B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 39. Kinh Tham Ái Là Gốc Khổ Đau

39. KINH THAM ÁI LÀ GỐC KHỔ ĐAU

 ***

ĐỪNG CHỐI BỎ SỰ THẬT

Tôi nghe như vầy. Khi đức Thế Tôn đang cư trú tại tinh xá Kỳ Hoàn, có một thanh niên con trai duy nhất của một gia chủ dễ thương qua đời. Người cha gia chủ không muốn làm việc, không thèm ăn uống, thường đến nghĩa địa, thăm viếng, than khóc: “Con đang ở đâu, con một của ba?” Vơi đi nỗi buồn, người gia chủ này, đến viếng đức Phật, ngồi xuống một bên, nghe đức Phật dạy:  O

- Có phải hiện tại các căn an trú trong tự tâm ông? Các căn của ông đã đổi khác nhiều?

- Kính bạch Thế Tôn, sao có chuyện đó! Khi con con chết, con không muốn làm, không thèm ăn uống, luôn đến nghĩa địa tìm con than khóc.

- Đây là sự thật: Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh, có mặt từ ái.

- Bạch đức Thế Tôn, nhưng đối với ai, sự tình như thế? Thế Tôn hỷ lạc do ái sinh ra, hiện hữu từ ái!     O

CHÂN LÝ LÀ CHÂN LÝ

Không vui lời Phật, gia chủ chống báng, đứng dậy, ra đi. Ông đến nhóm người đánh bài xí ngầu không xa Phật lắm, kể lại cho họ đầu đuôi câu chuyện. Ông suy nghĩ rằng, ông và nhóm này suy nghĩ giống nhau rằng ái là gốc của những niềm vui và nhiều hạnh phúc. Nghĩ xong bỏ đi. Cuộc đối thoại ấy được lan truyền đến nội cung của vua Pasenadi, nước Kosala. Vua gọi hoàng hậu Mallika đến:

– Ái hậu của ta, đây chính là lời sa-môn Cồ-đàm nói với mọi người: “Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh, có mặt từ ái.”

– Kính tâu Đại vương, Phật nói như thế chính là sự thật. 

– Điều gì Phật nói, nàng đều nói theo. Những điều đạo sư nói cho đệ tử, đệ tử hoan hỷ nói với đạo sư: “Đúng là như vậy, kính thưa đạo sư”. Nàng cũng như thế, những gì Phật nói, ái hậu hoan hỷ, nói theo in đúc. Ái hậu hãy đi, đến chỗ Thế Tôn. 

Hoàng hậu cho gọi vị Bà-la-môn Na-li-jang-ha và nói như sau:

– Hãy đến Thế Tôn, nhân danh của ta, đảnh lễ chân người, vấn an sức khỏe, Thế Tôn ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, xin Phật xác chứng có phải Phật nói: “Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh, hiện hữu từ ái?” Hãy khéo nắm giữ, kể lại cho ta, vì các Như Lai không phản sự thật.     O

Vị Bà-la-môn vâng lời hoàng hậu, đến thăm viếng Phật, nhờ Phật xác chứng.

- Này Bà-la-môn, đây là pháp môn cần được hiểu đúng: “Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sinh, hiện hữu từ ái”. Tại Xá Vệ này, trong thuở xa xưa, có một người nữ khi mẹ qua đời, tâm tư hỗn loạn, trở nên điên cuồng, lang thang vô định đường này ngả khác, lẩm bẩm than khóc: “Có thấy mẹ tôi, mẹ tôi đâu rồi?” đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: “Người có thấy mẹ tôi đâu không? Người có thấy mẹ tôi đâu không?” Nhiều người cũng vậy, khi mất người thân, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc anh, hoặc chị, em trai, em gái, hoặc vợ, hoặc chồng, hoặc con, hoặc cháu v.v… gào thét thảm thương.

Cũng tại Xá Vệ, trong thời xa xưa, có một phụ nữ về thăm gia đình. Những người bà con đã gây áp lực, buộc bỏ chồng bà, gả cho người khác. Bà ta không chịu, nói với chồng rằng: “Này hiền phu ơi, gia đình ép buộc, em xa lìa chàng, lấy một người khác. Em không muốn vậy”. Hoảng quá, chồng bà chặt bà làm hai, tự vẫn, nghĩ rằng: “Đây chính là cách chúng ta gặp nhau ở trong đời sau”. O

GIÚP VUA HIỂU CHÂN LÝ

Phật dẫn nhiều chuyện đã từng xảy ra trong đời quá khứ, khẳng định “sầu, bi, khổ, ưu và não” phát sinh từ ái; ái là đầu mối của những nỗi đau.

Na-li-jang-ha hoan hỷ ghi nhận những lời Phật dạy, lễ Phật ra về, bẩm báo hoàng hậu những gì được nghe. Hoàng hậu gặp vua, trình thưa như sau: 

– Kính tâu Đại vương, Đại vương có thương công chúa của thiếp là Va-ji-ri?

– Ái hậu của ta, dĩ nhiên là có.

– Kính tâu Đại vương, nếu có biến dịch xảy đến con thiếp, Đại vương có sầu, bi, khổ, ưu, não? 

– Hỡi này ái hậu, làm sao không được. 

– Kính tâu Đại vương, chính sự tình này, đức Phật Thế Tôn đã khẳng định rằng: “Sầu, bi, khổ, ưu, não sinh từ ái; ái là đầu mối của các khổ đau. Thiếp hỏi Đại vương, Đại vương có thương nữ Sát-đế-lợi tên Va-sa-bha, cũng như tướng quân Vi-du-da-bha?   O

– Này Mallika, ta thương nàng ấy, ta quý tướng quân.

– Nếu có biến dịch với Va-sa-bha và tướng quân ấy, Đại vương thế nào? 

– Này Mallika, nếu có biến dịch với Va-sa-bha thì đời sống ta có phần ảnh hưởng, ta khó thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu.

– Kính tâu Đại vương, Đại vương có yêu thần thiếp này không?

– Hỡi này ái hậu, ta thương nàng lắm. Nếu có biến dịch đối với ái hậu, ta sẽ khổ đau rất nhiều và lâu.

– Kính tâu Đại vương, Đại vương có thương dân chúng Kasia và Kosala?

– Này Mallika, dĩ nhiên là có. Nhờ sức mạnh họ, ta mới có được gỗ chiên-đàn quý, các loại vòng hoa, hương liệu, phấn sáp. Nếu có biến dịch đối với dân ấy, có sự đổi khác đến mạng sống ta, ta không thể không sầu, bi, khổ, não!

– Kính tâu Đại vương, đây chính là điều mà đức Thế Tôn, bậc đại trí tuệ, bậc thấy biết rõ, bậc A-la-hán, bậc chánh đẳng giác, đã khẳng định rằng: “Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sinh; hiện hữu từ ái”.

– Thật là hiếm có, thật là nhiệm mầu, Thế Tôn thấy rõ nhờ trí tuệ lớn. Này Mallika, ái hậu sửa soạn làm lễ tẩy trần. 

Nói xong, đứng dậy, vua mặc hoàng bào, đến nơi Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ, nói lời cảm hứng: “Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, bậc chánh đẳng giác”. Ba lần như thế, vua và hoàng hậu đảnh lễ ca ngợi Như Lai Thế Tôn với lòng quy kính.     O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật     (3 lần) O

***

 
00:00