PHẦN CHÁNH KINH: XXV. Phẩm Tỳ-kheo

XXV. PHẨM TỲ-KHEO
(Bhikkhu-vagga)

360. Thật hạnh phúc, giữ gìn hai mắt
Thật lành thay, giữ tốt hai tai
Giữ gìn lỗ mũi, lưỡi này
Sống trong điều phục ngay đây an lành.

361. Thật hạnh phúc, giữ gìn thân thể
Thật lành thay, phòng hộ ngữ ngôn
Lành thay, phòng ý ngoài, trong
Người tu phòng hộ, không còn khổ đau.

362. Người làm chủ tay, chân, bộ óc
Làm chủ lời, vui thích định thiền
Độc thân, biết đủ, hạnh nghiêm
Xứng danh tu sĩ, trọn nên quả lành.

363. Người tu sĩ giữ gìn cửa miệng
Không cống cao, giảng thiện cho đời
Trình bày pháp nghĩa vừa lời
Ngữ ngôn dịu ngọt, giúp người bình an.

364. Là hành giả mến yêu Phật pháp
Tư duy sâu câu pháp vừa nghe
Để tâm theo pháp, lìa mê
Thực hành chánh pháp dẫn về an vui.

365. Điều mình được không chê lớn nhỏ
Không hờn ganh với kẻ được hơn
Tâm không tùy hỷ: Sầu vương
Vọng tâm trỗi dậy khó mong định thiền.

366. Dù được ít không chê nhỏ ít
Hạnh siêng năng, giới đức nghiêm trang 
Giữ gìn trọn vẹn thân tâm 
Chư thiên tán thưởng xứng danh tu hành. 

367. Tu vô ngã không còn chấp mắc
Thân là ta, danh-sắc (1) của ta.
Dứt trừ chấp, hết sầu lo
Người tu như thế xứng là Tỳ-kheo.

368. Bậc hành giả từ bi thực tập
Tâm tín thành Phật pháp cao sâu
Chứng nên tịch tĩnh nhiệm mầu
Các hành an tịnh trước sau trong ngoài.

369. Bậc hành giả tát thuyền cạn nước
Thuyền rỗng không, nhẹ lướt thật nhanh
Diệt trừ si, hận và tham
Ắt rằng chứng đắc niết-bàn thong dong.

370. Năm độn sử (2) quyết tâm cắt đứt
Năm buộc ràng (3) trừ diệt hoàn toàn
Bỏ năm phược, (4) học năm năng (5)
Xứng danh là bậc vượt dòng (6) xưa nay.

371. Làm hành giả hãy tu thiền quán
Không buông lung, say đắm dục trần.
Buông lung như ngọn lửa hồng
Đốt thiêu, gây khổ, khó mong an lành.

372. Thiếu trí tuệ khó mong thiền quán
Không định thiền khó đặng trí mầu
Ai người định, tuệ thâm sâu
Niết-bàn chứng đắc trước sau rõ ràng.

373. Bậc hành giả ẩn tu nơi vắng
Gìn tâm tư, yên lặng hiện tiền
Quán theo chánh pháp, hành thiền
Hưởng nguồn hạnh phúc siêu nhiên lạ thường.

374. Người chính niệm thấu nguồn sanh diệt
Thọ, tưởng, hành, nhận thức, xác thân
Hưởng niềm an lạc, hân hoan
Các hàng bất tử hiểu rành trước sau.

375. Người có trí, sống luôn tri túc
Gìn giác quan, tu tập pháp môn
Tinh cần, giới hạnh vẹn tròn
Thân gần thiện hữu, không còn sầu đau.

376.  Khi ứng xử chánh chân, thân thiện
Hạnh đoan trang thể hiện trong ngoài
Thấm nhuần hỷ lạc hiện đời
Khổ đau kết thúc, thảnh thơi niết-bàn.

377. Như cây lài bỏ cành tàn úa
Mau hồi sinh cho lá thêm xanh
Cũng vầy, tu sĩ chánh chân
Thực hành tinh tấn, tham sân dứt trừ.

378. Bậc tịch tịnh chuyên tâm tu tập
Thân tịnh thanh, lời nói an lành
Thực hành thiền định chuyên cần
Bỏ thế sự, hướng niết-bàn an vui.

379. Người tu học tự mình dò xét
Đánh giá mình nhân cách đục trong
Giữ gìn chánh niệm, tự phòng
Trụ an lạc, để tâm không muộn phiền.

380. Người tu Phật tự mình nương tựa
Tìm được nguồn ẩn trú bản thân
Tự mình điều phục nguồn tâm
Như người buôn có ngựa thuần đường xa.

381. Người tu sĩ tâm thường hoan hỷ
Đặt niềm tin pháp vị cao siêu
An lành tịch tịnh trọn nên
Các hành hữu lậu lặng yên, nhẹ nhàng.

382. Bậc hành giả tuổi đời tuy nhỏ
Tu pháp môn sáng tỏ nguồn tâm
Trí mầu soi sáng thế gian
Như vầng trăng thoát mây ngàn bủa giăng.

****

1. Tinh thần và thân thể vốn là hai yếu tố tạo thành con người.    

2. Năm trói buộc thấp: (1) chấp thân, (2) hoài nghi, (3) giới cấm thủ, chấp khổ hạnh là con đường giải thoát (4) tham, (5) sân.    

3. Tức ngũ lợi sử tức năm trói buộc cao: (1) sắc ái, (2) vô sắc ái, (3) kiêu mạn, (4) trạo cử, giao động, (5) vô minh.    

4. Tức tham, sân, si, mạn và tà kiến.    

5. Năm sức mạnh tinh-thần: (1) niềm tin vững; (2) tinh tấn, (3) chánh niệm, (4) thiền định, (5) trí huệ.    

6. Bậc vượt dòng là người đã hết sạch mười kết sử nêu trên, đạt được giác ngộ và giải thoát.    

 
00:00