Chương XIII: QUAN ĐIỂM VỀ SỨC KHỎE CỦA PHẬT GIÁO

    Sức khoẻ được xem là món quà lớn nhất của đời người(1). Thậm chí, ngay cả khi được mang thân người nhưng một người đàn ông hay đàn bà sẽ không thể thực hiện đầy đủ vai trò chức năng giới tính của mình nếu không có được một sức khoẻ tốt. Khi một ai muốn được xuất gia trong Tăng đoàn, những yêu cầu đặc biệt được nêu ra để đảm bảo rằng người đó khoẻ mạnh(2).

    Sức khoẻ là thứ mà chúng ta có được chính nhờ sự nỗ lực tập luyện của mình. Cầu xin Thượng đế hay dùng bùa chú sẽ không thể nào có được một cuộc sống khoẻ mạnh. Chúng ta phải cố gắng hết sức mới đạt được và khi đã có sức khoẻ tốt thì nên sử dụng sức lực vừa đủ để duy trì. Điều này (việc duy trì sức khoẻ) bao gồm cả về thể xác, tinh thần cũng như lối sống xã hội.

    Một người được xem là có sức khoẻ tốt khi người ấy sở hữu đầy đủ những năng lực thuộc về sinh lý cũng như tâm lý mà không có bất kỳ sự suy giảm hay suy yếu nào. Vì thế, chúng ta cũng có thể xem năng lực xã hội của người ấy, liệu có khả năng thực hiện đầy đủ cả hai yêu cầu về mặt xã hội cũng như bản thân. Sự phát triển cao nhất của năng lực một cá nhân chỉ có thể khi sức khoẻ của người đó sẵn sàng trong mọi lĩnh vực.

    Lời cổ vũ mà đức Phật dạy cho các vị đệ tử xuất gia đầu tiên là: “… Này các tỷ kheo, hãy ra đi, đem lại sự tốt đẹp cho mọi người, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người…”(3).

    Ngài đã khuyến khích các đệ tử bằng đôi chân của mình đi tới mọi nơi để thuyết pháp, giải thích giáo lý của đức Phật đến với mọi người. Đó cũng là nhiệt huyết cố hữu của các nhà truyền giáo để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Lúc nào cũng vậy, các vị tỷ kheo ra bên ngoài thuyết pháp hay khất thực thường đi bộ, đi một khoảng cách đáng kể mỗi ngày, và chính việc đi bộ đó được đức Phật xem như là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.

    Điểm nhấn mạnh đặt ra ở đây là việc luyện tập thể dục bằng cách đi bộ rất được đức Phật xem trọng. Mỗi ngày, Ngài đều đi bộ một khoảng cách đáng kể. Các vị tỷ kheo thường đi bộ khất thực trong làng vào buổi sáng, thỉnh thoảng đi bộ khất thực từ làng này đến làng khác. Và khi, có người nào đặc biệt cần gặp để giáo hóa, đức Phật đi bộ hết đoạn đường đó để hóa độ nếu không cần thiết dùng đến thần thông. Sức khoẻ cần phải được duy trì vì nếu không có sức khoẻ tốt, chúng ta không thể tự mình vươn lên, hoặc giúp cho người khác phát triển. Trong phần này, để duy trì một sức khoẻ tốt, đi bộ được xem như bài tập cần thiết, một bài tập mà mọi người có thể tự mình thực hiện.

    Thiền Phật giáo thường gắn liền với việc đi bộ hay rèn luyện thân thể. Chúng ta thực tập thiền định bao gồm việc chú tâm trong lúc đi bộ. Vì mục đích này, một khoảng không gian đặc biệt dành cho việc ‘kinh hành’ được đặt tên là caṇkamanas như thế được xây dựng nơi các vị tỷ kheo sinh sống. “Vừa đi bộ, vừa thiền định” này trở nên cần thiết đến độ bất cứ tu viện nào thời đó cũng thiết lập để các vị tỷ kheo tham gia thực tập.

    Thật là thú vị khi biết rằng, sau khi thành đạo, đức Phật đã dành cả một tuần lễ (tuần thứ ba trong bảy tuần sau khi chứng quả giải thoát) để kinh hành. Ngài sử dụng khoảng không gian dưới gốc cây Bồ Đề nơi mà Ngài chứng Thánh quả và đi vòng tròn từ hướng đông. Truyền thuyết nói rằng, chư Thiên đã lót vàng con đường kinh hành của đức Phật. Biểu tượng caṇkamanas đã từng được dát vàng như thế nói lên tầm quan trọng có liên quan đến pháp hành đi bộ của đức Phật.

    Có một lần, một vài vị tỷ kheo bị bệnh vì ăn thức ăn không thích hợp, sau khi khám cho họ xong, bác sĩ đến gặp và thưa với đức Phật bảo những tỷ kheo này nên ‘đi tới đi lui’ vì việc đó sẽ làm giảm bệnh. Vì yêu cầu này(4) một khoảng đất trống dành cho việc ‘đi tới đi lui’ được xây dựng, trên con đường đó còn có lan can để an toàn. Việc rèn luyện thân thể này được đức Phật lưu ý ngay sau khi chứng ngộ, là một nhân tố quan trọng cho thấy mối quan tâm của Ngài đối với việc rèn luyện và duy trì sức khoẻ.

    Trong số đệ tử của đức Phật, Tôn giả Bakkula được xem như là người đứng đầu về sức khoẻ, may mắn có được sức khoẻ tốt. Vì thế, sức khoẻ tốt được xem như là một đặc điểm đáng kính trọng, đáng trân trọng và tôn kính. Trong kinh có nói rằng, trong những tiền kiếp của mình, Tôn giả Bakkula chữa bệnh cho các vị tỷ kheo và còn dâng cúng thuốc men cho họ.

    “Tóm lại, trạng thái an lạc và khoẻ mạnh của thân và tâm chính là mục tiêu của đời sống xuất gia mà đức Phật đề cập. Một tâm trạng đầy phiền muộn thì không thể nào kiểm soát hoặc tập trung tư tưởng để tu tập đạt được kết quả. Đức Phật phê phán không chỉ lối tu khổ hạnh ép xác đến kiệt sức mà còn sự nỗ lực quá mức dù cho sự phấn đấu đó có thể bắt nguồn từ sự hướng dẫn đúng đắn. Sự an lạc của thân là điều hết sức cần thiết để đem lại sự định tỉnh cho Tâm”(5).

    “Do ảnh hưởng bởi văn hóa tư tưởng mới này, giới luật của các vị tỷ kheo đệ tử đức Phật khác với luật lệ của các tôn giáo đương thời… sạch và lối sống lành mạnh cả về thân và tâm. Đức Phật không thấy có lý do nào để hạn chế sức khoẻ của thân và tâm miễn là đừng trộn lẫn với những lạc thú ái nhiễm. Thực tế, Ngài thừa nhận rằng, trạng thái khoẻ mạnh của thân và tâm có hỗ tương qua lại, cái này là nền tảng của cái kia. Thể lực được đề cao giá trị vì nó giúp chúng ta thoát khỏi bệnh tật, nhưng không chỉ vì mục đích như thế mà còn là cơ sở vững chắc cho sự phát triển về tinh thần. Vì thế, đã dẫn đến kết luận rằng trong khi điều chỉnh cuộc sống của các vị tỷ kheo, Ngài rất quan tâm đến thói quen ăn uống hàng ngày của họ. Việc ăn uống chừng mực và đều đặn, theo Ngài, sẽ duy trì và đem lại cuộc sống khoẻ mạnh; nhưng thiếu thốn thức ăn sẽ trở ngại sự thành công của quá trình tu hành”(6).

    Sức khoẻ cũng được đặc biệt lưu ý khi lựa chọn người đứng đầu nhà nước như trong trường hợp vị vua “Great Elect” (Mahā Sammata) được dân chúng bầu lên. Một đặc điểm của vị vua đó được dân chúng xem xét kỹ lưỡng chính là tình trạng thể lực: “Vị vua có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, có sức lôi cuốn, làn da mịn, cường tráng v.v...”(7).

    Đức Phật là một ví dụ thích hợp cho thấy việc sống trong thiên nhiên rất quan trọng đối với tình trạng sức khoẻ. Thái tử Siddhārta sinh ra dưới nhánh cây Vô-ưu, trong vườn Lâm-tỳ-ni. Ngài thành đạo cũng trong không khí trong lành, dưới gốc cây Bồ Đề. Và đến cuối đời, Ngài nhập niết bàn trong rừng cây Sa-la nở đầy hoa. Và trong kinh cũng ghi lại rằng tất cả chư Phật quá khứ đều chứng ngộ đạo quả dưới các gốc cây khác nhau, trong một không gian thoáng đãng. Trong suốt cuộc đời của đức Phật, Ngài thích sống hòa mình với thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên và đó cũng là một phần triết lý sống của Ngài.

    Chánh kiến trong mọi hoạt động của đời sống là một phần triết lý của đức Phật. Điều này được thực hiện trong các hướng dẫn thực tập các loại thiền khác nhau. Một người thực tập quán niệm hơi thở nên ngồi kiết già (hai chân chéo lại với nhau), giữ cho lưng thẳng. Hình thức này không chỉ được nhấn mạnh trong tư thế quán niệm hơi thở mà còn trong các trường hợp khác như đang đi, đang đứng, đang nằm nghỉ v.v... Điển hình là việc mô tả dáng nằm nghỉ của đức Phật. Ngài nằm nghiêng về tay phải, tay phải đặt dưới đầu, còn tay trái duỗi thẳng để trên người. Những tư thế như vậy, ngay cả trong khi ngủ luôn được đánh giá cao vì tầm quan trọng của chúng gắn liền với sức khoẻ con người.

    Kiểm soát hơi thở ra vào là một bài tập thuộc về thiền rất có lợi cho sức khoẻ cả về tâm lẫn thân. Mục đích quan trọng của thiền hơi thở chính là đảm bảo cho hơi thở đều đặn. Không khí tràn đầy lá phổi khi chúng ta hít vào và thở ra. Tập trung vào hơi thở, đặt ý thức của mình vào hơi thở để biết rằng hơi thở đang vào, và thoát ra từ mũi. Ý thức về hơi thở tăng lên sẽ đem lại lợi ích cho thân và tâm. Một cá nhân có thể tiến sâu vào thiền định, tự mình thông đạt các pháp bằng cách thực tập quán hơi thở nếu muốn.

    Giáo lý Phật giáo cũng lưu ý tới thức ăn vì tất cả loài hữu tình đều phụ thuộc vào thực phẩm để sống. Nhưng chúng ta không nên quan tâm đến thức ăn quá mức(8). Thực phẩm cần thiết để duy trì mạng sống nhưng phải cẩn thận khi lựa chọn và nên ăn vừa phải(9). Các vị tỷ kheo luôn thọ thực với khẩu phần đúng mức, không thừa cũng không thiếu. Nếu chúng ta ăn quá mức cần thiết, không những khiến cho sức khoẻ bị giảm sút mà còn tăng thêm những tính xấu như lười biếng, lờ đờ. Một người tham ăn sẽ buông bỏ những hoạt động hữu ích. Một người như thế được ví như ‘ham ăn ngủ như heo’.

    Đức Phật luôn luôn nhắc nhở việc ăn uống vừa đủ đối với các vị đệ tử của mình. Đây là giá trị ngang bằng cho bất cứ ai được đề cập trong kinh điển Phật giáo. Trong các bộ luận giải thích rằng nguyên tắc này nên áp dụng không chỉ cho số lượng thức ăn được tiêu thụ mà còn áp dụng cả cho lượng thực phẩm được dâng cúng hay khất thực(10).

    Liên quan đến thực phẩm, có năm quy tắc mà một vị tỷ kheo cần phải thực hành: (1) Vị tỷ kheo khất thực với lượng thức ăn vừa đủ; (2) nhận lãnh một lượng thức ăn hạn định; (3) chỉ thọ thực những gì đã được thọ nhận xem như là một phần lương dược; (4) phải biết thọ thực như thế nào là vừa đủ; (5) phần còn lại đem cúng dường cho người khác(11).

    Cộng đồng tu sĩ Phật giáo phụ thuộc vào phương tiện sinh sống hàng ngày mà người phật tử dâng cúng. Họ đi đến mọi nhà để khất thực và chấp nhận bất cứ vật phẩm nào mà thí chủ dâng cúng. Ý nghĩa cố hữu của hành động này cần phải được hiểu như sau: Trước hết, việc khất thực này đem lại mối quan hệ gần gũi giữa người khất thực với vị thí chủ. Tỷ kheo không chỉ khất thực ở những gia đình theo đạo Phật mà còn ở các gia đình theo các tôn giáo khác. Vật phẩm cúng dường chỉ là tượng trưng, chỉ là một phần nhỏ trong phần thức ăn mà thí chủ chuẩn bị cho gia đình mình hoặc cho riêng mình và như thế sẽ không lấy quá nhiều từ nguồn thực phẩm ít ỏi của thí chủ dâng cúng.

    Việc khất thực lang thang như thế làm cho vị tỷ kheo có thể hít thở không khí trong lành; luyện tập tay chân và cũng như tự mình trải nghiệm cuộc sống xung quanh. Tu sĩ Phật giáo không phải là những cá nhân “Đóng khuôn trong tu viện”, chỉ biết nhắm mắt, thờ ơ với những gì xảy ra xung quanh. Hơn nữa, trong lúc khất thực, vị tu sĩ quan sát mọi thứ xung quanh, và chính điều đó cung cấp thêm năng lượng về tinh thần trong việc tu hành của mình.

    Các giá trị trên rõ ràng rằng được các vị tỷ kheo thực hành. Những giá trị và quy tắc đó được đức Phật thiết lập cho các vị tỷ kheo, đặc biệt những gì có liên quan đến sức khoẻ thì đều được Ngài giảng dạy những giá trị y hệt nhau cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

    Một vị Tăng hay Ni sẽ bị khiển trách nếu thọ thực hai lần trong ngày. Điều luật này giới hạn tu sĩ Phật giáo ăn sau giờ ngọ. Ngay cả người phật tử một khi thọ giới Bát Quan Trai trong một ngày, một đêm cũng phải chấp hành việc một ngày một bữa, ăn không quá giờ ngọ. Vì có liên quan đến xã hội và các lý do sức khoẻ nên việc giới hạn ăn quá một bữa trong ngày đã được quy định.

    Từ quan điểm xã hội, ví dụ rằng, nếu một tu sĩ Phật giáo đi khất thực ngày hai lần, thì sẽ tạo ra một gánh nặng lớn đến cho thí chủ cúng dường. Và chính vì ăn ngày hai bữa họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn về thực phẩm và xã hội sẽ phê phán hành động khất thực cả ngày này.

    Về quan điểm sức khoẻ thì ăn ngày hai bữa là khá đầy đủ để có sức khoẻ tốt. Tránh ăn vào buổi tối vì phần này cung cấp phần dư thừa đáng kể cho cơ thể và cũng không thích hợp cho người thực tập thiền hoặc những hoạt động có liên quan đến tinh thần. Năm kết quả phát sinh từ việc không ăn ba bữa một ngày như sau:

1. Ít bệnh tật

2. Sức khoẻ tốt

3. Thân thể nhẹ nhàng

4. Duy trì sức dẻo dai của cơ thể

5. Có cuộc sống hạnh phúc

    Các loại thực phẩm góp phần đem lại sức khoẻ tốt bao gồm các loại rau cải, các loại đậu, trái cây, ngoài ra còn có các loại thực phẩm từ sữa như bơ, sữa chua, sữa đặc. Trái cây và nước trái cây cũng thường được đề cập. Mặc dù không cấm triệt để việc ăn thịt cá nhưng ưu tiên cho việc ăn chay chủ yếu vì sức khoẻ.

    Cháo yến mạch được xem là thực phẩm tốt nhất cho sức khoẻ vì có nhiều lợi ích mà thức ăn này mang lại như sau:

    “Tuổi thọ và sắc đẹp; an vui và sức mạnh; trí tuệ phát sinh; ăn cháo sau khi tỉnh rượu sẽ hết cảm giác đói, hết cảm giác khát nước, điều hòa hơi thở, làm sạch bàng quang, tiêu hóa hết những thức ăn còn sót lại trong ruột…”(12).

    Hay như trong luật tạng, đức Phật có dạy về các điều lợi ích mà người bố thí cháo đến cho người khác: “Này Bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo. Trong khi bố thí cháo, người ấy bố thí tuổi thọ, bố thí sắc đẹp, bố thí sự an lạc, bố thí sức mạnh, bố thí trí tuệ. Người húp cháo dứt hẳn cơn đói, chận đứng cơn khác, điều hòa hơi thở, làm sạch bàng quang, tiêu hóa thực phẩm còn lại chưa được tiêu hóa. Vật ấy là dược phẩm được Thế Tôn khen ngợi”(13).

    Cháo trộn với mật viên như là dược phẩm duy trì sức khoẻ tốt nhất. Trong luật tạng có ghi chép rằng, một lần nọ đức Phật bị đau bụng khó tiêu, vị thị giả Ānanda đã nấu cháo với ba thứ gồm mè, gạo lức và đậu tây để dâng lên Ngài(14).

    Để có được cuộc sống tốt đẹp nhất, đức Phật dạy chúng ta phải sắp xếp lịch sinh hoạt hàng ngày theo một thời khóa đều đặn. Thời khóa hàng ngày của đức Phật chia làm năm phần. Tập thể dục bằng cách đi bộ, tắm rửa, nghỉ ngơi, thời gian giảng dạy và thiền định.

    Trong giáo lý Phật giáo, nước được xem như là một nhân tố tối cần thiết trong cuộc sống của con người. Uống nước không chỉ để thỏa mãn cơn khát mà còn để duy trì mạng sống. Nước sạch luôn là sự lựa chọn hàng đầu và vì thế trong tám vật dụng cần thiết của một vị tỷ kheo thì dụng cụ lọc nước có vai trò quan trọng. Các vị tỷ kheo phải lọc nước trước khi uống để đảm bảo dùng nước sạch có lợi cho sức khoẻ. Việc loại bỏ dụng cụ lọc nước ra khỏi tám món cần thiết đó bị xem là vi phạm.

    Trong luật tạng, có một chương riêng đề cập tới các vấn đề thuốc thang dùng để điều trị khi một cá nhân nào đó trong Tăng đoàn bị bệnh. Các điều quy định cần thiết này phát sinh vì sức khoẻ của cộng đồng Tăng, Ni. Những phương thuốc trị bệnh ấy được lấy từ cách thức hay các loại cỏ thuốc dân gian đã tồn tại thời bấy giờ. Các thành phần của thuốc mà hầu hết là loại thuốc gia truyền, rất cần thiết bởi các vị tỷ kheo Tăng và Ni sống trong môi trường tự nhiên, rất gần gũi với các loại cỏ thuốc dân gian này.

    Trong những trường hợp bệnh nhẹ vì thời tiết chuyển mùa, thì có năm loại dược phẩm nên sử dụng như sau: Bơ đặc, bơ lỏng, dầu ăn, mật ong và đường mía(15).

    Tiếp theo trong luật tạng cũng đề cập tới các loại mỡ động vật cũng được dùng như một loại dược phẩm: Mỡ gấu, mỡ cá, mỡ cá sấu, mỡ heo rừng, mỡ lừa. Và các loại rễ cây cũng được nhắc tới như củ nghệ, củ gừng, tỏi, cây irit thơm, cây irit trắng, cây trị điên đen và nhiều loại rễ cây khác mà y học hiện đại đang sử dụng(16).

    Hay như các vị tỷ kheo bị bệnh có nhu cầu sử dụng các loại nước sắc và lá cây (như nước sắc của cây Nimba, cây Kutaja, nước sắc của quả dưa chuột, lá cây húng quế, lá cây bông vải và các loại khác nữa), các loại muối (muối đen, muối biển, muối ở đá, muối ăn, muối đỏ hoặc bất cứ loại muối khác đã dùng), các loại trái cây (trái cây vilanga, hạt tiêu đen, hạt tiêu dài, trái của cây Myrobalan vàng…), các loại nhựa cây (nhựa cây thông, mủ cây takha…) như là những loại dược phẩm cũng được đức Phật cho phép sử dụng.

    Trong luật tạng cũng nêu ra nhiều cách bảo quản các loại dược phẩm khác nhau để sử dụng khi cần thiết. Thuốc mỡ nên được bảo quản trong các đồ đựng thích hợp như trong xương, trong ngà voi, sừng trâu, cây tre, cánh kiến đỏ, đồ đựng bằng pha lê, bằng đồng hay trong vỏ sò(17).

    Trong phần nói về dầu, đức Phật cho phép thoa dầu lên trán, thoa dầu lên mũi để trị bệnh. Hay như việc bị chảy nước mũi liên tục, Ngài cũng cho phép các vị tỷ kheo sử dụng cái muỗng để đặt lên mũi. Dùng các chất như xương, ngà voi, tre… để làm muỗng đặt ở mũi, không được dùng các kim loại quý.

    Có lần, một vị tỷ kheo bị trúng gió, các thầy thuốc nói rằng dầu nấu lên hòa với rượu để trị bệnh này. Họ thưa với đức Phật và được Ngài cho phép dùng, nhưng không được thêm quá nhiều rượu mạnh sẽ dẫn tới bị say(18).

    Các loại lá cây để trị bệnh phong thấp cũng được đề cập trong luật tạng. Các vị tỷ kheo bị phong thấp được khuyên dùng các loại thảo mộc nấu với nước đun sôi để trị bệnh phong thấp, hay được phép ngâm mình trong bồn nước nóng có thảo mộc để trị bệnh.

    Có nhiều hình thức trị bệnh được nêu trong luật tạng, các loại dược phẩm đó được lấy từ thiên nhiên, là những loại thuốc gia truyền phổ biến ở Ấn Độ lúc bấy giờ. Khi một vị tỷ kheo bị rắn cắn, bốn thứ loại vật có tính quan trọng được sử dụng để điều trị là: Phân, nước tiểu, tro và đất sét. Trường hợp khác, một vị tỷ kheo uống nhầm thuốc độc, thì đức Phật bắt vị ấy phải uống phân, chắc chắn là để ói ra hết chất độc. Hay vị tỷ kheo bị yểm bùa, đức Phật bắt uống nước bùn lấy từ đất ở lưỡi cày mới cày xới lên(19).

    Bệnh thấp khớp thì được chích máu và lấy máu ra bằng ống sừng; bàn chân nứt nẻ thì dùng thuốc thoa chân; bị mụn nhọt thì mổ xẻ; vết thương gây ngứa thì rửa vết thương với bột mù - tạt; vết thương gây mủ thì xông khói; vết thương không liền lại thì sử dụng dầu xức vết thương; bệnh trĩ thì uống nước tro của cơm khô; bệnh vàng da thì uống hợp chất nước tiểu và Haritaka…

    Một số phương pháp trị bệnh mang tính dân tộc này được đức Phật chỉ dạy cho đệ tử của mình mỗi khi họ bị bệnh, hoặc chỉ dạy cho các vị tỷ kheo ở nơi hoang vắng, cách xa các trạm xá. Một vài phương pháp trị bệnh truyền thống khác cũng có thể tìm thấy trong luật tạng. Luật tạng còn nhắc đến tên của một y sĩ rất nổi tiếng thời bấy giờ đó là Jīvaka Komārabhacca, người đã học bảy năm về ngành y tại trường y học lừng danh Takkasīla, sau đó, đã trở thành ngự y của vua Bimbisāra và chăm lo sức khoẻ của đức Phật và Tăng chúng. Chuyện kể rằng, trước khi kết thúc khóa học, thầy giáo đã ra một bài tập kiểm tra bảo Jīvaka rằng: Cầm lấy cái thuổng, đi dạo quanh thành Takhasilā, nếu thấy thứ gì không phải là dược phẩm thì hãy đem vật ấy về đây. Nghe lời dạy ấy, Jīvaka đã đi vòng vòng từ chỗ này đến chỗ kia nhưng không tìm thấy loại thảo mộc nào mà không phải là dược liệu cả. Chỉ ví dụ này đủ để nói lên rằng các loại thảo mộc dùng làm thuốc luôn có sẵn trong thiên nhiên.

    Thời ấy, khoa phẫu thuật có những tiến bộ nhất định. Y sĩ Jīvaka đã phẫu thuật cho một thương nhân: “Sau khi mở hộp sọ ra, Jīvaka lôi ra hai con sâu ký sinh trong não của bệnh nhân”. Hai con vật ký sinh này là nguyên nhân gây ra bệnh nhứt đầu kinh niên của ông thương gia(20). Tương tự như thế, một người khác bị đau bụng đến nỗi “Cháo cũng không thể tiêu hóa, thức ăn cũng không thể tiêu hóa. Anh ta không thể đi đại tiện vì thế, bụng rất khó chịu và đau. Thân thể ốm o, gầy mòn; da dẻ thì xanh xao, gân xanh nổi đầy người”(21). Y sĩ Jīvaka đã làm phẫu thuật, lôi ra một khúc ruột bị xoắn, tháo gỡ khúc ruột ấy ra, đặt vào vị trí củ, may lại làn da bụng và bôi thuốc mỡ lên vết thương. Sự phẫu thuật khéo léo này đã nổi tiếng trong hệ thống y học của thời đó.

    Y sĩ Jīvaka còn chữa bệnh cho vợ của một đại phú bằng cách đưa thuốc qua lỗ mũi. Chữa khỏi bệnh âm sang cho vua Bimbisāra. Khi đức Phật cần dùng thuốc xổ thì y sĩ đã dùng hoa sen trộn lẫn một số dược phẩm để thay thế. Đức Phật dùng mũi hít mùi thơm này vào, sau đó đã khỏi bệnh(22).

    Đức Phật luôn tán dương, ca ngợi những ai chăm sóc hay giúp đỡ cho bệnh nhân. Có một vị tỷ kheo bị bệnh kiết lỵ, nằm dài trên phân của mình, trông rất dơ dáy. Sau khi thấy đệ tử của mình như thế, và biết rằng vì bệnh này nên các vị tỷ kheo khác đã lánh xa. Ngài bảo vị đệ tử thị giả của mình đi lấy nước để lau thân thể vị tỷ kheo bệnh ấy, đức Phật lau trên đầu, còn Tôn giả Ānanda thì lau chân tay. Sau đó, đỡ vị tỷ kheo ấy dậy và đặt nằm trên giường”(23).

    Nhân cơ hội đó, đức Phật dạy rằng: “Này các vị tỷ kheo, các ông đã xuất gia, xa lìa cha mẹ, là những người quan tâm lo lắng cho mình. Giờ không còn cha mẹ chăm sóc nữa, vậy thì ai sẽ là người chăm sóc và gần gũi các vị? Các vị phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Và Ngài dạy rằng: Ai sẵn sàng chăm sóc Ta, vị ấy nên chăm sóc cho người bệnh”(24).

    Trong kinh cũng mô tả những đặc điểm của một bệnh nhân dễ chăm sóc và khó chăm sóc; những đặc điểm thích hợp và không thích hợp của người chăm sóc bệnh nhân. Một bệnh nhân dễ chăm sóc khi “Người đó làm những việc cần làm để chữa bệnh; biết sự vừa phải trong việc cần làm để chữa bệnh; là người quen dùng dược phẩm; nói rõ tình trạng bệnh của mình như tốt hơn, xấu hơn hay vẫn như trước”. Đặc điểm thích hợp của người chăm sóc bệnh nhân được mô tả như sau: “Là người có khả năng pha chế thuốc men; biết điều gì cần và không cần làm trong việc điều trị bệnh; chăm sóc người bệnh bằng tâm từ và không vì lợi ích vật chất; không ghê tởm trong việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; có khả năng để chỉ dạy, hướng dẫn và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng các bài Pháp thoại lúc này lúc khác”(25).

    Giới phật tử đã thành lập các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân dựa trên các tiêu chuẩn mà đức Phật đã nêu ra. Các bệnh viện này không chỉ dành cho việc điều trị bệnh nhân mà còn có bệnh viện dành cho các loài động vật. Các bệnh viện này đã được thành lập sớm nhất trong triều đại vị vua phật tử Asoka và ở đảo quốc Sri-Lanka cùng thời gian đó.

    Trong giáo lý Phật giáo luôn đề cao việc phòng ngừa bệnh và việc giữ gìn vệ sinh thân thể. Giữ vệ sinh miệng bằng cách dùng tăm xỉa răng sau khi ăn cũng được đề cập trong luật tạng. Năm lợi ích của việc dùng gỗ chà răng được liệt kê như sau:

1. Có lợi ích cho mắt

2. Miệng không có mùi hôi

3. Vị giác được tinh tế

4. Mật đờm không che lấp thức ăn

5. Có hứng thú với thức ăn(26)

    Việc sử dụng nhà vệ sinh để bảo vệ sức khoẻ cũng được đề cập. Trong chuyện Tiền thân Takkla(27) nói về một nhóm người đến sống trên một hòn đảo. Những người này phóng uế khắp nơi. Các vị thần cư ngụ ở hòn đảo này bảo họ đào lỗ để đại tiện vào đó, xong rồi lấp lại. Họ không chịu lắng nghe lời chỉ bảo, thế là các vị thần nổi giận và nhấn chìm cả hòn đảo xuống nước. Câu chuyện trên đem đến một bài học về cách sử dụng cái hố dành cho việc tiểu tiện, nếu phóng uế bừa bãi sẽ dẫn tới gia tăng bệnh tật.

    Trong luật tạng cũng đề cập đến việc sử dụng nhà vệ sinh như vậy. Vì các tỷ kheo đi tiểu tiện và đại tiện khắp nơi, nên nhà xí được xây dựng để cho họ sử dụng(28). Cũng thế, các hành vi khạc nhổ cũng được xem như thói quen xấu cần phải tránh vì ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngay cả việc tắm rửa, nhà tắm cũng được xây dựng để tránh việc ra sông suối tắm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng(29).

    Việc ăn uống có liên quan đến sức khoẻ, vì thế, trong luật tạng, thiên nói về các pháp chúng học có phần nói về các việc ăn uống của tỷ kheo. Trong phần này dạy về oai nghi trong việc ăn uống, cũng như góp phần bảo vệ sức khoẻ. Khi ăn phải nhai từ từ, chăm chú vào thức ăn, từng miếng thức ăn phải được nhai cẩn thận, trong khi ăn không nên nói chuyện; không được liếm môi khi ăn; không nên chép miệng khi ăn; không được liếm bình bát, liếm các ngón tay khi ăn; không được dùng tay còn dính cơm nhận nước uống, phải rửa sạch tay trước khi dùng tay uống nước.

    Việc quét dọn xung quanh khu vực ở cũng được nhắc đến trong luật tạng. Luật quy định, vị tỷ kheo phải quét dọn phòng ốc của mình, cũng như xung quanh khu vực mình sinh sống. “Nếu nhà xí dơ, phải được làm vệ sinh”(30). Khi có khách đến thăm, phòng ốc phải được dọn dẹp sạch sẽ. Các điều luật này không chỉ áp dụng cho Tăng chúng mà còn cho các phật tử.

    Luật tạng cũng ghi lại rằng, thời đức Phật, tầng lớp thấp kém trong xã hội rất dễ bị nhiễm các loại bệnh thông thường ngoại trừ căn bệnh ‘cao cấp’ Đái tháo đường(31). Vì sao bệnh tiểu đường được gọi là căn bệnh ‘cao cấp’ vì nó chỉ xảy ra trong tầng lớp thượng lưu trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Bệnh Đái tháo đường có liên quan tới lối sống xa hoa, ăn uống dư dả của tầng lớp giàu có.

    Đức Phật răn bảo đệ tử của mình không nên tin vào những phong tục nhảm nhí, không có căn cứ mà người dân tin vào đó để mong rằng có được sức khoẻ tốt. Một dịp, khi đang thuyết pháp giữa hội chúng đông đảo, đức Phật bị hắc xì hơi. Các tỷ kheo đã lớn tiếng nói rằng: “Bạch Thế Tôn, mong rằng Người sẽ sống thọ, mong rằng Người sống thọ”. Âm thanh ấy làm gián đoạn buổi thuyết pháp. Khi ấy, đức Phật bảo các tỷ kheo rằng khi nói “Mong rằng Người sẽ sống thọ” điều đó có thể làm cho sống thọ hay có thể chết đi? Ngài còn dạy thêm rằng, các thí chủ nói câu nói ấy là để chúc tụng như là cách để tăng thêm sự hữu hảo lẫn nhau, không nên tin vào việc nhảm nhí như thế(32).

    Ngài cũng xem tinh thần là nhân tố tích cực trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tật. Chúng ta cũng biết rằng nếu người bệnh có một tinh thần lạc quan thì bệnh tật dễ thuyên giảm. Người bác sĩ cũng nên có một tinh thần lạc quan như thế trong việc điều trị bệnh nhân. Bệnh nhân trong suốt thời gian trị bệnh cần có sự nỗ lực về tinh thần để tự mình có thể vượt qua cơn bệnh vì nếu chỉ dựa vào thuốc hay bác sĩ sẽ có kết quả thấp.

    Tương tự như vậy, ngăn chặn bệnh tật, bảo hộ thân tâm có thể thực hiện bằng cách tu tập hạnh từ bi hay hướng tâm từ đến chúng sanh. Trong luật tạng ghi lại câu chuyện về một vị tỷ kheo bị rắn cắn chết. Sau đó, đức Phật dạy rằng: “Này các tỷ kheo, vị tỷ kheo này chắc chắn đã không rải tâm từ đến bốn loài rắn chúa rồi. Này các tỷ kheo, bởi nếu rải tâm từ đến bốn loài rắn chúa thì dầu có bị cắn cũng không thể nào chết được”(33).  

 


(1). DhP, 204   

(2). VIN.I, 98   

(3). BD IV, 425

(4). VIN II, 118               

(5). M.I, 37       

(6). Dhirasekera 1964, 41             

(7). Sbb Vol. II, part, 41

(8). DhP.93       

(9). Sn.77-88; S.I. 172   

(10). MA I, 152

(11). VIN. II, 110             

(12). BD IV, 302              

(13). VIN IV, 302            

(14). VIN I 210

(15). VIN I, 199

(16). VIN I, 201

(17). VIN I, 204

(18). VIN I, 203

(19). VIN I, 206

(20). VIN I, 274

(21). BD IV, 389              

(22). VIN I, 279

(23). BD IV, 431              

(24). BD IV, 432, also cf. DhA. I. 319         

(25). BV IV, 433              

(26). Vin II, 138; cf.BD V, 192     

(27). J. 446        

(28). VIN II, 141              

(29). VIN II, 122              

(30). VIN II, 210              

(31). VIN II, 210              

(32). VIN II, 140              

(33). VIN II, 110              

 
00:00