B. PHẦN CHÁNH KINH - II. CÁC KINH VỀ GIA ĐÌNH, XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ: 22. Kinh Hòa Hợp Và Hòa Giải

 22. KINH HÒA HỢP VÀ HÒA GIẢI

***

TRANH CHẤP ĐÚNG SAI

Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở thôn Xá-di (Samagama) cùng các đệ tử là người Thích-ca, thì Ni-gan-tha Na-ta-put-ta, giáo chủ Kỳ-na vừa mới tạ thế ở làng Pa-va. Tu sĩ đạo này phân hóa hai phái, tranh chấp, hại nhau bằng vũ khí miệng. Những điều tranh chấp bao gồm như sau: “Các ông không biết pháp và luật này, chỉ có chúng tôi biết rõ pháp luật. Làm sao anh chị biết pháp luật này? Anh theo hạnh tà, tôi theo hạnh chánh. Lời tôi mới đúng, lời anh không hợp. Điều đáng nói trước, anh lại nói sau; điều đáng nói sau, chị lại nói trước. Do bị đảo lộn, quan điểm của anh đã bị thách đố và bị đánh bại. Các anh chị phải giải tỏa quan điểm, thoát khỏi bế tắc…”

Do vì tranh chấp, muốn tàn hại nhau, phần lớn tín đồ của Ni-gan-tha tổn thất niềm tin, buồn chán, phản đối các tu sĩ ấy.

Điều này là do pháp và luật họ không tuyên thuyết bởi những bậc giác ngộ, trình bày vụng về, không có khả năng dẫn đến an tịnh, dễ bị đổ vỡ, không đủ sức mạnh làm nơi nương tựa.                   O

TRANH CHẤP PHÁP MÔN MANG LẠI BẤT AN

Sau mùa an cư, sa-di Thuần-đà thăm ngài A-nan, tường thuật đầu đuôi những điều nghe thấy. Tôn giả A-nan dẫn ông đến gặp, trình thưa đức Phật, tất cả mọi điều.

- Kính bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: “Khi Phật qua đời, chớ để tranh luận có trong người tu, vì các tranh luận đưa đến bất an và nhiều đau khổ cho đại đa số.”

– Này thầy A-nan, hãy cho Ta hay giáo pháp Ta dạy, như Bốn quán niệm, Bốn điều tinh tấn, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành và nhiều pháp khác, có hai người tu tuyên bố sai khác về một nội dung?

– Kính bạch Thế Tôn, không có tình trạng hai vị xuất gia tuyên bố sai khác về các giáo pháp được Người giảng dạy một cách khéo léo. Con vẫn lo rằng người sùng kính Phật có thể tranh luận về những giới luật và đời thanh cao!

– Này thầy A-nan! Hai tranh luận đó chỉ là nhỏ nhặt, không đáng phải lo. Nếu trong tăng đoàn khởi lên tranh luận về đạo giải thoát, về pháp môn tu, sự tranh luận ấy mới thật bất an cho đại đa số.    O

THÁI ĐỘ VÀ NGUYÊN NHÂN TRANH CHẤP

– Này thầy A-nan! Có sáu thái độ dẫn đến tranh chấp giữa những đồng tu hoặc trong cộng đồng, dẫn đến bất an, cần phải tinh tấn diệt trừ tận gốc; đừng để cho chúng tiếp tục leo thang ở trong tương lai. Sáu tranh chấp gồm: Sân hận - phẫn nộ, hiềm khích – não hại, đố kỵ - ganh ghét, gian manh – xảo trá, tà kiến – ác dục, cố chấp kiến thức. Vướng một trong sáu, hoặc gồm cả sáu thái độ tranh chấp như vừa nêu trên, người kẹt tranh chấp đánh mất cung kính với bậc đạo sư, chánh pháp, tăng đoàn, bỏ dở học tu, gặp nhiều tổn thất, mang lại bất hạnh và nhiều khổ đau cho đại đa số.

– Này thầy A-nan! Có bốn nguyên nhân dẫn đến tranh luận giữa người với người. Một là tránh sự do gốc tranh luận. Hai là tránh sự do gốc chỉ trích. Ba là tránh sự do gốc phạm pháp. Bốn là tránh sự do gốc trách nhiệm.    O

BẢY CÁCH VƯỢT QUA TRANH CHẤP

– Này thầy A-nan! Có bảy phương pháp tháo mở tranh chấp, dẫn đến tình trạng hòa hợp, đoàn kết, không còn bất hạnh.

Một là phán quyết dựa vào hiện tiền: Khi có tranh chấp pháp và phi pháp, luật và phi luật, tất cả người tu, sau khi tập hợp, phải bàn, phân tích về pháp quy chế, để được thống nhất về một giải pháp giải quyết tránh sự.      O

Hai là phán quyết dựa vào sự nhớ: Khi một tránh sự về tội nặng nhẹ xuất hiện trong Tăng như Ba-la-di hay là Tăng tàn thì nên tra hỏi về mức độ phạm của nghi can ấy. Dựa vào ký ức và sự xác nhận của người nghi can mà xác định tội; không nên mớm cung, hoặc là định tội mang tính áp đặt.  O

Ba là phán quyết tình trạng bất si:  Có một số người buộc tội người khác phạm Ba-la-di hoặc gần như thế. Nhưng khi tra hỏi, đương sự trả lời “tôi không nhớ là tôi đã phạm tội. Trong thời gian đó, tôi bị mất trí nên tôi không nhớ tôi đã làm gì, tôi đã nói gì ngược hạnh người tu” thì nên phán quyết tình trạng bất si để ngừng tranh chấp.                   O

Bốn là quyết định tùy theo thú nhận: Cũng có tình trạng, dù bị buộc tội hay không buộc tội, một người nào đó, nhớ một tội trạng, thổ lộ trình bày trước một tôn giả hoặc nhiều người hơn, rằng tôi phạm tội với tội trạng này, tôi xin sám hối, không tái phạm nữa. Khi nghe trình bày, vị tôn giả ấy phải có lời khuyên, khích lệ chuyển nghiệp. Dựa vào thú nhận để giải quyết tốt tranh chấp vốn có giữa các thành viên.    O

Năm là quyết định tùy theo đa số: Nếu một tranh chấp không thể giải quyết trong một trú xứ thì người tranh chấp nên đến một nơi có nhiều đồng tu, thỉnh cầu họp chúng, phân tích sự việc theo pháp quy chế, từ đó rút ra giải pháp hòa hợp, kết thúc tranh chấp, dựa theo quyết định của đại đa số.    O

Sáu là quyết định theo tội nặng nhẹ của người phạm giới: Trong tình huống rằng có một tu sĩ buộc tội người khác vi phạm trọng tội hay tội tương đương, dù cho người ấy trả lời “không nhớ” hoặc chỉ “nói giỡn” nhưng do khéo léo hỏi tội tới lui, cuối cùng người ấy thừa nhận các tội, theo đó quyết định mức độ nặng nhẹ của tội đã phạm.      O

Bảy là quyết định như cỏ che đất: Khi các đồng tu bất hòa, tranh cãi, về việc đã làm, hoặc việc đã nói không xứng phẩm hạnh của người tu hành thì mọi người nên tập họp đại chúng, thỉnh cầu một vị thông minh, khéo léo, trình bày như sau: “Kính thưa đại chúng, nếu thật phải thời, tôi xin trình bày giới tội của tôi cũng như giới tội của những đồng tu. Nhưng vì lợi ích cho cả Tăng đoàn trong đó có tôi và các huynh đệ, tôi kính đề nghị giải pháp dung hòa như cỏ che đất, bãi miễn mọi thứ, không truy cứu nữa, không tranh chấp nữa, ngoại trừ các tội liên hệ cư sĩ”.   O 

SÁU ĐIỀU HÒA HỢP

– Này thầy A-nan! Có sáu phương pháp dẫn đến thống nhất, hòa hợp, hòa giải, đoàn kết, tương kính, cần phải tâm niệm và khéo ứng xử với người đồng tu hoặc là đồng nghiệp, ở chỗ đông người hay chỗ vắng người, bao gồm như sau:

Phương pháp thứ nhất, thân hòa cùng ở trong một trú xứ; phương pháp thứ hai, miệng hòa không tranh về chuyện hơn thua; phương pháp thứ ba, ý hòa cùng vui với sự hiểu biết; phương pháp thứ tư, lợi hòa cùng chia pháp và tặng phẩm; phương pháp thứ năm, giới hòa cùng tu thanh tịnh, giải thoát; phương pháp thứ sáu, chánh kiến thánh thiện, chấm dứt khổ đau.

Này thầy A-nan và các đệ tử! Hãy nên thực hành sáu pháp hòa kính như những tâm niệm, vốn có khả năng mang lại an lạc, hạnh phúc lâu dài, cho mình và người, nay và mai sau.

Tôn giả A-nan và người có mặt đồng tâm phát nguyện thực hành, truyền bá lời Phật đã dạy.           O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật       (3 lần) O

***

 
00:00