Phần 2 : KIẾP ĐỎ ĐEN(*)

Giảng tại trại giam Phú Sơn 4, phân trại 3, ngày 30-04-2010
Phiên tả: Nguyễn Tâm
Hiệu chỉnh phiên tả: Hồng Hà 

SỐNG THIỀN

  Một đời người được sánh ví như một quãng đường, có lúc gồ ghề, có khi bằng phẳng. Ai cũng̣ có thể vấp ngã trên đoạn đường. Mỗi người phải tạo ra con đường bằng phẳng để được an toàn và người khác đi phía sau không bị cản trở.

  Khi đi trên một con đường, điều quan trọng là nhìn phía trước, phía sau, trái và phải để tránh tai nạn. Phải có ý thức tôn trọng luật giao thông và quãng đời người cũng thế, nếu không ý thức tính an toàn cho mình và cho người thì mỗi lời nói, hành động của ta có thể gây thương tổn cho người thân thương. Có thể vì hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, và những suy nghĩ tiêu cực, hành động của ta dẫn đến thương tổn. Hãy khép lại quá khứ khổ đau bằng lối sống đạo đức. Tạo dựng con đường đi tới bình an, hạnh phúc và có giá trị để khi nghĩ về, ta cảm nhận được niềm an vui, hạnh phúc và sự bình an.

  Thiền trong đạo Phật không phải là những giáo huấn tôn giáo hay tín ngưỡng. Thiền là thực tập, có khả năng chuyển hóa thân và tâm của con người. Đức Phật Thích Ca người khai sáng ra đạo Phật, xác định rất rõ, không có Thượng đế và các thần linh. Ý niệm vận mệnh được an bài, kiếp sống hên xui may rủi, đục và nhơ của mỗi người do chính con người tạo tác không ai áp đặt.

  Thay đổi nhận thức là một tiến trình phấn đấu bản thân. Phần lớn con người đều theo tôn giáo. Trên thế giới, đại đa số theo Nhất Thần giáo hay Đa Thần giáo, tức tin Thượng đế sáng tạo ra con người, sơn hà, vũ trụ, vạn vật và sắp xếp tất cả mọi sự vận hành trên hành tinh. Đạo Phật cho rằng đó là một sai lầm về phương pháp luận và trái với thực tiễn.

  Thế giới được vận hành theo tự thân của nó, không có ai sắp xếp. Con người có thể tái sắp xếp lại đời sống của mình. Muốn làm như thế, theo đức Phật, điều quan trọng nhất điều chỉnh nhận thức vì nhận thức là kiến trúc sư, là đạo diễn kịch bản cho cuộc đời của ta.

  Thiền là nghệ thuật giúp ta làm chủ được dòng cảm xúc, thái độ, nhận thức trong các hoàn cảnh thuận hay nghịch. Cuộc đời có những thăng trầm, thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau, lời khen, tiếng chê và phần lớn con người chạy theo phản ứng cảm xúc như một bản năng. Đối với những gì thích, ta cảm thấy hạnh phúc, đối với những gì ta cảm thấy không hài lòng, ta có khuynh hướng kháng cự. Những người có khuynh hướng chọn trong “36 kế, tẩu là thượng sách” thường thiếu bản lĩnh chịu đựng.

  Kỹ năng thực tập thiền rất đơn giản, gồm các bước sau đây:

    1) Ngồi xếp bằng, bàn chân trái đặt trên bàn chân phải hoặc ngược lại.

    2) Lưng thẳng đứng khoảng 90 độ với mặt đất ta đang ngồi. Đừng để tay chân cơ bắp bị gồng, làm ta bị mệt mỏi, tê nhức.

    3) Để hơi thở ra vào nhẹ nhàng, thư thái, bình an. Mỗi lần hít vào thật sâu, ta giữ khoảng 3 giây để khi tống khứ hơi thở ra bên ngoài, ta có đủ thời giờ làm thư giãn các cơ bắp. Do đó, máu được làm tươi nhuận và hệ thống thần kinh được làm mới. Những căng thẳng trên cơ bắp được rũ bỏ. Nỗi buồn, niềm đau trong quá khứ được vẫy tay chào. Lưu ý tới hơi thở: Hít vào thật sâu, ta ý thức rất rõ, không khí trong lành đang đi vào trong cơ thể, cùng với hạnh phúc, bình an, sức sống tràn đầy, lạc quan, yêu đời, năng động. Thở hơi thở thật sâu, ta liên tưởng tới trược khí được tống ra bên ngoài, nỗi khổ, niềm đau, tuyệt vọng, uất hận hay những gì dẫn đến sự bất hạnh cũng phải vẫy tay chào. Thực tập như thế rất đơn giản. Ta chỉ cần lưu ý tới 2 nội dung: Giữ, buông. Cái gì tích cực, tốt đẹp cho ta, cho người, xã hội ta giữ lại. Những gì tiêu cực cho ta, cho người, ta phải vẫy tay chào. Xem nỗi khổ, niềm đau, bất hạnh do ta làm giống như rác, để vượt qua thói quen xấu.

  Công việc của ta là phải rũ bỏ rác càng sớm càng tốt. Thực tập sẽ giúp ta trở thành những con người mới, mới từng giây, từng phút, từng ngày, từng giờ, về lối sống, nhân cách và đạo đức. 

  Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy ta dành 10 phút, ngồi tại chỗ trong tư thế xếp bằng và làm thực tập những điều như vừa nêu. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ cũng dành 10 phút thực tập tương tự. Trong một ngày 8 tiếng làm việc cũng dành khoảng 10 phút để làm công việc đó. Khi thực tập ta sẽ vượt qua được những khó khăn, căng thẳng và khổ đau.

  Tôi có một người bạn thân theo đạo Sikh, Ấn Độ. Anh ấy cao 1.80m và là một nhà báo. Theo đạo Sikh nên trên đầu của anh có quấn một khăn bính, nếu tháo vải ra, chiều dài là 9 mét. Người theo đạo Sikh bắt buộc phải đeo nón đó từ lúc rời khỏi nhà cho tới lúc lên giường ngủ.

  Ấn Độ vào tháng 6 và tháng 7 nóng có thể lên tới 42 độ. Người nam dù lớn hay nhỏ theo đạo Sikh bắt buộc phải đội nón vải bính đó. Nếu ta có cơ hội, gặp họ vào mùa nắng nóng và hỏi: “Anh có cảm giác bị nóng hay không?” Câu trả lời của họ là: “Không”. Nếu ta tiếp tục hỏi: “Tại sao không?” Họ trả lời giống nhau: “Nóng và lạnh phần lớn thuộc về cảm giác”.

  Khí hậu dĩ nhiên có nóng và lạnh. Tại Ấn Độ, miền Bắc khí hậu ôn hòa hơn miền Nam. Khi ta nghĩ nó nóng thì sự nóng sẽ nhiều hơn. Như vậy, khi thực tập thiền chuyển hóa, có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc, nóng hạnh phúc theo cách nóng, lạnh hạnh phúc theo cách lạnh. Dòng cảm xúc của ta được làm quen, sống chung với thời tiết, khí hậu nóng lạnh khác nhau. Phương pháp này có thể áp dụng cho nghịch cảnh và thuận cảnh ta đang gặp. Có nhiều người nghĩ, khi nào gặp những điều kiện thuận lợi ta mới làm việc tốt. Ai suy nghĩ như thế không có được cơ hội làm một việc tốt nào hết. Điều kiện nào ta cũng có thể làm được việc tốt. Thực tập như thế gọi là sống thiền.

  Thiền không phải là cái gì ghê gớm. Thiền là hơi thở, nụ cười, niềm vui, hạnh phúc, lợi ích cho ta và người, bây giờ và tại đây. Thiền bắt đầu bằng thay đổi nhận thức, theo dõi hơi thở, làm chủ cảm giác vá các giác quan. Thực tập thiền giúp ta làm chủ được dòng cảm xúc, nhờ đó, khi gặp nghịch cảnh ta không than, gặp khó khăn không bỏ cuộc, gặp những trở ngại ta vẫn hướng tới phía trước và không đổ lỗi cho cuộc đời, không trách cứ con người. Sống thiền giúp ta có trách nhiệm, cam kết lớn để tạo dựng hạnh phúc cho bản thân ta.

VỀ “KIẾP ĐỎ ĐEN”

  Bài ca “Kiếp đỏ đen” phần lớn ta đều biết, do ca sĩ Duy Mạnh sáng tác và biểu diễn, mang ý tưởng nhẹ nhàng, giúp ta hiểu được những giá trị thâm thúy trong cuộc sống. 

Giờ ta chẳng còn chi

Mãi trắng tay mà thôi

Đời bạc gian lắm phủ phàng

Tiền có kiếm như nước

Rồi cũng sẽ trôi hết

Tay không trắng tay, lại vẹn không.

Đời phiêu lưu là thế

Không biết đến ngày mai

Nên giờ đây mới trắng tay

Ngồi trước tấm gương sáng

Rọi vào đó mới thấy

Thân xác hoang tàn không nhận ra.

Ta mang bao tội lỗi

Nên thân ta giờ đây

Kiếp sống không nhà không người thân

Ta mang bao tội lỗi

Người ơi! ta đâu còn chi

Xin hãy tránh xa kiếp đỏ đen”.

  Lời ca như một tự sự của chính tác giả. Cái gì tự sự đều có giá trị kinh nghiệm. Thực tế, kinh nghiệm bắt đầu bằng những trải nghiệm của bản thân. Có lẽ tác giả từng trải nghiệm ít nhiều về “Kiếp đỏ đen”, thấy rất rõ các bế tắt lớn ở phần cuối cũng như phần đầu, phần giữa của cuộc chơi. Thấy được bế tắt và con đường phía trước, tác giả nhắn nhủ với ta rằng không còn lại cái gì hết.

Giờ ta chẳng còn chi

Mãi trắng tay mà thôi

Đời bạc gian lắm phủ phàng!”.

  Ở đây, quan niệm “mua vui qua vài trống canh” được xem là điều kiện hưởng thụ của một số người. Rất nhiều người có “tiền rừng biển bạc” không biết chi tiêu tiền một cách khôn ngoan nên đã rửa tiền trong các cuộc đỏ đen, không có tương lai, dẫn đến bế tắc lớn. Tác giả đã nhận diện ra một sự thật mà dân gian Việt Nam thường nói rằng: “Của thiên hoàn trả địa” qua ca từ “mãi trắng tay mà thôi”. Những tài sản không phải do nỗ lực chân chính, phù hợp với luật pháp, đạo đức trước sau gì cũng tổn thất. Kinh Phật đưa ra 5 cửa ngỏ tổn thất tài sản phi pháp như sau:

    1. Bị nhà nước tịch thu theo luật.

    2. Bị thiên tai như: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sống thần v.v... làm ta bị mất trắng.

    3. Bị vợ hay chồng, con cái phá của, dành dụm bao nhiêu người thân phá bấy nhiêu.

    4. Tiêu xài hoang phí vì nó không phải là mồ hôi nước mắt chân chính, cho nên ta không biết trân quý nó.

    5. Tổn thất do bệnh tật, bao nhiêu tiền làm được đều chi vào việc chữa trị bệnh.

  Năm cửa ngỏ tổn thất như trên được xem là kết quả của lối sống không phù hợp với luật pháp và đạo đức, trắng tay vẫn là trắng tay.

  Năm 2004, 2006, 2007 và 2008 tôi được mời sang Hoa Kỳ chia sẻ các pháp thoại với cộng đồng Việt Nam. Lần nào, tôi cũng được thỉnh mời đến Las Vegas. Đó là nơi cờ bạc nổi tiếng thế giới. Thành phố ăn chơi này được xây dựng trên một sa mạc nóng. Thị trưởng tại đây có sáng kiến: Biến một sa mạc thiếu nước, cơm ăn, áo mặc trở thành khu vui chơi của toàn thế giới. Ý tưởng đó làm cho trong vòng 10 mấy năm Las Vegas trở thành thành phố của những cao ốc, sang trọng hơn “Tòa Nhà Trắng” của Hoa Kỳ.

  Tôi được những Phật tử làm nghề chia bài dẫn vào các tòa nhà nguy nga tráng lệ nhất tại đây. Khi vào bên trong nhiều người chơi bài ngạc nhiên nói: “Ông thầy tu này đi vào đây làm gì”. Trong các sòng bạc có người Việt Nam, Tàu, Mỹ, Pháp, Đức v.v... hầu như dân tộc, đất nước nào cũng có người thích cờ bạc vào đó. Nhiều người chúm chím cười và nói: “Ông này chắc hư lắm mới vào sòng bạc”. Không có cơ hội giải thích với họ, tôi chỉ tiếp tục đi và quan sát. Thỉnh thoảng, dừng lại xem cách người ta chia bài, chơi bài rồi thắng, thua. Quan sát thái độ cảm xúc của họ, người thắng nở những nụ cười, niềm vui, sự hớn hở, hưng phấn; người thua thì gương mặt ủ rũ, buồn, tuyệt vọng. Báo chí đưa tin có nhiều người tự vẫn do thua trắng tay. Những người thắng nếu không dừng lại sau đó trở thành kẻ thua.

  Sau khi về chùa “Hoa Sen Trắng” giảng cho khoảng 150 Phật tử chia bài, tôi hỏi cách chơi cờ bạc có trung thực không. Họ cho biết: “Tại Las Vegas, việc chơi gian lận từ phía chủ bài là không có. Người ta đảm bảo luật chơi được luật pháp cho phép”. Còn những nước như Việt Nam, cấm chơi bài là điều rất hay, vì cờ bạc dẫn tới tình trạng tổn thất, khủng hoảng kinh tế gia đình và tạo ra các tệ nạn xã hội. 

  Trong thành phố Las Vegas, dân chơi đều là những người thua, không có người chiến thắng thực sự. Chỉ có chủ chơi bài là chiến thắng vì họ có vốn bạc tỉ đô la. Người chơi bài vốn ít hơn nên thắng theo xác suất máy chơi với tỉ lệ thấp. Tiếp tục chơi sẽ thua, cuối cùng trở thành là “con bài” làm giàu cho những chủ bài. Rất nhiều người lao vào những cuộc đỏ đen vì nghĩ rằng họ có thể thắng được những chủ bài. Càng mơ mộng chừng nào, càng sớm trắng tay chừng đó. Người Việt Nam có câu rất sâu sắc: “Cờ bạc là bác thằng bần”.

  Về các máy chia bài, xác suất cứ 1.000 lần thì thắng được 2, 3 lần. Chỉ có số ít người chơi bài thắng, số người còn lại đều là những kẻ thua. Đối với chơi bài bằng tay, những người chia bài chỉ được phục vụ tối đa 1 tiếng rưỡi. Dân chơi bài vì đam mê, ở trong sòng bạc suốt ngày lẫn đêm. Từ 3 tiếng trở lên với ánh đèn mờ, nhạc xập xình, màu sắc vàng làm cho dân cờ bạc bị chói mắt, không còn phân biệt được, sự sáng suốt bị mất đi. Họ hiếm khi nào thắng được những kẻ chia bài chuyên nghiệp được trả lương cao và có kinh nghiệm.

  Trong các sòng bài, người quản lý sòng bài sẽ thông qua máy chiếu thấy rõ được những kẻ chơi bài giỏi. Họ cho người chia bài bị thua nghỉ và cho người chia bài giỏi hơn vào thay thế để thắng được người chơi bài giỏi. Bằng mọi cách, chủ sòng bài sẽ chiến thắng. Cách nào đi nữa ta vẫn thấy thất bại luôn thuộc về những kẻ chơi bài. Nên nhớ “giàu trước mắt nhưng nghèo lâu dài” là điều không nên làm. Không ai giữ mãi được tài sản làm giàu bằng bạc gian.

KHÓ GIỮ ĐƯỢC CỦA BẠC GIAN

  “Bạc gian” trong bản nhạc có 2 nghĩa: Thứ nhất từ cờ bạc, thứ hai từ sự gian dối tức là trái với luật pháp, ngược với đời sống đạo đức. Người chơi sẽ không ngờ khi bị thất bại sẽ chới với, tuyệt vọng. Bất lợi cho những kẻ chơi là điều không tránh khỏi. Duy Mạnh tiếp tục cho ta biết:

Tiền có kiếm như nước rồi cũng sẽ trôi hết

Tay không trắng tay lại vẹn không”.

  Rất nhiều người khi mới chơi thấy mình thắng to, tiếp tục chơi nên thua trắng, không còn gì hết. Đây là qui luật không ai tránh khỏi.

  Năm 2007, tôi đi du lịch tâm linh tại Campuchia. Trên đường trở về, tôi đi bằng đường bộ để biết đời sống của cư dân ở vùng biên giới. Khi đến biên giới, những du khách đồng đi giới thiệu những sòng bạc lớn tại đây.

  Chính quyền Việt Nam cấm chơi bài, vì cờ bạc đánh mất tương lai giới trẻ. Những người giàu không hiểu được điều đó qua biên giới Campuchia chơi bài. Các đại gia Việt Nam đã làm giàu cho công nghệ cờ bạc ở Campuchia.

  Khi ra khỏi khu vực biên giới, tôi quắt chiếc xe bên vệ đường. Tài xế cho biết từ biên giới Campuchia đến chùa Giác Ngộ gần trăm cây số, chỉ trả 400.000đ. Tôi hỏi tại sao rẻ đến thế, anh ta nói rằng: “Không tốt gì với thầy đâu, vì tôi là người được thuê chở các đại gia đánh bài. Thay vì, đi xe về không, tôi lấy thầy 400.000đ vẫn có lời”. Anh kể rằng, các đại gia ở Sài Gòn, chỉ sau khoảng 1, 2 tháng chơi bài đã trở thành kẻ trắng tay. Có người phải tự vẫn chết vì thiếu nợ nhiều quá. Có người lao vào con đường tù tội, làm nhiều điều trái luật pháp. Họ phải trả những hậu quả nhãn tiền. Đó là lời kể của tài xế chở các đại gia tới các sòng bài. Cho nên câu nói: “Tay không trắng tay lại vẹn không” là qui luật, ta không thể phủ định được.

  Phần thứ hai của bản nhạc nói về sự mặc cảm của con người đối với số phận:

Đời phiêu lưu là thế

Không biết đến ngày mai

Nên giờ đây mới trắng tay...

  Khi phó mặc cuộc đời theo “Vận đỏ đen”, kẻ chơi bài không biết thiết kế cuộc sống. May mắn hầu như không mấy ai được và không mấy ai giữ được. Trong khi thất bại, trở ngại, chướng duyên, thử thách và khổ đau tới liên miên theo kiểu “họa vô đơn chí”. Có người đã ngộ nhận rằng số phận là thế đó, muốn tốt hơn, xấu hơn cũng không được. Chấp nhận số phận nên không có nỗ lực làm thay đổi. Theo đạo Phật ai nghĩ có “số phận”, người đó đã sai lầm. Ta chính là chủ nhân của số phận, không ai khác.

NGÀY SANH KHÔNG TẠO NÊN SỐ PHẬN

  Trong cùng hoàn cảnh, có người trở thành tỉ phú, có người trở thành kẻ ăn xin. Cũng sinh cùng năm tháng, ngày giờ giống nhau, nếu Hít Le làm cho cả thế giới phải chảy nước mắt vì nạn phát-xít bá quyền, biến thế giới trở thành núi sương và sông máu, thì Sạc Lô là người mang lại niềm vui, nụ cười cho tất cả những người đang sống trên hành tinh. Nếu năm tháng, ngày giờ sinh quyết định vận mệnh  của con người là có thật thì hai ông phải giống nhau không thể khác được. Trên thực tế họ rất khác nhau, thậm chí đối ngược

  Có lần Tạp chí “Kiến thức ngày nay” đưa tin có 2 chị em ở Anh song sinh. Họ có chung một thân người, 2 bàn chân, 2 cánh tay nhưng có 2 đầu. Vì có 2 đầu, họ có 2 nếp suy nghĩ, ứng xử, quan điểm hoàn toàn khác nhau. Cùng đôi chân và một thân người nên họ có mặt khắp nơi chốn. Người em thích nhạc Rock, nhạc Rab, nhạc Pob. Người chị thích đời sống tôn giáo. Mỗi khi người em đi vào quán Bar thưởng thức và hưởng thụ những tiếng nhạc xập xình, người chị cảm thấy nhức đầu và căng thẳng vô cùng. Họ cam kết phải chịu đựng lẫn nhau. Mỗi khi người chị đi vào nhà thờ cầu nguyện, người em cảm thấy chán nản. Hai chị em là cả một thế giới khác biệt. Họ sinh ra cùng một tích tắc của thời gian và cùng một thân thể, lại có 2 cá tính khác nhau.

  Điều này chứng minh không có số phận an bài như nhiều người mê tín dị đoan nghĩ. Sinh ra trong năm con trâu nên suốt đời phải cày, sinh ra năm con cọp nên phải dữ như thế này thế nọ. Ai nghĩ rằng nữ sinh ra năm con cọp, mạng cao và chồng yểu mạng, là đang gây ra hàm oan cho những người phụ nữ tuổi con cọp.

  Theo Phật giáo năm, tháng, ngày giờ không tạo ra số phận con người. Chính ý thức, nghề nghiệp, khuynh hướng, hành động tạo ra hạnh phúc hay khổ đau, sự nghiệp của ta tốt hay xấu do đó mà có. Tin vào vận mệnh sẽ khó biết đến ngày mai. Ai tin vào vận mệnh sẽ chịu đắng cay. Ai xóa bỏ định mệnh bằng nỗ lực chân chính sẽ có cơ hội hưởng được hạnh phúc.

THẮNG VÀ THUA ĐỀU KHỔ

Ngồi trước tấm gương sáng rọi vào đó mới thấy

Thân xác hoang tàn không nhận ra..

  Đây là bức tranh hiện thực về những kẻ thất bại trong những cuộc chơi “đỏ đen”. Nếu hiểu “đỏ đen” theo nghĩa rộng, ngoài cờ bạc còn có nghĩa là hơn thua, tranh chấp, hận thù trong đời. Mỗi lời nói, ứng xử giao tế của người khác có thể làm ta không hài lòng.

  Nhiều người nóng tánh, nghe người khác chọc tức chút xíu thì liền tức khí gây ra án mạng. Kết quả suốt cuộc đời hiền lương phải trải qua những ngày năm tháng trong tù để chuộc lại những sai lầm trong tích tắc. Đừng phản ứng giận tức quá nhanh chóng, ta khó kiềm chế được cảm xúc của mình.

  Người không có phản ứng nhanh chóng không có nghĩa là người bạc nhược, yếu đuối. Người phản ứng điềm tĩnh là người có chiều sâu. Tập lắng nghe thật kỹ để hiểu được dòng cảm xúc của người đối xử với ta, hiểu được hành động của người đó để ta có sự rộng lượng tha thứ. Vì người đó đang sống với niềm si mê, họ mới có những sân hận, sai trái đối với mình.

  Theo Phật giáo, con người không phải là kẻ thù của con người. Chỉ có tham lam, sân hận, si mê là kẻ thù chung của con người. Thay vì trả đũa, trả thù con người, đạo Phật dạy: “Hãy diệt tiêu tham lam, sân hận và si mê”. Ba độc tố này có mặt ở chỗ nào hạnh phúc mất ở chỗ đó.

  Điều thiện ngược với hoàn toàn với tham, sân và si, do sự tập tành của con người qua phong tục, tập quán, đời sống cá nhân, giao tế trong xã hội và giao du bạn bè. Nếu biết làm chủ, con người sẽ vượt qua tham, sân, si. Những kẻ chạy theo vận “đen đỏ” khi nhìn lại mình bằng soi gương nhân cách sẽ thấy mình mất phương hướng, tuyệt vọng. Có nhiều người khi bị thua đã tự vẫn mà chết. Không dại gì ta đánh mất cuộc đời mình vào sự hơn thua.

  Theo đức Phật, kẻ thắng sanh niềm vui, kẻ thua tạo hận thù. Thắng và thua là hai điều kiện tương đối. Người vượt lên được mọi thắng thua, chiến thắng chính mình là người có hạnh phúc nhất. Đức Phật dạy: “Thắng được ngàn quân giặc ở bãi chiến trường dù khó nhưng có thể làm được nếu ta có chiến thuật và chiến lược. Thắng những cảm xúc, nỗi khổ niềm đau, thói quen xấu của mình là chiến thắng vĩ đại”. Khi thực tập thiền, ta trở thành người vĩ đại, bằng sự chiến thắng bản thân, ta không còn nhìn thấy gương mặt mình xấu xí, không còn thân sơ thất sở của mình, nhờ đó, ta có niềm vui, người thân thương của ta cũng có niềm vui tương tự.

  Chạy theo vận “đỏ đen” giống như ôm cây đợi thỏ. Đây là câu chuyện có thật ở Trung Quốc. Có một người rất lười, sau những nỗ lực không thành công dẫn đến tuyệt vọng, anh tới một gốc cây ngồi ngủ gà, ngủ gật. Có một con thỏ bị một thợ săn rượt đuổi, sợ quá, nó lao vào cây gãy cổ mà chết. Lúc đó, anh ta nghĩ rằng vì ngồi dưới gốc cây nên mới có con thỏ để ăn. Do đó, thay vì đi làm việc thì anh chỉ ngồi chờ thỏ chết, khỏi phải lao động gì hết. Suốt nhiều ngày anh bị khát khô cổ họng, da nám đen và bị mọi người chê cười là kẻ khờ khạo, không có tri thức.

  Câu chuyện “Ôm cây đợi thỏ” dạy ta triết lý sống: “Đừng chờ đợi cuộc đời mang lại niềm vui cho ta”. Niềm vui giống như không khí, ta có thể hít thở hằng ngày, giống áo quần có thể trang sức, thực phẩm ta ăn, nước ta uống. Chỉ cần đụng tới, ta tiếp xúc được nó, hướng tới ta ngửi được nó mà không cần đi tìm đâu xa. Thiên đường hay cảnh giới sau khi ta chết không phải là chốn hạnh phúc. Tất cả các hạnh phúc giác quan chỉ là chiếc bánh vẽ. Ta phải sống tốt, sống đạo đức giúp người thân thương, báo hiếu cha mẹ, có trách nhiệm với con em của ta. Đây là lối sống giúp ta trở thành người tốt.

QUẢ BÁO HIỆN TIỀN

  Phần cuối của bài ca là lời bi thương, ân hận về những gì mình đã làm, bây giờ phải nhận lấy hậu quả:

Ta mang bao tội lỗi nên thân ta giờ đây

Kiếp sống không nhà không người thân...

  Đây là quả báo hiện tiền do khi sống ta không nghĩ tới người thân. Người thân có những nỗi uất hận, hàng rào làm ta và người ngày càng xa cách nhau, mỗi lần gặp nhau không muốn nhìn mặt nhau. Nghe tiếng nói của nhau cảm thấy nỗi uất hận trào dâng sôi sụt trong lòng, cho nên “Có mặt ta thì không có mặt người ấy” và ngược lại. Tối và sáng, ngày và đêm, trời và trăng gần như thay đổi nhau để có mặt. Nỗi hận thù, oán trách giữa ta và người khác cũng diễn ra như thế.

  Khi dấn vào con đường tội lỗi, kiếp sống mất hết ý nghĩa. Lúc ấy, người thân ta cũng không muốn thừa nhận ta nữa. Rất ít các anh chị may mắn còn được người thân đến thăm viếng, vẫn quí trọng mình như ngày nào.

  Tôi gặp các anh chị ở trại giam K20 huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Các anh chị tâm sự: “Kể từ khi vướng vào con đường đỏ đen, tình yêu không cánh mà bay, tình thân mặc dù có cánh vẫn bị chặt đứt”. Họ mặc cảm có một người trong gia đình bị tai tiếng thế này thế nọ. Trong khi đó, đời sống cần có tình người. Dù có những điều không đẹp trong quá khứ, ta vẫn là con người, người thân đến với ta bằng tình cảm con người. Luật pháp tôn trọng sự đổi thay nhân cách của ta.

  Đạo Phật dạy: “Đừng nên mặc cảm quá khứ vì quá khứ đã trôi qua rồi”. Mặc cảm chỉ làm cho con người sống với nỗi đau quá khứ, không có giá trị gì hết. Con người phải có niềm tin phấn đấu vươn lên, dù bị cô lập, hay bị chối bỏ. Đừng trách móc, đừng buồn tủi thân phận, hãy nỗ lực làm những việc thật tốt, thật nhiều để sớm thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh.

XA LÁNH KIẾP ĐỎ ĐEN

Người ơi! ta đâu còn chi

Xin hãy tránh xa kiếp đỏ đen”.

  Lời tuyệt vọng thể hiện ở câu đầu, thái độ tích cực mở ra ở câu sau: “Từ bỏ kiếp đỏ đen”. Kiếp đỏ đen không dẫn tới một tương lai tươi sáng nào.

  Bài ca chỉ có 15 câu nhưng tác giả sử dụng gần 10 phủ định từ với nhiều sắc thái khác nhau: Không, chẳng còn chi, phủ phàng, trắng tay, bằng không, hoang tàn, xơ xác, đâu còn gì v.v...   Điều đó cho thấy, vướng vào con đường không được luật pháp thừa nhận, ta đánh mất tất cả mọi thứ. Quả trổ của những hành vi xấu gồm 2 hướng: Trước mắt và lâu dài. Trước mắt thì kẻ xấu chịu quả xấu, lâu dài tức quả xấu trổ ở kiếp sau. Nếu đặt lên bàn cân, cái ta được từ những gì không được luật pháp cho phép rất ít so với những gì ta mất. Lấy cán cân lợi và hại làm thước đo thì ta nên chọn hướng lâu dài hơn cái được trước mắt, vì được trước mắt không giải quyết gì cho ta cả.

  Tôi có một người anh ruột, trong quá khứ, khi đối diện với nỗi đau tột cùng, đã nghĩ đến cái chết. Lúc đó, tôi đang tu học ở Ấn Độ, nơi đạo Phật được phát nguồn. Anh ấy gởi lá thư tuyệt vọng và yêu cầu một lời khuyên. Tôi gởi fax về nhắn nhủ 3 điều:

  1) Nếu bàn tay làm cho anh khổ đau, hãy dùng bàn tay đó mang lại hạnh phúc cho chính mình.

  2) Nếu cuộc đời của anh đã làm cho vợ và con khổ đau, hãy sử dụng nó làm cho anh và gia đình được hạnh phúc. Nếu hành xử của anh trong thời gian qua làm cho xã hội bị khổ đau, hãy nỗ lực chuyển nghiệp, làm cho xã hội được hạnh phúc.

  3) Tự vẫn là một sự hèn nhát. Chạy trốn là một bế tắt. Bỏ cuộc đời là vô trách nhiệm và bất hiếu đối với cha mẹ chết lãng xẹt, ta không có cơ hội chuộc lại những lỗi lầm.

  Cuối thư tôi nhắn gửi anh hãy tới tu viện Thường Chiếu tại Long Thành. Tôi gởi một lá thư nhờ Thượng tọa Thiện Long xin Hòa thượng Thích Nhật Quang cho phép tu học tại Thiền viện. Tại đây, môi trường và không gian tâm linh rất tốt. Anh ta đã bỏ được ma túy, rượu bia, tứ đổ tường. Bây giờ, anh là một nhà sư, giảng kinh, thuyết pháp, làm từ thiện. Anh chia sẻ quãng đời của mình và mong tất cả những người sống như anh vượt qua những khó khăn trong đời.

QUAY ĐẦU LÀ BỜ

  “Quay đầu là bờ” là niềm khích lệ lớn. Ta phải đi vào quỹ đạo của đạo đức, nếu muốn trở thành con người hạnh phúc. Khi quay đầu, ta hướng về được con đường tốt. Phải nỗ lực bơi vào bờ để không chết chìm giữa sông. Chết chìm không ai nhớ đến ta, kiếp kiếp người đời sẽ nguyền rủa. Người thân thương sẽ uất hận mình và bản thân cũng bị lương tâm dầy vò.

  Kinh Phật nói đến 3 giai đoạn của đời người: “Vị ngọt, vị đắng và vị xuất ly”. Ai trong cuộc đời cũng có 1 vị ngọt, đó là thời vàng son, sự thành công và hạnh phúc. Nếu không biết giữ, chỉ một sơ xuất, không làm chủ bản thân, ta phải trải qua giai đoạn thứ hai là “vị đắng”, tạo ra đau khổ, đắng cay cho mình và người thân thương. Đó là khi ta có những hành động, lời nói, việc làm không được xã hội thừa nhận, không được luật pháp tán đồng, không được đạo đức cho phép. Vị đắng để lại vết hằn rất lớn trong đời người. Dĩ nhiên, khi ta làm mới có người rộng lượng tha thứ bỏ qua, có những người giận dai, giận dài, không bỏ qua, ta cũng đừng vì thế mà mặc cảm. Giai đoạn thứ ba là “xuất ly”, nghĩa là phải thoát ra khỏi hoàn cảnh của “vị đắng”. Thoát đây không phải là trốn tránh. Ta làm lại cuộc đời của ta.

  Nếu bàn tay này mang khổ đau, tự hành hạ bằng cách chặt đứt nó ta sẽ mất luôn bàn tay một cách vĩnh viễn. Hành động này không lợi cho ai. Hãy dùng bàn tay này làm những việc tốt.   Tương tự, thay đổi cuộc sống là làm các hành động mới có khuynh hướng đối lập hoàn toàn với những hành động cũ trong quá khứ. Trước đây hơn thua, miệng nói tay đấm, giờ ta trở thành người tận tụy, giúp đỡ chia sẽ và hỗ trợ người bất hạnh, xem họ như cha mẹ ruột.

  Thực tập xem mọi người như các thành viên trong gia đình, ta không còn hơn thua nữa. Sống giúp đỡ tạo cho ta cơ hội, được ân xá. Ân xá chỉ diễn ra một năm mấy lần vào những ngày lễ lớn. Khi về với gia đình hãy nỗ lực làm những việc tốt để tẩy sạch quá khứ bất hạnh. Nhờ nỗ lực chuyển nghiệp, anh chị em có được thời hạn ân xá sớm hơn và nhiều hơn những gì ta mong đợi. Muốn được ân xá, ta phải phát khởi tâm cao thượng, làm việc tốt bằng sự nhiệt huyết. Ta làm vì niềm vui, phụng sự cho người khác, cho xã hội cộng đồng. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà ta có thể có, nhờ sự chuyển nghiệp.

  Thân thể ta với chiều cao, vóc dáng mập ốm thay đổi không được nhiều dù có giải phẩu thẩm mỹ. Nếu biết giải phẩu tâm, ta trở thành con người rất mới. Giải phẩu tâm có khi thành công, có khi thất bại. Khi giải phẩu tâm, ta thấy được dòng cảm xúc, động cơ của hành động, mục đích, ngắn dài, kiếp này và kiếp sau. Nhân quả báo ứng là chuyện có thật. Dù ta không tin nhưng nhân quả báo ứng là chuyện diễn ra hằng ngày. Thấy được điều đó, ta phải cố gắng làm và sống tốt để khỏi phải trả những hậu quả do chính ta tạo ra. 

  Trong Phật giáo có câu: “Phàm làm việc gì trước hết nên nghĩ tới những hậu quả của nó”. Hãy cùng nhau suy nghiệm câu này, như phương châm sống, ta sẽ vẫy tay chào với quá khứ đau khổ và tội lỗi, để có một tương lai trách nhiệm, đạo đức và hạnh phúc. 

***

 
00:00