Phần 6: DÂNG TẶNG NIỀM VUI

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 11-7-2010

Phiên tả: Diệu Lụa

  ***   

Phần thứ sáu của kinh Bát Đại Nhân Giác dạy về nghệ thuật dâng tặng niềm vui.

    Khi sử dụng động từ “dâng” và “tặng” trong hành động bố thí, thì ý niệm của sự trân trọng được thể hiện khá rõ rệt. Phát xuất từ động cơ mang niềm vui đến cho người khác nên cách thức “dâng” và “tặng” được đặt ra như mối quan tâm hàng đầu. Nói cách khác, việc chuyển giao sở hữu hay niềm vui từ người này sang người khác liên hệ đến động cơ và tâm chứ không đơn thuần chỉ là vật chất hay một khối sản phẩm có giá trị vật chất hoặc phi vật thể. Quả phước báu của việc “dâng tặng” cũng tùy theo động cơ và tâm mà có chiều hướng lớn hay nhỏ, nhiều hay ít.

    Nguyên văn chữ Hán của đoạn kinh này là:

                          “Bần khổ đa oán

                          Hoạch kết ác duyên

                          Bồ tát bố thí

                          Đẳng niệm oán thân 

                          Bất niệm cựu ác

                          Bất tắng ác nhân”.

    Dịch nghĩa trong tiếng Việt như sau:

                          Nghèo khổ sinh nhiều oán hận

                          Vì thế tạo thêm duyên xấu

                          Bồ tát thực hành bố thí,

                          Xem người oán thân như nhau 

                          Bỏ qua điều xấu quá khứ   

                          Không ghét bỏ kẻ xấu xa.

    Bài kinh bắt đầu từ sự phán đoán cho rằng cái nghèo có thể kéo theo những khổ tâm và thái độ tâm lý không đồng cảm với những gì người khác có. Đối diện với khổ thông qua nghèo là một thách đố lớn mà ai đang sống chung với nó dường như không còn cảm giác hạnh phúc hay an vui.

♦ NGHÈO KHỔ DỄ OÁN (BẦN KHỔ ĐA OÁN)

    “Bần khổ đa oán” ở đây được hiểu theo hai phương diện. “Bần” là nghèo, “khổ” là bất hạnh. Người nghèo khó có thể oán hận cuộc đời, oán hận con người trong những tình huống cụ thể. Người khổ đau cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho người, cho đời, trong những hoàn cảnh khác nhau.

    Như vậy, thay vì truy tìm nguyên nhân thì những người có uy thế thường lấy cái tôi của mình làm trục xoay, thấy rằng mình luôn quan trọng. Khi kết quả diễn ra ngoài ý muốn, người đó rơi vào trạng thái “cầu bất đắc khổ”, tức là mong mỏi, khát vọng, lý tưởng nhưng trên thực tế, tất cả những gì đạt được nằm ở dưới mức trung bình. Tâm trạng khổ đau cũng như ức chế tâm lý xuất hiện thiêu đốt người đó, làm cho người đó mất thiện cảm với bất kỳ ai mỗi khi đối chiếu bản thân mình với họ.

    Ca dao Việt Nam có câu nói chí lý thể hiện thái độ tâm lý thông thường vừa nêu: “Trâu cột ghét trâu ăn”. Ghét ở đây xuất phát từ cái gì? Không chỉ đơn thuần ở sự ăn mà còn ở chỗ, một con bị cột và con còn lại được tự do. Nếu ta nói rộng ra hơn nữa thì nó còn liên hệ đến yếu tố ăn nhiều hay ăn ít, bị trói buộc nhiều, cột nhiều hay được tự do nhiều. Cứ mỗi tính từ “nhiều” và “ít” trong những tình huống so sánh giữa mình và người thì phản ứng loại trừ và dư vị tâm lý bắt đầu trỗi dậy. Người ta sẽ suy nghĩ: “Tại sao tôi có tiêu chuẩn a,b,c về kiến thức, vai trò xã hội, nhân phẩm và nhiều phương diện khác lại không được cơ hội tiếp nhận những thứ mà người khác thậm chí thấp kém hơn tôi có được?”. Dĩ nhiên có rất nhiều con trâu cột chẳng bận tâm đếm xỉa gì đến việc con trâu tự do đang ăn. Điểm này ta thấy rất rõ là nó không có nhu cầu ăn những thứ đó thì ghét để làm gì. Còn ngược lại chỉ làm cho đương sự mang nỗi niềm ghen ghét một cách hết sức vô nghĩa.

    Vậy “cột”, tượng trưng cho sự mất tự do hay không có cơ hội thể hiện những gì mình mong mỏi, đã trở thành điều kiện trong hệ quy chiếu cái tôi, làm cho đương sự trong hoàn cảnh đó cảm thấy ngột ngạt. Do vậy họ có thái độ mất thiện cảm với những người không cùng hoàn cảnh bị cột.

    Ăn là quyền lợi được hưởng thụ đã trở thành mối tranh giành, quan tâm của phần lớn người phàm kẻ tục. Việc được ăn trong thời điểm nào, bao nhiêu, làm sao, chia đều hay bất công cũng trở thành đầu mối của sự tranh chấp.

    Rất nhiều người nghèo oán hận người giàu một cách vô cớ. Mặc dù những người giàu không hề tước đoạt quyền sở hữu của người nghèo này. Họ không hề chèn ép sức lao động và cũng không hề đả động đến tương quan xã hội mà người nghèo này là một dự phần theo hướng bất công. Ấy thế mà cái ghét vẫn được thể hiện vì rất đơn giản là “tại sao tôi không có được nó?”.

    Dưới các hình thức, tâm lý thất thường ở những người nghèo khổ có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào chẳng hạn như sự trách mắng, dễ cau có bực dọc, khó chịu hay có ác ý, ác cảm, tị hiềm hoặc thái độ thiếu tùy hỷ. Điều này dẫn đến phản ứng oán hoặc hận. Nếu cái nghèo, cái khổ do người nào trực tiếp tạo ra thì sự oán hận theo đó càng gia tăng. Ít ra trong tình huống này, mối tương quan nhân quả khi những người giàu và thành công chà đạp nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của những người nghèo khổ thì còn có thể được sự đồng cảm nhất định nào đó. Còn trong tình huống không hề có bất cứ mối tương quan tạo ra những bất công xã hội ở người giàu có, mà người nghèo khổ cảm thấy oán hận họ là điều hết sức vô lý.

    Hãy lấy đây làm thước đo để thấy rõ hoàn cảnh ngặt nghèo mà quãng đời dài hay ngắn của tất cả chúng ta đều phải đi qua. Không nên đổ lỗi cho ai, quy trách cứ cho ai mà theo lời Phật dạy, hãy quay về chính mình để xem nguyên nhân xa gần, chủ quan khách quan, trực tiếp gián tiếp, cá thể tập thể, điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, các tác động nội tại, xung quanh. Hãy tìm đâu là manh mối chính, đâu là dây mơ rễ má, đâu là những dây tầm gửi v.v... Xác định được những tương quan như thế thì ta mới có thể ngăn chặn phần nào, hoặc giảm tình trạng kết liễu cái khổ, cái nghèo một cách lâu dài. Làm được việc ấy, ta phải phân tích hai phương diện.

    -      Thứ nhất, cái nghèo cái khổ là quả của nhân sâu xa quá khứ, kinh điển Phật giáo gọi là túc nghiệp.

    -      Thứ hai, nó là kết quả của những hành động bất cẩn, thiếu tính toán, thiếu xác thực, thiếu kiến thức, thiếu phương pháp được chính đương sự sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là nghèo và khổ.

    Xác định tình huống nghèo khổ của mình rơi vào một hay hai phương diện vừa nêu giúp ta giải quyết vấn đề được mấy mươi phần trăm. Vấn đề còn lại là bình tĩnh, sáng suốt, nghị lực, niềm tin đi đến phía trước để biến những thất bại trong quá khứ thành tiêu điểm thành công trong tương lai. Ai làm được việc ấy sẽ không còn oán trách cuộc đời hay trách cứ người nào, mà cứ xem mỗi bất hạnh hay điều không như ý diễn ra là một bài học cho bản thân. Dĩ nhiên nó khác hoàn toàn với khuynh hướng: Để có một kinh nghiệm nào đó, ta cần phải trải nghiệm những bài học này. Ví dụ một số người nói rằng: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, cho nên cứ trải nghiệm khổ đau để biết khổ đau và do đó không còn khổ đau nữa. Lý luận này lô gíc nhưng phản ngược chân lý. Ta thử áp dụng bằng cách quy đổi vào tình huống cụ thể. Có cần phải tự chặt cánh tay để biết đau khổ của mất cánh tay không? Câu trả lời hẳn nhiên là không. Có cần phải đi trên con đường rải nhiều đinh, bị nổ lốp, gặp tai nạn giao thông để biết được tai nạn của việc rải đinh trên đường phố là gì không? Câu trả lời hẳn nhiên là không.

    Ngày mùng 8 và 9 tháng 7 năm 2010 dương lịch, Bình Dương đã phát động chiến dịch sử dụng những loại xe chuyên dụng nhặt đinh rải trên toàn bộ tỉnh. Kết quả trong hai ngày cho thấy, hơn 30kg đinh được rải nhằm phục vụ cho việc sửa vá xe ở các tuyến đuờng. Ai là tác giả của nó thì hiện nay không truy ra được nhưng hiện tượng rải đinh đã dẫn đến rất nhiều tai nạn giao thông, từ đơn giản đến nghiêm trọng, thậm chí chết người. Đôi lúc, chỉ vì hám lợi nho nhỏ trước mắt, nó dẫn đến nhiều hậu quả mà chính bản thân của người vì lợi nhuận nhỏ phi pháp không thấy hết. Nếu có thấy cũng nghĩ rằng nó không can hệ gì, vì mình không phải là nạn nhân.

    Do đó, phương pháp quay trở về soi gương nhân quả của tự thân sẽ giúp cho người đang nghèo khổ giải quyết được nó ít nhất ở góc độ phương pháp luận. Trong chúng ta thỉnh thoảng cũng có người bị người khác chửi vô cớ. Ta không có ân oán giang hồ với họ mà tự động bị họ chửi. Trong những tình huống bị hàm oan như thế, chúng ta cũng đừng buồn. Mặc dù mình không phải là tác nhân để tạo ra nhưng lỡ người khác do vì nhận thức sai, thiếu chính kiến, không có như lý tác ý, cố tình vì ganh tị hay vì biến chứng của cảm xúc dẫn đến thái độ từ lời nói đến việc làm thương tổn ta thì tốt nhất nên cảm thông với hoàn cảnh khổ đau của họ để không gây hận kết oán thêm thù. Và như vậy, oán thù trỗi lên đó chỉ là một chiều, ta trở nên thong dong trước nghịch cảnh. Còn không khéo, ta sẽ bị trúng kế phải liên lụy khổ đau theo.

    Phần lớn, sau khi phân tích nguyên nhân, ta thấy hậu quả tiêu cực xảy ra trong cuộc đời mình đều có gốc rễ ở hiện tại do thiếu chánh kiến, thiếu kiến thức về nhân quả, thiếu kiến thức về phương pháp hay thiếu các dữ liệu để phán đoán hơn là quy kết, đổ lỗi cho quá khứ ở một đời kiếp nhất định nào đó. Ứng xử của con người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho quá khứ để an ủi, trong khi mình không biết mặt mũi quá khứ của mình như thế nào, có tạo nghiệp xấu hay không. Cứ đổ lỗi như vậy, ta mất cơ hội phân tích các nguyên nhân đã diễn ra trong quá khứ gần với hiện tại. Kết quả là bế tắc đó có thể xảy ra một lần nữa hay nhiều lần nữa trong tương lai. Đây là điều chúng ta cần phải lưu tâm. Cho nên đối diện với nghèo khổ bằng thái độ nhận thức nhân quả sẽ làm cho ta hân hoan hơn, thấy rõ hơn và tìm giải pháp một cách an toàn hơn.

    Phương diện thứ hai, từ nghèo đến khổ. Nghèo không nhất thiết tạo ra khổ, nhất là khổ tinh thần. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, ai dám bảo người đó bị khổ tâm. Ngược lại, họ rất sung sướng về mặt nhân phẩm và tư cách đạo đức. Sự trong sáng lương tâm của người này là tấm gương cho rất nhiều người noi theo.

    Có những cái nghèo không phải do ta chọn lựa mà do hoàn cảnh đưa đẩy, cũng có cái nghèo gắn liền với sự định hướng nghề nghiệp và chọn lựa nghề nghiệp của con người. Chẳng hạn người thích làm nghề nông, tuy nhiên nghề nông tiểu thương ở nước nào, thời đại nào cũng thường bị tác động rất thất thường của thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến thành quả thu được của từng vụ mùa. Cho nên không phải lúc nào đầu tư vốn, phân bón, hạt giống, nước và nhiều yếu tố chăm sóc mà nó có thể dẫn đến kết quả tích cực.

    Tuần lễ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bình Định, hàng trăm hồ nước trữ cho hạn hán gần như khô kiệt. Biết bao ruộng lúa nứt nẻ như bị lở đất. Bà con nông dân đầu tư vào đó trở nên điêu đứng. Cho nên, không phải cái gì có đầu tư đều dẫn đến kết quả nếu ta hiểu nhân quả ở mức độ rộng hơn, sâu sắc hơn với các tác động đa chiều của duyên thuận và nghịch.

    Đừng bao giờ tạo sự nối kết từ nghèo sang khổ. Hãy khoan dung cái nghèo để khỏi phải khổ tâm khi so sánh bất hạnh giữa mình với những người xung quanh. Tất cả so sánh đối chiếu tiêu cực sẽ dẫn đến bấn loạn về phương diện cảm xúc và tinh thần, khiến ta mất đi sự tùy hỷ đáng có đối với những người thành công chân chính.

    Đổi quy trình ngược lại từ khổ đến nghèo thì tình huống này hiếm khi xảy ra. Khổ tâm, khổ về cảm xúc, khổ tinh thần không nhất thiết tạo ra cái nghèo. Rất nhiều người giàu vẫn bị khổ vì không có tình yêu trọn vẹn. Rất nhiều người sống “tiền rừng biển bạc, nứt vách đổ tường” nhưng đời sống không hạnh phúc. Cho nên khổ tâm không kéo theo cái nghèo nhưng cái nghèo có thể dẫn đến khổ tâm. Nặng hơn nữa, đó là sự oán trách, đổ lỗi, mất thiện cảm, thậm chí ác ý, thiếu tuỳ hỷ hoặc ganh tị.

    Từ nghèo kéo sang khổ giống như quy trình gặt quả xấu. Cái nghèo ngay hiện tại gieo cái khổ cho chính mình trong tương lai là điều không nên. Học theo phương pháp chánh niệm “hiện tại lạc trú”, ta phải khéo léo khoan dung từng điều tiêu cực để nó không có cơ hội lây lan, tác động kéo theo công thức duyên khởi tạo điều kiện cho cái khác có mặt.

♦ GẶP NHIỀU TRỞ NGẠI (HOẠCH KẾT ÁC DUYÊN)

    “Hoạch kết ác duyên” có ý nghĩa rất ấn tượng bởi hình ảnh mô tả của nó. “Hoạch” là đang thu hoạch, một hình ảnh gom góp. Động từ “kết” ở đây chỉ trói buộc. Cái nghèo khổ nếu không biết phân tích nguyên nhân để từ bỏ mà sống với tâm lý tiêu cực sẽ dẫn đến tình trạng thu hoạch rất nhiều ác duyên và kết nối như tự trói buộc mình với điều kiện tiêu cực. Kết quả là người thiếu cái nhìn chân chính như thế thường hành động nổi loạn, phá phách, nhập bọn với kẻ bất hảo, đe dọa hạnh phúc, tính mạng, an toàn xã hội của cộng đồng và tha nhân nói chung.

    “Ác duyên” được hiểu theo nghĩa rộng nhất là môi trường, điều kiện hoàn cảnh, dữ liệu, tình huống, tương quan xã hội mà diễn tiến của nó dẫn đến kết quả tiêu cực về phương diện đạo đức tâm linh, văn hoá trong cuộc đời. Ở đây, đức Phật xác định rõ, người nghèo khổ không thấy duyên của sự nghèo khổ nên không nỗ lực vượt qua và có khuynh hướng oán hận cho nên tiếp tục tạo thêm nhiều ác duyên khác. Như vậy trong tương lai lại khốn đốn, nghèo khổ nhiều hơn. Một ví dụ phần lớn có thật, người bất hạnh do hoàn cảnh, điều kiện xã hội đưa đẩy trở thành ăn xin. Mỗi khi nhìn người giàu nào đó đi ngang qua mà không đếm xỉa đến mình thì oán hận trỗi dậy, có thể chửi thầm hoặc gây sự nhằm cho biết “tôi không sợ ông”, thậm chí muốn thách thức “chén kiểu phải chọi với chén sành”. Cái đó tạo nên ác duyên rất lớn. Diễn tiến của những con người như thế sẽ dẫn đến tình trạng cái nghèo ngày càng lấn lướt nhiều hơn, cái khổ ngày càng diễn ra lâu dài hơn.

    Bộ phim “Tỷ phú ổ chuột” (Slumdog Millionaire) được quần chúng ở thành phần trung lưu và hạ lưu trở xuống hoan nghênh vì thông điệp của nó nhắn gửi rằng, trong hoàn cảnh của cái nghèo cái khó thì đừng nên khổ mà hãy phấn đấu để đổi đời làm mới. Hai anh em cùng một hoàn cảnh, người anh trở thành cướp và đầu mối maphia ở Mumbai, còn người em lại có đời sống tích cực và tương lai tươi sáng hơn. Thông điệp đó rất ấn tượng.

    Khi bộ phim đạt tám giải Oscar và nhiều giải thưởng trong nước thì phần lớn người giàu và những người cực đoan lại phê phán nó một cách nặng nề rằng, chẳng lẽ diễn viên đạo diễn nổi tiếng và nhiều nhân vật khác trong phim chỉ vì lợi nhuận hợp đồng từ phim mà bán đứng lương tâm của mình để sử dụng ngôn từ mà chủ nghĩa đế chế Anh đã từng nhục mạ người Ấn Độ hay sao?!. Thực ra, từ “slumdog” là khu ổ chó, hiện nay gọi là khu ổ chuột trong thời điểm xuất hiện và thời điểm hiện nay sử dụng lại, thuộc hai ngữ cảnh hoàn toàn khác nhau. Bộ phim sử dụng từ “slumdog” không có nghĩa khinh thường, phỉ báng những người nghèo hay những người Ấn Độ nói chung mà chỉ nói đến hiện tượng sát bên cạnh thủ phủ kinh tế nguy nga tráng lệ Mumbai của Ấn Độ còn rất nhiều người bất hạnh đang sinh sống. Đó là hai thái cực giàu và nghèo. Anil Kapoor, diễn viên chính của bộ phim đã tặng hết toàn bộ số tiền hợp đồng từ bộ phim và giải thưởng cho quỹ thiếu nhi. Ông đã ký tên từng đĩa CD được phát hành rộng rãi tại Ấn Độ trong mấy năm vừa qua. Nghĩa cử đó vô cùng cao thượng.

    Về nội dung, bộ phim có một điều gay cấn, đó là người điều khiển chương trình “Ai là tỷ phú” cũng xuất thân từ một kẻ cùng đinh giống như cậu thanh niên đoạt giải. Chi tiết này một mặt khích lệ cậu thanh niên, nhưng mặt khác phản ánh tâm lý đố kị như một rào cản. Người điều khiển chương trình cảm thấy ghen ghét vì trước nay mình là người thành công khi xóa bỏ phận nghèo của bản thân, bây giờ một người khác vượt mặt và giàu hơn mình. Đến giờ giải lao, hắn giả vờ hé lộ đáp án, thực chất là đáp án giả. Nếu tin theo đó thì cậu thanh niên sẽ bị đánh bại và kết quả trắng tay. Ngoài ra, hắn còn trấn áp, khủng bố tinh thần bằng cách vu cáo với cảnh sát rằng cậu này lừa đảo trong cuộc chơi. Vừa chơi xong, công an đến áp đảo đưa về đánh đập, tra tấn, mắng nhiếc. Đến lúc cuộc thi chuẩn bị diễn ra, cậu ta lại được đưa đến sân khấu của khán đài. Ấy thế mà cậu vẫn thành công. Câu chuyện hư cấu vừa nêu là một bài học, cũng là thông điệp cho những người nghèo: “Đừng bỏ cuộc và đừng tạo cái khổ cho chính mình”. Vì nghèo mà người anh gia nhập đường dây maphia, trở thành kẻ đâm thuê chém mướn, không từ cả em ruột và người thân của mình.

    Từ nghèo đến khổ là một quy trình không nên đặt ra đối với những ai đang lâm vào cảnh nghèo. Ta phải chặt đứt mắt xích của nó ở ngay điểm nó xuất phát. Từ nghèo đến khổ, ta khoanh vùng cái nghèo và thoát được cái khổ đó. Trước cái khổ, ta cũng đừng nên chán nản, tuyệt vọng, bỏ cuộc và kết quả dẫn đến cái nghèo.

    Vừa sau năm 1975, do nhiều lý do khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt và bắt đầu đi tìm mảnh đất dễ sống hơn. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người nghèo khó sống ở vùng duyên hải nhân cơ hội trốn trên các chuyến tàu vượt biên đến định cư ở nước thứ ba. Sau mấy mươi năm xuất hiện hai hiện tượng.

    Thứ nhất, những người đã từng thành công trước năm 1975, khi sang định cư ở một nước khác thì lại thất bại. Họ khổ tâm vì nghĩ rằng mình mất cái này, mình tổn thất cái kia, do đó không muốn tiếp nhận cơ hội của nghề nghiệp mới, đặc biệt điểm xuất phát của nó là những nghề nghiệp rất tầm thường. Phần lớn những người này ăn trợ cấp của nơi sở tại và không phấn đấu gì. Mỗi năm đến ngày kỷ niệm nào đó, họ mặc lại quân phục của trước năm 1975, đeo lại huân chương kỷ niệm, rồi hoài ức về quá khứ vàng son. Như thế, từ khổ dẫn đến cái nghèo.

    Trong khi đó, những người vượt biên vì lý do kinh tế thì khi có mặt ở nước thứ ba, họ đi làm thuê, làm mướn bất cứ lãnh vực ngành nghề nào dù thấp kém. Sau thời gian phấn đấu, họ gầy dựng được tương lai tích cực hơn. Cho nên, ai ôm nỗi đau của cái nghèo cái khổ trong quá khứ sẽ mất cơ hội sống với hạnh phúc ở hiện tại và tương lai. Đức Phật dạy phương pháp “hiện tại lạc trú” tức là tìm thấy an lạc hạnh phúc trong từng tư thế vận động, đi đứng nằm ngồi, làm chủ cảm xúc, các giác quan, lời nói, việc làm để tạo dựng điều kiện cho mình được sống với hạnh phúc, và hòa với hạnh phúc. Giàu hay nghèo không phải là yếu tố của hạnh phúc. Nó có thể là một điều kiện nếu biết sử dụng đúng cách. Còn sử dụng sai, nó có thể bóp nghẹt và ám sát hạnh phúc.

♦ BỐ TÁT GIÚP ĐỜI (BỒ TÁT BỐ THÍ)

    Bản kinh xác định rõ các vị Bồ tát, tức những người đang hướng trên con đường giác ngộ bằng động cơ từ bi với hành động của trí tuệ. Bao giờ họ cũng tâm niệm việc nhường cơm xẻ áo, hiến tặng cho người là niềm vui hạnh phúc của bản thân. Các vị Bồ tát thường xuất hiện những lúc ngặt nghèo. “Ngặt” do thiên tai hoặc tai nạn nói chung tạo ra mà chính người đó đôi khi không phải vì nghèo, nhưng với hoàn cảnh khó khăn họ không thể tự xoay sở nên lâm vào hoàn cảnh khốn cùng bế tắc. Cú “ngặt” này sẽ giúp họ vươn lên nhanh chóng. Trong khi “nghèo” thường đòi hỏi phương pháp khắc phục lâu dài hơn. Có người nghèo năm năm, mười năm, có người nghèo suốt một đời mà không biết tại sao mình nghèo và cũng không biết làm sao thoát khỏi cái nghèo.

    65% đến 75% cư dân Ấn Độ trong số ngấp ngưỡng một tỷ dân thuộc về hạng nghèo cùng đinh. Giải phóng cái nghèo đó không phải chuyện dễ, dù rất nhiều tổ chức từ thiện, những con người có tấm lòng Bồ tát nhưng cái nghèo vẫn có khuynh hướng bảo thủ. Giải phóng cái nghèo do đông dân trong những quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển là một thách đố lớn, nhất là quốc gia đi theo chính thể tự do hoặc dân chủ. Vì tự do nên mạnh ai nấy làm, ai khôn thì giàu sang, ai không thông minh thì trở nên bất hạnh. Mối quan tâm mang tính chất chính sách ứng dụng một cách toàn triệt trên toàn quốc hầu như không có.

    Trong khi đó, Việt Nam áp dụng thực hiện chính sách “xóa đói giảm nghèo” của Ấn Độ nhưng lại triệt để hơn. Do đó, nạn mù chữ không có nhiều tại Việt Nam. Nghèo rớt mùng tơi, màn trời chiếu đất cũng không nhiều so với tỉ số người dân, bởi vì chúng ta có nhiều chương trình khuyến nông được phát sóng trên đài truyền hình từ trung ương tới tỉnh thành. Người nghèo ngày nay có thể xem nhờ ti vi của hàng xóm, hoặc nếu không có phương tiện truyền thông thì mỗi buổi sáng, Ủy ban nhân dân xã huyện đều phát sóng các chương trình tin tức inh ỏi. Người nông thôn thức dậy rất sớm cho nên ở bất cứ vùng nông thôn nào, người ta cũng được nghe các chương trình hay. Từ đó, họ học được phương pháp để có vụ mùa thu hoạch cao, phương pháp ngăn ngừa sâu rầy, phương pháp nhân giống, cải tạo giống, và để thu hoạch lớn.

    Trong khi đó, ở Ấn độ không có chương trình như trên. Đài truyền hình ở họ là tự do, radio cũng của tư nhân. Nhà nước không có đài truyền hình. Tư nhân thì đặt quyền lợi kinh tế lên hàng đầu, nên chủ yếu phát sóng những chương trình mang lại lợi nhuận cao để thông qua đó thu hút được quảng cáo và bán quảng cáo. Những việc liên quan đến người nghèo không phải là mối quan tâm của họ. Cho nên hàng trăm đài truyền hình ở Ấn Độ không quan tâm đến những chính sách làm thế nào để xoá đói giảm nghèo. Các tổ chức NGO, tức phi chính phủ cũng nỗ lực hết mình nhưng vẫn bị giới hạn vì họ không nắm truyền thông, truyền hình, radio, báo chí, tạp chí, những phương tiện mà thông qua đó, kiến thức hay phương pháp tốt được nhân bản và phổ cập. Do đó, làm công việc truyền thông được xem như đang làm Bồ tát hạnh ban niềm vui, xóa đi nỗi khổ do nghèo mà ra, xóa đi cái nghèo vốn có khả năng dẫn đến khổ. Việc ra tay kịp thời không trì hoãn thể hiện mối quan tâm và sự cam kết trong hành động giảm nghèo, giảm khổ.

    Ban vui trong hạnh tặng quà thông thường được dùng bằng từ “bố thí” là mối quan tâm hầu như hàng đầu của những người đang tu hạnh Bồ tát. Trong tiếng Pali và Sanskrit, “bố thí” và “cúng dường” được dùng chung bằng từ “dana”. Người Trung Hoa có thói quen phân biệt nên dùng từ “cúng dường” khi người dưới dâng tặng cho người trên về phương diện đạo đức tâm linh; “bố thí” dùng trong trường hợp người trên ban phát cho kẻ thấp dưới hơn mình. Động từ đó làm cho sự phân biệt có mặt trong hành động nghĩa cử cao thượng là tặng quà hay ban vui. Trong khi đó, nghĩa đen của chữ “dana” là dâng hiến quyền sở hữu của mình cho người khác. Sự dâng hiến tích cực vì nó thể hiện lòng trân trọng người tiếp nhận, chứ không phải xem người đó là thường. “Bố thí” trở thành một tâm niệm của các vị Bồ tát dưới ba phương diện:

    -     Bố thí nội tài: Là bố thí tài sản của cơ thể bao gồm máu, các cơ quan lục phủ ngũ tạng, thân xác này sau khi chết, nói chung là các chi phần tạo ra sự sống hay bản chất của sự sống.

    -     Bố thí ngoại tài: Là bố thí tài sản, của cải vật chất, những sở hữu hợp pháp của mình, chuyển giao một cách hợp pháp sang người khác bằng tinh thần hoan hỉ và hiến dâng.

    -     Bố thí vô úy: Là hiến tặng niềm an vui mà mấu chốt của nó là giúp người tiếp nhận không còn sợ hãi, lo lắng, sầu muộn, bi quan, chán chường, tuyệt vọng.

    Cả ba phương diện này đều có ý nghĩa tích cực trong việc nhổ nỗi khổ, mang niềm vui đến cho cuộc đời. Hai mươi sáu thế kỷ trước, khi đức Phật chủ trương bố thí nội tài thì người ta nói rằng ông Cồ Đàm Gôtama “mát’. Bố thí thân thể này làm sao xài được. Làm sao chặt cánh tay người này ráp vô người kia, hoặc ghép tim người này cho người nọ duy trì sự sống. Thời điểm đó không làm được. Nhưng tại sao đức Phật vẫn chủ chương bố thí nội tài? Đó là tầm nhìn xa của Ngài.

    Cho nên vào thời điểm đó, các câu chuyện minh họa thường dẫn đến nhiều sự hiểu lầm, vì ý niệm về hiến máu nhân đạo, tặng các chi phần, lục phủ ngũ tạng của cơ thể hay hiến xác cho khoa học sau khi qua đời là chưa có, nên các hình ảnh được đưa ra là tương đối. Chẳng hạn, bố thí vợ con vốn được xem là sở hữu của đàn ông theo truyền thống văn hóa Ấn Độ Bà-la-môn nếu hiểu theo nghĩa đen mà ứng vào Phật giáo thì vi phạm nhân quyền. Thực tế, đức Phật khuyên, bố thí là chuyển giao quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp cho người khác để người đó an vui. Theo luật pháp, người vợ đâu thể là đối tượng để mình tặng biếu. Tặng vợ cho người là sao? Người tiếp nhận như thế nào? Đạo đức? Nhân cách? hay biến vợ trở thành nô lệ?! Cho nên, có tầm nhìn xa đi trước cuộc đời đôi lúc gặp rắc rối bởi những lời phê bình thiển cận của những người thiếu thiện chí.

    Ngày nay, bố thí nội tài trở nên ấn tượng, rất được người tán dương. Đức Phật nói nôm na trong các kinh, hiến tặng không có nghĩa là mất đi mà ta đang đầu tư dưới dạng phước báu.

    Về phương diện hiến máu nhân đạo, y khoa phân tích, khi máu được rút ra khoảng 350ml trong vòng từ sáu mươi đến chín mươi giây, người yếu sức hoặc sợ máu sẽ cảm giác mệt, toát mồ hôi, hạ huyết áp v.v… Còn phần lớn nhận thấy việc hiến máu tạo quy trình trao đổi chất, trao đổi máu trong cơ thể. Nó kích thích một nguồn máu mới được tạo ra. Cơ thể ta sẽ tự động theo cơ chế bù vào chỗ thiếu, đào thải chỗ dư. Cho nên hiến máu không có nghĩa là mất sức nếu ta hiến máu hợp pháp đúng với tình trạng sức khỏe của mình.

    Hơn nữa, ngay trong tình trạng hiến máu, ta không thấy có gì là tổn thất khi 350ml máu được truyền sang người đang có nhu cầu duy trì mạng sống. Và việc lấy đi 350ml máu không dẫn đến cái chết của mình thì tại sao lại không dám làm?!

    Tương tự các chi phần trên cơ thể. Khi gặp tai nạn giao thông hay bất cứ tai nạn nào dẫn đến tử vong, những chi phần trên cơ thể trở nên vô nghĩa đối với bản thân người chết nhưng lại hữu dụng với người đang có nhu cầu. Chúng ta cũng nên hiến tặng.

    Đến một lúc nào đó y khoa trên hành tinh này phát triển thì người ta lắp ráp chi phần trên cơ thể người khác một cách an toàn hơn. Hiện nay, trình độ đang giới hạn nên triệu chứng dị ứng sau lắp ghép vẫn thường xảy ra. Mức độ thành công, sống hạnh phúc, bình yên chỉ khoảng 50%; thời gian kéo dài thêm vài ba năm, nhiều nhất là mười năm. Hoặc những dị ứng về tâm sinh lý, chẳng hạn một người có quả tim nặng về cảm xúc ráp vào cơ thể một người điềm tĩnh cũng làm cho người điềm tĩnh này bị bấn loạn, dễ xúc cảm,… Hy vọng đến một lúc nào đó, trình độ y khoa phát triển thì người ta sẽ có thể khắc chế nó ở mức độ tương đối.

    Nhìn chung, bố thí các chi phần cơ thể, hiến xác khoa học, bố thí tài vật, bố thí niềm vui không sợ hãi thì bố thí niềm vui không sợ hãi là điều cần thiết cho đời sống sức khỏe tinh thần. Không có người phát tâm bố thí nội tài thì yếu tố nhân đạo không được nhân rộng, tình người có thể mất. Không có bố thí tài vật thì cái nghèo vẫn mãi là cái nghèo, cái ngặt vẫn mãi là cái ngặt. Nhưng còn bố thí niềm vui không sợ hãi bao gồm hiến tặng lời hay ý đẹp, chân lý Phật dạy, chánh pháp, những lời khuyên chân thành, những khích lệ, những hướng dẫn giúp trấn an bình tĩnh, rũ bỏ lo âu, khắc phục nỗi hồi hộp, sợ hãi để có được sự điềm tĩnh, rồi trên cơ sở đó tìm ra giải pháp, như thế mới có ý nghĩa cao thượng trong cuộc đời.

    Hiện nay, video, VCD, ipod, các dụng cụ ổ đĩa cứng v.v... đều là những phương tiện thuận lợi để ta truyền bá chánh pháp. Ngày xưa, bố thí pháp khó ở chỗ phải trở thành một vị giảng sư, pháp sư, hay một hành giả thì mới có thể tặng ký. Còn ngày nay, chúng ta có thể góp phần bằng cách ấn tống, tặng biếu, truyền bá, phổ biến khích lệ. Kể cả khi biết sử dụng internet, ta cũng có thể tặng biếu bằng cách gửi đường link của một bài giảng nào cho những người có nhu cầu, biết đâu khi nghe được bài pháp ấy, người ta có thể vực dậy từ nỗi khổ niềm đau. Chỉ cần có tâm là có thể tạo ra những hỗ trợ rất ý nghĩa.

    Bố thí pháp được hiểu chung là bố thí chân lý, bố thí đạo đức, bố thí sự thật, bố thí những điều hay lẽ phải, tóm lại dâng tặng cho cuộc đời những niềm an vui thông qua chân lý Phật dạy.

♦ KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ (ĐẲNG NIỆM OÁN THÂN)

    Đây là một tuyên ngôn của hòa bình và sự chung sống an lạc. Trăm bạn tốt không bằng người không có bất cứ kẻ thù nguy hiểm nào. Chúng ta có hàng triệu tín đồ, hàng ngàn người thân cận, hàng trăm bạn tích cực, nhưng nếu có một kẻ xấu thù ghét cũng đủ làm chúng ta điêu đứng và mệt mỏi. Thách đố từ kẻ thù làm cho người tốt thường phải loay hoay tháo gỡ và mất nhiều thời gian thay vì đầu tư vào những việc tốt đang diễn ra. Đôi lúc kẻ xấu kẻ ác đóng vai một bóng đêm khó định dạng và như vậy giải pháp tháo gỡ bóng đêm không phải là chuyện dễ. Bóng đêm có thể xuất hiện với ta bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là phải lôi bóng đêm ra ánh sáng, tháo gỡ và biến bóng đêm thành ánh sáng.

    Cũng có những kẻ oán người hận phát xuất từ động cơ rất vô cớ cũng đủ khiến ta điêu đứng, huống hồ những ân oán đời này hay ở một kiếp nào đó. Ân oán đời này gọi là nghiệp chướng, còn đời trước gọi là báo chướng. Báo chướng có sợi dây của túc nghiệp, tức là nghiệp quá khứ. Cho nên khi phân định cái tốt cái xấu, cái thuận cái nghịch thì mỗi chúng ta cần phải xác định nó thuộc về nghiệp chướng hay báo chướng mới có thể tháo gỡ.

    Phương pháp được đức Phật khuyên trong bản kinh này là xem bạn như người thân để tình thân thương mãi duy trì. Xem tất cả kẻ thù như bạn để mỗi khi họ đánh ta, tức là họ hiến tặng ta một giải pháp trở nên tốt đẹp hơn. Nếu nhìn dưới góc độ tích cực như thế thì mỗi khi bị tấn công, ta không khổ về tâm lý, tinh thần, thái độ. Kẻ xấu muốn phanh phui ta và dùng hàng chục kính lúp soi chúng ta từ lời ăn, tiếng nói, việc làm, cử chỉ giao tế, ứng xử, còn người tốt chưa chắc đã làm thế. Cho nên nhìn về phương diện tích cực này để lỡ khi gặp phải bóng đêm, sống chung với bóng đêm và đang bị bóng đêm hãm hại thì ta không chán nản, thất vọng, mà vẫn tinh tấn vươn tới phía trước.

    Tâm lý thông thường được Việt Nam mô tả bằng hai câu thơ:

Thương người thương cả đường đi

Ghét người ghét cả tông chi họ hàng”.

    Hoặc “Khi thương, trái ấu cũng tròn. Ghét rồi bồ hòn cũng méo”. Tính khách quan trong thương và ghét gần như bị đánh mất. Tính chủ quan từ trục xoay của cái tôi để tạo phe cánh trở thành nỗi ám ảnh, và người ta biện hộ rằng phải như thế mới trường tồn, hay mới có chỗ đứng được. Cho nên họ không dễ thoát khỏi nanh vuốt của phản ứng cảm xúc theo chiều hướng tiêu cực của cái tôi.

    Phương pháp “đẳng niệm oán thân”, xem oán thân như nhau là một giải pháp trực tiếp không cho phép chúng ta đào tẩu. Ví dụ, ai đó có kẻ thù thường dựng chuyện, chọc gậy bánh xe, nói xuyên tạc, vu khống để ta mất uy tín và gặp nhiều trở ngại trong cuộc đời thì hãy quan niệm như sau: “Họ là bạn thân, là người tốt. Do chưa hiểu ta nên mới làm như thế, chứ không có dụng ý tiêu cực”. Phương pháp quán không tác giả mặc dù biết rõ kẻ chủ mưu, giúp chúng ta buông xả và không tạo oán thù.

    Phương pháp quán tưởng thứ hai: “Người chỉ điểm cho ta những điều chưa thiện là thầy ta trên phương diện tích cực”. Chúng ta không cần quan tâm động cơ của họ. Cứ nghĩ nhờ kẻ xấu hãm hại mình nên họ mới nói hết những cái có thể là xấu thật của mình. Hoặc sự chỉ điểm nhằm làm mất hình ảnh của chúng ta thì cũng nên nghĩ rằng nhờ đó mà ta biết tránh nó trong tương lai.

    Phương pháp quán tưởng thứ ba, không nên để lòng bất cứ một bất hạnh nào do kẻ xấu tạo ra. Quán tưởng rằng thân thể này, cảm xúc, thái độ, tâm tư, nhận thức này của ta chỉ là một đối vật cho kẻ xấu tấn công. Với ta nó là một khoảng chân không không có gì làm bẩn đục. Lúc đó, nỗi khổ niềm đau được dịu xuống, mình không thấy bị tấn công nữa mặc dù sự tấn công vẫn đang tiếp tục diễn ra.

♦ KHÔNG GHIỀM LỖI CŨ (BẤT NIỆM CỰU ÁC)

Cựu” là cũ, là quá khứ. “Ác” là những điều xấu, tiêu cực, bất hạnh nói chung. “Bất niệm” là không lưu gì trong tâm, như vậy oán cừu sẽ khó tăng trưởng. Đó là phương diện tâm niệm. Nỗi đau quá khứ do người khác tạo ra là có thật, nhưng từ lời dạy này, ta có thể rút ra bài học, đó là không nên nuôi dưỡng nỗi đau trong quá khứ để nó tiếp tục bùng cháy. Không nên chu cấp thực phẩm cho nỗi đau đã qua, hãy để nó đói dần mà chết. Không nên tạo điều kiện, dù bất cứ phương diện nào, cho nó có cơ hội trỗi dậy hay tồn tại phát triển. Như vậy, phải tận cùng nỗ lực quên đi nỗi đau quá khứ trước khi nỗi đau đó được xã hội, con người, cộng đồng hay bất kỳ người thân thương nào giúp chúng ta. Tự mình giúp chính mình là tốt nhất.

♦ KHÔNG GHÉT KẺ XẤU (BẤT TẮNG ÁC NHÂN)

    Ghét bỏ kẻ xấu ác là ta đã trở nên xấu ác một phần. Ghét là một động cơ ngầm dẫn đến những phản ứng kháng cự, loại trừ lẫn nhau trong tương lai nếu sự kiềm chế cảm xúc, hành động không được thực hiện một cách liên tục. Đối với người xuất gia, đức Phật khuyên: “Tăng hận bất quá nhật”. Lỡ có niềm oán hận, nỗi buồn niềm đau thì đừng nuôi nó quá một đêm, đừng để nó tồn tại quá một ngày. Bởi vì, nuôi thù hận đã là sai, giữ nó lâu dài càng khác gì “nuôi ong tay áo”, nhận giặc làm người thân. Kết quả, tính chất nạn nhân của ta lại tăng trưởng.

    Không trả thù, trả đũa không có nghĩa là ta bạc nhược, yếu đuối, thiếu trách nhiệm. Luật pháp sẽ nghiêm trị họ, nhân quả sẽ xử lý họ. Chúng ta vẫn tố cáo cái xấu, tố cáo người xấu, nhưng ta không được sử dụng chức năng của tòa án, của thẩm phán, của những người cai ngục. Việc sử dụng sai chức năng sẽ dẫn đến hậu quả biến mình thành kẻ ác đối lập với cái ác, kẻ xấu đối lập với cái xấu.

    Từ phương diện này, người ứng xử dâng hiến niềm vui không ghét bỏ kẻ xấu xa sẽ có cơ hội thấy được tiềm năng và tương lai làm mới của họ. Tiềm năng đó có thể mất tác dụng trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, nhưng không bao giờ hoàn toàn mất.

    Tóm lại, phần sáu của bài kinh Bát Đại Nhân Giác dạy chúng ta về nghệ thuật mang niềm vui và phân tích nỗi khổ, cái nghèo của mỗi con người. Trên cơ sở đó, thấy được nguyên nhân xa gần để ta chuyển hóa, làm mới cuộc đời. Những bất hạnh do người khác tạo ra vì hiềm khích, vì hiểu lầm, vì bị xúi giục, không khiến ta kết oán thêm thù mà ngược lại, nỗ lực chặt đứt vòng xoáy của khổ đau, cắt đứt cơn lốc về cảm xúc có thể diễn ra giữa ta và họ. Ai làm được như thế là tự mang niềm vui cho mình cũng là dâng hiến niềm vui cho đời.

***

 
00:00