Chương VIII: SUY NGHĨ CHÂN CHÁNH

(Chánh Tư Duy: Sammà-samkappa)

    Suy Nghĩ Chân Chánh (SNCC), yếu tố thứ hai của Tám Con Đường Chân Chánh, là hệ quả của Quan Điểm Chân Chánh. Hai yếu tố này bao gồm trong nhóm Tuệ như đã được nói đến trong phần Tám Con Đường Chân Chánh. SNCC là kết quả của việc nhìn mọi vật như chúng là. Tư tưởng là điều quan trọng hơn hết vì lời nói và hành động của một người bắt nguồn từ đó. Tư duy được chuyển sang lời nói và hành động. Những kết quả tốt, xấu của lời nói và hành động chúng ta chỉ tùy thuộc vào tư tưởng, vào cách chúng ta suy tư. Từ chỗ đó ta thấy tầm quan trọng của việc học cách suy nghĩ đúng đắn ngay thẳng thay vì quanh co. Những câu kệ mở đầu thường được trích dẫn của kinh Pháp Cú vẫn luôn luôn còn mới mẻ, cho chúng ta thấy sự quan trọng và ý nghĩa lớn lao của tư duy:

                   “Tâm dẫn đầu các pháp,

                   Tâm làm chủ tất cả

                   Tất cả do tâm tạo.

                   Nếu ta nói hay làm

                   Với một tâm ô nhiễm

                   Đau khổ sẽ theo ta

                   Như bánh xe lăn theo

                   Dấu chân của con bò.

                   “Tâm dẫn đầu các pháp

                   Tâm làm chủ tất cả

                   Tất cả do tâm tạo.

                   Nếu ta nói hay làm

                   Với một tâm thanh tịnh

                   Hạnh phúc sẽ theo ta

                   Như bóng đi theo hình.”         

    Từ những lời dạy trên đây của Đức Phật ta thấy rõ sự đẹp đẽ hay xấu ác của lời nói và việc làm đều tuỳ thuộc vào tư tưởng chúng ta, thật như vậy. Tư tưởng đi nhanh hơn bất kỳ cái gì chúng ta có thể quan niệm được, và chúng rong ruổi đến bất kỳ nơi đâu chúng muốn. Ảnh hưởng của chúng đối với chúng ta và thế giới bên ngoài thật là khủng khiếp. Mỗi một tư tưởng xấu ác và đáng kinh tởm về mặt đạo đức đều làm ô nhiễm tâm người và có thể gây ra sự thiệt hại không nói hết được. Lời nói và việc làm sai trái là những sự biểu hiện của một tình trạng tâm thức sai lầm, nhưng nếu tập trung vào Chánh tư duy cùng với Chánh kiến thì những kết quả tốt lành do tâm đem đến rất là rộng lớn.

    Vậy Suy Nghĩ Chân Chánh (SNCC) là gì?

    Đó là những tư duy về sự xả ly, về sự vô sân, sự vô hại hay lòng từ bi.

    Và những cái đối nghịch với chúng là: những tư duy về dục lạc, sân nhuế và độc hại.

    Trong bài pháp về hai loại tư duy, Đức Phật đã giải thích chi tiết phương cách Ngài đã cảm giác hai loại tư duy này trước khi Ngài chứng ngộ.

    Những tư duy về dục lạc, sân nhuế và độc hại Ngài đặt vào một loại và những tư duy về xả ly, vô sân và từ bi vào một loại khác. Khi những tư duy về dục lạc, sân nhuế và độc hại phát sinh trong Ngài, Ngài biết rằng chúng dẫn đến chỗ làm hại bản thân và những người khác, ngăn cản trí tuệ trực giác, gây đau khổ và không dẫn đến Niết bàn. Suy tư như vậy Ngài liên tục gạt bỏ những tư duy đó, đưa chúng ra khỏi tâm trí và chấm dứt chúng.

    Khi những tư duy về xả ly, vô sân và từ bi phát sinh trong tâm, Ngài biết rằng chúng không dẫn đến hành động có hại cho bản thân cũng không làm hại người khác; chúng làm phát triển trí tuệ trực giác, không gây đau khổ và dẫn đến Niết-bàn.

    Tiếp theo, Đức Phật giải thích bằng cách nào, nhờ vào suy tư, Ngài đã làm cho tâm trí vững vàng, cách Ngài đã lắng đọng và làm cho tâm trí được chuyên nhất, tập trung vào đề mục thiền quán. Rồi khi cách ly được những trạng thái bất thiện của tâm, Ngài kể lại cách Ngài đã đạt được và an trú trong đệ nhất thiền, đệ nhị thiền, đệ tam và đệ tứ thiền; và kể lại bằng cách nào để cuối cùng Ngài đã hiểu được như thật về Bốn Chân Lý Cao Cả.

    Điều quan trọng ở đây là quán sát cách loại trừ ba bất thiện căn bản (Tam độc) tham, sân, si dựa trên Quan Điểm Chân Chánh (Chánh kiến) và Suy Nghĩ Chân Chánh (Chánh tư duy).

    Như chúng ta đã thấy trước đây, si là một thuật ngữ khác để chỉ cho vô minh, nó sẽ bị nhổ bỏ tận gốc bằng Chánh kiến. Dục lạc và sân nhuế được xoá sạch bởi Chánh tư duy. Chánh kiến và Chánh tư duy đều được hỗ trợ bởi những yếu tố còn lại của Tám Con Đường Chân Chánh.

    Bây giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu sự quan trọng của việc loại bỏ những tư tưởng bất thiện và cái phương pháp để làm được điều đó, bằng cách tu tập đúng đắn sự xả ly, vô sân và từ bi. Khi tâm một người bị ám ảnh bởi tham sân thì họ hoàn toàn không thể nào nhìn sự vật một cách rõ ràng minh bạch. Nhưng sự loại trừ những ô nhiễm này không có nghĩa là đấu tranh với những tư tưởng độc hại bám chặt tâm trí. Ta phải học cách nhìn trực diện những tư tưởng như thế – cách chúng xuất hiện, tái xuất hiện và cách điều phục tâm; ta phải nghiên cứu tính chất của chúng. Bây giờ nếu một người cho phép tâm liên tục nuôi dưỡng những tư tưởng sân si và không cố kiểm soát chúng thì những tư tưởng này được cũng cố và thống trị trên tâm người đó. Nhưng nếu một người thật sự có khuynh hướng loại trừ những tư tưởng bất thiện, họ sẽ cố tu tập dần dần những tư tưởng thiện, chúng sẽ chống lại những tư tưởng có hại và làm cho tâm trí trong sáng. Chẳng hạn, khi một người bị nhiễu loạn bởi lòng ham muốn nhục dục do thấy, nghe, v.v... những tư tưởng xả ly sẽ đem họ đến chỗ tâm trí an lạc. Cũng vậy, tâm vô sân và từ bi sẽ làm dịu đi cái tâm đã nuôi dưỡng sự sân nhuế, nóng giận, độc ác và hận thù. Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng đây không phải là việc dễ làm vì nó rất cần sự cương quyết và nỗ lực.

    Có người cho rằng vì lòng tham muốn hay dục lạc là một sự thúc đẩy tự nhiên, do đó không nên ngăn cản nó. Còn người khác nghĩ rằng phải dập tắt nó bằng sức mạnh. Nhìn từ quan điểm cao nhất thì tham hay sân chỉ là một tư tưởng, một trạng thái tâm lý. Trước khi cho phép lòng tham đi theo con đường của nó hay điều phục nó, ta phải cố gắng nhìn vào chính cái tư tưởng tham sân đó không một chút thành kiến. Chỉ lúc đó ta mới thấy được tận gốc, tận nguyên nhân của tư tưởng đó. Cho phép nó phát triển mạnh, hoặc làm yếu nó đi hoặc là loại trừ nó, tất cả đều tuỳ thuộc vào bản thân con người. Lại nữa, khi một căn tiếp xúc với trần hay tâm tiếp xúc với pháp trần là điều khó chịu, thì sẽ phát sinh sự xung đột, tạo ra sự giận dữ, sợ hãi, hay sân hận.

    Như vậy chúng ta thấy rằng một tác nhân kích thích phát sinh ở lục căn thì tham sân si và những tư tưởng bất thiện khác từ vọng tưởng điên đảo sẽ xuất hiện. Khi một người bị đánh lừa bởi những đối tượng bên ngoài (trần cảnh), cảm giác sẽ nảy sinh trong tâm, họ sẽ hoặc trở nên chấp thủ vào đối tượng (trần cảnh) hoặc oán giận nó. Sự hấp dẫn hay lực đẩy đó giống như trường hợp của một nguyên tử. Nếu nhìn xung quanh, chúng ta sẽ thấy xã hội loài người thường bị ám ảnh bởi hai sự thúc đẩy mạnh mẽ là chấp thủ và oán giận. Chừng nào mà người ta còn chịu ảnh hưởng bởi những ô nhiễm này thì họ còn tiếp tục bị sự thăng trầm của đời sống đè nặng; chỉ khi những ô nhiễm này được kiểm soát, nếu không phải là bị dập tắt đi, thì họ cũng sẽ không chịu ảnh hưởng thái quá bởi sự vô thường. Con người không thể nào tránh hẳn được sự thăng trầm của đời sống chừng nào mà họ còn sống trong thế giới này. Thế nhưng, con người có thể tu tập được tâm và làm chủ chính mình ở một mức độ mà họ có thể không bị xáo trộn bởi những tình trạng rối loạn mà những thay đổi này mang đến.

     Đức Phật trình bày giáo pháp của Ngài một cách có phương pháp: Ngài sẽ không nói về Bốn Chân Lý Cao Cả, cốt lõi của giáo lý, cho mọi người mà Ngài gặp, khi hiểu rằng một người chưa đủ trưởng thành để nắm bắt giáo lý sâu xa. Ngài sẽ dạy Giáo pháp cho họ ở những khía cạnh đơn giản hơn, theo cách mỗi ngày mỗi tăng dần lên; Ngài sẽ nói với họ về việc bố thí, về đạo đức hay giới luật, về các tầng trời(1)  (những khía cạnh đơn giản hơn), nói về sự bất lợi, sự trống không và sự bất tịnh của các dục lạc, về lợi lạc của sự xả ly.

    Khi bậc Đạo Sư biết rằng tâm một người đã sẵn sàng tiếp nhận giáo pháp, có vẻ mềm dẻo, không bị những chướng ngại, được nâng cao, an lạc, v.v... chỉ khi đó Ngài  mới giải thích cho họ nghe cái Giáo pháp mà Đấng Giác Ngộ đã tự khám phá, một Giáo pháp đặc biệt đối với họ: dukkha (khổ), nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.(2)

    Như trên, rõ ràng tâm một người chỉ có thể nắm bắt được chân lý cao cả khi họ sẵn sàng từ bỏ những ý tưởng về dục lạc. Khi tâm thoát khỏi những ý tưởng như thế, họ chứng ngộ chân lý, đạt được Chánh kiến. Như vậy chúng ta thấy phương cách Chánh kiến hỗ trợ cho Chánh tư duy. Hai yếu tố này tuỳ thuộc lẫn nhau và mang đến trí tuệ chân thật.

    Đức Phật nói đến xả ly bằng sự chứng nghiệm bản thân chứ không phải do nghe nói. Chính Ngài kể lại câu chuyện về xả ly của Ngài như sau:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, trước khi chứng ngộ, lúc ta vẫn còn là một Bồ-tát đang chịu sanh lão bệnh tử, sầu bi và ô nhiễm, ta cũng đã tìm cầu cái chịu sự sanh già bệnh chết, sầu bi và ô nhiễm. Này các thầy Tỳ-kheo, rồi tư tưởng sau đây đến với ta: khi ta phải chịu sự sanh, lão,... ô nhiễm,  tại sao ta tìm cầu cái cũng chịu sự sanh lão,... ô nhiễm. Cái gì sẽ xảy ra nếu khi phải chịu sanh,... ô nhiễm, ta tìm cầu sự vô sanh, sự an lạc tối thượng thoát khỏi ràng buộc, tức Niết bàn?”

   “Này các thầy Tỳ-kheo, thế là sau một thời gian, vào độ thanh xuân của cuộc đời, trong lúc tuổi trẻ sáng ngời, ta đã cắt bỏ râu tóc, khoác áo hoại sắc và ra đi, bước vào chốn không nhà cửa: ta đã sống đời xuất gia.

                                               (Trung Bộ Kinh 26, 36)

    Đây là Thánh Cầu giải thoát. (Ariyapariyessana)

    Lại nữa, tư tưởng này được ghi lại trong bài pháp gây rất nhiều cảm hứng về việc “xuất gia” của Bồ-tát Cồ-đàm, người đã bỏ ngai vàng và đi vào chỗ tịch tịnh. Như các kinh đã ghi lại, một ngày kia Ngài đi vào thành Vương xá để khất thực. Vua Tần-bà-sa-la ở trên lâu đài nhìn xuống, trông thấy Bồ-tát trên đường phố tay ôm bình bát, đi từng bước vững chãi và mắt nhìn xuống. Xúc động bởi phong cách của Ngài, nhà vua cho người tìm hiểu xem Ngài sẽ đến đâu và lưu lại nơi nào. Nhận được lời tâu lại, nhà vua vội đến núi Pandawa gặp Bồ-tát và thưa:

    “Ngài còn trẻ, đang trong tuổi thanh xuân của đời người, hảo tướng, và có vẻ thuộc giai cấp Sát-đế-lợi.(3)

    “Ồ đại vương, về dòng dõi, ta là “người thân tộc của Mặt trời”; một người thuộc dòng họ Thích-ca. Đó chính là dòng dõi mà ta đã bỏ lại đàng sau. Ta không ham muốn dục lạc vì biết mối nguy hại của chúng và nhìn thấy sự an lạc của đời xuất gia. Ta đi con đường của ta, nỗ lực để đạt tới Niết-bàn, sự từ bỏ cao tột. Tâm ta vui thú trong nỗ lực đó (chứ không ở trong dục lạc).

    Theo như trên chúng ta hiểu rằng “xuất gia” (Pabbajà) và xả ly dục lạc (Nekkhamma) là giống nhau. Mục đích của xuất gia là quay lưng với những tư tưởng phiền não về dục lạc (Kilesa-kàma) và trần cảnh (Vatthu-kàma). “Xuất gia” là sự hy sinh thật sự, và ước muốn dấn thân sẽ là chân chánh nếu nó sinh ra kết quả an lạc.

    Đây không phải là điều mà tất cả mọi người đều có thể làm theo vì xả bỏ đời sống nhục dục đầy cám dỗ của thế gian không phải là việc dễ làm. Mọi người không thể nào cắt đứt với thế giới và mọi trói buộc của thế giới này. Đức Phật không hề mong đợi tất cả những người theo Ngài sẽ trở thành nhà tu khổ hạnh.

                   “Thật khó vui xuất gia

                   Sống cuộc đời không nhà

                   Thật khó mà vui thú

                   Trong cuộc sống xuất gia”. (Pháp Cú.302)

    Theo sự tuyên giáo của Đức Phật, người đệ tử được tự do hoàn toàn rời bỏ Giáo hội nếu họ thấy khó sống đời khất sĩ; không có sự bó buộc và cưỡng bách bất cứ điều gì và dù một người có trở lại đời sống cư sĩ họ cũng không bị bêu xấu.

    Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, có hai loại hạnh phúc, hạnh phúc của một đời sống cư sĩ (Gihisukham) và hạnh phúc của người xuất gia (Pabbajà sukham); hạnh phúc của lạc thú (Kàma sukham) và hạnh phúc của sự xả ly (Nekkhamma sukkham). Này các thầy Tỳ-kheo, trong số những hạnh phúc này thì hạnh phúc xuất gia và xả ly là cao cả hơn hết.

                                               (Tăng Chi Bộ Kinh.i.80)

    Điều này không có nghĩa là Đức Phật hạ thấp đời sống cư sĩ, Ngài chỉ đưa ra cảm nghĩ về sự chứng nghiệm của Ngài. Sự thật Ngài đã hưởng cả hai loại hạnh phúc này. Tuy nhiên có một điều phải nhớ: dù xuất gia hay tại gia, người ta cũng phải đi theo cùng một con đường, đó là con đường cổ xưa, con đường của Giới, Định và Tuệ.

    Phải nhớ rằng xuất gia chân chính không phải là một sự chạy trốn. Những người không hiểu ý nghĩa thật sự của sự xuất gia và những người phê phán điều đó bằng cách dựa vào những “tu sĩ” giả hiệu, những người có một đời sống biếng nhác, không giá trị và có tính chất ăn bám, kết luận vội vàng là “xuất gia” hay quay lưng lại thế gian là một loại chạy trốn, một lối sống ích kỷ. Tuy nhiên, người tu sĩ lý tưởng, vị Tỳ-kheo, chính là một người có lòng vị tha cao cả nhất, họ thọ rất ít từ xã hội mà lại bố thí cho xã hội rất nhiều. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nói: “Giống như con ong hút mật hoa mà không làm hoại sắc và hương, bậc hiền giả đi vào làng cũng như thế.” (Pháp Cú 49)

    Sự thật là trải qua bao thời đại với nhiều thay đổi, thế nhưng người tu sĩ Phật giáo, người đã từ bỏ những lạc thú thế gian, vẫn nỗ lực sống một đời nghèo nàn tự nguyện và hoàn toàn đơn độc với mục đích cao cả là phục vụ tha nhân không vị kỷ trong giới hạn của đời sống một Tỳ-kheo, với mục đích đạt được sự giải thoát tâm thức. Có hai cách để sống đời Tỳ-kheo: một cách đòi hỏi phải thiền định miên mật và cách kia là thiền định bán thời gian, có nghiên cứu và giảng dạy Giáo pháp. Điều bắt buộc đối với mỗi Tỳ-kheo là chọn lấy một trong hai cách sống này tuỳ theo căn cơ, tuổi tác và môi trường.

    Về vấn đề “xuất gia”, nghĩa là để trở thành tu sĩ, ẩn sĩ, đạo sĩ, không nên nghĩ rằng sự tu tập Phật pháp chỉ dành cho tu sĩ và không dành cho người tại gia. Giáo lý của Đức Phật, Tám Con Đường Chân Chánh dành cho tất cả mọi người – nam cũng như nữ, tại gia và xuất gia. Có thể nào chúng ta giới hạn Giáo pháp cho vài người tu ẩn dật không? Chắc chắn là đời sống tu sĩ dễ đưa đến sự tu tập thiền định, xả bỏ những tư tưởng bất thiện hơn là đời sống người tại gia đầy những nhu cầu và công việc vất vả. Không dễ sống “đời sống cao cả” trong khi còn là một người tại gia. Ta không thể phủ nhận rằng đời sống của nhà tu ẩn dật lý tưởng thoát khỏi những lo lắng của gia đình và những lo toan thế tục, dễ thích ứng với sự phát triển an lạc tâm linh hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là người cư sĩ hoàn toàn không thể đạt được sự thanh tịnh tâm thức. Ngược lại, nếu một người có thể điều phục được cái tâm bất định trong khi còn sống đời cư sĩ, nếu họ có thể kiềm hãm được sự buông lung quá độ trong lạc thú của thân, sự nuôi dưỡng dục lạc và những kích thích thì họ cũng đạt được sự cao cả về tâm thức của một tu sĩ. Dĩ nhiên là không thể nói sự thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn đến từ sự xả ly và xuất gia. Tất cả những thành tựu này đều tuỳ thuộc vào cách vận hành của tâm thức con người bất luận là tại gia hay xuất gia.

    Một người có thể sống trong rừng, xa lánh sự ồn ào náo nhiệt của thành thị, nhưng nếu tâm họ không tập trung, nhất định những tư tưởng xấu ác sẽ tàn phá tâm hồn họ, rồi họ sẽ bỏ rừng mà đi, vì mục đích để anh ta đi vào rừng đã không đạt được. Họ sẽ vui thú trong rừng chỉ khi nào tâm họ trầm tĩnh và những ô nhiễm có chiều hướng biến mất. Và ngược lại, nếu một người có thể lắng tâm ngay cả khi sống trong làng mạc nơi rộn rã tiếng người thì họ cao siêu hơn nhiều so với người sống ở rừng mà tâm không thanh tịnh.

    Về điều này có câu chuyện Đại đức Meghiyà rất thú vị. Vào năm thứ 13 sau khi Đức Phật đạt giác ngộ, Trưởng lão Meghiyà là thị giả riêng của Ngài, và họ đang cư trú ở ngọn đồi tên là Catika. Sau đây là cốt truyện kể vắn gọn: Đại đức Meghiyà bị lôi cuốn bởi khu rừng xoài đẹp đẽ gần một con sông, ông nghĩ đến chuyện đi đến đó để thiền định nếu Đức Phật cho phép. Nên ông đi đến thưa với bậc Đạo Sư và nói về ý muốn của ông. Đức Phật nói:

    “Này Meghiyà, hãy đợi một chút cho đến khi Tỳ-kheo khác đến vì chúng ta đang ở có một mình”. Mặc cho lời cảnh giác của Đức Phật, lần thứ hai và lần thứ ba, vị Đại đức vẫn lặp lại yêu cầu của mình. Thế là Đức Thế Tôn trả lời: “Thôi được, này Meghiyà, ta còn có thể nói gì khi mà ông nói cố gắng để thiền định? Vậy hãy làm điều gì mà ông thấy là phải đi.

    Cho nên thầy Meghiyà đến rừng xoài đó để thiền định. Và khi đến đó, ba ý tưởng ác và bất thiện đến với ông, đó là những tư tưởng về dục lạc, sân nhuế và hại. Và vị Đại đức tự hỏi như vầy: “Thật kỳ lạ, thật đáng ngạc nhiên! Là kẻ có đức tin, ta đã bỏ nhà ra đi để sống đời không nhà vậy mà ta lại bị tấn công bởi những tư tưởng bất thiện này.

    Thế là vị Đại đức trở về chỗ Thế Tôn và thưa lại cho Ngài nghe những điều xảy ra đó. Bậc Đạo Sư mới dạy:

    “Này Meghiyà, về sự giải thoát tâm thức cho người chưa chín chắn, có năm điều đưa đến sự chín chắn là: a) một người bạn tốt, b) có phạm hạnh do hành trì giới luật, c) lời khuyên tốt đưa đến chỗ xả ly, trầm tĩnh, đoạn diệt, giác ngộ và Niết bàn, d) nỗ lực để từ bỏ những tư tưởng xấu ác và đạt được những tư tưởng thiện lành; và e) đạt được trí tuệ nhận biết sự vô thường của các pháp”.

     Đặc tính của sự xả ly là ra khỏi dục lạc. Sự xả ly chính là điều đối lập của những cái thuộc trần tục và khoái lạc. Nó tập trung toàn thể tâm thức một cách tự nhiên trên đối tượng Niết-bàn.

    Trong nhiều bài pháp, Đức Phật đã giải thích những đặc tính của khoái lạc, sự nguy hiểm và bất lợi của nó. Ngay bài pháp đầu tiên, Ngài định nghĩa sự buông lung cảm giác là một điều thấp kém, tầm thường, hạ tiện và dung tục. Để cho hàng đệ tử có ấn tượng về nhu cầu cần thiết phải buông xả dục lạc, Đức Phật so sánh chúng với một bộ xương người, một cái xương, một miếng thịt, một cây đuốc cỏ khô, một cục than nóng đỏ, một giấc mơ, những lương thực vay mượn, một cây ăn trái, một lò sát sinh, một thanh gươm và cái thớt, một cái đe và một cái đầu con rắn. Chúng mang đến nhiều đau khổ, nhiều thất vọng. Tai hoạ nơi chúng rất lớn. (Trung Bộ Kinh.22)

    Đức Phật còn dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, các dục lạc thì vô thường, trống rỗng, giả tạm, không thật;(4) việc vớ vẩn của những kẻ điên rồ này do ảo tưởng làm nên... Ở đây những tư tưởng xấu ác bất thiện dẫn đến tham lam, sân hận và tranh cãi.

    Tuy nhiên, đối với kẻ tìm kiếm dục lạc, kẻ sống nặng về vật chất thì điều này có vẻ là một bài giảng luân lý buồn tẻ, nhưng đối với những người cố gắng đối diện sự thật và nhìn mọi sự dưới ánh sáng thật sự của nó, với sự phân biệt rõ ràng vô tư thì đây không phải là điều dối gạt. Các nhà tâm lý học và luân lý học hiện đại chỉ làm công việc khám phá trở lại điều mà Đức Phật đã dạy 25 thế kỷ trước, khi họ dọ dẫm bước vào vấn đề tâm lý giới tính.

    Trong sự phân loại ba nhánh của SNCC, theo sau là những tư tưởng về thiện và vô hại, chúng tương ưng với mettakarunà, tức Từ và Bi trong bốn trạng thái cao cả hay Tứ vô lượng tâm (Brahma-vihara). MettaKarunà (từ và bi) là hai trạng thái hoàn hảo của tâm đưa đến đời sống cao cả. Chúng xoá tan sự vị kỷ, bất hoà và làm tăng lòng vị tha, đoàn kết và tình huynh đệ. Đó là những tư tưởng để tu tập hướng về mọi chúng sinh không phân biệt chủng tộc, giai cấp, màu da, cộng đồng, tín ngưỡng, đông hay tây, và do đó được biết đến như là những trạng thái không biên giới bởi chúng không giới hạn, không hạn chế vào những chỗ cách biệt với mọi người. Chúng bao dung mọi chúng sinh không chút thiên vị hay phân đẳng cấp theo thứ hạng, tính chất, địa vị, năng lực, học thức, giá trị, v.v... là những điều làm chia rẽ con người; trái lại, chúng đem an lạc đến cho mọi loài chúng sinh.

    Như các kinh sách đã chỉ rõ, Từ Bi có thể được tu tập không phải chỉ như một đường lối cư xử đối với con người mà còn là một đề mục thiền quán được biết đến như là sự tu tập thiền quán về Tứ vô lượng tâm (Từ bi quán). Khi được tu tập một cách nhiệt thành và đúng phương pháp, chúng dẫn hành giả đến những giai đoạn cao hơn trong việc phát triển tâm thức, tức Jhàna, thiền định miên mật.

    Khi khích lệ cho La-hầu-la, Đức Phật dạy: “Này La-hầu-la, hãy tu tập quán chiếu về tâm Từ, vì có tu tập về tâm Từ, sự sân hận mới được xoá bỏ.

    “Này La-hầu-la, hãy tu tập quán chiếu về tâm Bi, vì do tu tập Bi tâm, sự tai hại và ác độc được xoá bỏ.

    Như vậy rõ ràng là Từ Bi đối lập một cách tuyệt đối với sân hận và độc ác. Ác tâm hay sân hận, giống như dục lạc cũng được gây ra do các căn gặp gỡ các trần. Khi mắt một người tiếp xúc với vật nhìn thấy mà theo cách nghĩ của người đó là không hay, không thích thú, lúc đó sự phản kháng khởi lên nếu người đó không thực tập sự minh sát có phương pháp. Cũng như vậy đối với tai và thanh trần, mũi và hương trần, lưỡi và vị trần, thân và xúc trần, tâm và pháp trần. Ngay cả những điều làm cho dễ chịu, dù hữu tình hay vô tình, đem lại cho con người niềm vui lớn lao cũng có thể gây ra sự ghét bỏ và sân nhuế. Chẳng hạn, một người ve vãn một người mà họ yêu thương và nuôi dưỡng những tư tưởng luyến ái, mà nếu người được thương yêu đó không tỏ ra tình cảm giống như vậy hay cư xử hoàn toàn ngược lại với sự mong đợi, họ sẽ khởi lên sự oán giận. Lúc đó nếu họ không tu tập sự minh sát có phương pháp, nếu họ không khôn ngoan, họ có thể cư xử một cách điên rồ, và cách cư xử của họ có thể dẫn đến thảm họa, ngay cả việc giết người hay tự tử đều có thể xảy ra. Đó là mối nguy hiểm của những loại phiền não này.

   Đây là một ví dụ điển hình cho thấy rõ bản chất của những tư tưởng tà vạy (Micchà-samkappa), và cách mà chúng vận hành gây bất lợi cho người chấp thủ. Trong trường hợp này sự tham ái nhục dục tức dục vọng không được kiểm soát có thể dẫn đến sân hận cao độ đưa đến sự làm tổn thương, làm hại và bạo hành, kết thúc bằng sự chết chóc, buồn phiền và bi luỵ.

                   “Kẻ thù hại kẻ thù

                   kẻ sân hại kẻ sân

                   tâm niệm kẻ xấu ác

                   tự hại mình hơn hết.”  (Pháp Cú. 42)

    Về vấn đề này, thật là thú vị khi để ý đến câu nói sau đây của Àryadeva (Thánh-đề-bà): “Cùng một sự việc mà đối với người này thì đưa đến thân ái, đối với người kia sinh ra thù hận, nơi một người khác sinh ra vọng tưởng; như vậy, trần cảnh không có một ý nghĩa cố hữu nào.

    Người đời nuôi dưỡng những tư tưởng xấu ác tà vạy là một điều tự nhiên. “Tham ái ngấm vào tâm thức không được tu tập như mưa thấm vào căn nhà lợp tranh rách nát.” (Pháp Cú. 13). Phiền não của con người đang gây nhiễu loạn. Lòng tham của kẻ mù quáng đã mang đến sân hận và những đau khổ khác. “Kẻ thù của toàn thế giới là lòng tham, nó đưa đến mọi cái xấu ác cho chúng sinh. Lòng tham này khi bị ngăn trở bởi những nguyên nhân nào đó sẽ biến thành sự phẫn nộ.

    Cho nên, chúng ta nên cố gắng tu tập và mở ra những tư duy chân chánh tốt đẹp – những khả năng vô tận – ngủ ngầm nơi bản tánh con người. Để làm được điều này, người ta cần tu tập định (Samàdi-sikkhà). Chính do sự tu tập dần dần mà con người có thể kiểm soát được tâm thức và chế ngự nó, không bị nô lệ hay ở dưới sự thống trị của nó. Với sự tu tập tâm như thế người ta có thể giải thoát chính mình ra khỏi ảnh hưởng của trần cảnh. Như vậy, bằng sự tu tập trong giới hạnh, phát triển sự định tĩnh và dưới ánh sáng của chân lý bậc thức giả qua đời đúng lúc và người ta có thể thật sự nói về vị ấy như sau: “Người tự thắng mình là chiến sĩ oanh liệt nhất.” (Pháp Cú.103)

                   “Kẻ thắng sinh thù địch

                   Kẻ bại sống đau khổ

                   An lạc trong hạnh phúc

                   Chẳng màng tới thắng bại.” (Pháp Cú. 201)

    Mettã (Tâm từ) là một thuật ngữ phổ biến nơi những người theo đạo Phật mà không có một từ tiếng Anh (hay Việt) nào tương đương mang ý nghĩa chính xác của nó. Những từ ngữ dịch thuật được ưa dùng là tình thân thiện, lòng nhân từ, thiện ý, tình thương bao dung lòng trìu mến... Tâm từ là lòng ước muốn sự an lạc và hạnh phúc cho mọi chúng sanh, không có hạn cuộc bất kỳ ai. Nó có đặc tính của một người bạn nhân từ; kẻ thù trực tiếp của nó là sân nhuế, trong khi kẻ thù gián tiếp hay được nguỵ trang là tình yêu nhục dục hay dục tình ích kỷ, hoàn toàn trái ngược với Tâm từ. Thứ tình yêu nhục dục khi được nguỵ trang thành Tâm từ có thể làm hại đến bản thân và người khác. Con người phải cảnh giác chống lại kẻ thù đội lốt này. Một điều rất thường xảy ra là người ta nuôi dưỡng những tư tưởng về tình cảm thuộc tính dục và lầm nó với Tâm từ, và không biết rằng họ đang theo con đường sai lầm. Nếu con người xem xét một cách vô tư những tư tưởng như thế họ sẽ nhận thấy rằng chúng do cảm giác gây ra. Nếu cái cảm giác của tình thương yêu là kết quả trực tiếp của ràng buộc và chấp thủ thì nó thật sự không phải là Tâm từ.

    Tình yêu nhục dục là một loại ước muốn có khả năng gây ra nhiều đau khổ, buồn phiền và bi luỵ. Đức Thế Tôn đã giải thích rõ ràng sự thật này trong các bài pháp, và năm bài kệ ở chương nói về Hỷ Ái trong kinh Pháp Cú nhấn mạnh như sau:

                   “Tham ái sinh ưu sầu

                     Tham ái sinh sợ hãi

                     Ai thoát mọi tham ái

                     Tức hết sợ hết ưu.

                   “Hỷ ái sinh ưu sầu...

                     Luyến ái sinh ưu sầu...

                     Dục ái sinh ưu sầu...

                     Tham ái sinh ưu sầu...” (Pháp Cú. 212…216.)

    Như chúng ta đã biết, yêu thương một người nào có nghĩa là phát triển sự bám víu vào người đó, và khi người đó cũng yêu bạn say mê thì sinh ra luyến ái ràng buộc, nhưng khi phải chia lìa hay khi tình thương yêu của một người thân đối với bạn bị suy giảm, bạn trở nên đau khổ và còn có thể xử sự một cách ngông cuồng. Khi thiết lập Chân lý về Đau khổ, Đức Phật dạy: “Gặp gỡ người mình không yêu là đau khổ, chia ly với người mình yêu là đau khổ, không đạt được điều mình muốn là đau khổ v.v... Còn Tâm từ là một trạng thái rất cao siêu thanh tịnh của tâm thức con người; giống như thủy ngân không hề bám chấp vào bất kỳ cái gì, Tâm từ là một hạnh dung hoà, không quyết đoán và trầm tĩnh siêu phàm trong số các đức hạnh.

    Thật khó mà yêu thương một người nào đó một cách vô tư, không có bất kỳ một loại chấp thủ nào, không có một ý tưởng nào về cái Ngã, Tôi và của Tôi; vì ở nơi con người khái niệm “Tôi” có tính cách thống trị, hầu như người ta khó có thể yêu thương mà không có bất kỳ sự phân biệt bỉ thử nào, không có rào chắn nào giữa mọi người để xem tất cả đều là anh chị em với trái tim không biên giới; nhưng những người nào có cố gắng một chút thì cũng sẽ được phần thưởng xứng đáng. Nhờ sự nỗ lực liên tục và quả quyết, người ta sẽ đạt đến mục tiêu từng bậc một.

    Một hành giả thực hành Tâm từ hẳn là cảnh giác đối với người bị chai lì là người có tánh vị kỷ. Một sự việc thường xảy ra là người mềm mỏng lịch sự và chân thành thì thường hay bị người khác cố lạm dụng những tính chất tốt đó cho những mục đích của họ. Chúng ta không nên khuyến khích điều này. Nếu người ta cho phép người có lòng vị kỷ lạm dụng không tốt lòng Từ, lòng tử tế và khoan dung của con người thì nó có khuynh hướng làm gia tăng những cái xấu ác và đau khổ của xã hội hơn là giảm bớt.

    “Có những người phục vụ và kết giao với con người vì lợi lạc riêng họ,

    Thật khó tìm ra được những người bạn vô vụ lợi:

    Vì người không thanh tịnh chỉ nghĩ đến mối lợi riêng,

    Họ chỉ đi một mình, giống như cái sừng của con tê giác.”(Tương Ưng Bộ Kinh .n.75)

    Đức Phật dường như bị buộc phải nói điều này dù nó gây khó chịu cho con người vào thời đó cũng như ngày nay.

    Vì Tâm từ có đặc tính không luyến ái bất cứ người nào, nó vẫn dễ tu tập hơn khi tâm người ta ít thiên về tình dục hay ái dục. Nekkhamma, sự xả ly, như chúng ta thấy trước kia, có nghĩa là buông xả dục lạc, và Tâm từ hàm nghĩa là tình thân thiện không mang tính ái dục. Do đó chúng ta thấy rằng xả ly và Tâm từ hoà hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Trong những bản kinh có từ xưa, chúng ta thấy vài bài pháp đề cập đến Tâm từ, nhưng một trong số đó, Bài Kinh Từ Tâm là phổ biến nhất với hầu hết người theo đạo Phật. Nó chia ra hai phần: phần đầu nói chi tiết tiêu chuẩn của Giới dành cho người muốn đạt đến sự thanh tịnh và an lạc, phần hai đưa ra chi tiết phương pháp tu tập Tâm từ. Bài kinh viết:

    “Người khôn khéo trong hạnh phúc và người tìm kiếm an lạc, Niết-bàn nên hành động như vầy: vị ấy có thể chính trực, rất là chính trực, tuân theo lời khuyên tốt, hoà nhã, không kiêu mạn.

    “Hài lòng, dễ chịu đựng, ít bổn phận, sống thiểu dục, kiềm chế cảm giác, biết suy xét, lịch sự và không bám vào những nhà đàn việt một cách tham lam.

    “Không làm điều gì hèn mọn để người trí có thể quở trách. Cầu cho mọi người đều hạnh phúc và an lạc, cầu cho mọi chúng sinh đều có tâm hạnh phúc.

    “Bất cứ chúng sinh nào, những tín đồ hay những bậc đạt đạo vững vàng, người cao, người mập, người trung bình, người thấp, người bé, người lớn.

    “Những chúng sinh trông thấy được hay không trông thấy được, những chúng sinh cư ngụ ở xa hay gần, những chúng sinh đã được sinh ra cũng như đang tìm chỗ sinh ra – đều cầu cho họ có tâm hạnh phúc!

    “Xin đừng để một ai dối gạt cũng không khinh khi người khác ở bất cứ đâu bằng bất cứ cách nào. Dù đang giận dỗi hay sân nhuế, họ cũng không muốn cho người khác xấu ác.

    “Giống như một người mẹ thương yêu đứa con trai độc nhất của mình bằng cả cuộc đời, họ tu tập trái tim không biên giới đối với mọi loài chúng sinh.

    “Họ tu tập tình yêu thương không biên giới ở trên, ở dưới và ở khắp xung quanh đối với cả thế giới này, không ngăn ngại, không giận dữ, không thù hiềm.

    “Đi, đứng, nằm, ngồi họ đều phát triển cái niệm này tới chừng nào mà họ còn tỉnh thức; điều họ nói là “Đời sống cao cả ở ngay đây” (theo giáo pháp Đức Phật).

    “Không phải là người theo tà kiến – họ là người có đạo hạnh, đạt khả năng Tuệ Giác, dứt bỏ sự thèm muốn cảm giác – vị ấy không bao giờ còn trở lại đầu thai nữa.”    

    Trong một bài pháp khác, Đức Thế Tôn nói về 11 điều hạnh phúc mà một người tu tập quán Tâm từ có thể trông chờ: “Vị ấy ngủ và thức dậy trong sự an lạc, không có ác mộng; là người thân thuộc của cả nhân và phi nhân, chư thiên hộ vệ người ấy; không có lửa, thuốc độc hay khí giới nào hãm hại được họ; tâm vị ấy có thể được định nhanh, sắc mặt vị ấy hạnh phúc và trong sáng; vị ấy chết mà không có sự lầm lẫn trong tâm. Nếu vị ấy không đạt được quả Thánh A-la-hán hay hàng Thánh cao nhất, ở đây và bây giờ, vị ấy cũng sẽ được sanh về cõi của Phạm Thiên.

    Những tư tưởng oán thù, độc ác xấu xa hầu hết đều là bất lợi và có hại cho những người nào nuôi dưỡng chúng. Có một sự thật được chấp nhận là cả thân và tâm đều chịu những thay đổi nào đó khi một người nóng giận: tim họ đập mạnh hơn và kết quả là cả năng lực tinh thần và vật chất đều bị tiêu tan. Một câu ngạn ngữ xưa thật là chí lý: “Đừng có nóng giận, vì nóng giận làm cho người ta mau già.” Đúng vậy, “khi một người nóng giận, họ trông thật xấu xí, họ chìm trong đau khổ; nóng giận che lấp tâm trí và họ không thể nào phân biệt được đúng sai. Người nóng giận không còn biết nghĩa lý, người ấy không còn trông thấy được một ý tưởng nào, họ bị bao phủ trong bóng tối như thể kẻ mù loà.

                                           (Tăng Chi Bộ Kinh. iv. 94).

    Đây là hậu quả của sự nóng giận, cho nên cần phải kiềm chế nó cho đến khi có thể hoàn toàn dập tắt được nó. Tâm từ là liều thuốc giải độc tốt nhất cho lòng sân hận nơi con người; nó hữu hiệu cho những người đang nóng giận với chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng lòng thương yêu với một trái tim tự do và không biên giới đến với tất cả những người cần đến nó.

    Trong các bài pháp người ta thường thấy bậc Đạo Sư đặt ra câu hỏi sau đây cho hàng đệ tử khi Ngài gặp họ: “Các thầy ra sao? Các thầy sống thế nào? Như Lai tin rằng các thầy đều khoẻ, tin rằng các thầy không thiếu lương thực. Như Lai tin rằng các thầy đang sống với nhau bằng tình huynh đệ, hạnh phúc và hoà hiệp như sữa hoà với nước, nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương.” (Trung Bộ Kinh. 31, 128. Tăng Chi Bộ Kinh. i. 70)

    Đức Phật là hiện thân của Tâm từ, một tiêu biểu của lòng thương yêu bằng giới luật và thân giáo. Trong toàn bộ kinh điển Phật giáo, không có một lần nào mà Đức Phật tỏ ra giận dữ hay nói lời bất nhã với bất cứ ai – ngay cả với đối phương và kẻ thù địch Ngài. Có những người chống đối Ngài và triết thuyết của Ngài, nhưng Đức Phật không bao giờ nhìn họ như kẻ thù. Trong cuộc tranh luận Ngài trầm tĩnh và nhìn sự đối lập không chút dao động, không tỏ ra giận dữ. Saccaka, một người tranh luận với bậc Đạo Sư, vào cuối buổi tranh luận đã nói: “Thật là kỳ diệu, thật là lạ lùng Ngài Cồ-Đàm hiền thiện, khi người ta cứ khăng khăng nói thế này thế nọ, khi Ngài bị tấn công một cách vũ bảo với những lời lẽ tố cáo, sắc mặt Ngài Cù-Đàm hiền thiện vẫn trong sáng, và vẻ mặt Ngài vẫn hạnh phúc như một vị Thánh A-la-hán, một người hoàn hảo, một Đấng Giác Ngộ tối cao.” (Trung Bộ Kinh. 36)

    Ngay cả khi người ta công kích Ngài một cách thô bỉ và sỉ nhục Ngài bằng những lời mạnh mẽ, Đức Phật vẫn không biến sắc. Người ta thường để ý thấy Ngài mỉm cười. Câu chuyện liên quan đến câu kệ thứ 320 trong kinh Pháp Cú rất thú vị:

    Vào một dịp Đức Phật đang cư trú tại thành Vương Xá, một kẻ vô lương tri đã hối lộ những kẻ côn đồ để sỉ vả bậc Đạo Sư khi Ngài đi vào thành khất thực. Chúng đi theo sau Ngài khắp thành và hét lên: “Mi là một kẻ cướp, một tên ngốc, một tên khùng điên, một con lạc đà, một con bò, một con lừa. Mi không có hy vọng giải thoát khỏi đau khổ.

    Nghe những lời như thế này, Ngài A-nan, thị giả riêng của Đức Phật, rất phiền não và thưa với bậc Đạo Sư:

    “Bạch Thế Tôn, những người này đang sỉ vả chúng ta, chúng ta hãy đi đến chỗ khác.

    - Chúng ta sẽ đi đâu, A-nan?

    - Bạch Thế Tôn, chúng ta hãy đi đến một thành khác.

    - Này A-nan, giả dụ ở tại đó người ta vẫn chửi chúng ta, vậy thì chúng ta sẽ đi đâu?

    - Bạch Thế Tôn, lúc đó chúng ta sẽ đi đến một thành khác.

    - Nhưng giả dụ người ta cũng vẫn sỉ vả chúng ta tại đó, vậy thì chúng ta sẽ đi đâu?

    - Bạch Thế Tôn, chúng ta lại đi sang một thành khác nữa!

    - Này A-nan, chúng ta không nên làm như thế; bất cứ nơi nào hỗn độn, chúng ta vẫn cứ phải ở lại đó cho đến khi sự hỗn độn bị dập tắt. Chỉ khi nào những phản ứng đó đã lắng xuống thì chúng ta mới đi nơi khác. Này A-nan, Như Lai sẽ chịu đựng lời lăng nhục giống như một thớt tượng lâm trận chịu những mũi tên bắn ra từ chiếc cung. Thật sự hầu hết con người đều có bản chất xấu.

    Đức Phật đã cố gắng nhấn mạnh cho hàng đệ tử ý thức một cách rõ ràng về nhu cầu tu tập lòng thương yêu trong những lời dạy sau đây:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, nếu một người nuôi dưỡng sự sân hận ngay cả khi bọn cướp dã man dùng một cái cưa bằng hai tay, cưa chân tay anh ta thì người đó không phải là người theo giáo lý của ta. Như vậy, các thầy hãy nên tu tập: đừng để tâm hoen ố, đừng bao giờ để một lời nói xấu ác nào thoát ra từ môi chúng ta, mà hãy thốt những lời hoà nhã và từ bi, chúng ta sẽ mãi mãi trân trọng với trái tim yêu thương, và không nuôi dưỡng lòng hận thù. Chúng ta sẽ chiếu rọi lòng thương yêu đến với cả những kẻ cướp đó và như thế chúng ta sẽ chiếu rọi cả thế giới này với những tư tưởng của tình huynh đệ không bờ bến, không ác cảm, không sân hận. Này các thầy Tỳ-kheo, nếu những người khác nói xấu Như Lai, nói xấu Giáo pháp hay nói xấu Tăng đoàn, các thầy chớ có vì chuyện đó mà nuôi dưỡng tư tưởng thù địch sân hận, và trở nên lo lắng. Này các thầy, nếu các thầy giận dữ và phật lòng với họ, điều đó sẽ chướng ngại cho các thầy trong việc tu tập tâm thức.

    “Nếu các thầy cảm thấy giận dữ và phật lòng, thì các thầy có thể biết được lời nào phải và không phải của những kẻ khác không?

    - Bạch Thế Tôn, không thể biết được.

    - Này các thầy Tỳ-kheo, nếu những người khác nói xấu Như Lai, nói xấu Giáo pháp hay nói xấu Tăng đoàn, các thầy lúc đó nên hoá giải những điều không đúng và làm cho nó sáng tỏ bằng cách nói: “vì lý do này, điều này sai; vì lý do này điều này không đúng; đây là điều không có trong chúng tôi.” (Trường Bộ Kinh. 1)

     Đức Phật không tin rằng sự giận dữ có thể chiến thắng được sự giận dữ. Ngài nhấn mạnh:

                   “Hận thù xoá đi hận thù

                   Đời này không thể có,

                   Từ bi xoá đi hận thù

                   Là định luật ngàn thu.” (Pháp Cú.5)

    Những tư duy về Tâm từ đã phát triển cao dường như có được cái năng lực hấp dẫn; người ta có thể gây ảnh hưởng và chiến thắng được người khác bằng cách toả ra những tư tưởng cao cả đó. Năng lực của Tâm từ như đã minh họa qua đời sống Đức Phật có thể được tìm thấy trong nhiều câu chuyện kể về Ngài. Trong số đó hay nhất là câu chuyện của Roja, một người dân Malla. Khi dân Mallas biết được Đức Phật lần đầu tiên sắp đến thăm thành phố họ ở là Câu-thi-na, tất cả đều quyết định gặp Ngài. Tuy nhiên, Roja không muốn đi cùng họ; nhưng cuối cùng ông ta đồng ý đi dù rất là miễn cưỡng. Thế nhưng, ngay trước khi trông thấy bậc Đạo Sư, ông ta đã bị Ngài cuốn hút giống như con bò con bị bò mẹ thu hút. Đây là một thí dụ về năng lực tâm linh của Tâm từ. Sự thuần phục của con quỷ Alavaka, tên cướp tàn nhẫn Angulimala, con voi say Nalagiri và những câu chuyện khác đều là những thí dụ về Tâm từ của Đức Phật.

    Điều khá lý thú khi ta thấy có một số người đương thời với Ngài, đặc biệt là những người khác đạo, rất kinh sợ Đức Phật và không dám gửi đệ tử cùng tín đồ của họ đến với Ngài vì sợ họ bỏ đạo theo Ngài. Điều này thấy rõ qua câu chuyện sau đây:

    Một lần nọ, Ni-kiền-tử muốn gửi Upali, một đệ tử tại gia nổi tiếng của ông ta đến Đức Phật để bắt bẻ lời dạy của Ngài về một điểm tranh luận. Lúc đó Dìghatapassin nói với Ni-kiền-tử: “Thưa ngài, theo tôi thấy chẳng hề có chút hy vọng gì về việc Upali sẽ bắt bẻ được những lời của đạo sĩ Cồ-đàm, vì đạo sĩ Cồ-đàm rất là dối trá, ông ta biết một câu mật chú và dùng nó cám dỗ đệ tử của những phái khác.”(Trung Bộ Kinh. 56; Tăng Chi Bộ Kinh. ii.190)

    Có lẽ là họ không nhận thức được rằng chính lòng Từ của Đức Phật, tình thương yêu và khoan dung rộng khắp của Ngài đã lôi cuốn những người khác đến với Ngài chứ không phải một “phương kế cám dỗ” nào cả.

    “Bằng tình yêu thương người ta cộng thêm vào cái quỹ hạnh phúc của loài người, con người làm cho thế giới sáng hơn lên, cao cả hơn, trong sạch hơn, và chuẩn bị cho đời sống tốt đẹp hơn là bằng một cách nào khác. Người ta nói rằng, không có sự rủi ro nào tệ hại hơn sự sân hận, và không có sự an lành nào đến từ sự thù địch đối với người khác lại lớn hơn trái tim yêu thương, trái tim trong đó sự hận thù đã dẫy chết...”

    “Nếu con người đã phát triển một tình yêu thật sự vĩ đại, gạt bỏ được lòng ham muốn nắm giữ và sở hữu, tình yêu trong sạch, mạnh mẽ không bị ô nhiễm bởi các loại dục vọng, tình yêu không trông đợi lợi lạc vật chất và lợi dưỡng từ hành động thương yêu, tình yêu chắc chắn nhưng không chấp thủ, không thể lung lay nhưng không ràng buộc, tế nhị và ổn định, cứng rắn và thẩm sâu giống như một viên kim cương nhưng không gây tổn hại, ích lợi mà không làm trở ngại, mát mẻ và làm tăng thêm sinh lực, cho nhiều hơn là nhận, không kiêu mạn nhưng cao cả, không cẩu thả mà mềm mại, tình yêu đó dẫn con người đến đỉnh cao của sự Giác ngộ trong sạch; một tình yêu như thế không hề có ý gì xấu ác.”

    “Tình yêu là một lực tích cực. Mỗi một hành động của con người biết yêu thương được làm bằng cái tâm không tì vết, để giúp ích, để cứu hộ, để làm vui, làm cho con đường của người khác dễ đi hơn, êm xuôi hơn, thích hợp hơn cho việc chinh phục sự ưu sầu và đạt đến hạnh phúc tối thượng.”

    “Để phát triển tình thương yêu ta phải cân nhắc kỹ lưỡng những cái xấu ác của lòng thù hận, và sự lợi lạc của vô sân; cân nhắc kỹ lưỡng dựa theo thực tế và nhân quả (nghiệp), thật sự là không có một ai để ghét bỏ, sự ghét bỏ đó là một cách cảm thọ điên rồ nuôi dưỡng càng ngày càng nhiều sự đen tối, trở ngại Chánh kiến. Sân hận làm hạn chế, tình thương yêu đưa đến giải thoát; sân hận làm đè nén, tình thương yêu giải phóng con người. Hận thù mang đến sự hối hận, tình thương yêu mang đến an lạc. Hận thù gây khích động, thương yêu tạo sự yên ổn, lắng đọng, định tỉnh. Hận thù gây chia rẽ, thương yêu đưa đến đoàn kết. Hận thù làm cho cứng cỏi, thương yêu làm cho mềm dịu; hận thù làm ngăn trở, thương yêu làm lợi ích. Như vậy, qua sự nghiên cứu đúng đắn và đánh giá hậu quả của sân hận và phúc lạc của tình thương yêu, con người nên tu tập lòng từ ái.” (Theo The Lamp of the Law của Soma Thera và Piyadassi Thera)

    Khía cạnh thứ ba của Suy Nghĩ Chân Chánh (Chánh tư duy) là Karunà, tức lòng thương xót, trắc ẩn hay Tâm bi. Karunà được định nghĩa là: “Tính chất làm cho trái tim của một người hiền thiện rung cảm và xúc động khi thấy người khác đau khổ.” hay: “Cái tính chất làm phát sinh những tình cảm trìu mến nơi con người hiền thiện khi thấy sự đau khổ của người khác.” Sự ác độc, bạo lực là kẻ thù trực tiếp của Tâm bi, trong khi sự phiền não trong lòng chính là kẻ thù gián tiếp hay đội lốt. Dù cho phiền não có thể xuất hiện dưới lớp nguỵ trang là lòng bi mẫn, thật sự nó chỉ là thứ tình cảm giả tạo; thứ tình cảm đó là sự gạt gẫm và người ta phải cố gắng phân biệt Tâm từ thật hay giả. Người có lòng bi mẫn xót thương, không làm hại và đàn áp những kẻ khác và nỗ lực làm giảm thiểu sự đau khổ của họ, đưa đến cho mọi người món quà an lạc, không có bất kỳ sự phân biệt nào.

    Đức Phật là Đấng Đại Bi qua việc trì giới và đời sống gương mẫu (khẩu giáo và thân giáo). Ngài chiếu rọi lòng đại bi của Ngài đến khắp muôn loài chúng sinh. Những hành động của Ngài không bao giờ tách rời khỏi Tâm bi. Toàn bộ giáo pháp của Đức Phật được lan toả với tính chất bi mẫn siêu tuyệt này. Thiện tâm và bạo lực không thể nào cùng hiện hữu; thiện tâm xây dựng, còn bạo lực thì huỷ hoại. Một người bị đè nặng bởi những tư tưởng vị kỷ không thể tu tập Tâm bi. Chính người biết hy sinh cái ngã của mình là người để cho tâm hồn ngập tràn những tư tưởng trong sạch của lòng thương xót và mong muốn giúp đỡ, phục vụ người khác. Kẻ ích kỷ không thể nào phục vụ tha nhân thật sự, vì động cơ vị kỷ ngăn chặn  không cho họ làm việc thiện. Họ vừa chớm vị kỷ và tư lợi thì liền thất bại trong việc mềm dịu hoá tâm hồn họ; còn lòng thương xót và đồng cảm đánh bại trái tim cứng rắn. Nếu loại trừ lòng bi mẫn ra khỏi các giáo lý của Đức Phật là người ta đã thay đổi trọng tâm của đạo Phật, vì mọi giới luật, mọi việc thiện và sự chân chánh đều dựa vào Bi Tâm làm cơ sở và khuôn mẫu. Mọi giới luật mà một vị Bồ-tát hay một người mong đợi giác ngộ tu tập đều được mở đầu bằng Tâm bi. Lòng bi mẫn là sự dịu dàng trìu mến, một phẩm chất của trái tim, trong khi sự hiểu biết hay trí tuệ thì khô khan và sắc sảo. Tâm bi được hướng dẫn bởi sự hiểu biết và sự hiểu biết phải được hướng dẫn bởi Tâm bi. Hai điều này đi song song với nhau và là cột trụ chính của đạo Phật.

    Chúng ta phải cẩn thận tránh sự lẫn lộn lòng bi mẫn với những biểu hiện không lành mạnh của sự buồn rầu, những cảm thọ đau khổ của tâm hồn và tính đa cảm. Khi mất một người thân, người ta khóc; nhưng đó không phải là Tâm bi. Nếu phân tích tình cảm kỹ lưỡng chúng ta sẽ kết luận đó là những biểu hiện bề ngoài của thứ tình cảm ích kỷ nơi nội tâm. Ta cảm thấy buồn vì người mình thương yêu đã qua đời, người họ hàng bè bạn của chúng ta giờ không còn nữa. Chúng ta cảm thấy đã mất đi cái hạnh phúc và tất cả những cái có được từ đó, do vậy chúng ta buồn. Chúng ta không thấy rằng mọi tình cảm này xoay chung quanh cái “Tôi”, “cho tôi” và “của tôi” hay sao? Dù muốn hay không thì chính sự tư lợi đã được quy trách cho hết thảy những điều đó. Chúng ta có thể gọi Karuna (Bi Tâm) là lòng thương xót hay lòng trắc ẩn không? Tại sao chúng ta không cảm thấy buồn giống như vậy khi những người khác không phải là họ hàng bè bạn qua đời ngay trước mắt chúng ta? Bởi vì chúng ta không thân thuộc với họ, họ không phải là của chúng ta, chúng ta không mất cái gì, và không bị tước đi những lạc thú và những tiện ích đã được hưởng. Bây giờ rõ ràng là tình cảm buồn bã khi mất đi một người thân chính là kết quả của sự vị kỷ trong ta: đây là một việc thuộc tâm lý tế nhị, và mọi người đều phải chịu những nhược điểm yếu kém đó. Con người có tâm thức đã phát triển cao kiểm soát được những tình cảm như thế và tuỳ theo nghiệp lực họ cố gắng nhìn ra tình trạng thực tế để thấy rõ thực tánh của các pháp chứ không nhìn chúng qua bề ngoài.

    Chắc chắn Tâm bi không phải là một trạng thái tâm mềm yếu uỷ mị mà đó chính là sự kiên trì mạnh mẽ. Khi nhìn thấy một người sống trong đau khổ trái tim của người có lòng bi mẫn rung cảm, tuy nhiên đó không phải là nỗi buồn. Chính sự rung động của trái tim thúc đẩy họ đi đến chỗ hành động và cứu độ người đau khổ, họ cần sự mạnh mẽ của tâm, lòng khoan dung và xả ly (upekkha), một trong bốn trạng thái cao cả của tâm (Tứ vô lượng tâm). Những người kết luận vội vàng và tuyên bố Tâm bi là một biểu hiện của sự yếu đuối do tính chất dịu dàng của nó là họ không biết họ đang nói cái gì. Có lẽ theo họ sự khủng bố mới là dấu hiệu của sức mạnh!

    Những tiền thân (Jàtakas) của Bồ-tát cho chúng ta biết rõ từng chi tiết sống động cách mà Ngài đã nỗ lực để giúp ích cho người khác, cứu độ chúng sinh tuyệt vọng và đem họ ra khỏi đau khổ. Đời sống quý giá đối với mọi người, nhưng Bồ-tát trong khi chuẩn bị để thành Phật đã làm nhiều việc mà người thường không dám làm cũng không dám nghĩ đến. Ngài cho cả tay chân và thân mạng, hy sinh vì người khác. Những câu chuyện kể về lòng bi mẫn thương yêu và sự cho đi không vị kỷ của những bậc vĩ đại như Bồ-tát được ghi lại trong kinh sách:

    “Hy sinh tài sản để cứu một tứ chi

    Hy sinh một tứ chi để cứu mạng sống

    Tài sản, tứ chi, mạng sống và tất cả đều qua đi

    Duy có điều thiện và yêu cầu về nó là còn mãi.

    (Mahà suttáoma jàtaka, số 537, các chuỵện tiền thân, q.5)

    Bậc Bồ-tát đã tu tập Tâm bi đến mức độ đặc biệt cao siêu như thế.

    Bạn thường hay động lòng vì một tiếng kêu đau thương bất ngờ, hay tiếng thở dài khổ sở của người khác. Trái tim bạn cảm kích và bạn muốn hành động phù hợp với những tình cảm tử tế đó. Bạn vội vàng đến giúp một người cô thế, bạn cứu họ và đưa họ ra khỏi đau khổ. Bạn không ích kỷ thèm khát sự đền ơn hay cố lợi dụng tình trạng đó để tước đoạt những gì thuộc về họ. Đây là Tâm bi mẫn thật sự trong ý nghĩa tốt nhất của từ ngữ này. Nếu tình cờ bạn được thưởng hay tôn vinh vì lòng nhân đạo của bạn, đó lại là chuyện khác.

    Theo tôi, việc bạn giúp người khác, phục vụ người nghèo khó chỉ với ý đồ được khen thưởng, gặt hái về phần mình nhiều lợi lộc là hoàn toàn không đúng. Nếu chúng ta đến với tình huống nào đó bằng những động cơ ích kỷ như thế thì hành động tốt của chúng ta bị lu mờ; nên chúng ta đừng quá quan tâm tới kết quả của những việc lành và bị dính mắc vào nó. Kết quả sẽ theo chúng ta như bóng theo hình, vì hành động sanh ra hậu quả, hạt mầm sẽ kết trái, nhân sẽ đưa đến quả. Nhận biết một hành động và hậu quả thích đáng của nó là Quan Điểm Chân Chánh, còn dính mắc vào kết quả là khuyến khích lòng tham lam và sự ham muốn; đó là một chướng ngại cho Quan Điểm Chân Chánh, cho sự thanh tịnh và an lạc.

    Khi chúng ta bố thí cho một người đang đói khát, chúng ta không cần phải nghĩ mình sẽ tái sanh tốt đẹp ở các cõi trời, sẽ tái sanh trong một tình trạng tốt đẹp của cuộc sống, hay với hy vọng là tới phiên mình sẽ gặt hái được kết quả tốt; đó không phải là thái độ của một người theo đạo Phật, hay nói đúng hơn, không phải là một thái độ chân chính. Với sự mơ tưởng như thế chúng ta chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho những tư tưởng ích kỷ tham lam của chúng ta. Phân tích sâu sát hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cái lý do duy nhất đúng đắn để giúp thức ăn cho một người là vì họ đói. Như Đức Phật đã dạy, đói là một căn bệnh tồi tệ nhất (Pháp Cú.203). Khi thấy họ đã ăn, đã qua được cơn đói, và cảm thấy sung sướng thì lúc đó chúng ta cũng cảm thấy sung sướng và mãn nguyện. Những hành động không vị kỷ đó thật sự mang niềm vui thuần khiết đến cho chúng ta. Niềm vui vì hạnh phúc của người khác là trạng thái cao cả thứ ba được biết đến là Mudità, niềm vui đồng cảm, tức là Hỷ. Bấy giờ bạn sẽ thấy cách vận hành và cùng hỗ trợ lẫn nhau của bốn trạng thái cao cả này (Tứ vô lượng tâm).

    Như vậy, bằng cách cho không vị kỷ, bằng sự khoan dung chúng ta sẽ không còn keo kiệt và trở nên hào phóng, không chỉ với sự giàu có mà còn với tư tưởng – chúng ta trở nên càng ngày càng có đầu óc rộng rãi.

    Dó đó, chúng ta phải cố gắng hiểu ý nghĩa thật sự của Nghiệp và Kết quả của nó trong tư tưởng đạo Phật.

    Điều rất cần là ý thức được những kết quả tốt xấu của các hành động để biết bằng cách nào các hành động trở thành kết quả, nhưng chúng ta không nên dính mắc một cách tham lam vào kết quả. Sự hiểu biết đúng đắn về luật nghiệp báo và cách vận hành của nó khuyến khích chúng ta trở nên công bằng và có tâm bi mẫn.

    Tâm bi mẫn không chỉ giới hạn vào việc giúp người nghèo khó thiếu thốn những thứ vật chất, hay cho người ăn xin một đồng xu. Mọi hành động được làm với động cơ trong sạch, không có tham lam, tà kiến, và kiêu mạn được xem là những hành vi tử tế chân chánh. Truyền bá kiến thức cho người thất học, hướng dẫn những người có đầu óc đần độn và người không có học đi theo con đường chân chính, đem đến sức mạnh và sự hỗ trợ tinh thần cho người yếu đuối và sợ hãi, giúp đỡ chăm sóc cho người bệnh, v.v... đều là những hành động nhân đạo.

    Chẳng hạn, cách thức chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh của Đức Phật thật là tuyệt diệu. Ngài là một thầy thuốc vĩ đại, Ngài không chỉ chữa trị cho người bệnh với niềm vui của tình bạn mà còn chăm sóc cho họ với tấm lòng bi mẫn. Tác phẩm Luận về Kinh Pháp Cú (P.C. 41) ghi lại câu chuyện cảm động như sau: một thanh niên ở thành Xá-vệ nghe Đức Phật thuyết pháp, tin tưởng nơi Ngài, gia nhập vào Giáo đoàn, anh được mọi người biết đến với tên Tissa. Một thời gian sau anh bị bệnh; đầu tiên những mụn mủ nhỏ trên thân thể trở nên lớn dần, vỡ ra và lở loét. Những Tỳ-kheo theo Đức Phật không muốn chăm sóc Tissa; bị bỏ rơi nên Tissa phải sống trong đơn độc. Khi Đức Phật biết việc này, Ngài đến chỗ lò sưởi nấu nước, rồi đi đến chỗ Tissa, ngồi vào một góc trên chiếc đơn mà Tissa đang nằm. Các Tỳ-kheo hiểu ra được điều bậc Đạo Sư đang làm nên họ khiêng người bệnh với chiếc đơn đi tới chỗ lò sưởi. Tại đó, bậc Đạo Sư bảo các thầy Tỳ-kheo giặt giũ y áo cho Tissa, và phơi khô, trong khi Ngài rửa ráy những mụn nhọt và tắm cho người bệnh. Người bệnh bình phục và nằm trên giường với tâm điềm tĩnh. Lúc đó Đức Thế Tôn giải thích giáo pháp cho Tissa. Với tâm tự chủ, Tissa lắng nghe và cuối bài pháp đã đạt được Thánh quả cao nhất và qua đời. Tang lễ được cử hành đúng nghi thức, và Đức Phật cho cất giữ các xá lợi của Tissa trong.một cái tháp một cách trân trọng.(5)

    Không có phẩm chất nhân loại nào là đặc quyền của riêng một tôn giáo, một quốc gia, một chủng tộc hay một văn hoá đặc biệt. Tất cả những ai có tuệ nhãn để nhìn và có tâm đạo để hiểu biết đều nhận thức được rằng mọi hành vi thân thiện, từ mẫn và tấm lòng bao dung rộng rãi đều là tính chất chung của nhân loại. Nhưng than ôi, khi con người bị xúi giục, bị làm cho lầm đường lạc lối, họ ủng hộ và vạch kế hoạch cho những cuộc chiến tranh có “chính nghĩa” – “những cuộc Thánh chiến”! Chiến tranh là chiến tranh, cho dù nó có “chánh nghĩa” hay là “thần thánh”; chiến tranh không bao giờ là hoà bình an lạc cả và mọi cuộc chiến đều dã man!

    Kinh sách có ghi lại một sự cố đã đưa Đức Phật ra chiến trường: những người thuộc dòng họ Thích-ca và Koliyas suýt chút nữa gây chiến với nhau về những dòng nước chảy trên sông Rohini. Biết được thảm hoạ trước mắt, bậc Đạo Sư đến gần họ và hỏi rằng nước và máu người thứ nào quý hơn. Họ đều đồng ý rằng máu người quý hơn. Bậc Đạo Sư thuyết cho họ nghe và đã ngăn chặn được cuộc chiến.

        (Tăng Chi Bộ Kinh. i.314; Tương Ưng Bộ Kinh. 357).

    Đức Phật được biết đến như một người đã buông bỏ mọi gậy gộc, vũ khí. Thứ vũ khí duy nhất mà Ngài đã sử dụng một cách thành công là tình thương yêu và lòng từ bi. Ngài đã tự trang bị bằng chân lý và lòng từ bi thương yêu. Bằng năng lực của tình thương yêu và tâm từ bi, Ngài đã thuần phục những người nhẫn tâm như Àlavaka, Angulimàla, con voi say Nàlàgiri và nhiều người khác đã làm hại Ngài. Sau khi được thuần hoá trở thành một đệ tử của Phật và đạt được Thánh quả A-la-hán, Angulimàla đã ca ngợi:

    “Có người được thuần hóa bằng gậy tày

    Có người bằng gậy nhọn, bằng roi da.

    Không bằng roi gậy cũng không bằng khí giới

    Ta là người đã được thuần hoá bằng sự kiên định.

                                               (Trưởng Lão Tăng Kệ.878)

    Hàng đệ tử của Đức Phật khi được Ngài cảnh tỉnh, họ đã ra đi vì “sự an lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của nhiều người”, và truyền bá Giáo pháp, cái học thuyết không gây hại cho một ai, và không hề buộc ai phải bỏ đạo của họ để theo Phật.

    Khái niệm Karma (nghiệp) của Đức Phật không có những giới hạn gây tổn hại. Tất cả chúng sinh là bao gồm luôn các sinh vật nhỏ nhất bò dưới chân chúng ta. Quan điểm của Đức Phật về sinh mạng là không có chúng sinh nào bị coi như đứng ngoài vòng tâm Từ Bi, không có sự phân biệt giữa người, loài vật, côn trùng hay phân biệt giữa người với người, cao cấp hay thấp kém, giàu nghèo, mạnh yếu, khôn ngoan hay ngu si, tối tăm hay đẹp đẽ, Bà-la-môn, Chiên-đàn, Thiên chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo, v.v... vì như chúng ta đã thấy Từ Bi tâm không có giới hạn, và khi con người chưa kịp ngăn cản cái căn bản sai lầm nói trên thì họ đã bị sự riêng tư xâm nhập và tính chất không giới hạn đó lại bị hạn chế, đi ngược lại những lý tưởng cao cả của những đạo đức tiêu biểu này.

    Chính tinh thần thương yêu và bi mẫn của Đức Phật đã làm xúc động trái tim của vua A-dục, vị vua Phật giáo của Ấn Độ vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Trước khi trở thành Phật tử ngài là một nhà độc tài hiếu chiến giống như cha và ông của ngài. Vì muốn mở rộng đất đai vị vua này đã xâm lược lấn chiếm Ca-lợi. Trong cuộc chiến tranh này hàng ngàn người đã bị giết, trong khi nhiều người bị thương và bị bắt. Tuy nhiên, sau khi đi theo giáo lý về lòng Từ Bi của Đức Phật, ông nhận thức được sự điên rồ của chiến tranh. Ông cảm thấy rất buồn khi nghĩ đến cảnh sát hại khủng khiếp đó và đã giã từ cuộc chiến. Ông là nhà độc tài quân sự duy nhất mà lịch sử đã ghi chép lại là sau chiến thắng ông đã từ bỏ sự chinh phục bằng chiến tranh và mở đầu sự chinh phục bằng chánh pháp. Như Sắc Dụ Trên Đá thứ 13 của ông có ghi: “Ngài bao thanh kiếm lại để không bao giờ còn phải tuốt nó ra khỏi vỏ và không còn muốn làm hại chúng sinh.

    Sự truyền bá giáo lý Từ Bi của Đức Phật lan rộng khắp thế giới phương đông nhờ vào việc làm táo bạo và nỗ lực không mệt mỏi của A-dục vương Đại đế. Giới luật của Phật tạo nên một châu Á ôn hoà và không có tính xâm lược. Chúng ta có thể nói rằng ngày nay tính chất ôn hoà và không xâm lược đó vẫn còn thắng thế ở các quốc gia châu Á như trước kia không? Người ta hoài nghi điều đó, tại sao? Vì “văn minh” hiện đại đang gây áp lực mạnh mẽ trên các vùng đất châu Á. Có một lý thuyết được chấp nhận là với sự nảy sinh và phát triển của cái gọi là văn minh, văn hoá con người – một hệ quả của sự phát triển nội tâm – bị sa đoạ và thay đổi tệ hại hơn. Với bước tiến của khoa học hiện đại đã xuất hiện rất nhiều thay đổi, và tất cả những thay đổi, cải cách đều là vật chất bên ngoài có khuynh hướng làm con người thời đại ngày nay càng ngày càng có đầu óc dung tục chạy theo giác quan với kết quả là họ làm lơ hay cố ý không biết đến phẩm chất của tâm hồn mà chỉ quan tâm đến bản thân, và không có trái tim. Những ngọn sóng của chủ nghĩa vật chất dường như ảnh hưởng đến con người và gây hậu quả đến cách suy nghĩ cùng cách sống của họ. Con người quá ràng buộc vào những cảm giác, họ sống hoàn toàn riêng biệt trong thế giới vật chất đến nỗi không còn tiếp xúc với điều thiện trong tâm.

    Chỉ cần tình thương yêu và lòng từ bi làm rung động lòng người qua các giáo lý Đức Phật ngự trị hành động con người này, chúng ta sẽ không phải sống trong bầu không khí nghi kỵ, sợ hãi, ghen tuông, kiêu mạn, tham lam, sân hận và vọng tưởng làm cho thế giới này càng ngày càng trở thành một trại vũ khí, và dẫn chúng ta dần dần đến bên miệng vực thẳm của Armageddon, trận chiến quyết liệt giữa thiện và ác.

Đó là một quan điểm tôn giáo về đời sống, một đời sống của tình thương yêu và hiểu biết được xem là cần có để thiết lập sự hoà điệu hoàn toàn của tâm hồn và hạnh phúc. Ngày nay chúng ta cần ánh sáng của Giáo pháp hơn bất kỳ lúc nào hết.

***

 


(1). Việc thực hành bố thí và trì giới theo đạo Phật là công cụ để đưa đến sự tái sinh tốt, như tái sanh trong cõi sống an vui, nhưng nó không đưa đến sự đoạn diệt khổ, đoạn diệt Hữu - Niết-bàn.

(2). Theo Đại Phẩm Luật Tạng: tính cách nhu hoà,… của tâm có được là nhờ vào sự loại trừ các dục lạc.           

(3). (Tại Ấn Độ xưa kia có 4 giai cấp: chiến sĩ (Ksatriyas), Bà-la-môn (Bràhmanas), gia chủ (Vaisyas) và cùng đinh (Sùdras). Ba giai cấp đầu được cho là sang cả.               

(4). (*) aniccà; tucchà; musà; mosadhammà.       

(5). Tướng Alexander Cunningham đã viết trong tác phẩm Báo Cáo Khảo Cổ 1862-1863: “Phía đông bắc của Kỳ Viên tịnh xá có một cái tháp ở đó Đức Phật đã rửa tay chân của một Tỳ-kheo bị bệnh… Di tích của ngôi tháp vẫn còn tồn tại trong khối kiến trúc bằng gạch chắc chắn, ở cách Kỳ Viên tịnh xá 550 feet. Khối kiến trúc đổ nát cao 24 feet rưỡi, toàn bộ được xây bằng gạch lớn cỡ 24 x 10 x 3; đó là một bằng chứng về tính chất cổ xưa của tháp này. Trong bản đồ Sàvatthi của ông cảnh trí của tháp được đánh dấu H. Xem Archaeological Survey of India, tr.341   

 
00:00