Chương 3: Xả stress

 

Giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 27-02-2010 Phiên tả: Subin

 

MẶC CẢM: KẺ GÂY TAI HỌA

  Xả stress là nhu cầu rũ bỏ mệt mỏi vốn có thể đẩy con người rơi vào trạng thái sầu muộn khổ đau. Căng thẳng hiện hữu như những thách đố mà đôi lúc chúng ta muốn vỡ tung đầu óc, có khi gần như muốn buông bỏ hết mọi thứ vì sức chịu đựng đã đến mức kiệt quệ. Những tình huống rắc rối trong cuộc đời diễn ra theo công thức “họa vô đơn chí”, cái này nối đuôi cái kia, khổ đau này nối kết khổ đau nọ, chập chùng như làn sóng lên xuống với từng đợt thủy triều của cảm xúc. Cũng có những căng thẳng hết sức vô cớ. Khi cơ thể đã mệt nhoài, lại gặp chuyện không như ý, cái mệt liền lên đến cực điểm và toàn bộ căng thẳng đó được trút xả một cách tơi bời, làm cho những người thân cũng khó chịu theo.

  Chia sẻ đề tài này, chúng tôi xin trình bày hai vấn đề, thứ nhất là hai câu chuyện liên hệ đến hai người nữ nhờ chúng tôi tư vấn tuần vừa qua. Sau đó, chúng ta sẽ phân tích một vài kỹ năng căn bản để rũ bỏ căng thẳng khi vấp phải.

  Một nữ sinh viên y khoa năm thứ ba, du học tại Hoa Kỳ, lập gia đình với một Việt kiều rất điển trai, nhà giàu, hiền lành, chung thủy. Sau năm năm lập nghiệp ở Hoa Kỳ, cô bị stress cực độ và phải vào bệnh viện tâm thần ba lần điều trị mà không xong. Cha cô là bác sĩ kỳ cựu ở bệnh viện Thống Nhất phải yêu cầu chồng và gia đình chồng của cô cho phép đưa cô về Việt Nam điều trị. Khoảng sáu tháng vừa qua chữa trị bằng phương pháp y khoa, bản thân ông là người có kinh nghiệm nhưng vẫn chưa giúp cô vượt qua được chứng bệnh này. Ông đến một số chùa và được người ta giới thiệu đến chùa Giác Ngộ.

  Khi hỏi nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng thì cô cho biết cô có nhược điểm rụt rè, từ đó dẫn đến sự mất niềm tin một cách tột độ. Chướng ngại nhất của cô là phải đi làm ngoài giờ cho một công ty dược, sếp của cô lại là người khó tính kiêm nóng tính. Bất cứ một sơ suất không đáng kể gì, sếp cũng mắng xối xả khiến cô ngày càng sợ hãi đến độ bị ám ảnh và ác mộng nửa đêm.

  Tại Việt Nam, khi học trung học, cô luôn là học sinh giỏi toàn thành phố. Sang Hoa Kỳ, dù không phải loại giỏi nhưng cũng thuộc hàng tiên tiến. Đi làm, gặp người không hiểu mình nên tất cả những niềm tin về năng lực hầu như bị mất, từ đó dẫn đến mặc cảm thua sút so với chồng và gia đình chồng.

  Mặc dù gia đình chồng rất hiểu biết, giàu nhưng không cao ngạo, nhưng vì tính rụt rè cộng với nỗi ám ảnh dẫn đến cảm giác bị thua sút, mình không bằng ai, thua kém chồng, thua kém gia đình chồng, từ đó cô thu rút bản thân trong một căn phòng riêng.

  Chồng cô sống ở Hoa Kỳ từ năm lên bốn tuổi. Anh khá xa lạ với nền văn hóa Việt Nam và xem văn hóa phương Tây như văn hóa gốc. Phần lớn người phương Tây sống không muốn ai làm phiền mình và mình cũng không làm phiền ai, họ ít nói, ít tâm sự, ít giãi bày. Dù thương vợ nhưng anh chồng không biết cách thể hiện. Vợ chồng chỉ gặp nhau mỗi ngày ba giờ đồng hồ sau khi tan sở, rồi sau đó mạnh ai nấy ngủ. Sáng hôm sau, mạnh ai nấy đi làm. Sống cạnh người chồng không quen chia sẻ càng làm cô vợ mất tự tin hơn vì cô là người nhạy cảm. Càng ngày cô càng buồn và không còn muốn tiếp xúc với chồng nữa, cũng không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Đến khi nỗi ám ảnh bị sếp chửi mắng trỗi dậy, cô xin nghỉ việc ở nhà.

  Ở nhà thì trạng thái cô đơn, lạc lõng càng dằn xé hơn. Khu dân cư Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây thường rất vắng vẻ, hiếm khi nghe một tiếng xe, lại càng hiếm khi thấy người ta ngồi nói chuyện trong nhà, ngoài phố như ở Việt Nam. Nhà rộng, đất thưa nhưng không ai qua lại nhà ai, ở kế cận nhau mà đôi lúc ba mươi năm vẫn không biết ông bà nhà bên cạnh tên gì. Do vậy, khi nỗi đau có mặt thì sự cô đơn trống vắng hành hạ đương sự hơn bao giờ hết.

  Lúc đó cô đã chọn giải pháp lao đầu vào internet. Cô mở một blog để trở thành blogger viết về tâm trạng, về nỗi sợ hãi, dằn vặt, và về nỗi đau của mình mà chồng cô lẫn những người thân thương không hề biết đến. Nhờ đưa thông tin trên blog nên cô có được cơ hội kết bạn với nhiều người. Mỗi ngày cô dán mắt vào internet, thời gian đầu chỉ ba tiếng, sau đó là năm, tiếp tục là bảy,… cho đến mười lăm giờ một ngày. Chỉ sau chưa đầy ba tháng, cô bị tâm thần.

  Cha cô là bác sĩ giỏi nhưng chỉ điều trị chính yếu về phương diện y khoa. Khi gặp thì chúng tôi may mắn được phối hợp cùng ông. Chúng tôi nói với ông rằng, y khoa vẫn nên tiếp tục nhưng các kỹ năng tâm lý Phật giáo đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ nguyên nhân của stress dẫn đến sự hoang tưởng.

QUÁN TƯỞNG GIẢM STRESS

  Giải quyết nguyên nhân gây ra thì việc điều trị hoang tưởng được xem như thành công. Chúng tôi đưa ra mười bài thực tập, trong đó có ba nội dung chính.

  Thứ nhất, “Không ai hà hiếp tôi, mọi người đều quý mến tôi. Vì vai trò của họ nên họ mới làm thế. Do vậy, không lý do gì tôi có cảm giác mình bị thương tổn và khổ đau”.

  Đọc lệnh “tự kỷ ám thị” này bằng phương pháp quán tưởng Phật giáo thì nội lực của việc tự điều phục sẽ giúp tâm chúng ta nâng lên ở mức độ tinh tấn, đồng thời rũ bỏ được những ức chế tâm lý vì nghĩ rằng mình bị phân biệt đối xử giữa người da trắng và người da màu.

  Để hỗ trợ cho việc đó, chúng tôi đề nghị cô thực tập mỗi ngày bài nhón chân và với tay. Áp sát người vào vách tường, nhón chân lên để nâng cơ thể mình cao hơn một tấc, với tay lên để kéo mình dài thêm vài cm nữa, và nghĩ rằng: “Tôi của ngày hôm nay chắc chắn phải hơn tôi của ngày hôm qua. Tôi của ngày mai sẽ khá hơn tôi của ngày hôm nay”. Đó là cách thức nâng niềm tin của mình. Vừa phấn đấu vừa nêu ra tiêu chí với sự tiến bộ trong khoảng cách mà mình có thể vươn tới được thì sẽ không tự gây áp lực đồng thời không tự đánh lui sụt chính mình. Mặc cảm thua sút đã làm cô có cảm giác ai cũng khinh thường, chửi bới, nhục mạ mình; do vậy mình không có nhu cầu sống với xã hội, nên cắt đứt sự làm việc. Đây chính là mấu chốt của vấn đề.

  Ở những quốc gia đông dân cư như Việt Nam, mỗi khi buồn việc công sở, ta còn cơ hội giãi bày với người thân hay bạn bè. Nhưng ở nước ngoài, nhất là Mỹ, từ nhà đến các khu vực giải trí như rạp hát, sân khấu kịch đôi lúc phải mất bốn tiếng chạy xe, cách xa đến 500km, đâu ai có thời gian và điều kiện để làm việc đó nên đành về giam mình trong bốn bức tường, chấp nhận khủng hoảng gia tăng. Cho nên việc thực tập như trên nhằm điều chỉnh lại nhận thức.

  Thứ hai, điều chỉnh hoang tưởng. Gốc rễ sự hoang tưởng trong tình huống của cô sinh viên này là dán mắt mình quá nhiều vào internet mà người xưa thường nói “đa thị hư thần”, xem nhìn vượt khỏi mức cho phép là phá hoại thần kinh, thái độ, tâm lý, cảm xúc, nhận thức và khuynh hướng sống.

  Người xem ti vi hay internet hơn mức ba tiếng cho phép thì được xem là nghiện. Ngoài ra, khi dán mắt vào internet thường xuyên sẽ gây ra chứng bệnh thiếu ngủ và béo phì. Ý thức hoạt động quá sức nên khi nằm xuống sẽ không còn cảm giác buồn ngủ nữa. Nó bị rối loạn chức năng nhận thức. Và khi ngủ không đủ, hay thức khuya, thần kinh chúng ta suy nhược, cơ thể phải tự điều chỉnh để tồn tại, dẫn đến tình trạng ăn nhiều, uống nhiều cộng với ít hoạt động và trở nên béo phì.

  Đang là một sinh viên xinh đẹp trở thành người có vóc dáng chẳng hấp dẫn, điều đó khiến cô trở nên mặc cảm ngoại hình nhiều hơn. Chồng vẫn một mực yêu thương, gia đình chồng vẫn nâng đỡ và cảm thông nhưng càng đón nhận sự yêu thương của chồng, sự nâng đỡ của gia đình chồng chừng nào thì cô lại càng cảm thấy mình trở nên vô dụng chừng đó. Thay vì tháo mở bế tắc, cô lại tiếp tục lao vào internet mười tám tiếng mỗi ngày. Kết quả cô nhập viện, điều trị không xong phải về Việt Nam.

  Chứng bệnh hoang tưởng của cô là sợ, sợ chồng chê, sợ gia đình chồng phê bình, sợ cha mẹ bỏ rơi, sợ những người thân thương không còn xem mình là bạn. Cô sợ tất cả mọi thứ, sợ cuộc đời này không còn chỗ dung thân. Nỗi sợ hãi đó là những rối loạn về nhận thức. Do chúng ta buộc hệ thống thần kinh hoạt động quá mức đến độ mất bình thường nên việc thực tập để tháo gỡ sự hoang tưởng đó phải là: từ bỏ internet, xóa account, bán máy vi tính, và cũng đừng bén mảng lui tới những nơi có phương tiện này, để trong giai đoạn điều trị, chúng ta không tạo cơ hội cung cấp thực phẩm cho cơn nghiện internet diễn ra.

  Một trong những phản ứng kéo theo của người bị rối loạn thần kinh dẫn đến hoang tưởng là khuynh hướng thích đọc sách, tức cái gì kích thích hoạt động trí não thì người đó lại đam mê nhiều hơn. Nhiều gia đình không có kinh nghiệm nên cho rằng việc đọc sách rất lợi ích đối với con em mình. Không nên. Vì thần kinh đã quá mệt mỏi, nếu nạp thêm những thứ này chẳng khác nào đày đọa nó. Do vậy, chúng tôi đề nghị ngưng việc đọc, cũng ngưng luôn các thói quen nghe nhạc buồn, nhạc tình, để những nỗi đau không tác động về  phương diện cảm xúc và nhận thức, người đó mới có thể điều chỉnh được chứng hoang tưởng.

  Kỹ năng thực tập căn bản là nghĩ rằng, “tôi như hòn đảo giữa biển khơi, bao nhiêu cơn sóng dập, gió vùi, cuối cùng đảo vẫn là đảo, nước vẫn là nước, không thể đánh cuộc đời tôi tơi bời được. Tôi hãnh diện về điều đó và tôi đủ năng lực làm việc đó”. Chúng ta đưa thông tin này vào, ý thức sẽ tiếp nhận bằng hữu thức rồi sau đó trở thành phản ứng vô điều kiện. Khi ta nạp một dữ liệu điều chỉnh thành phản ứng vô điều kiện thì lúc đó hoạt động của nó là vô thức mà năng lực vô thức mạnh hơn gấp nhiều lần so với hữu thức.

  Một hỗ trợ thực tập khác là quan niệm rằng, “không phải ai ghét tôi cũng đều có thể hại được tôi. Tôi còn phước báu, còn những thuận duyên, còn đủ sự sáng suốt để vượt qua những cơn ghét bỏ, cho nên không lý do gì để phải sợ mọi người, nhất là khi tôi biết rằng tôi sống có đạo đức”. Dữ liệu thông tin đó nạp vào cơ thể để người bị rối loạn chức năng biết nhận thức cái tôi của mình, và sẽ tự điều chỉnh một cách có phương pháp hơn.

  Thứ ba, tham gia các hoạt động xã hội. Tìm những người bạn thân đồng giới tính, có thể hiểu, cảm thông, nâng đỡ, chia sẻ. Trong lúc chưa tìm được những người như thế thì người cha, vốn có mối quan hệ gần gũi hơn so với người mẹ, đối với cô gái này, nên dành thời gian bên cạnh con. Buổi sáng nên dành ba mươi phút tập thể dục với con và buổi chiều cũng ba mươi phút tập thể dục thêm lần nữa. Cần gác việc khám bệnh tại nhà, vì có thêm tiền mà đứa con không khỏe mạnh cũng không thể hạnh phúc được. Cho nên, trong thời gian điều trị bệnh cho con, hãy hy sinh tất cả. Người rối loạn chức năng nhận thức và cảm xúc liên hệ đến hoang tưởng rất cần đến tình thương và sự chia sẻ. Trong trường hợp này, người cha là bác sĩ, vợ cũng là một trí thức nên những đề nghị đó đã được chấp nhận một cách dễ dàng.

  Hôm nay, ông vừa gọi điện cho chúng tôi báo tin cô con gái đã đỡ được mấy chục phần trăm, nghĩa là cứ thực tập đúng sẽ có kết quả.

THẤT TÌNH NÊN BỊ STRESS

  Một cô bé mười chín tuổi được mẹ đưa đến gặp chúng tôi. Cô cũng bị rối loạn cảm xúc thể hiện qua gương mặt đờ đẫn và mệt mỏi. Mẹ cô không biết lý do tại sao từ một cô bé rất xinh, duyên dáng, vui tươi, năng động trở thành một người ù lì, không còn nghĩ tưởng đến chuyện gì ngoài cái chết.

  Bà đã dẫn con gái đến các thầy pháp và họ phán rằng con gái bà có một vong nam theo. Không tin điều đó, bà lại đưa đến gặp thầy bói. Thầy bói nện thêm vài cú nữa, rằng chẳng những có một vong nam mà đến hai vong nam, vong nam nhỏ tuổi và vong nam lớn tuổi dành nhau đứa con gái bà. Nghe xong, bà thất thần, tốn tiền chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh càng nặng hơn. Nỗi ám ảnh bị vong theo tác động lên cõi vô thức, làm cho hữu thức sợ hãi cùng cực.

  Trong khi trường hợp cô đầu sợ người thật, việc thật, do mặc cảm và sử dụng thần kinh quá mức thì tình huống cô này lại sợ cõi âm, do vì những người mà mẹ cô đến tư vấn không đủ kiến thức chuyên môn, đã phán đoán giả thuyết hết sức sai lầm, từ đó làm cho nạn nhân ngày càng mệt mỏi.

  Nhân tiện, chúng tôi kính đề nghị quý vị nếu biết những ai ở làng xóm hay thân bằng quyến thuộc của mình rơi vào hoàn cảnh tương tự thì nên khuyên đừng đi thầy pháp, thầy bùa, thầy ngãi, thầy bói vì không có lợi ích gì cho người mất, lại càng không lợi ích gì cho nạn nhân là người thân của mình. Ngoài ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và rất khó tháo gỡ nếu đi theo khuynh hướng đó quá lâu.

  Chúng tôi hỏi người mẹ: “Trong thời gian con bà bất bình thường chín tháng vừa qua, có khi nào bà hỏi nguyên do tại sao con bị như thế không?”. Bà trả lời không. Đây chính là mấu chốt của những rắc rối.

  Chúng tôi quay sang hỏi cô bé: “Con có bị thất tình không?”. Đứa con gái chưa kịp trả lời thì bà nói “Không”. Chúng tôi lại hỏi: “Dựa vào đâu bà biết rằng con gái bà không bị thất tình?”. Bà trả lời: “Vì nó có tâm sự với tôi đâu”. Thực tế, việc không tâm sự và một sự thật đang diễn ra là hai khía cạnh hoàn toàn khác. Có thể bà quá bận rộn nên đứa con gái không có cơ hội nói chuyện được với mẹ; hoặc có thể bà quá khó nói, khó chia sẻ nên đứa con ngại, sợ bị mắng, rầy, cuối cùng chọn giải pháp câm lặng.

  Khi nghe chúng tôi nói thế với người mẹ, cô bé nhoẻn miệng cười. Chúng tôi mới dừng lại và tiếp tục hỏi: “Hãy cho thầy biết, mấy năm qua, con đã thương mấy anh rồi?”. Cô bé mỉm mỉm cười, rồi cho biết tên một anh ở đối diện nhà. Chúng tôi lại hỏi người mẹ có biết cậu đó không. Bà trả lời biết, nhưng thấy hai đứa chơi với nhau cũng bình thường nên không để ý. Cô bé chia sẻ thêm: “Con thương, nhưng anh ấy không đáp lại nên con buồn khổ”.

  Chúng tôi hỏi tiếp: “Trước khi yêu cậu này, con có yêu cậu nào nữa không?”. Cô trả lời “”, đó là một anh cách làng xóm vài cây số, gần nhà người thân. Trong một chuyến thăm nhà người thân, cả hai gặp gỡ và quen nhau, nhưng người đó không đáp lại nên cô cũng từng khổ đau.

  Chúng tôi lại hỏi: “Ngoài hai cậu này, con còn thương cậu nào nữa không?”. Cô nói “”, cô lên mạng chat và quen một anh chàng ở Phan Thiết nhưng tình cảm chẳng đi tới đâu. Sau đó lại thêm một anh ở Mỹ nhưng cũng kết thúc chóng vánh sau vài tuần chat yêu đương.

  Như vậy trước khi sự kiện bệnh diễn ra, cô bé đã quen ba cậu thanh niên và rõ ràng mấu chốt là bị thất tình.

  Một thiếu nữ 17, 18 tuổi bị thất tình dẫn đến tình trạng không muốn làm gì nữa. Ở nhà, do được mẹ thương chiều nên cô yêu cầu cái gì, bà đều đáp ứng cái đó. Khi cô bé yêu cầu mua máy vi tính với lý do phục vụ học tập, tra cứu thì người mẹ càng mừng rỡ đáp ứng ngay bộ máy đắt tiền, sau đó cài đặt internet cho con. Thế nhưng, từ khi có máy, con bà chẳng hề lo học mà chỉ chơi game và chat với nhiều cậu trai cùng lúc. Mỗi ngày, cô chat đôi lúc đến mười hai tiếng đồng hồ và rơi vào tình trạng giống cô gái của câu chuyện đầu, đó là trục trặc thần kinh, rối loạn cảm xúc. Nhìn gương mặt cô giống người thất thần, sống mà như đã chết.

  Nhiều bậc phụ huynh thương yêu và muốn con em mình thành đạt. Nếu nghe nhu cầu con em mình nhưng không rõ kiến thức về lĩnh vực đó thì hãy tư vấn người có kinh nghiệm chuyên môn trước khi đáp ứng. Từ lớp mười trở xuống mà sử dụng internet tại nhà phần lớn là hư. Vì các dữ liệu học trên internet tuy rất nhiều nhưng rác của internet về phương diện đạo đức, về phương diện hưởng thụ, chơi bời lại gấp tỷ lần những cái tốt mà nguồn internet có thể cung cấp. Ở lứa tuổi chưa trọn vẹn sự chín chắn, việc làm chủ bản thân chưa đảm bảo thì tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhiều chừng nào, đôi lúc được hiểu là đẩy con em mình vào bế tắc. Khi cần, chúng ta cho tiền con em vào tiệm internet gần nhà, một tiếng chỉ tốn vài ngàn đồng. Ở tiệm, chúng sẽ không thể vào các trang web bậy vì nếu làm thế thì chủ tiệm internet sẽ gặp rắc rối với pháp luật. Tiền cho cũng vừa phải để con em không có cơ hội ngồi nướng từ sáng đến chiều tối.

  Người lớn cần giám sát bằng con mắt theo dõi, và bằng thái độ khéo léo. Nếu thấy con mình ngày càng xanh xao là biết có vấn đề; còn thấy mệt mỏi hơn, biếng nhác hơn, kém năng động hơn, không muốn làm gì nữa, chỉ muốn ngồi vào internet là biết bệnh nghiện đã nặng, phải điều trị tức thời, bằng không dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh rồi rối loạn chức năng ngủ. Mất ngủ chừng nửa tháng sẽ bị hoang tưởng ngay.

  Chúng tôi đã yêu cầu bà mẹ không nên dẫn con đi bất cứ ông thầy nào nữa. Sau đó, tương tự những ý tưởng chúng tôi nêu để giúp đỡ tình huống đầu, chúng tôi cũng đã yêu cầu bà mẹ này cho con mình thực tập, nâng đỡ con mình nhiều hơn, và để ý để tứ nhiều hơn. Tạm thời trong giai đoạn này hai mẹ con luôn phải bên nhau. Bà cần gác bỏ công việc, nhờ người khác giám sát dùm còn bản thân thì luôn bên cạnh chơi với con.

  Có nhiều người tham công tiếc việc, sợ không làm lấy tiền đâu mà ăn. Tuy nhiên, nếu kiếm dư một hai bữa ăn, giàu thêm chút xíu nhưng con mình bị thần kinh thì lại càng nguy hiểm hơn. Chúng ta sẽ phải ân hận suốt đời, cho nên hy sinh vì con như thế rất có ý nghĩa.

VƯỢT QUA KHỔ ĐAU THẤT TÌNH

  Vấn đề chúng tôi đặt ra là:

- Thứ nhất, điều trị tốt nhất là ngăn chặn. Khi vấn đề có mặt thì những nỗ lực chân chính cần phải có và kết quả của nó lệ thuộc vào phương pháp chúng ta áp dụng có đúng hay không.

- Thứ hai là những hỗ trợ của gia đình có bài bản và nhịp nhàng hay không?

- Thứ ba là bản thân đương sự được xem là nạn nhân của những nhận thức sai lầm dẫn đến chứng bệnh hoang tưởng hay căng thẳng quá mức phải tin tưởng vào phương pháp để làm theo.

  Phối hợp đồng bộ những yếu tố vừa nêu, ta mới có hy vọng giúp người đó vượt qua những bế tắc.

  Trước khi để những việc này có kết quả tích cực thì việc phòng bệnh bằng cách thực tập xả bỏ stress hàng ngày vẫn tốt hơn nhiều. Chờ bị stress rồi mới nghĩ đến giải pháp cũng giống như chờ khát nước rồi mới đi đào giếng, đôi lúc quá muộn màng. Phương pháp thực tập chúng tôi đề nghị cho cô thiếu nữ mười chín tuổi này là:

  Thứ nhất, quán tưởng rằng: “Không có tình yêu của người khác phái, tôi vẫn sống hạnh phúc và thậm chí hạnh phúc hơn”.

  Thứ hai, “Ngoài những hạnh phúc mà tôi đang có, tôi còn may mắn được mẹ thương yêu, chăm sóc. Mẹ đã hy sinh với bàn tay, hy sinh với khối óc, với sự nghiệp của mình để giúp tôi hạnh phúc, nên tôi cảm thấy hài lòng và sung sướng với hạnh phúc mà tôi đang có”.

  Cha cô đã ly dị với mẹ nên gia đình chỉ có hai mẹ con. Đứa em trai của cô có cũng như không, vì em trai nghịch với chị gái, cứ nói ra vài câu là tranh cãi, nhưng ít nhất cô vẫn tìm được một điểm tích cực nào đó để nghĩ đến, để không tự cường điệu rằng đời sống quá bất hạnh. Ít ra cô vẫn còn nguồn để bám lấy và vực dậy với hạnh phúc. Sự thực tập này sẽ giúp cô rũ bỏ được mặc cảm thua sút về thân phận mình.

  Thứ ba, chấp nhận ngạn ngữ phương Tây: “Theo tình, tình phớt. Phớt tình, tình theo”.

  Cô thất tình vì yêu một chiều. Trong tình huống này phải thấy rõ rằng, càng theo đuổi người không thương mình chừng nào, mình càng tự đánh mất giá trị chừng đó. Chúng tôi hỏi: “Con có muốn được người nam thương không?”. Cô trả lời: “Muốn chứ, vì muốn nên con mới quen nhiều anh”. Chúng tôi giải thích: “Như thế thì con hãy nghe lời thầy, tập thể dục thường xuyên để có dáng đẹp. Thời gian dài liên tục ngồi trên internet khiến con béo tròn quá mức, xấu xí làm sao các cậu thanh niên để ý được. Hãy năng động, tự tin hơn, đừng đòi chết nữa. Mới quen cậu ta mà đòi tự tử chết thì cậu ta sẽ sợ, vì chẳng ai dám yêu người luôn mang tư tưởng tự vẫn”.

  Dĩ nhiên không phải tình huống nào cũng “phớt tình, tình theo”. Có nhiều người quá kiêu căng, luôn muốn đối phương phải quỵ luỵ thì mình mới đáp lại tình yêu, bằng không thì nghĩ người ta không thương thật lòng, rốt cuộc phải ở giá. Khi nhận ra mình cô đơn, muốn tìm đến người đó thì “thuyền đã cập bến khác”, hối hận cũng muộn màng. Cho nên áp dụng ngạn ngữ trên phải giới hạn trong một vài tình huống thích hợp.

  Trường hợp cô này vì mất niềm tin vào bản thân, nghĩ mình không đủ đẹp, không đủ duyên để những người đàn ông thích hợp thương yêu nên phải cố gắng làm quen cùng lúc nhiều người. Phần lớn các cô đến tuổi hai mươi chín hoặc ba mươi chín chưa lấy chồng thì sức ép tâm lý lại càng đè nặng. Họ sợ già, sợ khó sinh đẻ, do đó khó chọn được người thích hợp. Sự sai lầm trong lựa chọn sẽ dẫn đến hậu quả nuối tiếc là một trong những điều chúng ta không thể không bận tâm.

  Thứ tư, thực tập rằng hạnh phúc trong cuộc đời không chỉ ở tình yêu. Không có tình, ta vẫn còn niềm vui trong học tập, trong sinh hoạt xã hội, trong tiếp xúc tương tế với cuộc đời, và trong việc giúp những người cần giúp. Ta thay thế nhận thức của mình vào những hoạt động tương thích hơn, lúc đó mặc cảm về sự mất hạnh phúc sẽ không còn là mối đe dọa. Trạng thái buồn tủi sẽ không đẩy ta vào tình trạng phải hy sinh sức khoẻ của mình vì internet. “Đính hôn” với internet sẽ chẳng có được sự chung thủy nào, và chung thủy với internet đồng nghĩa với tự sát, do đó phải nhận thức và biết dừng thì ta mới có thể cứu vãn được chính mình.

MẸO VẶT GIẢM STRESS

  Thứ nhất, xem tấu hài. Đó là phương pháp tâm lý học phương Tây. Nói chung xem những gì vui nhộn. Tuy nhiên phương pháp này chỉ có giá trị ở mức độ nhất định.

  Trên đường Bùi thị Xuân, quận 1, là nơi bán rất nhiều kịch cười không tác quyền được người ta nén dưới dạng MP4. Mỗi đĩa chứa khoảng từ năm đến mười kịch, mỗi kịch từ mười lăm đến ba mươi phút, thể hiện diễn xuất của rất nhiều danh hài trong nước lẫn nước ngoài. Ai bị chứng bệnh trầm cảm, hay căng thẳng quá mức chỉ cần mua vài đĩa về xem trong tư thế nằm ngồi thoải mái. Hãy chọn những tiểu phẩm tấu hài đừng dung tục thì sự sảng khoái sẽ phần nào làm thư lắng các căng thẳng cơ bắp và cảm xúc.

  Thứ hai, ăn uống tùy thích. Khi bị căng thẳng, chỉ cần ta o bế bao tử và cổ họng hơn thường ngày một chút thì niềm vui của khẩu vị sẽ làm cho ta thư giãn hơn.

  Chị em phụ nữ phần lớn thích ăn vặt, do đó nên mang theo mình một vài gói bánh nhỏ, hoặc vài thẻ socola. Khi bị căng thẳng hãy ngưng công việc, bóc bánh kẹo ra ăn trong vài phút, sau đó nở nụ cười sảng khoái, tự động căng thẳng sẽ được rũ bỏ.

  Phương pháp thực tập này không đòi hỏi tốn nhiều tiền, ngoài ra giá trị trị liệu về căng thẳng cơ bắp và thần kinh là có thật cho nên chúng ta có thể áp dụng. Tuy nhiên đừng áp dụng thái quá. Vì nếu thái quá thì khi hết bệnh căng thẳng sẽ dẫn đến bệnh béo phì. Ăn quá nhiều trong một ngày còn dẫn đến những chứng rối loạn hệ tiêu hóa và tuần hoàn. Nói chung, nó lại gây căng thẳng cho chúng ta ở phương diện khác.

  Cho nên, giải pháp ăn uống tùy thích trong lúc căng thẳng chỉ nên áp dụng đối với một vài tình huống. Chẳng hạn, lúc ta đang đói, cộng với căng thẳng làm cho mình mỏi mệt hơn, thì ăn uống vào sẽ giảm bớt.

  Thứ ba, làm việc một cách khoa học. Có khoa học được hiểu là theo trình tự, thứ lớp, trước sau. Để làm được việc đó thì mỗi người hãy tự tạo cho mình thời gian biểu các công việc theo tính ưu tiên trong từng ngày.

  Phần lớn con người có thói quen ỷ lại vào bộ nhớ. Càng lạm dụng bộ nhớ nhiều chừng nào, càng gây áp lực căng thẳng cho cảm xúc và nhận thức chừng đó. Chỉ cần ta có một quyển sổ tay, một tờ giấy hay một quyển sổ lịch, ta lật từng trang, từng ngày, ghi chú những công việc cần phải làm, những nơi cần phải đến. Mỗi ngày ta mở sổ ra xem và thực hiện theo những gì đã ghi từ hôm trước.

  Một số người có thói quen cầm theo quyển sổ tay ghi nhật ký. Tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo rằng đừng ghi quá nhiều nhật ký về cảm xúc vì nó gây mệt mỏi thêm, mỗi lần đọc lại là mỗi lần căng thẳng. Chẳng hạn, “Ngày hôm qua tôi bị chồng quát nạt”, hay “Hôm nay tôi bị vợ mắng trước mặt bạn bè, cảm thấy nhục quá”, v.v… Nỗi buồn sẽ tăng gấp đôi mỗi khi đọc lại những dòng thế này. Cho nên chỉ viết những đầu công việc, khi hoàn tất việc rồi thì gạch bỏ nó đi để khỏi bận tâm nữa.

  Thứ tư, rũ bỏ nỗi lo. Quý vị thử làm một bài thực tập khoa học đơn giản và đừng nghĩ nó là mê tín. Ô đầu tiên trên các ngón tay có nhiều làn chỉ sọc sọc thì người đó có khuynh hướng hay lo, lo xa lo gần, lo trong lo ngoài, thậm chí lo những chuyện tào lao. Hãy thực tập rũ bỏ những nỗi lo.

  Rũ bỏ nỗi lo bằng cách khóa công việc ở nơi nó xuất phát. Ví dụ, công việc công sở phải được kết thúc trước khi về nhà. Đừng mang công việc đó về theo. Đến nhà thì chỉ nên nghĩ đến gia đình, ăn cơm chung với những người thân để cảm nhận nguồn hạnh phúc. Toàn bộ công việc xã hội, việc ngoài phố, với bà A, bà B,… phải bỏ qua một bên.

  Cũng đừng đùn đẩy công việc ngày hôm nay cho ngày hôm sau. Ngày nào việc đó, đùn đẩy dẫn đến tình trạng lúc nào cũng làm trễ, làm muộn, thất hứa, quá tải, cho nên phải giải quyết liền.

  Công việc mình cảm thấy không kham nổi thì đừng ôm đồm. Nhiều người nhiệt tình quá mức nên trở thành người bao đồng. Trong một đội bóng thường chỉ có một người bao đồng, đó là đội trưởng. Đội trưởng có khả năng xử lý tình huống giỏi, giao bóng, phân bóng, phân người bằng những hiệu lệnh để tạo cơ hội cho đồng đội ghi bàn. Còn trong các công sở, tổ chức, hội đồng cũng có những con người quan trọng như vậy. Nếu ta là những người đó thì phải làm, còn nếu không thì đừng ôm đồm. Thói quen lo bao đồng quá nhiều làm cho bao tử khó tiêu, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng căng thẳng dẫn đến tình trạng nguy hiểm về sau.

  Để giảm bớt sự bao đồng thì phải tin tưởng giao việc. Nhờ người có khả năng và tâm huyết làm giúp, ta chỉ tư vấn hỗ trợ. Thay vì bản thân mình làm, kết quả có thể là mười, giao người khác làm có thể chỉ còn sáu hoặc bảy trong giai đoạn đầu. Nhưng đó là cơ hội để người khác học hỏi, dần dần sẽ tốt hơn.

  Tóm lại, biết tổ chức công việc thì ta có thể giải quyết được nhiều căng thẳng.

  Thứ năm, rời khỏi ghế thường xuyên trong giờ làm việc.Nhiều người nhiệt tình, quá say mê việc, họ luôn ngồi từ sáng đến khuya, thậm chí nín cả tiểu tiện. Điều này rất nguy hiểm vì đến tuổi hưu, họ có nguy cơ đối mặt với chứng bệnh sạn thận hay sỏi thận.

  Tuổi còn trẻ, chúng ta có thể tập thể dục để vượt qua, nhưng bệnh tích tụ dần dần mà mình không biết sẽ dẫn đến chứng bệnh đau nhức xương khớp, nên ta chỉ cần thực tập đứng dậy. Cố gắng đứng dậy đi tới đi lui vài bước, tìm lý do gì đó để đứng và di chuyển. Ở nhà, đừng bố trí ti vi trong phòng ngủ. Việc nằm trên giường suốt mấy tiếng xem ti vi dễ khiến ta bị suy nhược thần kinh và nhiều chứng bệnh khác. Tách rời tiện nghi gia đình ra một chút nhằm tạo cơ hội đi cho chính mình. Đồng hồ báo thức để xa đầu giường, đồng hồ treo tường cũng đặt ở góc khuất. Tự mình làm khó mình để có cơ hội được thư giãn. Làm khó thực ra là làm dễ, vì nó đem lại cho ta sự linh hoạt và không bị căng thẳng. Giúp đồng nghiệp trong công ty cũng là cách thức giúp chính mình, nếu người đó đánh rơi giấy tờ xuống đất, thay vì nhắc họ nhặt lên thì ta chủ động đến nhặt giúp. Hoặc tập thói quen cứ hai tiếng đi nhà vệ sinh một lần. Mặc dù không có nhu cầu, ta có thể rửa tay, rửa mặt. Tìm cái cớ để đi lại thì việc vận động trong ngày làm cho ta đỡ mệt.

  Bên cạnh đó, thực tập vươn vai, dùng tay xoa cổ, xoa hai chân mày, rồi xoa mặt. Những ai sử dụng máy vi tính thường xuyên thì xoa bóp cơ bắp. Quý vị đứng lên, cụp tay lại rồi đánh vào từ eo lưng xuống mông, sau đó ngồi chùng thấp xuống đánh hai đùi. Đó là động tác kích hoạt thần kinh ngoại biên và cảm giác dọc theo eo lưng, xương sống và chân nhằm tăng sinh khí cho cơ bắp và xương khớp, giúp chúng ta làm việc lâu mà vẫn không bị đau.

  Những cách tập như thế còn giúp giảm mệt mỏi, tránh tình trạng hoa mắt hay căng thẳng quá mức do làm việc nhiều. Nó cũng tránh được chứng mỏi cổ, đau cổ, nhức mắt v.v...

  Thứ sáu, buông lỏng cơ thể. Nếu chịu khó để ý, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều người đứng và ngồi sai tư thế, chẳng hạn người bán hàng có khuynh hướng không ngồi, không di chuyển, không thay đổi tư thế. Dù bán hàng đắt khách cỡ nào đi nữa, cũng phải cố dành vài phút giữa một hai tiếng cho việc buông lỏng cơ thể. Ta hãy ngồi xuống, duỗi mười đầu ngón chân lên xuống, duỗi qua duỗi lại, rồi vặn cổ tới, vặn cổ lui trong tư thế nhẹ nhàng, chậm rãi, hít thở thật sâu. Như vậy là chúng ta đang tạo ra sự buông lỏng các cơ bắp.

  Hoặc ai bán hàng với tư thế ngồi lâu thì có thể giả vờ đứng bên cạnh khách hàng, giải thích thêm hay giới thiệu các mặt hàng mới. Đó là nghệ thuật vừa được lòng khách mà còn tháo mở căng thẳng do thiếu buông lỏng cơ bắp.

  Tại công sở, đàn ông có thói quen thắt cà vạt sát lên cổ rất khó chịu. Chị em phụ nữ thì ăn mặc bó sát, một số người còn đội nón thời trang. Những cách ăn mặc này cũng gây ra cảm giác mệt mỏi. Hãy tháo lỏng cà vạt, hạn chế mang giày cao gót vì giày cao gót làm giãn dây chằng và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khó lường. Chỉ sử dụng giày cao gót những khi cần thiết để nâng chiều cao của mình chứ không nên sử dụng suốt tám tiếng trong một ngày. Ngồi văn phòng thì cứ tháo mở giày ra, đừng để nó bó chặt đôi chân chúng ta. Đó là một trong những nghệ thuật buông lỏng.

  Ai biết về huyệt mạch Đông y cũng nên áp dụng. Ngả lưng ra ghế dựa, đưa cổ ra sau chút xíu, đừng quá gắng gượng. Hít thở thật sâu và nhẹ nhàng vài ba ngao. Khí đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi quá trình trao đổi chất, quá trình thay đổi máu, kích hoạt nơron thần kinh, bộ não thả lỏng, do vậy ta vượt qua được những căng thẳng.

  Hoặc chúng ta có thể đứng dậy phất thủ khoảng năm phút nếu biết “Dịch cân kinh”. Duỗi hai tay ra phía trước hoặc sau, nắm hai tay lại, nhón chân lên vài ba cái.

  Trong giờ nghỉ giải lao, thay vì nói chuyện tán gẫu, ta chịu khó dành năm mười phút tập thể dục, nó có tác dụng rất tích cực lên sức khỏe nói chung.

XẢ STRESS THEO PHẬT GIÁO

  Thứ nhất, “Phạn thực kinh hành” tức “thiền hành sau khi ăn”. Ngày nay, do công việc nhiều, người ta không còn chú trọng đến thời gian ăn uống. Họ vừa ăn vừa xem ti vi, vừa ăn vừa nghe điện thoại,... Mỗi ngày tích tụ căng thẳng một ít mà mình không để ý, nên dẫn đến cao huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ, và nhiều chứng bệnh khác.

  Theo chánh niệm của Phật giáo, giờ nào việc đó, ăn chỉ nhớ việc nhai thật nhuyễn, và không nói chuyện trong lúc ăn. Ăn xong rồi đi bộ một cách nhẹ nhàng thoải mái. Chỉ ăn cơm cữ sáng, cữ trưa, cữ chiều, đừng ăn cữ tối, thêm vào đó những hoạt động vận động kinh hành thì đảm bảo quý vị sẽ không có bệnh.

  Phương pháp thực tập đó của đức Phật rất đơn giản. Khi đi bách bộ, đừng gắn thêm headphone, ipod, hay vừa đi vừa hát. Thư giãn là thư giãn, đừng kiêm nhiệm nhiều động tác cùng lúc dẫn đến căng thẳng. Thời gian nghe nhạc trong một ngày chỉ nên khoảng một hai giờ. Cái gì quá ba tiếng đều được xem là nghiện.

  Không nên vừa đi tập thể dục vừa nói chuyện huyên thuyên vì như thế sẽ bị tổn khí, “đa ngôn hư khí”, viêm amidan rồi ảnh hưởng phổi về sau. Khí đưa về cơ thể không đủ nên dẫn đến nhiều chứng bệnh. Đi quá nhanh và nói quá nhiều trong lúc đi còn ảnh hưởng đến tim mạch. Đang lúc mệt thì đừng ngồi xuống, hãy đi chậm lại, bước tới bước lui, hít thở đều, nhẹ nhàng thư thái. Ngồi xuống liền thường bị lớn tim, sau này lớn tuổi sẽ rất mỏi mệt.

  Hiện nay các chùa có thói quen đi kinh hành niệm Phật sau ăn cơm. Điều này đức Phật không dạy. Đi và theo dõi bước chân đi để làm chủ thân tâm, tạo oai nghi tế hạnh, tăng cường sức khỏe; nhưng còn niệm Phật là ta ém hơi vào bao tử nên sau một thời gian, dẫn đến yếu bao tử, yếu thận, yếu gan,… nhiều tu sĩ đã bị những chứng bệnh này, do vì tụng kinh quá nhiều sau khi ăn cơm. Đức Phật hoàn toàn không dạy thế.

  Sau ăn cơm chỉ cần đi bách bộ để các cơ bắp được buông thả thì tốt hơn.

  Thứ hai, tụng kinh hoặc đọc kinh với thái độ chiêm nghiệm.Mở một bài kinh, đọc với lòng tôn kính và quên hết mọi chuyện đời, chuyện công việc, chuyện buồn, chuyện căng thẳng, tập trung chừng mười phút trở lên là ta sẽ thấy được thư lắng. Lý do rất đơn giản rằng ý thức chúng ta không bị tiếp tục cái căng thẳng mà mình đã theo đuổi suốt gần mười tiếng qua trong một ngày. Ta thay đổi đối tượng, thay đổi nội dung mới. Vì nghĩ rằng tụng kinh Phật được phước, nên chúng ta thường tụng với lòng thành kính, nhờ đó mức độ tập trung cao hơn. Ngoài ra, những âm thanh của chuông mõ còn giúp rũ bỏ hết muộn phiền. Do đó, áp dụng tụng kinh không chỉ rũ bỏ căng thẳng mà còn học thêm những điều hay.

  Thế nhưng, một thói quen cần điều chỉnh, đó là quan niệm tụng kinh cầu phúc. Nhiều ngôi chùa Bắc Tông có thói quen tụng kinh bộ. Một bộ kinh Pháp Hoa gần một nghìn trang tụng trong một ngày. Tụng quá nhiều dẫn đến tình trạng tụng tốc độ nhanh như xe lửa chạy 400km/h, hành giả không hiểu gì, cũng không nhớ gì về nội dung kinh. Thực ra, Phật không thể ban phước cho chúng ta được. Tụng kinh muốn có phước rồi đem lòng tôn kính Phật, phước đó chỉ là phước tôn kính, không thể thay thế cho phước tuổi thọ, phước nhận thức, phước đạo đức hay nhiều phước khác. Mỗi phước có giá trị riêng của nó. Chúng ta phải gieo trồng hạt giống để tạo ra phước tương ứng chứ không thể cấn trừ qua lại.

  Phước tôn kính đơn giản, trong khi đó phước trí tuệ mới quan trọng. Muốn có phước trí tuệ thì phải đọc những bài kinh dịch Việt mới hiểu được, hiểu rồi phải thực hành, và thực hành mới có kết quả.

  Người ta mê đọc kinh Pháp Hoa nhiều không phải vì nó bình dân, mà vì trong đó có những câu như sau: “Tụng kinh sẽ được 7200 công đức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”. 7.200 công đức dùng biết bao giờ mới hết. Vì tham, dẫn đến thích tụng nhiều, mà tụng không hiểu thì không có giá trị.

  Đức Phật dạy chúng ta phương pháp thực tập giống như những toa thuốc, paracetamol trị nhức đầu, panadol trị giảm đau,... Ngài sẽ buồn nếu chúng ta lặp tới lặp lui giống như cái máy để trả bài và ghi chú rằng: “Thưa Ngài, con đã đọc kinh này một nghìn lượt”. Muốn hết nhức đầu thì uống thuốc sẽ hết, chứ đâu cần đọc để trả bài.

  Cho nên đọc kinh bằng sự chiêm nghiệm khác rất nhiều với đọc kinh để cầu phúc và làm sao Phật tử đừng có thói quen đọc kinh cầu phúc nữa thì đạo Phật mới phát triển. Chúng ta vào chùa học hỏi những cái hay của đức Phật và các thầy, các sư cô, chứ đừng có thói quen vào chùa để cầu phúc. Phúc cầu mà không làm thì không có, đó là sự thật, và là nhân quả.

  Thứ ba, hít thở thiền.Phía trên chúng tôi đã nói sơ về phương pháp hít thở, nhưng hít thở thiền có nghệ thuật hơn. Trong bài kinh Mười sáu pháp quán niệm hơi thở, đức Phật phân chia bốn hơi thở đầu liên hệ đến thân, bốn hơi thở kế tiếp liên hệ đến tâm, bốn hơi thở thứ ba liên hệ đến cảm xúc và bốn hơi thở cuối liên hệ đến các ý niệm trong tâm.

  Để rũ bỏ những căng thẳng, hãy giảm bớt những kỳ vọng quá nhiều vào cơ thể vốn tạo sức ép đè nặng chúng ta. Chẳng hạn, nhìn thấy một sợi tóc bạc là ta ăn mất ngon, ngủ mất yên, tự động chúng ta tạo stress cho bản thân mình. Hoặc một nếp nhăn xuất hiện trên trán, hay một mụn nổi lên mặt thì nghĩ rằng mình không còn đẹp như xưa nữa, bao nhiêu tiền bạc đổ dồn vào các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cùng mỹ phẩm đắt tiền. Thực chất, những tiệm hương liệu, trang sức, mỹ phẩm được quảng cáo làm trắng da mượt tóc không giải quyết phần lớn vấn đề về nhan sắc mà chúng ta mắc phải. Ảo giác trên nó thì nhiều nhưng giá trị thật không bao nhiêu.

  Quý vị thử áp dụng phương pháp này, không tốn tiền lại được nếp da căng đẹp, trắng không mụn. Chúng tôi đã và đang thực tập thường xuyên nhưng không phải vì muốn đẹp mà vì sức khỏe. Mỗi ngày dùng hai lòng bàn tay xoa mặt ít nhất bảy lần, mỗi lần khoảng một phút. Đơn giản như thế nhưng hiệu quả da căng dù tuổi tác cao, không cần đi bơm mặt. Cho nên, đừng tự tạo áp lực bằng quan niệm thẩm mỹ cho cơ thể.

  Khi hít thở ta cứ nghĩ làm sao cho cơ thể được thoải mái, cần quán tưởng: “An tịnh toàn thân, tôi thở ra. An tịnh toàn thân, tôi thở vào”, nghĩa là luôn nhận thấy thân mình được bình an, hoàn toàn thư lắng, căng thẳng không thể xen vào.

  Nhiều Phật tử đến chùa tu tập, đang ngồi tụng kinh hay nghe giảng mà tâm trạng như ngồi trên đống lửa, thấp thỏm mong nhanh về để đòi nợ hay xem một chương trình giải trí nào đó. Trong Phật giáo có câu “Kính mời quý vị an tọa”, nghĩa là ngồi trong sự bình an chứ không ngồi trên đống lửa, trên cái bàn chông mà cứ nhỏm tới nhỏm lui, nhỏm xuôi nhỏm ngược.

  Đi cũng phải bình thản chứ đừng như ma rượt đuổi. Người phương Tây hết phân nửa có tác phong như cái máy, dáng đi của họ rất nhanh, có phần tất bật và mệt mỏi vì công việc quá nhiều nên họ ít chăm sóc thân. Do đó, việc thực tập hít thở mà nghĩ tới thân, ta sẽ làm cho thân đi thư thả, nhẹ nhàng, vững chãi, tránh được các tai nạn, tránh được rủi ro, trượt té v.v… cũng là nghệ thuật giảm sự căng thẳng.

  Nếu nhà có bãi cỏ thì nên đi chân trần trên cỏ vào buổi sáng và buổi chiều. Khí nitơ kết hợp với những khí có trong không gian tiếp xúc với lòng bàn chân, cùng cỏ mát rượi sẽ tăng thêm nhiều dưỡng chất và sức khỏe cho chúng ta.

  Đối với dòng cảm xúc thường lên xuống thì ta hít thở thật sâu, thật nhẹ nhàng ra và vào, quán tưởng rằng: “Mọi căng thẳng sẽ được rũ bỏ theo hơi thở ra ngoài, mọi trược khí được tống khứ cùng với nỗi buồn, niềm đau, sợ hãi, hay những gì được xem là bế tắc”, đó là về phương diện cảm xúc. Còn hít vào, ta mong mỏi thanh khí vào bên trong; niềm vui, an lạc, hớn hở, nụ cười, phấn chấn cũng đồng hành với ta.

  Đối với tâm cũng như thế, tâm thuộc về nhận thức, còn các ý niệm của tâm thuộc về thái độ. Những kỳ vọng, ký ức, hoài tưởng đều làm cho con người trở nên căng thẳng. Đức Phật dạy chúng ta hãy sống thiết thực hơn, muốn cái gì hãy làm cái đó. Kỳ vọng nhiều mà không làm thì chỉ gây sức ép cho bản thân.

  Xem lại bàn tay của mình, ngoài những đường chỉ song song trên từng ngón ở đốt đầu tiên gần với lòng bàn tay, nếu đường song song nhiều là hay lo, thì ngay ngón cái có đường chi tiết quá nhiều, đó lại là người sống với nhiều kỳ vọng, nhiều lý tưởng. Chúng ta phải thực tập lại bằng sự quán tưởng thế này, “Với hơi thở ra vào sâu lắng, ta nghĩ rằng trên đời này, cái tuyệt đối cũng chỉ là tương đối”. Không nên kỳ vọng cha mẹ ta phải thế này thế kia, vợ hoặc chồng ta phải thế này thế nọ, anh chị em hay bạn ta phải có những tiêu chí. Kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều, cho nên phải nhìn thấy tương đối.

  Thay vì người năng động, nhiệt huyết ở tuổi thanh xuân luôn muốn mình thay đổi cuộc đời, thay đổi thế giới thì người có kinh nghiệm thực tập chánh niệm theo Phật dạy lại muốn thay đổi nhận thức của mình để thích hợp với môi trường, hoàn cảnh; vì môi trường, hoàn cảnh không phải cứ theo ý mình mà được. Điều chỉnh mình để thích hợp sẽ giúp ta không tạo ra sức ép và không để mình bị cuốn hút theo nó, tức là hòa nhưng không đồng, hòa hợp chứ không hòa tan. Hòa tan là đánh mất chính mình, còn hòa hợp là có mặt trong sự hài hòa, đoàn kết nhưng ta vẫn có nét riêng, phong cách riêng, tư cách riêng, lối sống riêng, không đụng chạm với ai. Cũng giống như một vườn hoa có nhiều hoa thơm, cỏ lạ, mỗi loài hoa mang một vẻ đẹp, một mùi hương riêng, không lai tạp. Còn hòa tan giống như hoa mai màu vàng được ghép với hoa khác màu trắng để có hoa mai trắng, lúc thì ghép với hoa hồng hay hoa gì đó màu hồng để ra hoa mai đỏ, nó bị hòa tan và không còn là hoa mai nữa.

  Càng hòa tan chừng nào thì ta càng gây sức ép vì ta đang phủ định gốc rễ của mình. Còn hòa hợp nghĩa là ta thấy được gốc rễ của ta, văn hóa của ta, những sở trường đặc biệt của ta, ta hòa hợp với người khác để thấy được rằng ở người khác cũng có những điều hay tương tự giúp ta bổ sung, học hỏi mà không tạo áp lực gì cho mình.

  Cứ hít thở nhẹ nhàng, thư thái, và sâu lắng bằng quán tưởng tuyệt học, “An tịnh toàn tâm tôi thở vào, an tịnh toàn tâm tôi thở ra”.

  Toàn tâm bao gồm ba phương diện: Cảm xúc, nhận thức và thái độ. Khi nghĩ rằng an tịnh trọn vẹn và toàn phần có nghĩa đừng để tâm rong ruổi, bị rượt đuổi, bị căng thẳng bởi bất cứ cái gì, hãy để nó được bình yên. Có người hỏi rằng: “Bây giờ, nếu tôi không lo xa thì tôi phải bị buồn gần thì sao?”. Câu hỏi tuy logic nhưng không chân lý. Người luôn lo xa sẽ không được hạnh phúc. Đức Phật dạy chúng ta hãy lo bằng nhân quả, đầu tư bằng nhân quả, thấy bằng chánh kiến, có tinh tấn nỗ lực chân chính thì kết quả trước sau gì cũng đạt được mà không phải tự tạo cho mình những áp lực.

  Đã cố gắng hết bổn phận, hết trách nhiệm, nỗ lực có phương pháp thì kết quả thế nào, ta hãy hoan hỷ chấp nhận thế ấy. Người kỳ vọng càng nhiều, áp lực càng lớn. Con em thi cử đạt kết quả không cao thì cha mẹ cũng đừng mắng nhiếc, chì chiết, chửi bới, nói nặng nói nhẹ mà kiên trì khích lệ để con phấn chấn thi lại lần thứ hai. La rầy không thay đổi được kết quả mà chỉ tạo căng thẳng nhiều hơn. Trong gút mắc nào cũng vậy, ta phải tháo mở ngay lúc đó.

  Kinh Dược Sư có hai câu cuối ở bài kệ như sau: “Giải kiết, giải kiết, giải oan kiết. Nghiệp chướng bao đời đều giải hết. Trước Phật đài phát tâm thành kính, rũ bỏ lòng trần để được hạnh phúc. Dược Sư Phật, Dược Sư Phật, tiêu tan Diên thọ Dược Sư Phật, tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật”. Không phải chúng ta cầu Phật để được mãn nguyện, được tùy tâm mà cầu Phật để thấy rằng mỗi đức Phật đều có chất liệu tâm linh hóa giải những nỗi khổ niềm đau, ta hãy học theo chất liệu tâm linh đó mà sống. Có chất liệu tâm linh thì mọi muộn phiền được rũ bỏ và ta sống bình an, hạnh phúc trong cuộc đời.

 

***