HAI LOẠI TỰ DO
Trên thế giới hiện nay, người ta đang hướng tới, đấu tra- nh, đòi hỏi mọi quốc gia phải thực hiện các quyền con người, đó là vấn đề về tự do. Bản chất của tự do liên hệ đến cảm giác thoải mái gắn liền các hoạt động của con người được phân làm hai loại, tự do ngoại tại và tự do nội tại.
Tự do ngoại tại là sự tự do chọn lựa, tự do sinh hoạt, tự do hành động về phương diện chính trị và xã hội, nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân. Tự do ngoại tại theo nền văn hóa phương Tây đề cao cái “tôi” quá mức nên thường làm thương tổn đến tự do nội tại người khác. Bản chất của tự do ngoại tại, con người phải luôn đấu tranh, tìm kiếm mới có được. Nền văn hóa và luật pháp phương Tây đề cao tự do ngoại tại. Vì thế, cái “tôi”được tôn trọng quá mức tạo nên khoảng cách giữa con người với nhau, đề cao lối sống riêng lẻ “đèn nhà ai nấy sáng,” và luật pháp bảo vệ cho sự tự do đó.
Tự do nội tại là trạng thái thoát khỏi mọi ràng buộc, con người làm chủ bản thân trên nền tảng làm chủ các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, giải phóng mạng lưới “vô minh” vốn làm cho con người có thái độ sợ hãi, nghi kỵ, oán thù, trả đũa, thanh toán loại trừ lẫn nhau. Kết quả là mang đến nỗi khổ niềm đau cho nhau.
Tiến trình tìm kiếm tự do nội tại, trước hết là làm thế nào thoát khỏi mọi trói buộc của chấp trước, vướng mắc, làm con người mất hẳn trạng thái tự do. Do đó, khi ta có ý thức giải phóng sự ràng buộc trên dòng cảm xúc, nhận thức, hành vi, lúc đó, con người được sống trong trạng thái tự do thật sự.
Quý vị ở đây nếu có được trạng thái tự do nội tại thì sẽ xem trại giam này như một trường học hay tu viện. Nếu chúng ta thay đổi khái niệm nhà tù thành nhà tu thì nơi đây là điều kiện tốt để ta rèn luyện nhân cách, trưởng thành các giá trị đạo đức và tâm linh.
Bản chất của tự do nội tại đòi hỏi ta phải nỗ lực giải phóng những ràng buộc của trạng thái tâm lý. Theo đạo Phật, tham, sân và si của con người là ba gốc rễ của mọi trói buộc nguy hiểm nhất, mặc dù đó chỉ là trạng thái và biểu hiện tâm lý, nhưng nếu những yếu tố tâm lý ấy phát triển thì con người trở thành nô lệ đời sống, đánh mất an vui và hạnh phúc cuộc đời.
Muốn có được tự do nội tại, việc lớn nhất là làm thế nào chuyển hóa được lòng tham, mà con người vốn có như bản năng hoạt động theo thói quen gắn liền với đời sống. Thí dụ, các nhu cầu thỏa mãn cơm ăn, áo mặc, trang sức, thẩm mỹ, tình yêu v.v… nếu lao theo nó không có phương hướng, ta sẽ lệ thuộc vào nó.
Các hoạt động của chủ nghĩa hưởng thụ để thỏa mãn các nhu cầu, làm cho con người ngày càng bị trói buộc nhiều hơn. Nếu ta thỏa mãn các nhu cầu bằng những phương tiện không chân chánh thì hậu quả sẽ là nỗi khổ niềm đau đến với mình và lây lan đến những người thân.
Bản chất của tự do nội tại là làm thế nào hài hòa nội tại, giải phóng những ức chế và mâu thuẫn nội tại vốn luôn diễn ra trong con người. Mâu thuẫn nội tại lớn nhất là một mặt ta muốn có hạnh phúc bền vững; mặt khác các hoạt động tự do của ta gây thương tổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc cộng đồng và tha nhân. Muốn giải quyết được những khủng hoảng, xung đột mâu thuẫn nội tại này, về phương diện tâm lý, phải thiết lập và tạo cho được sự hài hòa nội tại bên trong. Đó là bước đi ban đầu quan trọng nhất để hình thành tự do nội tại.
BIẾN MÂU THUẪN THÀNH BỔ SUNG
Kinh Dược Sư có đề cập đến hình ảnh hai vị Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Nhật là mặt trời và Nguyệt là mặt trăng. Bản chất mặt trời và mặt trăng không đồng hành với nhau, cái này tồn tại thì cái kia không có mặt, tạo ra ngày và đêm. Sự song tồn của nó cùng vị trí có thể tạo ra hiện tượng Nguyệt thực và Nhật thực. Hai trường hợp này đều gây ra những điều không tốt cho môi trường sống của trái đất như tổn thất mùa màng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người v.v…
Tuy nhiên, theo kinh Dược Sư, hai vị Bồ tát này hỗ trợ đắc lực nhất cho đức Phật Dược Sư. Dược Sư là vị Phật thầy thuốc tâm linh. Nói cách khác, khi ta tạo được sự hài hòa giữa hai xung đột, hai mâu thuẫn thì ta đã tạo ra được sự hài hòa nội tại. Như đức Phật Dược Sư dung hòa được hai lực lượng đối lập làm hai nguồn hỗ trợ, bổ sung, tạo tiền đề phát triển hòa bình bền vững. Tương tự, trong đời sống, làm được như vậy, chúng ta sẽ được no cơm, ấm áo, sống hạnh phúc, an lạc bằng các phương tiện hiện có của mình.
Áp dụng công thức đó vào trong sinh hoạt và tâm lý con người, ta thấy nhu cầu hướng tới tự do ngoại tại đôi lúc làm ảnh hưởng và thương tổn đến tự do nội tại người khác. Tình huống ấy, có trường hợp rơi vào vi phạm pháp luật để rồi ray rứt, ân hận, cảm thấy đời sống ta bị tổn thất và tha nhân cũng bị tổn thương.
Nỗ lực giải quyết được những khủng hoảng và mâu thuẫn nội tại giữa một bên là hạnh phúc bản thân, và một bên là bảo vệ hạnh phúc cộng đồng là ta thiết lập được sự hài hòa nội tại bên trong.
Đạo Phật dạy: “Phàm làm việc gì nên nhớ nghĩ đến hậu quả của nó”. Triết lý này là câu tâm niệm cho mỗi người. Khi ta nghĩ đến hậu quả của việc làm, hành động, lời nói hay suy nghĩ thầm kín bên trong, người khác không phát hiện được, hoặc là ta cố che giấu trong các mối quan hệ thì nó vẫn có những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp lên bản thân mình và cộng đồng xã hội. Nếu ta thấy được sự tốt, xấu đều ảnh hưởng đến khổ đau và hạnh phúc của bản thân thì chắc chắn ta sẽ có trách nhiệm về đạo đức nhiều hơn. Từ đó, ta làm chủ được hành vi, tạo nên tiến trình hài hòa nội tại. Lúc đó ta mới thật sự là người tự do.
Tự do nội tại giúp ta có được tự do về đạo đức, đời sống tinh thần, hạnh phúc, an lạc ở mọi chốn, mọi nơi. Việc này ai cũng có thể làm được và ai nỗ lực thực hành đều có khả năng thành công. Thiết lập tự do nội tại đòi hỏi ta có ý thức tôn trọng tự do của tha nhân, chỉ cần mở rộng tầm nhìn, sẽ nhìn thấy nó tồn tại với mình như không khí để thở, cơm ăn, áo mặc vậy.
Người có tự do ngoại tại mà không duy trì được thì hành vi tự do ngoại tại đó dẫn đến tổn thất và hối hận về sau. Bản chất tự do nội tại giúp con người nhận chân và trưởng thành về phương diện nhân cách, đạo đức. Sống, nuôi dưỡng tự do nội tại ta sẽ chuyển hóa được những tiêu cực về suy nghĩ và hành động của bản thân.
Để tiến trình tự do nội tại có mặt, ta nên suy nghĩ về ba nội dung:
a. Xác định ta muốn gì trong cuộc đời này.
b. Việc ta muốn có hợp pháp và đạo đức hay không?
c. Tìm mục đích đích thực của hạnh phúc và đường hướng duy trì hạnh phúc trên nền tảng tự do nội tại.
Vì bản chất hạnh phúc là giá trị vĩnh cửu cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, việc xác định như trên là cần thiết.
ĐỊNH HƯỚNG ƯỚC MUỐN
Cần xác định được đâu là đối tượng ước muốn và những ham muốn
Ta xác định ước muốn nào cần được phát huy, ước muốn nào cần chuyển hóa? Có những ước muốn làm xâm hại và thương tổn đến hạnh phúc tha nhân thì việc thỏa mãn bị rơi vào vi phạm pháp luật và việc chuyển hóa ước muốn đó là nhu cầu không thể thiếu, thấy được bản chất của ước muốn là tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu.
Ta có hai lựa chọn: Một đàng đưa đến rắc rối cho bản thân, gây ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng xã hội. Một bên mang lại lợi lạc cho bản thân, không có ảnh hưởng tiêu cực nào cho cộng đồng xã hội.
Sự lựa chọn tùy theo suy nghĩ của mỗi người, ta thiết kế, tính toán cuộc đời không chỉ trong hiện tại mà còn cho tương lai. Thiết kế cuộc đời căn bản trên nền tảng suy nghĩ về giá trị đạo đức và lợi lạc cho bản thân, tránh hậu quả dẫn đến ân hận về sau.
Cần xác định tính chất, thời gian có đạt được ước muốn hay không. Có ước muốn ta đạt được trong một thời gian ngắn, vài ngày, vài tháng… có ước muốn cần thời gian dài hơn, từ một vài năm hoặc đến năm, bảy chục năm ta mới đạt được, nhất là những ước muốn về đạo đức, an vui hạnh phúc và những giá trị tích cực trong cuộc sống, cần có nhiều thời gian.
Chúng ta đừng vội chán nản, thất vọng về tính thời gian của những ước muốn mà bỏ cuộc giữa chừng. Nếu ta chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu khoái lạc giác quan bất chấp hậu quả thì ta trở thành nô lệ giác quan, nô lệ thói quen và những nhu cầu thấp hèn. Từ đó, giá trị tự do nội tại bị triệt tiêu, ta trở thành kẻ bị đọa đày, phạm pháp. Dù luật pháp chưa phát hiện, chưa phanh phui, nhưng trong các hành vi, ta đã trở thành người nô lệ khổ đau rồi.
Cần xác định mục đích và phương hướng ứng dụng. Mục đích của tự do nội tại là thiết lập giá trị nhân cách của bản thân trên nền tảng sự hiểu biết và tôn trọng các giá trị của tha nhân. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng các quyền hưởng thụ các giá trị nhân bản, hài hòa tâm linh lâu dài. Nếu ta gây thương tổn hay phá hoại các giá trị đó là thương tổn đến giá trị tự do nội tại của ta.
Đạo Phật dạy, phải tôn trọng những gì mình không muốn người khác làm thương tổn là ta đã tôn trọng được các giá trị hài hòa trong xã hội. Để có được các giá trị của tự do nội tại, trước nhất ta phải thực tập thiền quán.
Thiền là tiến trình thanh lọc “tâm”, không cần gắn liền với niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Sự phiền muộn trong cuộc sống làm cho hạnh phúc và bình an của con người không tồn tại. Thiền là năng lực tạo ra sự quân bình cảm xúc, nhận thức, tái lập các giá trị bị mất trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Thực tập thiền ta có thể biến nhà tù thành nhà tu hay tu viện.
Trong các tu viện Phật giáo, ta thường thấy có những cái “cốc” hay “thất” dành cho người sau khi làm việc mỏi mệt vào đó thực tập các pháp môn. Thời gian ở trong cốc hay trong thất là phương tiện cần thiết tối thiểu, giúp họ tái tạo nguồn năng luợng tâm linh và đạo đức vốn có thể bị tổn thất trong quá trình dấn thân.
Trong thời gian nhập thất, hành giả phải tự lo mọi sinh hoạt ăn uống, sức khỏe bản thân, không dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, người đó phải giữ yên lặng, các phương tiện thông ngôn ngưng lại hoàn toàn. Do đó, người nhập thất phải đối diện với sự khắt khe, đè nén, ức chế khó chịu trong những ngày đầu, vì con người luôn có khuynh hướng truyền thông, cần thể hiện ước muốn, thể hiện sự chia sẻ buồn vui, khổ đau, phiền não với người khác.
Và khi thể hiện được, ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thoát khỏi những căng thẳng, nhưng người nhập thất không thực hiện được điều đó, mà họ phải chuyển hóa nội tại bằng con đường thiền quán, tĩnh lặng. Họ phải đối diện với chính mình, do đó nếu không có năng lực chuyển hóa nội tại thì họ khó thành công thời gian nhập thất đề ra.
Về thiền quán, điều căn bản nhất phải lưu tâm là ngồi xếp bằng chân trái nằm trên chân phải trong giai đoạn đầu (ngồi bán già). Sau một thời gian đã quen ngồi tư thế này rồi thì ngồi tréo hai bàn chân lại hai lòng bàn chân nằm ở trên đùi, lòng bàn chân trái nằm trên đùi bàn chân phải, lòng bàn chân phải nằm trên đùi bàn chân trái (ngồi kiết già). Nhờ đó, ta tạo được năng lượng sinh học trong cơ thể.
Phương pháp ngồi này còn gọi là ngồi trong tư thế “hoa sen” hay “âm dương giao”. Tức là âm và dương vận hành trọn vẹn, đầy đủ nhất. Với tư thế ngồi này cộng với hít thở đều và sâu, các huyệt đạo trong cơ thể được khai thông, các bế tắc dẫn đến đau nhức do phát triển “âm dương” không thăng bằng được tan biến. Nếu quân bình được “âm dương,” về phương diện y học ta tạo ra được nguồn năng lượng sinh học hỗ trợ tích cực cho tâm hài hòa, các căng thẳng, phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, lòng tham, giận dữ, si mê, chấp trước được chuyển hóa tận gốc rễ.
Tư thế ngồi bán già hay kiết già, ta đều phải ngồi thẳng lưng, cột sống và đầu thành đường thẳng đứng, ngồi trong trạng thái thư giãn nhẹ nhàng, thở ra, thở vào thật dài, thật sâu, không một ức chế tâm lý nào thể hiện qua hơi thở. Thực tập theo dõi hơi thở, tâm ta cùng tồn tại với hơi thở, thở ra hít vào đều bằng mũi, không sử dụng miệng, vì nếu thở ra bằng miệng nhiệt lượng hơi thở bị mất nhiều dẫn đến năng lực sức khỏe bị giảm.
Không khí được đưa vào cơ thể bằng mũi, các chân lông trong mũi tạo ra quá trình thanh lọc, các trược khí bị giữ lại, thanh khí được đưa vào cơ thể, trao đổi chất làm mới tế bào, kích hoạt thần kinh, lúc ấy tâm ta sẽ được thư thái, nhẹ nhàng. Tư thế ngồi “hoa sen” giúp ta thư giãn thân thể, tạo ra sự hỗ trợ thư giãn cho tâm, làm cho dòng cảm xúc được chuyển hoá. Hành thiền giúp ta theo dõi tâm của mình diễn ra như thế nào, ta thở càng sâu, nhẹ nhàng, càng tốt.
Việc duy trì thời gian ngồi thiền lâu hay mau tùy theo khả năng mỗi người, nhưng ngồi càng lâu, càng tốt. Làm sao ta giữ cho hơi thở ra, vào và ý thức tồn tại cùng một lúc, mọi ý thức khác như: vợ chồng, con cái, cha mẹ, người tình, người thân, bạn bè, công việc, sự hưởng thụ v.v… phải được khép lại, chỉ còn mỗi việc là thực tập thiền. Lúc đó, chỉ có thở chánh niệm, ý thức về đời sống đạo đức, nhân cách, đời sống tâm linh tồn tại trong hơi thở và chỉ được phép hỗ trợ bằng nụ cười.
TIÊU THỤ LÀ THÓI QUEN
Ta phải thực tập thể hiện nụ cười trên gương mặt, bởi nụ cười làm thay đổi sự căng thẳng trong não trạng. Có thể phối hợp lúc thở ra, thở vào bằng tâm niệm: “Tôi đang tiêu thụ các vật chất và các vật chất đang tiêu thụ bản thân tôi”. Đây là lời quán niệm quan trọng giúp hành giả chuyển hóa thói quen tiêu thụ, làm cho hành giả chỉ đưa vào những vật thực, thật sự có lợi cho cơ thể.
Tại sao ta cần quan niệm rằng “Tôi đang tiêu thụ vật chất” bởi hàng ngày ta ăn vật thực, mỗi vật thực phản ánh nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Như ăn mặn là đang tiêu thụ các vật thực của lòng tham, sân và si. Vì mỗi loài động vật đều có sự sống và quyền được sống, nguồn thực phẩm của ta gắn liền với sự sống chết của các loài động vật, ăn những thực phẩm đó, vô tình tạo ra nỗi khổ niềm đau và sự oán trách của các sinh linh làm cho thân thể ta bị nặng nề ô trược.
Về phương diện sinh học thì các loại thịt đỏ, thịt có máu gắn liền với phản ứng hóa chất tạo ra sự thay đổi trong cơ thể người, làm cho ta dễ bị giận, buồn phiền và bực dọc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Các loại thịt công nghiệp ngày nay thường mang theo mầm mống các loại bịnh tật, vì các loại thực phẩm này khi nuôi trồng đã được đưa vào các chất kích thích ADN tăng trưởng, làm cho chúng phát triển nhanh gấp nhiều lần bình thường.
Sự thay đổi bất thường đó đã tạo nên mầm mống các độc tố trong máu thịt các loài vật. Khi ăn các thực phẩm từ những vật nuôi ấy, ta nạp luôn các độc tố vào trong cơ thể, biến ta thành nạn nhân của những sản phẩm công nghiệp. Do thói quen sử dụng, thiếu các loại thực phẩm này trong bữa ăn, ta cảm thấy thèm khát, đây cũng là một hình thức nghiện.
Hiện nay, trong thức ăn, nước uống công nghiệp như: bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc hút, nước giải khát…, ít nhiều đều có sử dụng các loại hóa chất độc hại, có điều là các ngành chức năng kiểm định là hàm lượng các chất đó trong hạn mức cho phép hay không mà thôi. Ăn uống các sản phẩm này cho ta khẩu vị đặc biệt, cảm thấy khoái khẩu, nên tiêu thụ nhiều thành nghiện, nô lệ vào chúng. Nếu thấy được tác hại hai chiều của nó lên cơ thể và dòng cảm xúc, ta phải biết hạn chế, không nên nạp vào cơ thể những thứ không cần thiết. Đó là phương diện thứ nhất của tiến trình quán niệm.
Ta cần thấy rằng, chủ nghĩa vật chất ta đang tiêu thụ, thông qua ăn uống, trang phục, sinh hoạt thói quen, thường gọi là cá tánh hay bản tánh. Nhà Phật cho rằng, sai lầm lớn nếu nói cá tánh không thay đổi được, quan điểm này khiến ta chấp nhận chủ nghĩa định mệnh.
Trong đời sống, khi gặp nỗi khổ niềm đau về phương diện kinh tế, bản thân, gia đình hay xã hội dẫn đến bế tắc, ta nghĩ rằng nỗ lực cũng bằng thừa, không kết quả gì, nghiễm nhiên ta trở thành nô lệ của một chủ thuyết nào đó như: số phận, định mệnh, số mệnh hay sự an bày, trừng phạt của đấng quyền năng, Thượng đế, thần linh...
Phật dạy, ai tin vào chủ nghĩa thần linh hay Thượng đế, người đó đánh mất tự do nội tại. Ngài dạy, con người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hạnh phúc và khổ đau của bản thân và tha nhân. Do đó, để có tiến trình tự do nội tại phải là thông qua nỗ lực thiền quán để giải phóng thói quen sai lầm nghĩ rằng, mỗi người sinh ra đều có một định mệnh với hạnh phúc và khổ đau được sắp đặt sẵn như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Dẫu hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Đức Phật khẳng định, không một bàn tay quyền năng nào có thể can thiệp vào đời sống của chúng ta, mà phong trần hay thanh cao là do nghiệp ta tạo ra từ lời nói, việc làm, hành động có ý thức hay vô thức trong hoàn cảnh mất phương hướng hay duy trì được lý tưởng và phương hướng một cách có ý thức về phương diện đạo đức mà thôi.
Cho nên phải thấy rằng, trong lúc ta tiêu thụ vật chất cũng là lúc vật chất tiêu thụ ta. Nếu ta tiêu thụ vật chất thiếu nghệ thuật, ta sẽ trở thành kẻ nô lệ của vật chất. Trước sau gì ta cũng trở thành nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ và nỗi khổ, niềm đau sẽ đến với ta.
Một thanh niên mới lớn nghĩ rằng, sự trưởng thành của mình theo thói quen của xã hội, anh ta có thể hút thuốc, uống rượu, cà phê, nhậu nhẹt, chơi bài v.v... Điều này có thể chấp nhận như một phương tiện giao tế trong thời gian đầu, nhưng về lâu dài cách thức giao tế ấy đang tiêu thụ mình, biến mình thành nạn nhân. Khi anh ta nhận diện ra việc ấy có hại cho đời sống thì anh đã trở thành con nghiện của thuốc lá, rượu chè, bài bạc khó buông bỏ lắm rồi.
Bản chất của thói quen, lúc đầu ta rất coi thường, xem nó như cái mạng nhện dễ phá vỡ bằng một ngón tay hay một cái que nhỏ, nhưng về lâu, về dài nó như sợi xích trói buộc nhận thức, hành động, đời sống, việc làm, thiếu nó ta không chịu được.
Thí dụ, phụ nữ có thói quen ăn trầu, thiếu trầu là cảm thấy mỏi mệt, hay người có thói quen uống café để tạo ra kích thích tố cho tinh thần phấn chấn, thiếu café sẽ không làm việc được. Tu sĩ là những người đã được thực tập không làm quen với các chất kích thích tố như café, thuốc lá, bia, rượu v.v... vì khi ta đã tạo thành thói quen tiêu thụ thứ gì thì chính nó là chủ thể tiêu thụ lại bản thân ta.
Cho nên thiền gắn liền hơi thở với quan niệm “Chủ nghĩa vật chất đang tiêu thụ tôi trong cách thế tôi đang tiêu thụ vật chất ấy”. Từ đó, ta có ý thức chọn lựa tiêu thụ thứ cần thiết, loại bỏ và không làm quen với những gì không thực sự cần.
Cần thực tập quán sát tâm mình như tấm gương có chức năng phản ánh xác thực những gì đang có mặt đối diện với nó. Tâm mình đang tham hưởng thụ, chiếm đoạt, sỡ hữu hóa hay thói hư tật xấu nào đó v.v… Tấm gương tâm sẽ cho ta thấy mình mất tự do nội tại, mất hạnh phúc, để ta quay về với bản chất thực tâm và bản chất của tâm không một vết bụi nào bám víu vào, lúc ấy tham, sân, si sẽ rơi rụng.
Cần quán chiếu những vướng mắc của mọi phương diện và sự có mặt của ta trong cuộc đời này về nỗi đam mê, sự hưởng thụ, cách thức phát sinh, tiến trình diễn tiến và bản chất của nó ra sao. Quán chiếu như thế ta mới làm chủ được tâm của mình. Mỗi khi lòng tham trỗi lên ta biết rằng, “tôi đang hiện hữu, tôi đang tiêu thụ lòng tham và lòng tham đang tiêu thụ tôi, tôi trở thành kẻ bất hạnh”.
Khi lòng sân muốn trả đũa, thanh toán, ai đó tát mình một tát hay nói một câu nặng lời, mình liền trả đũa bằng sự sân hận lớn hơn để họ không dám thể hiện với mình lần thứ hai. Thế là tôi đang tiêu thụ lòng sân và bản chất an vui thảnh thơi không còn nữa. Tương tự, lòng tham, sự nghi kỵ, ganh tức, ích kỷ, hẹp hòi hay thái độ dửng dưng trước nỗi khổ niềm đau của người đang sống chung với cơn giận, mà ta lạnh như băng, nóng như lửa, thờ ơ như gỗ đá, không thương cảm gì thì ta biết rằng, bản chất hạnh phúc của ta đã mất.
Quan sát như vậy, ta mới quen dần con đường tự do nội tại, tháo gỡ những thói quen không tốt, vượt qua bế tắc về cảm xúc. Phương pháp thực tập thiền quán như vậy là rất cần thiết. Ta có thể thực tập trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, đó là những thời khắc mà tâm con người lắng dịu, phát huy được giá trị an vui, hạnh phúc bản thân. Theo cách thức đó, ta như người tái sanh lần thứ hai, thứ ba, làm con người mới nhiều mặt, mặc dù vóc dáng, hình hài, tên tuổi, dòng họ y như cũ, nhưng tâm tánh, tính nết của mình là người mới hoàn toàn.
CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA
Giá trị của tiến trình tự do nội tại là tạo ra gương mặt mới đầy hạnh phúc trên gương mặt khổ đau, bi lụy trước kia. Bởi ai cũng có nỗi khổ đau, không cần tâm sự với nhau nhiều về nỗi khổ đau, mà chuyển hóa thói quen tâm sự, trò chuyện những điều không ích lợi, làm lây lan khổ đau đến người khác. Ta nên tâm sự với nhau về những điều tốt, điều hay, lẽ phải và các giá trị tích cực trong cuộc sống để tạo niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho người.
Ta nên bỏ qua hay lãng quên đi nỗi khổ, niềm đau càng nhiều càng tốt. Phật dạy, để có được quá trình thiền quán tốt, ta không nên hồi ức về quá khứ, bởi vì quá khứ liên hệ đến hai điều: điều tốt không còn nữa, còn điều xấu làm cho ta ray rứt lương tâm. Bản chất sự ray rứt lương tâm làm mình mất đi hạnh phúc của tự do nội tại. Sống trong thiền quán lấy giá trị hạnh phúc hiện tại làm chuẩn, quên quá khứ khổ đau, phấn đấu hết mình bằng nỗ lực trái tim, nhận thức, tình thương, nhiệt huyết với niềm tin xác quyết rằng, tôi có thể làm mới, tôi thành người hữu ích, tôi là một người hạnh phúc. Với quan niệm dứt khoát như thế, trong lúc lao động ta vẫn thực tập thiền được, gọi là thiền lao động.
Tổ Quy Sơn, Trung Hoa nói, “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, nghĩa là ngày nào không lao động không làm việc thì ngày đó thà không ăn, chứ không làm mà tiêu thụ là mắc nợ Đàn na thí chủ. Ta có lao động, có tiêu thụ là sự đền bù, đồng thời các giá trị lao động được mang lại phước quả. Không nên có quan niệm lao động là sự trừng phạt, mà ta nên ý thức và thay đổi thái độ lao động là sự trừng phạt thành thái độ lao động “công quả” theo văn hóa lao động của Phật giáo.
Nếu ta quan niệm rằng, lao động tự nguyện hay lao động theo sự phân công đều là việc làm “công quả” theo văn hóa lao động của Phật giáo thì lòng đam mê, thích thú trong lao động nảy sinh rất lớn, hành động của ta sẽ mang lại phước báu. Hôm nào, bạn mình bị ốm không lao động được, ta khởi tâm làm thay, làm gấp đôi, ta nghĩ rằng, hôm nay mình may mắn có được cơ hội làm việc nhiều hơn.
Với tâm niệm đó, việc làm của ta sẽ tạo nên phước quả lớn hơn. Cho dù ta làm việc tự nguyện hay bắt buộc, nhưng nếu tâm ta thật sự hoan hỷ thì giá trị phước quả sẽ lớn lên. Ở đây, anh chị nào có được quan niệm như thế thì anh chị đó đã biến nhà tù thành tu viện rồi. Các anh chị nào có dịp vào tu viện, anh chị thấy những tu sĩ ở đấy lao động như thế nào rồi. Hằng ngày các tu sĩ lao động tám, chín giờ liền, trồng cây, nhổ cỏ, gieo trồng hay làm những công ích phục vụ miễn phí cho lợi ích cộng đồng và xã hội, bản thân họ cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm những việc này.
Trong lúc làm việc, chúng ta theo dõi hơi thở, không trao đổi, không nói chuyện thì năng lượng không bị tổn thất nhiều. Giữ im lặng trong lúc làm việc, nhà Phật gọi sự im lặng ấy là “thiền quán”, bởi im lặng ta mới quán chiếu tâm của mình trong quá khứ và trong hiện tại được. Khi nhận thức được tự do nội tại đang có mặt thì mỗi động tác lao động trong sự theo dõi hơi thở sẽ tạo ra cho ta niềm vui và hạnh phúc. Các tu sĩ cũng làm như thế trong tu viện, ngoài thời khóa thực tập thiền quán niệm Phật hay công tác từ thiện xã hội bên ngoài.
Nếu thay đổi tầm nhìn và quan niệm lao động là công quả thì ta là người đang tu tập mưu cầu hạnh phúc, còn nếu ý niệm của ta trong lúc làm việc là đang bị trừng phạt thì ta là nạn nhân đang đau khổ. Nếu quan niệm nơi đây là nơi tu dưỡng đạo đức, nhân cách thì ta sẽ có ý niệm biết ơn, cám ơn những người trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ giúp ta thành người lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong sinh hoạt, có đặt ra nội quy khắt khe là để làm quen với môi trường mới, ta nên dùng phương pháp thiền quán mà quan niệm rằng, ta đang tiêu thụ mọi hiện tượng, và mọi hiện tượng đang tiêu thụ ta. Vậy ta phải tiêu thụ nó theo cách có lợi cho bản thân.
Trong quá trình tự do nội tại theo nhà Phật là cần phải thực tập thái độ tâm lý: ít muốn và biết đủ. Người có hạnh phúc theo nhà Phật là người biết giảm bớt ước muốn tối đa, vì bản chất của ước muốn, nếu không thỏa mãn sẽ tạo ra tiến trình leo thang sự đua đòi, so sánh với người có phương tiện vật chất để hưởng thụ.
Từ đó, ta nảy sinh tư tưởng “đốt giai đoạn” làm những việc ngược lại qui định của luật pháp, để rồi trở thành con mồi trong cái bẫy của chủ nghĩa hưởng thụ dẫn đến khổ đau. Do đó, ít muốn là giảm thiểu nhu cầu không cần thiết, không tạo ra nhu cầu leo thang ta sẽ hài lòng với thành quả từ lao động chân chánh của mình tạo ra.
Nghèo không làm cho ta mất hạnh phúc, theo Phật giáo, bản chất của hạnh phúc là thái độ sống của ta như thế nào đối với cái có và cái không của bản thân, và khi gây thương tổn, tạo khổ đau cho người ta mới bị mất hạnh phúc mà thôi. Và giàu là phương tiện để hưởng thụ, chứ bản chất của giàu không phải là hạnh phúc.
Hiểu được điều đó thì thái độ “Ít muốn và biết đủ” làm cho ta hài lòng với những nỗ lực của mình. Hài lòng không phải là thái độ “An phận thủ thường” hay chấp nhận vận mệnh, mà hài lòng cho phép ta nỗ lực tích cực có phương pháp của khối óc, con tim và sức lực, khả năng sẵn có của mình hợp tác hài hòa vào tập thể.
Ta đã làm hết mình mà thành quả không đạt được như mong muốn thì cũng không có gì phải bi quan hay bất mãn, vì các yếu tố, điều kiện quyết định sự thành công hay thất bại còn tùy thuộc vào các vấn đề chủ quan và khách quan khác nữa. Đó là vấn đề nhân quả.
PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH
Trong các biến cố thăng trầm của thành công hay thất bại, điều quan trọng là ta làm thế nào để huấn luyện cho dòng cảm xúc được quân bình một cách hài hòa, làm chủ được bản thân, tạo ra tiến trình tự do nội tại. Ta thay đổi các hành vi mang tính chất hủy hoại trở thành các hành vi nhân cách và đạo đức, mọi người trong xã hội, dù ở vị trí nào như: cán bộ công chức, người có địa vị cao, người giàu sang, tu sĩ hay thường dân cũng cần phải tu dưỡng để phát triển đạo đức nhân cách. Tiến trình phát triển nhân cách được đạo Phật đưa ra có nội dung đạo đức như sau:
- Thay đổi hành vi hủy hoại, giết hại người và vật thành hành vi tôn trọng mạng sống bảo vệ hòa bình, bảo hộ quyền được sống các loài động vật, môi trường sinh thái thiên nhiên, tạo hạnh phúc cho tất cả mọi loài.
- Không trộm cắp, tôn trọng sở hữu tài sản của người một cách hợp pháp, phát huy thái độ chia sẻ với người có nhu cầu theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Người không có của cải vật chất vẫn có thể giúp đỡ tha nhân và cộng đồng bằng hành động, tình cảm, lời khuyên... Tất cả mọi chia sẻ đều có giá trị tích cực mang lại hạnh phúc cho mình và người.
- Từ bỏ thói quen nói điều gây thương tổn cho người như: chửi bới tục tĩu, vu khống, nói lời đâm thọc, ly gián, vô ích mà nói lời chân lý phù hợp sự thật, có tác dụng thiết lập tình đoàn kết, hòa giải các bên thù địch trở thành hòa hợp, yêu thương, biết chăm sóc cho nhau, hay nói lời giúp cho người bị khủng hoảng, khổ đau trở nên phấn chấn, đứng dậy làm mới cuộc đời, nói lời thật sự có ý nghĩa giúp mình và người có thêm nhân cách và đạo đức.
- Thay đổi thói quen làm những điều gây tổn hại đến hạnh phúc gia đình và an vui của xã hội. Đạo Phật khuyến khích lòng chung thủy, một vợ, một chồng, tôn trọng tình cảm và hạnh phúc riêng tư mỗi người, vì bản chất hạnh phúc dưới sự phân tích tâm lý của Phật giáo được thiết lập từ hai trái tim yêu thương trên nền tảng của sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, được công nhận của gia đình và cộng đồng xã hội. Bản chất của hạnh phúc giới tính, tình yêu và hôn nhân không chấp nhận sự chia sẻ của người thứ ba, dù chỉ là ngoại tình trong tâm tưởng. Tôn trọng và phát huy điều đó là bảo vệ hạnh phúc gia đình, an sinh xã hội, đồng thời tránh được sự lây lan các loại bệnh do hưởng thụ sinh dục giới tính như HIV AIDS v.v.
- Nhà Phật kêu gọi mọi người nên hạn chế cho đến khi chuyển hóa toàn vẹn thói quen hưởng thụ rượu, bia, thuốc lá, ma túy và các loại độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ con người, xa lánh các loại tệ nạn làm băng hoại hạnh phúc gia đình, mất an ninh xã hội.
Trong gia đình có người nghiện ngập, gia đình ấy không thể vui vẻ, hạnh phúc, bị hạn chế phát triển kinh tế, khổ đau trỗi dậy, đôi khi hành động phi pháp do mất kiểm soát hành vi lúc say sưa gây ra. Thay đổi hành vi là cách thức thay đổi thói quen. Thói quen là hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, nuôi dưỡng bằng phong tục tập quán, và cá tính cũng là thực phẩm nuôi dưỡng thói quen.
Một hành vi không tốt tạo thành thói quen sẽ mang lại sự hủy diệt bản thân. Cho nên, ta phải ý thức thể hiện hành vi không tạo ra tâm lý nuối tiếc, ân hận ray rứt lương tâm về sau, mà phải tâm niệm tránh hậu quả đạo đức không tốt không chỉ đời này mà còn cho đời sau.
Mỗi hành vi phi đạo đức đều mang lại hậu quả, theo nhà Phật, hậu quả ấy ta không trốn vào đâu cho khỏi, không đời này thì kiếp sau, hậu quả khổ đau cũng sẽ đến với mình mà thôi. Ai nhận rõ được điều đó thì tinh thần đạo đức sẽ có mặt.
Ta chuyển được hành vi hủy hoại thành hành vi đạo đức thì hành động của ta không có sự trói buộc. Mỗi hành vi trên nền tảng thói quen xấu đều cho mình sự sợ hãi, căng thẳng và hành động trấn áp căng thẳng có thể làm thương tổn đời sống tinh thần của mình và của người. Thay đổi hành vi tiêu cực thành tích cực là thay đổi tiến trình đời sống đạo đức, tạo nên tự do nội tại bản thân.
Cần tu tập chuyển hóa tạo thăng bằng dòng cảm xúc, nếu không thăng bằng được dòng cảm xúc, ta sẽ bị nỗi khổ niềm đau đốt cháy niềm vui và hạnh phúc cuộc đời. Vì vậy, mỗi khi khởi lòng sân hận hay buồn phiền, ta phải quay về bản tâm, hít thở thật sâu, thật nhẹ nhàng, thư thái để cho sự căng thẳng vơi đi, không cho sự bức xúc diễn ra. Nếu ta không trở về với hơi thở và nụ cười cho bớt đi sự căng thẳng, ta có thể đi ra ngoài thư giãn, hít thở và nghĩ rằng hạnh phúc là đích điểm của đời sống, ta không được quyền giận dữ với người mang nỗi khổ niềm đau cho ta, mà tâm niệm “Một câu nhịn, chín câu lành” để vượt qua đau khổ do cảm xúc của lòng sân tạo nên.
Trong con người, lòng tham hiện hữu, nên ta cũng phải luôn tâm niệm rằng, bản chất của hạnh phúc liên hệ đến nhân cách và đời sống đạo đức, không liên hệ gì đến đời sống vật chất, sự thành công hay thất bại của ta. Hạnh phúc về phương diện vật chất chỉ là cảm thọ giác quan, nó tồn tại với ta trong thời gian ngắn. Theo khoa học phân tích, hạnh phúc hóa chất tồn tại trên não trạng không phải là hạnh phúc thật, mà sự hài hòa, tự do nội tại trong con người mới thật sự hạnh phúc.
Ta không nên oán trách trời, đất hay tha nhân, vì điều đó chỉ làm ta quên trách nhiệm, mà phải quán chiếu bản thân khi nỗi khổ niềm đau trỗi dậy, lấy cảm xúc làm tiêu chí phấn đấu, rèn nhân cách để ngày hội tụ trở về với hạnh phúc ngắn hơn và hiện thực hơn. Như vậy là thực tập sử dụng phương tiện nỗi khổ niềm đau làm công cụ phục vụ cho hạnh phúc như bùn dơ nước đọng là phương tiện cần thiết cho hoa sen khoe sắc, tỏa hương.
Hoa sen được dùng làm biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết, màu sắc đẹp, có hương thơm, lại có giá trị dược liệu, dù hoa sen chui lên từ bùn lầy hôi thối. Do đó mỗi khi có dòng cảm xúc khổ đau bực dọc ta nên liên tưởng đến hình ảnh hoa sen để cho tâm lắng dịu. Để những khổ đau, oan kết không tiếp tục phát sinh, ta phải chuyển hóa dòng cảm xúc như hoa sen chuyển hóa hôi tanh của bùn nhơ thành hương thơm tinh khiết. Đó là tiến trình tự do nội tại, giúp ta cảm nhận được nguồn hạnh phúc nội tại.
Cuối cùng là giải phóng những ức chế kết tụ trong ta. Nghệ thuật giải phóng ức chế là làm thế nào ta thấy được nhu cầu hạnh phúc gắn liền với thỏa mãn tính dục. Tu sĩ Phật giáo là người đi ngược lại nhu cầu hưởng thụ tính dục, nhiều người trong số họ đã thành công. Bản chất của sự ức chế là cưỡng lực, nó có khả năng tạo ra phản ứng lòng sân, làm thương tổn cảm xúc và thay đổi tính cách con người.
Vì vậy, ta phải giải phóng các ức chế bằng phương pháp quán tưởng. Nhờ quán tưởng, năng lượng tính dục có thể thay thế bằng lòng từ bi. Giáo lý nhà Phật không cho phép ta ức chế bất cứ một cái gì, vì bản chất của ức chế là đầu hàng những nhu cầu không giải quyết được, dù nhu cầu đó là tiêu cực hay tích cực. Ta phải đối diện với các nhu cầu như là sự thật, phải tìm cách vượt qua, thất bại lần này ta nỗ lực lần tiếp theo, cho đến lúc thành công với những giá trị an vui và hạnh phúc.
Cho nên, trong quá trình chuyển hóa phải làm cho những căng thẳng sức khỏe, những nhu cầu hưởng thụ giác quan, sự làm việc, quan hệ giới tính, quan hệ xã hội… ta cần thực tập thái độ tâm lý bình thường hóa mọi vấn đề, không xem vấn đề nào là nghiêm trọng cả.
Ta không nên cường điệu hóa những tiêu cực hay nỗi khổ niềm đau, cứ để nó tự nhiên trôi qua theo thời gian, không để dòng cảm xúc của mình bị ức chế. Còn đối với đời sống đạo đức và nhân cách, ta cần quan trọng hóa nó để phát triển hạnh phúc lâu dài cho bản thân. Tính cách bình thường hóa nỗi khổ niềm đau trên nền tảng tôn trọng hạnh phúc của mình và của người, giúp ta giải phóng mọi căng thẳng và thành công trong việc chuyển hóa nhân cách.
Tự do nội tại mở ra cho ta con đường hồi phục sức khỏe vật lý, tâm lý, đạo đức và nhân cách. Đây là một hành trình chứ không phải đích đến cuối cùng, ta cần giải phẫu các thái độ, tư duy sai lầm, tạo ra tự do nội tại gắn liền với hạnh phúc bản thân.
Khi ta lao động giúp đỡ tha nhân, bằng tất cả tấm lòng và sự phát tâm, đạo Phật gọi đó là làm công quả, bởi trong nỗ lực của “công” ta sẽ có được “quả” tương xứng. Đó là quả hạnh phúc và quả an vui. Từ quan niệm đó, ta cảm thấy an vui và tự do ở mọi nơi, mọi chốn. Các tu sĩ trong tu viện đều hạn chế tối đa việc giao tiếp với xã hội bên ngoài, mục đích là để tâm thức không bay nhảy tự do. Nhờ đó, quá trình tu luyện của người tu sĩ mới thành tựu viên mãn.
Ta có được cuộc sống tự do thực sự chỉ khi nào ta thiết lập được tự do nội tại trên nền tảng đạo đức và nhân cách, lúc đó ta mới thật sự là con người hạnh phúc.
VẤN ĐÁP
Một phạm nhân hỏi: Thế nào là tự do ngoại tại? Làm thế nào để mọi người có thể hưởng được những tự do ngoại tại đó?
TNT: Tự do ngoại tại là trạng thái tự do về phương diện ngôn ngữ, hành động gắn liền với các loại hình sinh hoạt xã hội, nhưng nếu không biết biểu hiện một cách có nghệ thuật thì mọi biểu hiện của tự do ngoại tại có thể làm tổn hại đến tự do của người khác, nó như hành động làm thương tổn người khác.
Loại tự do đó, theo nhà Phật là tự tung, tự tác hay tự tiện. Trong nhà Phật có từ “tự tại” tức là hành động nhẹ nhàng thư thái, an lạc, thảnh thơi trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi. Thí dụ, các vị tu sĩ ở đâu họ cũng cảm thấy hạnh phúc vì tâm không bị giam hãm, dù ở nơi sang trọng có đầy đủ tiện nghi hay trong nhà tù thiếu thốn, họ cũng không lấy làm sung sướng hay khổ đau, bởi tâm người tu được liên thông. Những giới hạn về không gian vật lý chỉ là phương tiện tùy theo cách nhìn và lý giải của con người làm cho con người bị trói buộc hay được hỗ trợ mà thôi.
Năm 1975, chính phủ Ấn Độ mời Phật giáo tổ chức các khóa tu cho tù nhân, khóa đầu tiên chỉ 120 người, đến năm
1994, trại Tihar, một trại tù hình sự khét tiếng nhất Ấn Độ có đến 1.200 phạm nhân tham gia thực tập thiền và đã có sự chuyển hóa rõ rệt.
Từ đó, hai trường đại học lớn là Đại học Ấn Độ Albra- ham và Đại học Washington của Mỹ đã nghiên cứu về xã hội học đối với tù nhân trong các trại giam có thực tập thiền. Kết quả cho thấy, các phạm nhân tại các trại tù này, sau khi mãn hạn tù trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, người tái phạm bị phạt tù chỉ có hai, ba phần trăm (2-3%), trên chín mươi phần trăm (90%) sống tốt.
Do đó, ngày nay mặc dù là quốc gia theo Ấn giáo, nhưng các trại tù đều cho phạm nhân thực tập thiền quán mỗi tháng mười (10) ngày. Còn ở Hoa Kỳ hiện nay có 6 bang: Califor- nia, Washington DC, New York, Massachusetts, Florida và Chicago, các trại tù của bang và của thành phố đều khuyến tấn phạm nhân thực tập thiền. Kết quả của việc hành thiền làm cho các phạm nhân thay đổi cảm xúc hành vi tích cực hơn việc áp dụng các khung hình phạt như trước đây.
Tại Thái Lan, trong các trại tù, phạm nhân hàng ngày được tham gia lao động công ích xã hội, như đến trung tâm nuôi dưỡng người già, trại nuôi trẻ mồ côi hoặc trung tâm nuôi dưỡng người bị tâm thần để chăm sóc giúp đỡ họ v.v... sau khi làm xong, tính điểm từng người để xét ân xá sớm hơn.
Ngoài ra, còn tổ chức những cuộc thi thiền, phạm nhân nào thực tập thiền tốt, chuyển hóa nhân cách tốt, theo nhận xét của tập thể giám thị, họ sẽ được giảm hạn tù. Cho tù nhân tương tác với xã hội như thế, họ có cơ hội thể hiện tự do ngoại tại của mình trong lúc thọ án, nhờ đó họ không mang nặng lòng mặc cảm mình là người tội lỗi, là phạm nhân đang bị tù.
Tu ở trong nhà tù là sự tu dưỡng đạo đức. Nếu ta thay đổi quan niệm “nhà tù” thành “nhà tu dưỡng đạo đức” ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi sống tại đây. Vì Hạnh phúc hay không đều liên hệ đến thái độ và quan niệm của con người. Nếu ta quan niệm đây là nơi tu dưỡng đạo đức của các tu sĩ thì ta sẽ tìm thấy hạnh phúc nội tại khi sống tại đây.
Trong trường hợp người bị tù oan, theo luật pháp, người đó được phép kêu oan, và luật pháp chân chánh sẽ giúp họ giải oan. Tuy nhiên, luật pháp có khung hình phạt dựa trên tang chứng vật chứng, do vì “tình ngay lý gian” ta phải chấp nhận hình phạt luật định. Mặc dù bị tù oan, nhưng ta không chứng minh được là mình bị oan thì phải kiên nhẫn để giải tỏa những oan khiên nhờ sự giúp đỡ của các giám thị và cố gắng nỗ lực, một ngày nào đó ta sẽ được giải oan.
Tại bang California, Hoa Kỳ, có trung tâm Promise, tạm dịch “Trung tâm hứa hẹn” dành riêng cho các sao điện ảnh bị nghiện ma túy, thuốc lắc v.v... tình nguyện vào để thay đổi thói quen và phải trả tiền. Do đó, trung tâm đầy đủ tiện nghi, chương trình giáo dục chủ yếu là lao động để cách ly thói quen cũ. Bản chất của sự cách ly tạo ra tiến trình thay đổi, cho đến khi thói quen cũ giảm dần, không còn ảnh hưởng đến tâm lý và hành động của mình nữa mới thôi.
Theo cách nhìn tích cực của Phật giáo, ta nên biết ơn những nơi này, vì nhờ đó ta như được tái sanh làm người mới, cho dù bị phân biệt đối xử ở một số người sau khi trở về, ta cũng không bận tâm, vì quan trọng là giá trị hạnh phúc liên hệ đến tư cách đạo đức được làm mới của mình, chứ không do lời khen hay chê của cộng đồng và xã hội. Ta phải biết sống cho bản thân và phải nuôi dưỡng tự do nội tại của chính mình. Dưới đây là bài thơ cảm xúc của một người nghe giảng:
Tiền tài vật chất ngoài thân,
Vinh hoa phú quý khinh bần trọng sang.
Mong sao cuộc sống an nhàn,
No cơm ấm áo chẳng màng ốm đau.
Của người thâu vét vơ vào
Trời than, đất oán, dân gào thét la
Đến khi đã chết ra ma,
Xác thân vùi lấp dưới ba tấc vàng.
Bây giờ mọi chuyện giàu sang,
Đâu mang xuống được dưới ngàn âm ty.
Nội dung bài thơ nói lên được gốc rễ của khổ đau, thể hiện sự chuyển hóa và việc làm mới bản thân. Vì mơ tưởng đến vinh hoa phú quý mà dẫn đến bế tắc và khó khăn. Trên nền tảng đó, tác giả tìm được an vui, hạnh phúc trong sự rèn luyện đạo đức của mình.
Tất cả mọi người đều có tiềm năng hướng thiện và tiềm năng nhân cách. Nếu ta biết cách phát huy bằng lòng tự tin, phấn đấu có phương pháp, ta sẽ đạt được các giá trị. Điều quan trọng là ta phải bỏ được mặc cảm quá khứ.
Trong lịch sử Phật giáo, câu chuyện về tên khủng bố An- gulimala sau khi trở thành tu sĩ chứng đắc vẫn phải chịu hậu quả của hành động bất nhân khi còn tại gia. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa của ông đã làm cho nghiệp xấu giảm đi đáng kể. Sau khi trở thành tu sĩ vài năm, nhân cách đạo đức của ông hoàn thiện, có lợi cho bản thân và xã hội rất nhiều.
Có lần trên đường đi, ông gặp một phụ nữ mang thai chuyển dạ không người giúp đỡ, sản phụ bị đau đớn vật vã, ông đã giúp sản phụ bằng cách truyền năng lượng lòng từ bi của mình vào phụ nữ này, ông tập trung thiền quán với tâm niệm: “Kể từ ngày tôi được sinh ra trong Phật pháp, suốt trong quá trình hành trì, nếu có chút công đức, phước báu nào, tôi xin tặng hết cho sản phụ này, mong cho tiến trình khai hoa nở nhụy của bà được mẹ tròn con vuông”. Ông truyền năng lượng từ bi và tuệ giác của mình cho người phụ nữ ấy bằng cách như vậy, và người phụ nữ đã sinh nở dễ dàng. Câu chuyện cho thấy rằng, khi ta nỗ lực bằng tiến trình tự do nội tại, ta trở thành người đáng tán thán.
Sai lầm của con người như là một thuộc tính. Điều quan trọng là sau khi nhận ra lỗi lầm quyết tâm không tái phạm. Từ đó, ta là con người mới, vì giá trị đạo đức là sự nỗ lực ở hiện tại, chứ không phải tấm ảnh quá khứ. Vượt qua được mặc cảm tội lỗi, ta sẽ có nhân cách được mọi người trân trọng.