Với trí tuệ siêu việt, đức Đạo sư thường vận dụng phương tiện thiện xảo để trình bày những điểm giáo lý sâu sắc bằng các ví dụ cụ thể, khiến cho người nghe cảm thấy thích thú và dễ dàng thâm nhập, như Kinh Phật thuyết phóng ngưu đã thuyết minh.
Sau đây, người viết xin dùng bản kinh trên làm cơ sở để minh họa lại những ưu khuyết điểm của người chăn trâu. Nhưng trước hết hãy nói về những khuyết điểm.
1. MƯỜI MỘT KHUYẾT ĐIỂM CỦA VỊ TỶ-KHEO
Đức Phật dạy rằng nếu người chăn trâu phạm phải 11 sai lầm thì không thể làm cho đàn trâu mập mạp, phát triển được:
1. Không biết sắc pháp.
2. Không biết tướng trạng.
3. Không biết trừ khử trùng độc.
4. Không biết băng bó vết thương.
5. Không biết un khói.
6. Không biết chọn đường đi.
7. Không biết thương con trâu.
8. Không biết chỗ nước có thể lội qua.
9. Không biết chọn chỗ thả trâu ăn.
10. Vắt sữa trâu cho đến kiệt quệ.
11. Không biết chăm sóc những con trâu đầu đàn.
Đó là 11 sai phạm của người chăn trâu, khiến cho đàn trâu không thể tăng trưởng. Cũng vậy, nếu thầy Tỷ-kheo phạm phải 11 khuyết điểm tương tự như người chăn trâu thì không thể hoàn thành phẩm chất của một Sa-môn chân chính và không thể làm cho Tăng đoàn phát triển lớn mạnh. Trái lại, nếu thầy Tỷ-kheo khắc phục những khuyết điểm, phát huy được 11 ưu điểm sau đây thì sẽ hoàn thành phẩm chất của một Tỷ-kheo và làm cho Tăng đoàn lớn mạnh:
2. MƯỜI MỘT ƯU ĐIỂM CỦA VỊ TỶ-KHEO
1. Biết rõ sắc pháp: Thầy Tỷ-kheo biết rõ bốn đại chủng (đất, nước, lửa, gió) và những gì do bốn đại chủng tạo thành; đó là biết rõ sắc pháp.
2. Biết rõ các tướng: Thầy Tỷ-kheo biết rõ hành vi của kẻ ngu và hành vi của người trí; đó là biết rõ các tướng.
3. Biết trừ khử trùng độc: Khi tâm tham dục khởi lên, thầy Tỷ-kheo biết cách ngăn chặn, chế ngự, đoạn trừ; đó là Thầy Tỷ-kheo biết trừ khử trùng độc.
4. Biết băng bó vết thương: Khi mắt thấy sắc, thầy Tỷ-kheo không nên phân tích đẹp xấu, mà phải phòng hộ nhãn căn, không đắm trước ngoại sắc, xa lìa các pháp ác. Cũng vậy, khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, khi lưỡi nếm vị, khi thân xúc chạm vật êm dịu, khi ý nhận thức các pháp, thầy Tỷ-kheo đều phải phòng hộ các căn, xa lìa mọi tham đắm. Đó là thầy Tỷ-kheo biết băng bó vết thương.
5. Biết un khói: Thầy Tỷ-kheo cần phải đem giáo pháp mà mình đã học hỏi được ra thuyết giảng cho mọi người cùng biết, đó là thầy Tỷ-kheo biết un khói.
6. Biết chọn đường đi: Thầy Tỷ-kheo phải thực hành Tám chánh đạo, tránh xa các nơi như lầu xanh, phòng trà, hí trường, sòng bạc v.v…, đó là thầy Tỷ-kheo biết chọn đường đi.
7. Biết thương con trâu: Thầy Tỷ-kheo khi nghe pháp phải sinh tâm hoan hỷ, tin tưởng, thọ trì và quyết tâm thực hiện, đó là thầy Tỷ-kheo biết thương con trâu.
8. Biết chỗ nước có thể lội qua: Thầy Tỷ-kheo phải biết rõ Tứ Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt và Đạo, đó là thầy Tỷ-kheo biết chỗ nước có thể lội qua.
9. Biết chọn chỗ thả trâu ăn: Thầy Tỷ-kheo phải biết rõ bốn niệm xứ: biết thân bất tịnh, biết thọ là khổ, biết tâm vô thường và biết pháp vô ngã, đó là thầy Tỷ-kheo biết chỗ cho trâu ăn.
10. Không vắt sữa đến kiệt quệ: Đối với các vật do thí chủ cúng dường như y phục, thực phẩm, sàng tọa và thuốc men, thầy Tỷ-kheo phải biết nhận lãnh vừa đủ để khỏi tổn thương đến tín tâm và tài sản của thí chủ. Đó là thầy Tỷ-kheo không vắt sữa trâu cho đến kiệt quệ.
11. Biết tôn kính, phụng sự các bậc trưởng lão kỳ túc: Đối với các bậc trưởng lão kỳ cựu, các hàng giáo phẩm đức hạnh, thầy Tỷ-kheo cần phải thân cận, tôn kính và phụng sự hết lòng, không được chểnh mảng xem thường. Đó là thầy Tỷ-kheo biết tôn kính, phụng sự các bậc trưởng thượng.
Thầy Tỷ-kheo nào thực hiện hoàn hảo 11 điều kiện kể trên thì chính bản thân mình hưởng được những lợi ích tốt đẹp, và làm cho Tăng đoàn càng ngày càng hưng thịnh.
Sau đây là bảng so sánh những kinh tương đương đề cập đến 11 phương pháp chăn trâu:
3. BẢNG SO SÁNH GIỮA CÁC KINH TƯƠNG ĐƯƠNG
1. Phật Thuyết Phóng Ngưu Kinh, ĐTK.2, số 123, tr. 546a. (Bản 1)
2. Phóng Ngưu Phẩm, thuộc Tăng Nhất A-hàm, ĐTK.2, tr. 794a. (Bản 2)
3. Thuộc Tạp A-hàm, ĐTK.2, tr. 342a. (Bản 3).
4. Đại Kinh Người Chăn Bò, Kinh Trung Bộ I, số 33, tr. 481, xuất bản 1973. (Bản 4)
5. Người Chăn Bò, Tăng Chi Bộ Kinh III B, tr.305, xuất bản 1981. (Bản 5)
6. Như Bản (5), tr. 315. (Bản 6)
Các bản kinh (4), (5), và (6) đều do Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch.
Bản Bản Bản Bản Bản Bản
(1) (2) (3) (4) (5) (6)
1 = 1 = 1 = 1 = 1 = 1
2 = 2 = 2 = 2 = 2 = 2
3 = 3 = 3 = 3 = 3 = 3
4 = 4 = 4 = 4 = 4 = 4
5 = 5 = 5 = 5 = 5 = 5
6 = 6 = 6 = 6 = 6 = 6
7 = 7 = 7 = 7 = 7 = 7
8 = 8 = 8 = 8 = 8 = 8
9 = 9 = 9 = 9 = 9 = 9
10 = 10 = 10 = 10 = 10 = 10
11 = 11 = 11 = 11 = 11 = 11
4. VÀI ĐIỂM GHI NHẬN
- Bản (1) trình bày rõ ràng, súc tích và phong phú nhất.
- Bản (2) tiêu đề và nội dung các điểm trước sau thiếu thống nhất, nhất là các điểm từ 6 đến 8 trình bày khá lộn xộn.
- Bản (3) chỉ trình bày về phương diện khuyết điểm, còn phương diện ưu điểm thì chỉ nói là trái với khuyết điểm mà không quảng diễn nội dung.
- Bản (4) và (5) thuộc hệ thống kinh tạng Nam truyền, trình bày mạch lạc, nhất quán, hai bản giống nhau gần như hoàn toàn.
- Bản (6) cũng thuộc Nam truyền, giản đơn nhất, chỉ nêu các tiêu đề mà không trình bày nội dung.
Tóm lại, trong các bản kinh trên, ngoại trừ các điểm 6, 7 và 8 là không thống nhất, còn lại các điểm từ 1 đến 11 gần như hoàn toàn giống nhau. Về sự khác biệt của các điểm 6, 7 và 8 trong bản kinh (4) như sau:
6. Biết chỗ có thể lội qua: Các thầy Tỷ-kheo thường đến các bậc Tôn túc trưởng lão tinh thông kinh luật để thỉnh giáo những điều còn nghi ngờ. Đó là biết chỗ nước có thể lội qua.
7. Biết rõ chỗ nước uống: Các thầy Tỷ-kheo thấu đạt nghĩa lý của các kinh luật do đức Như Lai thuyết giảng. Đó là biết rõ chỗ nước uống.
8. Biết rõ con đường: Các thầy Tỷ-kheo biết rõ Tám Thánh đạo. Đó là biết rõ con đường.
Ngoài ra, vấn đề tên kinh thiết tưởng cũng nên bàn đến. Chữ “go” của Pàli nghĩa là con bò, pàlaka nghĩa là người bảo hộ hay người chăn dắt, do đó, gopàlaka phải được dịch là người chăn bò, như Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch trong kinh Trung bộ. Hán dịch chữ go nghĩa là ngưu, pàlaka là mục giả và gopàlaka là mục ngưu giả. Chữ ngưu của Hán văn nghĩa là con bò (còn thủy ngưu mới là con trâu, như Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh đã ghi nhận), nhưng vì lâu nay ta quen hiểu chữ ngưu nghĩa là trâu, do đó nên dịch mục ngưu giả là người chăn trâu, mà đúng ra phải dịch là người chăn bò. Thôi thì xin độc giả hoan hỷ cho phép người viết được giữ nguyên lối dịch theo thói quen như trên, vì năm nay là năm cầm tinh con trâu vậy.
Đức Phật nêu ẩn dụ người chăn trâu không phải nhằm để chỉ người lãnh đạo Tăng đoàn điều hành Tăng chúng, mà chính là nhắc nhở các thầy Tỷ-kheo phải tự hướng dẫn tâm mình đi đúng chánh đạo. Do đó, chúng ta thấy ẩn dụ này rất thi vị và thâm thúy, và không có gì mang tính chất xúc phạm cả. Vì thế, Thiền tông Trung Hoa đã dùng hình ảnh này minh họa thành bức tranh Thập mục ngưu đồ rất sinh động và nổi tiếng trong Thiền sử. Bởi lẽ, nhiệm vụ suốt đời của một Thiền sư không gì khác hơn là thuần hóa con trâu hoang trở nên thuần dưỡng, là biến đổi con trâu đen thành ra trâu trắng.
***