B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 40. Kinh Dụ Ngôn Người Bắt Rắn

40. KINH DỤ NGÔN NGƯỜI BẮT RẮN

 ***

ÁI DỤC VUI ÍT, KHỔ NHIỀU

Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở chùa Kỳ Viên thuộc thành Xá-vệ, do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng. Có thầy Tỳ-kheo là A-rit-tha, trước khi đi tu huấn luyện chim ưng, nổi lên tà kiến nguy hại như sau: “Theo chỗ tôi hiểu chánh Pháp của Phật thì khi tiêu thụ những điều chướng ngại sẽ không thật có một chướng ngại nào”. Nhiều bạn đồng tu khuyên can thầy ấy không nên truyền bá lời tà kiến này với lời như sau:  O

– Thầy A-rit-tha, xin thầy từ bỏ tà kiến ấy đi. Chớ có xuyên tạc chánh pháp Thế Tôn.  Xuyên tạc Thế Tôn là điều rất xấu. Thế Tôn chúng ta chưa từng dạy thế.

Dù được cật vấn, thảo luận, phân tích, thầy A-rit-tha nhất mực bảo thủ, không chịu thay đổi quan điểm sai lầm. Thương vị thầy này, nhiều thầy Tỳ-kheo đến thăm Thế Tôn, đảnh lễ, ngồi xuống, tường thuật đầu đuôi, xin Phật chỉ giáo. Thế Tôn cho gọi một thầy Tỳ-kheo mời A-rit-tha đến gặp Thế Tôn. Thế Tôn hỏi lại, thầy A-rit-tha xác nhận, không chối:    O

– Kính bạch Thế Tôn, thật sự là thế. Theo chỗ con hiểu, thật không chướng ngại đối với những ai hưởng thụ tham dục.

– Này A-rit-tha, con quá dại dội, hiểu sai lời ta, nói ngược lời ta! Trong nhiều năm qua, ta dùng ví dụ, phân tích tác hại của tâm tham ái, vốn chướng ngại đạo giác ngộ, giải thoát. Ai vướng tham ái bị nhiều chướng ngại. Ta dạy rất rõ: “Tham dục vui ít, khổ nhiều; phiền não, nguy hiểm lại càng nhiều hơn”. Ta thường ví dụ: “Dục như khúc xương, như miếng thịt thối, như đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn ác mộng, như vật cho mượn, như trái cây ngọt, như lò thịt thơm, như gậy nhọn bén, như đầu rắn dữ… vui ít khổ nhiều; não hại, nguy hiểm lại càng nhiều hơn”. Vì chấp sai lầm, con đã xuyên tạc giáo pháp Như Lai. Con tự phá hoại hạnh phúc của mình, tạo nên hành động bị tổn đức lớn. Chấp vào tà kiến, con sẽ tự rước đau khổ vào thân một cách lâu dài. Con nên từ bỏ tất cả tà kiến, chớ có chậm trễ.    O

Rồi đức Thế Tôn hỏi người có mặt nội dung sau đây:

– Này các đệ tử, các con nghĩ sao? Thầy A-rit-tha có thể lóe lên tia ánh sáng nào trong pháp luật Phật?

– Kính bạch Thế Tôn, không thể có được!  O

NẮM CHÁNH PHÁP NHƯ BẮT RẮN

Nghe Phật phân tích, thầy A-rit-tha im lặng, hổ thẹn, cúi đầu, thụt vai, sầu lo không nguôi. Thế Tôn liền dạy:

– Này các đệ tử, sự kiện sau đây không thể xảy ra, không ai có thể hưởng thụ dục lạc ngoài các loại dục, ngoài các dục tưởng, hay các dục tầm. Này các đệ tử, một số người ngu học chánh pháp Phật, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, các Cảm hứng ngữ, các Như thị ngữ, Bổn sanh, Phương quảng và Vị tằng hữu... không chịu quán sát nghĩa lý kinh văn với tâm trí tuệ, nên không hiểu được ý nghĩa của Kinh. Có người học pháp chỉ để tích tụ kiến thức thật nhiều, nhằm chỉ trích người, khoái khẩu biện luận; không màng đạt được mục đích chánh pháp, hiểu sâu, hành kỹ, hướng đến an lạc. Vì hiểu sai lệch nghĩa lý kinh văn nên gặp bất hạnh, đau khổ lâu dài. Ví như có người thích con rắn nước, tìm kiếm khắp nơi, thấy rắn nước lớn. Nếu không biết cách, bắt ở lưng, đuôi, thì người bắt rắn sẽ bị rắn cắn hoặc ở cánh tay, hoặc trên thân thể, đau nhức khắp thân, khổ dường kẻ chết. Nắm bắt chánh pháp một cách sai lệch, hậu quả khổ đau cũng không kém phần.     O

Người nắm chánh pháp bằng cách khéo tìm, học hỏi chánh pháp như người bắt rắn có kỹ thuật tốt, biết đè rắn dữ với gậy có nạng, nắm giữ cổ rắn, không cho cựa quậy. Bắt rắn cách này dù rắn cuốn thân, quấn xung quanh tay, hay thân thể người, rắn cũng không thể cắn hại người bắt. Này các đệ tử, hãy khéo nắm bắt chánh pháp ta dạy. Hiểu rõ chánh pháp, suy tư chánh pháp, thực tập chánh pháp, ứng dụng chánh pháp vào trong cuộc sống. Nếu các đệ tử có chỗ không hiểu câu kinh kệ nào thì tại nơi đây hãy hỏi Như Lai hoặc người giỏi pháp, ta sẽ giảng giải một cách thấu đáo.     O

CHÁNH PHÁP LÀ CHIẾC BÈ

Này các đệ tử, chánh pháp ta giảng cũng như chiếc bè, giúp qua bờ kia, không phải nắm giữ, hay thờ trên đầu.

– Này các đệ tử, như người đi trên con đường lớn dài, tiếp giáp sông rộng, sóng tạt vào bờ hãi hùng, nguy hiểm; còn bờ bên kia bình an vô sự, nhưng không có cầu, thuyền phà vượt qua đến bờ bên kia, liền suy nghĩ rằng: “Trước tình thế này, ta hãy nhặt cây, nhánh, lá và cỏ bện làm chiếc bè. Ngồi trên bè này, ta dùng tay chân với sức bình sinh tìm cách vượt qua bờ kia an toàn”. Nói sao làm vậy, sau nhiều nỗ lực, người ấy qua được bờ an toàn kia. Khi lên được bờ, người đó liền nghĩ: “Chiếc thuyền bè này đã giúp ích tôi. Nhờ chiếc bè này, tôi đã an toàn bên bờ bên kia. Nhớ ơn cứu mạng, tôi đội chiếc bè trên đầu hay vai, đến chỗ tôi muốn”. Này các đệ tử, các con nghĩ sao, người chèo chiếc bè đền ơn như thế có làm đúng với chức năng chiếc bè, hay đang hành động một cách ngớ ngẩn?   O

– Kính bạch Thế Tôn, theo chúng con hiểu, người làm như thế thật là ngớ ngẩn.

– Này các đệ tử, để đền ơn bè đúng với chức năng của chiếc bè này, tùy theo nhu cầu hoặc từng tình huống: Hãy thả chiếc bè về bên kia sông, hoặc đem chiếc bè lên chỗ đất khô, hoặc nhấn chìm bè, tiếp tục lên đường, đạt đến mục đích. Này các đệ tử, giáo pháp ta giảng cũng như chiếc bè, cốt để vượt qua tất cả khổ đau, đến chỗ an lạc, không để nắm giữ. Hãy hiểu rõ ràng dụ ngôn chiếc bè trong sự tu tập, chuyển hóa khổ đau. Khi đạt mục đích an lạc, giải thoát, chánh pháp đã dùng còn phải bỏ đi, huống hồ những thứ không phải chánh pháp.                     O

VƯỢT QUA CHẤP NGÃ

Này các đệ tử, có sáu thấy biết và sự chấp mắc. Những kẻ phàm phu, ít nghe kém học, không thích thăm viếng Thánh nhân, chân nhân, không hiểu biết gì, không có thực tập giáo pháp bậc Thánh nên đã cho rằng thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức là tôi: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi”. Bất cứ cái gì thấy, nghe, ngửi, biết, hay ý thức được đều chấp là tôi: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi”. Với kiến xứ nào cũng đều thấy rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết đi, tôi sẽ vĩnh hằng, thường còn, bất biến, tôi sẽ tồn tại thế này, thế kia không hề thay đổi”. Xem ra như vậy rơi vào chấp ngã: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi”.                       O

Vị đệ tử thánh, học rộng hiểu nhiều giáo pháp giác ngộ sẽ không chấp ngã dưới các hình thức như vừa nêu trên. Không hề đánh đồng thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức là ngã, ngã sở. Vị ấy thấy rõ: “Cái này, cái kia không phải của tôi, không phải là tôi, lại càng không phải tự ngã của tôi.” Với kiến xứ nào cũng đều không chấp: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết đi, tôi sẽ vĩnh hằng, thường còn, bất biến, tôi sẽ tồn tại thế này, thế kia không hề thay đổi”. Nhờ quan sát này với chánh trí tuệ, đối với sự vật, hành giả thấy rõ chúng là vô ngã, vô ngã sở hữu, từ bỏ các chấp, giải phóng tất cả sầu bi, khổ não.      O

– Kính bạch Thế Tôn. Có thể hay không, có một cái gì không có ở ngoài, lại có thể gây sầu bi, khổ não?

– Này các đệ tử, cũng có thể có, nếu ai nghĩ rằng: “Cái gì từng là của tôi chắc chắn, nay không còn là cái của tôi nữa. Cái gì chắc chắn có thể của tôi, chắc chắn tôi không được sở hữu nó”, nên bị sầu bi, khóc than, tuyệt vọng, bất tỉnh.

– Kính bạch Thế Tôn. Có thể hay không, có một cái gì không có ở trong, không thể gây ra sầu bi, khổ não?

– Này các đệ tử, cũng có thể có, khi ai không chấp: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi tôi chết, tôi sẽ vĩnh hằng, thường còn, bất biến”. Người này nghe Ta, hay đệ tử Ta thuyết pháp tháo mở tất cả kiến xứ: cố chấp, thiên kiến, chấp thủ, tùy miên; đồng thời thực tập tịnh chỉ hành động, từ bỏ sanh y, diệt trừ khát ái, đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn; nên không chấp rằng: “Ta bị đoạn diệt là điều chắc chắn, ta không tồn tại là điều chắc chắn”. Nhờ suy nghĩ này, người ấy không bị sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, bất tỉnh… ảnh hưởng, chi phối.  O

MỌI THỨ VÔ THƯỜNG

Này các đệ tử, các con từng thấy hay tự có thể nắm vật sở hữu và làm cho chúng vĩnh hằng, bất biến?

– Kính bạch Thế Tôn, hoàn toàn là không.

– Này các đệ tử, Ta cũng chưa từng thấy vật sở hữu được nắm giữ mãi, thường còn, bất biến với chiều thời gian. Này các đệ tử, khi chấp thủ vào các học thuyết ngã thì bị sầu, bi, khổ, ưu và não tác động, chi phối. Ta cũng không thấy cơ sở kiến chấp mà dính vào nó lại không bị sầu, bi, khổ, ưu, não… ảnh hưởng, chi phối. Này các đệ tử, nếu có chấp ngã thời chấp ngã sở; nếu có ngã sở thời cũng sẽ có ngã của tôi thôi. Nếu ngã, ngã sở không được chấp nhận là cái vĩnh hằng, thì kiến xứ này: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi tôi chết tôi sẽ vĩnh hằng, tồn tại bất biến” hoàn toàn si muội, không có sự thật.    O

– Này các đệ tử, các con nghĩ sao? Sắc là thường còn hay là vô thường?

– Bạch đức Thế Tôn, sắc là vô thường.

– Cái gì vô thường là khổ hay vui?

– Bạch đức Thế Tôn, cái gì vô thường mang lại khổ đau.

– Cái gì vô thường, khổ đau, biến hoại, thì có hợp lý không khi lại cho rằng: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi?”

– Bạch Thế Tôn, không thể thế được.

– Này các đệ tử, tương tự như thế, cảm thọ, tri giác, tâm tư, nhận thức vốn là vô thường, mang lại khổ đau, chịu sự biến hoại, nên không thể cho: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi”. Bất cứ cái gì thuộc về thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức, dù thuộc quá khứ, tương lai, hiện tại, ở trong hay ngoài, dù thô hay tế, dù xấu hay đẹp, dù xa hay gần, phải thấy rõ ràng với trí tuệ rằng: “Tất cả cái này không phải của tôi, không phải của tôi, càng không phải là tự ngã của tôi”.   O 

CHUYỂN HÓA ÁI DỤC

Này các đệ tử, nhờ thấy như thế, vị đệ tử Thánh nhàm chán thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức; nhờ tâm yểm ly nên được lìa tham, đạt được giải thoát, thể hiện ý thức biết mình giải thoát. Vị ấy biết rõ: “Tái sanh đã dứt, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm, không còn trở lại sanh tử này nữa”. Hành giả như thế được gọi là vị bỏ chướng ngại vật, lấp đầy  thông hào, nhổ lên cột trụ, mở tung lề khóa, hạ cây cờ xuống, đặt gánh nặng xuống, không còn hệ lụy.

Này các đệ tử, ai dứt vô minh đến tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt đứt ngọn không thể sống lại; không bị tái sanh trong đời tương lai, được gọi là người bỏ chướng ngại vật.

Ai dứt trừ được cảnh giới luân hồi, trôi lăn sinh tử đến tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt đứt ngọn được gọi là người đã lấp thông hào.

Ai dứt tham ái đến tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt đứt ngọn được gọi là người nhổ lên cột trụ.

Ai dứt trừ được năm trói buộc thấp đến tận gốc rễ như cây ta-la bị chặt đứt ngọn được gọi là người mở tung lề khóa.

Ai dứt ngã mạn đến tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt đứt ngọn được gọi là người đã hạ cờ xuống, đặt gánh nặng xuống, không còn hệ lụy.    O

CHỈ NÓI CON ĐƯỜNG DIỆT KHỔ

Tu tập chuyển hóa, đạt được giải thoát như các hạng trên thì hàng chư thiên ở trời Đế-thích, hay trời Phạm thiên hoặc trời Sanh chủ không tìm dấu vết. Trong đời hiện tại, không ai có thể tìm thấy dấu vết của một Như Lai. Nghe ta nói vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn xuyên tạc ta rằng: “Sa-môn Cồ-đàm chủ trương, ủng hộ chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, kết liễu hữu tình”. Ta không nói vậy, ta không chủ trương như bị chụp mũ, xuyên tạc hư vọng.

Này các đệ tử, xưa cũng như nay, Ta chỉ tuyên bố sự thật khổ đau và chỉ con đường chấm dứt khổ đau. Nếu có người nào cố tình mắng nhiếc, phỉ báng, xuyên tạc, cố làm Như Lai tức giận, phiền não, thì nên biết rằng việc đó vô ích. Như Lai là bậc không có sân hận, phẫn nộ, bất mãn. Nếu có người nào cung kính, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì Như Lai này cũng không vì thế tỏ ra hoan hỷ, vui mừng, thích thú. Như Lai suy nghĩ: “Đây là điều xưa, đã từng biết rõ. Đây là trách nhiệm mà Ta phải làm”.     O

KHÔNG MÀNG KHEN CHÊ

Này các đệ tử, bị người nhiếc mắng, phỉ báng, xuyên tạc thì chớ sân hận, bất mãn, phẫn nộ. Khi được cung kính, lễ bái cúng dường thì chớ hoan hỷ, vui mừng, thích thú. Hãy suy nghĩ rằng: “Đây là điều xưa, đã từng biết rõ. Đây là trách nhiệm mà tôi phải làm”. Cái gì không phải của chính chúng ta, hãy nên từ bỏ, nhờ đó hạnh phúc, an lạc dài lâu. Thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức không phải của ta; hãy buông xả chúng, hướng đến hạnh phúc, an lạc dài lâu.

Này các đệ tử, trong chùa Kỳ Viên, nếu có người nào nhặt cây, nhánh, lá làm theo ý muốn, hoặc đốt cháy chúng, thì nên hiểu rằng chúng không phải là tự ngã của tôi, lại càng không phải sở thuộc của ngã.   O

HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT

Những vị tu sĩ, bậc A-la-hán, lậu hoặc đã dứt, tu hành hoàn tất, việc nên đã làm, đặt gánh nặng xuống, lý tưởng thành tựu, trói buộc không còn, đã được giải thoát nhờ vào chánh trí, thì không người nào có thể chỉ được vòng luân hồi của người tu hoàn tất. Chánh pháp của ta khéo giảng, phân tích nên ai dứt được năm trói buộc thấp sẽ được hóa sanh, qua đời tại đây, không còn trở lại sanh tử này nữa. Ai dứt gần hết ba trói buộc tâm là tham sân si, sẽ chứng đạt được quả thánh Nhất lai, tái sinh một lần là dứt khổ đau. Ai dứt trừ sạch ba trói buộc tâm, thì sẽ chứng được quả thánh Dự lưu, không còn rơi rớt trong các cõi ác, nhất định hướng đến cảnh giới giác ngộ. Những ai thực hành theo gương chánh pháp, hành bằng niềm tin, thì sẽ hướng về quả Chánh đẳng giác.    O

Này các đệ tử, giáo pháp của ta được khéo giảng dạy, giúp đời tỏ ngộ, khai thông, thông suốt, như tháo ra được các vải quấn cũ. Ai tin thực hành sẽ được kết quả. Ai đủ lòng tin, thể hiện thương mến đối với chánh pháp thì những vị ấy nhờ công đức này hướng về chư thiên.

Nghe Phật giảng dạy, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá lời Phật, làm lợi lạc lớn cho người hữu duyên.    O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật        (3 lần) O

 
00:00