Con Đường Sai Lầm Của Xinh Đẹp Và Hiểm Hóc

(tự nói về thân thể)

     Mùa hè năm ngoái trên “Tự Do Nhân Báo” có bài phát “Tự Động Công” của một tác giả nọ. Đến mùa thu, Dương Nghiên Quân lại phát biểu “Thần Công Kì Thuật” và “Tái Đàm Thần Công ”, trên “Đài Thiên Văn”. Nội dung của tự động công và thần công đại để tương đồng, đều là trải qua tu tập tĩnh tâm, dẫn đến thân thể, không từ vận động tự chủ. Gần đây cư sĩ Liệu Đức Trân đến thăm tôi, từ khi ông tin Phật (trong gia đình thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm), học tập một loại Tọa công, dẫn đến tình trạng thân thể vận động không thể làm chủ. Ông ta hỏi tôi : Điều này rốt cuộc là Phật pháp, hay là ngoại đạo? Qua đây có thể thấy, tình trạng không làm chủ thân thể, đã và đang xuất hiện trên đảo báu (Đài Loan) này. Lúc đó, tôi có giải thích vắn tắt, hôm nay sẽ viết nó ra, nội dung bên trong có bổ sung thêm một ít, nói ra để người đệ tử Phật chân chính tránh sự hiểu sai mà rơi vào đường lầm lạc.

     Không thể làm chủ được thân thể, trong tôn giáo và phi tôn giáo, là sự thật xác thực đang tồn tại. Điều này có thể phân ra làm hai: Có được do học tập tâm ý yên lặng và có được từ học tập kiền thành tin tưởng thần lực. Có từ sự thực tập pháp tâm ý yên tĩnh, lại có thể phân làm phép đứng và phép ngồi:

A. Tu trì ở tư thế đứng lặng yên

   1. Khoảng năm Dân Quốc thứ 10 (1921), tại Thượng Hải có học hội Linh Tử, truyền bá thuật Linh Tử. Phương pháp thực tập: Đêm khuya đứng thẳng giữa phòng trống, đưa hai tay dang ngang, lòng bàn tay úp xuống, chuyên tâm chú ý đến chỗ ngón giữa tiếp cận với lòng bàn tay, gọi là “chân tế(1)” (ở đây họ dùng danh từ của Phật giáo, nhưng ý nghĩa lại sai khác). Nếu tu tập đến lúc tạp niệm không còn dấy khởi, thân thể phát sinh chấn động, dần dẫn đến tay chân trước sau tiến thoái, thậm chí có thể phát sinh hiện tượng nhảy một bước hơn 10 trượng.

    2. Một trong ba loại ông Dương có đề cập đến, phương pháp tu tập: Đứng yên trong phòng, hai tay buông xuống, phải buông tất cả các duyên, không nghĩ tưởng đến thứ gì cả. Nếu tâm ý được yên lặng, cũng dẫn đến hiện tượng tự động thân thể (ông Dương cho rằng, đây là phương pháp tu tập của Đạo giáo).

    3. Ông Dương còn nói thêm một loại: Đứng yên trong phòng, hai tay chấp lại để ngang trước ngực, xưng niệm 6 chữ chân ngôn, cũng có khả năng dẫn đến hoạt động của thân thể như vậy (ông Dương cho rằng, đây là phương pháp tu trì của Mật tông Phật giáo).

B. Tu trì theo phương pháp ngồi yên lặng

    1. Phương pháp tu trì mà ông Liệu nói: Cách thức ngồi kiết già; hai tay xếp vào nhau, để nằm yên trước ngực; thu nhiếp nhãn căn đặt tâm vào mũi. Ông Liệu thấy hai tay có hiện tượng lên xuống, cong lại. Theo ông ta nói, có người có khả năng phát triển đến khởi thân, giống như đánh quyền.

    2. Nhật Bản có phương pháp Đằng điền tĩnh tọa (cũng có lẽ là Cang điền? Thương Vụ Ấn Thư Quán có lưu thông sách này): Nghi thức ngồi hằng ngày, hai tay đặt dưới rốn, bắt đầu hít thở, đưa toàn bộ hơi xuống dưới rốn (tiêu điểm tại đan điền) căng thẳng mà đột xuất. Các hiện tượng thông thường làm dao động người tĩnh tọa; càng nhiều hơn, hai tay không tự chủ, có nhịp điệu, tự mình đánh nhẹ vào bụng của mình.

     3. Phương pháp tĩnh tọa thông thường của Phật giáo (kì thật không nhất định phải ngồi, đi và đứng cũng đều được): Ngồi kiết già: Hai chân bắt lên nhau, chân trái để trên đùi chân phải hoặc ngược lại, điều hơi thở, điều tâm (có rất nhiều phương pháp khác nhau). Nếu tạp niệm dần được giảm bớt, nội tâm dần an tịnh, trước khi đạt đến định cảnh, thân thể nhất định sẽ phát sinh tám cảm giác khác nhau “bát xúc”, phát sinh theo thứ lớp; xúc đầu tiên, chính là “chấn động”. Động cũng có sai biệt cục bộ, toàn bộ, để khắp thân đều động là tốt nhất, lúc chấn động, toàn thân, các bắp thịt khắp thân thể, ngay cả đầu lưỡi cũng sẽ động.

    Nói đến phương pháp tu tập kiền thành tin tưởng thần lực, quả thật có nhiều thứ nhiều loại, song phương pháp thường thấy nhất:

    A. Thần quyền: Người truyền thọ, đốt hương, đốt bùa, niệm chú. Còn người học tập, đứng yên tu tập theo sự chỉ dạy. Lúc đầu, thân thể sẽ phát sinh ra các động tác, không theo qui tắc nào cả. Học tập từ từ, dần dần hình thành vận động có thứ tự, có qui luật. Dựa vào động tác hình thái của thân thể, bảo người học đánh “hầu quyền”… Nếu học tập thuần thục, chỉ cần lắng tâm một chút, niệm niệm bảo nói (ví dụ nói: Thỉnh sớm đến sớm, thỉnh muộn đến muộn, thỉnh Tề thiên đại thánh đánh hầu quyền; câu chú đều thô tục nực cười), động tác sẽ bắt đầu được thực hiện. Thần quyền, chẳng như chỗ nói của ông Dương, nhất định phải dùng đao, giáo. Nếu sử dụng dao, giáo, đó chính là thần (đao) thương. Thần quyền và thần thương, có thể nói tính chất giống nhau, trước kia có một số người bí mật lập hội, thậm chí tập hợp quần chúng tạo phản, hầu hết lợi dụng danh tiếng để kêu gọi những người thiếu học ở thôn quê.

    B. Khiêu thần: Những người này có người được đào tạo trong các khóa học, có người tự xưng mình được thần tuyển chọn. Mỗi khi đến ngày lễ tế thần, nghiêng bên này ngã bên kia, cùng nhảy loạn xạ với nhau. Ngày bái tế Chân Thức đại đế ở một nơi nọ của tỉnh Phúc Kiến, khiêu thần cầm kiếm nhảy, những người bên cạnh cầm gậy… bảo vệ ông ta. Không hiểu sao ông múa kiếm chặt vào mình, giống như muốn tự sát phần đầu và phần ngực, được chắn bằng những tấm gỗ… người nhảy cũng đâm xuyên, làm cho máu ra lai láng, hôn mê bất tỉnh.

    C. Cơ Đốc giáo: Vào năm Dân Quốc thứ 21 (1932) có nhà truyền giáo đến Cổ Lãng Tự, chuyên trị bệnh và trừ ma diệt quỉ cho dân (rất có khả năng thuộc giáo hội Chân Gia Tô). Ông ta cầu xin liên tục; ca hát ngâm thơ liên tục, tinh thần rơi vào trong hầm hố hưng phấn cực đoan, có hiện tượng khắp cả người run rẩy, múa tay múa chân. Theo người ta nói: Thượng Đế hội của Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh…, lúc tiếp xúc với thượng đế, hoặc rơi vào trạng thái hôn mê, hoặc toàn thân chấn động, không có khả năng tự chủ. Ý của thượng đế, được tuyên truyền xuống dưới tình trạng này. “Sáng Thế Kí” trong Cựu Ước ghi: “Nhã Các……, có người đến cùng đánh vật với ông, đánh mãi đến hừng đông. Người đó thấy mình không thể thắng được ông ta, bèn đục một lỗ trên bắp đùi ông ta; cái lỗ trên bắp đùi Nhã Các, lúc đánh vật, nó bị trật. …… ông ta đi khập khiễng”. Chuyện này, tín đồ Cơ Đốc giáo giải thích, do Nhã Cát cầu xin thượng đế suốt đêm, nên mới bị tê chân, đi khập khiễng. Song truyền thuyết lại nói ông đấu vật với người ta, bị người ta đánh trật gân. Cho nên cách giải thích tốt nhất, chính là trong sự kiền thành cầu xin, thân thể phát sinh hiện tượng chấn động nhảy nhót (giống như đánh vật với người ta). Đại để là do quá hưng phấn, không biết kiềm chế, nên mới bị trật chân. Thông thường tín đồ Cơ Đốc giáo, trong lúc kiền thành cầu xin, phát sinh hiện tượng chấn động thân tâm, đều cho đó là thần lực, là giáng lâm của thánh linh.

    Thân thể phát sinh những động tác không có sự can thiệp của thức, thuộc về tôn giáo, phi tôn giáo (như thuật Linh Tử), có thể nói rất nhiều. Mấy vấn đề được đề cập ở trên, không phải chỉ có bấy nhiêu, chẳng qua chỉ vì chúng tương đối quen thuộc với chúng ta, chúng ta thấy hiện tượng đó hằng ngày! Hai loại đã được đề cập, có sự sai biệt. Những gì phát khởi do kiền thành tin thần lực, đại để là đã thành thục, hưng phấn. Cảm giác có một loại sức mạnh, khiến cho anh ta không thể không như vậy. Loại sức mạnh này, hoặc nói là Da Hòa Hoa (theo Cơ Đốc giáo); hoặc nói là Tôn Hành giả, Võ Tòng, lão tổ gì đó, lão mẫu gì đó (theo Thần quyền, Thần thương); hoặc nói là Đại đế, đại Tiên gì đó (theo Khiêu thần), đều giải thích theo tôn giáo mình tín ngưỡng. Bởi đây là hưng phấn, căng thẳng, cho nên tự động của thân thể càng ngày càng nhiều, càng lâu, sau những lúc đó sẽ cảm giác mệt mỏi, rã rời, có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Như Nhã Các do đó biến thành người què. Ngược lại, do tâm ý yên lặng mà tự động đến, đều yên lặng, an lành, hoạt động tự giác thân thể tự phát sinh ra, chẳng phải áp bức của thế lực bên ngoài. Trong quá trình tự động, trực giác đến nhẹ nhàng, thỏa mái, an lạc, tự động như vậy, mỗi ngày làm một hai lần như thế, rất có ích cho thân thể, có thể nói là tự nhiên, phương pháp tốt để vận động toàn thân. Vả lại, loại tự động phát xuất từ tâm yên tĩnh này, nếu đứng thẳng, hai tay ngang ngực, hai tay dang ra hai bên bằng vai, như vậy rất dễ phát sinh hiện tượng tự nhiên, cũng rất dễ phát triển thành những chiêu thức giống như quyền thuật. Còn ngồi yên, hai tay để dưới rốn, thế thì tự động sinh khởi của thân thể, chẳng có chuyển thành quyền thuật trước sau tới lui gì lắm.

     Tiếp theo tôi muốn nói đến quyền thuật của Phật giáo. Thầy Bồ-đề Đạt-ma sơ tổ Thiền tông (Thiền tông chẳng lấy ngồi thiền làm tông, nhưng Đạt-ma tổ sư ngồi xoay mặt vào vách chín năm, chỉ cho thầy đã đạt được chỗ tối cao của công phu), người ta luôn truyền nói cho nhau từ đời này sang đời khác nghe quyền pháp (Đạt-ma thập nhị thủ”, “Đạt-ma dịch cân kinh”… Chùa Thiếu Lâm ở Tung sơn, vào thời Bắc Ngụy, là Phật-đà thiền sư, đạo tràng thực tập thiền của thiền sư Đạt-ma. Đầu nhà Đường, tăng chúng Thiếu Lâm tự dùng võ thuật trợ giúp Thái Tông bình định thiên hạ. Quyền thuật của Thiếu Lâm tự rất nổi tiếng, vả lại có lịch sử rất lâu đời. Trên vách chùa Thiếu Lâm, có vẽ quyền pháp để mọi người tự do bắt chước học theo. Có người nói: Vì tu tập trong núi thường bị hổ, báo… làm hại, cho nên Đạt-ma tổ sư dạy đệ tử học tập quyền thuật, điều này không hợp tình hợp lí cho lắm. Hiện tại tuy không có văn chứng để xát định rõ, nhưng ở phía trước tôi đề cập đến vấn đề thân thể tự động phát hiện trong tĩnh lặng, hóa làm quyền thuật để phán đoán, nguồn gốc của quyền pháp Thiếu Lâm, chúng ta không loại trừ khả năng đệ tử của tổ sư Bồ-đề Đạt-ma, có vị trong tĩnh dẫn đến tự động của thân thể, phát triển làm quyền pháp có thứ tự, qui luật, sau đó những người xung quanh học tập theo. Vận động tự phát tự động, mới biến làm học tập bắt chước, trở thành quyền thuật rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Tiến một bước, biến làm võ thuật đánh người khác. Quyền pháp có quan hệ với chư tăng Thiếu Lâm tự, nguồn gốc từ việc tọa thiền, đây là cách giải thích gần với sự thật nhất.

    Gần đây trong thiền đường, cũng có người ngẫu nhiên phát sinh hiện tượng động tay động chân, lắc đầu, lắc mình, nhưng ngay lập tức bị vị canh thiền cảnh tỉnh lại, không để tiếp tục như thế nữa, để khỏi đánh mất ý nghĩa cao thượng của việc tham thiền, là đạt định, ngộ đạo giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, hóa độ chúng sinh.

    Rốt cuộc vì sao có chấn động không bị tác động của ý thức? Theo cách nhìn của thần giáo, đây là phụ thể thần linh, thần lực gia bị, thần lực của Da Hòa Hoa, Tôn Hành Giả, lão tổ lão mẫu gì đó. Đây là lối giải thích của thần quyền mê tín, đương nhiên hạng này ngu muội mà không biết mình ngu muội. Cách giải thích của Linh Tử thuật: Bản nguyên của vũ trụ, chính là Linh Tử, là nguyên tố vi diệu mà hoạt động. Thân tâm là tổ hợp của Linh Tử, cho nên vừa phát sinh, liền chấn động nhảy nhót. Dương Nghiên Quân đưa ra hàng loạt danh từ trừu tượng: Thái cực, Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát quái, đều chưa từng tiếp xúc đến tự thân của vấn đề. Hiện tại, lấy giáo nghĩa thậm thâm vi diệu của Phật pháp để nói rõ. Phật pháp là tôn giáo của lí trí. Chính tín phải thông qua tín ngưỡng lí trí. Khế sự hợp lí của lí trí, chẳng phải là chỗ có khả năng tưởng tượng của thần quyền mê tín!

    Quán sát tỉ mỉ, vận động thân thể tự phát, nhất định do sự tập trung của tinh thần, sinh ra cảnh giới hôn muội, vi tế. Tinh thần tập trung, chuyên tâm nhất ý, phương pháp xúc tiến khác nhau. Như đứng yên, ngồi yên thông thường, đoạn dứt các niệm tạp loạn, hoặc chuyên tâm nghĩ đến cảnh giới nào đó, quán mũi, đan điền… đây là từ trong yên lặng dẫn đến tập trung tinh thần. Hoặc giả kiền thành tin tưởng thần lực, hoặc cầu xin khẩn thiết, tự thấy được mình tương thân với thần mà rời xa tạp niệm. Hoặc là phép phù thủy dễ thấy nhất, thường dùng ca hát, nhảy múa, uống rượu, bạn bè… làm cho tinh thần hưng phấn căng thẳng đến cực điểm, từ đó dẫn đến chấn động thân thể, hoặc có hiện tượng thần bí khác, đây có thể nói từ trong nhiệt thành, khẩn thiết đạt đến tâm ý tập trung. Liên tục gõ thẻ tre để chuyển nhập niệm Phật, hoặc chạy hương tham thiền, có người gõ liên tục, gấp chạy, hốt nhiên đoạn trừ tạp niệm đạt được nhất tâm, cũng thuộc vào loại này. Bất luận lúc yên tĩnh, khẩn trương, đạt được tập trung tinh thần (sợ là trong thời gian chớp mắt), từ ý thức lộn xộn mà hiểu rõ, chuyển làm giống như sáng, như tối, hoặc lúc ý thức minh liễu (hoàn toàn biết rõ sự lí) mà vi tế, thì loại chấn động thân thể không tự chủ này, sẽ sinh khởi.

     Hoạt động tâm lí, sinh lí của chúng ta, luôn chịu sự tiết chế và chỉ đạo của ý thức minh liễu. Tác dụng tiết chế và chỉ đạo của loại ý thức minh liễu này, khiến cho hoạt động thân tâm chúng ta, hình thành tính tập quán. Bất luận có ý thức hay không có ý thức (ý thức thấp), hoạt động đều bị hạn chế. Đứng trên phương diện tâm lí, thông thường là: Suất nhĩ tâm, Tầm cầu tâm, Quyết định tâm, Nhiễm tịnh tâm và Đẳng lưu tâm - ngũ tâm(2) thứ lớp sinh khởi. Như đã trở thành thói quen, từ Suất nhĩ tâm (xúc cảnh đột nhiên sinh thức) mà trực tiếp dẫn tới Nhiễm tịnh tâm, hoặc giả trực tiếp dẫn đến Đẳng lưu tâm (tâm cảnh giống nhau, luôn kéo dài xuống liên tục). Chúng ta đối với khảo sát sự lí, quyết định pháp nghĩa, trải qua thời kì tương đương, phần lớn đều tạo thành phương thức nhất định của tư tưởng. Đợi tư tưởng định hình rồi, luôn liễu giải ở tại tâm cảnh như vậy, đi suy xét, hành động, rất khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Lại như chú tâm nghĩa nhớ đến một cái gì đó trong thời gian lâu, thì khi nói chuyện, ăn cơm, đi lại, làm việc, bất cứ lúc nào, trong tâm cũng đều không thể rời khỏi cảnh giới đó. Ngay cả mình muốn vứt nó đi, song cũng không dễ gì làm được, (nếu đây là tâm tạp nhiễm than lam, sân hận, ngu muội…, tâm lí sẽ thất thường, hoặc điên cuồng). Còn đứng về phương diện sinh lí, thông thường là: Thẩm lự (suy xét tỉ mỉ) tư, Quyết định tư, Phát động (thân) tư tam tư(3) thứ lớp sinh khởi. Nhưng nếu đã trở thành thói quen rồi, không cần trải qua quá trình Thẩm lự (suy xét tỉ mỉ) và Quyết định, mà trực tiếp dẫn đến động tác của thân thể. Nói đến thân chúng ta, hoạt động sinh lí, luôn phân làm hai loại: Một là: Thấy bên ngoài, chịu sự khống chế dẫn dắt của thân thức (thân thức cùng đồng thời với ý thức). Ngoài (như trên nói đến quá trình tam tư) động tác thích ứng với hoàn cảnh trước mắt, quyết định thân thể ra, còn có tư thế đi, đứng, ngồi, nằm, ăn uống, nói năng…, năm dài tháng rộng nó trở thành thói quen, trở thành tư thế đặc biệt (tự nhiên) của mỗi người, chẳng có năng lượng thật vững chắc của chính niệm, không dễ gì chỉnh sửa nó trở lại được. Hai là ăn sâu vào nội tâm, như hít vào thở ra, lưu chuyển của máu huyết, hoạt động của xương cốt… những hoạt động trong thân này, chịu sự chấp thủ của A-đà-na (giữ gìn) thức. Loại nhiếp thọ tác dụng trong nội tâm này, Duy Thức học gọi là A-đà-na thức. Cách nhìn của ý thức, đây chỉ là tác dụng giữ gìn bên trong của ý thức vi tế (gần với tiềm ý thức mà người ta thường nói). Loại hoạt động của nội thân này, có quan hệ với động tác thân thể, như vận hành của lúc ngủ và khi đi hơi thở ra vào và máu huyết lưu thông không giống nhau. Ý thức minh liễu của chúng ta cũng ảnh hưởng đến nó, như lúc tâm trạng bị kích thích mạnh mẽ, thì hoạt động của hơi thở, máu huyết, thậm chí xương cốt, đều bị biến hóa. Tính tập quán của động tác bên ngoài thân thể, đối với động tác của nội thân, cũng có hạn chế tương ứng. Đối với tính tập quán thân tâm tạo thành, chúng ta nên hiểu rõ hai điểm này: (1) Tính tập quán xấu (có hại cho thân tâm), đương nhiên không tốt; tính tập quán tốt, do vì chẳng thể có lợi mà không có hại của pháp thế gian, nên thường sinh ra tác dụng phụ. (2) Có tính tập quán, động tác dễ xảy ra của tập quán, bị khống chế rất khó phát hiện, cũng không phải ít. Đương nhiên, chỉ cần có cơ hội, nó liền sinh khởi trở lại.

      Liên quan đến hoạt động nội tâm không theo tự chủ, còn có thêm hai loại nữa: (1) Do tỉnh mà ngủ, trước khi chưa vào sâu trong giấc ngủ (người ngủ say chân chính là không có nằm mộng); (2) Do tán loạn mà ngưng định, trước khi đạt được thiền định chân chính. Đương lúc chúng ta từ chỗ tỉnh táo dần rơi vào cảnh mộng, ý thức minh liễu, dần mất đi sức mạnh khống chế và dẫn dắt, hôn muội mà rời rạc. Lúc đó, chỗ khống chế dẫn dắt của ý thức minh liễu luôn bị các dòng tâm tưởng của cõi lòng khống chế và cho vào kho tàng quên lãng, cùng song hàng với “ý thức trong mộng” mà hoạt động trở lại. Cảnh mộng không theo tự chủ, ngớ ngớ ngẩn ngẩn, điên điên đảo đảo, xuất hiện từ đây. Khi tâm chúng ta từ tán loạn dần được yên lặng, cũng có loại tình hình giống vậy. Bất luận có từ thần lực kiền thành tin tưởng mãnh liệt, hoặc an định của tâm ý tĩnh lặng mà đạt được, tâm ý an định đến một trình độ nào đó, cũng có hiện tượng tạm thời suy giảm của ý thức minh liễu. Hoặc giả rơi vào trạng thái hoảng hốt, nặng thì hôn mê, hoặc đạt đến trạng thái tâm minh liễu bất loạn, từ trong chỗ sâu thẳm của nội tâm, hiện ra rất nhiều tâm cảnh không giống nhau. Hoặc thấy tướng huyễn, hư không tướng, quang minh tướng…, tướng ma quỉ, tướng trùng, cá, chim thú…; hoặc nghe âm thanh huyễn, tiếng thần thánh, nhạc trời vi diệu, âm thanh sợ hãi…; hoặc ngửi mùi thơm đặc biệt… Cùng lúc đó, nội tâm sẽ phát sinh rất nhiều tâm tình: Hoặc giả vui mừng, hoặc tức giận, hoặc ưu sầu bi ai, hoặc dục niệm hừng hực, hoặc khởi tâm từ bi. Những thứ này, nhà Phật gọi là “thiện ác huân phát”. Điều này có quan hệ với sự huân tập của đời quá khứ và đời hiện tại, cá tính thiện niệm và ác niệm chôn sâu trong tiềm thức, nghiệp lành và nghiệp dữ mình đã làm. Bình thường nó được chôn kín bên trong, do tâm ý an định mà sinh khởi ra lại. Thí như trong nước có rất nhiều đồ vật, lúc nước đục mình chẳng thấy gì trong đó cả, đợi đến khi nước lắng hết cấu bẩn, tất cả đều hiện rõ ra. Loại tâm cảnh sinh khởi do tâm ý an định này, đối với thân tâm của chúng ta mà nói, có sức ảnh hưởng rất lớn. Điều này do thiện và ác huân tập sinh khởi, cho nên kết quả khác nhau rất nhiều. Có người từ đây trở thành một người hoàn toàn mới, đức tính hiền lành lương thiện, phát đạt rực rỡ, thân thể cũng có ảnh hưởng tốt. Song lại có người ba lúc vui ba lúc giận, khi hát khi cười, hẹp hòi cố chấp, cuồng vọng, ngủ nghỉ ăn uống không bình thường. Nhưng cũng có mang bệnh trạng về tinh thần, song đức tính lại rất tốt. Tín đồ thần giáo cho rằng, điều này có quan hệ với thần lực hoặc quỉ lực; không biết đây chỉ là “thiện ác huân phát” được chôn sâu trong nội tâm mà thôi. Theo nhà Phật, nhìn chung có thể ảnh hưởng sinh khởi của thân tâm, để phán đoán tốt hay xấu, bình thường hay biến thái của anh ta. Nếu là xấu, đương nhiên cần phải làm mới lại, nên giúp đỡ anh ta; còn là tốt, cũng không được chấp trước. Nếu chấp trước, sẽ trở thành thói quen, lại sinh ra tác dụng phụ không tốt. Do an định mà sinh khởi, chiều hướng nội tâm không theo tự chủ, cùng với mộng cảnh có chỗ bất đồng rất rõ: Cảnh mộng, do sự chểnh mảng vô lực của ý thức minh liễu mà hiện khởi, song ở đây lại có sự tác động của ý thức, dùng nhiều phương pháp xúc tiến làm cho tâm ý an định sinh khởi. Cho nên, tuy cảnh mộng muôn hình vạn trạng, nhưng một khi cảnh giác, lúc ý thức minh liễu hiện khởi, cảnh mộng lập tức tiêu mất, rất ít khả năng ý thức minh liễu sau khi trải qua cơn mộng có sức chiếm hữu nội tâm (chiếm hữu, như sau khi giật mình tỉnh dậy, tâm vẫn còn sợ hãi, cũng là cực đoan tạm thời). Nhưng tâm cảnh phát khởi từ tâm ý an định, đối với thân tâm sau này, có sức ảnh hưởng rất lớn. Có thể lấy ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề này: Cảnh mộng giống như đến ngày nào đặc biệt, chính phủ cho nhân dân được làm gì tùy ý. Tù nhân cũng tạm thời được thả tự do. Hết ngày đó, trở lại như cũ. Tâm cảnh sinh khởi do an định, như chính phủ bị bọn giặt cỏ hoặc ngoại quốc xâm lăng, đồng ý một cách đặc biệt, kêu gọi toàn thể dân chúng đứng dậy bảo vệ đất nước. Đến lúc hòa bình lập lại, thì các thế lực tốt hoặc không tốt, có ảnh hưởng hoặc cạn hoặc sâu đến chính cục.

     Nói đến hoạt động của thân thể, lí do cũng vẫn giống nhau. Do tu tập có ý thức, bước vào giai đoạn tâm dần an định, thân thể tự nhiên phát sinh chấn động... Điều này không theo tự chủ, nhưng đại để có khả năng ý thức của mình đến. Tự động của loại thân thể này, không chỉ có quan hệ với tâm, mà cũng có quan hệ với “phong” (gió). Đức Như Lai nói, tất cả động tác của thân thể, đều có quan hệ với phong lực, mà hít thở là cái chủ yếu và đặc thù nhất trong phong lực. Hít thở, hơi thở và tâm, có quan hệ tương ưng ảnh hưởng qua lại. Nếu tâm vội vàng gấp gáp, hơi thở cũng vội vàng gấp gáp; hơi thở vào ra nhẹ nhàng, tĩnh lặng, tâm cũng dễ tĩnh lặng. Tâm có khả năng khống chế dẫn dắt thân tâm, hơi thở cũng ảnh hưởng đến hoạt động của thân tâm. Do hết sức kiền thành tin tưởng, hoặc do tĩnh lặng của đoạn dứt tạp niệm, mãi đến lúc tâm ý dần an định, tập trung, hơi thở, hít vào thở ra cũng nhẹ và sâu mà tập trung. Lúc đó, sức khống chế và dẫn dắt của ý thức minh liễu dần suy yếu, ngược lại phong lực lại tăng cường lên thêm. Điều này bởi vì, do hơi thở yên ổn, có khả năng dẫn đến lưu thông, do tập trung hơi thở, có năng lực thúc đẩy lớn. Trong tình hình này, thân thể chấn động không theo tự chủ, bắt đầu phát sinh. Nếu hữu ý vô ý, phát động hết lần này đến lần khác, sẽ tạo thành tính tập quán mới, lưu biến làm động tác giống như quyền thuật. Loại chấn động không theo tự chủ này, phần lớn đều là hoạt động gần với tự nhiên, cho nên có khả năng dẫn đến ảnh hưởng tốt đối với thân thể. Song có điều, nếu thân tâm và hơi thở điều tiết không đúng, thế thì cái hoạt động tự nhiên đến đó, làm nhân duyên tốt để phát triển tình hình bệnh trạng của thân tâm.

     Thân thể chấn động không theo tự chủ, rốt cuộc là Phật pháp, hay là ngoại đạo? Nên nói như thế này: Vấn đề này theo tính khả năng của sinh lí, được nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi. Trong bản thân hiện tượng chấn động, đã không phải Phật pháp, cũng không phải ngoại đạo, chỉ là pháp thường tình của thế gian. Nhưng, nếu xem nó là thần lực, hiện tượng thần bí mà hạng tôn giáo tầm thường nương tựa, chẳng tốt chút nào. Còn nếu xem là loại vận động làm rèn luyện thân thể, trong mức độ, giống như Thái cực quyền…, đương nhiên chẳng có gì đáng nói. Song, chấp chặt vào đó, sinh tâm cống cao ngã mạn, khoe khoang, tưởng mình đã tu luyện máu huyết, xương cốt trở nên cứng chắc, mãi mãi không bao giờ hoại diệt, tu tinh luyện khí, như vậy tà kiến trường sinh thành tiên, bắt đầu sinh khởi, thế thì trở thành pháp của ngoại đạo.

     Thông thường ngoại đạo, luôn nói thế này: “Phật pháp có lẽ thông thường chỉ cho hiển giáo, tu tính không tu mệnh, tu tâm không tu thân, tu tĩnh không tu động. Mà tự cho rằng tính mệnh song tu, thân tâm song tu, động tĩnh song tu.” Kì thật, họ không biết Phật pháp, không thể say sưa nơi huyết nhục nhất định hư hoại, huyễn tưởng nơi hơi thở, mặc tình cho nó sai xử, trong nước bọt tinh huyết, bất lạc nhân quả, kì tích xuất hiện. Chẳng biết yếu chỉ tu học Phật pháp, không ngoài tam yếu. Giới học là đức hạnh; tuệ học là tuệ chứng, định học là an định thân tâm, tăng cường thân tâm, là chỗ y cứ để đạt đến mục đích tự tại giải thoát, lợi ích cho chúng sinh. Loại nào gọi là cùng tu thân tâm, đại để không ngoài định học. Nhưng, nếu thiếu khuyết giới túc đức hạnh, mắt tuệ trí chứng, thì thiền định chẳng qua là nghiệp sinh tử, vị định, tà định, sẽ dẫn con người vào đường đọa lạc. Thực tập thiền định của Phật pháp, lúc mới tu thân tâm vẫn còn rất động loạn thân thể, hơi thở vẫn chưa được điều phục, tạp niệm trong tâm từng thời từng khắc tranh nhau dấy khởi. Lâu ngày chày tháng, dần đoạn trừ động loạn, thân tâm được an định. Lúc dần lắng động tâm tư vào định, do tập quán được huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp sinh khởi, niệm lành hoặc niệm xấu, cảnh giới tốt hoặc cảnh giới xấu trong tâm, lại ồ ạt hiện ra. Do phong lực tăng cường, thân thể cũng phát khởi chấn động không theo tự chủ. Trong quá trình tu định, loại chấn động thân tâm này (hoặc trước hoặc sau), vẫn bị coi ở ngoài cửa, chưa được gì cả! Nếu chấp trước hình tướng hư huyễn, âm thanh hư huyễn, chấn động thân thể này, sẽ làm cho chúng ta đình trệ lại, cũng có khi thối lui, không có khả năng nhập vào định cảnh nữa, không thể khai mở công đức vô biên bảo tạng! Giống như đi công viên tham quan, đứng ngoài cổng thấy một số hoa xinh cỏ dại, bèn cho như vậy được rồi, sa đà quên về, thế người này vẫn chưa có duyên vào cửa, không được tận mắt chứng kiến hoa xinh cây quí, cầm thú quí hiếm, kiến trúc tinh xảo. Cho nên, cần phải đi qua cửa này. Đối với tâm cảnh nhiễm ác, đương nhiên phải loại trừ nó; còn đối với tâm cảnh tốt, cũng không được chấp vào nó. Tiến tu như vậy, tâm cảnh xoay chuyển đến chỗ vắng lặng trong sạch, do đây phát sinh chính định. Chấn động thân thể…, cũng không chấp trước mà tường tận thích nghi, dẫn đến nội tâm cũng càng hoạt động linh diệu, càng ôn hòa, càng tinh vi, chu đáo. Hơi thở vi tế miên mật, giống như có giống như không (ra vào tối cao là làm cho tắt); huyết mạch lưu thông bình thường, không ngăn cản không đình trệ (đạt đến chỗ tối cao thì mạch giống như ngừng lưu thông). Như quả thật thành tựu được định, kinh nói “thân nhẹ nhàng”, “tâm nhẹ nhàng”; “thân tinh tấn”, “tâm tinh tấn”. Do thân tâm an định dẫn đến nhẹ nhàng an lạc, chu biến hòa hợp, cảnh giới này tất cả an vui của thế gian không thể nào theo kịp. Do đây dõng xuất ra sức mạnh của thân tâm, cũng dõng mãnh tinh nhuệ chẳng có gì bì kịp, có khả năng “kham nhậm” tất cả. Đây chẳng phải thân tâm song tu, động tĩnh song tu sao?

      Thực tập thiền định trong Phật pháp, bất luận Tiểu thừa hay Đại thừa, bất luận đặt nặng nương vào định phát thông hoặc nương vào định phát tuệ, đều cần phải vượt qua huyễn cảnh của thân tâm. Bởi vì không vượt qua những thứ này, không có khả năng tiến vào định cảnh thân tâm càng an ninh, càng ôn hòa, chẳng có khả năng thể ngộ chân lí, giải thoát sinh tử, thần thông tự tại. Còn ngoại đạo thì sao? Lại ngoan cố, mê tỉnh nơi huyễn cảnh của thân tâm, luyến tiếc chấp trước thân thể nhất định hư hoại này. Chẳng những do đây sinh ra mê tín thần quyền, còn càng nghĩ tưởng điên đảo ở nơi hơi thở, huyết mạch, thậm chí cho nam nữ hòa hợp sẽ thành tiên đắc đạo. Loại huyễn cảnh thân tâm này, có thể nói xinh đẹp vô cùng, kì thật nó là con đường sai lầm hiểm hóc. Phong cảnh u tịch, xinh đẹp trong này, làm cho người ta mê luyến. Lúc bạn vượt qua đó, nếu không thần tốc vượt qua, tiến thẳng đến nơi an lạc phía trước, thì mê luyến lôi kéo lại, nguy hiểm vô cùng! Bởi khi vào định có chướng khí xâm nhập, nếu bạn không ngẩng cao đầu đi thẳng, mà liếc ngó hoặc ghé hai bên để tham quan, thì rắn rít, thú dữ đang chờ bạn đó!

      Nếu thân thể phát sinh chấn động không theo tự chủ, hoặc trong tâm huân tập phát khởi hành tướng âm thanh huyễn hóa, điều quan trọng không được chấp trước vào đó, cứ thản nhiên tiến thẳng về trước! Nếu tham nhiễm hình vóc huyết nhục ắt hoại diệt này, thế thì khả năng rơi vào cạm bẫy của ngoại đạo, tự ngoại đạo đi dò xét tin tức! Lúc định thì chướng khí kéo đến, độc trùng kéo đến xung quanh! Mê luyến đình trệ, đợi đến tan thân mất mạng, có hối hận cũng không còn kịp nữa!

 


     (1). Chân tế (真際): Lí thể dứt bặt các tướng sai biệt đối đãi, hiện bày chân như pháp tính bình đẳng nhất như.

Theo phẩm Quán Như Lai trong kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát-nhã Ba-la-mật-đa ghi: “Vì tính của các pháp là chân thật, nên không đến không đi, không sinh không diệt, đồng với pháp tính của chân tế, không hai không khác”. 

     (2). Ngũ tâm (五心): Năm tâm theo thứ tự sinh khởi khi tâm thức nhận biết đối tượng. Đó là:

a. Suất nhĩ tâm: Suất nhĩ nghĩa là đột nhiên. Tức là tâm bỗng nhiên khởi lên trong một sát-na đầu tiên khi nhãn thức vừa tiếp xúc ngoại cảnh, chưa có phân biệt thiện, ác.

b. Tầm cầu tâm: Tâm muốn xét biết ngoại cảnh một cách rõ ràng, nên liền suy cầu tìm kiếm mà khởi lên kiến giải phân biệt.

c. Quyết định tâm: Khi tâm đã phân biệt được các cảnh sở duyên thì có thể xét được thiện, ác.

d. Nhiễm tịnh tâm: Tâm sinh khởi các tình cảm tốt, xấu… đối với ngoại cảnh.

e. Đẳng lưu tâm: Đối với các pháp thiện, ác đã phân biệt nhiễm tịnh thì mỗi thứ đều tùy loại tiếp nối không dừng; đối với pháp lành sinh ra tưởng thanh tịnh, đối với pháp xấu sinh ra tưởng ô nhiễm, niệm niệm tương tục, trước sau không khác.

Trong 5 tâm, Suất nhĩ tâm thường chỉ khởi một niệm, bốn tâm còn lại thường là niệm niệm tương tục.

     (3). Tam Tư (三思): Ba tác dụng tinh thần xét nghĩ (tư) đối với cảnh.

a. Thẩm lự tư: Đối cảnh chấp lấy các tướng chính nhân, tà nhân đều trái nhau… rồi xem xét tư duy.

b. Quyết định tư: Sau khi thẩm lự thì ý quyết định.

c. Động phát thắng tư (phát động tư): Phát động thân nghiệp và ngữ nghiệp. Vì thế lực của tư này mạnh mẽ nên gọi là thắng.

Trong đó, hai tư trước thuộc về ý nghiệp. Động phát thắng tư lại chia làm Động thân tư và Phát ngữ tư. Động thân tư thuộc về thân nghiệp, còn Phát ngữ tư thuộc về ngữ nghiệp.  

 
00:00