Chương 2: Thiền nụ cười

 

Giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 28-11-2009 Phiên tả: Nhật Ngọc

 

KHÁI NIỆM “THIỀN CƯỜI”

  Thiền nụ cười là nghệ thuật giúp chúng ta làm mới sức khỏe, làm mới thái độ tinh thần, làm mới dòng cảm xúc để mình trở nên hân hoan, hạnh phúc và bình an hơn. Phật giáo Bắc tông có tượng Phật Di Lặc, dân gian gọi “tếu Phật” không phải là Phật tếu lâm mà là đức Phật cười thoải mái. Hình dáng của đức Phật Di Lặc được tạc theo mô phỏng từ cuộc đời của Hòa thượng Bố Đại, vì người ta cho rằng Hòa thượng là hậu thân của đức Phật Di Lặc. Tượng Phật được khắc gương mặt cười rất thoải mái, cái bụng thật to tượng trưng cho hai đặc tính trong sự tu tập và trị liệu đó là hoan hỷ và độ lượng. Người có lòng hoan hỷ thường tạo cho mình nụ cười và đem đến niềm vui cho những người khác. Người có lòng độ lượng không bao giờ chấp nhứt những chuyện không đáng quan tâm. Bất cứ cái gì mang lại, dù cố tình hay vô ý, đều có thể được khắc phục và vượt qua.

  Trong truyền thống thiền học Phật giáo Trung Hoa, tượng đức Phật Thích Ca được tạc với nụ cười mỉm chi, tay cầm một đóa sen đưa lên. Chữ Hán gọi “Niêm Hoa Vi Tiếu” tượng trưng cho sự truyền tâm ấn tâm giữa Ngài và vị đệ tử quan trọng nhất là Tôn giả Ca Diếp, như một ấn chứng rằng “Chánh pháp nhãn tạng. Niết bàn diệu tâm. Thực tướng vô tướng”. Những gì Ngài phát hiện dưới cội bồ đề và truyền bá trong rất nhiều năm đã chính thức được Ngài Ca Diếp kế thừa. Đó là lý giải của Phật giáo Trung Hoa, nhưng Phật giáo Nam tông lại không chấp nhận việc đó vì theo truyền thống, đức Phật thuyết pháp không có gì giấu diếm. Tất cả những bí quyết tâm linh được Ngài truyền bá giới thiệu cho chúng ta hoàn toàn không có bất kỳ sự giấu kín nào, cho nên kho tàng chánh pháp, cặp mắt của chánh pháp và giá trị của nó không chỉ để dành riêng cho Ngài Ca Diếp kế thừa, mà cho tất cả mọi người, dù xuất gia hay tại gia, đều được quyền hưởng các giá trị đó.

  Hai hình ảnh của đức Phật Di Lặc và Phật Thích Ca liên hệ đến nụ cười. Dĩ nhiên khi nghe đến “thiền nụ cười”, nhiều người sẽ hơi ngạc nhiên vì trong tứ thiền: Thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, đâu có thiền nào liên hệ đến nụ cười. Hoặc một số có thể lý luận thêm rằng trong các thiền vô sắc giới như không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng, phi phi tưởng xứ cũng đâu có thiền nào liên hệ đến nụ cười.

Như vậy thiền nụ cười có nguồn gốc hay không? Chúng tôi tạm dùng khái niệm “thiền nụ cười” để mô tả giá trị trị liệu của nó dưới góc độ của thiền. Nếu hành giả áp dụng sẽ có thể tăng cường sức khỏe cho bản thân và tối thiểu giúp mình trẻ hơn vài ba tuổi. Ngoài ra, việc thực tập mỗi ngày còn làm vơi đi nỗi buồn, rơi rụng những phiền não, trầm uất, bế tắc trong cuộc đời.

Cười có rất nhiều loại, như nghệ thuật cười duyên mà phần lớn phái nữ sử dụng; cười giòn giã; cười khúc khích; cười kha kha đẩy mạnh luồng hơi ra ngoài. Hầu như người đang cười khó có thể kiềm chế được chính mình. Khi nụ cười tỏa ra thì lòng cảm thấy hân hoan, sức sống dâng tràn hơn. Cười chúm chím, cười toe toét, cười tủm tỉm, cười xòa cũng đều là những cách mô tả các sắc thái khác nhau của nụ cười. Một nụ cười tự nhiên có thể có khi tiếp xúc với điều gì quá khôi hài hay quá tức tối đến mức phải bật ra tiếng cười để thể hiện sự ngạc nhiên trước điều mà mình không ngờ tới.

Tiếng cười bao gồm niềm vui và nỗi buồn, nhưng thiền nụ cười lại là một nghệ thuật nuôi dưỡng niềm vui sâu lắng đối với những người chưa từng có niềm vui, và nó phóng thích bất hạnh đối với những người gặp nhiều gian truân thử thách và sự không như ý trong cuộc đời.

Thiền được định nghĩa như trạng thái chuyển hóa tâm, làm chủ dòng cảm xúc, trong khi đó, cười là việc thể hiện sự lao theo dòng cảm xúc về phương diện vui. Vậy cười có thể được sử dụng như một liệu pháp thiền hay không? Thăng bằng cảm xúc là làm thế nào làm chủ được phản ứng của nó. Có hai khuynh hướng đối với cảm xúc. Thứ nhất là hợp gu, như ý, hài lòng, tâm chúng ta khởi lên thái độ lưu luyến, bám víu, tư hữu nó, do vậy lòng tham phát sinh. Thứ hai, đối với những gì không thích, không ưa, thì sự bực mình, tức tối nổi dậy như phản ứng của lòng sân, người thô tháo có thể có hành động hủy diệt, loại trừ theo kiểu “mặt trăng mặt trời”, “ngày và đêm”, có cái này thì thiếu vắng cái kia và ngược lại, đó chính là biểu hiện của lòng sân. Như vậy, cảm xúc thường dẫn đến tham, sân, si, cũng là cách thức không làm chủ khác.

Mặc dù cười thể hiện niềm vui nhưng nếu ta lao theo nó một cách không tự chủ thì ta trở thành người đi tìm và thỏa mãn cảm xúc tham ái. Ở đây, khái niệm thiền nụ cười chỉ các kỹ năng của thiền để tạo ra niềm vui và sử dụng niềm vui của nụ cười để giải phóng những ức chế tâm lý, những nỗi khổ niềm đau trong một ngày. Ta sẽ có tiến trình chuyển hóa rất tích cực trên cơ thể và trong cuộc sống, cho nên ở chừng mực tương đối, ta vẫn có thể xem nghệ thuật của tiếng cười được huấn luyện là một tiến trình của thiền nhằm đạt an vui trong cuộc đời.

CÂU LẠC BỘ CƯỜI

  Lễ hội cười hiện nay đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Người đầu tiên có công sáng lập lễ hội cười là bác sĩ tâm lý Madan Kataria ở Bombay Ấn Độ vào năm 1995. Sở dĩ ông sáng lập loại yoga cười là vì ông đã đối diện với rất nhiều nỗi đau, bế tắc gia đình, và những bất hạnh của người thân. Nhìn thấy tại thủ phủ Bombay, thuộc bang Maharashtra, là kinh đô của nền kinh tế, đời sống con người quay cuồng như cái máy, sự chênh lệch giữa giàu nghèo, giữa tỷ phú và những người sống ở khu vực ổ chuột quá cách biệt, những căng thẳng dẫn đến nỗi khổ niềm đau hàng ngày với kết quả nhiều người tuyệt vọng và tự vẫn, nên ông mới suy nghĩ đến liệu pháp cười, giúp người giàu hạnh phúc về cảm xúc, người nghèo không uất hận bế tắc trong cuộc đời, thậm chí có thể vượt qua được những gian truân thử thách. Từ đó ông viết bài về liệu pháp cười qua yoga và nhanh chóng trở thành làn sóng của sự thực tập. Thời điểm đó, ông nổi tiếng không thua gì các minh tinh màn bạc. Nhiều bang và nước ngoài thỉnh mời ông diễn thuyết hướng dẫn thiền yoga của nụ cười mà ông đã cống hiến cho cư dân Bombay.

  Câu lạc bộ cười đầu tiên do ông thành lập phần lớn là những người trên tuổi năm mươi lăm. Những người này sau khi về hưu, về nhà sống trong không gian chật hẹp, tiếp xúc với con cái thậm chí hai ba thế hệ trong một gia đình, kẻ tánh này, người tánh kia, căng thẳng mệt mỏi, bế tắc phát sinh. Khi tham gia câu lạc bộ, mỗi ngày họ gặp nhau ở công viên hoặc khu thoáng mát trên bãi cỏ vốn có rất nhiều ở Ấn Độ, họ theo hướng dẫn của vị bác sĩ khai sáng để huấn luyện nụ cười trong vòng mười lăm phút. Khi hiệu lệnh cười bắt đầu thì tất cả đều cười thật tươi, gạt bỏ mọi chuyện buồn phiền bực dọc ra ngoài. Ai không vui, khó chịu, cau có, mệt mỏi, bệnh tật nhiều chừng nào thì càng phải trải nghiệm nụ cười nhiều chừng đó, vì nụ cười có tác dụng phóng thích những căng thẳng này.

  Bác sĩ Madan đã chứng minh trẻ em có khả năng cười một cách tự nhiên từ 200 đến 400 lần một ngày. Trong khi đó người lớn kém hơn trẻ em mười lăm lần. Nếu công việc làm ăn, sự căng thẳng không được phóng thích thì nhiều người lớn có khả năng đánh mất nụ cười, chỉ còn lại trên gương mặt những nặng trĩu ưu tư. Ai ý thức quá nhiều về dòng cảm xúc, tư duy quá nhiều vào kinh nghiệm khổ đau trong quá khứ, bị ám ảnh quá nhiều về những điều không như ý thì gương mặt người đó lúc nào cũng u ám khiến người khác mệt mỏi lây. Chúng ta tiếp xúc và sống chung với những người căng thẳng như thế sẽ càng bị căng thẳng nhiều hơn. Cho nên, người thiếu vắng nụ cười không chỉ hành hạ bản thân về cảm xúc mà còn truyền chất liệu khổ đau cho những người khác một cách vô tình hay cố ý như một cộng hưởng nhân quả trong tương quan xã hội nói chung.

  Tại quảng trường Town Hall, thủ phủ Copenhagen, Đan Mạch, vào ngày chủ nhật của tuần lễ thứ hai mỗi tháng thường diễn ra lễ hội cười. Từ sáng đến chiều tối, hết đợt này đến đợt khác, thậm chí có thời điểm người ta đến dự khoảng năm bảy ngàn người, trở thành một lễ hội văn hóa rất đặc sắc. Dĩ nhiên người đến thực tập cười không mang theo rượu bia, thuốc lá hay dẫn theo những người bạn tán gẫu. Ở đây, người ta chỉ đi một mình, nếu có thêm người thân càng tốt, và không mang theo bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào. Trong lúc thực tập cười, họ phải nghĩ tưởng rằng nỗi khổ niềm đau đang theo hơi thở tống khứ ra ngoài.

  Tại Brazil, có một số công ty xuất khẩu nụ cười, nghĩa là họ chuyên huấn luyện những nhân viên có nụ cười tươi tắn. Nơi nào đang khổ đau, uất hận thì thuê nhân viên nụ cười về, để mỗi khi nhìn thấy nhân vật cười, tự động nỗi buồn phiền tan biến. Trong tương lai chúng tôi đoán Nhật Bản sẽ chế tạo ra robot nụ cười. Robot sẽ trở thành kẻ phục vụ rất tích cực các công việc trong gia đình, không cãi vã với chủ, không làm phiền muộn bất cứ ai, không gây đổ nát, hư mất, mà ngược lại đóng góp, phụng sự, giúp đỡ, luôn kèm theo lời cám ơn và nụ cười, mỗi khi được chủ giao việc thì nở nụ cười. Chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan khi sống và giao tiếp với những robot nụ cười như vậy.

  Thái Lan, theo nghĩa đen, là “đất nước tự do”, tuy nhiên dân nước này lại hãnh diện với danh xưng “đất nước của những nụ cười”. Các chiêu đãi viên hàng không, hay những người làm công việc ở nơi công cộng đều được huấn luyện rất bài bản. Trước khi nở nụ cười thật tươi trên môi, họ thường chắp tay như một búp sen cúi chào, vì trên 95% người dân Thái Lan theo Phật giáo. Trong lúc thể hiện nụ cười, họ quán rằng đôi môi mình như một đóa sen đang nở, có đầy đủ gương, nhụy, cánh, hạt và hương thơm nhè nhẹ thoảng ra, mang đến cho người tiếp nhận cảm giác hài lòng. Sự huấn luyện nụ cười như vậy dẫn đến chính sách xem đất nước của mình là đất nước của những nụ cười. Đây là một chương trình chính sách rất hay.

  Hiện nay trên thế giới có tối thiểu 5.000 câu lạc bộ cười. Dĩ nhiên cũng có nhiều nơi thành lập câu lạc bộ cười mà không đăng ký, cho nên con số thống kê bao giờ cũng ít hơn con số thực tế.

NỤ CƯỜI VỀ PHƯƠNG DIỆN SINH LÝ

  Ta có thể định nghĩa cười là một phản xạ sinh lý của cơ thể, giúp chúng ta có tiến trình thở ra đặc biệt và làm rung thanh đế nhiều lần để tạo trạng thái thoải mái. Về phương diện mô tả, động tác cười được biểu hiện bằng sự nhếch môi, hé miệng, thỉnh thoảng nhe răng, có khi bật thành tiếng, đôi lúc cười mỉm chi, tất cả đều thể hiện cảm xúc vui mừng phấn chấn hay biểu tỏ một thái độ cảm xúc nhất định nào đó. Khi thực hiện các động tác cười như trên thì sự hỗ trợ cho sức khỏe chắc chắn có.

  Một số nhà khoa học đã thực nghiệm nụ cười nhân tạo trên các con chuột. Người ta dùng dụng cụ kích hoạt một cách chừng mực lên bụng và nách những con chuột như làm trên con người. Sau đó, họ tiến hành đo bằng máy những phản ứng cảm xúc của con chuột và đi đến kết luận rằng nó có phản ứng rất tích cực được hiểu đồng nghĩa với khái niệm hạnh phúc.

  Thí nghiệm thứ hai, họ cho các con chuột giao cấu với nhau và đo độ phản ứng trên não của nó. Kết quả cho thấy độ rung cảm không nhiều so với nụ cười được kích hoạt ngay vùng bụng và vùng nách. Cuối cùng người ta đi đến kết luận, bản chất của nụ cười cũng có được niềm vui như khi thể hiện quan hệ giới tính trong các chủng loại động vật khác nhau. Mặc dù nghiên cứu đó chưa trải nghiệm đối với con người, nhưng chúng ta có thể khẳng định, cười là sản phẩm đặc biệt của con người mà ít khi loài động vật khác có được những biểu hiện tương tự. Một số con vật được huấn luyện trên các rạp xiếc có thể làm được việc đó một cách có điều kiện, nhưng nhìn chung chủng loài động vật không thể làm được ở mức độ phổ quát hóa. Cho nên được thân người là một phước báu để trải nghiệm nụ cười. Không cười là tự đánh mất quyền lợi mà bản chất hạnh phúc cho phép chúng ta trải nghiệm ở phương diện này hay phương diện khác.

ĐỪNG LẠM DỤNG NỤ CƯỜI ĐỂ MUA VUI

  Việc sử dụng nụ cười sai phương pháp khiến người trải nghiệm cũng phải trả một cái giá rất đắt, thậm chí cả cái chết.

Thời nhà Châu của Trung Quốc, có một vị vua tên U Vương đem lòng yêu thương người đẹp Bao Tự. Nét đẹp của Bao Tự khiến ai ngắm nhìn đều có cảm giác mê đắm. Tuy nhiên, nàng không bao giờ nở một nụ cười. Vẻ đẹp quyến rũ cộng nét buồn u uất càng làm cho nhà vua bị thách đố quyền lực. Trong khi cung tần, mỹ nữ triều đình luôn tìm cách thể hiện nụ cười duyên dáng gây sự chú ý đối với nhà vua, còn Bao Tự thì không làm việc này. Nhà vua bị chạm tự ái nên càng quan tâm để ý nhiều hơn, ông đem lòng thương tưởng sống chết với Bao Tự và tìm mọi cách để nàng nở nụ cười nhưng đều thất bại. Nhà vua truyền lệnh cho hầu cận thăm dò Bao Tự thích cái gì nhất và biết rằng nàng rất vui khi nghe âm thanh xé vải lụa quý. Mỗi khi nghe âm thanh đó, bao giờ Bao Tự cũng nở nụ cười. Nhà vua bèn ra lệnh cho các quan đại thần mua về tất cả những loại lụa quý nhất xé cho Bao Tự nghe. Giai đoạn đầu Bao Tự còn cười nhưng về sau nàng không cười nữa.

  Nhà vua lại tìm người hiến kế, Quách Công được mời về triều đình và đưa ra kế sách làm vua hài lòng. Đó là đốt lửa ở quãng Ly Sơn, Vạn Lý Trường Thành nhằm gạt các nước chư hầu. Khi các nước chư hầu đem quân đến viện trợ, thấy nhà vua đang vui đùa với Bao Tự, họ sẽ tiu nghỉu quay trở về, sự kiện tình cờ như thế ắt làm Bao Tự vui. U Vương liền nghe theo lời khuyên sai lầm và tai họa của Quách Công. Ông đã đến Ly Sơn ở quãng những hỏa đài và ra lệnh châm lửa đốt hỏa đài. Các nước chư hầu thấy lửa ngày càng lớn, nghĩ rằng có đại họa của giặc phương Bắc, thường là dân Khương Nhung và Hung Nô, nên cất quân đến viện trợ theo khế ước mà họ đã ký với U Vương. Đến nơi thì thấy nhà vua đang ân ái cùng Bao Tự. Khi nhìn hàng đoàn tướng lĩnh, quân binh các nước chư hầu quỳ mọp dưới chân nhà vua chờ lệnh, Bao Tự đã bật cười nghiêng ngả và nhà vua nhờ đó mà thấy lòng hạnh phúc theo.

  Các nước chư hầu rút quân về với tâm trạng ấm ức nghĩ rằng mình bị nhà vua chơi trác. Tin này lan truyền ra, bọn Hung Nô và mọi rợ Khương Nhung liền cất quân đến đánh một cách bất ngờ làm quân lính và hầu cận của U Vương không thể nào trở tay kịp. Một số lính sống sót chạy đến các hỏa đài phát hỏa ra hiệu lệnh cầu cứu. Lần này, các nước chư hầu nghĩ rằng nhà vua lại muốn gạt mình lần thứ hai nên không một tướng lĩnh nào ra lệnh cho binh lính đến viện trợ.

Kết quả, U Vương bị giết chết và Bao Tự bị bắt về làm tù binh nô lệ tình dục. Câu chuyện lịch sử Trung Quốc cho chúng ta thấy cái giá phải trả cho nụ cười của người đẹp là mất nước. Từ đó họ có thành ngữ: “Nhất tiếu khuynh thành, tái tiếu khuynh quốc”. Một nụ cười của người đẹp làm nghiêng thành đổ nước, cười thêm lần nữa làm mất luôn cả quốc gia. Nhà vua đam mê sắc đẹp và mê nụ cười của sắc đẹp nên hại cả bản thân do vì bày mưu lập kế làm mất lòng tin của quần thần và các nước chư hầu.

  Sự cười của việc thỏa mãn khoái lạc giác quan là một tai họa. Cười đó gọi là cười ham vui mà kinh Địa Tạngnói “ham vui khổ vô cùng”. Cái cười trên sân khấu như Gala Cười, phần lớn cũng chỉ chọc vào những cái tục mà về phương diện văn hóa người ta không thể hiện nó. Cho nên trên sân khấu, họ hợp thức hóa đem đến cho cả người thực hiện lẫn người xem những trận cười sảng khoái. Thậm chí người ta phải tốn rất nhiều tiền để mua những trận cười trên Gala hay sân khấu cười nói chung. Cái cười này là cái cười thỏa mãn khoái lạc giác quan, có tích cực nhưng đôi khi rất tục. Chạy theo nền văn hóa cười thiếu chọn lọc như thế, đôi lúc mình trở nên tục tĩu, ngớ ngẩn và đánh mất một phần giá trị tư cách con người.

GIÁ TRỊ TRỊ LIỆU CỦA NỤ CƯỜI

  Để cho cười trở thành một phương tiện trải nghiệm thiền, giải phóng những nỗi đau thì ta phải biết cách thể hiện nó thành công. Trước nhất, ta cần phải nắm rõ giá trị trị liệu thể xác bằng nụ cười đúng phương pháp thiền. Nhà văn Mỹ tên Norman Cousins, sinh năm 1915 qua đời năm 1990, được xem là tác giả đầu tiên đã phân tích về liệu pháp nụ cười trong chữa bệnh. Nhưng rất tiếc phong trào của ông chỉ dừng lại ở tâm lý học và trong một số giới trí thức. Người ta chưa được phổ quát hóa như trường hợp bác sĩ Madan của Bombay Ấn Độ. Vào năm 1979 ông Norman Cousins xuất bản cuốn “Anatomy of Laughs”, tạm dịch là “Giải phẫu nụ cười”, đó là từ gọi nôm na còn nguyên văn tác phẩm của ông là “Anatomy of an illness”, tức là “Giải phẫu một chứng bệnh”. Khi phân tích về những chứng bệnh, ông kết luận, phần lớn do con người thiếu nụ cười mà ra. Dù bệnh ở mức độ nhẹ nhưng thiếu việc trải nghiệm nụ cười cũng làm cho sự trầm uất gia tăng dẫn đến bệnh ngày càng tăng trưởng, kháng thể suy giảm, cái chết diễn ra sớm hơn. Bế tắc khiến người bệnh trở nên tuyệt vọng thậm chí muốn tự vẫn. Thông qua tác phẩm này, ông đề nghị mỗi người hãy thực tập cho mình những nụ cười tươi đẹp để trải nghiệm hạnh phúc trong cuộc đời vốn quá nhiều nỗi khổ niềm đau và những điều không như ý.

  Theo y khoa, nụ cười tự nhiên hay nụ cười nhân tạo đúng phương pháp đều có tác dụng tốt cho cơ hoành, nghĩa là độ liên hệ giữa vùng ngực và vùng bụng được chuyển động tối thiểu mười tám lần so với mức bình thường chưa có nụ cười diễn ra. Nhờ đó, khí phổi được lưu thông một cách dễ dàng hơn, máu theo đó đến tim đầy đủ hơn, những cơ liên sườn hay cơ mặt được kích thích, sự sảng khoái và kháng thể gia tăng. Về phương diện y học, tác dụng trên cơ thể từ nụ cười có phương pháp rất lớn, chưa chắc ta uống nhiều thang thuốc bổ mà có được. Uống thuốc bổ thường dẫn đến sự dư thừa tạo ra các loại bệnh tật khác. Nụ cười cho ta cơ chế tự điều chỉnh những trục trặc trong lục phủ ngũ tạng và những bế tắc nói chung, cho nên giá trị của nó tốt đẹp mà không có phản ứng phụ.

  Ngoài ra, các nhà y khoa còn chứng minh cho chúng ta thấy khi thực hiện một nụ cười thì chất endorphin từ bộ não được tiết ra nhiều, có khả năng làm giảm đau tự nhiên. Nó tốt hơn hàng trăm lần so với các loại thuốc giảm đau như paracétamol, v.v… vì các loại này ít nhiều liên hệ đến bao tử, gan, và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Trong khi đó, chất giảm đau tự nhiên endorphin sẽ giúp chúng ta điều chỉnh đau nhức mà không cần tốn tiền mua thuốc và cũng không cần phải đi bác sĩ.

  Các bác sĩ khuyên rằng, bệnh nhân của các chứng bệnh nan y như ung thư nếu mỗi ngày thực tập cười trung bình từ năm đến mười lăm phút thì tuổi thọ người đó kéo dài thêm tối thiểu vài ba năm. Từ sự hỗ trợ của nụ cười, nếu ta duy trì được niềm hoan hỷ và buông xả lâu hơn theo phương pháp thiền nụ cười của Phật giáo, đôi lúc ta có thể vượt qua những chứng bệnh nan y này. Nhiều bệnh viện trên thế giới đã thí nghiệm với kết quả xác suất tương đối giống nhau, cho nên việc áp dụng nó sẽ có giá trị trị liệu rất lớn. Rất tiếc là hiện nay tại các bệnh viện, người ta lại không truyền bá hoặc không để trong các sổ tay hướng dẫn cho bệnh nhân những hình ảnh cười, hình ảnh thái độ sống tích cực, những cách giải quyết vấn đề, những nghệ thuật buông xả để bệnh nhân ngoài việc nhận các dịch vụ y tế từ bệnh viện, từ bác sĩ giỏi và những trị liệu y khoa khác, còn nhận được sự hỗ trợ trong tự thân để tự điều chỉnh những trục trặc. Có như vậy, kết quả trị liệu sẽ đảm bảo cao hơn nhiều so với việc ta chỉ trị một cách bình thường về phương diện vật lý.

  Chất thứ hai y khoa cũng đã xác định có thể được tạo ra qua tiến trình của nụ cười tự nhiên, đó là aldrénalin có khả năng giúp con người sảng khoái, nhanh nhẹn, nhạy cảm và có thái độ tinh tấn hơn. Nếu ta làm cho chất này xuất hiện nhiều lần thì người đó có thể tự điều trị chứng bệnh mất ngủ. Chứng mất ngủ phần lớn liên hệ đến trạng thái buồn bực, sân hận, khổ đau, tức tối, bực dọc. Nó trì ức trong tâm, đè nặng dòng cảm xúc, làm cho ý thức con người tiếp tục hoạt động vào ban đêm mà lẽ ra đó là thời gian cần thiết dành cho giấc ngủ, kết quả họ bị mất ngủ trắng đêm. Sau đó họ sẽ có nhu cầu tìm đến bác sĩ để được uống thuốc ngủ.

  Thuốc ngủ ban đầu diễn ra như là sự hỗ trợ cho chúng ta đỡ mất sức khoẻ vào ngày hôm sau, nhưng nó lại tạo nên sự lệ thuộc về thân và tâm lý. Hôm nào không uống thuốc ngủ đúng đô yêu cầu, thì chúng ta có cảm giác mình sẽ không thể ngủ được. Đó là một nỗi ám ảnh tâm lý. Sau thời gian sử dụng thuốc ngủ thì liều lượng thường gia tăng. Nếu trước đây ta uống nửa viên thuốc là có thể ngủ được thì sau một thời gian ta có nhu cầu uống một viên, rồi viên rưỡi v.v… cứ như thế mà tăng dần. Hậu quả trí nhớ của ta bị giảm dần đều, vì thuốc ngủ gây phản ứng ức chế bộ nhớ, khiến thần kinh mỏi mệt dẫn đến tình trạng bị tê liệt không thể hoạt động được nữa, do vậy giấc ngủ diễn ra. Ngủ như thế rất tiêu cực.

  Thực tập cười trước khi đi ngủ là phản ứng tích cực. Nó phóng thích những căng thẳng trên cơ bắp, căng thẳng trong dòng cảm xúc, do vậy giấc ngủ diễn ra dễ dàng. Đối với lục phủ ngũ tạng, nụ cười giúp dạ dày co bóp tạo tiến trình hô hấp tích cực, làm giãn nở các phế nang, kích thích dịch tiêu hóa, đồng thời trị được các chứng bệnh như táo bón và rối loạn hệ tuần hoàn nói chung. Rất đơn giản nhưng nó lại có hiệu quả trị liệu lớn. Ngoài ra, nụ cười còn có khả năng thư giãn các cơ bắp, xoa bóp nội tạng, làm giảm chứng phong thấp và thấp khớp. Đây là một chứng minh mới của y khoa ngày nay, không phải chỉ liên hệ đến những chứng bệnh thuộc hệ tuần hoàn, hô hấp, các cơ mà những bệnh về xương khớp cũng được giải quyết, vì tất cả bệnh xương khớp đều liên hệ đến hệ thống thần kinh. Có ba loại hệ thống thần kinh: thần kinh ngoại biên, thần kinh cảm giác và thần kinh thực vật. Trong đó, thần kinh ngoại biên và cảm giác liên hệ đến các cột sống, các đốt xương sống của chúng ta trên toàn bộ cơ thể. Khi ta bị thấp khớp, đau nhức xương, đó là sự chèn ép các dây thần kinh ít hoặc nhiều với các đốt xương, do vậy cảm giác đau xuất hiện. Thực tập cười để kích thích cơ phá vỡ sự chèn ép này, độ giãn nở được diễn ra, mức độ đau hạ xuống đáng kể.

Cụ thể, ai đang đau nhức răng hay đau bụng mà xem những bộ phim hài có nội dung tích cực như phim Charlot hay những kịch cười có sự tham gia của Bảo Quốc, Hồng Nga, Hoài Linh, Minh béo… tức những nhân vật nổi tiếng trong làng cười, thì tự động cái đau bị quên đi, vì ý thức lúc đó đang trải nghiệm trên niềm vui của ý thức, nó không còn cơ hội để ý đến cái đau đang khống chế trên cơ thể chúng ta, do đó cái đau đang hiện hữu nhưng lại được vượt qua một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.

THỰC TẬP NỤ CƯỜI

  Năm 2009, chúng tôi đã tổ chức ba chuyến hành hương Ấn Độ, vào tháng ba, tháng tư và tháng mười. Trong cả ba chuyến này, chúng tôi đều thành lập hai câu lạc bộ cười trên hai xe, mỗi xe khoảng ba mươi hai thành viên. Sáng sớm chuẩn bị lên xe, tất cả đứng ở bãi cỏ của khách sạn để thực tập cười, khi lên xe cười thêm lần nữa, sau đó mới sinh hoạt. Chương trình sinh hoạt buổi sáng đôi lúc là tụng kinh Di giáo, kinh Phước đức, kinhTừ Bi, kế tiếp là những chia sẻ về văn hóa, triết học, tôn giáo Ấn Độ dưới hình thức giao lưu, vấn đáp hoặc những bài thuyết giảng. Khi khách hành hương được theo dõi các chương trình sinh hoạt như trên sẽ quên đi ý thức để ý đến thời gian, vì đi từ Phật tích này sang Phật tích nọ phải mất vài trăm cây số mà đường lại xấu, đôi lúc mất mười tiếng hoặc mười một tiếng mới tới nơi, tham quan chỉ được một hai tiếng lại phải lên xe đi tiếp.

  Nếu không có những chương trình như thế sẽ rất mệt mỏi. Trên xe, ai ngồi những hàng ghế phía sau thì bị tưng, nhảy vì độ dằn xốc khá nhiều. Chúng tôi yêu cầu tất cả cùng quán tưởng mình đang nằm trên ghế massage toàn thân. Ghế massage này thúc đẩy máu huyết lưu thông, ta có cảm giác được đấm bóp nhẹ nhàng, thoải mái và sau khi được đấm bóp, ta có một giấc ngủ ngon lành. Để giữ giấc ngủ chúng tôi mở băng nhạc Phật giáo với những điệu nhạc du dương trầm bổng. Đây cũng là nghệ thuật giúp chúng ta đỡ cảm thấy thời gian quá lâu. Sau khi cười thoải mái trên xe, chỉ cần ngả người ra sau là chúng ta có thể ngủ được.

  Cách quán tưởng thứ hai để hỗ trợ cho nụ cười, đó là ý nghĩ mình đang nằm hay đang ngồi trên chiếc xe hơi của chính mình, hoặc xe bus ở quê hương mình. Phần lớn Việt kiều đều có xe hơi đi làm. Việt Nam thì không phải ai cũng có xe hơi vì đường sá chật hẹp, xe hơi bán với giá cao gấp ba lần so với Hoa Kỳ. Do vậy ta có thể quán tưởng mình đang ngồi trên xe bus tại Việt Nam, hoặc đang ngồi trên chiếc xe gắn máy của bản thân để đỡ có cảm giác lạ chỗ. Mất ngủ là do chúng ta bị lạ chỗ, lạ múi giờ. Sự chênh lệch giờ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như Ấn Độ, khoảng từ tám đến mười hai giờ. Đêm bên này là ngày bên kia, đang đi giữa ban ngày của Ấn Độ thì thói quen giờ ngủ đến, khiến chúng ta ríu mắt lại. Trong tình huống đó, chúng ta phải quán tưởng rằng mình đã về nhà, mình đang ở trên chiếc giường của chính mình, được như thế thì việc lệch múi giờ và lệch địa dư không ảnh hưởng.

  Làm từ thiện tại bốn khu Phật tích, trước khi phân phối những tặng phẩm đến các thành viên đại diện cho các gia đình nghèo ở khu vực xung quanh Phật tích, chúng tôi yêu cầu họ thực tập cười. Người Ấn Độ sống ở những khu vực nghèo thường trông già trước tuổi. Một bà mẹ hoặc một người cha đang ẵm em bé trên tay, chúng ta cứ tưởng bà ngoài năm mươi tuổi hay ông ta khoảng sáu mươi tuổi nhưng trên thực tế họ chỉ ngoài hai mươi. Vì nỗi bất hạnh, nghèo khó, vất vả lao động chân tay diễn ra nhiều năm tháng, thậm chí từ đời này qua kiếp nọ, mà họ mất hẳn nụ cười. Trên gương mặt bao giờ cũng hiện diện vô số nếp nhăn, sự mệt mỏi, bần hàn. Chúng tôi yêu cầu họ cười và khi thực tập cười, chúng tôi chụp hình, quay phim thấy ai cũng đẹp.

  Chúng ta hãy cười. Mỗi người có thể cười theo cách riêng của mình và khi cười, chúng ta phải quán tưởng hơi thở trược khí đang được tống khứ ra ngoài. Nỗi đau, nỗi buồn giận, sự căng thẳng, uất hận, bế tắc, tuyệt vọng cũng đi theo trược khí này. Sau đó ta hít thở thật sâu và quán tưởng rằng không khí trong lành, niềm vui, hạnh phúc, bình an, sự hanh thông trong cuộc đời sẽ có mặt trên từng lớp tế bào của ta, trên từng giây trải nghiệm của ta và ta là người hạnh phúc nhất.

Thiền Phật giáo chủ yếu giúp chúng ta quán tưởng. Còn nếu cười kha kha thì nụ cười chỉ có giá trị trị liệu vật lý ở một mức độ tương đối. Thêm quán tưởng thì ta đạt hiệu quả vừa vật lý vừa tâm lý, do đó giá trị của nụ cười sẽ cao hơn nhiều lần. Hãy cứ cười thoải mái, cười lớn tiếng, đừng ngại. Chúng ta tập cười để trị bệnh, và khi cười như thế, ta sẽ thấy đời mình thăng hoa.

  Để hỗ trợ nụ cười, chúng tôi đề nghị mỗi người hãy mua cho mình một cái gương soi. Mỗi khi buồn, chúng ta mở gương ra xem sắc mặt mình đóng băng lạnh giá, căng thẳng và xấu xí. Tương phản với tấm gương, mình thấy không được hạnh phúc thì hãy tập cười. Đừng quan tâm nếu có ai nói mình bất bình thường, cứ tập nở nụ cười thật vui. Thực tập như thế, ta khác với bệnh nhân tâm thần. Bệnh nhân tâm thần ngồi cười cả ngày mà không biết cười cái gì, đó mới là bất bình thường. Còn ta bình thường, sử dụng cái bình thường một cách có dụng ý để giải quyết những bất bình thường thì ta sẽ thành công.

 Gala cười là gì? Là nghệ thuật tạo ra những bất ngờ trong lời đối thoại, trong diễn xuất, trên gương mặt… Những người làm nghề đó thì gương mặt phải tiếu lâm, nhìn vào là muốn cười, họ diễn thêm chút nữa có thể khiến ta cười nghiêng ngả từ lúc này qua lúc khác. Chúng ta có thể mua sẵn đĩa hài phục vụ cho những lúc tâm trạng chán chường, buồn bã. Hãy cố gắng thực tập, đang lúc cười hãy quán hình tượng của Bồ tát Di Lặc hoan hỷ, độ lượng vượt qua bất hạnh một cách dễ dàng chứ không ức chế trong tâm.

  Trung bình một ngày ta nên cười mười lần, mỗi lần khoảng tám chín giây. Cười nhiều quá không có tác dụng, cho nên ta phải chia thời lượng của nụ cười ra thành nhiều thời gian khác nhau. Ba thời sáng, trưa và chiều tối, cứ mỗi buổi, ta cố gắng trải nghiệm nụ cười hai ba lần. Ai ở nhà một mình có thể cười thoải mái, còn nếu có người lớn đang ngủ thì hãy ra công viên thực tập cười.

NỤ CƯỜI TRONG CHÁNH PHÁP

  Vào thời đức Phật, có một vị tu sĩ xuất thân là quan triều đình. Ông rất liêm chính, chí công, vô tư. Vì liêm chính nên ông làm mất lòng nhiều người, ai cũng tạo thù nghịch đối với ông. Ông cảm thấy ức chế nên từ quan về ở ẩn. Thời gian ở ẩn, ông được tiếp xúc với các tu sĩ Phật giáo và nhận thấy đây là con đường tâm linh lý thú. Tìm hiểu ra, ông biết họ đang tu học dưới sự hướng dẫn của đức Phật Thích Ca, cho nên ông đến xin đức Phật trở thành người tu.

  Một hôm sau khi nghe thuyết pháp, theo thường lệ mọi người đứng dậy đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng theo chiều kim đồng hồ rồi về, có người đảnh lễ, có người xá chào. Ai cũng ra về, đức Phật cũng đã đi nhưng chỉ có ông ngồi tại chỗ và cười mỉm một mình, nụ cười của ông nhẹ nhàng và bình an. Các thầy tu trẻ khác nhìn thấy nghĩ rằng ông bị căng thần kinh, hay bất bình thường.

  Sau đó, câu chuyện này được trình lại với đức Phật, đức Phật nói ông ta không bị tâm thần mà ông đang trải nghiệm những hạnh phúc trong đời sống của người tu. Khi còn là quan trong triều, vì nghiêm túc quá nên dẫn đến tình trạng “nước trong không có cá”, người quá nghiêm túc không có bạn cho nên lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, mọi ứng xử với những người thân trở nên căng thẳng. Bản thân căng thẳng mà những người khác cũng mệt mỏi theo. Bây giờ đi theo đức Phật, trải nghiệm đời sống phóng thích những chấp trước về cảm xúc, lòng ông cảm thấy dâng trào vui sướng. Nếu ông đến với đạo Phật sớm hơn thì ông đâu có khổ mấy mươi năm như thế, ông cũng không cần phải trở thành thầy tu mà vẫn biết cách chuyển hóa khổ đau, làm một vị quan thanh liêm thanh trừ những tệ nạn tham nhũng, hối lộ, sàm tấu,… góp phần xây dựng đất nước hưng thịnh, thái bình, và bản thân vẫn được bình an vô sự.

  Ông trải nghiệm và cảm thấy hạnh phúc. Là một tu sĩ không có tấc đất trong tay, không tiền bạc, chỉ có ba chiếc y một bát, mỗi ngày đi ăn xin nhưng lòng tràn đầy an lạc. Đó là nguyên nhân nụ cười của ông.

LIỆU PHÁP NỤ CƯỜI  THIỀN QUÁN

  Hạnh phúc thuộc về dòng cảm xúc, nó vượt lên trên rất nhiều so với các thỏa mãn giác quan. Sự sung sướng của hạnh phúc thông qua nụ cười tồn tại rất lâu. Các nhà khoa học đã chứng minh, mỗi niềm vui tồn tại không quá chín giây trên bộ não, ai khéo luyện tập thì có thể kéo dài tối đa hai mươi giây, sau đó nó sẽ xen tạp vào những dòng cảm xúc khác, hay những mối lo, những mối quan tâm khác.

  Xem Gala cười ba mươi phút, tối thiểu chúng ta có cơ hội cười mười lần hoặc hai mươi lần. Ai tập được nhiều nụ cười mỗi ngày thì người đó không còn căng thẳng nữa, ngược lại, thấy rất thoải mái. Các hoa hậu lên sân khấu, ngoài hình dáng đẹp, áo đẹp, thích hợp với màu sắc ánh sáng trên sân khấu trong giờ biểu diễn, họ còn phải luôn nở nụ cười thật tươi, trước khi trả lời phỏng vấn cũng phải cười. Ứng viên xin việc làm muốn được giám đốc chọn cũng phải nở nụ cười thường trực trên môi. Do đó, cười là nghệ thuật dẫn đến thành công.

  Trị liệu tâm lý của nụ cười là giảm đi sự căng thẳng phần lớn do áp lực công việc, giao tế, sự bận rộn trong cuộc sống.

  Vừa rồi, chúng tôi dẫn một phái đoàn Úc châu mang tên là From The Heart Australia, đây là nhóm thiện nguyện chăm sóc sức khỏe các bệnh nhân nghèo. Họ sẽ có mặt sau một tuần nữa để làm công việc phụng sự đóng góp miễn phí. Chúng tôi đưa họ đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Bà Rịa Vũng Tàu. Tại đây có năm trăm trại viên trong đó, ba trăm tám mươi người bị tâm thần phân liệt. Tâm thần phân liệt là dạng tâm thần nhẹ, nó không xuất hiện 24/24 giờ mà nó gián đoạn, có những biểu hiện thất thường nhưng cũng có những ngày tháng họ sống bình thường.

  Ban giám đốc trung tâm phân nhóm bệnh nhân làm hai loại, tâm thần nặng và tâm thần nhẹ. Dạng tâm thần nhẹ được đưa vào nhiều khu nhà, mỗi khu vài chục người, cửa mở thoáng để họ sinh hoạt bình thường. Trong mỗi căn nhà có một ti vi để họ thưởng thức, đến giờ kẻng hiệu lệnh thì họ vào nhà ăn, sau đó họ lao động công ích như trồng rau, câu cá, lao động tay chân do ban giám đốc phân công. Còn dạng tâm thần nặng bị giữ trong căn phòng kín, bên ngoài khóa chặt. Những người đó thích nói thích cười, thể hiện những hành vi bất bình thường.

  Ba năm trước, khi đến đây lần đầu tiên, chúng tôi chưa có kinh nghiệm nên các phần quà đều sắp xếp như nhau. Quà nào cũng giống nhau, gồm bột ngọt, kem đánh răng, xà bông, bánh kẹo... Ban giám đốc cũng quên hỏi quà gì mà cho phép chúng tôi vào phát tự do. Khi phát cho nhóm tâm thần nặng, vừa cầm gói quà trên tay, họ xé bao nylon ngay lập tức. Họ cầm bàn chải đánh răng nhai ngấu nghiến, có người nhai cục xà bông một cách ngon lành. Lúc đó bộ phận y tế và các nhân viên của trung tâm phát hoảng, phải yêu cầu chúng tôi cùng xông vào bất chấp mọi chuyện xấu có thể xảy ra, nhằm ngăn cản và lấy lại các phần quà. Mục đích chính là lấy lại xà bông và bàn chải đánh răng, chỉ để lại cho họ bánh kẹo. Từ đó về sau chúng tôi rút kinh nghiệm, quà cho người tâm thần nặng thì không có những thứ này.

  Người bị tâm thần nhẹ có thể tự chăm sóc mình, họ tự tắm rửa, giặt giũ, làm việc sinh hoạt mà không cần sự hỗ trợ. Có một anh thanh niên điển trai đội nón tai bèo nghêu ngao bài hát về chiến tranh Việt Nam. Trong bài có những câu đại ý như sau, “đất nước Việt Nam đất nước của chiến tranh mấy ngàn năm, đất nước của phân chia, đất nước của tang thương, đất nước của đổ nát. Chúng tôi là nạn nhân của cuộc chiến, cho nên tất cả chúng ta cần có nhiệm vụ đóng góp để đất nước sớm thống nhất và hoà bình lập lại”. Anh hát xong, rồi nở nụ cười thật thoải mái. Chúng tôi có thể hiểu anh đã từng là bộ đội đi tác chiến và trở về trong trạng thái mất bình thường.

  Hiện nay Hoa Kỳ đang báo động, số lượng các chiến sĩ tham chiến ở Afganistan, Irac trở về không hòa nhập với đời sống cộng đồng. Binh lính Mỹ được khích lệ bằng những chính sách an sinh xã hội rất cao. Chẳng hạn đi lính ba năm, hoàn thành nghĩa vụ quân sự về được ưu tiên 100% về mọi phương diện bao gồm, học đại học miễn phí và nếu có nhu cầu học tiến sĩ cũng không phải trả bất cứ khoản học phí nào. Những người thất nghiệp thích đi lính bởi vì có lương bổng và chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, trở về họ lại không thể hòa đồng khi công việc họ được huấn luyện là giết, bắn, với mục tiêu phải chiến thắng, còn về xã hội là một phạm vi khác, công việc khác, cho nên mức hòa nhập cộng đồng rất khó khăn. Nhiều người lính khủng hoảng tâm lý dẫn đến triệu chứng thần kinh.

  Vừa rồi một vụ tai tiếng lớn nhất nước Mỹ diễn ra, một bác sĩ tâm lý của quân đội dùng súng AK bắn nã vào các bệnh nhân và các đồng đội, chết mấy chục người. Anh ta quá căng thẳng nên bị ảo giác. Khi bắn, anh có cảm giác mình đang tự vệ, cứ nhìn các bệnh nhân, các đồng đội của mình là những kẻ thù nên nã súng bắn trước rồi sau đó bắn chính mình. Tức là khi ảo giác vượt ra khỏi dòng cảm xúc thì lúc đó anh cảm thấy mình có tội lớn. Cảm giác tội lỗi làm cho anh nghĩ rằng mình không nên sống nữa và tự kết thúc cuộc đời.

  Còn nhiều người khác bị tâm thần cứ thích cười, cười không cưỡng chế được, đó mới là mất bình thường. Chúng ta tập cười lại khác, cười phối hợp với thiền quán để phóng thích những nỗi đau.

TRONG NGHỊCH CẢNH HÃY CƯỜI KHÌ

  Giá trị nụ cười giúp chúng ta lạc quan, yêu đời, cảm thông, cởi mở, và bao dung hơn. Muốn thực tập nụ cười tốt thì chúng ta phải quán tưởng cảnh ngộ không như ý diễn ra trong cuộc đời mình không phải là sự chủ ý, mà nó chỉ theo nhân và duyên. Rất nhiều người có thói quen nghĩ rằng người ta cố tình hại mình nên mức độ bực tức làm cho mình mệt mỏi, ứng đối lại thì bị căng thẳng theo. Nghĩ người ta không có chủ ý, chúng ta dễ dàng bỏ qua, tha thứ, cảm thông và giúp người đó vượt qua những khó khăn chung.

  Câu chuyện Trung Quốc kể rằng, có một người lái thuyền sống trên sông nước. Buổi trưa anh ngả lưng ngủ trên mạn thuyền. Đang ngủ say, bỗng dưng có một chiếc thuyền nhỏ lao tới húc vào thuyền của anh. Quá bực tức nên phản ứng đầu tiên của anh là đứng dậy, hùng hổ chửi bới và nhảy qua thuyền kia xem ai cố tình làm việc này. Đi tới đi lui trên thuyền kia mà chẳng thấy người nào, anh trở về thuyền mình ngủ tiếp.

  Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trên thuyền kia có người? Anh ta có thể lý giải đây là sự cố ý, một sự quậy phá phải được trả đũa thích đáng, từ đó căng thẳng diễn ra nhiều hơn. Trong mọi tình huống không hài lòng, chúng ta cứ nghĩ rằng người khác không cố tình làm mình căng thẳng mà đó chỉ là nhân duyên do điều kiện hoàn cảnh nên diễn ra như thế. Có như vậy chúng ta mới dễ dàng bỏ qua, và việc thực tập nụ cười mới đạt kết quả cao. Bằng không chúng ta không thể tự nhiên được, nó sẽ có phần nào gượng gạo, và kết quả trị liệu sẽ bị giới hạn.

HÃY CƯỜI HỒN NHIÊN

  Hạnh phúc của nụ cười giúp người thực tập có cảm giác hồn nhiên hơn. Các bác bảy tám mươi tuổi trở lên tập cười sẽ trở thành trẻ thơ. Trẻ thơ vốn rất thoải mái, bị đánh đập xong nó có thể cười, cha mẹ quở trách nó cũng bỏ qua mà cười. Cho nên người lớn tuổi nếu thực tập nhiều nụ cười sẽ trở nên rất hồn nhiên.

  Chúng tôi là người đầu tiên tại Việt Nam dấy khởi phong trào làm lịch hình chú tiểu. Những năm 2003-2004, các chú tiểu của chúng tôi rất đa dạng, có chú tiểu Việt Nam, chú tiểu người nước ngoài, chú tiểu châu Phi, chú tiểu da trắng… chú nào cũng nở nụ cười thật tươi. Lứa tuổi chúng tôi chọn chụp lịch chú tiểu khoảng chín tháng đến hai tuổi rưỡi, lớn tuổi hơn thì lại mất vẻ hồn nhiên. Nụ cười hồn nhiên làm cho bức ảnh rất đẹp, rất ăn khách, ai nhìn vào cũng thích. Trong nhà treo lịch có hình các chú tiểu cười hồn nhiên thì lòng chúng ta cũng hoan hỷ theo, còn nếu chọn hình bặm trợn, chắc chắn chúng ta cũng sẽ căng thẳng theo. Ảnh hưởng tâm lý bao giờ cũng thế.

  Ta thực tập nhiều nụ cười thì gương mặt mình sẽ trở nên tươi mát, tính tình dễ chịu hơn, thư thái, an lạc hơn và ta có được sự lành mạnh. Ai sống nhiều với nụ cười thì người đó có sức sáng tạo rất cao. Còn lúc nào cũng căng thẳng, bặm trợn thì không thể nào sáng tạo được, vì không bị ức chế này cũng bị những ức chế khác mà ức chế chính là những ổ khóa nhốt năng lực sáng tạo của chúng ta trong ngục tù khổ đau.

CƯỜI TAN MUỘN PHIỀN

  Giá trị nụ cười sẽ làm tan biến buồn phiền và gieo niềm vui cho người tiếp xúc. Chẳng hạn chúng ta vui vẻ hoan hỷ giúp đỡ một người nào đó. Sau động tác tiếp nhận sự giúp đỡ, người tiếp nhận sẽ cảm thấy hân hoan, thoải mái. Còn quát tháo, chửi bới, nói nặng nói nhẹ, người tiếp nhận không thể nào cảm thấy vui được. Cho nên khi gieo niềm vui cho người khác phải thể hiện niềm vui thực sự trong tâm thì người tiếp nhận mới cảm thấy bình an, đó là sự tương tác rất có tác dụng.

  Cười là động tác đang diễn ra. Tâm lý con người có thói quen quay về quá khứ nhất là những quá khứ khổ đau bất hạnh. Mỗi khi chúng ta liên tưởng thì nỗi khổ niềm đau lại trỗi dậy thêm lần nữa và bất hạnh sẽ còn hoài. Nhiều người cứ để tâm mình lo canh cánh về tương lai như một hoàn cảnh chưa có thật. Nỗi lo buồn rầu chạy theo tương lai và hiện tại bị đánh mất. Chúng ta quay về với hiện tại, cười thoải mái thì sẽ sống an lạc hạnh phúc ngay tức khắc, đó gọi là “hiện tại lạc trú”, một phương pháp trải nghiệm thực tập thiền thông qua nụ cười.

  Mỗi ngày, chúng ta thực tập tám lần đồng nghĩa ta đang sống với hiện tại tám lần. Người sống với hiện tại thì năng lượng sẽ gia tăng, còn sống với quá khứ hay lao theo tương lai thì năng lượng bị đốt cháy dẫn đến mất hạnh phúc.

  Nhiều người già háp mà ta thường gọi “cụ non”, chưa tròn ba mươi tuổi nhưng lại khó tính, căng thẳng nên trở thành già. Những người này đi tới đâu mỏi mệt tới đó, mệt cho chính mình và mệt cho người, vì lúc nào họ cũng trách móc, đổ lỗi, quy trách nhiệm v.v… không thể tạo ra sự dễ thương gần gũi được. Nét tươi trẻ của người trải nghiệm nụ cười thiền giúp người đó đắc nhân tâm, dẫn đến nhiều thành công trong cuộc đời, nhất là hoạt động ngoại giao trong các tương quan xã hội, công việc bán hàng, giao tế, tiếp xúc hay công tác quản lý. Gương mặt vui tươi nở nụ cười trước nhất luôn gây được thiện cảm.

  Chúng tôi nhận thấy các nhân viên bán hàng ở Hoa Kỳ được huấn luyện cực kỳ kỹ lưỡng. Người mua hàng có thể khó tính, chê trách chất lượng kém, mẫu mã không đẹp, cố tình hạ giá mặt hàng đủ kiểu, nhưng người bán hàng không được phép phật lòng, lúc nào họ cũng vui, cũng cười, không tranh luận. Họ cố gắng làm sao để người mua hàng cảm thấy hài lòng khi bỏ ra một khoản tiền cho dịch vụ mua bán đó. Người Hoa Kỳ còn đánh tâm lý người mua thêm nữa, đó là chính sách hàng mua sử dụng trong ba mươi ngày được quyền đổi lại miễn phí, thậm chí không cần đổi ngay cửa hàng đã mua mà có thể đổi ở bất cứ nơi nào trên toàn nước Mỹ nếu đúng đại lý hãng đó. Thường thì người nước ngoài không gian dối cho nên không có tình trạng giả vờ không hài lòng để dùng miễn phí trong một tháng, sau đó tiếp tục dùng những mặt hàng khác.

  Tuy nhiên, ở cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã từng có một ca sĩ nổi tiếng chơi trác rồi bị tố trác. Cứ mười mấy, hai mươi ngày cô đến những thương hiệu tên tuổi trên thế giới mua những mặt hàng áo quần đẹp nhất, đắt tiền nhất rồi về thực hiện biểu diễn trên sân khấu, sau đó đem trả lại giả vờ không hài lòng. Người ta nghi ngờ không hiểu tại sao cô này trả hàng quá nhiều lần nên cho người theo dõi. Phát hiện đây là một ca sĩ biểu diễn nên người ta chụp hình quay phim, và thưa ra tòa. Tòa đã xử phạt cô rất nặng vì lợi dụng sự tín nhiệm của người bán hàng và luật tự do trong bán hàng. Báo chí đưa tin rầm rộ làm mất mặt người Việt Nam.

  Đó là chính sách bán hàng, một nghệ thuật làm người khác hài lòng. Sở dĩ người ta làm được như thế vì họ tự tin về chất lượng sản phẩm của họ, giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp. Họ tung sản phẩm ra thị trường bán khuyến mãi, mặc dù lời ít nhưng bán được số lượng cao, và không sợ hàng bị trả lại. Do đó với mặt hàng này, người tiêu dùng ắt phải hài lòng, ngoài ra, sự hỗ trợ của nụ cười giao tiếp cũng góp phần mang lại thành công.

  Nhân viên giao tiếp, bán hàng, quản trị mà không có nụ cười thì sớm muộn cũng bị thuyên chuyển hay sa thải bởi nếu không sẽ mất khách hàng. Khách hàng được quyền chửi mắng người bán nhưng người bán hàng không được quyền chửi mắng lại. Nhiệm vụ người bán hàng là làm sao đạt doanh thu chứ không phải thắng thua trong các giao dịch cãi vã, chửi bới. Người ta nghĩ đến hiệu quả công việc chứ không phải kết quả. Kết quả thì đơn giản, ai có năng lực sẽ làm được nhưng hiệu quả đòi hỏi đến kỹ năng tâm lý và sự huấn luyện.

NỤ CƯỜI VÀ CHÁNH NIỆM VỚI HƠI THỞ

  Trong bài kinh Mười sáu pháp quán niệm hơi thở thuộc kinh Trung Bộ, đức Phật phân chia bốn đối tượng gồm bốn quán niệm, theo đó, ta có thể liên kết với nụ cười chánh niệm.

- Đối tượng thứ nhất là cơ thể.

- Đối tượng thứ hai là dòng cảm xúc.

- Đối tượng thứ ba là tâm.

- Đối tượng thứ tư là các ý niệm trong tâm.

  Bốn động tác hơi thở ra vào liên hệ đến nó đều gắn liền với hơi thở thật sâu và thật ngắn, cộng với ý thức ta phải trải nghiệm đong đo tính đếm chuẩn xác hơi thở sâu cạn ra vào. Không để ý tới nó thì việc thực tập thiền không có hiệu quả.

  Nếu phân tích cả mười sáu động tác thì dài dòng cho nên chúng tôi chỉ rút lại phần quán về tâm rất ấn tượng. Đức Phật dạy “An tịnh toàn thân tôi thở vào, an tịnh toàn thân tôi thở ra. An tịnh toàn tâm tôi thở vào, an tịnh toàn tâm tôi thở ra”. Thân tâm là hai đối tượng chính có cảm xúc, có đối tượng nhận thức, nên chỉ cần quán chiếu.

  An tịnh bao gồm an lạc và thanh tịnh. An lạc phản ánh trạng thái hỷ lạc bên trong, không phải do gắng gượng, cũng không phải do thỏa mãn các nhu cầu giác quan mà là một tiến trình làm chủ được dòng cảm xúc, và để làm chủ được nó thì những hỗ trợ quán tưởng rất cần thiết. Chẳng hạn ta quán hơi thở ra vào mang theo chất liệu an lạc, hạnh phúc, bình an, nhẹ nhàng, sâu lắng đang thâm nhập vào toàn cơ thể thông qua các lỗ chân lông, thông qua tế bào, làn da, thớ thịt, xương, tủy, lục phủ ngũ tạng. Nó đang hòa thấm như nhuộm một miếng vải hay một bộ quần áo mà sau khi nhuộm xong sẽ không bị phai màu. Sự an lạc toàn thân phải diễn ra như thế. Trong suốt thời gian chúng ta quán tưởng, nó phải có mặt.

  Thứ hai, an lạc toàn tâm hơi thở ra và vào. Lúc nào cũng vậy tâm bao gồm các cảm xúc, những ý niệm, thái độ, tâm tư, nhận thức, chúng ta phải thấy rõ mỗi tiếp xúc bằng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm đều là sự an lạc. Hình dung bằng sự quán tưởng là một tiến trình nhân tạo hỗ trợ như một cách xúc tác kích thích cộng với việc chúng ta trải nghiệm nụ cười, cho nên hạnh phúc sẽ có mặt rất lâu, rất sâu sắc hơn nhiều lần so với yoga cười của bác sĩ Madan ở Ấn Độ mà chúng tôi đã trình bày đoạn trên.

  Một sự quán tưởng khác, đó là khi đối diện với những bất mãn, những sự không như ý, chúng ta cũng hít thở thật sâu và cười. Hãy ý thức rõ những sự việc này rồi sẽ trôi qua, nó sẽ không dừng lại trong cuộc đời của ta lâu hơn thời gian mà ta đang thực nghiệm để phóng thích nó. Ý niệm và quán tưởng như thế rất có ý nghĩa bởi vì ta biết tuổi thọ của nỗi đau kéo dài chừng nào thì chúng ta trở thành nạn nhân lâu chừng đó. Cho nên không dại gì ta “đính hôn” với nó. Nếu đã lỡ “đính hôn” với nỗi khổ niềm đau thì hãy “ly dị” ngay lập tức. “Ly dị” bằng sự buông bỏ, bằng sự hiểu biết, bằng nỗ lực chân chính, bằng sự thực tập nụ cười thiền, và bằng sự quán tưởng khổ đau. Đừng kéo dài vì nó là kẻ thù của hạnh phúc.

  Thứ ba, những thất bại bao gồm thất tình, thất nghiệp, thất nhân tâm hay mất mát bất cứ cái gì trong cuộc đời đều để lại ấn tượng và nỗi đau. Nó trở thành vết hằn rất lớn, nếu không quán tưởng để phóng thích nó là ta tự hành hạ chính mình. Tác nhân trong cuộc đời này tạo ra cho mình chỉ ngay động tác đó, tại thời điểm đó rồi không còn nữa, nhưng dòng cảm xúc vướng bận dính líu vẫn cứ kéo dài. Do đó người xấu hại ta một, nhưng chính mình làm mình khổ đau trên cái xấu đó lại gấp nhiều lần. Người giận dai giận dài, nhớ dai nhớ dài thì bất hạnh cũng dai và dài. Người đó sẽ là nạn nhân níu lấy và sống chung một cách bất hạnh với nỗi đau. Cho nên chúng ta phải nghĩ không ai có chủ tâm. Dù họ cố tình, ta vẫn nên nghĩ rằng họ vô ý để dễ dàng bỏ qua. Đừng dại gì đi làm công việc của thẩm phán hay tòa án để trả đũa những người đã từng hại mình. Luật pháp làm việc đó, nếu cần ta chỉ đi thưa kiện, còn thấy không đáng gì, không vi phạm gì đến đạo đức thì hãy bỏ qua để khỏi mất công bận tâm bận lòng. Để luật pháp làm việc đó, còn nếu luật pháp bị mua chuộc hối lộ, ta cũng không nên bận tâm vì nhân quả sẽ thay thế luật pháp làm việc đó. Luật nhân quả là cán cân rất công bằng, không ai có thể can thiệp hay mua chuộc làm lũng đoạn được. Chúng ta không dại gì làm công việc của luật pháp mà hãy để tâm mình bình yên. Đó là những kỹ năng căn bản nhằm quán tưởng thực tập thiền đạt hiệu quả cao.

  Tóm lại ta cố gắng thực tập nụ cười thật nhiều để tự giúp chính mình, đừng chờ cuộc đời giúp bởi vì không phải lúc nào cũng có được sự tiếp nối hay phương tiện hỗ trợ đó, cho nên chính mình phải giúp mình vượt qua những bất hạnh. Kính chúc tất cả hành giả được an vui hạnh phúc, không còn mặc cảm về thân phận mình bệnh tật bất hạnh, không còn mặc cảm gia đình hoàn cảnh khó khăn, không còn mặc cảm hoàn cảnh cô đơn thiếu vắng nơi nương tựa, không còn mặc cảm quá nhiều thất bại diễn ra trong cuộc đời mình. Lúc nào ta cũng nên nhớ đến nụ cười niềm vui hạnh phúc tĩnh lặng nội tại, nhờ đó ta sống một cách có ý nghĩa, và sống một cuộc sống hạnh phúc trong cuộc đời.

***