lý tư duy của con người cũng hoàn toàn không có mặt. Sở dĩ như thế vì cảm xúc là nền tảng tạo ra ý niệm hóa và các loại tưởng khác nhau.

Khi vắng bóng dòng cảm xúc và tưởng, đức Phật nói, các hành giả của Bà-la-môn giáo thường cho rằng đây là đích điểm giải thoát, và họ an trụ trong trạng thái đó. Dĩ nhiên, trạng thái của diệt thọ tưởng định rất an lành, hơn tất cả các hoạt chất ma tuý có thể làm đê mê và kích thích tất cả các giác quan của con người. Nhưng, sự an lành này không giúp ích cho công việc Phật sự.

Ví dụ, Tổ Bồ-đề Đạt-ma đã từng ngồi quay mặt vào tường suốt chín năm, bởi vì cơ duyên hoá độ ở Trung Hoa chưa đến. Nhưng cũng rất may, tổ đã xuất thiền. Nếu như ngài vẫn giữ nguyên trong trạng thái diệt thọ tưởng định, thì có lẽ đất nước Trung Hoa đâu biết phương pháp của thiền công án và thoại đầu. Cho nên, trạng thái diệt thọ tưởng định có thể giúp chúng ta khống chế và phóng thích nỗi khổ niềm đau. Muốn ích lợi cho tha nhân, chúng ta phải làm Phật sự, giảng kinh thuyết pháp, dấn thân phục vụ, hành trì sáu toàn thiện và tu tập vạn hạnh trong cuộc đời.

Diệt thọ tưởng định, khi đạt được, có thể là bệ phóng, sức đẩy rất hữu hiệu cho chúng ta trên tiến trình chứng ngộ và giải thoát. Sử dụng nó như một phương tiện để vượt qua khổ đau thì tốt. Bám víu như thành quả giác ngộ thì đó là sự mất mát. Là hành giả Phật giáo, chúng ta không nên duy trì mãi trạng thái diệt thọ tưởng định, nếu chúng ta muốn dấn thân phục vụ cho đời.

Trong nhà Phật có đề cập đến khái niệm về Tha tâm thông, tức tính năng mà chúng ta có thể biết và thông suốt về tâm thức và cảm xúc của người khác. Để biết người đó có còn ba độc tham, sân, si chi phối hoặc đạt được trạng thái thong dong, tĩnh tại hay không, chỉ cần tu chứng được một phần Tha tâm thông ta sẽ biết được.

Nếu là người tại gia, chỉ cần có được phần nhỏ về Tha tâm thông, chúng ta dễ dàng trở thành người giàu có nếu chịu làm nghề thầy bói. Chỉ cần nhìn mặt đoán tướng chừng nửa phút, chúng ta nói vanh vách về thân phận người kia, mất hồn liền. Từ đó, họ sẽ quy phục, mình ra giá một quẻ vài trăm đô, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa họ cũng sẵn sàng.

Vào năm 1994, có ông thầy tướng số rất nổi tiếng, chúng tôi đến xem hư thực ra sao. Tuy bản thân không tin nhưng cứ thử xem. Quả thực, những gì mình chứng kiến y hệt lời người ta đã đồn.

Lần đầu tiên gặp chúng tôi, ông chỉ nhìn khoảng chừng 30 giây, mà phán xổ ra liên tục nửa tiếng đồng hồ. Ông ta nói: hoàn cảnh của thầy như thế này, như thế kia, thuận lợi và khó khăn v.v... nhưng chắc chắn cuối năm 1994, thầy sẽ đi nước ngoài.

Nghe ông ta nói như vậy, tôi nghĩ chắc ông này bị lạc quẻ rồi. Ổng mới nói chút xíu, mình gật đầu lia lịa, cho nên ổng phóng lao dữ quá nên dẫn đến lạc đường.

Chúng tôi mới hỏi: Đã từng vượt biên trên hai mươi lần, lần nào cũng bị người ta lừa, không bị ở tù là may lắm rồi. Chính sách hồi hương đã có từ 1988, như vậy có cơ hội nào để mà đi. Thân nhân, bà con quyến thuộc không có người nào ở nước ngoài, nói tiếu tiếu thuộc chủ nghĩa yêu nước, đều ở tại Việt Nam thì đi bằng cách nào?

Ông ta nói: Tôi không cần giải thích là thầy đi bằng cách nào, mà tôi đoán chắc rằng cuối năm 1994 thầy sẽ đi, thầy không tin thì cứ ghi vào sổ, mai này đi rồi thì gọi điện về cho tôi. Quả thật vào cuối năm 1994  chúng tôi đi du học Ấn Độ.

Những người đạt được chức năng Tha tâm thông như vậy thì họ rất giàu, nhưng họ khó có thể tồn tại lâu được. Ai coi một quẻ đều phải tốn đến hơn ba trăm ngàn, tức tương đương hai chục đô la Hoa Kỳ. Thời điểm năm 1994 ba trăm ngàn rất lớn, có thể mua được hai ba chỉ vàng. Tuy tốn, người ta vẫn sắp hàng chờ từ bốn giờ khuya, thậm chí ngồi đầy cả sân. Nhưng rất tiếc, ông thầy này không sống thọ, khoảng độ hai ba năm sau, tức năm 1997, chúng tôi gọi điện về thì nghe nói ông đã qua đời, ông còn trẻ, chỉ khoảng hơn 40 tuổi.

Trạng thái Tha tâm thông, nếu biết cách vận dụng có phương pháp, sẽ hỗ trợ và làm lợi lạc cho cộng đồng. Chẳng hạn sống bằng nghề thầy bói hay những người tư vấn và tham vấn về tâm lý gia đình, giới tính, tình nhân, khủng hoảng hoặc tâm lý phức cảm rối rắm v.v... trước nhất, phải huấn luyện cho mình khả năng chịu đựng lắng nghe. Với sự cảm thông, tất cả sự hiểu biết cần thiết để người kia có thể bộc bạch nỗi khổ niềm đau của họ.

Có được như vậy, họ mới tin rằng người này chính là cái bệ đỡ cho họ thăng hoa cảm xúc. Có nhiều loại mặc cảm, mình nói với người khác thì ngại, nói với người dưng thì lại càng ngại hơn. Đi qua nhà người ta hai ba lần mà họ không đón tiếp thì mình bị phiền, tốt nhất mình cứ gặp người tham vấn về tâm lý để phóng thích.

Khi bộc lộ được phần nào về nỗi khổ niềm đau với người khác, bỗng dưng chúng ta đẩy được cảm xúc ra bên ngoài, dĩ nhiên không thể trọn vẹn. Chẳng hạn, đôi lúc có những trạng thái khoái cảm giống như gãi ngứa mụt ghẻ, chúng ta cứ khèo khèo, gãi gãi thì cảm thấy ngứa vô cùng; cho nên, đôi lúc, nó lở luôn xung quanh không chừng.

Trong kinh, đức Phật có dạy nghệ thuật trị bệnh ghẻ lở mà không cần phải gãi, bằng cách hơ mụt ghẻ vào lửa ở  nhiệt độ thích hợp, đừng quá nóng cũng đừng quá nguội, nhờ hơi nóng vết nhức sẽ giảm mà không cần phải gãi. Bằng cách hơ đó, chúng ta sẽ không bị nhiễm trùng, chứng bệnh hay mụt ghẻ sẽ được lành sớm hơn thời gian dự định.

Theo đức Phật, chúng ta không nên gãi ngứa cảm xúc, vì gãi ngứa nó sẽ mang lại nhiều rắc rối cho mình và người. Ở đời có biết bao những nỗi bế tắc và khổ đau, từ sự bế tắc của bản thân, rồi đến gia đình, thân hữu v.v... nếu chúng ta mang những bế tắc đó kể cho bạn đạo hay bà con, thì không khác gì chúng ta mang lại sự rắc rối cho họ, lắm lúc người kia cũng trở nên đau khổ như ta.

Làm như vậy không khác gì mình đang mang sầu muộn vào nhà người, nếu người kia không có nội công hay sức chịu đựng lớn, chắc chắn nghe rồi về nhà sẽ sầu não ê chề.

LÀM MỚI CẢM XÚC

Đức Phật nói bản chất khổ đau lệ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc, dù cảm xúc hạnh phúc của các giác quan. Dĩ nhiên, khi mới nghe qua điều này, chúng ta khó có thể chấp nhận được.

Một đứa bé đang ghiền trò chơi điện tử, dĩ nhiên hạnh phúc lớn nhất của nó lúc này là được chơi. Nếu như trò chơi điện tử có thêm giải thưởng hấp dẫn, thì nó càng đam mê. Gần đây, Triều Tiên và một số quốc gia đã sáng chế trò chơi điện tử trên Internet, làm cho ảo giác hạnh phúc của trẻ con bị kích thích tột đỉnh. Hạnh phúc này chỉ có giá trị tạm thời, giá trị ảo, nó cảm nhận được qua sự lớn lên của lòng tham, niềm ao ước và ảo giác não bộ muốn mà không đạt được.

Hiện nay, rất nhiều trẻ em đam mê trò chơi điện tử, chúng có thể chơi từ tháng này sang tháng khác mà không biết chán, thậm chí bỏ luôn việc học. Chưa nói đến việc cha mẹ chiều, mua những trò chơi điện tử đắt tiền với hy vọng con mình sẽ được các giải thưởng lớn. Giá trị phần thưởng càng cao, tiền bỏ ra mua càng nhiều, thì người chơi trò đen trắng càng rơi vào tình trạng nguy hại.

Tất cả các phần thưởng của nền kinh tế, dù kinh tế thị trường hay kinh tế quốc doanh, đều được đặt trên nền tảng của lòng tham. Mua một tặng một, mua ba tặng một, mua sỉ được rẻ tiền, tất cả đều được người ta tính toán kỹ lưỡng. Khi nghe quảng cáo, phần lớn người tiêu dùng rất mừng, vì nghĩ rằng, được giảm giá hay nhận phần cúng dường không đốt nhang của người khác. Nhận về đầy nhà, cuối cùng tất cả những thứ đó mình không biết sử dụng vào đâu, đành phải tìm cách quẳng đi trong những dịp dọn dẹp nhà cửa.

Thỉnh thoảng chúng ta nên làm mới lại cảm xúc, cũng giống như chúng ta format ổ cứng của máy vi tính vậy. Sử dụng khoảng thời gian vài năm, các phần mềm của máy xuất hiện quá nhiều rác và lỗi, chúng ta nên format để đưa chương trình khác vào. Hay lên Internet, nếu không có phần mềm chống virus, nó sẽ xâm nhập máy làm hư luôn cả phần cứng. Trong tình huống đó, việc format ổ cứng là cần thiết. Cũng vậy, khi con người bị quá nhiều phần mềm và rác của cảm xúc tạo ra nỗi khổ đau, con người cần nghĩ đến nhu cầu format lại cảm xúc. Làm mới cảm xúc là cách xoá sổ nỗi đau trong quá khứ.

Khi bộ nhớ của chúng ta được dọn sạch, có thể nói lúc này chúng được mới hoàn toàn, thì mình có quyền chọn lựa sự kiện để nhớ. Ở đời, chúng ta khó có thể tránh khỏi sự buồn vui, bực dọc, những nỗi khổ niềm đau mà người khác mang lại cho mình bằng cách vô tình hay cố ý. Chúng ta cần phải làm mới cảm xúc khổ đau bằng cách nạp vào chúng những dữ liệu tích cực để có giá trị cho việc sử dụng, mang lại an vui và hạnh phúc cho con người. Làm mới đời sống bằng cách format cảm xúc là nghệ thuật hay, có khả năng giúp cho con người được chuyển hoá.

Người châu Á chịu ảnh hưởng quá nhiều từ nền văn hoá “tiết kiệm” nên không muốn format cảm xúc của mình, vì tiếc. Người ta thường biện hộ cho việc giữ các dữ liệu không cần thiết bằng cách trích dẫn ngạn ngữ “Nuôi quân bảy năm nhưng chỉ sử dụng một ngày”. Cũng vậy, việc cất chứa đồ dư mấy chục năm để xài có một ngày vào một dịp nào đó thôi thì rất phí. Thay vì, chúng ta sử dụng khoảng không gian chứa đồ dư đó làm phòng cho thuê, thì giá trị lợi ích sẽ được nhiều hơn. Đó là nói đến sự tích chứa những món đồ thích hợp, chứ còn thứ khác, cái không đáng chứa mà lại cất giữ lâu ngày thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tình trạng phá hoại, hoặc làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cho bản thân và con em trong nhà.

Chúng ta hãy mạnh dạn buông bỏ những cảm xúc không cần thiết, mặc dù biết cảm xúc khổ vui nằm ở bản chất của cảm thọ. Cảm thọ thuộc về tâm, nhưng tâm thì luôn vận hành trôi chảy chứ không cố định. Do đó, mọi cảm xúc thuộc về văn hoá, phong tục tập quán, từ cách thức giao tế sinh hoạt v.v... Chúng ta đã cấy vào bộ não thì giờ đây có thể nhổ lên được. Việc nhổ lên cũng giống như tiêm chủng, hoặc gỡ bỏ những nguyên liệu như là gan giả, thận giả hoặc những chất liệu hỗ trợ cho sức khoẻ; khi không có nhu cầu, chúng ta có thể lấy chúng ra khỏi cơ thể bất cứ lúc nào.

Cần phải hiểu rõ đâu là hiện tượng và đâu là bản chất của cảm xúc. Hiểu được hiện tượng và bản chất cảm xúc, chúng ta mới có cách loại bỏ những cảm xúc tiêu cực.

Trong kinh Đại Bửu Tích, đức Phật kể về sự bất an của một người khi nhìn thấy đàn chó kế bên nhà sủa. Anh ta rất khó chịu mỗi khi đàn chó sủa. Một hôm anh ta nhử đàn chó bằng cách thả cục mồi. Khi cục mồi được quăng ra, đàn chó kéo nhau chạy theo cục xương. Những con chó khác cũng chạy lại. Chúng tấn công lẫn nhau. Bên nào yếu thì phải bỏ đi. Thấy đàn chó ẩu đả nhau, anh ta bèn cầm đá ném vào, cuối cùng các con chó này đau quá nên kêu lên chí choé, nhìn tới, nhìn lui và tính cắn lẫn nhau, nó tưởng những con xung quanh xúm cắn nó. Nhìn kỹ lại thì không phải, phát hiện ra tác nhân làm chúng đau là một cục đá. Nó chạy tới gặm cục đá và sủa dữ dội, thấy cục đá bất động nên bẽn lẽn bỏ đi.

Chó là loài vật rất trung thành nhưng lại có sự chấp mắc. Đây là đặc tính của loài gia súc gần gũi nhất với con người. Ở làng A, ví dụ chỉ có tám con chó, nếu có con thứ chín ở nơi khác lọt vào, thì đàn chó này sẽ hợp tác tấn công con thứ chín kia. Nếu sức khoẻ nó mạnh hơn tám con kia, chiến thắng được thì nó trở thành chủ mới của vùng đất này. Nếu nó thất bại, tám con kia được hưởng chủ quyền và tác quyền của những gì trong khu đất đó.

Đức Phật nói, chúng ta đang chạy theo dòng cảm xúc giống như là con chó lao theo cục xương. Dĩ nhiên đức Phật không hề súc vật hóa con người, mà Ngài ám chỉ sức mạnh của khuynh hướng tâm lý dẫn đạo và chi phối con người mà thôi. Trong đời sống thường ngày, chúng ta không nhìn thấy được bản chất và chủ nhân của sự vật, cho nên lầm tưởng cục đá là chủ nhân mang lại nỗi khổ niềm đau.

Trên thực tế, tác nhân chính là người ném ra cục đá, làm cho mình u đầu sứt trán. Vì vậy, việc cắn vào cục đá như thói quen thông thường của cuộc đời là không nên, mà chúng ta phải tìm cho ra người ném cục đá.

Như trường hợp, đổ hết tất cả những khổ đau của cuộc đời vào trong sự thi rớt đó. Chúng ta nguyền rủa, mặc cảm, giằng xé, rây rứt về nó; hoặc vì sĩ diện, chúng ta lại nghĩ: tại sao tôi thông minh, học giỏi thế này mà lại thi rớt, thua với những đứa học kém hơn mình. Rồi rơi vào bế tắc và bỏ nhà đi hay tự vận.

Phần lớn phụ huynh không hiểu con em mình. Thấy nhà hàng xóm có con học giỏi, chúng ta lại phân bì và mong mỏi rằng con mình cũng phải học giỏi như vậy.

Để làm được điều đó, cha mẹ đẩy con vào đường bế tắc khi mà chúng không đạt được thành quả như cha mẹ mong đợi. Về nhà, chúng ta nguyền rủa con: sao con ngu quá, không có thông minh tí nào. Như vậy, chúng ta chỉ nện thêm cho chúng những dòng cảm xúc bế tắc và khổ đau, do đó chúng bế tắc lại càng bị bế tắc nhiều hơn.

Đức Phật khuyên đừng bắt chước theo cách thức phản ứng của con chó, chạy theo cục xương. Phải nhận dạng được gốc rễ của khổ đau. Đức Phật đưa ra phản ứng đối lập, với hình ảnh con sư tử. Nếu dùng cục đá ném vào sư tử, phản ứng của nó hoàn toàn đối lập với đàn chó. Sư tử không bao giờ nháy mắt, hoảng sợ. Nó bình tĩnh, nhìn một cách trừng trừng để nhận dạng đối phương. Nếu đối phương không lắc lư thì nó biết cục đá không phải là tác nhân, do đó nó chạy đi tìm người ném đá. Khi định hướng được điểm xuất phát của cục đá, nó chạy lại và thấy được người đã ném.

Tương tự, khi chúng ta không may bị trúng tên, có thể là mũi tên độc của cảm xúc đi vào lòng mình, thì phải lập tức tìm cách tháo gỡ. Ví dụ sự ra đi vĩnh viễn của người thân, thất bại con cái, hay đổ nát do thiên tai; hoặc bị người chơi trác, người bạc tình, bạn đời ruồng bỏ, hoặc thậm chí những đứa con phá sản, người thân cứ rút rỉa tài sản của mình. Lúc này mũi tên cảm xúc khổ đau có thể làm mình khó chịu rất nhiều. Nhưng, nếu đổ dồn cái khó chịu đó lên những người kia, thì rõ ràng lòng hận thù cũng như khoảng cách giữa ta và người bắt đầu xuất hiện.

Nuông chiều cảm xúc quá mức sẽ tạo sự yếu đuối. Lòng sân hận cao thì có thể dẫn đến những phản ứng đối lập. Cả hai tình huống này đều không phải giải pháp khôn ngoan.

Đức Phật dạy, chúng ta phải nhận diện chủ nhân của hành động ném đá, phải tường tận nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình. Khi xác định rõ ràng, không nên thắc mắc lý do tại sao người kia đã làm chuyện đó với mình, người đó cố tình hại mình như thế này thế nọ. Lúc ấy, chỉ cần quan sát dòng cảm xúc, để thấy rõ rằng đó là dòng cảm xúc của tham, sân, si nên người khôn ngoan phải tháo gỡ nó ra. Muốn tháo gỡ, đức Phật dạy, chúng ta phải nhận diện cảm xúc, biết cảm xúc đó đang diễn ra ở mức độ nào, nhiều hay ít, lạnh hay nóng v.v... Được như vậy chúng ta mới có khả năng vượt thoát khỏi nó.

Khi nhận diện được rồi, chúng ta phải phóng thích nó với giải pháp an toàn chứ đừng tạt đổ một cách vô tội vạ vào người khác. Chúng ta không thể “Giận cá chém thớt”, vì làm như thế sẽ biến người thân trở thành nạn nhân của cách ứng xử thiếu khôn ngoan. Hành động không cẩn trọng có thể làm cho bế tắc càng trở nên bế tắc thêm. Sự gia tăng của bế tắc là nguồn gốc mang lại nỗi khổ niềm đau ở mỗi người, mỗi gia đình và có thể tác hại đến xã hội. 

Khi nhận diện được bản chất của cảm xúc, nỗi khổ niềm đau không phải là bản chất của cuộc sống mà chỉ là hiện tượng, xuất hiện trong tình huống con người thiếu sự kiểm soát tâm. Khổ đau là hiện tượng và biểu hiện của cảm xúc, chứ không phải bản thân hay bản chất của cảm xúc. Nguồn gốc của khổ đau, theo đức Phật dạy, bắt nguồn từ ba tâm lý âm tính rất nguy hiểm, đó là tham, sân, si.

Tham ở đây có thể là khuynh hướng của sự hưởng thụ tính dục, cái làm cho con người trở nên tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, chai sạn, băng giá trước những nhu cầu cần thiết của người khác.

Sân bắt nguồn từ lòng tham không được thỏa mãn, được biểu đạt thông qua cử chỉ lời nói không tốt đẹp với người khác, hoặc nó tồn tại dưới dạng thức hiềm hận, mặc cảm, khó chịu, bất cần.

Si, được nhen nhúm từ lòng tham và sân, thể hiện dưới dạng tiềm thức, làm cho mình phải lao theo những quán tính của thói quen, cái mà lẽ ra mình không nên vướng vào.

Mỗi người cần nhận thức sáng suốt về bản chất của tam độc để chuyển hoá chúng. Không nên quá đặt nặng vào vấn đề tha lực và thần linh, mà chỉ đặt nặng vào sự tu tập của bản thân, vào những gì đức Phật đã dạy trong kinh. Làm được vậy, con người hướng thượng, tích cực và lạc quan. Nhờ đó, chúng ta có thể sống một cách rất an vui, thư thả, thảnh thơi, vững chãi trong đời.

 
00:00
Tags 
cảm xúc
 
00:00