Hai Đặc Sắc Lớn Của Học Phật

(giảng tại Đài Đại Dung Dung học xã)

     Trong này nói hai đặc sắc lớn của học Phật, không phải nói Phật giáo chỉ có hai đặc điểm lớn này, mà từ hai đặc sắc lớn, chỉ ra Phật giáo không giống với các tôn giáo, học thuyết đang có mặt trên thế giới. Thông thường người ta nói: Tin Phật, học Phật, tín ngưỡng phước đức, trí tuệ, cao thượng, vĩ đại của chư Phật, Bồ-tát; lí giải nghĩa lí tinh thâm của Phật pháp. Nhưng chủ yếu chúng ta phải lí giải Phật pháp như thế nào, thông đạt chính xác ý nghĩa chân thật của nhân sinh; chỉ bày chúng ta hướng thượng, hướng thiện, cuộc sống nằm trong phạm vi đạo đức, tiến đến cứu cánh, cảnh giới lí tưởng như chư Phật, Bồ-tát.

     Tốt đẹp xấu kém, cao thấp, phải trái của tôn giáo, tạm thời hãy cứ để đó. Nó có khả năng hướng dẫn chúng ta hướng đến con đường lớn bình thản của kiếp người, trở thành một bộ phận không thể thiếu khuyết trong cuộc sống nhân loại. Khẳng định nguyên tắc căn bản này, mới có khả năng đạt được thọ dụng và lợi ích chân thật trong tôn giáo, cũng mới có khả năng tuyên dương ý nghĩa chân chính và giá trị của tôn giáo.

1. Thống nhất tín ngưỡng và lí trí

    Do cá tính của mỗi người mỗi khác, thói quen buồn phiền, yêu cầu, yêu thích của họ thì thiên sai vạn biệt. Người nặng nơi cảm tình, đại để là từ bi, tâm tín ngưỡng tha thiết; người đặt nặng lí trí, năng lượng lí giải lớn. Phát triển cái nghiêng về một phía này, thì không thể thống nhất tín ngưỡng và lí trí, thường xuyên phát sinh thói hư tật xấu. Ví dụ nặng về tình cảm, nghiêng bên tín ngưỡng, người này có tín mà không trí, đây gọi là tín ngưỡng mù quáng, có xu hướng mê tín. Loại người này phản lại lí tín, bài bác thái độ trí tuệ, chẳng phải là chỗ Phật pháp hướng đến. Ngược lại đặt nặng lí tính, hoài nghi đối với tất cả sự vật, chẳng có chút tín ngưỡng, dẹp trừ giá trị đạo đức, phủ nhận sự tồn tại của chân lí, thánh hiền, cuối cùng bước vào con đường phản tôn giáo. Con đường rẽ có tính nguy hiểm này, nhỏ thì đạo đức hành vi của con người không thể xây dựng, lớn thì cả xã hội đều bị tổn hại! Nhà Phật nói: “Có tín mà không có trí thì tăng trưởng ngu si, có trí mà không có tín thì tăng trưởng tà kiến”, chính nghĩa này.

     Phật pháp chủ trương tín trí hợp nhất, hợp nhất như thế nào? Có hay không có hợp nhất? Đây chính là tín ngưỡng và trí tuệ đối với Phật pháp, điều đầu tiên phải hiểu rõ cái mình tín ngưỡng là thế nào. Đặc trưng của tín ngưỡng, là sinh khởi tình cảm và tư tưởng cung kính hâm mộ đối với đối tượng mình tín ngưỡng. Bất kể là giáo đồ của tôn giáo nào, đều có kinh nghiệm sinh hoạt tín ngưỡng như vậy. Loại tín ngưỡng này, nếu thiếu sự suy xét và chọn lựa của lí trí, thì không được xưng là tín ngưỡng lí trí. Tín ngưỡng trong Phật pháp, phải thông qua sự khảo sát và phân biệt, hiểu một cách rõ ràng đối tượng mình tín ngưỡng, có đầy đủ tính xác thật, công đức tính và công dụng (công năng) tính. Ví dụ như Phật tử kính tin đức giáo chủ Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, điều đầu tiên cần phải thông đạt xác thật Ngài có thị hiện xuống thế gian này, Ngài có đầy đủ trí tuệ, đức tướng và dụng lớn của từ bi vĩ đại cứu độ thế nhân một cách cao tột. Tín ngưỡng trong Phật pháp lấy lí trí làm nền tảng; xuất phát từ lí trí cộng thêm tín tâm kiên cố, tín ngưỡng được nung đúc từ sự thể hội và nhận thức của lí trí, lí giải càng sâu thì tín tâm càng kiên cố. Tín tâm như vậy có khả năng đưa chúng ta hướng thượng hướng thiện, không những có tình cảm cao tột đối với đối tượng mình tín ngưỡng, mà còn tiến đến một bước là muốn đạt được cảnh giới giống như đối tượng mình đang tín ngưỡng!

    Thường thấy những phần tử trí thức nghiên cứu sâu xa về Phật pháp, sức lí giải tuy rất cao, song thiếu tín ngưỡng, cho nên phương pháp giải thoát của Phật-đà không thể sinh khởi trong thân tâm của anh ta, càng không có khả đạt được lợi ích chân thật trong Phật pháp. Nghiên cứu Phật học như vậy, đi ngược lại với tinh thần của Phật giáo. Bởi vì sinh hoạt Phật giáo bao hàm cả nhân tố quan trọng tín ngưỡng, có niềm tin thanh tịnh mới có khả năng tẩy trừ phiền não trong tâm: tham lam, sân hận, ngã mạn. Tín giống như phèn chua, bỏ vào nước đục, nước đục không thể không được lắng trong. Lòng tín ngưỡng tha thiết, thanh tịnh, tự nhiên nội tâm được thanh tịnh. Trong xã hội con người ngày nay có rất nhiều rất nhiều thứ phiền não, tín ngưỡng có khả năng giúp tâm chúng ta trống trải không có buồn phiền, được thoải mái, an định và tràn đầy niềm vui. Giống như đứa trẻ, lang thang đầu đường cuối hẻm, đói khát lạnh rét, không nơi nương tựa, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, đau khổ đó, bỗng nhiên em gặp lại mẹ mình, ngay tức khắc được bình an và vui vẻ, bởi em tin chắc chắn rằng mình sẽ được ấm no, y phục, thức ăn, cho đến được nằm trong vòng tay thương yêu, an ủi, vỗ về của mẹ. Cho nên trong cuộc sống có tín ngưỡng thì vui vẻ vô cùng, nhẹ nhàng và thoải mái! Giả sử nếu như không công tâm suy xét, suy nghĩ rõ ràng, không được hun đúc bằng lí trí, loại tín ngưỡng này vĩnh viễn đi theo người ta, vì thế có câu nói “anh tin tôi cũng tin”. Loại tôn giáo cuồng tín này, chỉ tự mình làm mình say mê, mù quáng, mê tín đi ngược lí trí. Tín ngưỡng Phật giáo phải thông qua sự quán sát của lí trí, trong tín ngưỡng không bỏ lí tính, cho nên không giống như căn bệnh trầm kha của các tôn giáo khác chỉ đặt nặng niềm tin mà không chú trọng đến lí giải. Đương nhiên quá trình tín tâm trong Phật pháp, có sâu có cạn khác nhau, thông thường thấy tín ngưỡng của Phật tử, không thể hiện được ý nghĩa chân chính của Phật pháp.

     Đặc tính của trí tuệ là tự do suy nghĩ, tác dụng của trí tuệ là hiểu rõ nhận thức. Lãnh vực trí tuệ nhân loại đã vươn tới các hành tinh ngoài vũ trụ, điều này chứng minh tri thức của nhân loại ngày càng tiến bộ vượt trội, cũng có thể nói tất cả truyền thống ông cha để lại họ đều cho vào kho tàng quên lãng. Bởi lúc nhân loại hấp thu tri thức bên ngoài, đã có rất nhiều thành phần sai lầm, vốn dĩ tri thức là một đoạn ngắn, một điểm nhỏ, khi mắt thấy tai nghe hấp thu tri thức, ngay lập tức hoàn cảnh bên ngoài và nội tâm đều bị thầm nhiễm tính lộn xộn lung tung. Ví dụ: Như lúc chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh, đồng thời không có khả năng biết nội tâm của mình, do đó bị ngoại cảnh mê hoặc, tâm bị lôi cuốn, không có khả năng tự chủ, tham lam, sân hận, tà kiến, lũ lượt kéo đến. Đức Phật dạy: Tri thức của nhân loại, vượt qua tất cả động vật; trên trời dưới đất, hình như không có chuyện gì không biết, song lại không có khả năng hiểu rõ chính mình, đây là lệch lạc của nhận thức. Lại như lúc nhận thức thế giới bên ngoài, cũng không có khả năng thông đạt triệt để. Hết thảy hiện tượng bên ngoài, chẳng có cái gì không vô thường biến hóa, không ổn định, nhưng theo chủ quan nhận thức của mình, luôn cảm thấy vĩnh cửu như vậy, tuyệt đối như thế. Cho nên cái không biết của người thường, thành phần không chính xác chiếm tỉ lệ rất cao. Thông thường người ta cho rằng chân lí ngoài tâm chúng ta, vì thế suốt ngày hướng ra ngoài tìm cầu, hoặc bên ngoài có bản thể hình tướng nào đó, làm đối tượng cho chúng ta tín ngưỡng, song tất cả những thứ bên ngoài đều hư ảo không thật. Cho nên trí tuệ tìm cầu của Phật pháp lấy sự thể nghiệm chính mình làm căn bản, chân lí không có được từ bên ngoài, nhận thức rõ chính mình, sau khi đã nắm chắc được mình rồi, mới từ trong hướng ra ngoài, rộng lớn đến hiện tượng bên ngoài của nhân sinh, dùng cảnh bên ngoài làm ấn chứng cho thể nghiệm của mình. Điều này giống như người tai thính mắt tinh, giàu tri thức, tất cả đều không cần người khác giúp đỡ, mà có khả năng phân biệt rõ ràng, người như thế mới có khả năng hợp nhất trí tuệ và tín ngưỡng. Kì thật trí tuệ và tín ngưỡng không chống trái lẫn nhau, bằng không, chẳng nghiêng về tín ngưỡng thì sẽ đặt nặng nơi trí tuệ, như vậy trí tuệ và tín ngưỡng không được điều hòa. Bởi vì trí tuệ không tín ngưỡng, là trí tuệ đặt nặng và nghiêng về vật chất, kết quả đi ngược lại tôn giáo. Không có tín ngưỡng thông qua trí tuệ, là đặt nặng và nghiêng về tín ngưỡng tình cảm, kết quả đi ngược lại lí tính. Phật pháp hợp nhất trí tuệ và tín ngưỡng, tín có đầy đủ lí tính, trí là chú trọng nhân sinh, tự lực; tín rời xa điên đảo, mà trí có niềm tin vững chắc. Có thể hiểu rõ, thể nghiệm, thực hành đầy đủ như vậy, thì con đường phía trước của chúng ta tràn đầy ánh sáng.

     Phương thức tu học của tín tâm, có thể phân thành mấy giai đoạn, trong quá trình này tuy có sâu cạn khác nhau, song cuối cùng để thống nhất tín ngưỡng và trí tuệ. Thứ nhất tin theo không chống trái: Trong lòng không có chút thành kiến nào cả, dùng lí giải làm cơ sở. Bởi vì trong lòng còn một chủ kiến nào khác, không thể tin theo người khác hoặc tiếp thu chân lí. Ví dụ: Anh A và anh B có chút bất hòa. Anh B sai, anh A dùng tâm chân thành, lời nói ngay thẳng khuyên răn, nhưng trong lòng B đã có thành kiến, chẳng những không chịu tiếp nhận lời khuyên chân thành của A, mà cho rằng đó là những lời ác ý, phỉ báng. Ngược lại nếu như trước đó A và B không có thành kiến gì cả, hoặc tình cảm của họ rất tốt, giả sử A có dùng những lời lẽ tương đối thô tháo, không ái ngữ, thì B cũng có thể xem như ăn mật ngọt. Cho nên vứt bỏ đi chủ kiến mới có thể chân lí tin theo không chống trái, tín tâm như vậy mới có khả năng thanh tịnh (điều này giống với Văn tuệ trong ba tuệ văn, tư và tu). Thứ hai có thể tin, hoặc gọi giải rõ niềm tin, sau khi tín theo không chống trái, tiếp theo phải hiểu rõ một cách sâu sắc đối tượng mình tin, hoặc khẳng định nó xác thật như vậy. Nhận chân một cách chân thật, niềm tin mới tha thiết. Qua tai nghe mắt thấy, lại cộng thêm sự suy nghĩ của nội tâm (điều này giống với tư tuệ trong ba tuệ: văn, tư và tư) cầu được nhận thức có hệ thống, nhận định nó xác thật không sai lầm. Thứ ba tín cầu, đây là giai đoạn sau khi trải qua sự suy xét của trí tuệ rồi nắm lấy hành động, hi vọng đạt được lợi ích. Như vào núi tìm khoáng sản, sau khi trải qua thăm dò định vị, biết dưới đất này xác thật có mỏ dầu, tuyệt đối tin tưởng, liền bắt đầu ra sức khai quật (giống như tu tuệ). Thứ tư chứng tín, nhờ tinh tấn tu tập không gián đoạn, thể ngộ cùng cực của chân lí và những gì tin lúc đầu không hai không khác. Như khai thác khoáng sản, đào mãi không thôi, cuối cùng sẽ phát hiện được mỏ dầu lớn (điều này giống với chứng tuệ). Theo nhà Phật tín ngưỡng không bác bỏ trí tuệ, mà trí tuệ thành tựu nhờ tín, đạt đến hợp nhất trí tuệ và tín ngưỡng, điều này khác biệt rất lớn đối với sự tín ngưỡng của các tôn giáo bạn.

     Trí tuệ trong Phật pháp là có từ tự chứng, bởi vì tất cả tri thức cần phải lấy người làm vị trí căn bản, hiểu rõ nhân sinh, nắm vững trí tuệ của nhân sinh này, rồi sau đó đi quán sát hiện tượng vũ trụ bên ngoài, mới có thể thông đạt một cách vô ngại. Nếu cho rằng trí tuệ có được nhờ từ bên ngoài, thì chỉ biết được chút ít trên bề mặt của nó mà thôi, chứ không thể nào hiểu một cách rốt ráo căn nguyên cội nguồn của nó được. Theo cách nói trí tuệ không nghi ngại tín ngưỡng, trên sự tướng, đức Như Lai từng chứng ngộ thế giới vô lượng, chúng sinh vô số. Lúc khoa học chưa phát triển, mọi người hết sức hoài nghi với cách nhìn này của Phật giáo. Nhưng đến những năm gần đây, người ta dùng khoa học để thí nghiệm nghiên cứu, chứng minh trong vũ trụ có vô số hành tinh. Khoa học càng phát triển, càng chứng minh những gì Phật pháp nói sát thật đúng trăm phần trăm. Còn tín ngưỡng không nghi ngại trí tuệ, trên mặt lí luận, đức Thế Tôn nói pháp Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã…, hiện thật trong đời sống, ở mọi lúc mọi nơi chúng ta cũng có khả năng thể nghiệm được nguyên tắc lí tính vĩnh hằng bất biến này. Giáo lí trí tuệ và tín ngưỡng không hai này của Phật giáo, vượt rất xa các tôn giáo bạn.

2. Dung hợp từ bi và trí tuệ

     Trong nhà Phật thường nói “bi trí cùng đi song song” (bí trí song vận), điều này chứng minh từ bi và trí tuệ trong Phật pháp không thể tách rời. Nội dung và tác dụng của từ bi, mới xem qua có cái gì đó giống với “nhân” của người Trung Quốc và “ái” của Tây phương. Nhưng từ bi không chỉ đồng tình, quan tâm, còn phù hợp với chân lí. Cho nên nói: Không trí chẳng thành đại bi. Từ bi là nguồn gốc của tất cả đạo đức, đạo đức không có từ bi không thể nào xây dựng. Khuôn mẫu của đạo đức, nên xem thử có từ bi hay không. Tâm từ bi cũng chính là cùng với tình cảm. Ví dụ: Khi chúng ta thấy người khác gặp khó khăn, trong lòng tự nhiên nảy sinh quan tâm, đem những gì mình có, tận tâm hết sức giúp đỡ anh ta, làm cho thân tâm anh ta được an ninh vui vẻ và yên ổn. Đây là biểu hiện và thực tiễn của từ bi. Chẳng qua, từ bi đồng tình của người đời chỉ phạm vi trong người thương của mình, không mở rộng ra cho những người xung quanh. Ví dụ rõ nhất, lúc cha mẹ thấy con cái mình bị bệnh, trong lòng lo lắng, âu lo còn hơn bệnh của con cái; giận mình không thể đau thế cho con. Lòng từ bi vĩ đại này, người bình thường chỉ có thể ban cho con cái của mình thôi, ít ai có thể mở rộng lòng thương đó đến con cái người khác, bởi bị trói buộc của tình cảm luyến ái, nên không thể thoát khỏi xiềng xích và cái chuồng nhỏ này. Nhà Nho yêu cầu người ta “già tôi già, để chia sẻ với người cái gì; trẻ tôi trẻ, để đem sự tươi mát đến cho họ.” Còn nhà Phật yêu cầu mọi người phải xem “kẻ oán người thân đều bình đẳng như nhau”, mục đích của điều này muốn chúng ta mở rộng lòng đồng cảm với tha nhân, tăng trưởng lòng từ bi. Muốn có được lòng bi sâu đậm, đầu tiên phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật của nhân sinh (thông qua sự quán sát của trí tuệ). Nhà Phật nói Duyên khởi, con người sống tụ tập với loài động vật, áo quần, ăn uống, đi lại, những vật dụng trong đời sống hằng ngày của chúng ta, đều do mọi người mọi loài trong xã hội cho: Như sự cung cấp của những người học sĩ, nông dân, thợ, buôn bán; sinh mạng tài vật là nhờ sự bảo hộ của quân sự, chính trị và pháp luật. Rõ ràng đây là đạo lí cùng nương tựa vào nhau cùng thành tựu của Duyên khởi, liền có thể khởi tâm đồng cảm đối với mọi người. Ước theo sinh mạng vô hạn liên tục của chúng ta mà nói, vô lượng sinh tử trong quá khứ, chúng ta có rất nhiều cha mẹ thân thuộc, cha mẹ hiện tiền đương nhiên cần phải báo ân sâu mang nặng đẻ đau, song cha mẹ anh chị em trong quá khứ cũng cần phải báo đáp. Cho nên trong kinh đức Thế Tôn dạy: “Tất cả người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta.” Tâm từ bi của chúng ta, không phải chỉ có trong một nhà, một dòng họ, một quốc gia, toàn nhân loại, mà còn phải nhân rộng ra đến tất cả chúng sinh. Phật pháp Đại thừa đặc biệt nhấn mạnh vấn đề ăn chay, ý thức sát hại chúng sinh là tội lỗi, nguyên nhân chính là đây. Mặt khác, trong nhà Phật giảng nói từ bi, không phải bố thí cho người khác, mà đây là một cách báo ân. Từ bi tương dung khế hợp chân lí cùng trí tuệ, mình và họ cùng duyên nhau mà thành, cùng nương tựa cùng tồn tại.

      Thông thường các tôn giáo giảng nói bác ái, luôn lấy mình làm trung tâm. Như “người thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết”, “người tin thì vĩnh viễn được sống, người không tin vĩnh viễn bị đọa vào hỏa ngục.” Loại tôn giáo có tính độc chiếm mạnh mẽ cá nhân mình này, ngoài những gì thuộc của mình ra, còn tất đều bị hủy diệt, loại nằm dưới đáy của yêu giai cấp, lộ rõ ra sự thù hận tàn khốc! Từ bi trong nhà Phật là kẻ oán người thân đều bình đẳng, đối với những người oán hoặc không tin, tuy nhất thời không thể cảm hóa được họ, nhưng đợi đến khi nhân duyên thành thục, tự nhiên sẽ nhiếp hóa. Theo điều luật nhân quả tự nhiên trong vũ trụ mà nói: Tự làm tự chịu, không có đấng quyền uy tối cao nào, có thể ban phước hay giáng họa. Như người leo cầu thang lên lầu, nếu mình không cẩn thận, sẽ bị ngã xuống, tất cả do mình gánh chịu. Giáo lí nhà Phật nói, trồng nhân lành được quả lành, gieo nhân xấu ắt gặp quả xấu, có người không rõ qui luật nhân quả, cho rằng trong đó hàm chứa quan niệm vụ lợi, quả thật người này không rõ tốt xấu (thiện ác) mà nhà Phật nói, bởi vấn đề này vốn dĩ được xây dựng trên nguyên tắc hợp tình hợp lí của rất nhiều mối quan hệ giữa người và vật. Những gì phù hợp với qui tắc đạo đức gọi là việc lành, tự mình sẽ có được kết quả tốt; còn ngược lại những việc làm xấu đi ngược lại tình lí, tổn người hại mình, tự nhiên sẽ chiêu cảm hậu quả đau khổ. Điều này chẳng phải vụ lợi, mà là điều luật tự nhiên cộng đồng xã hội loài người tuân giữ. Như vậy mới có khả năng cổ vũ tâm và việc làm đạo đức của mọi người, đề cao mức độ đạo đức trong cuộc sống!

     Tình yêu của những tôn giáo thông thường khác, chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ nào đó mà thôi. Phật pháp lấy trí tuệ làm thể(1), từ bi làm dụng(2). Duy chỉ có trí tuệ chân chính mới có đại bi, trong kinh đức Như Lai dạy: “Tâm của Phật, là đại từ bi”, do đó Phật pháp Đại thừa lấy trang nghiêm nước Phật, thành thục chúng sinh (cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ đau sinh tử luân hồi) làm nhiệm vụ quan trọng của mình, cho nên nếu thiếu lòng đại bi, thì không thể nào làm được.

      Tập tính của nhân loại không ai giống ai, người đặt nặng lí trí, thì cá tính cô độc lẻ loi, không vui khi sống chung với nhiều người; người đặt nặng tình cảm, cho mình là trung tâm, điều này không được gọi là cuộc sống hoàn mĩ lí tưởng. Phật pháp hợp nhất trí tuệ và tín ngưỡng, dung hòa bi trí làm điểm mốc cho nhân sinh. Tín ngưỡng, trí tuệ và từ bi là ba cốt tủy lớn của Phật pháp Đại thừa, phát triển ngang nhau, do phàm phu lập nên, tu học theo thứ lớp, tiến đến đạt được quả vị Phật cứu cánh sau cùng. Trên lộ trình của kiếp người, chỉ có mấy mươi năm, chúng ta nên tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp người, lấy lí tưởng này làm thành bản kế hoạch hoàn mĩ, để trang nghiêm cuộc sống này, thăng hoa cuộc sống này! 

 


(1). Thể (體 tiếng Phạn Svabhāva hoặc Bhāva): Thật thể hoặc thể tính, là bản chất của pháp, cũng là điều kiện căn bản để pháp tồn tại.               

(2). Dụng (用): Tác dụng hoặc công năng. Về mặt tương đối thì “Thể” phần nhiều chỉ thắng nghĩa, bản chất, tức chỉ cho thế giới tuyệt đối. “Dụng” thì biểu thị về tục đế, tức thế giới tương đối. Đứng về phương diện tuyệt đối “Tức thể tức dụng”, “tướng tức tính”. Đây là nét đặc sắc của triết học Phật giáo.

“Thể” chỉ cho sự tính sẵn có của tất cả các pháp hữu vi, còn “dụng” chỉ tác dụng. Tóm lại, tất cả các pháp hữu vi đều có cả Thể và Dụng.    

 
00:00