Tín Ngưỡng Giáo Pháp Và Chứng Pháp

    Hiện tại “Phật pháp là cái gì”, nói đến chỗ nhất định chúng ta tín ngưỡng. Phật pháp có hai loại lớn: Một là giáo pháp - pháp, đây là tất cả kinh điển do đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn biểu đạt bằng lời nói, văn tự, nói rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, cho đến hết thảy giáo pháp sinh làm người, làm trời, tu hành thành Phật… Còn một là chứng pháp tông, đây là đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn chỉ dạy chúng ta tu học, quá trình thực tiễn của việc tu giới, tu định… như thế nào, để đạt đến mục tiêu giải thoát hoặc thành Phật. Cái trước (giáo pháp) thuộc về phương diện lí giải, cái sau (chứng pháp) thuộc về phương diện thực hành. Hai cái này, có mối quan hệ khắn khít và hỗ trương cho nhau không thể tách biệt được.

    Đầu tiên nói đến giáo pháp: Không chỉ tam tạng thánh điển kinh-luật-luận được đức Như Lai biểu đạt bằng ngôn ngữ, văn tự mới gọi giáo pháp, mà tất cả trước tác của chư đại đức tổ sư xưa nay, cho đến những lời chỉ dạy, sách tấn, cũng đều được gọi giáo pháp. Nguồn gốc của  hết thảy giáo pháp, do đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai giác ngộ chứng đắc mà được, chứ chẳng phải có từ nghiên cứu giả thuyết suy luận. Do đó, giác ngộ chứng đắc của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, trở thành cội nguồn của hết thảy Phật pháp. Ngày nay trên thế giới (vũ trụ) có nhiều người nhiều quốc gia (hành tinh) tin Phật học Phật, cho đến chúng ta biết ở thế giới của họ có rất nhiều thánh hiệu chư Bồ-tát, chẳng có một thứ gì không phải do đức Thích-ca Mâu-ni giảng nói, quan điểm căn bản này nhất định chúng ta phải thừa nhận. Trước khi đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện ra đời, ở thế gian này không có Phật pháp (nói theo mặt hiện tượng lịch sử), tuy nhiên các thế giới khác đã có Phật pháp, như vậy chẳng có quan hệ gì đến chúng ta cả. Phật pháp có mặt trên thế giới của chúng ta, bắt đầu từ khi đức Thích-ca Mâu-ni chứng đắc giác ngộ. Sau khi Ngài chứng đắc giác ngộ, thế giới này đã có Phật pháp, nhưng lúc đó vẫn chưa giảng nói, đợi đến sau khi Ngài đem nội dung mình giác ngộ như thế nào, diễn nói và lưu bố thành văn tự, xây dựng tăng đoàn thanh tịnh giải thoát, lúc này mới được gọi là Phật giáo. Cách giảng giải phương pháp giải thoát của đức Thế Tôn, đó là tùy thuận theo căn tính, trình độ của chúng sinh, đối với những người có trí tuệ (căn tính) cao một chút, Ngài dạy họ phương pháp giải thoát cao sâu một chút; còn đối với những người trí tuệ hơi thấp, Ngài giảng nói Phật pháp cạn gần. Giảng nói phương pháp giải thoát của đức Thế Tôn, đồng thời nương vào pháp chân thật chứng đắc giác ngộ, cho nên trở thành Phật pháp hằng thuận chúng sinh khế lí khế cơ. Đối với Phật pháp đức Thế Tôn giảng dạy, chúng ta phải có nhận thức hai điểm căn bản như sau: 1. Pháp giới đẳng lưu: Pháp giới tức thật tướng các pháp, thật tướng các pháp đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn chứng đắc, vốn dĩ xa rời lời nói, không thể dùng lời nói mà nói rõ được, nhưng nếu không nói, thì thế giới này lấy đâu ra Phật pháp. Vì thế buộc lòng Ngài phải dùng đến ngôn ngữ, dùng những thứ giống như nó, gần với nó để diễn nói, trở thành Phật pháp lưu chuyển bình đẳng cùng pháp giới. Đây ví như ngôi tháp bị chôn vùi trong lòng đất mẹ, dù bạn dùng ngôn từ, cách diễn đạt như thế nào để ví dụ, nhưng cũng không thể biểu lộ được chân tướng của ngôi tháp. Nhưng mọi người từ trong những ngôn ngữ được nói đó, cuối cùng cũng có thể mang máng biết được hình tượng của tháp. Phật pháp cũng giống như vậy, đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn giải mượn ngôn ngữ văn tự để hiển thị lí thể thật tướng các pháp, hiển thị của ngôn ngữ văn tự, tuy chẳng phải là bản thân của thật tướng, nhưng chúng sinh có thể lãnh hội được nó thông qua sự hiển thị của ngôn ngữ văn tự. 2. Đại bi đẳng lưu: Đức Thế Tôn thể chứng thật tướng của các pháp, giải thoát khỏi vòng đau khổ sinh tử, pháp vi diệu thật tướng này, tuy nhiên Ngài đã thể hội rõ, song còn vô biên chúng sinh, vẫn đang bị trầm luân chôn vùi trong phiền não sinh tử, cho nên Ngài thương xót chúng sinh, dùng sức bi nguyện, phát động trí tuệ, đem những gì mình đã chứng ngộ chỉ dạy lại cho chúng sinh. Vì thế đức Thế Tôn thuyết giảng phương pháp giải thoát của Ngài, song Ngài thuyết pháp không phải vì cuộc sống, cũng chẳng phải vì tranh hơn thua, cầu vinh, phô trương, mà hoàn toàn được xuất phát từ tâm thương, lợi ích chúng sinh, mà giảng nói pháp đại bi.

    Sau khi ánh sáng giải thoát của Phật-đà xuất hiện trên thế gian, được truyền sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản… Vì thích ứng với thời đại và quan hệ chúng sinh, cho nên sản sinh ra rất nhiều tông phái. Chuyện này, không chỉ có ở Trung Quốc, mà Nhật Bản cũng giống như vậy, và ngay cả tại cái nôi của Phật giáo, cũng hình thành rất nhiều tông phái. Nói đến các tông phái thời xưa, căn nguyên để sinh khởi các tông phái này, nó có lai lịch đặc thù, chứ chẳng phải vì thầy Trí Giả giảng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà hình thành tông Thiên Thai, cũng chẳng phải vì Bồ-tát Long Thọ giảng nói kinh Bát-nhã, mà hình thành nên phái “tính Không”. Đại sư Thái Hư nói: “Sự thành lập các tông phái, đều do các bậc tổ sư thời xưa hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm tu hành của mình, thấy thích ứng với căn cơ của chúng sinh thời đó, địa phương đó mà thành lập.” Quan niệm này, chúng ta cần phải nhận thức thật rõ ràng. Đại sư lại nói: “Đặc chất của Phật giáo Trung Quốc ở nơi thiền, không nhất định chỉ cho Thiền tông, hễ ai tu thiền tu quán đều thuộc vào thiền.” Giáo học của thầy Trí Giả tông Thiên Thai, kinh giáo được dẫn chứng ra, có rất nhiều thuộc kinh ngụy tạo, nhưng không ngăn ngại được tông Thiên Thai trở thành tông phái riêng biệt. Điều này là bởi vì: Thầy Trí Giả chẳng phải là vị chuyên môn nghiên cứu kinh giáo, mỗi ngày thầy làm rất nhiều việc theo chúng, ban ngày xem kinh, nghe giảng, hoặc giảng kinh cho chúng, tối đến tu thiền. Thầy có thể dựa vào sự thể nghiệm thiền quán để ấn chứng kinh giáo, quán nhiếp kinh giáo; đem những kinh nghiệm mình thể ngộ giảng nói, khế hợp với căn cơ của chúng sinh, cho nên thành lập tông phái. Thầy Đỗ Thuận sơ tổ của tông Hiền Thủ, cũng là vị chú trọng vấn đề tu trì; cuối cùng ngũ giáo của Hoa Nghiêm, chính là được khai triển từ năm loại chỉ quán của thầy. Sơ tổ Đạt-ma và lục tổ Huệ Năng, lấy thiền lập thành tông, càng không cần phải nói. Cho nên Đại sư nói, đặc chất của Phật giáo Trung Quốc là thiền quán. Kì thật, không chỉ Phật giáo Trung Quốc như vậy, mà các tông phái ở Ấn Độ cũng như thế. Như “A-tì-đạt-ma” của luận sư Tiểu thừa (phái Hữu Bộ đặt nặng vào đây mà lập thành tông), dịch hiện pháp, đối pháp, cũng là một loại thể nghiệm tu tập của nội tâm. Chữ “hiện” của hiện pháp, tức nhìn thẳng mặt đối mặt. “Trung quán” của Bồ-tát Long Thọ, tức quán sát trung đạo. Du-già hành địa của thầy Di-lặc, Thế Thân, là Du-già hành, nơi y cứ của thiền quán. Tóm lại tất cả Phật pháp, vốn được xuất phát từ sự chứng đắc giác ngộ của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn. Tổ sư của các tông phái Tiểu thừa, Đại thừa ở Ấn Độ, Trung Quốc…, đều dựa vào phương pháp này tu học thể nghiệm, sau đó giảng nói kinh nghiệm chứng ngộ của mình, mà thành lập các tông phái. Tu học Phật pháp, đầu tiên cần phải hiểu rõ Phật pháp, không phải từ trong sự giả thiết, suy luận, tưởng tượng, mà nương vào sự thể nghiệm do chính mình giác ngộ. Song cảnh giới thể ngộ chứng đắc của Đức Phật, vô cùng viên mãn, còn cảnh giới thể ngộ của chư Bồ-tát, tổ sư, không làm sao tránh khỏi sâu cạn, thiếu khuyết tròn đầy khác nhau. Bất luận mọi người nghiên cứu tông nào phái nào, nhưng đối với kinh-luật-luận và những trước tác của cổ đức tổ sư, đều nên có quan niệm tìm cầu sự liễu ngộ này, như vậy mới có thể dùng thái độ chính xác tốt đẹp, tôn trọng tất cả thánh điển, sau đó đem so sánh, phân biệt, chọn lựa, thể hội nó.

    Tiếp theo nói đến chứng pháp: Chứng pháp tức tu chứng, có sự tham cứu và thể hội chứng đắc thật tế trong Phật pháp. Nếu chuyên nghiên cứu phương diện văn giáo, không thể thể hội một cách thâm sâu. Trước hết nói công đức thành tựu của việc tu học:

    1. Tín thành tựu: Người học Phật tu hành, điều quan trọng thiết yếu đầu tiên phải thành tựu tín tâm. Tín tâm chẳng phải một cộng một bằng hai, mà là tin sâu không nghi, ra sức cầu nó. Như phát tâm qui y Tam Bảo (quay về nương tựa ba ngôi báu), hoặc phát tâm hướng đến Vô thượng Bồ-đề (thành Phật), ở trong công đức ba ngôi báu, công đức thanh tịnh của Phật, Bồ-tát Đại thừa, lúc phát khởi tâm tin sâu, ngay lập tức trong tâm có được cảnh giới thanh tịnh của tín tâm. Nếu không tin thanh tịnh như vậy, mặc dù nói tín, song thật tế chưa đạt được cuộc sống tín tâm chân chính. Trong kinh đức Thế Tôn dạy tín: “Như châu làm sạch nước, có khả năng làm sạch nước đục”, cho nên lúc niềm tin thanh tịnh phát khởi, lập tức nội tâm được thanh tịnh, có khả năng đoạn trừ tất cả nghi ngờ. Thật sự đạt được niềm tin thanh tịnh này, không chỉ tất cả phiền não ưu sầu trong tâm liền được tiêu trừ, mà có khả năng giúp ta tinh tấn, thành tựu tất cả công đức trong Phật pháp, cho nên kinh Hoa Nghiêm ghi: “Tín là mẹ đẻ của tất cả công đức”. Học Phật, thực tập một phần thì được một phần công đức, chưa nói đến vấn đề giải thoát sinh tử to lớn, chỉ cần thật sự đạt được niềm tin thanh tịnh này, đã không phải chuyện đơn giản rồi. Ngược lại nếu không có niềm tin thanh tịnh, mặc dù cảm nhận Phật pháp hay hoặc siêng năng tu tập, nhưng cuối cùng không đạt được lợi ích chân thật trong Phật pháp. Người có tín tâm chân chính, so với trước khi học Phật, trong tâm lúc nào cũng sợ sệt, mất an ninh, đau buồn, phiền não, có sự cải biến rất lớn, lúc này nội tâm sẽ được thoải mái, vui vẻ.

     2. Giới thành tựu: Thọ trì giới cấm của Phật giáo, không phải học qui tắc, nghi thức trong 5, 10 ngày coi như đã xong chuyện, mà đòi hỏi phải có sở đắc đối với giới thể(1). Mỗi khi có người phát tâm đi thọ giới, mọi người đều chúc anh ta “được phẩm giới cao”, tức ý này. Giới không có hình tướng, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng. Đắc giới, là thứ gì? Người thọ giới, đầu tiên phải trải qua một thời sám hối, đạt được tín tâm thanh tịnh. Tì-kheo, Tì-kheo ni phải qua ba lần Yết-ma, ngay tức khắc trong lòng có sự chuyển biến rất lớn, trong lòng có khả năng phát sinh năng lượng vĩ đại đối trị với những tâm niệm xấu. Như lúc sát sinh, đương khi muốn giết hại, trong tâm sẽ sinh một loại năng lượng cảnh giới, ý thức những khổ đau do sự giết hại gây nên, đình chỉ tâm niệm và hành động giết hại, cho nên nói giới như thành trì, có đầy đủ khả năng phòng ngừa tội lỗi dứt trừ sai trái. Thọ giới đắc giới, tức là con người cũ động một chút liền tạo nghiệp xấu, chuyển biến trở thành con người mới dứt việc xấu làm việc tốt. Năng lượng vĩ đại của giới, không phải chỉ có lúc bình thường như vậy, mà ngay cả trong giấc mộng cũng có khả năng giúp chúng ta ngăn chặn được phạm giới.

    3. Định thành tựu: Thông thường cái gọi là ngồi thiền, chỉ là một loại phương tiện trước khi tu tập định, chưa phải thành tựu chính định thật sự. Người đạt được cảnh định chân chính, trong thân tâm của mình, có một kinh nghiệm mới, có nhiều loại cảnh định thâm sâu vi tế, nhiều loại công đức của thiền định. Không cần nói cảnh định thù thắng tối cao, chỉ cần đạt được tứ thiền của thế gian, thì đã có được công đức của thiền là sáng suốt, thanh tịnh và vui vẻ. Đối với hết thảy điều xấu ác, pháp bất thiện của Dục giới, nhờ rời xa dục mà không còn dấy khởi. Sau khi xuất định, nhờ thấm nhuần sức mạnh của định, cho nên vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, đều được giảm thiểu; thân tâm nhẹ nhàng, người bình thường không thể nào rớ tới.

    4. Tuệ thành tựu: Tuệ tức trí tuệ, có công năng phân biệt chọn lựa rõ ràng. Thắng nghĩa tuệ (hoặc gọi thắng nghĩa thiền) là diệu hạnh của thể ngộ và chứng đắc chân lí. Công đức xuất thế giải thoát tự tại, nương vào đây thành tựu. Nói gần, cạn một chút, tất cả sự tăng trưởng pháp lành và không sinh khởi pháp xấu, cũng dựa vào sự chọn lựa, phân biệt, thông đạt của tuệ lực, như vậy mới có khả năng dùng trí hóa tình, tinh tấn mãi không thôi nghỉ. Cho nên tuệ là căn bản để tăng cường tín tâm, thanh tịnh giới luật và thiền định.

    Tóm lại, học tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, bất luận niệm Phật, hay thiền, trì giới, bố thí, tu định, tu tuệ, vấn đề chính phải chân thật trong học tập, tu hành mới có kết quả. Nếu học không có kết quả, mặc dù tu như thế nào, cũng vẫn đứng ngoài cánh cửa Phật pháp, không thể tiến vào lãnh vực Phật pháp. Cho nên học Phật tuy có sâu cạn và thành tựu các phương pháp tu tập khác nhau, song chỉ cần chân thật thực tập, đều sẽ có được kết quả, có được lợi ích. Người đạt được lợi ích trong Phật pháp, hết thảy lời nói, cử chỉ, sẽ khác với lúc chưa tu, điều này chứng tỏ công đức chân thật của nội tâm.

    Tâm cảnh thù thắng đạt được trong quá trình học Phật, phân làm bốn loại:

    1. Mộng cảnh: Mộng là cái mà mọi người đều có, nhưng mộng thấy Phật, hoa sen, cây Bồ-đề…, đây đều là hiện tượng có được tiến bộ lợi ích trong học Phật. Trước kia có người nói với tôi, trong mộng gặp nguy hiểm, liền đề khởi câu Phật hiệu, cảnh xấu liền tiêu mất. Hiện tượng này chứng tỏ người ấy có tín tâm tốt, công phu niệm Phật đã thuần thục. Nếu như tín tâm không đủ mạnh, dù có thành tâm niệm Phật đi chăng nữa, song cảnh xấu vẫn không tiêu (nhưng trong mộng thấy Phật niệm Phật, là việc rất tốt).

    2. Ảo cảnh: Hễ là người tu hành, bất luận tụng kinh, hoặc niệm Phật, tĩnh tọa, sám hối... nếu không điều phục thân tâm, hoặc thâm nhập dần dần, đều có huyễn cảnh trước mặt. Ví như không điều phục thân tâm, huyễn cảnh là thấy tướng đáng sợ… Nếu tọa thiền… tâm định không loạn, hoặc thấy các tướng như thấu suốt trong sạch rõ ràng của hư không, biển lớn sâu rộng, mặt trời, mặt trăng, hoa sen…, hoặc thấy tướng chư Phật, Bồ-tát, thiên nhân…; hoặc nghe âm thanh hư huyễn, hoặc nghe chư Phật, Bồ-tát thuyết pháp chỉ dạy; ngửi thấy mùi hương lạ… (không nên cho những cảnh giới này là kì lạ, tín đồ của đạo Thiên Chúa kì cầu mong thấy được thượng đế, Jésus, thiên sứ…, cũng tương tự cảnh này). Những cảnh huyễn thấy sắc nghe tiếng này, tuy nó hiển hiện ra trước mắt một cách rõ ràng, nhưng không nắm giữ, cũng không thể suy nghĩ theo ý mình, khiến mình mất tự chủ. Đây là cảnh huyễn, đôi khi cũng có cảnh giới tốt, cũng có cảnh giới xấu. Cảnh giới xấu nên dùng chính pháp triệt tiêu nó, còn cảnh giới tốt cũng chớ có chấp trước vào nó.

     3. Định cảnh: Người chân thật đạt được cảnh định, có rất nhiều tướng định thâm sâu vi tế. Người thành tựu cảnh định, có khả năng tùy theo tâm định mà hiện bày ra trước mắt, đến đi tự do tự tại, mình có khả năng làm chủ được mình, ví dụ như thực tập thành tựu được pháp quán Di-lặc, thì sẽ thấy Bồ-tát Di-lặc hiện ra trước mặt, tuyên thuyết diệu pháp…

    4. Chứng cảnh: Thắng nghĩa tuệ thể hiện được tịch tĩnh của pháp tính, tự chứng bình đẳng bất sinh bất diệt, là cảnh trí tối cao cứu cánh, chẳng phải là cái mà ngôn ngữ có thể phác thảo được.

    Nhà Phật nói, có rất nhiều sự thật của thể nghiệm tu chứng, chúng ta nên có tín tâm mến phục, nhiều cảnh giới trong quá trình tu hành, chẳng phải mang tính thông thường, mà là cái riêng biệt trong lộ trình tu hành của Phật giáo (nông cạn một chút, thông cả các tôn giáo khác). Người đời tâm thức tán loạn, truy cầu dục vọng trần cảnh bên ngoài, chẳng chịu thực tập theo Phật pháp, đương nhiên không thể thấy được, biết được. Nếu thực tập theo những gì đức Như Lai chỉ dạy, ai ai cũng có khả năng đạt được, mà chỗ đạt được cũng gần như nhau (cảnh giới chứng ngộ tối cao, hoàn toàn như nhau). Nên biết cảnh giới đạt được của tu chứng, là sự thật thuộc lãnh vực tôn giáo, không thể dùng nhãn quang dung tục của thế gian xem thấy được. Những việc này (cảnh giới tu chứng trong tôn giáo), đối với thân tâm của chúng ta, đối với nhân loại, chúng sinh, có ít nhiều điểm tốt. Tất cả điều này, là sai lầm, chính xác, hư ảo, cứu cánh, thế thì nên thảo luận nghiên cứu một cách nghiêm mật. Nếu như không tin điều này, tức hoàn toàn sai lầm. Nếu học Phật mà không tin, tức đã đánh mất thái độ căn bản phải có của người học Phật. Trong tạp san Hiệu Hải của tháng 2 năm nay, tôi có viết bài “con đường sai lầm của xinh đẹp mà hiểm hóc”, nói đến vấn đề tịnh tọa làm chấn động thân thể (như chân trần giẫm lên lửa đỏ không bị bỏng). Một số sự thật của các tôn giáo đang có mặt, còn được người đời tin theo, huống gì chúng ta là đệ tử Phật?

    Người Trung Quốc không có tín ngưỡng kiên định đối với tôn giáo, đặc biệt sau khi khoa học phát triển. Trên báo đăng, có người làm công tác khoa học, tận mắt thấy quỉ, tuy là việc thấy nghe thật sự, song kết quả vẫn nói là mê tín. Vì sao mọi người đều cho đây là mê tín chứ? Kì thật trong mỗi tôn giáo, đều có chuyện đặc thù riêng của tôn giáo mình, không thể dùng nhãn quang của người bình thường nhất thời có đủ khả năng khai trừ được. Kinh-luật-luận của Phật pháp và những trước tác của cổ đức, đều có nội dung thông qua sự thể nghiệm của tự giác, chẳng phải suy luận giả tưởng, cấu tạo một cách vô căn cứ. Những cảnh giới đặc thù của tu chứng, không chỉ xác thật như vậy, mà mọi người đều nhất trí như vậy khi đạt đến cảnh giới đó. Nguồn gốc của Phật pháp, lấy thể nghiệm thù thắng của việc tu chứng, làm cho người học sinh tâm tôn kính. Như Đại sư Nam Nhạc Tư, lúc tu thiền chưa thành tựu, bị bệnh bại liệt, sau đó chuyển sang tu tập Bát-nhã không quán, bệnh tình liền được mạnh lành. Theo sử ghi lại, khi Hư Vân lão hòa thượng lúc sắp viên tịch, hơi thở yếu dần, nhịp tim ngưng đập, hốt nhiên mộng thấy Bồ-tát Di-lặc…, có người nghi ngờ thầy nói dối, kì thật có khả năng có cảnh mộng đó. Học Phật pháp, đầu tiên phải hiểu rõ nội dung đặc thù của Phật pháp, tin tưởng có những chuyện như vậy, không được xem đó là chuyện mê tín thần thoại. Đại sư Thái Hư lúc còn thanh niên, thường viết bài cho tạp chí xã hội, giao du với rất nhiều văn nhân, có một số lơ là với sinh hoạt tôn giáo, đây vốn là thời kì nguy hiểm. Sau đó đột nhiên thầy phát tâm đến núi Phổ Đà đóng cửa nhập thất, làm mới lại những nhận thức sai lầm về tôn giáo trước kia của mình. Đây quả thật tâm cảnh Đại sư ngộ được trong năm đầu xem kinh Bát-nhã ở chùa Tây Phương, từ đó thầy có lòng tin sâu sắc, suốt đời không quên, cuối cùng trở về với sinh hoạt tôn giáo trong sự kiền thành cung kính.

    Học Phật pháp, đối với nguồn tâm tự giác Phật pháp, kinh nghiệm đặc thù trong tu chứng, cần phải nên tin sâu không được nghi ngờ, không nên thấy người ta không tin mà mình bị dao động. Những cảnh giới chứng đắc, người bình thường không thể biết được. Chỉ cần mình có niềm tin kiên cố bất di bất dịch, tin tưởng cho đến thâm nhập, ánh sáng (quang minh) của Phật pháp, mới thật sự chiếu đến, hiển hiện trong thân tâm của bạn!

 


    (1). Giới thể (戒體): Cũng gọi là Vô tác, Hán dịch Vô biểu. Thể tính của giới. Một trong Giới tứ biệt.

Chỉ công ngăn ngừa những điều sai quấy phát sinh nơi tâm của hành giả khi thọ giới. Cũng tức là ý chí phụng trì và niềm tin đối với giới pháp.

Sau khi phát sinh, Giới thể không cần tạo tác mà thường hằng tương tục, nên gọi Vô tác, vì tướng không hiện bày nên gọi Vô biểu.  

 
00:00