Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 27-06-2010
Phiên tả: Ngọc Nguyệt, Thu Thảo
Dân gian Việt Nam có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim” nhằm ám chỉ rằng sự nỗ lực nào cũng dẫn đến kết quả mặc dù có thể cam go, đôi lúc là thử thách. Hiểu theo nghĩa bóng thì được, nhưng nếu hiểu theo nhân quả thì đó là sự đầu tư lỗ lã. Lấy một mảnh sắt mài mấy chục ngày để có được một cây kim trong khi người ta chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng là có thể mua được một cây kim như ý, vì nó được sản xuất bằng máy nên tính năng và hiệu quả của nó sẽ cao. Nói cách khác, siêng năng không phương pháp thì tưởng chừng như làm rất nhiều nhưng thực ra chẳng được bao nhiêu. Đó không phải là tinh tấn.
Ta thử quan sát con cuốn chiếu, nó có hàng trăm chân. Chân này nối tiếp chân kia, cứ cuốn và đi tới phía trước, nhưng sự vận chuyển của nó vẫn rất chậm chạp, mặc dù nó có nỗ lực của cả trăm cái chân một cách tập thể cùng lúc. Trong khi đó con rắn không có chân nào nhưng nó biết tận dụng lực tự nhiên nên uốn lượn theo thế và di chuyển rất nhanh. Cho nên phương pháp vẫn là yếu tố quyết định mọi thành công. Nỗ lực dĩ nhiên cần phải có.
Siêng năng chuyển hóa là sự tinh tấn dựa vào phương pháp Bát chánh đạo mà đức Phật đã khám phá và công bố cho tất cả chúng ta. Bản thân của Bát chánh đạo theo trình tự là một phương pháp. Theo tiến trình này, “chánh tinh tấn” là yếu tố thứ sáu nối kết năm yếu tố đầu: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, và tạo điều kiện căn bản về phương diện nhân quả để có được chánh niệm và chánh định. Hay nói cách khác, “chánh tinh tấn” là bạn đồng hành của bảy yếu tố chánh đạo còn lại. Do đó, nỗ lực chuyển hóa có giá trị ở chỗ thanh lọc, loại trừ các yếu tố tiêu cực về phương diện tâm lý, cảm xúc, thái độ, nhận thức; kết quả theo sau là chúng ta sẽ rũ bỏ được thói quen tiêu cực của hành vi, lời nói hay việc làm cụ thể.
Chuyển hóa khác với thay đổi, vì thay đổi gắn liền với vật chất và hình thái các phương diện của nó, trong khi sự chuyển hóa trước nhất là sự thay đổi đến tận gốc rễ và trở thành một cái khác theo ý nghĩa tích cực. Các diễn viên, nghệ sĩ hay ca sĩ đóng nhiều vai, diễn nhiều nhân vật khác nhau. Cứ như thế họ phải thay hình đổi dạng bằng trang sức phẩm, trang phục, nhưng cá tính, nhân cách của họ vẫn là một. Khi thì đóng vai làm vua, khi khác đóng vai làm giặc, anh hùng hoặc tên đạo chích; có khi nhập vai người hạnh phúc, lúc đóng vai người khổ đau, bi lụy. Như vậy, bộ dạng, trang phục cần phải thay đổi thích ứng theo. Đó chỉ là thay đổi hình dạng nhưng nhân cách của người đó vẫn vậy. Nếu có thay đổi trong lúc nhập vai cũng không nhiều, vì nghề nghiệp chứ không phải một sự nhập vai thật. Tác động của nghiệp trên việc đóng vai không có thực, nếu có cũng chỉ rất nhỏ, không đáng kể. Trong khi sự chuyển hóa là nỗ lực thay đổi nội dung chứ không phải ngoại hình, một sự thay đổi sâu lắng từ bên trong và làm cho người thay đổi trở thành con người mới.
Cũng mặc chiếc áo đó ba mươi năm trước, nếu chúng ta có thói quen tiết kiệm, hoặc cũng điệu bộ, dáng vẻ đó nhưng tính cách bây giờ khác hẳn ngày xưa theo chiều hướng tích cực, tức an vui, hạnh phúc, bình an, và nỗ lực thế nào để có được sự chuyển hóa, là câu hỏi mà khi giải mã được, nó sẽ giúp chúng ta đi trên con đường chuyển hóa có kết quả thiết thực hiện tại.
Nguyên văn của bài thứ tư như sau:
“Giải đãi trụy lạc,
Thường hành tinh tấn,
Phá phiền não ác,
Tồi phục tứ ma,
Xuất ấm giới luật”.
Nghĩa đen là:
“Lười biếng đưa đến đọa lạc,
Siêng năng hành đạo thường xuyên,
Phá giặc phiền não xấu ác,
Chiến thắng bốn loại ma quân,
Ra tù năm uẩn ba cõi”.
Mỗi câu bốn chữ được dịch thành sáu chữ tiếng Việt là mệnh lệnh cách để thúc đẩy tiến trình chuyển hóa thông qua sự tinh tấn ở bản thân. Nó cũng như một tiêu chí để các hành giả hướng về nhằm đạt được. Sự đạt được đó sẽ mang lại kết quả như ý. Còn đối với các bậc Bồ tát, thì đây là tiêu chí để dẫn đến sự giác ngộ. Nó được khởi lên bằng những tâm niệm lười biếng đưa đến đọa lạc. Giống như một câu danh ngôn ta trích ra và sử dụng nó trong những tình huống thích hợp thì giá trị sách tấn của nó rất cao.
Trong kinh Tăng Chi, đức Phật đưa ra các lý do mà một người lười biếng có thể biện hộ cho mình. Chẳng hạn: “Bây giờ đã lỡ trễ rồi, thôi thà không đi, không làm”... Sự biện hộ đó không có giá trị của khắc phục. Lỡ trễ nhưng thà muộn còn hơn không, lúc đó ta mới trỗi dậy niềm tin khắc phục. Hoặc lối biện hộ khác như: “Đã có cái đó nhiều rồi, đạt thêm cái này nữa cũng không có giá trị gì, thôi không cần phải làm...”. An phận thủ thường là yếu tố làm cho chúng ta bị trì trệ. Hoặc sự biện hộ: “Hôm nay trời nắng quá/ mưa tầm tã quá, làm việc chắc không được thuận tiện nên thôi, để hôm sau khí hậu ôn hòa hãy làm...”. Suy nghĩ như thế là ta bỏ qua cơ hội mà lẽ ra khi ra ngoài, cơ thể chúng ta có thể tự điều hòa và ta làm quen với môi trường khí hậu như vậy thì kết quả vẫn có. Hoặc còn một lối biện hộ khác: “Điều này mình chưa được khích lệ nên nếu mình làm cũng không có giá trị. Lúc nào mình được khích lệ, yêu cầu, năn nỉ thì hãy làm...” v.v…
Người giải đãi là người luôn sống với các biện hộ. Liệt kê hàng chuỗi các lý do và chạy theo sự biện hộ với các lý do như thế nhiều chừng nào thì mức độ tiến bộ của chúng ta sẽ chậm đi chừng ấy. Ở đây, tác hại của sự lười biếng mà đức Phật gọi là “giải đãi”, trụy lạc. “Trụy” chỉ sự rơi rớt, đắm chìm, “lạc” là rớt mạnh. Động tác đôi này diễn tả hình ảnh rất mạnh. Trước nhất tác hại của nó là sự dậm chân tại chỗ, người giải đãi sẽ không có chí tiến thủ với rất nhiều lý do: tại, bởi, thì, là, mà,... rất hợp lý nhưng chạy theo tính hợp lý của nó thì cơn bệnh giải đãi sẽ ngày một trương sình. Một hậu quả khác là người giải đãi sẽ phải đối diện với cái vô vị và mất ý nghĩa trong cuộc sống. Người siêng năng, tinh tấn, nỗ lực vươn lên thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, có sinh khí, còn khi không làm gì thì cảm thấy chán vô cùng.
Một Phật tử gọi điện cho chúng tôi vào lúc 12h trưa: “Thầy ơi, con mới vừa làm xong...”. Tôi nói: “Sướng thế!”. Phật tử đó lại hỏi: “Phải làm việc tới 12h trưa, chưa ăn cơm thì có gì đâu mà sướng hả thầy?”. Tôi mới nói: “Có được công việc để làm là phúc. Nhiều người đi xin việc năm này qua tháng nọ nhưng vẫn không được. Hoặc làm một thời gian, người ta rút hợp đồng lao động. Còn mình được tin tưởng giao việc làm là sướng rồi!”. Ta phải nghĩ như thế để không thấy mệt mỏi và buồn chán trong công việc mà mình dấn thân. Dĩ nhiên đừng làm quá sức. Ví dụ, chiếc xe có tuổi thọ chạy được một trăm nghìn cây số. Nếu mỗi ngày ta chạy quá nhiều thì tuổi thọ của xe sẽ giảm. Con người cũng vậy, ta phải có thời gian nghỉ ngơi, phải thấy những nỗ lực để vươn lên một cái gì đó tạo ra giá trị cho cuộc đời, bằng không người đó sẽ bị tuột dốc, bị bỏ lại sau lưng. Điều này được kinh Pháp Cú dạy:
“Người trí như tuấn mã
Vươn đến mục đích cao
Bỏ sau các ngựa hèn”.
Nỗ lực là một sự đi và tính tốc độ phải diễn ra theo tư thế tăng dần đều. Phần lớn chúng ta đi theo hướng ngược lại. Lúc đầu thì hung hăng, phấn chấn, nhưng về lâu về dài thì mệt mỏi, bão hòa rồi tự nhủ: “Thôi, mình đã có đủ rồi, không cần phải phấn đấu nhiều hơn”. Tinh tấn là cuộc chạy đua marathon chứ không phải là cự ly ngắn. Điểm xuất phát phải nhanh, tiến trình sau đó là vừa phải, và dứt điểm với tốc độ để về đích trước.
Giải đãi còn có hậu quả tiêu cực là không đạt thêm thành tựu nào mới, không tạo thêm sự mới lạ, kể cả những sáng kiến. Người ấy luôn sống với điệp khúc “vẫn như cũ”. Trong các tổ chức, công ty, xí nghiệp, quốc hội, hay các hội đồng,.v.v… đến khi nhiệm kì kết thúc để chuyển giao nhiệm kì mới thì điều mà người ta đặt ra là “Có nhân vật mới hay không?”. Nếu giữ những nhân vật cũ thì tiến độ không được bao nhiêu, vì mức sáng kiến của một người thường có giới hạn, trong vòng năm năm họ đã làm hết mình. Còn những chương trình mang tính kế thừa thì khi một nhiệm kì được tái nhiệm là vừa phải, dù người đó có hay, có giỏi nhưng đến nhiệm kì thứ ba là bị “bão hòa”, không thể có gì mới hơn. Thái độ bão hòa dẫn đến tình trạng hài lòng hoặc chủ nghĩa thành quả sẽ làm cho người đó dù có khựng lại cũng không bị ai nói đến. Những đóng góp của họ có vẻ “áp đảo” khiến người khác phải nhượng bộ trước những hành vi phạm luật hay sự bảo thủ song song. Do đó sự tuột hạng về nhân cách, nhất là sự đọa lạc đối với những người giải đãi là vấn đề không thuộc về viễn cảnh mà đang thuộc về hiện thực.
Đối với kiếp người, đức Phật dạy: “Sanh được thân người là khó. Gặp được Phật pháp khó hơn. Nghe hiểu lời Phật giảng còn khó hơn nữa. Thực tập có kết quả là rất khó”. Tận dụng những cái quý báu đó thì con người ngày càng thăng tiến về nhân cách, đạo đức, tuệ giác. Còn nếu không biết phát huy thì sau một thời gian, mình sẽ bị chựng lại. Không khéo, chỉ biết hưởng thụ, không tiết kiệm phước, tổn giảm các giá trị tích cực thì sau khi chết có thể bị rơi rớt đọa lạc. Từ một người có nhiều phước báu trở thành một người chỉ có phước báu bình thường. Từ con người ở hành tinh này tái sinh thành con người ở hành tinh khác có phước báu thấp hơn. Hoặc hưởng thụ nhiều, đặt nặng về thú tính nhiều thì sau khi chết có thể đọa lạc thành các loài động vật.
Có thể người không theo đạo Phật, không tin chuyện thay hình đổi dạng từ con người sang các loài động vật hoặc từ các loài động vật sang con người; từ con người ở hành tinh này sang con người ở các hành tinh khác, nhưng đó là một quy trình của nhân quả, mà việc thiết kế “lệnh điều khiển” là do nghiệp chung và nghiệp riêng của chúng ta tạo ra trong suốt quá trình sống. Do đó phải phấn đấu, khi có mặt ở kiếp người thì phải ngày càng đi lên chứ không để ngày càng “tuột hạng”. Ít nhất cũng phải giữ được mức “bất thối chuyển” ở con người.
Thế giới vật dục của phương Tây phát triển nhiều chừng nào thì con người bị “tuột hạng” nhân cách chừng đó. Xem đó là phương tiện hưởng thụ cao cấp nhất mà các loài động vật không có, càng đắm nhiễm vào hưởng thụ thì càng bị tuột dốc, nên phải hết sức thận trọng và trân quý những giá trị ở kiếp người. Dù khốn đốn, lận đận, khổ đau, bất hạnh, bế tắc thì cũng đừng bao giờ tuyệt vọng. Đừng bao giờ chọn cái chết vì khi kết liễu cuộc sống bằng con đường tự vẫn thì không biết sự tuột dốc sẽ làm mình rơi rớt đọa lạc vào kiếp gì, thân phận nào, khó mà đoán được.
Phải xem tinh tấn là niềm vui. Có như vậy thì nỗ lực chân chính cho các mục đích tích cực mới trở nên thường xuyên, và thường trực lâu dài. Thường xuyên ám chỉ tính thời gian được tiếp nối, ngày này qua tháng khác, tháng này qua năm nọ, cứ thế cho đến khi chúng ta tắt hơi thở thì sự nỗ lực mới được xem là tạm kết thúc trong kiếp người. Nhờ động lực đó, biệt nghiệp tinh tấn đó thì khi được sanh ra với một mầm sống mới trong cơ thể người mẹ, ta cũng đã làm cho người mẹ trở nên siêng năng hơn. Tác dụng hai chiều giúp cả mẹ lẫn con có được những năng lực tích cực. Một đứa con giải đãi khi sinh vào bụng một người mẹ tinh tấn thì nghiệp giải đãi này cũng được chuyển hóa phần nào. Cho nên trong lúc mang thai, chị em phụ nữ phải siêng năng hơn, nhân từ, rộng lượng, cao cả, và trí tuệ hơn, bớt đi những đau buồn, sầu não, những suy nghĩ tiêu cực, để sau này đứa con có những nhân cách mới được tác động trực tiếp từ người mẹ.
Niềm vui trong tinh tấn sẽ làm cho chúng ta mạnh dạn chấp nhận các thách đố và rủi ro. Thách đố có thể bao gồm cả sự mạo hiểm. Tục ngữ nói: “Trèo cao té đau”, tinh tấn nhiều chưa chắc tốt vì đôi khi không biết lượng sức mình. “Nhón chân nhón tay” trong tinh tấn sẽ không có phản ứng phụ nếu ta dành thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe ổn định, từ đó độ bền sẽ được duy trì.
Một giá trị khác của tinh tấn là giúp chúng ta trở nên bản lĩnh vượt qua nỗi sợ hãi bởi những lời đe dọa hay phân tích sai lầm. Có rất nhiều người thân do vì thương chúng ta mà đôi lúc làm cho ta chùn bước. Đang nỗ lực muốn thuyền ra biển khơi, chẳng hạn đầu tư vào một công việc làm ăn nào đó đòi hỏi vốn liếng, tiền bạc, năng lực, sức khỏe, thời gian,... Nhưng khi nghe người thân phân tích tiêu cực thì liền cảm thấy ngại ngần, không muốn tiếp tục. Tuy nhiên, khi ta đặt tinh tấn vào quỹ đạo của phương pháp luận thì hầu như rủi ro không có. Còn đầu tư công việc, ta phải đặt ra hai kết quả: Xấu nhất do rủi ro và tốt nhất do hữu duyên. Nắm rõ điều đó thì khi rủi ro diễn ra, chúng ta sẽ không bị chới với, không cảm thấy mất hết niềm tin vào chính mình.
Ở đây, ta thấy khác hoàn toàn với tình trạng “chuột sa hũ nếp” hoặc được “dọn sẵn ổ”. Người tinh tấn phải tự tạo việc cho mình, không nên sống với thói quen phải đợi người khác đặt lệnh điều khiển, bấm nút “start” mới “chạy”, còn không thì chỉ ngồi yên và chờ đợi, đó là tinh tấn trong thụ động, cũng siêng năng nhưng không biết tạo việc cho mình.
Tinh tấn là động tác như câu nói của dân gian Việt Nam: “Muốn ăn phải lăn vào bếp”, phải thấy rõ rằng ăn thêm dưỡng chất, duy trì sức khỏe của cơ thể thì “lăn xuống bếp”, nghĩa là nỗ lực có phương pháp để có được điều ta muốn. Người tinh tấn luôn tích cực, năng động, lạc quan, yêu đời, bao giờ cũng dấn thân tìm kiếm với một thái độ phát tâm. Vì thế, tính sáng tạo ở người tinh tấn bao giờ cũng cao, vừa buông công việc này liền có ngay việc khác để làm, trong khi những người khác phải vất vả tìm mà không được.
Từ đó, mức độ già dặn về nhân cách, chín muồi phước báu bởi nỗ lực tinh tấn có phương pháp cũng được mở rộng hơn. Người tinh tấn sẽ kinh nghiệm hơn những người bình thường vì họ làm trước, trải nghiệm trước, do đó phước báu cũng tăng trưởng theo. Có tinh tấn thì trong các lĩnh vực ngành nghề, chỉ hết giờ chứ không hết việc, vì lúc nào ta cũng tâm niệm câu “thường hành”. Một số người tại gia chán nản với công việc ngoài đời nên muốn đi tu cho nhẹ. Các Tổ Trung Quốc khuyên chúng ta hãy suy nghĩ một cách chín chắn bằng phương châm: “Cà sa vị trước hiềm đa sự. Dĩ trước cà sa sự cánh đa”. Vào chùa chỉ vì sợ bởi quá nhiều lo toan hay những công việc đời sống thế tục thì khi khoác áo cà sa với tư cách một người tu, chúng ta sẽ càng mệt mỏi hơn. Người tu có tinh tấn, một trong sáu yếu tố giúp thực tập trở thành một vị Bồ tát, mà tinh tấn Ba La Mật thì không có sự kết thúc. Thực tập, dấn thân, phụng sự, nỗ lực mãi đến khi không còn gì để nỗ lực mới dừng. Như vậy, nhận thức phát xuất từ tinh tấn là một niềm vui, ta phải định liệu được hai vấn đề: Nỗ lực với mục tiêu cần khắc phục và nỗ lực với những thành tựu cần đạt được.
Đối với mục tiêu khắc phục, đức Phật dạy, những điều xấu đã lỡ làm hay cố tình làm thì cam kết không tái phạm thêm bất cứ lần nào nữa trong cuộc đời. Những điều tiêu cực xấu có tác hại cho sự tiến bộ dù chưa được phát sinh nhưng phải cam kết bằng nỗ lực phấn đấu, không để cho chúng có cơ hội xuất hiện. Với sự quyết tâm cao độ như vậy, khả năng khắc phục yếu kém của bản thân sẽ đạt ở mức độ cao nhất.
Đối với phương diện mục tiêu thành tựu thì những việc làm lành, những đức tính tốt đẹp, đạo đức thanh cao, tuệ giác trong sáng đã đạt một phần nào thì ta nên quyết tâm đạt ở mức độ cao hơn, chứ không nên thỏa mãn với các thành quả. Tương tự, những giá trị như vừa nêu, nếu ta chưa có, chưa đạt được thì phải lấy tấm gương của người đã thành tựu mà phấn đấu theo trong hiện tại hay tương lai gần.
Các cam kết đó giúp chúng ta luôn đi tới phía trước. Chiếc máy bay thường được thiết kế theo quy trình tinh tấn, xuất phát từ điểm A đến điểm B, nghỉ khoảng vài giờ rồi bắt đầu quay trở lại điểm xuất phát. Cứ như thế, nó làm công việc đưa – đón – đưa – đón. Trung bình một chiếc máy bay có một trăm nghìn lần chuyên chở. Sau một trăm nghìn lần, thì rủi ro về sự cố kỹ thuật có thể xuất hiện. Những quốc gia tiên tiến quy định sau khi thực hiện tổng số chuyến bay với tuổi thọ nhất định mà kỹ sư cho phép thì chiếc máy bay cần được hủy bỏ. Hoặc nếu số lượng chuyến bay không nhiều như thế nhưng số lượng dậm và giờ bay quá mức cho phép thì chiếc máy bay đó cũng không được phép chuyên chở hành khách nữa.
Trong khi đó, sự tinh tấn của chúng ta lại khác. Chúng ta chỉ cần nỗ lực hoài, không được dừng mà cũng không bao giờ bị quá “date” để phải “thay” một con người mới. Ta phải “thay” khi sự sống được kết liễu ở đời này, khi đó ta lại trở thành một mầm sống mới. Đó là quy trình một kiếp sống diễn ra, còn trong một kiếp người thì không nhất thiết như vậy, bởi vì mỗi ngày ta đều có tám giờ để ngủ, tám giờ sinh hoạt gia đình, và làm việc chỉ có tám giờ mà thôi, nó không quá nhiều hay quá sức.
Mục đích của tinh tấn là hướng về chánh đạo, ở đây được hiểu là đạo Phật với những giá trị giúp chúng ta trở thành chân nhân, có thể được an vui hạnh phúc hiện tiền. Con đường hướng về chánh đạo được đức Phật nêu trong bài kệ này là “Phá phiền não ác”. Phiền não gồm ba gốc rễ tham, sân, si. Tham thỉnh thoảng “núp bóng” dưới ước nguyện tốt, dưới động cơ lành. Tham đôi khi luồn lách qua mặt luật pháp và có trục xoay là tính vị kỉ hoặc cái tôi trương sình. Tham có lúc trở thành nỗi sợ hãi làm cho chúng ta có phản ứng tự vệ mà trên thực tế không cần có. Tham còn là sự bỏn xẻn, keo kiệt, tích trữ, không chia sẻ cho ai. Hoặc tham xuất hiện như nỗi đam mê, niềm khát vọng, hoài bão, lý tưởng, kéo theo đó là sự nỗ lực nhưng nếu không đạt đúng mục tiêu, chúng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra còn rất nhiều hình thái khác.
Sân thể hiện qua ba góc độ: Lời nói, việc làm và suy nghĩ. Việc làm có thể là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, đâm chém, bắn giết, tóm lại những hành động bạo lực như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, và “bạo lực tóc dài” mà hiện nay xã hội đang rất quan tâm, nghĩa là chị em phụ nữ có hành vi bạo lực gióng lên hồi chuông báo động vì ngưỡng vọng của xã hội đối với phụ nữ là nét đẹp duyên trong đi đứng nằm ngồi, ăn nói giao tiếp, điều gì cũng phải học làm cho tính tình của người nữ trở nên điềm đạm, nhẹ nhàng, và nhẫn nại. Những cá tính đó không phải là sở trường của người nam. Cho nên khi lòng sân xuất hiện lúc nào cũng là nỗi đe dọa hoặc nỗi ám ảnh cho người khác. Có những kiểu sân nằm dưới hình thức sự nhiễm độc tâm, hoặc đè nén theo công thức “nằm gai nếm mật” nhằm tạo ra lực báo thù. Nó có sức tàn phá rất lớn trước nhất cho bản thân người sở hữu nó, sau đó là tác hại đối với những người trực tiếp hoặc gián tiếp và cũng là nạn nhân của nó.
Trong khi đó, “si” có nhiều “bạn đồng hành”, “bà con”, liên minh và nghiệp lực của nó cũng rất nhiều. Mê tín dị đoan, xem quẻ, bói toán, phong thủy, thiên văn, địa lý mặc dù đức Phật không phủ định tính khoa học của nó nếu chúng ta nghiên cứu đến nơi đến chốn, nhưng hậu quả về phương diện tâm lý và đời sống hiện thực rất cao cho nên vẫn bị liệt vào nghề nghiệp hoặc hoạt động gắn bó với sự si mê, đôi lúc tồn tại dưới hình thức thiếu học, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, có khi là một sự ước đoán hay tư biện mà tính khoa học không được đảm bảo. Có khi nó chỉ là nhận định, đánh giá thể hiện qua hành vi không phù hợp với nhân quả, đi ngược duyên khởi, trái với vô thường vô ngã và kiến thức quy luật. Tất cả những gì ngược lại với những điều vừa nêu là sự bắt đầu của việc thay đổi vô minh, có chiều hướng thay đổi nhận thức để ta tiếp cận giá trị chân chính trong cuộc đời.
Sự thực tập Tứ Diệu Đế là giải pháp quan trọng nhất giúp hành giả rũ bỏ được si mê. Cho nên định nghĩa truyền thống trong kinh, trí tuệ là nhận thức và phán đoán cũng như cách giải quyết vấn đề trên Tứ Diệu Đế. Ai không có suy nghĩ trên nền tảng nhân quả và duyên khởi được xem là vô minh, định nghĩa này rất thật. Cho nên các bác học, các khoa học gia, những người có văn bằng, học vị tiến sĩ, hậu tiến sĩ nếu không giải quyết trên nhân quả sẽ gặp bế tắc khi tìm nguyên nhân hạnh phúc, và họ được xem là người đồng hành với si mê.
Chiến thắng bốn ma được chia thành hai nhóm: Nhóm nội ma và nhóm ngoại ma. “Ma” là thuật ngữ mà nội dung của nó có khi chỉ người chết, có khi chỉ lực cản, có khi chỉ những tâm lý xấu, những nghịch cảnh mà con người phải nỗ lực vượt qua. Về “nội ma” có ba nhóm. Thân thể này như một con ma hay còn gọi là “ngũ ấm ma”. Các Tổ Trung Hoa dịch hai thuật từ khác nhau đó là “ngũ ấm xí thạnh” tức là thân thể, cảm xúc, ý niệm, tâm tư, nhận thức quá sung. Thân thể này quá sung đòi hỏi thỏa mãn những dục vọng thấp kém hoặc trái pháp luật nên nó được hiểu là “ma”. Tương tự, dòng cảm xúc, tư duy, nhận thức theo một xung lực trái luật pháp, trái lương tâm, đạo đức cũng được xem là “ma”. “Ma” này không phải bên ngoài mà là sự sai lầm cần được chuyển hóa. Dịch ngữ khác là “ngũ thường uẩn khổ” nghĩa là chấp vào thân thể vật lý này là tôi, các dòng cảm xúc, ý niệm, tâm tư, nhận thức là tôi. Cái tôi bị kẹt vào sở hữu, kẹt vào tất cả mọi thứ có mặt trên cuộc đời này thì sự bám víu vào cái tôi đó được gọi là “ma”, tức là lực ghì làm cho chúng ta chìm trong sinh tử khổ đau, do vậy cần chuyển hóa bằng sự thực tập vô ngã.
“Con ma” thứ hai là phiền não bao gồm năm nhóm: Sầu, bi, khổ, ưu, não. Đây là năm cấp bậc của nỗi khổ niềm đau liên hệ đến cảm xúc hoặc đến thái độ, nhận thức. “Sầu” là nỗi buồn; “bi” là yếm thế, chán nản tuyệt vọng; “khổ” là đau nội tại, nỗi đau canh cánh bên lòng làm cho mình khó chịu, bần thần; “ưu” là nỗi lo thầm kín; “não” là phiền muộn. Tất cả những thứ này làm hại con người, giết chết con người từng giây từng phút, trói buộc con người ở mức độ bị tụt hậu. Năm loại phiền não vừa nêu được gọi là “ma”, “phiền não ma”.
Như vậy, ở đây không phải có ma nào nhập vào, mà do ta sống với nỗi khổ niềm đau nên bị ảo giác. Sáng nay, cũng tại giảng đường này, sau khi chia sẻ đề tài “Giữ gìn hạnh phúc gia đình” để chào mừng ngày Gia đình Việt Nam, 28 tháng 6, khi chúng tôi bước ra đến cổng thì có một anh khoảng bốn mươi tuổi chạy tới nói rằng: “Thầy ơi, thầy có thể sờ vào đầu con được không? Vì ma theo con nhiều lắm”. Tôi hỏi: “Sao anh biết có ma theo?”. Anh ấy trả lời: “Nếu con không biết thì ai biết. Thầy có thấy mặt mũi con ra nông nỗi như thế này, không có ma thì sao mà tệ đến thế”. Tôi trả lời: “Bây giờ vuốt tóc cũng được, sờ đầu cũng được, nhưng có điều anh đang bị ma ‘tưởng’ chứ không phải ma thật”. Anh ta hỏi: “Thế nào là ma tưởng?”. Tôi nói: “Nghĩa là cứ tưởng rằng có một con ma đang tồn tại trong cơ thể mình. Khi thì nó tấn công bộ não, khi thì phá bao tử, làm hại sức khỏe, khiến mình mất ngủ. Chỉ cần ‘nhổ’ ý niệm sai lầm ấy ra khỏi nhận thức thì anh sẽ khỏe”.
Người bị bệnh tưởng đôi khi vì “chạm mạch” về thần kinh, vì suy nghĩ quá mức, hoặc khủng hoảng nào đó về kinh tế, xã hội, tình cảm, gia đình. Điều quan trọng là cần đến bác sĩ, thuốc thang mới có thể khôi phục lại chức năng bị rối loạn, điều chỉnh lại nhận thức của sai lầm. Cái đó có thể là ma tưởng hoặc cũng có thể là ma “phiền não”.
Mấy ngày trước, sau khi nghe giảng, có một chị ở chùa Phổ Quang, đến hỏi: “Thầy ơi, có bùa phép gì giúp con hết khổ đau hay không?”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Chị trả lời: “Chồng con ‘yếm’ con”. Tôi hỏi tiếp: “Sao chị lại nghĩ rằng chồng chị ‘yếm’ chị?”. Chị nói: “Tại các thầy bói nói thế. Con đi xem, các thầy bói đều nói như vậy”. Có thể trong mối quan hệ vợ chồng chị này đang bất hòa lớn, lời qua tiếng lại làm cho hai bên khổ đau. Thay vì dựa vào nhân quả, Tứ Diệu Đế, ta sẽ thấy được nguyên nhân, hiểu sai, dữ liệu sai, phân tích sai, tác động sai thì ta phải điều chỉnh, khắc phục nó, đằng này lại đi xem bói. Khi nghe thầy bói phán thì ta đã xem lời phán đó là chân lý rồi. Bởi vậy khi về nhà, có bất hòa gì là đổ lỗi cho chồng. Người chồng bỗng nhiên bị hàm oan, còn mình thì sống trong khổ đau và sợ hãi lâu dài. Đó là “phiền não ma”, lý giải sai nên dẫn đến sự ngộ nhận, điều đó rất nguy hiểm.
Con ma thứ ba là “tử ma”, nghĩa là cái chết được xem như một con ma hoặc người chết được quan niệm như là ma. Không phải người chết nào cũng đều không siêu thoát. Chỉ một vài tình huống chết bất đắc kỳ tử trong khi nhu cầu về đời sống vẫn còn, hoặc do sức ép của tình yêu, tình thương, chấp trước về gia tài sự nghiệp, ân oán giang hồ trong chiến tranh hoặc thù hằn cá nhân với nhau nên có thể bị vướng lại.
Còn phần lớn chết là siêu ngay và tiếp tục theo nghiệp để có cảnh giới tái sinh tương thích. Rất nhiều người bị lẩn quẩn trong “tử ma”. Vợ chồng sống với nhau năm mươi năm, mới giờ phút trước còn ngồi kế bên nhau, vài phút sau người bạn đời chết là mình sợ không dám đến gần. Căn phòng đó đôi lúc không dám ở, nhiều người bán luôn căn nhà. Như vậy, hình ảnh của cái chết trở thành nỗi ám ảnh vì ta không có kiến thức đúng về bản chất của cái chết. Ta nghĩ rằng người chết sẽ hại mình. Tâm lý này thường ảnh hưởng bởi phim ma và truyện ma.
Những nhà sản xuất phim ma, truyện ma có tội nhiều vì họ tạo ra sự khủng bố nội tại để khai thác nhu cầu thưởng thức đồng thời kiếm tiền, làm giàu trên loại hình ấy. Cái gì làm cho người ta càng sợ thì càng tạo nên sự thách đố tính tò mò. Cứ đến thứ bảy, chủ nhật thì ba kênh phim nổi tiếng của nước ngoài: Star Movies, HBO, AXN đều chiếu phim ma. Phim ma thường được chiếu vào lúc 22h đến đầu giờ sáng. Hạt giống sợ hãi từ đó tiếp tục khủng bố, ảnh hưởng tới ta nhưng trên thực tế không như thế. Mình còn sống, khi ghét người nào đó, có tay chân, đàn em, thuộc hạ đâm thuê chém mướn chưa chắc đã làm được, huống hồ chết rồi không có tay chân, không có miệng để ra lệnh, không có gì để thực hiện, ấy vậy mà người sống vẫn sợ ma. Cho nên ta phải thực tập không sợ chết, như thế ta sẽ trở nên bình an. Càng sợ chết thì “tử ma” càng hoành hành và hành hạ chúng ta chừng đó.
Ma thứ tư là “thiên ma”, được gọi là “ngoại ma” nghĩa là ma bên ngoài. Theo định nghĩa của từ ngữ Phật học thì đó là những hoàn cảnh, điều kiện xã hội làm tâm mình nhiễu loạn, mất đi hạt giống Bồ Đề, và không còn nhu cầu chăm sóc nó nữa. Như vậy, “thiên ma” không phải là một con người hay một con ma mà là nghịch cảnh nói chung. Nó ở ngoài chúng ta nhưng lại có tác hại đến chúng ta về phương diện nỗ lực chân chính bị khựng lại. Do đó phải thấy rõ không có con ma nào theo mình.
Một số phụ nữ không có cơ hội lấy chồng rất dễ bị các thầy bói phán rằng có vong nam theo, rồi bày vẽ cúng kiếng, đút tiền. Không khéo các thầy bói khiến ta tiền mất tật mang, nỗi sợ hãi vẫn đeo bám, còn hạnh phúc thì biến mất. Trên thực tế không có ma nào làm hại mình. Dĩ nhiên là vợ hoặc chồng thì có thể quyến luyến tình yêu nên bám theo. Nhưng bám một thời gian cũng sẽ buông, chứ không thể bám theo mãi được. Đến một lúc nào đó, nghiệp dẫn dắt thì người đó cũng phải theo nghiệp để được tái sinh. Họ không thể cứ bám víu, không chịu đi tái sinh và giữ được cảnh giới ngạ quỷ vì họ đâu phải là người làm chủ thế giới.
Năng lực thứ hai là trí tuệ. Ta bị nghiệp lôi dẫn hoặc ta được trí tuệ soi sáng để làm chủ tất cả mọi quyết định, hành vi, đời sống, tương lai, v.v... theo khuynh hướng riêng của mình. “Chiến thắng đối ma” được hiểu như là làm chủ thân thể và tâm không bị lệ thuộc hay chấp vào nó. Ta vượt qua được các phiền não sầu, bi, khổ, ưu để chúng không khống chế chúng ta. Ta phải vượt qua những nỗi sợ hãi về cái chết của bản thân hay người thân; những nỗi đau, sự sầu muộn đều là nỗi ám ảnh. Và cuối cùng, ta phải vượt qua nghịch cảnh, trở duyên, thử thách bên ngoài bao gồm những người cố ý hại ta.
Vấn đề cuối cùng của bản kinh này là phải nỗ lực thoát khỏi ba cõi: Cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, được lý giải dưới hai phương diện khác nhau. Thứ nhất, kiếp sống của mỗi con người đều có ba cảnh giới. Có người đặt nặng về hưởng thụ dục, nhất là tính dục; vừa vừa là những ham muốn, hưởng thụ của các giác quan; nhẹ hơn là lòng tham không đáy, v.v... Người có khuynh hướng sống với cõi dục sẽ cân đo tính đếm hơn thua. Sống với họ vô cùng mệt mỏi, và khi vướng vào bẫy của họ sẽ bị họ đeo bám, phá hoại, và bảo vệ những gì mà họ cho rằng mình có quyền sở hữu. Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của những “yêu râu xanh”. Trong lúc thương yêu nhau, họ quay phim, chụp ảnh, sau đó dùng hình ảnh đó tống tiền, nếu không sẽ bị tung tin, đưa lên mạng, v.v... Ở phương Tây, các hình thức hưởng thụ được bảo vệ bởi luật, cho nên hưởng thụ tính dục trở thành một công nghệ, một nghề. Bài bạc, đỏ đen, sát phạt lẫn nhau cũng được bảo vệ. Đó là những người đang sống ở thế giới dục.
Sắc giới thì khá hơn một chút, không nặng về các cấp độ dục như vừa nêu nhưng lại quan trọng về hình thức, màu sắc, v.v... Ở đây tiến bộ hơn nhưng lại vướng vào sự thỏa mãn của mắt. Thế giới của sắc thái là một thế giới có những cái hay nhưng cũng có giới hạn. Hay ở chỗ nó tạo ra nhu cầu làm mới vì nhìn lâu ngày sẽ nhàm, nên phải làm mới liên tục. Từ đó nó dẫn tới nhiều phát minh, sáng kiến. Công nghệ sản xuất xe, máy móc ở phương Tây cũng dựa vào tâm lý này. Chiếc xe không có thêm chức năng nào mới nhưng nếu để mẫu mã cũ thì bán không chạy nên người ta phải làm ra mẫu mã khác, thêm một vài tính năng nho nhỏ, thổi phồng nó lên và chiếc xe trở nên giá trị hơn. Thay vì chiếc xe cũ giá mười nghìn đô, chiếc xe mới chỉ thêm một vài tính năng lại có giá mười lăm nghìn đô, thế là người ta chạy theo mua. Thời trang cũng thế. Thế giới của cõi sắc là một thế giới luôn luôn chạy đua, chạy theo hưởng thụ cái mới hấp dẫn mà không nặng hay lụy về dục.
Vô sắc là thế giới của nội tâm, có chiều sâu. Sống thiên về cõi tinh thần thì giá trị cuộc sống của họ trở nên thanh cao hơn, mặc dù đời sống của họ giản đơn, mộc mạc, chân tình. Một người như thế có cả thế giới của nhiều cái đẹp, đẹp nết, nhân cách, phẩm hạnh. Trong mỗi con người có khi có cả ba thế giới: Dục, sắc, vô sắc. Vấn đề ở chỗ ta biết lưu giữ cái gì, tình huống nào nên sử dụng “vô sắc”, và tình huống nào ta dùng đến “sắc” hay “dục” chân chính để phát huy. Có như vậy thì trong ba cõi ta không bị vướng luỵ, còn không khéo bị đắm nhiễm vào nó thì không có ngày thoát ra.
Bởi thế đức Phật khuyên phải nỗ lực thoát khỏi ngục tù ba cõi, xem ba cõi là một ngục tù. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đưa ra ví dụ khá ấn tượng, căn nhà bị cháy nhưng các con vẫn mải mê chơi trong nhà, không thấy ngọn lửa đang đe dọa. Người cha thấy thế mới dùng phương tiện nói với các con rằng: “Nếu con ra đây thì cha sẽ tặng đồ chơi đẹp hơn, có giá trị hơn”. Vì mê món đồ chơi có giá trị nên những đứa con lần lượt tranh nhau ra khỏi căn nhà. Đức Phật kết luận, ba cõi dục, sắc và vô sắc như ngọn lửa cháy, lúc nào cũng làm cho chúng ta bất an, “Tam giới bất an. Do như hỏa trạch”, như vậy, độ an toàn về phương diện hạnh phúc và an lạc không cao. Khi có điều kiện thoát khỏi nó thì phải quyết tâm. Phàm cái gì nghiện đều không tốt.
Tinh tấn không có nghiện, tinh tấn là sự bền bỉ, điều độ và nó giúp chúng ta thăng tiến đến nấc thang cao hơn. Còn nghiện vào sự tinh tấn mới nguy hiểm. Ví dụ khi mình đạt quả thánh thứ nhất, nếu nghiện vào nó thì sẽ không chứng được quả thánh thứ hai, nghiện quả thánh thứ hai thì ta không với tới quả thánh thứ ba và tương tự như thế đến Phật quả. Vì vậy trong tinh tấn không có “cơn nghiện”. Nó là một lực đẩy đến phía trước một cách bền bỉ, có phương pháp, có trình tự, thứ lớp. Khi quan niệm thân thể này, sự sống này là một ngục tù thì ta mới thấy rất rõ việc chìu chuộng nó là sai lầm, ta bắt nó phải phục vụ lại chúng ta. Ai cũng có niềm đam mê, ai cũng có tâm để thể hiện cảm xúc, thái độ, tâm tư, nhận thức. Nếu thân thể và sự sống phục vụ chúng ta như đày tớ trung thành thì tâm sẽ trở thành ông chủ, những gì chúng ta nỗ lực sẽ đạt được một cách an toàn. Còn biến thân này thành thượng đế, hay các thú vui của tâm làm thượng đế thì ta sẽ trở thành kẻ nô lệ, toàn bộ hạnh phúc sẽ mất hết. Do đó phải nỗ lực vượt ra khỏi ngục tù ngũ uẩn, và không nên chấp vào nó.
Tóm lại, điều giác ngộ thứ tư dạy chúng ta cách thức thấy rõ những tác hại từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn của sự giải đãi, lười biếng. Khi thấy được tác hại của nó thì điều đáng khích lệ là phải tinh tấn để thay thế, đây chính là tiến trình của chuyển nghiệp. Nội dung sự tinh tấn được đức Phật phân tích qua các hành động cụ thể đó là phá phiền não, chuyển những điều ác, hàng phục được bốn loại “ma” trong và ngoài, và nỗ lực thoát khỏi ngục tù của đời sống cũng là ngục tù của ba cảnh giới thấp kém là dục, sắc và vô sắc. Ai thực tập đầy đủ các phương diện trên được gọi là tiếp cận với sự giác ngộ của một vị Bồ tát. Dần dà ta từ tư thế của Bồ tát “con” trở thành Bồ tát “cha”, tức là trọn vẹn được thành quả của nó.
***