B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 32. Kinh Nhận Diện Vô Ngã

 32. KINH NHẬN DIỆN VÔ NGÃ

 ***

DỤC LÀ ĐẦU MỐI DÍNH MẮC

Tôi nghe như vầy. Vào ngày bố-tát trong đêm trăng tròn, ở tại Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu, thuộc thành Xá-vệ, đang khi Thế Tôn đang ngồi giữa trời, với nhiều đệ tử cung kính bên người, có một Tỳ-kheo đứng dậy, bày y bên phải, chấp tay bạch Phật:     O

– Nếu được cho phép, con xin hỏi Người vấn đề đặc biệt.

– Hãy đặt câu hỏi, từ chỗ ông ngồi, như ý ông muốn.

Nghe lời Phật dạy, Tỳ-kheo ngồi xuống, cung kính hỏi rằng: 

– Kính bạch Thế Tôn, thế nào gọi là năm nhóm dính mắc?

– Này các đệ tử, năm nhóm dính mắc bao gồm như sau: tổ hợp thân thể, tổ hợp cảm giác, tổ hợp tri giác, tổ hợp tâm tư, tổ hợp nhận thức.

– Kính bạch Thế Tôn, năm nhóm dính mắc lấy gì làm gốc?

– Này các đệ tử, năm nhóm dính mắc lấy dục làm gốc.

– Kính bạch Thế Tôn, có phải chấp thủ là năm dính mắc, hay có tình huống, ngoài năm dính mắc, có chấp thủ khác?

– Này các đệ tử, không phải chấp thủ là năm dính mắc; không có tình huống ngoài năm dính mắc có chấp thủ khác. Khi nào có dục hay có lòng tham với năm dính mắc, đó là chấp thủ.

– Kính bạch Thế Tôn, có khác biệt chăng giữa cái gọi là lòng dục, lòng tham với năm dính mắc?

– Này các đệ tử, hẳn có thể có. Đã từng có người suy nghĩ như sau: “Mong sao thân tôi được như thế này ở trong tương lai!” Có người mong rằng cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức thế này, thế kia ở trong tương lai. Đây thật chính là sự sai khác chính giữa dục và tham với năm dính mắc.    O

NHÂN DUYÊN CỦA NĂM UẨN

– Kính xin Thế Tôn giải thích rõ hơn về nghĩa tổ hợp trong năm dính mắc.

– Này các đệ tử, bất cứ sắc chất, quá khứ, vị lai hay là hiện tại, bên trong hay ngoài, dù thô hay tế, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, được gọi chung là tổ hợp sắc thân. Tất cả cảm giác, thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, dù trong hay ngoài, dù thô hay tế, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, được gọi chung là tổ hợp cảm giác. Tương tự đối với các tổ hợp khác. Uẩn là thế đó.

– Do nhân duyên gì, bạch đức Thế Tôn, các tổ hợp này được định danh là tổ hợp sắc thân, tổ hợp cảm giác, tổ hợp tri giác, tổ hợp tâm tư, tổ hợp nhận thức? 

– Bốn đại là nhân và là duyên của tổ hợp sắc thân. Xúc là nhân duyên của ba tổ hợp cảm giác, tri giác và nhóm tâm tư.  Danh sắc là nhân và là duyên của tổ hợp nhận thức.   O

VƯỢT QUA CHẤP THÂN

– Kính bạch Thế Tôn, thân kiến là gì?

– Với hàng phàm phu kém học Phật pháp, không rõ bậc Thánh, không thuần thục được, cũng không tu tập giáo pháp bậc Thánh và bậc chân nhân, sẽ có khuynh hướng đánh đồng sắc thân với cái tự ngã, hay xem tự ngã như có sắc chất, hay xem sắc chất ở trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong sắc. Tương tự đối với cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức đều bị đánh đồng chính là tự ngã. Thân kiến là thế.

– Kính bạch Thế Tôn, còn tình huống nào là không thân kiến?

– Này các đệ tử, khi không đánh đồng năm nhóm dính mắc với cái tự ngã, khi không đánh đồng cái gọi tự ngã với năm dính mắc, là không thân kiến.   O

VỊ NGỌT, VỊ KHỔ VÀ VỊ XUẤT LY

– Bạch đức Thế Tôn, cái gì gọi là vị ngọt của sắc, cái gì gọi là nguy hiểm của sắc, cái gì gọi là xuất ly của sắc? và bốn nhóm kia?

– Này các đệ tử, các hỷ lạc nào làm duyên tạo sắc thì được gọi là vị ngọt của sắc. Cái gì tạo ra vô thường, khổ đau, biến hoại trong sắc thì được gọi là nguy hiểm của sắc. Làm chủ, chuyển hóa được các dục tham đối với sắc thân thì được gọi là xuất ly của sắc. Tương tự đối với bốn nhóm còn lại.

– Bạch đức Thế Tôn, do thấy biết gì, không còn thái độ mạn tùy miên rằng: “Ta là người làm, sở thuộc của ta chính là người làm”, có ý thức rõ đối với tự thân và tưởng ở ngoài?

– Này các đệ tử, tất cả sắc chất, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức, quá khứ, vị lai hay là hiện tại, dù trong hay ngoài, dù thô hay tế, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, phải thấy như thật với trí tuệ rằng: “Tất cả cái này không phải của tôi, không phải là tôi, lại càng không phải tự ngã của tôi”. Nhờ thấy như thế nên mạn tùy miên không thể có mặt.      O

KHÔNG KHỔ ĐAU TRONG VÔ THƯỜNG

Một thầy Tỳ-kheo suy nghĩ như sau: “Nếu năm tổ hợp sắc thân, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhóm nhận thức đều là vô ngã thì những hành động sao có kết quả?” Biết được như thế, Thế Tôn dạy rằng:

– Này các đệ tử, chỉ có người ngu, tham dục chi phối, mới hỏi như thế. Thầy đã dạy cách xác định nhân duyên của mọi sự vật. Hãy cho ta biết sắc thân, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức thường hay vô thường?

– Thưa ngài vô thường.

– Những gì vô thường là khổ hay vui?

– Thưa ngài là khổ.

– Những gì vô thường, khổ đau, biến hoại, có được xem rằng: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi?”

– Bạch đức Thế Tôn, không thể như vậy.

– Hãy quán chiếu rằng tất cả sắc chất, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức: “Không phải của tôi, không phải là tôi, không tự ngã tôi”. Nhờ quán như thế, hành giả nhàm chán với năm dính mắc, kéo theo ly tham, nên được giải thoát. Vị ấy biết rõ ta đã giải thoát: “Tái sanh đã tận, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm. Không còn trở lại đời sống này nữa”.

Nghe đức Phật dạy, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, tiếp nhận hành trì. Ngay pháp thoại này, sáu mươi Tỳ-kheo đã giải thoát khỏi tất cả lậu hoặc, không có dính mắc.   O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật     (3 lần) O

 
00:00