Chương 4: TÌNH THÂN QUYẾN

Giảng ngày 02-9-2011 tại chùa Gio Linh, Quảng Trị
Phiên tả: Trần Thị Minh Tâm


 

I. NĂM PHƯƠNG CÁCH THẮT CHẶT TÌNH ĐOÀN KẾT

    Tình thân quyến là một phần quan trọng thuộc sáu tương quan gia đình và xã hội được đức Phật dạy trong kinh Thiện Sanh, bài kinh dạy chúng ta nghệ thuật xây dựng hạnh phúc gia đình và phát triển xã hội theo hướng bền vững. Rất tiếc phần lớn Phật tử tại gia ở các nước Phật giáo đại thừa lại ít biết đến bản kinh này. Lý do đơn giản là vì trong các nghi thức tụng niệm tại chùa thì bài kinh này không được đề cập.

    Đối với tương quan gia đình, ngoài mối liên hệ thiêng liêng giữa cha mẹ con cái thì mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng được xem là rất quan trọng. Sau một năm kết hôn, vợ chồng thường có con cái. Sau vài năm, xuất hiện mối quan hệ tình thân giữa anh chị em ruột thịt, và mối quan hệ họ hàng. Quan hệ tình thân có chức năng gắn kết đời sống hạnh phúc của từng gia đình nhỏ.

    Đức Phật dạy mỗi người chúng ta với tư cách là người thân cần phát triển năm đạo đức gia đình. Khi được ứng xử bằng năm tương quan đạo đức, ta cũng phải ứng xử bằng năm tương quan đạo đức tương tự. Có như thế, anh chị em bà con quyến thuộc sẽ cùng hỗ trợ và đồng hành trên con đường mưu cầu hạnh phúc cho nhau.

    Mỗi điều tương quan đạo đức được đức Phật Như Lai nêu trong kinh rất ngắn gọn, nhưng giá trị hạnh phúc của nó còn mãi với chúng ta. Thậm chí đến hàng chục thế kỷ sau nó vẫn còn là tiêu chí, là phương châm, là cẩm nang xây dựng hạnh phúc tình thân.

    Đức Phật dạy: “Nhờ sống thân kính, nên được yên ổn, không lo sợ gì”. “Thân kính” tức là tôn trọng trên dưới, có tôn ti trật tự, quan hệ hiếu thuận, có sự tương thân trợ giúp lẫn nhau; do vậy những người thân sẽ trở thành một lực lượng đoàn kết. Khi các thành viên trong họ tộc nối kết nhau, gia đình liền tăng sức mạnh. Đức Phật nói, khi đó sẽ không còn bất kỳ một nỗi sợ hãi cá nhân hay tập thể của bất cứ người nào, dù ở bất cứ nơi đâu. Tính liên minh người thân giúp chúng ta sống một cách hài hòa.

    1. Giúp đỡ khi khó khăn

        Việc cha mẹ giúp đỡ con cái, con cái hiếu thảo với cha mẹ là điều dễ thực hiện, mặc dù không phải gia đình nào cũng thực hiện được. Rộng hơn nữa là anh chị em, bà con huyết thống gần xa cũng phải có tâm hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp gian khó.

       Một trong sáu điều đạo đức của người tại gia được đức Phật dạy là luật Ba la mật. Bố thí là thước đo cũng là nhịp cầu giúp đỡ người thân. Trong Tứ nhiếp pháp, tức bốn điều đắc nhân tâm thì bố thí đứng đầu. Hiểu rộng nghĩa từ này trong ngữ cảnh gia đình, người có tinh thần bố thí sẵn sàng giúp đỡ anh chị em ruột thịt và bà con thân quyến. Không đầu tư vào sự quan tâm giúp đỡ bằng vật thực, tài chính và vật chất cụ thể thì tình thân quyến có thể sẽ bị sứt mẻ hay gặp nhiều trục trặc. Rất nhiều người sẵn lòng bố thí cứu người, giúp đời ở bất cứ nơi đâu nhưng với thái độ lạnh như tiền vì trái tim đã bị băng giá đối với người thân ruột thịt nhất trong gia đình. Nếu người ấy là Phật tử càng vô tình làm cho những người xung quanh có ác cảm với Phật, nghĩ rằng do là Phật tử nên lối ứng xử mới kỳ quặc như thế.

       Sự chấp trước cảm xúc đối với người thân bao giờ cũng cao hơn với người dưng nước lã. Dân gian Việt Nam có câu: “Hơi đâu mà giận người dưng”, nếu đó là chân lý thì dĩ nhiên nên áp dụng; nhưng nếu hiểu phiến diện thì một số lại cho phép mình được quyền giận người thân. Họ nghĩ rằng, vì người thân hiểu mình, sống chung với mình, tương quan với mình như một tổng thể, ấy thế mà có những lời nói, hành động, việc làm khiến mình mất mặt; còn người dưng nước lã, thỉnh thoảng gặp gỡ, ngoại giao, tiếp xúc, sau đó mỗi người một ngã thực hiện việc riêng; ít có thời gian để tâm lưu ý nên ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm hay sơ suất của họ. Theo Phật giáo, quan niệm này hoàn toàn sai lầm.

       Chúng ta sống với người thân chứ không sống với người dưng, mặc dù trong tương quan xã hội những tiếp xúc với họ là điều không thể tránh khỏi. Ai có lòng từ bi, cứu người, giúp đời thì trước nhất hãy thực hiện hành vi từ bi đó với người thân trong gia đình. Đức Phật thường khuyên Phật tử tại gia chia doanh thu hàng tháng ra làm bốn phần, 25% dành cho hiếu thảo với cha mẹ, 25% chi tiêu hàng tháng, 25% tiết kiệm và 25% còn lại để làm từ thiện. Hiếu kính cha mẹ là cụ thể hóa từ hành động giúp đỡ người thân. Cha mẹ là người thân thiết nhất trong cuộc đời, vì nếu không có cha mẹ chúng ta đã không thể tái sinh làm người. 25% dành cho việc từ thiện cũng có thể được hiểu trước nhất từ thiện cho những người thân. Sẽ chẳng có một giá trị thiết thực nào nếu ta đi giúp người khác trong khi người thân ruột thịt của mình ốm đau, khó khăn, bệnh tật mà mình lại không quan tâm. Ai rơi vào hoàn cảnh như thế thì hãy nương vào bài kinh này mà điều chỉnh mối quan hệ gia đình. Có thể vì một tính xấu, một thói khó ưa của người thân nào đó khiến chúng ta bị chai sạn tình thương trong gia đình nhưng đừng xem đó là rào cản cố định mà hãy nỗ lực giúp người khó ưa vượt qua tính xấu của họ.

       Với nỗ lực, phương pháp, thiện chí, lòng kiên nhẫn, trí tuệ và từ bi, trước sau gì chúng ta sẽ cảm hóa được người thân. Việc trợ giúp họ là nhịp cầu rất quan trọng để sau này, tiếng nói chân thành của chúng ta được họ tiếp nhận một cách dễ dàng hơn.

    2. Nói lời hòa nhã hiền lành

       Khi con người trưởng thành, mối tương quan xã hội mở cửa với nhiều góc độ tình thương khác nhau. Nhu cầu tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội bắt đầu có mặt. Bằng kinh nghiệm của cá nhân, bằng sự chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước, bằng bản chất công việc và nội dung yêu cầu của mỗi email gửi đến, cá nhân hay tổ chức buộc phải thay đổi chính mình để tạo phong cách lịch sự, lễ phép, nhã nhặn, hòa ái trong truyền thông ngôn ngữ giữa mình và đối tác. Bắt được phương diện này thì vai trò, vị trí mình đang nắm giữ sẽ được bảo đảm, khả năng thăng tiến sẽ nhiều hơn.

       Ở đây, đức Phật dạy chúng ta hãy thực tập với trái tim nhiệt huyết thật sự của mình đối với những người thân thiết, vì họ tiếp xúc với chúng ta ít nhất tám tiếng mỗi ngày. Khi buông lời chì chiết, nặng nhẹ, căng thẳng, sân hận, hoặc ngữ điệu lên xuống của nội dung nói không được cân nhắc kỹ, cũng khiến người thân cảm thấy không vui; hạnh phúc gia đình giảm nhiệt. Dân gian Việt Nam thường nhấn mạnh góc độ lịch sự qua câu: “Lời nói không mất tiền mua”. Đạo Phật thì đi trực tiếp vào nội dung của sự truyền thông ngôn ngữ là làm sao đạt hai yếu tính: hòa nhã và hiền lành. Hòa nhã để không nói sốc, không chọc tức, không nói hận thù, trả đũa hơn thua, mà nói lời chia sẻ quan tâm lẫn nhau.

       Thử quan sát hai hình ảnh ngữ điệu có cùng nội dung nhưng cách thể hiện khác nhau, dẫn đến người cảm nhận có các phản ứng hoàn toàn khác nhau. Người em trai nói với anh chị mình một cách nhẹ nhàng vui vẻ rằng: “Thưa anh chị, đến giờ cơm chiều, mời anh chị vào bàn kẻo cha mẹ chờ”. Ngữ điệu như thế làm cho người nghe cảm thấy hân hoan rằng mình được tôn trọng dù mình có hơi chểnh mảng, lẽ ra đến giờ phải ngồi vào bàn mà không cần mời mọc. Người sơ suất do nhiều việc hoặc sơ suất trong mối quan tâm với người thân sẽ biết mình cần điều chỉnh khi được em út nhắc khéo. Người nói cũng cảm thấy mình tăng giá trị. Nhờ đó, tình thân thương bên bữa cơm gia đình càng đầm ấm.

       Cũng câu nói đó nếu bằng ngữ điệu lạnh lùng, hằn học thể hiện thái độ không hài lòng của người mời thì người được mời không cảm thấy hân hoan, nghĩ rằng mình không được tôn trọng.

       Yếu tố hòa nhã trong ngôn ngữ truyền thông giúp chúng ta đắc nhân tâm một cách dễ dàng. Quý bà, quý ông làm công việc chiêu đãi viên hàng không, nhân viên ngoại giao thường biết ứng xử theo phép lịch sự tối thiểu, ăn nói luôn kèm theo nụ cười rất duyên, nhưng khi về đến nhà, một số họ lại không ứng xử như vậy. Họ cho rằng vợ chồng con cái, anh em vốn hiểu nhau nên chẳng cần màu mè, khách sáo. Họ mặc sức bộc lộ mặt trái của tính tình bằng lời ăn tiếng nói cộc cằn thô lỗ. Dù người phát ngôn đạt vị thế xã hội cao, tiền bạc nhiều, ngoại hình đẹp nhưng chắc chắn người tiếp nhận sẽ không thể vừa lòng.

       Yếu tố hòa nhã còn được hiểu là ta phải thấy rõ mối tương quan giữa mình với người thân ở vị trí nào mà ứng xử một cách lịch sự. Cử chỉ hành động có tác dụng bổ trợ cho ngữ điệu nhằm tăng mức độ lịch thiệp trong giao tiếp. Khi mang hạnh phúc đến cho người thân thì họ cũng hoan hỷ mang lại bình an cho chúng ta, đó là mối tương quan hai chiều.

       Quan hệ vợ chồng nên lưu ý một điều, tình trạng tranh cãi, hơn thua chân lý đúng sai, phải quấy, thường tạo sứt mẻ thậm chí đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Dù đối mặt nhiều vấn đề bất đồng lớn, ta cũng đừng vì thế mà nói lời hằn học với nhau.

       Tương tự với bà con thân quyến hay người ngoài xã hội, chúng ta cũng phải để ý yếu tố hòa ái trong ngôn từ. Ngoài khẩu ngữ, con người còn có khả năng thể hiện truyền thông qua cử chỉ tay chân, những dấu hiệu, tín hiệu, các loại hình văn hóa và biểu tượng văn hóa. Chẳng hạn khi Phật tử vào chùa gặp quý thầy, quý sư cô thường chắp tay như đóa hoa sen trước ngực rồi cúi đầu xuống; có người niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, hoặc gọn hơn là “mô Phật”. Là Phật tử, ta phải luôn liên tưởng mình đang dâng tặng một vị Phật tương lai đóa hoa sen biểu tượng, để mong mỏi người được mình tôn trọng đó có nhân cách vĩ đại, xứng đáng làm thầy của giới tại gia, biết sống tốt về đạo đức, trí tuệ và thiền định. Phật tử gặp nhau cũng xá chào nhau bằng một đóa hoa sen, dù không nói gì cũng tỏ rõ sự trân trọng dành cho người khác. Ngoài ra những cái bắt tay ôm, vẫy tay chào ở thế gian đều được xem là dấu hiệu của truyền thông. Chúng ta phải hết sức chánh niệm và tỉnh thức để ý đến truyền thông bằng ngôn ngữ làm cho người tiếp nhận cảm thấy hài lòng. Tránh tình trạng tạo thông tin hiểu sai để người ứng xử với chúng ta không hiểu, từ đó tương quan giữa ta và họ không tốt đẹp.

    3. Hỗ trợ giúp người tiến bộ

       Hỗ trợ có nhiều cách, bằng kiến thức, bằng kinh nghiệm, bằng sự dạy nghề, định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ bằng vật thực, tài chính và nhiều hỗ trợ khác. Tuy nhiên để việc hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực, đức Phật nhấn mạnh, giúp người thân tiến bộ nghĩa là phải giúp họ đứng về liên minh của cái thiện, cái tích cực. Từ bỏ tình trạng a dua, đồng lõa, thuận theo hành động xấu, nghề nghiệp xấu, cá tính xấu gây bất hạnh và tiêu cực giữa xã hội nói chung.

       Ngày hôm qua, các phương tiện truyền thông từ tivi đến báo chí đều đưa tin sự kiện cậu thanh niên mười tám tuổi Lê Văn Luyện đã ra tay giết dã man hai vợ chồng cùng đứa con gái của một tiệm vàng, để cướp vài chục cây vàng. Tuổi học sinh đã thể hiện hành động của giới giang hồ như thế quả thật là hồi chuông báo động đỏ. Báo chí đưa tin cha mẹ ruột của cậu, người bác và vài người thân trong gia đình cũng bị bắt vì giấu giếm bao che tội phạm; không báo cơ quan chức năng khi phát hiện cậu phạm pháp giết người cướp của ở mức độ nghiêm trọng. Theo luật hình sự Việt Nam và luật pháp trên toàn cầu thì tội đồng lõa, chứa chấp, không khai báo tội phạm đến các cơ quan chức năng, bất luận là ai, dù người thân hay người dưng đều phải chịu tội cộng hưởng.

       Về phương diện nhân quả và đạo đức Phật dạy, bao che tội lỗi cũng là việc tạo ra nghiệp xấu cho mình, cho người. Sự bao che đó đồng nghĩa giúp nhau trốn tù tội, trốn bất hạnh, trốn luật pháp. Trong khi đức Phật dạy chúng ta giúp nhau tiến bộ chứ không giúp nhau bảo thủ cái xấu. Tinh thần trách nhiệm trước đạo đức nhân quả sẽ dạy chúng ta thái độ biết tự thú mà tự thú trong tình huống này đáng khích lệ. Lẽ ra cha mẹ cậu Luyện nên khích lệ đứa con ruột thịt của mình ra đầu thú, thừa nhận tội lỗi, đàng này họ bao che và chôn số vàng cướp được dưới hầm phân nhà mình. Bị phát hiện, họ phải lĩnh bản án ít nhất bảy năm tù.

       Cho nên, cha mẹ giúp con cái, anh chị em giúp nhau, bà con quyến thuộc hỗ trợ cần nhấn mạnh mục đích của việc trợ giúp. Người thân tiến bộ được hiểu là ngày càng phát triển bền vững trong sự nghiệp, trong hạnh phúc gia đình bằng nỗ lực phấn đấu, khác hoàn toàn với đồng lõa a dua, bao che và giấu giếm để người thân ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Bài kinh Địa Tạng đưa ra hình ảnh khi một người thân nào đó va vào con đường tội lỗi cũng giống như rơi vào vũng bùn. Sự trợ giúp ở đây không phải là cùng nhảy xuống, như thế thì hai người nhanh chóng lút lún sâu và cùng chết. Trong tình huống này, ta cứ vẫn đứng trên bờ, dùng một sợi dây, một cái thang hoặc bất cứ phương tiện nào giúp người lâm nạn nương vào nhằm thoát khỏi cái chết bị chìm sâu.

       Với con cái, đôi lúc sự giúp đỡ có thể bằng đòn roi thì con cái mới thức tỉnh quay đầu, chứ không phải lúc nào cũng lời ngon tiếng ngọt, muốn gì ủng hộ nấy.

Tại hầu hết ngôi chùa Bắc tông, ta thường thấy hai biểu tượng ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện tượng trưng cho giáo dục đạo đức bằng lời lẽ khích lệ. Đối tượng được sử dụng phương pháp giáo dục này là những con người thiện, chỉ cần nói sơ sơ họ có thể tiếp nhận, ứng xử, và sống tốt. Còn ông Ác biểu tượng cho việc sử dụng phương pháp kỷ luật, thậm chí cầm tù để giúp kẻ ngoan cố, có nhiều thói hư tật xấu và đang nhiễm đắm trên con đường hưởng thụ được hồi đầu. Dù sử dụng phương pháp mềm hay cứng thì mục tiêu của chúng ta là giúp người đó tiến bộ. Cố gắng giúp vẫn không tiến bộ, ta phải hiểu mình sai phương pháp, cần quay trở về xem xét lại, điều chỉnh cách thức trợ giúp dành cho người thân.

    4. Mang lại lợi lạc cho nhau

       Ở đây đức Phật không dùng khái niệm kết quả hay hậu quả vốn đã được xã hội mặc định, kết quả phải tốt, hậu quả phải xấu, mà đức Phật nhấn mạnh đến sự lợi lạc. Việc giúp nhau vừa là tiêu chí vừa là thước đo cho quan hệ tương thân, mang lại lợi lạc cho nhau chứ không phải lợi lạc một chiều. Khi tiếp nhận sự giúp đỡ cũng không nên lợi dụng để trở thành một Chí Phèo hư đốn ỷ lại.

       Gia đình nào có con nghiện ma túy dưới các hình thức đập đá, hút chích, thuốc lắc, hoặc rơi vào nghiệp đỏ đen, ăn chơi hưởng thụ sa đọa, quen thói lêu lổng rày đây mai đó không bận tâm đến trách nhiệm gia đình cũng như vai trò xã hội, thì đừng dễ dãi tin những lời hứa thông thường của chúng. Kinh nghiệm xã hội cho thấy những kẻ nghiện ma túy, cờ bạc, thích hưởng thụ, ăn chơi thì lời hứa của họ như trứng non dễ vỡ. Khi bị cơn nghiện khống chế, họ có thể đóng vai kẻ ăn năn hối lỗi, hồi đầu, thậm chí họ dùng gậy gộc tự đánh vào cơ thể mình cho bầm tím, chảy máu nhằm thể hiện sự chân thành hướng về con đường an vui. Nếu thiếu kinh nghiệm chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy của sự dối trá. Sau khi chu cấp tiền bạc, hỗ trợ nhu cầu cần thiết thì những kẻ nghiện ngập như thế vẫn tiếp tục lún lút sâu trong con đường tội lỗi và đánh mất tương lai.

       Đôi lúc chúng ta cần dùng phương pháp thật cứng rắn để mang lại lợi lạc cho nhau. Việc nào, hỗ trợ gì không mang lại lợi lạc thiết thực thì chúng ta dứt khoát không làm. Người thân có buồn, ta cũng hoan hỷ chấp nhận. Hãy tìm cách để họ hiểu rằng có những phương pháp mà cả hai bên đều phải hợp tác thì việc giúp đỡ mới thật sự có kết quả. Khi đón nhận bất kỳ sự trợ giúp nào, đừng nên lợi dụng vào nó. Phải sử dụng sự trợ giúp hay các dịch vụ hỗ trợ một cách có ý nghĩa, như thế mới không bị tổn phước. Cha mẹ thương con cũng không nên giao cho con tất cả gia tài thừa kế mà giao phương pháp tạo ra gia tài với sự hỗ trợ vốn liếng căn bản ban đầu. Con em sẽ nương vào đó trở thành người tự lập. Còn muốn gì cho nấy phần lớn làm con em bị hư nhiều hơn.

       Sự giúp ích mang lại lợi lạc thiết thực nhất theo đức Phật đó là hướng người thân trở thành Phật tử. Một sự thật không thể phủ định là trong rất nhiều gia đình Phật tử, phần lớn quý bà tinh tấn đi chùa, tu tập các pháp môn, làm các việc lành, tham gia Phật sự, hưởng ứng công tác từ thiện; còn quý ông với vai trò người chồng, người cha lại không có được sự nỗ lực tương tự. Lý do đơn giản là trong cơ chế tổ chức của đạo Phật không có những hình thái bắt buộc như các tôn giáo khác. Thói quen đã làm cho người ta trở nên chậm lụt, không thích đi chùa, không thích có mặt tại các giảng đường, không tinh tấn học hỏi Phật pháp. Và kết quả rất nhiều quý ông trở thành những người tụt hậu. Nếu đi chùa từ nhỏ với tư cách là Phật tử thuần thành, học hỏi nhiều điều đạo đức thì có lẽ mỗi gia đình đều có những ông chồng lý tưởng, những người con, người cha lý tưởng. Gia đình như thế sẽ trở nên gắn bó hơn.

       Do đó phải làm sao thuyết phục vợ chồng, con cái, anh chị em, bà con nếu chưa chính thức trở thành Phật tử thì hãy nhanh chóng tham gia các sinh hoạt hợp pháp của đạo Phật, các hoạt động gia đình Phật tử trong những ngày lễ lớn, rằm tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, tháng mười và ngày lễ vía Phật. Đó là cách chúng ta giúp đỡ cả một tương lai, thậm chí nhiều đời kiếp sau cho người thân được lợi lạc.

    5. Chân thật, không hề dối gạt

       Là thành viên cùng gia đình mà còn gian dối, cân đong tính đếm hơn thua, lừa đảo, qua mặt thì thử hỏi trong đời này còn thành phần nào, con người nào, ở đâu không dám làm như thế. Cho nên đức Phật rất thiết thực ở chỗ, muốn trở thành công dân tốt của một quốc gia, thành viên tốt của xã hội thì trước nhất phải là thành viên tốt của gia đình. Tiêu chí làm thước đo người tốt là lòng chân thật, thuật ngữ trong kinh tạng Pali gọi là “Hạnh chân nhân”.

       Đối với người xuất gia, khi phát triển sự chân thật trong ngôn ngữ, hành động việc làm, trong sự nghiệp hóa độ, trong các Phật sự dấn thân giúp ích cho cuộc đời, thì người ấy sẽ trở thành một thánh nhân. Do đó chân thật là yếu tố rất quan trọng. Sự chân thật được hiểu là người có mối quan tâm đến lợi ích cộng đồng nhiều hơn lợi ích bản thân. Ta lấy lời dạy của đức Phật làm trục xoay, đôi lúc cá nhân mình tùy thuận theo tập thể để mang lại lợi lạc chung, có tinh thần công ích nhiều, người như thế dù sống ở bất cứ nơi nào cũng cống hiến hết mình cho xã hội, luôn minh bạch và do đó ai sống chung cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái, bình an, không phải lo nghĩ, sợ hãi hay dè dặt. Sống chung trên danh nghĩa vợ chồng, anh chị em, bà con với nhau mà còn căng thẳng, thì sống với người dưng sẽ càng mệt mỏi hơn vì một vài thói hư tật xấu của họ.

       Để thoát ly tính dối gạt, đạo Phật dạy chúng ta lấy mình làm ví dụ. Ta đau khổ thế nào khi bị người khác dối gạt thì kẻ bị ta dối gạt cũng khổ đau tương tự. Quan hệ vợ chồng chẳng hạn, phát hiện bạn đời ngoại tình, lập tức nỗi đau đó khiến nạn nhân se thắt lại và mất hết niềm tin.

       Ngày hôm qua, một Phật tử làm nghề tiếp viên hàng không đến chia sẻ nỗi đau của gia đình. Cô phát hiện cha cô ngoại tình, và mẹ cô bị ám ảnh đến nỗi không còn muốn sống trên thế gian này nữa. Đời sống gia đình bỗng trở nên lạnh nhạt. Người cha trong tình huống này muốn nỗ lực sám hối làm lại cuộc đời nhưng không được vợ đón nhận một cách tha thứ. Bà luôn bị ám ảnh rằng trong nhiều năm qua, bà bị chồng lừa gạt. Bà không còn niềm tin rằng trong tương lai, chồng bà sẽ sống chân thật như đã từng chân thật trong quá khứ.

       Đánh mất sự chân thật khiến chúng ta dính vết nhơ về uy tín, và phải mất rất nhiều thời gian gầy dựng lại. Như vậy tốt nhất chúng ta hãy chân thật với nhau. Nhiều người thích nói láo, nghĩ rằng mình nói không hại ai thì không sao. Cứ tự an ủi như thế cho nên từ nói láo vô hại dẫn đến nói láo có chủ đích.

       Người tu học Phật phải tập từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Thực tập kiên trì sẽ tạo thành thói quen giúp chúng ta không có phản ứng quan cách, ngược lại sống chuẩn mực, minh bạch; ai gần gũi cũng cảm thấy quý mến trọn thương.

II. NĂM CÁCH ỨNG XỬ ĐỀN ĐÁP

    Khi được ứng xử bằng năm tương quan vừa nêu thì đức Phật dạy chúng ta phải đối lại cũng bằng năm cách:

    1. Bảo hộ không cho buông lung

       Bảo hộ tức là thái độ chăm sóc, lo lắng, giúp đỡ người thân không để giải đãi, lười biếng, buông lung, hưởng thụ, sa đọa, và phạm pháp. Nhìn chung giúp người đó đi trên con đường chân lý, đạo đức để được hạnh phúc ở hiện tại hoặc tương lai. Các bậc phụ huynh nhiều kinh nghiệm muốn con em mình có tương lai hạnh phúc, thì khi con còn nhỏ nên dẫn vào chùa quy y. Đừng sợ rằng với tuổi đó, con em do quá nhỏ chưa thể ghi nhận gì. Trẻ con ngày nay thông minh và phát triển não bộ hơn chúng ta rất xa, chẳng hạn mới vài ba tuổi đã biết quan niệm về thẩm mỹ.

       Năm 2002, chúng tôi bắt đầu thực hiện bộ lịch treo tường chụp hình chú tiểu. Đối tượng mời chụp phần lớn là các bé từ chín tháng đến ba tuổi trong nước lẫn nước ngoài. Chúng tôi cố tình chọn những em bé bụ bẫm, sang trọng, gương mặt sáng sủa, điệu bộ tự tin, nụ cười rạng rỡ nhằm làm bộ lịch trở nên ấn tượng. Tuy nhiên, phải rất vất vả chúng tôi mới thuyết phục được những em bé này trở thành người mẫu chú tiểu. Trong mười trường hợp thì chúng tôi thành công tối đa bốn. Sau khi cha mẹ chấp nhận, cho phép chụp hình lên ảnh, nhiều bé lại lắc đầu. Hỏi tại sao thì các bé trả lời rằng sợ cạo đầu sẽ xấu.

       Hiện nay, trẻ em xem phim Hàn Quốc rồi đua nhau cắt tóc theo kiểu Hàn Quốc. Khi phong trào model được lan rộng qua các phương tiện truyền thông thì tự động trẻ em tiếp thu rất nhanh. Cha mẹ không cần phải tư vấn, chúng cũng tự biết chọn model áo quần, đầu tóc, điệu bộ, dáng vẻ. Cho nên ở tuổi mầm non, con em chúng ta cũng có thể tiếp nhận lễ quy y. Đến tuổi thiếu niên, chúng ta lại đưa đi quy y thêm lần nữa. Nếu vẫn chưa có ấn tượng thì sau này ta tiếp tục cho quy y. Là Phật tử từ nhỏ, trẻ em sẽ được học hỏi điều hay lẽ phải, sống đạo đức và không buông lung vì đạo đức Phật dạy tinh tấn, không bỏ cuộc giữa chừng, không chán nản thất vọng, không cường điệu hóa nỗi khổ niềm đau, và không phớt lờ bế tắc. Trẻ sẽ trưởng thành biết quan tâm, biết sống có chánh niệm, biết để ý thể hiện tình thương đối với tha nhân. Như vậy đồng nghĩa chúng ta giúp trẻ tạo tinh thần tự lập, phấn đấu vươn lên. Tương lai cha mẹ khỏi lo lắng con mình rơi vào những tệ nạn xấu. Đạo đức Phật giáo có thể trang bị cho chúng bộ áo giáp chống lại cái xấu xa tiêu cực của cuộc đời.

    2. Hỗ trợ không để hao tổn

       Hao tổn liên hệ đến ba phương diện: tiêu thụ, sức khỏe, lối sống.

       Tiêu thụ bao gồm ăn uống, ngủ nghỉ, du lịch và nhu cầu thường nhật khác. Truyền đạt cho người thân đạo đức Phật giáo để người đó hình thành đức tính hài lòng biết đủ, từ bỏ tâm cạnh tranh hơn thua, đua đòi, bắt chước. Khi gia đình mình khó khăn hơn gia đình chúng bạn, biết thấy rõ hoàn cảnh của mình để không gây áp lực với cha mẹ; và người thân không gây áp lực cho nhau.

       Vợ hoặc chồng cũng phải biết hài lòng như thế, không nên so sánh vợ/chồng mình với vợ/chồng người khác về trang sức phẩm, thời trang, lối sống, thu nhập. Càng so sánh tiêu cực, ta càng khó sống hạnh phúc với người thật việc thật trong gia đình.

       Sức khỏe được đức Phật sánh ví với gia tài, của quý. Có sự nghiệp, tiền bạc mà thiếu sức khỏe thì sự nghiệp và tiền bạc ấy chẳng còn ý nghĩa gì. Ta sẽ bị chết yểu, hoặc đau bệnh và không thể làm nên sự nghiệp lớn. Khi tư vấn cho con em, không nên tình nguyện đưa độc tố vào cơ thể thông qua đường tiêu thụ của bao tử. Ngày nay tiêu thụ còn mở rộng dưới hình thức truyền thông. Chẳng hạn, đọc tờ báo tức là chúng ta đang tiêu thụ tin tức, xem truyền hình là đang tiêu thụ văn hóa, lịch sử, khảo cổ, thời sự… Khi tiêu thụ bất cứ cái gì qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý đồng nghĩa ta đang tiêu thụ cuộc sống của chính ta.

       Do đó, phải biết làm chủ các giác quan để việc tiêu thụ không tạo thói quen xấu, những trói buộc xấu. Cái gì nhiều sẽ trở thành quen. Thói quen ban đầu chỉ giăng nhẹ như tơ màng nhện, về lâu về dài sẽ như sợi xích. Người ăn trầu bị thói quen ăn trầu trói buộc; kẻ hút thuốc không có thuốc luôn uể oải lờ đờ; người uống cà phê nếu thiếu nó thì ngủ gà ngủ gật.

       Nếu chọn một thói quen, tốt nhất hãy chọn thói quen tích cực như thói quen đi chùa, thói quen ngủ sớm, thức sớm, thói quen cứu người giúp đời, thói quen quan tâm đến những người thân, thói quen phụng sự xã hội, v.v... đều có giá trị xây dựng cuộc đời, xây dựng sự nghiệp, hạnh phúc của bản thân và tha nhân. Làm được như thế thì không thể nào bị hao tổn.

       Mùa tựu trường là mùa mà phần lớn bậc phụ huynh phải khổ đau, khốn đốn khi thấy con em người khác thi đậu đại học, cao đẳng, trung cấp; còn con em của mình lại thất bại. Nỗi tổn hao hạnh phúc khiến nhiều cha mẹ mất ăn mất ngủ. Trong trường hợp thi đậu thì phải lo áo mới, tiền học phí ngày càng cao, các chi tiêu, vật dụng đến trường. Trường hợp con em đi học xa, phải chi tiêu phòng thuê, xe cộ; biết bao mối lo toan khác. Người con có hiếu phải biết tiện tặn, bớt sử dụng tiền bạc của cha mẹ nhằm bớt đi sự hao tổn của gia đình. Thói quen nghiện ngập, cờ bạc, tiêu xài càng làm cho sự hao tổn diễn ra lớn hơn.

       Mê tín dị đoan cũng là nguyên nhân lớn gây hao tổn gia đình. Đốt giấy vàng mã cho người quá cố, tiếp đãi cúng kiếng quá nhiều cho thầy bùa, thầy ngãi, thầy pháp là những việc làm không đúng thực tế. Mỗi lần lên đồng với phương pháp ngày nay mất cả trăm triệu; nhiều gia đình phải đi vay mượn để lên đồng. Hệ quả là đánh mất hạnh phúc, sự nghiệp; khó khăn, trở ngại, mà bệnh tật vẫn y nguyên, thậm chí còn nặng hơn. Ngoài ra, đưa tiền cho bọn người mê tín thì nghiệp tội sẽ tăng, bất hạnh lại chồng thêm bất hạnh mới. Đó là sự hao tổn về trí tuệ, hao tổn về phước báu. Người Phật tử chân chính cần phải tránh xa.

    3. Che chở thoát khỏi sợ hãi

       Sợ hãi trước nhất là sự tự khủng bố và sau đó là những mối lo lắng về xã hội bao gồm con người. Kể từ khi vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 diễn ra gần một thập niên tại Hoa Kỳ, thế giới bỗng chứa đầy cảm giác sợ hãi, còn kẻ quậy phá thì không biết sợ là gì. Thế giới không còn cảm giác bình yên như con người mong mỏi.

       Trong kinh tạng Pali, đức Phật nói rằng người sống đạo đức và trí tuệ luôn vẫy tay chào vĩnh viễn với mọi hình thái sợ hãi. Chúng ta có nhân cách tốt, đạo đức tốt, tôn trọng luật pháp, thì đâu phải sợ luật pháp, sợ khổ đau, cầm tù. Nếu sống chuẩn mực, chân thật quan tâm người, giúp đỡ đời thì ta cũng không sợ lời thị phi, lời phê bình chỉ trích. Muốn tránh sợ hãi một cách lâu dài, một mặt phát triển trí tuệ để giúp chúng ta nhận thức đúng, hành xử đúng; mặt khác phát huy đời sống đạo đức. Đó là tiêu chí quan trọng nhằm giải quyết các vấn nạn thường nhật diễn ra xung quanh chúng ta.

       Sợ hãi là kẻ thù của hạnh phúc. Nơi nào tồn tại sự sợ hãi nơi đó không có bình an. Giải thoát, Niết bàn hay sự chứng đắc chẳng qua là sự rũ bỏ trọn vẹn toàn bộ mọi hình thái của sợ hãi trong tâm, trên thân và bối cảnh đời sống diễn ra xung quanh chúng ta. Khi ai đó đạt trí tuệ làm chủ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, ý hình dung, thân xúc chạm thì người ấy không còn sợ bất kỳ điều gì, kể cả sợ ma. Phật tử mà còn sợ ma là mê tín. Vì trong các kinh, đức Phật nói rất rõ ma không thể hại con người. Ma chẳng những không phải là đối tượng đáng sợ mà còn là đối tượng đáng thương. Vì vướng vào tình yêu, tình thương, gia tài, sự nghiệp, oan ức, hận thù, bất đắc kỳ tử và các hình thái tự vẫn; một số người sau khi nhắm mắt vẫn tồn tại trong cảnh giới trung gian giữa sống và chết. Họ cần sự trợ giúp bằng các khóa lễ cầu siêu của người sống. Chúng ta không nên sợ mà phải thương để giúp họ vượt qua.

       Nhiều bà vợ, nhiều ông chồng mới ngày hôm qua còn nằm chung trên chiếc giường; sáng hôm sau một trong hai người trở thành quá cố. Người còn lại sợ không dám vào phòng đó, không dám nằm trên chiếc giường đó; do vì quá mê tín. Phim ma, truyện ma phần lớn đều bịa đặt, khai thác nỗi sợ hãi của con người để làm giàu. Ma Mỹ dữ tợn hơn ma Trung Quốc, vì ma Mỹ có thể lập kế hoạch giết người hàng loạt, còn ma Trung Quốc chỉ hù dọa, quậy phá sơ sài. Tuy nhiên, thực tế không có ma nào quậy phá được ai. Chỉ có hành động xấu, thói quen, lời nói xấu làm hại chính chúng ta chứ không ai khác.

       Che chở để thoát khỏi sợ hãi, tốt nhất chúng ta khoác vào mình chiếc áo giáp của đời sống đạo đức và trí tuệ, đồng thời hỗ trợ người thân khoác vào đời sống của họ cũng chiếc áo đạo đức và trí tuệ đó. Hai “vệ sĩ” này sẽ đưa chúng ta thoát khỏi mọi sự sợ hãi. Khi không còn sợ hãi, chúng ta sẽ đạt đến thế giới Niết bàn.

       Khủng bố là nỗi sợ hãi nội tại, đồng thời là hành động gây ra nỗi sợ hãi cho tha nhân. Hãy luôn giúp đỡ lẫn nhau để người khác không còn sợ hãi. Sợ hãi bị thất nghiệp, sợ hãi bị ruồng bỏ, sợ hãi bị bóc lột, sợ hãi bị khinh thường, sợ hãi về ngoại hình xấu, sợ hãi vì bệnh tật, bị cô lập xã hội, v.v… và trăm ngàn nỗi sợ hãi khác đều là những nỗi ám ảnh của chúng ta.

       Người tu học Phật thấy rõ vô thường. Khi những tổn thất diễn ra, ta quán vô ngã để không đánh đồng khổ đau vào mình, nhờ đó, trong hoàn cảnh khổ đau tương tự, người tu học Phật thoát ra một cách nhẹ nhàng. Còn sự sống và sức khỏe, ta còn cơ hội để tạo dựng những gì đã thất thoát. Còn hạnh phúc và trí tuệ, ta còn phát huy gấp trăm lần những gì ta chưa có. Thay vì đầu tư vào sự tiếc nuối để nhận lấy sợ hãi, hãy đầu tư vào phương pháp để tạo ra sự tạo dựng đó. Không đạt được lần này thì nỗ lực thành công trong lần khác. Phải sáng suốt tìm cơ hội tốt đẹp cho mình. Người thân cũng phải biết giúp đỡ nhau thoát khỏi nỗi sợ hãi.

       Tuy nhiên cũng có những nỗi sợ hãi liên hệ đến bệnh lý, chẳng hạn bệnh hoang tưởng. Người bị chứng bệnh hoang tưởng gồm có ba loại:

              - Hoang tưởng mắt, tức là ảo ảnh.

              - Hoang tưởng tai, tức là ảo thanh.

              - Hoang tưởng về những người xấu đang rình rập theo dõi, ám hại mình, tức là hoang tưởng ý.

       Ba loại hoang tưởng này đều gây cho bệnh nhân rơi vào nỗi khủng hoảng rất lớn. Người bị hoang tưởng tai thường nghe một âm thanh nào đó văng vẳng; có thể là một âm thanh ấn tượng, hoặc âm thanh sợ hãi khó quên, khiến người đó không đủ định.

       Người bị ảo giác thường thấy trước mặt mình một con ma, hoặc có ai đang ra lệnh, chỉ đạo mình phải làm chuyện này chuyện nọ; không làm không chịu nổi. Rất nhiều bệnh nhân tâm thần từ góc độ ảo giác đã phải chết bởi xe lửa cán, hay xe đụng, là bởi vì đang đi qua đường rày, họ cứ thấy trước mặt mình là một cánh đồng hoa thơm hay thấy căn nhà của ông bà ngoại, nơi những người thân đang vẫy tay chào gọi: “Hãy đến đây! Hãy đến đây!”. Họ cứ đăm chiêu suy nghĩ và bị xe đâm chết.

       Còn loại hoang tưởng thứ ba thì luôn nghĩ rằng có ai đang rình rập, theo dõi, trù báo, hãm hại mình. Loại hoang tưởng này rất khó điều trị.

       Rơi vào một trong ba hoàn cảnh vừa nêu thì tốt nhất chúng ta đưa người thân đến bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ về thuốc nhằm làm giảm dần nỗi sợ hãi. Đừng nghĩ người thân mình bị tà ám ma theo, mắc đàng dưới hay bệnh đàng trên, rồi đưa đến thầy bùa, thầy ngãi, thầy pháp, lên đồng lên cốt và cho rằng ông bà tổ tiên nhập về trừng phạt. Nghe những ông thầy bùa, thầy pháp phán sai, lòng chúng ta càng sợ hãi hơn, tốn tiền bạc theo thầy pháp chỉ thấy bệnh tật ngày càng gia tăng.

       Cho nên khi thấy người thân ngồi nói nhảm một mình, hay không nói năng, thường bỏ nhà đi, tìm mọi cách để trốn nhà thì đây là dấu hiệu của bệnh tâm thần, còn đa số khác là dấu hiệu của bệnh hoang tưởng. Tốt nhất dẫn người đó đến bệnh viện tâm thần để được các bác sĩ điều trị. Dù người bị tâm thần không thừa nhận mình đang bệnh, ta vẫn phải đưa đến bệnh viện. Các chuyên gia hiểu phương pháp sẽ biết cách xử lý bệnh lý bộ não để giúp bệnh nhân chóng vượt qua. Đừng quy kết con em hay người thân của mình đang mắc đàng dưới hay bị ma nhập. Ma quỷ không làm điều này. Ma nhập cũng chỉ nhập trong khoảng thời gian nhất định một vài giờ chứ hiếm khi tái nhập. Khi nhập vào, họ sẽ nói những điều liên quan về cái chết, tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, chết ở đâu, chết như thế nào rồi nhờ người nhà trợ giúp. Nếu chúng ta hỏi số điện thoại, địa chỉ người thân thì họ sẽ đáp đúng để ta gọi kiểm chứng, đó mới là ma nhập. Còn không kiểm chứng được thông tin thì phần lớn là bị ảo giác, hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Thấy rõ điều này, ta có thể bớt đi nỗi sợ hãi.

    4. Khuyên răn ở chỗ vắng người

       Đây là yếu tố tâm lý rất tinh vi mà đức Phật đã nhấn mạnh. Vợ khuyên chồng trước mặt bạn bè làm cho người chồng cảm thấy tự ái, nhột, chạm lòng tự trọng. Chồng khuyên vợ hay la rầy vợ trước mặt bà con người thân thì dù có lỗi đi nữa, người vợ cũng chưa chắc sẵn lòng nhận lỗi. Tương tự việc góp ý con cái, anh chị em, bà con cần phải thể hiện yếu tố tâm lý này. Bởi vì sự mặc cảm, tự ti, làm cho người ta cảm thấy mình đang bị tấn công. Dù thừa nhận mình sai nhưng chưa chắc đã sửa sai.

       Do đó khi có nhu cầu góp ý, khuyên răn thì hãy nhớ lời dạy trong kinh Thiện Sanh, rằng khuyên chỗ vắng người. Tâm lý học ngày nay gọi là “nói với nhau” thay vì nói về nhau. Nói về người thứ ba đang vắng mặt trong nội dung cuộc nói chuyện, chẳng hạn vợ nói về chồng khi chồng đang ở phân xưởng làm việc, chồng nói về vợ khi vợ đang đi thăm họ hàng thì lời nói truyền đạt nhiều lần. Tình trạng tam sao thất bản khiến câu chuyện trở nên căng thẳng hơn. Nếu không vì mục đích tích cực, ta không cần nói những lời không liên hệ đến người khác để họ bắt buộc phải lắng nghe.

       Phần lớn vợ chồng sau khi ly hôn, muốn con em liên minh phía mình nên luôn có khuynh hướng nói xấu người còn lại. Cha kể tội mẹ, mẹ kể tội cha sẽ khiến đứa con thấy mặc cảm vì cha mẹ mình, trong khi đức Phật dạy con cái phải hiếu kính với song thân, xem cha mẹ như hai vị Phật ở nhà. Chuyện vợ chồng tự hai vợ chồng giải quyết, đừng lôi kéo con em về phía liên minh với người này, chống lại người nọ. Dẫu có giận mấy đi nữa, ta cũng phải nói tốt về cha hoặc mẹ nó; còn gút mắc giữa mình và người còn lại sẽ tự giải quyết sau. Nói về nhau chỉ đem lại mâu thuẫn. Đó là lời thị phi, tán gẫu, chỉ trích, đâm thọc thiếu thiện chí. Còn nói với nhau là chúng ta nói trực diện và cần nói ở chỗ vắng người, bằng ngôn ngữ từ ái, hòa nhã, hiền lành. Như thế người được nói sẽ cảm thấy tội lỗi nhiều hơn và nhanh chóng sửa chữa những thói hư tật xấu.

       Vợ hơn chồng cũng phải hết sức cảnh giác khi giao tiếp. Đừng ỷ rằng mình học vị cao hơn, vai trò xã hội lớn hơn, tạo tài chính gia đình nhiều hơn, uy tín mình nổi bật hơn thì bắt buộc chồng phải răm rắp nghe lời. Vợ chồng có quyền bình đẳng trong mọi tranh luận với nhau nếu giải pháp của một trong hai người chưa thỏa đáng. Đừng áp đặt chân lý theo kiểu cái cày đi trước con trâu để rơi vào bệnh chủ quan. Nhiều quý bà thành đạt vẫn bị chồng ruồng bỏ, không phải vì họ không đẹp, không giàu sang, mà bởi vì tính gia trưởng. Đặc biệt khi người chồng đến cơ quan xí nghiệp có thư ký riêng, người làm việc dưới trướng dạ bẩm lễ phép, và được làm hài lòng. Người đàn ông bỗng cảm thấy mình tăng giá trị mỗi khi đến cơ quan và bị mất giá trị mỗi khi về nhà đối diện với vợ, từ đó dễ dàng rơi vào tình trạng ngoại tình. Cho nên thành công hơn chồng cũng phải khéo léo mới giữ được chồng.

       Tương tự, tránh tình trạng chồng bộc lộ tính gia trưởng, coi vợ như ôsin, muốn gì được đó. Đối với đàn ông, cái gì dễ dàng thì không coi trọng; cái gì khó khăn nỗ lực mới được trọng. Ta phải ứng xử cương nhu, lúc mềm lúc cứng, hết sức khéo léo để chồng mình không phiền lòng.       

       Góp ý con cái, chúng ta hãy gặp riêng. Đừng làm nhục trẻ bằng cách bắt cởi quần áo đứng trước nhà, bắt hít đất hoặc nói nặng trước chỗ đông người; điều này gây cú sốc tâm lý khiến nhiều em chịu không nổi đã tự tử mà chết. Phức cảm tâm lý thường đẩy nhiều người rơi vào bế tắc, trầm cảm tuyệt vọng. Góp ý phải ở chỗ riêng tư. Đức Phật rất tâm lý điểm này, cho nên ai làm được thì mức độ thành công sẽ cao hơn.

    5. Khen ngợi điều tốt của nhau

       Mặc dù góp ý mang tính xây dựng, nhưng dân gian đã cảnh báo rằng “giáo đa thành oán”. Người được góp ý có thể chán chường, oán trách, sợ hãi hay không thích mình. Do đó góp ý phải được bổ sung điều tương quan, tức là khen ngợi. Một số người rất tiết kiệm lời khen. Khi người thân làm việc tốt, dấn thân tốt, phụng sự tốt thì không khen ngợi lại chỉ phê bình, mổ xẻ, chỉ trích khi họ làm điều sai. Dù theo công thức “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” người kia cũng khó cảm nhận, nhất là con em.

       Chẳng hạn, phạt roi đòn con cái thì liệt kê tội như sớ táo quân; trong khi nó thi đậu đại học, đạt giải thưởng, bằng cấp, thành công những nhiệm vụ được giao thì ta chẳng tặng một lời khen ngợi, đó là sự sai lầm trong ứng xử. Vợ khen chồng, chồng khen vợ, cha mẹ khen con cái, con cái tán dương cha mẹ, anh chị em khen lẫn nhau, người thân tán thưởng qua lại là nghệ thuật rất tích cực mang lại hạnh phúc.

       Đàn ông khi theo đuổi tình nhân thường không tiếc lời khen ngợi, nhưng khi đã trở thành vợ chồng chính thức thì lại kiệm lời. Hãy nhớ phần lớn phụ nữ hạnh phúc bởi hai tai. Âm thanh qua tai đi thẳng vào cảm xúc, nên hãy khen ngợi họ, nhất là đối với vợ ba mươi tuổi trở đi, vì ở tuổi này họ bắt đầu mặc cảm mình đã già, sợ bị chồng bỏ rơi. Lời khen ngợi chẳng tốn tiền nên hãy khen người đã làm mọi việc cho mình hạnh phúc.

       Vợ muốn được chồng thương cũng đừng ôm đồm hết việc nhà. Có thể chúng ta giỏi quán xuyến ngoài xã hội, nhưng ở nhà, hãy nhờ vả chồng cùng làm. Vì chồng có cơ hội phục vụ cho vợ, anh ta sẽ thấy mình là điểm nương tựa, là bóng mát cành cây cho gia đình. Khi chồng lo lắng, quan tâm thì tình thương càng khắng khít.

       Vừa rồi, tôi thuyết giảng tại chín nước ở châu Âu. Đến Ba Lan, một phái đoàn tiếp đón tôi tại thủ đô Warszawa, xuống thành phố Kraków thuyết giảng cho một đạo tràng mới thành lập. Trong đoàn có cô Phật tử trạc bốn mươi tuổi đi một mình trong khi những người khác đều đi cả vợ chồng. Khi tôi thắc mắc tại sao cô không có chồng đưa đi thì được cô trả lời rằng, vì chồng đang ngủ nên cô không muốn làm phiền. Tôi hỏi, thói quen ứng xử này mới xuất hiện hay đã từ lâu. Cô cho biết khoảng hai mươi năm, tức là từ khi kết hôn. Tôi nói: “Cô có phước mà không biết hưởng, cô đã tập cho chồng thói quen không quan tâm đến cô. Đừng sợ chồng mất ngủ, mất ngủ cũng không sao miễn tạo được hạnh phúc cho vợ thì cả gia đình càng gắn kết”. Bấy giờ cô mới công nhận: “Quả thật nhiều năm qua, con đi làm về khuya, mệt nhọc, còn chồng con cứ nằm trên giường ngủ, chẳng màng đến vợ con và mọi việc trong nhà”. Rất nhiều gia đình mặc dù vợ xấu xí nhưng lại được chồng lo lắng, chăm sóc vì vợ biết nhờ vả, nũng nịu và sau khi nhờ vả thì biết khen ngợi chồng để cảm ơn. Chồng nào được nhờ, được khen mà chẳng mở cờ trong bụng.

       Đọc một đoạn trong kinh A Di Đà, chúng ta có thể thấy lời khen trở thành nhu cầu không thể thiếu. Mười phương chư Phật tán dương đức Phật Thích Ca đang ở cõi Ta bà, một thế giới ngũ trược, mà có thể thành đạo, giảng kinh thuyết pháp giúp con người xóa bỏ giai cấp, thoát khỏi nghiệp xấu trở thành người an lành, bậc thánh, đó là việc khó làm. Và đức Phật Thích Ca cũng tán dương đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương cực lạc, còn đề nghị các đệ tử của mình hướng tâm về đức Phật A Di Đà. Ta tự hỏi tại sao các đức Phật lại khen ngợi lẫn nhau, trong khi các Ngài vẫn dạy rằng không nên bận tâm đến khen chê; như vậy có mâu thuẫn không? Hoàn toàn không. Tại sao phải khen? Vì khen trong tình huống này được hiểu là một dấu ấn của chân lý: việc làm của đức Phật Thích Ca đúng, việc làm của Phật A Di Đà đúng, việc làm của chư Phật cũng đúng, nên chư Phật phải ủng hộ chân lý đúng đó để mọi người trên cõi Ta bà và mọi thành phần cứ theo đó thực hành nhằm đạt con đường hạnh phúc bình an.

       Nếu cái thiện không được xã hội hóa, không được phổ quát hóa thì cái ác sẽ nổi lên. Do đó, dù ta thực tập vô ngã thì việc đóng góp xây dựng chùa, đắp tượng Phật, ấn tống kinh, đúc chuông, hay các việc từ thiện do chùa chủ xướng, thầy trụ trì có trao tặng phiếu tán dương công đức thì cũng đừng từ chối. Chúng ta có thể đề nghị ghi tên vô danh hoặc ghi tên hữu danh nào đó nếu muốn tránh thái độ thiếu tùy hỷ của người trong gia đình. Chẳng hạn ráp tên những đứa con lại, hoặc ráp tên vợ chồng.

       Trong tình huống khác, ta nên để phần công đức cho những người thân còn lại biết đến, nhằm khích lệ người đó cùng làm công đức với ta. Một người trong gia tộc có truyền thống sống tốt thì tự động những người còn lại được hưởng phước lây, nên hãy tạo cơ hội để người thân cảm thấy hãnh diện tự hào. Có người cha đóng góp cất một ngôi chùa thì tại sao ta phải giấu, ngược lại phải hãnh diện tự hào mới đúng. Cho nên khi người thân làm việc tốt, ta phải tán dương bằng nhiều cách: giấy khen, phần thưởng du lịch, một phần quà bằng lời nói, bằng sự trân trọng, để người nhận cảm thấy sự đầu tư của mình được mọi người đánh giá cao. Đó là nghệ thuật khích lệ nhân quả nhãn tiền.

       Nói tóm lại, năm bổn phận của bản thân, và năm bổn phận của người thân trong ứng xử với nhau giúp chúng ta đồng hành thuận lợi trên con đường mưu cầu hạnh phúc. Gia đình nào sống đằm thắm, thuận hòa, trên dưới tương thân hỗ trợ, dìu dắt nhau thì theo quy luật nhân quả, ông bà, cha mẹ quá vãng sẽ có khuynh hướng tiếp tục tái sinh trong gia đình mình để nuôi dưỡng mối quan hệ tình thân đó từ kiếp này sang kiếp khác. Mặc dù người con, người cháu mới sinh chính là cha mẹ mình ở quá khứ, ta cũng không thể ứng xử sai với vị thế trong gia đình; ở kiếp nào ta phải ứng xử theo kiếp đó. Ví dụ, năm trước người tám mươi tuổi đóng vai trò làm ông, làm cha; năm sau tái sinh làm cháu, thì tương quan lúc này phải là cháu chứ không còn là ông nữa. Có ba dấu hiệu tái sinh:

       Thứ nhất, trong bốn mươi chín ngày của người quá cố, đồng thời gia tộc lại có người đang mang thai thì cơ hội người lớn tái sinh làm con cháu khá cao.

       Thứ hai, tình thân thương và mối quan tâm đầm ấm lẫn nhau suốt quá trình sống, đến trước khi chết người đó không muốn bất kỳ sự xa nhau nào và tha thiết mong gặp lại ở kiếp sau. Trường hợp này, cơ hội tái sinh trở lại gia đình đó rất đảm bảo.

       Thứ ba, sự tiếc nuối về nhân cách và cá tính giữa người tiền kiếp và hậu kiếp. Chẳng hạn, người ông mỗi lần cười thường ngả người về phía sau; đứa cháu khi sinh ra cũng có thói quen y hệt. Hai mô tuýp cá tính đó chỉ là một, nó được tiếp nối mấy chục năm, mặc dù đứa cháu hoàn toàn không hề nghe kể về người ông của mình. Nhưng nhân cách vẫn được nuôi dưỡng lại. Đó là sự tiếp nối trong tái sinh. Hoặc, cha là nhà khoa học vật lý, đứa cháu sinh ra mới năm bảy tuổi không cần đi học mà vẫn hiểu vanh vách mỗi khi cầm quyển sách vật lý. Cậu bé học tiến bộ nhanh hơn so với chúng bạn. Như vậy, cơ hội tái sinh từ người cha là rất rõ. Truyền thừa nhân cách trong tái sinh, một mặt chứng minh hiện tượng thần đồng không phải là ngẫu nhiên hay trời phú, mà là sự tiếp nối các hành động nghề nghiệp của cá nhân từ nhiều đời; mặt khác nó là bằng chứng chết không phải hết. Ai có niềm tin như thế, với đời sống đạo đức, trách nhiệm hành vi của mình sẽ được đề cao ở mức độ cần thiết.

       Bằng mười bổn phận giữa những người thân như vừa nêu, tôi kính chúc quý Phật tử đạt đời sống bình an, chăm sóc hạnh phúc người thân của mình để tất cả xứng đáng sống chan hòa yêu thương trong cuộc đời.

***

 
00:00