B. PHẦN CHÁNH KINH - IV. CÁC KINH VỀ THIỀN VÀ CHUYỂN HÓA: 50. Kinh Căn Bản Tu Tập

 50. KINH CĂN BẢN TU TẬP

 ***

KHÔNG ĐÀO TẨU THỰC TẠI

Tôi nghe như vầy. Khi đức Thế Tôn đang lưu trú tại Ka-jan-ga-la, có Ut-ta-ra, Bà-la-môn trẻ, là đệ tử của Pa-sa-ri-ya đến chào hỏi ngài, rồi ngồi một bên.

– Này Ut-ta-ra, đạo sư của ông, Pa-sa-ri-ya, có giảng dạy về căn bản tu tập cho đệ tử không, nếu có là gì?

– Thưa ngài Cồ-đàm, cách tu tập được thầy tôi dạy là không nên thấy sắc, không nên nghe tiếng bằng mắt và tai.

– Này Ut-ta-ra, theo cách tu này, người mù và điếc đều đạt trọn vẹn căn bản tu tập, vì những người này không thấy, không nghe!

Nghe Phật phân tích, chàng Ut-ta-ra hổ thẹn, im lặng, thụt vai, cúi mặt, trầm ngâm, lớ ngớ. Đức Phật nói với thầy A-nan-đa:    O

BUÔNG BỎ CHẤP TRƯỚC

– Này A-nan-đa, căn bản vô thượng đời sống đạo đức của những bậc thánh được ta giảng dạy hoàn toàn khác với Pa-sa-ri-ya.

Này A-nan-đa, khi mắt thấy sắc, với tâm hài lòng, hay không hài lòng, hoặc chưa xác định, hãy tuệ tri rằng: “Hài lòng, hay không, hoặc chưa xác định đã được xuất hiện. Cái gì xuất hiện cái đó có mặt dưới dạng thức thô. Buông xả là cái an tịnh, thù diệu. Cái gì xuất hiện đều nên dứt trừ, chỉ giữ lại xả, với một tốc độ mau chóng, dễ dàng, như người có mắt, khi mắt đã mở lại nhắm mắt lại, hoặc đã nhắm rồi lại mở mắt ra”.

Này A-nan-đa, khi tai nghe tiếng, với sự hài lòng, hay không hài lòng, hoặc chưa xác định, hãy tuệ tri rằng: “Hài lòng, hay không, hoặc chưa xác định đã được xuất hiện. Cái gì xuất hiện cái đó có mặt dưới dạng thức thô. Buông xả là cái an tịnh, thù diệu. Cái gì xuất hiện đều nên dứt trừ, chỉ giữ lại xả, với một tốc độ mau chóng, dễ dàng, như một lực sĩ dùng sức búng tay”.     O

Này A-nan-đa, khi mũi nghe mùi, tương tự thấy rằng như những giọt mưa, vừa rơi trút xuống liền không đọng lại trên những lá sen. Khi lưỡi nếm vị, tương tự thấy rằng như một lực sĩ hất nhổ dễ dàng đờm trên đầu lưỡi. Khi thân xúc chạm, tương tự thấy rằng như người duỗi ra, co lại tay mình. Khi ý nhận thức, tương tự thấy rằng như từng giọt nước nhỏ rơi chậm chạp trên chậu sắt nóng, bốc khói rất nhanh. Đây được gọi là căn bản vô thượng đời sống đạo đức của những bậc thánh.    O

CẬN KỀ QUẢ THÁNH

Này A-nan-đa, đâu là con đường của bậc hữu học? Khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi các mùi, lưỡi nếm các vị, thân thể xúc chạm, ý thức tưởng tượng, dù là hài lòng, hay không hài lòng, hoặc là trung tính, vị ấy nhàm chán, cảm thấy xấu hổ khi bị vướng chấp, nên không sầu não.     O

LÀM CHỦ GIÁC QUAN

Này A-nan-đa, thế nào gọi là tu tập giác quan thuộc hàng thánh nhân? Khi các giác quan tiếp xúc trần cảnh, dù là hài lòng, hay không hài lòng, hoặc là trung tính, vị ấy mong gì thì đạt được đó: “An trú với tưởng không nhàm chán vật đáng được nhàm chán, thì liền đạt được tưởng không yếm ly”. Hoặc khi muốn rằng: “An trú với tưởng nhàm chán sự vật không đáng nhàm chán, thì liền an trú vào tưởng yếm ly”.

Khi mong muốn rằng: “An trú với tưởng không nhàm chán vật đáng được yếm ly, vật không đáng nhàm, thì liền an trú tưởng không yếm ly”. Khi mong muốn rằng: “An trú với tưởng nhàm chán sự vật không đáng nhàm chán; không nhàm chán vật đáng được nhàm chán, thì liền an trú tâm tưởng yếm ly”. Hoặc khi mong rằng: “Khi từ bỏ được thái độ nhàm chán, hay không nhàm chán, an trú buông xả, chánh niệm, tỉnh giác thì liền an trú trạng thái buông xả, chánh niệm, tỉnh giác”.   O

PHẬN SỰ CỦA ĐẠO SƯ

Này A-nan-đa, thầy vừa giảng về căn bản vô thượng đời sống đạo đức của các bậc thánh, con đường tâm linh của bậc hữu học, tu tập giác quan của các bậc thánh. Những gì cần làm, thì bậc đạo sư làm vì từ bi, mang lại hạnh phúc cho các đệ tử; những điều như thế, thầy đã thực hiện cho các đệ tử. Này A-nan-đa, đây là gốc cây, chỗ rất thanh vắng, hãy thực tập thiền, nếu có buông lung, để không lo lắng hối hận về sau. Đây là lời dạy thầy xin gửi đến tất cả đệ tử.

Nghe đức Phật dạy, ngài A-nan-đa vô cùng hoan hỷ vâng lời làm theo.     O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật      (3 lần) O

 
00:00