Chương III: GIA ĐÌNH

    Gia đình là một tổ chức rất được coi trọng trong hệ thống tư tưởng Phật giáo. Trong văn học Phật giáo có đề cập đến hai loại gia đình là gia đình hạt nhân (chỉ có cha mẹ và con cái trong một ngôi nhà, thường phổ biến ở các nước phương Tây) và gia đình mở rộng (ngoài cha mẹ và con cái, còn có ông bà, chú bác, cháu chắt… loại gia đình này thường thấy ở các nước Châu á). Gia đình là nơi các thành viên gắn bó với nhau dựa trên mối quan hệ thân thiết, tình cảm và có tính đặc trưng riêng.

    Một gia đình, dù là hạt nhân hay mở rộng đều có mối quan hệ gần gũi với bà con, họ hàng. Chức năng của một gia đình bao gồm các việc sau: Tương quan giúp đỡ lẫn nhau; phụng dưỡng cha mẹ, ông bà; chăm sóc vợ con; cư xử tôn kính với các bậc trưởng thượng và rộng rãi với họ hàng thân thiết. Sự tương trợ tương kính lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình như cha mẹ, vợ chồng, con cái hay bà con quyến thuộc là điều hết sức cần thiết đem lại thành công cho gia đình khi tham gia vào các hoạt động xã hội.

    Phật giáo nêu ra một số chức năng quan trọng của gia đình (ngoài các chức năng hiện có) như sau:

    1. Các hoạt động kinh tế như làm ăn buôn bán là điều cần thiết để nuôi gia đình.

    2. Giúp con cái hòa nhập vào xã hội bằng cách dạy chúng những giá trị tích cực của cuộc sống.

    3. Thỏa mãn nhu cầu ‘quan hệ’ trong cuộc sống vợ chồng.

    4. Tư vấn về tâm lý cũng như bảo vệ an toàn cho các thành viên trong gia đình mọi lúc mọi nơi.

    Gia đình là một đơn vị hay nhóm cơ bản trong hệ thống xã hội rộng lớn. Bằng những mối quan hệ khác nhau, các gia đình trong xã hội liên kết lại với nhau. Hôn nhân là một trong các tác nhân tạo mối liên kết đó. Hôn nhân không chỉ tạo ra mối quan hệ thân thiết giữa các gia đình xa lạ mà còn tạo ra mối quan hệ gần gũi, thắt chặc giữa các thành viên trong các gia đình đó. Mỗi khi hai người tiến đến hôn nhân thì cũng là lúc một mối quan hệ họ hàng mới ra đời.

    Khi một chàng trai cưới vợ hay một cô gái lấy chồng sẽ khởi đầu cho một gia đình mới nằm trong hệ thống của một gia đình mở rộng, cũng như bắt đầu một mạng lưới các mối quan hệ họ hàng rộng lớn hơn. Điều này sẽ khiến cho gia đình mới nhận được sự giúp đỡ từ các thành viên trong đại gia đình mở rộng hay họ hàng thân thiết trong thời kỳ đầu tạo dựng mái ấm riêng của mình. Phật giáo quan niệm rằng, gia đình mở rộng và bà con thân thuộc là yếu tố chính giúp gia đình mới hòa nhập với xã hội.

    Khi một nàng dâu về nhà chồng, mặc nhiên cô ta có thêm một người cha mới, người mẹ mới. Ngược lại, chàng rể cũng kính trọng cha mẹ vợ như là cha mẹ của mình. Phật giáo ủng hộ quan điểm này vì nó giúp đôi vợ chồng trẻ hòa nhập với gia đình hai bên dễ dàng hơn. Điều đó không những gắn kết gia đình và bà con họ hàng hai họ lại với nhau, mà còn tạo ra mối tương quan lẫn nhau giữa các thành viên trong hai gia đình này. Do đó, việc tách biệt vai trò của chàng rể hay nàng dâu trong gia đình vợ hay chồng là điều không cần thiết. Nàng dâu chính là con gái mới của cha mẹ chồng và ngược lại, chàng rễ là đứa con trai mới sinh của cha mẹ vợ.

    Cha mẹ được sánh như đấng Phạm Thiên và đôi khi còn được xem là Phật trong nhà. Cha mẹ là món quà quý nhất, lớn nhất của cuộc đời. Cha mẹ luôn luôn dành tình thương cho những đứa con mình. Do đó, kẻ trí nên phụng dưỡng cha mẹ, lễ bái cha mẹ, chăm sóc và cung cấp cho cha mẹ thức ăn, nước uống, quần áo, giường nệm, xoa bóp thân thể khi cha mẹ ốm đau v.v.. Người con chí hiếu không những luôn được các bậc Thánh ngợi khen và hộ trì, mà còn sanh thiên trong kiếp sau(1).

    Trong kinh có nêu rõ bổn phận và trách nhiệm của một người con hiếu thảo đối với cha mẹ như sau:

    1. Phụng dưỡng, bảo vệ và cung cấp những thứ mà cha mẹ cần.

    2. Làm gia tăng tài sản của cha mẹ.

    3. Giữ gìn thanh danh gia đình.

    4. Rèn luyện nhân cách để xứng đáng là kẻ thừa tự của cha mẹ.

    5. Làm việc công đức để hồi hướng cho cha mẹ khi họ qua đời.

    Ngoài ra, bậc làm cha mẹ phải có bổn phận giúp con mình hòa nhập với xã hội, dạy phân biệt điều hay lẽ phải trong cuộc sống; cho ăn học; cưới vợ gã chồng khi trưởng thành; trao cho con mình quyền quản lý gia sản tùy theo khả năng.

    Khi con đến tuổi trưởng thành, những gì mà cha mẹ cung cấp hay quan tâm đến con cái thì chúng sẽ cũng làm như thế với cha mẹ. Người con sẽ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ đặc biệt khi tuổi già, bệnh tật v.v.. Như thế, nhà nước không cần phải thành lập các viện dưỡng lão để chăm sóc các cụ già. Việc giữ gìn thanh danh gia đình luôn được các bậc cha mẹ, chú bác quan tâm, lo lắng. Thậm chí, sau khi cha mẹ qua đời, con cái tiếp nối các hoạt động của họ về xã hội và tôn giáo để duy trì thanh danh gia đình.

    Khi thực hiện tốt vai trò của mình, cả cha mẹ và con cái sẽ giảm thiểu được những lý do dẫn đến sự xung đột phát sinh giữa họ. Nếu chúng ta kính trọng cha mẹ thì vợ và con cái cũng sẽ kính trọng cha mẹ và ông bà. Việc kính trọng đối với những người có liên quan sẽ bảo vệ gia đình khỏi những nguy hiểm phát sinh từ bên ngoài. Sự kính trọng hay tôn trọng như thế không diễn ra một chiều, mà có sự tương kính lẫn nhau.

    Trong gia đình, bổn phận và trách nhiệm giữa vợ và chồng được xây dựng dựa trên sự kính trọng lẫn nhau. Sự kính trọng này thể hiện trong ngôn từ và cử chỉ mà người chồng dành cho vợ mình. Người chồng không nên vô cớ nóng giận hay buông lời chửi mắng làm tổn thương đến tinh thần của vợ.

    Người chồng luôn chung thủy với vợ. Và đó cũng là phẩm chất của người vợ. Đàn ông một khi không vừa ý với vợ mình sẽ đi tìm người phụ nữ khác, khiến cho gia đình đổ vỡ(2). Vợ chồng nên xây dựng gia đình trên nền tảng yêu thương, tin tưởng và kính trọng lẫn nhau. Chính sự yêu thương, tin cậy và kính trọng đó là động cơ thúc đẩy người chồng giao phó tài sản gia đình cho vợ quản lý. Do vậy, người phụ nữ hay người vợ có một vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống gia đình.

    Người chồng còn có phận sự mua sắm quần áo và trang sức cho vợ mình. Việc làm đó làm đẹp lòng chị em phụ nữ, đặc biệt được chồng mình mua tặng, như một cách tỏ lòng yêu quý vợ. Cuộc sống gia đình như thế tràn đầy tình yêu thương, cảm xúc và chân thành.

    Vai trò giữa vợ và chồng được bổ sung cho nhau dựa trên nguyên tắc bình đẳng. Người vợ chăm sóc và quán xuyến gia đình, chuẩn bị các bữa ăn cho chồng và con cái. Để thực hiện tốt vai trò nội trợ này, người vợ nên biết sở thích hay khẩu vị của chồng, con cũng như các thành viên khác trong gia đình. Thực phẩm là một khoản quan trọng trong gia đình mà người vợ nên quan xuyến để sắm sửa đầy đủ cho các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè thỉnh thoảng tới thăm. Những bữa ăn đầm ấm, ngon miệng là cách chinh phục trái tim người chồng sâu sắc nhất.

    Người vợ phải rộng lượng, yêu quý bạn bè và họ hàng của chồng. Như đã đề cập, người vợ đối xử với cha mẹ chồng như là cha mẹ thứ hai của mình. Họ hàng thân quyến, bạn bè của chồng cũng được người vợ đối đãi hết mực kính trọng và thân ái.

    Một vai trò quan trọng khác của người vợ là quản lý hay giữ gìn tài sản mà chồng mình kiếm được, không để tiền của gia đình hao hụt hay lãng phí. Để thực hiện tốt vai trò này, người vợ phải luôn siêng năng, tâm tính sáng dạ, nên học cách chu toàn phận sự. Trong ngữ nghĩa này, người vợ phải có được sự giáo dục hoàn hảo.

    Trong cuộc sống gia đình, tình dục là một nhân tố quan trọng mà hai vợ chồng cùng quan tâm. Trong hôn nhân, ngoài các nhân tố khác, sự tương thích về tình dục được cho là rất quan trọng. Điều này lý giải cho việc hôn nhân quá chênh lệch tuổi tác giữa cô dâu và chú rể thường ít được ủng hộ. Vợ chồng phải nên thấy rằng họ thật sự thỏa mãn tình dục khi sống chung với nhau. Sự đáp ứng về tình dục giữa hai vợ chồng sẽ là liều thuốc ngăn chặn việc tìm kiếm thỏa mãn từ bên ngoài. Ở đây, trong phạm vi hôn nhân, vợ chồng phải hòa hợp trong sinh hoạt tình dục để cả hai không cần tìm kiếm các thú vui nhục dục nơi khác.

    Trong kinh Tăng Chi Bộ có đề cập tới bổn phận và trách nhiệm của một người vợ trong gia đình như: Sắp xếp việc gia đình có hiệu quả, quan tâm tới người ăn kẻ hầu trong nhà, làm vui lòng chồng, quản lý tài sản mà chồng kiếm được, có lòng tin tôn giáo, mộ đạo, đức hạnh, tốt bụng và rộng lượng(3).

    Một lần nọ, đức Phật đã chỉ dạy cách làm dâu cho một nhóm thiếu nữ sắp kết hôn. Ngài dạy rằng: Người vợ trẻ phải thức khuya dậy sớm, siêng năng làm việc, sắp đặt việc nhà tươm tất, ăn nói dịu dàng, tôn trọng và quý kính đối với những người mà chồng mình kính trọng. Người vợ trẻ nên học những nghề dành cho nữ giới như thêu thùa, may vá v.v... Những người vợ trẻ phải khéo léo trong các nghề thủ công, chăm sóc cho người bệnh và đày tớ trong nhà, bảo quản của cải vật chất mà chồng kiếm được. Nếu người vợ làm được như thế, thì họ sẽ có được vị thế trong gia đình và thế giới này như nằm trong tay họ(4).

    Sự thành công trong từng vai trò (như kể trên) riêng biệt của người vợ trong mắt người chồng tùy thuộc vào thái độ, sở thích và tính cách của mình. Một lần nọ, đức Phật đã dạy cho một cô vợ kiêu ngạo, ỷ có sắc đẹp và dòng dõi xuất thân của mình nên thường xuyên cư xử hỗn láo với chồng và cha mẹ chồng. Bài pháp này làm cô ta hạ thấp tính cao ngạo và kiêu căng. Đức Phật đưa ra nhiều vai trò khác nhau mà một người vợ có thể lựa chọn trong mối quan hệ với chồng như sau: Vợ như kẻ sát nhân, như người chị, như người thầy, như người mẹ, như kẻ cướp, như người bạn và như người đày tớ. Sau khi giải thích tỉ mỉ các vai trò trên, đức Phật hỏi cô ta chọn cách làm vợ nào. Lòng kiêu căng của cô ta đã bị đức Phật chế ngự nên tự chọn vai trò của mình như kẻ đày tớ của chồng. Tuy nhiên, Phật giáo thường khuyến khích vai trò như người bạn của vợ đối với chồng. Người vợ chính là người bạn thân thiết nhất của chồng mình(5).

    Người vợ trẻ rời gia đình cha mẹ ruột đến làm dâu trong một môi trường mới, ngôi nhà mới. Đây là thời gian khiến cho tâm lý và văn hóa ứng xử của người vợ trẻ xáo trộn và căng thẳng. Cô ta bắt đầu phải làm quen với những người xa lạ, không còn sự đùm bọc yêu thương của cha mẹ, mất các mối thâm giao đã có. Đó là lý do tại sao trong thời gian cưới hỏi một số gia đình được chọn để tư vấn cho cặp vợ chồng trẻ bước vào một cuộc sống mới(6). Bất cứ khi nào có những rắc rối xảy ra đối với cặp vợ chồng trẻ, thì nhóm cố vấn này có vai trò như ‘lò xo giảm sốc’ đưa ra những lời khuyên để giúp họ có thể vượt qua phong ba bão tố.

    Văn học Phật giáo có đề cập tới tục đa thê lẫn chế độ một vợ một chồng rất phổ biến trong xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng Phật giáo chỉ khuyến khích chế độ một vợ một chồng. Đàn ông chỉ ham muốn với người vợ của mình thường được xem là đức hạnh đáng ca ngợi, “Không nên chung chạ vợ người khác”(7).

    Những quy tắc liên quan đến thể chế gia đình thường được quy định bởi cộng đồng mà chúng ta đang sống. Khi những quy tắc hay ứng xử xã hội bị vi phạm thì chính cộng đồng đó sẽ phê phán và lên án. Câu chuyện về một ông lão bị các đứa con thuyết phục chia gia tài để rồi bị con mình đẩy ra đường. Câu chuyện này nói lên vai trò song phương giữa cha mẹ và con cái bị chà đạp. Cha mẹ đã làm tròn bổn phận của mình, nhưng con cái đã phớt lờ công ơn dưỡng dục đó.

    Khi quy tắc này bị vi phạm, dư luận xã hội sẽ lên án, phê bình. Ông lão bị những đứa con bất hiếu ruồng bỏ bèn đến gặp đức Phật. Ngài dạy ông lão học thuộc lòng bài kệ và bảo ông đọc to lên khi dân chúng tụ tập ở hội trường làng.

Khi chúng sinh, tôi mừng

Tôi muốn chúng sinh thành.

Cùng vợ, chúng âm mưu,

Chống tôi và đuổi tôi,

Chẳng khác gì con chó,

Xua đổi bầy heo lợn,

Ác độc và lỗ mãng

Chúng gọi tôi: “Cha thân”.

Chúng thật quỷ Dạ-xoa,

Ðội lốt là con tôi,

Và chúng trục xuất tôi,

Khi tôi đến tuổi già,

Như ngựa già suy nhược,

Bị tẩn xuất chuồng ăn.

Nay cha già bọn trẻ,

Phải ăn xin nhà người,

Thà cho tôi cái gậy,

Hơn lũ con bất hiếu.

Với gậy, chận bò dữ,

Chận được loại chó dữ,

Chỗ tối dò an toàn,

Chỗ sâu, tìm chân đứng,

Với sức mạnh chiếc gậy,

Vấp ngã đứng dậy được(8).

    Sau khi đọc bài kệ ấy ở nơi đông người, quần chúng đã phẫn nộ, lên án những đứa con bất hiếu này. Áp lực từ dư luận quần chúng đã khiến những người con của ông lão hổ thẹn, nhận thức được lỗi lầm của mình nên đã thay đổi cách đối xử với cha mình.

    Điều này cho thấy có những giá trị và các quy tắc của các nhóm thiểu số đã được củng cố bởi những giá trị tương tự của các nhóm đa số. Những quy tắc và giá trị của thể chế gia đình ở đây được tăng cường bởi các giá trị tương tự trong cộng đồng. Cộng đồng bao gồm bạn bè, bà con thân quyến và hàng xóm láng giềng. Thỉnh thoảng dân làng tụ họp lại để phổ biến chính sách hay giải quyết công việc chung của làng. Phật giáo rất xem trọng việc hội họp hay các cuộc gặp mặt của những người cùng sinh hoạt trong một cộng đồng.

    Việc hội họp thường xuyên càng làm cho vững chắc các giá trị hay quy tắc trong gia đình. Các nhóm nhỏ thường gộp thành hệ thống các mối quan hệ song phương như: Mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa chủ và tớ, giữa giới tu sĩ và cư sĩ. Những mối quan hệ này có tính chất qua lại, hỗ tương cho nhau, không thể chỉ thực hiện một chiều mà chúng bổ sung vai trò cho nhau.

    Bạn bè và thân tộc được xem là những nhân tố thiết yếu giúp gia đình thành công trong chức năng của mình. Tình bạn chân thật được đánh giá là hết sức quan trọng cho gia đình. Trách nhiệm của một gia đình và gia tộc ngang nhau. Guồng máy gia đình không thể vận hành nhuần nhuyễn nếu như không có những người bạn chân tình và những bà con thân thích tử tế.

    Mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè dựa trên nền tảng tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình nên có những món quà thích hợp để tặng cho bạn bè thân thiết, dùng những lời lẽ thân thương khi giao tiếp với bạn, cũng như quan tâm một cách chân tình đến công việc làm ăn của bạn bè. Ngược lại, là một người bạn tốt phải luôn quan tâm và có những hành động đáp trả tương xứng với gia đình đó.

    Khi gia đình gặp chuyện không may xảy ra, bạn bè nên giúp đỡ tùy theo khả năng của mình. Sự trợ giúp của bạn bè sẽ góp phần giảm nhẹ sự ảnh hưởng của tai họa mà gia đình đang đối diện. Nếu gia đình lâm vào cảnh khốn cùng mà nguyên nhân xuất phát từ chính các thành viên trong gia đình thì bạn bè nên là chỗ dựa tinh thần cho các cá nhân đó, góp ý và hỗ trợ kịp thời. Nếu gia đình bạn mình làm điều gì đó khiến của cải hao hụt thì người bạn tốt nên đưa ra những lời cảnh báo thích hợp. Ngoài ra, một người bạn tốt cũng nên quan tâm và bảo vệ con cái của gia đình bạn mình.

    Trong gia đình có người làm công, mối quan hệ chủ tớ rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại lành mạnh của chính gia đình đó, tương tợ như một thể chế vậy. Vì nguyên nhân đó, quan hệ chủ tớ được phân biệt rõ ràng trong Phật giáo.

    Người chủ nên phân loại công việc để giao phó cho người làm công tùy theo sức lực của họ, ví dụ không thể giao những công việc nặng nhọc cho một người làm công già. Chủ nhà phải cung cấp thực phẩm, cùng loại với những thứ mà người chủ và gia đình ăn. Họ phải được trả lương tương xứng với công việc được giao. Bất kỳ sự bóc lột sức lao động nào đều dẫn tới kết quả không đáng mong đợi, mang lại tai họa cho chính gia đình người chủ. Khi người làm công bệnh, họ nên được nghỉ phép và được cung cấp thuốc men. Sau cùng, nên tạo điều kiện để họ nghỉ ngơi và giải trí.

    Anāthapiṇḍika, một thương nhân phật tử nổi tiếng thời đức Phật đã đối xử với nô bộc của mình hết mực thương yêu và quan tâm lo lắng. Một lần nọ, khi đang tham dự khóa tu thì ông nghe tin nô bộc của mình bị bệnh. Sau đó, ông liền tới thăm và hỏi han bệnh tình: “Này con trai, cảm thấy trong người thế nào?” Ông đã tự tay bốc thuốc và đưa cho anh ta uống. Đó chính là tấm gương mà người chủ nên thể hiện với người làm công cho mình. Còn trong gia đình, nên xem những người làm công, đày tớ như một bộ phận quan trọng của gia đình, xem họ như ‘người con’ của gia đình.

    Ngược lại, người làm thuê hay nô bộc phải hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình. Nên cần cù siêng năng làm những việc mà chủ nhà giao phó, chấp hành kỷ luật và kính trọng chủ nhà và gia đình chủ nhà. Người làm công nên thực hiện những gì mà chủ đề nghị, không bao giờ trái lệnh. Không nên học cách lừa lọc hay gian lận, không nên nói xấu hay chỉ trích chủ nhân.

    Những quy tắc hay giá trị của thể chế gia đình được củng cố nhờ các mối quan hệ có tính song phương, liên đới trách nhiệm như: Quan hệ thầy và trò, quan hệ giới tu sĩ và cư sĩ. Các mối quan hệ này chủ yếu giải quyết các vấn đề khác nhau của xã hội, nhưng một khi tác động lên thể chế gia đình, chúng sẽ duy trì và nâng cao giá trị gia đình.

    Đức Phật đã chế định một số điều luật để duy trì mối quan hệ giữa cộng đồng tu sĩ Phật giáo và hàng cư sĩ tại gia - những người không những cúng dường thực phẩm cho các vị tỷ kheo mà còn hỗ trợ những thứ cần thiết khác. Hàng phật tử tại gia thỉnh thoảng đến gặp các vị tỷ kheo để xin lời khuyên hay sự chỉ bảo để mang lại hạnh phúc gia đình. Điều này rất có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với toàn thể gia đình của hàng cư sĩ.

     Trong gia đình, cha và mẹ được con cái kính trọng và yêu thương ngang bằng nhau. Cha mẹ được sánh ngang trời. Theo lối nói thông thường, có cha có mẹ như có Phật trong nhà. Tư tưởng Phật giáo nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của người mẹ trong gia đình. Trong một số hình thức dùng để ca ngợi đức Phật, chúng ta thường xem Ngài như là “Người mẹ bất tử” hay “Người mẹ đem vị ngọt của niết bàn đến cho thế giới”.

 


    (1). A I. 132; II.75          

    (2). Sn 91-115 

    (3). A IV, 271  

    (4). A IV, 270  

    (5). S I, 87        

   (6). DhA Visakhāyavatthu           

    (7). J. tr. VI, 286-287      

    (8). S I, 175-177, theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu  

 
00:00