Phật Giáo Thái Lan

(giảng tại chùa Thiện Đạo)

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHẬT GIÁO THÁI LAN

    Chuyến đi Thái Lan, Cao Miên lần này của tôi, mất khoảng một tháng, thấy tình hình Phật giáo tại đó có ít nhiều khác với Phật giáo Trung Quốc, cho nên muốn nêu ra một số vấn đề để cùng đàm luận với đại chúng. Hiện tại trên thế giới có vài quốc gia Phật giáo: Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên và Tích Lan. Gọi quốc gia Phật giáo, có thể nói trên từ nguyên thủ quốc gia, dưới cho đến tất cả nhân dân bá tính, ai ai cũng đều tin Phật, chí ít cũng có hơn 90% là tín đồ Phật giáo. Phật giáo trong những đất nước này, được phong làm quốc giáo. Tình hình sôi nổi rầm rộ này, không những Trung Quốc chúng ta không có, chính như Phật giáo Nhật Bản chỗ tôi được biết, vẫn còn chênh lệch rất nhiều. Năm quốc gia Phật giáo này, thông thường gọi là Phật giáo Nam Truyền, cũng tức là Phật giáo Tiểu thừa, phái được truyền từ miền Nam Ấn Độ sang. Thông thường người ta nói, Phật giáo Đại thừa càng có thể thâm nhập vào xã hội, tạo thành phiến với xã hội. Song trên thực tế, những quốc gia Phật giáo đang thịnh hành Phật giáo Tiểu thừa, quả thật họ đã làm được việc tạo thành phiến với xã hội. Chuyến đi lần này, thời gian tôi ở Thái Lan tương đối nhiều hơn, vả lại Phật giáo Cao Miên có hình thức tương tự Phật giáo Thái Lan, cho nên tôi chỉ giới thiệu Phật giáo Thái Lan thôi.

    Nói đến Phật giáo Thái Lan, trước phải điểm sơ qua lịch sử nước Thái. Phía Tây là Miến Điện, phía Đông là nước Liêu và Cao Miên, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Vân Nam nước ta. Theo nghiên cứu của các học giả, dân tộc Thái Lan, kì thật là dân tộc anh em của chúng ta, họ là những người di cư từ Vân Nam sang. Vào triều đại nhà Đường, Nam Chiếu là đất nước mới thành lập lấy Đại Lí của Vân Nam làm trung tâm. Dân tộc Nam Chiếu có duyên với Phật giáo, mãi đến đời sau, núi Kê Túc ở Vân Nam, vẫn là khu vực Phật giáo, trở thành thánh địa chiêm bái của tín đồ Phật giáo. Vào triều đại nhà Tống, dân tộc này bắt đầu di chuyển xuống phía Nam. Vương triều đầu tiên được kiến lập, có tên Tố Khả Thái, thành Tố Khả Thái, từ Băng-cốc đến biên giới tỉnh Vân Nam. Vương triều tồn tại đến cuối nhà Nguyên, thì suy vong. Vương triều tiếp theo được xây dựng, lấy tên Đại Thành (vương triều này tồn tại được ba đời). Đến năm Càn Long nhà Thanh, bị đại quân Miến Điện tiêu diệt. Đại Thành cách Băng-cốc không xa, vốn là nơi Phật giáo phát triển nhất, trong chuyến đi này chúng tôi cũng đến tham quan, những chùa tháp hoang tàn không thể tưởng tượng. Bởi khi đại quân Miến Điện đánh chiếm Đại Thành, giết người đốt phá một cách dã man, cung điện đền đài đều bị thiêu hủy, chùa tháp Phật giáo cũng cùng chung cảnh ngộ, cho nên thù hận giữa hai dân tộc Thái và Miến rất sâu. Mấy năm trước, thủ tướng Vũ Nô của Miến Điện sang thăm Thái Lan, lần đi đó, ông đặc biệt đi đến phế tích Đại Thành, đến nơi ông liền quì xuống trước tượng Đức Phật sám hối tội lỗi mà tổ tiên gây ra. Gần đây chính phủ Thái Lan có kế hoạch tiến hành tu sửa chùa tháp ở Đại Thành.

    Sau khi vương triều Đại Thành lại diệt vong, dân tộc Thái rơi vào tình trạng quân vô tướng, hổ vô đầu (ví một đoàn người không có ai cầm đầu), những người có thế lực chiếm đất xưng hùng, phân ra làm 6 quốc gia nhỏ. Lúc đó, có vị Trịnh Chiêu Vương (tên Tín), triệu tập binh mã đánh bật người Miến ra khỏi Đại Thành, lại còn trong thời gian ngắn thống nhất 6 quốc gia làm một, khôi phục lại trật tự chính trị nước Thái Lan. Vị Trịnh Chiêu Vương đó, cha người Trung Quốc, mẹ người Thái Lan, là kiều bào người Hoa sinh trưởng tại Trung Quốc. Lúc đầu ông làm quan cho vương triều Đại Thành, vì thấy hoàng đế cuối cùng của vương triều Đại Thành, dốt nát không có khả năng, Đại Thành bị quân Miến vây khốn hai năm, ông ta không nghĩ cách giải vây, mà chỉ mãi lo cố thủ. Trịnh Chiêu Vương Tín lãnh đạo 500 kiều bào người Hoa, giải vây thoát ra. Không lâu sau, Đại Thành bị quân Miến đánh úp. Ông bắt đầu chiêu binh mãi mã, rất nhiều kiều bào người Hoa và người Thái Lan hưởng ứng phong trào do ông cầm đầu, chẳng mấy chốc số người tình nguyện theo ông đã gấp 10 lần số người khi ông giải vây ra ngoài (5.000 người). Thế là, ông dùng kiều bào người Hoa làm chủ lực, lãnh đạo người Thái đánh quân Miến, đuổi quân Miến ra khỏi lãnh thổ Thái Lan. Lần này, dân tộc Thái có thể được tự do, thoát khỏi nô dịch cho người Miến, phần lớn nhờ vào sức mạnh của kiều bào người Hoa. Sau khi Trịnh Chiêu Vương đánh đuổi người Miến ra khỏi biên giới Thái Lan, người ta đưa ông lên làm vua Thái Lan. Chưa đến 10 năm, ông đã thống nhất đất nước. Nhưng ông chỉ thống nhất được ba bốn năm, bị người Thái ám sát. Trịnh Chiêu Vương bị mưu hại, người Thái thành lập vương triều Tác Cơ cho riêng mình, từ đó đến nay đã truyền được 9 đời, có hơn 175 năm lịch sử. Theo lịch sử Trung Quốc, đời đầu tiên của vương triều Tác Cơ, cũng tự xưng họ Trịnh, nói là con rể của Trịnh Chiêu Vương, tên Trịnh Hoa, như vậy Trung Quốc mới thừa nhận ông ta. Do Đại Thành bị hủy, vị vua đầu tiên của vương triều Tác Cơ, mới chuyển thủ đô đến Băng-cốc, phỏng theo qui mô của vương triều Đại Thành, xây dựng chùa, tháp, vương cung…

    Vương triều Tác Cơ, có hai đời đế vương quan hệ đặc biệt đối với chính trị và Phật giáo Thái Lan. Hai đời quốc vương này, tức đời thứ tư và đời thứ năm. Đời thứ tư tương đương vào giữa năm Hàm Phong, Đồng Trị bên Trung Quốc. Quốc vương vốn là người xuất gia, sau đó anh trai (đời thứ ba) băng hà, song người anh không có con trai để kế thừa vương vị, ông thuận theo yêu cầu của bá quan đại thần và nhân dân, hoàn tục làm vua. Bởi nhiều năm sống trong tăng toàn, cho nên đối với những chuyện tốt và chưa được hoàn thiện trong tăng đoàn hơn ai hết ông biết rất rõ. Ông thấy, người xuất gia của Thái Lan có rất nhiều thể thống sinh hoạt, chẳng nghiêm khắc tuân theo qui định của đức Như Lai, do đó ông chỉ đạo chư tăng sáng lập tông phái mới, chính là Pháp tông phái. Tông phái cũ, gọi là Đại tông phái. Hiện tại Phật giáo Thái Lan, phần lớn thuộc Đại tông phái, mà toàn bộ lực lượng nằm trong tay Pháp tông phái, bởi Pháp tông phái được hoàng gia hậu thuẫn, tôn trọng. Như lão tăng hoàng đương kim đã 85 tuổi, và viện trưởng quốc vụ tăng-già…, đều thuộc Pháp tông phái. Hai phái này, cùng là Phật giáo Tiểu thừa Nam truyền, nắm giữ những qui luật Đức Phật chế định, Pháp tống phái càng nghiêm khắc hơn, còn Đại tông pháp muốn phương tiện dung thông một ít, nhưng tuyệt nhiên chẳng giống với phương tiện của Trung Quốc chúng ta. Đời thứ năm, ông làm vua khi còn rất trẻ, lúc đó tại Nhật Bản đang rầm rộ phong trào Minh Trị Duy Tân, Trung Quốc cũng có Quang Tự Đế Tân Chính. Vua đời thứ năm chịu ảnh hưởng của thời đại, cũng cách mạng rất lớn. Ông từng qua Nam Dương (các quần đảo ở Đông Nam Á), Châu Âu khảo sát, việc mở rộng giao thông, phát triển giáo dục, xây dựng chế độ văn quan tư pháp… của quốc gia, cho đến cải cách quân sự…, đều có thành tích rất tốt đẹp. Sở dĩ xưa nay nước Thái Lan có khả năng duy trì nền độc lập của họ, có rất nhiều nhân tố. Tín ngưỡng Phật giáo khắp cả nước và vương triều được tôn dùng, là hai vấn đề trọng tâm của Thái Lan ngày nay, cũng là hai sức mạnh an định vĩ đại, mãi đến hiện tại.

II. ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO THÁI LAN

    Đứng về khía cạnh lịch sử, Phật giáo có mặt trên thế gian này, kể từ đức cha lành Thích-ca Mâu-ni Như Lai thành đạo dưới cội Bồ-đề tại Ấn Độ, sau đó giáo lí giải thoát này phát triển thành tôn giáo của thế giới, Phật giáo được truyền bá ra bên ngoài, bắt đầu từ thời đại vua A-dục (Aśoka) của vương triều Khổng Tước. Vua A-dục cùng thời với Tần Thủy Hoàng nước Trung Quốc chúng ta, ông là đại hộ pháp nổi tiếng nhất trong Phật giáo. Ông hạ chỉ cung thỉnh các vị sư trong nước đi qua các nước lân cận truyền giáo, lúc đó có một phái đoàn đi theo hướng Nam truyền vào nước Sư Tử (Tích Lan). Kinh điển phái đó dùng, là dùng văn Pàli. Đầu tiên truyền vào Tích Lan, rồi từ Tích Lan truyền vào Miến Điện, lại truyền vào Thái Lan… Phía trên có nói đến 5 quốc gia Phật giáo, đều căn cứ vào ba tạng Pàli truyền từ Tích Lan. Y cứ vào sử Phật giáo Trung Quốc, các quốc gia Phật giáo phương Nam, không nhất định thuần túy Tiểu thừa, như Tích Lan, Nam Chiếu, cho đến Cao Miên cổ đại, vốn cũng đã có lưu truyền Phật giáo Đại thừa, thậm chí Mật tông. Nhưng Thái Lan từ vương triều Đại Thành đến nay, trải qua thời gian 600 năm mới trở thành thuần Phật giáo Tiểu thừa. Phật giáo Tiểu thừa, hoặc gọi là Phật giáo Nguyên Thỉ. Song theo tôi thấy, ví như Phật giáo Thái Lan, kinh điển họ dùng xác thật ba tạng bằng văn Pàli được truyền từ Tích Lan sang, nhưng chế độ Phật giáo của họ, cũng biểu hiện hoạt động tôn giáo, như vậy không thể nói hoàn toàn Phật giáo Nguyên Thỉ được. Tôi dẫn chứng những đặc sắc của Phật giáo Thái Lan, tôi cho đó không phải Phật giáo Nguyên Thỉ.

    1. Xuất gia: Ở Thái Lan, hầu như mỗi người đều phải xuất gia ít nhất một lần. Nếu không trải qua đời sống xuất gia, sẽ bị mọi người xem thường, đồng nghĩa không có chỗ đứng trong xã hội. Chế độ này rất đặc sắc. Vốn dĩ, đã phát tâm xuất gia sống đời phạm hạnh, giải thoát, nhưng nếu phiền não còn quá nặng, không có khả năng thích ứng với đời sống thanh đạm của người tu hành, anh có thể trở về đời, thậm chí có thể ra vào nhiều lần. Nhưng bất luận xuất gia hay tại gia, đều phải hợp pháp. Trong Phật giáo phân biệt giữa xuất gia và tại gia rất nghiêm khắc. Trung Quốc chúng ta, nếu một ai đó đã xuất gia mà hoàn tục, sẽ bị người ta khinh bỉ xem thường. Kì thật tư tưởng này sai lầm rất lớn, bởi vì mặc dù không thể tiếp tục đời sống xuất gia, vẫn có thể làm một tín đồ Phật giáo tại gia tốt. Nhưng tại Thái Lan, ngoài thiểu số ra, còn thông thường người ta xuất gia chẳng có dự tính mình sẽ trung thành mãi với đời sống đó, cho nên có người phát tâm xuất gia bảy ngày, hoặc nửa tháng, một tháng, ba tháng, thực tập đời sống của người tu hành trong thời gian ngắn, rồi trở về nhà. Nghe nói: Trước kia có vị quốc vương, xuất gia mấy năm, sau đó trở về làm vua tiếp. Bởi thấm nhuần giáo dục đặc thù của Phật giáo, tiếp xúc và thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, nhất định tâm địa sẽ từ bi, yêu thương và che chở dân chúng, siêng năng, sống giản dị, không lãng phí sức lực của đất nước, đem toàn bộ tinh thần để vào việc mưu cầu hạnh phúc, lợi ích cho dân chúng. Lúc đó, quan đại thần và nhân dân, thấy xuất gia quả thật là việc nên làm, mọi người cùng học tập theo, tạo thành nếp sống tốt ai ai cũng phải xuất gia ít nhất một lần, điều này được lưu truyền mãi cho đến ngày nay, và chắc chắn mãi đến mai sau. Tập tục nếp sống này, chẳng hợp với bản ý của Đức Phật, nhưng đối với Phật giáo Thái Lan nó phát sinh ảnh hưởng rất lớn, rất tốt. Thí như nói, những chuyện trong tăng đoàn, người tại gia cư sĩ không được biết, bởi đức Như Lai chế giới luật Tì-kheo, hàng cư sĩ không nên nghe. Nhưng tại Thái Lan, vì người nào cũng phải xuất gia, đối với qui định, lễ nghi trong Phật giáo, thậm chí xuất gia nên làm những gì, người tại gia nên như thế nào, họ đều tương đối hiểu rõ. Còn cư sĩ của chúng ta, hiểu biết rất ít. Bởi họ chẳng rõ cuộc sống tu hành cho mấy, vì thế cái không nên phê bình, lại phê phán loạn xạ cả lên; còn những thứ đáng phê phán, ngược lại tán thán ủng hộ. Năm ngoái, hoàng đế Thái Lan cũng xuất gia nửa tháng. Lúc đầu, viện trưởng Quốc vụ, viện trưởng Khu mật, quan chức trọng yếu trong triều đình, vì sức khỏe quốc vương không tốt, vả lại xuất gia không ăn chiều, sợ có vấn đề, cho nên có nhiều cuộc họp khẩn cấp tìm hướng giải quyết. Kết quả, quốc vương nói: Trẫm đi xuất gia, phải nhất nhất tuân thủ qui định đức Như Lai đã chế, quyết không ngoại lệ. Sau khi quốc vương xuất gia, qua giờ ngọ nhất quyết không ăn gì cả, ngay sữa bò cũng không uống, chỉ uống nước trong, mọi cử chỉ, hành động đều y theo giới luật, vô cùng nghiêm cẩn. Đợi đến lúc mãn kì xuất gia, trở lại thế tục, làm mới lại cuộc sống đế vương của ông. Quốc vương như vậy, những người khác cũng đều như vậy, họ đều trải qua một lần xuất gia, quyết định tuân thủ qui tắc của Phật giáo, thực hành đời sống xuất gia nghiêm túc. Do ai cũng từng xuất gia, cho nên ai ai cũng đều ủng hộ Phật giáo. Còn nữa, người Thái Lan đối với vấn đề xuất gia, xem hết sức quan trọng, có thể nói là việc long trọng nhất của đời người. Một đời của người Trung Quốc, kết hôn là sự kiện trọng đại, chết lại là sự kiện trọng đại. Song người Thái Lan, không xem trọng chuyện kết hôn. Nhưng họ cũng có hai sự kiện trọng đại của kiếp người, một là xuất gia, còn một là chết. Lúc xuất gia, phải cử hành lễ thật long trọng, bà con, bạn bè đều đến tặng quà chúc mừng, là buổi lễ lớn hiếm có nhất. Ở đây phải nói thêm một vấn đề: Phụ nữ Thái Lan, không được xuất gia. Lúc đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai còn thị hiện tại thế, nam nữ bình đẳng, đều có thể xuất gia như nhau, vậy vì sao phụ nữ Thái Lan lại không được phép xuất gia? Bởi vì họ tuân theo những điều chế định ngày xưa, coi trọng sự truyền thừa. Người nữ xuất gia, trước hết phải thọ giới ở nơi chúng Tì-kheo ni, sau đó đến giới đàn Tì-kheo cầu chứng minh, đây gọi là nhị bộ thọ giới. Trước kia ở Thái Lan, cũng có Ni chúng, nhưng sau đó vì lí do gì Ni chúng biến mất một thời gian. Về sau người nữ muốn xuất gia, cũng không có nơi để thọ giới, vả lại cũng không thể thành lập chúng Tì-kheo ni hoặc sản sinh Tì-kheo ni hợp pháp, cho nên mãi đến hôm nay, người nữ vẫn chưa được phép xuất gia. Có thể thấy, đối với những gì đức Như Lai chế định, họ hết sức tôn trọng, tôi nghĩ nếu là Phật giáo Trung Quốc, nhất định có thể châm chước.

    2. Tăng quan: Trước kia ở Trung Quốc cũng có Tăng quan, nhưng quan vị thấp, ẩn khuất dưới chính trị. Tăng quan của Thái Lan, phỏng theo tổ chức chính phủ, tự trở thành một hệ thống. Trong tăng quan Phật giáo, tối cao là tăng hoàng, dưới tăng hoàng có 4 vị tăng vương, phân ra đảm nhiệm chức vụ, viện trưởng Quốc vụ, bộ trưởng Tuyên truyền, bộ trưởng Phúc lợi, bộ trưởng Giáo dục. Dưới 4 vị tăng vương, có đại thần tăng-già, hoặc gọi tể tướng tăng-già, tính chất tương đồng với thứ trưởng, ti trưởng. Dưới đại thần tăng-già, có tăng quan cấp dưới. Hiện tại nước Thái Lan có 20 vạn (200.000) người xuất gia, hơn 3.000 tăng quan. Tất cả tăng quan đều có lương (đương nhiên lương không nhiều), do nhà nước cung cấp, hành động này thể hiện sự tôn trọng của chính phủ đối với Phật giáo. Được làm tăng quan hay không là do địa phương đề cử lên, ví dụ trong huyện hoặc thành phố, có vị đã xuất gia lâu, ít nhất cũng phải 5 năm trở lên, hoặc tinh thông Phật pháp, hoặc khéo léo giảng kinh thuyết pháp, hoặc có công trong việc trùng tu xây dựng chùa tháp, hoặc khéo thực tập thiền định, những vị như vậy được trình báo lên Tăng-già quốc vụ viện, viện này cho người về địa phương kiểm tra thực tế, nếu vị ấy quả thật như những gì địa phương trình báo lên, sẽ được thông qua chính phủ, phong chức Tăng quan, sau đó tăng lên dần dần. Cho nên lên được chức Tăng quan cao, luôn là những vị đạo cao đức trọng, tuổi đời tuổi đạo lớn. Chế độ Tăng quan này, thời đức Như Lai còn tại thế không thấy có, Trung Quốc, Nhật Bản cũng không có, có thể nói đây là chế độ đặc thù của Phật giáo Thái Lan. Qui chế Tăng quan này, tuy không thích hợp với những gì đức Như Lai chế định, song cũng có điểm tốt của nó. Có thể khuyến khích người xuất gia, hết lòng xuất gia, nỗ lực hướng thượng học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà. Như sau khi xuất gia, thân tâm luôn hướng về Phật pháp, dõng mãnh tinh tấn, tự nhiên địa vị đó sẽ dần được đề cao. Mọi tầng lớp nhân dân đối với người xuất gia được thọ chức Tăng quan, cũng đặc biệt tôn trọng cung kính. Tuy nhiên, chân chính phát tâm xuất gia, chẳng nhất định phải làm Tăng quan, nhưng do đạo đức, học vấn, hoặc nỗ lực hoằng pháp lợi sinh của thầy ấy, tự nhiên được mọi người suy cử làm Tăng quan. Tóm lại, qui chế Tăng quan đặc thù này, đối với Phật giáo Thái Lan, đến hiện tại vẫn còn rất nhiều ưu điểm.

    3. Tượng Phật, tháp Phật nhiều: Chùa chiền ở Thái Lan, tuy kiến trúc hình thức mỗi nơi mỗi khác, mỗi chùa mỗi khác, song bên trong lại thờ rất nhiều tượng Phật, vả lại cùng là tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đồng thời, tháp Phật cũng nhiều, trong chùa, xung quanh điện Phật, xây dựng rất nhiều tháp, đều hết sức trang nghiêm. Cơ sở của tháp là hình vuông, hoặc hình tròn, ngọn tháp nhọn, thông thường tháp không cao lắm; chỉ có một số ít đặc thù, kiến trúc rất cao to. Sở dĩ Thái Lan có nhiều tượng Phật, tháp Phật như vậy, vốn có duyên do của họ. Người Thái vì quan hệ mật thiết với Phật giáo, lúc họ còn sống, những người có địa vị, giàu sang, đúc một tượng Phật, hoặc xây dựng một tòa tháp, để sau khi họ qua đời, đem tro xương của họ để dưới tượng Phật, hoặc an trí vào tháp, quả thật điều này giống với việc đào sẵn huyệt của người Trung Quốc chúng ta. Thông thường những tượng tháp nổi tiếng, đều có thể biết, tháp này của vua đời thứ mấy; tượng Phật đó, là tượng do hoàng thân đế thích hoặc đại thần nào tạc. Theo lí mà nói, điều này hết sức không hợp pháp. Tro xương của người rất dơ bẩn, hôi hám, sao có thể để trong tượng Phật hoặc dưới tháp Phật trang nghiêm thanh tịnh! Tượng Phật hoặc tháp, tro xương của người bình thường, lẽ ra không nên để gần. Đoạn từ phi trường Lãng Mã của Băng-cốc vào thủ đô Băng-cốc, có ngôi chùa rất lớn mới được xây dựng. Nghe người ta nói, ngôi chùa này do thủ tướng Loan Phi Vấn nguyên soái và liêu thuộc (quan lại làm việc dưới quyền một viên quan lớn thời phong kiến, quan hệ với viên quan ấy) hai ông cùng phát tâm xây dựng. Mỗi người đều tạc một tượng Phật hoặc tháp, chuẩn bị sau này mình chết, sẽ an trí tro xương vào trong đó. Phong tục tập quán này, có thể nói vô cùng đặc thù, có lẽ chỉ Phật giáo Thái Lan mới có.

     4. Phật hộ thân: Tượng Phật hộ thân của Thái Lan, vô cùng thịnh hành. Những tượng Phật nhỏ đó, đeo trong mình, chứ không phải để thờ cúng. Tôi từng gặp hai kiều bào người Hoa, nói chuyện với người Thái Lan về Phật hộ thân, họ liền thò tay vào người kéo ra rất nhiều tượng Phật nhỏ. Thông thường một người, không chỉ đeo một tượng Phật! Nghe nói, đeo loại Phật hộ thân này, có thể được bình an, vả lại còn rất linh nghiệm nữa. Mấy năm trước, Liên Hiệp Quốc tuyên bố đánh Triều Tiên, lúc các nước chuẩn bị quân đội để đánh, Thái Lan cũng phái tiểu đội mang tính tượng trưng cùng tham gia với Liên quân. Đêm trước khi tiểu đội đó xuất phái, thủ tướng hạ lệnh, đưa cho mỗi người một tượng Phật hộ thân, bảo họ đeo vào mình, điều này có thể thấy cả nước có niềm tin đối với Phật hộ thân. Có người hỏi tăng hoàng: Hiện tại văn minh vật chất của các nước Âu Mĩ, có làm lay chuyển tín ngưỡng của người dân không? Tăng hoàng trả lời không. Thầy đáp: Xe hơi tối tân của Âu Mĩ, vận chuyển đến đây, chúng ta có thể đào tạo tài xế, lợi dụng loại công cụ này, để thọ dụng văn minh vật chất của Âu Mĩ. Nhưng trên người của mỗi tài xế, vẫn đeo nhiều tượng Phật hộ thân. Vận dụng tín ngưỡng Phật hộ thân và xe hơi, có thể phối hợp, chẳng chống trái nhau. Nghe nói: Nguyên soái Loan Phi Vấn, lúc đầu niềm tin của ông vào ba ngôi báu không sâu cho mấy, nhưng sau đó lòng tin càng ngày càng kiến cố. Bởi trong thời gian biến động chính trị, ông từng bị người ta bắn đến ba lần, cộng thêm mấy lần bị hạ độc, song kết quả ông vẫn được bình an, tai qua nạn khỏi, có lẽ nhờ vào tượng Phật hộ thân mà ông đeo chăng! Trong đại hội lần này, chính phủ Thái Lan chi ra 1.000 vạn tiền Thái (khoảng 50 vạn đô la Mĩ), để đúc tượng Phật nhỏ. Tượng họ chế tạo, do “Chế Tạo Ủy Viên Hội” chuyên môn đảm trách, còn người dân không thể tùy tiện chế tạo, tất cả phải hợp với qui tắc chế tạo tượng Phật. Chế tạo tượng Phật lần này, Ủy Viên Hội đặc biệt thỉnh mấy trăm chư tăng tụng chú gia trì, đặc biệt trong đó có một vị, bỗng nhiên trên đỉnh đầu phóng hào quang, ngay tức khắc, hàng ngàn hàng vạn tín chúng, đều xin thầy hãy chúc phúc cho họ, làm cho vị thầy đó không thể chối từ, kết quả vị đó phải ở lại chúc phúc cho hết. Tín ngưỡng giống như vậy, Nhật Bản cũng có (bùa hộ thân), Mật tông Tây Tạng cũng có; đây là tín ngưỡng phổ biến của Phật giáo Thái Lan, như vậy đâu thể nói là Phật giáo Nguyên Thỉ được!

    Những gì được bàn luận ở trên, Phật giáo Thái Lan có đủ những điểm đặc sắc, Phật giáo truyền vào Thái Lan, vì thích ứng với phong tục dân tình, nhu yếu của người dân ở đó, cho nên mới hình thành hình thái đặc biệt riêng, không phải những gì chúng ta tưởng tượng về Phật giáo Nguyên Thỉ.

III. TÌNH HÌNH CHUNG CỦA PHẬT GIÁO THÁI LAN

    1. Tin theo giáo điển và phương pháp tu hành: Các quốc gia Phật giáo phương Nam, đều tin theo tam tạng Pàli. Kinh họ truyền thọ, đại để gần với kinh A-hàm ở nước ta; luật, tức Quảng luật(1) của nước ta. Nhưng vì tông phái bất đồng, nên nội dung có thêm bớt ít nhiều. Luận, có 7 bộ A-tì-đạt-ma. Các nước Phật giáo phương Nam, đối với ba tạng giáo điển này, mỗi nơi chú trọng mỗi khác, như Miến Điện, hết sức coi trọng 7 bộ A-tì-đạt-ma, phong trào học tập, nghiên cứu rất thịnh hành. Mà ở Thái Lan, lại chú trọng kinh và luật, ít nghiên cứu luận. Trong ý nghĩ của họ, kinh và luật, do đức Như Lai đích thân nói ra, còn luận là sự tuyển tập của các luận sư đời sau, tự nhiên nó không tôn quí bằng kinh và luật. Tuy có truyền thuyết, ba tháng đức Như Lai ở trên trời thuyết pháp cho mẹ, những gì Ngài nói tức hệ A-tì-đạt-ma, nhưng truyền thuyết này, không được công nhận. Cho nên từ xưa đến nay, Phật giáo Thái Lan, đặc biệt Pháp tông phái, luôn đặc biệt chú trọng kinh, luật, không xem trọng luận cho mấy. Gần đây, Đại tông phái cũng cử người sang Miến Điện học tập A-tì-đạt-ma, song thành tựu chưa cao. Cho nên về phương diện nghĩa lí, suy đi xét lại, có lẽ vẫn theo không kịp quốc gia Phật giáo khác.

    Nói đến tu hành, Tì-kheo xuất gia của Thái Lan, hết sức chú trọng đến việc trì giới (nắm giữ, tôn trọng các nguyên tắc đạo đức). Không những đối với các giới trọng, như không sát sinh (bảo vệ mạng sống, ý thức những khổ đau do sự sát hại gây ra), không trộm cắp (tôn trọng quyền tư hữu, ý thức những khổ đau do lường gạt, trộm cắp và bất công xã hội gây ra), không tà dâm (bảo vệ tiết hạnh, ý thức hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng thủy chung, hòa thuận, nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống tiết hạnh và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của người khác), không nói dối (thực tập chính ngữ là lắng nghe, ý thức những khổ đau do lời nói thiếu chính niệm gây ra, xin nguyện nói lời chính ngữ, học hạnh lắng nghe để dâng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ)… tuân thủ và thực tập nghiêm cẩn ; mà ngay cả đắp y, ăn cơm, vào ra, ứng xử, thuyết pháp như thế nào, thậm chí lúc sắp chết phải nên như thế nào…, nói chung đều nhất nhất làm theo qui chế của Đức Phật. Trong luật vốn đã bao hàm y phục, ăn uống, ở, đi lại, thói quen sinh hoạt của tăng chúng. Phương diện này, các vùng tu theo Phật giáo Đại thừa, không những Phật giáo Nhật Bản, ngay cả Phật giáo Trung Quốc chúng ta, cũng không bì kịp với sự nghiêm túc của họ. Nước chúng ta nói đến tu hành, chú trọng “ăn chay niệm Phật, bảo vệ mạng sống, ý thức những khổ đau do sự sát hại gây ra, phóng sinh” (hầu như đặc biệt chú trọng nguyên tắc đạo đức không sát sinh). Hạng mục thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, nên là Tam học giới định tuệ, Lục độ, Tứ nhiếp. Tì-kheo Thái Lan đặc biệt chú trọng đến giới luật, có cuộc sống tương đối nghiêm túc, song đối với định, tuệ, hầu như chưa đạt đến trình độ tinh thâm. Lão tăng hoàng đương kim, nghe nói thầy đang tu tập quán sổ tức. Trong trường đại học của Đại tông phái, có thầy Tì-kheo người Triều Châu, tu định tương đối thành tựu. Người cai quản trường học, đặc biệt mời thầy ấy đến biểu diễn cho chúng tôi xem. Trước hết thầy ấy lạy Phật, sau đó nhiếp thân tĩnh tọa, chưa đầy một phút, thầy ấy đã đi sâu vào định. Sức định của vị ấy, tức là Sơ thiền, năm căn đều vắng lặng. Nghe nói, chư tăng Thái Lan ít có người tu tập thiền định, gần đây cũng cử người sang Miến Điện học tập Du-già, điều này đại để là từ Miến Điện truyền sang. Du-già vốn dĩ là pháp thế gian, phương pháp thực tập rất thịnh hành ở Ấn Độ. Theo Ni-hách-lỗ nói, toàn Ấn Độ có hơn vạn người đang thực tập Du-già. Nếu thực tập Du-già đạt đến trình độ tương đối, thân tâm có dấu hiệu thay đổi, có khả năng khêu gợi ra công lực vượt hơn người bình thường. Tôi xem qua vị Tì-kheo đó biểu diễn, trong tâm luôn cảm thấy không vừa lòng cho lắm. Thực tập thiền định, chẳng phải để làm trò, sao có thể biểu diễn tùy nơi tùy lúc chứ? Có lẽ quá ít người tu định, cho nên coi như chói lọi một cách thần kì. Nhìn chung, Phật giáo Thái Lan rất đáng khen, tuy định tuệ hơi thiếu, song lại có khả năng tôn trọng giới luật, có đời sống tôn giáo nghiêm túc. Giới là gốc của định và tuệ, có được giới học làm nền tảng, nếu chuyên tâm vào định tuệ, tin tưởng chắc chắn sẽ thành công lớn.

    2. Cơ cấu Phật giáo: Tổ chức của Phật giáo Thái Lan, tăng chúng xuất gia, có chế định Tăng quan, do Tăng quan phân ra cai quản, việc này đã nói rõ ở trên. Tại gia cư sĩ, có Tổng Hội Phật Giáo, nhiệm vụ của họ: Đoàn kết tín đồ Phật tử tại gia, hộ trì ba ngôi báu, trợ giúp với tăng đoàn, phát dương giáo pháp giải thoát của Phật-đà, ra sức làm các việc ích lợi xã hội. Về phía chính phủ, có ti tôn giáo, đây là cơ cấu liên hệ giữa chính phủ và tôn giáo. Trên thực tế, việc của ti tôn giáo rất ít, bởi những việc trong tăng đoàn, đã có tăng thân đứng ra giải quyết, không cần hỏi đến chính phủ. Công việc chủ yếu của ti tôn giáo, thay chùa viện thu thuế ruộng hoặc thuế nhà, cho nên tăng chúng và người dân, không có mối bất hòa trực tiếp về kinh tế. Như đại lễ lần này, nhiệm vụ của ti tôn giáo hết sức nặng nề. Tổng Hội Phật Giáo, thuần là tổ chức của người Phật tử tại gia, tính chất bất đồng với Hội Phật Giáo Trung Quốc chúng ta, vì họ chỉ chuyên hộ trì tăng đoàn, chẳng dính líu gì đến chuyện nội bộ của tăng đoàn. Đồng thời, cũng không giống với Cư Sĩ Lâm, Liên Xã… của Trung Quốc. Tuy tổ chức của họ rất chặt chẽ, rất có tổ chức, nhưng nếu muốn lễ Phật, nghe kinh, hoặc làm Phật sự, đều đến chùa làm, xưa nay chưa từng tranh chấp với tăng đoàn; không giống Liên Xã và Cư Sĩ Lâm nước ta, thành chùa miếu biến tướng. Mấy năm gần đây, Tổng hội Phật Giáo có những việc làm hết sức thiết thực cho xã hội, rất nhiều thanh niên thanh nữ, cũng phát tâm tham gia, cùng phối hợp phát triển Phật giáo. Giống như những việc này, đều do Tổng Hội Phật Giáo làm cả, còn chư tăng xuất gia sống với đời sống xuất gia của mình. Cho nên, Phật giáo Thái Lan, tuy tại gia xuất gia đều có tổ chức, mỗi tổ chức làm mỗi công việc, phối hợp lại, có khả năng cùng duy trì chính pháp, lợi ích chúng sinh. Trước kia, Đại sư Thái Hư từng kiến nghị Phật giáo Trung Quốc, nên chia tổ chức tăng ni và cư sĩ tại gia khác nhau; việc làm của tăng ni chuyên tâm vào thực tập và nghiên cứu phương pháp giải thoát của Phật-đà, hoằng dương Phật pháp; còn cư sĩ tại gia trợ giúp với tăng ni, hộ trì Phật pháp, phát triển việc từ thiện xã hội. Ý của thầy cùng với chế độ đang hiện hàng của Phật giáo Thái Lan, rất ăn khớp. Chỉ có điều, trước mắt Phật giáo Trung Quốc, vẫn khó làm được như vậy.

    3. Giáo dục xuất gia và giáo dục thông thường: Phật hóa giáo dục của Thái Lan, hết sức phổ biến, có trường học xã hội thông thường, có trường học Phật giáo chuyên nghiên cứu Phật pháp. Giáo dục xuất gia của họ, theo qui định của chế độ tân học, ba năm đầu, học Phật pháp bằng tiếng Thái, tương đương trình độ trung học, hai năm tiếp học tiếng Pàli, bằng với lớp dự bị của trường đại học, ba năm đại học, chuyên nghiên cứu giáo điển Pàli. Hiện tại Phật giáo Thái Lan có hai trường đại học, một của Pháp tông phái, còn một của Đại tông phái, đại học Phật giáo này hoàn toàn dành cho chúng xuất gia, không giống với các trường đại học thông thường của tín đồ Phật giáo Nhật Bản xây dựng. Trường đại học Pháp tông phái, có tám, chín trăm tăng sinh, còn Đại tông phái có hơn 1.000. Trường học Phật giáo của học viện văn Pàli và văn Thái rất nhiều, hầu như mỗi chùa lớn, đều có trường trung học Phật giáo, dạy Phật học bằng văn Thái; hoặc có học viện văn Pàli. Chính phủ Thái Lan đề xướng Phật pháp, cho nên có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với văn Pàli. Như đi nghĩa vụ quân sự, là nghĩa vụ mà mọi người công dân phải làm. Nhưng Thái Lan có pháp lệnh đặc thù: Bất cứ ai học Pàli đạt yêu cầu, sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự. Do đó chúng xuất gia học văn Pàli rất nhiều, vả lại họ đều nỗ lực hết mình. Còn về trường học phổ thông, cũng giống như các nước khác, phân ba cấp, tiểu học, trung học và đại học. Cấp tiểu học và trung học, phần lớn đều được dạy trong chùa, đều có người xuất gia dạy Phật pháp, mỗi tuần có một hoặc hai giờ. Ở cấp tiểu học, dạy cho các em biết về lịch sử và các câu chuyện liên quan đến cuộc đời của đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni Phật và đàm luận về bản sinh nhân địa Đức Phật, từ trong hạnh nguyện vĩ đại của chư Phật, Bồ-tát, làm cho các em đều có khả năng lãnh ngộ và lí giải được tinh thần vì nhân loại vì chúng sinh của Phật giáo. Cấp trung học dạy cho các em về những giáo nghĩa đơn giản mà hết sức căn bản của Phật giáo, như Nhân duyên, Tứ đế, Bát chính đạo. Những trường học này, tuy dùng chương trình học phổ thông làm chính, nhưng trong những trường này tiếng nói của người xuất gia rất có trọng lượng, nếu trường học hoạt động không tốt, hoặc giáo viên và viên chức nhà nước không thỏa đáng, liền kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh. Đến như trường học văn Pàli, học sinh toàn là người xuất gia. Giáo sư đại học, hơn phân nữa do người xuất gia đảm trách, bởi người xuất gia mới có hiểu biết Phật pháp chính xác và sâu sắc, vì đối với giáo nghĩa giải thoát của Phật-đà, không chỉ có kiến thức văn tự là đủ, đòi hỏi anh phải có năng lượng thực hành, mà điều này người cư sĩ hoặc học giả không thể sánh được với người xuất gia. Giáo thọ của những trường đại học này, sự đãi ngộ rất bèo, mỗi tháng chỉ được 300 tiền Thái. Toàn bộ vấn đề ăn mặc của người xuất gia, đều do thí chủ cúng dường, mỗi tháng có thêm 300 cũng đã quá nhiều, nhưng nếu bổ sung thêm các môn học khác, như ngoại ngữ hoặc các môn học xã hội khác, cần phải mời giáo thọ là cư sĩ hoặc học giả, thế thì sẽ phát sinh khó khăn, vì đãi ngộ quá thấp.

    Trong quá khứ, giáo dục của Thái Lan và Phật giáo, vốn là một. Trước khi chính phủ có chính sách xây dựng trường học, người dân nếu muốn học tập, phải đến chùa để học, cho đến xây dựng trường học theo lối hiện đại hóa, cũng được tăng chúng tận lực hợp tác. Sau đó, giáo dục phổ thông, mới có ít nhiều tách ra khỏi Phật giáo. Hiện tại có người phát hiện, giáo dục đã rời xa Phật giáo, đối với quốc gia, dân tộc Thái Lan chẳng hay tí nào. Giáo dục, phải chú trọng đến giáo dục tri thức, kỹ năng, nếu không có Phật giáo làm nòng cốt, có khả năng sẽ phát sinh ảnh hưởng không tốt. Cho nên gần đây, Tổng Hội Phật Giáo đang nỗ lực làm thế nào để đưa Phật giáo và giáo dục, càng có liên hệ mật thiết hơn, có được nhiều thành tựu hơn.

    4. Quan hệ giữa tăng chúng và tín chúng: Tồn tại và phát triển của tôn giáo, chủ yếu làm được những việc gì cho dân gian, mà có khả năng sinh khởi quan hệ mật thiết với tín chúng. Phật giáo Thái Lan, có khả năng phổ biến thâm nhập dân gian, trở thành chỗ dựa tinh thần cho hết thảy dân Thái, điều này tất nhiên không thể không kể đến công sức của tăng chúng. Nhưng mà, tăng chúng xuất gia của Thái Lan, chẳng giống như những gì tín đồ Phật giáo Đại thừa nói, hòa nhập với xã hội như thế nào, để giải quyết rất nhiều công việc, tạo tình cảm tốt cho dân chúng, họ chỉ tuân giữ vị trí và trách nhiệm của người xuất gia mà thôi. Như vậy làm sao có thể phát sinh quan hệ với xã hội? Thứ nhất, cúng dường chúng tăng: Tại Thái Lan, hễ trong nhà có việc gì, như tân gia nhà mới, khai trương cửa hiệu, hoặc cưới hỏi, sinh con, chúc thọ, bị bệnh, hoặc chết…, đều thỉnh chư tăng cúng dường, hoặc thỉnh đến nhà cúng dường, hoặc chuẩn bị thức ăn nước uống, đợi chư tăng đi khất thực mỗi sáng, cung kính dâng cúng cho các thầy. Sau khi tăng chúng thọ đồ cúng xong, đều hồi hướng chúc phúc lành cho họ. Việc khất thực và hành động cúng dường này, làm cho mối liên hệ giữa chư tăng và tín đồ ngày thêm mật thiết. Thứ hai, thuyết pháp: Mỗi một tự viện, đều có ngày hoằng pháp cố định, thông thường mỗi tuần một lần (Phật giáo Thái Lan không dùng ngày chủ nhật, bởi ngày này là thuyết bị thương của Thần giáo phương Tây). Qui chế xưa kia của Phật giáo, lấy hiện tượng tròn khuyết của mặt trăng để tính ngày. Như mùng 1, 15, mùng 8, 23, trong các tòng lâm Trung Quốc, tức là ngày phóng hương (nghỉ phép); Thái Lan lấy bốn ngày này làm ngày thuyết giảng phương pháp giải thoát của Phật-đà. Toàn thể dân chúng, mỗi khi đến ngày này, đều có thể nghe pháp. Như vậy, một bên tín đồ cúng dường, một bên tăng chúng thuyết pháp, Phật giáo và xã hội, chư tăng và dân chúng, vô hình trung đã tiếp cận với nhau rồi. Tại Trung Quốc, mỗi khi tín đồ có người thương qua đời, liền đến thỉnh hòa thượng tụng kinh bái sám. Dân chúng Thái Lan nếu gặp những chuyện như tang sự…, thì thiết lễ cúng dường tăng chúng; hoặc lấy ra một phần tài sản người chết để lại cúng dường xây dựng chùa tháp, ấn tống kinh sách. Tuy cũng có người đến chùa thỉnh chư tăng làm lễ siêu độ, nhưng rất ít, thời gian cũng ngắn, không giống Trung Quốc, hầu như họ lấy tụng kinh, bái sám làm nghề nghiệp của mình. Tóm lại, từ khi họ mới sinh ra, đến lớn kết hôn, cuối cùng chết, suốt cả đời đều thấm nhuần trong Phật hóa đời sống. Cho nên, chư tăng Thái Lan, tuy không màn đến thế sự, không làm các việc xã hội, nhưng lại tiếp cận với xã hội, liên hệ với tín chúng một cách mật thiết, rộng khắp, khai triển Phật giáo toàn diện.

     5. Tình hình sinh hoạt của chúng xuất gia: Sinh hoạt của tăng chúng Thái Lan, có thể nói trung thành một cách tối đa hình thức sinh hoạt khi đức Thích-ca Mâu-ni còn tại thế. Như mặc y phục, do thời tiết ôn hòa, xác thật có khả năng tuân thủ qui chế ba y. Ba y là ngũ y, thất y và đại y, đều có kiểu dáng như khi đức Như Lai còn tại thế. Y phục đơn giản, không giống Trung Quốc chúng ta, nào là áo đơn, áo kép, áo bông, giày, mão cả đống. Song, ba y của họ, đều màu vàng, có đúng với qui định ngày xưa hay không, vấn đề này cần nghiên cứu lại. Còn về ăn uống, cũng vẫn y theo qui định ôm bát khất thực như thời đức Như Lai còn tại thế. Tại thủ đô Băng-cốc, mỗi ngày từ 6h đến 6h30 sáng, toàn đường phố vàng rực màu vàng y của chư tăng khất thực, trong đó cũng phân làm hai phái, một phái ôm bát bằng tay, còn một phái tiện lợi hơn, dùng đãy đựng bát vào và mang đi. Họ khất thực rất dễ, chỉ đi một lúc, bát của vị nào cũng đầy ắp cơm và thức ăn, điều này có thể thấy tín tâm của người Thái Lan như thế nào rồi! Chư tăng Thái Lan, hầu như mỗi vị đều có một chú sa-di (hoặc một em thiếu niên) đi theo hầu, Tăng vương, Tăng quan không chỉ một người. Đây đều do dân chúng tự nguyện đem con cháu mình vào chùa phục vụ, một mặt làm việc cho chúng tăng, bòn mót phước; mặt khác học tập lễ nghi, nghe chư tăng giảng nói Phật pháp và chuyện cổ Phật giáo… Những em thiếu niên này, ở luôn trong chùa, ăn chung cơm với chư tăng khất thực có được. Chư tăng Thái Lan mỗi ngày khất thực một lần, đủ cho mình ăn hai bữa, chú tiểu nhỏ ăn ba bữa. Khất thực ngày nào, ăn ngày đó, không để dành lại ngày mai (đây là qui định của Đức Phật). Kinh tế sinh hoạt, y phục, ăn uống của chư tăng Thái Lan, đều hết sức đơn giản mà dễ giải quyết. Tôi thường nghĩ đến, người xuất gia của Trung Quốc, từ sáng đến tối, quá bận rộn với chuyện ăn mặc. Xưa nay trong các tự viện, dựa vào thu thuế, sản phẩm có từ ruộng đất, hoặc dựa vào hương hỏa, du khách, hoặc làm kinh sám để duy trì cuộc sống. Quanh năm luôn bận bịu với xã giao, đưa đi nhận lại, Phật sự chân chính, ngược lại bị lãng quên, hoặc cũng có làm nhưng rất ít. Bởi chư tăng Thái Lan thực hành chế độ khất thực, trong chùa không có nhà bếp, sẽ không có cư sĩ đến chùa ăn uống, giảm bớt rất nhiều chuyện thế tục do họ mang đến. Tiếp theo sẽ bàn đến vấn đề ở, điện Phật và tăng phòng riêng biệt, chính điện thờ Phật, rộng rãi thoáng mát, song không thể ở được. Ngay cả thầy hương đăng quản lí Phật đường, cũng không thể ở. Đối với những người mang tâm vụ lợi, có lẽ có chút gì đó tiếc giùm, kì thật chính điện phải như vậy, mới làm cho người ta có cảm giác thanh tịnh trang nghiêm, vun đắp thêm tinh thần tôn giáo trong tín đồ (tự viện ở Nhật Bản…, không cho quân đội hoặc cơ quan mượn dùng). Phòng ở của chúng tăng, đều nằm bên cạnh chùa, yên tĩnh thích hợp, có phòng tiếp khách riêng, trong đó cũng có các thiết bị hiện đại hóa. Nhưng phòng chư tăng, giường, đều rất đơn giản, ngay cả tăng hoàng vẫn ngủ giường nhỏ. Bởi qui chế của Phật giáo không cho phép chư tăng ngủ giường cao rộng lớn. Ở Thái Lan, người xuất gia đối với việc tu bổ, xây dựng chùa chiền, đều không quá lao lực, suy nghĩ. Chùa chiền là tài sản của Phật giáo, của Tam Bảo, nếu hư hoại, thì nên bảo tín chúng tu sửa; chúng tăng chỉ là người đề nghị trùng tu và đứng trên cương vị cố vấn mà thôi. Nếu phòng ốc hư hoại, tín chúng nơi đó không chịu phát tâm, thế thì đi nơi khác, tìm một chùa nào đó nương tựa tu tập. Nói thì nói như vậy, nhưng trên thực tế, chùa chiền của nước họ, hầu hết đều thanh tịnh trang nghiêm, không hư hoại đến nỗi chẳng có người tu sửa (ngoại trừ tình trạng đặc thù, hư hoại nặng như chùa tháp ở Đại Thành). Ngay cả ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh, người dân thưa thớt, chùa chiền nhỏ, nhưng cũng không đến tình trạng hư nát quá lắm, không người hỏi đến. Chư tăng Thái Lan, không phải lo mặc, không phải lo chỗ ở, ngay cả vấn đề thuốc men, giao thông…, cũng đều được chính phủ lo liệu. Ở Băng-cốc có một bệnh viện dành riêng cho chư tăng, trong đó có 2.500 giường bệnh, người xuất gia hễ bị bệnh, đều được chữa trị miễn phí, tất cả thuốc men, ăn uống… cũng đều miễn phí. Đồng thời, xe buýt trong thành phố, chư tăng đi không phải trả tiền; chỉ có đi xe hơi đường dài, mới phải trả tiền mà thôi. Được cái bình thường người xuất gia không có việc gì, cũng rất ít đi ra ngoài hoặc đi xa, họ luôn ở trong chùa tu tập.

     Phật giáo Thái Lan, vì tôn trọng những gì Đức Phật chế định, về cơ bản người xuất gia đều tuân thủ, thực hành giới luật của Phật, cho nên cuộc sống của họ rất đơn giản, y phục, ăn uống, chỗ ở, đi lại cũng dễ giải quyết, vả lại còn giảm thiểu rất nhiều phiền phức. Do đó, tăng đoàn dễ thanh tịnh, nhờ thế tín đồ sinh khởi tín tâm, cung kính cúng dường. Sở dĩ người xuất gia nước ta không được xã hội tôn trọng, thậm chí không được sự tôn kính của tín đồ, đại để có hai nguyên nhân, đó là sự ràng buộc liên kết của tiền bạc và nam nữ. Chỉ cần một vấn đề phát sinh, ngay lập tức bị người ta xem thường, làm cho tín chúng thối thất tín tâm. Trong chùa có ruộng đất cho người ta mướn, đương nhiên đến ngày giờ qui định người xuất gia phải đi thu, người mướn càng khó sinh tâm hoan hỉ. Người có tiền phóng lợi tức, thường dẫn đến các mối bất hòa. Hoặc muốn trùng tu đại điện, đắp vàng tượng Phật, bèn đi kêu gọi sự phát tâm của thí chủ. Tăng chúng đích thân đi xin, kinh phí lớn, phải đi nhiều lần, trong số đó nhất định có người tâm tà bất chính, sẽ làm tín chúng phản cảm, thối thất tín tâm. Còn vấn đề nam nữ, không những phạm giới, bị người ta khinh khi hủy báng, ngay cả không làm việc gì sái quái, song nếu chẳng tránh xa, tiếp xúc quá nhiều, nhất định sẽ sinh ra chuyện rắc rối, bị người ta khinh khi. Chư tăng Thái Lan tuân thủ thực hành luật Tiểu thừa, đối với chuyện này đặc biệt xem trọng. Vì để giảm bớt duyên xấu, tránh những điều thị phi, hồ nghi của mọi người, Tì-kheo xuất gia, ngay cả việc đụng chạm vào thân thể người nữ, cũng không thể. Trên xe buýt, nếu không có người nam ngồi giữa, thì đứng chứ không được ngồi chung ghế với người nữ. Cho nên, đi trong thành phố, người xuất gia lúc nào cũng chú ý, cẩn thận, bằng không lỡ vô ý đụng vào thân người nữ, thì không được. Được cái tất cả phụ nữ Thái Lan, gặp người xuất gia, đều hiểu phải nên tránh hoặc nhường đường, chỗ ngồi cho các thầy. Theo những tình hình sinh hoạt của chư tăng Thái Lan, có thể nói, hai vấn đề lớn làm cho Phật giáo điêu đứng: tiền bạc và nam nữ, người xuất gia Thái Lan, về cơ bản giải quyết được vấn đề này. Bởi vì y phục, đồ ăn thức uống, phòng ốc, đi lại, đều được giải quyết, do đó không có chuyện tham lam vô độ; giữa nam nữ, lại được giữ khoảng cách nghiêm chỉnh như vậy. Điều này tự nhiên trở thành tăng đoàn tương đối hòa thuận vui vẻ, thanh tịnh, được mọi người tôn trọng.

     Lòng cung kính của dân chúng Thái Lan đối với người xuất gia, lên đến cực điểm, tuyệt đối 100%. Cư sĩ lễ lạy người xuất gia, người xuất gia không cần lễ đáp lại, cũng không nhất thiết nói lời khách sáo (điều này người Phật tử nước chúng ta chưa làm được, nếu anh lễ bái tôi mà tôi không đáp lại hoặc nói gì, nhất định anh sẽ cho tôi ngã mạn, cống cao, lần sau không thèm lễ bái nữa. Song, đối với tôi mà nói, khi lễ bái người, tôi không mong họ sẽ đáp lại, bởi lễ bái là hành động thể hiện lòng cung kính đối với người khác, cho nên dù họ có đáp lại hay làm ngơ, tôi cũng hết sức hoan hỉ, vì tôi đã làm tròn tâm nguyện của mình. Nhưng, người xuất gia, là người đại diện cho cái đẹp, cho oai nghi, cho đạo đức, khi được người ta cung kính, mình cũng nên đáp trả lại, không được làm ngơ hoặc im lặng). Nếu mình đang nói chuyện với họ, mình nói thì mình cứ nói, họ lễ lạy họ vẫn lễ lạy, hành động này chẳng có thất lễ, bởi vì họ lễ bái người xuất gia, là hành động cung kính Tăng bảo, họ đang tu tập phước đức cho mình, chẳng phải khách sáo. Thông thường dân chúng, đi ngang qua trước mặt người xuất gia, đều phải cúi đầu, rồi lặng lẽ nhẹ nhàng đi qua một bên. Nếu có việc gì muốn thưa hỏi người xuất gia, đầu tiên quì xuống, chắp tay lại, sau đó cung kính nhỏ nhẹ thưa hỏi. Tín đồ cúng dường tăng chúng, đồ dùng cá nhân, như khăn mặt…, nếu là Phật tử Trung Quốc chúng ta, đưa cho thầy trụ trì hoặc vị có nhiệm vụ phân phát coi như đã xong. Nhưng ở Thái Lan, thí chủ đích thân đem phẩm vật, cúng dường đến từng vị một, nhất nhất kính lễ. Họ cung kính người xuất gia, quyết chẳng phải một thầy, hai thầy hoặc một vài thầy nào đó, mà là cung kính toàn thể Tăng bảo Phật giáo (điều này người Phật tử nước ta càng không thể sánh được với họ. Tôi thấy phần lớn Phật tử đến chùa chỉ biết có thầy trú trì, phó trú trì hoặc một vài thầy lớn nổi tiếng nào đó mà thôi, chứ còn tất cả tăng chúng họ chẳng cần quan tâm, nhiều khi họ tưởng mình quen với thầy trú trì, phó trú trì hoặc các thầy lớn là oai lắm, nên coi các sư chú chẳng ra gì, tôi không dám nói có trường hợp la lối, chửi bới mấy sư chú nữa. Nói đi phải nói lại, sở dĩ họ có hành động bất kính, coi thường tăng chúng như vậy, phần lớn do các thầy mình cả, do các thầy mình không biết dạy Phật tử, do các thầy mình bị ràng buộc bởi một cái gì đó, có thể là vật chất chăng! Tình cảm chăng! Kì thật, người Phật tử đến chùa với tâm ngã mạn như vậy, nhất định sẽ không có được lợi ích, bởi không tôn kính Tăng bảo, vì ai dám phủ nhận, một sư chú sa-di nhỏ tuổi, ai dám chắc sau này vị đó không phải bậc thánh, Bồ-tát, Phật). Miễn là người xuất gia, bất luận già, trẻ, chỉ cần cạo đầu, đắp y vàng, đầy đủ tướng Tì-kheo, chính là đại diện cho Tăng bảo, cần phải cung kính cúng dường, bình đẳng như nhau, tuyệt đối không phân biệt hình tướng bên ngoài. Người Trung Quốc chẳng hiểu ý nghĩa cung kính cho lắm, tín chúng tại gia, chỉ biết cúng dường vị thầy mình quay về nương tựa (thầy bổn sư), hoặc những vị đại pháp sư nổi tiếng. Lúc tôi còn ở Hông Kông, nghe một vị cư sĩ nói thế này: “Chỉ cần pháp sư có tài có đức, tự nhiên có người cúng dường”. Lời này sai lầm hết sức, nếu vị nào có đạo đức có học vị mới cúng dường, thế thì những sư chú mới xuất gia, học vị và đạo đức chưa đủ, có ai cúng dường chứ? Tôi cũng thường nghe hàng cư sĩ nói, vị Pháp sư đó mới là Tăng bảo; ý người này muốn nói, ngoài vị pháp sư đó ra, chẳng ai được gọi là Tăng bảo cả. Cho nên có một số cư sĩ, đối với thầy của mình hoặc đại Pháp sư, cũng cung kính lễ bái, nhưng nếu gặp người xuất gia bình thường, thì bộ mặt vênh vênh vao váo, chẳng thèm ngó đến, giống như những vị đó tuổi tác không bằng mình, học vấn, học vị thấp hơn mình, cho nên không đủ tư cách đại diện cho Tăng bảo. Quan niệm này, làm chướng ngại sự phát triển hợp lí của người xuất gia Phật giáo, cũng chính là không hiểu được ý nghĩa chân chính của việc cung kính ba ngôi báu. Tại Thái Lan, tình hình càng không giống với Trung Quốc chúng ta. Theo những gì người ta kể, trước kia có vị quốc vương đi ra ngoài, gặp vị tăng, vốn dĩ họ đã quen biết nhau từ trước, vị tăng nghiêng mình trước đức vua, quốc vương khó chịu và ấy nấy vô cùng. Ông ta nói: “Con là đệ tử tại gia, thầy là Tì-kheo, sao lại hành lễ với con chứ?” Chúng tôi đi Thái Lan lần này, kiều bào người Hoa nói với chúng tôi, nếu có ai chắp tay hoặc lễ bái chúng tôi, nhất thiết không cần làm khách với họ. Thấy những em bé, cũng không được nựng hoặc xoa đầu, sờ vào người các em, càng không được nắm tay hoặc bắt tay với người khác (dù người đó là nam giới). Tóm lại, nhân sĩ Thái Lan, từ trên xuống dưới, đều hết sức cung kính chư tăng; điều này cho thấy sự hưng thịnh của Phật giáo Thái Lan.

    6. Niệm chú: Mật chú của Thái Lan hết sức thịnh hành, trong 20 vạn người xuất gia, ít nhất cũng có hơn 2.000 chú sư. Những người xuất gia niệm chú này, nghe nói cũng có rất nhiều thần kì linh nghiệm. Dân gian đối với các chú sư, cực kì tin tưởng, như bị bệnh hoạn, hoặc gia đình xảy ra chuyện bất như ý, đều thỉnh chú sư niệm chú gia trì. Thậm chí muốn phát tài, mua vé số, cũng đến thỉnh giáo chú sư, đến nỗi Tăng hoàng phải hạ chỉ cấm chú sư không được cho tín đồ số. Nhưng dân chúng vẫn đổ xô vào, tìm mọi cách, để cầu một chút gợi mở của chú sư.

    Vốn, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Tích Lan, lại từ Tích Lan truyền sang các nước, như Miến Điện, Thái Lan… Căn cứ vào giáo điển Pàli, chẳng có lưu truyền mật chú này. Nhưng theo sử Phật giáo cổ đại cho biết, cả vùng Tích Lan, Thái Lan, Cao miên, kì thật cũng có Đại thừa, cũng có mật chú, chỉ vì sau đó Đại thừa suy yếu, trở thành vùng đất thuần túy Tiểu thừa. Giáo nghĩa thậm thâm của Đại thừa tuy không còn tồn tại, nhưng sự lưu hành của mật chú trước kia, vẫn có thầy truyền lại. Mật chú vốn là thầy truyền cho trò, truyền thừa xuống dần, trải qua thời gian quá dài, cũng chẳng biết rốt cuộc nó được bắt đầu từ lúc nào. Mọi người chỉ có tín ngưỡng, nhận định nó không chống trái với ba tạng Pàli mà thôi.

     7. Tổng kết: Thông thường người dân Thái Lan, có tín tâm hết sức tốt đối với Phật giáo, có thể nói chân chính biểu hiện hai chữ “tín kính”. Tín đồ tại gia, luận về việc tu hành, chỉ giữ ba phép quay về nương tựa và tuân thủ năm nguyên tắc đạo đức, bố thí làm phước, thì đã đầy đủ rồi, không giống với Trung Quốc chúng ta, cảnh giới tu tập cao, lí tưởng vĩ đại. Đây có lẽ trình độ tri thức chung của dân chúng Thái Lan thấp, cho nên đối với ý nghĩa thậm thâm phương pháp giải thoát của Phật-đà, cho đến lí tưởng cao cả nên biến thành hiện thực của lòng tin Phật, chưa được xem trọng đúng mức. Nhưng cũng nhờ như vậy, mà trên dưới Thái Lan đều nhất trí, ai ai cũng tin Phật, Phật giáo truyền bá rộng khắp, mà chẳng có hiện tượng trở thành vật sở hữu riêng của một bộ phận nào. Sau này, nếu có khả năng phối hợp giáo nghĩa và hành trì cao thâm, làm cho Phật giáo phát triển càng hợp lí, càng chính xác, đó mới là Phật giáo mà nhân loại khao khát hi vọng!

 


     (1). Quảng luật (廣律): Cũng gọi Quảng giáo. Luật nghi có nội dung rõ ràng đầy đủ, là qui củ sinh hoạt của Tì-kheo và Tì-kheo ni.

Sau khi đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn thành đạo 12 năm, trong hàng đệ tử, người phạm tội dần dần thêm nhiều, Ngài y cứ theo giới luật phải thọ trì mà nói rộng từng giới một. Luật tạng ghi chép duyên khởi của mỗi giới và nói rõ về từng giới này, gọi là Quảng luật. Các bản dịch bằng tiếng Hán có 5 loại, là luật Tứ Phần, luật Thập Tụng, luật Ma-ha Tăng-kì, luật Ngũ Phần và luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Quảng luật nói chung bao gồm 3 phần:

a. Ngũ thiên Nhất tụ: Nói rõ nguyên nhân hình thành các giới cấm và qui tắc xử phạt.

b. Kiền-độ: Những qui định cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày của chúng tăng.

c. Các điều mục phụ thuộc.

Trong đó, những giới điều được nói ở phần 1, gọi là Giới bản (Ba-la-đề-mộc-xoa). Trong 5 bộ Luật tạng, Ca-diếp-duy bộ chỉ truyền Giới bản chứ không truyền dịch Quảng luật; Phật giáo Nam truyền thì truyền Quảng luật bằng tiếng Pàli.

 
00:00