B. PHẦN CHÁNH KINH - II. CÁC KINH VỀ GIA ĐÌNH, XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ: 19. Kinh Không Có Giai Cấp

19. KINH KHÔNG CÓ GIAI CẤP

 ***

BIẾT LƯỢNG SỨC MÌNH

Tôi nghe như vầy. Một hôm đức Phật đang lưu trú tại Tịnh xá Kỳ Viên do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ Đà phát tâm hiến cúng, có khoảng năm trăm vị Bà-la-môn đến thành Xá Vệ vì vài công việc. Nhiều vị trong họ nghe đồn như sau: “Đức Phật chủ trương cả bốn giai cấp – vua chúa, tu sĩ, thương gia, nô bộc – đều thanh tịnh cả; không ai có thể tranh luận với Phật về vấn đề này”.    O

Có hiền triết trẻ tên As-sa-la-yan mới mười sáu tuổi, đầu cạo sạch tóc, giỏi kinh Vệ Đà: Tự vựng, Lễ nghi, Ngữ nguyên, Cổ  truyện, về mặt từ ngữ cũng như văn phạm, rất giỏi nhân tướng và Thuận thế luận, được yêu cầu đến tranh luận với Phật, không được chiến bại. As-sa-la-yan nói với mọi người: “Đức Phật Thích-ca nói đúng chân lý. Tôi không đủ sức tranh luận với người nói đúng chân lý.” Được thỉnh ba lần, nhà hiền triết trẻ biết lượng sức mình từ chối ba lần. Nhưng vì mọi người hết lòng khẩn cầu, nhà hiền triết đành phải nhận lời.    O

BÀ-LA-MÔN KHÔNG PHẢI LÀ TỐI THƯỢNG

Tại chùa Kỳ Viên, sau khi thăm hỏi, nhà hiền triết trẻ nói với Phật rằng:

– Thưa ngài Cồ-đàm, đạo Bà-la-môn, xưa cũng như nay, chủ trương như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác đều là thấp kém; chỉ Bà-la-môn là người da trắng, các giai cấp khác đều là da đen; chỉ Bà-la-môn thanh tịnh, thiêng liêng, các giai cấp khác không được như vậy; chỉ Bà-la-môn là con chính thống của đấng Phạm thiên, sanh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên, là người thừa kế vai trò Phạm Thiên. Xin ngài cho biết quan điểm của ngài?”

– Này hiền triết trẻ! Trên thực tế thì nữ Bà-la-môn, vợ Bà-la-môn đều có kinh nguyệt, mang thai, sanh con, cho con bú mớm. Hay nói rõ hơn, các Bà-la-môn đều sanh ra từ nữ căn của mẹ; đâu có người nào được sanh ra từ miệng của Phạm Thiên, nên không thể nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng…” 

– Bất luận thế nào, ngài nói ra sao, dòng Bà-la-môn vẫn là số một; các giai cấp khác không thể sánh bì.   O

ĐỔI NGHIỆP THAY NGÔI

– Này hiền triết trẻ! Anh có biết không, tại bang Yo-na và Kam-bo-ja, có hai giai cấp: chủ và đầy tớ. Có người thất bại, từ vai trò chủ trở thành đầy tớ. Có người thành công, từ kẻ đầy tớ đã trở thành chủ. Thay ngôi đổi chủ đều do hành động, chẳng do số phận từ lúc sinh ra.

– Này hiền triết trẻ! Anh nghĩ thế nào? Nếu hàng vua chúa, thương gia, nô bộc… giết người, cướp của, tà hạnh trong dục, nói láo, đâm thọc, nói ác, nói phiếm, tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, sau khi qua đời, tái sanh cõi dữ, thì Bà-la-môn gieo các nghiệp xấu cũng phải gặt hái các quả xấu ác, không hơn không kém. Bất luận là ai, thuộc giai cấp nào, sắc tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nếu gieo bất hạnh phải chịu khổ đau; nếu sống đạo đức sẽ hưởng hạnh phúc ở ngay hiện đời, đời sau sanh về cảnh giới an lành. Cán cân nhân quả không thể sai lệch.     O

AI CŨNG LÀM ĐƯỢC

– Này hiền triết trẻ! Anh nghĩ thế nào, chỉ Bà-la-môn mới tu từ bi, xóa bỏ hận thù, các giai cấp khác không thể làm thế? Chỉ Bà-la-môn được tắm sông Hằng với cây cào lưng và bột tắm sạch, các giai cấp không được làm thế?

– Thưa ngài Cồ-đàm! Những gì làm được từ Bà-la-môn thì giai cấp khác cũng đều làm được; không có sai khác.

– Này hiền triết trẻ! Giả như có vua đã làm quán đảnh, nói với hội nghị hơn trăm người dự thuộc nhiều dòng họ: “Những vị nào thuộc gia đình hoàng tộc hoặc Bà-la-môn hãy đem đến đây bộ phận trên cùng của đồ quay lửa làm bằng sa-la, chiên-đàn, sen quý, rồi quay bật lửa, tạo ra sức nóng. Những người nào thuộc giai cấp hạ tiện, gia đình săn bắn, làm nghề xe cộ, nghề mây tre lá, nghề hốt phân rác… hãy đem đến đây bộ phận trên cùng của đồ quay lửa làm bằng gỗ tạp như máng chó heo, hay máng giặt đồ, hoặc các củi khô, rồi quay bật lửa, tạo ra sức nóng. Anh hãy nghĩ xem, có phải do vì thuộc giai cấp cao như hàng vua chúa hay Bà-la-môn mà lửa của họ có màu sắc đỏ, tạo ra ánh sáng, dùng vào các việc cần lửa và nhiệt; còn các ngọn lửa tạo ra từ người thuộc cấp hạ liệt thì không như thế?

– Kính bạch Thế Tôn, không có khác biệt, khi lửa đã cháy từ các nhiên liệu, sức nóng có mặt, dùng nhiệt lượng này vào các việc cần; bất luận người đốt thuộc giai cấp nào.

– Này hiền triết trẻ. Quả thật như thế, không có khác biệt giữa các giai cấp.   O

HÔN NHÂN DỊ CHỦNG

Đức Phật dạy tiếp:

- Anh hãy nghĩ xem, nếu một người nam thuộc dòng vua chúa cưới một người vợ thuộc Bà-la-môn, hoặc một người nữ thuộc dòng hoàng tộc lấy một người nam dòng Bà-la-môn, do hôn phối này, họ sanh con trai thì cậu bé này giống mẹ hay cha, sẽ được gọi là con dòng vua chúa hay Bà-la-môn?

– Kính bạch Thế Tôn! Theo chỗ con hiểu, cả hai tình huống, cậu con trai ấy sẽ giống cả hai, cha và mẹ nó và sẽ được gọi vừa dòng vua chúa, vừa Bà-la-môn.

– Này hiền triết trẻ. Quả thật dòng giõi những hàng vua chúa và Bà-la-môn không là độc tôn. Cũng như ngựa cái giao phối với lừa, sanh ra con la thì con la ấy giống cả cha mẹ, vừa ngựa vừa lừa. Không có trường hợp ngựa là độc tôn hay lừa độc tôn trong sự phối ngẫu như vừa nêu trên.  O

GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC

– Này hiền triết trẻ! Một ví dụ khác, có hai anh em đồng mẹ khác cha, một người đọc tụng, thông hiểu Thánh điển; và người còn lại có sở thích khác. Giữa hai vị này, các Bà-la-môn sẽ cúng ai trước thức ăn đãi khách, vật thực tế đàn, vật lễ hy sinh, vật cúng người chết?

– Kính bạch Thế Tôn! Trong trường hợp này, các Bà-la-môn sẽ cúng dường người đọc tụng thông hiểu kinh điển Vệ-đà, vì cúng cho người không hiểu kinh điển sẽ không có phước hay kết quả lớn.

– Này hiền triết trẻ! Anh nghĩ thế nào, giữa hai anh em, người thích đọc tụng, thông hiểu Thánh điển lại sống ác hạnh, làm nhiều điều xấu và người còn lại dù không đọc tụng, không hiểu Thánh điển, nhưng lại giữ giới, thực hành pháp lành, thì Bà-la-môn sẽ cúng ai trước?

– Kính bạch Thế Tôn! Trong trường hợp này, các Bà-la-môn sẽ chọn cúng dường cho người giữ giới làm lành, dù cho vị ấy không thường đọc tụng, không hiểu thánh điển, vì cúng cho người ác hạnh làm xấu không có phước báu.   O

KHÔNG CÓ GIAI CẤP ĐỘC TÔN

– Này hiền triết trẻ! Trả lời của anh về sự chọn lựa thật là thích đáng. Đây cũng là điều tôi nói cho anh: Bắt đầu câu chuyện, anh đặt nặng về huyết thống gia tộc để khẳng định rằng các Bà-la-môn là hàng độc tôn. Sau đó, anh đã từ bỏ huyết thống, dựa vào Thánh điển làm điều độc tôn. Giờ đây anh đã từ bỏ Thánh điển, dựa vào giới đức của từng con người. Điều này không khác với chủ trương ta rằng bốn giai cấp có thể thanh tịnh do tu đạo đức. Thật sự không có tình trạng độc tôn do vì người này là Bà-la-môn hay dòng vua chúa.       O

KHÔNG BÀ-LA-MÔN NÀO THUẦN CHỦNG

Nghe Phật đúc kết, nhà hiền triết trẻ As-sa-la-yan ngồi trong im lặng, không thốt nên lời, co vai, cúi đầu, sững sờ, ủ rũ. Nhân đó Phật kể những điều sau đây:

– Này các đệ tử, vào thuở xa xưa, trong một am thất bằng lá trong rừng, có bảy ẩn sĩ đạo Bà-la-môn trong khi thảo luận đã khẳng định rằng: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác đều là thấp kém; chỉ Bà-la-môn là người da trắng, các giai cấp khác đều là da đen; chỉ Bà-la-môn thanh tịnh, thiêng liêng, các giai cấp khác không được như vậy; chỉ Bà-la-môn là con chính thống của đấng Phạm thiên, sanh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên, là người thừa kế vai trò Phạm Thiên”.    O

Nghe thấy việc này, có một ẩn sĩ tên A-si-ta, sửa soạn râu tóc, đắp y đỏ tía, đi dép nhiều viền, cầm gậy bằng vàng, xuất hiện đột ngột ở hành lang của am thất vừa nêu, đi vòng tới lui, rồi hỏi lớn rằng: “Này các tôn giả, các vị đi đâu?” Bảy vị ẩn sĩ nghe lời hỏi trên, nảy sinh ý nghĩ, quyết dùng chú thuật trù yếm ông ta trở thành tro tàn bẩn nhơ ghê tởm. Càng cố trù yếm, ông A-si-ta lại càng đẹp hơn. Bảy vị ẩn sĩ ngạc nhiên suy nghĩ: “Thật là bất lực. Khổ hạnh của ta không có kết quả. Hạnh tu của ta không có hiệu nghiệm. Trước đây yếm ai đều có kết quả. Nay yếm ông này, kết quả đảo ngược.” Ông A-si-ta từ tốn khuyên lơn bảy vị đạo sĩ:     O

– Thưa các hiền giả! Khổ hạnh đúng cách không phải trống rỗng. Hạnh tu đúng cách phải có kết quả. Tôi khuyên các vị hãy từ bỏ tâm oán hận với tôi.

– Kính thưa tôn giả! Có oán hận nào đối với tôn giả, chúng tôi bỏ ngay. Xin phép được hỏi tôn giả là ai?

– Thưa các hiền giả! Tôi là đạo sĩ tên A-si-ta, họ De-va-la. Thực ra thế này, khi nghe câu chuyện các vị thảo luận về sự độc tôn của Bà-la-môn, tôi mới đến đây để biết thực hư. Theo các hiền giả, cha Bà-la-môn chỉ giao hợp với mẹ Bà-la-môn, mẹ Bà-la-môn chỉ giao hợp với cha Bà-la-môn, không có trường hợp ngoài Bà-la-môn, suốt cả bảy đời tổ mẫu, tổ phụ?

– Kính thưa tôn giả! Không thể có được tình trạng lý tưởng như vừa nêu ra.  O

TÁI SINH AI CŨNG NHƯ AI

– Thưa các hiền giả! Các vị có biết quá trình nhập thai diễn ra thế nào?

– Kính thưa tôn giả! Theo chúng tôi hiểu, quá trình nhập thai xảy ra như sau: Có sự giao hợp giữa mẹ và cha, cha mẹ giao hợp đúng ngay ngày mẹ có thể đậu thai và tâm tái sinh của một chúng sanh mới vừa qua đời. Đủ ba điều này, quá trình nhập thai mới được thành tựu.

– Thưa các hiền giả! Các vị có biết “tâm tái sinh” đó của dòng vua chúa, của Bà-la-môn, của các thương gia hay của nô bộc?

– Kính thưa tôn giả! Chúng tôi không biết tâm tái sanh ấy thuộc giai cấp nào.

– Thưa các hiền giả! Sự tình là thế. Các vị có biết các vị là ai?

– Kính thưa tôn giả! Nói đúng ra là, chúng tôi không biết chúng tôi là ai.    O

MỌI NGƯỜI BÌNH ĐẲNG

Sau khi dẫn chuyện, đức Phật kết luận với hiền triết trẻ:

– Bảy vị ẩn sĩ đạo Bà-la-môn dù rất nổi tiếng, khi bị ẩn sĩ tên A-si-ta chất vấn nguồn gốc của họ từ đâu, đã không đáp được. Anh và bảy vị ẩn sĩ nổi tiếng đều là đệ tử cùng một đạo sư. Nay cũng như thế, khi được ta hỏi về nguồn gốc sinh của bản thân anh, anh đã không thể trả lời đúng được. Này hiền triết trẻ, thật ra không có bốn loại giai cấp do Phạm Thiên định. Mọi người sinh ra đều vốn bình đẳng. Cao thấp khác nhau không do sinh chủng, mà do hành động của từng con người.

Nghe Phật dạy xong, nhà hiền triết trẻ As-sa-la-yan vô cùng cảm phục, thành kính cầu Phật nhận ông làm đệ tử, trọn đời quy ngưỡng.    O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật     (3 lần) O

***

 
00:00