PHẦN 1: CỐT TUỶ ĐẠO PHẬT - Chương XI: Đường Đến Niết Bàn

    Những nguyên tắc sơ đẳng của nếp sống điều độ này rất cần thiết cho những ai đi trên con đường đến Niết bàn.

    Chứng đắc Niết bàn bằng cách nào?

   Bằng Bát chánh đạo. Bát chánh đạo gồm có: Chánh kiến (Sammà Ditthi), Chánh tư duy (Sammà Sankappa), Chánh ngữ (Sammà Vàcà), Chánh nghiệp (Sammà Kammanta), Chánh mạng (Sammà Àjiva), Chánh tinh tấn (Sammà Vàyàma), Chánh niệm (Sammà Sati), và Chánh định (Sammà Samàdhi).

    Đây là con đường duy nhất hợp thành Giới (Sìla), Định (Samàdhi) và Tuệ (Panõnõà).

    Đức Phật toát yếu Trung đạo của Ngài vào bài kệ ngắn, hoa mỹ như sau:

                “Tránh tất cả điều ác

                Vâng làm mọi hạnh lành

                Giữ tâm ý trong sạch,

                Lời chư Phật rành rành”.

                (Sabba Pàpassa akaranam

                Kusalassa upasampàda

                Sacitta pariyodapanam

                Etam Buddhàna sàsanam)

    Giới (Sìla) là giai đoạn đầu trên con đường đến Niết bàn.

    Người ta không được sát sinh hay làm hại bất cứ một sinh vật nào, mà phải có lòng nhân từ và yêu thương tất cả mọi loài, cho đến những con vật bé nhỏ bò dưới chân mình. Không được trộm cắp mà phải ngay thẳng, thật thà trong tất cả mọi hành vi của mình. Không được tà dâm, vì nó làm tổn thương bản chất cao quí của con người, cần phải sống thanh khiết. Phải thành thật, tránh những lời nói dối. Tránh dùng những chất ma túy, vì nó làm cho người ta mất trí, phải sống điều độ và nỗ lực tinh cần.

    Những nguyên tắc sơ đẳng của nếp sống điều độ này rất cần thiết cho những ai đi trên con đường đến Niết bàn. Phá giới có nghĩa là đem những chướng ngại vào con đường, khiến gây bế tắc sự tiến bộ đạo đức của mình. Giữ giới nghĩa là tiến bước vững chắc và thông suốt trên con đường.

    Kẻ hành đạo chế ngự những lời nói và hành vi của mình như vậy, và nỗ lực hộ trì các căn mới có thể tiến bước xa hơn.

    Trong khi hành giả tiến bước tuần tự và vững chắc với những lời nói và hành động được kiểm soát, các giác quan được chế ngự, thì nghiệp lực của hành giả tinh tiến này mới có thể bắt buộc y từ bỏ những lạc thú trần tục và tuân theo đời sống khổ hạnh. Bấy giờ những ý nghĩ sau đây đến với y:

Đời sống gia đình là trường tranh đấu

Đầy vất vả và nhiều nhu cầu;

Nhưng phóng khoáng và cao thượng như bầu trời bao la,

Là đời sống của người xuất gia.

    Không nên nghĩ rằng mọi người đều phải sống theo lối sống của một Tỳ kheo hay sống độc thân để hoàn thành mục đích của mình. Sự tiến bộ tâm linh của hành giả được nhanh chóng là do sống theo nếp sống một Tỳ kheo. Tuy nhiên, người Phật tử tại gia cũng có thể trở thành vị A-la-hán, nếu sau khi đạt đến giai đoạn thứ ba của quả Thánh, hành giả sống một cuộc đời độc thân.

    Giữ gìn bước chân vững chắc trên đất giới luật, bấy giờ hành giả sẽ tiến đến giai đoạn thực hành cao hơn của Thiền định (Samàdhi), kiểm soát và tu tập tâm ý, giai đoạn thứ hai trên đường Đạo này.

    Thiền định là Nhất tâm. Đó là tập trung tư tưởng vào một đối tượng, và gạt bỏ tất cả những gì không liên quan đến đối tượng. Có những đề tài khác nhau để thiền định, tùy theo tính tình của từng người. Chú ý vào hơi thở là việc dễ nhất để đạt đến nhất tâm. Thiền định về lòng từ bi rất có lợi, vì nó đưa đến sự an lạc cho tâm hồn.

    Tu tập bốn Vô lượng tâm, từ (mettà), bi (karunà), hỉ (mudità) và xả (upekkhà) rất được khuyến khích.

    Sau khi xem xét kỹ lưỡng chủ đề để thiền định, hành giả phải chọn một chủ đề thích hợp nhất với tính tình của mình. Khi việc này được thu xếp thỏa đáng, hành giả nỗ lực tinh chuyên, tập trung tâm trí cho đến khi hoàn toàn chuyên chú vào đề tài, đồng thời gạt bỏ mọi ý nghĩ khác ra ngoài tâm trí. Năm trở ngại cho sự tiến bộ là: Tham dục, giận dữ, uể oải, mệt mỏi, dao động và nghi ngờ, lúc ấy tạm thời được chế ngự. Cuối cùng, hành giả đạt đến giai đoạn nhập định, với niềm hoan hỉ vô tả, vị ấy chìm sâu vào thiền định, hưởng sự an tịnh và bình thản của trạng thái nhất tâm.

    Khi hành giả đạt đến trạng thái hoàn toàn nhất tâm này, có thể phát triển 5 khả năng siêu nhiên (thần thông: Abhinõnõà): Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu), Thiên nhĩ thông (Dibbasota), Túc mạng thông (Pubbenivàsànussati Nàna), Tha tâm thông (Paracitta Vijàrana) và Thần túc thông (Iddhividha).

    Dù tâm tư của hành giả bấy giờ đã được thanh tịnh, khuynh hướng bùng phát các dục vọng vẫn còn tiềm ẩn bên trong, vì nhờ định lực mà dục vọng tạm thời lắng xuống, nhưng chúng có thể trỗi dậy vào những lúc bất ngờ.

    Cả giới luật lẫn thiền định đều có ít khả năng để quét sạch những chướng ngại ra khỏi con đường đạo, nhưng chỉ có tuệ quán (Vipassàna Panõnõà) mới giúp người ta thấy được chân tướng của sự vật, và do đó, đạt đến cứu cánh bằng cách loại trừ hoàn toàn các dục vọng đã bị chế ngự bằng thiền định. Đó là giai đoạn thứ 3 và là giai đoạn cứu cánh trên con đường tiến đến Niết bàn.

    Với tâm định tĩnh, bấy giờ giống như một cái gương đã được lau sạch, hành giả quan sát thế giới để có cái nhìn đúng đắn về cuộc đời. Bất cứ nơi đâu hành giả nhìn đến, mắt vị ấy cũng chỉ thấy ba đặc tính Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha), và Vô ngã (Anatta), nổi bật lên một cách rõ ràng. Hành giả hiểu rằng cuộc đời luôn luôn biến chuyển và tất cả sự vật do duyên sinh đều vô thường. Dù ở thiên đường hay trên mặt đất này, vị ấy cũng không tìm thấy bất cứ một thứ hạnh phúc chân thật nào, vì mọi hình thức lạc thú đều mở màn cho sự khổ đau. Bởi vậy, cái gì vô thường là khổ, và ở đâu có sự đổi thay, sầu khổ chi phối, thì ở đó không thể có một linh hồn bất tử thường hằng.

    Trên 3 đặc tính này, hành giả chọn một đặc tính thích hợp với mình nhất, rồi nhất tâm tiếp tục phát triển tuệ quán theo chiều hướng đặc biệt ấy cho đến ngày vinh quang xuất hiện, bấy giờ vị ấy chứng được Niết bàn lần đầu tiên trong cuộc đời vì đã diệt trừ được ba vòng xích là: Ảo tưởng về cái ngã hay thân kiến (Sakkàya ditthi), hoài nghi (Vicikicchà), chấp chặt vào các nghi lễ sai lầm (Silabbata Paramàsa).

    Ở giai đoạn này hành giả được gọi là bậc Nhập lưu (Sotàpanna): Người đã nhập vào dòng nước dẫn đến Niết bàn. Vì chưa trừ bỏ hết các Kiết sử, nên vị này còn tái sinh đến bảy lần nữa là nhiều nhất.

    Do kết quả nhìn thấy Niết bàn này, vị lữ hành thánh thiện này vừa dồn mọi nỗ lực tiến bước nhanh chóng, vừa trau dồi tuệ quán sâu hơn, trở thành một bậc Nhất lai (Sakadàgàmi), nhờ làm suy yếu hai kiết sử tham dục (Kàmaràga) và sân hận (Patigha). Vị này được gọi là Nhất lai (Sakadàgàmi), vì còn tái sinh trên thế gian một lần nữa, nếu chưa đạt được quả A-la-hán.

    Chính ở giai đoạn thứ 3 của quả thánh Bất lai (Anàgàmi) này, vị này mới loại trừ hoàn toàn hai Kiết sử đã nói trên. Sau đó, vị này không còn tái sinh vào thế gian này nữa và cũng không sinh vào các cõi trời, vì Ngài không còn ham muốn những lạc thú giác quan nữa. Sau đó, Ngài sinh lên cảnh giới Tịnh cư thiên (Sudhàvàsa), một trong những cảnh giới Phạm thiên (Brahma), cho đến khi đạt được quả A-la-hán.

    Bấy giờ vị hành giả thánh thiện này được khích lệ bởi những thành tựu chưa từng có trước kia trong những nỗ lực chính mình, nên đi nốt bước cuối cùng, diệt trừ những Kiết sử còn lại là Sắc ái (Rùparàga): thích hiện hữu trong cõi Sắc giới, Vô sắc ái (Arùparàga): thích hiện hữu trong cõi Vô sắc, Mạn (Màna):kiêu ngạo, trạo cử (Uddhacca): dao động, và vô minh (Avijjia): mê muội, trở thành một vị thánh hoàn thiện, bậc A- la-hán, đấng đáng tôn kính.

    Bấy giờ Ngài hiểu rõ rằng những gì cần phải thành tựu, gánh nặng khổ đau đã được đặt xuống, tất cả mọi hình thức trói buộc đã được vượt qua. Khi ấy Đấng đáng kính này đứng trên đỉnh cao hơn cõi trời, hoàn toàn thoát khỏi mọi tham dục và những cấu uế bất trị của thế gian, chứng được Niết bàn an lạc khó nói nên lời, và như nhiều vị A-la-hán trưởng lão ngày xưa đã thốt lên bài kệ hân hoan:

Tâm được tu tập đúng pháp, lòng nhiệt thành và trí tuệ,

Đức hạnh tối cao dựa vào những tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp,

Chính điều này làm cho phàm nhân thành thanh tịnh,

Chứ không phải địa vị hay tài sản.”

    Như T.H Huxley đã nhận định: “Phật giáo là một hệ thống không biết đến Thượng đế theo ý nghĩa Tây phương, phủ nhận linh hồn của con người, cho rằng tin vào tính bất tử là một lầm lỗi, bác bỏ hiệu lực của sự cầu nguyện và lễ bái, hệ thống đó khiến người ta không trông mong gì cả ngoài nỗ lực của mình để giải thoát. Đạo Phật ở tính chất thuần túy nguyên thủy của nó không hề biết thệ nguyện phục tùng và không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ của các quyền lực trần thế: vậy mà nó đã được truyền bá hơn phân nửa thế giới, nhanh chóng phi thường và no ùcòn là tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng của một phần lớn nhân loại.”

 
00:00