B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 35. Kinh Kiến Thức Và Trí Tuệ

35. KINH KIẾN THỨC VÀ TRÍ TUỆ

 ***

THỨC VÀ TRÍ TUỆ

Tôi nghe như vầy. Đang lúc Thế Tôn ở chùa Kỳ-viên thì vị tôn giả là Câu-hy-la sau khi thiền định vào buổi chiều xong, thăm Xá-lợi-phất với lời trân trọng, ngồi xuống thưa hỏi.

– Kính thưa tôn giả, gọi là liệt tuệ [1] là nghĩa thế nào?

– Kính thưa hiền hữu, què quặt trí tuệ, không có tuệ tri, [2] gọi là liệt tuệ. Không tuệ tri được thế nào là khổ, nguồn gốc khổ đau, sự không còn khổ và đường diệt khổ nên được gọi là què quặt trí tuệ. Nhờ có tuệ tri nên có trí tuệ. Trí tuệ chính là khả năng nhận thức bản chất khổ đau, nguồn gốc khổ đau, sự chấm dứt khổ và đường diệt khổ.   O

– Kính thưa tôn giả, cái gọi là thức là nghĩa thế nào ?

– Khả năng thức tri được gọi là thức. Đối tượng thức tri bao gồm khổ vui, không khổ không vui...

– Kính thưa tôn giả, trí tuệ và thức kết hợp được không? Nếu chúng không thể thì đâu là điểm sai khác giữa chúng, khi phân tích chúng?

– Kính thưa hiền giả, trí tuệ và thức có thể kết hợp. Sau khi phân tích, không thể phân ranh những sự khác biệt giữa hai nhận thức của trí và thức. Cái gì tuệ biết thì thức biết được. Điều gì thức biết thì tuệ biết được. Điểm khác biệt nhau giữa tuệ và thức chính là bản chất. Đối với trí tuệ cần được tu tập [3]đối với thức tri cần được liễu tri. [4]     O

CẢM THỌ VÀ TƯỞNG TRI

Nhiều câu hỏi khác đã được tôn giả Đại Câu-hy-la lần lượt đặt ra. Ngài Xá-lợi-phất tuần tự trả lời một cách thích đáng.

– Thưa ngài Câu-hy, vì cảm giác được nên gọi cảm thọ. [5]Cảm thọ bao gồm: Hạnh phúc, khổ đau, không vui không khổ.

Vì ý niệm được [6] nên gọi tưởng tri. [7] Đối tượng của tưởng bao gồm nhiều, chẳng hạn màu sắc, xanh vàng đỏ trắng.

Cảm thọ và tưởng có thể kết hợp. Khó phân rạch ròi ranh giới thọ, tưởng. Những gì thọ được thì tưởng tri được. Những gì tưởng được thì cảm thọ được.

– Thưa ngài Câu-hy, khi nguồn ý thức trở nên thanh tịnh không liên hệ đến năm giác quan, có thể dẫn đến các quan niệm như: Hư không vô biên, [8] thức là vô biên, [9] không có vật gì. [10] Chính nhờ tuệ nhãn, pháp được đưa đến có thể tuệ tri.

– Kính thưa tôn giả, trí tuệ là gì?

– Thưa ngài Câu-hy, trí tuệ chính là: Khả năng thắng tri, [11]khả năng liễu tri,[12] đưa đến chấm dứt. [13]      O

ĐỂ CÓ CHÁNH KIẾN

– Kính thưa tôn giả, có yếu tố nào làm cho chánh kiến có thể có mặt?

– Có hai yếu tố giúp cho chánh kiến phát sinh được là tiếng người, tác ý như lý. Nếu như chánh kiến có năm hỗ trợ như của đạo đức, học rộng, thảo luận, thiền chỉ, [14] quán [15] thì tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả, cũng như tâm giải thoát quả công đức và tuệ giải thoát quả công đức sẽ được thiết lập ngay.    O

CẢNH GIỚI TÁI SINH

– Thưa ngài Câu-hy, có ba hiện hữu: [16] Hiện hữu cõi dục, hiện hữu cõi sắc, hiện hữu vô sắc. Để sự tái sanh có trong tương lai thì các yếu tố vô minh ngăn che, tham ái trói buộc, nên các hữu tình thích thú chỗ này hay ở chỗ khác. Để dứt tái sinh, phải dứt vô minh, nuôi lớn trí tuệ, chuyển hóa tham ái.

– Thưa ngài Câu-hy, thế nào gọi là cảnh thiền thứ nhất? Khi có hành giả thoát khỏi dục nhiễm của các giác quan, không còn đắm chìm trong tư duy xấu, nên an trú được cảnh giới thiền một, trạng thái hỷ lạc do tâm ly dục, nhưng vẫn còn đó hoạt dụng tâm lý tìm kiếm đối tượng, bám víu đối tượng. Cảnh thiền thứ nhất có năm chi phần: Tìm kiếm đối tượng, bám víu đối tượng, hoan hỷ, an lạc, trạng thái nhất tâm. Đạt được thiền một, hành giả từ bỏ tham dục, sân hận, hôn trầm thuỳ miên, trạo hối và nghi.

– Thưa ngài Câu-hy, năm loại giác quan như: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể khác nhau cảnh giới, khác nhau hành giới, không có tình trạng lãnh thọ cảnh giới, hành giới giống nhau. Ý là chỗ nương [17] là nơi lãnh thọ tất cả cảnh giới cũng như hành giới của các giác quan. Năm giác quan này do duyên tuổi thọ [18] mà được tồn tại. [19] Trong khi tuổi thọ, nhờ vào nhiệt lượng mà được an trú. Mặt khác nhiệt lượng nương vào tuổi thọ để được tồn tại.    O

TUỔI THỌ, NHIỆT LƯỢNG VÀ THỨC

– Kính thưa tôn giả, phải hiểu thế nào về phán đoán rằng “tuổi thọ tồn tại nhờ vào nhiệt lượng, nhiệt lượng tồn tại nhờ vào tuổi thọ?”

– Thưa ngài Câu-hy, tôi sẽ trình bày bằng một ví dụ. Những người có trí nương vào ví dụ nên hiểu thấu đáo. Như cây đèn dầu phát ra ánh sáng là nhờ tim đèn. Cũng nhờ ánh sáng, tim đèn được thấy. Tuổi thọ và nhiệt tương quan qua lại cũng lại như vậy.

– Thưa ngài Câu-hy, những pháp thọ hành [20] không thể đồng nhất với cái gọi là pháp được cảm thọ. [21] Nếu chúng đồng nhất thì làm thế nào nêu rõ xuất khởi của vị hành giả đã đạt được thiền diệt thọ tưởng định.

– Thưa ngài Câu-hy, đối với thân thể, khi nào tuổi thọ, nhiệt lượng và thức đã rời khỏi hẳn thì ngay lúc đó, sự sống không còn, như một khúc gỗ, bị vất vô tri.   O

CHẾT VÀ DIỆT THỌ TƯỞNG

– Kính thưa tôn giả, có chăng khác biệt giữa người bị chết, thân thể mạng chung với vị hành giả đạt được trạng thái diệt thọ tưởng định?

– Thưa ngài Câu-hy, đối với người chết, thân hành không còn, khẩu hành không còn, tâm hành không còn, tuổi thọ đã hết, nhiệt lượng đã hết, và các giác quan đã bị bại hoại. Trong khi hành giả diệt thọ tưởng định thì có phần khác. Cho dù, thân hành, khẩu hành, ý hành không còn hoạt động, nhưng cái thọ mạng vẫn đang còn đó, nhiệt lượng không mất, các căn sáng suốt. Đây chính là điểm khác biệt căn bản.   O

BUÔNG XẢ, XUẤT LY

– Thưa ngài Câu-hy, có bốn yếu tố giúp cho hành giả chứng đạt được tâm giải thoát trọn vẹn, không còn khổ vui. Đó là bốn duyên: Buông xả hạnh phúc, buông xả khổ đau, buông xả niềm vui, buông xả sầu muộn đã có trước đây. Nhờ đó đạt được cảnh thiền thứ tư, trạng thái thanh tịnh, không còn buồn vui, vắng bặt ý niệm.

– Thưa ngài Câu-hy, có hai yếu tố giúp cho hành giả chứng đạt được vô tướng tâm giải thoát, không còn tác ý tất cả tướng trạng, nhưng lại tác ý cảnh giới vô tướng.

– Thưa ngài Câu-hy, có ba yếu tố, giúp cho hành giả an trú được vô tướng tâm giải thoát. Đó là: Không nên tác ý tướng trạng, tâm luôn hướng về cảnh giới vô tướng và sự chuẩn bị.

– Thưa ngài Câu-hy, có hai yếu tố giúp cho hành giả xuất khỏi cái vô tướng tâm giải thoát. Đó là: Tác ý về tất cả tướng, đồng thời không nên để tâm hướng về cảnh giới vô tướng.

– Kính thưa tôn giả, cái gọi là vô lượng tâm giải thoát, và vô sở hữu tâm giải thoát này, không tâm giải thoát, cũng như cái vô tướng tâm giải thoát, là giống hay khác?  O

THỰC TẬP GIẢI THOÁT

– Thưa ngài Câu-hy, có một pháp môn, dựa vào pháp này, cái gọi là vô lượng tâm giải thoát, và vô sở hữu tâm giải thoát này, không tâm giải thoát, cũng như cái vô tướng tâm giải thoát có nghĩa sai biệt và danh sai biệt.

Khi vị hành giả thể hiện bốn đức: Từ, bi, hỷ, xả phủ trùm mười phương, khắp cõi hư không, rộng lớn vô biên, không hận, không sân, thì vị hành giả đó đạt được vô lượng tâm giải thoát.

Khi vị hành giả vượt khỏi cảnh giới thức vô biên xứ, hướng tâm nghĩ rằng “không có vật gì” nên sẽ chứng đạt vô sở hữu xứ. Trạng thái đó được gọi là vô sở hữu tâm giải thoát.

Khi vị hành giả đi đến khu rừng, tĩnh tọa dưới cây, hay chỗ nhà trống, suy nghĩ như sau: Đây thật trống không, không có tự ngã, không ngã sở hữu. Đó được gọi là không tâm giải thoát.

Khi vị hành giả không tác ý về tất cả tướng trạng, đạt và an trú vô tướng tâm định... Cái trạng thái đó được gọi là vô tướng tâm giải thoát.

Lại có trường hợp, nghĩa thì đồng nhất nhưng danh sai biệt. Tham, sân và si chính là nguyên nhân của sự hạn lượng.

Khi các tâm giải thoát là vô lượng, thì bất động tâm giải thoát mới được gọi là tối thượng, đối với các tâm giải thoát vừa nêu. Bất động tâm giải thoát ấy không có tham, sân và si.

Khi tâm giải thoát là vô sở hữu, thì bất động tâm giải thoát mới được gọi là tối thượng, đối với các tâm giải thoát vừa nêu. Bất động tâm giải thoát ấy không có tham, sân và si.

Tham, sân và si chính là các nhân tạo ra tướng trạng. Vị hành giả nào dứt trừ lậu hoặc thì tham, sân, si đã được chặt đứt, không thể tái sinh, như cây ta-la đã bị chặt đầu, không thể tái tạo mạng sống của nó. Tham, sân và si là vật chướng ngại.

Nghe ngài tôn giả Xá-lợi-phất giảng, ngài Câu-hy-la vô cùng hoan hỷ, tin nhận thọ trì.      O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật          (3 lần) O


1. Suppanna.        

2. Nappajanati.    

3. Bhavetabba.    

4. Parinneyyam.  

5. Vedeti.               

6. Sanjanati.         

7. Sanna.               

8. Không vô biên xứ.           

9. Thức vô biên xứ.             

10. Vô sở hữu xứ. 

11. Abhinnattha.  

12. Parinnattha.    

13. Pahanattha. Nghĩa đen là đoạn tận. Dĩ nhiên đối tượng của chấm dứt và phiền não và khổ đau.              

14. Samatha.         

15. Samadhi.         

16. Bva.             

17. Sở y. 

18. Ayu.  

19. An trú.              

20. Ayusankhara. 

21. Vedaniya.        

***

 
00:00