PHẦN 2: MỘT SỐ CHỦ ĐỀ - Cảnh Tỉnh Khuyên Tu

    Trên bước đường hoàn thiện nhân cách, vượt khỏi sông mê, tiến sang bờ giác, mỗi người cần phải vận dụng sức mình là chính, nhưng còn một yếu tố khác cũng vô cùng quý báu, đó chính là những lời cổ vũ sách tấn của các bậc tiền bối giàu tâm huyết. Dẫu rằng những lời cảnh tỉnh ấy đôi khi mang tính chất “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng.”

1. MẠNG SỐNG MONG MANH, THÂN NGƯỜI RẤT QUÝ

    Để cảnh tỉnh mọi người nhận chân được tính chất mỏng manh của kiếp sống, Sơ Tổ Trúc Lâm nhắc nhở:

       “Thân như hơi thở luồng qua phổi,

       Mệnh tợ mây lồng đỉnh núi xa.

       Chim quyên kêu rả bao ngày tháng,

       Đâu thể ngày xuân để luống qua.

    Bởi lẽ tuổi xuân của chúng ta không bao giờ trở lại, thế thì chúng ta đâu được phép nấn ná đợi chờ đến khi khôn lớn mới gây dựng sự nghiệp, hay đợi đến tuổi già mới dốc tâm tu tập:

       “Chớ đợi tuổi già mới niệm Phật,

       Mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh.

       (Mạc đãi lão lai phương niệm Phật,

       Cô phần đa thị thiếu niên nhân.)

    Do đó, mỗi người phải luôn ý thức rằng:

       “Ngày nay đã trôi qua,

       Mạng sống cứ giảm dần.

       Như cá trong hồ cạn,

       Đâu được phép lần khân!

       (Thị nhật dĩ quá,

       Mạng diệc tuỳ giảm.

       Như thiểu thủy ngư,

       Tư hữu hà lạc.)

    Lần khân vốn là bản tính của đa số chúng ta, cho nên khi bắt tay làm việc gì cũng nay lần mai lữa, không chịu cố gắng giải quyết cho xong. Ta cứ tưởng rằng cuộc sống này dường như dài vô tận, và được sinh làm người là chuyện dễ dàng chứ đâu có biết rằng được sinh làm người là một phúc duyên rất hy hữu:

       “Ngàn năm cây sắt sinh hoa dễ,

       Khi mất thân người tái phục nan.

       (Thiên niên thiết mộc khai hoa dị,

       Nhất thất nhân thân tái phục nan.)

    Do đó, ta phải hết sức trân trọng sự sống. Bởi lẽ:

2. THỜI GIAN QUA MAU, THÌ GIỜ LÀ VÀNG NGỌC

    Nhằm cảnh tỉnh chúng ta ý thức sự nhanh chóng của thời gian, các bậc Thiền đức ân cần khuyên bảo:

       Thì giờ như tên bắn,

        tháng tợ thoi đưa.

        chết đến nhanh lắm,

       Đâu có thể chần chừ!

       (Quang âm tợ tiễn,

       Nhật nguyệt như thoa.

       Vô thường tấn tốc,

       Thiết mạc ta đà.)

    Một khi đã ý thức được sự trôi nhanh của thời gian, chắc chắn chúng ta sẽ xem thì giờ chẳng khác gì vàng ngọc:

       “Một tấc thời gian một tấc vàng,

       Tấc vàng khó đổi tấc thời gian.

       Tấc vàng lỡ mất còn tìm được,

       Để mất thời gian hết cách tìm.

       (Nhất thốn quang âm, nhất thốn kim,

       Thốn kim nan mại thốn quang âm.

       Thốn kim thất khước hữu tầm xứ,

       Thất khước quang âm vô xứ tầm.)

3. CÔNG DANH PHÚ QUÝ PHÙ PHIẾM TỰA BỌT BÈO

    Trong trường đời, ai mà chẳng mong cầu công thành danh toại, phú quí phong lưu. Đó là một nguyện vọng rất chính đáng mà mọi người đều mong đạt được. Tuy nhiên, nếu cứ nhắm mắt lao vào danh lợi với bất cứ giá nào mà không hề biết đến những nguy cơ đang tiềm tàng trong bả vinh hoa là điều cần phải cảnh giác:

       “Mồi phú quí nhử làng xa mã,

       Bả vinh hoa lừa gã công khanh.

       Giấc Nam kha khéo bất bình,

       Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.

    Ấy thế mà không ít người bị bả lợi danh quyến rũ, đuổi bắt phú quí vinh hoa chẳng khác gì con thiêu thân lao vào lửa đỏ:

Dong ruổi đầu đường sống chết, cam tâm danh lợi buộc ràng;

Ban ngày gắng sức cầu may, đêm đến hoá ra mộng ảo.

    Cho dù danh lợi lẫy lừng, giàu sang tột đỉnh thì cũng chỉ là:

Công danh lừng lẫy, chẳng qua một giấc mộng dài, Phú quý tột cùng, khó tránh vô thường hai chữ.

(Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường; Phú quý kinh nhân, bất miễn vô thường nhị tự.)

    Câu cảnh tỉnh nầy mới nghe qua hình như tiêu cực quá, thậm chí còn có vẻ làm nhụt nhuệ khí phấn đấu của chúng ta là khác. Tuy nhiên, bình tâm mà xét thì hoàn toàn không phải vậy. Nếu như chúng ta vận dụng con tim khối óc của mình cố gắng phấn đấu vươn lên, thành tựu sự nghiệp, đem lại hạnh phúc cho chính mình, lợi lạc cho nhân quần xã hội một cách quang minh chính đại, mà hoàn toàn không vụ lợi ích kỷ, thì công lao ấy thật đáng được mọi người tán thán, biết ơn. Nhưng nếu sự thành công ấy phát xuất từ động cơ vị kỷ, hại người, chà đạp lên đạo lý công bằng, bất chấp lẽ nhân quả báo ứng, thì chính những hạng người nầy cần phải được cảnh báo:

Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang;

Gác ngọc nhà vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.

    Điều hiển nhiên là hằng ngày chúng ta thấy nhan nhản trên truyền hình, trên báo chí không phải chỉ có những người nghèo khổ ít học mới lầm lỡ phạm tội mà biết bao kẻ quyền cao chức trọng, ỷ thế cậy quyền, bất chấp đạo lý, xem thường luật pháp, không tin nhân quả đã vướng phải tội tù. Họ là những bậc cha mẹ của dân (dân chi phụ mẫu), những nguyên thủ quốc gia chứ đâu phải hạng cùng đinh ít học. Thế mà họ đã để lại tiếng đời chê trách: “Sống nặng quả địa cầu, chết lưu nhơ hậu thế” (Tất nhiên, đây chỉ là lời lên án của thế nhân, còn người Phật tử khi thấy những ai phạm tội thì tỏ lòng trắc ẩn thương xót mà thôi.)

    Kỳ thực, những người ấy đâu có biết rằng chung cục, họ không thể nào lừa dối được luật pháp và quan toà. Mà dẫu có tạm thời lừa dối được luật pháp hiện hành, thì cũng không thể nào trốn tránh được luật nhân quả- một quy luật rất công bằng, vô tư. Chẳng thế mà các bậc minh triết đã khẳng định: “Xem hết kinh Di-đà, tụng thuộc chú Đại Bi, đều thấy rằng: Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà chẳng lọt người nào. Cày sâu gieo cạn mà còn bị thiên tai, huống gì vì lợi mình mà hại người lại không có quả báo hay sao?” (Quán tận Di-đà kinh, niệm triệt Đại bi chú, chủng qua hoàn đắc qua, chủng đậu hoàn đắc đậu. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. Thâm canh thiển chủng, thượng hữu thiên tai, ích kỷ tổn nhân khởi vô quả báo?). Trường hợp những người lầm lỡ kể trên thật đúng như ý nghĩa trong lời cảm thán của câu tục ngữ Tây phương: “Tiền đã giết linh hồn hơn là gươm đã giết thể xác.” Đó cũng là lẽ công bằng tự nhiên thôi, mình làm mình chịu, đâu phải tại ai:

       “Họa phúc không nhất định,

       Chỉ do người tạo thành.

       Thiện ác đều báo ứng,

       Như bóng chẳng rời hình.

       (Họa phúc vô môn,

       Duy nhân tự triệu.

       Thiện ác hữu báo,

       Như ảnh tuỳ hình.)

4. CẢNH TỈNH KHUYÊN TU ĐỐI VỚI NGƯỜI THIỆN TÂM

    Khi đã thấy rõ vạn vật vốn vô thường, lợi danh là tạm bợ, luật nhân quả rất nghiêm minh thì có lẽ nào chúng ta lại không trăn trở băn khoăn lo nhiếp phục những hành vi sai trái:

       “Đại chúng!

       Phải luôn luôn tinh tấn,

       Như cứu lửa cháy đầu.

       Vô thường luôn ghi nhớ,

       Cẩn thận chớ buông trôi.

       (Đại chúng!

       Đương cần tinh tấn,

       Như cứu đầu nhiên.

       Đản niệm vô thường,

       Thận vật phóng dật.)

    Vậy phải cẩn thận như thế nào? Cẩn thận chớ để thanh sắc, lợi danh làm mờ ám lương tâm. Vì sắc đẹp, danh vọng có mãnh lực lung lạc con người một cách phi thường. Bởi thế, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác đề phòng:

Gặp thanh, gặp sắc như trên đá trồng hoa,

Thấy lợi, thấy danh như bụi rơi xốn mắt.

(Ngộ thanh, ngộ sắc như thạch thượng tài hoa,

 Kiến lợi, kiến danh như nhãn trung trước tiết.)

    Tất nhiên, nếu đã là con người - chứ không phải ông thánh - thì việc hưởng thụ thanh sắc cũng là lẽ thường tình, và việc phấn đấu đạt được lợi danh cũng là điều hợp lý. Nhưng hưởng thụ thanh sắc mà không si cuồng, thủ đắc lợi danh mà không phóng đãng, đó chính là đạo Trung Dung của bậc hiền nhân quân tử, là nhu cầu chính đáng của kiếp sống nhân sinh.

    Thế nhưng, khi hành động cần phải theo sự hướng dẫn của lương tâm thì mới có kết quả tốt đẹp:

Công tâm ví sánh tư tâm, việc gì chẳng thành tựu, Nhớ đạo mà như nhớ tình, thành Phật đã lâu rồi.

(Công tâm nhược tỷ tư tâm, hà sự bất biện.

Đạo niệm nhược đồng tình niệm, thành Phật đa thì.)

    Tư tâm làm cản trở công việc mà đa tình cũng làm phương hại đạo hạnh không ít:

Tình một thoáng, quả ba đường ứng báo,

 Niệm một ly, nhân sáu nẻo tiếp duyên.

     Một khi đã thấy được tâm viên ý mã thường lôi kéo chúng ta vào chốn trần lao khổ lụy, thì hành giả cần phải tỉnh táo:

Ngồi trong nhà kín phải xem như ngồi giữa ngả ba đường,

Gìn giữ tấc lòng giống như kiềm chế sáu con ngựa dữ.

(Tọa mật thất như thông cù,

Ngự thốn tâm như lục mã.)

    Sáu con ngựa đó chính là sáu căn của chúng ta chứ không gì khác. Vì chúng luôn luôn truy đuổi sáu trần, ít khi nào dừng nghỉ. Do đó, người hành đạo cần phải nỗ lực trường kỳ:

Bồ đoàn ngồi lặng, quên năm tháng,

 Trống đánh, chuông khua, định sớm hôm.

(Tĩnh tọa bồ đoàn, vong tuế nguyệt,

 Nhàn xao chung cổ, định thần hôn.)

     Tĩnh tọa bồ đoàn chính là sở trường của các môn sinh theo phái Thiền Tông. Thế nhưng, Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn dành cho đủ mọi căn cơ trình độ. Do vậy, ai muốn chuyên tu Tịnh Độ thì cũng được các bậc hiền nhân cổ vũ:

Một tiếng Di-đà luôn miệng niệm, Chẳng cần nhọc sức đến Tây phương.

(Nhất cú Di-đà vô biệt niệm,

Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.)

    Có lẽ trong chúng ta ai cũng hiểu rằng “Tây phương là lòng trong sạch, Di-đà là tính sáng soi” như Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông đã minh thị, cho nên ở đây chúng ta không cần phải giải thích gì thêm nữa.

5. CẢNH TỈNH CHUNG CHO HAI HẠNG NGƯỜI

    Trong vòng luân chuyển bất tận từ phàm đến Thánh, từ mê đến ngộ có nhiều giai tầng sai khác, nhưng tựu trung bao gồm trong hai loại: những người còn vương vấn thê thằng tử phược và những bậc xuất trần thoát tục. Và sau đây là lời khuyến cáo dành cho các bậc hiền sĩ trượng phu ở đời:

       “Chẳng cầu Đại đạo thoát mê đồ,

       Dẫu bậc hiền tài chẳng trượng phu.

       Tấc bóng trăm năm đá lửa nháng

       Một đời sự nghiệp tựa phù du.

       Chỉ tham lợi lộc cầu vinh hiển,

       Chẳng nghĩ hình dung chóng héo khô.

       Dẫu cho vàng khối cao như núi,

       Mua chuộc tử thần há được ru?

       (Bất cầu Đại Đạo xuất mê đồ,

       Túng phụ hiền tài khởi trượng phu.

       Bách tuế quang âm thạch hỏa xán,

       Nhất sinh thân thế đẳng bào trù.

       Chỉ tham lợi lộc đồ vinh hiển,

       Bất quản hình dung ám tụy khô.

       Thí vấn đôi kim đẳng sơn nhạc,

       Vô thường năng mãi bất lai vô?)

    Các bậc hiền sĩ ở đời thường bị những trận cuồng phong tài sắc danh lợi cuốn hút đã đành, mà các bậc xuất trần thượng sĩ cũng khó tránh khỏi những con ma lười biếng, ngủ nghỉ cám dỗ. Thế nên, chính họ mới cần đến sự đôn đốc cảnh giác hơn ai hết:

       “Trống pháp xua tan ngàn nẻo mộng,

       Chuông chùa lay tỉnh khắp Tây Đông.

       Do tham say giấc trong tăm tối,

       Chẳng nghĩ Đông phương ánh nhật hồng.

       Biền biệt đêm dài rồi sẽ sáng,

       Mịt mờ mê lộ thật nan thông.

       Sớm nay lười biếng không hành đạo,

       Ngày khác mong gì gặp Thế Tôn!

       (Pháp cổ chuyển hồi phù thế mộng,

       Phạm chung chàng phá đại gia lung.

       Do tham Bắc thủ miên điềm hắc,

       Bất quản Đông nhan nhật ánh hồng.

       Trường dạ man man thời hữu đán,

       Mê đồ mặc mặc lộ nan thông.

       Kim triêu nhược bất cần hành đạo,

       Tha nhật ná phùng Hoàng Diện Công!)

    Thiết nghĩ, đối với những vị mà “mùi Thiền đã thấm muối dưa,” “lòng trần thoảng như tro lạnh” thì những lời khuyến cáo về thế gian vô thường, đời người ngắn ngủi, phú quý phù vân có lẽ không cần thiết lắm. Nhưng đối với người sơ cơ học đạo, “Đường trước mịt mờ, chẳng biết về đâu” (tiền lộ mang mang vị tri hà vãng) thì những lời cảnh tỉnh trên đây không hẳn là hoàn toàn vô bổ.

***

 
00:00