B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 28. Kinh Mười Hai Nhân Duyên

 28. KINH MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

***

THẾ GIỚI TƯƠNG THUỘC

Tôi nghe như vầy. Có một thuở nọ, tại chùa Kỳ Viên, thuộc thành Xá-vệ do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng, đức Phật ôn tồn khuyên các Tỳ-kheo hãy suy nghiệm kỹ, nỗ lực thực hành về pháp nhân duyên.

Này các đệ tử, thế nào gọi là nguyên lý nhân duyên giữa các sự vật? Trong vũ trụ này, xưa cũng như nay, thật chưa từng có nguyên nhân đầu tiên tạo ra thế giới, con người, vạn vật. Tất cả sự vật nương nhau mà thành, tồn tại, phát triển, suy hoại rồi diệt, tiếp tục tạo ra quy trình bốn bước: “Sanh, trụ, dị, diệt” theo công thức sau: “Cái này phát sanh kéo theo tình trạng phát sanh cái khác. Cái này hiện hữu tạo ra tình trạng hiện hữu cái khác. Cái này không có kéo theo tình trạng không có cái khác. Cái này hoại diệt tạo ra tình trạng hoại diệt cái khác”.       O

MẮC XÍCH KIẾP NGƯỜI

Này các đệ tử, thế nào gọi là nguyên lý nhân duyên đối với con người và các chúng sinh? Do có vô minh nên có cái hành. Do có cái hành nên có tâm thức. Do có tâm thức nên có danh sắc. Do có danh sắc, có sáu giác quan. Do sáu giác quan nên có tiếp xúc. Do có tiếp xúc nên có cảm giác. Do có cảm giác nên có tham ái. Do có tham ái nên có chấp thủ. Do có chấp thủ nên có hiện hữu. Do có hiện hữu nên có tái sanh. Do có sanh ra nên có già chết. Do có già chết nên có sầu, bi, khổ, ưu và não, không thể kể xiết; từ đó hình thành cả khối đau khổ trong thân năm uẩn (thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức).

Này các đệ tử, vô minh là gì? Là loại nhận thức không biết khổ đau, không biết nhân khổ, không biết niết-bàn hạnh phúc tuyệt đối, không biết con đường chấm dứt khổ đau. Thế nào là hành? Gồm có ba loại: Thân hành, khẩu hành và cả ý hành. Thế nào là thức? Thức có sáu loại: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, tri giác. O

Trong cơ thể này, phần nào là danh? Cảm giác, tri giác, ý niệm, xúc giác và các tư duy. Thế nào là sắc? Đó là bốn đại: Đất, nước, gió, lửa, và tất cả thứ có từ bốn đại. Sáu nhập là gì? Bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tiếp xúc là gì? Gồm có sáu loại: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, vị xúc, thân xúc, ý xúc. Cảm giác là gì? Gồm có ba loại: Cảm giác khổ đau, cảm giác hạnh phúc, cảm giác trung tính.

Tham ái là gì? Bao gồm có ba: Khao khát tính dục, khao khát hiện hữu, khao khát vô hữu. Chấp thủ là gì? Bao gồm bốn loại: Chấp thủ tính dục, chấp thủ tà kiến, chấp thủ giới cấm, chấp thủ cái tôi. Hiện hữu là gì? Gồm có ba loại: Hiện hữu cõi dục, hiện hữu cõi sắc, hiện hữu vô sắc.

Tái sinh là gì? Tiếp nối sự sống, tái sanh các cõi hoàn toàn do nghiệp, đầy đủ xuất xứ, hình thành năm uẩn, tạo ra sự sống. Thế nào là già? Biểu hiện lão suy trên cơ thể người hay các động vật, bao gồm: Da nhăn, tóc bạc, răng rụng, khí lực khô cạn, giác quan yếu kém, không còn bén nhạy, mạng sống suy dần. Thế nào là chết? Gồm các biểu hiện não ngưng hoạt động, tim ngừng nhịp đập, hơi ấm không còn, vô thường biến dịch, chia lìa người thân, trở về bốn đại, mạng sống kết thúc.

Này các đệ tử, mười hai mắt xích nhân duyên kiếp người vừa được phân tích tạo ra đời sống trong ba thời gian (quá khứ, hiện tại và đời tương lai), từ lúc sanh ra, đến già, bệnh, chết; lại tiếp quy trình tương tự như thế, qua nhiều kiếp sống. Những gì cần nói về kiếp sống người, ta đã nói xong.

Này các đệ tử, hãy đến gốc cây, ngồi ngoài trời thoáng, giữa bãi tha ma, hay nơi yên tĩnh… tập trung thiền định, chớ ngại gian khổ. Thời gian trôi qua, nếu không siêng tu, về sau hối hận những chuyện vô ích.   O

ĐẠI DƯƠNG SINH TỬ

Phật vừa dứt lời, tôn giả A-nan xin Phật giải thích giá trị của hiểu mười hai nhân duyên. Phật liền dạy rằng:

Này các đệ tử, mười hai nhân duyên vô cùng sâu sắc, không phải là điều người thường hiểu tới. Ngày xưa đang tu, chưa đạt giác ngộ mười hai nhân duyên, ta đã trôi lăn trong đường sanh tử, không thoát ra được. Ngộ thuyết nhân duyên với mười hai mắt xích, ta chặt đứt chúng, nhờ đó vĩnh viễn không còn tái sanh.    O

Trong kiếp quá khứ xa xưa về trước, có một vị vua cõi A-tu-la tên là Tu-diệm chợt có ý nghĩ muốn bốc mặt trời và cả mặt trăng ra khỏi nước biển. Ông tự hóa thân cực kỳ to lớn, đến độ nước biển chỉ ngang hông ông. Vua Tu-diệm này có một người con là Câu-na-la, tâu với vua rằng: “Con muốn xuống biển, tắm cho thỏa thích.” Vua Tu-diệm nói: “Con chớ ham thích tắm trong nước biển. Vì nước đại dương vừa sâu, vừa rộng; không thể ở trong nước biển mà tắm.” Câu-na-la nói: “Hiện con đang thấy độ sâu của biển chỉ ngang hông cha, có gì sâu rộng, con không sợ đâu.” Không khuyên được con, vua Tu-diệm nắm thân của thái tử, thả xuống nước biển. Chân của thái tử không đụng đáy nước, lòng rất lo sợ. Vua bảo con rằng: “Như con thấy đó, cha đã nói rồi, đại dương rất sâu mà con không tin. Chỉ có mình cha có thể tắm gội ở trong đại dương, còn con không thể.”

Này các đệ tử, vua Tu-diệm ấy của kiếp xa xưa chính là thân Ta. Còn vị thái tử con của nhà vua chính là A-nan. Con đã từng nói: “Đại dương không sâu và cũng không sao.” Nhưng sự thật thì ngược lại hoàn toàn. Ai không thấu hiểu và chặt đứt được mười hai nhân duyên sẽ bị trôi lăn luân hồi vô tận, không ngày xuất ly; chìm trong mê hoặc, không nhận thức rõ gốc rễ của hành; đời này kiếp khác, kẹt trong khổ não, khó lần manh mối xuất ly sanh tử.  O

THOÁT VÒNG SINH TỬ

Này các đệ tử, dưới cội Bồ-đề sau khi thành đạo, ta đã nhận ra mười hai nhân duyên, ta thắng được ma và quyến thuộc chúng, hoàn toàn nhờ vào dứt được vô minh mà ánh trí tuệ chiếu soi cùng khắp; bóng tối lậu hoặc nhờ đó kết thúc, không còn trần cấu.

Này các đệ tử, các con nên biết mười hai nhân duyên rất là sâu thẳm, không phải là điều mà người phàm phu có thể nghiệm ra. Tất cả các con hãy nên suy nghiệm mười hai nhân duyên, thực tập chuyển hóa, để kết thúc được mạng lưới sinh tử.

Nghe Phật khuyên nhắc, tôn giả A-nan và người có mặt vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thực tập, truyền bá kinh này.    O

GIẢI THÍCH THÊM VỀ NHÂN DUYÊN

Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, ở xóm Điều ngưu, thuộc Câu-lưu-sấu, đức Phật dạy bảo mọi người như sau:

 “Này các đệ tử, nay ta thuyết pháp về ý nghĩa của nguyên lý duyên khởi. Hãy lắng lòng nghe, hãy suy nghiệm kỹ, ta vì các con giải thích duyên khởi.

“Thế nào gọi là nguyên lý duyên khởi?” “Cái này phát sanh kéo theo tình trạng phát sanh cái khác. Cái này hiện hữu tạo ra tình trạng hiện hữu cái khác. Cái này không có kéo theo tình trạng không có cái khác. Cái này hoại diệt tạo ra tình trạng hoại diệt cái khác”. Đối với con người trong kiếp luân hồi, thì do vô minh nên có cái hành. Do có cái hành nên có tâm thức. Do có tâm thức nên có danh sắc. Do có danh sắc, có sáu giác quan. Do sáu giác quan nên có tiếp xúc. Do có tiếp xúc nên có cảm giác. Do có cảm giác nên có tham ái. Do có tham ái nên có chấp thủ. Do có chấp thủ nên có hiện hữu. Do có hiện hữu nên có tái sanh. Do có sanh ra nên có già chết. Do có già chết nên có sầu, bi, khổ, ưu và não, không thể kể xiết; từ đó hình thành cả khối đau khổ trong thân năm uẩn (thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức).    O

Này các đệ tử, vô minh là gì? Là loại nhận thức không biết tiền tế, chẳng rõ hậu tế, không biết cả hai tiền tế hậu tế; chẳng biết trong, ngoài, cả trong lẫn ngoài; chẳng biết nghiệp duyên, chẳng biết quả báo; chẳng biết Phật, Pháp, chẳng tin Tăng đoàn; chẳng biết khổ đau, chẳng biết nhân khổ, chẳng biết niết-bàn, chẳng biết con đường chấm dứt khổ đau; chẳng biết các nhân, chẳng biết sự vật sanh khởi từ nhân; chẳng biết thiện, ác, có tội, không tội, nguyên nhân của chúng; hoặc kém, hoặc hơn; nhiễm ô, hoặc tịnh; chẳng biết phân biệt về pháp duyên khởi; chẳng biết tất cả; không giác tri được sáu giác quan trọng; không thích quán chiếu; sống trong si ám, đánh mất trí tuệ, mù mịt tối tăm nên gọi vô minh.   O

Do có vô minh nên có cái hành. Vậy, hành là gì? Gồm có ba loại: Thân hành, khẩu hành và cả ý hành.

Do có cái hành nên mới có thức. Thức gồm sáu loại: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, tri giác.

Do có cái thức nên có danh sắc. Danh gồm bốn uẩn thuộc về tinh thần bao gồm: cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức. Sắc gồm bốn đại (đất, nước, gió, lửa) hoặc các sự vật được hình thành nên từ bốn đại này. Sắc hợp với danh tạo ra mạng sống của một con người nên gọi danh sắc.

Do có danh sắc nên có sáu nhập. Bao gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Do có sáu nhập nên có tiếp xúc. Xúc có sáu loại: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, vị xúc, thân xúc, ý xúc.   O

Do có tiếp xúc nên có cảm giác. Cảm giác có ba: Cảm giác khổ đau, cảm giác hạnh phúc, cảm giác trung tính.

Do có cảm giác nên có tham ái. Tham ái có ba: Khao khát tính dục, khao khát hiện hữu, khao khát vô hữu.

Do có tham ái nên có chấp thủ. Chấp có bốn loại: Chấp thủ tính dục, chấp thủ tà kiến, chấp thủ giới cấm, chấp thủ cái tôi. 

Do có chấp thủ nên có hiện hữu. Hiện hữu có ba: dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Do có hiện hữu nên có tái sanh. Trong mỗi chủng loại của các động vật, tùy theo từng thân, hòa hợp, xuất sanh, thành tựu năm uẩn, thành tựu cảnh giới, thành tựu nơi chốn, thành tựu giác quan, tạo ra sự sống của các chủng loại, nên gọi là sanh.

Do có sanh ra nên có già chết. Già được biểu hiện qua các tướng trạng: Tóc bạc, da nhăn, giác quan suy kém, tay chân yếu ớt, lưng khòm, đầu cúi, hơi thở ngắn lại, mệt nhọc, yếu đau, rên rỉ, than thở, đi nhờ nạng gậy, thân thể đen sạm, cơ thể thô hơn, kém nhớ lú lẫn, làm việc khó khăn, mọi thứ kém cỏi. Còn khi tuổi thọ đến hồi chấm dứt, hoặc do bệnh nặng, hoặc bị tai nạn... hơi ấm lìa thân, mạng sống kết thúc, thân hoại, đổi đời, bỏ thân năm uẩn, tiếp tục tái sanh ở một kiếp khác thì gọi là chết. Khi già có mặt thì chết liền theo, nên gọi già chết. Đó là duyên khởi cuộc sống con người và các động vật.

Nghe Phật giảng giải mười hai nhân duyên, mọi người có mặt vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thực tập, truyền bá kinh này.  O

CHẶT ĐỨT MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, tại chùa Kỳ Viên thuộc thành Xá-vệ do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng, Phật gọi Tăng chúng và dạy như sau:

Này các đệ tử, đối với các pháp bị tâm chấp thủ, mà thuận nếm vị, khao khát, tham luyến, tâm sẽ hệ lụy, đuổi theo danh sắc. Do có danh sắc, có sáu giác quan. Do sáu giác quan nên có tiếp xúc. Do có tiếp xúc nên có cảm giác. Do có cảm giác nên có tham ái. Do có tham ái nên có chấp thủ. Do có chấp thủ nên có hiện hữu. Do có hiện hữu nên có tái sanh. Do có sanh ra nên có già chết. Do có già chết nên có sầu, bi, khổ, ưu và não, không thể kể xiết; từ đó hình thành cả khối đau khổ trong thân năm uẩn (thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức). Tình trạng vừa nêu cũng như cây lớn, nhánh to, lá nhiều, có hoa và quả, rễ bám thật sâu dưới lòng đất cứng; nếu được bón phân, tưới tẩm, chăm sóc thì cây tươi xanh, không thể khô héo hay chết, mục, hư.  O

Này các đệ tử, đối với các pháp bị tâm chấp thủ mà biết tu tập các phương pháp quán, như quán vô thường, quán trụ sanh diệt, quán không tham dục, quán tính tịch diệt, quán sự nhàm tởm, tâm không tham luyến, không bị hệ lụy, thức không rong ruổi theo danh sắc này. Kết quả tốt là sanh sắc được diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên tiếp xúc diệt. Do tiếp xúc diệt nên cảm giác diệt. Do cảm giác diệt nên tham ái diệt. Do tham ái diệt nên chấp thủ diệt. Do chấp thủ diệt nên hiện hữu diệt. Do hiện hữu diệt nên tái sanh diệt. Do tái sinh diệt nên già bệnh diệt. Do già bệnh diệt nên không còn nữa sầu, bi, khổ, ưu và khối khổ đau. Tình trạng diệt này giống như trồng cây, nếu không bón phân, tưới nước chăm sóc, nóng lạnh bất thường, cây sẽ khô héo, không thể lớn xanh. Nếu ta đốn gốc, chặt sạch cành nhánh, cắt ra từng đoạn, để cho nắng táp, hay dùng lửa đốt cháy rụi thành tro, cho gió thổi đi, hoặc quăng xuống nước. Này các đệ tử, các con nghĩ sao, phá cây như thế, cây còn có thể sống lại được không? Dĩ nhiên là không. Thực tập pháp quán như ta vừa dạy sẽ có khả năng giúp cho các con chặt cây sanh tử, không còn luân hồi, nhờ đó đạt được an vui, giải thoát.

Nghe Phật dạy xong, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát tâm thực tập, truyền bá kinh này.   O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật     (3 lần) O

***

 
00:00