B. PHẦN CHÁNH KINH - II. CÁC KINH VỀ GIA ĐÌNH, XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ: 23. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương

 23. KINH CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG

 ***

Có một hôm nọ, Phật gọi mọi người vây quần bên Ngài rồi dạy như sau: “Này các đệ tử, Chuyển luân thánh vương có đủ bảy báu. Một, bánh xe vàng; hai, báu voi trắng; ba, báu ngựa xanh; bốn, báu thần châu; năm, báu ngọc nữ; sáu, báu cư sĩ; bảy, báu chủ binh”.   O

Thế nào gọi là báu bánh xe vàng?

Chuyển Luân Thánh vương trong Diêm-phù-đề, là vua thuần chủng, làm lễ Quán đảnh vào ngày trăng rằm, tắm gội nước thơm, rồi lên điện cao, hưởng thụ hạnh phúc. Bảo vật xuất hiện là bánh xe vàng, có đến nghìn căm, màu sắc rực rỡ. Đường kính bánh xe dài khoảng bốn trượng. Khi thấy bánh xe, Chuyển Luân Thánh vương liền thầm nghĩ rằng: Ta từng được nghe các bậc tiên đế và bậc kỳ cựu tương truyền như sau: “Khi có hiện tượng chiếc bánh xe vàng xuất hiện trước vua nên hiểu đó là báu vật của vua. Nay ta nên thử bánh xe vàng này”.

Đoạn vua ra lệnh, triệu bốn binh chủng. Tự tay nhà vua lăn bánh xe vàng đúng theo hướng Đông; đi theo sau xe là bốn binh chủng. Chỗ bánh xe dừng, vua cũng đình giá ở ngay chỗ đó. Các tiểu Quốc vương thấy Đại vương đến, liền lấy bát vàng đựng đầy vàng bạc, ngọc ngà châu báu, cúi đầu bạch rằng: “Kính thưa Đại vương, ở phương Đông này, đất đai phì nhiêu, có nhiều báu vật, nhân dân đông đúc, tâm chí thuần hòa, từ hiếu, trung thuận. Kính mong Đại vương trị vì nơi này. Chúng tôi hầu hạ, cung cấp mọi thứ”.      O

Chuyển Luân Thánh vương từ tốn trả lời: “Thưa các Hiền vương, lòng tốt các vị là sự cúng dường dành cho ta rồi. Hãy dùng luật pháp quản trị giáo hóa, chớ có bất công, thiên vị, sai lệch; chớ để trong nước có sự hỗn loạn, vi phạm luật pháp. Hãy sống làm gương không nên giết hại, khuyên bảo người khác từ bỏ giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, tán gẫu, tham lam, tật đố và các tà kiến. Điều này gọi là quản trị nhà nước của chính ta vậy”.

Với lòng mến phục, các vị Tiểu vương đi theo Đại vương tuần hành các nước. Đến một nước nọ, nhờ quản trị tốt, mọi thứ an ổn: Đất đai màu mỡ, rừng rậm xanh ngát, nguồn nước trong sạch, có nhiều trân bảo, bánh xe luật pháp lăn đều khắp nước; bản đồ ấn định, biên giới rõ ràng, về hướng Đông Tây mười hai do-tuần, về hướng Nam Bắc khoảng mười do-tuần. Ban ngày mọi người siêng năng làm việc, đêm dựng thành quách. Thành có bảy lớp với bảy lan can, bảy lớp lưới ngăn, bảy lớp hàng cây, những hàng bốn phía, có nhiều loài chim hân hoan ríu hót.

Nhờ quản trị tốt, đất nước phát triển, nhân dân hạnh phúc. Đó được gọi là báu bánh xe vàng. Bánh xe vàng này tượng trưng luật pháp và quản trị tốt.    O

Thế nào gọi là báu voi trắng lớn?

Chuyển Luân Thánh vương, vào một buổi sáng, ngồi trên điện lớn, bỗng đâu lại có voi trắng xuất hiện, da lông thuần trắng, bảy chỗ bằng phẳng, chạy nhanh như bay. Đầu voi nhiều màu; sáu ngà cong đẹp, quý hơn vàng ròng. Nhà vua liền nghĩ: “Voi báu này khôn. Nếu huấn luyện tốt, ta sẽ cỡi nó.”

Đoạn vua ra lệnh cho huấn luyện voi với các kỹ năng. Khi huấn luyện xong, vào buổi sáng nọ, vua bèn cỡi voi, ra thành thị sát, đi khắp bốn biển, trưa trở về cung để ăn cơm trưa. Nhà vua phấn khởi, nói với quần thần: “Voi trắng báu này là một phúc duyên, cũng là điềm lành cho vương quốc ta.”

Đó là thành tựu về báu voi trắng. Voi trắng lớn này tượng trưng cho các sức mạnh quân sự.   O

Thế nào gọi là báu ngựa xanh lớn?

Chuyển Luân Thánh vương, vào một buổi sáng, ngồi trên điện lớn, bỗng đâu lại có ngựa quý xuất hiện, da lông xanh thẫm, bờm và đuôi đỏ. Nhà vua liền nghĩ: “Ngựa báu này khôn. Nếu huấn luyện tốt, ta sẽ cỡi nó”.

Đoạn vua ra lệnh cho huấn luyện ngựa với các kỹ năng. Khi huấn luyện xong, vào buổi sáng nọ, vua bèn cỡi ngựa, ra thành thị sát, đi khắp bốn biển, trưa trở về cung để ăn cơm trưa. Nhà vua phấn khởi, nói với quần thần: “Ngựa quý báu này là một phúc duyên, cũng là điềm lành cho vương quốc ta”.

Đó là thành tựu về báu ngựa xanh. Ngựa xanh lớn này tượng trưng cho các sức mạnh kinh tế.    O

Thế nào gọi là báu thần châu quý?

Chuyển Luân Thánh vương, vào một buổi sáng, ngồi trên điện lớn, bỗng đâu lại có thần châu xuất hiện, màu nó trong suốt, không có tỳ vết. Nhà vua liền nghĩ: “Thần châu tuyệt vời. Khi có ánh sáng, nó sẽ chiếu soi khắp cả nội cung.” Vào tối đêm đó, nhà vua ra lệnh triệu bốn binh chủng, tự tay nhà vua đặt thần châu lên một cây phướn cao, rồi cầm cây phướn xuất thành trong đêm. Ánh sáng thần châu soi sáng đường đi, như chính ban ngày, làm cho nhiều người hân hoan làm việc. Nhà vua phấn khởi, nói với quần thần: “Báu thần châu này là một phúc duyên, cũng là điềm lành cho vương quốc ta.”

Đó là thành tựu về báu thần châu. Thần châu báu này tượng trưng cho các sức mạnh tri thức.   O

Thế nào gọi là báu ngọc nữ quý?

Chuyển Luân Thánh vương, vào một buổi sáng, ngồi trên điện lớn, bỗng đâu lại có ngọc nữ xuất hiện, sắc nước hương trời, diện mạo ung dung; không dài, không vắn; không thô, không nhỏ; không trắng, không đen; không cương, không nhu; đông thì thân ấm, hè thì thân mát. Các lỗ chân lông phát ra mùi hương giống như chiên-đàn; lúc nói chuyện thì miệng phát mùi hương hoa ưu-bát-la; nói năng dịu dàng; đi đứng khoan thai; đứng dậy trước vua, ngồi xuống sau vua, chuẩn mực phép tắc, nhân cách sáng ngời.

Nhìn thấy ngọc nữ, Chuyển Luân Thánh vương không chút mê đắm, mơ tưởng, nhớ thương, huống hồ gần gũi. Nhà vua phấn khởi, nói với quần thần: “Báu ngọc nữ này là một phúc duyên, cũng là là điềm lành cho bản thân ta”.

Đó là thành tựu về báu ngọc nữ. Báu ngọc nữ này tượng trưng đức hạnh, nhân cách con người.    O

Thế nào gọi là báu cư sĩ quý?

Có cư sĩ nam tự nhiên xuất hiện với kho báu lớn có nhiều vật quý. Do phước đời trước, vị cư sĩ này nhìn xuyên lòng đất, thấy các quặng mỏ. Kho nào có chủ, cư sĩ giữ giùm. Kho nào vô chủ, tiến dâng cho vua. Cư sĩ tâu vua: “Từ nay về sau, cần bất cứ gì, Đại vương ra lệnh, thần tự tay làm tất cả chu tất”.

Để thử cư sĩ, nhà vua truyền lệnh sửa soạn thuyền đẹp cho vua ngoạn thủy, bảo cư sĩ rằng: “Trẫm cần bảo vật làm bằng vàng ròng, nhanh đem cho ta.” Cư sĩ tâu rằng: “Xin Đại vương chờ; khi lên trên bờ, tất cả sẵn sàng”. Vua lại hối thúc: ‘Trẫm đang cần dùng. Mang đến cho ta.’ Vị cư sĩ quỳ mọp trên thuyền, tay mặt thọc nước, rút lên bình báu.

Khi làm liên tục, thuyền đầy của báu. Cư sĩ tâu vua: ‘Xin cho tôi biết Đại vương cần đến bao nhiêu của báu?’ Chuyển Luân Thánh vương vui cười trả lời: ‘Ta không cần đến. Những gì ta nói chỉ để thử lòng của cư sĩ thôi. Sự nhiệt tình này như cúng dường rồi. Nghe vua nói xong, cư sĩ liền thả báu vật xuống nước. Chuyển Luân Thánh vương phấn khởi nói rằng: “Báu Cư sĩ này là một phúc duyên, cũng là điềm lành cho bản thân ta”.

Đó là thành tựu về báu cư sĩ. Cư sĩ tượng trưng người có tài đức, nguyên khí quốc gia.   O

Thế nào gọi là báu chủ binh lớn?

Có chủ binh lớn tự nhiên xuất hiện, khỏe mạnh, hùng dũng, có đủ trí mưu, sách lược sáng suốt, nhanh nhẹn quyết đoán, đến tâu vua rằng: “Đại vương chớ lo, dẹp loạn chỗ nào, chinh phạt nơi nào, tôi xin đảm trách. Để thử chủ binh, nhà vua truyền hiệu triệu bốn binh chủng, bảo mọi người rằng: “Ngươi hãy điều binh. Lính chưa tập hợp thì hãy tập hợp. Lính đã tập hợp thì hãy giải tán. Nếu lính chưa nghiêm, hãy làm cho nghiêm. Lính đã nghiêm rồi thì hãy cởi mở. Ai chưa chịu đi, hãy khuyên bảo đi. Ai đã chịu đi thì khiến dừng lại.” Những gì vua dặn, binh chủ làm theo, không sai phép tắc. Vua rất hài lòng, phấn khởi nói rằng: “Báu chủ binh này là một phúc duyên, cũng là điềm lành cho đất nước ta.”

Đó là thành tựu về báu chủ binh. Chủ binh tượng trưng nhà quản trị giỏi, điều hành vận nước phát triển thịnh vượng.   O

BỐN THẦN TÚC LỚN

Này các đệ tử, ngoài bảy báu vật, Chuyển Luân Thánh vương còn sở hữu được bốn thần túc lớn: Thần túc một là tướng mạo phi thường, giống như thiên tử, diện mạo đoan chánh, hiếm có trên đời. Thần túc hai là thông minh xuất chúng, tài đức hơn người, mọi thứ điêu luyện, trí tuệ siêu tuyệt, không có người bằng. Thần túc ba là thân thể khỏe mạnh, không hề bệnh tật; tiêu hóa rất nhanh, không bị trở ngại đại tiện, tiểu tiện. Thần túc bốn là thọ mạng dài lâu, không thể tính đếm, siêu việt, phi phàm.

Này các đệ tử, vì lo cho dân, Chuyển Luân Thánh vương tự mình ngự giá xuất, thị sát khắp nước, lệnh người đánh xe: “Hãy chở ta đi. Ta muốn quan sát đời sống nhân dân có ấm no không, có hạnh phúc không, có bình an không, có trở ngại không?”

Xe vua đến đâu, người dân ở đó đứng dọc theo đường, xin người đánh xe: “Cho xe đi chậm, chúng tôi muốn ngắm tỏ tường tôn nhan của bậc Thánh vương”.   O

THƯƠNG DÂN NHƯ CON

Chuyển Luân Thánh vương chăm lo cho dân như cha thương con. Không ai bảo ai, thần dân mến mộ, xem vua như cha. Có gì quý báu đều dâng cống vua, cung kính tâu rằng: “Kính xin Đại vương, chiếu cố tiếp nhận, tùy ý sử dụng”. Nhà vua trả lời: “Cảm ơn mọi người! Ta đủ tài bảo, không cần cống dâng. Mọi người giữ lấy số vật báu này, tự lo cho mình và những người thân”.                               O

QUỐC ĐỘ THÁNH VƯƠNG

Tại Diêm-phù-đề, nơi trị vì của Chuyển Luân Thánh vương, đất đai bằng phẳng, không có hầm hố, gò nỗng, gai góc; không có muỗi ruồi, chí rận, ong, bướm, bò cạp, rắn rết, sâu độc, động vật ăn thịt. Vàng, bạc, báu ngọc có khắp mọi nơi. Khí hậu bốn mùa không nóng, không lạnh. Không có ô nhiễm đất đai núi rừng, đường đi bằng phẳng, không có bụi bẩn. Có nhiều sông suối trong sạch quanh năm, không bao giờ cạn. Khắp cả bốn mùa, cây cỏ xanh tươi trải trên mặt đất mềm mại như lụa, hoa thơm trái ngọt xum xuê khắp cành. Có các lúa tẻ tự nhiên khắp nơi, không có vỏ trấu, thơm dẻo và ngon. Cây có mùi hương, khi trái chín cây, nức tỏa mùi hương, thơm ngát vô cùng. Có các cây vải, cho các loại vải. Có cây trang sức, làm đồ trang sức đa dạng, phong phú. Có cây tràng hoa, cho nhiều tràng hoa. Có cây dụng cụ, tạo các dụng cụ. Có cây nhạc cụ, dùng làm nhạc cụ. Nhiều loại cây quý, không thể kể hết...  O

QUẢN TRỊ ĐẤT NƯỚC

Chuyển Luân Thánh vương quản trị nước đúng theo luật pháp, đi đầu chánh kiến, tin theo nhân quả, tu mười điều thiện, giúp cho nhân dân có được chánh kiến, làm 10 việc lành. Nhờ Chuyển Luân vương, thế giới thanh bình, đất nước phát triển, mọi người no ấm, hạnh phúc khắp nơi, an vui, tự tại.    O

TỐNG TÁNG THÁNH VƯƠNG

Sau nhiều năm dài, vua nhuốm bệnh nặng rồi cũng qua đời. Quan trong triều đình, các bậc quần thần, bá tánh nhân dân tổ chức lễ tang trọng thể trang nghiêm, tấu các kỹ nhạc; tắm gội thân vua bằng nước hoa thơm, quấn thân nhà vua bằng lụa kiếp bối, đặt thân thể vua trong quan tài vàng, bên ngoài cỗ quách thêm một quách gỗ, bọc bởi vải quý. Đặt cỗ quan tài trên đống củi hương. Sau khi hỏa táng, dựng tháp bảy báu… trong khu vườn đẹp có nhiều hoa thơm, cây quý, chim hót điệu buồn.    O

Quan tước triều đình và dân cả nước đến cúng dường tháp, phát chẩn bố thí cho người nghèo khó; cần ăn cho ăn; cần mặc cho mặc, giúp họ vượt qua nghèo khổ bế tắc. Sở dĩ nhà vua Chuyển Luân Thánh vương sống trong vinh quang, chết được tiếc nhớ là do công đức, oai thần mà được.

Nghe Phật giảng dạy, mọi người hoan hỷ, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này.    O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật       (3 lần) O

***

 
00:00