B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 36. Kinh Thuyết Minh Và Xác Minh

36. KINH THUYẾT MINH VÀ XÁC MINH

 ***

XÁC MINH VỀ CHỦ TRƯƠNG

Tôi nghe như vầy. Khi đức Thế Tôn đang cư trú tại vùng Ujunna, gần vườn Lộc uyển, [1] vua Ba-tư-nặc vì một quốc sự, có mặt tại đây. Vua sai một người nhân danh nhà vua đảnh lễ tôn kính, vấn an Thế Tôn ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống trong an lạc, và xin phép Phật cho phép vua được yết kiến Thế Tôn sau buổi ăn sáng.    O

Khi nghe tin này, chị em Soma và Sakula đến ra mắt vua tại ngay phòng ăn, xin vua ban phước chuyển lời vấn an [2] đến với Như Lai.

Đúng giờ đã hẹn, vua Ba-tư-nặc viếng Phật, đảnh lễ, ngồi xuống một bên, tự mình vấn an, chuyển lời vấn an của hai chị em. Thế Tôn liền hỏi: “Kính thưa Đại vương, hai chị em ấy sao không nhờ ai, mà phải nhờ ngài?” Nhà vua kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thế Tôn chúc tụng, mong hai chị em sống trong hạnh phúc.

Vua Ba-tư-nặc bạch đức Thế Tôn:

– Con nghe đồn rằng: “Thế Tôn đã nói không có Sa-môn, Bà-la-môn nào là đấng toàn tri, toàn kiến viên mãn. Sự việc như thế không thể xảy ra.” Con không biết được lời đồn như thế có đúng hay không, hay là xuyên tạc, chỉ trích Thế Tôn?   O

– Kính thưa Đại vương, ai nói như vậy là nói không đúng, xuyên tạc hư ngụy về lời Như Lai.

Vua Ba-tư-nặc liền hỏi tướng quân Vidudabha:

– Hãy cho trẫm biết, ai đem chuyện đó vào trong nội cung?

– Kính tâu Đại vương, chính Bà-la-môn tên Sanjaya, dòng Akasa đã nói điều đó.

Vua Ba-tư-nặc ra lệnh người hầu mời Sanjaya đến gặp nhà vua. Vua bạch Thế Tôn:

– Bạch đức Thế Tôn, có thể Thế Tôn nói một vấn đề, người ta cố gán vào vấn đề khác. Bạch đức Thế Tôn, trong bối cảnh nào Thế Tôn tuyên bố điều cần tuyên bố?

– Kính thưa Đại vương, Như Lai đã nói: “Không có Sa-môn, Bà-la-môn nào trong cùng một lúc, thấy biết mọi thứ một cách hoàn toàn. Sự kiện như thế là không thể có”.     O

THUYẾT MINH VỀ BÌNH ĐẲNG TÂM LINH

– Bạch đức Thế Tôn, ngài có tuyên dạy về thuyết nhân duyên, [3] cũng như học thuyết liên hệ nhân duyên. [4] Trong bốn giai cấp như Sát-đế-lỵ, hàng Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà có gì khác biệt?

– Kính thưa Đại vương, trong bốn giai cấp, hàng Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn được xem tối thượng về phần xưng hô. Họ hưởng quyền lợi một cách áp đặt từ hai giai cấp bị xem thấp hơn, như giúp đỡ việc, chắp tay, chào đón một cách trân trọng. Đó là nói về khác biệt hiện tại. Còn trong tương lai, ai giai cấp nào, nếu luôn thực tập năm loại tinh tấn thì đạt kết quả một cách như nhau. Một là tin vào giác ngộ của Phật: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, bậc Chánh Đẳng Giác, bậc Minh Hạnh Túc, bậc Khéo Vượt Qua, bậc Hiểu Rõ Đời, bậc Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, bậc Thầy Trời Người, bậc Đại Giác Ngộ. Hai là ít bệnh, không bị não phiền, tiêu hóa điều hòa, không lạnh, không nóng, luôn giữ trung dung, hợp với tinh tấn. Ba là trung thực, không hề gian trá, sống hạnh chân chất đối với Đạo sư, với người sáng suốt, với các đồng tu. Bốn là sốt sắng, năng động, tinh tấn, bỏ các điều xấu, hoàn tất hạnh lành, kiên định lập trường, không hề bỏ cuộc đối với điều thiện. Năm là có trí, hiểu rõ vận hành của pháp sinh diệt, có trí thể nhập của các bậc Thánh, đưa đến chấm dứt tất cả khổ đau”. Thưa Đại vương có, bốn giai cấp này: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, nếu thành tựu được năm tinh cần này, sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài ngay kiếp sống này.   O

THUYẾT MINH VỀ NĂM TINH TẤN

– Bạch đức Thế Tôn, nếu bốn giai cấp thành tựu trọn vẹn năm tinh tấn thì có gì khác biệt?

– Kính thưa Đại vương, ở đây, ta nói những sự khác biệt trong hạnh tinh tấn. Cũng như trường hợp, giữa các voi dữ, ngựa chứng, bò chứng cần được điều phục, có hai con voi, hai ngựa, hai bò đã được điều phục, huấn luyện khéo léo, trong khi cũng có hai voi, hai ngựa, hai bò vẫn chưa điều phục, huấn luyện. Những con vật nào đã khéo điều phục, huấn luyện kỹ lưỡng đã được khả năng, đạt được vị trí điều phục trọn vẹn. Còn những con khác chưa được như thế. Những gì đạt được do lòng tin đúng, do ít bệnh tật, do không gian trá, do sống tinh tấn, do sức trí tuệ, sẽ không thể được một cách tương tự do từ sự đối lập với năm đức trên.

– Bạch đức Thế Tôn, từ thuyết nhân duyên và thuyết liên hệ đến nhân duyên này, bốn giai cấp trên, khi thành tựu được năm hạnh tinh tấn thì có tình trạng khác biệt hay không? 

– Kính thưa Đại vương, không có khác biệt về sự giải thoát đối với những ai đạt được giải thoát. Như bản chất lửa, dù nhiên liệu nào, từ cây sa-la, cây xoài, cây sung, dù do ai nhúm, khi đã phát hỏa thì lửa là lửa, màu sắc ánh sáng của lửa không khác. Tương tự như thế, với sức lửa nóng của sự tinh tấn khi được nhen lên sẽ không thể có sự khác biệt nào về sự giải thoát đối với giải thoát.   O

THUYẾT MINH VỀ CHUYỂN HÓA TÂM NÃO HẠI

– Bạch đức Thế Tôn, có chư Thiên không? Nếu có thì họ tái sanh hay không lại cảnh giới này?

– Kính thưa Đại vương, hẳn có cõi thiên. Hàng chư thiên nào còn tâm não hại sẽ sanh lại đây; hết tâm não hại thì không tái sanh về cảnh giới này.

Nghe vậy, tướng quân Vidudabha bạch đức Thế Tôn:

– Bạch đức Thế Tôn, những loại chư Thiên có tâm não hại có thể đánh đuổi hay trục xuất được những loại chư Thiên không tâm não hại?

Tôn giả A-nan thầm suy nghĩ rằng: “Vị tướng quân trẻ Vidudabha là con cưng của vua Ba-tư-nặc nước Kosala, còn ta là con của đức Thế Tôn. Nay chính là lúc con của nhà vua cần đàm đạo với con của Thế Tôn. Vừa suy nghĩ xong, tôn giả A-nan nói với tướng quân: 

– Tướng quân nghĩ sao, phạm vi xa rộng nước Kosala đến kinh thành của vua Ba-tư-nặc, nhà vua có thể đánh đuổi, trục xuất một vị Sa-môn hay Bà-la-môn có công đức tu, sống đời phạm hạnh được hay không được?        O

– Kính thưa Tôn giả, dĩ nhiên là được.

– Kính thưa Tướng quân, nếu vượt ra khỏi phạm vi trị vì nước Kosala của Ba-tư-nặc, thì lệnh đức vua có thể đánh đuổi hay là trục xuất một vị Sa-môn hay Bà-la-môn khỏi nơi ấy không?

– Kính thưa Tôn giả, ra khỏi phạm vi nước Kosala dĩ nhiên là không.

– Tướng quân và vua có nghe nói đến trời Ba mươi ba?

– Kính thưa tôn giả, chúng tôi có nghe.

– Kính thưa Tướng quân, vua Ba-tư-nặc có thể đánh đuổi hay là trục xuất các hạng cư dân trời Ba mươi ba ra khỏi cõi này?

– Kính thưa Tôn giả, vua Ba-tư-nặc còn chưa thấy được trời Ba mươi ba làm sao có thể trục xuất ra được.      O

– Tương tự như thế, hàng chư thiên nào có tâm não hại không thể thấy được các hàng chư thiên hết tâm não hại, nên không có thể đánh đuổi, tẩn xuất các hàng chư thiên đã hết não tâm. 

Vua Ba-tư-nặc bạch đức Thế Tôn:

– Kính bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo ấy tên gọi là gì ?

– Kính thưa Đại vương, là Ananda!

Vua Ba-tư-nặc vô cùng hoan hỷ, hỏi tiếp đức Phật về sự hiện hữu của trời Phạm thiên với các nội dung như vừa được hỏi. Lúc đó lính hầu tâu với nhà vua:

– Kính tâu Đại vương, vị Bà-la-môn tên Sanjaya, dòng Akasa xin được yết kiến.

– Thưa Bà-la-môn, ai đã phổ biến chuyện này trong cung?

– Kính tâu Đại vương, chính là tướng quân Vidudabha.

Vidudabha liền thưa nhà vua:   O

– Kính tâu Đại vương, là Sanjaya, chứ không phải con.

Một người lính hầu tâu với nhà vua:

– Kính tâu Đại vương, xin hãy dùng xe, đã đến giờ rồi.

Vua Ba-tư-nặc bạch đức Thế Tôn:

– Bạch đức Thế Tôn, chúng con đã hỏi về nhất thiết trí, về sự khác biệt của bốn giai cấp, về các loại thiên, ngay cả Phạm thiên. Thế Tôn trả lời làm cho chúng con hoan hỷ, chấp nhận. Những gì được hỏi đều được trả lời. Do bận quốc sự, con phải đi gấp.

– Đại vương hãy làm những gì Đại vương cho là hợp thời.

Vua Ba-tư-nặc hoan hỷ tiếp nhận lời đức Phật dạy, từ tốn đứng dậy, đảnh lễ giã từ, nhiễu bên phải Phật, tạ từ ra về.    O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật           (3 lần) O


1. Ở Kannakatthala.           

2. Tương tự như lời vấn an của vua Ba-tư-nặc.            

3. Heturupam.      

4. Saheturupam.  

***

 
00:00