Tu viện Viên Chiếu, Sacramento, Hoa Kỳ, 25-6-06
Phiên tả: Huỳnh Ngọc Hạnh
Hiệu chỉnh: Nguyễn Bá Cẩm
NHIỆT LƯỢNG CẢM XÚC
Trong nhà Phật có một học thuyết căn bản gọi là nhân duyên. Theo học thuyết này, mọi sự vật hiện tượng trên thế gian đều có nhân và duyên để tạo thành kết quả nào đó. Dòng cảm xúc của con người cũng như vậy.
Thông thường những người thương, yêu, mến nhau, sau nhiều năm xa cách gặp lại, họ có nhiều cách để biểu lộ tình cảm. Có người khi gặp không nói nên lời mà chỉ yên lặng nhìn rồi ôm chầm lấy nhau, như thế họ đã trực tiếp truyền dòng cảm xúc thân thiện, yêu thương. Có người gào thét lên với những lời mừng rỡ, theo sau là giọt nước mắt hạnh phúc. Lúc ấy, dòng cảm xúc đã chiếm hữu tâm hồn, chi phối mọi hoạt động của cơ thể. Cho nên người ta có thể không còn biết chuyện gì đã xảy ra xung quanh mình.
Khi dòng cảm xúc dâng trào đến cao độ, thì ngôn ngữ không còn khả năng để lột tả hết được. Đó là giới hạn của ngôn ngữ. Nếu lúc đó chúng ta biểu tỏ tình cảm bằng lời thì không sao diễn đạt những gì muốn nói. Cho nên hành động đó đối với một số người là để trực tiếp truyền thông cho nhau những dòng xúc cảm đặc biệt giữa họ.
Đức Phật đã giảng dạy cách thức chuyển hóa dòng cảm xúc trong các bài kinh, từ kinh tạng Pali cho đến kinh tạng Đại thừa. Có thể nói, cảm xúc con người như dòng thủy triều lên xuống. Nó lệ thuộc rất nhiều vào các yếu tố trực tiếp hay gián tiếp có mặt lúc đó, cũng như thuỷ triều lệ thuộc vào chu kỳ của mặt trời và mặt trăng. Khi thủy triều xuống, những vật lênh đênh sẽ bị cuốn trôi ra biển. Chúng có thể vướng vào trong những đoạn sông quanh co, khúc khuỷu. Do vậy, những vật này không thể nào ra được tới biển khơi. Đến khi dòng chảy thủy triều dâng lên nó lại bềnh bồng trôi dạt ngược vào sông.
Dòng cảm xúc nếu không được kiểm soát cũng sẽ cuốn trôi đương sự vào dòng thuỷ triều bất thường của nó. Khi vui thì vui tột độ, lúc buồn lại buồn cực đỉnh. Như thế, con người sẽ trở thành những vật trôi theo dòng xúc cảm khổ đau hoặc hạnh phúc của chính nó.
Dòng đời trôi chảy triền miên không bao giờ ngừng nghỉ. Cho đến khi ngoảnh lại nhìn mình thì những nếp nhăn đã hằn trên trán, tóc lấm tấm muối tiêu, sức khỏe giờ đây không còn khoẻ như xưa. Thế mà, những dòng cảm xúc mang theo nỗi khổ, niềm đau vẫn canh cánh bên lòng.
Những ai rơi vào chứng nhạy cảm thì sự dâng trào cảm xúc, khống chế đời sống của họ còn lớn hơn nhiều. Cho nên, nỗi buồn cứ dai dẳng, dày vò trong tâm không thể nào vơi đi được. Nỗi buồn cứ đeo bám theo ta hết ngày này sang tháng nọ mà không biết cách gì xua tan đi được. Đôi lúc, nỗ lực tống khứ cảm xúc tiêu cực thiếu phương pháp thì chẳng những nỗi buồn không dứt mà lại có khuynh hướng gia tăng.
Trong kinh, ngoài ảnh dụ sánh ví dòng cảm xúc như dòng thủy triều, đức Phật thỉnh thoảng so sánh dòng cảm xúc như nhiệt lượng biến thiên từ độ âm rồi tăng dần cho đến 1000C và cao hơn. Nhiệt độ hạnh phúc hay khổ đau của con người lên xuống thất thường tùy theo môi trường, thời tiết, khí hậu, vòng xoay của cảm xúc và tâm. Hầu như nó thay đổi từng phút.
Nếu so sánh với bảng nhiệt lượng biến thiên, thì dòng cảm xúc của con người còn trào dâng dữ dội hơn nhiều. Có lúc nhiệt độ cảm xúc lên tới 500 - 700C. Đó là khi chúng ta giận dỗi, bực tức, sân hận, cau có, muốn trút hết những cảm xúc khó chịu lên những người mà ta không ưa thích hoặc mặc cảm, thành kiến hay đã từng va chạm, xung đột trước đây. Đôi khi, chúng ta lại vấp phải rất nhiều khổ đau, đổ vỡ, suy sụp, va chạm trong cuộc đời. Nào là lên voi xuống ngựa, nào là phải xây dựng cơ nghiệp bằng hai bàn tay trắng, thua thiệt rất nhiều.
Có lúc dòng cảm xúc lạnh như đóng băng, làm cho con người rơi vào sự trầm cảm, phiền muộn bên trong, không muốn giao thiệp với ai. Con người có khuynh hướng ôm và ghì chặt cảm xúc vào lòng để rồi bị nó chi phối, khống chế mãnh liệt, làm cho nỗi khổ, niềm đau ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Sánh ví dòng cảm xúc của con người với bảng nhiệt lượng, để thấy rằng, đôi lúc do sai lầm, lãnh cảm, con người đã làm cho các cảm xúc trở nên nguội lạnh với những việc lành, không còn bầu nhiệt huyết đối với việc đáng làm. Nếu không biết chăm sóc dòng cảm xúc vô thường, chúng ta có thể bị rơi vào tình huống như vậy.
Đức Phật dạy: “Trạng thái an lạc và thảnh thơi sẽ luôn vẫy chào chúng ta”. Bản chất của cảm xúc sẽ xuất hiện khi chúng ta hiểu rõ và nhận chân được dòng cảm xúc đang vận hành trong cơ thể. Chúng ta cố gắng giữ bảng nhiệt lượng cảm xúc trong tình thế thích hợp cho từng môi trường, hoàn cảnh khác nhau.
Hiện nay với công nghệ phát triển, máy móc hiện đại ra đời, nhiều gia đình trang bị máy điều hòa nhiệt độ. Khi thời tiết oi bức, ta chỉ cần khởi động máy điều hòa để có được không khí mát mẻ, dễ chịu. Ngược lại, khi bầu trời trở nên giá lạnh thì ta bật máy điều hòa, để tạo ra sự ấm áp, do đó, con người dễ dàng thích ứng với những biến thiên của thời tiết thất thường.
Tương tự, người Phật tử dưới sự hướng dẫn tâm linh của đức Phật, có thể điều khiển dòng cảm xúc của mình bằng những nhận thức và ứng xử sáng suốt. Hành giả nhờ phương pháp chuyển hoá sẽ biết được tình huống cảm xúc nào mang lại khổ đau và làm cho tâm của con người bị băng giá, không còn màng đến bất cứ điều gì.
Nếu chúng ta trở nên tiêu cực, có khuynh hướng sống đối chọi với chính mình, thì nỗi cô đơn sẽ dày vò, giằng xé làm cho dòng cảm xúc lạnh giá, co cứng và càng giằn vặt thêm nhiều càng đóng băng hơn nữa. Sự đóng băng cảm xúc gây nên tình trạng tắc nghẽn mọi truyền thông giữa ta với người, và dĩ nhiên, dẫn đến sự tắc nghẽn đời sống tâm linh.
Tắc nghẽn cảm xúc chính là những thứ rác rưởi vung vãi trong sự sống con người. Dĩ nhiên, trong sự sống có những ngõ ngách quanh co. Khi vùng cảm xúc nào đó bị nghẽn mạch thì nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mọi hoạt động cảm xúc liên quan, làm cho ta không đạt được tình cảm cao đẹp mà chúng ta đang mơ tưởng. Hoạt động diễn ra hòan toàn trái ngược làm cho những dự kiến, chương trình, kế hoạch bị sụp đổ bởi duyên và điều kiện không hội đủ.
Nếu không chuyển hoá sự tắc nghẽn cảm xúc, bế tắc sẽ có khả năng bị nhân rộng và lây lan, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp hay gián tiếp đến người có tương giao. Làm như vậy là ta đang lây lan trạng thái tắc nghẽn cảm xúc của mình cho người khác. Bất hạnh do đó được nhân rộng, tạo ra sự bất an cho chính mình và truyền đến những người thân thương nhất.
Thuỷ triều của dòng cảm xúc giống như sự nhõng nhẽo của em bé. Nếu em bé đó xuất thân từ gia đình giàu sang, được nhiều người chăm sóc, cả bên ngoại, bên nội đều cưng chìu, có vú nuôi, dưỡng mẫu, nhiều trò chơi để thưởng thức; mỗi khi bé bị trượt chân ngã té thì nhiều người xúm lại nâng niu, vỗ về. Họ làm như vậy với hy vọng đứa bé sẽ phấn chấn lên, hạnh phúc hơn. Nhưng đâu biết rằng nỗ lực như vậy mà tình huống không trở nên tốt còn làm cho đứa bé đau xót hơn, giận giữ, òa khóc nhiều hơn. Nói cách khác, trong dòng cảm xúc khổ đau, càng được nhiều người vỗ về, chăm sóc thì nỗi đau và nỗi buồn càng có điều kiện trở nên nức nở nghẹn ngào hơn.
Quan sát tình huống tương tự, đối với đứa bé sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bị ngã té. Do thiếu người chăm sóc, nâng niu, không có ai vỗ về, chìu chuộng, thoạt đầu bé cũng khóc rồi nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui, không thấy ai xung quanh giúp đỡ mình, bé phải tự đứng dậy, tiếp tục vui chơi như không có việc gì xảy ra.
Nếu trong hoàn cảnh khó khăn mà biết cách điều chỉnh cảm xúc, thì tự thân chúng ta sẽ đứng dậy vươn lên trong cuộc sống. Lúc ấy, dòng cảm xúc sẽ làm cho nỗi khổ niềm đau giảm xuống. Nhiều người nghĩ rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nhất cuộc đời, như đã từng ngã té, bị đau mà không có cách nào đứng dậy được, phải nương vào người khác. Như vậy, dòng cảm xúc sẽ chảy theo hướng mặc cảm, tự ti về thân phận không may mắn của mình. Nếu chiều theo sự nhõng nhẽo của cảm xúc, chúng ta sẽ trở thành con người nhạy cảm trước những nỗi đau không có lối thoát.
Theo tâm lý học Phật giáo, đặc biệt là kinh Thủ Lăng Nghiêm, tính cách con người được phân loại vào một trong năm nhóm sau đây: 1) Thiên về dục tính (sắc dục), 2) Thiên về tình cảm (tình), 3) Thiên về tưởng tượng (tưởng), 4) Thiên về nhận thức (thức), 5) Trọn vẹn trí tuệ.
Những người có khuynh hướng sống quá thiên về các hoạt dụng và tạo niềm hạnh phúc hân hoan trên hoạt dụng của tính dục nên đã bất cần những cái còn lại. Họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để tìm niềm hạnh phúc trên nền tảng phản ứng giác quan. Đôi lúc thiếu sự kiểm soát của tâm, người đó có thể dấn thân vào con đường suy thoái đạo đức, mà xã hội ngày nay từ phương Đông cho đến phương Tây đều đang cảnh báo.
KHỔ ĐAU DO TÌNH VÀ TƯỞNG
Những người đặt nặng về phương diện tình, tưởng, thì cảm xúc tình yêu và tình cảm rất lớn. Họ xem tình có giá trị hạnh phúc tột đỉnh, nếu mất tình thì mất đi tất cả. Trong tình huống như vậy, dòng cảm xúc được dâng trào lên xuống, thăng trầm dữ dội. Khi chúng ta bám víu vào sự thăng trầm của dòng cảm xúc này, sự khổ đau sẽ không rời khỏi bản tâm của ta được.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử có lần đã thốt lên rằng: “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ”. Dưới cái nhìn của nhà thơ thì cả bầu trời hạnh phúc, ý nghĩa cuộc đời và giá trị cuộc sống đều nằm trên điểm tựa tình yêu. Tình yêu đó nếu được thân bằng quyến thuộc tán đồng, xã hội công nhận, được sự hỗ trợ của bạn bè, hàng xóm, chắc chắn sẽ để lại những kỷ niệm hạnh phúc khó quên. Khi cho rằng tất cả giá trị hạnh phúc nằm trong tình yêu là điểm tựa tình cảm, khi tình yêu không thành tựu thì toàn bộ đời sống của người quan điểm đẳng thức hóa sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng cảm xúc nghiêm trọng.
Sự đổ vỡ tình yêu của ông bắt nguồn từ nguyên nhân khác tôn giáo. Một lý do rất đơn giản. Ông là người Thiên Chúa giáo muốn kết duyên với người phụ nữ đẹp theo truyền thống đạo Phật. Luật Thiên Chúa giáo, muốn kết hôn làm vợ chồng với người ngoài đạo, trước nhất buộc người kia phải theo đạo mình thì mới được chấp nhận.
Tình cảm trái ngang của nhà thơ họ Hàn cộng với luật ép người theo đạo đã làm cho hai người phải chia uyên rẽ thúy, “đường anh anh đi, đường em em đi, chuyện tình đôi ta chỉ thế thôi”. Những gì mà nhà thơ ước mơ đều bị sụp đổ khi tình yêu không thành. Giờ đây tâm hồn với thế giới của hạnh phúc bị vỡ tan thành hai mảnh, một mảnh mất đi vĩnh viễn chẳng có lý do, trong khi mảnh còn lại, có cũng như không, vì đã “bỗng dại khờ”.
Ai có khuynh hướng lấy tình cảm, tình yêu làm điểm tựa hạnh phúc sẽ có thể sống trong tình huống thăng trầm, lên xuống bất thường của biên độ cảm xúc, khi hạnh phúc, lúc khổ đau.
Để chuyển hóa cảm xúc thiên lệch trong tình huống này, nhà Phật khuyên nên chuyển tâm đến các điểm tựa tinh thần khác như tình cha mẹ và con cái, anh chị em, xóm giềng, quan hệ đối tác giữa người thân để tách ly cảm xúc thất tình vốn có thể làm cho nhiều người mất phương hướng có quyết định bế tắc qua tự vẫn. Dù có mất đi một nửa của tình yêu, thì cũng không lý do gì chúng ta tự đánh mất đi tất cả những gì còn lại. Ai nghĩ tình yêu là tất cả sẽ rơi vào tình huống cường điệu hóa cảm xúc của mình.
Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, người có thói quen cường điệu là sống theo tình tưởng quá lớn. Những cảm xúc đó mang lại rất nhiều nỗi khổ, niềm đau cho chính mình, rất nguy hiểm. Đừng bao giờ để mình rơi vào tình trạng như nhà thơ Hàn Mạc Tử.
Hạnh phúc là một nhu cầu rất lớn và hiện hữu trong cuộc đời, với nhiều hình thức khác nhau. Không khác nào bầu trời bao la, bát ngát với nhiều cây thông xinh xắn, núi đồi chập chùng xanh thẳm, với gió thoảng, mây bay, suối reo, chim hót. Tất cả những cái đang diễn ra, nếu biết cách tiếp xúc bằng sự hiểu biết và tiếp nhận, chúng ta sẽ có niềm hạnh phúc. Do vậy, một mất mát trong tình yêu, tình vợ chồng, sinh ly tử biệt... vẫn không làm ta sụp đỗ hoàn toàn. Giống như người bị sốc mà dựng dậy được.
Trong những năm tháng vừa qua, giữa mình và người bạn đời chung thủy có biết bao kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ đã cho ta thỏa mãn với kỷ niệm. Và với những tháng năm còn lại, ta sống với tất cả những tình thương cha mẹ, con cái, quê hương, đồng loại, tất sẽ tìm thấy những giá trị cao đẹp của đời sống tinh thần. Với quan niệm như vậy, chúng ta mới đưa tầng số tâm thức của mình từ mức độ tình, tưởng lên mức độ cao hơn, tức là thức tưởng. Người sống trong trạng thái tình tưởng, sự nhạy cảm làm cho họ bị vướng víu vào dòng cảm xúc khổ đau.
Trong sinh hoạt và giao tế, đôi lúc ta gặp tình huống một người nào đó phát biểu vô tình thôi, nhưng do quá nhạy cảm, có người tưởng rằng người ta nhắm vào họ mà nói. Nếu nội dung phát biểu mang tính tích cực, người được đề cập có cảm xúc phấn chấn và thấy mình hạnh phúc. Có thể vì hạnh phúc ấy mà họ không cần ăn uống, ngủ nghỉ mà chẳng đói khát, mệt mỏi. Như vậy, con người có khuynh hướng chạy theo dòng cảm xúc thuận với những gì mà mình mong đợi.
Nếu ai nói một câu xấu xa, tưởng đang nhắm vào mình, thì lập tức người nặng về tưởng sẽ bị dòng cảm xúc khổ đau khống chế, chinh phục. Có người, kể từ khi nghĩ rằng mình bị người khác nói xấu, phê bình, chỉ trích, từ đó về sau họ không muốn nhìn thấy người ấy nữa. Nếu có thấy thì cố tình tránh mặt. Các tâm lý tiêu cực khác, có lý do kéo theo là sự mặc cảm, tự ti, thành kiến và bế tắc. Trong trường hợp này có thể là những bức tường ngăn cách, như bức tường giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên, bức tường Berlin giữa Đông Tây Đức, những dãy Trường Sơn và thậm chí Vạn Lý Trường Thành. Mặc dù chúng ta không nhìn thấy một hình thù ngăn cách cụ thể nào.
Khi đối mặt vơi những đối tượng trên, dòng cảm xúc tỏa ra nhiều luồng nhân điện học tiêu cực. Nhân điện học của mình với người kia có thể rất khác và đối lập. Nên khi giao nhau, hai luồng nhân điện giữa ta và người tạo ra phản ứng dội ngược, kéo theo những bế tắc trong giao tế và truyền thông.
Nếu không cố gắng tháo gỡ thì từ bế tắc nhỏ ban đầu sẽ tạo ra bế tắc trầm trọng hơn tiếp theo. Nếu người có thói quen cường điều hóa vấn đề thì sự bế tắc càng lớn hơn thế nữa. Những người sống trong trạng thái tưởng về cái tôi bị xúc phạm, lợi dụng, phê phán, không được tôn trọng, thì dù người ấy có đầy đủ điều kiện vật chất thế gian như nhà cao cửa rộng, tiền dư, bạc hậu, phương tiện đủ đầy, họ cũng không mấy có cơ hội để chạm đến dòng cảm xúc hạnh phúc.
Lý do là mỗi khi bị mũi tên của cảm xúc khổ đau ghim vào cơ thể, họ không thể rút mũi tên ra, mà cứ khổ đau, buồn thảm, than thân trách phận rồi mặc cảm, tự ti nên cơ hội tiếp cận với những giá trị tích cực khác không còn nữa.
Khi nâng tầm nhận thức lên mức độ tưởng, người đó có khuynh hướng mở mang tri thức, tìm kiếm giá trị phát minh. Họ có thể là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục hoặc nhà kinh tế có thể đưa dòng cảm xúc bay bổng thông qua các dữ liệu hiện thực trong cuộc đời. Ví như nhìn con chim bay lượn trên bầu trời xanh, các khoa học gia nghĩ ngay tới việc chế tạo ra thiết bị cho con người cũng bay lên được. Thế là chiếc máy bay đầu tiên được sáng chế. Lúc đầu, máy bay chỉ có thể mang lên không trung một vài người. Bây giờ các máy bay dân dụng có thể chở hàng trăm người. Trong tương lai có thể còn có nhiều máy bay với sức chứa nhiều hơn thế nữa. Nói cách khác, biết vận dụng nhận thức dựa trên tưởng, đời sống con người được cải thiện và ngày càng tốt đẹp hơn. Tưởng dựa trên bản ngã và lòng vị kỷ sẽ làm cho đời sống con người trở nên nghèo nàn và vô vị.
NHẬN THỨC BAY BỔNG
Nhiều người có khuynh hướng đánh giá sự vật trên nền tảng nhận thức, thông qua hỗ trợ của những quy luật tư duy như quy nạp, diễn dịch, loại suy, tổng hợp. Họ tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống bằng giá trị phát minh và những đóng góp cho cuộc đời thông qua kiến thức phương pháp và kiến thức khoa học. Nhờ đó, đóng góp và phát minh góp phần làm cho hạnh phúc được nhân lên gấp bội.
Những người có tinh thần bay bổng như vậy, mặc dầu đã thoát khỏi sự trầm cảm nhưng họ vẫn phải đối đầu với nỗi khổ niềm đau bởi những lời thị phi, khen chê chi phối. Đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, từng sống dưới ánh đèn huyền ảo lung linh nơi sân khấu, với những tràng pháo tay, tung hô, ca tụng của các phương tiện thông tin đại chúng sẽ bị xúc cảm chi phối. Khi hiểu và thông cảm thì họ làm hết mình. Nhưng nếu không thông cảm có thể họ bỏ cuộc nửa chừng. Biết khen tôi thì tôi phục vụ, đóng góp. Còn không thì tôi ra đi!
Bản chất kiến thức trên nhận thức ở mức độ vừa phải vẫn chịu chi phối của dòng cảm xúc. Ở mức độ cao hơn, thì thức tưởng sẽ đặt trên nền tảng sự quán chiếu, qua công thức đánh giá bản chất sự vật đúng như thực thể của chúng đang là. Những người như thế sống rất khô khan về tình cảm, cứng rắn về tánh tình, không thiên vị và rất khách quan trong mọi quan hệ và phán đoán.
Mặc dầu họ có tình thương, tình yêu hay tôn trọng, nhưng lại ít khi biểu lộ trong giao tiếp. Do đó, để hiểu được họ phải có cặp mắt nhạy cảm bằng tưởng để không nhận thức và đánh giá sai. Sống chung với những người như vậy, người có nhận thức “thức tưởng” vẫn thấy được bên cạnh họ là gia tài quý giá của đời sống tình người. Nên dù khô khan nhưng ta vẫn cảm nhận được tấm lòng của họ. Điều cảm nhận như thực này mang lại hạnh phúc.
Nếu biết vận dụng tần số tâm thức ở mức độ cao hơn, chẳng hạn, tuệ tưởng hay tuệ tri, thì ta sẽ không rơi vào những phản ứng tâm lý cực đoan, không chìm vào dòng cảm xúc bị đóng băng.
Người như thế sẽ không cường điệu cảm xúc và những tình huống thăng trầm, vinh nhục, bại thành, phút chốc đối với họ chỉ là những vầng mây bay trong hư không, không để lại dấu vết. Thậm chí trong ứng xử, khi tiếp xúc với các thái độ tiêu cực của người khác như sân hận, bực dọc, khó chịu, cau có, giận dữ, họ vẫn thản nhiên. Thái độ phản ứng mang tính chừng mực và trung dung như thế sẽ giúp cho ta vượt qua được sóng gió của cảm xúc vô thường và khổ đau.
Nhờ tuệ giác con người có thể sống thích ứng với mọi hoàn cảnh và môi trường. Hãy liên tưởng đến hình ảnh con tắc kè và kỳ nhông, hai con này có khả năng thích ứng môi trường rất cao qua sự biến đổi màu sắc của chúng. Nếu nó đang bò trên tảng đá màu xám thì da của nó sẽ có màu xám hoặc tương tự. Còn nếu nó đang bò trên thảm cỏ xanh thì da của nó sẽ chuyển sang màu xanh. Cứ như vậy tùy theo sắc màu của môi trường mà nó đang hiện hữu, đổi màu cho phù hợp, để tự tạo ra sự an ninh. Mục đích đổi màu của chúng là tránh bị kẻ thù phát hiện và tấn công.
Phải biết vận dụng khả năng ứng xử mang tính tuỳ duyên và quyền xảo để không bị khổ lụy trong các hoàn cảnh trái ngang. Hòa đồng cùng hoàn cảnh bằng thái độ sống chung với ngang trái mà không bị hoàn cảnh chinh phục, không bị bắn rơi bằng mũi tên đau khổ, chính là nghệ thuật và con đường của hạnh phúc. Nếu trong hoàn cảnh trái ngang, biết tạo được niềm vui và hạnh phúc, làm cho con người trở thành một bậc trí.
Đức Phật đã lấy hình ảnh hoa sen làm ví dụ. Bùn nhơ, nước đọng là môi trường sống của một số loài cá, côn trùng, thủy tộc hôi tanh. Nhưng hoa sen sinh ra, trưởng thành trong bùn nhơ hôi thối, chẳng những không bị bùn làm mất giá trị, mà trái lại, tận dụng môi trường này tự làm cho nó được lá xanh, hoa đẹp ngào ngạt hương thơm.
Như cung cách của loài sen, nếu chúng ta biết chế ngự dòng cảm xúc tiêu cực, khổ đau của mình trong các nghịch cảnh, đôi lúc làm cho chúng ta chìm vào đen tối, nỗ lực chuyển hóa cảm xúc sẽ giúp ta có được cuộc sống tốt lành tỏa ngát mùi hương an lạc. Chuyển hóa cảm xúc sẽ giúp ta trở thành một hoa sen xinh đẹp, thơm tho giữa cuộc đời khổ đau.
Quan niệm về sự thích ứng trước nghịch cảnh giống như hình ảnh của con cắc ké thích ứng với môi trường hiện hữu, giúp cho chúng ta sống một cách hài hòa với nghịch cảnh, để từ đó tận dụng lợi thế của nghịch cảnh huấn luyện bản thân. Làm được như vậy, chắc chắn rằng cuộc sống không bao giờ bị khổ đau chi phối, vì dòng cảm xúc sẽ không còn dịp để cường điệu. Khi đó, vui cũng không vui quá mức và buồn cũng chẳng buồn thêm.
KHOANH VÙNG CẢM XÚC
Theo đức Phật, nếu có những nỗi niềm khổ đau về cảm xúc, thì chúng ta phải biết khoanh vùng nó lại nếu chưa thể chuyển hoá.
Trong cuộc sống, chúng ta khó có thể tránh khỏi sự va chạm, phiền toái không cần thiết. Nào là chuyện bất đồng ở cơ quan, chuyện cau có ở công sở, cũng như việc đối đầu với tất cả những người mà họ chuyên mang lại cho mình nỗi bực dọc.
Phật dạy, phải quên nó trước khi vào nhà, nếu không mình sẽ trút tất cả rắc rối đó lên người thân, không khéo tạo ra oan trái cho nhau. Trong suốt tám giờ làm việc mệt nhọc ở công sở, thay vì về nhà được hâm nóng hạnh phúc của gia đình, thì chúng ta lại bị nỗi rắc rối, bực dọc kia hành hạ. Nếu không cẩn trọng, chúng có thể thiêu rụi tất cả mọi hạnh phúc của gia đình.
Phương pháp khoanh vùng cảm xúc là nghệ thuật tốt để khống chế nỗi khổ niềm đau. Nghệ thuật này cũng giống như việc tiêm chủng vậy. Vào mùa chó dại, mùa vịt sa xuất hiện, hay bệnh hô hấp cấp tính, dịch cúm gia cầm đang diễn ra chẳng hạn, chúng ta phải khoanh vùng vi khuẩn đó lại bằng cách tiêm chủng những loại thuốc đặc trị hữu hiệu. Thuốc đặc trị chính là những loại vi trùng ốm yếu của loại vi trùng thật, khi chúng được đưa vào cơ thể, chất kháng thể mới biết cách để phòng bị. Khi cơ thể có sự phòng bị tốt, nắm được chiến lược và chiến thuật, chúng có thể đánh một cách thành công, nếu có bất kỳ loại vi trùng nào tương tự xâm nhập vào. Tương tự, nghệ thuật tiêm chủng và khoanh vùng nỗi khổ niềm đau cũng như vậy, chúng ta đừng lưu giữ dòng cảm xúc khổ đau và cũng đừng để nó lan toả ra toàn thân.
Để khoanh vùng cảm xúc khổ đau, đức Phật dạy chúng ta không nên đè nén, bởi vì đè nén sẽ làm nỗi khổ niềm đau gia tăng và trương sình thêm, đến lúc nào đó sức đè nén không còn nữa thì khổ đau sẽ thể hiện ra bên ngoài, lúc này coi như chúng ta trở thành người thất bại.
Để giảm bớt nỗi khổ niềm đau, chúng ta khoanh vùng chúng bằng cách chặt đứt những gì liên hệ trong quá khứ; tiếp đến, chúng ta chặt đứt những gì quá kỳ vòng về điều gì đó ở tương lai. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta trở thành người chỉ nhìn một chiều ở hiện tại. Đừng lưu tâm đến dòng chảy cảm xúc có liên hệ nỗi khổ niềm đau trong quá khứ vì: mỗi lần hình dung, liên tưởng, nhớ về những chuyện đã qua là chúng ta sẽ khổ đau thêm.
Ví dụ, ba chục năm về trước, cô hoa hậu hoàn vũ rất đẹp và nổi tiếng. Nhưng giờ đây các bà ấy đã ở độ tuổi ngũ tuần, sắp tròn sáu mươi, mỗi lần nhớ lại một quãng đời trẻ đẹp ba mươi năm về trước, nhiều bà cảm thấy đau khổ và khó chịu lắm. Khi soi gương không tin là mình, bởi vì gương mặt đẹp ngày xưa của bà đã một thời chiếm lĩnh được lòng ngưỡng mộ của rất nhiều người trên khắp thế giới. Biết bao nhiêu bài báo đã ca tụng về bà, nhiều công ty xin ký hợp đồng để quảng cáo hình ảnh trên sản phẩm của họ, chẳng hạn như kem dưỡng da, hoặc những tạp chí in hình bà lên để bán chạy.
Tất cả những thứ đó giờ đây không còn nữa. Cho nên mỗi lần liên tưởng và tiếc nuối về những cái mà hiện tại không còn, các hoa hậu và người đẹp nói chung cảm thấy nỗi khổ niềm đau gia tăng dữ dội. Chúng ta nên khoanh vùng, để trong giây phút hiện tại, dòng cảm xúc không trở về với những cái đã qua, mình có cuộc sống hiện tại này với tất cả ý nghĩa và giá trị của nó.
Hãy khoanh vùng cảm xúc theo chiều tích cực, đừng để tâm mình bị trói buộc vào khổ đau và bất hạnh. Vì khi hồi tưởng về niềm hạnh phúc, những thành công huy hoàng, tốt đẹp đã qua làm cho cảm giác nuối tiếc xuất hiện, tạo ra nguồn năng lượng cảm xúc mạnh, khiến chúng ta quên giá trị hạnh phúc đang có trong hiện tại.
Ngược lại, người đặt quá nhiều hy vọng vào tương lai mà không có cơ sở để thực hiện, sẽ rơi vào chủ nghĩa duy lý hay duy ý chí. Do đó, mỗi khi đối đầu với thất vọng, ước mơ không thành tựu thì khổ đau, sầu muộn và bi quan diễn ra.
Kinh điển nhà Phật dạy chúng ta không nên rơi vào tình huống “cầu bất đắc”. Bởi vì, trạng thái cầu bất đắc là một nỗi khổ to lớn. Nhà Phật cũng dạy đừng chạy theo tương lai ảo tưởng. Ví như nhiều chương trình được thiết lập, trong khi hiện tại chúng ta không có một điều kiện nào để thực hiện, cũng không có gì để biến chúng thành hiện thực, thì những mơ ước dù chánh đáng như thế vẫn mang lại bất hạnh.
Điều quan trọng là cần phải gieo được nhiều nhân lành, như những quả trứng gà có trống. Khi trứng gặp môi trường nhiệt độ thích hợp, tự thân nó chuyển hóa và cho ra chú gà con. Rồi những chú gà con sẽ tạo ra những chú gà mẹ, gà cha và cứ tiếp tục như vậy, sẽ có đàn gà gấp nhiều lần những quả trứng ban đầu. Nếu cứ mơ tưởng có một đàn gà, mà không tìm cách để có những quả trứng gà có trống ban đầu cùng với điều kiện thích hợp, thì vĩnh viễn chúng ta không có được.
Phải khoanh vùng và giới hạn cảm xúc trong mấu chốt hiện tại, để dòng cảm xúc khổ đau hay tiếc nuối không xâm chiếm. Cuộc đời có chiều kích thời gian và không gian hạn định, hãy nhìn những giá trị của hiện tại mà phấn đấu vươn lên.
Sau năm 1975, nhiều người Việt Nam bỏ nước ra đi. Đến khi đặt chân lên mảnh đất của xứ người với rất nhiều ước nguyện, mơ tưởng, có nhiều người phải thất bại, nỗ lực nhiều mà thành công chẳng được bao nhiêu. Dòng cảm xúc đó làm cho nhiều người nghĩ rằng, mọi việc trên đời đều có sự sắp đặt của đấng tạo hóa. Vì nghĩ rằng, con người có vận mệnh, nên họ trở nên nhụt chí, sinh ra tư tưởng tiêu cực, chấp nhận định mệnh một cách mù quáng, không còn tha thiết gì trong đời, vì nghĩ mình không thể làm gì trong hoàn cảnh trái ngang. Như vậy trong khổ đau có người thành công tột độ, lại có người bế tắc hòan toàn. Sự khác nhau nằm ở cái nhìn, thái độ và phương pháp giải quyết vấn đề.
Sự thành công hay thất bại chỉ có một phần liên hệ tới phước lực, công đức những gì đã tạo ra trong quá khứ, trong khi phần lớn, nếu không nói toàn bộ liên hệ đến thái độ nhận thức và phương pháp của con người trong hiện tại. Trên thực tế, phước lực chỉ đóng vai trò tối đa là 30%. Nhờ phước lực đó, các quán tính thói quen thích hợp sẽ làm cho chúng ta vượt qua chướng ngại, nghịch cảnh, gian truân, thử thách. Trong khi, 70% còn lại nằm ở sự nỗ lực của bản thân.
Khi biết nghiên cứu có phương pháp, vượt qua mọi gian truân, thử thách, thường thì sẽ có được kết quả tốt đẹp. Nó mang lại cho chúng ta nỗi niềm hạnh phúc rất xứng đáng.
Khoanh vùng cảm xúc trong hiện tại để không than trời trách đất về những chuyện không đâu. Tạo cơ hội phấn đấu hay tinh tấn nhiều hơn để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực. Tinh tấn là nỗ lực không ngừng, đến lúc không còn đích điểm nào để vươn tới nữa thì mới dừng. Lúc đó, nên biết rằng không hề có hên xui, mà là một tiến trình của nỗ lực có phương pháp nên làm cho cuộc sống có thêm giá trị.
Quy trình cuộc sống lúc đầu được diễn ra giống như con đường làng nhiều cỏ, sình lầy, trơn trợt, gập ghềnh, khúc khuỷu khó đi. Sau một thời gian với nỗ lực của con người, con đường được nâng lên đi lại dễ dàng hơn. Thêm một thời gian phấn đấu nữa, cho đến khi nào con đường được tráng nhựa bóng láng, phẳng phiu thì mới gọi là đến đỉnh điểm.
Như vậy, muốn đạt được giá trị hạnh phúc phải có những tiến trình dài, trải qua nhiều giai đoạn giá trị khác nhau. Mỗi người đều có khả năng đóng góp công sức vào công trình và giá trị hạnh phúc này. Vì vậy, chúng ta cần phải tinh tấn thì mới có thể biến con đường làng trơn trợt trở thành đường nhựa tràn đầy hạnh phúc.
Cuộc sống phải tinh tấn không ngừng để tiến bộ. Nếu ta dừng lại sẽ bị nỗi khổ niềm đau chi phối và khống chế ngay. Nếu chỉ có tinh tấn thì chưa đủ mà phải có lòng kiên nhẫn và biết phương pháp. Lòng kiên nhẫn là một trong những cách thức huấn luyện dòng cảm xúc, giúp cho con người thích ứng với hoàn cảnh môi trường dễ hơn; đồng thời có thể chịu đựng những khắc nghiệt, oan trái; vượt qua dòng chảy cảm xúc tiêu cực.
Trong khi đó, phương pháp luận sẽ giúp chúng ta làm đến đâu có kết quả đến đó, không sợ và không khuất phục số phận. Do đó với tinh tấn và lòng kiên nhẫn, con người có thể khoanh vùng cảm xúc vào trong mấu chốt của đời sống hiện tại, để nó không có cơ hội dong ruỗi về quá khứ hay bay lượn về tương lai.
Sau một thời gian nỗ lực nhiều người đã có thể xây dựng được cơ đồ của mình. Đó là những gì chúng ta nhìn thấy được từ những người Việt Nam ở hải ngoại. Chỉ trong 30 năm thôi, có người đã tạo được cơ ngơi sự nghiệp vững vàng hơn cả người bản địa. Người đã làm chủ một công ty lớn, người đã là triệu phú trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, sánh vai với những cộng đồng quốc tế. Tất cả những thành công đó là nhờ có phương pháp, biết cách khoanh vùng cảm xúc trong hiện tại để thích ứng với môi trường mới. Như vậy, sự khoanh vùng cảm xúc trong hiện tại có ý nghĩa rất lớn.
Có cách tạo ra sự khoanh vùng cảm xúc là đừng làm cho dòng cảm xúc lây lan. Nỗi khổ niềm đau của thế hệ cha ông không nên truyền xuống cho thế hệ con cháu. Nỗi đau của người chồng đừng truyền sang người vợ và ngược lại. Đức Phật thường sánh ví cảm xúc lây lan như là ngọn lửa, một khi được bén rồi sẽ có khả năng đốt cháy và thiêu huỷ dây chuyền.
Khi làm ăn thất bại, bị đối tác lừa đảo, thuộc hạ lừa gạt, nỗi khổ, niềm đau đó làm cho mình nghĩ rằng, tại sao đã sống hết lòng, mà người khác vẫn không chân thật với mình, quá ư là đau khổ. Rồi chúng ta truyền những cảm xúc đau buồn đó đến với những người thân thiết nhất.
Sự lây lan và trao truyền cảm xúc tiêu cực như thế khó được đồng cảm, vì họ không có thời giờ để lắng nghe. Đau khổ mà ta cứ lập đi lập lại tình khúc cảm xúc như vậy làm cho họ nhàm chán, không còn cảm thông hay thiết lập nhu cầu sự lắng nghe và chia sẻ. Bấy giờ, ta sẽ buồn bực và nghĩ rằng những người thân thương nhất cũng không còn lòng tốt với mình. Mình đau buồn và đóng cửa lại một mình trong không gian bốn bức tường, cách biệt với mọi người xung quanh. Làm như vậy là đang khoanh vùng cảm xúc thiếu phương pháp, không có nghệ thuật chút nào.
Nền văn hóa phương Tây tôn trọng quá mức sự riêng tư (privacy). Nếu chúng ta va chạm vào một điều gì đó ta có thể làm tổn thương bản ngã người khác. Họ sống rất lãnh cảm vì nghĩ mình đã đầy đủ phương tiện sinh hoạt, đủ cơ hội, thời gian, tiền bạc để thưởng thức những giá trị mà họ muốn, nên tình cảm thân thuộc trong gia đình bị vơi đi rất nhiều. Đó là một trong những lý do quan trọng mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã phải trải qua giai đoạn va chạm ý thức hệ văn hóa của hai thế hệ trong một gia đình. Con cái không muốn cha mẹ đặt để khuynh hướng, buộc họ phải đi theo cha mẹ, giống hai thanh sắt của đường ray xe lửa buộc phải chạy trên nó theo một hướng đi duy nhất, không được chạy theo con đường nào khác. Như thế, thế hệ đi trước nói rằng là chiếc xe lửa phải đặt trên đường ray. Rời khỏi đường ray thì xe lửa sẽ bị lật ngã ngay. Dĩ nhiên, sự quan tâm của thế hệ đi trước là có lý do chính đáng, dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm bản thân. Họ đã từng khổ đau, đã từng sụp đổ và cũng đã từng đứng dậy gầy dựng cơ đồ và tìm lại được những giá trị của hạnh phúc. Vì vậy, họ muốn thế hệ con cháu phải đi theo con đường mà họ đã đi qua.
Khi tiếp xúc với nền văn hóa mới, thế hệ trẻ muốn có cách đi riêng, họ muốn tạo riêng con đường ray trong nền văn hóa “vay nợ” của nền kinh tế thị trường phương Tây để phấn đấu vươn lên. Họ nỗ lực phấn đấu làm việc và theo con đường vay nợ để tạo nên cơ nghiệp, có thể trả dứt điểm những gì đã vay.
Tự lực là thói quen tốt, có thể giúp trở thành chủ nhân của chiếc đường ray mới và họ chính là cái đầu tàu chứ không phải là cái toa bị kéo đi một cách thụ động.
Sự mâu thuẫn về hai nền văn hóa khác nhau trong một gia đình đã làm cho nhiều gia đình bị khổ đau và mất hạnh phúc. Nếu thế hệ đi trước không nhìn thấy trong nền văn hóa mới cũng cần có nhu cầu thích ứng, để sẵn sàng cảm thông và chấp nhận tình trạng tiếp biến văn hóa của thế hệ đi sau, sự va chạm giữa hai nền văn hóa mới và cũ trong hai thế hệ trước và sau là điều khó có thể tránh khỏi.
Khoanh vùng văn hóa là nhu cầu cần được đặt ra, người sống trong tương quan văn hóa đừng đặt toàn bộ nền văn hóa Việt Nam truyền thống lên thế hệ con cháu của mình vốn được sinh ra và lớn hơn trong nền văn hóa khác. Ngược lại, cũng đừng rập khuôn nguyên vẹn nền văn hóa phương Tây làm chủ đạo đời sống bản thân. Cho dù nền văn hóa mới có tốt đẹp đến bao nhiêu đi nữa, cũng đừng quên rằng, ta đang mang trong người dòng máu của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, thế hệ đi sau không nên buộc thế hệ cha anh của mình phải tôn trọng sự lựa chọn văn hóa của mình một cách tuyệt đối. Trong trường hợp này, chúng ta nên khoanh vùng văn hóa với những biên giới của sự tương nhượng, mà hai bên cần phải tôn trọng những cái hay khác biệt, thay vì kháng cự hay phủ định nó.
Chúng ta biết con cháu Việt Nam sống tại hải ngoại đang tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây một ngày 16 tiếng, trong khi đó tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam, nơi chúng được sinh ra và lớn lên chỉ có 2 tiếng sinh hoạt gia đình thôi. Khi đi làm về quá sớm hay quá trễ thì về nhà chỉ có ăn xong rồi ngủ. Như vậy nền văn hóa gốc sẽ bị xa dần cho đến khi nó cảm thấy xa lạ và một ngày nào đó sẽ đi sâu vào quên lãng.
Nếu khoanh vùng một cách tuyệt đối như vậy, thì người trong một nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu mà tâm tư, tình cảm, ý thức hệ, cách thức suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Như thế, thật là tệ hại và bế tắc. Khoanh vùng cảm xúc văn hóa là cách thức để nhìn thấy sự khác biệt về văn hóa, cộng đồng, ý thức, lý tưởng trong dòng cảm xúc ứng xử giữa những người thân ruột thịt của mình. Hiểu được điều đó thì dòng cảm xúc không bị truyền theo hướng tiêu cực, nhờ đó, không tạo ra nỗi bất hạnh.
Khi đau khổ có mặt trong công sở thì giải quyết trong công sở, đừng mang về nhà. Chúng ta khoanh vùng cảm xúc ở bất kỳ chỗ nào, nỗi khổ niềm đau nào xuất hiện giữa những người thân trong nhà thì khoanh vùng theo cách thức tiêm chủng, chích ngừa không để lây lan. Cũng đừng mang chuyện nhà vào công sở thuật lại với bạn đồng nghiệp hay người đối tác. Bởi nếu chúng ta sống như vậy thì cảm xúc khổ đau lúc nào cũng có mặt trong dòng tâm tưởng. Như vậy, dù có giàu sang cũng không hưởng được giá trị của hạnh phúc.
Cách đây vài năm, tôi gặp một bà lão tám mươi mấy tuổi. Mỗi ngày bà đến chùa niệm Phật, tụng kinh rất hạnh phúc, vì gương mặt bà lúc nào cũng nở những nụ cười an lạc. Có lần tôi đi ngang qua chỗ tôn thờ Đức Quan Thế Âm Bồ tát thấy bà đang lễ lạy, vái van, mật niệm. Quan sát thấy đôi mắt bà ngấn lệ, vài giọt lăn dài trên đôi má gầy ốm. Biết bà đang chìm trong dòng cảm xúc khổ đau tột độ, tôi cũng lặng người. Sau đó, mời bà đến phòng khách, thăm hỏi sự tình:
- Bà có tâm sự gì hay không? Bà hãy trình bày cảm xúc của bà, biết đâu tôi có thể hỗ trợ bà vượt qua.
- Chồng tôi năm nay gần 90 tuổi rồi.
- Vậy ông nhà có khỏe không?
- Cám ơn thầy, ông nhà vẫn khỏe, không bệnh tật gì.
- Các con cháu bà thế nào?
- Dạ bạch thầy! Tôi có tất cả bốn người con.
- Những người con có hiếu thảo với bà không?
- Mấy đứa rất hiếu thảo ạ! Đứa nào mỗi tháng cũng cung cấp tiền, không chỉ đủ sống, tôi còn có cơ hội làm việc phước thiện như cúng chùa, đúc tượng Phật, in kinh, phần còn lại giúp người neo đơn bất hạnh.
- Như vậy, bà hạnh phúc quá rồi. Có gì mà phải khổ đau?
- Bạch thầy! Tôi xin thưa thiệt, nhưng thầy giữ “bí mật” giùm cho. Chứ có ai biết được thì kẹt cho tôi lắm nghe thầy.
- Bà yên tâm. Chúng tôi không nói cho ai nghe đâu.
- Thú thật với thầy, người chồng hiện nay của tôi có bốn mặt con không phải là người tình đầu tiên. Tôi đã từng yêu một người rất tâm đầu ý hợp, nhưng hoàn cảnh trái ngang, không môn đăng hộ đối nên đành phải chia tay. Sợ tôi cảm thấy khó chịu và khó xử, ông ấy đã tự tử. Trước khi ra đi ông ấy có để lại lời nhắn nhủ chân thành: “Mong rằng em hãy sống trọn cuộc đời với người mà cha mẹ em sắp đặt. Cha mẹ đặt đâu em ngồi đấy. Nếu em hạnh phúc thì nơi chín suối anh cũng hạnh phúc theo. Còn nếu như em không được hạnh phúc, anh ân hận vô cùng. Anh xin hy sinh tình cảm khổ đau của mình để cầu mong em được hạnh phúc”.
Bây giờ cuộc sống của tôi được may mắn và hạnh phúc. Chồng hiện tại rất lý tưởng, không kém gì ông ấy trước đây. Cũng giàu tình thương yêu quảng đại, chưa bao giờ có lời cãi vã như bao gia đình khác. Con cái thành đạt, nhà cao cửa rộng, vui vẻ sum vầy. Thế nhưng, mỗi lần tôi nhớ về người tình quá khứ, nhớ lời di chúc của ông ấy là tôi lại khổ đau giằng xé đến tột cùng. Không sao chịu nổi thầy ơi!
Nghe vậy, tôi khuyên bà: Nhà Phật thường quan niệm hạnh phúc đôi lúc không chỉ được tạo nên bởi chính mình mà còn được hỗ trợ của người khác. Tất cả mọi thứ trên đời đều diễn ra theo quá trình tương tác nương vào nhau mà có, hình thành, phát triển và hoại diệt. Không nên quá sầu bi về những gì bây giờ không còn là hiện thực nữa. Hãy buông bỏ nỗi khổ niềm đau trong quá khứ. Nên khoanh vùng cảm xúc lại mà sống hết mình với chồng con, đừng sống theo cách thức đóng tuồng. Có thể bà đang sống chưa thật hết mình với chồng con, mà bà đang diễn tuồng. Bởi vì, bà không muốn cho chồng biết bà đang bị khổ đau vì sự hy sinh của người tình. Duyên nợ khó ai biết trước được, lại càng không thể biết hết được.
Nhiều khi chúng ta thương một người mà sống chung với một người khác. Nếu biết cách có thể san lấp tình cảm bị hụt hẫng kia, đổ dồn vào đời sống hiện tại. Như vậy, cuộc sống mới thật sự có ý nghĩa, bằng không những giá trị hiện tại bị đẩy lùi về quá khứ. Vì thế, những giá trị hạnh phúc hiện tại không cảm nhận được, mà đau buồn vì nuối tiếc quá khứ, quả là một uổng phí.
Khoanh vùng cảm xúc quá khứ để thấy được sự hiện hữu hạnh phúc trong hiện tại. Tự bản thân của sự khoanh vùng đã có ý nghĩa, có giá trị hạnh phúc. Trước hết, giá trị được đặt ở cái đang có mà người khác không được may mắn như chúng ta. Khi nhìn lại cuộc đời, mình đã từng trải qua bao gian truân thử thách mà vẫn còn khỏe mạnh, đủ đầy tay chân, mặt mũi, dù có nghèo khó, chúng ta vẫn có được hạnh phúc.
Đức Phật nói: “Khi nhìn thấy toàn vẹn thân thể mà cảm thấy hài lòng là có hạnh phúc rồi”. Đến lúc không còn tác dụng của giác quan, tứ chi, chúng ta mới thấy được giá trị đã đánh mất trong quá khứ là rất lớn. Nhìn thấy hạnh phúc đang có như con thương kính cha mẹ, chia sẻ với cha mẹ nỗi khổ, niềm đau dù không có nhiều về điều kiện vật chất, nhưng chúng ta vẫn là người được hạnh phúc.
Một trong những cách thức thiết lập hạnh phúc là biết hài lòng với những gì đang có. Sau quá trình nỗ lực cam go và thử thách mà vẫn không đạt được những điều mong muốn thì đức Phật dạy đừng bao giờ tiếc nuối nữa. Cứ tiếp tục nỗ lực, người biết sống khoanh vùng cảm xúc trong quá khứ sẽ không bị bất hạnh chi phối ở hiện tại.
CHIA SẺ NỖI LO
Một khuynh hướng khác để chuyển hóa cảm xúc là đừng cường điệu theo kiểu bao biện cảm xúc vượt quá sức chịu đựng của bản thân hãy chia sẻ với những người thân.
Có bà lão tuổi cao sức yếu đã trải tình thương đến cho mười mấy mặt con, mà vẫn chưa hài lòng, bà còn đổ dồn tình thương cho những đứa cháu. Niềm hạnh phúc của con cháu chính là hạnh phúc của bà. Đôi lúc, con cháu xem tình thương của ông bà như là một trách nhiệm, bận bịu suốt cả cuộc đời, không một giây phút thảnh thơi. Đây là điều không được hay lắm.
Bà có đứa cháu đến tuổi trưởng thành không gặp may mắn, phải bỏ học đi bán áo mưa. Mùa mưa tới thì cũng kiếm được chén cơm, manh áo không đến nỗi gì. Một đứa cháu khác cũng bất hạnh không kém, làm phụ việc cho người bán cháo. Mùa mưa đến thì quán hàng cháo bị ế ẩm, nên khó khăn chật vật vô cùng. Vì vậy, khi mùa mưa đến bà cảm thấy khổ đau. Thấy vậy, có người hỏi tại sao trông bà khổ sở khi mùa mưa đến, nhà bà đâu có nghèo? Bà nói: Tôi có mấy đứa cháu, đứa bán cháo, đứa bán áo mưa. Mùa mưa đến, đứa bán áo mưa thì hạnh phúc, còn đứa bán cháo thì ế ẩm. Nên tôi khổ quá vì không cách nào kiềm lòng cảm xúc được, khi nghĩ đến đứa bán cháo.
Đến hôm trời nắng gắt, người ta cũng thấy bà lại khóc. Thấy vậy, có người hỏi: Sao bà lại khóc? Bà nói bây giờ trời nắng như thế này thì làm thế nào đứa bán áo mưa kiếm sống được nên tôi không an tâm. Những nỗi lo như thế làm tôi khó chịu vô cùng. Người phụ nữ này có lòng thương cháu nhiều quá.
Bao biện cảm xúc thương yêu đối với con cháu có thể mang lại hạnh phúc cho người có khuynh hướng bao sân trong quan hệ tình thương, đặc biệt khi có mặt các điều kiện đáp ứng được nguyện vọng, và con cháu được thành tựu. Ngược lại, nếu các điều kiện không thành tựu, mong muốn không được thỏa mãn, thì dòng cảm xúc sẽ làm chúng ta khổ đau. Như vậy, khi cường điệu cảm xúc sẽ không bao giờ chúng ta sống một cách thoải mái, an vui trong đời.
Trong quan hệ gia đình, cha mẹ gần như đổ dồn tình cảm cho thế hệ con cái nhiều hơn con cái dành cho cha mẹ. Lúc còn nhỏ, con cái không có cách thức nào khác là nương tựa vào cha mẹ để sống. Tất cả kiến thức, tình cảm của trẻ đều từ cha mẹ mà có. Nhưng đến tuổi trưởng thành con cái đều lập gia thất và có cuộc sống riêng. Bao nhiêu tình thương yêu dành cho vợ chồng con cái, lòng thương tưởng đến cha mẹ không còn như ngày xưa nữa. Bấy giờ dòng cảm xúc dành cho cha mẹ giảm đi rất nhiều.
Bản chất giới tính giữa trai và gái khác nhau căn bản ở dòng cảm xúc ứng xử. Con gái vẫn còn giữ lại sợi dây tình cảm nhất định đối với cha mẹ ruột. Vì người nữ có cảm xúc dâng trào, cảm nhận được tấm lòng bao la vĩ đại mà cha mẹ đã dành cho họ. Người nam thì khô cằn hơn, không nhạy cảm. Do đó đứa con trai dứt ra dòng cảm xúc và có thể đối xử với cha mẹ một cách khô cằn giống như cha của họ đối xử với họ vậy. Nếu chúng ta hiểu được điều này thì đừng quá bận bịu, lo lắng mà sống với tất cả giá trị của mình. Sống qua rồi thì buông bỏ nỗi lo xuống, mới cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Nỗi lo không giúp cho chúng ta giải quyết được vấn đề, ngược lại làm vấn đề rối rắm nhiều hơn.
Nhiều người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở Hoa Kỳ mua nhà trả góp, mỗi tháng phải trả ngân hàng 1.000 đến 2.000$ để tháo gỡ nợ mua nhà. Họ phải đóng tiền cho một số loại bảo hiểm nhất định. Sau khi lãnh lương chỉ còn vài trăm để chi tiêu. Chưa nói đến các khoản chi trong quan hệ giao tế cộng đồng. Khi nghe tin người thân ở Việt Nam bị hoạn nạn, trong lòng bứt rứt vô cùng, nên phải cắt xén phần chi tiêu của bản thân gởi về giúp đỡ. Đối với người có dòng cảm xúc cường điệu, khi người thân bị bệnh, việc giúp đỡ tiền bạc vẫn chưa cảm thấy an tâm, trong lòng luôn lo lắng. Rõ ràng, dòng cảm xúc này đâu làm cho người thân giảm bớt bịnh đau. Cái khổ đau vật lý đó vẫn đang được trưởng thành hằng ngày, hằng giờ theo quy luật mà đức Phật nói: Hễ già phải bệnh, hễ bệnh phải khổ đau mà khổ đau thì người đó phải chấp nhận. Không ai có thể vào đó để thay thế nỗi khổ niềm đau mà họ đang có. Vậy mà chứng bệnh của người thân vẫn làm cho chúng ta không bao giờ cắt đứt dòng cảm xúc của mình đối với người ở cách xa vời vợi. Như thế chỉ làm cho người đó cảm thấy nặng trĩu cõi lòng hơn.
Theo quan niệm của nhà Phật, hãy chia sẻ những gì chúng ta đang có cho những người thân. Sự chia sẽ này là nhu cầu rất cần thiết. Chúng ta có thể cắt bớt một phần nhỏ chi tiêu gởi cho những người thân, người nghèo đang gặp khó khăn. Điều này rất tốt. Bởi vì, nó giúp cho người kia hạnh phúc và ta cũng cảm thấy vui trong lòng.
Chẳng hạn như người đang sống vùng thôn quê hẻo lánh, số tiền khoảng hai triệu đồng là cả một sự nghiệp mà người đó lao động nhiều năm chưa chắc đã dành dụm được. Nếu chúng ta ở đây có thể góp nhau mỗi người một chút rồi thông qua các tổ chức từ thiện, giúp họ có điều kiện mổ mắt với số tiền khoảng 500.000đ VN, tương đương 33 đô la mỗi ca. Làm như vậy chúng ta đã mang lại ánh sáng cho người bất hạnh hơn mình, giúp cho người được sáng mắt sống trong hạnh phúc với gia đình.
Chúng ta nên mở lòng từ bi và mong rằng mọi người đều có được ánh sáng, niềm vui, công ăn việc làm đầy đủ. Hiếm ai thuê mướn người mù làm việc. Vì vậy, người mất ánh sáng là người mất đi khá nhiều cơ hội.
Người bất hạnh nên chặn đứng dòng cảm xúc lại. Người phát tâm làm việc lành, giúp cho những mảnh đời bất hạnh cũng nên chuyển hóa cảm xúc, khi nhìn thấy hoặc cảm nhận nỗi đau khổ của người khác. Lo cho người thân là điều nên làm nhưng đừng quá bi lụy về người thân đó. Chia sẻ tài sản của mình cho họ thôi, còn nỗi khổ nỗi lo chúng ta hãy chận đứng lại, để trong cái lo, sự phát tâm, sự lao lực của chúng ta mang lại trạng thái thơ thới, thoải mái cho người cần giúp. Được vậy thì cả hai đều cảm thấy hạnh phúc trong lòng.
LIÊN MINH CẢM XÚC
Sự cường điệu làm cho cảm xúc trương phình lên, giống như trạng thái bơm hơi vào bong bóng. Vì bong bóng có một sức chứa nhất định, nếu cố bơm hơi vào thì bong bóng sẽ nổ tung. Do đó khi vui quá mức hay khổ cùng cực làm cho hoạt động của cơ thể và tâm không chịu nổi. Vì vậy, nhiều người sau cuộc vui hoặc một trận khổ có thể bị tai biến mạch máu não, hay bị những chứng bệnh về tim mạch v.v... Cường điệu cảm xúc là đẩy lùi hạnh phúc về quá khứ hoặc xua đuổi các hạnh phúc trong hiện tại đi vào sự mơ tưởng tương lai. Khi cắt đứt gốc rễ hiện tại, dù cho có đầy đủ điều kiện vật chất và các phương tiện sống, nhưng vĩnh viễn chúng ta không hít thở được bầu không khí hạnh phúc. Như vậy, chúng ta đang trở thành người bất hạnh.
Hãy sống với trạng thái cảm xúc thăng bằng, nhẹ nhàng, thư thái, thảnh thơi. Lúc đó, bạn sẽ cảm nhận được những gì đang có, và không mặc cảm với những gì không có. Như vậy bạn thoát khỏi mặc cảm, khổ đau, không còn than trời trách đất. Cường điệu cảm xúc có thể tạo cho chúng ta những liên minh trong cuộc sống.
Người vợ khi biết chồng có vợ bé sau chuyến về thăm quê hay nơi làm việc. Người vợ buồn quá và hận chồng. Cơn giận khiến bà ta tìm những liên minh để trút cơn giận cho những đứa con, vạch tội người chồng cho con biết. Nếu đứa con mới 5, 7 tuổi đầu thì nó nghe và cảm nhận được nỗi khổ của mẹ. Gần gũi của mẹ nhiều, càng xa lạ với cha nên từ nhỏ nó đã có cảm giác không gần gũi với cha.
Nếu cha mẹ ly dị thì nó muốn sống nương vào mẹ. Vì muốn tạo liên minh cảm xúc, nhiều người mẹ khổ đau đã buộc con cái không được liên lạc với cha, phải cắt đứt quan hệ để trừng phạt cha mà lẽ ra đứa bé này có cơ hội tiếp xúc được dòng cảm xúc hạnh phúc với cả người mẹ và người cha. Ngược lại, nó chỉ nhận được một chiều cảm xúc của người mẹ. Còn người cha thì nó vĩnh viễn không được nhìn, dù rằng cha rất thương nó.
Nhiều người chồng, dù đã chia tay với vợ rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm con trong những ngày cuối tuần, chở đi chơi để nó không có cảm giác mặc cảm tự ti khi nhìn thấy chúng bạn được cha chở đến trường mỗi ngày. Cuối tuần được cha dẫn vào công viên, thưởng thức những nền văn hóa đẹp. Cảm xúc mặc cảm đó làm nó rất bực bội và tức tối với người đã tạo ra nỗi khổ và niềm đau cho mẹ.
Tạo ra những duyên cảm xúc như vậy, rõ ràng chúng ta đẩy con cái vào chỗ bất hạnh. Theo đạo lý nhà Phật thì người con cần phải hiếu thảo với mẹ lẫn cha. Mẹ và cha là hai đấng sanh thành có ý nghĩa quan trọng nhất trong đời người. Dù cho tình huống người con không được cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc, giáo dục trưởng thành, phận làm con cũng phải mang ơn cha mẹ, nhờ cha mẹ, mới có sự sống với hình thức con người.
Có những người mới lọt lòng ra đã bị mẹ bỏ rơi, có trường hợp như quăng vào sọt rác, bỏ bên vệ đường hoặc trước cô nhi viện. Đứa trẻ khóc la và những người thương tâm đã bế trẻ về làm con nuôi, đến ngày khôn lớn, trưởng thành. Mỗi lần nghe nói đến tình cha cao cả như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ bao la như nước trong nguồn chảy ra, những người mồ côi không bao giờ có được dòng cảm xúc như những đứa trẻ được cha mẹ nuôi nấng và thương yêu. Mỗi khi thấy đứa bé khác hoan hô vỗ tay tung tuế đối với sự hạnh phúc của cha mẹ, thì những đứa bé này mặc cảm và hận cha mẹ vô cùng.
Nếu có những tình huống tương tự như vậy thì chúng ta hãy tâm niệm và dạy cho những người kia cùng tâm niệm rằng, dù sao đi nữa chúng ta phải biết chuyển hóa cảm xúc.
Hãy tâm niệm rằng: Nếu không có mặt cha mẹ thì vĩnh viễn không có mặt ta trong cuộc đời. Nếu mất đi tình thân của người cha hoặc người mẹ, thì nên tâm niệm rằng, có lẽ cha mẹ nghèo khó quá nên không thể nào nuôi nổi đứa con trưởng thành. Nếu cha mẹ nghèo quá phải nuôi ta trong cảnh đèo bồng lực bất tòng tâm thì ta khó có thể trưởng thành và mất nhiều cơ hội thuận lợi khác. Gia đình có thể trở thành những người ở đợ hay làm kẻ ăn xin. Vì thế, cha mẹ mới đặt ta vào xó nhà người giàu, đưa ta đến cô nhi viện để ta có cơ hội tiếp xúc với tình cảm ngọt ngào của những người không con cháu. Nên dòng cảm xúc thương cảm đổ dồn vào trong lòng ta. Sự bất hạnh này tạo cơ hội để ta tiếp nhận được những hạnh phúc khác.
Nếu quan niệm được như vậy thì những trẻ mồ côi bất hạnh sẽ không còn cảm xúc hận cha hận mẹ nữa. Ngược lại, nhờ chuyển hóa cảm xúc tiêu cực, thì vẫn thầm cảm ơn mẹ cha đã biết đặt ta vào trong hoàn cảnh thích hợp. Nhờ hoàn cảnh đó mà hàng trăm người cha mẹ nuôi đã nhường cơm, áo thăm viếng ta hằng ngày với những bài ca rất hay và với những tấm lòng rất đẹp. Thỉnh thoảng, có dịp cũng nên bỏ chút thì giờ đi thăm viếng những trẻ mồ côi trong các viện cô nhi. Chúng ta mới thấy được phương diện hạnh phúc của những đứa bé này như thế nào.
Nhà Phật dạy chúng ta quan niệm rất tích cực là đừng liên minh cảm xúc. Đừng đẩy người thân nhất vào phe phái của mình để khoanh vùng cảm xúc với những người khác thì họ mới có cơ hội tiếp xúc cảm xúc với cha mẹ, anh em. Dân gian Việt Nam có câu : “Thương người thương cả đường đi, ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Khi thương một người nào đó rồi tất cả những gì người đó có chúng ta vẫn thấy đẹp, vẫn thấy quý mến và dễ thương. Còn khi ghét ai rồi thì chúng ta cô lập hoàn toàn, và thế là những gì liên quan tới người ấy cũng thấy ghét luôn.
Theo nhà Phật, chúng ta đang sống trong dòng cảm xúc liên minh, cô lập với những gì không ưa thích. Như thế là chúng ta đang rơi vào trạng thái bất hạnh. Nỗi khổ niềm đau của những người đi trước, những gì đã qua rồi, tại sao chúng ta lại ôm nó vào lòng, mà lẽ ra trong giờ phút hiện tại là cơ hội tốt nhất để tiếp nhận niềm vui và hạnh phúc.
Vì vậy, những cảm xúc thù hận của thế hệ cha ông, đừng gieo rắc cho thế hệ con cháu. Chúng ta phải lấy tinh thần vô ngã vị tha và lòng từ bi để gieo rắc sự hỷ xả, bao dung, tấm lòng thương cảm để giúp cho những thế hệ mai sau, ngày càng được thăng tiến, phát triển. Bởi trong những hận thù va chạm, xung đột sẽ không sinh sôi nảy nở những điều tốt đẹp. Chỉ có sự hòa đồng, tha thứ mới là cao thượng và tạo nên hạnh phúc mà thôi. Cũng giống như nước hòa hợp với sữa đến độ ta không nhìn thấy hai chất này tách biệt lẫn nhau thì đời sống giá trị hạnh phúc nó sẽ có mặt một cách trọn vẹn. Hiểu được như vậy thì đừng tạo bất hòa với người thân, mới có cơ hội để tiếp nhận niềm vui và hạnh phúc.
Chúng ta hãy dựa vào tinh thần nhà Phật để chuyển hóa cuộc đời bớt đi những dòng cảm xúc khổ đau, bất hạnh. Nhà Phật dạy chúng ta, nếu không may mắn rơi vào tình huống đó thì đừng vùng vẫy, hoảng hốt mà hãy bình tĩnh để giải quyết cảm xúc khổ đau một cách nhẹ nhàng, giảm thiểu được tình huống gây thương tổn ở mức tối đa. Trong chúng ta, không ít người đã từng có nỗi khổ niềm đau và đã tháo gỡ được một cách thành công. Đó chính là những bài học về sự chuyển hóa cảm xúc rất cần được phổ biến và phát huy.