Chùa Việt Nam, Houston, Hoa Kỳ, 3-7-05
Phiên tả: Huỳnh Ngọc Hạnh
Hiệu chỉnh: Nguyễn Bá Cẩm
CHIA SẺ NỖI ĐAU
Có người nói: cảm xúc gắn liền với cuộc đời từ khi tôi mới lọt lòng, có gì đâu phải chuyển hóa. Khi buồn, vui, tích cực, tiêu cực, lúc thế này, thế nọ đều là chuyện thường tình như nắng với mưa. Bây giờ nói chuyển hóa, phải chăng chuyển là đổi hướng; còn hoá là làm thăng hoa hay làm biến dạng?
Khái niệm chuyển hoá, thật ra đòi hỏi sự chăm sóc rất cẩn trọng của hành giả đối với tất cả những gì tồn tại tương thuộc giữa thân thể vật lý, với môi trường sống, tâm tư tình cảm, nguyện vọng con người. Cho nên chúng ta có thể vận dụng sự chuyển hoá, thậm chí dù muốn hay không để tạo ra những thứ mà chúng ta đang cần.
Vấn đề quan trọng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, làm thế nào để chuyển hóa cảm xúc khổ đau.
Gia đình thân hữu đến thăm chúng tôi tại Trung tâm Phật giáo Chùa Việt Nam, báo tin không vui, là gia đình người anh vừa bị cướp. Bọn chúng lấy hết hột xoàn, cà rá, kim cương còn đánh trọng thương ông anh. Ông chỉ còn nhớ là có hai người. Một người da đen và một người Mêxico đã cưỡng bức buộc ông giao chìa khóa rồi mở tủ lấy hết tài sản.
Nỗi khổ niềm đau như vậy có mặt ở khắp mọi nơi. Khi chúng ta lắng nghe thông tin trên các đài, báo chí thì tình trạng người này bị khổ, người khác bị đau, kẻ bị giết, người bị bóc lột lúc nào cũng có. Đôi khi chúng ta cảm động, xót xa, rơi nước mắt và có khi nghe những sự kiện như vậy, chúng ta cũng dửng dưng. Bởi nó không liên hệ gì đến dòng cảm xúc của mình.
Là người thân thuộc thì cảm xúc trước nỗi khổ niềm đau như vậy rất lớn. Họ phải tìm cách an ủi và tìm cách giúp cho người thân vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại. Trong trường hợp như vậy thường có hai khuynh hướng biểu tỏ nỗi khổ đau.
Khuynh hướng thứ nhất: Truy tìm gốc rễ khổ đau. Khi khổ đau xảy ra thì biểu tỏ bằng cách an ủi chính mình, khi nghĩ rằng có lẽ do quá khứ, hay hiện tại, mình đã làm việc gì đó mang lại nỗi khổ niềm đau cho người khác. Cách lý giải như vậy là quy trách nhiệm tất cả cho chủ nghĩa quá khứ mà đôi lúc không biết mình có làm hay không. Có người biết mình có làm nhưng có người không biết. Khi quy trách nhiệm như vậy thì sẽ nghĩ đến tình huống phát triển không khôn ngoan, dẫn đến thái độ chấp nhận sự kiện đã được an bài. Do thượng đế, các vị thần linh đã sắp xếp vận mệnh, cho mình được hạnh phúc hay khổ đau tùy theo ý muốn của các ngài.
Trong kinh điển nhà Phật cho rằng khi chúng ta lý giải mọi sự kiện khổ đau thời hiện tại gắn liền với một cái gì đó trong quá khứ; như vậy, chúng ta sẽ không có nguyện vọng dù chánh đáng để tháo gỡ những bế tắc đang có mặt ở hiện tại. Bởi chúng ta nghĩ có nỗ lực rồi cũng hoàn không, không thể nào tháo gỡ được. Đức Phật nói đó quả thật là một điều rất đáng tội nghiệp. Hầu như phần lớn những người có niềm tin tín ngưỡng tôn giáo dù nhất thần hay đa thần ít nhiều đều có những cách thức lý giải như vậy.
Có người đặt vấn đề liệu học thuyết nhân quả của nhà Phật có quy trách nhiệm nỗi khổ niềm đau vào trong quá khứ hay không? Câu trả lời là không. Mặc dù thỉnh thoảng có một vài bản kinh như kinh Nhân Quả Ba Đời cho rằng: Làm một việc gì thì quả báo sẽ theo chúng ta như bóng với hình, hay như bánh xe lăn theo con bò. Quy luật đó rõ ràng là có.
Nhưng lý giải nếu ta làm một việc xấu nào thì phải gánh lấy hậu quả nấy là không đúng với nhân quả. Nhân quả là cái gì đó mang cùng tính chất chứ không cùng khối lượng. Vì trong quá trình sống, con người gần như thay hình đổi dạng tâm tính, kéo theo sự thay đổi hành vi, nhờ đó, thay đổi nhân quả trong quá khứ.
Thỉnh thoảng, chúng ta bắt gặp câu kinh Pháp Cú nói về hình ảnh của mặt trời bị vầng mây đen che phủ, có ngọn gió thổi qua, vầng mây đen tan biến mà lẽ ra đưa đến cơn mưa nặng hạt, bây giờ trở thành mưa lâm râm. Đức Phật nói cũng tương tự như vậy, nếu có một người nào, có sự nỗ lực tích cực, có phương pháp, gieo trồng những hạt giống tốt lành, chân thiện thì những gì đã gieo trong quá khứ có thể được thay đổi, được chuyển hóa theo cách thức đối lập, loại trừ lẫn nhau.
Như vậy, liệu những việc làm quá khứ vẫn diễn ra ở hiện tại theo cách thức hễ làm việc gì thì việc ấy xảy ra hay không? Cho nên quy trách nhiệm về việc an bài nỗi khổ của hiện tại cho thượng đế là sai lầm từ cách thức đặt vấn đề.
Cách lý giải thứ hai cho sự kiện bị cướp nêu trên là quy trách nhiệm vào hiện tại, do gia đình bất cẩn, không gắn hệ thống an ninh, hay do sơ ý hoặc vô tình để lộ gia tài giàu có nhiều vàng bạc, châu báu cất giữ trong nhà cho người khác biết. Nên kẻ cướp lợi dụng cơ hội thuận lợi chuồn vào nhà cướp bóc. Lý giải như vậy rất phù hợp với đạo lý nhà Phật. Bởi vì tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời này 70% nằm ở mấu chốt hiện tại.
Khuynh hướng thứ hai: Phản ứng trước nỗi đau. Sau khi xác quyết được gốc rễ của nỗi đau, có hai phản ứng khác nhau. Thứ nhất là phản ứng giận dữ. Giận trước nhất là thấy thân thể mình bị đánh trọng thương, tài sản quý giá bị người cướp. Tất cả tài sản dành dụm bao nhiêu năm trời, bây giờ không cánh mà bay, ai mà chẳng buồn. Càng suy nghĩ nỗi hận thù càng dễ xuất hiện. Bấy giờ dòng cảm xúc an lạc bị lay động, thay hình, đổi dạng trở nên tiêu cực.
Thứ hai là phản ứng thản nhiên. Vì nghĩ rằng trên đời này, con người chỉ có mạng sống là quý báu nhất. Tuy mình bị thương nhưng mạng sống vẫn còn, thì có thể tạo dựng lại được tất cả. Nếu mỉm cười nghĩ rằng số phận không đến nỗi bi đát với mình thì sẽ có cơ hội hồi phục cảm xúc rất nhanh sau một thời gian.
Như vậy, có thể nói dòng cảm xúc như nước thủy triều lên xuống, hay bảng nhiệt độ nóng, lạnh thay đổi liên tục trong ngày. Sự thay đổi dòng cảm xúc nó còn gấp bội lần của thủy triều và nhiệt độ. Nếu thấy được dòng chảy tâm lý của mình lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, hoàn cảnh, quan hệ đối tác thì đừng giữ trạng thái cảm xúc trong một thời gian quá dài, đến độ làm mất đi trạng thái an lạc và thảnh thơi. Do đó, chăm sóc cảm xúc là một trong những nhu cầu cần thiết.
Đức Phật dạy: Bất cứ tình huống nào người Phật tử cũng không nên xem thường giá trị hạnh phúc mà mình đang có, đã bị mất hay là sắp có.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có câu chuyện kể về chàng thanh niên rất đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú. Sáng thức dậy, anh có thói quen soi gương. Một hôm, như thường lệ, sau khi ngủ dậy anh ta soi gương. Bỗng nhiên anh la thất thanh rằng tôi bị mất đầu. Anh chạy hoảng hốt kéo theo sự chú ý của rất nhiều người. Anh di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Lúc đó Tăng đoàn của đức Phật đi ngang qua, nghe biết sự kiện, nhưng vẫn thản nhiên. Các vị Tỳ kheo vẫn tiếp tục đi thiền quán từng bước thảnh thơi, nhẹ nhàng, an lạc và ghi nhận sự kiện diễn ra đó. Về đến Tịnh xá, ngài A Nan mới thưa với đức Phật rằng:
- Kính bạch Thế Tôn, khi sáng chúng con nhìn thấy cậu thanh niên, không biết vì lý do gì mà la thất thanh ôm cái đầu của mình mà nói rằng “Tôi bị mất đầu, xin trả cái đầu cho tôi, xin cứu giúp cái đầu của tôi”.
Đức Thế Tôn giải thích: Đó là một trong những ảo giác rất đáng tội nghiệp. Đôi lúc chúng ta có rất nhiều thứ nhưng do chứng bệnh mặc cảm, tự ti không dám tin rằng mình có những chất liệu quý giá, đức tính tốt, giá trị tinh thần an lạc, thảnh thơi rồi nhìn người khác thèm thuồng ước gì mình được như họ.
Ngưỡng vọng người này, thán phục người nọ mà không biết mình cũng đang có những thứ đó. Bên cạnh sự thán phục học hỏi người khác thì chất liệu quan trọng nhà Phật dạy là khai thác những gì mình có. Như vậy mới giải quyết được thân phận cùng khổ của mình trong thời gian ngắn. Bằng không sự ngưỡng vọng kéo dài sẽ nuôi lớn sự khổ đau. Dòng cảm xúc của chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng bế tắc.
Có thể cậu thanh niên rơi vào tình huống nhiều đêm liền mất ngủ hoặc do biến cố tình cảm, chẳng hạn như trong yêu đương không trọn vẹn, không được chấp nhận. Cũng có thể hạnh phúc liên quan đến thị giác về ngoại diện bảnh bao của mình. Khi cuộc tình đang hồi bị thách đố, anh ta bị khủng hoảng.
Do tưởng tượng sai dẫn đến ảo giác, anh ta cảm thấy gương mặt của mình ngày hôm nay không còn đẹp nữa. Những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện, nên người yêu đã từ bỏ mình. Nghĩ như vậy, anh ta bị ảo giác thấy mình không còn cái đầu nữa. Chính vì trạng thái không còn đầu, nên người khác mới xa lánh, ruồng bỏ mình, khi ấy nỗi khổ niềm đau tiếp tục gia tăng.
Trong tình huống chàng trai mất đầu có thể nói đó là một nỗi khổ đau ảo giác. Dù ảo giác, nhưng nó vẫn thuộc về thọ khổ của tinh thần. Rất nguy hiểm. Thậm chí nguy hiểm hơn rất nhiều so với dòng cảm xúc khổ thọ của thân thể vật lý. Một người có bản lĩnh, sức chịu đựng hoặc đã từng vào sanh ra tử làm những công việc mang tính mạo hiểm, họ không thấy quá mức chịu đựng, nên khống chế cảm xúc bằng cách đè nén hoặc thể hiện bên ngoài không hề sợ hãi, khổ đau mà có thể vượt qua được.
Những người sống nặng về trạng thái cảm xúc, khi bị bế tắc, dòng ức chế cảm xúc có thể làm họ bị điên cuồng. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người bị điên, nếu không khéo chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân.
Do đó, chăm sóc cảm xúc là một trong những cách thức chuẩn bị để chúng ta vượt thoát khỏi tình huống ảo giác khổ đau. Khi bị dòng cảm xúc khổ đau chinh phục và chi phối, mình không hoảng hốt lo sợ đến độ bị bế tắc. Phải hết sức bình tĩnh mới nhìn thấy những dòng chảy cảm xúc đang hiện hành trong tâm trí là tiêu cực hay tích cực, cái gì cần giữ lại, cái gì cần quên đi.
Thấy mà nghĩ như chưa từng thấy, nghe rồi tưởng chừng như chưa từng nghe, ngửi rồi như chưa từng ngửi. Chỉ giữ lại những gì thật sự cần thiết.
Đó là một trong những cách thức mà đức Phật dạy là thông qua sự buông xả và gom tâm vào trong mấu chốt của hiện tại. Con người có thể đẩy lùi được dòng cảm xúc tiêu cực, không để lây lan từ ngày này sang ngày khác, từ người này sang người kia và trong các mối quan hệ đối tác.
ĐỪNG ĐÈ NÉN
Đề cập đến vấn đề đè nén cảm xúc, chúng ta thấy thường có hai khuynh hướng sau:
Khuynh hướng thứ nhất là đè nén và chịu đựng. Người có sức chịu đựng nhiều chừng nào thì mức độ đè nén cao chừng đó. Trong trạng thái đè nén, chúng ta có ảo giác rằng đang thành công, chiến thắng cảm xúc khổ đau, vượt lên và làm chủ được nó. Nhưng trên thực tế thì sự đè nén cảm xúc là một trong những cách dẫn đến sự bế tắc lâu dài về sau.
Đè nén là một phản ứng dùng cưỡng lực mạnh hơn để trấn áp một cái gì đó nhẹ, ít hơn. Cưỡng lực này thông thường có thể khởi đầu bằng tâm sân rất vi tế. Chẳng hạn làm ăn bị thất bại nhiều lần, chúng ta kêu cứu, mong được giúp đỡ. Sự giúp đỡ giống như hạt mưa rơi trên sa mạc nóng bỏng, chẳng thấm tháp vào đâu. Từ đó, mới dùng cưỡng lực bất cần, qua suy nghĩ, “Bây giờ tôi không cần những thứ đó”, vì tôi có mong cầu vẫn không đạt được những gì mong muốn.
Thái độ cứ chịu đựng, đè nén tới mức độ nào đó rồi dần quen đi sẽ phản tác dụng tâm lý. Cảm giác đau khổ diễn ra nhiều quá làm cho người ta cảm thấy không còn đau khổ nữa. Một người bị đau nhức khớp xương thường xuyên thì thấy bình thường. Còn người khỏe mạnh lâu lắm mới bị bệnh vài ngày là cảm thấy rất khó chịu. Như vậy sự đè nén thường xuyên làm cho cảm xúc bị chai lì. Trạng thái chai lì cảm xúc không phải là trạng thái vượt lên trên, cũng không phải trạng thái chuyển hóa, mà đó là trạng thái bế tắc. Cũng giống như ổ nối dòng điện bị rỉ sét. Khi cho dòng điện vào nó không còn truyền điện, chúng ta tưởng là đã mất điện. Nhưng thật ra chỉ vì chất sét rỉ bám vào làm cho hoạt dụng của nó không thể hiện ra thôi. Dòng cảm xúc của nỗi khổ niềm đau cũng tương tự như vậy. Vì thế sự đè nén cảm xúc không phải là giải pháp.
Trong kinh Bách Dụ kể: có anh chàng đi làm ăn buôn bán xa, không may đi lạc vào sa mạc. Mấy ngày sau, da anh bị bỏng và ghẻ chóc bắt đầu xuất hiện. Lương thực mang theo đã khô cạn. Lúc đó giọt nước là nhu cầu quan trọng nhất đối với anh. Còn những thứ như vàng bạc châu báu quý giá anh mang theo cũng như cả sự nghiệp mà anh đang có không còn quan trọng nữa. Anh chỉ mong mỏi có được giọt nước mà thôi. Đuối sức, anh bò lê lết trên sa mạc rồi ngủ thiếp đi.
Khi thiếp đi như vậy thì sức khỏe anh hồi phục. Tỉnh dậy thấy trời đang tối, anh đi thật nhanh và đến được khu vực không còn sa mạc nữa. Nhưng rất tiếc, nơi đây cũng không có nước. Giữa đêm tối anh mơ tưởng tới nước. Đến giữa khuya, màn sương buông xuống, dưới ánh trăng vằng vặc, anh nhìn thấy sương như là nước, chạy lại chộp lấy sương nhưng không uống được sương, cũng không uống được nước.
Anh ngã quỵ trên mặt đất và nghĩ rằng, những nỗ lực này không mang lại kết quả gì. Anh chấp nhận cái chết và nghĩ, “Thôi đời sống mình đến đây đã hết rồi, có tìm nước cũng vô ích”. Cho nên anh đè nén cảm xúc lại và liên tưởng như đang ở trong cảnh giới có rất nhiều nước. Anh ngủ thiếp đi. Ngày hôm sau dân làng phát hiện anh ta đang nằm hấp hối và cõng anh đến khu vực có nước. Họ cho anh uống nước. Tỉnh lại, mở mắt ra trước mặt anh là một con sông trong vắt, nhiều trẻ em đang nô đùa tắm mát. Họ lấy nước cho anh uống, anh hất đổ hết nước và nói rằng nước không có. Tôi không thấy nước mà chỉ có sương thôi, sức khỏe tôi bây giờ đâu còn nữa. Nếu tôi có uống nước này vào thì tôi cũng chết thôi. Thà tôi chịu khát bởi thân thể này không còn đủ sức để chứa đựng được nữa.
Câu chuyện đó nói lên một điều là đôi lúc chúng ta không biết cách để chuyển hóa cảm xúc. Nỗi khổ niềm đau sẽ làm cho các mạch cảm xúc bị đóng băng hoặc bị thoái hóa. Đến khi hoàn cảnh, điều kiện, trạng thái an lạc hạnh phúc xuất hiện, chúng ta cũng đẩy nó ra bên ngoài, không thừa nhận. Ta cố tình đè nén đến độ tâm hoàn toàn trở nên chai lì. Dĩ nhiên quá trình đè nén được tập dượt rất nhiều lần thông qua sự kiên nhẫn và chịu đựng, cho đến khi bị bế tắc không còn lối thoát. Lúc đó trạng thái khổ đau cùng cực diễn ra và ta sẵn sàng chấp nhận cái chết.
Câu chuyện ngụ ngôn này nói lên rằng nếu nỗ lực, chúng ta sẽ có con đường. Con đường nỗ lực sai lầm sẽ dẫn tới khổ đau. Những nỗ lực chân chánh dẫn tới hạnh phúc và an lạc. Do đó, đừng để tâm trí rơi vào tình trạng bế tắc hay bỏ cuộc. Trạng thái tâm lý chạy trốn này thường làm cho con người tìm đến quyên sinh hoặc trở thành con người bi quan, yếm thế, sợ hãi, do dự, thiếu kiên quyết và thiếu lập trường trong tương lai.
Nhiều người có năng lực, kiến thức, tiềm năng nhưng họ không tin rằng họ làm được gì nên đã dẫn đến tình trạng không lối thoát. Bởi họ đã từng trải qua nhiều khổ đau đến độ đè nén, dẫn đến tình trạng phản tác dụng. Nếu chúng ta an ủi thân phận mình bằng chủ nghĩa quá khứ và đè nén theo cách thức nghĩ mình có thể chịu đựng được mà không tìm đến một giải pháp khả thi, thì tất cả nỗ lực trở nên uổng phí, làm cho nỗi khổ niềm đau trương phồng và gia tăng.
Khuynh hướng thứ hai là giải pháp chạy trốn. Khi không chuyển hoá cảm xúc được thì có người chọn giải pháp chạy trốn trước nỗi khổ niềm đau. Sự chạy trốn có thể tồn tại dưới hình thức im lặng và bỏ cuộc.
Khi có người nào đó trù dập, ăn hiếp, từng có lời thị phi, vu khống chẳng hạn, có người sợ quá nên phải tìm cách trốn tránh họ. Mỗi lần gặp họ trước mặt quần chúng thì lờ đi, giống như mình chưa từng quen biết, chưa từng bị nhục mạ, nhờ đó, tâm được bình an và không ai khuấy động vết thương cảm xúc trong mối quan hệ giữa mình và người kia. Sự làm lơ, chạy trốn tạo ra ảo giác mình được an toàn. Trên thực tế, trong những lúc chúng ta ứng xử như vậy người kia vẫn không buông tha đâu. Rồi những nghịch cảnh lại tiếp tục gia tăng nên chạy trốn không phải là giải pháp lâu dài.
Chuyện dân gian Việt Nam có kể rằng: chim cú và chim khách là đôi bạn rất thân. Đôi bạn này lại có hai giọng hót hoàn toàn đối lập. Có điều không may là đôi chim này sống trong địa vực nền văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Người ta quan niệm rằng chim cú tượng trưng cho điềm xấu. Khi cú kêu là để báo tin cho cái chết sẽ đến. Cho nên mỗi khi nghe tiếng cú kêu thì dân làng kẻ cầm ná, gậy, gạch ném, bắn, chọi xua đuổi. Ngược lại, chim khách được xem là điềm báo cho mọi điều tốt đẹp. Khi nghe chim khách kêu là báo hiệu có sự may mắn, tốt lành sắp diễn ra. Cho nên mỗi khi chim khách xuất hiện thì dân trong làng đem gạo thóc cho nó ăn để giữ nó ở lại, mong trạng thái hạnh phúc kéo dài trong làng thật lâu. Quan niệm truyền thống sai lầm đó làm cho rất nhiều chim cú phải bỏ mạng. Còn loài chim khách thì sống an toàn và sung sướng.
Một hôm, chim cú buồn bã đến tâm sự với bạn khách: “Chị à! Bây giờ tôi phải đi nơi khác để sinh sống thôi. Chứ ở vùng này tôi làm sao sống nỗi”. “Tại sao vậy”, chim khách hỏi. Cú trả lời: “Vì ở xứ này không một ai cảm tình với tôi cả. Họ đối xử với tôi như thế, rất nguy hiểm. Vì vậy tôi phải sống xa chị. Tuy rất buồn nhưng cũng đành vậy thôi, chứ không cách nào hơn”. Nghe qua, chim khách hiểu được sự bế tắc của bạn cú và góp ý với chị ta rằng: “Nếu như đi nơi khác mà chị không thay đổi tiếng kêu thì người ta vẫn đối xử với chị như ở đây thôi, thậm chí còn tệ bạc hơn nữa”.
Câu nói đó rất thâm thúy ở chỗ là cái bế tắc của nỗi khổ niềm đau làm cho con người phải trốn, bỏ hoàn cảnh, điều kiện, bỏ đối tượng, lánh những gì thuộc về tình huống mang lại những nghịch cảnh. Có thể khi ứng xử như vậy, người chạy trốn có cảm giác được an thân vì sự quấy nhiễu không còn nữa. Nhưng lại quên đi một điều là bế tắc trong sự truyền thông hay trong mối quan hệ giao tế là mấu chốt quan trọng. Nếu không tháo gỡ được mấu chốt đó, thì đến chỗ khác chúng ta cũng tiếp tục gieo rắc hạt giống của sự bế tắc như vậy thôi. Vì thế, nỗi khổ niềm đau vẫn không được kết thúc.
Nhân gian Việt Nam thường nói: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Khi ta lẫn tránh khổ đau này thì có thể gặp khổ đau khác lớn hơn. Như vậy, chạy trốn trong trường hợp này không phải là giải pháp. Tháo gỡ bế tắc mới quan trọng.
Quan niệm nhà Phật trong Tứ diệu đế dạy rằng đối đầu với nỗi khổ niềm đau một cách có nghệ thuật mới giúp chúng ta vượt lên trên nỗi khổ niềm đau được. Công thức của bài pháp đầu tiên đức Phật dạy trong vườn Nai, cho năm vị thánh giả đầu tiên là nhận dạng khổ đau dưới hai chiều kích nhân quả. Đó là nhân quả thuộc khổ đau và hạnh phúc.
Nhân quả bất hạnh được đặt ra theo chiều kích là quả khổ đau đưa lên trước để chúng ta sợ, sợ không phải để trốn mà để tìm nguyên nhân, nên nguyên nhân được giới thiệu theo sau. Trong hệ nhân quả hạnh phúc an vui của Niết-bàn được nêu ra trước. Nếu muốn, chúng ta không chỉ gọi là mơ ước suông mà phải tìm kiếm những con đường, phương pháp, cách thức để thực hiện, biến ước mơ thành hiện thực.
Tiến trình nhân quả đã dạy chúng ta phải có bản lĩnh nhìn thấy những bế tắc trong cuộc sống. Chỉ khi nào thừa nhận mình đang bị bế tắc thì mới có cơ hội tìm ra được giải pháp thích hợp. Còn nhắm mắt không thừa nhận mình đang bị bế tắc, ngoảnh mặt làm lơ, không ngó ngàng đến, thì chúng ta có cảm giác an ổn nhất thời, chứ không phải là giải pháp.
Là Phật tử, chúng ta nên huấn luyện bản lĩnh chịu đựng, có cái nhìn, thái độ phân tích tại sao mình lại rơi vào tình huống như vậy, mà người khác lại không. Mình bị khổ đau mà người khác lại được hạnh phúc, mình được thuận lợi mà người khác không được may mắn. Chỉ cần đặt vấn đề như vậy thôi là đã có thể tự giải thích được.
Chẳng hạn, thông qua việc phân tích nhân quả, người Phật tử có thể nghĩ: Có lẽ trong quá khứ cách đây mười mấy năm mình đã từng là nhà giáo có lương tâm đạo đức, dù đồng lương ít ỏi mà vẫn thường xuyên giáo dục con em trong làng, thậm chí gia đình nào nghèo khó cũng giúp đỡ miễn phí và cho học bổng nữa. Nhờ vậy, ngày nay mình có nhu cầu mở mang kiến thức, sự tu tập nên điều kiện thuận lợi đến với mình rất nhiều.
Điều đó làm anh ta nghĩ ra tất cả bế tắc của người khác có gắn liền với những nguyên nhân mà họ đã tạo ra một cách vô tình hay cố ý. Chúng ta không được phép ngoảnh mặt, bịt tai trước những thực tại khổ đau, mà phải lắng nghe thật rõ, nhìn thấy thật sâu để tìm giải pháp. Có như vậy, thì nỗi khổ niềm đau của sự bế tắc không thể khống chế, chinh phục chúng ta được.
QUÁN KHÔNG TÁC GIẢ
Quán không có tác giả là phương pháp dạy chúng ta chiến thắng được dòng cảm xúc của bất hạnh. Tác giả là tác nhân tạo ra bất hạnh cho mình và cho người. Tác nhân của đau khổ có thể là người tiêu cực, thiếu đứng đắn, có đời sống phi đạo đức, thích gây rối, tạo ra bất hạnh cho người họ không thích.
Khi quán không có tác giả là chúng ta nghĩ rằng mọi tình huống trái ngang diễn ra đối với mình đều là sự tình cờ, hoàn toàn không có dụng ý hay sắp xếp. Nhiều người có thể là thân nhân, vợ chồng, con cái hay đối tác, vô tình hay cố ý tạo ra sự khó xử cho mình và người. Nhưng nhà Phật vẫn dạy chúng ta quan niệm rằng, không hề có tác giả của khổ đau, cũng không có tác giả của hạnh phúc. Tất cả đều không.
Mục đích của phương pháp quán này khi chúng ta rơi vào tình huống khó xử, nạn nhân sẽ không giữ mối hận thù trong lòng mà phải tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc. Đây là nghệ thuật tâm lý rất khôn ngoan làm cho tâm hồn và tấm lòng con người bị nỗi khổ niềm đau được trưởng thành tốt đẹp. Trưởng thành trong đau khổ có giá trị gấp nhiều lần so với trưởng thành trong thuận lợi và an vui.
Câu chuyện anh chàng bán nón và con khỉ sẽ minh hoạ cho chúng ta phương pháp quán vừa nêu, liên hệ đến nỗi khổ và ý thức về nỗi khổ do người khác tạo ra.
Một anh chàng bán nón ngoài phố, do bán ế quá, mỏi mệt, chán nản, thất vọng, anh gánh nón tới một gốc cây to bên cạnh khu rừng đánh một giấc trưa lấy sức. Khi anh ngủ, một đàn khỉ từ trong rừng chạy ra tinh nghịch, lấy nón đội lên đầu rồi bắt chước tư thế anh nằm ngủ lấy nón che mặt lại để ánh sáng không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Mấy chú khỉ cũng làm y hệt như vậy. Anh trở tư thế gác tay lên trán thì các chú khỉ cũng bắt chước gác tay lên trán. Anh nằm chéo quẩy thì các chú khỉ cũng nằm chéo quẩy.
Khi thức dậy, anh thấy hơn phân nữa nón bị mất. Anh buồn quá, nhìn tới nhìn lui rồi gào thét lên, lấy tay đập tới đập lui. Bấy giờ anh nghe trên cây phát ra những tiếng khọt khẹt. Nhìn lên thì thấy những chú khỉ đang ôm những chiếc nón. Giận quá, anh nhặt những hòn sỏi cạnh đó ném các chú khỉ. Thấy vậy, khỉ cũng bắt chước hái những quả trên cành chọi xuống, anh né không kịp bị trúng vào đầu, vào mắt, bầm tím và đau đớn. Anh tức giận hơn nữa, đập đầu, quăng nón xuống đất. Các chú khỉ bắt chước theo, cũng quăng nón xuống đất. Thế là, anh ta mừng quá, nhặt lại tất cả những chiếc nón của mình.
Câu chuyện đó nói lên tình trạng hiệu ứng tình cờ dựa vào phản ứng, cảm xúc của lòng sân. Vì bực dọc mà muốn trả thù tác giả đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình. Trên thực tế, bản chất của loài khỉ không hề có dụng ý phá phách nhưng do chúng tinh nghịch, bắt chước hoạt động của người, chứ chúng không hề có ý xấu đối với con người.
Nếu quan niệm nỗi khổ niềm đau do người khác tạo ra giống như khỉ, thì chúng ta dễ tha thứ tác giả khổ đau và quên đi nỗi đau một cách dễ dàng. Mặc dù biết như vậy, nhưng trong trạng thái bực dọc, cau có, nhất là đang lúc bán ế thì dòng cảm xúc được gia tăng, càng lao theo cảm xúc sẽ làm cho bế tắc hơn. Giống như nước trong ly đang đục mà lại khuấy thêm, càng khuấy thì nước càng đục. Mình không có cơ hội uống ly nước ấy.
Trong tình huống như thế, đức Phật dạy chúng ta phải thật bình tĩnh để trạng thái cảm xúc của nước lắng dịu xuống. Chúng ta mới có thể dùng miệng tiếp xúc trực tiếp vào nước để hớp nước bên trên mà không ảnh hưởng tác động đến bụi bặm cặn bã đang lắng dưới đáy ly.
Tương tự như vậy, trong hoàn cảnh khổ đau chúng ta vẫn có thể tìm kiếm được giá trị của an vui và hạnh phúc. Còn nếu nghĩ rằng những chú khỉ đã cố tình tạo ra trái ngang cho mình, thì khó có thể tha thứ được. Và nếu chúng ta nghĩ phải có hình thức trả thù lại những người đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình, thì nỗi khổ niềm đau lại chồng chất thêm.
Lúc đầu, nó xuất hiện dưới hình thức hiểu lầm, cho nên không ai tương nhượng ai. Đến khi sự hiểu lầm này được khuấy tung lên đến độ hai bên đều mất lý trí và ứng xử quyết liệt là đặt mình vào trong thế loại trừ lẫn nhau. Nếu mình còn thì người kia phải mất và ngược lại. Trong cách thức giằng co như vậy thì nỗi khổ niềm đau sẽ được gia tăng. Giống như cường độ dòng điện càng lớn, nếu ta đặt bàn tay an lạc hạnh phúc vào thì dòng điện cũng sẽ giựt tay ta thôi. Như vậy, sự bế tắc thuộc về mình và chính ta là những nạn nhân.
Trong kinh Trung Bộ đức Phật kể một ẩn dụ rất sâu sắc. Có một người làm ăn lương thiện nên tạo ra sự ganh tị với rất nhiều người. Họ kêu bọn đâm thuê, chém mướn dùng tên độc bắn người lương thiện này. Anh ta ngã quỵ trên mặt đất, thân bằng quyến thuộc thấy vậy, nhào tới ôm gào khóc và nói: “Hãy cho tôi biết ai là tác giả của mũi tên, tôi sẽ trả thù, lấy lại công bằng và đem sự việc này ra ánh sáng”.
Nhiều người cùng gào thét như vậy và nỗi khổ niềm đau của người đang bị trúng mũi tên cứ theo đó được gia tăng. Dĩ nhiên, nỗi đau vật lý là nỗi đau thật. Nếu có tác động của dòng cảm xúc hận thù thì nỗi đau đó gia tăng. Nếu những người thân không thêm dầu vào lửa, thì cơn đau dễ dàng lắng dịu xuống. Còn nếu có ai muốn dấy lên thái độ trả thù thì lòng sân hận, bực tức sẽ trào dâng đến tột độ. Lúc đó, dù có ý thức tốt, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng xấu bởi những người không biết chăm sóc dòng cảm xúc đang bị khổ đau.
Đức Phật dạy khi tình huống đó diễn ra chưa cần truy nguyên tác giả mũi tên đó là ai. Việc cần nhất lúc bấy giờ là hãy rút mũi tên ra, cứu người bị nạn. Làm sao cho người bị nạn bớt đau khổ. Sự truy nguyên đó có thể làm cho người bị nạn gặp nguy hiểm trước khi tông tích được tìm ra.
Ngài cũng phân tích rất rõ là đầu tiên, chúng ta giữ nạn nhân đứng thẳng, sau đó, dùng tay ghì chặt mũi tên ra, rồi bẻ gãy đi. Nếu lúc đó, không bình tĩnh, chúng ta có thể kéo mũi tên theo chiều ngược, càng kéo thì nỗi khổ niềm đau sẽ gia tăng, bởi do bị xước.
Cứu người theo cách thức “thêm dầu vào lửa” rõ ràng sẽ đẩy nạn nhân vào sự bế tắc của nỗi khổ. Đừng tạo ra khuynh hướng ủng hộ nạn nhân theo cách thức gieo rắc lòng hận thù như tìm kiếm ai là kẻ chủ mưu hoặc mục đích của việc làm ấy. Những việc làm như vậy dành cho những người có trách nhiệm, còn bản thân của các nạn nhân, tốt nhất là tạo trạng thái an lạc, để vượt thoát ra tình cảnh mà mình đang vấp phải.
Nếu chúng ta có người thân hay mình bị vấp phải những tình huống tương tự, phải làm thế nào để dòng cảm xúc lắng dịu xuống, nhẹ nhàng. Thái độ quy trách nhiệm, tìm kiếm kẻ chủ mưu sẽ dẫn tới tình trạng làm cho vết thương khổ đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Quan niệm rằng tác giả tạo ra nỗi đau cho mình thực chất chỉ là hành động vô tình, không dụng ý, sắp xếp, sẽ có thể giúp ta buông bỏ nỗi đau và thù hận dễ dàng, nhanh chóng. Mặc dù trên thực tế, người xấu tạo ra cảnh bất hạnh một cách có ý thức và tổ chức.
Có anh chèo đò rất nóng tánh. Khi không có hàng để chở thì nỗi khổ niềm đau xuất hiện. Lúc ấy, anh la hét, đập phá lung tung. Một hôm, anh đang ngủ trên thuyền thì bị chiếc thuyền khác va vào. Bị đánh thức giấc, anh ta giận dữ xắn tay áo lên quát tháo, nhảy qua thuyền bên. Anh tìm xem ai là người lái chiếc thuyền kia và muốn cho người ấy một bài học thích đáng. Tìm tới, tìm lui, tìm xuôi, tìm ngược, không thấy người nào cả. Anh nghĩ, chuyện đụng tàu này chỉ là sự tình cờ thôi, chớ không ai chủ mưu, nên cơn giận lắng xuống. Anh trở về mạn thuyền của mình, ngã lưng tiếp tục ngủ.
Câu chuyện này có thể diễn ra với rất nhiều người trong chúng ta. Khi tìm kiếm biết nó là sự tình cờ không cố ý, chúng ta dễ dàng tha thứ. Còn biết có sự sắp xếp, có kẻ chủ mưu thì khó mà bỏ qua.
Về tính cách công bằng của nhân quả thì ai làm người đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng trong trạng thái cảm xúc bị thương tổn, nếu ứng xử theo cách thức sân si, thì rõ ràng chúng ta khuấy động nỗi khổ niềm đau lên và không thoát khỏi được.
Dù biết có người cố tình, có kẻ chủ mưu, chúng ta vẫn cho rằng không có tác giả tạo ra. Quan niệm như vậy không phải là hèn nhát, sợ hãi mà để tìm trạng thái an lạc. Đây là liều thuốc thích hợp để chữa trị dòng cảm xúc đang bị thương tổn. Dĩ nhiên ta vẫn hiểu nhân quả phân minh sẽ đem người làm ác ra ánh sáng. Ai làm xấu sẽ chịu nhân quả.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy: hãy tâm niệm tất cả những điều xấu người khác tạo cho mình giống như tình trạng ngửa mặt lên trời phun nước miếng, nước miếng không thể nào tới trời và do lực hút của trái đất, nước miếng lại rơi trên mặt của người phun ra. Người làm việc xấu ác mà muốn hại người hiền lương cũng giống như người đốt lửa chạy ngược gió sẽ làm bỏng tay.
Hiểu được điều này thì chúng ta không dại gì giữ trạng thái thù nghịch với những người đã cố ý tạo ra nỗi khổ cho mình. Quan niệm không có tác giả là một trong những học thuyết rất quan trọng của đạo lý vô ngã trong nhà Phật. Đạo lý này làm cho mọi người có thể hàn gắn lại những vết thương lòng đã bị tổn thương, đổ nát trong quá khứ.
Nói chung, bất cứ quá khứ nào của khổ đau, chúng ta hãy gác lại một bên, đừng trách cứ lỗi phải; ai là người đúng, ai là kẻ xấu. Cách thức trách cứ như vậy sẽ không làm cho chúng ta đủ thời gian, công sức, bình tĩnh cần thiết để tháo gỡ những bế tắc. Phản ứng ân oán giang hồ sẽ tạo ra những rào cản giữa mình và người. Càng nỗ lực đụng vào rào cản đó càng mạnh thì bị dội ra càng nhiều. Giải quyết vấn đề theo cách giang hồ như trên chỉ làm cho bất hạnh này kéo theo bất hạnh khác. Quả thật là một điều đáng tiếc!
XOA DỊU NỖI ĐAU
Theo Cơ-đốc giáo, tác giả của nỗi khổ niềm đau được truy cứu từ hai nguồn gốc. Thứ nhất là Thượng đế có quyền năng ban phước giáng hoạ. Thứ hai là di truyền từ tổ tông con người qua thuyết “Tội tổ tông”. Từ hai quan niệm này phát sinh thuyết định mệnh an bài. Do đó, người có tín ngưỡng tôn giáo này thường nghĩ rằng nỗi khổ niềm đau xuất hiện với con người như một định mệnh.
Muốn tháo gỡ được bế tắc, theo họ, không gì khác hơn là giao khoán niềm tin vào Thượng đế. Tin vào Thượng đế và những gì kinh thánh đã dạy thì sự bế tắc được rút ngắn và nỗi khổ niềm đau sẽ được chuyển hóa đến mức độ tối đa. Rất nhiều điều hứa hẹn đã được đề cập trong kinh thánh và cuối cùng tín đồ các tôn giáo vừa nêu vẫn không tìm ra được giải pháp thật sự.
Sự quy kết nguồn gốc của nỗi khổ từ Thượng đế và tổ tiên để mong ân sủng ban phước của ngài qua niềm tín ngưỡng chỉ làm cho nỗi sợ hãi của con người càng gia tăng.
Nếu quan niệm về Thượng đế như vừa nêu là đúng thì hẳn Thượng đế không phải là bậc nhân từ như rất nhiều người đã hiểu, có đủ ba tính cách là toàn năng, toàn bi và toàn trí. Nếu Thượng đế và thần linh có đủ ba tính cách đó thì các ngài đâu cần trừng phạt con người, dù con người có nổi loạn chống lại Thượng đế.
Trên thực tế nỗi khổ niềm đau của con người liên hệ tới thiên tai, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, động đất, sóng thần v.v... Do vì không có kiến thức để lý giải những nguyên nhân sâu xa, nên có nhiều quy kết sai lầm về nguồn gốc của khổ đau.
Trong phần Đại phẩm của Luật Tạng Pali, đức Phật khẳng định: Nếu Thượng đế dân gian như vị tạo hoá thực sự có mặt thì ông ta chỉ là một người tội lỗi vì đã nắn ra một thế giới hư hỏng và khổ đau. Thế gian hư hỏng đó do thiết chế xã hội trên nền tảng phân biệt giai cấp, màu da, giới tính, người giàu sang, kẻ hạ tiện. Chủ nghĩa phân biệt đối xử đã làm cho mối quan hệ giao tế của con người trở nên xa lạ, đôi lúc người ta đã lợi dụng, hãm hại nhau tạo ra những nỗi khổ niềm đau bằng cách này hay cách khác.
Trong thực tế, chúng ta không nên quy kết tất cả vào Thượng đế. Vì như vậy, nỗi sợ hãi bị trừng phạt nếu không tôn sùng ông Thượng đế sẽ tiếp tục được gieo rắc. Sự sợ hãi sẽ kéo theo bế tắc, làm con người không còn đủ bình tĩnh để tìm ra giải pháp cho bản thân. Lúc ấy, con người chỉ biết gởi gắm vào sự cầu nguyện van xin, mong được thoát khỏi tình huống trái ngang.
Nếu sự cầu nguyện không được thành tựu thì con người có khuynh hướng an ủi, cho rằng mình cầu nguyện chưa thành tâm, nên sự gia trì và linh ứng không có mặt. Trong khi thỉnh thoảng, người nào đó cầu nguyện lại ngẫu hợp thành công một nỗ lực nào đó, thì họ quảng cáo Thượng đế rất linh thiêng, các thần linh rất huyền diệu, để mời gọi mọi người tin quàng xiêng vào Thượng đế. Về phương diện nhân quả, các quan niệm như vậy chỉ là sự sai lầm.
Tại Châu Đốc, vào ngày vía bà Chúa Xứ, trước đây người ta chỉ tổ chức một ngày. Dần dà kéo dài thành một tháng, rồi bây giờ trở thành sáu tháng. Nhờ nền văn hóa mê tín, rất nhiều người dân nghèo khó ở vùng Châu Đốc trở thành những người ăn nên làm ra. Khách sạn, nhà trọ và các sạp tiểu thương mọc lên như nấm. Chỉ cần quan sát hiện tượng những người nghèo bán buôn vặt vãnh nhiều năm gần bên bà Chúa Xứ có được bà phù hộ đâu, họ vẫn nghèo như khi nào.
Thực ra nhân quả nghề nghiệp trong trường hợp là chân lý của cái nghèo. Đầu tư vào buôn bán tiểu thủ công, buôn gánh bán bưng thì không thể trở nên giàu được. Nếu đầu tư lớn với công nghệ hiện đại và kỹ thuật cao như các nước phương Tây, thì một giờ làm việc có thể bằng thu nhập nhiều tháng của người dân ở những nước nghèo khó. Nhân quả rõ ràng như vậy. Nếu nỗ lực cầu nguyện mà không có sự đầu tư thì những người nghèo khó buôn bán vặt vãnh hay cày sâu cuốc bẩm vẫn không thể nào đổi đời được.
Có thể kết luận rằng sự cầu nguyện đơn thuần vẫn không mang lại những kết quả như mong muốn. Muốn có kết quả phải tin vào chủ nghĩa hành động. Điều này đòi hỏi người mong muốn phải gieo trồng rất nhiều công đức thì mới có kết quả được. Lời cầu nguyện sẽ đóng vai trò chất xúc tác để những hạt giống tốt đã gieo trồng được trổ nở sớm hơn dự định.
Ví như chúng ta trồng mai để bán dịp Tết chẳng hạn, biết năm nay thời tiết thay đổi mai sẽ nở hoa chậm hơn. Nếu ta muốn hoa mai nở đúng vào dịp Tết thì phải dùng hóa chất để làm tăng sự kích thích hoóc-môn của cây. Do đó hoa sẽ nở sớm hơn. Nhờ vậy, ảnh hưởng của thời tiết khí hậu vẫn không làm người trồng mai bị thua thiệt trong vụ mai Tết. Điều kiện tiên quyết là muốn cho mai được nở hoa đúng thời gian mong đợi, người trồng mai phải làm thế nào để cây mai có đủ chất liệu nở ra hoa đúng kỳ hạn. Nếu chất liệu đó không có thì mai không thể nở hoa được.
Tương tự, con người phải gieo trồng phước báu và công đức thì khi đối đầu với các ách nạn, lời nguyện cầu được tai qua nạn khỏi sẽ làm cho phước lực đã có được trổ quả an lành sớm hơn dự định.
Quan sát không có tác giả là để không lệ thuộc vào Thượng đế và các thần linh. Giao khoán linh hồn của mình cho Thượng đế, thần linh thì sự sợ hãi bắt đầu có mặt. Sự sợ hãi có mặt thì không đủ khôn ngoan để giải quyết vấn đề, dù rất đơn giản. Nếu cái gì chúng ta cũng dựa vào tín ngưỡng thần quyền thì bế tắc sẽ gia tăng. Ngược lại, nếu chúng ta cho tác giả là con người, thì lòng sân hận sẽ gia tăng, không bao giờ chấm dứt.
Theo tinh thần lời Phật dạy, kẻ thù đích thực của con người chính là những dòng cảm xúc bất thiện. Bao gồm lòng tham, sân, si; nói chung là các tâm lý tiêu cực hay là thái độ bản ngã, sự cống cao ngã mạn, lòng bỏn xẻn keo kiệt, ganh tị hơn thua và không tùy hỷ với thành công của người khác. Tất cả những cảm xúc tiêu cực đều trở thành kẻ thù của sự tiến hóa đạo đức, sự an lạc, chứ không phải là kẻ thù của con người. Con người chẳng qua cũng chỉ là công cụ thực hiện những cảm xúc bất thiện mà thôi. Nếu như không có dòng cảm xúc, trạng thái nhận thức thì con người có cũng như không. Không có hành động nào thực hiện mà không có dòng chảy của ý thức, sự quyết định của nhận thức.
Ngày nay, người ta đã chế tạo được những người máy (robot) thế hệ mới, có cài đặt dòng cảm xúc để chúng có thể hiểu được sự điều khiển của con người. Chúng có thể lý giải và thông cảm nỗi khổ niềm đau của con người. Gần đây, công nghệ phim Hollywood thực hiện bộ phim khoa học giả tưởng về những người máy có dòng cảm xúc như người thật. Trong tương lai, khi các người máy được sản xuất nhiều có khả năng làm việc như người thật, thì lượng người thất nghiệp sẽ gia tăng. Bởi vì nếu thuê người làm chưa chắc con người trung thành tuyệt đối với chủ. Hơn nữa, con người có thể lười biếng hoặc do tình trạng sức khỏe mà không hoàn thành công việc. Còn khi sử dụng robot được cài đặt sẵn con chip điều khiển tự động, công việc và hiệu quả của nó sẽ được đảm bảo với chất lượng cao. Khi người máy bị hư hỏng thì sửa chữa. Như vậy, hiệu suất công việc sản lượng sẽ được gia tăng. Khi buồn thì có robot đấm bóp, nói những lời an ủi. Sẽ đến giai đoạn, các người máy được cài bộ nhớ biết phát ngôn bằng những lời lẽ của các thiền sư, đạo sư, linh mục, để khi cần robot có thể làm cho con người dễ dàng thoát được những nỗi khổ niềm đau.
Trong tình huống đó, nếu nghĩ có một tác giả thì bế tắc vẫn tiếp tục còn. Tốt nhất, chúng ta nghĩ rằng những tư duy xấu và dòng cảm xúc bất thiện mới chính là kẻ thù, chứ bản thân con người không phải là kẻ thù. Quan niệm như vậy sẽ giúp con người xóa bỏ được những thù hận đã diễn ra trong quá khứ hay hiện tại. Còn nếu tiếp tục gieo rắc hận thù thì rõ ràng bế tắc sẽ gia tăng.
Chúng ta cũng đã chứng kiến Israel và Palestine cứ đánh nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tương tự, Pakistan và Ấn Độ cứ tranh chấp Kashmir trong vòng mấy mươi năm qua. Nếu không có lòng từ bi hay không được trang bị bằng thái độ và cảm xúc được chuyển hóa, thì nỗi đau giữa mình và người ngày càng gia tăng. Cảm xúc chính là đối tượng được quan tâm và cần chuyển hóa. Giá trị chuyển hoá sẽ trở thành thước đo đời sống tâm linh và sự phát triển của nó.
Một phương pháp quán khác cũng liên hệ tới học thuyết vô ngã là “Quán không có thọ giả” tức không có người cam chịu khổ đau. Nếu phương pháp quán không tác giả là nghệ thuật không nhìn thấy kẻ chủ mưu, thì phương pháp quán không thọ giả là cách thức phân tích tính không thực thể của dòng cảm xúc. Không nghĩ rằng mình có một bản ngã đang chịu khổ, chịu sự quằn quại đau thương, dù đó là đau khổ vật chất hay tinh thần. Hành giả thực hiện được quán không tác giả sẽ làm giảm tối đa nỗi đau bất hạnh, do nghĩ rằng mình không phải là nạn nhân của khổ đau.
Phương pháp quán không có thọ giả không phải là cái nhìn phủ định tính cách cảm thọ, mà là một nghệ thuật tâm lý, nhằm tách rời tính cách nạn nhân ở người đang vướng vào khổ đau. Khi quan niệm được không có sự cảm nhận hay không có con người đang cảm nhận những khổ đau, thì khổ đau dù có thật, lớn ở mức độ nào, cũng trở nên bình thường.
Khổ đau gắn liền thân thể vật lý hoặc dòng cảm xúc. Thân thể vật lý là đối tượng quan trọng để mắt xích của cảm xúc bám víu vào. Nỗi đau của cảm xúc thường bám vào thân mà tồn tại.
Đối với những người tôn thờ thân thể như Thượng đế sẽ quan trọng bảo hiểm nhân thọ, như cách thức duy nhất bảo hộ hạnh phúc của thân. Mỗi khi bất cứ người nào vô tình hay cố ý đụng đến chi phần của cơ thể, họ có thể thưa kiện người đó ra tòa hoặc làm cho người kia sợ không dám đụng đến nữa.
Khi quan trọng hoá thân thể như vậy, người đó đã thừa nhận có một chủ thể đang chịu đựng sự khổ đau và có sự đau đang tồn tại, nên họ mới sử dụng rất nhiều hệ thống an toàn, an ninh để bảo vệ thân thể. Tất cả những phương tiện bảo hộ đời sống cũng rất cần thiết để cho con người được an tâm. Tuy nhiên, khi có quá nhiều hệ thống an toàn được thiết lập thì nỗi sợ hãi đã được gieo rắc trong sự bảo hộ này rồi.
Đức Giáo hoàng của Vatican thường ngồi trong những chiếc xe an toàn, có khả năng chống đạn. Loại xe này, ngay cả các loại súng AK và đại liên thông thường bắn không thủng. Các nhà chính khách, đặc biệt là các vị nguyên thủ quốc gia, mỗi khi đi đâu cũng có hệ thống an ninh bảo hộ trong phạm vi khá rộng.
Nhiều người nghĩ rằng hệ thống an ninh mang lại sự bình an. Nhưng trên thực tế, trong sự thiết lập đó đã có mặt nỗi sợ hãi lớn rồi. Trong khi đó, những bậc cao Tăng của Phật giáo như đức Đạt lai Lạt ma ở Dharamsala- Ấn Độ không hề sử dụng hệ thống an ninh nào mà vẫn không có chuyện gì phải lo sợ. Do ngài không sợ nên cái chết không đến. Cái gì ta càng sợ thì nó càng đến. Nếu có bản lĩnh thấy được rằng không một chủ thể đang chịu nỗi khổ niềm đau thì nỗi khổ niềm đau có cũng như không.
Bản thân đức Phật không hề có những bodyguard. Lúc còn tại thế, Ngài giảng toàn những kinh điển cao thượng, đi ngược lại truyền thống văn hóa của Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác, Ngài không hề sợ ai ám sát. Trên thực tế Ngài đã từng bị vu khống, ám sát nhưng tất cả những nỗ lực bất thiện đó vẫn bó tay trước đời sống đạo đức của Ngài. Sở dĩ được như vậy là vì Ngài sống với trạng thái cảm xúc không có thọ giả.
CHÂN KHÔNG HÓA CẢM XÚC
Khi chúng ta ném quả banh cực mạnh vào bức tường, thì quả banh sẽ văng ngược lại bằng tốc độ tương đương. Nếu cảm xúc chúng ta là môi trường chân không, rõ ràng không bị vật lý cản trở thì sự ném nỗi khổ niềm đau vào trong con người không làm cho con người đó bị khổ đau, vì cảm xúc của người đó không lưu giữ lại điều gì không có lợi. Nỗi đau đó sẽ rút vào chân không của cảm xúc, cho đến lúc nó chấm dứt sự vận hành, do lực tác dụng đã không còn nữa.
Nói cách khác, quán không có thọ giả là cách thức tạo ra trạng thái chân không trong dòng cảm xúc. Duy trì trạng thái chân không đối với cảm xúc sẽ giúp cho hành giả không bị vướng vào chỗ nào của khổ đau cả. Bất cứ những gì diễn ra, người biết quán không thọ giả vẫn nghiễm nhiên nở nụ cười hoan hỷ. Dĩ nhiên, điều đó rất khó.
Đức Phật dạy cách ứng xử như vậy trong kinh điển và có rất nhiều vị Bồ-tát đã hành trì thành công. Nếu con người có bản lĩnh, dám làm và nỗ lực có phương pháp, vẫn có thể đạt được thành công như các Ngài.
Ngành y học hiện đại có tiến bộ lớn khi chế ra chất gây tê làm cho hệ thống trung khu thần kinh không còn cảm giác đau đớn trong lúc mổ. Nhờ vậy, việc mổ xẻ chữa bệnh không để lại ấn tượng về cơn đau hoành hành thân thể và cảm xúc của bệnh nhân. Trước khi thực hiện ca mổ, bệnh nhân phải chấp nhận tiêm thuốc gây mê. Chất thuốc này được hoạt dụng để làm tê liệt cảm giác đau đớn. Tê liệt cảm xúc là cách thức làm quên nỗi đau. Phản ứng phụ của nó có thể tạo ra sự mất trí nhớ, ảnh hưởng đến não trạng, tim mạch, sức khỏe của các chi phần còn lại trên cơ thể. Do đó, nó không phải là giải pháp cần thiết và tốt nhất.
Chân không hoá cảm xúc là cách thức gây tê nỗi đau, để vô hiệu hoá nỗi đau vật lý. Nhờ đó, tinh thần vẫn vững chãi trong nỗi đau vật lý của thân.
Nhà Phật giới thiệu pháp môn thiền định đặc biệt, được gọi là Diệt thọ tưởng định. Hành giả khi rơi vào trạng thái định này thì dòng cảm xúc và ý niệm hoá không còn hoạt động nữa. Các hoạt động của thân (thân hành), lời nói (khẩu hành) và ý thức (ý hành) đã lắng dịu hoàn toàn. Mặc dù các giác quan vẫn rất sáng suốt trong trầm mặc, mà con người vẫn điềm nhiên trước mọi biến cố trong đời, không hề bị bất cứ cái gì làm cho lay động.
Đức Phật Thích Ca thiền định bất động dưới gốc cội bồ đề 49 ngày, tổ Bồ-đề Đạt-ma xoay mặt vào vách núi chín năm, chính là trạng thái Diệt thọ tưởng định. Đức Phật dạy không nên dừng lại ở loại thiền định này, vì như vậy hành giả sẽ rơi vào ngộ nhận khi cho rằng sự vắng mặt của dòng cảm xúc và ý niệm hoá là giác ngộ tối hậu. Ngài tiếp tục dạy rằng các hành giả phải biết cách chuyển tâm về tam minh và tứ trí, mới có thể chứng đắc sự giác ngộ và giải thoát. Các hành giả Bà-la-môn giáo cho đó là trạng thái an lạc giải thoát cuối cùng, nên họ tu hoài mà không đạt được an vui.
Thiền Diệt thọ tưởng định chỉ có giá trị an lạc tạm thời, bởi nó tĩnh tại trong suốt thời gian con người đạt được trạng thái không còn ý niệm và cảm giác, nên mọi khổ đau có cũng trở thành không.
Khi buông trạng thái đó ra thì nỗi khổ đau của cảm xúc vẫn tiếp tục xuất hiện chinh phục, khống chế, tác động đến đời sống con người. Do vậy, nó không phải là giải pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả đối với đại đa số quần chúng.
Tuy nhiên, trong trường hợp của nỗi đau, chỉ cần hành giả áp dụng một phần của loại thiền định này, đã có khả năng tách rời nỗi khổ đau thân thể ra khỏi dòng cảm xúc. Như vừa nói, nỗi khổ đau đặt trên nền tảng của thân thể và cảm xúc. Khi vô hiệu hoá cảm xúc và ý niệm hoá thì nỗi đau có cũng như không. Cũng giống như luồng điện hiện hữu trong một bóng đèn. Khi bóng đèn bị vỡ thì ánh sáng không còn mà dòng điện vẫn còn tồn tại.
Khi bị bế tắc trong quan hệ tình cảm, hay làm ăn buôn bán, thì nỗi khổ niềm đau cảm xúc gia tăng lớn. Trong tình huống như vậy, chỉ cần tách rời dòng cảm xúc và thân thể ra làm hai thì vấn đề khổ đau được giải quyết. Bởi dòng cảm xúc chỉ có thể tồn tại trên thân thể. Khi thân thể đã tách rời khỏi cảm xúc thì nỗi đau có chỗ đâu mà bám víu.
Chúng ta có thể vận dụng phương pháp quán sát thân thể con người gồm có bốn thành tố: đất, nước, gió, lửa. Các thành tố vật lý này không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, và tôi không lệ thuộc vào bốn thành tố thân thể vật lý ấy. Nhờ quán sát như vậy khổ đau được chấm dứt.
Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy rằng cho đến khi nào dòng cảm xúc vẫn còn có mặt thì nỗi khổ đau vẫn còn theo đuổi. Khi nào chúng ta không còn dòng cảm xúc nữa, lúc đó sẽ đạt được hạnh phúc lâu bền. Cách quán không có cảm giác và ý niệm trong nỗi đau thực chất là vô hiệu hoá nỗi đau, bằng cách tách rời dòng cảm xúc ra khỏi thân và do đó không có chỗ để bám víu.
Trong trạng thái Diệt thọ tưởng định con người sẽ được an nhiên tự tại và hạnh phúc. Đó là cách thức mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi chín năm xoay mặt vào vách, không hề ăn uống mà cái chết vẫn không diễn ra, sự sống vẫn tiếp tục tồn tại, vì ở đó, ý thức về thời gian, không gian, nỗi khổ, niềm đau đều đã tan biến vào hư không. Con người kéo dài mạng sống trong trạng thái tĩnh tại. Trạng thái này có mặt trong lúc nhập định, còn khi xuất thiền thì chúng ta vẫn trở về với thế giới thực tại, với rất nhiều phiền não nghiệp chướng và nghịch cảnh. Lúc đó chưa chắc chúng ta đã được thành công.
Chính vì vậy đức Phật đã dạy thiền minh sát (Vipassana), giúp cho hành giả nhìn thẩm thấu mọi sự vật đang diễn ra như chúng đang là. Nhờ trang bị hành trang minh sát trong đời sống, hành giả không để dòng cảm xúc thương, ghét, nhị nguyên can thiệp và sai xử, chẳng hạn như theo khuynh hướng thích hợp với mình thì tán đồng, không thích thì loại trừ, chống đối thế này thế kia. Quán tưởng nhiều lần rằng dòng cảm xúc vốn không có một thực thể cảm xúc nào được diễn ra, không có tác giả cố tình gây tạo, lại cũng không có thọ giả để chịu nhận, thì nỗi khổ niềm đau dễ dàng tan biến.
Ngày 11-6-1963, nhiều người trên thế giới đã chứng kiến cảnh tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức ngồi thiêu thân tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng nay là Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu. Sự kiện đã gây chấn động khắp thế giới. Vì người ta đã nhìn thấy một vị sư rất thong dong, tự tại bước xuống chiếc xe hơi nhỏ, rồi cầm can xăng 20 lít tưới tẩm toàn thân, sau đó ngồi trong tư thế kiết già bất động. Điềm tĩnh lấy trong tay áo hậu ra một cái hộp quẹt bật lửa, hộp quẹt không cháy, vị Tăng trẻ khác đưa cái hộp quẹt thứ hai đến cho Ngài. Ngài điềm nhiên bật lửa lên, lửa cháy phủ thân thể suốt 15 phút. Ngài vẫn ngồi an nhiên.
Hòa thượng đã bất động 15 phút. Khi thịt da của Ngài đã cháy đen, thân thể mới ngã xuống phía trước nhè nhẹ, an lành và tĩnh tại. Sau đó phần nhục thân của Ngài được đưa đến hỏa thiêu tại An Dưỡng Địa. Điều kỳ diệu đã diễn ra khi thiêu. Hơn 40 ký giả, báo chí và truyền hình nước ngoài hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến quả tim của Ngài vẫn nguyên vẹn, mặc dù lửa thiêu lên đến 4000oC. Quả tim ấy được gọi là “Quả tim bất diệt”.
Có thể nói từ sự kiện đó, dẫn tới việc chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Sự kiện đó cũng đã làm cho tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ, Kenndy đã phải thốt lên lời than rằng Việt Nam đã có một bạo chúa. Nói theo Phật giáo, do có ông bạo chúa Ngô Đình Diệm mà Bồ-tát Thích Quảng Đức đã xuất hiện, vị Bồ-tát của tình thương.
Nhiều người cho rằng những vị chân tu qua đời, khi thiêu thường để lại những viên xá-lợi nhỏ nằm dọc theo xương sườn. Tại sao một quả tim bất diệt trong lửa đỏ 4000oC mà xá-lợi lại không thấy. Hãy trở về quá khứ đã từng có một vị Tổ tên là Cưu-ma-la-thập dịch rất nhiều kinh điển mà ngày nay Phật tử chúng ta thường tụng như kinh A Di Đà, theo cấu trúc thứ tự văn chương rất mạch lạc, nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ thuộc. Khi sắp viên tịch, Ngài phát nguyện: “Nếu như tất cả những lời tôi giảng kinh, thuyết pháp và dịch thuật kinh điển đúng với bản hoài của chư Phật, thì xin có một điều gì đó làm chứng sau khi tôi chết”. Đến khi Ngài viên tịch, thân thể của Ngài được hoả thiêu. Tất cả đều cháy hết, duy chỉ có cái lưỡi của Ngài vẫn còn nguyên vẹn.
Đó là một sự thật lịch sử. Còn đối với Bồ-tát Quảng Đức, nếu chúng ta suy gẫm lời di chúc của Ngài: “Xin Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy sử dụng lòng từ bi và bác ái để ứng xử với muôn dân trong đó có tín đồ của đạo Phật”. Bác ái là đối với những người Thiên Chúa giáo, còn từ bi là đối với đạo Phật. Đã là từ bi thì ứng xử không phân biệt tôn giáo. Ngài kêu gọi Ngô Đình Diệm chỉ cần dùng lòng bác ái cũng đã tốt lắm rồi. Còn tốt hơn nữa, nếu ông có lòng từ bi, thì dân tộc Việt Nam sẽ không còn khổ đau nữa.
Ngài xuất phát từ lòng từ bi, chứ không phải là lòng sân hận nên trong trạng thái của Diệt thọ tưởng định cộng với lòng từ bi, kết thành quả tim bất diệt. Bởi quả tim tượng trưng cho tình thương và lòng từ bi không bao giờ bị tan biến trong lửa dữ của sân hận, trong tất cả những biến cố của cuộc đời.
Nếu hành giả duy trì được trạng thái quán tưởng Hoả quang tam muội hay thiền từ bi trong những nỗi khổ niềm đau, thì trạng thái không thọ giả sẽ được tồn tại. Giống như trạng thái của người mẹ sẵn sàng chịu nỗi khổ niềm đau cho con của mình. Còn khi mà tình thương không có, thì khó mà chịu đựng nổi.
Anh em giúp đỡ lẫn nhau có giới hạn, ông bà đối với con cháu cũng có giới hạn. Cha mẹ thì giới hạn được rút ngắn ở mức tối đa. Lòng từ bi đã giúp cho Bồ-tát Quảng Đức quán được không thọ giả trong lửa dữ suốt 15 phút và khi thiêu với 4000oC quả tim của Ngài vẫn không hề hấn gì.
Kinh Đại Bát Niết Bàn có ghi lại những ngày cuối cùng của đức Phật Thích Ca. Vào những ngày cuối đời, khổ thọ của thân đang diễn ra khốc liệt, Ngài phải nghiêng người qua bên trái rồi nghiêng qua bên phải, nghiêng tới nghiêng lui vẫn không khỏi đau. Lúc đó, Ngài mới nhập vào thiền định, từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền rồi sau đó là bốn thiền vô sắc giới rồi diệt thọ tưởng định, mới có tác dụng. Ngài phải lập đi lập lại tiến trình chín định đến 28 lần, nhờ đó, ngài vượt qua hoàn toàn cảm giác đau đớn của thân.
Trong thiền quán, hành giả có thể vô hiệu hoá cảm xúc bằng cách vượt lên trên hoạt dụng dòng cảm xúc tại trung khu cảm giác, chứ không cần phải làm tê liệt như y học. Tê liệt là trạng thái ức chế. Vượt lên trên nghĩa là tạo ra cái hỷ lạc trong thân. Trạng thái hỷ lạc này Ngài đã dạy rất rõ trong 16 pháp quán niệm. Ngài dạy khi hít một hơi thở vào thật sâu hay thở ra một hơi thở nhẹ nhàng, chúng ta liên tưởng trạng thái hỷ và lạc đang tồn tại khắp toàn thân. Toàn thân được hiểu là nó có mặt trong từng xớ thịt, làn da, tế bào, gân cốt, mạch máu. Nếu niềm hỷ lạc tồn tại và xâm chiếm khắp toàn thân thì dòng cảm xúc của khổ đau nếu có cũng được tan biến đi.
Quán tưởng như vậy sẽ chiến thắng được cảm xúc khổ đau mà không cần dùng đến những loại thuốc gây tê hay gây mê. Nhập vào dòng thiền Diệt thọ tưởng định chỉ vô hiệu hoá khổ đau trong một thời gian ngắn. Vận dụng phương pháp quán về tĩnh tại hỷ lạc đang tồn tại toàn thân, an lạc toàn thân tôi thở vào, an lạc toàn thân tôi thở ra, thì lúc đó hành giả có thể vượt qua được khổ đau. Phương pháp này là một trong những nghệ thuật rất hay mà chúng ta có thể áp dụng. Nếu áp dụng chắc chắn sẽ thành công.
Câu chuyện cuối cuộc đời của Phật nói lên một sự thật là đừng nghĩ rằng các đức Phật, các vị Bồ-tát, A-la-hán, bậc Thánh tăng, các vị xuất gia chân chánh không bao giờ bị bệnh. Các Ngài cũng bị bệnh, vì có thân thể vật lý thì nó phải bệnh. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dùng từ rất ấn tượng, diễn tả về chiếc thân già nua vô thường: “Thân thể ta đang sử dụng nay nó như một chiếc xe đã cũ. 80 năm rồi còn gì”.
Theo quy luật, sự vật tồn tại ít hơn mạng sống con người. Chúng ta thường nói: “Một đời ta ba đời nó”. Đức Phật nói thân thể này Ngài đã dùng 80 năm rồi, cũng như một chiếc xe, theo quy luật, nó phải cũ, cũ thì phải hư, hư thì phải ngừng hoạt động. Khi phải giã từ với chiếc xe cũ với mấy mươi năm kỷ niệm, hành giả nên quan niệm rằng ta đang có cơ hội sử dụng một chiếc xe mới. Nhờ vậy, hành giả không còn khổ đau về những cảm giác bất thuận lợi do thân thể vật lý đang đến hồi hoại diệt gây ra. Chỉ cần quan niệm được như vậy thôi là đã có thể tháo gỡ niềm đau cảm xúc nhiều lắm rồi.
Nghĩ được như vậy, thì đừng than với Phật “Phật ơi! Gia hộ cho con hết khổ”. Cầu nguyện không hết khổ đâu. Con người phải làm rất nhiều công đức, nhất là công đức về tuổi thọ và sức khỏe thì mới sống khoẻ và sống thọ được. Nhờ có phước của tuổi thọ đã gieo trồng trước đây, lời cầu nguyện về tuổi thọ và sức khỏe sẽ làm cho hạt giống tuổi thọ kéo dài mạng sống của người cầu nguyện, dưới tác động của năng lực hồi hướng.
Giống như trong tài khoản có tiền, bây giờ chuyển khoản tiền đó cho thân nhân của mình, thì người kia mới nhận được. Nếu trong tài khoản ta không có đồng nào hết thì chắc chắn chúng ta không thể nào chuyển được cho ai và cũng không giao hoán tài sản cho bất kỳ ai.
Muốn cho nỗi khổ niềm đau không có mặt, thì phải gieo trồng phước báu của tuổi thọ và sức khỏe, chúng ta mới vượt khỏi. Nếu không gieo trồng phước báu ấy, thì nỗi khổ niềm đau vẫn tiếp tục gia tăng, nếu không vững tâm, chúng ta trở nên tiêu cực, chán nản, thất vọng, bế tắc.
Một phương pháp quán khác được đề cập trong kinh điển là quán chỉ đơn thuần là cảm xúc. Quý vị lưu ý từ “Chỉ đơn thuần”. Trong ngữ cảnh của thuật ngữ hành trì này, “đơn thuần” có nghĩa là trong dòng chảy của cảm xúc không mang theo hạnh phúc và khổ đau. Khi dòng cảm xúc xuất hiện, hành giả chỉ ghi nhận nó xuất hiện như vậy thôi. Không đánh giá cảm xúc, chẳng hạn: đau khổ bao nhiêu, đau con mắt hay lỗ tai, cái chân, đau này là của hàm răng, bao tử. Nghĩa là trong phương pháp quán này, hành giả không nên chấp vào tướng chung và tướng riêng của cảm xúc đau khổ hay hạnh phúc. Tướng chung của cảm xúc là các biểu hiện thái độ đồng tình hay không đồng tình trước hai đối tượng thích hoặc không thích. Trong khi tướng riêng của cảm xúc chính là dòng cảm xúc đặc thù đối với phản ứng giác quan vừa được khởi lên.
Khi soi gương thấy cái má bị sưng phù, thì biết cái đau này liên hệ đến hàm răng. Nhìn thấy cái đau ở hàm răng là nhìn cái tướng chung của cảm xúc đau, ở đây là đau răng. Đối với cái riêng của cảm xúc đau răng, chính là cái biết về cái đau răng này là ở cái răng cùng, răng khôn hay răng cửa v.v... Khi nhìn tướng chung hay tướng riêng của cảm xúc thì chúng ta sẽ không chiến thắng được cảm xúc. Ngược lại chỉ quan sát nó đơn thuần là cảm xúc thôi, mới có thể vượt lên trên nó và tháo gỡ những bế tắc.
Để làm được điều đó cần phải có những sự hỗ trợ. Đầu tiên là chăm sóc các giác quan của mình, làm thế nào để các giác quan hoạt động tuân thủ và phục vụ cho đời sống của mình, chớ không nên lệ thuộc vào nó. Thứ hai là không nuông chiều giác quan, theo kiểu nó yêu cầu gì thì mình đáp ứng ngay. Các giác quan chỉ đóng vai chức năng và là công cụ phục vụ cuộc sống và sự hành trì, chứ hành giả không nên trở thành kẻ phục vụ cho giác quan. Nếu biến giác quan thành kẻ phục vụ hay đầy tớ trung thành, thì con người được hạnh phúc. Nếu biến bản ngã thành kẻ đầy tớ trung thành của giác quan thì con người bị khổ đau. Cảm xúc thiên biến vạn hóa. Chạy theo nó, chúng ta sẽ không có được giây phút thảnh thơi.
Do đó, phải tạo những nhịp ngắt và để nó hoạt động theo cách mình muốn. Nhờ vậy, chúng ta mới quán thành công rằng cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc; ở đây, không có ý niệm về cảm giác hạnh phúc, khổ đau hay trung tính. Nhờ quán niệm như vậy, thế giới cảm xúc của hành giả sẽ không rơi vào tình trạng khi trương phình, lúc xẹp lép, khi quá thấp, lúc quá cao, khi quá nóng, lúc lại quá lạnh.
Phương diện hỗ trợ thứ hai là quán sát nhìn thấy được dòng cảm giác tiêu cực đang diễn ra trong cơ thể của mình, nêu quyết tâm trừ bỏ cảm giác khổ đau cũ. Không để cho cảm thọ khổ đau mới diễn ra. Phải nêu quyết tâm với ý thức rõ ràng trong khi tự điều phục tâm, để tâm nhìn thấy bản chất dòng cảm xúc như một dòng chảy. Giống như dòng chảy của nước không có sóng, đục, trong, mà chỉ đơn thuần là dòng nước. Nói chung, phương pháp quán này nhằm giúp chúng ta không nên trụ mắc vào dòng cảm xúc, để mọi biến thiên của cảm xúc không ảnh hưởng đến sự an lạc và tĩnh tại của con người.
Tóm lại, có rất nhiều cách để chiến thắng được nỗi khổ niềm đau của cảm xúc. Khi ứng dụng hành trì, hãy lấy giá trị của an lạc làm thước đo. Nếu thực hành thời gian ngắn mà có kết quả, thì chúng ta biết là hành trì đúng. Còn nếu thực hành sau năm bảy tháng vẫn không có kết quả, nỗi khổ niềm đau vẫn gia tăng, như mặc cảm tự ti, thất vọng, chán nản, trầm uất vẫn có mặt, lòng sân, si vẫn xuất hiện, nỗi buồn vẫn len lõi, sợ hãi vẫn hoạt động, thì chúng ta biết mình chưa hành trì đúng lời Phật dạy.
Hãy vận dụng cách quán không tác giả hoặc quán không thọ giả hay quán đơn thuần là dòng chảy của các giác quan thì mới chuyển hóa được các cảm xúc tiêu cực. Hình ảnh “Cha trẻ con già” trong kinh Pháp Hoa là một ảnh dụ, nhằm nói lên rằng kết quả của sự thực tập không lệ thuộc vào thời gian và tuổi tác.
Phương pháp tu tập là một trong những cách thức rút ngắn thời gian tu tập. Quá trình và thành quả tu tập không nên được tính đếm tỷ lệ thuận với thời gian, mà nó phải tỷ lệ thuận với phương pháp hành trì và năng lực tâm trong sự hành trì đó. Nếu tâm lực đặt trên nền tảng của lòng vô ngã, vị tha thì sự hành trì này thăng tiến nhanh.
Nếu đặt trên nền tảng của danh vọng, quyền lợi, cạnh tranh, lấy le với thiên hạ thì chắc chắn qua mỗi sự hành trì, bản ngã sẽ được nuôi lớn. Cảm giác hạnh phúc nếu có lúc đó cũng chỉ là cảm giác tạm thời, chứ không phải hạnh phúc thật. Lao theo hạnh phúc của bản ngã thì nỗi khổ niềm đau sẽ gia tăng.
Đôi lúc có người tự hỏi: “Tại sao tôi làm Phật sự mấy mươi năm mà phiền não cứ có mặt”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thái độ vô ngã trong Phật sự chưa được trọn vẹn, cho nên gai góc của nghịch cảnh càng phát sinh.
Để chuyển hoá cảm xúc tiêu cực, trước nhất ta phải tu tập vô ngã trong nhận thức và trong tâm lý. Ứng xử hành trì với trạng thái vô ngã nhiều chừng nào, thì đi tới đâu hành giả được hanh thông tới đó. Vô ngã vượt qua khỏi biên giới của chủ nghĩa hình thức, cũng không lệ thuộc vào chủ nghĩa học thuyết nào. Nó vừa là hoạt dụng tâm lý không chấp trước, tuỳ duyên và vô cầu. Hành đạo và sống đạo bằng tâm lý vô ngã, hành giả gặp nhiều hoàn cảnh thuận lợi. Còn nếu bám vào danh tướng nào đó, chẳng hạn như cho rằng phải là danh nghĩa này mới làm đạo được, còn những danh nghĩa khác thì không làm đạo được, như vậy hành giả đã đi sai con đường hành trì tuỳ duyên của nhà Phật. Nhà Phật không quan trọng danh nghĩa mà quan trọng ở cách thức dụng tâm. Khi dụng tâm đúng thì kết quả an vui tất sẽ có mặt.
VẤN ĐÁP
Xin thầy cho biết mục đích của việc tụng kinh có phải để được nhiều công đức?
Về mặt hành trì, câu hỏi này rất có ý nghĩa. Tại sao mình phải tụng kinh? Đây là câu hỏi vấn nạn thường gặp. Sở dĩ chúng tôi dùng từ “vấn nạn” bởi vì rất nhiều người tụng kinh mà không hiểu được nghĩa lý của kinh, cho nên đôi lúc hiểu sai lời Phật dạy.
Tâm lý phần đông các Phật tử ngày nay khi nghe đến tên của các bộ kinh lớn, chẳng hạn như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thích đọc tụng hơn các kinh điển khác. Vì kinh này có một phẩm đề cập đến công đức hành trì. Nội dung của phẩm đó mô tả có tất cả 7.200 công đức, 1.200 của lỗ tai, con mắt, lỗ mũi, miệng, thân và ý, cho nên một số Phật tử chạy theo công đức để mà đọc.
Tụng kinh với lòng mong cầu công đức không phải vô ích. Góc độ này vẫn có cái lợi của nó. Trước nhất, vì muốn có công đức cho nên chúng ta mới đam mê tụng kinh, và tụng một cách chí thành. Nhờ sự chí thành, việc tụng kinh khác với việc đọc sách thông thường. Khi đọc sách chúng ta có thể nằm nghiêng, ngửa, ngồi chồm hổm để đọc. Phong cách này khác hoàn toàn với cách thức tụng kinh.
Tụng kinh, ngoài thân ngay ngắn, Phật tử luôn tỏ lòng tôn kính Phật để mong được hạnh phúc. Nhờ sự thành kính này, tâm của chúng ta dễ dàng đi vào trạng thái yên tĩnh, nhẹ nhàng; nhờ vậy mà mình hiểu được giá trị của kinh. Trên phương diện thực tế đó, mình phải hiểu nó chỉ là phương tiện để giúp chúng ta tiến sâu vào lĩnh vực hành trì chứ không phải bản chất của sự cứu cánh.
Công đức, theo âm chữ Hán-Việt, thường được hành giả sử dụng nhưng ở đây chỉ cho kết quả của các công tác Phật sự hay tu tập. Thực ra, hai chữ công đức được dịch nghĩa từ chữ Sanskrit và Pali là guna vốn có nghĩa đen là chức năng hay công dụng.
Con số 1.200 chức năng của tai, mắt, mũi,... là con số biểu tượng cho số nhiều, chỉ sự trọn vẹn, đầy đủ, chứ thực ra không có giác quan nào có chức năng nhiều như vậy. Đối với các giác quan, nếu tu hành có phương pháp, thì có thể chuyển hoá chúng thành những công cụ để phục vụ cho giá trị an lạc và thảnh thơi.
Cho nên, tụng kinh là một lẽ nhưng hiểu nghĩa lý của kinh mới là quan trọng. Chư vị tổ Trung Hoa soạn ra những bài sám, nội dung bài kệ, bài quán tưởng đều chứa đựng triết lý thâm sâu, mỗi lần đọc chúng ta phải quán tưởng mới thâm thúy.
Mỗi câu kinh có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau?
Chúng ta có thể tiếp cận lời kinh từ nhiều góc độ. Tụng kinh cầu phước vẫn có giá trị, nhưng cao siêu và huyền diệu không phải nằm ở phước báu đang có, mà nằm ở chỗ hiểu được chiều sâu lời Phật dạy. Chiều sâu đó có thể được chia thành ba lớp.
Lớp thứ nhất: theo nghĩa đen, dựa vào chữ chúng ta hiểu nghĩa, chữ như thế nào chúng ta hiểu theo thế đó, hiểu theo cấu trúc văn phạm của ngôn ngữ bản văn. Tụng kinh dưới góc độ của chữ đen nghĩa trắng có thể rơi vào hiểu sai, do không hiểu hết được lớp nghĩa của từ đa nghĩa trong tiếng Pali, Sanskrit hay chữ Hán. Dĩ nhiên, đôi lúc chúng ta hiểu sai văn phạm, dẫn đến tình trạng lý giải sai nội dung một bài kinh là chuyện thường tình. Hoặc chúng ta hiểu sai lớp nghĩa của từ đa nghĩa, chẳng hạn như câu “Nhất thiết duy tâm tạo”, chúng ta không hiểu nó đúng trong ngữ cảnh nào, và áp dụng trong trường hợp nào cho đúng.
Chữ “pháp” trong câu trên không có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng. Ở đây, chữ pháp chính là tâm sở, tức các trạng huống tâm lý lệ thuộc vào tâm, đều do tâm tạo ra. Thế giới vật lý như bầu trời, trăng sao, định tinh, hành tinh, cỏ cây, hoa lá v.v... không thể do tâm chúng ta tạo ra. Tuy nhiên, tâm của chúng ta chỉ đóng vai trò tác động. Ví dụ khi thích một cảnh vườn, chúng ta có thể tạo ra cảnh vườn nhưng bản chất của cây cối phải do hạt giống của nó tạo ra. Thế giới vật lý tồn tại một cách độc lập với ý thức của con người.
Một khi hiểu sai nghĩa chữ pháp, người lý giải sẽ bị rơi vào chủ nghĩa duy tâm, duy tâm theo kiểu đối lập với chủ nghĩa duy vật. Câu “Nhất thiết duy tâm” có thể được hiểu là mọi hạnh phúc hay khổ đau, thành Phật hay ma v.v... đều do hoạt dụng của nhận thức tâm, thể hiện qua hành động cụ thể, dẫn đến sự tương thích trong cuộc sống thông qua chiều kích của nhân quả.
Lớp nghĩa thứ hai: tất cả mọi kinh điển do đức Phật thuyết, ngoài việc đọc tụng ra, chúng ta phải hiểu dưới dạng các hệ ẩn số. Trong kinh, tại sao đức Phật nói như thế này mà không nói như thế kia? Tại sao nói cho đối tượng này, đức Phật dùng pháp môn A; nói cho đối tượng khác, đức Phật dùng pháp môn B? Để hiểu đúng, chúng ta phải đặt bài kinh trong bối cảnh văn hoá Ấn Độ, đối tượng căn cơ cụ thể. Nếu chỉ hiểu kinh theo nghĩa đen thì chúng ta có thể hiểu sai lời Phật dạy.
Lớp nghĩa thứ ba: người Ấn Độ thích dùng biểu tượng để biểu đạt về triết lý cao siêu, dùng chữ đen nghĩa trắng thì nghe có vẻ không hấp dẫn. Nhưng muốn hiểu biểu tượng triết lý, chúng ta phải hiểu được văn chương, chữ nghĩa, phong tục tập quán, và đặt câu hỏi tại sao người Ấn Độ thích dạng biểu tượng này mà không thích dạng biểu tượng kia.
Hiểu được điều này, chúng ta mới không ngạc nhiên khi thấy trong kinh có những đoạn mô tả mang tính biểu tượng như vậy. Chẳng hạn như sách sử ghi đức Phật Thích Ca sinh ra từ bên hông phải của hoàng hậu Ma-da. Khi có mặt trên cuộc đời, ngài đi bảy bước, nhìn bốn hướng: đông, tây, nam, bắc, thậm chí nhiều bản kinh nói thêm là đông-nam, tây-nam, đông-bắc, tây-bắc đến tám hướng.
Sự ra đời của đức Phật, thay vì nói bình dân như ngài sẽ mang lại hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người, thì trở nên quá bình thường, tại vì ai ra làm đạo, làm tôn giáo mà không nói tôi sẽ mang lại lợi ích cho người khác. Đâu có ai nói tôi mang lại đau khổ đau, thậm chí các học thuyết chính trị, bất lợi cho cuộc đời họ cũng nói chúng tôi làm lợi ích cho cộng đồng chứ đâu nói là mình làm xấu.
Khi mới sơ sinh, theo mô tả đức Phật biểu tượng, tay chỉ trời, tay chỉ đất và tuyên bố “Trên cuộc đời này Ta là số một”. Thực ra, đức Phật đâu có cống cao ngã mạn như vậy, thậm chí Ngài còn nói ai có lòng cống cao ngã mạn là người mang trong mình tâm lý âm tính của khổ đau. Khi các tổ biên tập kinh điển ghi như vậy người Ấn Độ mới thấy hấp dẫn và tin rằng: đây là nhân vật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đúng là bậc đại nhân, như vậy những gì Ngài dạy họ mới hành trì. Hiểu các mô tả mang tính biểu tượng bằng nghĩa đen của từ là hiểu lầm đức Phật.
Chữ “ngã” trong câu “Duy ngã độc tôn,” thường được nhiều người lý giải có liên hệ đến bản ngã, cái mà đức Phật nói là xấu nhất trong cuộc đời này. Cách lý giải “Cái tôi là nguy hại nhất trong trời đất này” nghe có vẻ triết lý, nhưng lại sai với ngữ cảnh. Trong tiếng Pali và Sanskrit, Ngài dùng đại từ nhân xưng của ngôi thứ nhất là “tôi” (ahamkara) chứ Ngài không dùng danh từ bản ngã “atta”.
Mỗi hướng đi bảy bước nở hoa sen, ở đây ám chỉ rằng mỗi bước chân đi của bậc thanh tịnh, giải thoát sẽ tạo ra hoa sen của an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc cho cuộc đời.
Tất cả các biểu tượng đó, mỗi người chúng ta phải tìm chìa khoá giải mã, để không còn rơi vào trạng thái sai lầm nữa. Tụng kinh, tìm hiểu ý của Ngài, chúng ta phải hiểu cho được ba tầng lớp ý nghĩa trên thì mới không rơi vào tình trạng hiểu sai kinh điển.
Trong bốn buổi tụng kinh và lễ Phật tại chùa, sau thời kinh có phần hồi hướng, trong đó luôn có bài Bát nhã tâm kinh, và con cứ đinh ninh rằng đó là những bài kinh để đọc cho đủ. Con cho rằng mỗi ngày mình tụng được những thời kinh như vậy là mình đã tu được một ngày; tương tự, hai ngày như vậy là mình đã tu được hai ngày. Như vậy có đúng không?
Có một thời tại Việt Nam, bản kinh ấn tống ghi Bát nhã tâm kinh là Bổ khuyết tâm kinh, nên kéo theo sự hiểu lầm của rất nhiều người rằng Tâm kinh phần bổ túc, thay vì kinh tinh hoa về trí tuệ. Bát nhã tâm kinh là trọng tâm của kinh điển Bát-nhã. Nó được chọn làm kinh tụng cho tất cả thời kinh theo truyền thống Bắc tông là vì triết lý quán chiếu về bản chất không thực thể của năm tổ hợp tâm vật lý hình thành nên con người, nhờ đó vượt khỏi mọi nỗi khổ niềm đau do chấp hoặc vào vật lý hay tâm lý của cái tôi đó mà ra.
Kế đến, phương pháp luận phá chấp của Tâm kinh nằm ở chỗ “tháo gỡ” tất cả những gì thuộc về chấp trước tính thực thể của mọi sự vật hiện tượng. Các công thức phủ định ở đây không có nghĩa là phủ định “không có” đối lập với “có”, mà là một thao tác phá chấp cần thiết về những gì được “chấp có”. Vận dụng công thức phá chấp bằng một loạt động từ “vô” là để tháo tất cả các chấp trước đã có. Nhờ đó, hành giả sống thong dong, tự tại.
Đọc và thọ trì Tâm kinh mà không hiểu được điều này, lại nghĩ đó là phần bổ khuyết cần thiết để công đức tụng kinh được thành tựu thì giá trị đạt được không nhiều.
Đó là lý do tại sao chúng ta hành trì kinh năm mười năm, có thể trọn đời không có tác dụng chuyển hoá, mà chỉ có phước báu thôi, hay đạt được một phần “thiền chỉ” trong lúc thọ trì kinh là hết. Thiền chỉ, tức là tâm an tịnh, thoải mái, thảnh thơi, nhẹ nhàng, thanh thoát trong quá trình thọ trì kinh. Nếu tụng mà chỉ mong cầu phước báu thì quá uổng.
Thời Phật không có tụng kinh. Chỉ có hình thức trùng tuyên lại lời Phật dạy, để mọi người cùng nhớ mà hành trì. Nhờ đó, những vị không có mặt trực tiếp nghe Phật dạy vẫn có thể hiểu đúng và biết cách hành trì. Nghe rồi chúng ta phải tư duy và tìm hiểu, hiểu rồi hành trì chứ không phải hiểu không là được.
Khi thắp hương cúng Phật, nên thắp nhiều hay ít? Ý nghĩa của việc thắp hương cúng Phật?
Các tổ Trung Hoa rất tinh tế trong việc cấu tạo phần dẫn nhập và phần kết thúc trong các nghi thức tụng niệm. Lời nguyện hương nhằm biểu tỏ tôn kính và dâng cúng lên đức Phật hương đạo đức và hương thiền định, tức là sự an tịnh trước mọi biến cố của cuộc đời. Sống với đạo đức và thiền định được xem là đã cúng dường đức Phật. Cách cúng dường đức Phật thiết thực nhất là phục vụ chúng sanh vô vụ lợi.
Người Hoa khi đến chùa thường đem cả bó nhang và đốt sạch, để cầu phước, thực chất chỉ làm khói nghi ngút cả chùa. Khi đốt nhang cầu phước như vậy, chúng ta sẽ làm cho môi trường bị ô nhiễm, chùa mau bị hư cũ và các tượng Phật dễ đen hơn.
Bỏ ra chỉ ba trăm ngàn đồng Việt Nam để mua một trăm thẻ nhang và đốt sạch cả trăm thẻ như vậy, chúng ta tưởng rằng mình đã có được một trăm công đức. Suy nghĩ như vậy là sai, việc đốt nhang nhiều làm cho Phật bị đen, chùa bị cũ, khói lây lan, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của quý thầy, cô cũng như quý Phật tử. Ngoài việc phung phí ba trăm ngàn, chúng ta còn mang lại rất nhiều sự nguy hại, không khéo bị đau phổi, nghẹt tim và bao nỗi khổ niềm đau cho người khác. Nhiều người ý thức được điều này, có chùa yêu cầu chỉ đốt một cây, ấy thế mà họ vẫn đốt tràng giang đại hải.
Vậy cúng nhang điện tử có được không?
Thay vì đốt các loại nhang thông thường, có người mua ba cây nhang điện tử về đốt trên bàn thờ thì lập tức bị người khác chỉ trích: bà này sao keo quá trời, chỉ có ba cây hương cũng không dám mua để đốt mà lại đốt ba cây hương bằng điện.
Mục đích đốt hương đâu phải để Phật ngửi, nếu còn hiện tiền chắc Ngài bị ung thư lỗ mũi mất. Cho nên chúng ta phải dùng hương đạo đức, tức là nghệ thuật sống an vui, hương từ bi để xoá bỏ hận thù, hương tuệ giác để không lầm đường lạc lối. Hàng ngày làm việc phước thiện, tu tập các pháp lành là chúng ta đã cúng dường Phật, mặc dù chúng ta không thấy mình cúng dường trực tiếp đến Ngài.
Để báo đáp ơn Phật, chúng ta phải cúng dường Ngài bằng hương đạo, chỉ có hương này mới có thể giúp chúng ta giáo hoá được người thân và tha nhân, bởi vì cuộc sống thiết thực mới chuyển hóa được họ.
Trong nghi thức công phu chiều có câu “Khai yết hầu”. Xin giải thích rõ ý nghĩa quán tưởng trong trường hợp này thế nào?
Thời công phu chiều ở các chùa Bắc tông thường tụng lúc bốn giờ, cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử chết không được siêu sanh khi nghe kinh hiểu được quy luật vô thường, quy hướng Phật, Pháp, Tăng để mau thoát khỏi cảnh khổ đau khao khát cảm thọ. Trong thời kinh có một câu thần chú “Khai yết hầu chơn ngôn”, khi đọc quán tưởng và mong hồi hướng công đức của mình có được trong tu tập để khai yết hầu cho các loài ngạ quỷ. Sự thật các loài ngạ quỷ đâu có yết hầu thiệt như chúng ta.
Yết hầu thực của chúng ta bằng xương thịt, có cục cản ở cổ, nếu ăn nhanh và nuốt vô là nghẹn liền, bây giờ khai thông ra để đưa vật thực vào bên trong để nuốt vô được dễ dàng.
Khai yết hầu cho loài ngạ quỷ không có nghĩa là mở yết hầu cho chúng ăn các vật thực, điều đó dễ làm cho ngạ quỷ vướng vào sự chấp mắc. Phải khai yết hầu bằng chánh pháp.
Quán rằng: lời kinh, thuyết pháp này sẽ mở yết hầu của bỏn xẻn, keo kiệt, oan ức, hận thù, sự trả đũa, cái mà làm cho họ không thể siêu sanh thoát hoá, dùng công đức, phước lực của mình để giúp họ. Cho nên, khi tụng kinh, mình phải quán tưởng, suy niệm theo nội dung thì mới đạt được giá trị hành trì.
Tương tự, chúng ta học bài kinh Bát Nhã, Tứ hoằng thệ nguyện, Thập hạnh Phổ Hiền, Hồi hướng công đức, Tam tự quy tất cả đều nằm ở góc độ hành trì. Chỉ cần hành trì thời kinh khoảng ba mươi phút, bằng cách quán tưởng, rồi đem thực hành thì đảm bảo nỗi khổ niềm đau không thể xâm nhập vào mình được. Được như vậy chúng ta không cần hộ vệ, áo giáp v.v... vẫn thấy mình an toàn và hạnh phúc.
Trạng thái quán tưởng đó làm cho thời kinh có giá trị rất cao. Chỉ cần tụng, học, hành trì kinh như vậy, chúng tôi đảm bảo trong vòng bốn năm là có kết quả rất tích cực. Dựa trên tinh thần đó, mình nên bỏ đi những quan niệm: Ồ! cái này đơn giản quá, hành trì có kết quả bao nhiêu lắm đâu. Chúng ta chỉ cần liên tưởng đến một động từ “chịu khó”, thì về sau, vĩnh viễn sẽ không bao giờ bị khó chịu.
Qua những lời đức Phật dạy trong kinh, nếu mình không chịu nỗ lực ngay bây giờ, dĩ nhiên có nhiều kỹ năng để phóng thích, hoá giải nỗi khổ niềm đau, mà cứ mong đức Phật phò hộ, độ trì thì nguồn gốc khổ đau của sanh tử khó có thể giải quyết được.