Điều XII : KHOAN DUNG ĐỘ LƯỢNG

Giảng tại chùa Minh Tịnh, tỉnh Bình Định, ngày 05-07-2008
Đánh máy: Bích Thảo, Sơn Dương


12. Điều thứ 12Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung.

     Khoan dung là thái độ độ lượng. Người độ lượng là người có tâm hạnh Bồ tát. Không chỉ là ngoại giao, do mọi ứng xử đều phát xuất từ trái tim hiểu biết và lòng vô ngã vị tha nên ta không hề câu chấp bất kỳ lời nói, việc làm xấu nào của tha nhân. Nếu có người sau khi nhận thấy lỗi lầm, đến xin lỗi để cầu hòa, ta hãy hoan hỷ chấp nhận và xem như không hề nhìn thấy những oan trái hay cái gút trong quá khứ, để họ không bị đẩy vào thế chân tường, buộc phải kháng cự như cùi không sợ lở, điếc không sợ súng.

     Người khoan dung độ lượng là người nhìn thấy được tiềm năng của người khác, luôn tạo điều kiện nâng đỡ họ và nghĩ rằng “con hơn cha là nhà có phúc”. Những người đàn em, cộng sự làm việc dưới trướng, nếu ai có tài năng ta nên tạo điều kiện cho họ cơ hội đóng góp. Đừng sợ rằng nếu cho người này một vai trò, vị trí thì sức ảnh hưởng và hình bóng của mình sẽ bị lu mờ. Ai nghĩ như thế là người bỏn xẻn tri thức, cơ hội; hậu quả đời này và đời sau sẽ rất tai hại. Nâng đỡ thế hệ tương lai sẽ mang đến cho ta cơ hội làm những việc quan trọng hơn. Thái độ ứng xử như thế được gọi là người rộng lượng.

     Các chùa Bắc tông thường có thờ tượng đức Phật Di Lặc. Điểm đặc biệt của Ngài là nụ cười rất vui tươi và cái bụng rất to. Tại sao đức Phật Di Lặc có cái bụng to? Trong kinh mô tả các đức Phật, các vị Bồ tát đều có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, trong đó không có tướng tốt và vẻ đẹp nào là bụng to cả. Nữ thì phải có eo, còn ở nam là sự phương phi vạm vỡ, tại sao đức Phật Di Lặc lại có bụng to?

     Bởi vì hình tượng đức Phật Di Lặc chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa. Người Trung Hoa quan niệm bụng bự là sang, từ đó dẫn đến một ý nghĩ: Ai rộng lượng, có tấm lòng tốt thì có bụng to. Cho nên người ta thường lấy đó làm tiêu chuẩn mà cưới vợ, gả chồng.

     Quan niệm này cũng hoàn toàn phù hợp với nền văn hóa Ấn Độ. Ở đây người phụ nữ nào thon thả quá thì dễ ế chồng vì họ nghĩ rằng cô này không có phúc, sợ rằng cưới cô đó thì con cháu sinh ra mất đi cái phúc. Vì vậy mà phụ nữ Ấn Độ thường có vóc dáng mập hơn phụ nữ các nước khác.

     Chúng ta đừng bắt chước đức Phật Di Lặc có bụng to như thế bằng hình thức, mà phải bằng cái tâm. Muốn có tâm rộng lượng hoan hỷ thì ta phải có nụ cười tươi vui, thái độ ứng xử linh hoạt, thoải mái, thong dong tự tại, không câu chấp, không giữ lại nỗi buồn và niềm đau. Có được niềm vui như thế, ta sẽ có được hạnh phúc và độ lượng. Hai điều này hỗ trợ cho nhau rất nhiều.

     Có lần chúng tôi đến thăm viếng các bệnh nhân ở bệnh viện Ung bướu Tuy Hòa -  nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng đến điều trị. Chúng tôi rất hoan hỷ khi nhìn thấy ngôi nhà nhỏ đã được sử dụng như một Phật đường, bên trong có thờ đức Phật Di Lặc, tượng Bồ tát Quan Thế Âm và tượng đức Phật đản sanh. Các Phật tử ở đây đều mặc áo tràng, tiếp đón chúng tôi bằng những nụ cười.

     Chúng tôi đã chia sẻ cho họ một bài thuyết pháp ngắn, nói về “Nghệ thuật giữ sức khỏe trong khi bệnh tật” và yêu cầu họ mỗi ngày phải làm sao để có được nụ cười, có được niềm vui. Nhờ vậy, tâm mình mới luôn được hân hoan, bình an và hạnh phúc. Bệnh tật đến với con người như một quy luật chứ không phải chỉ đến với tuổi già. Rất nhiều người còn trẻ phải chết non, nếu không chết thì mang tật ách suốt cuộc đời như một phế nhân.

     Nếu ta có được niềm vui, sự phấn chấn, chí nguyện lớn, ta vẫn tạo được sự nghiệp và thành công trong cuộc sống. Vấn đề là ta thấy được tiềm năng và giá trị trong những đóng góp của mình. Có được nụ cười, ta có thể làm được việc khó làm. Muốn có được tâm rộng lượng thì ta phải luôn quán tưởng về hình ảnh đức Phật Di Lặc và liên tưởng đến Bồ tát Địa Tạng.

     “Địa” là quả đất, “Tạng” là kho tàng, Bồ tát Địa Tạng là người làm chủ được kho tàng tâm - nơi chứa tất cả những tính cách tốt xấu mà con người có thể có. Khi thấy được mỗi người chúng ta đều có mảnh đất tâm như quả địa cầu thì ta thực tập sự rộng lượng và khoan dung rất dễ dàng: Dưới lòng sâu của đất có nhiều loại quặng, khi khai thác hiệu quả sẽ làm giàu cho quốc gia.

     Các nước Trung Đông giàu nhờ có nhiều quặng dầu, một số nước khác giàu nhờ quặng Uranium, một số nước có nhiều quặng đồng, quặng bạc, quặng vàng và nhiều khoáng sản khác có giá trị kinh tế cao, giúp nước đó có cơ hội trở thành cường quốc về kinh tế. 

     Đức Phật nói trong kinh: Kho tàng mảnh đất tâm của con người cũng có rất nhiều quặng: Quặng từ bi, quặng trí tuệ, quặng an vui, quặng hạnh phúc, quặng tinh tấn, quặng vô ngã, quặng vị tha, quặng bố thí, quặng cúng dường và hàng trăm ngàn quặng khác có giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời. Vấn đề ở chỗ ta có biết cách khai thác các quặng đó để sử dụng hay không.       

     Ngược lại, quả đất cũng là nơi chứa các vật dơ nhất. Bao nhiêu chất phóng thải như rác, phân, xác chết… đều được chôn xuống lòng đất. Biết bao con vật truyền nhiễm những bệnh dịch như H5N1 đã bị giết thiêu tập thể cũng được chôn xuống đất. Vì vậy đất bị ô nhiễm, mạch nước bị ô uế. Có một số chất khi thấm vào lòng đất một thời gian thì được thanh lọc ở một mức độ tương đối. Nhưng cũng có những chất không thể phân hủy được như cao su, bao ni lon hoặc là các loại rác thải bằng nhựa… Điều này dẫn đến sự ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất.

     Mảnh đất tâm của ta cũng thế. Ta phải làm sao cho nó được cao thượng để thanh lọc những phiền muộn, chướng duyên, thử thách đến với mình. Nhất là với những người thân, dù họ vô tình hay cố ý mang lại nỗi đau cho chúng ta, ta cũng cần rộng lượng tha thứ và bỏ qua. Đừng nên cố chấp, thề cay rủa độc làm cho ân oán cứ nối kết mãi.

     Dân gian Việt Nam có câu: “Một cái giá bằng ba cái đánh”. Bị đánh một cái đau rồi hết, có sưng, đau, nhức cũng có thuốc để điều trị. Giá thì không biết bị đánh lúc nào, đau hay không, nên tâm ta lúc nào cũng phập phồng, lo sợ, hoài nghi, từ đó mất bình tĩnh. Người nào tâm không bình an thì không có hạnh phúc và niềm vui. Do vậy phải có lòng khoan dung, không sợ kẻ tiểu nhân, sợ những người độc ác, kẻ bần tiện.

     Mỗi người đều có khả năng tự chuyển hóa khi có chất xúc tác, môi trường, điều kiện thuận lợi. Tin tưởng như thế, ta nên tiếp tục nuôi hy vọng giúp họ hồi đầu hướng thiện, trở thành người có lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Đó là thái độ ứng xử khoan dung. Người có lòng khoan dung thường rất tự tin, không nghĩ sự đa dạng là trở ngại mà nghĩ sự đa dạng là phong phú, cho ta điều kiện tham khảo những gì chưa biết. Nhờ đó mà họ thu hoạch được nhiều cái hay, cái tốt, đạt được thành công trong cuộc đời.

***

 
00:00
 
00:00