Bát Chánh Đạo 6 - CHÁNH TINH TẤN

Giảng tại Chùa Phổ Quang, ngày 13-06-2010

Phiên tả: Diệu Nhãn

***

TẦQUAN TRỌNG CHÁNH TINH TẤN

Chánh tinh tấn với ba phương diện bỏ ác, làm lành và thanh tịnh tâm được đức Phật mô tả qua bài kệ Pháp cú 183:

Không làm các điều ác Dấn thân các việc lành Giữ động cơ thanh tịnh Là tinh hoa Phật dạy.

Yếu tố Chánh tinh tấn là điểm quan trọng tạo ra một mối liên hệ mật thiết về phương diện nhân quả hành trì với năm yếu tố đầu: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Hai yếu tố sau nhất điểm con đường tu tập là Chánh niệm và Chánh định. Trong bảy yếu tố của Bát Chánh Đạo, yếu tố nào thiếu đi Chánh tinh tấn thì con đường tu tập không được kết quả. Mặc dù đứng ở vị trí thứ sáu nhưng tầm quan trọng của nó hỗ trợ cho các yếu tố còn lại dẫn đến sự thành công

Kinh tạng Pali xác định: “Bát Chánh Đạo được coi là con đường trung đạo, có khả năng giúp cho người phàm trở thành Thánh, dưới hai cấp độ khác nhau”.

-   Cấp độ 1: Giúp cho hành giả chứng đắc đạo quả giải thoát, phần lớn dành cho những người xuất gia.

-   Cấp độ 2: Giúp những người tại gia đang có vai trò trong xã hội có được kết quả thành công, phước báo công đức, an vui hạnh phúc.

Chánh tinh tấn có ý nghĩa xã hội đạo đức và tâm linh rất lớn, là nền tảng của học thuyết tự lực về phương diện nhân quả. Đòi hỏi nỗ lực tự thân trong mỗi con người ở mức độ cao hơn so với các tôn giáo khác. Các tín đồ Tôn giáo nhất thần, đa thần, chỉ cần giao khoán niềm tin cho Thượng đế, kết quả hạnh phúc sẽ có mặt. Hứa vấn đề gì đó rất dễ, đối với người thiếu thận trọng, thiếu khả năng có thể hứa nhiều. Người biết được nhân quả không bao giờ hứa liều. Phải nỗ lực, đóng góp để có kết quả tương đối. Áp dụng bốn cốt lõi tu tập, hành giả thấy rõ giá trị của nó về mọi phương diện.

Tinh tấn được định nghĩa là những nỗ lực hướng đến mục đích cao thượng, an vui, hạnh phúc, bình an, hòa bình. Nơi đó không có vì quyền lợi cho mình mà loại trừ quyền lợi của người khác. Nó khác với những nỗ lực vị kỷ, vi phạm luật pháp, trái với đạo đức, mang lại những khổ đau cho mình, cho người.

Chánh tinh tấn khác với những thói quen nghiện ngập. Người nghiện ngập theo đuổi mục đích, thậm chí còn mạnh hơn những người nỗ lực vì mục tiêu chân chính; ví dụ những người nghiện thuốc lá, ma túy, rượu bia. Hầu như thiếu những thứ này họ chịu không nổi nên phải lao đến như con thiêu thân, thậm chí bất chấp mọi hiểm nguy vi phạm luật pháp để đạt được mục đích của mình. Định nghĩa tinh tấn là nỗ lực để đạt mục đích vẫn chưa đủ, không khéo nó sẽ khích lệ nhiều người làm những việc sai trái, có những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.

Chánh tinh tấn khác hoàn toàn với thái độ liều mạng, bảo thủ, ngoan cố. Liều mạng, như câu nói: “Điếc không sợ súng”, “Cùi không sợ lở”, cứ lao tới phía trước, đi thẳng và làm những gì mình muốn, không sợ luật pháp, không sợ trừng phạt, không sợ mặc cảm xã hội, không sợ tòa án lương tâm, không sợ ngay cả nhân quả. Người đó rất mạnh bạo, tạo ra khổ đau và biến mình thành nạn nhân, đi trên một con đường sai quấy hoặc sai phương pháp nhưng cho là mình đi đúng, bất chấp mọi lời khuyên chân thành dù của ai, như thế nào, ra sao. Họ cứ tiếp tục đi trên con đường của họ. Kết quả những nỗ lực, đầu tư rất nhiều nhưng thành quả chân chính không được bao nhiêu. Đó là điều cần phải tránh và phải chuyển hóa nó.

BỐPHƯƠNG PHHNH TR

Thứ nhất: Ác đã làm, nỗ lực đình chỉ. Mỗi cốt lõi hành trì tu tập, có hai vế: Vế thứ nhất: Nêu ra hậu quả, kết quả tốt hoặc xấu. Vế thứ hai: Thái độ kết thúc nó, phát triển nó tích cực hoặc tiêu cực. Để làm được việc đó ta cần vượt qua 3 thái độ: Mặc cảm tội lỗi, chấm dứt tội ác, việc làm trái với luật pháp, trái với đạo đức, trái với lương tâm thì ý thức về tội mình tạo ra là bước đi ban đầu. Thật là sai lầm nếu ta chìm đắm trong mặc cảm về tội lỗi, những người như thế hành hạ bản thân mình và thiếu sáng suốt, làm cho thân tàn ma dại, thậm chí kết liễu bản thân. Nỗi khổ niềm đau do mình tạo ra không có cơ hội kết thúc. Nó tồn tại dưới hình thức nhân quả và sẽ trổ ra trong tương lai.

Ta phải nỗ lực vượt qua sự phê phán lên án, những lời thị phi. Vượt qua không phải là chuyện giản đơn. Những vụ đổ bể lớn và nghiêm trọng thường được báo chí đưa tin. Tại Việt Nam có báo Công An, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các chuyện xấu đưa lên Internet, người này truyền cho người kia, phát tán rất rộng. Do đó, những phân biệt đối xử từ xã hội đối với những người đã từng làm gây tội lỗi có một sức ép rất nặng về tâm lý, phải vượt qua để ta làm mới cuộc đời, ý thức hồi đầu.

Hồi đầu là nỗ lực đi ngược chiều hành động xấu, vi phạm luật pháp, tạo ra tội. Luật pháp không phải là cán cân duy nhất để xác định đâu là tội, là ác hay bất thiện. Có những vấn đề đối với luật pháp này bị xem là tội, đối với các luật pháp khác là bình thường. Đánh giá vấn đề tội và lỗi trên luật pháp là sự tương đối. Đạo Phật dạy, đánh giá nó dưới góc độ đạo đức nhân quả là thước đo chuẩn nhất để xác định được đâu là tội, đâu là hành vi nên cấm chỉ và đâu là hành vi nên phát triển. Phật dạy trong kinh tạng Pali và kinh Đại thừa dưới bốn phương diện sau đây:

Phương diện 1: Đình chỉ bất thiện trước nhất phải phát xuất từ nhận thức thấy rõ hành động có tác hại, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ hiện tại mà có thể đến đời sau cho mình và cho người, ta phải nỗ lực để làm mới. Ví dụ năm 2009, tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ đoạt giải Nobel Hòa bình làm sửng sốt và ngạc nhiên phần lớn những người quan tâm về giải thưởng này cho những nỗ lực hòa bình thế giới. Nhiều năm trước đây ta chưa từng thấy nỗ lực nào của các vị tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ về những việc ấy. Barack Obama được trao giải như vậy có chính xác chăng? Thực ra không có thiên vị, giải thưởng hòa bình là dành cho những người góp phần xây dựng hòa bình một cách thiết thực không phải bằng lý thuyết.

Các học giả có thể viết hàng trăm quyển sách về hòa bình thế giới nhưng việc áp dụng nó được hay không là một chuyện khác. Nỗ lực của Barack Obama là gì? Đó là kêu gọi các cường quốc đang sở hữu số lượng lớn các vũ khí hạt nhân và nguyên tử, phải công bố và đi đến một thỏa hiệp, sẽ hủy nó một cách tập thể ở giai đoạn đầu, giai đoạn hai, giai đoạn ba. Dẫn đến một thế giới không còn có tồn tại dưới bất cứ hình thức nào các loại bom nguyên tử.

Hoa Kỳ đã công bố số lượng bom nguyên tử của mình nhiều nhất trên hành tinh, kế đến là Nga, Trung Quốc, Pak- istan, Afghanistan, Ấn Độ và một số nước khác đang làm giàu không khéo có thể trở thành nơi chế tạo bom nguyên tử, chẳng hạn như Iran và Bắc Triều Tiên… Nỗ lực như thế có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh xã hội hiện đại mà không khéo những mâu thuẫn của ý thức về chính trị hoặc những mâu thuẫn về quyền lực kinh tế giữa các khối NATO và phe đối lập, hay giữa các khối Trung Đông với liên minh G7, G20 hoặc là những khối cực đoan và những khối tiến bộ này sẽ dẫn đến các cuộc chiến thế giới, hành tinh này sẽ vỡ ra từng mảnh vụn.

Tất cả các loại bom hạt nhân được xem là việc ác, chế tạo ra bom là một việc ác. Nhiều quốc gia lý luận rằng, để bảo vệ hòa bình thì chuẩn bị vũ khí là phương tiện tốt nhất. Có vũ khí tối tân hiện đại, lực lượng ngoại xâm không dám dòm ngó. Điều này chỉ đúng trong các thời kỳ chiến tranh trước đây, khi sức mạnh quân sự đã được đồng hóa với sức mạnh chân lý và quyền lực. Bây giờ, dưới cán cân của Liên Hiệp Quốc, mức độ bảo vệ chân chính đạt được khá cao. Ta không phải sợ, nó sẽ không còn chỗ cho các sự biện hộ rằng “Chuẩn bị chiến tranh là để bảo vệ hòa bình”, do đó sản xuất vũ khí, buôn bán vũ khí mặc dù là nguồn kinh tế lớn nhất trên hành tinh hiện nay nhưng là những nghiệp tà, cần phải được loại bỏ.

LOẠI BỎ NHỮNG KHỔ ĐAU

Phương diện 2: Đình chỉ khổ đau và việc ác không chỉ là ngừng những điều vi phạm luật pháp, có hại cho mình và cho người. Nỗi khổ niềm đau là kết quả của sự hiểu sai, áp dụng phương pháp sai, hay là nạn nhân của những kẻ xấu, lực lượng xấu trên xã hội này. Khổ đau bao gồm bốn phương diện: Sầu, bi, ưu, não.

Sầu: Là những nỗi buồn, lo, dù nhiều hay ít. Cần phải khóa ở ngay điểm nó xuất phát; áp dụng chánh niệm - có nghĩa là giờ nào việc nấy, nơi nào việc nấy, không ôm đồm việc công sở về nhà, đem việc nhà vào công ty. Nhờ vậy áp lực dồn lên dòng cảm xúc sẽ được phóng thích.

 Bi: Là những nỗi buồn, những tuyệt vọng, thất vọng, những ức chế tâm lý bên trong và đôi lúc tồn tại một cách vi tế dưới dạng vô thức. Ta phải nỗ lực chuyển hóa, không phải ức chế và đè nén.

Ưu: Là những nỗi buồn man mác, đôi lúc không hiểu vì sao mình buồn, mình quan tâm tới những chuyện không đáng quan tâm, trầm tư, mặc tưởng những chuyện không đâu, không dẫn đến kết quả.

Não: Là phiền não do chính mình, do người khác, do môi trường điều kiện hoàn cảnh không thuận lợi tạo ra cũng là đối tượng được chúng ta chuyển hóa.

Những nỗi đau trên thân như bệnh hay thiên tai, tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Cần phải được vượt qua bằng phương pháp quán vô ngã: “Cái này không phải là tôi, thân thể này không phải là tôi, nó chỉ đóng vai trò chức năng, không dại gì kéo theo tâm khổ đau lên thân bất hạnh này”. Ta tách ly khỏi khổ đau một cách tương đối, có thể chuyển hóa được tuyệt đối, trở thành người giải thoát mọi khổ đau.

Phương diện 3: Đình chỉ sự chấp mắc, có bốn đối tượng chính, nếu như không từ bỏ nó, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của bất hạnh.

Chấp thường: Cho rằng mọi thứ là trường tồn, dẫn đến quan niệm có định mệnh, số phận an bài, Thượng đế sắp xếp, không chịu nỗ lực để chuyển hóa bản thân.

Chấp đoạn: Cho rằng chết là hết, chết là dấu chấm cuối cùng của cuộc sống, dẫn đến tình trạng không chăm lo đến đời sống đạo đức, nghĩ rằng kết cục mọi người giống nhau, không có thưởng phạt, không có nhân quả, ác báo, không có những cảnh giới tốt và xấu nối tiếp sau khi kết thúc cái chết.

 Chấp ngã: Cho rằng thân thể này là của mình một cách vĩnh hằng dù trên thực tế nó chỉ đóng vai trò chức năng. Đề cao cái tôi quá mức, dẫn đến khó khăn trong tương quan xã hội.

Chấp pháp: Là chấp vào sở hữu và mọi sự vật hiện tượng làm thương tổn, kéo theo nỗi đau. Thay vì nỗ lực để vượt qua làm mới, nhiều người chìm đắm vào dòng cảm xúc trong sự chấp thủ những thứ đã mất hoặc không còn.

Chấp về tri kiến: Cho kiến thức của mình là trọn vẹn, tuyệt hảo, chân chính, bất chấp mọi lời khuyên chân thật, thậm chí chân lý đến gõ cửa chúng ta cũng không màng đến.

Đình chỉ vọng niệm, trước hết được định nghĩa là sự mống tâm, khởi ý tư duy, quan điểm thái độ không thích hợp với chân lý khách quan của nhân quả duyên khởi. Không hướng đến giải quyết các vấn nạn trên nền tảng của nhân quả. Những vọng niệm tồn tại khiến chúng ta trở thành người si vọng, sống trong ảo tưởng, thậm chí hoang tưởng.

Vọng niệm có thể hiểu là bất kỳ một ý niệm nào không đặt trên nền tảng của chánh niệm, tức làm chủ được thân thể, dòng cảm xúc, tâm tư; không đưa đến đến sự giác ngộ, an vui hạnh phúc cho mình và cho người. Phạm trù của vọng niệm rất rộng, hành giả cần phải nỗ lực đình chỉ. Vọng niệm là các ý niệm tà, cần phải được chuyển hóa.

CHƯA LKHÔNG CHO PHSANH

Đối với những điều bất thiện chưa làm, không nên tạo điều kiện cho nó phát sinh. Chuyện đã làm kết thúc không dễ cũng không khó. Không dễ, nếu ta biết nhận thức về tác hại phương diện luật pháp và đạo đức chúng ta khó vượt qua. Không khó, nếu chuyện đó là quá khứ, nỗ lực làm mới ta có thể thành công. Vận mệnh do chúng ta tạo ra, không phải chấp nhận số phận đã được an bài.

 Đối với những việc ác chưa làm, không phải đơn giản mà làm được, chúng ta chưa thấy hình thù vóc dáng nó như thế nào, đôi lúc tàng ẩn như những tên biệt kích, như những tảng băng ngầm dưới cõi vô thức, chỉ cần chất xúc tác nhỏ, sai quấy. Tất cả các điều xấu ác trong cõi vô thức dễ làm cho ta mất đi sự kiểm soát và tự chủ.

Khó nhất là đình chỉ điều ác chưa làm, chỉ có những người tinh tấn và tu tập có những tiến bộ về tâm linh mới có thể nhổ lên tận gốc những dây mơ rễ má của chúng. Phần lớn chúng ta chỉ thành công ở việc đình chỉ ác đã làm, ác chưa làm đôi khi khó nhận biết để vượt qua. Chẳng hạn khi gặp cạm bẫy hay áp lực, chọn cái chết hay làm việc xấu, nhiều người đã chọn việc sống – dù đính kèm theo nó là phải đồng hành với những việc bất thiện - vì  lý do là sinh tồn.

Những cạm bẫy khi chúng ta bị bỏ thuốc mê, thuốc kích thích, không làm chủ được bản thân, thái độ hành vi bị mất kiểm soát, ta làm những chuyện không ngờ rằng mình làm như thế; phải hết sự thận trọng mới có thể đình chỉ những việc ác chưa làm.

Đình chỉ phát sinh những điều xấu, đức Phật dạy là không tới lui những môi trường và điều kiện tiêu cực, không giao hữu với người xấu, không vâng phục những thầy tà, không cả nể những đề nghị có tính chất không tinh tấn dù là cha mẹ của chúng ta. Ở đây tinh thần tự do dân chủ ở mức khá cao, đâu là tốt nên theo, đâu là xấu từ bỏ.

Có nhiều người cả nể, “Ai tu sao tôi tu vậy, ai làm bậy tôi làm theo”, “Đời đục cả, một mình tôi trong; đời say cả một mình tôi tỉnh”. Trong lúc áp lực của người sai và tiêu cực quá nhiều, quá nhiều, mình không hòa theo, sẽ loại trừ hoặc bị cài bẫy. Chúng ta trở thành đồng bọn hay đồng liên minh.

 Nỗ lực chấm dứt những điều ác mình chưa làm là một thách đố, đôi lúc phải trả giá rất đắt. Muốn giữ chính nghĩa bản thân mình phải từ bỏ nghề nghiệp đó, từ bỏ môi trường đó đôi lúc dẫn đến hậu quả ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của chúng ta. Việc từ bỏ, kết thúc môi trường tiêu cực, ta có thể cam chịu được hay không, cam chịu được đến bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu thời gian trong lúc chúng ta đang nỗ lực để tìm kiếm những phương diện tích cực mới, tùy thuộc vào tinh tấn.

Có cặp vợ chồng đưa ra câu hỏi: Họ làm nghề chăn nuôi gia súc, một ngày cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con gà, như vậy có tội không? Họ đâu có giết, chỉ cung cấp gà, những người đồ tể làm công việc ấy; nghề như thế có nên kết thúc hay không? Kết thúc phải kết thúc như thế nào? Về phương diện đạo đức, chăn nuôi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giết mổ, mặc dầu nó phục vụ cho miếng ăn của con người, nhưng ta còn có một sự lựa chọn khác, không có những thứ này, con người vẫn có những thứ khác để sinh sống.

Thứ hai, việc đầu tư nghành nghề có kết quả lợi nhuận đạt được trước mắt, hậu quả giảm tuổi thọ, bệnh tật, thậm chí điên loạn ở cuối cuộc đời, ân oán giang hồ ở tương lai là điều không thể lường được, mặc dù ta cố tình nhắm mắt, không nhìn thấy, nó vẫn diễn ra như thường. Hãy tự đặt lên bàn cân, lợi về mặt kinh tế rất ít, phương diện nhiều kiếp về sau lớn hơn rất nhiều lần. Tại sao ta không chọn một cách khác để an toàn.

Thứ ba, việc thay đổi nghề dẫn đến tình trạng tổn thất kinh tế mình đầu tư. Việc ác mình chưa làm, dù chỉ chăn nuôi không giết mổ, nhưng dẫn đến kết thúc mạng sống của rất nhiều loại gia súc. Đình chỉ ở mức độ không cho nó phát triển vẫn tốt hơn nhiều.

 Sau khi nghe phân tích, hai anh chị nói là khó. Vốn của họ đầu tư quá nhiều, bỏ là lỗ, đầu tư phải mất đến 5 năm, 10 năm mới lấy được vốn, sau đó mới có lời. Nghe phân tích như thế họ hết sức ngỡ ngàng và không biết phải làm sao.

KHÔNG CHO ĐIỀPHSANH

Đình chỉ được nghiệp sát chưa làm là rất khó. Cũng cần nỗ lực đình chỉ việc đã làm, bởi nhờ sự ngăn chặn kịp thời ta không bị quả báo. Thấy trước mà không chịu nỗ lực đình chỉ, lỗi thuộc về mình. Phải thấy rõ tội ác, không nên tự giam mình trong môi trường xấu, rủ rê, hút chích, những cạm bẫy của xì ke, không làm cho cái xấu tiếp tục tồn tại. Điều này phải được khởi lên bằng nhận thức tự thân, đừng để bị bắt dẫn đến các trung tâm cai nghiện, khi ấy sự uất hận xuất hiện, mình bị bắt theo luật pháp, chưa chắc mình đã nỗ lực làm mới. Tự mình ý thức đến những trung tâm là một giải pháp tốt, theo đạo Phật đó là nỗ lực ngăn chặn những việc ác chưa làm.

Không tạo điều kiện cho điều xấu có cơ hội tồn tại, ta làm việc tại công sở tám giờ một ngày, về nhà sinh hoạt cùng gia đình, người thân, vợ chồng, anh chị em, với trọng trách mang lại niềm vui cho người khác. Ý thức được như vậy thì ý muốn đi chơi chỗ này, hưởng thụ chỗ kia, la cà chỗ nọ, cờ bạc rượu chè, hút sách đàng điếm hầu như không có cơ hội thực hiện.

Khi ta bận rộn, tự dưng những tiêu cực không có cơ hội tồn tại. Đối với những người về hưu, con cháu làm hết những việc gia đình, ta nên tình nguyện làm công quả ở chùa, hoặc tham gia các tổ chức hội đoàn có ích, sử dụng tốt quĩ thời gian, vừa tạo phước báu, vừa ngăn chặn không cho cơ hội để các ý xấu nảy sinh “nhàn cư vi bất thiện”.

 Trong các bản dịch chữ Hán, thiền sư Khương Tăng Hội ở Việt Nam dùng từ “Phóng khí”. Phóng là vứt đi, khí là buông bỏ, đưa một động từ kép, phóng và khí để cho chúng ta khởi lên một ý niệm rất mạnh đối với những việc ác chưa làm, sẽ buông bỏ. Nhìn thấy được tác hại ở những người khác ta phải rút ra kinh nghiệm. Thấy một chiếc xe đi trước đã lọt lỗ, không dại gì mình để lọt theo.

Chúng ta nên cám ơn những kẻ xấu, cám ơn những mảnh đời bất hạnh, cám ơn những điều chưa được chuẩn trong cuộc đời, do đó mình trở nên tốt hơn. Thay vì ta nguyền rủa, chửi bới, cách ly những người đó, ta lại thương hại họ, cũng nên thương chính mình để mình không trở thành nạn nhân như họ.

ĐIỀTHIỆĐÃ LÀM TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN

Trong kinh điển Pali, Phật dạy: Bất cứ suy nghĩ hành động hoặc lời nói mang lại hạnh phúc cho mình, cho người ở hiện tại và tương lai thì nên làm. Trong kinh Đại thừa, việc thực tập vô ngã, quy tất cả những giá trị tích cực hướng tới con đường giác ngộ giải thoát được xem là chí thiện, được khích lệ ở mức khá cao. Thiện gồm có các cấp độ sau đây:

Những việc phước lành, tham gia các công tác từ thiện xã hội, hướng dẫn con em mình đến một tương lai tươi sáng, học tập có trách nhiệm với quốc gia, tôn thờ cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, mang ơn thầy cô giáo, biết ơn đối với tất cả mọi người trong xã hội, nếu thiếu họ ta không có được những thành quả trong xã hội, được gọi là “thiện dưới góc độ phước đức”.

Người học Phật được khích lệ phát triển thiện ở mức cao nhất của nó. Kinh A-di-đà dạy: Phải làm thiện nhiều, không sơ sài, tàng tàng, ít ít mà gọi là đủ. Nỗ lực làm việc thiện không bao giờ có chấm dứt, thậm chí khi thành Phật, phước và đức đầy đủ, vẫn phải tiếp tục làm việc thiện. Thiện có nghĩa không cùng tận, nhiều đối với tương đối của mình, so với người làm ít hơn mình; so với người làm nhiều hơn mình, ta chỉ là hạt cát so với núi, một giọt nước so với đại dương, giọt không khí so với vũ trụ bao la này, nghĩ được như thế không có gì là hãnh diện tự hào.

Đức liên quan đến hành trì, ví dụ như Từ là yêu thương, mang lại niềm vui, Bi là thông cảm với nỗi khổ, Hỷ là vui với những tu tập của mình, vui với thành công của người khác, Xả là buông hết tất cả mọi điều xấu, buông thành quả tu tập để ta đạt được ở mức tuyệt đối và cao hơn. Hoặc bố thí, giữ đời sống đạo đức, phát triển trí tuệ cũng được gọi là những đức tính rất cần có của con người. Sự khiêm cung, tôn trọng, giữ gìn kỷ cương, sống có hậu, có trước có sau, biết ơn và đền ơn cũng là đức tính tốt.

Học các pháp môn được đức Phật giảng dạy, pháp môn do các vị Bồ tát, A-la- hán, Thánh tăng, các Tổ sư đã truyền dạy. Ở góc độ này, kinh điển Đại thừa khích lệ học càng nhiều pháp môn càng tốt. Có số người cực đoan tin, chỉ chuyên một pháp môn, như pháp môn niệm Phật, chỉ biết niệm Phật không biết cái gì khác. Tinh thần Phật dạy không như thế, việc trị liệu bệnh tật của thân và tâm giống như trị bệnh lục phủ ngũ tạng. Ta trị bệnh gan không thấy gan có liên quan đến bao tử và thận, hết gan có thể dẫn đến chứng bệnh bao tử. Bệnh gan có thể làm hại cho bao tử, bệnh gan mà không thấy rõ được tương quan với thận, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực cho thận. Cho nên trị bệnh về phiền não, nghiệp chướng, khổ đau cũng như thế. Ngoài pháp môn chính ta hành trì như Thiền hoặc Tịnh độ, ta cần phải học dung thông các pháp môn Phật dạy, để hỗ trợ phương diện này hay phương diện khác, không bao giờ có tác hại mâu thuẫn lẫn nhau.

 Điều mà chúng ta nên thấy rõ để không rơi vào thái độ cực đoan, tôn trọng pháp môn mình, khinh thường pháp môn khác. Cuối cùng phải cố gắng tiến hóa, đạt được các thành quả trên pháp môn, điều này đòi hỏi đến sự hành trì có phương pháp nghiêm túc, tuần tự, thứ lớp và quyết tâm để đạt được nó.

PHTRIỂCÁC ĐIỀU THIỆN

Không bỏ cuộc nửa chừng, thiện là chất bổ của đạo đức, bạn đồng hành của tâm linh, nền tảng của an vui và những thành tựu tốt đẹp trong cuộc đời. Bỏ cuộc giữa chừng do những nghịch cảnh, lời thị phi, ganh tỵ… là tự kết liễu quyền lợi tích cực của chúng ta. Để thành tựu được việc, người nỗ lực làm các việc thiện cần phải thấy rõ nghịch cảnh là chuyện rất bình thường, bằng các hình ảnh so sánh sau đây:

Nhà càng cao, sức gió càng lớn, các nhà cao ba tầng với chiều cao trung bình là 12 hoặc 13 mét sức gió bình thường, nhà cao 120 tầng sức gió phải mấy chục cây số trên giờ, nó không bị bất cứ rào cản nào của những vật xung quanh, của các công trình xung quanh cho nên tác động của gió thổi rất lớn, ta phải có cửa. Ở trên cao cũng có thuận lợi, nhìn bao quát được mọi thứ xung quanh, quang cảnh thoáng mát đỡ tốn nhiên liệu nếu ta xây xung quanh bốn bức tường kính, độ dày chống bão, tạo ra an toàn trong các địa chấn từ 6.5 trở lên.

Phát triển điều thiện trên tinh thần vô ngã, làm việc thiện đã khó nhưng làm việc thiện trên vô ngã lại càng khó hơn. Rất nhiều người làm việc thiện vì danh, vì lợi. Nhiều người bỏ tiền vào đầu tư các quảng cáo, trong vòng 30 giây, trong vòng vài phút trên truyền hình hay trên các tờ báo có tên tuổi. Trong khi đầu tư vào các hoạt động từ thiện, số tiền có thể là ít hơn hoặc bằng tương đương, nhưng sự lây lan về phương diện quần chúng và xã hội rất lớn, làm cho nhiều người có thiện cảm và kết quả về phương diện kinh tế cũng không thua kém gì, thậm chí nhiều hơn vài lần các chính sách quảng cáo nói chung.

Rất nhiều công ty đã biết nghĩ trên tinh thần đó mà làm điều thiện, tuy nhiên, điều thiện này vì có động cơ vị kỷ, giá trị phước báo không có nhiều, giá trị xã hội nhân văn đạo đức không cao. Theo Phật giáo, ta phải phát triển điều thiện dưới góc độ vô ngã, tức mình thấy rất rõ đó là một trọng trách, thấy người khác khổ mình không an tâm, nó có thể tác động trên nỗi đau chung của toàn nhân loại và thấy được sự hạnh phúc khi ta có được cơ hội tham gia vào, dự phần vào tổng thể hay một phần việc thiện. Không cần người khác ghi nhận công đức, tán dương hay đề cao, về phương diện nhân quả tự động những thành quả được tán dương đó sẽ đem lại lợi lạc.

Khích lệ những người khác đồng hành trong việc thiện, nói theo tinh thần kinh A-di-đà là tạo nhân duyên tốt, nhiều người chỉ biết tu cho bản thân mình. Thấy rõ giá trị tâm linh Phật giáo mang lại an vui hạnh phúc cho mình, nhưng vì lý do nào đó, chẳng hạn như nghĩ sai tinh thần tự giác của Phật, không khích lệ chồng vợ, người thân mình đi theo. May mắn nếu chồng vợ đồng lòng nhất ý đi theo Phật, nhờ đó được an vui hạnh phúc, không bị sụp đổ trong những thất bại hay thị phi.

Có phật tử chưa mạnh dạn hướng dẫn con em của mình đến với đạo. Cứ nghĩ chúng còn trẻ, cho chúng tự do lựa chọn, từ từ sau này vẫn chưa muộn để ta hướng dẫn nó đi theo. Đó là một sự thiếu trách nhiệm hoặc do hiểu sai. Những người như thế không có cơ hội giúp đỡ người khác về đạo. Giúp đỡ có nhiều phương pháp. Một trong những phương pháp là ấn tống kinh sách băng đĩa thuyết pháp có thể giúp cho nhiều người hồi đầu về bờ. Có những băng giảng hay, có những tác phẩm tích cực, nội dung của nó sẽ cảm hóa, chuyển đổi cho người rất nhiều. Nỗ lực khích lệ người khác đồng hành trên con đường tích cực với chúng ta, đây là tinh thần làm việc thiện theo Đại thừa Phật dạy.

Chúng ta chỉ làm việc thiện tự nhiên, tức chuyện tới đâu hay tới đó, khi nào có duyên thì làm, không duyên không làm. Ví dụ như chùa Phổ Quang nơi tổ chức khóa tu Một ngày an lạc, từ khi tham dự khóa tu đến giờ ta mở mang tri thức Phật học rất nhiều, góp phần thay đổi cá tính cho nhiều người. Trước đây ai nói dối, nghịch ý là mình giận hờn, không thèm nói chuyện, cắt đứt quan hệ; bây giờ hiểu đạo, biết đó phiền não, cho nên tự chuyển hóa, không sân si, thân tâm luôn nhẹ nhàng, an lạc.

LTHIỆTRÊN TINH THẦBA LA MẬT

Hoàn tất điều thiện trên tinh thần Ba-la-mật. Ba-la-mật được định nghĩa: Thứ nhất không thấy mình là tác nhân làm việc thiện, khích lệ người khác làm, tán dương người khác làm, dưới ba góc độ khác nhau. Để cho điều thiện được tổng quát hóa, toàn cầu hóa, xã hội hóa, cộng đồng hóa nhưng không thấy mình là người làm, để cho mình không bám vào thành quả cống cao ngã mạn, muốn ai cũng phải tôn vinh mình.

Làm thiện để cho người khác thấy noi gương làm theo, không phải để tôn vinh bản thân mình, hai cái đó hoàn toàn khác nhau. Túc mệnh minh là một việc, một tiến trình kể về quá khứ của đức Phật trong nhiều kiếp trước, để cho người ta học hỏi không phải là tôn vinh ngài. Các vị A-la-hán đều sử dụng Túc mệnh minh bằng kinh nghiệm. Do đó, kể là để tôn vinh cái tôi thì sẽ khác hoàn toàn với kể để tôn vinh cái tốt.

Không thấy đối tượng chúng ta giúp đỡ. Thiên tai làm biết bao nhiêu nạn nhân khổ đau cần đến chén cơm, manh áo, các dụng cụ sơ cứu sơ cấp như: Lều, giường, màn, nước uống, lương khô và tiền để trị bệnh, hỗ trợ về các dịch vụ y tế.... Ta phải thấy rõ hậu quả nghiêm trọng đến với họ, họ không có khả năng để tự cứu mình, ta phải dấn thân cứu giúp. Ở đây đức Phật dạy không quan tâm việc người khác tiếp nhận ơn của mình, để cái tôi được chuyển hóa đến tận gốc rễ.

Không thấy sản phẩm từ thiện, dù lớn hay nhỏ, là sở hữu của tôi và có một người nào đó tiếp nhận. Có người thích làm từ thiện bằng quà vì giá trị chỉ khoảng 30.000 đồng, nhưng một gói lớn, quay phim chụp ảnh lên thấy xôm tụ, còn bỏ bao thơ 2.000.000 đồng, chỉ có tờ giấy, quay phim chụp ảnh không biết cái gì, rất nhiều người tính đến mức độ đó.

Ta phải biết, mỗi một nơi ta làm từ thiện, đối tượng khác nhau, nhu cầu khác nhau. Những trại tâm thần cho tiền họ đâu có xài, đưa xà bông, họ cắn ăn, cho bàn chải, họ cắn gãy, chỉ cho lương khô họ ăn được. Ta phải biết sản phẩm từ thiện nào thích hợp cho họ. Đối với những người bị Sida giai đoạn cuối, việc hỗ trợ họ tốt nhất là thuốc. Ta quy đổi tiền bằng các liều thuốc, do các trung tâm quy định tuỳ theo tình trạng nặng và nhẹ, đừng quan trọng hóa hình thức như phải quay phim chụp ảnh, để cho những người tham gia thấy rõ, người ta mới ủng hộ. Dĩ nhiên cũng cần những thứ đó, nhưng tâm của mình đừng vướng vào. Khi mình làm cho người khác phải có chứng từ, nhưng khi làm cho mình, chùa có giấy công đức cứ nhận, không có cũng không sao. Nói cách khác, không thấy mình là người đang làm thiện, không thấy có nạn nhân đang tiếp nhận việc thiện của mình, không thấy có những sở hữu vật chất do chúng ta vận động, chúng ta đầu tư, chúng ta trích những phần kinh tế của mình ra để giúp đỡ, người làm được như thế gọi là thực hiện điều thiện Ba-la-mật.

Kinh tạng Pali, điều thiện Ba-la-mật được định nghĩa dưới ba góc độ:

 -  Hoan hỷ trước khi làm, tức mình hớn hở vận động rồi tuyên dương khích lệ cho những người khác cùng làm.

-  Hoan hỷ khi đang làm, mặc dù rất là cực, bỏ ăn bỏ ngủ, đi lại vất vả đường sá khó khăn, lội sình lội suối, lội núi trèo non, giúp cho người khác, người ta có biết ơn mình, không biết ơn mình vẫn vui.

-   Hoan hỷ sau khi làm, mỗi khi nghĩ tưởng lại điều đó thấy hoan hỷ dầu người ta có nhớ ơn mình hay không không phải là vấn đề mình quan tâm. Đó là ba thái độ tâm lý giúp cho chúng ta hoàn tất điều thiện ba-la-mật, cũng chính là cốt lõi tu tập thứ ba.

ĐIỀTHIỆCHƯA LÀM PHẢI NỖ LỰC PHÁT HUY

Điều thiện chưa làm, ta phải tìm phương pháp sáng tạo, tìm điều kiện để phát huy, tìm cơ hội để được đóng góp; ai có thái độ “dọn sẵn ổ đẻ” không bao giờ làm được bất cứ một điều thiện nào quan trọng. Ai nghĩ rằng phải hội đủ điều kiện tích cực tôi mới làm cũng không bao giờ làm được những việc có ý nghĩa cho tha nhân. Phải sáng kiến, nghĩ tưởng, tạo điều kiện, thậm chí lúc đầu mình có thể bị người khác hiểu lầm là cầu danh, không phải người phát tâm bồ đề cao thượng... nhưng mình vẫn không chấp, vẫn quyết tâm làm.

Nhiều người sống trong chủ nghĩa suy nghĩ lại, xét lại. Xét lại nếu không có bản lĩnh và tinh thần Bồ tát ta dễ chán nản và bỏ cuộc. Hoặc khi thấy những người làm nhiều điều thiện rồi ganh tỵ “trâu cột ghét trâu ăn” ganh tỵ với thành quả, ganh tỵ tên tuổi những người làm việc tốt, có thể dẫn đến loại trừ, thanh toán, nói xấu, phỉ báng, vu khống, xuyên tạc, cài bẫy. Khi nhìn thấy những tác hại diễn ra với những người làm tốt mà thiếu cẩn trọng, lòng chúng ta không một chút hào khí, hào hứng gì để làm những việc thiện đã làm, sẽ làm, chưa được làm ở hiện tại. Phải vượt qua những khó khăn vừa nêu mới có thể thành công.

Việc thiện đang làm giống như ta gieo trồng một cây cổ thụ, phải đến vài chục năm sau mới có thành quả. Ai nghĩ rằng, bây giờ tôi làm việc gì đó mà khi tôi sống phải có thừa hưởng mới làm, làm để người khác hưởng không làm, như vậy không bao giờ làm được việc thiện. Lợi ích cho một trăm năm trồng người sẽ giúp cho chúng ta thấy được tầm nhìn xa.

Chúng ta trồng những cây đại thụ như cây dầu, cây sao, cây bồ đề, cây bằng lăng... đòi hỏi phải ba bốn chục năm mới có tàng cây bóng mát. Bây giờ mình năm sáu chục tuổi thì năm mười năm sau, hai chục năm sau mình qua đời, chưa kịp hưởng nó, không còn thấy nó nhưng ta vẫn làm, như vậy mới có giá trị cho môi trường sinh thái và nhiều giá trị tích cực khác về sau.

Tìm mọi cơ hội để tạo ra những điều thiện. Ở góc độ này, có bốn phương diện như sau:

TĐIỀKIỆCHO ĐIỀTHIỆPHSANH

Kinh tạng Pali nói: Gần các bậc chân nhân, học hỏi Phật pháp, tham vấn các bậc cao niên có kinh nghiệm, gần gũi các bạn hiền hữu... nỗ lực học hỏi ở những vị thầy. Kinh điển Đại thừa xác định, đừng khinh thường một điều thiện nhỏ giống như giọt nước dần dần trở thành đầy. Làm việc thiện đừng cân đong đo đếm nhiều quá ta khó làm, phải thấy rõ giá trị tương lai của nó cho tha nhân, cho chính bản thân mình, chúng ta dễ dàng tạo điều kiện cho điều thiện được phát sanh.

Tất cả mọi người đều phải tôn vinh cha mẹ như hai vị Phật trong nhà. Ta phải hiếu kính cha mẹ của chúng ta, sau đó mới khích lệ con em mình hiếu kính với mình được. Vấn đề là nhân quả, tạo ra sự bắt chước, ta phải tự làm cho mình trước, bằng cách chăm sóc, hiếu kính, làm gương cho con cháu.

PHTRIỂNHỮNG ĐIỀTHIỆCHƯA CÓ

Phát sinh rồi không tiếp tục nuôi dưỡng thì nó không sống được. Nhất là trồng cây, ta thử để ý, phần lớn người canh tác ruộng lúa vào mùa mưa điều kiện thuận lợi, làm cho các hạt thóc dễ nảy mầm, lúa được phát triển không cần chăm sóc nhiều, tức là ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho nó, gọi là tăng thượng duyên. Nếu duyên không được phát triển tăng dần đều, ngày càng lớn thì điều kiện tốt đó sẽ dậm chân tại chỗ kết thúc.

Hay ở mức độ thấp hơn là dậm chân lạc hậu, để cho điều thiện lạc hậu cũng không nên, phải tạo thuận duyên cho nó nhiều hơn. Trồng một cây cổ thụ vào mùa mưa ta khỏi tưới nước, tuy nhiên một tuần nó chỉ mưa có năm ba trận, một ngày ta tưới nước hai lần. Trong sáu tháng ta mới gieo trồng cây khoảng chừng hai ba mét, đảm bảo nó phát triển rất nhanh, hoặc khi rễ bám sâu khỏi cần chăm bón nó vẫn phát triển một cách bình thường, trong giai đoạn đầu phải đầu tư cho tốt. Do đó sự đầu tư bằng phương pháp tăng thượng duyên được coi là phương pháp phát triển điều thiện ở mức tối đa.

TĐIỀKIỆCHO ĐIỀTHIỆTHNH TỰTRVN

Có nhiều người đầu tư 30%, 60% chán quá, bởi vì điều thiện đòi hỏi, quá lâu nên theo không nổi. Trong trường hợp đó ta nên tâm niệm “lỡ leo lưng cọp không có xuống”, leo lưng cọp là việc thiện xuống thì uổng, leo lưng cọp việc tiêu cực phải xuống càng sớm càng tốt. Với điều thiện cần phải nỗ lực tạo nhiều xúc tác hơn nữa dẫn đến sự dứt điểm.

Trong kinh đức Phật dạy, dây đàn quá căng sẽ đứt, nếukhông đứt thì âm thanh của nó phát ra tiếng kêu cũng không hài hòa. Việc làm thiện cũng như tu tập, người tu gắt củ kiệu cũng khó bền, tu như để ngày mai mình chết sẽ khó có kết quả. Trong giai đoạn đầu mới bắt đầu tu, tu rất tinh tấn, giai đoạn tiến triển chúng ta đi ở mức độ marathon, giai đoạn cuối phải chạy với tốc độ ngắn, lúc nào ta cũng chạy với cự ly ngắn hết là ta kham không nổi, bỏ cuộc.

Tu gắt củ kiệu nếu không bão hòa, ta nhìn thấy những bạn đồng tu mình giải đãi, phiền não. Anh tu trước tôi, bà tu trước tôi, bây giờ tàng tàng như thế này... do đó cái tôi ngã mạn, bỏ hết tất cả các công đức. Những người mới xuất gia và những người mới thọ giới, không khéo dễ phát sinh ngã mạn. Mới bắt đầu tu, một ngày sáu thời kinh, thậm chí thêm một bài sám hối, học hai thời Phật pháp sáng và chiều, không để cho thời gian trống nào xuất hiện. Người tu lâu, một ngày hai thời kinh, việc học Phật chỉ còn một thời, không có giãi đãi, căn bản đã có đầy đủ.

Một số phật tử cho biết, một ngày nghe bốn băng giảng trên trang web Tủ sách Phật Học, mong muốn có một lời tán dương. Tôi nói tu như thế là tệ, không tẩu hỏa nhập ma là may. Nghe bốn thời giảng là năm đến sáu tiếng một ngày, nghe như thế dễ dẫn đến nghiện, mặc dầu là nghiện tích cực, nghiện pháp cũng là tốt. Nghiện quá mức, khiến chúng ta không còn màng đến gia đình, trách nhiệm xã hội cũng bỏ luôn. Có người tu thời gian buông hết mọi thứ, trong khi đó là người tại gia, cần phải dấn thân tinh tấn nhiều hơn.

Ta tu vừa phải, tinh tấn dứt điểm. Một ngày nghe một thời pháp là vừa. Người tại gia mỗi ngày tụng một thời kinh là vừa, thời gian còn lại để nghiền ngẫm, tiêu hóa, sống với nó. Đọc nhiều, tụng nhiều không hiểu gì hết cũng không có lợi ích gì, giống như hàng ngày ta đọc quá nhiều các toa thuốc, quá nhiều các tấm bản đồ đi từ địa điểm này đến địa điểm kia, trên thực tế không có thời gian để đi, đọc đã hết đâu có thời gian để đi, làm sao có kết quả được. Tạo điều kiện để thành tụ một nỗ lực chân chính đòi hỏi tính bền bỉ và có phương pháp, không phải chỉ có quyết tâm, nhiệt huyết là đủ. Nhiệt tình mà thiếu phương pháp trở thành lòng vòng.

Đại thừa làm các việc thiện phải hồi hướng đến quả vị vô thượng Bồ đề. Ai hướng đến quả vị mới có thể đạt được điều thiện ở mức độ tối cao. Điều này người tại gia làm hơi khó, ít nhất ta phải hướng tâm tới điều đó để không bị đắm nhiễm trên các điều kiện hữu vi, các điều kiện có điều kiện, kết quả của nó dẫn đến phước báo hay sự hưởng thụ ở ba cõi vô thức: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Người tu tập tâm linh nên hướng tới giải thoát ở mức độ cao nhất. Phật dạy giải thoát khỏi luân hồi sanh tử tùy theo vai trò tại gia hay xuất gia, hướng tâm Bồ đề ở mức tương đối hay tuyệt đối.

Bốn cốt lõi hành trì nêu trên là bốn nghệ thuật dẫn đến sự thành công. Từ những điều thiện, liên hệ đến chức nghiệp, ngành nghề cho đến những điều thiện về đạo đức, điều thiện về đức tính, điều thiện về tâm linh cho đến các thành quả giác ngộ an vui.

***

 
00:00
 
00:00