Phần 8: PHÁT TÂM ĐẠI THỪA

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 25-7-2010

Phiên tả: Chơn Mỹ Hằng

  ***   

    Phần cuối cùng của bài kinh Bát Đại Nhân Giác đề cập đến phát tâm đại thừa, vì trọng tâm của kinh này là giác ngộ thành Phật. Nói cách khác, nếu muốn giác ngộ thành Phật mà không thể phát tâm đại thừa thì chỉ tồn tại đơn thuần ở những lời nguyện ước, còn kết quả hành trì vẫn là cái gì đó rất xa xôi.

    Tâm đại thừa cũng là mối quan tâm chính của các hành giả hướng về cứu cánh tâm linh trong Phật giáo. Tâm đại thừa khác với tâm tiểu thừa ở chỗ người phát tâm có tấm lòng vị tha, luôn muốn đóng góp niềm vui hạnh phúc cho tha nhân bằng các hành động cụ thể. Còn tâm tiểu thừa luôn nghĩ trước tiên đến quyền lợi của chính mình, đôi lúc chẳng quan hoài với những bất hạnh diễn ra xung quanh. Dần dà, tâm từ bi bị chai sạn, hoặc rơi vào tình huống bão hòa, không thấy rõ nhu cầu chia sẻ là cần thiết. Cho nên, sau khi thực tập bảy điều giác ngộ, chúng ta phải quay về giác ngộ chúng sinh ở chiều rộng lẫn chiều sâu, và mọi hành vi cũng đều hướng đến giác ngộ giải thoát.

    Nguyên văn của bài kinh Bát Đại Nhân Giác thứ tám như sau:

                   “Sanh tử xí nhiên,

                   Khổ não vô lượng

                   Phát đại thừa tâm,

                   Phổ tế nhất thiết

                   Nguyện đại chúng sanh,

                   Thọ vô lượng khổ

                   Linh chư chúng sanh,

                   Tất cánh đại lạc”.

    Dịch nghĩa:

                   “Lửa sanh tử cháy ngút cao,

                   Khổ đau sầu muộn vô số

                   Cần nuôi dưỡng tâm đại thừa,

                   Cứu độ tất cả mọi người

                   Nguyện thay thế các chúng sinh,

                   Chịu các loại hình đau khổ

                   Khiến cho tất cả chúng sanh, 

                   Đạt được niềm vui cứu cánh”.

    Vọn vẻn chỉ tám câu nhưng nội dung phát khởi tâm đại thừa đã được nói rất rõ. Trọng tâm của nó là làm thế nào để nhổ lên nỗi khổ đau ở chúng sinh và mang lại niềm vui hạnh phúc cho mọi loài nói chung. Ai làm được điều ấy, mặc dù không thọ giới Bồ tát vẫn được xem là đang sống với tâm đại thừa. Còn thọ giới Bồ tát, phát nguyện hành trì nhưng trên thực tế không làm được thì người ấy vẫn chưa được gọi là đang sống với tâm đại thừa, mà chỉ mới ngấp ngưỡng hướng về.

    Trong bài này có năm vấn đề chính ta cần phân tích:

    -  Thứ nhất là khổ đau trong sinh tử.

    - Thứ hai là nghệ thuật nuôi lớn tâm đại thừa.

    - Thứ ba là cứu người giúp đời.

    - Thứ tư là giảm khổ khai đao.

    - Thứ năm là ban tặng hạnh phúc.

    Vấn đề thứ hai là khi tâm đại thừa được nuôi dưỡng đúng thì bốn mối quan tâm còn lại của bản kinh này sẽ được thể hiện một cách trọn vẹn.

♦ KHỔ ĐAU TRONG SINH TỬ

    Theo học thuyết Mười hai nhân duyên, tức mười hai mắc xích mà theo đó, con người và các loài động vật có mặt trong sinh tử luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Nguyên nhân chính yếu gồm: Vô minh, tham ái và chấp thủ.

    Giả sử xâu chuỗi mười hai mắc xích này, mỗi một mắc xích tượng trưng cho một yếu tố, bắt đầu từ vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử thì việc chặt đứt một mắc xích sẽ làm cho vòng tròn sinh tử này trở thành một đường thẳng. Cách chặt đứt tốt nhất là ở vô minh, hoặc ta có thể chặt ở hai mắc xích quan trọng thứ yếu là tham ái và chấp thủ thì toàn bộ cấu trúc sinh tử luân hồi được kết thúc.

    Tu thì tu nhưng tốt nhất phải làm sao chuyển hóa nội dung tiêu cực của vô minh, tham ái và chấp trước trở thành tuệ giác, từ bi và thong dong tự tại.

    Thiên kinh vạn quyển, thậm chí rất nhiều pháp môn, cũng nhắm vào mục tiêu làm sao để tuệ giác phát sinh, khổ đau rơi rụng. Cho nên, khổ đau trong sinh tử gắn liền với ba yếu tố: vô minh, tham ái và chấp trước.

    Đối với người tại gia, ba yếu tố vừa nêu có mặt ở tất cả các phương diện của cuộc sống. Chẳng hạn, trước đây không dám theo Phật vì nghĩ rằng Phật không gia hộ cho mình, đó là vô minh. Sau khi quy y Tam bảo mà trong nhà vẫn tiếp tục thờ các tượng thần tài, thổ địa, táo quân, mẹ sanh mẹ độ, cửu thiên huyền nữ, quan công và nhiều vị thần linh khác để mong ban phước và ngưng giáng họa cũng là biểu hiện của vô minh. Hoặc hằng ngày vẫn còn tin vào hên xui may rủi, năm tháng ngày giờ, kiết hung, đoán tướng, thời vận v.v… vẫn là biểu hiện của vô minh. Vô minh thấy đơn giản nhưng lại khó điều trị, khó vượt qua nhất. Khi kết thúc vô minh, người đó được xem là chứng đắc. Chỗ nào vô minh còn hiện hữu, chỗ đó bất hạnh tiếp tục có mặt. Người nào sống với vô minh, người đó đánh mất cơ hội hưởng hạnh phúc đích thực.

    Nhiều năm qua, chúng ta đã điểm qua nội dung của vô minh. Trước nhất là không hiểu Tứ Diệu Đế và giải quyết các vấn đề từ chính trị, xã hội, văn hóa, gia đình, cá nhân mà không dựa vào hai lớp nhân quả, phân tích bế tắc để tìm ra con đường tháo mở thì người đó vẫn được xem là đang tiếp tục sống với vô minh.

    Học Phật pháp vài năm dưới sự hướng dẫn của vị thầy có kinh nghiệm thì vô minh về phương diện kiến thức đã được tháo dỡ, nhưng vô minh về phương diện hành trì vẫn có thể còn đeo bám. Gặp cái gì cũng sợ thì người đó bị ảnh hưởng tiêu cực của vô minh, vì vô minh dẫn đến sự sợ hãi, bất an.

    Nỗ lực song hành làm thế nào để chuyển hóa được tâm tham ái là một trong những phương pháp chặt đứt đầu dây mối nhợ của khổ đau. Tham ái tiếng Pali gọi là “tanha”, mà đỉnh cao nhất của nó là “karma”, tham tính dục. Biểu hiện thông thường là tham ích kỷ, vi phạm luật pháp, trái với đạo đức, ngược lại với thuần phong mỹ tục và những giá trị nhân cách cao thượng cho cuộc đời. Nơi nào còn sống với tham ái thì nơi đó còn có sự chấp trước, vì tham ái và chấp trước là hai mặt của một vấn đề. Do vậy sự bảo thủ về tất cả những gì được người đó chấp, dù là pháp hay ngã, dù là chúng sinh hay thọ giảm đều làm cho người chấp trước điêu đứng với khổ đau. Chấp là cái khó điều khiển nhất.

    Theo công thức của mười hai nhân duyên, nơi nào có vô minh thì nơi đó còn tham ái và chấp trước. Nơi nào còn tham ái và chấp trước nơi đó có vô minh, hoặc nơi nào còn tham ái thì nơi đó vô minh vẫn đồng hành với chấp trước. Ba yếu tố này như trừng phạt, nhấn chìm chúng sanh trong sinh tử luân hồi. Do đó, con đường tâm linh Phật dạy là làm thế nào chuyển hóa toàn bộ nội dung tiêu cực của ba yếu tố vô minh, tham ái và chấp thủ.

    Nếu ta phân nhóm thì vô minh thuộc về nhận thức, ở đây là sự sai lầm về bản chất của thực tại, của mọi thứ diễn ra xung quanh chúng ta. Trong khi đó, ái thuộc về hành động và thủ thuộc về thái độ, một phương diện của nhận thức. Tâm bị nhiễm ô bởi nhận thức sai, hành động vướng dính và thái độ chấp trước thì con người có mặt ở đâu là mang lại sự rắc rối ở đó cho mình và ảnh hưởng tiêu cực cho người.

    Khổ sinh tử rất đa dạng. Tử có phương diện chia lìa, kéo theo rất nhiều phản ứng tiếc nuối và khổ lụy ở những người còn lại và ngay cả đối với những người ra đi. Còn sinh gồm bảy phương diện: Sinh, già, bệnh, muốn mà không được, ghét mà phải gặp nhau, thương mà phải chia lìa và sự chấp nhất vào tổ hợp tâm vật lý tạo nên con người. Tất cả điều đó dẫn đến tình trạng con người phải đấu tranh, giành giựt, thậm chí sử dụng các phương pháp loại trừ không thương tiếc.

    Đó là những cái khổ nguy hại nhất mà đức Phật đã dùng từ “xí nhiên”, tức là cháy ngút cao, cháy phừng phực. Người ở trong sự cháy không còn nhìn thấy thế giới hiện thực xung quanh, và chỉ sau một thời gian ngắn, nhận thức đó bắt đầu tắt dần đến độ người ta có thể kết liễu đời sống của mình. Sinh tử nhấn chìm và đốt cháy chúng sinh trong nỗi khổ niềm đau cũng tương tự như thế. Đây là công án quan trọng mà các bậc xuất gia phải tâm niệm hằng ngày, tìm ra đáp án cho mình và theo đó hỗ trợ cho người.

    Các tổ Trung Hoa đưa ra tiêu chí “sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc”. Sống chết là việc lớn, còn vô thường là một thoáng chốc trôi qua rất nhanh. Cái vô thường đó được nối kết nhiều thì trở thành sinh tử. Chết rồi lại sống, sống lớn lên lại chết, cứ như thế trải qua mười hai mắc xích của vòng luân hồi.

    Khi thấy lửa trong sinh tử đốt cháy con người thì những hạnh phúc trần đời theo danh lợi, địa vị, chức tước, hơn thua, thành công, thất bại, lên voi xuống chó chỉ là những cái chập chờn lên xuống không đáng quan tâm. Từ đó ta rũ bỏ nỗi khổ niềm đau do hệ lụy của các phương diện tiêu cực trong đời sống thăng trầm tạo dựng ra cho chúng ta.

    Khổ đau đa dạng, phiền não vô số; bế tắc, trở ngại, bất hạnh cũng không thể nào tính đếm hết. Như vậy trên thực tế, những điều hạnh phúc, thuận duyên ta có nếu không tu tập và tu phúc thì có lẽ sẽ không nhiều. Vì không muốn thừa nhận điều này, rất nhiều người trong chúng ta trước đây không thích đạo Phật. Họ cho rằng đạo Phật phân tích nhiều loại hình khổ, sợ rằng khi theo đạo Phật tâm mình trở nên tiêu cực hơn, bị ám ảnh hơn, nên thà không biết đến nỗi khổ niềm đau tốt hơn là biết mà không vượt qua được. Đó là tiêu cực theo kiểu liều mạng, muốn ra sao thì ra chứ không bận tâm.

    Trong khi đó y khoa dạy ta xác định rõ đâu là bế tắc, đâu là khổ đau, đâu là trở ngại, đâu là chướng duyên cho sức khỏe và tuổi thọ. Nhờ thấy được chúng, ta mới có thể tránh được chúng bằng sự tập luyện, điều trị, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và thể thao thích hợp. Đạo Phật dạy ta phải có bản lĩnh đối diện là thế. Nhờ đối diện nên ta không còn có những nỗi sợ hãi, đào tẩu hay biến mất khỏi bế tắc mà mình đang có.

♦ NUÔI TÂM ĐẠI THỪA

    Nguyên văn được đức Phật khuyên là “cần nuôi dưỡng tâm đại thừa”, được hiểu theo các nghĩa sau đây:

    - Thứ nhất, tâm đại thừa là một giá trị tích cực cho đời sống hạnh phúc và cho các tương quan xã hội. Nhưng vì ta chưa có nên phải cố gắng gieo trồng nó.

    - Thứ hai, ai đã có được tâm đại thừa một cách vô tình hay được hướng dẫn và huấn luyện thì cũng nên tiếp tục phát triển và làm lớn nó.

    - Thứ ba, vì tính giá trị của nó mang lại lợi lạc cho ta và người cho nên sẽ không có điểm dừng của việc hướng về tâm đại thừa, tức là nỗ lực làm hoài, làm mãi, phát khởi tâm để niềm vui, nụ cười, hạnh phúc có mặt khắp mọi nơi, mọi chốn.

    Động cơ của tâm đại thừa là vì tha nhân, rộng hơn nữa là vì tất cả chúng sinh, hoặc đơn giản hơn vẫn thể hiện được nghĩa tương đối, thiết thực là, vì lợi ích số đông. Bởi, dù có nhiệt tình, phương pháp, thuận duyên cỡ nào đi nữa ta vẫn không thể nào độ được tất cả chúng sinh, độ hết tất cả mọi loài. Điều này đã được đức Phật xác định như một giới hạn của ngài, và đó là giới hạn của nhân quả, giới hạn của thế giới, giới hạn của đời sống nói chung.

    Cộng nghiệp và biệt nghiệp trong nhân quả là thứ phức tạp, rối rắm. Cho nên, không phải nhiệt huyết, đóng góp tích cực của con người có thể được thừa nhận nghiêm túc như nó cần phải có.

    Như vậy, khi phát khởi tâm đại thừa thì ta đừng quá bận tâm đến việc làm thế nào để đạt được tính hiệu quả ở mức độ cao nhất, không khéo điều ấy sẽ có thể trở thành áp lực cho chính mình. Khi có quá nhiều tiêu chí nhưng trên thực tế do duyên khởi có thể không đạt được như chúng ta kỳ vọng, thì vấn đề còn lại là vì chúng sinh.

    Trong truyền thống tâm linh của đại thừa có hai phương diện: Làm phúc và tu tuệ. Trong văn học đại thừa, trí tuệ Bala-mật được đức Phật đề cao là trí tuệ phá chấp. Muốn phá chấp, ta phải hiểu rõ đâu là vướng mắc mà mình đang dính vào, đâu là trở ngại mà mình đang hệ lụy, và đâu là những điều kiện trợ duyên khiến chúng ta không thoát khỏi lực hút khổ đau. Xác định rõ được chúng, ta mới hy vọng tìm ra manh mối và cắt đứt chúng trong tương lai một cách an toàn.

    Trí tuệ còn giúp con người buông xả dễ dàng. Buông xả không phải là thiếu trách nhiệm hay chán bỏ mà là không muốn giữ lại những gì không có giá trị, không có lợi ích, không có chí thiện; do đó nó là một sự mạnh dạn và chọn lựa. Khi ta buông tất cả những điều tiêu cực thì đồng lúc đó nó được ám chỉ rằng ta giữ lại những cái đối lập. Đó là bước đầu của sự tu trí tuệ.

    Sử dụng phương pháp thay thế trong loại bỏ, thông qua việc giữ những giá trị tích cực giúp hỗ trợ chúng ta thành tựu những nỗ lực chân chính. Sau khi đạt thành quả của sự thay thế, thì phương tiện được sử dụng chỉ là cái thiện tương đối. Vấn đề đặt ra là làm thế nào đạt được mức độ thiện tích cực hơn, cao thượng hơn, tức là rũ bỏ tính phương tiện đó.

    Chẳng hạn như giảng đường Chánh Trí của chùa Xá Lợi được thiết kế sử dụng đa năng. Khi cần làm giảng đường thì xếp ghế theo hai dãy, ba dãy, bốn dãy hàng ngang, có một khoảng cách để từng người vào ngồi và di chuyển tương đối ổn định. Đến giờ trưa, giảng đường này được thiết lập với chức năng mới, xếp thêm bàn và trở thành nhà ăn. Vào những ngày sinh hoạt hành chính, ta cấu trúc lại bàn ghế thành những bàn học để ghi chép, trở thành trường lớp hay phòng làm việc, v.v… Tính năng của một sự vật không bị giới hạn trong mặc định của con người mà nó có thể được mở rộng tùy theo sáng kiến. Tâm đại thừa cũng thế.

    Sử dụng trí tuệ, ta sẽ phá được chấp trước về tính duy nhất. Đó là thuộc tính mà ta thường có thói quen dán lên một đối vật nào đó. Và rồi, hầu như ta không có khuynh hướng tiếp nhận những cái khác hay thừa nhận những nội dung được sử dụng một cách tích cực. Đối với người không thấy được dược chất của thảo mộc thì hoa cúc màu vàng, màu tím ở trên bàn chỉ đơn thuần để trang trí. Trong khi đó, với cái nhìn của những nhà dược phẩm bào chế thuốc tây y hay đông y thì hoa cúc còn có những tính năng điều trị bệnh. Như vậy, để sử dụng tính năng thứ hai thì ít nhất ta phải phá chấp việc dán nhãn cho đối tượng nào đó. Muốn như thế ta phải đặt giả thuyết, tìm kiếm thêm giá trị mới thông qua các thí nghiệm ngoài những gì ta được biết. Còn thỏa mãn, chấp nó là chân lý cuối cùng thì vĩnh viễn ta không có cơ hội phát hiện thêm điều gì.

    Sự phá chấp giúp chúng ta phát minh, ứng dụng trong khoa học rất nhiều sáng kiến và nhiều đóng góp. Đối với nghiên cứu, học thuật và các lĩnh vực còn lại cũng tương tự. Nói cách khác, tuệ giác có khả năng phá chấp và tạo ra giá trị tích cực ngày càng lớn hơn, rộng hơn, sâu sắc hơn, và toàn diện hơn.

    Về phương diện phước báu, người phát tâm đại thừa cần thể hiện hành động và lấy từ bi làm nền tảng. Trong văn học bát nhã, hành động từ bi được thể hiện trước nhất là bố thí, kế đến là đạo đức, kiên trì, miệt mài, nhất tâm bất loạn và tuệ giác. Ở sáu điều toàn thiện mà các bậc Bồ tát thực tập thì ta thấy yếu tố đầu tiên là vì tha nhân, vì chúng sinh, rất thiết thực. Trí tuệ là yếu tố cuối cùng. Nếu ta quy đổi giá trị của yếu tố thứ nhất và thứ sáu thành các khái niệm có nội dung tương đương thì bố thí là chăm sóc cho bao tử và trí tuệ là chăm sóc cho bộ não. Bao tử phải đi đầu, bộ não đi sau.

    Nước phát triển về kinh tế có được các nhà khoa học, các học giả lỗi lạc bởi vì họ có dư tiền để bảo trợ cho các nghiên cứu có ý nghĩa, liên hệ đến việc phụng sự. Còn các quốc gia chậm phát triển thì mối quan tâm đó không ưu tiên, vì cơm áo gạo tiền đã làm người ta mệt mỏi. Những khám phá phát minh sử dụng lại của người khác cũng không mất mát gì. Họ ít thấy mặc cảm, thua sút so với những quốc gia đi trước về lĩnh vực nào đó. Sử dụng một thành quả mà không phải đầu tư, đôi lúc là sự lựa chọn của một số thành phần trong các quốc gia nghèo.

    Tại sao đạo đức được xem là yếu tố thuộc về tâm đại thừa. Tâm đại thừa là tâm vì tha nhân. Bản thân sống không đạo đức thì làm sao vì tha nhân được. Do vậy, dù có nguyện vọng đi nữa cũng chỉ là nằm mơ hoặc ảo vọng chứ không thiết thực. Còn kiên trì và miệt mài tinh tấn chắc chắn là hai yếu tố dẫn đến tâm đại thừa. Chúng tôi không thích sử dụng từ “nhẫn nhục” vì từ đó dẫn đến nhiều sự hiểu lầm. Gắn tân ngữ “nhục” trước động từ “nhẫn” sẽ làm người ta hiểu nhẫn những sự nhục mạ, sự hành hạ một cách không phản ứng. Như thế khiến người ta cảm thấy tiêu cực.

    Trong khi đó, trong nguyên ngữ Pali và Sanskrit, “nhẫn nhục” chỉ có nghĩa đơn giản là sự kiên trì chịu đựng. Ở mức độ rộng hơn, “nhẫn nhục” là bền bỉ với lý tưởng, hay sự quyết tâm cao độ để sẵn sàng vượt qua các nghịch cảnh trong cuộc đời.

    Hôm nay tại chùa Phổ Quang, khóa tu 114 có chủ đề “Nhẫn nhưng không nhục” là vì lý do không muốn người tu học Phật hiểu lầm, hoặc người không có thiện chí với Phật giáo có điều kiện vin vào mà tấn công đạo Phật. Có những học giả nhiều năm trước chủ trương rằng, sở dĩ nước Việt Nam rơi vào thực dân Pháp là do đạo Phật dạy hai nguyên lý không có lợi cho chủ nghĩa yêu nước. Đó là thất sát và nhẫn nhục. Thất sát ám chỉ không giết; còn nhẫn nhục là chấp nhận người ta chẻ đầu, chặt cổ, móc mắt, đâm bụng, như thế còn đâu tinh thần giành lại độc lập chủ quyền của dân tộc. Nghe có vẻ rất logic nhưng không có chân lý.

    Trong giới luật, Phật dạy bao giờ cũng có phần khai mở, tức là phần mở rộng cho những tình huống ngoại lệ. Đức Phật dạy Tứ trọng ân, học thuyết về chính trị xã hội quan trọng, như một đóng góp của ngài cho chủ nghĩa yêu nước tại các quốc gia. Một trong Tứ trọng ân là yêu đất nước, có trách nhiệm trong tình huống xã tắc lâm nguy. Người Phật tử vẫn phải cầm vũ khí ra chiến trường, bóp cò để bảo vệ biên cương bờ cõi. Nhưng điều khác biệt căn bản là người Phật tử không bóp cò bằng tâm sân hận, trả thù, loại trừ mà phát xuất từ tâm bi, trí, dũng. Nghiệp riêng cho việc giết chết kẻ xâm lăng, ta vẫn phải trả nhưng cái phước chung, ta bảo hộ hòa bình dân tộc và nhiều mảnh đời bất hạnh do chủ nghĩa thực dân và nô lệ mang lại sẽ được tháo mở. Phước lớn này sẽ át đi và chuyển nghiệp sát phát xuất từ động cơ bi, trí, dũng. Đức Phật không hề cấm những việc làm như vừa nêu trong lúc xã tắc lâm nguy.

    Trên thực tế, giới không sát sinh có nội hàm quan trọng, đặc biệt kêu gọi ý thức xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới. Dần dà hành tinh này sẽ phải đi đến khuynh hướng đó. Hủy các loại vũ khí vừa và nhỏ, các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa chất, từ đơn lẻ đến tập thể. Chúng tôi đoán sau khoảng một vài thế kỷ, hành tinh này sẽ cam kết không còn sử dụng vũ khí. Khi trình độ đạo đức và tâm linh của con người được nâng cao thì mối đe dọa về sự xâm lăng như thời phong kiến, mạnh được yếu thua sẽ không còn là vấn nạn xã hội. Vài trăm năm đó có xảy ra hay không thì chưa biết, nhưng ít ra khuynh hướng xã hội ngày nay đang dần dà đi đến.

    Cho nên, nuôi lớn tâm đại thừa đòi hỏi phải có nghệ thuật và hoan hỷ những việc làm như thế. Người có tâm đại thừa không nên bận tâm vào lời qua tiếng lại, thị phi, phê bình, chỉ trích, thiếu thiện chí, xuyên tạc, vu khống, v.v… Ta chỉ cần thẳng bước trên lập trường lợi ích để chia sẻ cho những nơi có nhu cầu.

♦ CỨU NGƯỜI VÀ GIÚP ĐỜI

    Khi tâm bồ đề được đề cập như một tiêu chí thì việc thể hiện tâm bồ đề phải bằng hành động, đó là cứu người và giúp đời, bản dịch chữ Hán gọi là “Phổ tế nhất thiết”. Cứu giúp mang ý nghĩa hỗ trợ, như tha lực là một nhu cầu không thể thiếu. Một em bé đang nằm trong bụng mẹ đồng nghĩa đang sống nương tha lực của người mẹ. Ba năm bú mớm, mười mấy năm cắp sách đến trường cho đến lúc gầy dựng cơ ngơi, sự nghiệp độc lập, lúc đó đứa con vẫn đang tiếp tục sống nhờ tha lực của cha mẹ và những người thân thương.

    Khi tự lập, tha lực vẫn tiếp tục tồn tại, đó là nương vào những tương quan xã hội. Những hiến kế của nhà tư vấn, cố vấn cũng là một tha lực. Hầu như trên hành tinh này không có gì không nương vào tha lực của cái khác, vì đạo Phật chủ trương duyên khởi. Không có cái gì tồn tại độc lập trong tự thân chính nó, vấn đề còn lại là sử dụng tha lực bao nhiêu thì đủ và cần thiết.

    Một em bé năm sáu tuổi trở xuống phải nhờ cha mẹ mặc quần áo, tắm rửa, nhưng đến mười tám, mười chín tuổi mà vẫn nhờ cha mẹ mặc quần áo thì người đó bị coi là bất bình thường, hoặc có vấn đề về nhận thức và tâm lý. Một con chim trưởng thành phải tách rời tổ của mẹ nó. Có thể lúc mới tách rời, chim mẹ có cảm giác buồn, nghĩ rằng đứa con không nhớ ơn mình, nhưng trên thực tế đó là một nhu cầu cần thiết để nó không còn lệ thuộc vào mẹ, cũng không làm phiền đến mẹ. Nó phải tự tìm phương tiện sinh tồn. Con người cũng thế. Tuổi quy định của luật pháp trên toàn hành tinh: Nữ mười tám, nam hai mươi được quyền độc lập khỏi cha mẹ.

    Tế độ người khác là giúp người khác có khả năng tự lập, tự tạo hạnh phúc, tự xây dựng sự nghiệp và có khả năng giải quyết những vấn nạn liên hệ đến bản thân. Bậc cha mẹ có tinh thần phổ tế chúng sinh trước nhất cần phải giúp con cái có năng lực này. Đừng thương con cái bằng cách tạo thuận duyên cho con ỷ lại và mất đi năng lực bản thân, dẫn đến không thể nào cứu người và giúp đời được. Thương là giúp người thân chúng ta có thể tự tìm cho mình cơ hội sống với hạnh phúc. Sau này cha mẹ có trăm năm tuổi hạc, con cái vẫn không bơ vơ, lạc lõng, bế tắc, sụp đổ. Có cha mẹ hay không, mọi việc liên hệ đến con cái vẫn diễn ra bình thường, huấn luyện được như thế là cả một quá trình. Như vậy, hỗ trợ tha lực là nhu cầu phải được hiểu đúng phương pháp và dừng đúng chỗ. Hỗ trợ không đúng phương pháp thì người được hỗ trợ sẽ lệ thuộc một cách lâu dài.

♦ CHỊU KHỔ THAY NGƯỜI

    “Chịu khổ thay người” phải được hiểu theo nghĩa bóng chứ không nên hiểu theo nghĩa đen. Chữ Hán “nguyện đại chúng sinh”, “đại” có nghĩa là thay thế. Mong mỏi thay thế chúng sinh để giải phóng, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Đặc biệt giúp chúng sinh thấy rõ phương pháp và áp dụng nó giải quyết các nỗi khổ niềm đau cho chính họ.

    Kinh Địa Tạng có đoạn: “Dù cha hay mẹ cùng đi chung trên con đường, muốn chịu khổ thay thế cho con bằng tấm lòng và tình thương chân thật cũng không thể nào làm được việc ấy”. Về phương diện thân thể thì ta thấy rõ, nhưng về phương diện tâm lý thì không mấy người làm thành công. Chẳng hạn một người bị tai nạn giao thông gãy chân. Người cha người mẹ thương con không có lý do gì chặt hai chân của mình để có được sự đồng cảm, khổ đau với đứa con, hay để đứa con bớt tủi phận. Bác sĩ, y tá, những điều dưỡng cũng không có lý do gì cấy tế bào ung thư vào mình để biết và đồng cảm nỗi đau của bệnh nhân ung thư. Không ai làm việc ấy, đó là việc bất bình thường, không cần thiết. Muốn có kiến thức, ta cần dùng phương pháp loại suy, quy nạp, diễn dịch, tổng hợp. Dù bản thân chưa từng trải qua nhưng ta vẫn có được kiến thức phần nào.

    Phương diện cảm xúc thì khác. Cách đây ba ngày, một gia đình ở Củ Chi dẫn đứa con bị ma nhập đến chùa Giác Ngộ nhờ điều trị. Cả đại gia đình gồm cha, dì, thím, mợ, anh, chị mang theo mùng mền chiếu gối chỉ vì một đứa con đau khổ. Cái đau của đứa con chỉ ở mức độ đơn giản nhưng cả gia đình cùng đau theo bởi vì chúng ta thường chấp cảm xúc. Xử lý nỗi đau thiếu phương pháp sẽ khiến chúng ta ôm nỗi đau vào trong rồi cấy nỗi đau đó cho những người thân còn lại.

    Công việc của các bác sĩ và những người điều trị bệnh là hướng dẫn bệnh nhân phương pháp uống thuốc, thực tập, ăn uống, ngủ nghỉ nhằm vượt qua nỗi đau. Còn họ có làm hay không không ảnh hưởng đến mối quan tâm hay nỗi khổ niềm đau của bác sĩ và giới y khoa, vì mỗi ngày đã phải tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân. Là bác sĩ, ta dễ dàng cách ly vì ta biết rõ mình đang làm công việc điều trị bệnh chứ không chịu thay thế bệnh của bệnh nhân. Cha mẹ và người thân thường không nghĩ như vậy. Cho nên, phải quán tưởng mình là bác sĩ đang điều trị bệnh cho con. Cố gắng giúp con uống thuốc, điều trị thích hợp thì nó mau lành, chứ không nên đau khổ thay con được.

    Khi phát nguyện độ chúng sinh. Bước đầu, chúng ta có thói quen phát nguyện gánh chịu tất cả nỗi khổ của người mình thương nhất, thậm chí mong ước được chết thay cho họ, nhưng có làm được đâu. Nỗ lực cách mấy cũng không thay thế được. Do đó, khi nói phát nguyện chịu thế nỗi khổ của chúng sinh không có nghĩa ta nói theo nghĩa đen mà nó là một nghệ thuật mở lòng từ bi, đồng cảm với những bất hạnh, những khó khăn trở ngại của tha nhân. Trên cơ sở đó ta mới tìm kiếm các giải pháp thích hợp. Phải nhập vai mình vào người đó mới thấy rõ bế tắc nằm ở chỗ nào. Không vào cuộc, đôi lúc ta không biết, không cảm thông và tháo mở. Do đó nó có khoảng cách, khó dẫn tới thành công. Dụng ý ở chỗ này. Người thân khi thương một nạn nhân nào đó trong gia đình phải đóng vai y sĩ, bác sĩ có kinh nghiệm, có lương tâm và biết hướng dẫn đúng cách để nạn nhân thoát khỏi nỗi đau. Đó là cách tích cực và thiết thực nhất.

    Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật đưa ra một hình ảnh ẩn dụ. Căn nhà phát hỏa, lửa cháy bốc cao. Trong nhà, hàng chục đứa con vẫn đang chơi đùa. Người cha khôn ngoan chạy ra ngoài trước và kêu gọi các con. Ông truy hô lớn nhưng chúng không nghe, vì trò chơi trong nhà còn đang hấp dẫn. Người cha mới bảo: “Ra đây! Cha có nhiều trò chơi khác thú vị hơn”. Nghe lời hứa hẹn, tất cả các con đồng loạt chạy ra ngoài. Dù người cha không giữ lời sau đó, không tặng biếu những trò chơi như đã hứa, nhưng người cha vẫn được xem là chân thật chứ không hư dối.

    Người có mối quan tâm, đồng cảm với trở ngại, khó khăn của người khác khi thể hiện mối quan tâm không có nghĩa là đang dụ dỗ hoặc lấy lòng, mà đang truyền cho người khác một năng lực và sức chịu đựng. Ví dụ, là người thân đến bên giường bệnh, chúng ta có thể nói: “Cha mẹ đứng về phía con, cứ an tâm. Mọi việc có cha mẹ lo, mọi thứ có gia đình săn sóc nên đừng bận tâm điều gì cả”. Nói vậy, người đang khổ đau có cảm giác được an ủi, và nỗi khổ niềm đau có cơ hội phóng thích nhẹ nhàng hơn. Trong cuộc đời, ta cần những cách ứng xử tương ứng như thế.

    Khi nghe tin bạn mình gặp trở ngại, chỉ cần một cuộc điện thoại chia sẻ nỗi đau có nghệ thuật là ta nâng đỡ tinh thần người ấy rất nhiều. Đừng chỉ biết đến chia vui, ăn mừng mà quên đi nghệ thuật chia sẻ nỗi buồn, như thế thì còn gì gọi là tình thân nữa.

    Nội lực của những người hỗ trợ nhổ nỗi khổ cần phải lớn. Hành động cụ thể cần phải mang tính thiết thực chứ không quá chung chung hay quá lý tưởng. Phải lấy thực tế làm thước đo. Một yêu cầu khác là cần phải có tâm rộng lượng, tâm anh hùng, tâm hy sinh để ta làm thay việc cần thiết cho những người bất hạnh.

    Các bản án tử hình thường tiến hành lúc bốn giờ khuya. Tử tội được đánh thức sớm, làm vệ sinh cá nhân, viết lại lời nhắn nhủ. Trước khi chết, họ có một bữa cơm thịnh soạn và nguyện ước cuối cùng. Sau đó, tử tội được đưa ra pháp trường, bịt mắt, bịt miệng. Hiệu lệnh bóp cò, súng chĩa về hướng tử tội và đồng loạt các tiếng súng đều nổ vang. Tử tội ngã quỵ xuống và chết. Sự trợ giúp trong tình huống này được hiểu là cho người đó có nguyện ước cuối cùng. Đa số tử tội không ăn bữa cơm cuối. Một số nhờ người cai ngục chuyển phần ăn về cho gia đình, vì suốt cuộc đời, gia đình họ chưa từng có bữa ăn ngon như thế. Cũng vì chén cơm manh áo này mà họ mới ra nông nỗi như hôm nay.

    Người có lương tâm nên thực hiện lời di chúc cuối đời đó. Sau khi thực hiện lệnh bắn, người thi hành án lập tức bỏ súng xuống, mở khăn bịt miệng, bịt mắt của tử tội, đỡ họ lên cáng đưa đến chỗ chôn, mặc quần áo, làm vệ sinh cá nhân và tẩm liệm như người thân ruột thịt của mình. Dù được huấn luyện như thế hay tình cờ có tấm lòng như thế thì cũng được gọi chung là đang chịu khổ thay chúng sinh, giúp chúng sinh có cơ hội rũ bỏ nỗi khổ niềm đau. Việc làm như vậy giúp giảm bớt ân oán giang hồ trong nghiệp bóp cò và trừng phạt người khác.

    Cách giúp đỡ tích cực khác là tặng nhân duyên, thành quả, sự hỗ trợ cần thiết để giúp cho người thành tựu. Những hỗ trợ này rất có ý nghĩa. Đôi lúc một chiếc xe đi gần hết đoạn đường bỗng hết xăng. Nếu ai tặng biếu chỉ nửa lít xăng là có thể giải quyết được vấn đề.

♦ BAN TẶNG HẠNH PHÚC

    Ở đây, đức Phật sử dụng từ “linh”, tức là “khiến cho”, một mệnh lệnh cách rất mạnh. Làm gì thì làm miễn khiến cho chúng sinh được niềm vui lớn một cách cứu cánh, “tất cánh đại lạc”, chứ không phải niềm vui nho nhỏ hay niềm vui bình thường.

    Theo đạo Phật, niềm vui lớn là có được trí tuệ, giải phóng các nghiệp, sống một cách an vui hạnh phúc, không bị hệ lụy trong nỗi khổ triền miên, những nỗi đau lặp đi lặp lại nhiều lần. Hiểu theo nghĩa sâu rộng hơn, “đại lạc” có nghĩa là niềm an vui giải thoát, chặt đứt sinh tử luân hồi. Mấu chốt của việc giác ngộ là làm thế nào để vẫy tay chào với sinh tử. Nhu cầu đó khá cao nhưng việc làm cần phải có tính trình tự. Ta cứ hiểu theo nghĩa đầu tiên, chúng sinh là các loại hình sự sống có tình thức, cao nhất là con người, kế đến là các loài động vật, sau đó là thảo mộc thực vật vô tình.

    Mong cho các loài chúng sinh được niềm vui lớn như thế nào? Đối với con người là mở mang trí tuệ, trau dồi đức tính tốt, định hướng con đường tâm linh, rũ bỏ nghiệp chướng, và hướng đến sự giải thoát an vui. Nhưng đối với các loài động vật khác có làm được như thế không? Rất khó. Con người có ý thức, có thể rèn tâm luyện trí theo sự hướng dẫn, còn các loài động vật chỉ được hướng dẫn một vài động tác căn bản. Chẳng hạn, nuôi chó, ta huấn luyện nó lạy, nhảy, ngồi, hoặc ta có thể dạy nó trung thành suốt cuộc đời; đi đâu nó cũng đi theo, luôn phụng sự vì lý tưởng, vì sự nghiệp chung như loài chó trong quân đội, có quân hàm, chết cũng có lễ tang trọng thể như con người. Hầu như các loài động vật còn lại hiếm khi ta huấn luyện được như thế. Độ chúng sinh là độ các loài động vật ở mức độ đơn giản hơn. Làm thế nào để chúng được bảo hộ và sống với quy trình của đời sống tự nhiên, sanh già bệnh chết như con người theo tiến trình nghiệp chung và riêng của các chủng loại, chứ không bị giết vì lý do hưởng thụ, vì lý do này hay lý do khác.

    Còn các loài thảo mộc, bảo hộ chúng được hiểu là tôn trọng môi trường, ngăn nạn hâm nóng toàn cầu tiếp tục diễn ra, kêu gọi ý thức và cam kết giữ môi trường xanh, sạch để con người sống bình an trong sự cân bằng sinh thái nói chung. Đó gọi là niềm vui lớn.

    Ở nghĩa thiết thực hơn, chúng sinh được hiểu là con người. Trong văn học đại thừa, khái niệm con người ít dùng mà thay vào đó là cụm từ “chúng sinh”. Tại sao lại dùng từ khó hiểu đến thế? Lý do đơn giản là đại thừa nhấn mạnh đến học thuyết từ bi trên nền tảng vô ngã.

    Vô ngã không dùng khái niệm nào gợi ra sự chấp trước về cái tôi, sở hữu của tôi và những cái đối lập tôi là chấp pháp, vì vậy mới dùng từ “một chúng sinh” cho nhiều điều kiện hay nhiều yếu tố hòa hợp lại thành. Nếu nói “con người” thì ta chấp vào nhân, nhưng nếu dùng “chúng sinh” thì chấp vào cái gì? Hình dung từ đó để người ta bớt đi sự chấp trước. Khi cái tôi được giải phóng thì cái tôi sở hữu không còn là mối quan hoài ưu tiên, nhờ đó ta rũ bỏ chấp trước liên hệ đến chúng dưới nhiều hình thức khác nhau.

    Ta hiểu cụm từ “cầu cho chúng sinh” bằng với “cầu cho nhân loại”, hay “cầu cho mọi người” trong từng ngữ cảnh cụ thể. Còn những ngữ cảnh đức Phật kêu gọi thiết lập lòng từ bi, bảo vệ sự sống của các loài động vật và chúng sinh đó được hiểu bao gồm các loài động vật. Nói dưới góc độ vũ trụ học, chúng sinh bao gồm luôn cả loài thảo mộc. Còn bình thường trong những ngữ cảnh xã hội, đạo đức thì chúng sinh được hiểu là con người.

Như vậy, “khiến cho chúng sinh tất cánh đại lạc” được hiểu nôm na là làm cho con người được an vui lớn và đạt được cứu cánh. Được cứu cánh là không thoái chuyển, niềm vui đó không bị đảo ngược hay bị biến hoại. Nó vẫn tiếp tục tồn tại để phục vụ cho niềm hạnh phúc, cho những nỗ lực đạo đức hay tâm linh mà con người đạt được.

    “Tất cánh đại lạc” đề cập đến mục đích, những thành quả từ mục đích mà có, cho nên, thương con, mến cháu, quý trọng người thân phải làm sao cho họ có lợi lạc lớn chứ không phải có được sự hài lòng, hay có mối quan tâm và biết ơn chúng ta. Lợi lạc lớn là dành cho họ. Do đó phải hướng dẫn, tặng biếu các phương pháp để họ có niềm vui cho chính họ.

    Ngày nay, xã hội phát triển theo hướng toàn cầu hóa. Internet vừa là một phương tiện, vừa là một phước báu cũng là mối đe dọa. Trước đây giữ hạnh phúc gia đình tương đối dễ, nhưng hiện nay người ta biết quá nhiều nên thích hưởng thụ niềm vui mang tính bản năng trên các trang web dơ. Trước đây, con em chúng ta ít nhu cầu đi đâu, nay lại thích đến các tiệm games. Trước đây, chúng biết thể hiện trách nhiệm và lo công việc gia đình, nay, chúng đầu tư vào những thú vui có lợi ích riêng cho bản thân. Ta vừa làm cha mẹ, vừa là thầy cô giáo, đôi lúc phải đóng vai trò là bạn để chúng có những niềm vui trong sinh hoạt gia đình. Nhờ đó, hạn chế bớt và không quan hoài về những niềm vui bên ngoài do bạn bè quyến rũ.

    Cách đây một tuần, có bà mẹ đến chùa khóc lóc, cho biết rằng bà có hai đứa con. Ngày bé chúng rất ngoan, nhưng khi lên lớp mười hai, do nhu cầu học thêm cao, sau ba tháng, chúng không còn thường ở nhà nữa mà chỉ thích đi chơi. Có đêm đi đến mười hai giờ khuya mới về; có lúc đi năm bảy ngày không thèm báo cũng không gọi điện xin phép. Cấm đoán thì sợ nó bỏ nhà, còn cho phép lại trở nên bất lực. Hiện nay, suốt hai tuần, nó nằm đó như mất đi nhựa sống.

    Chúng tôi đề nghị bà về kiểm tra lại xem con mình có uống thuốc gây nghiện hay không. Những thứ ma túy tổng hợp thường khiến cơ thể rũ rượi, bần thần, mệt mỏi; khi bị đánh thức, người ta trở nên quạu quọ, khó chịu, hoặc gây hấn. Bà về nhà, tìm hiểu thì thấy trong điện thoại của con có tin nhắn: “Anh ơi! Đừng đập đá nữa nếu anh thương em”. Như vậy bà biết con bà đã có người yêu, và nó kể sự thật cho người yêu nghe, trong khi nó chỉ nói với mẹ rằng vì nghiện game nên game hành nó.

Mặc dù ở tuổi mười tám, yêu còn quá sớm, nhưng trong tình huống này, con bà tin tưởng người yêu hơn cha mẹ. Tôi khuyên bà hãy nhờ đến sự xuất hiện của cô bạn gái, khích lệ và nâng đỡ tinh thần để nó bỏ thuốc. Một mặt, ở nhà không tạo điều kiện, không cho tiền, không hỗ trợ những đòi hỏi không chính đáng và bù đắp vào đó là tình thương.

    Dĩ nhiên, giải pháp này có thể dẫn đến hậu quả phụ, chẳng hạn như yêu sớm. Đến lúc đó ta sẽ phải có thêm giải pháp khác, nhưng trước mắt, trong tình huống này thì tìm cái thay thế để con vượt qua.

    Mấy hôm nay bà cho biết con bà đã tiến bộ, chịu ăn uống, không đi chơi khuya, không xin tiền nữa và nêu quyết tâm bỏ thuốc gây nghiện.

    Mang lại lợi lạc cho người thân đôi lúc đã khó, mang lại lợi lạc cho người dưng nước lã lại càng khó hơn. Phải làm có phương pháp, bền bỉ, kiên trì, nỗ lực với sự quan tâm thì ta mới thành công phần nào.

    Điều giác ngộ cuối cùng với trọng tâm làm sao để mỗi người có được tâm đại thừa, tức là tâm độ lượng, tâm phụng sự, tâm dấn thân, tâm mang niềm vui, tâm nhổ nỗi khổ, còn việc làm nó như thế nào thì tùy theo điều kiện và sự nỗ lực. Đó cũng là điều giúp chúng ta ngộ ra giá trị của cuộc đời không phải là những gì con người có mà là chúng ta xử lý nó như thế nào để làm cho tình thân thương trở nên gắn bó và ý nghĩa hơn.

    Các vị Bồ tát khi phát nguyện không có nghĩa các ngài sẽ làm được hết tất cả những gì tuyên thệ. Nhân quả là một chuyện nhưng phải xuất phát từ tâm từ bi rộng lớn mới có bản lĩnh bi trí dũng để vượt qua trở ngại và hướng đến sự thành công. Đọc vào nhiều bản kinh, đức Phật nào đó khi còn là Bồ tát, đã phát nguyện a, b, c độ chúng sinh, mong chúng sinh có được thân Phật, tướng trang nghiêm, trí tuệ sáng láng, đạt niềm vui, không còn khổ đau trong sinh tử luân hồi. Nhiều vị Phật phát nguyện rằng nếu trên cuộc đời này còn ai khổ đau thì các ngài nguyện không thành Phật, nhưng trên thực tế, các ngài đã thành Phật không biết bao nhiêu kiếp rồi, khổ đau vẫn tiếp tục tồn tại.

    Ta phải nhìn và thấy rõ rằng các lời phát nguyện là nhằm nhân lớn mối quan hoài của chúng ta về cuộc đời chứ không có nghĩa là một sự thật. Phải nuôi lớn sự phát nguyện đó mới có giá trị, mang lại lợi lạc lớn; chứ còn chỉ mong mỏi thì không hết.

    Hành giả Tịnh độ tông, đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ hay Vô Lượng Thọ, kinh Dược Sư, Mười hai lời nguyện của Bồ tát Quan Thế Âm, đều thấy các vị Phật và Bồ tát bao giờ cũng phát nguyện cao thượng, độ chúng sinh. Trên thực tế các ngài đã thành Phật cả. Vấn đề còn lại là chúng ta phải tự cứu độ chính mình bằng những phương pháp được đức Phật nêu trong Tứ Diệu Đế. Các ngài thương chúng ta, nhắc chúng ta bằng nhiều phương pháp. Ta đang ở Việt Nam, chẳng ai có thể bốc ta đi thẳng rồi thả xuống một nước giàu có để được hưởng chế độ kinh tế, an sinh xã hội tốt. Không ai có thể làm thay đổi quy trình của nhân quả theo dạng cưỡng chế. Muốn thay đổi phải tự nỗ lực bản thân của từng cá nhân với trí tuệ và những phương pháp có trình tự.

    Tu theo Phật, quan trọng nhất phải thể hiện sự hành trì và dấn thân cụ thể. Đừng bận tâm quá nhiều đến lời phát nguyện. Không khéo ta lại rơi vào chủ nghĩa duy ý chí, duy lý, hay chủ nghĩa lý tưởng, mà hiện thực là cái không thể với tới.

    Nuôi lớn tâm đại thừa mới quan trọng, còn phát khởi tâm đại thừa thì ai cũng có thể phát khởi được. Đây là bài học thực tiễn cho chúng ta cùng suy ngẫm. Làm được như thế là hoàn tất con đường dẫn đến giác ngộ cho mình và góp phần giúp người khác giác ngộ.

***

 
00:00