Phần 1 : MONG ĐỜI THỨ LỖI(*)

Giảng tại trại giam Phú Sơn 4, phân trại I, ngày 01-05-2010
Phiên tả: Trần Thị Minh Tâm
Hiệu chỉnh phiên tả: Hồng Hà

THỰC TẬP THIỀN

    Theo Phật giáo, tất cả mọi người nam từng là ông, cha, chú, cậu, anh trai, em trai, cháu trai, chắt trai của ta trong các kiếp quá khứ. Tất cả những người nữ từng là bà, mẹ, dì, thím, mợ, chị gái, em gái, cháu, chắt gái. Xem tất cả mọi người là người thân thương nhất của đại gia đình trong nhiều kiếp trước, nên không có khoảng cách nào giữa chúng ta với nhau.

    Phật giáo không phải là một tôn giáo như các tôn giáo khác, không đặt nặng về tín ngưỡng, mặc dầu đây đó ta vẫn thấy hình thức tín ngưỡng trong đạo Phật, vốn là những dây tầm gởi bám vào thân cây Bồ đề Phật giáo.

    Phật giáo là con đường chuyển hóa tâm linh, vượt ra ngoài các giới hạn của địa lý, phong tục, tập quán, nam nữ, giới tính. Con đường chuyển hóa tâm linh bắt đầu bằng nhận thức đúng và làm chủ dòng cảm xúc, tâm và hành vi của chúng ta. Những bài tập chuyển hóa tâm linh thường rất ngắn gọn giúp ta trở thành con người mới, lệ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng thực tập, thời gian đầu tư và phương pháp trải nghiệm trong cuộc sống.

    Rất nhiều phương pháp trong Phật giáo giúp ta có cùng một kết quả, chuyển hóa thân và tâm. Chúng tôi xin trích lục từ lời Phật dạy những phương pháp thực tập đơn giản. Khi tham khảo, thấy nó có ích, hãy xem nó như người bạn đồng hành. Chúng tôi thích dùng chữ “Tu” vì chữ “” có dấu huyền, đè nặng, nghiêng về quá khứ. Hiện tại, khi bỏ dấu huyền đi, tù nhân trở thành những người đang tu. Tu là sự thay đổi, làm con người hạnh phúc, thông qua đó ta có thể cung ứng hạnh phúc cho người thân thương của ta.

     Phương pháp chuyển hóa rất đơn giản. Mỗi buổi sáng, trước khi đi ngủ, ta tập ngồi theo phương pháp truyền thống, hoặc đi bách bộ theo phương pháp thiền hành. Cách ngồi xếp bằng, bàn chân trái đặt lên bàn chân phải hoặc ngược lại. Đừng quá gắng gượng vì như thế sẽ tạo ra nỗi đau ở mắt cá chân hay ở cơ bắp. Tư thế của lưng thẳng đứng, tạo thành một góc 900 với mặt đất ta đang ngồi. Đừng quá gồng sẽ tạo cơ thể mệt mỏi. Lưng thẳng và thả lỏng các cơ bắp. Hít thở thật sâu và lấy lỗ mũi làm nền tảng. Khi đường khí đi vào thông qua lỗ mũi, phổi xuống đan điền, ta có cảm nhận rằng nó đang vận hành.

    Thời gian đưa hơi thở vào từ 8 đến 15 giây tùy theo sức khỏe của từng người, quan trọng đừng tạo ra cưỡng lực đè nén và giữ lại 3 giây, để cho luồng khí đủ sức vận hành, hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Thông qua đó, máu được tươi nhuận, nơron thần kinh sảng khoái, ta có một tinh thần minh mẫn, sáng suốt, năng động, yêu đời hơn. Do vậy, ta có thể khám phá, phát minh, sáng tạo hoặc rũ bỏ tất cả những nỗi khổ và niềm đau. Khi thở ra một hơi thở thật sâu cùng một thời lượng tương tự, giữ lại 3 giây, sau đó tiếp tục trở lại qui trình như ban đầu. Lúc theo dõi hơi thở, ta ghi nhận đến bốn nội dung sau đây:

    1/ Hít vào một hơi thở thật sâu, tôi ý thức rất rõ tôi là người hạnh phúc, vẫn còn tiếp tục sống trên cuộc đời này.

        Rất nhiều người hạnh phúc như thế nhưng không biết được. Nỗi đau nho nhỏ của một số người trở thành bế tắc lớn. Khi đối đầu với tuyệt vọng, có người chọn lấy con đường tự tử để giải quyết vấn đề. Tự tử không phải là giải pháp, mà là sự đào tẩu trong khổ đau, làm khổ đau dâng lên gấp bội. Đào tẩu khỏi luật pháp cũng mệt mỏi, mệt mỏi khi phát hiện và được đưa về lại trại giam, bị tăng thêm án cũng là đau khổ gấp bội. Cách thức hít thở và nghĩ rằng tôi đang tồn tại là thấy rõ được tôi đang có hạnh phúc, không trốn chạy khỏi thực tại bế tắc. Phải đối diện để trả những hậu quả do hoàn cảnh đưa đẩy, xã hội mang đến hoặc do chính ta có những quyết định sai lầm. Khi thực tập thì niềm hân hoan, hạnh phúc sẽ giúp ta sống mỗi ngày có ý nghĩa hơn.

    2/ Khi đưa hơi thở ra và vào, ta ý thức dòng cảm xúc an lạc, hạnh phúc đang dâng trào trong tôi.

        Thực tập này lúc đầu là liên tưởng có điều kiện, sau trở thành vô điều kiện. Trong một hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, ta nghĩ rằng hạnh phúc đang dâng trào. Đây là nghệ thuật thay thế. Giống như muốn bỏ thuốc lá, ta phải ngậm viên kẹo, muốn bỏ những thói quen tiêu cực, ta phải tập những thói quen tích cực khác. Sự trống trải làm cho thói quen cũ bị đè nén đến tột cùng nhưng không giải quyết được vấn đề. Trong nỗi khổ, khó khăn các anh chị phải đối diện, những thiếu vắng về tình cảm gia đình, tình thương yêu từ cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái, người thân. Ta phải quán chiếu rằng tôi đang cảm nhận được hạnh phúc, để chuyển hóa các mặc cảm khổ đau.

    3/ Quán niệm hạnh phúc đang dâng trào trong ta, ta sẽ quên đi những ức chế tâm lý, những nỗi khổ niềm đau, tuyệt vọng, bế tắc. Sự thay thế này giúp ta sống một cách có ý nghĩa hơn. Bài thực tập như sau:

        Khi hít thở ra vào, ta phải liên tưởng rằng trược khí đang được tống khứ ra bên ngoài. Sầu muộn, uất hận, day dứt lương tâm, sự tuyệt vọng, khổ đau, bế tắc được đẩy ra hết. Vẫy tay chào nó một cách vĩnh viễn và đưa hơi thở trong lành vào trong sự sống của chúng ta. Khi hít vào nên liên tưởng mình đang nạp những sinh khí, sự lạc quan yêu đời, những niềm hy vọng đổi mới và sự cam kết trở thành con người tích cực cho mình và cho người thân thương.

       Thực tập này tạo ra lệnh điều khiển tự động trong nhận thức, chỉnh sửa thói quen tiêu cực, giúp ta cảm nhận được hạnh phúc trong đời sống quý báu với tư cách là một con người.

       Các tu sĩ chúng tôi thường nói đùa: “Chữ “” cùng với chữ “Tu” một vần”, chỉ khác nhau dấu huyền. Những người tu được một số thành phần xã hội cho là những người sống ngược đời, không hưởng thụ các khoái lạc giác quan, ít ăn, ít mặc, ít ngủ nghỉ, ít tiêu thụ, không có vợ, không có chồng, không hưởng thụ v.v..., thực ra đó là cách tu làm cho ta không vướng bận vào chủ nghĩa hưởng thụ.

      Khi tập thiền, ta nên ngồi xếp bằng. Những ai chưa quen chỉ cần tập đến ngày thứ ba sẽ thoải mái cơ bắp, không bị trở ngại. Ai không quen ngồi, sau những bữa cơm (thay vì nằm xuống để nghỉ mệt sẽ dẫn đến những chứng bệnh béo phì, tim mạch) hãy tập đi bách bộ trong khuôn viên cho phép, hoặc đi tới đi lui không nói chuyện, giữ thái độ yên lặng tĩnh tại, đi từng bước vững chải trên mặt đất, được thế, hệ tiêu hóa tuần hoàn rất tốt. Ta sống an vui, hạnh phúc hơn với trời xanh, mây bạc, gió thổi cây lá xào xạc, tiếng chim hót líu lo. Những cái đó giúp ta trải nghiệm được hạnh phúc hiện tiền.

MONG ĐƯỢC THỨ LỖI

    Không gian tâm linh của các chùa tại Viện Nam cũng nhỏ, nhưng khi ta hài lòng với nó thì ta được hạnh phúc. Hoan hỷ với hoàn cảnh hiện tại, ta sẽ có một trải nghiệm hạnh phúc, theo đức Phật là “hiện tại lạc trú”. Để có được “hạnh phúc bây giờ và tại đây”, Phật giáo dạy ta phải thực tập thiền chánh niệm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ta thấy rõ được dòng chảy cảm xúc, thái độ, nhận thức, tâm tư, thông qua đó ta làm chủ được hành vi. Hành vi là con đẻ của nhận thức. Không làm chủ được nhận thức dầu cho người khác không biết đến, luật pháp không phát hiện ra, ta vẫn được xem là người đang có tội.

    Giới luật Phật giáo nhấn mạnh đến động cơ của tâm. Dầu không bị phát hiện, không bị truy tố, không bị gì hết, người có hành vi trái với luật pháp và đạo đức vẫn xem là có tội. Nhân quả không buông tha. KinhPháp Cú dạy: “Dầu trốn vào trong những động núi, lặn xuống những biển sâu hay bay lơ lửng trên không trung, khi quả xấu của hành động tiêu cực đến lúc chín muồi, ta chính là người hứng lấy nó”. Tránh vỏ dưa ta gặp vỏ dừa, vì qui luật tương quan của nhân quả trong xã hội. Ý thức được điều đó, các trại viên không có nhu cầu trốn khỏi nơi đang ở, vì sẽ bị rắc rối nhiều. Sống hoan hỷ, làm mới ta sẽ là người vượt qua những khó khăn bản thân.

    Bài ca “Mong đời thứ lỗi” của ca sĩ Duy Mạnh giúp ta suy nghĩ cuộc đời, bản thân, cách sống, cách giữ những giá trị tốt trong các tương quan xã hội. “Mong đời thứ lỗi” là một yêu cầu chính đáng, khi người phạm lỗi nhận ra rằng mình có lỗi với xã hội, với người thương, với cuộc đời và có tội với luật pháp v.v... Mong người khác tha thứ là tiếng nói rất chân thành. Khi nói được tiếng nói như vậy, ta rũ bỏ được nỗi đau, ức chế dằn xé lương tâm, không có gì phải xấu hổ cả.

    Trong đạo Phật cứ nửa tháng người tu làm lễ thứ lỗi, tự nói lỗi của mình ra: “Nửa tháng vừa qua, tôi có hành động, ứng xử không tốt, không hay, làm những người đồng tu buồn, mong được bỏ qua”. Do chủ quan, ta thiếu mạnh dạn, không dám tự nhìn nhận thì yêu cầu những người khác chỉ điểm dùm. Đó là công việc các người tu phải làm một tháng hai lần, vào ngày rằm và cuối tháng Âm lịch. Đức Phật dạy lỗi ai cũng có. Nhìn thấy được lỗi và mong vượt qua lỗi là hành động tốt. Tha thứ là nhu cầu giải phóng ức chế tâm lý.

    Duy Mạnh vừa là tác giả vừa là ca sĩ thực hiện bài ca này. Có lẽ Duy Mạnh là ca sĩ rất hiếm trong số các ca sĩ biểu diễn nhiều bài ca nói về thói đời, những lầm lỗi và những nỗ lực vượt qua.

TIỀN KẾT NGHĨA ANH EM

    Bài ca của Duy Mạnh có bốn phần. Phần đầu nói về cái tôi ảo giác. Khi được bơm lên bằng tiền, ta nghĩ rằng ta đang sống trong bầu trời của hạnh phúc. Tất cả hạnh phúc đó nằm ở trục xoay của tiền. “Khi thật nhiều tiền thì ai cũng muốn vây lấy”. “Tiền hô hậu ủng” thường kéo theo mối tương quan không thật, nhất là nó được nuôi bởi tiền, chạy đến hứng lấy hư danh và ngộ nhận rằng nó là nguồn hạnh phúc. Thỉnh thoảng, ta có cảm giác, tiền là chánh đáng. Để đạt được nó nhiều người muốn chạy đường ngắn, đôi lúc phải đi bằng con đường marathon. Vì chạy cự ly ngắn trong cách tạo tiền nên có người có được tiền theo cách luật pháp không cho phép, trái với con đường đạo lý và tình người. Ngay lúc có tiền phi pháp cũng là lúc ta phải đối diện với những sự thật khổ đau. Được người khác “vây lấy” mà cảm nhận là hạnh phúc thì đó là loại hạnh phúc có điều kiện. Hạnh phúc đến bằng điều kiện, khi điều kiện hết hạnh phúc sẽ cất cánh bay cao.

    “Kết nghĩa anh em huynh đệ ngày tháng xa xưa”. Câu này nói về cuộc sống của các đấng mày râu. Có tiền, có thể đãi bạn bè bằng những chầu nhậu 1 triệu, 10 triệu, 30 triệu. Đây là những cuộc vui theo kiểu: “Mua vui cũng được một vài trống canh”.

    Trải nghiệm niềm vui phi pháp để chứng tỏ mình là anh hai, người nâng đỡ, bảo bọc, chở che để những người khác qui phục mình thực chất chỉ là ảo giác. Mỗi một ngày tháng say sưa trôi qua, tiền bị tốn hao, là niềm vui chỉ là tính điều kiện. Khi ta còn tiền thì còn tất cả những say sưa, quây vần tán thưởng.

TRÈO CAO TÉ NẶNG

    Khi tiền hết tất cả cũng không còn: “Bao nhiêu câu khen bằng chót lưỡi đầu môi, cho ta bay cao, ngã đau nào ta có biết”.

    Kẻ khen tặng không đúng là kẻ thù của ta. Người chỉ những lỗi lầm ta đang vấp phải mới thật sự là thầy ta. Tất cả chúng ta có cha, người mẹ đáng kính. Đức Phật quan niệm cha mẹ là hai vị Phật trong nhà. Khi bị mẹ cha rầy la, mắng chưởi, buồn quá ta bỏ nhà đi. Mẹ la với những tình thương lẫn lộn không đủ sức để chặn đứng những thói quen xấu của bản thân. Ta cho rằng cha mẹ không thật sự thương mình, mắng chưởi, nhưng thật ra phát xuất từ động cơ tích cực. Trong khi đó, những kẻ muốn vây lấy ta vì ta có nhiều tiền, không bận tâm giúp ta trở thành người tốt, miễn sao họ có thể ăn ké theo công thức “đông vui hao” là được. Đắm nhiễm trong thói quen được tâng bốc mà cho là hạnh phúc, sẽ làm ta có cảm giác rằng ta đang được bay cao, nâng tầm hạnh phúc lên.

    Cái gì trèo cao không có thật sẽ rơi vào tình trạng té đau. Người ta bơm mình lên chừng nào trên hư danh, đồng lúc ấy ta bị đạp xuống vực sâu. Ta phải sống với năng lực thật của mình. Không hài lòng với kinh tế gia đình, có người thích đua đòi với bạn bè khi thấy chúng đồng lứa tuổi có người đưa kẻ đón, xe cộ xịn, ta chẳng có gì hết. Muốn phá bỏ mặc cảm này, người không khôn ngoan muốn kiếm tiền bằng con đường phi pháp để có được những lời tung hô vạn tuế của người khác. Té đau trong tình huống đó là một qui luật không thể tránh.

    Sống trong cái tôi ảo giác phải chịu hậu quả khổ đau, hạnh phúc đó chì là ảo giác nhưng khổ đau lại có thật. Nếu đặt lên bàn cân thì cái đạt được chẳng có gì nhưng cái mất rất lớn, đôi lúc mất cả cuộc đời trong tù tội. Nếu lỡ vướng vào đường dây hút chích có thể bị lây nhiễm HIV-AID. Nếu lỡ vướng vào các thói quen sử dụng ma túy, ta bị hệ lụy, lệ thuộc về thân thể, cảm xúc. Để chữa trị những thói quen đó, mỗi ngày vài trăm nghìn đồng mới có được thuốc tốt, nuôi những thói quen xấu và nỗ lực chữa trị làm chúng ta nghèo.

    “Để rồi đây chẳng còn bóng dáng ai đến”. Đó là sự thật rất phủ phàng. Tiền hết, tình thân vì tiền cũng hết. Tính điều kiện của hạnh phúc trong vui vầy làm cho hạnh phúc đó không có thật. Sống trong cuộc đời, ít nhiều chúng ta đều cảm nhận được điều này. Có người sống với nhau bằng tinh thần hy sinh, nâng đỡ, bao bọc, chở che. Ví như những anh chị em thương nhau thật lòng, không tranh chấp về quyền lực gia đình hay quyền kế thừa, sẽ có tinh thần: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Một thân phận nào đó không hạnh phúc, không được vui, cả nhà lo, buồn, khổ theo.

    Trong thế giới giang hồ có những dân anh chị sẵn sàng hy sinh các quyền lợi bản thân lo cho đàn em, để đàn em trung thành tuyệt đối. Đó cũng là tình người, tình đời. Nhưng tình người, tình đời đó dẫn cả tập thể vào hố khổ đau. Đức Phật sánh ví bằng một hình ảnh: Một người mù mắt dẫn một đàn mù thì tất cả mù mờ như nhau. Mù về sự sống, mù về hạnh phúc, mù về luật pháp và đạo đức sẽ chuốc lấy nhiều khổ đau.

    “Của thiên trả địa” và “cửa trước ra cửa sau” là cách tiêu tiền, rửa tiền của kẻ phạm pháp. Dẫu mê tín dị đoan như một số người Trung Hoa lấy hai con Tỳ hưu để trước cửa nhà, mong rằng tiền vào trong rồi thì không bị rơi rớt ra bên ngoài thì tiền phi pháp mất đi rất nhanh. Con Tỳ hưu miệng to, bụng khá lớn nhưng không có hậu môn, đưa vào trong mà không có tiêu thụ ra bên ngoài, là mê tín. Y khoa cho chúng ta biết, cái gì đưa vào mà không có đưa ra là bị chết. Ăn vào 5, 10 ngày mà không ra được là có vấn đề.

    Đối với phước báu, nếu biết làm phước tiền sẽ tạo ra tiền. Nếu ta làm đúng thì phước báu sẽ tạo ra phước báu nhiều hơn. Tặng tiền cho người khác, giúp họ vượt qua khó khăn không phải mất đi mà là một sự gieo trồng phước báu, giống như ta bỏ vào một ngân hàng, lãi của nó sẽ tăng trưởng, theo động cơ vô ngã, nghĩa là có động cơ chân chính, không phải vì danh lợi.

    Sống với nhau bằng tình người thật, khi lâm vào những hoàn cảnh khó khăn, tương quan xã hội vẫn được giữ. Nếu không phải như thế, khi sa cơ thất thế chẳng còn một bóng dáng ai đến. Trong tình trạng đó, tác giả của bài ca này tự trách thói đời “Tình đời đổi trắng thay đen”, “gội niềm đau bằng niềm cay đắng”. Tất cả làm cho nỗi khổ ngày càng gia tăng. Trong những hoàn cảnh đó, ta phải khôn ngoan biết cách vượt qua, để sống trong hạnh phúc.

LỠ BƯỚC SA CƠ, TÌNH BAY XA

    “Khi đã lỡ bước sa cơ, tình cũng xa theo”. Đây là tình yêu không chân thật. Tiền nhiều quá nên tình đến. Ngạn ngữ có câu: “Để thử đàn ông nhữ họ bằng địa vị, để thử phụ nữ nhữ họ bằng tiền”. Mặc dầu câu nói đó có phần xúc phạm đến đàn ông và phụ nữ, nhưng cũng có những chị em đặt nặng về tiền, đến với người tình chỉ vì người đó có tiền. Những người nam đến với nhau, vì người kia có địa vị chức tước cũng không phải là ít. Ngạn ngữ đó dù không phải là câu chân lý, nhưng ít nhất phản ánh được một số thành phần trong xã hội. Khi tình yêu đến vì tiền, tiền hết thì tình cũng chết theo.

    Có một Việt kiều rất điển trai, chứng tỏ mình là người giàu có, về Việt Nam sống phung phí để chinh phục trái tim của người anh yêu. Thường những phụ nữ yêu vì tiền là người đẹp chân dài. Bảo bọc và bảo lãnh cô ta sang Hoa Kỳ và sống trong sáu tháng đầu, hai bên chia tay. Người phụ nữ trong câu chuyện tình này đến với hôn nhân không phải vì trái tim yêu thật sự, mà đã lầm nhận rằng, sự bao bọc bởi tiền là tình yêu. Cô kết hôn để giải quyết những vấn đề kinh tế của mình. Người chồng, qua đến Hoa Kỳ, không còn thói quen bao bọc nữa. Lúc đầu anh nhử tiền để con cá cắn câu, phải làm xôm tụ để chinh phục trái tim cô gái. Khi sống ở Mỹ phải trả tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm, tiền nợ nần, đủ thứ tiền... mỗi tháng chỉ còn dư lại vài trăm đô. Với thị trường kinh tế cao của Hoa Kỳ anh chồng giờ đây chỉ là một người bình thường, chẳng có gì giàu sang. Người phụ nữ mới nhận ra rằng, mình không có tình yêu với anh ta. Anh đến với cô này chỉ vì cô đẹp. Hai bên đã lợi dụng nhau, cuối cùng họ phải chia tay. Những câu chuyện tình như thế rất nhiều trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan trong mười năm qua cũng có cùng động cơ vì tiền và kết cục khổ đau.

    Năm 2007 phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang tham dự hội thảo tại Đài Loan. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam tại đây. Họ có lời thỉnh cầu rất chân thành, hãy cử các vị tu sĩ Phật giáo sang giảng kinh thuyết pháp giúp họ rũ bỏ những nỗi đau. Chị em phụ nữ định cư qua đường hôn nhân phần lớn đi vì lý do kinh tế. Không có thời gian tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Đài Loan, cũng không có những kiến thức ngôn ngữ trong giao tế, trở thành những người phục vụ và nô lệ tình dục cho những người nhận họ làm vợ. Khổ đau cùng cực nhiều chị em muốn về với quê hương, nhất là ở những tỉnh lẻ là một nỗi nhục. Khi lập gia thất, người ta tổ chức lễ cưới rất linh đình, bây giờ lỡ bột lỡ đường, ở cũng không được, về cũng không xong, một số người bị tâm thần. Một số người may mắn được chồng thương và sống hạnh phúc, số đó không nhiều.

    Khi “lỡ bước sa cơ” mà tình cũng xa theo thì có người uất hận, có người trả thù. Trả thù làm gì, vi phạm luật pháp lại vướng vào vòng nhân quả oán thù. Chúng ta không nên làm thế. Công việc của tòa án và nhân quả, ai sai thì tòa án xử, nếu thiếu công bằng thì nhân quả sẽ xử, ta không nên kiêm nhiệm công việc tòa án và nhân quả để phải lấm lem bàn tay và khối óc.

    Nhường nhịn bỏ qua lỗi lầm của người khác là cách chăm sóc hạnh phúc của bản thân. Do làm chủ được thói quen, tức khí lên thì giải quyết bằng ân oán giang hồ. Người ta tát mình bạt tai, mình tát lại hai cái cho người ta sợ, không dám đụng tới mình. Đó là sự công bằng tàn nhẫn, không phải là công bằng của luật pháp.

    “Tìm gặp vài người mà sao khó quá người ơi! Đó là lúc xưa vì tiền ta mới thăm nhau”. Người nào trong hoàn cảnh này mới thấy rõ được rằng ngày xưa, thuộc hạ, bạn bè, người thân thương của ta đến với ta là vì tiền. Đối đáp lại, ta cũng lấy tiền phung phí, vung vãi làm người khác phải cung phụng. Tiền có thể giúp ta có được những cuộc vui chơi, nhưng không tạo ra sự kính trọng và thân hữu thật sự đối với những tương quan xã hội. Phải nhận được điều này để không chạy theo những hạnh phúc ảo không có thực.

    “Lòng người đa đoan nên ta có biết đâu là trắng hay đen”. Câu phản vấn này một phần thể hiện chủ nghĩa hoài nghi, một phần chủ nghĩa kinh nghiệm. Hoài nghi xuất hiện sau khi vấp ngã, tình đời “đổi trắng thay đen”, bạc như vôi. Người hoài nghi không còn niềm tin vào người nào tốt đẹp thật sự nữa, hoài nghi tất cả. Đó là một cực đoan của lối sống đánh mất niềm tin.

     Mỗi hoàn cảnh có thể khác nhau. Mỗi người đến với chúng ta có thể khác nhau. Khắc phục chính bản thân mình, không nên hoài nghi những người tốt thật sự để ta có được hạnh phúc với họ. Kinh nghiệm ta trải qua, nỗi ám ảnh vẫn còn đeo mang. Vết hằn tâm lý rất khó nhổ sạch. Theo triết lý Phật giáo: “Ai giữ những vết hằn tâm lý với kinh nghiệm quá khứ nhiều chừng nào, người đó vẫy tay chào và tiêu diệt hạnh phúc nhiều chừng đó ở hiện tại”. Quá khứ khổ đau không nên hâm nóng lại. Hâm nóng lại quá khứ khổ đau, ta biến mình trở thành nạn nhân thêm lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, thậm chí nhiều chục lần. Ai ôm niềm uất hận năm năm là biến mình trở thành nạn nhân năm năm. Việc trả thù ân oán giang hồ được hay không là chuyện rất dài. Trước nhất ta là người bị thiệt thòi. Đừng bận tâm về chuyện hận thù và trả thù. Ai sai luật pháp xử, luật pháp không xử thì nhân quả xử. Ta phải xử lý cảm xúc bản thân để ta được hạnh phúc dài lâu.

CÔ ĐƠN TRONG TUYỆT VỌNG

    “Giờ mới vỡ lẽ, hỡi ơi ta đã trắng tay. Đi lang thang cô đơn chẳng thấy mấy ai ban một chút tình”.

    Nỗi cô đơn trong tuyệt vọng, chán chường, oán trách, hận đời, hận người, hận tình, hận hết tất cả. Đôi lúc có người muốn cáu lên, muốn làm tất cả những gì mình muốn để trả thù đời, rửa hận đời. Đó là một sai lầm. Khổ này kéo theo khổ khác.

    Tương quan xã hội được nhắc đến trong đoạn nhạc trên là tương quan vì tiền và kết thúc cũng vì hết tiền. Ấm ức. Hận đời. Không một chút tình. Ta hãy nỗ lực chuyển hóa, sống với nhau bằng tình chân thật. Làm lại cuộc đời bằng chân thật, trong tương lai ta sẽ có tình người mới, tình đời mới. Vấn đề còn lại là sự đầu tư thật vào cuộc sống hạnh phúc đích thực.

    “Giờ thì mới thấy nuối tiếc, những ngày tháng đã trôi qua”. Khi đang sống trong hạnh phúc, ta không cảm nhận được nó, lúc mất rồi mới thấy nó quí biết chừng nào. Khi còn cha, mẹ già như hai vị Phật trong nhà, ta lại hất hủi ông bà. Có người bất kính, bất hiếu, có người không nghe lời khuyên răn. Khi cha mẹ đến tuổi xế chiều hay vẫy tay chào vĩnh viễn với cuộc đời, nhớ lại và biết lòng hiếu thảo, biết cung phụng thì cha mẹ ta không còn nữa. Nỗi đau đó khó có thể bù đắp được. Phải sống hết mình trong đời hiện tại. Nuối tiếc những ngày tháng trôi qua làm cho mình đau khổ nhiều hơn. Thấy sai thì phải sửa sai, không phải nuối tiếc. Nuối tiếc chỉ làm cho mình chìm đắm trong mặc cảm và tái hâm nóng tính cách nạn nhân. Nỗ lực làm mới bằng chánh niệm trong hiện tại, bây giờ và tại đây là một minh triết và phép màu có khả năng thay đổi cuộc đời ta.

    “Ngày xưa, nếu như ta sống với đời tốt hơn, biết giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn như ta lúc này thì giờ đây đâu phải hối tiếc khi mình lỡ sa cơ”. Việc làm tốt trong lời ca mang tính điều kiện, động cơ đó rất ích kỷ. Ta giúp đời để mong đời giúp lại. Ta giúp đời để đời cưu mang ta trong tương lai. Dù sao, hành động đó ít nhiều thể hiện tính nhân bản, mặc dầu chưa phải là tuyệt đối.

ĐỪNG MẶC CẢ PHƯỚC KHI LÀM TỪ THIỆN

    Tôi đã hoạt động từ thiện gần 10 năm, sau khi du học Ấn Độ về. Một năm trung bình mổ mắt từ thiện khoảng 400 ca, tặng quà cho các trung tâm rất nhiều, ủng hộ các trẻ em mồ côi, những người già trong các trung tâm tàn tật v.v... Khi được yêu cầu thay đổi loại hình từ thiện, phần lớn những người tham gia không muốn. Ai thích mổ mắt từ thiện thì chỉ đóng góp vào lĩnh vực này. Hỏi lý do tại sao, họ trả lời rất thật tình: “Làm từ thiện tôi mong đời này tôi không bị mù mắt, kiếp sau được sáng mắt”. Đây là cách làm từ thiện còn vướng kẹt vào việc mặc cả nhân quả phước báo. Không có điều kiện, rất nhiều người không chịu làm từ thiện.

    Ta học đức Phật, trải nghiệm đời sống vị tha rộng lượng hơn. “Tôi làm công việc mổ mắt cườm cho người khác không phải tôi muốn cho tôi không bị cườm”. Muốn và bị cườm là hai cái khác nhau, rất nhiều người không muốn mà vẫn bị. Chẳng hạn như làng mù, làng cườm ở Sóc Trăng sống bằng nghề trồng củ hành tây, bào củ hành tây. Hành tây rất độc cho con mắt, gió ở đó lại thổi bốn mùa. Ai làm nghề này khoảng 3 năm là có vấn đề về mắt. Có cầu mong tôi không bị hư mắt vẫn bị, nhân quả là thế. Nhân là sống trong môi trường hại con mắt, quả là con mắt bị hư.

    Làm phước thiện không hiểu về nhân quả, tâm ta trở nên nhỏ hẹp. Ta tập sự rộng lượng của tâm, biết rõ ánh sáng là hạnh phúc của đời người và gia đình của người ấy. Có rất nhiều cụ nghèo ở vùng Bến Tre, Bình Định, Buôn Mê Thuột v.v..., Tôi hỏi: “Sao đến tuổi 78 mới đi mổ mắt?” Có Cụ nói: “Làm sao suốt cuộc đời của tôi có dư được 700.000 đồng mà mổ mắt”. Số tiền đó không lớn, nhưng nhiều cụ không có đủ điều kiện để mổ mắt. Cho nên, khi học làm thiện cho người khác, ta phải làm với tâm vô điều kiện. Ta biết rất rõ, mang lại hạnh phúc cho người khác chính là tạo hạnh phúc cho ta.

    Thực tập chuyển nghiệp trong trại giam, các anh chị sớm được lệnh ân xá. Chuyển nghiệp là thay đổi nhận thức và hành động. Bàn tay trước đây làm gì tiêu cực cho người khác, cũng dùng nó làm những điều tích cực đối lập. Nhờ đó, ta xóa được nghiệp xấu.

    Ngày rằm tháng Bảy trong Phật giáo được gọi là ngày xá tội vong nhân. Hiểu theo luật pháp ngày nay là ngày ân xá. Phải khích lệ người phạm pháp làm rất nhiều việc thiện, lỗi lầm bỏ qua hết. Mạnh dạn tham gia các hoạt động phước thiện để được an vui hạnh phúc. Phật giáo khích lệ làm công quả, tức tự làm nhiều phước báo công đức để tự mình hưởng quả phúc.

    Khi phụng sự cho cuộc đời, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, người dưng nước lã, ta tưởng là làm cho họ, nhưng thật ra ta đang làm cho ta. Ta gieo phúc thì ta được hưởng, không ai vào hưởng thay. Hoặc gieo phúc mà chưa kịp hưởng, bị người khác ăn gian, phúc đó vẫn còn nguyên, giống như tài khoản trong ngân hàng không mất. Ai xài thì hết chưa xài còn nguyên, cộng thêm phần lời. Phải có niềm tin về nhân quả phước báu. Trong hoàn cảnh khó khăn, làm nhiều việc thiện, ta còn lận đận, đừng tuyệt vọng, đánh mất chính mình. Giả sử nhân quả không có thật đi nữa, việc làm tốt cho cuộc đời làm cho ta sống có ý nghĩa hơn. Huống hồ, nhân quả là một chân lý có thật. Vấn đề còn lại là tính thời gian và điều kiện thuận lợi để nhân tốt sớm trổ quả lành. “Ta sống với đời tốt hơn vào năm tháng xa xưa, bây giờ ta không phải bị con người và cuộc đời phủ phàng lại”. Ngày xưa, ngước lên cao và lúc bị khổ đau đâu có ai thèm dòm ta, ta uất hận. Sống với nhau bằng tình người không phân biệt đối xử là nghệ thuật đắc nhân tâm. Sống có tình người thì khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không ai bỏ mặc mình hết. “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết tiền, hết bạc, hết ông tôi”. Đừng nên trách cuộc đời, mà hãy trách lại mình. Nếu ta sống đàng hoàng chẳng có ai thù và bạc bẽo mình hết.

    Đừng ngộ nhận, phải có tiền mới có được kính trọng. Có tấm lòng và làm những việc tốt sẽ được người ta kính trọng. Phật Thích Ca từ thái tử đông cung bỏ ngai vàng, trở thành kẻ ăn xin, rày đây mai đó truyền bá con đường tâm linh. Sáng cầm bình bát, ai cho gì ăn nấy. Không chọn lựa, không than vãn, không yêu cầu, không oán trách, nhận với một sự trân trọng cám ơn người đã giúp cho mình. Dầu Phật không có tiền nhưng vẫn được cả thế giới tôn trọng.

    Thay đổi nhận thức giúp ta sống hạnh phúc, không có tiền ta vẫn được hạnh phúc. Không phải bỏ tiền ra để tìm kiếm hay mua hạnh phúc. Phải hưởng hạnh phúc bằng đời sống chân chính và đạo đức.

HỒI ĐẦU HỐI LỖI

    “Ngày xưa, ta có biết nghĩ đến điều đó đâu. Thôi, ta xin ăn năn mong đời thứ lỗi cho ta, để ta tạ ơn cuộc đời”. Hồi đầu là một động tác tích cực, nhận diện ra lỗi lầm, mạnh dạn xin thứ lỗi. Nhiều người biết mình có lỗi, nhưng ngượng miệng. Không nói ra được lời xin lỗi thì nỗi đau khổ chất chứa nhiều năm vẫn còn y nguyên. Có nhiều người thù dai, giận dài, giận dở, có thể thề những câu ác độc, “Tôi chết, tôi sẽ trả thù nó, tôi nguyền rủa nó bị tai nạn hay bị chết không toàn thây”. Những lời ác độc, mặc dầu không giết người bị mình thù, nhưng đã gieo một nghiệp sát sanh trong tâm.

    Luật pháp chỉ dựa vào những hành động phạm pháp cụ thể. Luật pháp không trừng phạt được tâm ý xấu của con người. Những suy nghĩ tiêu cực như giết người, trộm cắp, ngoại tình, lừa đảo hoặc sử dụng ma túy, sẽ làm hại cuộc đời ta. Dầu chỉ khởi lên bằng một ý niệm cũng đã gieo lỗi lầm rồi, huống hồ là thể hiện hành động phạm pháp thật.

    Nhân quả báo ứng trong đời không tránh được. Tâm suy nghĩ tiêu cực kéo theo hành động tiêu cực thì quả xấu nghiêm trọng hơn. Hành động tiêu cực mà tâm không tiêu cực thì quả sẽ nhẹ hơn. Động cơ tiêu cực dù chưa có hành động tiêu cực vẫn có quả xấu. Thấy được điều này hãy thương lấy chính mình, đừng tạo nghiệp khổ đau. Để xin cha mẹ hoặc người thân bỏ qua lỗi lầm của ta, hãy mạnh dạn viết thư xin lỗi như: “Ngày xưa, con chưa được sáng suốt, những lời cha mẹ khuyên con không làm theo. Kết quả ngày hôm nay con làm cho cha mẹ buồn, nếu cha mẹ không bỏ qua cho con, con cảm thấy ray rứt cả cuộc đời, mong cha mẹ thứ lỗi”. Tôi tin chắc rằng, lời xin thứ lỗi phát xuất từ con tim có một sức tác động lớn và có ý nghĩa mang lại hạnh phúc, giúp con người sống có ý nghĩa hơn.

    Bài ca “Mong đời thứ lỗi” giúp người có tội và có lỗi rũ bỏ những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ để sống một cách năng động, tích cực hơn ở hiện tại và tương lai. Ai dám nhận lỗi và xin đời thứ lỗi đáng được tán dương về phương diện nhân quả, trở thành người có ý nghĩa trong cuộc đời. Những nỗi khổ niềm đau như một ám ảnh cần được chuyển hóa và vượt qua. Không trách người, trách đời, trách thân phận mà quay về bản thân, tìm lại chính mình, làm mới cuộc đời để ta sống hạnh phúc hơn, an lạc hơn. 

***

 
00:00