B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 29. Kinh Chánh Tri Kiến

 29. KINH CHÁNH TRI KIẾN

***

Tôi nghe như vầy. Một thời Thế Tôn đang lưu trú tại Tinh xá Kỳ-hoàn trong thành Xá-vệ do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng. Trong một dịp nọ, ngài Xá-lợi-phất gọi các đồng tu [1] để ngài chia sẻ về chánh tri kiến. O

– Thưa các hiền giả, chúng ta thường nghe Thế Tôn nói về “người có chánh kiến.” Bằng cách thức nào, vị thánh đệ tử, người có chánh kiến, thấy biết chánh trực, tin pháp tuyệt đối, [2] đạt được nhận thức chánh tri kiến [3] ấy?

– Kính bạch tôn giả, chúng tôi đến đây từ nơi xa xôi, chỉ vì để học lời dạy của ngài về chánh tri kiến. Thật là diễm phúc, nếu ngài giảng giải, tất cả mọi người sẽ thực hành theo.  O

TUỆ TRI BẢN CHẤT THIỆN VÀ BẤT THIỆN

– Thưa các hiền giả, cho đến khi nào vị thánh đệ tử tuệ tri thiện ác và gốc rễ chúng thì hành giả ấy mới được gọi là vị thánh đệ tử có chánh tri kiến.

– Thưa các hiền giả, bất thiện bao gồm: giết hại sinh mạng, lấy của không cho, tà hạnh ngoại tình, nói sai sự thật, nói lời chia rẽ, nói lời ác độc, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, thấy biết sai lầm. Gốc của bất thiện là tham, sân, si.

– Thưa các hiền giả, việc thiện bao gồm từ bỏ sát sinh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ ngoại tình, từ bỏ nói láo, từ bỏ hai lưỡi, từ bỏ lời ác, từ bỏ tán gẫu, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, hành theo chánh kiến. Gốc rễ của thiện chính là không tham, không sân, không si.

– Nhờ chánh kiến này, hành giả có thể dứt trừ tận gốc khuynh hướng [4] tham dục, [5] khuynh hướng sân hận, [6] khuynh hướng quan điểm - thái độ “tôi là,” [7] nhổ gốc vô minh, hiển hiện tuệ giác, hết mọi khổ đau ngay trong hiện tại.

Khi vừa nghe xong, mọi người hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Xá-lợi-phất. Có vị Tỳ-kheo cung kính thưa hỏi câu hỏi như sau:  O

TUỆ TRI TRONG ĂN UỐNG

– Kính bạch tôn giả, có pháp môn nào, ngoài pháp vừa nêu, có khả năng lớn, giúp cho hành giả đạt được chánh kiến?

– Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất thức ăn, nguồn gốc thức ăn, chấm dứt thức ăn và cách chấm dứt”, nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

– Thưa các hiền giả, có bốn thức ăn giúp cho con người và các động vật sẽ được tái sinh với đời sống mới; khi đã sinh rồi sẽ được nuôi lớn. Bốn thức ăn là: thức ăn vật lý, [8] loại mềm và cứng, [9] thức ăn xúc chạm của các giác quan, [10] thức ăn tác ý, [11] thức ăn của thức. [12] Từ nguồn gốc ái, thức ăn có mặt. Khi ái chấm dứt, thức ăn chấm dứt. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh giúp cho hành giả chấm dứt thức ăn.    O

TUỆ TRI ĐƯỢC BỐN CHÂN LÝ

– Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ, và pháp diệt khổ” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

– Khổ có tám loại: sinh ra là khổ, già suy là khổ, bệnh tật là khổ, chết chóc là khổ, “buồn rầu, thiểu não, đau đớn, lo lắng, vô vọng là khổ,” [13] mong cầu mà không thành tựu là khổ, chấp thủ năm nhóm nhân tính là khổ. [14] 

– Nguyên nhân của khổ chính là tham ái - đưa đến tái sinh - được sự hỗ trợ của dục và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ nọ, bao gồm ba loại: tham ái khoái lạc, [15] tham ái hiện hữu, [16] ái phi hiện hữu. [17]

– Sự chấm dứt khổ chính là lìa tham, không còn tàn dư, là nhổ sạch gốc, là sự từ bỏ, là sự giải thoát, không còn khát ái.

– Con đường diệt khổ là tám chánh đạo: nhận thức chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, siêng năng chân chánh, ghi nhớ chân chánh và định chân chánh.                O

TUỆ TRI ĐƯỢC BỐN SỰ THẬT VỀ GIÀ VÀ CHẾT

– Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Già suy và chết, nguyên nhân già chết, sự dứt già chết, pháp diệt già chết” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Già suy xuất hiện với các chúng sinh, bất luận giới tính, qua nhiều hình thái, như sự lớn tuổi, lụm cụm rụng răng, tóc bạc da nhăn, tuổi thọ ngắn dần, thể lực suy yếu, giác quan kém cỏi.

Cái chết xuất hiện với các chúng sinh, bất luận giới tính, qua nhiều tên gọi, như lìa cõi đời, mạng sống chấm dứt, âm dương cách biệt, bỏ mạng, mệnh chung, hoại diệt, tiêu mất, năm uẩn tan rã, vất bỏ hình hài.

Cái gì có sinh sẽ có già chết. Khi sinh chấm dứt, già chết kết thúc. Thánh đạo tám ngành có được khả năng chấm dứt già chết.     O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ SINH

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất của sanh, nguồn gốc của sanh, sự chấm dứt sanh và pháp dứt sanh” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Cái sanh xuất hiện với các chúng sinh, bất luận giới tính, qua nhiều hình thái, như sự tựu thai, sự tạo tác ra, sinh sản, xuất hiện, ra đời, hiện diện, hình thành năm uẩn, hội tụ xúc tác. [18]

Cái gì hiện hữu, cái đó có sinh. Chấm dứt hiện hữu, sự sinh kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh đưa đến dứt sinh.       O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ HIỆN HỮU

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất hiện hữu, nguồn gốc hiện hữu, sự dứt hiện hữu, cách dứt hiện hữu” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có ba hiện hữu: hiện hữu dục giới, hiện hữu sắc giới, hữu vô sắc giới. Chỗ nào có thủ sẽ có hiện hữu. Chỗ nào hết chấp, hiện hữu chấm dứt. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt hiện hữu.      O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ CHẤP THỦ

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất chấp thủ, nguồn gốc chấp thủ, sự dứt chấp thủ và cách dứt chấp” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có bốn chấp thủ: chấp thủ khoái lạc, chấp thủ quan điểm, chấp thủ giới cấm, chấp thủ ngã luận. [19]

Chỗ có tham ái sẽ có chấp thủ. Chấm dứt tham ái, chấp thủ kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt chấp thủ.               O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ THAM ÁI

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất tham ái, nguồn gốc tham ái, sự dứt tham ái, pháp dứt tham ái” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có sáu tham ái: tham ái hình sắc, tham ái âm thanh, tham ái mùi hương, tham ái gia vị, tham ái tiếp xúc, tham ái ý niệm. [20]  Khi có cảm xúc sẽ có tham ái. Chấm dứt cảm xúc, tham ái kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt tham ái.       O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ CẢM XÚC

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất cảm xúc, nguồn gốc cảm xúc, sự hết cảm xúc, pháp dứt cảm xúc” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có sáu cảm xúc: cảm xúc của mắt, cảm xúc của tai, cảm xúc của mũi, cảm xúc của lưỡi, cảm xúc của thân, cảm xúc của ý. Khi có tiếp xúc, cảm xúc xuất hiện. Khi hết tiếp xúc, cảm xúc kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt cảm xúc.       O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ TIẾP XÚC

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất tiếp xúc, nguồn gốc tiếp xúc, sự hết tiếp xúc, pháp diệt tiếp xúc” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có sáu tiếp xúc: tiếp xúc của mắt, tiếp xúc của tai, tiếp xúc của mũi, tiếp xúc của lưỡi, tiếp xúc của thân, tiếp xúc của ý. [21]Khi có giác quan, tiếp xúc có mặt. Khi mất giác quan, tiếp xúc kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt tiếp xúc.    O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ GIÁC QUAN

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất giác quan, nguồn gốc giác quan, sự dứt giác quan, pháp diệt giác quan” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có sáu giác quan: giác quan của mắt, giác quan của tai, giác quan của mũi, giác quan của lưỡi, giác quan của thân, giác quan của ý. [22] Khi có danh sắc, giác quan có mặt. Khi hết danh sắc, giác quan chấm dứt. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt giác quan.     O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ DANH SẮC

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất danh sắc, nguồn gốc danh sắc, sự dứt danh sắc, pháp diệt danh sắc” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có năm loại danh: cảm xúc, tưởng tượng, tư duy, tiếp xúc, tác ý khởi tâm. [23]  Sắc có hai loại: đất nước gió lửa và các hình thái có từ bốn đại.

Có thức tái sinh, danh sắc có mặt. Dứt thức tái sanh, danh sắc chấm dứt. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt danh sắc.    O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ THỨC

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất nhận thức, nguồn gốc nhận thức, sự chấm dứt thức, pháp chấm dứt thức” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có sáu nhận thức: nhận thức của mắt, nhận thức của tai, nhận thức của mũi, nhận thức của lưỡi, nhận thức của thân, nhận thức của ý.

Chỗ nào có hành, chỗ đó có thức. Khi dứt được hành, nhận thức kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt nhận thức.       O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ HÀNH

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất vận hành, nguồn gốc vận hành, sự chấm dứt hành, pháp chấm dứt hành” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có ba loại hành: sự vận hành thân, sự vận hành lời, sự vận hành tâm. Khi có vô minh, vận hành có mặt. Khi dứt vô minh, vận hành kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt vận hành.         O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ VÔ MINH

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất vô minh, nguồn gốc vô minh, sự dứt vô minh, pháp dứt vô minh” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Vô minh chính là không tuệ tri khổ, không rõ nhân khổ, không rõ dứt khổ, không biết đường dứt. Khi có lậu hoặc, vô minh có mặt. Khi dứt lậu hoặc, vô minh kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt vô minh.       O

TUỆ TRI BỐN SỰ THẬT VỀ LẬU HOẶC

Thưa các hiền giả, vị thánh đệ tử nhờ biết tuệ tri: “Bản chất lậu hoặc, nguồn gốc lậu hoặc, sự dứt lậu hoặc, pháp dứt lậu hoặc” nên thiết lập được cái nhìn chánh kiến.

Có ba lậu hoặc: lậu hoặc khoái lạc, lậu hoặc hiện hữu, lậu hoặc vô minh. Khi có vô minh, lậu hoặc có mặt. Khi dứt vô minh, lậu hoặc kết thúc. Thánh đạo tám ngành là con đường chánh, chấm dứt lậu hoặc.    O

***

Thưa các hiền giả, nói tóm lại là, nhờ có chánh kiến: “Về thiện, bất thiện, cũng như chánh kiến về bốn chân lý, và biết tuệ tri bốn chân lý thánh vào việc ăn uống, cũng như ứng dụng trong từng chi phần của mười hai duyên”, hành giả có thể dứt trừ tận gốc khuynh hướng tham dục, khuynh hướng sân hận, khuynh hướng quan điểm - thái độ “tôi là,” nhổ gốc vô minh, hiển hiện tuệ giác, hết mọi khổ đau ngay trong hiện tại. Đây chính là cách vị thánh đệ tử, người có chánh kiến, thấy biết chánh trực, tin pháp tuyệt đối, đạt được nhận thức chánh kiến nhiệm mầu.

Nghe Xá-lợi-phất giảng giải rõ nghĩa, về chánh tri kiến, các vị Tỳ-kheo và người có mặt thảy đều hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá Kinh này.     O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật     (3 lần) O

 


1. Bản văn ghi là các “Tỳ-kheo.” Chúng tôi dùng từ “đồng tu” để ám chỉ trong chúng hội ấy có thể còn có nhiều vị chưa thọ giới Tỳ-kheo và dĩ nhiên có luôn cả những người tại gia.  

2. Tức “có niềm tin bất động vào lời Phật dạy.”   

3. Bản nguyên tác dùng đại từ “diệu pháp” để khẳng định “chánh tri kiến” là pháp môn mầu nhiệm, vì có khả năng chuyển hoá khổ đau, đưa đến hạnh phúc.          

4. Thường được dịch là “tùy miên,” tức khuynh hướng tâm lý vi tế, tiềm ẩn (miên) trong vô thức, nhưng lại có sức theo đuổi (tùy) con người trong chuỗi dài luân hồi và có thể chi phối các thói quen xấu của con người, như một năng lực mãnh liệt khó cưỡng lại được.     

5. Tức “tham tùy miên” (the underlying tendency to lust).

6. Tức “sân tùy miên” (the underlying tendency to aversion).           

7. Tức “kiến tùy miên và mạn tùy miên” (the underlying tendency to the view and conceit ‘I am’).        

8. Tức “đoàn thực.”     

9. Tức “loại thô và tế.”

10. Tức “xúc thực.”      

11. Tức “tư niệm thực.”               

12. Tức “thức thực.”     

13. Thường được dịch gọn là “sầu, bi, khổ, ưu, não.” Trong phần lớn các bài kinh khác, nhóm năm yếu tố khổ về tâm lý này được thay thế bằng “oán tắng hội” tức “không thích nhau mà phải gặp nhau.”            

14. Tức “năm thủ uẩn.”              

15. Tức “dục ái.”           

16. Tức “hữu ái.”          

17. Tức “phi hữu ái.”    

18. Thường dịch là “tụ đắc các xứ,” tức sự có được các cứ liệu tiếp xúc trong tiến trình tái sinh.

19. Thường dịch là “dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ.”  

20. Thường dịch là “sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.”              

21. Thường dịch là “nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc.”            

22. Thường dịch là “nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập.”    

23. Thường dịch là “thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý.”      

***

 
00:00