Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lạc Tôn Phật

(giảng tại hội cùng tu chùa Thiện Đạo)

     Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị cư sĩ! Theo thường lệ của âm lịch, hôm nay là ngày chủ nhật đầu tiên của năm mới, cũng là lần tụ hội đầu tiên của chúng ta, lần đầu tiên tuyên giảng Phật pháp. Trước hết, nương vào sự gia hộ oai đức Tam Bảo, xin nguyện cho chư vị, chúc đại chúng phước tuệ tăng trưởng, thân tâm an lạc!

     Sự kiện lớn của năm mới trong Phật giáo, chính là lễ tán xưng niệm: “Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di-lặc Phật”. Việc này trước kia ở Đại Lục (Trung Quốc) chùa nào cũng cử hành. Do đó, người ta cho rằng ngày mùng một tết là ngày đản sinh của Phật Di-lặc. Kì thật, đức Di-lặc vẫn còn là Bồ-tát, vẫn còn “sau này mới giáng sinh”; Phật Di-lặc vẫn chưa thị hiện giáng sinh, thế tại sao có ngày sinh chứ? Thế thì, tại sao tín đồ Phật giáo Trung Quốc, vào đêm giao thừa đều cử hành Di-lặc Phổ Phật; sáng sớm ngày mùng một, lại xưng niệm thánh hiệu Phật Di-lặc? Nên biết, đây chính là biểu thị sự kiện lớn trong năm mới của người học Phật - cùng nhau phát nguyện: Nguyện đức Phật Di-lặc sớm thị hiện đản sinh xuống thế giới này. Tuy nhiên trong kinh nói đức Phật Di-lặc cần phải trải qua số kiếp bao nhiêu đó mới thị hiện đản sinh xuống thế giới này, nhưng đệ tử Phật lại hi vọng, trông ngóng Ngài sớm thị hiện đản sinh. Đây là nguyện vọng tha thiết của người học Phật, sự kiện hết sức có ý nghĩa. Bởi đức Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh có hai điều tốt:

    1. Thế giới lúc đức Di-lặc thành Phật, so với thế giới ngũ trược ác thế(1) chúng ta đang sống không giống nhau, thế giới lúc đó cực kì thanh tịnh và hạnh phúc. Theo kinh nói, lúc đó thế giới hòa bình, người đông nhiều, tài vật vô lượng, không có thống khổ và nghèo khó, thật vui vẻ hết sức. Cho nên đệ tử Phật hi vọng đức Phật Di-lặc sớm sớm thị hiện xuống nhân gian, để mọi người cùng nhau hưởng hạnh phúc của hòa bình tự do.

    2. Bồ-tát Di-lặc thị hiện thành Phật, Phật pháp được hưng thạnh, cái gọi là “ba hội Long Hoa”, rất nhiều chúng sinh phát tâm xa lìa sinh tử, rất nhiều chúng sinh phát chí nguyện tâm Bồ-đề thành Phật. Nhìn từ phương diện thế gian, thế giới lúc đó phồn vinh hạnh phúc; còn nhìn từ phương diện Phật pháp, tràn đầy chân lí và tự do.

     Cần phải đầy đủ hai phương diện này, mới có thể gọi là thế giới vui vẻ, hạnh phúc. Nếu Phật pháp được hưng thạnh, mà cuộc sống con người lại thống khổ, như vậy đương nhiên không đủ sự tròn đầy. Như thế giới phồn vinh, mà không có Phật pháp, giống như ở cõi trời, mọi người không chịu hướng thượng tìm cầu chân lí liễu sinh thoát tử, thành Phật, đây cũng chẳng phải đầy đủ lí tưởng. Thế giới Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh, đồng thời giải quyết hai vấn đề này. Thế giới đã được an lạc hạnh phúc, mà mọi người cũng biết nương tựa Phật pháp, liễu sinh thoát tử, phát tâm Bồ-đề. Như vậy quá tốt rồi! Cho nên sự kiện lớn đầu tiên trong năm mới của người Phật tử, chính là ngưỡng nguyện Bồ-tát Di-lặc sớm thừa nguyện thị hiện xuống thế giới này, xưng niệm “Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di-lặc Phật”. Nếu mỗi vị Phật tử chỉ cầu cho riêng mình, không cần quan tâm đến hạnh phúc của thế giới, có thể nói là hoàn toàn sai lầm. Đệ tử Phật chân chính, luôn hi vọng thế giới hòa bình, đất nước cường mạnh, Phật pháp hưng thạnh, tuyệt đối không có tâm tỵ hiềm, sợ người khác hơn mình. Điều này thấy được qua lời nguyện đầu năm của người con Phật.

    Đã được biết nguyện vọng đầu năm của người con Phật, sau đó phải tiến thêm một bước nữa, chỉ ngưỡng nguyện không chưa đủ, cần phải có phương pháp, biến tâm nguyện đó thành sự thật. Phương pháp này có hai loại:

    1. Xem Phật Di-lặc trong hội thuyết pháp của đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni là như thế nào. Trong kinh ghi: Bồ-tát Di-lặc “mang thân phàm phu, không đoạn trừ lậu hoặc.” Lại ghi: “Tuy hình tướng xuất gia, nhưng không thực tập thiền định, không đoạn trừ phiền não.” Công đức chân thật của Bồ-tát Di-lặc, nếu chúng ta dùng trí hữu hạng của phàm phu, chẳng thể nào biết được. Để đưa chúng ta vào đạo, Ngài thể hiện phong cách hết sức riêng, Ngài giả bộ làm người phàm phu, không những không phải là Phật, mà cũng không chịu thực tập thiền định, đoạn trừ phiền não, để chứng ngộ tứ quả A-la-hán. Tuy Ngài mang hình tướng xuất gia, nhưng chẳng chịu nhiếp ý chốn núi rừng, chuyên tu thiền định. Không thực tập thiền định, không đoạn trừ phiền não, giống như một người chẳng chịu tu hành gì cả. Nhưng, trên thực tế chẳng phải như vậy. Sở dĩ Bồ-tát Di-lặc thị hiện phong cách rất riêng như thế, bởi ở đời ngũ trược ác thế, tu hạnh Bồ-tát, nên đặt nặng ở bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… Nếu không tu tập những công đức này, phước đức sẽ không đủ, sự từ bi không đủ, chỉ chuyên tu thiền định, đoạn trừ phiền não, nhất định rơi vào Tiểu thừa. Bồ-tát Di-lặc biểu hiện tinh thần Bồ-tát, làm mô phạm cho chúng sinh đời sau, cho nên chẳng chuyên tu thiền định, đoạn trừ phiền não, mà làm mọi công đức lợi ích cho tha nhân, siêng năng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, từ bi, tinh tấn… Trong kinh ghi từng có người hỏi: Giống Bồ-tát Di-lặc không tu thiền định, không đoạn phiền não, vậy sao có khả năng thành Phật cơ chứ?” Mà đức Thích-ca Mâu-ni lại nói, duy chỉ có đức Bồ-tát Di-lặc mới trở thành vị Phật tiếp theo sau Ngài. Bởi người thực hành con đường Bồ-tát, làm nhiều việc lợi ích cho người khác, thế là ở trong lợi tha đã hoàn thành tự lợi.

    2. Không những học tập vị Bồ-tát Di-lặc được đức Thích-ca Mâu-ni giới thiệu trong pháp hội của mình, vị có phong cách rất riêng đáng làm tấm gương cho chúng ta theo đó; chúng ta còn ngưỡng vọng Bồ-tát Di-lặc sớm thị hiện đản sinh xuống trần gian, vậy phải làm gì mới có thể thực hiện nguyện vọng hi hữu này? Phương pháp duy nhất, chính là Bồ-tát ở đâu, chúng ta ở đó. Đợi đến khi Ngài thị hiện đản sinh, mình cũng theo Ngài xuống, ở trong ba hội Long Hoa, thấy pháp tướng trang nghiêm thanh tịnh của Ngài, học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Ngài, đoạn trừ phiền não, liễu sinh thoát tử, phát khởi tâm Bồ-đề, tu tập hạnh Bồ-tát. Hiện tại Bồ-tát Di-lặc đang thuyết pháp trong nội viện cõi trời Đâu-suất, người học Phật muốn ở với Ngài, nên cầu sinh về đó; tương lai Ngài thị hiện đản sinh thành Phật, chúng ta có thể tham dự ba hội thuyết pháp, tăng trưởng công đức, tự thực hành và hóa độ tha nhân. Muốn đạt được mục đích tối thượng này, mình phải kết pháp duyên với Ngài. Đức đặc biệt của Bồ-tát Di-lặc, có thể thấy được qua thánh hiệu của Ngài. Di-lặc là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là “Từ”. Tâm Ngài phát khởi đầu tiên, là phát xuất từ “tâm từ”. Thông thường mọi người gọi chung là từ bi, kì thật bi là tâm thương xót, đặt nặng ở nơi nhổ tận gốc rễ khổ đau cho người khác. Từ là tâm vui, nếu chúng sinh không có được an vui và hạnh phúc, phải nghĩ cách cho họ. Bồ-tát, từ và bi đều đầy đủ, nhưng đức đặc biệt của Bồ-tát Di-lặc, thì lại chú trọng thực tập tâm từ. Trong kinh nói lúc Ngài mới phát tâm, đã có ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, không ăn thịt chúng sinh; từ đó về sau, mỗi khi Ngài thị hiện ở đâu cũng đều lấy họ “Từ”.

    Giống đức Phật Thích-ca Mâu-ni, phát nguyện thành Phật ở trong ngũ trược ác thế, cứu độ hết chúng sinh khổ đau, tượng trưng cho tâm bi sâu nặng của Ngài. Thế giới Bồ-tát Di-lặc sau này thị hiện đản sinh là cõi nước tịnh độ, phát nguyện thành Phật ở thế giới trong sạch, mọi người đều được thọ hưởng an vui, hạnh phúc, tượng trưng cho tâm từ rộng khắp của Bồ-tát Di-lặc. Chúng ta hiểu rõ điểm này, cần phải phát tâm giống như Ngài, bất luận lúc nào, ở đâu, cũng đều đem hết sức lực của mình giúp đỡ người khác, làm cho họ được an lạc, lợi ích. Ăn chay, ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, đều là phương pháp tăng trưởng lòng từ, Bồ-tát Di-lặc nhờ thực tập pháp môn từ tâm này mà được tôn xưng là Từ thị. Nếu mọi người có khả năng làm như vậy, chắc chắn sẽ tương ưng với tâm từ của Ngài, sinh lên cõi trời Đâu-suất là chuyện sớm muộn mà thôi.

     Tương lai Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh, ở trong thế giới thanh tịnh, điều này có thể lấy ví dụ thiển cận để chứng minh. Như tổng thống muốn đến nơi nào đó, điều đầu tiên nơi đó phải dọn dẹp, sửa sang sạch đẹp, ngay ngắn. Nếu như không làm cho thế giới này ngày càng trong sạch, thì Bồ-tát Di-lặc sẽ không thị hiện đản sinh. Còn ngược lại, thế gian ngày càng trong sạch, thanh tịnh, đến khi Chuyển Luân Thánh Vương(2) xuất thế, chuyên dùng đạo đức dạy dân chúng, xã hội phồn vinh, thế giới hòa bình, thì đã đến lúc Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh. Như muốn thế gian này ngày càng thanh tịnh, trong sạch, nên thực tập pháp môn “hòa lạc thiện sinh”. Khoảng cách giữa con người và con người, cần có hài hòa tương thân tương ái, ta và người cùng chung hòa hợp, nhất định sẽ giảm thiểu chiến tranh, va chạm; thống khổ và khó khăn, cũng sẽ được giải quyết một cách hợp tình hợp lí. Thế gian như thế nào mới được xem là hạnh phúc? Ta và người cùng hòa hợp vui vẻ, chính là hạnh phúc; ngược lại ta và người không có vui vẻ, hạnh phúc, hiểu biết lẫn nhau, chắc chắn không có hạnh phúc. Nếu không thể hòa hợp, hiểu biết, vui vẻ, dẫu có tiền bạc, nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía, cũng đầy dẫy thống khổ như thường. Hiện tại nhiều quốc gia đang thi hành chính sách khủng bố, đến đâu cũng toàn thấy cảnh chiến tranh, thanh toán lẫn nhau, cảnh tượng chẳng khác nào địa ngục, lại có thể nói có hạnh phúc được không? Nếu mình và người có khả năng hiểu biết, lượng thứ, đối xử vui vẻ với nhau, thì dù đang sống trong cảnh khổ nạn, cũng tràn ngập niềm vui và tín tâm, nhất định càng ngày càng đi dần đến nơi sáng suốt. Cho nên, căn bản để Phật pháp làm thanh tịnh nhân gian, chú trọng ở giúp nhau vui vẻ; muốn đạt được mục đích đó, cần phải thực tập pháp môn Thiện Sinh. Pháp môn Thiện Sinh là thế nào? Nói một cách đơn giản, chính là thực tập năm nguyên tắc đạo đức và mười điều lành. Nếu mọi người cùng có thể thực tập không sát sinh (bảo vệ mạng sống, ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra), không trộm cắp (tôn trọng quyền tư hữu, ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cắp và bất công xã hội gây ra), không tà dâm (bảo vệ tiết hạnh, ý thức được hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng thuỷ chung, hoà thuận, nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống tiết hạnh và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của người khác), không nói dối (thực tập chính ngữ là lắng nghe, ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chính niệm gây ra, nguyện nói lời chính ngữ, học hạnh lắng nghe để dâng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ), không tham lam, không sân hận, không si mê, thế giới liền đạt được phồn vinh, hòa bình và tự do. Thống khổ của nhân gian bị tiêu diệt, thế giới mới được tiến bộ chân chính. Còn ngược lại, mọi người không thực tập theo pháp môn “Hòa Lạc Thiện Sinh” này, bạn giết hại tôi, bạn cướp đoạt tài sản của tôi, cùng nhau dâm loạn, lường gạt, chắc chắn thế giới sẽ vĩnh viễn đừng nói đến “Hòa Lạc Thiện Sinh”. Trong kinh đức Như Lai dạy chúng ta, nên gần gũi đức Bồ-tát Di-lặc, mong muốn trong ba hội Long Hoa chúng ta cũng có phần tham dự, chính là khuyên ta nên thực tập pháp môn Thiện Sinh này. Mọi người cùng làm như vậy, tự nhiên thế giới sẽ được thanh tịnh, Bồ-tát Di-lặc cũng tự nhiên thị hiện đản sinh.

    Lời nguyện đầu năm của Phật tử Trung Quốc, thể hiện được nguyện vọng chân chính của người Phật tử. Mong muốn nguyện vọng đó trở thành hiện thực, tăng trưởng tâm từ của chúng ta, đây là vấn đề căn bản nhất. Cứ mỗi độ xuân về, khi gặp nhau, đều chúc mừng và hỏi “bạn khỏe không?” Lời này ý cũng mong muốn cho người khác vui vẻ. Mọi người có thể duy trì được tâm tốt của năm mới này, thật tâm muốn cho người khác gặp may mắn, tốt lành. Ai ai cũng có thể nghĩ và làm như vậy, tự nhiên xã hội sẽ được tiến bộ, người nào cũng có thể hưởng được hạnh phúc. Nếu mọi người không có được cái tâm và làm như vậy, thấy người khác may mắn, an vui, hạnh phúc, trong lòng khởi lên tìm cách cản trở, ganh tị, phá hoại, tự nhiên xã hội sẽ mãi mãi không có được vui vẻ, thanh tịnh. Người học Phật, bất cứ lúc nào và ở nơi đâu cũng muốn cho người khác được tốt đẹp; tuy nhiên mong muốn mình được tốt đẹp, nhưng mong muốn người khác càng tốt đẹp hơn mình, đây mới là điều đáng lưu tâm của người Phật tử. Bên cạnh đó, phụng trì, thực tập năm nguyên tắc đạo đức, mười điều lành, lợi mình lợi người, đọc tụng kinh điển Đại thừa, niệm thánh hiệu Bồ-tát Di-lặc, phát nguyện vãng sinh về tịnh độ Đâu-suất, tương lai Ngài thị hiện đản sinh, nhất định sẽ cùng được hưởng hạnh phúc thế giới thanh tịnh, Phật pháp hưng thịnh, chắc chắn được tham dự ba hội Long Hoa, được giải thoát, thành Phật đạo. Một đời của Đại sư Thái Hư luôn đề xướng pháp môn vãng sinh tịnh độ Đâu-suất; những đạo tràng thầy sáng lập, mỗi sáng đều tụng trì kinh Di-lặc Thượng Sinh và xưng niệm thánh hiệu Bồ-tát Di-lặc, chính là ý này. Tóm lại, chúng ta nên niệm thánh hiệu Bồ-tát Di-lặc, còn cần phải có tâm niệm từ đối với hết thảy chúng sinh giống như Ngài, khuyến khích hết thảy mọi người cùng thực tập pháp môn “Hòa Lạc Thiện Sinh”.

    Bình thường chúng ta luôn nói: “Kế hoạch của một năm là ở mùa xuân”. Năm nay chúng ta đến đây cùng nhau thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, mọi người nên làm từ năm mới này, phát nguyện lập chí. Bất luận thực tập pháp môn nào, cũng đều nên ngưỡng nguyện Bồ-tát Di-lặc sớm thị hiện và thế gian sớm được an lạc làm căn bản. Do đó, mong muốn cho hết thảy những người mình khuyên khích thực tập năm nguyên tắc đạo đức, mười điều lành được an vui, hạnh phúc.

    Phật tử luôn nguyện sớm ngày thực hiện được tịnh độ Di-lặc, do đó từ triều Tống trở về sau, như Nguyên, Minh, Thanh, có một số ngoại đạo, lợi dụng nguyện vọng này của nhân loại, đưa ra giả thuyết Bồ-tát Di-lặc đã thị hiện đản sinh rồi, nói người họ Vương, họ Trương nào đó chính là Bồ-tát Di-lặc. Giống như trước kia Bạch Liên giáo… cũng nói như thế. Những loại ngoại đạo này, muốn mượn điều này để kêu gọi mọi người tạo phản, tranh quyền đoạt lợi, kì thật việc làm của họ, hoàn toàn trái ngược với giáo lí giải thoát của Phật-đà. Họ mượn danh tiếng Bồ-tát Di-lặc đã thị hiện đản sinh, để giết người, đốt nhà, đánh phá thiên hạ; không những không tăng trưởng sự vui vẻ, hạnh phúc cho bá tính, mà ngược lại tăng thêm khổ nạn cho nhân loại, hoàn toàn đi ngược lại hạnh nguyện của Ngài. Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh trong giáo phái của họ chẳng lẽ để nhiễu loạn thế gian sao? Người chân chính thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, cần phải làm thanh tịnh thân tâm, mọi người đều làm như vậy, nhất định thế giới sẽ an lạc, thanh tịnh, tự nhiên đạt được niềm hi vọng của mình.

    Hôm nay hi vọng mọi người, hãy cùng nhau phát lời nguyện đầu năm: Ngưỡng nguyện tất cả mọi người đều được vui vẻ, hạnh phúc, thế giới hòa bình tự do, Phật pháp hưng thịnh, ai ai cũng đi trên đại lộ học tập làm Bồ-tát, làm Phật, để cầu sinh về một nơi với Bồ-tát Di-lặc, gặp nhau trong ba hội Long Hoa.

 


    (1). Ác thế: Cõi đời dơ uế, hung ác, phiền não, tà kiến mạnh mẽ, tuổi thọ con người ngắn ngủi, vui ít khổ nhiều.

Ở thời chính pháp, chúng sinh phiền não mỏng và ít, người người tự thực hành thập thiện (mười điều lành), nên mạng sống của họ được kéo dài vài vạn năm. Trái lại, thời mạt pháp là thời của thế giới ác, chúng sinh ác, ác kiến, phiền não ác, tà ác, tâm nghi mạnh mẽ, cho nên đặc biệt gọi nó là Ác thế hoặc Ác thời.

    (2). Chuyển Luân Thánh Vương (轉輪聖王): Vị vua làm cho Chính pháp ngự trị ở thế gian, cai trị bốn châu xung quanh núi Tu-di. Cõi nước vị vua này trị vì giàu đẹp, nhân dân an lạc. Vua đi xe báu và có đầy đủ bảy báu: Xe, voi, ngựa, minh châu, ngọc nữ, cư sĩ, binh đội và bốn đức: Sống lâu, không bệnh tật, dung mạo xinh đẹp, kho báu dồi dào.

Thuyết Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện và thịnh hành vào thời đức Thích Tôn, trong kinh luận có rất nhiều chỗ so sánh đức Như Lai với Chuyển Luân Thánh Vương:

Theo kinh Tạp A-hàm và luận Đại Trí Độ thì bảy báu và sự cai trị, giáo hóa của  Chuyển Luân Thánh Vương giống như Thất giác chi của đức Thế Tôn.

Theo Pháp Uyển Châu Lâm, Luân Vương có: Quân Luân Vương, Tài Luân Vương và Pháp Luân Vương. Vua A-dục thuộc Quân Luân Vương. Từ Kim Luân Vương cho đến Thiết Luân Vương thuộc về Tài Luân Vương. Còn đức Như Lai là Pháp Luân Vương.

 
00:00